Ngày 06-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự sống lại và hôn nhân ở đời sau
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:31 06/11/2019

Chúa Nhật XXXII Thường Niên C
2 Mc 7,1-2,9-14; 2 Th 2,15-3,5; Lc 20,27-38

1- Vấn nạn về sự sống mai hậu

Gần cuối năm phụng vụ, chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu là sự sống lại, hướng chúng ta tới cuộc sống mai sau. Đây là chủ đề được con người mọi thời quan tâm, cả những người Do Thái vào thời Chúa Giêsu và cả chúng ta hôm nay. Trong bài Tin Mừng, khi trả lời câu hỏi mà những người Xađốc đặt ra để gài bẫy Chúa Giêsu về người đàn bà có bảy người chồng. Trước hết Chúa Giêsu tái khẳng định rằng có sự sống lại ở đời sau, đồng thời Người điều chỉnh quan niệm méo mó duy vật và thực dụng của phái Xađốc về sự sống lại mai hậu.

Quả thế, hạnh phúc đời sau không phải là sự gia tăng niềm vui trần thế hay là kéo dài sự sống trần thế. Đời sống mai hậu là một đời sống hoàn toàn khác, có một phẩm chất khác như Chúa Giêsu quả quyết: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36).

Ở cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao có sự sống lại sau khi chết khi nói rằng: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy Thiên Chúa của tổ phụ Ápbraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38). Vậy đâu là nền tảng của sự sống lại? Nếu Thiên Chúa được định nghĩa là Thiên Chúa của Ápbraham, Ixaác và Giacóp và là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải của sự chết, thì điều này có nghĩa là các tổ phụ Ápbraham, Ixaác và Giacóp vẫn còn sống ở bên Thiên Chúa, dầu họ đã chết hàng thế kỷ rồi so với lúc mà Thiên Chúa nói với Môsê. Như thế, Thiên Chúa của sự sống là nền tảng cho niềm tin vào sự sống lại của con người. Người là Đấng hằng sống và Người không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Việc Thiên Chúa đã sai Con Một làm người, chịu tử nạn và phục sinh vinh hiển để giải thoát con người khỏi chết và cho họ được sống mãi trong Thiên Chúa là bằng chứng hùng hồn cho sự sống lại mai sau.

2- Vấn nạn về hôn nhân sau khi chết

Một số người giải thích cách sai lầm câu trả lời của Chúa Giêsu cho phái Xađốc, nên đã quả quyết rằng: hôn nhân gia đình sẽ không còn tiếp tục ở trên thiên đàng. Nhưng trong câu trả lời này, Chúa Giêsu bác bỏ quan niệm méo mó mà những người Xađốc trình bày về đời sau, một quan niệm cho rằng thiên đàng đơn thuần là một sự tiếp tục tương quan vợ chồng ở trần gian. Đồng thời Chúa Giêsu mời gọi các đôi vợ chồng phải tái khám phá trong Thiên Chúa sợi dây đã liên kết họ khi ở trần gian.

Chúng ta thử đặt ra vài câu hỏi: phải chăng khi ở trần gian các đôi vợ chồng đã sống với nhau và suốt đời kính sợ Thiên Chúa, nhưng khi chết, những gì thuộc về hôn nhân của họ như tương quan vợ chồng, tình yêu và dây hôn phối… sẽ bị quên lãng hay biến mất để chỉ dành cho tình yêu Thiên Chúa mà thôi? Phải chăng có điều gì đó trái ngược với điều mà Chúa Giêsu đã nói rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, thì loài người không được phân ly?” (Mt 19,6). Nếu Thiên Chúa đã liên kết họ ở trần gian, tại sao Người lại phân ly họ trên thiên đàng? Phải chăng toàn bộ cuộc sống hôn nhân này không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống của họ ở thiên đàng sao?

3- Định mệnh của sự vĩnh cửu

Chúng ta tìm thấy câu trả lời từ chính mạc khải Kinh Thánh về niềm hy vọng này. Đó cũng chính là ước vọng tự nhiên của các đôi vợ chồng. Kinh Thánh quả quyết rằng hôn nhân là “một bí tích,” bởi vì hôn nhân biểu tượng sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5,32). Theo cái nhìn này, làm sao có thể hiểu được nếu hôn nhân sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn ở trên thiên đàng. Hôn nhân không hoàn toàn kết thúc với cái chết, tương quan và sợi dây hôn phối vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng nó được biến đổi, được “thần hóa” nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ đó, nó xóa bỏ những giới hạn, bất toàn của đời sống hôn nhân ở trần gian.

Một cách tương tự, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái hoặc tương quan bạn bè cũng vẫn tiếp tục tồn tại mà không bị quên lãng. Trong lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ cầu hồn, phụng vụ nói rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi.” Chúng ta có thể nói một cách tương tự như thế về hôn nhân, là một phần của đời sống, nó chỉ thay đổi, chứ không mất đi ở đời sau.

Đó là trường hợp của các cặp vợ chồng sống yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời. Nhưng đối với trường hợp những người đã phải trải qua những kinh nghiệm bất đồng và đau khổ trong hôn nhân ở trần gian thì sao? Số phận của họ như thế nào? Phải chăng sợi dây hôn phối vẫn còn sẽ là một sự an ủi hay là lý do gây sợ hãi cho họ? Dựa vào giáo lý của Giáo Hội, chúng ta có thể trả lời rằng: trong thế giới của Thiên Chúa, sự dữ sẽ không còn tồn tại; những khiếm khuyết, sự thiếu thấu hiểu, cả những đau khổ đã làm họ tổn thương sẽ biến mất. Chỉ còn lại tình yêu và những gì tốt lành giữa họ tồn tại.

Các đôi vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thực khi họ được tái kết hợp trong Thiên Chúa và nhờ đó, họ có niềm hạnh phúc và sự viên mãn của sự kết hợp mà họ đã có khi ở trần gian. Nhà thơ Goethe diễn tả điều này trong câu chuyện tình yêu giữa Faust và Margeret: “Chỉ trên thiên đàng, sự kết hợp và niềm hạnh phúc viên mãn giữa hai thụ tạo yêu nhau mới trở thành hiện thực. Đó là điều không thể tìm thấy ở trần gian.” Trong Thiên Chúa, tất cả sẽ hiểu nhau, sẽ được hòa giải và mọi người sẽ tha thứ cho nhau.

Còn đối với trường hợp những người đã kết hôn một cách hợp luật nhiều lần thì sao? Tương quan giữa họ thế nào? Đây chính là trường hợp mà nhóm Xađốc hỏi Chúa Giêsu về bảy anh em lấy cùng một người vợ khi sống (x. Mc 12,18-27). Khi chết ai là chồng của người đàn bà này? Ngay cả trường hợp này, chúng ta phải nhắc lại một điều tương tự: đó là tình yêu đích thực và sự hiến dâng giữa vợ chồng là một điều tốt lành đến từ Thiên Chúa, chúng sẽ không bị biến mất. Nhưng trên thiên đàng không có sự tranh dành, tranh đua và ghen tuông trong tình yêu vợ chồng. Chúng là những giới hạn thuộc bản năng của thụ tạo khi ở trần gian, chúng sẽ biến mất khi ở trên thiên đàng, sẽ được hoàn toàn biến đổi. Họ sống như các thiên thần, được kết hợp nên một với Thiên Chúa và với nhau. Họ sống tình yêu đích thực của Thiên Chúa, nên họ vẫn yêu thương và tôn trọng nhau trong “trời mới đất mới.”

Như thế, cuộc sống hôn nhân ở trần gian là sự chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Trong thế giới đó, ơn gọi và đời sống gia đình sẽ được viên mãn nhờ quyền năng và ân sủng Thiên Chúa. Vì thế, các đôi vợ chồng được mời gọi hãy sống yêu thương và trung tín với nhau khi ở trần gian, để cùng nhau hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Đó là lời hứa và phần thưởng cho những ai sống đời sống gia đình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 06/11/2019

75. Khi con người ta mò mẫm tiến bước trong vũng bùn lầy nhỏ bé thấp hèn, thì có thể nhận rất rõ ràng bản thân mình và tội lỗi của mình, và cũng có thể tìm được báu vật khiêm tốn.

(Thánh Alphonsus de Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:10 06/11/2019
55. CÂU TRẢ LỜI HAY CỦA LÝ HÀI

Bắc phương sứ giả là Lý Hài đi đến nước Lương, Lương Võ đế cùng với ông ta đi du ngoạn các nơi, ngẫu nhiên đi đến chỗ phóng sinh, Võ đế hỏi Lý Hài:

- “Nước nhà của ông cũng có phóng sinh chứ ?”

Lý Hải trả lời:

- “Không bắt và cũng không thả”.

Võ đế mặt lộ nét hổ thẹn.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 55:

Phóng sinh là một hành động nhân đạo, người ta có thể phóng sinh những con chim bồ câu, hay những con chim khác trong những ngày đại lễ để bày tỏ tấm lòng hiếu sinh, nhưng không ai muốn phóng sinh những con người bị mình bắt làm nô lệ: nô lệ lao động, nô lệ tình dục, nô lệ khổ sai…

Có người thích phóng sinh những con vật và tỏ lòng tiếc thương chúng nó, nhưng không thích tha nợ cho người nghèo; có người không thích sát sinh, nhưng lại thích mạt sát và hành hạ người giúp việc thậm tệ; có người thích khuyên bảo người khác làm việc thiện bằng cánh phóng sinh vài con chim én, nhưng đồng thời cũng xúi giục người khác đâm chém chửi bới nhau…

Phóng sinh là một cử chỉ hiếu sinh, nhưng bày tỏ cử chỉ hiếu sinhh bên ngoài thì chỉ là hình nộm mặc áo mà thôi, người tốt kẻ xấu ai cũng có thể làm được.

Có bắt vào thì mới có thả ra, không bắt thì lấy đâu mà thả, cho nên cái triết lý nhân sinh là ở đó: không bắt thì không thả, đó là cách sống an vui tự tại của người Ki-tô hữu vậy.

Không bắt không thả cũng giống như không làm điều xấu thì không hối hận vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đổi mới trong Chúa
Lm Vũđình Tường
18:49 06/11/2019
Khả năng con người quá hạn hẹp khi phải khám phá sức sống của vật thể hữu hình. Nguồn sống vô tận này cung cấp sự sống cho con người, thanh tẩy bầu quí quyển, làm sạch nước đại dương và là nguồn cảm hứng của học hỏi, phỏng theo sáng chế dụng cụ cho con người. Càng ngày càng có nhiều khám phá mới về cuộc sống của vũ trụ. Nhân loại dường như không bao giờ khai thác, học hỏi, hiểu biết cặn kẽ về vật thể hữu hình quanh ta. Chỉ riêng những vấn đề như làm thế nào sống vui hơn, mạnh hơn, giảm bệnh tật và thọ hơn cũng đủ điên đầu các khoa học gia. Vấn đề đời sống hiện tại đã thế, nói đến vấn đề tâm linh, siêu hình còn phức tạp hơn gấp bội. Mọi tranh biện có hay không có sự sống sau cuộc sống này đều là những võ đoán, lí luận riêng của cá nhân. Khối óc con người vất vả phấn đấu đêm ngày mới hiểu được phần nào cách cấu kết, sinh hoạt về cuộc sống hữu hình đời này. Nói về cuộc sống vô hình, cuộc sống đời sau mọi kết luận có hay không có sự sống đời sau chắc chắn là vượt quá giới hạn của khối óc. Đây không phải là vấn đề mới mẻ. Vấn đề cuộc sống trường sinh dường như đồng hành với cuộc sống của nhân loại, còn nhân loại trên mặt đất vấn đề còn được đặt ra, bởi sống và suy luận luôn đồng hành. Con người muốn sống bất tử nhưng khi bàn về bất tử kẻ chấp nhận, người chối bỏ. Cái mâu thuẫn này không có kết thúc chung. Mỗi cá nhân tự chọn niềm tin riêng cho mình. Mọi cố gắng áp đặt niềm tin trên tập thể chỉ là tin cách giả tạo, bởi ai đo được niềm tin tiềm ẩn, sâu kín trong lòng. Dù tin hay không cũng không thể chối bỏ được cuộc sống tâm linh, thần bí trong trong đời. Lãnh tụ các thời đại ước mơ có những người con tài trí, nhưng ước mơ và hiện thực không song hành. Như thế con người đầu hàng trước thế giới thần linh.

Hai nhóm Pharisiêu và Biệt Phái dù bất đồng nhưng họ cấu kết với nhau triệt hạ Đức Kitô. Cả hai đều trọng Luật của Môisen nhưng vì chiến tranh, di dân, ảnh hưởng bởi văn hoá ngoại bang và chức tước bổng lộc nên mỗi nhóm đi theo một đường và cuối cùng chê trách nhau. Nhóm Pharisiêu tự hào về quyền dịch sách Ngũ Thư và tôn trọng truyền thống; nhóm Biệt Phái không chấp nhận truyền thống và chú trọng vào việc lãnh đạo Đền Thờ. Họ kết hợp với nhau vì Đức Kitô chỉ trích họ trong việc phụng thờ và coi luật lệ trọng hơn sự sống. Họ đến hỏi Ngài về sự sống lại. Nhóm Pharisiêu tin có sự sống lại, nhóm Biệt Phái tin chết là hết. Họ không hỏi để tìm hiểu mà hỏi tìm cớ giết Ngài. Đức Kitô vạch cho họ biết cái sai của họ.

Thứ nhất Ngài xác định rõ những ai sống theo đường lối Chúa sẽ được hưởng sự sống đời sau. Sự sống vĩnh cửu trong nước Chúa. Sẽ không còn chết, không còn đau khổ, tang thương.

Thứ hai, nhu cầu vật chất cần thiết cho sự sống của thân xác đời này và nhu cầu cuộc sống tâm linh hoàn toàn khác biệt.

Thứ ba, niềm vui của thân xác đến từ vật chất trần thế; niềm vui tâm linh đến từ tình yêu Chúa. Vì thế cuộc sống trần thế lập gia đình để hỗ trợ nhau, thoả mãn nhu cầu cuộc sống; cuộc sống tâm linh sống bằng tình yêu Chúa và họ không còn thiếu, thèm khát bất cứ điều chi nên không còn nhu cầu đòi hỏi. Tình yêu Chúa ban cho họ cuộc sống vui thoả, không còn thiếu thốn chi.

Thứ tư, Đức Kitô cũng cho họ biết họ sai lầm khi giảng giải Ngũ Thư. Câu chuyện Môisen trông thấy bụi gai cháy và có sự hiện diện của các Tổ Phụ: Abraham, Isaac và Jacob cho biết các Ngài đang sống hạnh phúc trong nước Chúa. Đối với thế giới họ đã chết, đã ra khỏi thế giới nhiều năm trước. Chuyện bụi gai cho biết họ không chết mà chính là từ bỏ thế giới vật chất để vào sống hạnh phúc trong thế giới siêu hình.

Tranh biện về cuộc sống trường sinh không có kết thúc. Còn con người còn có lí luận khác nhau và còn tranh biện. Đức Kitô là Đấng sống lại từ cõi chết. Ngài là Đấng duy nhất có tiếng nói chính đáng nhất trong vấn đề này. Từ chối lắng nghe tiếng của Ngài sẽ không còn tiếng nói nào chính xác hơn, đáng tin hơn bởi tất cả đều là sản phẩm của suy tưởng, lí luận. Thắng hay thua trong việc tranh biện đều không quan trọng. Điều quan trọng là tin vào món quà sự sống trường sinh Đức Kitô hứa ban. Quà này ban cho những ai yêu mến và tin vào Ngài. Nhìn vào giá trị món quà để định giá là cách trẻ em thực hiện. Chúng reo vui khi thích quà tặng, buồn ra mặt khi không thích. Người lớn không nhìn vào giá trị món quà mà nhìn vào tình yêu người tặng quà dành cho. Quà chỉ là biểu tượng của tình yêu. Kitô hữu đón nhận sự sống trường sinh với tất cả lòng yêu mến vì chúng ta không đáng hưởng tình yêu chan chứa của Thiên Chúa nhưng Ngài ban cho vì thế chúng ta đón nhận với tâm tình cảm tạ, khiêm nhường.

Rất có thể cuộc sống trường sinh, hạnh phúc, nhiều ít thế nào ra sao trong tương lai được đo lường bằng niềm tin hiện tại. Tin mãnh liệt sẽ sống tích cực, yêu mến Thiên Chúa và thương tha nhân sẽ hưởng tình yêu Chúa cách nồng nàn. Tin ít hơn, hời hợt hơn sẽ sống đời sống chứng nhân hời hợt hơn và cuộc sống trường sinh cũng nhạt màu. Tin rất ít sẽ đáp trả lại tình yêu Chúa cách lạnh nhạt vì thế sẽ không thể nào hưởng trọn tình yêu Chúa trong cuộc sống mới. Đời sống hiện tại chính là khung sườn, ảnh hưởng đến cuộc sống trường sinh bởi cuộc sống trường sinh là cuộc sống yêu thương. Thiếu yêu thương nơi trần thế sẽ chẳng thể nào hội nhập vào yêu thương cao cả trong nước Chúa.

TiengChuong.org

New life in Christ

It is impossible to learn in depth about all the lives of our physical world; it is much harder to learn about something which is beyond what the eyes can see and the mind can envisage. The question about whether there is a life after death, that the Pharisees and the Sadducees asked Jesus, did not come from their goodwill.

First, the horror of war and the bitterness of living exiled in foreign lands, somehow influenced their way of life, and that affected their way of translating the Law of Moses. Both groups loved Moses and had great respect for the Law, and yet each had its own way of interpreting the Law.

Second, the Sadducees were more on doctrinal. For them the text from the Pentateuch was the main source of interpretation of the law. For the Pharisees, both the Pentateuch and the oral traditions were acceptable. Probably the Romans ruled with brutality, and that made an impact on the Sadducees' way of viewing the reality of our physical death. The Pharisees saw the cruelty of life was man's arrogance. They distrusted men's goodness and turned to God. For them God has the final words: the resurrection, and reward or punishment after death.

Third, the Pharisees claimed that they had the authority to interpret the Law; while the Sadducees controlled wealth and enjoyed positions within the Temple. The chief priest and high priest were Sadducees, and they had the majority of seats in the Sanhedrin. The Sadducees had set aside differences and were united with the Pharisees to harm Jesus because He often attacked their practices in the Temple. Jesus confirmed to the Pharisees and Sadducees that eternal life is given on God's terms.

First, those who followed God's way were judged worthy of eternal life. They died no more but live forever in God's kingdom;

Second, what our physical body needs in this world, and what our spiritual life needs now and in the life to come; are not the same;

Third, physical happiness derives from the material world; spiritual happiness comes from being united with God. Children of this world have marriage for support and fulfilment; children of the next, live in the fullness of God's love. They need nothing else because God's love suffices them.

Fourth, from the Burning Bush experience, Moses implied that the patriarchs: Abraham, Isaac and Jacob although out of this world a long time ago, were not dead, but are now enjoying God's love in God's kingdom.

The mystery of afterlife is an open debate. Jesus himself arose from death and He alone has the authority to talk about it. Anyone who refuses to believe in Him; hits a brick wall. Winning or losing the debate is not important. What counts is to have God's gift. The resurrection is God's free gift given to those who have faith in Jesus. To honour the gift we don't do like children do. They love the gifts that please their eyes. A mature person unwraps the gift differently, that person sees something beyond the gift. The gift is the symbol of one's love for another person. It is the invisibility- the love of the giver- that counts, not the gift itself. We, Christians, receive God's free gift- eternal life- in the same manner. We take it with utmost care because we believe, that we don't deserve the gift, but God chooses to give it to us, and we respond to God's love with a thankful heart.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên văn Tài Liệu Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, Chương V
Vũ Văn An
00:49 06/11/2019
CHƯƠNG V: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG HOÁN CẢI MỚI

“Con ở trong chúng và Cha ở trong Con, để chúng trở nên một cách hoàn hảo” (Ga 17:23)

86. Để cùng đi với nhau, Giáo hội cần một sự hoán cải đồng nghị, một tính đồng nghị của dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ở Amazon. Với chân trời hiệp thông và tham gia này, chúng ta tìm kiếm một nẻo đường giáo hội mới, nhất là trong tính thừa tác vụ và tính bí tích của Giáo hội với khuôn mặt Amazon. Đời sống thánh hiến, hàng ngũ giáo dân và trong số họ các phụ nữ, là những người chủ đạo cũ và mới luôn mời gọi chúng ta bước vào sự hoán cải này.

Tính đồng nghị truyền giáo trong Giáo hội Amazon

a. Tính đồng nghị truyền giáo của tất cả dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

87. “Thượng Hội Đồng” là một hạn từ cổ xưa được Truyền thống tôn trọng; nó chỉ nẻo đường được các thành viên của dân Chúa cùng nhau bước theo; nó nhắc đến Chúa Giêsu, Đấng tự mô tả là “Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14: 6), và nhắc đến sự kiện này: các Kitô hữu, các môn đồ của Người, vốn được gọi là những người cùng nhau bước theo “Đường của Chúa” (Công vụ 9 : 2); trở thành đồng nghị là cùng nhau bước theo “đường của Chúa” (Công vụ 18:25). Tính đồng nghị là cách hiện hữu của Giáo hội sơ khai (xem Công vụ 15) và nó phải là của chúng ta. “Như cơ thể vốn là một và có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể của cơ thể, mặc dù nhiều, nhưng vẫn chỉ là một cơ thể như thế nào, thì Chúa Kitô cũng thế” (1 Cr 12:12). Tính đồng nghị cũng đặc trưng cho Giáo hội của Vatican II, được hiểu là dân Chúa, trong bình đẳng và phẩm giá chung trước tính đa dạng của các thừa tác vụ, các đặc sủng và các việc phục vụ. Nó “chỉ ra cách sống và hành động chuyên biệt (modus vivendi et operandi) của Giáo hội như Dân Thiên Chúa, một Giáo Hội biểu lộ và thi hành một cách cụ thể việc mình là “sự hiệp thông” bằng cách cùng nhau bước đi, cùng đến với nhau trong một tập hợp và trong việc tích cực tham gia của mọi chi thể vào hành động truyền giáo của mình” (...), nghĩa là, “trong tinh thần đồng trách nhiệm và tham gia của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội” (Ủy Ban Thần học Quốc tế [CTI], Tính đồng nghị .., n 6-7).



88. Cùng nhau bước đi, Giáo hội ngày nay cần quay về với kinh nghiệm đồng nghị. Cần tăng cường văn hóa đối thoại, lắng nghe nhau, biện phân tâm linh, đồng thuận và hiệp thông để tìm ra các lĩnh vực và cách thức quyết định chung và đáp ứng các thách đố mục vụ. Vì vậy, đồng trách nhiệm sẽ được phát huy trong đời sống Giáo hội với một tinh thần phục vụ. Điều khẩn cấp là bước đi, đề nghị và nhận các trách nhiệm để vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và các áp đặt độc đoán. Tính đồng nghị là một chiều kích cấu thành ra Giáo hội. Không thể có Giáo hội mà lại không có sự thừa nhận việc thi hành hữu hiệu cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa.

b. Linh đạo hiệp thông đồng nghị dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

89. Giáo hội sống hiệp thông với nhiệm thể Chúa Kitô nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Điều gọi là “Công đồng Tông đồ ở Giêrusalem” (xem Công vụ 15; 2: 1-10) là một biến cố đồng nghị trong đó Giáo hội Tông truyền, trong một thời khắc quyết định của cuộc hành trình, đã sống ơn gọi của mình trong ánh sáng hiện diện của Chúa phục sinh theo quan điểm truyền giáo. Biến cố này được cấu thành trong hình tượng kiểu mẫu của các Thượng hội đồng của Giáo hội và của ơn gọi đồng nghị của Giáo Hội. Quyết định của các Tông đồ, với sự tham dự của toàn thể cộng đồng Giêrusalem, là công trình của hành động Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn đường đi của Giáo hội, bảo đảm lòng trung thành của Giáo Hội đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu: “điều xem ra tốt đẹp đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi” (Công vụ 15:28). Toàn bộ cộng đồng đã tiếp nhận quyết định và biến nó thành của riêng mình (Công vụ 15:22); sau đó, cộng đồng Antiôkia cũng làm như vậy (Công vụ 15: 30-31). Trở nên “đồng nghị” thực sự là tiến bước trong hòa hợp dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.

90. Giáo hội tại Amazon được kêu gọi bước đi trong việc thực hiện biện phân, vốn là trung tâm các diễn trình và biến cố đồng nghị. Đây có ý nói đến việc xác định và bước theo, trong tư cách Giáo hội, nẻo đường phải đi theo để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa - qua việc giải thích thần học về các dấu chỉ thời đại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Việc cộng đoàn cùng biện phân cho phép người ta khám phá ra lời kêu gọi mà Thiên Chúa đã gióng lên trong mọi tình huống lịch sử chuyên biệt. Phiên họp này là một khoảnh khắc ân sủng để thực hiện việc lắng nghe nhau, đối thoại chân thành và biện phân cộng đồng vì lợi ích chung của dân Chúa ở Vùng Amazon và sau đó, trong giai đoạn thực thi các quyết định, để tiếp tục bước đi dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng nhỏ, các giáo xứ, Giáo phận, Tòa Đại diện, các “giám hạt” (prelacies) và trong toàn khu vực.

c. Hướng tới một phong cách sống và làm việc theo kiểu đồng nghị ở vùng Amazon

91. Chúng ta muốn thực thi, một cách táo bạo theo kiểu tin mừng, những nẻo đường mới trong đời sống của Giáo hội và việc Giáo Hội phục vụ một hệ sinh thái toàn diện ở Amazon. Tính đồng nghị đánh dấu một phong cách sống hiệp thông và tham gia trong các Giáo hội địa phương, mà đặc điểm là sự tôn trọng phẩm giá và sự bình đẳng của mọi người nam nữ đã chịu Phép rửa, sự bổ túc cho nhau của các đặc sủng và các thừa tác vụ, sự hài lòng của các cuộc gặp gỡ trong các cộng đồng để cùng nhau biện phân tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Thượng hội đồng này cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về cách lên cơ cấu cho các Giáo hội địa phương ở mỗi vùng và quốc gia, và tiến bước trong một cuộc hoán cải đồng nghị nhằm chỉ ra những nẻo đường chung trong việc truyền giảng tin mừng. Luận lý học Nhập thể dạy rằng Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, tự gắn bó với những con người sống trong “các nền văn hóa riêng của các dân tộc: (AG 9) và Giáo hội, dân Chúa được lồng vào giữa các dân tộc, có vẻ đẹp của một khuôn mặt đa dạng, bởi vì bắt nguồn từ nhiều nền văn hóa khác nhau (EG 116). Điều này được thực hiện trong cuộc sống và sứ mệnh của các Giáo hội địa phương tại mỗi “lãnh thổ xã hội văn hóa vĩ đại” (AG 22).

92. Một Giáo hội có khuôn mặt Amazon cần các cộng đồng của mình được thấm nhuần tinh thần đồng nghị, được hỗ trợ bởi các cơ cấu tổ chức phù hợp với năng động tính này như các cơ chế “hiệp thông” chân thực. Các hình thức thực hành tính đồng nghị rất đa dạng; chúng phải được phân quyền ở các bình diện khác nhau (giáo phận, khu vực, quốc gia, hoàn vũ) tôn trọng và chú ý đến các diễn trình địa phương, nhưng không làm suy yếu mối liên kết với các Giáo hội Chị em và với Giáo hội hoàn cầu. Các hình thức tổ chức để thực hành tính đồng nghị có thể đa dạng; chúng thiết lập ra sự đồng bộ giữa việc hiệp thông và việc tham gia, giữa tính đồng trách nhiệm và tính thừa tác của tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến sự tham gia hữu hiệu của giáo dân trong việc biện phân và đưa ra quyết định, đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ.

Những nẻo đường mới cho tính thừa tác giáo hội

a. Giáo Hội thừa tác và thừa tác vụ mới

93. Sự đổi mới của Công đồng Vatican II đặt giáo dân vào trung tâm Dân Thiên Chúa, trong một Giáo hội hoàn toàn có tính thừa tác, một dân có nền tảng cho căn tính và sứ mệnh của mỗi Kitô hữu trong bí tích Rửa Tội. “Hàng ngũ giáo dân là các tín hữu, nhờ Bí tích Rửa tội, được tháp nhập vào Chúa Kitô, tạo thành Dân Thiên Chúa và, qua cách này, trở thành những người tham gia vào các chức vụ (munus) linh mục, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, để họ thực hiện vai trò của mình trong sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo, trong Giáo hội và trong thế giới” (LD 31). Sinh ra từ mối quan hệ tay ba này, với Chúa Kitô, Giáo hội và thế giới, là ơn gọi và sứ mệnh của hàng ngũ giáo dân. Nhằm tiến tới một xã hội công bằng và liên đới để chăm sóc “ngôi nhà chung”, Giáo Hội ở Amazon muốn biến hàng ngũ giáo dân thành các tác nhân ưu tuyển. Việc thủ diễn của họ, đã và đang rất quan trọng, cả trong việc phối hợp các cộng đồng giáo hội, trong việc thi hành các thừa tác vụ, cũng như trong cam kết tiên tri của họ trong một thế giới bao gồm mọi người, một cam kết có chứng tá thách thức chúng ta nơi các vị tử đạo của nó.

94. Như biểu thức của tính đồng trách nhiệm nơi mọi người đã chịu Phép Rửa trong Giáo hội và việc thực thi cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể Dân Thiên Chúa, các hội đồng và công đồng mục vụ đã phát sinh trong mọi phạm vi của Giáo hội, cũng như các nhóm phối trí các việc phục vụ mục vụ khác nhau được ủy thác cho hàng ngũ giáo dân. Chúng ta thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường và mở rộng các lĩnh vực để giáo dân tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, bất kể là tham khảo ý kiến hay đưa ra các quyết định.

95. Mặc dù sứ mệnh trong thế giới là nhiệm vụ của tất cả những người đã chịu Phép Rửa, Công đồng Vatican II vẫn đã làm nổi bật sứ mệnh của hàng ngũ giáo dân: “Niềm hy vọng về một Đất mới, thay vì làm giảm, trước nhất phải gia tăng mối quan tâm hoàn thiện trái đất này” (GS 39 ). Điều cấp bách đối với Giáo hội Amazon là các thừa tác vụ dành cho nam giới và nữ giới được cổ vũ và trao tặng một cách công bằng. Các cộng đồng giáo hội truyền giáo nhỏ, những cộng đồng vun sới đức tin, lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau cử hành gần gũi với cuộc sống của người ta, bảo đảm cơ cấu của Giáo hội địa phương, cả ở Amazon. Chính Giáo hội của những người đàn ông và đàn bà đã chịu Phép Rửa là Giáo Hội chúng ta phải củng cố, bằng cách cổ vũ tính thừa tác và nhất là ý thức được phẩm giá rửa tội.

96. Ngoài ra, vị Giám mục, bằng một mệnh lệnh có thời gian cụ thể và khi không có các linh mục trong cộng đồng, có thể ủy thác việc thi hành chăm sóc mục vụ các cộng đồng này cho một người không được phong phẩm cách linh mục, nhưng là một thành viên của cộng đồng. Phải tránh chủ nghĩa vụ lãnh tụ (personalism); do đó, chức vụ này phải là một chức vụ luân phiên. Giám mục sẽ có khả năng thiết lập thừa tác vụ này để đại diện cho cộng đồng Kitô hữu với một ủy nhiệm chính thức qua một hành động nghi lễ để người chịu trách nhiệm cho cộng đồng cũng được công nhận ở bình diện dân sự và địa phương. Linh mục luôn vẫn giữ thẩm quyền và năng quyền của linh mục chính xứ, như là người chịu trách nhiệm cho cộng đồng.

b. Đời sống thánh hiến

97. Bản văn tin mừng – “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi để tôi rao giảng Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4:18) – nói lên xác tín vốn sinh động hóa sứ mệnh của đời sống thánh hiến ở Amazon, được sai đi loan báo Tin mừng bằng cách đồng hành gần gũi với các dân tộc bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và những người xa xôi nhất, khởi đi từ một cuộc đối thoại và công bố có sức làm cho nhận thức sâu sắc về linh đạo trở thành khả hữu. Một đời sống thánh hiến với các kinh nghiệm liên dòng và liên viện có thể ở lại trong các cộng đồng nơi không ai muốn ở và không ai muốn tiếp xúc với, nay có thể học hỏi và tôn trọng văn hóa và ngôn ngữ bản địa ngõ hầu nói chuyện với các cõi lòng người ta.

98. Đồng thời với sứ mệnh góp phần xây dựng và củng cố Giáo hội, nó cũng củng cố và đổi mới đời sống thánh hiến và kêu gọi nó một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc nắm vững yếu tố thuần khiết nhất nơi cảm hứng nguyên ủy của nó. Nhờ vậy, chứng tá của nó sẽ có tính tiên tri và là nguồn của những ơn gọi tu trì mới. Chúng ta đề nghị mạnh dạn dấn thân vào một đời sống thánh hiến với bản sắc Amazon, bằng cách củng cố các ơn gọi bản địa. Chúng ta ủng hộ việc lồng người thánh hiến và việc luân hành (itinerancy) của họ bên cạnh những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất. Các diễn trình đào tạo phải bao gồm việc tập chú vào tính liên văn hóa, hội nhập văn hóa và đối thoại giữa các nền linh đạo và vũ trụ quan Amazon.

c. Sự hiện diện và thời khắc của phụ nữ

99. Giáo hội ở Amazon muốn mở rộng các lãnh vực để có sự hiện diện của phụ nữ nhiều hơn trong Giáo hội (EG 103). “Chúng ta không nên giảm thiểu sự cam kết của phụ nữ trong Giáo hội, nhưng hãy cổ vũ sự tham gia tích cực của họ vào cộng đồng giáo hội. Nếu để mất phụ nữ trong chiều kích toàn bộ và thực chất của họ, thì Giáo hội tự phơi mình cho tình trạng vô sinh” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cuộc Gặp gỡ hàng Giám mục Ba Tây, Rio de Janeiro, ngày 27 tháng 7 năm 2013).

100 Kể từ Công đồng Vatican II, Huấn quyền của Giáo hội đã nêu bật vị trí đặc biệt của phụ nữ trong Giáo Hội: “Giờ đang đến, giờ đã đến, trong đó ơn gọi của người phụ nữ được chu toàn trọn vẹn; giờ khắc trong đó người phụ nữ có được một ảnh hưởng trên thế giới, một tầm quan trọng, một sức mạnh chưa bao giờ đạt được cho đến bây giờ. Do đó, vào thời điểm này trong đó nhân loại đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc đến như vậy, những người phụ nữ tràn đầy tinh thần Tin Mừng có thể giúp đỡ rất nhiều để nhân loại không thất bại” (Thánh Phaolô VI, 1965; AAS 58, 1966, 13-14).

101. Sự khôn ngoan của các dân tộc có tổ có tiên khẳng định rằng Mẹ Đất có khuôn mặt nữ tính. Trong thế giới bản địa và phương Tây, phụ nữ là người làm việc trong nhiều phương diện, trong việc dạy dỗ con cái, trong việc truyền tải đức tin và Tin Mừng, họ là một sự hiện diện có tính chứng ngôn và đầy trách nhiệm trong việc phát huy nhân bản, vì vậy người ta yêu cầu tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe, họ được tham khảo và tham gia vào việc ra quyết định và, nhờ cách này, có thể đóng góp vào tính đồng nghị của giáo hội một cách đầy nhậy cảm. Chúng ta đánh giá cao “chức năng của phụ nữ, thừa nhận vai trò căn bản của họ trong việc hình thành và liên tục của các nền văn hóa, trong linh đạo, trong các cộng đồng và gia đình. Điều cần thiết là họ được đảm nhận một cách mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo của họ ở trung tâm Giáo hội, và Giáo Hội nhìn nhận và cổ vũ họ, củng cố sự tham gia của họ vào các hội đồng mục vụ của các giáo xứ và giáo phận, và ngay cả trong các cơ quan cai quản.

102. Đứng trước thực tại phụ nữ đang đau khổ, là nạn nhân của bạo lực thể xác, tinh thần và tôn giáo, bao gồm cả việc diệt nữ (femicide), Giáo hội tự đặt mình vào thế bảo vệ quyền lợi của họ và công nhận họ là những người chủ đạo và bảo vệ sáng thế và “ngôi nhà chung”. Chúng ta nhìn nhận tính thừa tác mà Chúa Giêsu vốn dành cho phụ nữ. Cần phải kích thích việc đào tạo phụ nữ trong việc nghiên cứu Thần học Kinh thánh, Thần học hệ thống, Giáo Luật, đánh giá cao sự hiện diện của họ trong các tổ chức và việc họ lãnh đạo trong và ngoài lãnh vực giáo hội. Chúng ta muốn tăng cường liên hệ gia đình, nhất là đối với các phụ nữ di dân. Chúng ta bảo đảm chỗ đứng của họ trong các lĩnh vực lãnh đạo và huấn luyện. Chúng ta yêu cầu duyệt lại Tự Sắc của Thánh Phaolô VI, Ministeria Quedam, để các phụ nữ đã được đào tạo và chuẩn bị thoả đáng có thể nhận được các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, và nhiều thừa tác vụ khác sẽ được khai triển. Trong bối cảnh mới của việc truyền giảng tin mừng và mục vụ ở Amazon, nơi phần lớn các cộng đồng Công Giáo được lãnh đạo bởi phụ nữ, chúng ta yêu cầu tạo ra thừa tác vụ thiết lập (instituted ministry) “nữ giám đốc cộng đồng” và thừa nhận thừa tác vụ này trong việc thay đổi các nhu cầu truyền giảng tin mừng và chăm sóc cộng đồng.

103. Trong nhiều cuộc tham khảo được thực hiện ở khu vực Amazon, vai trò căn bản của nữ tu sĩ và nữ giáo dân đã được công nhận trong Giáo Hội Amazon và các cộng đồng của nó, vì nhiều việc phục vụ mà họ đã thực hiện. Trong một số lượng lớn các cuộc tham khảo vừa nói, chức phó tế vĩnh viễn được yêu cầu ban cấp cho phụ nữ. Vì lý do này, chủ đề cũng đã được trình bày tại Thượng Hội Đồng. Năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã thành lập một “Ủy ban nghiên cứu về chức nữ phó tế”; Ủy ban này mới chỉ đạt được một phần kết quả về thực tại chức phó tế của phụ nữ là như thế nào trong thế kỷ đầu tiên của Giáo hội và các hệ luận của nó đối với ngày nay. Do đó, chúng ta muốn chia sẻ kinh nghiệm và suy tư của chúng ta với Ủy ban và chúng ta chờ đợi kết quả của Ủy ban này.

d. Chức phó tế vĩnh viễn

104. Khẩn cấp đối với Giáo hội Amazon là việc cổ vũ, đào tạo và hỗ trợ các phó tế vĩnh viễn, vì tầm quan trọng của thừa tác vụ này trong cộng đồng. Một cách đặc biệt, vì việc phục vụ giáo hội mà nhiều cộng đồng yêu cầu, nhất là các dân tộc bản địa. Nhu cầu mục vụ chuyên biệt của các cộng đồng Kitô giáo Amazon dẫn chúng ta tới một sự hiểu biết sâu rộng hơn về chức phó tế, một chức vốn đã có từ buổi đầu của Giáo hội, và được phục hồi như một chủ trương tự lập và vĩnh viễn của Vatican II (LG 29, AG 16, OE 17). Ngày nay, chức phó tế cũng phải cổ vũ nền sinh thái toàn diện, phát triển con người, công việc mục vụ xã hội, phục vụ những người gặp phải tình trạng dễ bị tổn thương và nghèo đói, đồng hình đồng dạng họ với Chúa Kitô Phục dịch, biến Giáo Hội thành một Giáo hội nhân hậu, Samaritanô, liên đới và phục dịch (diaconal).

105. Các vị linh mục phải nhớ rằng phó tế là để phục vụ cộng đồng, bởi sự chỉ định và đặt dưới quyền của Giám mục, và các ngài có nghĩa vụ hỗ trợ các phó tế vĩnh viễn và hành động một cách hiệp thông với họ. Phải luôn lưu ý đến việc duy trì các phó tế vĩnh viễn. Điều này bao gồm việc xét ơn gọi theo tiêu chuẩn nhận gia nhập. Các động lực của ứng viên phải hướng về sự phục vụ và sứ mệnh của hàng phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay. Dự án đào tạo được luân chuyển giữa nghiên cứu học thuật và thực hành mục vụ, được nhóm đào tạo và cộng đồng giáo xứ đồng hành, với nội dung và lộ trình thích ứng với từng thực tại địa phương. Điều mong muốn là vợ con của Phó tế tham gia vào diễn trình đào tạo.

106. Ngoài các môn học bắt buộc, chương trình học tập (giảng khóa) để đào tạo hàng phó tế vĩnh viễn phải bao gồm các môn học nhằm cổ vũ đối thoại đại kết, liên tôn và liên văn hóa, lịch sử Giáo hội ở Amazon, cảm giới và tính dục, vũ trụ quan bản địa, sinh thái toàn diện và các môn tổng hợp (transversal subjects) khác vốn đặc trưng đối với thừa tác vụ phó tế. Nhóm các nhà đào tạo sẽ bao gồm các thừa tác viên thụ phong và các giáo dân có khả năng phù hợp với các chỉ dẫn về hàng phó tế vĩnh viễn đã được phê duyệt ở mỗi quốc gia. Chúng ta muốn khuyến khích, hỗ trợ và đích thân đồng hành với diễn trình ơn gọi và việc đào tạo các phó tế vĩnh viễn tương lai tại các cộng đồng ven sông và bản địa, với sự tham gia của các linh mục chính xứ và các nam nữ tu sĩ. Cuối cùng, phải có một chương trình theo dõi để đào tạo liên tục (linh đạo, đào tạo thần học, các chủ đề mục vụ, cập nhật các văn kiện của Giáo Hội, v.v.). dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục.

Còn 1 kỳ
 
Hãy luôn xây dựng nhịp cầu chứ đừng gây hấn
Thanh Quảng sdb
05:15 06/11/2019
Hãy luôn xây dựng nhịp cầu chứ đừng gây hấn

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ triều yết hàng tuần đã mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, để biết truyền đạt một cách tế vi sứ điệp tin yêu, gợi lên một cái nhìn chiêm ngưỡng cho những ai chưa hề nghe biết về Chúa Kitô.
Hãy là những nhịp cầu nối liền những người không tin hoặc có tín ngưỡng khác với chúng ta. Hãy luôn xây dựng những nhịp cầu vươn ra, chứ đừng gây hấn. Đó là lời mời gọi của ĐTC trong buổi triều yết hàng tuần vào thứ Tư hôm nay (6/11) và ngài tiếp tục loạt bài Giáo lý nói về sách Tông đồ Công vụ.
ĐTC đã diễn giải ý của mình từ thư Thánh Phaolô, khi thánh nhân giảng một bài hùng biện về Chúa Kitô cho những người tôn thờ thần vô danh ở thành phố Athens, thủ đô văn hóa của thế giới dân ngoại. Đức Thánh Cha cho hay đó là một thành phố thờ đầy dẫy các thần tượng, thánh Phaolô đã truyền giảng Tin mừng bằng cách mời gọi họ hãy đặt niềm tin của họ vào chân lý sự thật.

Một cuộc mời gọi hoán chuyển
Đức Thánh Cha giải thích rằng, khi Thánh Phaolô thấy có một bàn thờ dành cho một vị thần vô danh thì ngài tuyên bố rằng vị đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa siêu việt của vũ hoàn, đã tỏ mình ra và sai Con của Ngài đến để kêu gọi mọi người hãy hoán cải và trở về với chân lý toàn vẹn.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng lúc thánh Phaolô nói về cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, thì các thính giả (Hy lạp) đang lắng nghe ngài có vẻ mất hứng và bắt đầu chế nhạo phỉ báng Ngài.
Nhưng như Đức Thánh Cha cũng nêu ra rằng việc rao giảng của thánh Phaolô đã mang lại nhiều thành quả trong việc thuyết phục được một số người ở thành Athen, bao gồm ông Dionysius và Damaris tin theo đạo Chúa…

Truyền đạt sứ điệp đức tin
Kết thúc bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha mời các tín hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng truyền đạt một cách tinh tế sứ điệp niềm tin, gợi lên được một cái nhìn chiêm ngưỡng cho những người chưa biết gì về Chúa Kitô, hầu họ được hấp lực bằng một tình yêu sưởi ấm cho những trái tim chai đá cứng cỏi của họ…
 
Giáo Hội Công Giáo ở Úc dành tháng 11 cầu nguyện cho món quà mưa của Chúa
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:53 06/11/2019
Giáo Hội Công Giáo ở Úc dành tháng 11 như một thời gian để cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán làm tê liệt đang ảnh hưởng đến một số khu vực của đất nước. Theo Cục Khí tượng, hạn hán hiện nay là tồi tệ nhất trong 100 năm trở lên, với hầu hết các vùng của các bang miền đông Úc được tuyên bố là bị hạn hán. Nhận lời mời của Hội đồng Giám mục Úc, các giáo xứ, trường học, gia đình và các cộng đồng Công Giáo khác trên khắp đất nước đang được khuyến khích tham gia Chiến dịch Cầu nguyện Quốc gia về Hạn hán.

Về vấn đề này, trong một ghi chú gửi đến Agenzia Fides, Đức Cha Columba Macbeth-Green, thuộc dòng các cha Paolini, Giám mục của Wilcannia-Forbes giải thích: "Những người đang sống ở những nơi có dồi dào, hoặc ít nhất là đủ, nước dường như không nhận thức được sự chịu đựng của hạn hán đang gây ra thêm bao nhiêu khó khăn cho những người trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán: Giáo hội trên khắp nước Úc - giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục - cũng cần phải liên đới với những người đau khổ nhất, cầu nguyện và hỗ trợ thiết thực cho những người cần thiết nhất ".

Đức Giám Mục, đứng đầu một giáo phận bao phủ gần một nửa New South Wales, gồm một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán ở nước này, lưu ý: "Tháng cầu nguyện là một đáp ứng bổ sung cho công việc địa phương đã thực hiện tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Một số dịch vụ của Công Giáo chúng tôi, cùng với các tổ chức tôn giáo, từ thiện và chính phủ khác, đang làm việc đáng chú ý, hỗ trợ người dân có nhu cầu vật chất, cung cấp hỗ trợ tài chính và đáp ứng nhu cầu tâm lý và tinh thần của dân chúng. Nhưng trong bối cảnh Công Giáo, cầu nguyện phải là một phần trong đáp ứng của chúng tôi ".

Đức Giám Mục giải thích, ngay cả Kinh Thánh trình bày những câu chuyện trong đó mưa tượng trưng cho món quà của Chúa dành cho những người đang đau khổ: "Trong thời kỳ hạn hán như chúng ta đang trải qua, chúng ta nên cầu nguyện cho món quà mưa của Chúa, nó sẽ có sức mạnh để làm dịu vùng đất khô cằn của chúng ta và cũng nâng đỡ tinh thần sa ngã của nhiều người”, ngài kết luận.

Source: Agenzia Fides
 
120 Giám Mục Pháp, Phó Tế và giáo dân họp đại hội thường niên
Lê Đình Thông
08:59 06/11/2019
120 vị giám mục Pháp họp đại hội thường niên khóa mùa thu tại Lộ Đức từ thứ ba 5 đến Chúa Nhật 10/11/2019. Đây là phiên họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 3 năm của Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort, tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. Ngài là TGM Reims từ 18/08/2018.

Theo tinh thần công nghị (synodalité) do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, mỗi giáo phận đã đề cử hai giáo dân để trình bầy vấn đề môi sinh. Đây là thời sự nổi bật của nước Pháp hiện nay.

Theo nhật báo La Croix, có 55 nam giáo dân, 49 nữ, 9 linh mục và 4 phó tế vĩnh viễn từng tham gia các sinh hoạt trong lãnh vực chuyển tiếp sinh học (transition écologique) tham dự đại hội.

Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort mời gọi các giáo dân thực thi lời Chúa bằng cách biến đổi cuộc sống hiện nay ngày thêm tốt đẹp. Ngài tuyên bố : ‘‘Trong thời đại hiện nay, nhân loại ý thức về sự giới hạn các tài nguyên.’’ Các giáo dân tham dự đại hội đã tham gia mục vụ sinh học toàn diện (pastorale de l’écologie intégrale). Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort ngỏ ý mong muốn các vị giám mục tiếp cận với các nông gia, các nhà công nghiệp, thảo luận với các nhà khoa học, các triết gia và các nhà thần học về việc chuyển đổi sinh học.

Đại hội còn đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chận nạn lạm dụng tình dục, đồng thời tiếp cận với các nạn nhân. Nhân sĩ Jean-Marc Sauvé, chủ tịch ủy ban độc lập sẽ trình bày về hồ sơ liên hệ và đưa ra các đề nghị cần thiết.

Lê Đình Thông
 
Khí hậu bị đảo lộn tại bán đảo Úc Châu
Thanh Quảng sdb
18:06 06/11/2019
Khí hậu bị đảo lộn tại bán đảo Úc Châu

Năm nay mùa hè nắng ấm như đang bị nhậm chìm vì cái lạnh! Thời tiết nắng ấm đang bị đảo lộn với nhiệt độ tại các thủ phủ chỉ có 14C; nhưng ở một số nơi trên đất liền Úc châu lại nóng cháy tới 40C.
Theo bản tin của News@com.au, giáo sư Bradstock cảnh báo thì nước Úc sẽ trải qua một mùa hè với nạn cháy rừng tồi tệ nhất vì nhiều lý do như sau:
Mùa xuân về nhưng phải hấng chịu làn khí Nam Cực thổi vào lục địa trong những ngày tới làm cho mùa xuân và mùa hè lạnh giá như mùa đông! Nhiệt độ lạnh dưới 10 độ quét qua phía đông nam, với nhiều trận mưa lớn, gió bão, mưa đá và mưa tuyết nữa!

Nhưng đi về phía bắc thì ngược lại với khí nóng sa mạc thổi vào các bờ biển và vào những cánh rừng phía bắc rất nóng đến độ báo động sẽ có nhiều nguy cơ hỏa hoạn.
Bắt đầu thứ Sáu 8/11 tuần này, Melbourne sẽ lạnh buốt lại với nhiệt độ cao nhất là 14C, nhưng tại Brisbane thì khí hậu nóng ấm lên tới 37C.
Theo nhà nghiên cứu khí tượng học Tom Saunders tiên báo khí hậu của đài Sky News cho hay thì tuần này thời tiết mùa đông giá lạnh lại về khắp miền đông nam Australia. Khí lạnh thổi qua và làm cho khí hậu vùng đông nam sẽ rất lạnh vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Nhiệt độ sẽ giảm xuống dưới mức trung bình, có nơi lạnh tới 5 độ hoặc trung bình chỉ có 10 độ.

Thời tiết tại các thủ phủ Adelaide, Melbourne, Hobart và Canberra
Cơn mưa khởi đầu vào ngày thứ Năm ở Adelaide kéo nhiệt độ xuống thấp chỉ có 19C, rồi mưa gió giảm dần, tuy thế thứ Sáu nhiệt độ lại lạnh hơn một chút với nhiệt độ tối đa là 18C và lên xuống khoảng 20C vào cuối tuần và lạnh khoảng 9C...

Tại Melbourne, hôm nay nhiệt độ đang từ 23C sẽ giảm xuống 18C vào thứ Năm với mưa gió và sau đó giảm xuống 14C vào thứ Sáu. Cuối tuần cũng chẳng ấm mà còn lạnh lẽo với nhiệt độ khoảng 11C và xuống thấp 8C vào sáng thứ Bảy.
Nhiệt độ trung bình vào tháng 11 khoảng 22C… riêng tại thành phố Ballarat thì thời tiết còn cóng giá hơn với nhiệt độ chỉ có 11C vào thứ Sáu và xuống thấp hơn cả mùa đông là 5C.
Nhiều thủ phủ và thành phố sẽ có mưa nặng hạt với mật độ mưa khoảng 15mm quanh các bờ biển, nhưng ở phía đông của các tiểu bang mưa lớn có thể lên tới 25 mm.

Cục Khí tượng cảnh báo là thời tiết sẽ khắc nghiệt kể từ thứ Tư với những cơn gió giật mạnh trên khắp bờ biển phía nam và thổi vào các vùng Gippsland.

Tại tiểu bang Tasmania, thủ phủ Hobart nhiệt độ cao nhất là 14C vào thứ Sáu nhưng độ lạnh sẽ xuống thấp đến 5C vào sáng thứ Bảy và sẽ có mưa rào rải rác.
Sẽ có tuyết trên các vùng đất cao ở Tasmania với nhiệt độ xuống thấp khoảng 3C vào thứ Bảy trên đỉnh núi Wellington. Trên đất liền, dãy núi Alps sẽ có gió giật mạnh và khí lạnh từ biển Nam cực thổi về...

Riêng tại Canberra thì nhiệt độ lại không qúa khắc nghiệt, nhiệt độ hôm nay cao nhất là 24C sẽ giảm xuống 17C vào cuối tuần.
Ở Sydney thì thời tiết vẫn còn ấm áp. Vào thứ năm, nhiệt độ có thể nóng khoảng 30C trước khi khí lạnh thổi về vào cuối tuần với thời tiết se lạnh khoảng 21C. Tuy nhiên, vào Chúa Nhật thời tiết sẽ trở lại bình thường với độ cao nhất là 26C.
 
Tổng Giám mục của Tokyo nói: Khó thành công trong việc rao giảng Tin mừng tại Nhật Bản.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
21:23 06/11/2019
Những nỗ lực rao giảng Tin mừng của Giáo Hội Công Giáo cho dân chúng Nhật Bản thường xuyên va chạm với những cản đường, theo Tổng Giám mục Isao Kikuchi của Tokyo, nhưng Giáo hội vẫn đang tìm cách để loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám Mục đã trả lời câu hỏi của Cơ quan Thông tấn Công Giáo về rao giảng Tin mừng tại Nhật Bản, và tại sao việc xâm nhập vào xã hội chính thống Nhật Bản lại rất khó khăn đối với một tôn giáo sống sót sau cuộc đàn áp và diệt chủng tại quốc gia này kể từ năm 1549.

Cuộc phỏng vấn diễn ra ngày 4 tháng 11, chỉ vài tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước này vào ngày 23-26 tháng 11.

Trong xã hội Nhật Bản, thật khó thấy thành công rõ rệt trong các hoạt động truyền giáo. Theo dữ liệu gần đây nhất, khoảng 35% người Nhật tuyên bố Phật giáo là tôn giáo của họ, trong khi khoảng 3-4% tuyên bố tuân thủ Thần đạo hoặc các tôn giáo dân gian có liên quan đến Nhật Bản. Chỉ 1-2% người Nhật tuyên bố Kitô giáo là đức tin của họ, và chỉ khoảng một nửa số Kitô hữu Nhật Bản theo Công Giáo.

“Trước đây, các nhà truyền giáo nước ngoài đã thành công trong việc mở các lớp học, tập hợp người dân thông qua các lớp học tiếng Anh và văn hóa. Tuy nhiên, những điều này đã được thay thế bởi các sáng kiến ​​của các doanh nghiệp.” Giáo dục ngoại ngữ đã chứng tỏ là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua hàng rào văn hóa sau Thế chiến II. Nó đã bị đòi hỏi cho các vị trí được trả lương cao trong kinh doanh và chính trị quốc tế, và chỉ có người nói tiếng mẹ đẻ là một phần nhỏ của dân số. Tuy nhiên, giáo dục tiếng Anh đã trở thành bắt buộc ở hầu hết các trường học. Các lớp học tiếng Anh thường bắt đầu từ lớp một hoặc thậm chí sớm hơn và tiếp tục trong trung học. Ngoài ra, Nhật Bản hiện đang tràn ngập các trường luyện thi ngoại ngữ được gọi là eikaiwa. Eikaiwa có nhân viên người nước ngoài, được dạy với giá rẻ và thường bám sát các cuộc hội thoại và bài học đã được phê duyệt. Tiền lương của họ không cao, và họ có thể khá tốn phí cho khách hàng. Đã có nhiều vụ bê bối ở Nhật Bản liên quan đến các chuỗi eikaiwa quốc gia giữ tiền lương, hủy bỏ hợp đồng mà không cần thông báo, và nói chung là ngược đãi nhân viên của họ.

Kết hợp với sự gia tăng trong giáo dục tiếng Anh bắt buộc, eikaiwa đã giết chết phần lớn cộng đồng, lớp ngoại ngữ nghiệp dư, từng là một hoạt động chính của hoạt động truyền giáo Công Giáo. Theo Tổng Giám mục, các trường mang danh Công Giáo của đất nước đang bắt đầu từ bỏ ý tưởng giáo dục văn hóa thông qua việc giảng dạy ngôn ngữ. “Trường Công Giáo có thể là nơi gặp gỡ nhiều người trẻ, nhưng thật không may, ngoại trừ một số người, nó đã không trở thành một nơi cho các hoạt động truyền giáo,” Tổng Giám mục Kikuchi nói.

Các trường học trong lịch sử đã được coi là chỗ đứng vững chắc cuối cùng của đạo Công Giáo trong việc truyền giáo cho người Nhật. Trong khi các giáo xứ thu hẹp với phần còn lại của dân số và tình trạng thiếu giáo sĩ ngày càng trở thành một vấn đề, thì uy tín của trường trung học Công Giáo và đại học Công Giáo đã tồn tại và thậm chí còn mạnh lên ở Nhật Bản kể từ thời Cải cách Meiji.

Từng được đánh giá cao về khả năng tiếp cận giáo dục kiểu phương Tây và giảng viên sinh ở nước ngoài trong thời gian đất nước mới bắt đầu tương tác với thế giới bên ngoài, các trường đại học Công Giáo vẫn rất được tôn trọng ngày nay. Đại học Sophia được biết đến là như một trong những trường đại học tư thục tốt nhất trên toàn quốc, một trong số ít các trường đại học cạnh tranh với các Đại học Quốc gia, đại học của Nhật Bản so với Ivy League. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi nói rằng uy tín đang diễn ra này đã đi kèm với một chi phí khổng lồ. “Trong khi các trường học phải độc lập với chính trị quốc gia, thật không may, chúng bị trói buộc với các khoản trợ cấp từ quốc gia, và do đó, chúng đang dần mất đi tính độc đáo, chỉ danh xưng ‘Công Giáo” còn lại, ngài nói. “Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân hoàn toàn không liên quan đến các trường học.”

Giáo hội tại Nhật Bản cũng đã dành thời gian trong những năm gần đây tham gia vào các dự án cứu trợ thiên tai. “Ngay sau trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, các hoạt động hỗ trợ của Giáo hội tiếp tục được thực hiện thông qua tám trung tâm tình nguyện được thiết lập tại các khu vực bị ảnh hưởng, đã được chấp nhận rộng rãi và làm nhân chứng cho Tin mừng thông qua các công việc thương xót." Thông qua những nỗ lực này, Đức Tổng Giám Mục nói, “Giáo hội ưu tiên làm chứng Tin Mừng trong một cách hữu hình qua những công việc kiên định của thương xót này. Chắc chắn, những hoạt động này không lập tức có thể dẫn đến việc tiếp nhận bí tích rửa tội, nhưng có hy vọng rằng nhiều người bị xúc động bởi tinh thần Tin Mừng sẽ thực sự được dẫn đến Giáo hội.”

Tổng Giám mục Kikuchi nói, công cụ truyền giáo mạnh mẽ thứ hai là dân số Công Giáo từ nước ngoài đã đến và kiếm sống ở Nhật Bản. “Thứ hai, Tin Mừng được rao giảng thông qua sự hiện diện của người Công Giáo từ nước ngoài đã đến Nhật Bản. Đặc biệt, những người đã định cư qua hôn nhân và xây dựng nhà ở vùng nông thôn khiến Tin Mừng có thể được đưa vào những khu vực mà Giáo hội chưa bao giờ có cơ hội tham gia.” Những người nhập cư từ Philippines chiếm một phần lớn trong số những người nước ngoài đến trong những năm gần đây. Người Philippines đang được khai thác cho các công việc như các nhà giáo dục tiếng Anh ở eikaiwa, mẫu giáo, vị trí trợ giảng, và nhiều hơn nữa. Họ là cộng đồng nước ngoài lớn thứ tư tại Nhật Bản. Ước tính có gần 250.000 người Philippines sống và làm việc trên khắp Nhật Bản. Dân số Philippines gần 90% theo Kitô giáo - 86% là người Công Giáo. Người Philippines và gia đình của họ chiếm một phần lớn giáo dân ở Nhật Bản, tham dự đông đảo và hòa nhập vào các cộng đồng tôn giáo ở cả khu vực nông thôn và thành thị. “Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng phải được ưu tiên là khuyến khích những người nước ngoài đã định cư ở Nhật Bản nhận thức được ơn gọi truyền giáo của họ là người Công Giáo.”

Tổng Giám mục Kikuchi tin rằng nó tùy thuôc vào các giáo sĩ thấm nhuần vào người nước ngoài ý thức về linh đạo truyền giáo này. “Chăm sóc mục vụ cho các công dân nước ngoài trong nhà thờ Nhật Bản không chỉ đơn thuần là một dịch vụ để chào đón [khách], mà là một nghĩa vụ để làm cho họ nhận thức được ơn gọi của họ là những người truyền giáo.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Source: Catholic News Agency
 
Nguyên văn Tài Liệu Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, Chương V tiếp theo và hết
Vũ Văn An
21:26 06/11/2019
e. Các lộ trình đào tạo hội nhập văn hóa

107. "Ta sẽ cho các ngươi những người chăn chiên theo lòng Ta” (Grm 3:15). Lời hứa này, vì là của Thiên Chúa, nên có giá trị mọi thời và mọi bối cảnh; do đó, nó cũng có giá trị cho Amazon. Nhắm làm cho vị linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, việc đào tạo thừa tác vụ thụ phong phải là một trường dạy tình huynh đệ, đầy tính cộng đồng, kinh nghiệm, tâm linh, mục vụ và giáo lý, luôn tiếp xúc với thực tại của người dân, hòa hợp với nền văn hóa và lòng đạo địa phương, gần gũi với người nghèo. Chúng ta cần chuẩn bị các Mục tử tốt lành biết sống Tin mừng Nước Trời, biết Giáo Luật, biết cảm thương, giống Chúa Giêsu bao nhiêu có thể, Đấng mà thực hành là làm theo ý muốn của Chúa Cha, được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể và Thánh Kinh, nghĩa là, một việc đào tạo hợp Kinh thánh hơn, theo nghĩa đồng hóa với Chúa Giêsu như Người đã tỏ mình ra trong Tin mừng: gần gũi với người ta, có khả năng lắng nghe, chữa lành, an ủi, kiên nhẫn, không tìm cách yêu cầu nhưng biểu lộ sự dịu dàng của trái tim Chúa Cha.



108. Nhằm cung cấp cho các linh mục tương lai của các Giáo Hội ở Amazon một cuộc đào tạo có khuôn mặt Amazon, được lồng vào và thích nghi với thực tại, được bối cảnh hóa và có khả năng đáp ứng nhiều thách đố mục vụ và truyền giáo, chúng ta đề nghị một kế hoạch đào tạo phù hợp với các thách đố của các Giáo hội địa phương và thực tại Amazon. Nó phải bao gồm, về các nội dung học thuật, các môn học liên quan đến sinh thái toàn diện, thần học sinh thái, thần học sáng thế, thần học bản địa, linh đạo sinh thái, lịch sử Giáo hội ở Amazon, nhân chủng học văn hóa Amazon, v.v. Các trung tâm đào tạo đời sống linh mục và thánh hiến phải được lồng, tốt nhất là, vào thực tại Amazon, nhằm phát huy việc các người trẻ Amazon đang được đào tạo tiếp xúc với thực tại của họ, trong khi họ chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai của mình, do đó bảo đảm rằng diễn trình đào tạo không bị tách khỏi nội dung quan yếu về những con người và nền văn hóa của họ, cũng như cung ứng cho những người trẻ khác không phải người Amazon cơ hội để thực hiện một phần của việc đào tạo của họ ở Amazon, do đó thúc đẩy các ơn gọi truyền giáo.

f. Thánh Thể, Nguồn và đỉnh cao của hiệp thông đồng nghị

109. Theo Công đồng Vatican II, việc tham gia Bí tích Thánh Thể là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu; nó là biểu tượng của tính hợp nhất của Nhiệm Thể; nó là trung tâm và đỉnh cao của toàn bộ cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể chứa đựng toàn bộ thiện ích thiêng liêng của Giáo hội; nó là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ việc truyền giảng tin mừng. Chúng ta hãy lặp lại câu nói của Thánh Gioan Phaolô II: “Giáo hội sống nhờ Bí tích Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistia, 1). Chỉ thị của Thánh Bộ Thờ phượng Thiên Chúa, Redemptoris Sacramentum (2004), quả quyết nhấn mạnh rằng các tín hữu được hưởng quyền cử hành Bí tích Thánh Thể như đã được xác lập trong Sách và Quy tắc Phụng vụ. Tuy nhiên, có vẻ lạ khi nói về quyền cử hành Bí tích Thánh Thể theo những gì được quy định, chứ không nói về quyền căn bản hơn đó là việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể của mọi người: “Trong Bí tích Thánh Thể, sự đầy đủ trọn vẹn đã được hiện thực hóa, và đó là trung tâm quan yếu của vũ trụ, trung tâm tràn đầy tình yêu và sự sống vô tận. Hợp nhất với Chúa Con nhập thể, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể tự nó là một hành động của tình yêu vũ trụ” (LS 236).

110. Cộng đồng có quyền được cử hành, một quyền phát xuất từ yếu tính của Bí tích Thánh Thể và vị trí của nó trong nhiệm cục cứu rổi. Đời sống bí tích là sự tích nhập các chiều kích khác nhau của đời sống con người vào Mầu nhiệm Vượt qua, một mầu nhiệm củng cố chúng ta. Do đó, các cộng đồng sống động đang thực sự lớn tiếng đòi được cử hành Bí tích Thánh Thể. Chắc chắn, đây là điểm đến (đỉnh cao và hoàn hợp) của cộng đồng, nhưng đồng thời, nó cũng là điểm khởi hành: gặp gỡ, hòa giải, học tập và dạy giáo lý, tăng trưởng cộng đồng.

111. Nhiều cộng đồng giáo hội của lãnh thổ Amazon có những khó khăn to lớn trong việc tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Đôi khi, nhiều tháng trôi qua nếu không muốn nói nhiều năm, trước khi một linh mục có thể trở lại một cộng đồng để cử hành Bí tích Thánh Thể, ban Bí tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân cho cộng đồng. Chúng ta đánh giá cao luật độc thân như một quà phúc của Thiên Chúa (Sacerdotalis Caelibatus, 1) bao lâu quà phúc này giúp người môn đệ truyền giáo, được tấn phong vào hàng linh mục, hiến dâng trọn vẹn cho việc phục vụ Dân Thánh của Thiên Chúa. Nó kích thích đức ái mục vụ và chúng ta cầu xin cho có nhiều ơn gọi biết sống đời sống linh mục độc thân. Chúng ta biết rằng kỷ luật này không phải là một đòi hỏi của chính bản chất chức linh mục. . . mặc dù có nhiều lý do thuận tiện với nó” (PO 16). Trong thông điệp của ngài về cuộc sống độc thân của linh mục, Thánh Phaolô VI đã duy trì luật này và đưa ra những lý do thần học, tâm linh và mục vụ ủng hộ nó. Năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về việc đào tạo linh mục, đã xác nhận truyền thống này trong Giáo hội Latinh (PDV 29). Xét rằng sự đa dạng hợp pháp không gây tổn hại cho sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội, nhưng biểu lộ và phục vụ nó (LG 13; OE 6), làm chứng cho sự đa dạng của các nghi lễ và kỷ luật hiện hành, chúng ta đề nghị cơ quan có thẩm quyền thiết lập các tiêu chuẩn và thiên hướng (dispositions) trong khuôn khổ Lumen Gentium 26, để phong chức linh mục cho những người đàn ông thích đáng, được cộng đồng công nhận, vốn có thời gian làm phó tế vĩnh viễn hữu hiệu và nhận được một cuộc đào tạo thích đáng để làm linh mục, có thể có một gia đình ổn định và được thiết lập hợp pháp, để duy trì đời sống của cộng đồng Kitô hữu qua việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích tại những vùng xa xôi nhất của vùng Amazon. Về phương diện này, một số nghị phụ ủng hộ một phương thức phổ quát cho chủ đề này.



Những nẻo đường mới cho tính đồng nghị giáo hội

a. Các cơ cấu đồng nghị vùng trong Giáo Hội Amazon.

112. Phần lớn các Giáo phận, Phủ doãn tông toà và Tòa Đại diện của Amazon có lãnh thổ rộng lớn, ít thừa tác viên thụ phong và thiếu nguồn tài chính, gặp nhiều khó khăn để duy trì sứ mệnh. “Phí tổn Amazon” có những tác động nghiêm trọng đến việc truyền giảng tin mừng. Trước thực tại này, cần phải suy nghĩ lại cách tổ chức các Giáo hội địa phương, suy nghĩ lại các cơ cấu hiệp thông ở các bình diện tỉnh, vùng, quốc gia và cả Toàn vùng Amazon. Do đó, cần phải xác định rõ các vùng đồng nghị và tạo ra các mạng lưới hỗ trợ có tính liên đới. Điều khẩn cấp là phải vượt qua các biên giới địa dư và xây dựng những cây cầu nhằm hợp nhất. Văn kiện Aparecida đã nhấn mạnh rằng các Giáo hội địa phương nên tạo ra các cách liên kết giữa các giáo phận ở mỗi quốc gia hoặc giữa các quốc gia trong một vùng, và nuôi dưỡng một sự hợp tác lớn hơn giữa các Giáo hội Chị em (xem DAp 182). Nhằm một Giáo hội hiện diện, liên đới và Samaritanô, chúng ta đề nghị: sắp xếp hợp lý các vùng địa lý rộng lớn của các Giáo phận, các tòa đại diện và các “giám hạt”; thiết lập một quỹ Amazon để hỗ trợ việc truyền giảng tin mừng; nhạy cảm hóa và kích thích các cơ quan hợp tác quốc tế của Công Giáo để hỗ trợ, ngoài các dự án xã hội, các hoạt động truyền giảng tin mừng.

113. Năm 2015, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục của Thánh Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi đổi mới hiệp thông đồng nghị ở các bình diện khác nhau của đời sống Giáo hội: địa phương, vùng và phổ quát. Giáo hội đang khai triển một cách hiểu biết mới về tính đồng nghị ở bình diện vùng. Dựa vào truyền thống, Ủy ban Thần học Quốc tế cho biết: “Bình diện vùng trong việc thi hành tính đồng nghị là một điều đang diễn ra trong việc tái nhóm họp các Giáo hội đặc thù có mặt trong cùng một vùng: một tỉnh - như đặc biệt xảy ra trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội - hoặc một quốc gia, một lục địa hoặc một phần của nó: (Tài liệu “Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội”, Vatican, 2018, 85). Việc thi hành tính đồng nghị ở bình diện này củng cố các dây liên kết tinh thần và định chế, thúc đẩy việc trao đổi các ơn phúc và giúp lên kế hoạch cho các tiêu chuẩn mục vụ chung. Công việc chung trong mục vụ xã hội của các giáo phận nằm ở biên giới các quốc gia phải được tăng cường để giải quyết các vấn đề chung vượt qua những gì là địa phương, như khai thác người và lãnh thổ, buôn bán ma túy, tham nhũng, buôn người, v.v. vấn đề di cư cần được giải quyết một cách phối hợp bởi các Giáo Hội tại các biên giới.

b. Các trường đại học và các cơ cấu đồng nghị mới của Amazon

114. Chúng ta đề nghị: một trường đại học Công Giáo vùng Amazon được thiết lập dựa trên nghiên cứu liên ngành (bao gồm cả nghiên cứu dã chiến), về hội nhập văn hóa và đối thoại liên văn hóa; nền thần học hội nhập văn hóa đó bao gồm việc đào tạo chung cho các thừa tác vụ giáo dân và việc đào tạo các linh mục, chủ yếu dựa trên Kinh thánh. Các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và mở rộng phải bao gồm các chương trình nghiên cứu về môi trường (kiến thức lý thuyết được xác lập với túi khôn của các dân tộc sống ở vùng Amazon) và các nghiên cứu sắc tộc (mô tả các ngôn ngữ khác nhau, v.v.). Việc đào tạo các giảng viên, việc giảng dạy và sản xuất các tài liệu giáo khoa phải tôn trọng phong tục và truyền thống của người dân bản địa, khai triển tài liệu giảng dạy hội nhập văn hóa và thực hiện các hoạt động mở rộng ở các quốc gia và vùng khác nhau. Chúng ta yêu cầu các trường đại học Công Giáo của Châu Mỹ Latinh giúp đỡ trong việc thiết lập Đại học Công Giáo vùng Amazon và đồng hành với sự phát triển của nó.

c. Cơ chế giáo hội vùng hậu Thượng Hội Đồng cho Amazon

115. Chúng ta đề nghị thành lập một cơ chế giám mục nhằm cổ vũ tính đồng nghị giữa các Giáo hội trong vùng, giúp phác họa ra khuôn mặt Amazon cho Giáo hội này và tiếp tục nhiệm vụ tìm ra những nẻo đường mới cho sứ mệnh truyền giảng tin mừng, đặc biệt bằng cách cơ chế hóa đề nghị sinh thái toàn diện, nhờ thế, tăng cường diện mạo của Giáo hội Amazon. Nó sẽ là một cơ chế giám mục thường trực và có tính đại diện, nhằm cổ vũ tính đồng nghị trong vùng Amazon, ăn khớp với Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), nhưng có cơ cấu riêng của nó, trong một tổ chức đơn giản và cũng ăn khớp với Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (REPAM). Nhờ cách này, nó có thể là máng chuyển hữu hiệu để lãnh thổ của Giáo hội Mỹ Latinh và vùng Caribbean tiếp nhận nhiều đề nghị được nêu ra trong Thượng hội đồng này. Nó sẽ là dây nối kết làm cho các mạng lưới và sáng kiến giáo hội và môi trường xã hội ăn khớp với nhau ở bình diện lục địa và quốc tế.

d. Nghi lễ cho các dân tộc bản địa

116. Công đồng Vatican II đã mở không gian cho tính đa nguyên phụng vụ, “cho các biến thể và thích nghi hợp pháp đối với các nhóm và dân tộc khác nhau” (SC 38). Về phương diện này, phụng vụ phải đáp ứng văn hóa để nó là nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (Xem SC 10) và để nó cảm thấy liên thuộc với các đau khổ và niềm vui của người ta. Chúng ta phải cung cấp câu trả lời có tính Công Giáo chân thực cho kiến nghị của các cộng đồng Amazon muốn được thích nghi phụng vụ, biết đánh giá cao vũ trụ quan bản địa, các truyền thống, các biểu tượng và nghi thức vốn bao gồm các chiều kích siêu việt, cộng đồng và sinh thái.

117.Có 23 Nghi lễ khác nhau trong Giáo Hội Công Giáo, một dấu chỉ rõ ràng cho thấy một truyền thống, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã cố gắng hội nhập văn hóa các nội dung của đức tin và việc cử hành đức tin này qua ngôn ngữ gắn bó nhất có thể với mầu nhiệm người ta muốn bày tỏ. Tất cả các truyền thống này đều có nguồn gốc từ sứ mệnh của Giáo hội: “Các Giáo Hội của cùng một khu vực địa lý và văn hóa đã đến để cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô bằng những biểu thức đặc thù, nói lên đặc điểm văn hóa của họ: trong truyền thống “kho tàng đức tin’, trong tính biểu tượng phụng vụ, trong việc tổ chức hiệp thông huynh đệ, trong cái hiểu thần học về các mầu nhiệm và trong các hình thức thánh thiêng khác nhau”: Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1202; cũng nên xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1200-1206).

118.Điều cần thiết là, trong nỗ lực truyền giảng tin mừng không mệt mỏi của mình, Giáo hội phải làm việc để diễn trình hội nhập văn hóa đức tin được phát biểu theo những cách gắn bó hơn, để nó cũng có thể được cử hành và sống theo các ngôn ngữ riêng của các dân tộc Amazon. Điều cấp thiết là phải thành lập các ủy ban dịch thuật và soạn thảo các bản văn Kinh thánh và phụng vụ bằng các ngôn ngữ riêng của các nơi chốn khác nhau, với các tài nguyên cần thiết, bảo tồn chất thể (matter) của các Bí tích và thích nghi chúng vào mô thức (form), mà không quên điều cốt yếu. Về phương diện này, điều cần là khuyến khích âm nhạc và ca hát, tất cả đều được phụng vụ chấp nhận và cổ vũ.

119. Cơ chế mới của Giáo hội tại Amazon phải thành lập một ủy ban có năng quyền để nghiên cứu và đối thoại, phù hợp với các cách sử dụng và phong tục của các dân tộc có tổ có tiên, việc khai triển một nghi lễ cho người Amazon, có thể phát biểu được gia tài phụng vụ, thần học, kỷ luật và tâm linh Amazon, đặc biệt tham chiếu những gì Lumen Gentium khẳng định cho các Giáo hội Đông phương (x. LG 23). Điều này sẽ được thêm vào các nghi lễ đã có trong Giáo hội, làm phong phú thêm công việc truyền giảng tin mừng, khả năng phát biểu đức tin bằng nền văn hóa riêng của người ta, và chiều hướng tản quyền và hợp đoàn (collegiality) vốn có thể nói lên tính Công Giáo của Giáo Hội. Nó cũng có thể nghiên cứu và đề nghị cách làm phong phú các nghi lễ giáo hội bằng cách thức trong đó các dân tộc này chăm sóc lãnh thổ của họ và tương quan với các nguồn nước của nó.

KẾT LUẬN

120. Chúng tôi kết thúc dưới sự bảo vệ của Đức Maria, Mẹ của Amazon, được tôn kính bằng các tên khác nhau trong toàn vùng. Nhờ sự bầu cử của ngài, chúng ta cầu xin cho Thượng hội đồng trở thành một biểu thức cụ thể của tính đồng nghị, để sự sống viên mãn mà Chúa Giêsu đến để mang đến cho thế giới (x. Ga 10:10) đến với tất cả mọi người, nhất là người nghèo, và góp phần chăm sóc “ngôi nhà chung”. Xin Đức Maria, Mẹ của Amazon, đồng hành với chúng ta; chúng ta dâng hiến cho Thánh Giuse, người giám hộ trung thành của Đức Maria và Chúa Giêsu Con của Đức Mẹ, sự hiện diện giáo hội của chúng ta ở Amazon, Giáo Hội có khuôn mặt Amazon và luôn ra đi truyền giáo.

Bỏ phiếu Tài liệu Cuối cùng

Số đoạnĐồng ý không đồng ý
1. 159 2
2. 165 2
3. 165 4
4. 165 5
5. 164 3
6. 168 1
7. 166 2
8. 168 1
9. 157 9
10. 163 3
11. 161 7
12. 165 2
13. 167 2
14. 159 9
15. 162 7
16. 167 3
17. 169 2
18. 167 3
19. 167 3
20. 169 1
21. 167 0
22. 168 3
23. 166 5
24. 166 7
25. 160 9
26. 170 1
27. 159 8
28. 167 3
29. 168 3
30. 168 2
31. 164 6
32. 167 3
33. 166 5
34. 169 3
35. 163 5
36. 159 10
37. 165 5
38. 163 7
39. 159 12
40. 158 13
41. 167 4
42. 163 6
43. 166 5
44. 153 14
45. 166 4
46. 168 4
47. 165 5
48. 163 5
49. 164 7
50. 164 5
51. 164 6
52. 168 2
53. 166 4
54. 150 17
55. 157 11
56. 158 10
57. 163 7
58. 164 6
59. 168 2
60. 167 3
61. 158 10
62. 161 9
63. 166 4
64. 152 9
65. 166 1
66. 170 1
67. 167 2
68. 161 6
69. 161 7
70. 161 6
71. 166 4
72. 165 3
73. 164 4
74. 162 7
75. 165 4
76. 163 5
77. 162 7
78. 168 4
79. 164 4
80. 165 2
81. 160 9
82. 150 13
83. 152 16
84. 163 7
85. 157 11
86. 167 1
87. 169 1
88. 164 7
89. 171 1
90. 164 5
91. 165 5
92. 166 5
93. 167 6
94. 162 7
95. 158 9
96. 156 14
97. 162 6
98. 162 5
99. 161 2
100. 168 3
101. 165 5
102. 160 11
103. 137 30
104. 162 3
105. 164 8
106. 170 2
107. 169 3
108. 158 11
109. 154 13
110. 156 14
111. 128 41
112. 161 5
113. 160 5
114. 158 11
115. 145 22
116. 147 22
117. 140 27
118. 156 12
119. 140 29
120. 166 2
 
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11: Cầu nguyện cho việc đối thoại ở Trung Đông
Thanh Quảng sdb
23:03 06/11/2019
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11: Cầu nguyện cho việc đối thoại ở Trung Đông

Qua một thông điệp video, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý chỉ cầu nguyện của ngài trong tháng 11 này là cầu nguyện cho cuộc đối thoại liên tôn vì hòa bình ở Trung Đông.
Trong ý cầu nguyện tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho "một tinh thần đối thoại, gặp gỡ và hòa giải ở Trung Đông".
Đây là phong tục mà Đức Thánh Cha dùng để công bố thông điệp video hàng tháng cho ý cầu nguyện của ngài.

Toàn văn ý của ĐTC
Xin cho Trung Đông, có được một sự hòa hợp và đối thoại giữa ba tôn giáo độc thần dựa trên tinh thần và lịch sử.
Tin mừng của Chúa Giêsu, đã vượt xa tình yêu, đến với chúng ta từ vùng đất này.
Ngày nay, nhiều cộng đồng Kitô giáo, cùng với cộng đồng Do Thái và Hồi giáo, cùng nhau chung tay hoạt động cho hòa bình, hòa giải và cảm thông tha thứ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho tinh thần đối thoại, gặp gỡ và hòa giải này được hiển trị tại Trung Đông.
Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của ĐTC nhằm phát động một phong trào “Tông đồ cầu nguyện” được phát triển qua sáng kiến phát tán "Video của ĐTC" nhằm phổ biến cho toàn cầu ý chỉ hàng tháng của Đức Thánh Cha liên quan đến những thách đố mà xã hội chúng ta đang phải đối diện.
 
Một Nữ tu đồng hành cùng các tử tù đến đoạn đầu đài.
Thanh Quảng sdb
23:56 06/11/2019
Một Nữ tu đồng hành cùng các tử tù đến đoạn đầu đài.
Sơ Gerarda Fernandez

Tin từ thông tấn xã Fides Singapore (Agenzia Fides) loan đi ngày 6/11/2019 về một Nữ tu - Mang tình thương xót và tình thương của Chúa đến cho các tử tù: đây là công việc tông đồ của sơ Gerarda Fernandez, 81 tuổi, sơ đã làm việc với các nhà tù ở Singapore với tư cách là một cố vấn tử tù hơn 40 Năm qua cho đến năm 2017. Trong thời gian đó, sơ đã "đồng hành cùng" 18 tử tù, cho đến khi họ bị xử tử. Trước sự ngưỡng phục của Giáo hội địa phương, người nữ tu Công Giáo Singapore này đã được đưa vào danh sách hàng năm do đài BBC công bố là một người nữ trong số 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Sơ Gerarda, sinh năm 1938, nói với Thông tấn xã Fides rằng: "Tôi được sinh ra và lớn lên từ một gia đình coi trọng đức tin và âm nhạc. Chúng tôi đã ca hát và chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Trong các cuộc hội họp và phụng vụ Chúa Nhật, chúng tôi được mời gọi dành trọn tâm trí cho việc cầu nguyện bằng âm nhạc. Ba chị em chúng tôi đều là những nữ tu sống đời thánh hiến".

Trong 40 năm qua sơ tập trung vào việc thăm viếng các tù nhân, những khoảnh khắc mà sơ cho là "đặc biệt", vì được gần gũi với các tử tù trong trại Changi ở Singapore. "Tình yêu của Chúa thôi thúc chúng ta thì vượt xa mọi sự hiểu biết bình thường: đây là một thông điệp mà sơ để lại cho các tử tù".

Nói về công việc của mình, sơ lưu ý: "Hầu hết tất cả những người đối diện với án tử, thường phản kháng lại chương trình của Chúa và tìm cách hủy hoại cuộc sống của họ. Nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã hiện diện và làm thay đổi những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. Đây thực sự là một phép lạ sống của ơn hoán cải và biến đổi trái tim. Thiên Chúa Mục tử tốt lành đã tìm thấy con chiên của mình. Tôi đã có đặc ân được ở bên họ trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của họ".
Sơ Gerarda Fernandez an ủi một tử tù

"Lời kêu xin Chúa đồng hành với những tử tù dễ bị tổn thương này nhắc nhở tôi hàng ngày rằng Chúa yêu thương chúng ta trước" và Ngài trao ban cho họ "ơn chữa lành và tha thứ qua tình yêu của Chúa". Một kẻ đã từng giết người, trước khi bị hành quyết, đã nói với sơ: "Sơ đừng lo cho con vì con biết Chúa yêu con!. Sáng mai con sẽ gặp Chúa mặt đối mặt".

Sơ nói "án tử hình thì rất ghê sợ và tàn nhẫn, nó vô nhân và vi phạm đến quyền sống". "Mỗi cuộc sống là một món quà quý giá, ngay cả khi nó đáng phải phạt. Án phạt và công lý phải là cải tạo và thương xót. Chúng ta đã từng tham gia lên tiếng khắp nơi trên thế giới bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy tìm kiếm một biện pháp thay thế cho án tử hình". Hôm nay, sơ chia sẻ với tâm lòng vui và thỏa mãn phần nào vì "lời cầu xin của chúng ta đã được lắng nghe: Tại Singapore, chính phủ đã tái xét duyệt lại các bản án tử và một số tử tù dù đã bị kết án tử hình, nhưng nay đã nhận được bản án nhẹ hơn…"
Và sơ kết luận bằng một xác tín của Đấng sáng lập Dòng của sơ là Dòng Nữ tử Bác ái của Chúa nhân lành, sơ Maria Eufrasia đã nói: "Mạng sống của một người còn quý hơn cả thế giới". (SD) (Agenzia Fides, 6/11/2019)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chỉ biết sợ Tầu để giữ Đảng
Phạm Trần
21:28 06/11/2019
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN biết sợ Tầu là nhục, nhưng còn hơn nghe dân để mất Đảng.

Tư duy này đã rõ như ban ngày trong cách hành xử ngoại giao và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cả trên đất liền và biển đảo, trước áp lực của Trung Cộng, của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam từ sau 1975.

TỪ THÀNH ĐÔ ĐẾN BIỂN ĐÔNG

Đầu tiên, phải kế đến cam kết Việt Nam không được nhắc lại cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm từ 1979 đến 1989 mỗi khi họp với phía Trung Cộng; Không tổ chức kỷ niệm cuộc chiến này.

Lệnh này được Lãnh đạo tối cao Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình, giao cho Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng Giang Trạch Dân để giao kèo với Đoàn Việt Nam, tại cuộc họp kín ở Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990. Đây là một trong 2 điều kiện để hai nước nối lại bang giao bị gián đoàn vì cuộc chiến biện giới. Điều kiện kia là Việt Nam phải rút quân khỏi chiến trường Cao Miên để xúc tiến giải pháp chính trị cho nước này.

Đòan Việt Nam khi ấy do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cầm đầu, cùng với sự có mặt của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười, và Cố vấn Phạm Văn Đồng.

Tuy nhiên đoàn Việt Nam đã vô cùng thất vọng khi Đặng Tiểu Bình tìm cách tránh gặp như kỳ vọng của phía Việt Nam.

Nạn nhân trực tiếp của Thỏa hiệp bí mật Thành Đô là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương, Thân phụ của Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh), người đạ bị Trung Cộng ép phía Việt Nam loại khỏi Đại hội đảng kỳ VII thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, vì có thái độ chống Tầu

Thứ hai, Việt Nam không được nêu vấn đề Hoàng Sa, đã bị Trung Cộng chiếm ngày 19/01/1974, mỗi khi thảo luận về Biển Đông.

Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 103 tuổi, nguyên Đại sứ tại Trung Cộng từ 1974 đến 1987 là chứng nhân lịch sử của những “nỗi nhục” này trong quan hệ Việt-Trung.

Hai nguyên Tổng Bí thư đảng Lê Khả Phiêu (khóa VIII) và Nông Đức Mạnh (hai Khóa IX và X), những người có trách nhiệm ký và thi hành 3 Văn kiện:

-Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam- Trung Quốc ký ngày 30-12-1999.

- Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, ký ngày 25/12/2000.

- Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, ký 25/12/2000.

phải chịu chung trách nhiệm trước lịch sử cùng với Quốc hội, cơ quan đã nhắm mắt phê chuẩn mà không có bất cứ cuộc duyệt xét hay thảo luận nào, để cho những hệ lụy vẫn đang diễn ra ở Biển Đông.

Thứ ba, mặc cho Việt Nam tranh cãi, nhưng Lãnh đạo Trung Cộng gồm Đảng, Nhà nước và Quân đội vẫn khẳng định các bãi đá, đảo và vùng nước chung quanh là của tổ tiên họ để lại.

Thứ bốn, đảng và nhà nước CSVN cũng nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng lại không dám đánh hay kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế để:

1) Lấy lại Hoàng Sa.

2) Đòi bồi thường khi ngư dân Việt Nam bị tấn công (nhiều khi có người chết và bị mất tài sản); bị ngăn cấm đánh bắt ở Biển Đông;

3) Không dám dùng biện pháp Quân sự để ngăn cản hay chống Trung Cộng đã ngang nhiên đưa Tầu khảo sát dầu khi xâm nhập sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý (lối 370 cây số tính từ bờ biển), như đã xẩy ra trong vụ Hải Dương 981 (HD-981) năm 2014 (từ 2/5 đến 16/07/2014) và Hải Dương 8 (HD-8) ở bãi Tư Chính băm 2019 ( từ ngày 3/7 đến 24/10/2019).

MIỆNG LƯỠI LÃNH ĐẠO

Trong khi đó, tam đầu chế gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phù Nguyễn Xuân Phúc đã không dám chỉ trích đính danh Trung Cộng khi xẩy ra vụ Tư Chính.

Trong hàng Bộ trưởng, duy nhất chỉ có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoai giao Phạm Bình Minh đã công khai chí trích Trung Cộng 1 lần, tại Hội nghị cấp Bộ trường Ngoại giao ASEAN-Trung Cộng lần thứ 52 (AMM-52) ở Bangkok, Thái Lan ngày 31/7 (2019).

Ông Minh được trích lời đã bầy tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Hoa ở khu vực Bãi Tư Chính.

Ông cũng nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, Vương Nghị rằng Trung Hoa đã “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Tuy nhiên, sau đó, trong diễn văn ngày 28/09 (2019) tại Liên Hiệp Quốc, ông Minh lại tránh nói đến Trung Cộng, ngược lại ông chỉ nói chung chung, vô tội vạ rằng:”Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)… Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.”

Nhưng “các bên liên quan” là những Quốc gia nào, ngoài Trung Cộng là nước duy nhất đã và đang “vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam” ?

Đến lượt Đại tướng Bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, cũng không khá hơn. Ông Tướng này cũng không dám nêu tên Trung Cộng là nước đã và đang gây ra bất ổn ở Biển Đông. Ông Lịch nói tại Diễn đàn Hương Sơn (Trung Cộng) ngày 21/10 (2019): ”Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực….Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng...”

Nhưng ai đã gây ra tình hình “phức tạp”, ngoài Trung Cộng ? Tại sao không nói trắng ra cho thế giới biết ? Đoàn Quốc phòng Việt Nam, do tướng Lịch cầm đầu đã không dám bỏ phòng họp khi Thượng tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng, Ngụy Phượng Hòa tuyên bố thẳng thừng trước Hội nghị rằng:” Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Cuộc họp cấp cao của Tổ chức ASEAN (The Association of South East Asia Nations, Hiệp hội các ước Đông Nam Á) tại Bangkok, Thái Lan ngày 03/11/ (2019).

Theo báo Chính phủ Việt Nam, trước hết ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.”

Nhưng về vấn đề trên biển, Ông Phúc lại: ”Đề nghị hai bên cùng kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực… xử lý tốt vấn đề nghề cá và ngư dân; đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế…”

Toàn là những chuyện đầu môi, chót lưỡi viển vông không ăn nhập gì đến những hành động ngang ngược của Hải Dương 8 mà Trung Cộng đã gây ra cho Việt Nam ở bãi Tư Chính, mới chấm dứt 10 ngày trước đó (24/10 (2019).

Thái độ cúi đầu trước Lý Khắc Cường của ông Phúc không lạ, vì trước đó, vào ngày 21/10 (2019), Nguyễn Xuân Phúc cũng ấm ớ hội tề trong báo cáo trước Quốc hội rằng:”Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng.”

Nhưng mà ai, ngoài Trung Cộng, đã “vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam” ? Tại sao ông Phúc lại sợ không dám nói thẳng với Quốc hội và Quốc dân rằng Trung Cộng đã có những vi phạm nghiêm trọng ở Tư Chính ?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ú ớ Diễn văn khai mạc Quốc hội ngày 21/10 (2019). Bà nói:” Tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.”

Vậy ai đã làm cho tình hình Biển Đông “phức tạp”, chẳng lẽ ma nó làm à ?

Thậm chí, người đứng đầu Đảng và Nhà nước là ông Nguyễn Phú Trọng cũng không đả động gì đến chuyện bãi Tư Chính, khi HD-8 vẫn đang hòanh hành trong khu vực.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương đảng kỳ 11, ngày 13/10/2019, ông Trọng chỉ nói mấy chữ:”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Trong khi Thông báo cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ nói rập khuôn: ”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”

Đến ngày 28/10 (2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ra trước Quốc hội báo cáo về tình hình ngoại giao năm 2019, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng Quốc hội lại họp kín. Nhân dân không biết ông Minh đã nói gì với Quốc hội. Báo chí đảng cũng nín thinh như gà mắc dây thun.

Như vậy thì còn trông mong gì ở Quốc hội, Cơ quan quyền lực cao nhất nước, nhưng lại là bù nhìn của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng, một người thân Trung Cộng cầm đấu ?

Cho đến khi Hải Dương 8 tự ý rút về nước ngày 14/10 (2019) vì đã hoàn tất kế hoạch, theo loan báo của Trung Cộng, không ai biết phía Việt Nam đã thi hành những biện pháp bảo vệ biển đảo ra sao.

Chỉ biết rằng, vào ngày 30/10 (2019), trước phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, đã tiết lộ:”Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới.” (theo báo Thanh Niên Online, 30/10/2019)

Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có sáng kiến gì mới không, hay ông cứ ì ra đấy để mặc kệ dân băn khoăn ?

MÃ LAI-PHI-MỸ

Nhưng cũng rất lạ là khi các viên chức Việt Nam, nạn nhận trực tiếp và thường xuyên của Trung Cộng ở Biển Đông, đã níu lưỡi, không dám nêu tên Trung Cộng thì Ngoại trưởng Mã Lai (Malaysia) Saifuddin bin Abdullah đã nhấn mạnh tại cuộc họp của ASEAN vào ngày 2/11 (2019) tại Bangkok, Thái Lan: “Malaysia lo ngại sâu sắc về sự tồn tại của Cục Cảnh sát biển Trung Quốc” trong vùng biển của Mã Lai.

Về phần mình, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cũng nói vào tối ngày 2 tháng 11: “Tự do hàng hải ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của ASEAN”. Ngày hôm sau, tại hội nghị cấp cao ASEAN, 3/11, ông Duterte đã nói thẳng trước mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang):“Trung Quốc cần phải giảm bớt các hoạt động quân sự ở Biển Đông”. (theo báo Nhật, Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản, ngày 3/11 (2019)

Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh Quốc gia Roberts O’Brien cũng công khai chỉ trích Trung Cộng đã xách nhiễu các nước nhỏ ở Biển Đông.

Ông O’sBrien nói trong diễn văn với các Đại biểu ASEAN:” Beijing has used intimidation to try to stop Asean nations from exploiting the offshore resources, blocking access to $2.5tn of oil and gas reserves alone,”

“The region has no interest in a new imperial era where a big country can rule others on a theory that might makes right.”

(Bắc Kinh đã sử dụng hình thức đe dọa để cố gắng ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận nguồn dự trữ dầu khí trị giá 2,5 nghìn tỷ đôla.”

“Khu vực này không hứng thú với một kỷ nguyên đế quốc mới, nơi một quốc gia lớn có thể cai trị những nước khác theo lý thuyết chân lý thuộc về kẻ mạnh.” (VOA tiếng Việt)

Như vậy, có phải hai ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khôn nhà dại chợ, hay hai ông cũng chỉ biết tuân lệnh cúi đầu trước Bắc Kinh để giữ Đảng, theo chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng ? -/-

Phạm Trần

(11/019)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 6/11/2019
VietCatholic Network
20:25 06/11/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 6 tháng 11, 2019.

2- Đức Thánh Cha tiếp Liên hiệp quốc tế các Đại học Công Giáo.

3- Hãng tin Fides phỏng vấn Đức Thánh Cha nhân dịp kết thúc Tháng Truyền giáo Ngoại thường.

4- Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại hang toại đạo Priscilla.

5- Hướng tới kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức Thánh Cha Phanxicô.

6- Xe mui trần Đức Giáo Hoàng sẽ sử dụng tại Thái Lan đã sẵn sàng.

7- Phim vu khống Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bị phê bình.

8- Các Giám mục Hoa Kỳ mời gọi văn minh trong đối thoại.

9- Đông Timor kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng.

10- Giáo hội Philippines kêu gọi giáo dân sống thực tế Ngày Thế giới Người nghèo.

11- Chính quyền Sri Lanka công nhận một nhà thờ Công Giáo là “nơi thánh".

12-Giới thiệu Thánh Ca: Sự Sống Và Sự Chết.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Phản ứng của Giáo Hội Công Giáo tại Anh trước cái chết bi thảm của 39 người Việt Nam.
Giáo Hội Năm Châu
23:23 06/11/2019
Tờ Catholic Herald số ra ngày 5 tháng 11 đã có bài tường trình sau về phản ứng của Giáo Hội Công Giáo tại Anh trước cái chết của 39 người Việt Nam.

Sau khi 39 người được tìm thấy đã chết trong một container ở miền đông nước Anh vào tháng trước, một linh mục Công Giáo đã tham gia vào nỗ lực xác định những nạn nhân này.

Vào ngày 23, thi thể của 8 phụ nữ và 31 người đàn ông được tìm thấy trong một container đông lạnh tại một khu công nghiệp ở Grays, chưa đầy 15 dặm về phía nam thành phố Brentwood trong miền Essex.

Một số nạn nhân vẫn chưa được xác định, nhưng tất cả trong số họ hiện được báo cáo đều là người Việt Nam. Nguyên nhân cái chết cũng chưa được công bố, và việc khám nghiệm tử thi đang được tiến hành.

Một linh mục Công Giáo ở Anh cũng đang làm việc với một số gia đình nạn nhân để tìm ra danh tính của những người này. Cha Simon Nguyễn, một linh mục tại Nhà thờ Holy Name and Our Lady of the Sacred Heart, đã làm việc với hai gia đình nạn nhân, những người quá sợ hãi không dám đưa thông tin của họ trực tiếp đến cảnh sát.

“Tôi hỏi họ nếu anh chị em thấy khó khăn trong việc liên lạc với cảnh sát, anh chị em có thể cho biết chi tiết về người thân của anh chị em và những bạn bè trong container”, ngài nói với ITV News.

Cha Sơn nói thêm: “Họ đã cho tôi biết tên và tất cả các hình ảnh cũng như tất cả các dấu vết trên cơ thể.”

Phát biểu tại một buổi lễ tưởng niệm ngày 2 tháng 11 tại Nhà thờ Holy Name and Our Lady of the Sacred Heart ở phía đông Luân Đôn với hơn 100 người tham dự, cha nói:

Theo một bài trên BBC, ngài nói: “Chúng tôi muốn biểu lộ lời chia buồn và cảm thông đối với những người đã thiệt mạng trên đường đi tìm tự do, nhân phẩm và hạnh phúc của mình,”.

“Chúng tôi cầu xin Chúa chào đón anh chị em này vào vương quốc của Người mặc dù một số trong họ không phải là người Công Giáo nhưng họ cũng tin tưởng mạnh mẽ vào cõi phúc đời sau, vì thế chúng tôi cũng cầu nguyện cho họ.”

Vào ngày hôm sau, cũng tại nhà thờ này, Đức Cha Nicholas Hudson là Giám Mục Phụ Tá của Westminster đã khuyến khích mọi người tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện này.

Nhà thờ Công Giáo St. Thomas of Canterbury ở Grays cũng đã thiết lập một đài tưởng niệm để vinh danh các nạn nhân, theo một tweet ngày 2 tháng 11 từ Giáo phận Brentwood.

Chính phủ Anh và Việt Nam đã bắt giữ hơn mười nghi phạm, và đã bắt đầu nỗ lực xác định những nạn nhân này. Cảnh sát Essex cho biết họ đang làm việc với chính phủ Việt Nam và một số gia đình nạn nhân ở Anh và Việt Nam.

Tại Anh, hai người liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ - Maurice Robinson, người lái xe đầu kéo và Eamonn Harrison, một người 22 tuổi đến từ Ái Nhĩ Lan. Cả hai người này đã bị buộc vào một loạt các hành vi phạm tội bao gồm cả âm mưu buôn người và 39 cáo buộc ngộ sát.

Ronan và Christopher Hughes - hai anh em người Bắc Ireland có liên kết với các ngành vận tải biển – đang bị truy nã với cùng tội danh này.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao của Việt Nam đã mô tả vụ việc là một “thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng”. Họ đang làm việc để khám phá danh tính các nạn nhân và thủ phạm.

Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ tám nghi phạm vì tội buôn người. Họ cho biết các nghi phạm này là thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến việc nhập cư bất hợp pháp. Chính quyền nước này cũng đã thu thập các mẫu DNA để tham khảo với các nạn nhân ở Anh.

“Dựa trên những gì biết được từ các nghi phạm, chúng tôi sẽ tích cực triển khai cuộc điều tra để tận diệt những nhóm đưa người bất hợp pháp đến Anh,” Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói với tờ The Guardian.

“Điều tốt nhất có thể làm bây giờ là đối phó với những hậu quả của vụ việc này và giúp đỡ gia đình các nạn nhân nhận được các thi thể,” ông nói thêm.

Kể từ sau vụ việc, các nhóm Công Giáo và cả các nhóm thế tục đã bày tỏ sự cần thiết phải có chính sách di cư tốt hơn. Maurice Wren, giám đốc điều hành của Hội đồng tị nạn, mô tả vụ việc là đáng trách nhưng có thể phòng ngừa được.

“Đây thực sự là tin tức bi thảm, nhưng là một tin đáng tiếc là có thể dự đoán được và có thể tránh được,” Wren nói.

“Nếu bạn phủ nhận an toàn của con người và các tuyến đường bình thường để tìm sự an toàn, bạn đang khiến cho họ không còn có lựa chọn nào khác hơn là mạo hiểm cuộc sống của mình trong những cuộc hành trình hoàn toàn nguy hiểm và nằm trong tay của các băng nhóm tội phạm.”


Source:Catholic Herald