Ngày 09-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Ba 10/11 – Chúng tôi là đầy tớ vô dụng – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:09 09/11/2020


Phúc Âm: Lc 17, 7-10

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Ðó là lời Chúa.
 
Con Là Thợ Ngài Là Nhà Kiến Trúc
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:32 09/11/2020
Con Là Thợ Ngài Là “Nhà Kiến Trúc”

Cung Hiến Thánh Đường Latêranô – 9.11.2020

Sau “chặng đường thánh giá” gần 300 năm sống chui nhủi như “những con chuột dưới các hang toại đạo”, những người Kitô hữu Rôma chính thức “đường hoàng ngẩng mặt lên trời” mà tuyên xưng Đạo Chúa vào ngày 9.11.324, ngày “Cung Hiến Thánh Đường đầu tiên của Kitô giáo” trong đế quốc Rôma.

Và hôm nay, Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ cử hành “Lễ Kỷ Niệm Ngày Cung Hiến Thánh đường “Mẹ và Đầu” (Mater et Caput) nầy của mọi thánh đường trên thế giới.

Trước hết, ngày lễ nầy nhắc lại một thời điểm quan trọng trong lịch sử Hội Thánh mà đền thờ Latêranô là một chứng tích hùng hồn, rõ nét. Thật vậy, sau hơn 3 thế kỷ bị bách hại, cộng đoàn Giáo Hội mẹ Rôma phải âm thầm sống đức tin dưới các hang toại đạo, ẩn khuất nơi tư gia hoặc các chốn thâm sơn cùng cốc. Mãi cho đến thời hoàng đế Constantino trở lại đạo và ký sắc lệnh Milan(năm 313), các Kitô hữu mới được tự do và công khai biểu lộ niềm tin của mình. Cũng trong thời gian nầy, chính hoàng đế Constantino đã trao tặng một cung điện lộng lẫy trên đồi Coelius tên là Laterano cho Đức Giáo Hoàng Miltiad. Sau đó chính vị Giáo Hoàng nầy đã xây một Đại Thánh đường bên cạnh cũng mang tên Laterano, để rồi, vào ngày 9.11.324, Đức Giáo Hoàng Sylvester 1 đã khánh thành và cung hiến với tước hiệu Chúa Cứu Thế (CHRISTO SALVATORI).

Và cũng kể từ đó, Laterano đã trở thành nhà thờ Chánh tòa của Giám Mục Rôma – hay của Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo La mã, là nơi cư ngụ thường xuyên suốt hơn 1.000 năm của các Đức Giáo Hoàng, (Cho đến thế kỷ 14, Đức Giáo Hoàng Nicolas V mới dời đô về Vatican, cạnh đền thờ Thánh Phêrô cho tới hôm nay). Đây cũng là nơi có giếng rửa tội lâu đời nhất tại Rôma, là địa điểm diễn ra nhiều cuộc họp Công Đồng, trong đó có 5 Công Đồng Chung…

Kể từ ngày được xây dựng và cung hiến tới hơn 16 thế kỷ nối tiếp sau đó, đền thờ Laterano đã bị tàn phá và tái dựng trải qua nhiều biến cố: hỏa hoạn, động đất, các cuộc chiến tranh tàn phá giữa các quốc gia Ý, Anh, Pháp, Đức… Mãi cho đến Ngày 28.4.1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô, và được giữ mãi cho tới hôm nay.

Ngày hôm nay, khi cử hành lễ kỷ niệm Cung Hiến Đền Thờ nầy, chắc chắn Phụng Vụ không chỉ nhằm đến một ý nghĩa lịch sử hoặc “vóc dáng đồ sộ” của ngôi Thánh đường. Bởi chưng, cho dầu đền thờ có to lớn đến đâu, lộng lẫy dường nào, thì cũng chỉ là ngôi nhà bằng đá gạch, ngôi nhà vật chất. Điều Phụng Vụ muốn chuyển tải đến chúng ta chính là ý nghĩa thâm sâu được ẩn chứa nơi tước hiệu của đền thờ: CHÚA CỨU THẾ. Vâng, chính Chúa Giêu-Kitô mới là đền thờ đích thật, như ngài đã ám chỉ trong câu trả lời cho nhóm biệt phái mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này cũng đã được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Quả vậy, chính Đức Kitô đã chấp nhận bị “tiêu hủy” trên đồi Canvê bằng cuộc tử nạn để nhờ đó đã mọc lên bao nhiêu ngôi đền thờ của Thiên Chúa làm nên cộng đoàn Hội Thánh to lớn, lộng lẫy hôm nay. Qua mầu nhiệm nầy, Phụng Vụ cũng gọi mời chúng ta chấp nhận hy sinh, thanh tẩy cuộc đời, mà cuộc thanh tẩy đền thờ Giê-ru-sa-lem của Chúa Giêsu trong Tin Mừng là một nhắc bảo, để mỗi ngôi đền thờ là cuộc đời mình sẽ là những viên đá sống động làm nên Ngôi đền đẹp đẽ của Thiên Chúa, như lời của Thánh Phaolô Tông Đô dạy bảo trong thư gởi giáo đoàn Côrintô nơi bài đọc 2: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”.

Và cụ thể hơn, đó chính là chúng ta biết hằng ngày trân trọng hơn, trung thành hơn trong việc cùng quy tụ nhau trong thánh đường của chính địa phương mình để lắng nghe Lời Chúa, cử hành các bí tích, dâng lời cầu nguyện…, làm sao để nơi đây thật sự tuôn trào sự sống thần linh như chính ngôn sứ Êdêkien đã từng được mặc khải với hình ảnh dòng nước sự sống chảy ra từ đền thờ (BĐ 1).

Tóm lại, cử hành Phụng Vụ hôm nay, thật là cơ hội thuận tiện để chúng ta bắt tay xây dựng lại ngôi đền thờ của chính mình, và từ đó xây dựng ngôi đền thờ giáo xứ và Giáo Hội. Đây là công việc “dài hơi”, đòi hỏi từng giây phút nguyện cầu, từng hy sinh thầm lặng, từng nỗ lực chuyên chăm lắng nghe và thực hành Lời Chúa, từng nghĩa cử bác ái yêu thương phục vụ…

Đó cũng là ý tưởng trong lời cầu nguyện là một bài thơ sau đây của Charles Singer. Bài thơ có tên: “Ngôi thánh đường đời con” (La Cathédrale de ma vie). Xin trích dẫn đôi câu:

Lạy Chúa, Cuộc đời con là một ngôi Thánh Đường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Để vươn lên thật cao quí tôn nghiêm (…)

Lạy Chúa,

Ngôi Thánh Đường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,

Cùng với nhiều biến dạng của thời gian….

Thế nhưng, con mãi mãi vững tin vào sức mạnh,

Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,

Mà tâm nguyện: chỉ nơi Ngài, lạy Chúa,

Ngôi Thánh Đường con sẽ tựa trung kiên,

Để trụ vững giữa đảo điên nhân thế,

Để hiên ngang đứng giữa bể dâu đời.

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu:

Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.

Trương Đình Hiền
 
Cái chết không phải là lời phán quyết cuối cùng
Phêrô Phạm Văn Trung
10:11 09/11/2020
CÁI CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ LỜI PHÁN QUYẾT CUỐI CÙNG

Tháng 11 năm 2020

“Đại dịch khiến tính dễ bị tổn thương của chúng ta xảy ra ngay tại nhà, khiến chúng ta phụ thuộc vào nhau, đem lại món quà chính là sự sống: nó giúp chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, điều gì là đáng kể”.

Việc tưởng niệm các tín hữu đã ra đi đã có lịch sử lâu đời trong Giáo hội - đó là một phần rất lớn trong đức tin chung của chúng ta và trong văn hóa của chúng ta. Một điều gì đó về chuyện này đã được một nhà văn ghi lại như sau: “Những ngày tháng 11 này… khiến tôi nhớ mãi. Những ngày này khiến tôi nghĩ đến nghĩa trang - ít nhất là trong thâm tâm - [và] khiến tôi nhận ra rằng tôi không phải là người trao ban cuộc sống cho chính mình. Chiếc áo choàng cuộc đời tôi được đan dệt bằng tất cả tình cảm và sự dịu dàng của những người không còn ở đây và đó là những người mà tôi nhớ đến” (Dorothee Söelle, Bí ẩn của cái chết).

Khi coronavirus vô hình lây lan, người ta cảm nhận được những tác động của nó ở mọi ngóc ngách của vùng đất này, và ở mọi vùng đất trên toàn cầu. Sức mạnh và sự nguy hiểm của nó khiến chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa: chỉ riêng trên hòn đảo này, nó đã cướp đi sinh mạng của 2.600 người. Cuộc sống bị rút ngắn, những gia đình phải đối mặt với sự bất lực và đau buồn, trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không có sự giúp đỡ bình thường khi có người mất mát, xa cách khỏi gia đình, bạn bè và hàng xóm, đúng theo mọi nghĩa của từ xa cách đó.

Hôm nay là một ngày chúng ta sát cánh cùng nhau, để hỗ trợ, cầu nguyện, và đơn giản - nhưng rất quan trọng - ở bên những người đang đau buồn và mất mát. Đó là khoảnh khắc của tình đoàn kết với những người đã mất đi một người thân yêu; đó là khoảnh khắc của đức tin, và cơ hội để mang lại niềm an ủi và hy vọng mà đức tin mang lại.

Covid-19 với mối đe dọa về cái chết đã tập trung vào một mục đích then chốt trong cuộc sống của con người. Nó cũng có thể thúc đẩy chúng ta tự hỏi liệu các ưu tiên của chúng ta trước đây có bị lệch lạc hay không. Tác động của các ưu tiên mới hiển nhiên ở khắp mọi nơi, được hệ thống hóa trong các nhãn mác mới “thiết yếu” và “không thiết yếu” - mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng xác định được điều gì là “thiết yếu” hay “không thiết yếu”. Cái chết nhanh chóng khiến chúng ta đánh giá lại những gì đang là thiết yếu đối với chúng ta liệu còn đúng giá trị thực sự và quan trọng không. Đại dịch khiến tính dễ bị tổn thương của chúng ta xảy ra ngay tại nhà, khiến chúng ta phụ thuộc vào nhau, đem lại món quà chính là sự sống: nó giúp chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, điều gì là đáng kể.

Đại dịch cũng đã cướp đi bao hy vọng về cuối đời của ta, thay thế sự an ủi, sự gần gũi bằng sự đơn độc, khiến những người thân yêu phải giữ một khoảng cách, quá xa không thể thì thầm lời thương yêu. Nói ra điều này không phải là để giảm thiểu sự đóng góp anh dũng của rất nhiều y tá và bác sĩ làm việc trong các Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt, đã bị đẩy đến giới hạn của họ và hơn thế nữa. Nỗi sợ hãi về việc Covid-19 ngăn cản bạn đến bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, và điều đó có nghĩa là các Thánh lễ an táng có ít người dự hơn và ít được hỗ trợ hơn so với các trường hợp khác trước đây. 'Trực tuyến' không thay thế cho trực tiếp, không thể thay thế cho những cái nắm tay, cho những tiếng nói cùng nhau cất lên trong bài thánh ca và lời cầu nguyện, không thay thế cho sự im lặng chữa lành mà chúng ta mang lấy trong đau buồn. Sự vắng mặt của nhau vào lúc chết thật đau đớn. Việc chịu tang cần đến nhiều giờ đau buồn cùng nhau trong tĩnh lặng, cần đến một đoàn người hàng xóm và bạn bè xuất hiện với những khay bánh.

Chúng ta phải nói gì? Đầu tiên, và quan trọng nhất, trái tim của chúng ta hướng về tất cả những người đã mất người thân trong thời điểm khó khăn này. Thứ hai, chúng ta liên kết bản thân mình với họ bằng cách chia sẻ nỗi buồn và đau đớn của họ, và chúng ta cam kết cầu nguyện và hiện diện cùng với họ. Thứ ba, tưởng nhớ người chết là để tạ ơn họ, vì họ đã ở trong cuộc sống của chúng ta - và vì đó là ân sủng, nhưng cũng để cầu xin lòng thương xót cho họ, và sự tha thứ cho chính chúng ta, bởi vì cái chết để tất cả chúng ta ở lại với “việc làm ăn dang dở, những điều lẽ ra chúng ta đã nên làm hoặc đã nên nói, và "những điều chúng ta đã không thể làm". Tha thứ không chỉ là việc của chúng ta, nó còn là - và cuối cùng là - của Thiên Chúa…. vì rốt cuộc sự tha thứ mang lại sự chữa lành, và đó là công việc của Thiên Chúa. Thứ tư, chúng ta lại cống hiến bản thân mình cho gia đình, cho hàng xóm và bạn bè của chúng ta; chúng ta lại cống hiến cho cuộc sống ở nơi chúng ta chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình và sức khỏe của người khác. Chăm sóc không phải là chọn lựa “hoặc điều này / hoặc điều nọ”, mà là “cả điều này / và điều kia”. Chúng ta cảm tạ vì tất cả sự quan tâm và hỗ trợ này, vì sức mạnh hiền dịu này, vì chứng tá này về Nước Trời, về sự gần gũi và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sự đau khổ và cái chết của Chúa Kitô không phải là lời cuối cùng của Ngài. Đấng bị đóng đinh cũng là Đấng đã sống lại. Sự phục sinh của Ngài và của chúng ta mới là chân trời cuối cùng trên cuộc đời. Vết thương của Ngài vẫn còn; Thập giá không bị gạt sang một bên, thập giá trở thành cây sự sống. Thập giá mang lại cho chúng ta một tầm nhìn mới, đổi mới sức mạnh của chúng ta, đồng thời mang đến niềm an ủi và hy vọng nhờ vào Đấng đã đánh bại cái chết.

Chính vì vậy, cùng với niềm cậy trông, chúng ta hướng về Cha của chúng ta - nguồn gốc của mọi sự sống. Chúng ta trở lại - như Chúa Giêsu đã làm – với lời cầu nguyện, một nguồn suối trong thời kỳ đen tối này. Và chúng ta cầu nguyện cùng tác giả Thánh vịnh - như Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã cầu nguyện - chia sẻ niềm hy vọng và sự tin cậy của các Ngài nơi Thiên Chúa:

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.
Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.
Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
trông cậy CHÚA đi, Ítraen hỡi,
bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Vinh danh Chúa Cha….

((Suy niệm mục vụ của Đức Giám Mục Dermot Farrell, Giáo Phận Ossory)Source: https://zenit.org/2020/11/03/pastoral-reflection-by-bishop-dermot-farrell-remembrance-of-the-dead/?)
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 09/11/2020

19. Khi phán xét đã ập đến trên đầu thì dứt khoác phải thanh toán những chuyện tào lao của con người. Đối với những lời nói dối, chứng dối, ghen ghét, nhơ bẩn, kiêu ngạo, nịnh hót, nói lời sỉ nhục người khác, thì bị phán xét càng trầm trọng hơn.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 09/11/2020
78. BÁN PHÂN NGƯỜI

Một dân nghèo có một hố phân người, kêu người đến bán, ra giá là một ngàn hào, người mua trả giá năm trăm hào, chủ nhân giận dữ nói:

- “Có loại phân rẻ như thế sao? Chẳng lẽ là chó ỉa sao?”

Người mua nói:

- “Lại chưa từng ăn của ông, làm gì mà nóng ruột thế?”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 79:

Tất cả mọi thứ trên đời không gì giá trị cho bằng sự sống của con người, và tất cả mọi thứ trên đời –kể cả hố phân người- đều có thể bán được tiền, nhưng có một thứ kêu bán mà không ai thèm mua, đó là xác chết của con người, nó chỉ có thể bán được khi đã bị đốt thành tro bụi để làm phân bón mà thôi.

Tất cả các loại phân đều có giá trị riêng của nó, cũng như tất cả mọi tài năng và khả năng của con người đều có giá trị của nó, khi chúng ta biết sử dụng đúng với mục đích ích lợi cho tha nhân; nhưng tài năng và khả năng sẽ rẻ như...đống phân nếu chúng ta dùng cách bừa bãi không mục đích hoặc sử dụng cho mục đích xấu của chúng ta.

Người ta sẽ coi thường tài năng và khả năng của chúng ta, nếu chúng ta ỷ vào tài năng để rồi la toáng lên khi có người trả giá rẻ (coi thường), thì cũng giống như anh nhà nghèo kia la toáng lên khi người ta chỉ trả có một nửa giá tiền cho hố phân người của anh ta.

La toáng lên khi bị chỉ trích là thái độ của quỷ kiêu ngạo, nhưng biết dùng tài năng của mình như phân bón cho ruộng đồng hoa màu, thì “giá cả” chắc chắn sẽ phù hợp hơn, nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho chúng ta.

Giá trị của con người là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 32 Quanh Năm 08/11/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 09/11/2020

Bài Ðọc I: Kn 6, 13-17 (Hl 12-16)

"Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó".

Trích sách Khôn Ngoan.

Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước.

Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm. Vì nó chu du tìm kiếm những kẻ xứng đáng với mình, vui vẻ tỏ mình ra cho những kẻ ấy trong các đường lối, và hết sức ân cần đón tiếp họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa

Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.

Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quanh của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.

Xướng: Trên giường ngủ, khi con nhớ Chúa, con ngẫm suy về Chúa suốt năm canh. Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài.

Bài đọc II: 1 Tx 4, 13-14 {hoặc 13-18}

"Nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một với Người".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.

{Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Ðức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi. Vì thế, anh em hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 1-13

"Kia chàng rể đến, hãy ra đón người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng Người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi".

"Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong tầm ngắm của đại đế Tập mọi tôn giáo phải biến mất khỏi Hoa Lục
Emily Nguyễn
02:21 09/11/2020

Như VietCatholic đã đăng tải những chi tiết cụ thể về cuộc bách hại đức tin Kitô tại Hoa Lục trong những bài viết và đoạn phim trước đây, quý anh chị em tín hữu và độc giả khắp nơi hẳn sẽ tự hỏi 'Liệu đây có phải là ác ý của nhà cầm quyền cộng sản tại đây dành riêng cho Thiên Chúa Giáo, hay đây chỉ là một phần của chiến dịch quy mô hơn, nhằm xoá bỏ tận gốc mọi ý thức hệ hữu thần hiện đang tồn tại trên đất nước Trung Quốc?”

Dưới đây là bài tổng hợp được trích dịch từ hai bản tường trình cuả ký giả từ hai hãng truyền thông khác nhau chỉ trong vòng hai ngày. Cả hai cùng tường trình về một âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Trung Cộng nhằm từng bước triệt hạ và xoá sổ hai tôn giáo lớn khác là Hồi Giáo và Phật Giáo. Mời quý anh chị em giáo hữu và độc giả cùng theo dõi sau đây.

Trong bài viết đăng trên Reuters vào ngày 29 tháng Mười vừa qua, ký giả Tử Luân Thiên (Yew Lun Tian, 紫轮天) cho biết, người dân tại xứ sở có truyền thống Phật Giáo lâu đời là Tây Tạng hiện đang đối diện với nguy cơ nhà cầm quyền Trung cộng dùng đặc quyền về kinh tế để kiểm soát và trói buộc người Phật giáo Tây Tạng vào nếp suy nghĩ và giá trị mới mang tính cách Trung Hoa hơn là Tây Tạng truyền thống. Nói cụ thể, Trung Cộng đang dần dà biến những tín đồ Phật tử ngoan đạo trở thành những người công dân hướng về mục đích vật chất hơn là chú trọng vào Phật pháp như trước đây.

Theo ông Thập Ma Thế Đạt (Che Dhala, 什么达拉) chủ tịch của Uỷ Ban Tự Trị Tây Tạng, do bọn cầm quyền dựng lên, là “Tây Tạng vốn có những thói quen xấu do ảnh hưởng của tôn giáo là chuyên nhấn mạnh về đời sau, làm suy giảm hẳn ý muốn hưởng thụ của đời này”

Trưởng làng Sái Thu Đường (Caiqutang, 蔡秋堂),là ông Dekyi Paldron kể rằng, hiện chính quyền Trung Cộng đang đưa ra điều kiện cho những cư dân Tây Tạng nghèo nào muốn dọn vào cư ngụ miễn phí trong các khu dân sinh do nhà nước cung cấp thì không được lập bàn thờ Phật trong nhà, với lý do nếu họ đã được hưởng lợi từ nhà nước vô thần cộng sản thì không được “hai mặt”, và làm thế sẽ” không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của những trẻ em trong gia đình” khi bắt chúng phải bị nhồi nhét vào một phòng ngủ để dành chỗ làm nơi thờ phượng.

Cũng nên biết, Trung Quốc đã xua quân tiến chiếm Tây Tạng và biến quốc gia nhỏ bé này thành một khu tự trị của họ từ năm 1950,. Điều mà Trung Quốc gọi là “ cuộc giải phóng hoà bình” đã khiến cho vị lãnh đạo tinh thần của quốc gia Phật giáo hiền hoà này là Đức Dalai Lama phải chạy sang lánh nạn tại Ấn Độ từ đó tới nay.

Dưới chiêu bài “cắt giảm đóng góp cho tôn giáo” và “đầu tư vào khả năng thu nhập và vào con cái”, nhà cầm quyền Trung Cộng đã ra sức tẩy xoá ý tưởng độc lập về chủ quyền và hình ảnh vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo đáng kính ra khỏi nếp suy nghĩ của người Tây Tạng bằng những khẩu hiệu tuyên truyền treo đầy rẫy khắp nơi, gỡ bỏ hình ảnh Đức Dalai Lama bằng hình ảnh Tập Cận Bình.

Những gia đình sống theo khuôn mẫu do nhà cầm quyền sắp đặt sẽ được gọi là “gia đình 5 sao”, sẽ được khen thưởng và nhận những phần thưởng như bột giặt, khăn tắm v.v..Ngược lại, những ai không tuân thủ, tên tuổi họ sẽ bị bêu riếu và khiển trách trước phiên họp làng. Nhà nước thúc ép người dân Tây Tạng ngưng cầu nguyện với thần Phật mà chỉ nên đóng góp cho đảng bộ và những chương trình đảng đưa ra nếu muốn hưởng tiền trợ cấp của chính quyền địa phương.

Nhận định về chính sách này của nhà cầm quyền Trung Cộng, cô Maya Wang thuộc văn phòng Quan Sát Nhân Quyền tại đây phát biểu: “Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc đưa ra, nhằm ép buộc người Tây Tạng phải thay đổi nếp sống của họ mà đi theo đường lối chính quyền phê chuẩn, chính là một vi phạm về nhân quyền căn bản, gồm cả quyền tự do tư tưởng và tôn giáo của họ”.

Trong bài viết của mình đăng trên trang The Telegraph hôm 31 tháng Mười, phóng viên Sophia Yan vẽ ra một khung cảnh ảm đạm của một tôn giáo khác tại Trung Cộng là Hồi Giáo, nơi cũng đang từng ngày hứng chịu những hệ quả tai hại của chiến dịch đàn áp tôn giáo ngày càng lộ liễu và hung hãn của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.

Nạn nhân mới nhất của chiến dịch này là việc gỡ bỏ mái vòm cũng như những vật phẩm biểu tượng Hồi giáo tại các đền thờ Hồi Giáo khắp nơi, đặc biệt tại tỉnh Gansu, nơi có một trung tâm sinh hoạt tôn giáo nổi tiếng nhất Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “Tiểu thánh địa Mecca”, và được thay thế bằng những biểu tượng hoặc kiến trúc thuần Hoa do nhà nước chỉ định.

Hành động này không khác gì việc gỡ bỏ các tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ Công Giáo mới đây, và có vẻ như là một phần của chủ trương bài trừ tôn giáo có hệ thống, của nhà cầm quyền cộng sản trên diện rộng. Tại Tân Cương (Xinjiang, 新疆) nơi có những trại cải tạo dành để tra tấn, và nhồi nhét lý thuyết cộng sản cho những lao động khổ sai người đạo Hồi thật man rợ, không khác gì những trại tù cải tạo cộng sản dành cho quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hoà sau 1975. Tại đây, những cựu tù đã kể cho phóng viên The Telegraph nghe về cảnh tra tấn bằng roi điện, nhằm ép buộc nạn nhân tuyên hứa sẽ trung thành với đảng cầm quyền, hoặc phải lao động cực khổ với đồng lương chết đói. Các giáo sĩ Hồi Giáo bị buộc phải theo học những khoá đào tạo của nhà nước để bị tẩy não, bắt phải tuân thủ theo chính sách tôn giáo mà họ nói là có “lập trường chính trị đúng đắn”.

Những biện pháp đối xử dã man với những tín đồ trên, đã khiến giới chức ngoại giao quốc tế tỏ ra quan ngại. Cô Christina Scott, phụ tá giám đốc văn phòng ngoại giao vụ Anh Quốc tại đây đã nói:” Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những giới hạn định sẵn cho Hồi Giáo và các tôn giáo khác tại Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng quyền Tự do Tôn giáo hay Đức tin, theo tinh thần Hiến pháp và trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc”.

Để giải thích cho sự ngược đãi và khuynh đảo các tôn giáo một cách trắng trợn tại quốc gia này, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc là giáo sư Dru Gladney thuộc đại học Ponoma cho rằng “Trung Quốc rất lo ngại những ảnh hưởng và thế lực tôn giáo từ bên ngoài”. Giáo sư nói: “khi bạn tuyên bố trung thành với một quyền bính nào không thuộc Trung Quốc là bạn đã trở thành một mối đe doạ cho quyền lực chính trị của họ. Cho nên, dù là Đức Dalai Lama, Đức Giáo Hoàng hay vị lãnh đạo Pháp Luân Công chăng nữa, nhà nước cũng sẽ không cho phép”.

Giáo sư David Stroup thuộc đại học Manchester thì cho rằng, Chủ tịch đảng Tập cận Bình hiện đang tập trung quyền lực và sức mạnh vào tay mình. Họ Tập từng công khai thề nguyền rằng ông ta sẽ “Hán hoá tôn giáo” [*] khi thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” nhằm thiết lập sự ổn định lâu dài về chính trị cho đảng Cộng Sản của ông ta.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng chiến dịch áp bức tôn giáo như thế sẽ trở nên phản tác dụng về lâu về dài vì, như lời giáo sư Gladney cảnh báo: “nó sẽ tạo sự bất mãn nơi các cộng đồng Hồi Giáo, và sẽ thúc đẩy nhiều người tìm kiếm những giải pháp cực đoan hơn nữa”.

[*] https://www.telegraph.co.uk/news/2020/09/28/chinas-xi-jinping-says-happiness-rise-uighur-heartland-face/


Source:Reuters
Source:The Telegraph

 
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Ethiopia và Libya
Thanh Quảng sdb
04:05 09/11/2020
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Ethiopia và Libya

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà chức trách Ethiopia và Libya hãy chọn con đường hòa bình và Đối thoại tại các cuộc hòa đàm đang diễn ra tại Tunis hầu mang lại hòa bình và ổn định cho Libya.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngài lo ngại khi hay tin những giao chiến đang leo thang tại Ethiopia và ĐTC kêu gọi các nhà chức trách hãy “từ khước tham vọng leo thang thêm các cuộc xung đột vũ trang”.

Phát biểu sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi người dân Ethiopia hãy “cầu nguyện và tôn trọng tình huynh đệ để đối thoại và giải quyết các mối bất hòa trong hòa bình”.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha được đưa ra lúc Liên hiệp quốc cảnh báo rằng chín triệu người có nguy cơ phải di dời để tránh các cuộc xung đột đang leo thang ở vùng Tigray ở Ethiopia. Các quan sát viên của LHQ hôm nay cũng cho biết việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp đã ngăn chặn thực phẩm và các khoản viện trợ khác không đến được dân chúng!

Thủ tướng Abiy Ahmed đang thôi thúc một cuộc chiến quân sự mà ông đã công bố vào hôm thứ Tư (4/11/2020), bất chấp lời kêu gọi đối thoại với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) của Liên hiệp Quốc thay cho các cuộc nội chiến. Người Tigrayans đã thống trị nền chính trị Ethiopia trong nhiều thập kỷ cho đến khi ông Abiy nhậm chức vào năm 2018 và gây nên một làn sóng chống đối mạnh mẽ chống lại sự kìm kẹp độc quyền của ông.

Diễn đàn Đối thoại Chính trị cho Lybia

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến niềm hy vọng ổn định cho Libya và ĐTC lưu ý rằng cuộc hòa đàm đầu tiên cho nền Chính trị tại Lybia đang diễn ra, bao gồm các bên giao chiến, đang nhóm họp tại thủ đô Tunis của Tunisia.

ĐTC mô tả cuộc hòa đàm này là một sự kiện quan trọng, ĐTC cho hay: "Tôi thực sự hy vọng rằng trong thời điểm mong manh này, một giải pháp hòa bình hầu chấm dứt những đau khổ triền miên cho người dân Libya là điều quan yếu."

ĐTC bày tỏ hy vọng rằng “mong cho cuộc Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn gần đây được tôn trọng và cụ thể hóa, Đức Thánh Cha mời gọi hãy cầu nguyện cho các đại biểu của cuộc hòa đàm này”.

Cuộc hòa đàm tìm giải pháp chính trị cho Libya (LPDF), một cuộc hòa đàm chính trị nội bộ cho Libya, được tiếp nối những thành quả cuả cuộc hòa đàm Berlin, vào tháng 1 năm ngoái, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bảo đảm...

Những thỏa thuận của cuộc hòa đàm này là những đường hướng giải quyết cho các cuộc bầu cử khác nhau tại nhiều nơi trong khu vực, dựa trên các nguyên tắc hội nhập, những giao kèo về địa lý, chủng tộc, chính trị, các bộ lạc sắc tộc và văn hóa xã hội.
 
Giòng suy tư: Một triều đại Công Giáo ở Hoa Kỳ, có nên vui mừng không?
Trần Mạnh Trác
20:44 09/11/2020
Các vị lãnh tụ tối cao:

Vào năm sau, nếu ông Biden thực sự nhậm chức Tổng thống Hoa kỳ thì, nhìn vào bề ngoài, tất cả các vị lãnh đạo cao nhất cuả quốc gia đều là người Công giaó.

Đứng đầu ngành Hành pháp là Tổng thống Joseph Robinette Biden Jr., con cả cuả một gia đình Công Giáo có gốc rễ từ các xứ kỳ cựu ‘toàn tòng Công gíao’ là Ái Nhĩ Lan, Anh quốc và Pháp. Trước khi vào đại học, dù cho gia cảnh lúc đó khó khăn, gia đình ông vẫn cố gắng để ông được giáo dục trong một trường Công Giáo cuả dòng Norbertines (gốc Anh và Ái nhĩ lan) là Archmere Academy ở Claymont, Delaware và cho tới nay ông vẫn luôn luôn tự hào rằng mình là một người Công Giáo đang thực hành các huấn lệnh cuả Giáo hội.

Ở ngành Lập pháp, vị chủ tịch Hạ viện là bà Nancy Patricia Pelosi cũng là một người ‘đạo gốc’ vẫn còn có ‘giây dưa rễ má’ cuả hai bên ‘nội ngoại’ với các thành phố miền Nam nước Ỳ. Bà lớn lên trong một nền giáo dục Công Giáo từ cấp tiểu học cho tới đại học (Institute of Notre Dame ở Baltimore và Trinity College ở Washington, D.C). Và cũng như ông Biden, bà luôn luôn xưng danh một cách ‘rất ồn ào’ rằng mình là một người Công Giáo ngoan đạo đang thực hành những lý tưởng cuả đạo Công Giáo.

Về Tư pháp, thì người cai quản các toà án liên bang và đứng đầu Toà Án tối cao (Chief Justice of the United States) là ông chánh án John G. Roberts, Jr. Cũng giống như ông Biden, tổ tiên cuả ông có nguồn gốc từ các xứ ‘toàn tòng Công Giáo’ Ái Nhĩ Lan, Anh quốc và Pháp. Ông lớn lên và trưởng thành trong hai trường nội trú Công Giáo là Notre Dame Elementary School và La Lumiere School ở Indiana.

Một điểm cũng nên nhấn mạnh là hiện nay, trong 9 vị thẩm phán cuả Tối Cao Pháp viện, có 6 vị là người Công Giáo.

Với một cục diện như thế, tức là cả 3 ngành Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp đều nằm gọn trong tay những người Công Giáo ‘đạo gốc’, thì chắc chắn đây phải là một ‘triều đại Công Giáo’ ở Hoa kỳ rồi!.. phải không?

Vậy thì vì lý do gì mà nhiều người Công Giáo lại không được vui?

Những điều đáng vui:

Thực ra chúng ta cũng nên vui mừng một chút bởi vì như Chuá đã nói "Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ thì ta cũng sẽ xưng họ ra trước mặt Cha ta ở trên trời “(Mathêu 10:32, 33). Tất cả các vị nói trên đã không quản ngại xưng danh hiệu ‘thiểu số Công Giáo’ của mình ra, trong một môi trường có đa số ‘bài Công Giáo’ là xứ Hoa kỳ này, thì dù cho họ có một ẩn ý gì khác nữa, sự tuyên xưng đó cũng nên được khen ngợi.

Điểm thứ 2 đáng cho chúng ta thông cảm, đó là cương lĩnh cuả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ chỉ xứng hợp khoảng 50% với Công Giáo mà thôi. Đảng Công hoà thì chủ trương phò sự sống, phò gia đình, tự do tôn giáo, còn đảng Dân chủ thì chủ trương phò di dân, giúp đỡ thiểu số, thăng tiến nữ quyền và người đồng tính vv..Cho nên sẽ có cả hai loại đóng góp tích cực và tiêu cực, vậy thì chúng ta cũng không nên quên những diểm tốt lành cuả họ trong những cuộc đời chính trị dai dẳng nhiều chục năm trời, mặc dù đôi khi họ đã có những sai sót đáng phàn nàn.

Những điều đáng buồn:

Trưóc khi đề cập đến những điều đáng phàn nàn cuả 2 vị Công Giáo đảng Dân chủ đã nói ở trên, tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện là nhiều vị Công Giáo Cộng hoà cũng từng bị các giám mục chỉ trích dữ dội, thí dụ như ông Jef Bush, một tân tòng, khi là Thống đốc Florida, cho phép hành quyết 21 tử tù (2015); hoặc như ông Paul Ryan, khi là Chủ tịch Hạ viện, cắt bỏ nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo trong ngân sách 2017. Họ đã bị ‘phản đối mãnh liệt’ bởi Hội đồng Giám mục HK, nhưng cả hai ông vẫn được các giám mục yêu quí cho đến ngày nay, vì sao? Có thể là vì cách mà họ đáp ứng lại những lời chỉ trích.

Ông Jef Bush thì viết rằng “thật là khó khăn khi phải vừa cố gắng sống lý tưởng Công Giáo vừa phải thi hành pháp trị…xin đừng làm cho tôi bối rối nhiều hơn là đã bối rối như bây giờ.” Còn ông Ryan, trả lời vấn đề ngân sách, cho biết “Cũng muốn lắm, nhưng tìm đâu ra tiền đây?”

Có nghiã là, cả hai người vẫn để ngỏ một cánh cửa cho sự thương thảo, nếu không là cửa vật chất thì ít ra cũng là một ‘cánh cửa lòng’.

‘Cửa lòng’ là điều mà bà Pelosi và ông Biden hình như đã không có với Giáo hội trên những vần đề giáo lý về sự sống và hôn nhân.

Về ông Biden:

Vào năm 2008 ông Biden được đề cử làm phó cho ông Obama, ngay sau đó thì Đức Giám Mục ở Scranton PA tuyên bố cấm ông rước lễ vì ông công khai chủ trương phá thai. Ông Biden làm ngơ và tiếp tục lên rước lễ tại giáo xứ Delaware. Các nhóm Công Giáo cấp tiến đã thay mặt ông biện hộ trên chính trường Scranton rằng những chương trình xã hội thì phải được đặt lên trước vấn đề phá thai.

Ông Biden từng có tật nói lắp lúc còn nhỏ, khi lớn lên cái tật ấy vẫn làm cho ông không ăn nói trôi chẩy, nhưng vì có tham vọng cho nên ông thường ‘nói ít nhưng là những điều đáng nói’ nhưng mà trên thực tế thì ông đã nhiều lần vấp phải những sơ hở trái với dự tính.

Trong lúc riêng tư, ông Obama thường than phiền như sau “Cái anh Biden này còn nói nhảm nhí cho đến bao nhiêu lần nữa đây?” ("How many times is Biden gonna say something stupid?") và những nhân viên cuả họ cũng thường nói về ông Biden với một tên lóng là “Joe thả bom” ("Joe bombs"). Ông thường bị giấu giếm về những chiến thuật tranh cử. Điều này làm ông phật lòng và có thể vì thế mà ông lại muốn có một sự ‘đột phá’ nào đó.

Lần tranh cử thứ 2 năm 2012, trong khi ông Obama còn vò đầu với vấn đề hôn nhân đồng tính thì ông Biden làm cho mọi người kinh ngạc khi tuyên bố trên chương trình gặp báo chí “Meet the Press” là ông “tuyệt đối thoải mái” với hôn nhân đồng tính.

Ông Obama đã từng ngần ngại phải làm phật lòng khối Công giaó, nhưng nhờ có một anh ‘Công Giáo’ là Biden đỡ đạn cho, ông ta lập tức làm ra vẻ là phải miễn cưỡng để ủng hộ ‘gà nhà’…

Ngày nay ông Biden rất hãnh diện về thành tích độc đáo này. Không rõ trong tương lai ông sẽ còn tìm kiếm thêm những ‘đột phá’ nào nữa không?

Về bà Pelosi:

Nhưng nếu ông Biden làm tổn thương giáo hội vì những sự ‘lỡ mồm lỡ miệng’ (vô tình cũng như cố ý) thì bà Pelosi lại đập phá giáo hội bằng những ‘giáo lý’ quái gở cuả riêng bà ta.

Bà ủng hộ hôn nhân đồng tính nhiều đến nỗi nhóm LGBT đánh giá những công nghiệp cuả bà với một số điểm hoàn hảo là 100%. Có nghiã là bà đã bỏ phiếu cho luật cuả họ ở mọi nơi mọi lúc.

Bà hãnh diện lắm, cho đó là vì bà đã được hưởng một nền giáo dục Công Giáo hoàn hảo: "Đạo của tôi buộc tôi - và tôi cũng thích điều đó – là phải chống lại sự phân biệt đối xử về bất kỳ sự gì ở nước ta, và tôi coi những luật cấm hôn nhân đồng tính là một hình thức phân biệt đối xử. Tôi nghĩ rằng đó cũng là vi hiến."

Bà chống lại mọi bộ luật giới hạn phá thai, chống việc hình sự hoá đưa một trẻ vị thành niên qua biên giới để phá thai, ủng hộ việc cấp ngân khoản phá thai ở nước ngoài vv..

Vào năm 2008, bà biện hộ rằng:”Giáo hội đã không có thể định nghĩa lúc nào thì sự sống bắt đầu…qua giòng lịch sử cuả giáo hội, cái thời điểm cuả sự thụ thai vẫn còn là một việc tranh cãi..”

Đức Tổng Giám Mục Hồng Y Donald Wuerl cuả Washington, D.C đã lập tức khiển trách bà là sai lầm.

Tháng 2 năm 2009 bà Pelosi đã lên toà giám mục San Francisco để gặp Đức Tổng Giám Mục George Hugh Niederauer và sau đó bà xin hội kiến với Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI để bàn về việc ấy.

Không rõ bây giờ thì ý kiến cuả bà về thụ thai là thế nào, nhưng trước đó vào tháng 1 năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn trên ABC News, bà đã đưa thêm một lý do để ủng hộ các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đó là để giảm chi tiêu cho ngân quĩ cuả Tiểu bang cũng như cuả Liên bang.

...

Qua giòng lịch sử cuả giáo hội, nhiều vua chuá Công Giáo cũng từng làm cho giáo hội phải khốn đốn vì những lý thuyết viễn vông cuả họ, bây giờ là lúc mà các chính trị gia đang thay thế cho các vị vua chuá hồi trước chăng?
 
Tòa Thánh nhận định về Hoa Kỳ sau bầu cử
Vũ Văn An
21:19 09/11/2020

Hai ngày sau khi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles, chính thức thừa nhận chiến thắng của liên danh Biden-Harris, Tòa Thánh, qua ngòi bút xã luận của Gisotti, một cách mặc nhiên, cũng đã thừa nhận chiến thắng ấy nhưng nhấn mạnh tới nhu cầu phải lặp lại sự hợp nhất quốc gia.



Theo CNA, Tổng Giám Mục Gomez viết như sau: “Chúng tôi nhìn nhận rằng Joseph R. Biden, Jr. đã nhận đủ số phiếu để được bầu làm Tổng thống thứ 46 của Hiệp Chúng Quốc. Chúng tôi chúc mừng Ông Biden và nhìn nhận rằng ông tham gia với cố Tổng Thống John F. Kennedy như là tổng thống thứ hai của Hiệp Chúng Quốc trong việc tuyên xưng đức tin Công Giáo”.

Sau đó, Tổng Giám Mục Gomez nhận định rằng “nay là lúc để các nhà lãnh đạo của chúng ta đến với nhau trong tinh thẩn hợp nhất quốc gia và dấn thân vào đối thoại và thỏa hiệp vì thiện ích chung”.

Phần nào dựa vào nhận định ấy, Alessandro Gisotti, có lúc là giám đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, và nay ở trong ban biên tập xã luận của Bộ Truyền Thông, có bài tựa là “Hiệp Chúng Quốc: thách đố hợp nhất sau cuộc bỏ phiếu”, với nội dung như sau, dựa và ấn bản tiếng Anh của VaticanNews:

“Một nhà tự chia rẽ không thể đứng vững”. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1858, Abraham Lincoln, một ứng cử viên Thượng viện vào thời điểm đó, đã phát biểu như thế, lấy cảm hứng từ Tin Mừng của Thánh Máccô (3:25), trong một bài diễn văn nhằm nhấn mạnh rằng nền dân chủ non trẻ của Mỹ không thể chịu đựng được việc một nửa các tiểu bang cho phép chế độ nô lệ. Bài diễn văn đó của vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, được trích dẫn không biết bao nhiêu lần trong một thế kỷ rưỡi qua, vẫn là một huấn thị mãi mãi hiện diện với người dân Hoa Kỳ, được ghi khắc ngay trên con dấu của nó với những hạn từ được các Quốc phụ sáng lập chọn để nhắc nhớ nguyên tắc hợp nhất: E pluribus unum (từ nhiều thành một).

Đó chính là sự hợp nhất, một sự hợp nhất luôn "lớn hơn sự xung đột" như Evangelii Gaudium đã nói, được khơi dậy một cách mạnh mẽ vào thời điểm này sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây chia rẽ và phân cực nhất trong lịch sử gần đây của đất nước. “Nay là lúc để các nhà lãnh đạo của chúng ta đến với nhau trong tinh thẩn hợp nhất quốc gia”, chủ tịch của các giám mục Hoa Kỳ, Tổng giám mục của Los Angeles, José H. Gomez, nói như thế trong thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử, Kamala Harris. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông Mỹ, gần như nhất trí, đặt chủ đề hòa giải dân tộc như thách thức cấp bách nhất (cùng với Covid-19 và hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế) mà, kể từ ngày 20/1 tới, cư dân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ phải đối diện.

Một cách có ý nghĩa, ngày 30 tháng 6 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tập chú vào vấn đề hợp nhất trong một thông điệp gửi cho Hiệp hội Báo chí Công Giáo, mà các tổ chức truyền thông Công Giáo ở Bắc Mỹ vốn thuộc về. Đức Giáo Hoàng nhận xét: “E pluribus unum, lý tưởng hợp nhất giữa sự đa dạng, được phản ảnh trong huy hiệu của Hoa Kỳ, cũng phải truyền cảm hứng cho việc phục vụ mà anh chị em cung ứng vì lợi ích chung. Ngày nay, điều này càng cấp thiết biết bao, trong một thời đại bị đánh dấu bởi các xung đột và phân cực mà chính cộng đồng Công Giáo cũng không miễn nhiễm. Chúng ta cần những phương tiện truyền thông có khả năng xây dựng những nhịp cầu, bảo vệ sự sống và phá đổ những bức tường, hữu hình và vô hình, vốn ngăn cản đối thoại chân thành và giao tiếp trung thực giữa các cá nhân và cộng đồng”. Những lời lẽ ấy được dành cho giới truyền thông, nhưng cũng có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác của xã hội Hoa Kỳ.

Chắc chắn, đối với Đức Giáo Hoàng, sự hợp nhất không có nghĩa là sự độc dạng. Ngay cả trong bối cảnh đặc thù này, chúng ta được hỗ trợ bởi hình ảnh khối đa diện, mà trong viễn ảnh của Đức Phanxicô, vốn “phản ảnh sự hội tụ của mọi bộ phận của nó, mỗi bộ phận đều bảo tồn được tính khác biệt của nó”. Mô hình này càng có giá trị đối với một quốc gia, ngay từ khi ra đời, đã tự trình bày mình như đa diện: đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự hợp nhất này - được chứng thực bởi tình bạn xã hội, nói theo Thông điệp Fratelli tutti - không phải là một mục đích ngay trong nó, nhưng nó hướng tới việc cổ vũ thiện ích của con người và cộng đồng. Hai chủ thể này vốn là trọng tâm trong bài diễn văn của Đức Phanxicô trước Quốc hội Hoa Kỳ (lần đầu tiên dành cho một vị Giáo hoàng trên Đồi Capitol), diễn ra vào ngày 24 tháng 9 năm 2015.

Huấn dụ của ngài vào dịp đó là “Nếu chính trị thực sự phải phục vụ con người, thì điều tất nhiên là nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tài chính. Thay vào đó, chính trị nói lên nhu cầu bắt buộc chúng ta phải sống như một, để như một chúng ta xây dựng thiện ích chung lớn nhất: tức thiện ích của một cộng đồng biết hy sinh các lợi ích riêng để chia sẻ các hàng hóa, các lợi ích, đời sống xã hội của mình, một cách hợp công lý và hòa bình”. Phát biểu trực tiếp với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà việc này bao gồm, nhưng tôi khuyến khích qúy vị trong nỗ lực này”. Một lời huấn dụ mà ngày nay, trong một thời khắc rất tế nhị trong lịch sử của Hoa Kỳ, càng vang vọng một cách mạnh mẽ hơn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Xuân Lộc Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn Mạng Liên Đoàn.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
09:35 09/11/2020
Từ 7 giờ sáng Chúa Nhật 8/11/2020, tại Giáo xứ Thái Hòa, Hạt Hòa Thanh đã thật tưng bừng và náo nhiệt. Bởi lẽ, tại nơi đây đã và đang diễn ra những sinh hoạt ngày Lễ Bổn Mạng của Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Xuân Lộc – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Con số hơn 3500 người bao gồm các Thầy, các dì Trợ Úy, các Trưởng, các Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc các ngành Nghĩa, Hiệp, Thiếu và Ấu, đã làm không gian nơi đây không chỉ rộn ràng nhưng còn thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Con số hàng ngàn ấy chỉ là phần đại diện của hơn trăm ngàn Thiếu Nhi Thánh Thể của các giáo xứ, giáo hạt trong Giáo phận, nhưng cũng đủ cho thấy sức sống mạnh mẽ của Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo phận nhà.

Xem Hình

“Sống ngoan theo gương Chúa Giêsu: Yêu mến, Vâng lời và Thảo hiếu (với Chúa và cha mẹ)” được chọn làm chủ đề chính cho những hoạt động của ngày lễ, nhằm giúp các em có được một quyết tâm cụ thể sau khi trở về gia đình, sống với Chúa, cha mẹ, anh chị em và với bạn bè.

Chương trình được bắt đầu với phần đón tiếp tại cổng trước Nhà Thờ, và tập trung theo Ngành do các Trưởng Sinai điều động với sự nhịp nhàng rất khoa học trong công tác tổ chức. Từng đoàn đến đều được đón tiếp cẩn thận, tiếp nhận và cập nhật số lượng nhanh và gọn. Vì thế, phần đón tiếp và phân chia khu vực theo Ngành đã tiết kiệm thời gian và tạo bầu khí vui tươi, nhưng thật trật tự theo phương pháp hàng đội, chuyển tiếp sang phần sinh hoạt khởi động chung theo chủ đề vào lúc 8 giờ tiếp đó. Sự năng động, vui tươi và tràn ngập sức sống từ các Trưởng lan tỏa đến các em, và giữa các em với nhau tựa như những đợt sóng tiếp nối nhau, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho việc giáo dục tinh thần giá trị thiêng liêng, tình yêu, nhân bản và cả thể chất cho các Thiếu Nhi đang có mặt tham dự ngày sinh hoạt trọng đại này.

9g00, Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Tuyên Úy Liên Đoàn và Cha Giuse Phạm Quốc Thuần, Phó Tuyên Úy Liên Đoàn cùng tất cả các Trưởng và các Thiếu Nhi đã hân hoan đón chào Đức Cha Giáo phận qua những băng reo, bài hát, và nụ cười rạng rỡ và thật hạnh phúc. Có quan sát khuôn mặt của Vị Mục Tử khi đi giữa các Thiếu Nhi, mới thấy thật đúng như lời Đức Cha đã nói với các em trong phần nói chuyện “Các con là niềm vui, là hy vọng của các Đức Cha, của Giáo phận.”

Sau phần đón tiếp, Đức Cha Giáo phận đã thánh hóa ngày sinh hoạt cho Liên Đoàn, mong một ngày sinh hoạt mừng Bổn Mạng được Chúa chúc lành. Liền kề sau lời kinh thánh hóa, Nghi thức Chào cờ Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, đồng ca bài hát “ Lưu danh thiên thu” đã làm nên một bầu khí thánh thiêng, như được chính các vị Tử Đạo Cha Ông đang truyền cảm hứng và sức mạnh để các Trưởng và từng thiếu nhi can trường sống đức tin mạnh mẽ. Tiếp đến, trong vai trò Tuyên Úy Liên Đoàn, chịu trách nhiệm tổ chức ngày bổn mạng, Cha Tổng Tuyên Úy Giuse đã chính thức chào mừng Đức Cha Giáo phận cùng với những tràng vỗ tay của giòn giã của biết bao nhiêu con cái của Đức Cha đang hiện diện. Bài múa chào mừng thật xuất sắc do các em Thiếu Nhi Giáo xứ Thái Hòa trình diễn đã góp phần làm cho phần đầu của chương trình thêm khởi sắc, thành công tốt đẹp.

Vẫn còn đang trong niềm vui và hạnh phúc, Đức Cha Giáo Phận đã bắt đầu bài nói chuyện của ngài với các Thiếu Nhi bằng câu hỏi mở đầu “Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Xuân Lộc, các con có muốn nên thánh không?”, và những tiếng đáp lại thật to “Dạ, có!” Và dẫn ngay luôn từ chủ đề ngày sinh hoạt, Đức Cha nói rằng, “Sống ngoan: Yêu mến, Vâng lời, Thảo hiếu là con đường nên thánh.” Để thêm nguồn cảm hứng giúp các em suy nghĩ và cố gắng sống nên thánh, Đức Cha đã nhắc lại những điểm tuyệt vời của Carlo Acutis, một vị Chân Phước tuổi teen vừa được Giáo Hội tuyên phong. Lần lượt kể ra những điểm tuyệt vời của Chân Phước Carlo Acutis như yêu mến Thánh Thể - dùng tài năng công nghệ thông tin để tạo trang web thu thập các phép lạ Thánh Thể; yêu mến Đức Mẹ- thích lần hạt Kinh Mân Côi; bênh đỡ những người khuyết tật hay bạn bè bị bỏ rơi bắt nạt; thánh hóa đau khổ do bệnh tật để thành lời cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Đức Thánh Cha, cho mọi người… Đức Cha đều dừng lại từng điểm sáng nơi Chân Phước và chuyển dịch bằng câu hỏi với Thiếu Nhi nhằm khơi gợi sự cố gắng sống nên thánh nơi các em. “Các con có cố gắng để yêu mến Chúa Giê su Thánh Thể không? Các con có cố gắng lần hạt Kinh Mân Côi không? Các con có muốn làm bạn với những bạn bè bị bỏ rơi, bị bắt nạt không? Các con có muốn dâng những đau khổ để cầu nguyện cho Giáo Hội, cho đất nươc Việt Nam, cho Giáo phận, cho cha mẹ…không?” Đáp lại những lời mời gọi của Đức Cha Giáo phận, là những tiếng thưa lại thật dễ thương “Dạ, có!” cho từng câu hỏi. Cho dù đã nghe thấy tiếng đáp lại, nhưng để ý tưởng dễ khắc ghi trong tâm trí các em, Đức Cha thường lập lại câu hỏi và các em trả lời với âm lượng lớn hơn theo một cách có chủ đích sư phạm.

Phần gặp gỡ và huấn từ với Thiếu Nhi của Đức Cha Giáo Phận đã khép lại phần đầu của ngày sinh hoạt mừng Bổn Mạng của Liên Đoàn.

10g00, Thánh Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Đức Cha Giáo phận cử hành, cùng với quý Cha Tuyên Úy Liên Đoàn Giáo phận và Giáo xứ. Các Trưởng và đại diện Thiếu Nhi các Ngành đã tham dự long trọng trong đoàn rước Đức Cha Chủ Tế, cũng như Linh ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thánh Lễ được dâng như lời ngỏ của Đức Cha phần Nhập Lễ: cảm tạ Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, cho “chúng ta có các cha ông- các Thánh Tử Đạo là những môn đệ trung kiên của Chúa Kitô…để rồi, các Ngài đã trao lại cho chúng ta niềm tin kiên trung ấy”; và “cầu nguyện cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận, cũng như cho mọi nhu cầu của chúng ta.”

“Thiếu nhi hãy học theo gương các vị Thánh Tử đạo, tập yêu thương mọi người, trong hoàn cảnh cụ thể của mình”, là ý chính trong bài giảng của Đức Cha dành cho các em Thiếu Nhi. Như Đức Cha diễn giải, dù các Thánh Tử Đạo có bị bắt, giết chết…nhưng các Ngài vẫn không hận thù kẻ giết mình, và như vậy, giữa một xã hội có nhiều kích động dẫn đến thù hận, ghen tức, các thiếu nhi Xuân Lộc được Đức Cha mời gọi hãy có lòng yêu thương, tập yêu thương, không ghen ghét, hay tức tối. Đồng thời, Đức Cha mong muốn các thiếu nhi cũng cần biết khích lệ, khuyên bảo, đỡ nâng bạn bè (hay cả với những người trong gia đình) cùng nhau sống trung thành với Chúa Giêsu, sống kiên trung đức tin, sống yêu thương bằng những việc nho nhỏ hằng ngày, bằng những nghĩa cử tế nhị của tình yêu. Chuyển từ cuộc sống tình yêu kiên trung nơi các Thánh Tử Đạo và đời sống thường ngày mà các Thiêu Nhi có thể thực hiện, Đức Cha nối kết trở lại với Chân Phước Carlo Acutis trong phần kết thúc bài giảng, khi kêu gọi các Thiếu Nhi “Cha muốn các con, những Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo phận Xuân Lộc sẽ là những Carlo Acutis mới trong thời đại này.”

Thánh Lễ mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam- Bổn Mạng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Xuân Lộc do Đức Cha Giáo Phận cử hành đã được các em tham dự sốt sắng như chính hồng ân Thiên Chúa ban tặng đặc biệt trong ngày hồng phúc này.

Sau Thánh Lễ, các em được quý Trưởng hướng dẫn di chuyển về các địa điểm theo khối Ngành cho hoạt động bữa trưa, sinh hoạt và văn nghệ với chủ đề “Sống thảo hiếu (với Chúa và cha mẹ).” Riêng với hai chủ đề “Sống vâng lời (với Chúa và cha mẹ),” và “Sống Yêu Mến”, được tổ chức dưới dạng Workshop, học tập, thi đua kết hợp từ 13g00 đến 14g15. Tất cả những hoạt động xoáy vào các chủ đề con của Chủ đề chính “Sống ngoan theo gương Chúa Giêsu” là những hoạt động giáo dục, khơi gợi suy tư từ trí đến tâm hồn, với mục đích mời gọi các em tìm ra con đường “Nên thánh” như Thiên Chúa muốn và Đức Cha Giáo phận mong đợi.

Sau hết tất cả những sinh hoạt, trước khi kết thúc một ngày sinh hoạt mừng Bổn Mạng Liên Đoàn, các em đã tham dự Cung nghinh và chầu Thánh Thể. Những tâm tình trước Thánh Thể, dù chỉ là một em cất lên, nhưng chắc rằng, đó cũng là tâm tình yêu mến của các em đang hiện diện, và như vậy, Chúa Giê su Thánh Thể sẽ luôn ở đó với các em, đỡ nâng và giúp các em đi dần tới con đường nên thánh, trở nên những Thiếu Nhi Thánh Thể sống thánh giữa thời đại, trong gia đình, trong nhà trường, nơi lớp học, hay cả ngoài sân banh…ở bất cứ nơi nào các em hiện diện.

Trước khi ra về, Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Tuyên úy Liên Đoàn một lần nữa nhắc lại với các Thiếu Nhi lời mời gọi nên thánh, cầu chúc các em ra về bình an, và không quên nhắc nhở các em hãy dâng lời cám ơn đến Cha Chánh, Cha Phó Xứ, cha mẹ và mọi người khi trở về đến giáo xứ, đến nhà. Và phép lành bình an của Cha Tuyên Úy ban cho các em đã thực sự khép lại một ngày hồng phúc, vui tươi, đầy sức trẻ của Thiếu Nhi Thánh Thể Xuân Lộc, những mầm non, niềm vui và hy vọng của Giáo Phận Xuân Lộc này.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoàng HônTranh Vẽ Từ Trời/Sunset
Robert Helfman
12:49 09/11/2020
HOÀNG HÔN TRANH VẼ TỪ TRỜI/SUNSET
Ảnh của Robert Helfman


Tạ ơn tranh vẽ của Trời
Ban cho nhân loại tuyệt vời hoàng hôn
(bt)
 
VietCatholic TV
Biden - Tai ương của một nền văn hóa phá thai ăn sâu vào lòng Giáo Hội
Giáo Hội Năm Châu
03:04 09/11/2020

Khi ông Biden được làm chủ Toà Bạch Cung thì ông sẽ trở thành người Công Giáo thứ hai nhận chức tổng thống Hoa Kỳ. Người đầu tiên là Tổng thống John F. Kennedy, đắc cử năm 1960 và bị ám sát năm 1963.

Từng làm phó cho ông Obama, người ta nghĩ rằng ông sẽ tiếp tục mối giao hảo ngoại giao thân tình với Vatican và kỳ vọng sẽ giống như ông Obama, được đón tiếp nồng nhiệt tại Vatican (3-2014) và đổi lại là một cuộc tông du cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô sang Hoa Kỳ, giống như chuyến tông du tháng 9-2015, từng là một biến cố sôi nổi toàn cầu làm lu mờ cả việc ông Tập Cận Bình tới thăm Hoa Kỳ ngay sau đó.

Đó sẽ là một sự đối nghịch với sự giao hảo giữa Vatican và chính quyền cuả ông Trump, có vẻ dè dặt hơn. Cuộc viếng thăm Giáo hoàng cuả ông Trump (5-2017) rõ ràng có những sai biệt giữa đôi bên về vấn đề di dân và khí hậu. Ông Trump sau đó đã bổ nhiệm bà Callista Gingrich làm đại sứ thường trực. Bà là một phụ nữ sùng đạo, tác giả cuả nhiều cuốn sách giaó dục cho trẻ em và năm 2020 đã được ban huân chương cao quí nhất cuả Vatican với chức Hậu (Dame) cuả dòng Hiệp sỹ Tông Toà Đại Thập Tự hiệu toà Piô IX (Dame Grand Cross of the Order of Pius IX.)

Nhưng ông Trump “tuy nói dữ mà lại không làm”, nghiã là dù cho những bất đồng về chính sách và cả về tính khí bề ngoài nữa, nhưng trong suốt thời gian ông cầm quyền, ông không hề một lần nào gây thiệt hại cho giáo hội Hoa Kỳ và đã được các giám mục Hoa Kỳ ca ngợi rộng rãi vì đã ban hành các biện pháp bảo vệ quyền tự do tôn giáo, thúc đẩy các biện pháp hạn chế phá thai và tài trợ liên bang cho các phòng khám phá thai. Ông cũng được khen ngợi vì đã bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.

Ông Trump dĩ nhiên vẫn bị giáo hội Hoa kỳ chỉ trích vì đã hạn chế số lượng người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ, và đã tái lập án tử hình liên bang.

Còn ông Biden thì sao?

Ông là một nhà chính trị lão luyện chuyên nghiệp, chỉ biết làm chính trị mà thôi, và do đó người ta nghĩ rằng ông sẽ ‘nói rất ngọt’ giống như ông Obama vậy nhưng ‘làm dữ’! Hoàn toàn đảo ngược với người tiền nhiệm là ông Trump.

Người ta dự kiến ông sẽ thaó dỡ tất cả các biện pháp bảo vệ sự sống và tự do tôn giáo mặc dù hôm nay ông còn dùng những lời lẽ ôn hoà như sau:

“Đây là lúc tranh cử kết thúc, là lúc chúng ta hãy dẹp bỏ sự tức giận và những lời lẽ gay gắt đằng sau chúng ta và xích lại gần nhau như một quốc gia. Đã đến lúc nước Mỹ phải đoàn kết và chữa lành. Là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, không có gì chúng ta không thể làm, nếu chúng ta cùng làm với nhau.”

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã cam kết bãi bỏ các lệnh cấm viện trợ nước ngoài đối với các nhóm quảng bá hoặc thực hiện phá thai và hủy bỏ các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo khỏi việc bảo hiểm tránh thai.

Hai việc vừa nói trên thì ông Biden có thể thực hiện dễ dàng với một chử ký trên một sắc lệnh hành pháp, và người ta nghĩ rằng các nhà thương Công Giáo, các dịch vụ cô nhi cuả Công Giáo, các dịch vụ di dân và các nữ tu viện dưỡng lão v.v… sẽ lại một lần nữa phải lao đao với việc ‘vác chiếu lên toà’ qua các vụ kiện cáo liên miên…giống như thời cuả ông Obama.

Hơn thế nữa, ông còn cam kết đưa các biện pháp bảo vệ phá thai và các biện pháp bảo vệ giới tính sâu rộng nhất vào luật liên bang. Hai biện pháp sau thì còn tuỳ vì đảng Cộng hòa vẫn còn kiểm soát Thượng viện.

Trước cuộc bầu cử, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cam kết bỏ Tu chính án Hyde, một lệnh cấm tài trợ cho hoạt động phá thai. Ông Biden đã từng ủng hộ Tu chính án Hyde nhưng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019, khi phải đối mặt với áp lực từ những người tranh cử khác, ông đã xoay tròn 180 độ và nói rằng ông cũng phản đối Tu chính án này…

Thực ra chúng ta chưa thể đánh giá chính quyền Biden một cách chính xác được vì chính quyền đó chưa bắt đầu, nhưng trong khi hy vọng những sự xấu nhất sẽ không xẩy ra, có lẽ chúng ta cũng cần chuẩn bị cho một mối giao hảo khó khăn giống như những sự thoả thuận giữa Vatican và Trung Hoa vậy.

Ngay sau khi ký vào thoả thuận Vatican-Trung Hoa còn chưa ráo mực(2018, 2020), thì các nhà thờ Công Giáo bị đóng cửa, các thánh giá bị đập phá, các giám mục, linh mục, tu sĩ, nữ tu bị tống cổ ra ngoài tu viện. Tất cả là nhân danh Thoả Thuận…

Nói một đằng làm một nẻo, đó là trò chính trị lươn lẹo mà…Câu nói bất hủ cuả ông Thiêu hình như vẫn còn văng vẳng ở đâu đây: ”Đừng nghe những gì CS nói, hảy xem những gì CS làm”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Dầu và Đèn – Câu chuyện 10 cô trinh nữ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:13 09/11/2020

Chúa Nhật 8 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 32 Mùa Quanh Năm với bài Phúc Âm sau, trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng Người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”.

“Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào”.


Mở đầu bài huấn đức ngắn, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mt 25: 1-13) mời gọi chúng ta kéo dài suy tư về sự sống vĩnh cửu, đã bắt đầu vào dịp Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu đã qua đời. Trong bài Tin Mừng này Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn mười trinh nữ được mời dự tiệc cưới. Trong các dụ ngôn tiệc cưới là biểu tượng của Nước Thiên đàng.

Vào thời Chúa Giêsu, có tục lệ rằng tiệc cưới được cử hành vào ban đêm; do đó việc đón tiếp tân lang đòi phải cầm đèn theo. Một số cô phù dâu dại dột: họ cầm đèn nhưng không mang dầu theo bên mình. Trong khi đó thì những cô khôn ngoan vừa có đèn vừa có dầu. Chàng rể đến khuya mới đến, rất muộn, thành ra, tất cả đều ngủ gật. Khi có giọng nói báo rằng chàng rể sắp đến, những cô dại dột nhận ra ngay rằng họ không có dầu để thắp đèn; họ hỏi những cô khôn ngoan, nhưng được trả lời rằng họ không thể chia sẻ dầu, vì nó sẽ không đủ cho mọi người. Đang khi các cô dại dột đi mua dầu thì chàng rể đến. Các cô khôn ngoan bước vào phòng tiệc với tân lang, và cửa đóng lại. Những cô khác đến quá muộn và bị từ chối.

Rõ ràng là với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Người. Không chỉ đối với cuộc gặp gỡ cuối cùng, mà còn đối với những cuộc gặp gỡ lớn nhỏ hàng ngày. Để chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ đó, ngọn đèn đức tin thôi thì chưa đủ, mà còn cần thêm dầu bác ái; và các việc lành phúc đức cũng cần lắm. Đức tin thực sự kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, như thánh Phaolô tông đồ đã nói, “dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính” (Gl 5:6). Đây là điều được thể hiện bằng thái độ của các cô gái khôn ngoan. Khôn ngoan và thận trọng có nghĩa là không chờ đợi giây phút cuối cùng mới đáp lại ân sủng của Thiên Chúa, nhưng hãy tích cực làm ngay, bắt đầu từ bây giờ. “Tôi à… vâng, sau này tôi sẽ hoán cải…” - “Chúng ta phải hoán cải ngay hôm nay! Hãy thay đổi cuộc sống của anh chị em ngay hôm nay! Chứ đừng nói vâng, vâng... ngày mai”. Và ngày mai chúng ta lại nói điều tương tự, và vì thế cái ngày mai ấy sẽ không bao giờ đến. Chúng ta phải bắt đầu ngay hôm nay! Nếu chúng ta muốn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải hợp tác với Ngài và thực hiện những điều thiện được linh hứng từ tình yêu của Người.

Thật không may, chúng ta biết rằng có một điều thật đáng tiếc luôn xảy ra là chúng ta quên mất mục tiêu của đời mình, là cuộc gặp gỡ chung cuộc với Thiên Chúa, và do đó chúng ta mất đi cảm giác mong đợi và có khuynh hướng muốn tuyệt đối hoá hiện tại. Khi chúng ta tuyệt đối hóa hiện tại, nghiã là chỉ nhìn vào hiện tại, chỉ biết đến hiện tại mà thôi, thì chúng ta đánh mất cảm giác mong đợi, là điều rất đẹp đẽ và cần thiết, và chúng ta bị xô đẩy giữa những mâu thuẫn của thời điểm này. Tình trạng mất đi cảm giác chờ đợi này ngăn cản mọi viễn cảnh xa hơn: anh chị em làm mọi thứ như thể anh chị em sẽ không bao giờ phải rời bỏ cuộc sống này. Và khi đó chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm sao sở hữu cho nhiều, danh tiếng nổi như cồn, và an cư lạc nghiệp ngày càng nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta để mình bị hướng dẫn bởi những gì có vẻ hấp dẫn nhất đối với chúng ta, bởi những gì chúng ta thích, bởi việc theo đuổi những sở thích của chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô sinh; chúng ta không tích trữ dầu để dự trữ cho ngọn đèn của chúng ta, và nó sẽ tắt trước khi chúng ta gặp Chúa. Chúng ta phải sống ngày hôm nay, nhưng ngày hôm nay phải hướng tới ngày mai, hướng tới cuộc gặp gỡ đó, mỗi ngày hôm nay trong đời chúng ta phải là một ngày tràn đầy hy vọng. Mặt khác, nếu chúng ta cảnh giác và thực thi các việc lành phúc đức tương ứng với ân sủng Chúa ban cho chúng ta, chúng ta có thể bình tĩnh chờ đợi chàng rể đến. Chúa sẽ có thể đến ngay cả khi chúng ta đang ngủ: điều này sẽ không làm chúng ta lo lắng, bởi vì chúng ta có nguồn dầu dự trữ được tích lũy từ các việc lành phúc đức mỗi ngày, được tích lũy trong sự mong đợi Chúa đến. Thật ra, chúng ta mong Ngài đến càng sớm càng tốt vì biết rằng Ngài đến để đưa tôi theo Ngài.

Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, để giúp chúng ta sống, như Mẹ đã sống, với một đức tin nhiệt thành: Mẹ là ngọn đèn sáng để chúng ta có thể vượt qua màn đêm, vượt qua cái chết và đến với tiệc cưới trọng đại của cuộc đời chúng ta.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Trung Quốc đe dọa Úc sẽ phải trả một giá rất đắt. Âu lo của chính phủ Úc sau cuộc bầu cử tại Mỹ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:03 09/11/2020

1. Hội đồng Giám mục Bỉ phải ngưng các thánh lễ công cộng.

Vì đại dịch, Hội đồng Giám mục Vương quốc Bỉ đã ngưng các buổi lễ công cộng cho đến ngày 13 tháng 12 năm 2020, theo thông cáo công bố ngày 1 tháng 11 năm 2020. Các thánh lễ được trực tuyến, hoặc qua đài phát thanh, truyền hình, Internet hoặc từ trang mạng của Hội đồng Giám mục.

Các giám mục Bỉ khẳng định rằng tuy các thánh lễ không thể được cử hành, nhưng đời sống thiêng liêng vẫn không dừng lại. Các lễ an táng có thể được cử hành với số người tham dự tối đa là 15 người, trong khi lễ cưới có thể cử hành với sự hiện diện của đôi tân hôn, hai người làm chứng, và linh mục chứng hôn mà thôi.

Hội đồng Giám mục Bỉ khuyến khích các tín hữu tương trợ nhau và cho biết các thánh đường vẫn được mở cửa để các tín hữu đến cầu nguyện riêng: “nhà thờ mở cửa là dấu hiệu một cộng đoàn địa phương đón tiếp.”

Các giám mục cũng khuyến khích các tín hữu đề ra những sáng kiến để nâng đỡ đời sống tinh thần của nhau, qua điện thư, các mạng xã hội, cũng như nâng đỡ những người yếu đuối, dễ bị tổn thương, những người sống trong tình cảnh cô độc. Ngoài ra, các tín hữu cũng được khuyến khích tham dự các hoạt động thiện nguyện tại các trường học, các ngân hàng thực phẩm, cũng như các trung tâm y tế, các giáo xứ, v.v.

2. Vatican sẽ công bố 'Báo cáo McCarrick' vào ngày 10 tháng 11

Hôm thứ Sáu 6 tháng 11, Tòa Thánh đã thông báo rằng báo cáo được chờ đợi từ lâu về cựu Hồng Y Theodore McCarrick sẽ được công bố vào đầu tuần tới.

Một tuyên bố hôm 6 tháng 11 từ ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh, cho biết: “Vào ngày thứ Ba, 10 tháng 11, lúc 2 giờ chiều (giờ Rôma), Tòa thánh sẽ công bố 'Báo cáo về các kiến thức thu thập được của Tòa thánh, và quá trình ra quyết định liên quan đến cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick (từ năm 1930 đến năm 2017)' được soạn thảo bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh theo ủy quyền của Đức Giáo Hoàng”.

Cụm từ “kiến thức thu thập được”, tiếng Anh là “Institutional knowledge” là sự tổng hợp các kinh nghiệm, quy trình, dữ liệu, chuyên môn, giá trị, và các thông tin đã được chứng thực thành các kiến thức khôn ngoan.

Báo cáo, ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào tháng 12 năm 2019, được đưa ra sau khi Vatican xem xét các tài liệu và lời kể của nhân chứng trong suốt 40 năm sự nghiệp giám mục của McCarrick, sau khi ông bị cáo buộc phạm tội tình dục hàng loạt liên quan đến trẻ vị thành niên và các chủng sinh vào năm 2018.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York nhận định rằng báo cáo này có thể là một “con mắt bị đánh thâm tím” đối với Giáo hội.

Giáo hội Hoa Kỳ “vẫn đang chờ đợi việc Tòa thánh công bố cái gọi là 'Báo cáo McCarrick', kể chi tiết câu chuyện đáng lên án của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đó có thể là một con mắt bị đánh thâm tím khác đối với Giáo hội,” Đức Hồng Y Dolan viết trong một bài đăng ngày 5 tháng 11 trên trang web của mình.


Source:Catholic News Agency

3. Trung Quốc cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt. Nguy cơ rất cao cho chính phủ Úc nếu ông Trump thất bại

Trong khi cuộc bầu cử ở Mỹ chưa ngã ngũ, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt. Quan hệ Úc-Trung Quốc xấu đi với lượng nhập khẩu trị giá 6 tỷ USD bị đe dọa

Bọn cầm quyền Bắc Kinh được báo cáo là có kế hoạch ngừng nhập khẩu rượu vang Úc, tôm hùm, đường, than đá, đồng, lúa mạch và gỗ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) cảnh cáo Úc sẽ phải trả một giá rất đắt khi Trung Quốc ngăn chặn các sản phẩm của Úc, trị giá khoảng 6 tỷ đô la.

Một cơ quan truyền thông khác của bọn cầm quyền Trung Quốc, là tờ Trung Hoa Nhật Báo (China Daily, 中国日报) cũng cảnh báo Úc Đại Lợi sẽ phải “trả giá rất nặng nề” vì các chính sách chống lại Trung Quốc.

“Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và tất cả các hạn chế cho đến nay mới chỉ bao gồm một phần nhỏ hàng hóa nhập khẩu từ Úc,” bài xã luận của China Daily cho biết.

“Nếu Canberra tiếp tục trở nên thù địch với Trung Quốc, lựa chọn của họ là một quyết định mà Úc Đại Lợi sẽ phải hối hận vì nền kinh tế của họ sẽ chỉ chịu thêm đau đớn”.

Các cuộc tấn công thương mại mới này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhưng chưa có thông báo chính thức nào từ phía chính phủ Trung Quốc.

Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud đang yêu cầu Bắc Kinh làm rõ.

Đồng thời, ông đang khuyến khích các nhà xuất khẩu xem xét gửi hàng hóa sang các thị trường khác.

Ông David Littleproud cũng có lời cảnh báo đối với Trung Quốc.

“Nếu bạn chơi đúng luật, mọi người sẽ chơi đẹp. Nhưng nếu bạn không muốn chơi như thế, thì rõ ràng là có rủi ro lớn hơn, các nhà xuất khẩu của chúng tôi cần phải tính đến điều đó nếu họ định gửi sản phẩm sang Trung Quốc và họ có thể yêu cầu giá cao hơn cho những hàng hóa đó.”

Đảng Lao động Úc, hiện ở thế đối lập, cáo buộc chính phủ Morrison đã không thể hiện được tài lãnh đạo, và cho rằng những người Úc làm việc chăm chỉ đang phải trả giá.

Phó thủ lĩnh phe đối lập Richard Marles mô tả mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là hoàn toàn tuyệt vọng.

“Hiện giờ, họ không thể nói chuyện với một người nào ở Trung Quốc,” ông Marles nói.

Ông Marles cho biết các công nhân Úc làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đang yêu cầu chính phủ có câu trả lời và hành động phù hợp.

Bộ trưởng Dutton bác bỏ lời chỉ trích của phe đối lập là “luận điệu rẻ tiền”

Quan hệ ngoại giao Úc-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng do tranh chấp về coronavirus, Hương Cảng và Biển Đông.

Trong một diễn biến bất ngờ đối với nhiều người, cuối tháng 7 vừa qua, Úc đã từ bỏ thái độ lưng chừng và công khai đối đầu với Bắc Kinh. Lập trường này đã được nêu lên rõ ràng trong chuyến công du Hoa Kỳ của hai nữ bộ trưởng Úc là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold.

Úc và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực quân sự chung của họ ở Darwin, tăng cường các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông và nghiên cứu sự phát triển của các công nghệ phòng thủ tên lửa và siêu âm để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng trong khu vực.

Nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử này, sự gắn bó chặt chẽ của chính phủ Morrison với chính quyền của Tổng thống Trump có thể khiến chính quyền hiện nay tại Úc đổ theo như một hiệu ứng domino.

Chỉ mới tuần trước Daniel Andrews, thủ hiến Victoria, vẫn còn bị báo chí chỉ trích là chính trị gia hạng bét vì cách thức đối phó với coronavirus của ông ta tại tiểu bang này. Tình trạng khó khăn hiện nay của Tổng thống Trump đã khiến Daniel Andrews, người duy nhất Bắc Kinh muốn nói chuyện, từ vị thế chính trị gia hạng bét đã một sớm một chiều trở thành vị cứu tinh.


Source:Seven News Australia