Ngày 10-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tuần Cửu nhật cầu nguyện trước ngày khai mạc Năm Thánh 2010
TGP Sàigòn
17:38 10/11/2009
Tuần Cửu nhật cầu nguyện trước ngày khai mạc Năm Thánh 2010

Trong Thư Công bố Năm Thánh 2010 gửi Cộng đồng dân Chúa, HĐGM Việt Nam đã đề nghị: “Cách cụ thể, chúng tôi đề nghị tất cả Dân Chúa sẽ cùng làm Tuần Cửu Nhật (từ ngày 15 đến 23-11-2009), cầu nguyện cho mọi sinh hoạt trong Năm Thánh được tiến hành tốt đẹp và mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho mọi người.” Sau đây là mẫu thức cầu nguyện của Tổng giáo phận Sài Gòn. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ trân trọng giới thiệu tới các gia đình và cộng đoàn xứ đạo để tham khảo / sử dụng.

***

HƯỚNG DẪN CÁCH TỔ CHỨC TUẦN CỬU NHẬT

tại giáo xứ và giờ Kinh tối tại các gia đình

Tuần Cửu Nhật, từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Mười Một năm 2009, nhằm giúp các tín hữu Công giáo Việt Nam (trong nước cũng như ngoài nước) vừa ý thức thời điểm đặc biệt trong lịch sử đón nhận đức tin và sống đức tin của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, vừa chuẩn bị tâm hồn và đời sống mình trong Năm Hồng Ân này với bầu khí cầu nguyện và hân hoan.

Trong những ngày này, Cẩm nang hướng dẫn Tuần Cửu Nhật mong muốn đề nghị một mẫu cầu nguyện chung (thời lượng chừng 7-8 phút) để các giáo xứ, các cộng đoàn và các gia đình cùng nhau hiệp nhất trong lời cầu nguyện và suy niệm về Năm Thánh 2010:

- Hiểu biết ý nghĩa Năm Thánh 2010.

- Nhìn lại lịch sử để tạ ơn Chúa;

- Tri ân các tiền nhân, ân nhân và chứng nhân;

- Nhìn nhận những thiếu sót trong đời sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội;

- Canh tân đời sống và noi gương các chứng nhân Tin Mừng, đề ra những việc cần làm để sống đức tin và chia sẻ đức tin.

Mỗi ngày, tại giáo xứ hay trong giờ Kinh Tối ở mỗi gia đình, mọi người cùng nhau cầu nguyện theo thứ tự: đọc Lời Chúa, suy niệm (nhìn về quá khứ, nhận định hiện tại và hướng đến tương lai), đọc Kinh Năm Thánh và lời nguyện kết thúc.

Về các bài hát: có thể sử dụng các bài ca chính thức của Năm Thánh (có in kèm trong tập cầu nguyện này), hoặc bài ca thích hợp mà cộng đoàn giáo xứ hay gia đình quen thuộc, nhưng nên chọn những bài ngắn gọn để mọi người có thể tham gia một cách tích cực, hiệu quả.

Nhóm Biên soạn

***

CHƯƠNG TRÌNH CHUNG CHO MỖI NGÀY

A. TRONG THÁNH LỄ:

I. Dẫn ý vào Thánh lễ: Linh mục chủ sự thánh lễ hướng ý cầu nguyện cho Ngày Khai Mạc Năm Thánh và cho Năm Thánh 2010 (theo ý cầu nguyện mỗi ngày, nếu trước đó không có giờ cầu nguyện chuẩn bị).

II. Bài hát kết lễ: Bài ca chính thức của Năm Thánh hoặc một bài thánh ca khác phù hợp.

B. CẦU NGUYỆN CHUNG:

I. TRƯỚC LỄ SÁNG hoặc TRƯỚC LỄ CHIỀU tại Nhà Thờ:

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa: Tác viên Lời Chúa.

(Thinh lặng giây lát để nhớ lại lời Chúa.)

3. Suy niệm: Người hướng dẫn.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.

* Sau đó là thánh lễ.

* Kinh Năm Thánh có thể đọc sau khi hát bài ca Hiệp Lễ.

II. GIỜ KINH TỐI tại GIA ĐÌNH:

Dùng lại nội dung trong mẫu cầu nguyện đã làm ở nhà thờ giáo xứ, và có thể thêm các kinh đọc hoặc bài hát tùy theo thời lượng mỗi gia đình có thể thực hiện được. Chẳng hạn: Trước khi xướng Ý cầu nguyện thì có thể hát Kinh Chúa Thánh Thần; sau khi suy niệm, đọc Kinh Năm Thánh; và sau Lời nguyện kết thúc, hát một bài quen thuộc hoặc đọc Kinh Trông Cậy.

NGÀY THỨ NHẤT

(15-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức

và sốt sắng chuẩn bị tâm hồn và đời sống

để sống Năm Thánh như ý Chúa muốn

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần cửu nhật cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt Nam trước khi khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện trong tâm tình khai mạc Năm Thánh, sống Năm Thánh và kéo dài tinh thần Năm Thánh trong tương lai. Với ý hướng đó, chúng ta được mời gọi dâng kinh nguyện, hy sinh, bác ái để cầu cho Hồng Ân Năm Thánh được đong đầy và triển nở trong tâm hồn và đời sống của mỗi người chúng ta.

2. Lời Chúa (4, 18-19): Tác viên Lời Chúa.

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

3. Suy niệm: Người hướng dẫn:

Năm Thánh 2010 là thời gian đặc biệt, vì đây là thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam; là thời gian hồng ân, thời gian hát vang điệp khúc “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136).”

Chúng ta lại khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước này, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến. (x. HĐGMVN, Thư Công Bố Năm Thánh 2010).

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.

Chúng ta dâng lời cầu nguyện,

Lạy Cha là Chúa cả trời đất, vì lòng từ ái xót thương, Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài. Cha đã sai Con Một xuống thế làm người, chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con,

xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ và phục vụ sự sống con người. Người đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để những ai tin nhận Người, đều được quy tụ trong Nước Cha là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. Cha đã sai Thánh Thần xuống liên kết các tín hữu thành cộng đồng nhân loại mới nên muối men và ánh sáng giữa lòng thế giới hôm nay. Xin Cha cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. (trích Kinh Năm Thánh)

Sau đó bắt đầu Thánh lễ với Bài Ca Nhập Lễ.

Lưu ý: (Nếu thực hiện tuần Cửu Nhật ở gia đình, sau lời nguyện kết thúc thì hát 1 bài thích hợp và đọc kinh Cám ơn, Trông cậy, v.v…)

NGÀY THỨ HAI

(16-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh: Năm Hồng Ân

Trong tâm tình tri ân các vị thừa sai,

chúng ta cùng tạ ơn Chúa

vì đã thương gửi các nhà truyền giáo đến Việt Nam

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Rm 10, 14-15.18b): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

“Cùng với Giáo Hội toàn cầu luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ chan hòa khắp thế giới, Giáo Hội tại Việt Nam tạ ơn vì tin rằng sự hiện hữu của mình trên đất nước này đến từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- sứ vụ, số 1).

Các sứ giả của Đức Kitô chính là các vị Thừa sai từ các nước xa xôi, rời bỏ quê hương để đến với miền đất xa lạ là Việt Nam. Các Ngài đã gieo những bước chân loan báo Tin Mừng cho cha ông, tổ tiên chúng ta. Những giọt mồ hôi lao nhọc của các ngài đã “nên như hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.”

Nhớ đến công ơn của các ngài, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì lòng xót thương đã quan phòng cho có các vị thừa sai. Nhờ có các ngài loan báo mà chúng được nghe Tin Mừng; nhờ được nghe Tin Mừng mà chúng ta mới được lãnh nhận hồng ân đức tin; và nhờ hồng ân đức tin mà chúng ta được gọi là con Chúa.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương gửi các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng và chăm sóc cho hạt giống ấy phát triển xanh tươi trên đất nước Việt Nam của chúng con. Xin Cha ban cho chúng con ơn thảo hiếu để luôn biết “ăn quả nhớ người trồng cây” hầu sống xứng đáng ơn gọi làm kitô hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ BA

(17-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Chiêm ngắm các thánh Tử đạo Việt Nam,

những bậc tiền nhân

đã trở nên chứng nhân đức tin anh dũng

của Giáo hội

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Gioan 12, 24-25): Tác viên Lời Chúa.

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan

Khi ấy Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

“Từ năm 1533, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu, hạt giống cứ âm thầm mọc lên, bất kể ngày đêm, và cả trong gió mưa giông bão (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1).

Gần 5 thế kỷ qua, hạt giống Tin Mừng đã mọc lên, đã đơm bông kết trái từ Bắc chí Nam của quê hương Việt Nam chúng ta. Hơn một trăm ngàn (100.000) anh hùng tử đạo; trong số đó đã có 117 Vị tử đạo được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong hiển thánh vào ngày 19-6-1988 tại Rôma, và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Trong số 117 vị, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận nhà:

1- Thương gia Mátthêu Lê Văn Gẫm

2- Linh mục Philipphê Phan Văn Minh

3- Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu

4- Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc

5- Ông Phaolô Trần Văn Hạnh

6- Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý

7- Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và

8- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu.

Chúa yêu thương dân tộc Việt Nam đến cùng; Chúa ban ơn đức tin cho nhiều người Việt Nam qua lời loan báo Tin Mừng của những vị thừa sai; Chúa cho Giáo Hội Việt Nam vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo Phẩm được thành lập năm 1960. Đó là những lý do để chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1 và “Tổng Giáo Phận Saigon qua dòng lịch sử”, do ĐHY GBt Phạm Minh Mẫn biên soạn, tr.8).

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương ban cho chúng con nhiều chứng nhân đức tin anh dũng sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin, và những bậc tiền nhân luôn hy sinh quảng đại, dày công vun tưới cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ các thánh Tử đạo Việt Nam chuyển cầu, xin Cha cho chúng con biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ TƯ

(18-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mỗi người chúng ta

biết nhìn nhận những lỗi lầm và thiếu sót

và xin Chúa thương tha thứ

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Is 1,16-18): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia,

Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình. Hãy nâng đỡ người bị áp bức, bênh vực che chở cô nhi quả phụ. Chúa phán: “Hãy đến đây ta cùng nhau dàn xếp! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

Năm Thánh là thời gian thuận tiện, là thời điểm mà lời mời gọi nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (x. 1 Tx 4,7; 3,12; 1 Pr 2,15).

Bởi vì không thể sống trong Năm thánh mà con người chúng ta lại không mặc lấy sự thánh thiện của Đức Kitô. Vì thế tâm tình và thái độ trước tiên để chuẩn bị bước vào Năm Thánh phải là tâm tình và thái độ thống hối. Thống hối về những lỗi lầm và thiếu sót trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta.

Từ sự thống hối chân thành và khiêm hạ này, chúng ta sẽ được ơn Chúa thứ tha và nâng đỡ, nhờ đó chúng ta sẽ bước đi bằng một đời sống thánh đức để làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, chúng con nài xin Cha thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và mọi người, trong quá khứ cũng như hiện tại. Xin Cha thương giúp chúng con biết tránh xa tội lỗi và chung sức xây dựng cuộc sống gia đình, xã hội và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ NĂM

(19-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam

Sống tinh thần hoán cải,

đổi mới triệt để đời sống theo Tin Mừng

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Mt 5,13a.14.16): Tác viên Lời Chúa.

Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam viết: “Ngay từ hôm nay, chúng ta hướng về Năm Thánh 2010 trong niềm hân hoan phấn khởi vì biết rằng đây là thời điểm của ân sủng, là thời gian qua đó Thiên Chúa muốn làm bừng dậy cuộc canh tân Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam. Thời điểm này mở ra cho các tín hữu Việt Nam một cơ hội thuận tiện để củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa Tình yêu, để từ đó có thể cống hiến cho anh chị em của mình “kho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”. Đây chính là thời điểm để Giáo Hội tại Việt Nam làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời như kho tàng vô giá chất chứa mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.”

Như thế, đổi mới triệt để là sống trọn vẹn ơn gọi đích thực của người môn đệ Chúa Kitô là muối, là ánh sáng cho trần gian, trước khi giới thiệu và nói về Thiên Chúa cho người khác; nghĩa là trước khi cống hiến cho anh chị em của mình “kho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Xin cha dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con bước theo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ, tận tình phục vụ sự sống của đồng bào và đồng loại. Xin dạy chúng con biết san sẻ của cải vật chất và tinh thần cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ SÁU

(20-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam

biết canh tân đời sống bằng thái độ

tích cực xây dựng một cộng đoàn hiệp thông

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (1 Pr, 2,4-5.9): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ

Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng,.. Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

“Ngày nay hơn bao giờ hết, các Vị mục tử trong Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến mô hình một Giáo Hội hiệp thông và tham gia. trong đó: (1) mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần Khí, và đón nhận nhau như anh chị em; (2) mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh; (3) tất cả đều đồng trách nhiệm, vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng; (4) mọi người, kể cả phụ nữ đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 22)

Hiểu được như thế, mỗi người chúng ta sẽ hết sức nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên những viên đá sống động, những phần tử tích cực tham gia và góp phần xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giáo phận thành một gia đình yêu thương. Đồng thời mỗi người luôn tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chất vấn Giáo Hội đã làm gì cho tôi?”

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, xin thắp sáng ngọn lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị chứng nhân đức tin biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai bằng sự tham gia sống động với tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ BẢY

(21-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức

và góp phần vào sứ vụ duy nhất là

loan báo Tin Mừng cho muôn dân

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Mc 16, 15-16.19-20): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô

Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, vì thế Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng và đó cũng là lý do hiện hữu, là lẽ sống của Giáo Hội. Thật vậy, ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi tông đồ. Mỗi người tín hữu đều phải rao giảng Tin Mừng vì nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Giáo Hội vốn mang đặc tính truyền giáo tự bản chất. Cũng thế Giáo Hội tại Việt Nam loan báo Tin Mừng vì đã nhận lệnh từ Chúa Giêsu và được Ngài sai đi và cũng bởi tin chắc rằng chính qua việc rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội trở thành ánh sáng, thành muối men làm cho đất nước này được thực sự biến đổi và được cứu độ. (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 23).

Chúng ta nghĩ gì về con số 7% người công giáo ở Việt Nam, nghĩa là cứ 100 người Việt Nam, mới chỉ có 7 người là Kitô hữu công giáo?

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, Cha đã sai Con Một Cha đến trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Xin Cha cho chúng con biết mau mắn lãnh nhận và tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng của Con Cha, ngõ hầu mọi người nhận biết Cha là Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và tất cả đều là anh em trong một gia đình tràn đầy sự thật và sự sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ TÁM

(22-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam

quyết tâm xây dựng Giáo Hội

thành dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa lòng thế giới

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Cv 2, 42.46): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong sách Tông đồ Công vụ

Khi ấy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

Ngay từ những ngày đầu tiên lãnh nhận và sống Tin Mừng Chúa Giêsu ở Việt Nam, các Kitô hữu đã hình thành một cộng đồng hiệp nhất và yêu thương, khiến cho các anh em khác không biết gọi tên của cộng đồng tôn giáo mới này là gì, nên họ đã gọi đạo của cộng đồng mới này là “đạo của những người yêu thương nhau.”

Do đó, khi nhìn lại bình minh của Giáo Hội tại Việt Nam, các giám mục đã kêu gọi: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo Hội như một gia đình sẽ hòa nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam.” Lời kêu gọi này luôn được liên tục nhắc lại trong các lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mong muốn mọi phần tử trong Giáo Hội, phải thật sự canh tân, đổi mới cách nghĩ để cùng dựng xây một Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Cha, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Cha ban ơn trợ giúp chúng con biết quyết tâm xây dựng Giáo Hội Việt Nam thành một gia đình: là con một Cha, anh em một nhà cùng nhau tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ để mọi người trên đất nước chúng con, và cả thế giới mau đón nhận Tình yêu cứu độ của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ CHÍN

(23-11-2009)

Ý cầu nguyện:

Năm Thánh, Năm Hồng Ân:

Cầu nguyện cho Hàng Giáo phẩm Việt Nam

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn

2. Lời Chúa (Dt 13,7-9a): Tác viên Lời Chúa

Lời Chúa trong thư Do Thái

Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ. Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời cũng thiết lập 2 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (tách ra từ giáo phận Sàigòn).

Giáo tỉnh Hà Nội có 10 giáo phận; giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận; và giáo tỉnh Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh có 10 giáo phận.

Mỗi giáo phận đều có một giám mục chính tòa với nhiệm vụ cai quản và chăn dắt cộng đồng dân Chúa trong giáo phận. Các giám mục hợp thành Hàng Giáo Phẩm, mà chúng ta quen gọi là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Các giám mục là những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho chúng ta và hy sinh cả cuộc đời để lo cho chúng ta được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta biết ơn các ngài bằng lời cầu nguyện mỗi ngày, bằng sự tuân phục chân thành trong những gì liên hệ đến đức tin và luân lý, sẵn sàng cộng tác với các ngài để xây dựng giáo xứ, giáo phận, và nhất là ra sức sống đức tin bằng thực hành truyền giáo, bác ái xã hội, mến Chúa yêu người.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa

Lạy Chúa, Chúa đã trao phó cho các Đức giám mục trong Hàng Giáo phẩm Việt Nam nhiệm vụ săn sóc các giáo phận và Giáo Hội trên khắp cả nước Việt Nam. Xin cho các ngài được lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng, lòng mến yêu tha thiết. Và xin cho chúng con luôn biết vâng phục và cộng tác với các ngài trong việc làm chứng cho tình yêu thương trong chân lý. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 10/11/2009
DÂY CHUYỀN CÁ SẤU

N2T


Một phụ nữ từ tây phương đến, trong khi du lịch nhìn thấy dây chuyền mang nơi cổ của phụ nữ ở địa phương thì rất thích, bèn hỏi:

- “Dây chuyền kết bằng thứ gì vậy ?”

Người địa phương trả lời:

- “Làm bằng răng cá sấu.”

- “Té ra là như thế, tôi nghĩ giá trị của nó trong mắt các bạn, thì giống như châu báu trong mắt chúng tôi vậy.”

- “Không nhất định là như thế, cái vỏ con trai thì bất cứ người nào đều có thể bẻ ra được.”


(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Dây chuyền mang nơi cổ có nhiều loại, có loại bằng vàng ròng, vàng tây, có loại được kết bằng các hạt ngọc quý báu, có loại được kết bằng những viên đá quý rất đẹp và giá trị rất lớn, và cũng có những sợi dây chuyền nhìn rất đẹp nhưng lại là đồ dõm, đồ giả mạo, người không kinh nghiệm về đá quý vàng bạc thì sẽ lầm ngay...

Trong đời sống tâm linh của chúng ta cũng vậy, cuộc sống tốt lành của mỗi người được kết bằng các nhân đức, làm cho chúng ta ngày càng nên giống Chúa hơn:

- Nếu cuộc sống được kết bằng nhân đức khiêm tốn, thì chúng ta sẽ ngày càng trở nên chỗ dựa của tha nhân.

- Nếu cuộc sống được kết bằng đức nhẫn nại, thì chúng ta sẽ trở nên nguồn cảm hứng cho anh chị em.

- Nếu cuộc sống được kết bằng đức ái, thì chúng ta sẽ trở nên giống Chúa Giê-su hơn.

- Nếu cuộc sống được kết bằng nhân đức hy sinh, thì tâm hồn của tha nhân sẽ trở nên phong phú hơn khi tiếp xúc với chúng ta...

Dây chuyền bằng đá quý châu báu thì giá trị của nó rất cao, dù cho hình dáng dây chuyền như thế nào chăng nữa, bởi vì đá quý tự nó đã quý rồi.

Nếu tâm hồn con người ta được trang sức bằng các nhân đức thì giá trị của họ sẽ tăng lên rất nhiều trước mặt Thiên Chúa và loài người, hơn cả trang sức bằng dây chuyền vàng bạc đá quý.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 10/11/2009
N2T


7. Con người ta nếu biết trong khi bệnh có ẩn tàng châu báu, thì tất nhiên vui vẻ, coi bệnh là một ân huệ, nên không đem sự nhẫn nại đau khổ của bệnh biến thành đau khổ.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 10/11/2009
N2T


284. Nếu một người không biết sự học tập là quan trọng, thì suốt đời họ cũng thể không trở thành thông minh.

 
Các Thánh Từ Đạo Việt Nam trung thành với Chúa Kitô
LM Giuse Nguyễn Hữu An
19:29 10/11/2009
Sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 năm. Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt nam. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là bộ chính sử đầu tiên của nước ta ghi chép về nước Văn Lang và theo đó thì nước Văn lang “Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn”. Nước Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng 300 năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử. Tiếp đến là nước Âu Lạc của An Dương Vương, rồi đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn…

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp.

Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam. Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế). Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt Cuộc Nam Tiến. Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ dài chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ ( theo Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994)

Trong bối cảnh lịch sử xã hội đó, Thiên Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến để gieo trồng hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam. Lịch sử Giáo hội Việt Nam gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Các Họ Đạo phát triển cùng với Cuộc Nam Tiến và các cuộc bách hại. Từ khi vị thừa sai Phanxicô Buzômi có công thiết lập cơ cấu Giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam năm 1615 cho tới khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập 1960, thời gian đó kéo dài 300 năm. Hơn 3 thế kỷ phát triển cùng với các cuộc bách hại dưới các thời đại Vua Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Hạt giống Nước Trời cứ phát triển khi được gieo xuống đất. Chúng ta thấy được hồng ân Thiên Chúa tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên nước Việt thân yêu.

Tâm tình nhớ ơn và tri ân đó được HĐGMVN nói đến trong “Thư HĐGMVN gởi cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010”: “Như anh chị em biết, ngày 24.11.1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum, quyết định thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Như thế, bước sang năm 2010, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, ghi nhớ một chặng đường lịch sử, đánh dấu sự phát triển của Giáo Hội tại Việt Nam. Chính vì thế, ngày 29.9.2008, chúng tôi đã gửi thư thỉnh nguyện lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, xin phép mở Năm Thánh 2010. Chúng tôi vui mừng báo tin cho anh chị em: ngày 11.2.2009, qua thư của Toà ân giải Tối Cao, Đức Thánh Cha đã chuẩn nhận thư thỉnh nguyện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cho phép cử hành Năm Thánh 2010, từ ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24.11.2009, đến lễ Hiển Linh 6.l.2011. Giáo Hội Việt Nam sẽ khai mạc Năm Thánh cách trọng thể tại Hà Nội và bế mạc bằng cuộc hành hương lớn tại Thánh Địa La Vang. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 2010, chúng ta sẽ có Đại hội Dân Chúa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ các đại diện của các giáo phận và mọi thành phần Dân Chúa, để cùng với Hội Đồng Giám Mục định hướng cho đời sống Giáo Hội trong tương lai. Ngoài những cử hành chung trong cả nước, mỗi giáo phận sẽ có những cử hành riêng tại địa phương nhằm tạo cơ hội cho tất cả mọi tín hữu tham gia tích cực vào việc cử hành và sống Năm Thánh đặc biệt này.

Cử hành Năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn về biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ”.

Giữa những bách hại tàn khốc, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Như một Linh mục Giáo sư đã nói: Giáo hội Công giáo ngoài bốn đặc tính Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền còn có thêm một đặc tính thứ năm, đó là bách hại, càng bị bách hại càng lớn lên. Các bậc Tổ tiên đã gieo trong nước mắt và đau thương nhưng hào hùng và can trường. “Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi” (Is 52,7) để hôm nay Giáo hội Việt Nam vững mạnh sánh vai cùng các Giáo hội trên hoàn vũ. Nhìn những thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, là con cháu các Thánh Tử Đạo, người Công giáo Việt nam không bao giờ quên ơn những Bậc Tiền Bối đã xây đắp nên Giáo hội yêu dấu của mình.

Chúng ta có thể khẳng định: Lịch sử của các Giáo hội cũng là lịch sử những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại luôn đi liền với những kẻ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngay từ trong Cựu ước, những người tin vào Thiên Chúa Giavê cũng đã phải trải qua những cơn gian nan thử thách vì niềm tin.

Tại sao người tín hữu thường bị bắt bớ và bị bách hại? Lịch sử cho thấy người tín hữu bị bắt bớ và bị bách hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do là: bị người đời hiểu lầm và ghen ghét. Chính Đức Giêsu là một minh hoạ tuyệt vời về sự kiện ấy. Đức Giêsu bị nhà cầm quyền Do thái và Rôma kết án loại trừ, vì họ cho rằng Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chức quyền của họ. Thế nhưng, qua cuộc khổ nạn và thập giá mà Đức Giêsu bày tỏ lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu mến Chúa Cha và tình thương đối với loài người. Cuộc Khổ nạn là con đường dẫn tới Phục sinh.

Các Thánh Tử Đạo của Giáo hội, 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và hàng ngàn hàng vạn vị Tiền Bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Đạo mà nguyên nhân chính là do hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng chứng minh lòng tin của mình đối với Đức Giêsu Kitô, bất chấp gông cùm, tù tội, bá đao hay tùng xẻo, trảm quyết hay lăng trì.

Vì thế, ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội hoàn vũ chiêm ngắm suy tôn 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các chứng nhân trung kiên của Đức Kitô. Đặc biệt là dịp mà mỗi tín hữu Công Giáo Việt Nam ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên quê hương mình. Mừng kính trọng thể các Ngài để cùng nhau chiêm ngưỡng, tự hào, học hỏi nơi những chứng nhân đức tin trung kiên, ý chí quật cường của các chiến sĩ Đức Kitô. Từ đó giúp nhau phát huy truyền thống hào hùng bất khuất, dám hy sinh mạng sống cao quý để giữ vững đức tin nơi các thế hệ con cháu Các Thánh Tử Đạo.

Chính trong ánh sáng của Đức Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm: Đầy tớ không lớn hơn chủ(Ga 15,20); Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con...Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ. (Mt 10,16 -25)

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm cách nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các Ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các Ngài.

Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Đức Kitô. Các Ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các Ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu.

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét, nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các Ngài là Niềm Tin Phục Sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta: mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.( x. Thiên Hùng Sử, trang 495).

Niềm Tin Phục Sinh mãi mãi là ánh sáng soi dẫn từng suy nghĩ từng lời nói từng việc làm của người tín hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất. Khuynh hướng tìm chiếm hữu, hưởng thụ, an nhàn là rất mạnh. Thế mà Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta phải từ bỏ mình, phải vác thập giá, phải hi sinh mạng sống. Phải chăng Chúa muốn ta tàn lụi đi ? Hay Chúa muốn ta trở nên dại dột ? Thưa không phải như thế. Chúa khuyên bảo ta hãy biết từ bỏ mình vì lợi ích của ta.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị cao quí hơn. Trong đời sống, cơm áo gạo tiền là cần là quí. Nhưng còn những thứ cao quí hơn. Ví dụ như danh dự, tình yêu, lòng chung thủy. Mạng sống là quí. Nhưng có những giá trị còn cao quí hơn. Ví dụ như đức tin, tổ quốc. Thân xác là quí. Nhưng linh hồn còn cao quí hơn. Vì thế, khi không thể chọn cả hai, ta phải biết chọn những giá trị cao quí hơn.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị bền vững hơn. Vật chất là quí. Nhưng giá trị của nó không lâu bền. Chết rồi ta chẳng mang theo được vật chất theo mình. Những giá trị tinh thần bền vững hơn. Dù chết rồi vẫn còn tồn tại. Tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cuộc sống đời này là quí. Nhưng cuộc sống đời này không kéo dài lâu. Cuộc sống đời sau mới trường tồn vĩnh cửu. Khi không thể chọn lựa mọi giá trị, ta phải biết lựa chọn những giá trị có tính cách vĩnh cửu.

Chúa chỉ cho ta đường đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Chọn Chúa là chọn những gì tốt đẹp nhất. Chúa là giá trị cao quí nhất. Chúa là giá trị vĩnh cửu nhất. Chúa là hạnh phúc hoàn hảo nhất. Hạnh phúc ở nơi Chúa làm ta no thỏa. Hạnh phúc ở nơi Chúa không bao giờ tàn lụi. Hạnh phúc ở nơi Chúa cho ta đạt được mọi ước mơ của con người.

Chúa chỉ cho ta con đường đi theo Chúa. Khi dậy dỗ ta, Chúa Giêsu không nói suông. Chính Người đã thực hành. Người đã từ bỏ mình, vác thánh giá. Người đã liều mạng sống, chịu chết vì chúng ta. Người đã từ bỏ tất cả những giá trị trần gian để vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha. Cuối cùng Người lại được tất cả. Chết rồi được phục sinh. Tự hủy mình ra không lại được trở thành Vua vũ trụ. Người đã từ bỏ tất cả, nay Đức Chúa Cha lại ban cho Người tất cả, khi đặt mọi sự dưới chân Người.

Yêu mến Chúa và vâng theo Lời Chúa, các thánh Tử đạo Việt nam đã đi theo con đường của Chúa. Để bảo vệ đức tin, các ngài đã chịu mất tất cả cuộc sống an vui, mất danh vọng chức quyền, mất nhà cửa của cải. Vì hiểu rằng rằng đức tin là gia tài cao quí nhất. Hướng về sự sống đời sau, các ngài đã sẵn sàng chịu giam cầm, chịu nhục nhã, chịu hành hạ đau đớn. Vì biết rằng những đau khổ đời này rồi sẽ qua đi, hạnh phúc đời sau mới vĩnh cửu. Để trung thành với Chúa, các ngài sẵn sàng chịu mất mạng sống. Vì biết rằng Chúa sẽ ban lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho các ngài. Các ngài thật can đảm. Vì khi chọn lựa và từ bỏ như thế, phải chịu nhiều đau đớn, khổ nhục. Đó là chọn lựa tuyệt đối quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quí. Đã biết từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu. Đã biết từ bỏ những giá trị tương đối để lựa chọn Chúa là giá trị tuyệt đối.

Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn. Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục. Để chọn Chúa, ta phải mất chức tước danh vọng. Để đi theo Chúa, ta phải vác thánh giá. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng ta đau đớn như bị vết thương. Vết thương rỉ máu âm ỉ suốt cuộc đời. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến ta rơi lệ. Những dòng lệ đau đớn xót xa. Đó thực là những cuộc tử đạo. Cuộc tử đạo không thấy máu. Vì máu chỉ ri rỉ trong tâm hồn. Cuộc tử đạo không thấy lệ. Vì lệ đã nuốt ngược vào trong. Máu ri rỉ đau đớn nhức nhối lắm. Lệ nuốt vào cay đắng lắm. Để lựa chọn như thế phải có ơn khôn ngoan của Chúa. Để lựa chọn như thế cần có ơn sức mạnh của Chúa. Nhưng có lựa chọn như thế ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các thánh anh hùng tử đạo. Chính những lựa chọn đó đem lại cho ta sự sống đích thực. Chính những lựa chọn đó đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Vài tư liệu.

. Thời gian và con số: + Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, kéo dài gần 3 thế kỷ.

+ Có khoảng 400.000 người bị lưu đầy, phát lưu và phân sáp. 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.

2. Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như: - Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói. - Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv. - Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết - tức là bị chặt đầu- bị xử giảo - tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống. - Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì - phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.

3. Quá trình Giáo Hội phong thánh * Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lêo XIII phong 64 vị lên hàng chân phước. * Ngày 20-5-1906 Đức Thánh Cha Pio X phong thêm 8 vị. * Ngày 02-5-1909 cũng Đức Thánh Cha Piô X phong thêm 20 vị nữa. * Ngày 29-4-1951 Đức Thánh Cha Pio XII phong 25 vị. Trong 117 vị được phong chân phước có: - 8 Giám mục ( Giám mục thuộc dòng Đaminh và 2 Giám mục thuọc Hội thừa sai Paris) - 50 Linh mục (Gồm 37 là người Việt Nam, 8 thuọc Hội thừa sai Paris và 5 thuộc dòng Đaminh) - 15 thầy giảng -44 giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v..v. 4. Theo loại hình phạt * 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất. * 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ. * 8 vị chết rũ tù * 6 bị thiêu sinh * 4 bị lăng trì - tức là phân thây ra từng mảnh * 1 bị tử thương và * 1 bị bá đao 5. Về thời gian * 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Doanh * 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Sâm * 2 vị chịu tử đạo thời Cảnh Thịnh. * 57 vị chịu tử đạo thời Minh Mạng * 3 vị chịu tử đạo thời Thiệu Trị * 51 vị chịu tử đạo thời Tự Đức<1font>
 
Canh tân đặc sủng: ĐẶT TAY và sự TÉ NGÃ
LM. Giuse Trần Việt Hùng
19:55 10/11/2009
CANH TÂN ĐẶC SỦNG: ĐẶT TAY VÀ SỰ TÉ NGÃ.

Đã từ lâu tôi nghe nói về Phong Trào Thánh Linh hay gọi là Canh Tân Đặc Sủng. Từ mấy năm nay, trong cộng đoàn nơi tôi giúp, đã có một số anh chị em đi dự các Khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh do các cha hướng dẫn. Tôi nghe họ bàn tán với nhau rằng: cha này hay cha kia có ơn riêng về chữa bệnh, đặt tay cho té ngã và nói các tiếng lạ. Có một vài anh chị em nói rằng: một số cha ở địa phương cứng lòng không tin và sợ không bị té ngã nên không dám tham dự và không dám cho mở khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh tại giáo xứ của mình.

Tôi cố gắng tìm hiểu các hiện tượng ra sao? Mở trang Website: Thanhlinh.net đọc tất cả các tài liệu và nhìn xem các hình ảnh. Có đông các linh mục, tu sĩ Nam Nữ và anh chị em tham dự các khóa Thánh Linh. Hình ảnh rất đẹp và ấn tượng. Tôi cũng hỏi thăm nơi này hoặc nơi kia về các sự kiện và diễn tiến của các cuộc tĩnh tâm. Đã có nhiều cuộc Tĩnh Tâm khác nhau do các cha phụ trách. Có ngày giờ và thời biểu cùng các đề tài kèm theo tùy theo Mùa Phụng Vụ.

Tháng vừa qua, sau khi đi tĩnh tâm ở Philadelphia trở về, các ông bà và anh chị trong nhóm Thánh Linh thuộc Cộng Đoàn Chúa Kitô Vua, vùng Bronx, muốn xin tổ chức cuộc Tĩnh Tâm Canh Tân Đặc Sủng tại nhà thờ vùng Bronx, New York. Ngày 30/10-1/11/2009, chúng tôi đã tổ chức thành công Khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh. Đã có khoảng 250 người giáo dân từ các Tiểu Bang khác đến tham dự và một số lớn giáo dân địa phương tham dự tùy thời gian thuận lợi.

Linh mục giảng phòng đã vất vả bận rộn với các bài giảng, suy niệm và ca hát ngợi khen cùng các sinh hoạt khác. Chương trình từ chiều Thứ Sáu 5:00-10:30pm, đặt Mình Thánh Chúa, ca hát, giảng giải, Đi Đàng Thánh Giá và lần lượt xếp hàng lên ôm hôn Thánh Giá. Thứ Bảy từ 8:00 am-11:00 pm., suốt 15 tiếng đồng hồ, có các bài giảng, ca ngợi, những bài hát tâm tình bên những hình ảnh thật cảm động về cuộc Thương Khó và tình yêu của Chúa. Giờ cao điểm là Thánh Lễ dìm mình trong Chúa Thánh Thần. Sau Thánh Lễ, khoảng 9:30 pm. Linh mục có giờ đặt tay xin Chúa Giêsu, Đấng Chữa Lành ngự đến và xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa.

Trong thánh lễ, tôi có ngồi nghe bài giảng của cha giảng phòng. Cha dùng nhiều thí dụ và trưng dẫn Thánh Kinh nói về việc đặt tay và té ngã từ thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ, cùng những ơn chữa lành khác. Ngài chia sẻ một số ơn đặc biệt: linh mục được ơn xức dầu rồi chết ngay, được ơn cầu cho có mang thai, giáo dân được ơn cười… tôi nghĩ đây là những truyện vui thôi. Ngài trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh sự ngã té của những người đến bắt Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, theo Phúc âm của thánh Gioan: “Chính Ta đây, chúng lùi lại, mà ngã xuống đất.”(Jn 18:6). Như vậy, quân dữ bị ngã, còn con cái đến với Chúa có bị ngã không?

Tối hôm đó, trên gian cung thánh bầu khí âm u vì không có ánh sáng. Ca đoàn hát những bài ca ru hồn: Chạm vào lòng con Chúa ơi…. Giáo dân lần lượt xếp hàng bước lên gian cung thánh và những người hướng dẫn nói với những người giáo dân: đứng nhắm mắt lại, giơ tay lên cầu nguyện, tập trung tinh thần để cầu xin ơn Chúa. Khi chúng ta buông lỏng tâm hồn và cầu xin Chúa Giêsu, Đấng Chữa Lành ngự xuống, trong khi linh mục đặt tay cầu nguyện và thổi hơi nhẹ như là luồng gió của Chúa Thánh Thần. Tôi thấy hầu hết tất cả anh chị em tham dự đã xếp hàng đi lên để được đặt tay. Có người xếp hàng đi lên hai ba lần để được đặt tay.

Tôi quan sát cũng có một số anh chị em đi làm về và ghé ngang qua phòng hội khi linh mục đang đặt tay. Họ cũng xếp hàng bước lên, trong bầu khí âm u và ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Họ chợt nhìn thấy đã có nhiều người đang nằm trên cung thánh được phủ bong xanh, tự nhiên họ thấy có gì lo sợ và đánh động tâm hồn. Rồi họ cũng thả hồn phó thác niềm tin vào Chúa. Một linh mục tiến đến trước mặt họ với mặt nhật có Mình Thánh Chúa và linh mục khác đặt tay trên trán mỗi người và cầu nguyện có khi là tiếng Việt, có khi tíếng Anh và tiếng Latin và cả tiếng lạ. Khi người giáo dân trong tư thế đứng nhắm mắt và giơ tay cầu nguyện chờ đợi, linh mục lần lượt đến từng người đặt tay cầu nguyện và đã có nhiều người ngã ngửa về phía sau.

Tôi suy nghĩ, khi chúng ta đứng nhắm mắt lại, con người của chúng ta ở tư thế nhưng không, không có điểm tựa, thiếu sự thăng bằng và khi linh mục đặt tay trên trán, sức nặng của bàn tay hướng tới trước. Nếu chúng ta cưỡng lại, chúng ta sẽ cảm thấy có một lực đẩy tới. Nếu chúng ta buông theo và ngã ngửa, chúng ta thấy an toàn và như có một luồng khí tỏa lan trong người. Cảm giác lâng lâng và té ngã làm cho chúng ta cảm thấy một cái gì mới lạ trong người. Chúng ta gọi là được ơn. Tôi cũng nghe có những người được ơn như: khỏi đau lưng, khỏi đau tay và không còn bị thúc giục đi đánh bài và bỏ hút thuốc… Có người nói rằng sau cả ngày tĩnh tâm, tối về nhà họ thấy ngủ ngon hơn và thấy sảng khoái hơn. Có vài người nói là được ơn trở lại cùng Chúa. Họ cầu nguyện nhiều hơn và hy sinh nhiều hơn cho việc chung. Họ không tiếc tiền bạc cúng để lo việc tổ chức Khóa Tĩnh Tâm. Có người được té 5 hay 6 lần và nghĩ rằng họ được nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Trong buổi lễ khoảng trên dưới 300 người. Đã có rất nhiều người té ngã. Họ rất vui vì như được ơn và đánh giá niềm tin của mình qua sự té ngã.

Có những nhân chứng té ngã chia xẻ rằng họ cảm thấy rất nhẹ nhàng và không còn chỗ dựa như trong chân không. Có những người nằm xuống thì cười, khóc, hát hoặc nói thì thào cái gì đó và nằm đó nghỉ ngơi một hồi lâu. Có người la hét và khóc sướt mướt. Nhưng có những người không té, cứ đứng trơ ra đó. Tôi nghe các anh chị đó chia sẻ rằng họ cũng theo những hướng dẫn và làm theo cách thức cầu nguyện. Các anh chị đó không té ngã vì cố gắng đứng vững và cảm thấy có lực đẩy về phía sau từ tay linh mục. Cưỡng lại thì có lực đẩy và xuôi theo thì sẽ ngã ngửa. Cũng có các em nhỏ bị té khi lên cầu nguyện. Tôi hỏi một em rằng tại sao em té, em trả lời: Con thấy mấy người bên cạnh té xuống, con cũng té nhưng con biết con té mà.

Nhiều người té cho là mình có đức tin nhiều và là người tốt lành. Những người không té bị cho là kẻ tội lỗi, thiếu đức tin hoặc là không tập trung? Sau cuộc tĩnh tâm, tôi cảm thấy lo. Lo vì nhiều người bị hoang mang trong niềm tin. Không biết thật hư thế nào? Và đã có nhiều phân rẽ và cười nhạo lẫn nhau trong cộng đoàn. Người tin vào tác động của Chúa Thánh Linh qua việc đặt tay và té ngã, thì cái gì xảy ra cũng do Thánh Linh. Người không tin hiện tượng này thì đặt nhiều nghi vấn và bị hỏa mù. Tôi tin rằng hoa qủa của Thánh Thần là tình yêu, là sự thật và là sự đoàn kết nên một. Chúa Thánh Linh chính là Thần Chân Lý, Ngài đến để dạy chúng ta sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Qua các sự kiện trên, tôi cố gắng học hỏi và tìm hiểu thêm về phong trào và nhận ra có những ưu điểm và những khuyết điểm cần được thay đổi cho thích hợp. Giúp củng cố lòng tin của chúng ta một cách vững vàng và sống đạo trưởng thành. Chúng ta không nên lệ thuộc vào những hiện tượng ảo giác hay cảm giác để tạo sự mơ hồ và chao đảo.

Đã có nhiều người được lôi cuốn đi theo linh mục và là fans. Linh mục đó đi bất cứ nơi nào để tổ chức cấm phòng, họ cùng đi theo. Có khi họ đi ra nước ngoài. Họ không quản ngại và không kể thời gian hay tiền bạc. Họ nói rằng họ đã được ơn và muốn chia sẻ với người khác.

Sau cấm phòng một tuần, vào thứ bảy đầu tháng, ngày 7 tháng 11, 2009 vừa qua, khi hội họp các Bà Mẹ Công Giáo trong Cộng Đoàn. Tôi đã giải thích những điểm tích cực và những điểm cần chú ý để cùng học hỏi. Tôi đã thực hiện hình thức đặt tay và tìm xem hiệu qủa của nó thế nào. Tôi mời gọi ba bà trong Hội các Bà Mẹ, tự nguyện bước lên trước nhóm để được đặt tay cầu nguyện. Có ba bà đã tham dự nhiều khóa Thánh Linh bước tới. Sau đó tôi cũng mời một số bà đỡ sau lưng phòng khi té xuống. Phòng tắt điện và nhóm các bà còn lại hát bài: Giêsu, chúng con tới đây sấp mình… Tôi mời các bà nhắm mắt, tập trung giơ tay cầu nguyện và sau một phút, tôi bắt đầu đặt tay, thật ngạc nhiên, tôi chưa kịp cầu nguyện chi cả, bà thứ nhất té xuống. Tôi tiếp tục đặt tay bà thứ hai, trong khoảng 10 giây, bà ta té xuống và đến bà thứ ba cũng thế, tôi mới đặt tay cầu nguyện, chưa kịp xin Chúa ơn gì mà bà ta đã té ngã xuống rồi. Cả ba bà nằm đó một khoảng thời gian. Có bà thì hát và có bà thì khóc lóc.

Như vậy, có phải là Thánh Linh cho té ngã hay vì một lý do gì khác? Chúng ta cần chú ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất: Chúng ta cần học hỏi nhiều về ý nghĩa đích thực của Phong Trào Thánh Linh.

Thứ hai: Sự kiện đứng nhắm mắt sẽ ảnh hưởng tới sự thăng bằng của con người.

Thứ ba: Khi linh mục đặt bàn tay trên trán, thì tay có sức đẩy tới.

Tóm lại, trong bầu khí thánh thiện và sốt mến, tâm hồn chúng ta chìm ngập trong tin yêu. Khi đặt tay, chúng ta sẽ dễ dàng bị té xuống. Tôi biết sẽ có rất nhiều qúy ông bà và anh chị em sẽ không đồng ý với tôi về sự kiện này. Quý ông bà và anh chị em cứ thử cầu nguyện cách thức như trên trong gia đình hoặc trong nhóm với nhau. Khi bị té như thế có lẽ có nhiều yếu tố góp lại. Chúng ta đừng gán ghép cho Chúa Thánh Thần mọi thứ kẻo bị xúc phạm. Chúng ta đừng cuồng tín. Đừng bị ảo giác chi phối. Niềm tin của chúng ta cần đặt trên nền tảng vững chắc nơi Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hãy sống đạo trưởng thành, đừng ủy mị và mê tín hay cả tin.

Tôi đề nghị rằng chúng ta nên theo cách thực hành của Giáo Hội Công Giáo. Trong Giáo Hội, chúng ta có cả một kho tàng truyền thống lịch sử lâu dài. Nghi thức đặt tay vẫn được cử hành trong các Bí Tích như Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Bí Tích Thêm Sức và đặc biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh. Trong Lễ Truyền Chức Giám Mục, Phó Tế hay Linh mục, có các Giám Mục và có khi cả mấy trăm linh mục đặt tay trên các ứng viên linh mục hay phó tế trong tư thế qùy và được đặt tay trên đỉnh đầu cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.

Để được an toàn, chúng ta cứ qùy gối xuống cầu nguyện và phó thác trong tay Chúa. Linh mục đặt tay cầu nguyện, không cần phải người đỡ sau lưng. Chúa Thánh Thần sẽ làm việc bất cứ ở nơi nào. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Chúng ta không thể cản ngăn ơn Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh thần ngự đến. Xin Ngài canh tân bộ mặt trái đất và canh tân tâm hồn chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân biểu Cao Quang Ánh, đại biểu duy nhất của Đảng Cộng Hòa ủng hộ dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ
Tú Anh / RFI
09:53 10/11/2009
Dân biểu Cao Quang Ánh, đại biểu duy nhất của Đảng Cộng Hòa ủng hộ dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ

Cùng lúc với chuyến thăm viếng Việt Nam của trung tá hạm trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Mỹ, Lê Bá Hùng, tại Hoa Kỳ có thêm một khuôn mặt trẻ có hành động làm rạng danh cộng đồng tỵ nạn Việt Nam: dân biểu Cao Quang Ánh, tức Joseph Cao.

Tối thứ bảy vừa qua (7/11), sau những cuộc tranh luận dài 12 tiếng đồng hồ tại Hạ viện, cuối cùng dự luật cải cách y tế được thông qua với đa số khít khao 220 -215. Toàn bộ dân biểu đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống trừ một người là dân biểu gốc việt Cao Quang Ánh.

Nguyên nhân nào đã thúc đẩy dân biểu Cao Quang Ánh hành động bất chấp chỉ thị của đảng. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN và các cơ quan báo chí địa phương bang Louisiana ông tuyên bố: « Tại đơn vị của tôi, có rất nhiều người nghèo, nhiều người không có bảo hiểm y tế ».

Quyết định của một dân biểu đi ngược lại đường lối chung của phe mình không phải là hiếm nhưng sự lựa chọn của dân biểu Cao Quang Ánh phải nói là rất khó khăn.

Thứ nhất là đảng Cộng hòa có chỉ thị chung cho tòa dân biểu của đảng. Tất cả lá phiếu đều chống lại dự luật của tổng thống Obama. Từ nhiều tuần qua, các công ty bảo hiểm tư và các tập đoàn bào chế thuốc đã huy động mọi phương tiện gây sức ép hành lang.

Thứ nhì là chỉ có một mình ông đơn lẻ ủng hộ phe đối phương. Ông giải thích: « Quyết định của tôi là chính đáng cho người dân trong đơn vị của mình, mặc dù sự lựa chọn này không được đảng đồng ý. Tuy nhiên, từ trước đến nay, tôi luôn luôn quan tâm làm sao phục vụ đúng đắn cho cử tri của tôi bất chấp hậu quả xảy ra cho sự nghiệp chính trị ».

Thật ra thì tương lai chính trị của một vị dân biểu được lòng dân sẽ khó mà gặp chướng ngại. Ông đã bỏ cái hại nhỏ trước mắt để chọn cái lợi lớn trong tương lai.

Dự luật cãi cách y tế của tổng thống Obama được dự trù lên đến 1000 tỷ đô la là một kế hoạch lịch sử nếu được Thượng viện thông qua sẽ mang lại phúc lợi cho hơn 36 triệu người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Theo kế hoạch của đảng Dân chủ, 96% người Mỹ sẽ được bảo hiểm y tế và qua đó sẽ giúp cho chi phí về sức khỏe sẽ giảm bớt.

Mặc khác nếu biết rõ cuộc đời của vị dân biểu gốc Việt mới 42 tuổi này có lẽ người ta sẽ hiểu vì sao ông đứng về phía những người yếu đuối.

Cũng như trung tá Lê Bá Hùng, dân biểu Cao Quang Ánh xuất thân là một cậu bé tỵ nạn. Cha là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1975 mẹ của Cao Quang Ánh dẫn cậu bé và hai trong số 7 người con di tản sang Mỹ. Cậu bé 7 tuổi để lại người cha suốt 7 năm trong nhà tù cãi tạo.

Tại Mỹ, trong khi Lê Bá Hùng chọn binh nghiệp và học xuất sắc ở trường sĩ quan hải quân thì Cao Quang Ánh theo ngành khoa học và luật. Sau bậc trung học, ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại đại học Baylor, rồi đậu thạc sĩ triết học đại học Fordham, đi dạy tại đại học Loyola và trình luận án tiến sĩ Luật.

Sau một thời gian làm luật sư, ông Cao Quang Ánh lao vào chính trường và đắc cử dân biểu tại một đơn vị bang Louisiana ngày 6 tháng 12 năm 2008.

Ngày 7 tháng 11 2009, ông là vị dân biểu Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu hậu thuẫn kế hoạch cải cách bảo hiểm y tế lịch sử.

Nếu ở lại Việt Nam với lý lịch cha là « sĩ quan ngụy » thì chắc chắn Lê Bá Hùng và Cao Huy Ánh sẽ gặp một số phận khác. Ai sẽ là hạm trưởng khu trục hạm tối tân nhất của hải quân Hoa Kỳ ngày đêm tuần tra tại Thái Bình Dương ? Ai sẽ là người bỏ phiếu, lá phiếu quyết định, thông qua một dự án bảo hiểm y tế lịch sử ? Những vấn đề ảnh hưởng đến số phận của hàng trăm triệu người.
 
Đức hồng y Francis George hoan nghênh Hạ Viện hủy bỏ khoản tài trợ phá thai trong dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế
Đặng Văn Kiếm
14:27 10/11/2009
Đức hồng y Francis George hoan nghênh Hạ Viện hủy bỏ khoản tài trợ phá thai trong dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế

WASHINGTON – Đức hồng y Francis George, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ hoan nghênh Hạ Viện quyết định hủy bỏ khoản tài trợ phá thai trong dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế.

Ngày 9 tháng 11 năm 2009, hai ngày sau khi dự luật cải tổ y tế được Hạ Viện thông qua với số phiếu 220 thuận và 215 chống, Đức hồng y George ngỏ lời cám ơn “các Dân Biểu đã tán thành sự cam kết của Tổng thống Obama trước Quốc hội và quốc gia rằng việc cải tổ y tế sẽ không trở nên một cỗ xe nhằm gia tăng các khoản tiền tài trợ vào việc phá thai…”.

Vài tuần lễ trước đây, các cộng đoàn giáo xứ khắp các giáo phận trên toàn quốc liên tục kêu gọi tín hữu viết thư yêu cầu các vị dân cử địa phương ủng hộ việc hủy bỏ các điều khoản cho phép tài trợ phá thai.

Đức hồng y George khẳng định rằng Hội đồng Giám mục sẽ tiếp tục theo sát tiến trình cải tổ này để bảo đảm chắc chắn các điều khoản liên hệ được ghi rõ ràng và đầy đủ trong bản văn cuối cùng.

Đức hồng y Chủ tịch nhấn mạnh: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc về các khoản luật cải tổ y tế khác trong khi thảo luận tại Thượng Viện, cách riêng các phần ảnh hưởng tới những người nghèo khó, và việc tôn trọng sự sống con người từ lúc bắt đầu cho tới khi chết. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác quyết luật cải cổ phải bảo vệ các quyền lương tâm. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực chăm sóc y tế cho những người có đồng lương thấp và không có bảo hiểm. Chúng tôi quan tâm sâu sắc rằng những di dân phải được đối xử công bằng và không bị tước đi bảo hiểm y tế mà họ đang có”.
 
Niên Lịch Năm 2010 của Đức Thánh Cha Benedict XVI đã soạn thảo xong
Bùi Hữu Thư
20:57 10/11/2009
Cũng như một niên lịch cống hiến cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Rôma, Thứ Ba ngày 10 tháng 11, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Niên Lịch Năm 2010 của Đức Thánh Cha Benedict XVI, được dịch vụ nhiếp ảnh của Báo L'Osservatore Romano (OR) thực hiện, có thể được tải xuống từ mạng lưới toàn cầu nhờ Thư Viện Quốc Tế (HDH Communications). Môt niên lịch 2010 cũng được cống hiến cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

13 hình ảnh được lựa chọn cho niên lịch trình bầy các chuyến công du của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại Úc Châu và Phi Châu (từ tháng Bẩy 2009 đến tháng Ba 2009.)

Dịch vụ nhiếp ảnh của Báo L'Osservatore Romano cũng sẽ thực hiện một niên lịch để tưởng niệm Đức Gioan Phaolô II để kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên ngày ngài qua đời, vào ngày 2 tháng Tư 2010.

Hình thức và chất lượng của bìa giấy sẽ cho phép gìn giữ các hình ảnh và đóng khung treo tường trong tương lai.

Thư Viện Quốc Tế Trên Mạng dành cho thế giới Công Giáo cũng giới thiệu các điã DVD của Trung Tâm Truyền Hình Vatican và một văn khố các tài liệu của Thư Viện Vatican (LEV).
 
Dẫn giải của Tòa Thánh về qui chế mới cho người Anh Giáo
Vũ Văn An
21:15 10/11/2009
Nhân dịp ban hành qui chế mới “Anglicanorum coetibus”, Tòa Thánh đã cho công bố bản dẫn giải do linh mục Gianfranco Ghirlanda, Dòng Tên, Viện Trưởng Viện Đại Học Gregoriana biên soạn:

Tông hiến "Anglicanorum Coetibus" ngày 4 tháng Mười Một, 2009, đưa ra các qui định chủ yếu nhằm điều hành việc thiết lập và sinh hoạt của các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân dành cho các tín hữu Anh Giáo muốn bước vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc tập thể hoặc từng cá nhân. Như đã nói ở phần dẫn nhập, bằng cách này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội và theo mệnh lệnh Chúa Kitô, là người bảo vệ sự hợp nhất của hàng giám mục và sự hiệp thông phổ quát của mọi Giáo Hội, đã biểu lộ sự săn sóc đầy tình phụ tử đối với các tín hữu Anh Giáo (giáo dân, giáo sĩ và thành viên các viện tận hiến và các hội hoạt động tông đồ) từng liên tiếp thỉnh nguyện Tòa Thánh để được tiếp nhận trọn vẹn vào Hiệp Thông Công Giáo.

Phần dẫn nhập vào Tông Hiến khi trình bày lý do đưa ra các qui định này đã nhấn mạnh tới một số sự việc cần được lưu tâm:

-- Trong tính hợp nhất và đa dạng của mình, mô phỏng theo Ba Ngôi Chí Thánh, Giáo Hội đã được thiết lập như “một bí tích, tức một dấu chỉ và một dụng cụ, của sự hiệp thông với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của mọi người” (Lumen gentium, 1). Vì lý do này, mọi chia rẽ giữa những người đã rửa tội đều làm tổn thương đến bản chất Giáo Hội và những điều vì chúng mà Giáo Hội hiện hữu và do đó tạo nên một gương mù gương xấu vì nó mâu thuẫn với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ nạn và chịu chết (cf. John 17:20-21).

-- Được thiết lập bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vốn là nguyên lý của việc hợp nhất trong Giáo Hội, sự hiệp thông của Giáo Hội, tương tự như mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, cùng một lúc vừa có tính vô hình (thiêng liêng) vừa có tính hữu hình (được tổ chức theo phẩm trật). Cho nên, sự hiệp thông giữa các người đã rửa tội, nếu muốn là một hiệp thông trọn vẹn, cần phải được “biểu lộ một cách hữu hình trong các nối kết tuyên xưng đức tin một cách trọn vẹn, trong việc cử hành mọi bí tích do Chúa Kitô thiết lập, và trong việc cai quản của Giám Mục Đoàn hợp nhất với vị thủ lãnh của nó là Đức Giáo Hoàng”.

-- Dù Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do vị kế nghiệp Thánh Phêrô và các giám mục hợp nhất với ngài cai quản, song vẫn có những yếu tố thánh hóa và chân lý tìm thấy ở bên ngoài phạm vi hữu hình của Giáo Hội, tức trong các giáo hội và cộng đồng Kitô Hữu phân ly với Giáo Hội. Và vì các yếu tố này là hồng ân thật sự thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, nên chúng cũng là những sức mạnh đẩy ta tới việc hợp nhất Công Giáo.

Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, các tín hữu Anh Giáo từng yêu cầu được bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo quả đã được đánh động để về hợp nhất bởi các yếu tố của Giáo Hội Chúa Kitô xưa nay vốn luôn hiện diện trong cuộc sống bản thân và cộng đoàn làm Kitô Hữu của mình.

Vì lý do đó, việc Đức Thánh Cha ban hành Tông Hiến “Anglicanorum coetibus” và những điều kế tiếp, đã cho thấy một cách hết sức đặc biệt sức thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Các phương tiện pháp chế mà Đức Thánh Cha đưa ra để tiếp nhận các tín hữu Anh Giáo này vào hiệp thông Công Giáo trọn vẹn chính là việc thiết lập ra các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân (I § 1).

Năng quyền thiết lập này được dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Lý do của việc này là như sau: trong diễn trình dài mà sau cùng đưa tới Tông Hiến này, nhiều vấn đề tín lý đã cần được giải quyết, và những vấn đề như thế vẫn còn tiếp tục xuất hiện trong thời điểm thiết lập các tòa bản quyền đặc thù và thời điểm thực sự tiếp nhận các nhóm tín hữu Anh Giáo vào hiệp thông Công Giáo trọn vẹn qua các tòa bản quyền này. Dù sao, khi có vấn đề đặc thù xuất hiện, mỗi tòa bản quyền sẽ lệ thuộc không phải riêng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin mà còn nhiều thánh bộ khác của Giáo Triều Rôma, tùy theo năng quyền của các thánh bộ này (Ap.Con. II). Thí dụ: đối với các hiệp hội giáo dân, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân sẽ có năng quyền; đối với việc đào tạo và sinh hoạt của linh mục, Thánh Bộ Giáo Sĩ sẽ có năng quyền; đối với các hình thức sống tận hiến, Thánh Bộ các Viện Tận Hiến và các Hội Tông Đồ có năng quyền v.v… Đối với việc viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô (ad limina), mà các vị bản quyền buộc phải làm mỗi 5 năm, thì Tông Hiến chỉ rõ rằng vị bản quyền phải tham khảo không những Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin mà cả Thánh Bộ Giám Mục và Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc nữa (Ap. Cons. XI).

Khả thể thiết lập các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân dành cho tín hữu Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo như đã được dự liệu trong TH “Anglicanorum Coetibus” không tạo ra một cơ cấu mới trong các điều khoản giáo luật hiện hành, mà đúng hơn chỉ sử dụng cơ cấu của các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân, được thiết lập đầu tiên để chăm sóc mục vụ cho các nhân viên của lực lượng vũ trang, trong Tông Hiến “Sprirituali militum cura” ngày 21 tháng Tư, 1986, của Đức Gioan Phaolô II. Dù có nhiều tương tự giữa hai loại Toà Bản Quyến Tòng Nhân này, nhưng xét vì các mục tiêu khác nhau, một đàng dành cho quân đội một đàng dành cho các tín hữu Anh Giáo, nên cũng có nhiều điểm khác nhau giữa hai hình thức. Điều chúng ta đang xử lý ở đây là các cơ cấu do Giáo Hội lập ra để đương đầu với các hoàn cảnh đặc thù phát sinh từ nhu cầu của tín hữu là những nhu cầu, từ bản chất, vốn có tính ngoại lệ. Quan tâm mục vụ của Giáo Hội cũng như tính mềm dẻo trong các qui phạm giáo luật đã cho phép việc lập ra các cơ cấu pháp chế được thích ứng một cách đặc thù với thiện ích thiêng liêng của tín hữu, trong khi vẫn không đi ngược lại các nguyên tắc nền tảng của khoa giáo hội học Công Giáo.

Các toà bản quyền quân đội đã không được dự liệu trong Bộ Giáo Luật thế nào, thì các toà bản quyền dành cho người Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo cũng đã không được tính trước một cách đặc thù như thế. Tuy nhiên, các toà bản quyền quân đội được TH “Spirituali militum cura” mô tả như các thẩm quyền pháp chế giáo hội tương tự như các giáo phận thế nào (Ap. Cons. I § 1), thì TH

“Anglicanorum coetibus” cũng mô tả các tòa bản quyền tòng nhân dành cho các tín hữu từ Anh Giáo trở lại giống như các giáo phận về phương diện pháp chế như thế (Ap. Cons. I § 3).

Không thể coi các toà bản quyền này như các giáo hội có nghi thức riêng (particular ritual churches) bởi lẽ truyền thống phụng vụ, linh đạo và mục vụ Anh Giáo chỉ là một thực tại đặc thù trong Giáo Hội La Tinh. Việc tạo ra một giáo hội nghi thức có thể đưa lại nhiều khó khăn đại kết. Cũng không thể coi các tòa bản quyền này như các toà giám chức tòng nhân (Personal Prelatures) vì theo điều 294 của Bộ Giáo Luật, các tòa giám chức tòng nhân bao gồm các linh mục và phó tế triều và theo điều 296, giáo dân chỉ có thể hiến mình làm việc tông đồ cho các toà giám chức tòng nhân này trên căn bản thoả thuận. Đến các thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ cũng không được nhắc tới trong các điều khỏan giáo luật nói về các toà giám chức tòng nhân.

Cho nên, các toà bản quyền dành cho các tín hữu cựu Anh Giáo là cơ cấu tòng nhân theo nghĩa thẩm quyền tài phán của vị bản quyền và tiếp đó của linh mục chánh xứ không được ấn định theo địa dư trong lãnh thổ của một hội đồng giám mục như một giáo hội tòng thổ đặc thù, mà được thực thi “trên tất cả những ai thuộc toà bản quyền” " (Ap. Cons. V). Đàng khác, một hay hai tòa bản quyền tòng nhân có thể được thiết lập bên trong lãnh thổ một hội đồng giám mục, tùy theo nhu cầu (Ap. Cons. I § 2).

Cẩn thận đọc Tông Hiến và Các Qui Tắc Phụ do Tòa Thánh công bố, ta sẽ thấy rõ: điều khoản thiết lập các tòa bản quyền tòng nhân nhằm mục đích đáp ứng hai nhu cầu: một đàng là nhu cầu “duy trì các truyền thống phụng vụ, linh đạo và mục vụ của Hiệp Thông Anh Giáo bên trong Giáo Hội Công Giáo, như hồng ân quí giá nuôi dưỡng đức tin các thành viên của tòa bản quyền và như kho tàng cùng nhau chia sẻ” (Ap. Cons. III); đàng khác là nhu cầu hòa nhập trọn vẹn vào sinh hoạt của các nhóm hay cá nhân trong Giáo Hội Công Giáo, xuất thân từ Anh Giáo.

Việc phong phú hóa có tính hỗ tương: tín hữu xuất thân từ Anh Giáo và gia nhập Hiệp Thông Công Giáo trọn vẹn sẽ nhận được sự phong phú của truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ của Giáo Hội La Tinh Rôma để tích nhập nó vào truyền thống riêng của mình. Việc tích nhập này ngược lại cũng sẽ làm giầu thêm Giáo Hội La Tinh Rôma. Mặt khác, chính truyền thống Anh Giáo này, một truyền thống sẽ được tiếp nhận vào Giáo Hội La Tinh Rôma trong tính chính thống của nó, vốn tạo nên trong Giáo Hội Anh Giáo một trong những ơn phúc của Giáo Hội Chúa Kitô từng thúc đẩy các tín hữu này trở về hợp nhất với Công Giáo.

Cho nên, điều được bao hàm trong luật lệ này tiến xa hơn phương thức Cung Ứng Mục Vụ đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khai triển và được Đức Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 20 tháng Sáu năm 1980. Trong khi Cung Ứng Mục Vụ dự liệu rằng tín hữu xuất thân từ Anh Giáo là thành viên của giáo phận nơi họ sinh sống, mặc dù được giám mục giáo phận chăm sóc cách đặc biệt, thì TH “Anglicanorum coetibus” coi họ là thành viên của tòa bản quyền tòng nhân chứ không phải của giáo phận nơi họ sinh sống. Mặt khác, các tòa bản quyền này sẽ bao gồm các tín hữu thuộc đủ mọi bậc sống (giáo dân, linh mục và thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ) xuất thân từ Anh Giáo, bất luận thuộc một nhóm hay sống cá biệt, hay các tín hữu lãnh nhận các bí tích khai tâm ngay trong chính tòa bản quyền (Ap. Cons. I § 4).

Các linh mục sẽ được cử nhiệm vào toà bản quyền tòng nhân qua thể thức nhập tịch (incardination), theo qui định của Bộ Giáo Luật (Ap. Cons. I § 3), còn giáo dân và các thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ thì phải bày tỏ ý muốn gia nhập và trở thành thành viên của tòa bản quyền bằng đơn xin (Ap. Cons. IX).

Các Qui Tắc Phụ (The Complementary Norms = CN) định rằng các giáo dân và các thành viên các viện tận hiến và hội tông đồ như thế phải được kê khai trong một bảng liệt kê thích đáng của tòa bản quyền (Art. 5 § 1). Như thế, trong khi có người là thành viên của một giáo hội tòng thổ đặc thù do nơi ở hay gần như nơi ở, thì có người là thành viên của toà bản quyền tòng nhân do sự kiện khách quan trước đây từng theo Anh Giáo, hay vì đến với đức tin Công Giáo qua toà bản quyền. Theo chiều hướng đó, việc ghi vào sổ bộ thích đáng thay thế cho sự kiện cư trú hay gần như cư trú, là điều không phù hợp với việc trở thành thành viên của một tòa bản quyền tòng nhân.

Tông Hiến này trước nhất muốn cung cấp phương thế để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn, một cách nào đó được coi là có tính cộng đoàn (corporately), dành cho những nhóm người thuộc nhiều bậc sống khác nhau. Các tòa bản quyền tòng nhân dành cho các nhóm như thế xem ra là cơ cấu giáo luật thích hợp nhất nhờ đó truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ, một truyền thống từng được khai triển trong Anh Giáo nay được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận, tiếp tục được che chở và nuôi dưỡng. Tất cả các điểm trên không loại bỏ khả thể làm thành viên trong toà bản quyền đối với các cá nhân xuất thân từ Anh Giáo, hay các cá nhân đến với đức tin Công Giáo qua công tác mục vụ và truyền giáo của tòa bản quyền và những ai lãnh nhận các bí tích khai tâm trong tòa bản quyền. Chương trình Cung Ứng Mục Vụ không còn thích hợp với hoàn cảnh mới, một hoàn cảnh mà Tòa Thánh được yêu cầu đáp ứng.

Vị bản quyền đã được ủy thác việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu thuộc tòa bản quyền của mình sẽ thi hành thẩm quyền đại diện bình thường (potestas ordinaria vicaria) nhân danh Đức Giáo Hoàng (Ap. Cons. V.b). Ngài được hưởng sự độc lập hợp pháp (legitimate autonomy) đối với quyền tài phán của các giám mục giáo phận nơi các tín hữu của tòa bản quyền sinh sống và vì thế có khả năng hơn trong việc bảo đảm để các tín hữu này không bị đồng hóa vào các giáo phận địa phương đến độ mất hết tính phong phú của truyền thống Anh Giáo, một mất mát chắc chắn sẽ làm nghèo toàn bộ Giáo Hội. Xét một mặt khác, khi thi hành thẩm quyền đại diện của mình, vị bản quyền phải lo liệu sao để toà bản quyền hoàn toàn được hòa nhập vào đời sống Giáo Hội Công Giáo, chứ không diễn biến thành một cộng đồng cô lập.

Việc duy trì và nuôi dưỡng truyền thống Anh Giáo được đảm bảo:

1. nhờ việc nhân nhượng để toà bản quyền có năng quyền cử hành Thánh Thể, các bí tích khác, phụng vụ giờ kinh và các cử hành phụng vụ khác theo các nghi thức phụng vụ riêng của truyền thống Anh Giáo và được Tòa Thánh phê chuẩn, tuy nhiên, không loại bỏ các cử hành phụng vụ theo Nghi Lễ Rôma (Ap. Cons. III);

2. nhờ sự kiện này là tòa bản quyền được phép ấn định các chương trình đặc thù để huấn luyện các chủng sinh của tòa bản quyền hiện sống trong chủng viện giáo phận, hay được phép lập nhà huấn luyện cho họ (Ap. Cons. VI § 5; CN Art. 10 § 2); các chủng sinh này phải xuất thân từ một giáo xứ tòng nhân của tòa bản quyền hay từ Anh Giáo (CN Art. 10 § 4);

3. nhờ sự nhân nhượng này là những ai từng là giáo sĩ đang có vợ trong Anh Giáo, kể cả giám mục, có thể được phong chức linh mục theo các qui định của tông thư “Sacerdotalis coelibatus”, n. 42 của Đức Phaolô VI và của Tuyên Bố hồi tháng Sáu, mà vẫn được duy trì bậc sống có vợ (Ap. Cons. VI § 1);

4. nhờ khả thể này: sau khi tuân theo diễn trình nhận biết dựa trên các tiêu chuẩn khách quan và nhu cầu của tòa bản quyền (CN Art. 6 § 1), vị bản quyền có thể thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng, trên căn bản từng trường hợp một, để tiếp nhận các người đàn ông đang có vợ vào hàng linh mục như một ngoại lệ của điều 277, § 1 giáo luật, dù qui tắc tổng quát của toà bản quyền vẫn là chỉ tiếp nhận những người đàn ông độc thân (Ap. Cons. VI § 2);

5. nhờ sự kiện này: vị bản quyền được phép thiết lập các giáo xứ tòng nhân, sau khi tham khảo vị giám mục địa phương và được sự đồng ý của Tòa Thánh (Ap. Cons. VIII § 1);

6. nhờ khả năng được phép tiếp nhận vào tòa bản quyền các viện tận hiến và các hội tông đồ xuất thân từ Anh Giáo, và thiết lập các viện và hội mới;

7. nhờ sự kiện này: để tôn trọng truyền thống hội đồng (synodal) trong Anh Giáo: a) vị bản quyền sẽ được Đức Giáo Hoàng cử nhiệm từ một danh sách ba người (terna) do Hội Đồng Cai Quản đệ trình (CN Art. 4 § 1); b) hội đồng mục vụ là điều bắt buộc phải có (Ap. Cons. X § 2); c) hội đồng cai quản, gồm ít nhất 6 linh mục, ngoài việc thực thi các bổn phận đã được ấn định trong Bộ Giáo Luật đối với hội đồng linh mục (presbyteral council) và hội đồng cố vấn, cũng sẽ thi hành các nhiệm vụ được ấn định trong Các Qui Tắc Phụ mà trong một số trường hợp có thể bao gồm việc thỏa thuận hay không thỏa thuận hay đưa ra một lá phiếu quyết đoán (Ap. Cons. X § 2; CN Art. 12).

Việc hòa nhập tòa bản quyền vào đời sống Giáo Hội Công Giáo sẽ được bảo đảm nhờ các qui tắc qui định việc tuyên xưng đức tin và các mối liên hệ của toà bản quyền với một hội đồng giám mục, và với các cá nhân giám mục giáo phận địa phương. Theo các qui tắc sau đây:

1. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo sẽ được coi là biểu thức chính thống của đức tin cho các tín hữu của tòa bản quyền (Ap. Cons. I § 5);

2. một tòa bản quyền tòng nhân sẽ được Tòa Thánh thiết lập bên trong lãnh thổ của một hội đồng giám mục, sau khi tham khảo hội đồng giám mục ấy (Ap. Cons. I § 1);

3. vị bản quyền sẽ là thành viên của hội đồng giám mục liên hệ và buộc phải tuân theo các chỉ thị của hội đồng này, ngoại trừ chúng không tương hợp với TH “Anglicanorum coetibus” (CN Art. 2);

4. việc phong chức cho các giáo sĩ xuất thân từ Anh Giáo sẽ là tuyệt đối, trên căn bản chỉ dụ “Apostolicae curae” ngày 13 tháng 9 năm 1896 của Đức Leo XIII. Vì toàn thể truyền thống Công Giáo La Tinh và vì truyền thống của các giáo hội Công Giáo Đông Phương, kể cả truyền thống Chính Thống, nên việc tiếp nhận những người đàn ông đang có vợ vào chức giám mục tuyệt đối bị loại bỏ (NC Art. 11 § 1);

5. các linh mục được nhập tịch vào tòa bản quyền tạo thành linh mục đoàn của tòa bản quyền ấy, nhưng buộc phải vun đắp mối liên kết hợp nhất huynh đệ với linh mục đoàn của các giáo phận tòng thổ nơi họ đang thi hành thừa tác vụ. Họ cũng phải khuyến khích các sáng kiến chung cũng như các hoạt động mục vụ và bác ái, là những lãnh vực có thể được qui định bằng các thoả hiệp giữa tòa bản quyền và vị giám mục hay các vị giám mục giáo phận liên hệ (Ap. Cons. VI § 4; NC Art. 3). Các Qui Tắc Phụ có dự liệu khả thể có những hỗ trợ mục vụ hỗ tương giữa các linh mục được nhập tịch vào toà bản quyền và các linh mục được nhập tịch vào các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu của tòa bản quyền (NC Art. 9 §§ 1 and 2);

6. các linh mục của tòa bản quyền có tư cách được bầu vào hội đồng linh mục của các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành việc chăm sóc mục vụ cho tín hữu của tòa bản quyền (NC Art. 8 § 1);

7. các linh mục và phó tế của tòa bản quyền có tư cách được bầu làm thành viên của hội đồng mục vụ các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành thừa tác vụ (NC Art. 8 § 2);

8. thẩm quyền (potestas) của vị bản quyền được thi hành cùng với vị giám mục giáo phận trong các hoàn cảnh được dự liệu trong Các Qui Tắc Phụ (Ap. Cons. V; NC Art. 5 § 2);

9. các ứng viên chịu các chức thánh sẽ được huấn luyện chung với các chủng sinh khác, nhất là về phương diện huấn luyện tín lý và mục vụ, dù những chương trình hay nhà huấn luyện đặc thù có thể đã được lập ra cho họ (Ap. Cons. VI § 5; CN Art. 10 § 2);

10. trước khi lập một giáo xứ tòng nhân, vị bản quyền phải lắng nghe ý kiến của vị giám mục giáo phận của khu vực (Ap. Cons. VIII § 1);

11. các Qui Tắc Phụ sẽ ấn định khi nào các quyền và bổn phận thích hợp với cha xứ của tòa bản quyền được thi hành trong hợp tác mục vụ hỗ tương với cha xứ của lãnh thổ nơi giáo xứ tòng nhân đã được thiết lập ( Ap. Cons. VIII § 2; CN 14 § 2);

12. tòa án có năng quyền xử các trường hợp thuộc pháp chế liên quan tới tín hữu của tòa bản quyền là toà án giáo phận nơi một trong các bên cư trú, cho thấy toà bản quyền không lập tòa án riêng (Ap. Cons. XII).

Điều rõ ràng là TH “Anglicanorum coetibus” đưa ra các qui định nhằm ấn định bản chất và, một cách tổng quát, điều hoà sinh hoạt của các tòa bản quyền tòng nhân, được đặc biệt lập ra cho các tín hữu Anh Giáo muốn bước vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Với phương thức này, một cơ cấu giáo luật đầy mềm dẻo đã được đưa ra. Đáng khác, người ta có thể thấy trước rằng những điều chứa trong Tông Hiến này và các Qui Tắc Phụ vẫn có thể được thích ứng trong các sắc lệnh thiết lập từng tòa bản quyền cá biệt tùy theo tình thế đặc thù của địa phương. Vì Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn việc chuẩn bị Tông Hiến này, nên xin Người cũng trợ giúp việc thi hành nó.
 
Giới giáo sĩ Anh giáo ngạc nhiên vì Tông Hiến cuả Toà Thánh hào phóng hơn sự trông đợi
Trần Mạnh Trác
23:12 10/11/2009
Phỏng theo BBC News: Toà Thánh Vatican đã công bố chi tiết của Tông Hiến để đón nhận những giáo sĩ Anh Giáo không hài lòng về sự truyền chức giám mục phụ nữ.

Tông Hiến cho phép họ có giáo phận riêng trong Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Toà Thánh Vatican cũng cho họ tiếp tục truyền thống Anh giáo, chẳng hạn như về nghi lễ.

Giới giáo sĩ Anh giáo cho biết các quy tắc trong Tông Hiến này có vẻ hào phóng hơn là sự mong đợi đầu tiên cuả họ.

Linh mục Geoffrey Kirk, tổng thư ký cuả nhóm Forward in Faith, là nhóm Anh giáo có thiện cảm với Công giáo, nghĩ rằng hậu quả là sẽ có thêm nhiều giáo sĩ trên toàn thế giới sẽ quay về với Vatican.

"Trong số 450 giáo xứ mà tôi biết đã có sự nghiêm túc về lời mời của Đúc Giáo hoàng, tôi đã từng đoán có thể từ 150 đến 200 sẽ chấp nhận. Bây giờ thì tôi nghĩ rằng con số này sẽ tăng hơn 200."

Các chi tiết được công bố ngày hôm nay xác nhận rằng những linh mục Anh Giáo đã lập gia đình sẽ được phép – từng trường hợp một - phục vụ như là một linh mục Công giáo La Mã.

Điều đó có thể dẫn đến một làn sóng các linh mục kết hôn tràn vào giáo hội, nơi mà truyền thống giáo sĩ là độc thân.

Đào tạo Riêng:

Các tài liệu nhấn mạnh rằng Vatican không có ý định thư giãn các đòi hỏi về đời sống độc thân cuả các linh mục Công giáo La Mã. Tuy nhiên, sự hiện diện của một số lượng đáng kể các linh mục đã lập gia đình có thể đem tới một mô hình mới cho Công giáo La Mã.

Toà thánh Vatican nhấn mạnh rõ ràng rằng những người Anh giáo đang ở trong "tình huống hôn nhân bất thường" sẽ không có đủ điều kiện để gia nhập.

Những chủng sinh có ý định trở thành linh mục bên trong những giáo hạt mới của Giáo Hội có thể được đào tạo tại những chủng viện riêng.

Linh mục Tiến sĩ Kirk cho biết rằng sự nhượng bộ này, và sự thành lập nhiều "giáo phận" Anh giáo cho thấy rằng Vatican dự định duy trì Anh giáo truyền thống như là một thành phần thường trực của Giáo hội Công giáo.

"Đây không phải là một phép ‘xức dầu thánh’ cuối cùng (terminal care). Đây là một thực tại vĩnh viễn, và thực tại này vẫn có thể phát triển".

Tuy nhiên, nhựng người Anh giáo (chuyển đổi) sẽ phải cam kết tin tất cả các niềm tin Công giáo La Mã, và điều này có thể tạo ra xung đột với một số người.

Họ sẽ phải chấp nhận rằng Đức Giáo Hoàng trong môt vài trường hợp là Bất Khả Ngộ (infallible).

Đối mặt với sự lựa chọn:

Họ cũng sẽ phải chấp nhận Giáo điều về ngừa thai, những niềm tin cuả người Công giáo liên quan tới Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và rằng bánh mì và rượu vang trong bí tích Thánh Thể thực sự trở thành mình và máu thánh của Chúa Giêsu.

Giáo sĩ muốn chuyển đổi sẽ được tái thụ phong là linh mục Công giáo, và một số có thể đối mặt với một sự lựa chọn đau đớn là sẽ phải biệt ly những nhà thờ cổ kính từ thời Trung Cổ với một giáo đoàn đang phát triển mạnh để nhận một nhiệm sở mới nơi một nhà thờ hiện đại ở bên ngoài thị xã.

Ngay trong số các người Anh giáo có nhiều thiện cảm với Công Giáo, vẫn tiếp tục có đề kháng. Nhiều người đang tuyệt vọng để duy trì thành phần lịch sử của Giáo hội Anh như là ở giữa Tin Lành và Công giáo.

Tuy nhiên Anh giáo tại nước Anh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với những người muốn tìm một kết hợp vĩnh viễn với Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Giáo hội Anh giáo truyền thống – nhóm thoát ly khỏi Cộng đồng Anh giáo năm 1991 – có bốn trăm ngàn thành viên trên toàn thế giới, và nhiều trăm ngàn có thể sẽ chuyển đổi.

Các giáo sĩ Anh giáo đầu tiên có thể chuyển đổi sớm nhất là vào năm tới.

Ngôi nhà tinh thần mới:

Toà thánh Vatican khẳng định rằng lời mời được đưa ra là để đáp ứng lại những nhóm Anh giáo đả đi tìm một ngôi nhà tinh thần mới.

Nhưng một số người Anh giáo đã tức giận vì lời mời này đến vào một thời điểm nhạy cảm khi họ đang thảo luận về vấn đề phụ nữ làm giám mục trong Giáo hội Anh.

Tổng giám mục Canterbury, Rowan Williams, chỉ được thông báo về ý định đó có hai tuần trước.

TGM Tiến sĩ Williams sẽ đến Rome để dự cuộc họp đã trù tính từ lâu vào ngày 21 tháng 11 tới.

Điện Lambeth (toà TGM Anh Giáo) cho biết sáng kiến của Đức Giáo hoàng sẽ được bàn cãi trong chương trình nghị sự.
 
Top Stories
Nouvelle profanation d’une église au Karnataka: l’archevêque de Bangalore dénonce l’inaction du gouvernement
Eglises d'Asie
08:11 10/11/2009
INDE: Nouvelle profanation d’une église au Karnataka: l’archevêque de Bangalore dénonce l’inaction du gouvernement

Dans la nuit du samedi 7 novembre, l’église catholique Saint-Anthony à Kavalbyrasandra, dans la banlieue de Bangalore, a été vandalisée et profanée. Le sacristain a découvert le saccage en ouvrant l’église pour préparer la messe dominicale, vers 5 heures du matin, le dimanche 8 novembre. Le tabernacle avait été fracturé et les hosties jetées à terre, les placards mis à sac, les troncs des offrandes forcés, un calice en or, deux ciboires et d’autres objets liturgiques dérobés (1). Selon le curé de la paroisse, le P. Arockiadas, l’église, qui compte près de 5 000 paroissiens, venait de rouvrir, le 11 septembre dernier, après des travaux d’agrandissement, et aucun incident ou affrontement avec les communautés non chrétiennes n’avait été rapporté.

L’Etat du Karnataka a subi « de très nombreuses attaques d’églises » mais « aucun coupable n’a jamais été appréhendé, malgré les promesses qui m’ont été faites par les forces de police », s’est indigné Mgr Bernard Moras, archevêque catholique de Bangalore, lequel s’est adressé aux médias le jour-même. Le prélat a également déclaré qu’il était choqué par l’inaction du gouvernement et qu’il avait totalement perdu confiance en la police. « Je suis profondément blessé par cette profanation du Saint-Sacrement, qui est au cœur de notre foi », a-t-il ajouté. Il a appelé au calme les paroissiens, qui, au nombre d’un millier environ, s’étaient rassemblés à l’église pour prier. Des forces de police ont patrouillé dans le quartier avec des chiens policiers; des experts ont cherché à relever des empreintes et des indices.

Le 10 septembre dernier, une autre église avait été vandalisée, alors que les chrétiens du Karnataka s’apprêtaient à commémorer le triste anniversaire des attaques antichrétiennes de l’année dernière, perpétrées par des extrémistes hindous. L’église Saint-François de Sales à Hebbagudi, dans la banlieue de Bangalore, avait été forcée en pleine nuit par un groupe d’environ 25 individus non identifiés; une dizaine de vitraux avaient été brisés et les statues d’un calvaire s’élevant devant le sanctuaire avaient été détruites. Le curé de la paroisse en avait appelé au gouvernement de l’Etat: « Nous réclamons justice auprès du gouvernement et des autorités concernées afin que les citoyens indiens puissent pratiquer leur religion en sécurité (...). » A l’époque, un débat houleux avait agité l’Assemblée législative du Karnataka: « Depuis que le Bharatiya Janata Party (BJP) est arrivé au gouvernement en mai 2008, il y a sans cesse des attaques d’églises, de mosquées et d’autres lieux de culte. Il n’y a plus d’harmonie sociale et religieuse », avait accusé l’un des chefs de l’opposition (2).

Après l’Orissa, épicentre des violences antichrétiennes de 2008, l’Etat du Karnataka a en effet été l’un de ceux les plus touchés par les attaques, avec plus d’une quarantaine de lieux de culte saccagés et de nombreux chrétiens agressés et grièvement blessés (3). L’inaction, voire la complicité du gouvernement et de la police lors des attaques – des membres des forces de l’ordre ayant été jusqu’à prêter main forte aux agresseurs –, avaient été montrées du doigt, en particulier par Mgr Moras. Comme il l’avait fait avec l’Orissa, le gouvernement fédéral avait alors menacé le Karnataka de reprendre la situation en main si l’Etat se montrait incapable de contrôler les fanatiques hindouistes. La Constitution du pays permet en effet une intervention fédérale si l’un des Etats ne peut plus protéger les droits des citoyens.

De leur côté, les chrétiens du Karnataka avaient décidé, toujours à l’initiative de Mgr Moras, de se regrouper dans un forum œcuménique, le KUCFHR, afin de défendre leurs droits fondamentaux. Des délégations de 113 dénominations chrétiennes s’étaient rassemblées dans une grande démonstration d’unité le 19 juin dernier. Le Forum s’était doté d’une direction tricéphale, avec Mgr Moras, également président du Conseil des évêques catholiques du Karnataka, l’évêque de la l’Eglise de l’Inde du Sud (Church of South India, CSI) et celui de l’Eglise méthodiste (4).

Selon les statistiques nationales de 2001, l’Etat du Karnataka compte près de 53 millions d’habitants, en grande majorité hindous, les musulmans représentant environ 12 % de la population et les chrétiens moins de 2 %, subissant régulièrement les attaques des fondamentalistes hindous.

Comme lors de l’attaque de septembre dernier, le ministre de l’Intérieur du Karnataka, V. S. Acharya, membre du BJP, a qualifié la profanation de l’église Saint-Anthony d’« incident mineur ».

(1) Ucanews, 10 novembre 2009, site de la CBCI (Conférence des évêques catholiques de l’Inde), 10 novembre 2009.

(2) Asian News International, 10 septembre 2008.

(3) Voir EDA 499

(4) Voir EDA 510
 
Hebei: la situation de l’évêque coadjuteur de Baoding, sorti de la clandestinité en 2006, demeure confuse et provoque des remous au sein de l’Eglise locale
Eglises d'Asie
09:18 10/11/2009
CHINE: Hebei: la situation de l’évêque coadjuteur de Baoding, sorti de la clandestinité en 2006, demeure confuse et provoque des remous au sein de l’Eglise locale

Agé de 60 ans, Mgr Francis An Shuxin est l’évêque coadjuteur du diocèse de Baoding, un des bastions de l’Eglise catholique en Chine, situé dans la province du Hebei. En août 2006, après dix années de détention en résidence surveillée, Mgr An avait été libéré en acceptant d’exercer son ministère au grand jour, sans pour autant adhérer à l’Association patriotique des catholiques chinois, l’organe mis en place par le régime communiste pour imprimer sa politique sur l’Eglise catholique. Trois ans plus tard, des informations faisant état de l’adhésion de Mgr An à l’Association patriotique provoquent de forts remous.

En 2006, la libération de Mgr An Shuxin avait surpris, d’autant plus que l’évêque en titre de Baoding, Mgr James Su Zhimin, était maintenu en détention, détention qui se prolonge encore à ce jour. D’aucun s’était interrogé sur les motivations de Mgr An et les éventuelles concessions exigées de lui par les autorités chinoises. L’évêque s’était expliqué, déclarant que sa démarche avait été motivée par un souci « de communion et de développement » des communautés catholiques de Baoding, qu’elles soient « clandestine » ou « officielle ». Il avait précisé qu’il avait agi ainsi pour répondre au soutien que le Saint-Siège apportait aux initiatives allant dans le sens de la réconciliation entre les deux communautés. Enfin, il avait ajouté que, si sa qualité d’évêque était reconnue par les autorités chinoises, il n’avait pas à adhérer à l’Association patriotique des catholiques chinois; son travail pastoral se ferait désormais « sous la supervision du gouvernement », sans qu’il reçoive toutefois de carte d’identité faisant mention de ses qualités ecclésiales (1).

Trois ans plus tard, la situation semble avoir évolué. D’une part, l’évêque « officiel » – et non reconnu par Rome –, Mgr Su Changshan est mort (il est décédé le 4 décembre 2006). D’autre part, des informations, non recoupées de manière indépendante, font état de la récente adhésion de Mgr An Shuxin à l’Association patriotique. Ainsi, l’agence italienne AsiaNews, dans une dépêche du 3 novembre, indique que, « selon des sources de Baoding », Mgr An a décidé d’adhérer à l’Association patriotique parce que celle-ci « menaçait de l’isoler et de nommer un autre évêque à sa place ».

De fait, la situation de Mgr An, qui a choisi de sortir de la clandestinité pour œuvrer à la communion des communautés catholiques chinoises peu avant la publication, en 2007, de la lettre de Benoît XVI aux catholiques de Chine, peut être caractérisée par un certain isolement. A Baoding, où les neuf dixièmes des catholiques sont résolument « clandestins », la démarche de Mgr An en 2006 n’avait pas été comprise. Son éventuelle adhésion à l’Association patriotique ne peut qu’accentuer l’ostracisme, sinon le rejet, dont il est l’objet de la part d’une partie des « clandestins », prêtres et laïcs confondus.

La situation est encore compliquée par les dires de certains catholiques sur place qui affirment que Mgr An a « subi des pressions » de la part de Rome, plus particulièrement de la part de la Congrégation de l’évangélisation des peuples (CEP), pour rejoindre l’Association patriotique. De manière très inhabituelle, la CEP a publié une mise au point sous la forme d’un communiqué de presse, daté du 31 octobre et diffusé le 3 novembre par son agence d’information, l’agence Fides: « Des nouvelles circulent, ces derniers jours, sur la situation du diocèse de Baoding, au Hebei en Chine continentale, et, de manière particulière, sur l’évêque coadjuteur, Son Excellence Monseigneur François An Shuxin. Ces nouvelles parlent d’une lettre adressée au prélat par le Saint-Siège, à propos de sa concélébration avec un évêque illégitime, et attribuent à la Congrégation pour l’Evangélisation des Peuples l’autorisation pour cette concélébration, et d’avoir fait pression pour que Monseigneur An sorte de la clandestinité, en s’inscrivant à l’Association patriotique. La Congrégation pour l’Evangélisation des Peuples rejette catégoriquement ces affirmations qui sont dénuées de tout fondement. »

Selon nos informations, l’allusion à la concélébration de Mgr An Shuxin avec un évêque illégitime, i.e. non reconnu par Rome pourrait renvoyer à la messe de funérailles de Mgr Su Changshan. Lors de cette messe, Mgr An Shuxin avait célébré l’Eucharistie aux côtés de Mgr Jiang Taoran, évêque « officiel » – et illégitime – de Shijiazhuang. A l’époque, Mgr An n’était encore que l’évêque auxiliaire de Baoding. Peu après, par un courrier daté du 7 février 2007 venu de Hongkong, il recevra une lettre du Saint-Siège l’informant du fait que le pape, en la date du 29 décembre 2006, l’avait nommé évêque coadjuteur de Baoding. Quant aux éventuelles pressions de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples pour amener Mgr An à rejoindre l’Association patriotique, elles paraissent peu probables. On peut au contraire penser que ce sont les autorités chinoises qui pressent Mgr An de rejoindre l’Association patriotique. En effet, depuis plusieurs mois, elles préparent activement la tenue de l’Assemblée nationale des représentants catholiques, qui sera chargée d’élire le président de l’Association patriotique et celui de la Conférence des évêques « officiels ». Pour cela, les autorités ont besoin qu’un maximum d’évêques confirment le choix des candidats sélectionnés par le gouvernement.

Selon les observateurs, on ne peut que craindre que les informations et rumeurs qui se propagent ces temps-ci ne fassent qu’accentuer la division de la communauté catholique locale, le risque étant qu’un diocèse comme celui de Baoding devienne aussi difficile à gérer que certains diocèses du Fujian, où les divisions intestines nuisent gravement à la vie de l’Eglise.

(1) Voir EDA 446, 447
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hạt Cửa Lò, GP. Vinh khai giảng năm học giáo lý 2009-2010
Ban Giáo Lý Cửa Lò
08:25 10/11/2009
GIÁO HẠT CỬA LÒ, GIÁO PHẬN VINH KHAI GIẢNG NĂM HỌC GIÁO LÝ 2009 – 2010.

Vinh, giáo hạt Cửa Lò: Theo thống nhất toàn giáo phận cứ ngày 01 tháng 10 hàng năm toàn giáo phận tổ chức khai giảng năm học mới. Giáo hạt Cửa Lò gồm bốn giáo xứ: Tân Lộc, Lộc Mỹ, Lập Thạch và Làng Anh.

Tổng số học sinh trong toàn giáo hạt từ khối Mầm Non đến khối Vào Đời gồm có: 3.020 em được giáo dục coi sóc qua 142 giáo lý viên, với một đội ngũ Ban giáo lý hạt, các ban giáo lý xứ, Các Ban giáo lý họ hoạt động một cách nhịp nhàng và nhiệt tình. Với một đội ngũ giáo lý viên hăng say, nhiệt tình, tự nguyện, coi nhiệm vụ của mình là sứ mạng Chúa giao, mọi người đều hồ hởi “xắn tay” trên cánh đồng truyền giáo của hạt nhà.

Xem hình bấm vào đây

Năm nay Cha Martinô Nguyễn xuân Hoàng Trưởng ban giáo lý hạt cũng là cha quản hạt và Cha Phaolô Nguyễn Xuân Tính Đặc trách GL hạt, đã đánh tiếng trống vào ngày mùng một tháng 10, đúng ngày giáo phận quy định, riêng các xứ sau đó cứ lần lượt tổ chức dâng lễ và khai giảng năm học mới. Năm nay 2 khối Sơ Cấp và Căn Bản Giáo trình có thay đổi, hai khối này được học giáo trình của giáo phận Nha Trang có chỉnh sửa đôi chỗ để phù hợp với giáo phận Vinh, đã được các đấng chuyên trách giáo phận Nha Trang cho phép Ban giáo lý giáo phận Vinh biên tập và in ấn, vì vậy mà giáo trình về các giáo hạt không được kịp thời trong ngày khai giảng, nhưng nhìn chung đến hôm nay cũng đã in và phát đủ về các hạt.

Giáo xứ Tân Lộc khai giảng vào ngày 04 tháng 10, sau đó giáo xứ Lộc Mỹ khai giảng vào ngày 11 tháng 10; Tiếp đến giáo xứ Lập Thạch khai giảng vào chiều thứ bảy ngày 17 tháng 10, và giáo xứ Làng Anh khai giảng vào 25 tháng 10. Đến hôm nay các lớp đã đi vào học ổn định, tuy phòng học có một số giáo xứ, giáo họ còn thiếu bàn học, phòng học và các đồ dùng học tập, giảng dạy nhưng các giáo xứ, giáo họ cố gắng sẻ khắc phục trong nay mai.

Trong những bài diễn văn khai giảng, đều nhắc lại lời của Đức Thánh Cha về dạy và học giáo lý, nhiều đoạn đã nhấn mạnh về Giáo dục đức tin Kytô giáo, giáo dục nhân bản cho học sinh, “ người giáo lý viên là đèn sáng cao, là muối ướp mặn,” với các nỗ lực quyết tâm của các tổ chức như HĐ Mục vụ, giáo lý viên, cha mẹ phụ huynh học sinh và các em học sinh, đều thống nhất cao quyết tâm nổ lực cố gắng để hoàn thành tốt bổn phận của mình trong thời đại hiện nay, thời đại mà nền giáo dục bị coi là xuống cấp trầm trọng, trong các trường học nhất là nhiều trường học ngoài xã hội tệ nạn leo thang không ngừng, những người có trách nhiệm hầu như làm ngơ hoặc không làm gì khi mà những cái xấu luôn bày ra trước mắt nơi các em thanh thiếu niên, nhi đồng và nơi học đường, đến nỗi nhiều vị có lương tâm trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà phải lên tiếng và nhiều bài viết về sự xuống cấp của nhiều thành phần hiện nay mà cốt lõi là do nền giáo dục mấy chục năm nay tạo nên. Mới vừa rồi có bài “ Giáo dục; Cho tôi nói thẳng” của Gs Hoàng Tuỵ đăng trên tờ Tia sáng sau đó là trang mạng bauxitevietnam và nhiều trang mạng khác đã đăng tải lại là một tiếng sét đánh vào đầu những người đang “khoác áo” lãnh đạo giáo dục.

Mùa học về, những ngôi trường giáo lý lại rộn tiếng học sinh cất cao những câu bổn, câu kinh, những bài học về kiến thức giáo lý Đức Tin, những giờ tìm hiểu chia sẻ Lời Chúa, những uốn nắn kiên trì yêu thương của giáo lý viên đối với các em học sinh bị nhiễm thói hư, tật xấu ngoài xã hội.

Nhìn vào những lớp học giáo lý thân thương này, chúng ta hy vọng sẻ còn có chỗ để “phanh” các em lại sau khi nền giáo dục ngoài xã hội làm cho các em như những người đang bị đứt “phanh”.

Mong rằng nền giáo dục đức tin Kytô giáo trong các trường giáo lý Công giáo luôn luôn tồn tại và phát triển, để rồi nơi đây không những đào tạo kiến thức giáo lý Đức Tin Kytô giáo cho con em, mà là nơi sàng lọc những thói hư tật xấu mà các em hằng ngày bị nhiễm phải với một nền giáo dục hư hoại như hiện nay. Để rồi là những vòng tay yêu thương cho đời và là nơi chúng ta cậy trông và tin tưởng.
 
Caritas TGP Huế cứu trợ nạn nhân bão lụt
Trương Trí
08:35 10/11/2009
CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ TIẾP TỤC CỨU TRỢ CƠN BÃO SỐ 9.

Trận bão số 9 đã qua đi, nhưng hậu quả để lại hết sức nặng nề. Suốt cả tháng nay, linh mục Giuse Dương Đức Toại giám đốc Caritas tổng giáo phận Huế tất bật với công việc cứu trợ gần 50 địa điểm trên tổng giáo phận gồm hai tỉnh Quảng trị và Thừa thiên Huế. Sau khi tiếp nhận được số tiền của Caritas trung ương và của Vietcatholic cùng một số ân nhân gởi về giúp, Caritas tổng giáo phận Huế tiếp tục giúp đở thêm cho bà con nạn nhân của cơn bão số 9 gồm cả gạo và mì tôm.

Xem hình cứu trợ bấm vào đây

Hôm nay ngày 10.11, đoàn tiếp tục đến thăm và tặng quà tại Đông Lễ và Đông Thanh thuộc thành phố Đông hà, tỉnh Quãng trị. Đông hà là một thị xã vừa được nâng lên Thành phố, tuy vậy những vùng này mang tiếng là phường nhưng đời sống bà con vẫn rất khó khăn, nhất là sau đợt thiên tai vừa qua. Những con đường đất vẫn lầy lội, chúng tôi gọi đùa “ Làng thuộc thành phố “, nơi đây hầu hết bà con đều là lương dân. Đông Lễ có 100 gia đình được nhận quà thì chỉ có 11 gia đình giáo dân, còn Đông Thanh thì chỉ có duy nhất gia đình công giáo nhưng bị thiệt hại nhẹ nên cũng nhường lại cho 100 gia đình lương dân, mỗi gia đình được một thùng mì tôm và 10 kg gạo. Chỉ hai nơi đã hết 200 thùng mì và 2 tấn gạo.

Linh mục quản xứ Đông hà Phêrô Phạm Ngọc Hoa đã liên hệ với chính quyền địa phương để lên danh sách và nắm số lượng gia đình thiệt hại nặng nề, sau đó trình về tòa Tổng Giám mục. Trước khi trao tặng, linh mục giám đốc Caritas Huế đã gởi đến bà con lời thăm hỏi ân cần của Đức Tổng Giám mục và Đức Giám mục phụ tá tổng giáo phận Huế, trước những mất mát hết sức to lớn của bà con, thể hiện tình bác ái không phân biệt lương hay giáo, các Ngài gởi đến bà con món quà tuy nhỏ nhưng với tất cả tấm lòng, chúc bà con sớm khắc phục được hậu quả để ổn định cuộc sống. Đại diện chính quyền các địa phương cũng đã thay mặt bà con gởi lời cảm ơn đến Đức Tổng, Đức Giám mục Phụ tá và quý cha đã quan tâm, giúp đở cho bà con hầu vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là cảm ơn linh mục Hoa đã hết lòng chiếu cố đến bà con, mặc dù là lương dân.

Biết bao khó khăn mà bà con đang và sẽ phải đối mặt, khi ruộng vườn, mùa màng và gia súc đã bị cuốn trôi theo giòng nước, ít nhất cũng phải 6 tháng nữa mới có được vụ mùa. Đó cũng là điều trăn trở của Đức Tổng, Đức Cha phụ tá cũng như ủy ban Bác ái xã hội tổng giáo phận Huế.

Thay mặt những nạn nhân của cơn bão số 9 vừa qua tại Tổng giáo phận Huế, linh mục Giám đốc Caritas Giuse Dương Đức Toại, đặc trách ủy ban Bác ái xã hội, gởi lời cảm ơn chân thành đến Thông Tấn xã Công giáo (Vietcatholic), quý vị ân nhân đã hết lòng giúp đở cho nạn nhân bị thiên tai. Xin Thiên Chúa và nhờ lời khẩn cầu của Mẹ Lavang ban nhiều ơn lành cho quý vị. Mọi sự giúp đở xin gởi về:

Linh mục Giuse Dương Đức Toại.

Ban Bác ái xã hội, Trung tâm Caritas Tổng giáo phận Huế.

Địa chỉ: 69 Phan Đình Phùng, thành phố Huế, Việt Nam.

Điện thoại: 0913485109.

Tài khoản: 57434469 ngân hàng ACB thành phố Huế, Việt Nam.
 
Đức Hồng Y tiên khởi của Việt Nam: G.M Trịnh Như Khuê
TS. Phạm Huy Thông
08:50 10/11/2009
Đức Hồng Y tiên khởi của Việt Nam: G.M Trịnh Như Khuê

1-Trưởng thành từ đất “ Hàm Rồng”

Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh ngày 11-12-1899 và được truyền chức linh mục ngày 1-4-1933. Ngài trở thành linh giám đầu tiên của Legio Mariae tại Việt Nam. Khi Đức cha F. Chaize ( tức Thịnh)- Giám mục đại diện Tông toà Hà Nội đột ngột qua đời ngày 22-2-1949, Toà thánh đã bổ nhiệm Ngài khi đó đang là linh mục chính xứ Hàm Long thay thế. Xứ Hàm Long ( Hàm Rồng) đúng là nơi “phát” các chức sắc cao cấp của giáo hội Việt Nam. Cho đến nay, xứ này đã cung cấp cho giáo hội 3 Hồng y ( GM. Trịnh Như Khuê; GM. Trịnh Văn Căn; PG. Phạm Đình Tụng) và 2 Giám mục ( GM. Nguyễn Tùng Cương và FX. Nguyễn Văn Sang). Ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15-8-1950, Ngài được tấn phong giám mục do Đức cha Lê Hữu Từ chủ phong và hai Đức cha Phạm Ngọc Chi, Gomez là phụ phong. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài là: “ H•y theo Thày”.

2-Vị Giám mục “nô lệ” của Đức Mẹ

Một tháng sau ngày thụ phong, Ngài lên đường qua Roma để cảm tạ Toà thánh và cũng là dự lễ tuyên tín Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời 1-11-1950. Ngài tranh thủ đến những thánh địa nổi tiếng về Đức Mẹ là Lộ Đức, Fatima để cầu nguyện với Đức Mẹ cũng như ghé thăm Dublin ở Irlande- nơi sáng lập phong trào đạo đức Legio Mariae để học tập, áp dụng ở Việt Nam. Có thể nói rằng, Ngài chính là vị Giám mục yêu mến Đức Mẹ. Ngài coi sóc giáo phận trong một thời điểm đầy xáo trộn, sóng gió do chiến tranh, biến động chính trị. Ngay Thư chung số 1 ban hành ngày 22-7-1950, Ngài viết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đau thương, những mong bình an mà chẳng thấy bình an, đau khổ đủ thứ, đau khổ cả hồn, đau khổ cả xác. Trông cậy vào ai? Nương tựa vào ai? Thiết tưởng đang đêm tối tăm, sự soi sáng cho nhân – vật đỡ tối chỉ là mặt trăng êm ái dịu dàng. Tôi muốn nói với anh chị em về Đức Mẹ…Muốn cho địa phận ta cũng được chung phần phúc ấy, tôi đãquyết định sau dịp tôi thụ phong, sẽ dâng địa phận cho trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ”. Nếu ai đãsống trong giai đoạn đó thì sẽ hiểu lá thư trên phải viết ra bởi một con người đầy dũng khí bởi có thể bị suy diễn, quy chụp là “ nói xấu chế độ”. Ngài để lại ít bút tích và ngay cả những bút tích ít ỏi đó cũng rất kiệm lời. Một cuốn sổ tay ghi chép của Ngài mà nhà nghiên cứu Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên gọi là “Nhật ký vô đề” (1) chỉ là những gạch đầu dòng “ nhắc việc” rất khô khan. Ví dụ: “3 Dec.54: hồi 18 giờ yết kiến Hồ Chủ tịch ở biệt điện”. Không rõ nội dung cuộc gặp gỡ hôm 3-12-1954 đó nói gì? Có thể do hoàn cảnh, Ngài không muốn nói nhiều, cũng có thể Ngài ghi chỉ để cho mình nhớ nhưng người đọc có thể khám phá ra nhiều điều thú vị theo phương cách “ ý tại ngôn ngoại”. Trước hết, chúng ta thấy trong hoàn cảnh khó khăn mà Ngài đi kinh lý khắp các xứ họ của giáo phận Hà Nội rộng lớn kể cả các xứ Mường như Mường Riệc, Mường Cắt, Lạc Thổ…Có chuyến đi, mấy xe đi trước xe Ngài mấy bước bị vướng mìn. Có những chuyến đi không thành. Chẳng hạn, “ngày 10-11-1956 định đi Mạc Thượng, không vào được; Ngày 29-11-1956; không đi thăm Khoan Vỹ, Công Xá, Phú Đa như đãđịnh trước”…Không biết sự cản trở đó là do chủ quan hay khách quan? Nhưng nhật ký ngày 16-4-1957 ghi: “hồi 14 giờ trở về Hà Nội, qua Phủ Lý; đến Ngô Tư Vọng bị khám giấy và bị tước giấy”. Vậy là rõ, lý do khách quan. Từ đấy, nhật ký mục vụ chấm dứt. Ngài không được đi đâu được nữa mà chỉ loanh quanh Toà Giám mục. Tôi được nghe Đức cha Nguyễn Văn Sang nói rằng cả hai vị Hồng y họ Trịnh đều lấy sân thượng Toà Giám mục là nơi đi dạo để rèn luyện thân thể và suy tư đến nỗi có hẳn một vòng bầu dục vết chân trên sân thượng và gọi đó là vòng chân Đức Hồng y.

Khó khăn là vậy nhưng lòng yêu mến Đức Mẹ nơi Ngài thì không giảm. Nhật ký của Ngài ghi rất nhiều mục vụ liên quan đến Đức Mẹ: “ 21 Aviril.51 Nam Định, giảng về Đức Mẹ Hằng Cứu giúp; 8 Dec. 52, Kẻ Sở, giảng lễ Đức Mẹ; 18 Jan.53: làm phép tượng Đức Mẹ Fatima; 24-1-53: Ngọc Thị: làng Đức Mẹ”…Không biết vì sao Ngài lại gọi làng Ngọc Thị là làng Đức Mẹ? Chắc nơi đây, giáo dân sùng mến Đức Mẹ lắm! Đặc biệt, Ngài là tác giả của ý tưởng chọn Đức Mẹ là quan thày cho thành phố Hà Nội. Ngày 24-1-1959 Ngài ra thông cáo nhận tượng Đức Mẹ ở Quảng trường Nhà thờ lớn là tượng Đức Mẹ Hà Nội và dâng nhà thờ Cửa Bắc là nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội. Ngài soạn kinh Đức Mẹ Hà Nội, mời gọi các thành phần dân Chúa làm đơn xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố và chính Ngài ký đơn thỉnh cầu Toà thánh xin nhận Đức Mẹ là quan thày thành phố Hà Nội. Ngày 18-2-1959, Ngài khai mạc Năm thánh Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 30-6-1959 mở tuần tam nhật mừng lễ Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 18-4-1959 khi kiệu đến tượng đức Mẹ Hà Nội, đọc kinh Đức Mẹ Hà Nội, Ngài trịnh trọng xin phép Đức Mẹ gọi thành phố Hà Nội là thành phố Đức Mẹ. Vậy là đến năm 2009 này, thành phố Đức Mẹ vừa tròn 50 tuổi.

Những ngày cải cách ruộng đất “như trời long, đất lở”, con đấu cha, vợ đấu chồng để được chia thêm cái mâm đồng thủng hay cái cối đá vỡ. Ngài ra Thư chung số 11 rất dài tới 14 trang nhan đề “ Thương yêu nhau”. Bao ẩn ý ở trong lá thư mục vụ này. Thư chung viết: “Tội là sự độc dữ xấu xa, phải thà chết chẳng thà phạm tội; phải hãm mình phạt xác để đền tội và cho khỏi phải phạm tội; đừng sợ sự đau khổ, sỉ nhục vì đau khổ sỉ nhục đời này là vinh hiển đời sau; đường lối của Chúa khác đường lối thế gian”. Những ngày làn sóng di cư bùng nổ, Ngài ra lệnh phạt “ treo chén” những linh mục bỏ đàn chiên. Vì vậy, Hà Nội dù địa điểm ra Hải Phòng thuận lợi cũng chỉ có khoảng 6 vạn giáo dân (trên 20 vạn) và 100 linh mục ( trên tổng số 168) vào Nam, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các giáo phận khác. Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Ngài lập Ban cứu tế và Quỹ cứu tế địa phận vào tháng 9-1951. Ngài củng cố nhiều hội đoàn Công giáo như Hội Đức Trinh nữ Mẹ Chúa Trời, Hội trợ cấp cho chủng viện, Hội Đức Bà lên trời, Đạo binh Đức Bà Maria… Ngài chia giáo phận thành 29 giáo hạt từ tháng 7-1951 để các linh mục tiện coi sóc. Ngài cũng khôn khéo để phong chức choTổng Giám mục phó GM Trịnh Văn Căn ngày 2-6-1963 theo phương thức “khẩn cấp” vì lý do “ mắt Đức Tổng hầu như mù, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa”. Thông cáo của Toà Giám mục ngày 3-6-1963 viết như vậy. Đây là cách làm “tiền trảm hậu tấu” mà nhiều giáo phận khác cũng áp dụng kể cả truyền chức linh mục như Bùi Chu truyền chức cho 29 linh mục ngày 8-12-1963.

Giáo hội Việt Nam ghi nhận nhiều lễ phong chức Giám mục “ lạ kỳ”. Đức cha JS. Theurel ( tức Chiêu) được phong giám mục ngày 6-3-1859 kể lại rằng: “Một ngày tôi đang ở trong một chuồng trâu thì tôi được lệnh cấm phòng ngay rồi về gặp Đức Giám mục. Tôi đến chỗ hẹn gặp tại một chòi lá ở Kẻ Trụ trong hai đêm…Nghi thức tấn phong không có gì sang trọng. Tôi cầm gậy bằng một khúc tre đốn trong rừng gần đấy. áo dán giấy mạ vàng có đính dây kết bằng rơm rạ. Tôi không có tất cũng không có bao tay. Nghi lễ tấn phong diễn ra không quá hai tiếng đồng hồ trước khi mặt trời mọc”(2). Lễ tấn phong Giám mục cho linh mục Đa minh Đinh Đức Trụ ( Thái Bình) do Ngài chủ sự ngày 25-3-1960 cũng lạ kỳ không kém. Vị tiến chức giả làm ông đạp xích lô từ Thái Bình lên Hà Nội gặp chủ phong trong buồng áo. Nghi lễ diễn ra chỉ có hai người. Rồi vị Giám mục “ chui” đó lại đạp xe sang Bùi Chu tấn phong “ chui” cho Giám mục J. Phạm Năng Tĩnh trong một chiếc thuyền chài…

Đất nước thống nhất, tháng 5-1976, Ngài được vinh thăng lên bậc Hồng y. Khi Đức Phaolô VI qua đời, Ngài qua Rôma dự tang lễ và bầu Giáo hoàng mới. Chưa kịp về nước, Đức Gioan Phaolô I lại tạ thế, Ngài tiếp tục ở lại đến khi Đức Gioan Phaolô 2 lên ngôi và trở về Hà Nội ngày 25-11-1978. Tối 26-11, Ngài vẫn dâng lễ và chủ sự chầu Thánh thể rất sốt sắng ở Nhà thờ lớn Hà Nội. Tối ngày 27-11, Ngài đột ngột qua đời. Câu nói cuối cùng của Ngài trước khi tắt thở là: “ Chịu lễ”. Cái chết bất ngờ của Ngài làm rộ lên những nghi vấn. Nhưng pháp y khẳng định Ngài bị nhồi máu cơ tim. Lễ tang của Ngài được tổ chức vào ngày 30-11 do Đức Tổng Giám mục Trịnh Văn Căn chủ sự. Hai vạn giáo dân đãđến quảng trường Đức Mẹ Hà Nội tiễn đưa Ngài.

Nhân sắp đến ngày giỗ thứ 29 của Ngài, đọc lại những bút tích của Ngài, tôi thấy trong Thư chung số 2 ngày 8-9-1950 viết: “Là nô lệ của Đức Mẹ, tôi phải làm mọi việc dưới sự điều khiển của Đức Mẹ”. Còn Thư chung số 3 ban hành ngày1-11-1950 lại có câu: “Yêu nước, thời nay người ta nói đến rất nhiều, có khi Anh em không nói nhiều bằng người khác. Chúng ta hãy làm nhiều hơn nói”. Xin Ngài cầu cho chúng con được làm “ nô lệ” của Đức Mẹ như Ngài và biết làm nhiều hơn nói trong Năm thánh này.

Hà Nội, tháng các linh hồn năm 2009

Chú thích:

1- Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994.

2- Le pere Six, Blond Paris 1935
 
Giáo xứ Trung Nghiã, Hố Nai đón cha tân chính xứ
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:08 10/11/2009
GIÁO XỨ TRUNG NGHĨA ĐÓN CHA TÂN CHÁNH XỨ

Sáng thứ Ba mùng 10.11.2009 cộng đoàn giáo xứ Trung Nghĩa, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc vui mừng tổ chức đón cha tân chánh xứ Phêro Trần Văn Tiến và lễ Tạ Ơn Chúa cầu nguyện cho giáo xứ.

Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Quản hạt Hố Nai, thay mặt Đức cha giáo phận chủ sự nghi thức nhận chức của cha tân chánh xứ Phêro. Cùng dâng lễ đồng tế có cha Vinh sơn Nguyễn Văn Hòa, Bề trên Giám tỉnh Dòng Thánh Thể. Cha Đaminh Nguyễn Mạnh Hùng, Quản hạt Long Thành. Và gần 20 cha trong ngoài hạt Hố Nai.

Xem Hình Bấm Vào Đây

Đến dự lễ có quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Gía Bắc Hải, Qúy tu sỹ nam nữ, Qúy thân nhân cha mới, Qúy chức Ban hành giáo 16 giáo xứ trong hạt, Ban hành giáo và quý đoàn hội giáo xứ Hiền Hòa, Long Thành. Qúy Thân nhân, ân nhân. Qúy vị Huynh Đoàn Đaminh các cấp. Đại diện các gia đình và cộng đoàn giáo xứ Trung Nghĩa.

Sau khi cha Quản hạt công bố Thư Bổ Nhiệm của Đức cha giáo phận, và ngài có đôi lời giới thiệu cha mới. Đặc biệt ngài chia sẻ băn khoăn thao thức sau 12 năm giáo xứ Trung Nghĩa không có cha chánh xứ. Do vậy! trong phần đất của giáo xứ đã là nơi hoạt động của anh em Tin Lành. Hôm nay giáo xứ Trung Nghĩa rất vui mừng có cha xứ mới, ngài sẽ là Mục tử chăm sóc đoàn chiên, ở giữa đoàn chiên để bảo vệ đoàn chiên khỏi những hiểm nguy, ảnh hưởng đến đời sống đức tin của cộng đoàn.

Cũng như nhiều xứ đạo khác trong vùng Hố Nai di cư vào Nam năm 1954. Giáo xứ Trung Nghĩa tọa lạc trên phần đất cây số 8 Quốc lộ 1, Biên Hòa, Đồng Nai. Giáo xứ hiện nay có 157 gia đình công giáo, gần 700 nhân danh, giáo xứ có ba Giáo Khu: KiTo Vua, Mông Triệu, Thánh Giuse. Diện tích đất của giáo xứ khoảng gần 450.000 mét vuông (rộng 300 mét, sâu khoảng 1500 mét).

Giáo xứ Trung Nghĩa chọn tước hiệu “ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ ” làm quan thầy. Trải qua hơn nửa thế kỷ, giáo xứ có năm đời cha chánh xứ, các ngài là những vị chủ chăn nhiệt thành coi sóc: cha cố Đaminh Phạm Hân, chánh xứ tiên khởi. Cha cố Đaminh Đặng Đình Tân. Cha cố Gioan B Vũ Thiện Đễ. Cha cố Đaminh Dương Thanh Nhã. Cha cố Giuse Đào Thanh Hương. Sau khi cha cố Giuse Hương qua đời năm 1998, giáo xứ được quý cha liên tiếp quản nhiệm: cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, ngài nhờ cha Micae Phạm Tiến Thành giúp. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Quản hạt, ngài nhờ cha Đaminh Phạm Văn Vàng giúp. Cha Phero Phạm Ngọc Hảo. Cha Anton Nguyễn Minh Thuấn quản nhiệm đến nay.

Trình tự lễ nghi buổi đón cha tân chánh xứ diễn ra rất lịch thiệp, chu đáo, trang trọng, sốt sáng. Cách trang trí trong ngoài nhà thờ đẹp mắt trang nhã. Những lời chào đón thật là rộn ràng vui tươi phấn khởi. Ca đoàn hát rất hay! giúp cộng đoàn sốt sáng hướng tâm hồn tham dự Thánh lễ.

Sau bàn tiệc Thánh Thể, quý cha, quý tu sỹ, quý khách, đại diện các gia đình trong giáo xứ tiến vào các bàn tiệc liên hoan, dùng bữa cơm thanh đạm chia sẻ niềm vui với đại gia đình giáo xứ, và thưởng thức chương trình văn nghệ do đoàn Thiếu nhi, giới hiền mẫu, giới gia trưởng trình bày.

Trong dịp này, giáo xứ rất vinh dự được đón tiếp Đức Ông Vinh sơn Đặng Văn Tú đến thăm và dùng cơm với đại gia đình giáo xứ.

Xin chúc mừng giáo xứ Trung Nghĩa, xin cầu chúc cha tân chánh xứ Phêro luôn trung thành, chu toàn mọi trách nhiệm Chúa trao với một lòng tín trung và yêu mến chân thành.
 
Ủy Ban Thánh Nhạc HĐGM/VN mừng Kim Khánh Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Lê Kim
16:12 10/11/2009
ỦY BAN THÁNH NHẠC HĐGM/VN MỪNG KIM KHÁNH ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA

Sài Gòn: Sáng nay, 10.11.2009 tại Hội trường Gioan Baotixita thuộc Trung Tâm Mục Vụ (TTMV) Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Uy Ban Thánh Nhạc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức mừng Kim Khánh Đức Cha Chủ Tịch Phaolô Nguyễn Văn Hòa nhân buổi Hội Thảo lần 25 Thánh Nhạc Toàn Quốc. Có khỏang 80 hội thảo viên là các linh mục Trưởng Ban Thánh Nhạc các giáo phận: Hà Nội, Bắc Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Phan Thiết, Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Sài Gòn, Vĩnh Long v.v… các giảng viên Thánh nhạc, nhạc sĩ Công Giáo, các ca trưởng…

Trước thánh lễ đồng tế với gần 30 linh mục hiện diện là phần thông tin về các sinh hoạt Thánh nhạc và Giáo Hội đó đây, vẫn như những buổi hội thảo trước nhà thơ Lê Đình Bảng dẫn dắt chương trình xuyên suốt, lm-ns Nguyễn Duy, Tổng Thư Ký điều động buổi hội thảo cùng hai thư ký là nhạc sĩ Minh Tâm và nhạc sĩ Anh Tuấn.

Chủ đề thuyết trình lần nầy do linh mục – nhạc sĩ Mi Trầm phụ trách là: 50 NĂM HOẠT ĐỘNG THÁNH NHẠC CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ ( Chủ tịch UBTN). Trong gần 1 giờ đồng hồ, Linh Mục Mi Trầm đã giới thiệu đôi nét về cuộc đời hoạt động thánh nhạc của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa mà đỉnh cao là Bộ Lễ Seraphim được hát vang trong thánh đường hơn 45 năm nay khi ngài còn là linh mục và đang điều khiển ca đoàn Seraphim tại giáo phận Đà Lạt. Đức cha Phaolô đã sáng tác bộ lễ này năm 1964 với khúc thức thật đơn giản cho cộng đoàn và hòa âm 3 bè cho bộ lễ đó vào năm 1969 theo lối hát đối đáp giữa giáo dân và ban hợp xướng.

• Từ năm 1975 tại giáo phận Nha Trang, ngài đã gợi hứng, thúc đẩy, nâng đỡ và liên kết các thành viên Ban Thánh Nhạc Nha Trang để có những hoạt động phong phú như: Nhóm “Ca lời hằng sống” do thầy Trần Anh Thư (Lm Phương Anh) và Ns Đỗ Vy Hạ điều hành từ 1976-1978 phổ biến được 8 tập “Ca lời hằng sống”.

• 1978-1987: Nhóm phổ biến 10 tập “Ca khúc lên đền”, “Ca khúc trường sinh”, “ Ca giáo lý” và “Bài ca ý lực”.

• 1987: Linh mục Mi Trầm và Lm Nguyễn Công Đắc phụ trách đã phổ biến các sách THƯỜNG NIÊN ABC, VỌNG GIÁNG SINH ABC, CHAY-PHỤC SINH ABC và các sách về Lễ Cưới và Tận Hiến

Qua sự lảnh đạo của Đức Cha Phaolô trong các nhiệm kỳ với tư cách là Chủ Tịch Uy Ban Giám Mục về Thánh Nhạc, nhiệm kỳ thứ nhất, từ 1998 đến 2001 và nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2007 cho đến nay đã tổ chức 25 cuộc họp thánh nhạc và xuất bản 9 số báo HƯƠNG TRẦM (Đặc san chính thức của UBTN/HĐGM.VN)

Phần lớn các sáng tác của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vào những thập niên 60 và 70 nay được gom lại trong tập ‘TRĂM TRIỆU LỜI CA” gồm: Nhạc Giáng Sinh: 13 bài; Đáp ca: 25 bài; Alleluia: 13 bài; Dâng lễ: 3 bài; Ca nguyện: 4 bài; Đức Mẹ: 7 bài; Thánh Giuse: 2 bài Bình ca: 2 bộ lễ Seraphim, bộ Seraphim 3 bè, 2 bài rảy nước thánh, 2 mẫu kinh Lạy Cha, 3 mẫu Tung hô sau truyền phép, 2 mẫu kinh cầu các thánh (Sách các “Bài Thương Khó” và Exultet: “Mừng vui lên” được in riêng và đang chờ tu chỉnh theo bản dịch mới); Thánh Thể: 9 bài; Dâng hiến: 21 bài; Nhạc ý lực sống (cộng tác với một số tác giả): 35 bài; Nhạc Vào đời: 2 bài. Tập hát nầy sẽ ra mắt chính thức vào tháng 12 năm 2009 và qua tập sách nầy, Đức Cha Phaolô sáng tác theo các nét nhạc bình ca, tân nhạc, dân ca và 2 bài nhạc Vào đời (không hát trong Phụng Vụ).

Trong thời gian có hạn, Linh Mục Mi Trầm đã giới thiệu đôi nét về các tác phẩm và hoạt động của Đức Cha Phaolô cùng phần minh họa một vài bài hát của ngài.

Trước khi bước vào thánh lễ ca đoàn Hồng An đã trình Trước khi bước vào thánh lễ ca đoàn Hồng An đã trình bày hai bài hát qua phần lĩnh xướng của ca sĩ Thanh Sử làm cho hội trường Gioan Baotixita rộn rã niềm vui.

Sau thánh lễ đồng tế, Linh Mục Kim Long, Phó Chủ tịch UBTN đã đại diện cử tọa chúc mừng Kim Khánh Linh Mục của Đức Cha Phaolô, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám Đốc TTMV Sài Gòn đã đại diện Đức Cha Giám Đốc Phêrô Nguyễn Văn Khảm và quí cha trong TTMV tặng quà chúc mừng Đức Cha Chủ Tịch. Trước khi bước vào tiệc mừng Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa cũng ngõ lời cám ơn Đức Cha Giám Đốc TTMV, quí cha và mọi người hiện diện.
 
Họp mặt Sinh viên Công Giáo Biên Hoà – Đồng Nai
Fx. Trần Kim Ngọc, OP
19:50 10/11/2009
Họp mặt sinh viên Công Giáo Biên Hoà – Đồng Nai

Biên Hoà: Chúa Nhật ngày 08.11.2009, gần 300 sinh viên Công giáo và ngoài Công giáo đã tập trung về Đền thánh Martin họp mặt sinh hoạt với chủ đề “Thắp sáng niềm tin”.

Xem hình sinh viên họp mặt

Ngày họp mặt sinh hoạt bắt đầu từ 08g00 – 16g00 trong bầu khí sôi động, trẻ trung và huynh đệ. Các bạn sinh viên thuộc các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố Biên Hoà, một số bạn sinh viên người Biên Hoà nhưng học các trường khác ở Sài Gòn cùng các bạn thuộc các giáo hạt Tân Mai, Hoà Thanh, Hố Nai và Biên Hoà đã nối kết sinh hoạt huynh đệ với nhau trong tình thân ái Kitô.

Chương trình ngày họp mặt sinh hoạt gồm: sinh hoạt vòng tròn, thảo luận, chia sẻ, giao lưu văn nghệ, thi đố vui Giáo lý Kinh thánh, trò chơi thi đua, cao điểm là Thánh lễ và cuối cùng là Nghi thức Sai đi.

Lần đầu tiên, Tu viện – Đền thánh Martin tổ chức họp mặt sinh viên, nên con số sinh viên tham dự chưa đông, nhưng đây là một khởi đầu tốt đẹp để lại ấn tượng cho các bạn sinh viên tham dự. Thiết nghĩ đây là một sinh hoạt mục vụ thiết thực cần được sự hỗ trợ và cộng tác của nhiều người để tạo một sân chơi lành mạnh cho các bạn sinh viên, một thành phần quan trọng đối với tương lai của xã hội cũng như Giáo hội.

Kết thúc ngày họp mặt, các bạn sinh viên ra đi với bài hát chủ đề “Thắp sáng niềm tin” như, một lần nữa, nhắc nhở và khuyến khích các bạn “ hãy thắp sáng niềm tin cho mỗi tâm hồn và đốt nóng tình yêu cho mỗi trái tim. Hãy nối kết vòng tay chung xây tình người, tình Chúa sẽ đến dâng trào niềm vui…”; chia tay trong ánh nắng chiều, trên khuôn mặt mỗi người sáng lên một tia sáng niềm tin và hy vọng.
 
TGM Kontum thông báo về việc Tổ Chức Lễ Thánh Tổ Giáo Phận và Ngày Yao Phu.
TGM Kontum
21:35 10/11/2009
TÒA GIÁM MỤC KONTUM
56 Trần Hưng Đạo – Tp. Kontum

THÔNG BÁO 1

Kính mời Quý Cha trong Giáo phận
về tĩnh tâm tháng 11/2009,
bắt đầu vào lúc 9h00, ngày 13/11/2009.
VP TGM kính báo.

THÔNG BÁO 2

Kính gửi: Quý Cha trong Giáo phận.

V/v: Tổ Chức Lễ Thánh Tổ Giáo Phận và Ngày Yao Phu.

Kính thưa Quý Cha,

Ngày 14 tháng 11 năm 2009 là ngày Kính Trọng Thể Thánh Stéphano Cuénot Thể, Đấng Khai Sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên, là Thánh Tổ Giáo Phận Kontum và là Ngày Yao Phu. Chương trình ngày lễ như sau:

Thứ sáu, 13-11-2009
Từ 7giờ đến 11giờ: đón tiếp các Yao Phu về tham dự ngày lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa.
12g00: Cơm trưa. Nghỉ trưa.
14g00: Chầu Thánh Thể khai mạc.
14g30: Thuyết giảng với đề tài: “ Yao Phu trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và Giáo Phận”.
15g00: Giải lao.
15g45: Đàng Thánh Giá.
16g45: Rước.
17g00: Thánh Lễ cầu cho các Yao Phu đã qua đời.
18g30: Cơm tối.
20g00: Đức Giám Mục Giáo phận gặp gỡ Yao Phu.
21g30: Nghỉ đêm.

Thứ bảy, 14-11-2009
05g15: Thánh Lễ Trọng Thể.
07g00: Điểm tâm. Bế mạc.
09g00: ĐGM gặp các chủng sinh đang đi thực tế.

Để chuẩn bị cho ngày lễ, xin quý cha giúp các Yao Phu của giáo xứ mình Tĩnh Tâm và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trong 3 ngày trước lễ. Xin Quý Cha gửi về Cha Quản Hạt Kontum số Yao Phu tham dự trước ngày 10-11-2009. Xin Quý Cha tạo điều kiện cho các Yao Phu có mặt vào sáng ngày 13-11 để ổn định. Mỗi Giáo xứ có Yao Phu Trưởng, khi đến xin cho danh sách của đoàn mình.
Xin Quý Cha tham dự Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Tổ của Giáo phận.
Chân thành cảm ơn Quý Cha. Xin Chúa chúc lành cho mọi việc chúng ta làm.

Kontum, ngày 28 tháng 10 năm 2009
(Đã ký và đóng dấu)
Giuse Nguyễn Thanh Liên
Tổng Đại Diện – Bề Trên Yao Phu.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Berlin tưng bừng kỷ niệm 20 năm ngày bức tường chia cắt bị sụp đổ
Tú Anh / RFI
09:48 10/11/2009
Berlin tưng bừng kỷ niệm 20 năm ngày bức tường chia cắt bị sụp đổ

Thủ tướng Angela Merkel khai mạc chương trình lễ hội kéo dài cho đến cuối ngày. Sinh hoạt đầu tiên là buổi thánh lễ tại nhà thờ Tin Lành Gethsemane nơi được xem là « thánh địa » của phong trào phản kháng, buộc chính quyền cộng sản Đông Đức phải mở cửa biên giới vào đêm 9 tháng 11 năm 1989.

Sáng ngày 9/11/2009, dưới tầng mây thấp và cơn mưa mùa thu, thủ tướng Angela Merkel đã khai mạc chương trình lễ hội kéo dài cho đến tối nay. Sinh hoạt đầu tiên là buổi thánh lễ tại nhà thờ Tin Lành Gethsemane nơi được xem là « thánh địa » của phong trào phản kháng buộc chính quyền cộng sản Đông Đức phải mở cửa biên giới vào đêm 9 tháng 11 năm 1989.

Lãnh đạo Giáo hội Tin Lành Đức Wolfgang Huber nhắc lại: "Vào thời điểm đó, người dân đã nhận ra những dấu hiệu đổi thay. Họ đã chứng tỏ lòng can đảm và dũng cảm đứng dậy chống lại các hành vi đe dọa. Họ chống đối bằng thái độ bất bạo động và thắp nến cầu nguyện ».

Một tín hữu nói với AFP, lúc đó người dân Đông Đức chỉ mong chính quyền sửa đổi chứ không ai nghĩ lật đổ chế độ.

Cách nay 20 năm, vào ngày này lúc 20 giờ 30 tối, hàng ngàn người Đông Đức đổ về các chốt biên giới ở Đông Berlin xin qua phía Tây.

Sau vài mươi phút do dự, lính biên phòng mở cửa hải quan. Trước đó vài phút, phát ngôn viên đảng cộng sản Đông Đức đã tuyên bố một cách hớ hênh là quyền tự do xuất ngoại đã bắt đầu có hiệu lực. Hệ quả là 28 năm sau ngày dựng lên để chia cắt nước Đức và người dân Đức, bức tường bê tông này đã bị người dân phá tan.

Hôm nay (9/11) tất cả châu Âu đều đến điểm hẹn Berlin trong đó có đại diện của 4 cường quốc đóng quân tại hai nước Đức từ sau đệ nhị thế chiến đến năm 1990 khi thống nhất là Mỹ, Nga, Anh và Pháp.

Thông tín viên Pascal Thibault từ Berlin tường thuật:

" Hai mươi năm sau ngày bị phá bỏ, bức tường Berlin gần như được tái hiện trở lại. Hàng nghìn quân bài đô mi nô khổng lồ làm bằng nhựa xốp do 15 nghìn người ở Đức cũng như trên toàn thế giới trang trí, đã được dựng lên tại trung tâm thành phố, dọc theo tuyến đường biên giới cũ giữa hai phần Đông và Tây Đức.

Tối nay những quân bài đô mi nô này sẽ bị các chính khách đẩy đổ một cách tượng trưng. Trong số đó có cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walensa vì Ba Lan có vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào cuối những năm 1980.

Khoảng ba chục nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu nhân vật số 1 của Liên Xô cũ, ông Mikhail Gorbachev sẽ tham dự buổi lễ. Rất nhiều lễ hội âm nhạc sẽ diễn ra trong buổi tối nay, trong đó có buổi hòa nhạc cổ điển dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Daniel Bareinboim, và của ca sĩ Bon Jovi người đã từng có mặt tại Berlin năm 1989.

Đêm hội sẽ kết thúc bằng một màn bắn pháo hoa trên cổng Brandebourg. Chiều nay Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới trạm kiểm soát biên biên giới cũ, nơi đây hôm 9/11/1989 người Đông Đức đã ồ ạt đổ sang Tây Đức.

Được đánh giá đây là ngày đẹp nhất trong lịch sử cận đại của đất nước, nếu không có bước ngoặt lịch sử ở Đông Đức thì giờ đây không thể có Thủ tướng của nước Đức thống nhất là bà Angela Merkel".

Hai mươi năm sau, trong đời sống tự do và dân chủ, với một thủ tướng là người Đông Đức cũ, nhưng xem ra vẫn còn có một bộ phận dân chúng thất vọng nhất là ở phía Đông Đức cũ nơi mà mức sinh hoạt vẫn còn thấp và nạn thất nghiệp cao hơn phía Tây Đức giàu có.

Một phụ nữ phát biểu: « Tôi thấy thất vọng. Hồi đó tôi cũng đã xuống đường đi biểu tình, nhưng tôi đâu có nghĩ là mình lại bị phản bội như thế này. Thật là buồn, bây giờ tình cảnh của tôi không được như trước: tôi đang bị thất nghiệp. Kinh tế thị trường là như vậy đó. Người nào đã không có gì thì cũng chẳng là gì hết và họ sẽ không có gì hết »

Paris cũng tham gia tích cực vào chương trình kỷ niệm biến cố lịch sử có liên quan đến định mệnh của cả châu Âu.

Học sinh thủ đô Pháp đã đóng góp trong việc trình bày các quân cờ Domino đặt dọc theo vị trí cũ của bức tường Ô nhục mà chiều nay sẽ được đập đổ.

Tại Paris, vào tối nay, tại quảng trường Concorde sẽ có một buổi hòa nhạc. Phỏng theo hình ảnh nhạc sư cello người Nga Mstislav Rostropovitch, một mình chơi nhạc Bach, với chiếc trung hồ cầm dưới chân bức tường đang được người dân hai bên đập phá, chiều nay buổi hòa nhạc tại quảng trường Concorde, Paris sẽ quy tụ 27 nhạc sĩ đại hồ cầm tiêu biểu cho 27 thành viên Liên Âu.
 
Hồi Ký: Những câu chuyện vể một thời: Phải chăng đó là trong chủ nghĩa duy vật?
+ GM. Phaolô Lê Đắc Trọng
10:57 10/11/2009
Hồi Ký: Những câu chuyện vể một thời: Phải chăng đó là trong chủ nghĩa duy vật?

Theo chủ nghĩa duy vật, đem giải thích theo lịch sử quan thì xã hội loài người theo cơ cấu hạ tầng cơ sở và thượng tầng cơ sở (super-structure). Hạ tầng cơ sở là vật chất thì bất biến. Thượng tầng cơ sở là trí tuệ, là kiến thức, là luân lý, là tôn giáo, là quyền bính thì thay đổi. Chính kinh tế làm thay đổi, biến thể. Thượng tầng cơ cở là nền tảng của chủ nghĩa duy tâm, mà kinh tế làm thay đổi. Lịch sử thế giới, theo họ, biến đổi, tiến bộ, không do trí tuệ, do chiến tranh, do tôn giáo, do tiến bộ khoa học. Nhưng là do kinh tế chi phối và họ đưa ra lịch sử quan để giải thích những giai đoạn loài người đang trải qua. Từ lúc kinh tế còn thô sơ cho tới nền kinh tế phức tạp ngày nay. Chính là kinh tế làm thay đổi mọi sự.

Theo chủ nghĩa Mác-Ănghen: Lịch sử thế giới diễn biến theo nhịp kinh tế, từ đời sống hang hầm, đá đẽo, cho tới thời đại điện tử. Kinh tế chi phối tất cả, nó làm thay đổi cái thượng tầng cơ cấu. Do đó, cải cách ruộng đất cũng trong đường lối diễn biến đó. Nó làm thay đổi bộ mặt xã hội, mà nền tảng là duy vật. Nó là duy vật nên không chấp nhận cái gì là thiêng liêng. Làm gì có Chúa, có thánh thần, có cái gì là linh thiêng cao cả, có cái gì là ở trên, có cái gì là cái đáng kính, đáng trọng, có cái gì cần nể nang, cần phải bảo tồn? Chủ nghĩa duy vật mù quáng, chôn vùi mọi thứ xuống đất, không chút thương tiếc.

Vì thế cải cách ruộng đất dựa vào chủ nghĩa duy vật, có thể đập phá lung tung, không phải kiêng nể bất cứ cái gì, phong trào được phát động đến mức con cái có thể đào mả bố, đấu tố sỉ nhục cha mẹ. San bằng tất cả những cái mà các chế độ, các thời đại trước đã tạo nên, để xây dựng một thượng tầng cơ sở mới, không biết nó sẽ là cái gì, vì vật chất thì mù quáng làm gì có cái kim chỉ nam. Sống suy nghĩ theo Mác-Ănghen thì nó miên man và ảo tưởng đến thế!

Nông dân vô sản làm gì mà biết suy luận như thế? Người ta bảo đánh thì đánh, đập phá thì đập phá. Rồi họ mãn nguyện với mảnh bằng, chứng thực. Họ được làm chủ mấy sào ruộng, để rồi ít lâu nữa sẽ rời những cái ghế chủ nhân. Bây giờ họ chưa biết thế đâu!

Tấm bằng được trình bầy một cách rất lộng lẫy khổ 60 x 40 có ghi những chữ lớn với nét đỏ thắm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất.

Sau đó là kê khai những thửa ruộng được làm chủ. Cuối cùng lại hiện ra những dòng chữ viết khá lớn, để cho thấy nội dung cũng quan trọng. Đó toàn là những khẩu hiệu đã được ghi đó đây, được để ở cửa miệng để hô to. Ghi ở đây, chúng lại có ý nghĩa đặc biệt. Câu đầu là: “Tăng cường đoàn kết”.

Đoàn kết ở đây, trong lúc này nó có ý nghĩa đặc biệt. Nói theo chủ thuyết Hegel, một trong những chủ thuyết của chủ nghĩa Mácxít-Hegel chủ chương thuyết Tan Hợp, Hợp Tan Antithèse và Synthèse. XÃ hội chứa đầy những mâu thuẫn (Antithèse). XÃ hội luôn có những mâu thuẫn (Antithèse) và do cuộc đấu tranh giữa những cái mâu thuẫn, đi tới tổng hợp (Synthèse). Tổng hợp đây không có nghĩa là hợp những cái mâu thuẫn lại, nhưng là các mâu thuẫn loại bỏ nhau, thành một cái mặt bằng (Synthèse). Đó chính là điều mà bản Tuyên Ngôn của Mác mới đầu: “Hỡi các bạn vô sản trên thế giới, hãy đoàn kết lại”.

Trong cải cách ruộng đất: giới vô sản, tức bần cố nông đứng sau Đảng, lật đổ không những giới chủ ruộng, mà còn cả những mâu thuẫn đối nghịch khác, để làm nên một mặt bằng gồm những người khố rách như nhau, để rồi trên đó sẽ có những người có cái khố lành hơn, cái áo sặc sỡ hơn, làm nẩy nở những mâu thuẫn khác (Antithèse). Đó chỉ là những cái mà giới chóp bu đưa vào để tìm nguồn động lực cho hoạt động của mình; còn dân chúng thì chỉ bị lái, mà nổi lên một cách vô ý thức.

Sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, được thưởng bằng một tờ giấy có ghi: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” là hể hả. Nhưng còn phải giữ cái thành quả đó bằng “tăng cường đoàn kết”, rồi “nâng cao cảnh giác”. Nâng cao cho đến lúc ruộng đất được đem đi dâng, còn lại mảnh bằng, có cất kỹ thì may ra lâu mới không mục vì nó bằng giấy. Nhưng cái gì con người tạo nên, nó cũng sẽ mau biến đi như thân phận con người.

Cải cách ruộng đất chỉ là một công cụ mà Đảng Cộng Sản nước nào cũng dùng để xây dựng và củng cố quyền bính. Nó là công cụ, nên chỉ là giai đoạn, vì chỉ được dùng vào một thời nào đó. Những cảnh rùng rợn nó gây nên, chẳng bao lâu người ta cũng nguôi đi, hoặc bị làm cho quên lãng.

Khoảng tháng 10 năm 1956, người ta mời tôi đi họp. Sao người ta lại mời tôi, họp về việc gì tôi cũng không nhớ! Kỳ cục thay, địa điểm họp chính lại là ở trường đào tạo cán bộ cải cách ruộng đất ở thị xã Phủ Lý. Một khu rộng rãi, gần nhà thờ, có mấy chục ngôi nhà lợp lá. Thị xã Phủ Lý lúc này do tiêu thổ kháng chiến đã bị hoang tàn, dân cư thưa thớt, nhà cửa lụp xụp. Có độ vài trăm người họp. Có điều khác thường, chắc trước đây không có. Đó là một ngôi nhà nguyện, trong đó sáng tối có tiếng đọc kinh râm ran. Người họp có đủ hạng, thành thị, nông thôn, đàn bà, đàn ông, người già, người trẻ... các bà đọc kinh cầu nguyện tối sáng, có lẽ là các bà Bùi Chu. Cũng có mấy linh mục khác. Chúng tôi không gặp nhau, vì không muốn lợi dụng đi họp để gặp nhau. Chúng tôi không làm lễ dù người ta mời. Cũng không đến cái nhà gọi là nhà nguyện bao giờ. Đi họp là đi họp, không làm lễ, và chúng tôi không mang áo dài thâm, để lấy cớ không có áo dài thâm thì không làm lễ. Họp ba ngày, ăn ngủ ở đó, phân chia từng tổ. Tổ bao gồm những người thuộc tỉnh mình, địa phương mình. Tổ của tôi gồm các nhân sĩ, bác sĩ, giáo sư, nghĩa là thành phần “thượng lưu”.

Không biết có nhiều phiên họp chung không, và họp về các đề tài gì? Chỉ biết chúng tôi ngồi với nhau tán chuyện suốt ngày. Rồi bữa ăn, bữa quà. Tối đến đi xem diễn kịch, hoặc Xinêma. Những giải trí đó tôi không đi bao giờ.

Họp sau khi cải cách, giữa trường đã đào tạo đội cải cách, mà không nói gì tới cải cách. Không khen, không chê, không rút kinh nghiệm. ở dưới mái nhà đã che nắng mưa cho những người được huấn luyện để đi gây rùng rợn, sợ hãi cho kẻ khác. Nằm trên những chiếc giường mà hôm nào đó, những người cán bộ cải cách ruộng đất đã có những đêm ngủ ngon, để rồi đi gieo đau thương vào tâm hồn và thể xác của hàng triệu dân lành.

ấy thế mà không ai nói đến chuyện cải cách, những lúc ngồi tán chuyện với nhau, thường người đời chỉ lấy chuyện “bù khú” làm đầu. Nhưng họ chợt thấy tôi ở gần, họ liếc mắt nhau, rồi lảng sang chuyện khác, y như nói với nhau: “Ông cố đạo đấy, đừng làm rát tai ông ta, ông ta cười cho”. Có lần họ dở chuyện đạo với nhau, và tôi nghe được.

Chuyện ở miền Nam. Họ được thông tin đâu đó nói rằng: Toà Thánh đặt Đức Cha Hiền ở Sài Gòn, còn Đức Cha Ngô Đình Thục, anh ông Diệm thì đưa về Huế, và họ khen Toà Thánh công bằng! Có ý muốn nói: Ông Thục là anh em với ông Diệm, lẽ thường ông Diệm muốn đặt người anh của mình ở thủ đô Sài Gòn, thế mà Toà Thánh lại không nghe, lại đặt ở Huế, không quan trọng bằng “thủ đô Sài Gòn”. Nghe biết vậy, thực ra lúc này Hà Nội làm gì có những thông tin như thế, và tôi cũng không tham gia vào câu chuyện.

Họp sau ngày cải cách, họp trong trường đào tạo cán bộ cải cách, mà không nói gì đến cải cách, lại chỉ nói đến chuyện ở đâu. Y như người ta muốn quên đi những chuyện về cải cách. Quên thật, những ngày họp ở đây toàn là những ngày “chiêu đãi” để lấp liếm mọi chuyện. Được đi họp những buổi như thế này là vinh dự lắm, phải ở cấp nào, công tác làm sao mới được vinh dự đó. Không hiểu sao, tôi lại được cái vinh dự đó!

Đầu năm 1957, tôi thấy trong mình hơi yếu, lợi dụng sau cải cách, mọi cái dễ dàng, tôi xin lên Hà Nội một tháng để chữa bệnh. Chữa bệnh thì ít, nhưng tôi có một ý định khác. Lúc này nhà nước cho ra cái phong trào: “Người Công giáo yêu nước” dưới danh hiệu “Hội liên lạc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình”. ở các nước Cộng sản khác, họ trắng trợn đưa cái thứ Hội yêu nước như thế để tách khỏi Vatican. ở Việt nam, miền Bắc còn phải chiếu cố miền Nam, nên không dám cho mình tự trị, nhưng cũng tìm cách đứng ngoài ảnh hưởng của Vatican.

Về phía Giáo quyền đã có những tuyên bố, chỉ thị, biện pháp, chống lại trào lưu này. Ngoài thông cáo thời danh của cha chính Antôn Đinh Lưu Nhân, Nam Định, về hội Liên lạc Công giáo đó. Tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ tích cực hơn. Tôi thu thập những bài nói về Hội Thánh, soạn thành một cuốn sách nhỏ, chỉ nói về cái này là vẻ đẹp của Hội Thánh, để cho thấy tách biệt khỏi Hội Thánh là tách biệt khỏi Chúa Kitô, tách biệt khỏi Chúa Kitô là tách biệt khỏi Thiên Chúa. Tôi đã soạn xong nhân dịp đi an dưỡng. Nhờ ông Tiệp lúc này chưa là ông Cố, mà chỉ là người thư ký làm việc ở hiệu sách Thánh Maria. Dĩ nhiên là ông đánh máy, trình bầy đẹp hơn tôi. Tôi đã hoàn thành, và định nhờ máy ronêô của Nhà Chung. Máy này bỏ lâu không dùng được. Tôi xin một ít giấy của Nhà Chung đưa về Nam Định quay lấy. Tôi đưa về Nam Định quay máy ronêô với một đứa cháu của tôi, để công việc kín đáo hơn.

Nhắc lại chuyện đó cho thấy sau cải cách, vào thời kỳ sửa sai, việc đi lại dễ dàng. Việc xuất bản khó khăn, nhưng việc in ấn còn có thể kín đáo tiến hành. Nhưng nhất là cho thấy Giáo Hội Việt Nam còn phải đối phó gay go với một phong trào khác: “Hội Liên Lạc”, gay go, phức tạp, dai dẳng hơn là đối với cải cách ruộng đất.

Ví dụ: Do tình thế đi lại dễ dàng của thời kỳ sửa sai, Đức Giám Mục địa phận, Đức Cha Trịnh Như Khuê, đi đến cả những xứ thật xa, ở tỉnh Nam Định. Nơi đây, cha xứ là cha Vũ Xuân Kỷ, Chủ tịch Hội Liên Lạc Công Giáo, hình như đi công tác, không có mặt ở xứ. Trong lúc Đức Cha tiếp giáo dân đứng chật trong nhà, ngoài hiên, ngoài sân. Mấy tên Công giáo tiến bộ, đứng đầu là tên Đượm, tên Đọc... mấy tên đó cứ đẩy đám đông, để xông vào ý kiến với Đức Cha, xô đẩy Đức Cha đến chân tường, rồi ra hiên đằng sau, đến chân cầu thang. May nhờ cầu thang này mà Đức Cha lên gác “thoát nạn”.

Khi mọi người trở lại bình tĩnh, Đức Cha tuyên bố bãi Xứ An Lộc, và chuyển sang họ Vạn Điểm. Từ nay họ Vạn Điểm trong lịch Công giáo được in là Xứ Vạn Điểm. Quyết định có vẻ vội vàng một chút. Song thấy cha xứ đứng đầu phong trào chống Giáo Hội, giáo dân không biết có bao nhiêu người, có những cử chỉ quá khích, thì làm sao tránh khỏi kết luận. Xứ này không còn trung thành với Giáo Hội, và nên bãi đi.

Kết luận khác không thể sai: Những cử chỉ quá khích của một số giáo dân An Lộc hôm đó, đã được ăn tự từ cách lộng hành, tàn bạo của cải cách ruộng đất.
 
Cuốn băng mới của Kennedy
Lữ Giang
21:39 10/11/2009
Cuốn băng mới của Kennedy

Mặc dầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ và hạ sát một cách tàn nhẫn cách đây 46 năm, thỉnh thoảng Bộ Ngoại Giao, Cơ quan CIA, các văn khố và thư viện Hoa Kỳ lại cho công bố thêm một vài tài liệu liên quan đến vụ này. Chắc chắn còn một số văn kiện quan trọng khác liên quan đến nội vụ vẫn chưa được giải mã vì có phương hại đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng với những tài liệu đã được công bố, chúng ta có thể biết được biến cố đã thật sự xẩy ra như thế nào, không còn có thể nói mò, viết mò hay bóp méo sự thật như từ năm 1990 trở về trước.

KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN MỚI LẠ

Ngày 3.11.2009, hầu hết các báo tại Hoa Kỳ đã đăng một bài dưới đầu đề “Những cuốn băng cho thấy Kennedy chống lại cuộc đảo chánh ở Sài Gòn (năm 1963)” (Kennedy was conflicted over Saigon coup) của ký giả Barry Schweid thuộc hãng thông tấn AP, nói về việc thư viện JFK Fresidental Libraby ở Boston vừa mới công bố các cuốn băng cho thấy cách đây 46 năm các tướng lãnh Việt Nam tin tưởng được sự ủng hộ của Đồng Minh Hoa Kỳ đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn, nhưng Tổng Thống Kennedy chống lại việc Bộ Ngoại Giao bật đèn xanh cho các tướng làm đảo chánh. Tổng Thống nói: “Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để tiến tới, trừ khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để thành công.” Theo Kennedy, chúng ta muốn có những phán đoán tốt hơn, và ông không nghĩ rằng chúng ta phải làm điều đó. Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc.

Sáng ngày 3.11.2009 đài truyền hình MSNBC đã cho phát lại đoạn video phỏng vấn Tổng Thống Kennedy trong chương trình Huntley-Brinkley Report (NBC) ngày 9.9.1963 và audio trích lại một phần những phát biểu trong các buổi họp nói trên.

Năm 2003, các lời phát biểu của các Tổng Thống Mỹ trong thời gian chấp chánh đã được ghi lén và in lại trong 9 CD dưới cái tên “The White House Tapes Eavesdroping on the President”, trong đó có những lời phát biểu của Tổng Thống Kennedy và các cố vấn liên quan đến cuộc đảo chánh năm 1963. Từ đó đến nay, một số băng khác cũng đã được công bố thêm. Những đoạn băng mới được công bố nói trên chỉ là phần bổ túc mà thôi.

Thật ra, tài liệu về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức đảo chánh lật đổ ông Diệm đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố gần đầy đủ trong bộ “Foreing Relations of the Unitied States” (FRUS), Tập IV, 1961 – 1963 (từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1963), xuất bản năm 1991.

Không đọc các tài liệu in trong các bộ FRUS từ 1954 đến 1963 đã được Bộ Ngoại Giao Hoa ấn hành, không thể biết được chính phủ Hoa Kỳ đã thúc đẩy và giúp đỡ chính phủ Ngô Đình Diệm hình thành ở miền Nam một chế độ độc đảng gióng “mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng” của Tưởng Giới Thạch để chống cộng, và cuộc tranh luận chung quanh “mô thức” này. Nhưng sau đó, khi quyết định đưa quân vào miền Nam, các viên chức Hoa Kỳ đã phê phán và đập phá “mô thức” do chính họ đòi hỏi phải thiết lập một cách không thương tiếc.

Phải đọc bản phúc trình điều tra của phái đoàn Liên Hiệp Quốc mới biết được biến cố Phật Giáo đã xẩy ra tại miền Nam năm 1963 như thế nào. Đây là một bản phúc trình đã nói lên những sự thật khiến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lo sợ, phải vận động và làm áp lực để bản phúc trình đó đừng được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc!

Phải đọc từng trang biên bản các phiên họp, các báo cáo, các chỉ thị của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, chúng ta mới thấy được sự phức tạp trong chính sách của Hoa Kỳ về việc điều hành cuộc chiến Việt Nam. Ngồi viết mò hay dựa theo quan điểm của một số tác giả, không thể viết đúng được.

Cũng đừng tin vào hai cuốn được giới thiệu là tài liệu mật của CIA mới được giải mã, đó là cuốn “CIA and the House of Ngo” và cuốn “CIA and the Generals” do Thomas L. Abern Jr. biên soạn và được Nguyễn Kỳ Phong giới thiệu và tóm lược, vì Thomas L. Abern Jr. đã viết hai tập đó với ý đồ “lái sử”, nên không phản ảnh đúng sự thật. Phải đọc từng bản văn chính thức đã được giải mã để tìm hiểu những chuyện gì đã thật sự xẩy ra.

Trong phần dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những nét chính về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và âm mưu của các nhóm đứng đàng sau.

BẤT ĐỒNG VỀ ĐẢO CHÁNH

Ông McNamara cho biết quyết định của Tổng Thống Kennedy là Hoa Kỳ “không đưa ra bất cứ khởi xướng nào nhắm tích cực khuyến khích một sự thay đổi trong chính phủ” (VNCH) đã gây tranh luận mấy tuần liền.

Trong một điện văn gởi cho Tướng Maxell Taylor ngày 25.10.1963, ông Lodge nói rằng âm mưu của các tướng Nam Việt Nam nay đã đi quá xa và “chúng ta không nên phá ngang cuộc đảo chánh.” (we should not thwart a coup). Lập luận của ông ta “dường như dám đánh cá chính phủ mới sẽ không vụng về (bungle) và sai lầm (stumble) như chính phủ hiện tại.” Thay mặt Tổng Thống, Tướng Taylor trả lời rằng không phải chúng ta làm hỏng cuộc đảo chánh, mà chúng ta phải xem xét kế hoạch của các tướng và loại ra những sơ hở có thể đưa tới thất bại.

Tướng Harkins đã nổi giận khi đọc công diện nói trên của ông Lodge. Ông cho rằng ông Lodge đã không cho ông biết về kế hoạch đảo chánh. Tướng Harkins đề nghị “chúng ta không nên đổi ngựa một cách quá vội vàng, mà chúng ta phải tiếp tục tìm cách thuyết phục con ngựa đó đổi hướng và phương pháp hành động.”

Ông Lodge cho rằng như vậy là Hoa Kỳ đang phá hỏng kế hoạch đảo chánh. Ông viết: “Đừng nghĩ rằng chúng ta có quyền ngăn trở hay trì hoản cuộc đảo chánh.” (Do not thing we have the power to delay or discourage a coup.)

(Robert S. McNamara, “In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam”, Vintage Books, New York, 1995, tr. 81 – 82).

Tổng Thống nói xem ra lực lượng quân sự ủng hộ và chống ông Diệm bằng nhau. Nếu thế, bất cứ âm mưu bày ra một cuộc đảo chánh nào đều vớ vẩn. Nếu Lodge đồng ý quan điểm đó, chúng ta sẽ chỉ thị ông ta ngăn cản cuộc đảo chánh.

(FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 468 – 471. Document 234).

Lúc 6 giờ 40 ngày 29.10.1963, Đại Sứ Lodge đã gởi về Bộ Ngoại Giao ở Washington một công điện nói rằng xem ra âm mưu đảo chánh của các Tướng Lãnh đã đến nơi (imminent), và dù cuộc đảo chánh này thành công hay thất bại, Chính Phủ Hoa Kỳ phải chuẩn bị để chấp nhận sự kiện là chúng ta sẽ bị đổ tội (blamed), mặc dầu không chứng minh được. Và cuối cùng, “không một hành động tích cực nào của Chính Phủ Hoa Kỳ có thể ngăn chận âm mưu đảo chánh trừ phi báo tin cho Diệm và Nhu với tất cả sự nhục nhả mà một hành động như thế có thể gây ra.”

(FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 454 – 455. Document 226).

Trong công điện gởi cho Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Sài Gòn lúc 5 giờ 49 phút chiều 30.10.1963, ông Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Về An Ninh Quốc Gia, đã nói thẳng với Đại Sứ Lodge: “Chúng tôi không chấp nhận như là một chính sách của Hoa Kỳ rằng chúng ta không có quyền trì hoản hay ngăn cản cuộc đảo chánh.” Ông phải khuyến khích những người đảo chánh ngưng hay hoản lại bất cứ hoạt động nào mà theo sự phán đoán tốt nhất của của ông, rõ ràng là không đem lại viễn tượng thành công cao.

(FRUS, 1961 – 1963, Volume IV, tr. 500 - 501. Document 249).

Sau đó, lúc 6 giờ 30 chiều 30.10.1963 ông Lodge lại gởi một công điện khác cho Bộ Ngoại Giao nói rằng chúng ta phải đánh giá chính xác về cơ hội thành công cuộc cuộc đảo chánh, “nhưng đừng nghỉ rằng chúng ta có quyền trì hoản hay ngăn cản cuộc đảo chánh.”

Qua các cuộc tranh luận, chúng ta thấy Tổng Thống Kennedy, Tướng Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Harkins, hai viên chức cao cấp CIA là McCone và Colby, v.v. đã tỏ vẻ không muốn tổ chức đảo chánh. Chỉ có Harriman và Cabot Lodge là cương quyết hành động.

NHÓM CHỦ TRƯƠNG ĐẢO CHÁNH

1.- Lý do quyết định đảo chánh

Ông Frederick Nolting, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa đã ghi rõ trong cuốn “From Trust to Tragedy” như sau:

“Âm mưu “trung lập hóa” Lào của ông ta (Harriman) là một sự thất bại thê thảm, và sự thù nghịch ngày càng gia tăng của ông với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia đình của ông ta, trở thành một yếu tố chủ yếu trong việc lật đổ ông Diệm. 1963.”

(Frederick Nolting, From Trust to Tragedy, sách đã dẫn, tr. Xiv).

2.- Làm cho tình hình xấu đi

Để có thể tổ chức đảo chánh, nhóm Harriman đã cố tình làm cho tình hình tại miền Nam ngày càng xấu đi. Sau vụ giao cho Trần Quang Thuận tổ chức hỏa thiêu Hoà Thượng Quảng Đức vào ngày 11.6.1963, theo báo cáo của Tướng Trần Văn Đôn cho CIA, chiều 18.8.1963 Tướng Khiêm, một nhân viên CIA, đã triệu tập các tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu, trong đó có cả những tướng đang bất bình với ông Diệm như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Nguyễn Ngọc Lễ, và quyết định đến xúi ông Nhu và ông Diệm phải “ban hành các biện pháp mạnh để ổn định tình hình”. Họ báo cáo rằng “tinh thần của quân đội đang xấu hơn (detoriorating) và trong thực tế họ sợ rằng một đồn quân sự ở trong tình trạng gần như đào ngũ (near state of desertation)”. Ông Diệm đã trúng kế của CIA. Ngày chiều 20.8.1963 ông ban hành Sắc Lệnh số 84/TTP “tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam...” và cho phép lục xét các chùa để bắt các phần tử gây rối.

(FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 616. Document 275).

3.- Ra lệnh đảo chánh

Trong cuốn hồi ký “Swords and Plowshares", Đại Tướng Maxwell D. Taylor, Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân thời Tổng Thống Kennedy, cho biết khi tình hình lộn xộn xẩy ra tại Sài Gòn, một nhóm hoạt động chống Diệm (a small group of anti-Diem activists) đã nắm lấy cơ hội, xử dụng “mánh mung lẫn tránh” (end run) để vượt qua bằng cách soạn thảo một cách vội vàng một công điện tối quan trọng đối với Sài Gòn không cần có sự đồng ý thông thường của Bộ.

Trong cuốn hồi ký “In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam”, ông Robert S. McNamara đã trình bày khá rõ ràng về quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông viết:

“Khi báo cáo về tình trạng xáo trộn tới tấp gởi về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 24 tháng 8, các nhân viên có nhiệm vụ ứng trực nhận thấy rằng cơ hội để có hành động chống lại ông Diệm đã đến. Trong đêm đó Hoa Kỳ đã đề ra một kế hoạch đảo chánh, một hành động trong số những hành động quan trọng nhất của hai trào Tổng Thống Kennedy và Johnson.

“Người khởi xướng hành động này là Roger Hilsman Jr., nhân vật kế nhiệm Averell Harriman, giữ chức Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ.

“Sau khi Roger Hilsman hoàn thành bức công điện, trong ngày 24 tháng 8, Averell Harriman, người vừa được trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Về Chính Trị Vụ, chấp thuận ngay. Bức công điện của những người chủ trương được quyết định gởi cho Sài Gòn ngay trong ngày hôm đó...”

4.- Xử dụng cơ quan mật vụ đặc biệt

Lúc đó, Giám Đốc CIA tại Washington và Trưởng Trạm CIA ở Sài Gòn đều chống đảo chánh, nên nhóm Harriman phải xử dụng một hệ thống tình báo đặc biết để tổ chức đảo chánh.

Khi Harriman được Tổng Thống cử làm Thứ Trưởng Ngoại Giao về Chính Trị Sự Vụ, ông kiêm luôn Chủ Tịch Đoàn Công Tác Đặc Biệt về Chống Nổi Dậy vừa có chân trong Ủy Ban 40 (phối hợp về tình báo) trong đó có “Đoàn Công Tác Đặc Biệt” (Special Group). Tổ chức này gióng như “một chính phủ bí mật trong một chính phủ” (a secret government within a government). Thông thường, Đoàn triển khai chủ trương của Tổng Thống, nhưng khi có sự xung đột về quan điểm, mạnh ai nấy làm. Như vậy ông đã nắm trọn trong tay các cơ quan tình báo Mỹ nên quyền lực rất lớn.

Kế hoạch đảo chánh được hoạch định rất công phu và tỉ mỉ. Trước hết là tách những người thân tín như Trần Kim Tuyến (Giám đốc sở mật vụ), Nguyễn Đình Thuần (Bộ trưởng Phủ Tổng Thống), Đỗ Mậu (Giám Đốc An Ninh Quân Đội)... ra khỏi ông Diệm và ông Nhu bằng cách tạo ra những biến cố giả tạo để gây sự nghi ngờ. Kế đến là xử dụng ngay lực lượng được ông Nhu tin cẩn nhất đó là Sư Đoàn 5 đo Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy với nhiệm vụ bảo vệ thủ đô để làm lực lượng chính của cuộc đảo chánh. Người chỉ huy cuộc đảo chánh cũng là người được ông Diệm tin tưởng nhất, đó là Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Ông Điệm và ông Nhu không bao giờ nghĩ rằng Tướng Khiêm và Đại Tá Thiệu đã đi theo CIA!

LỆNH GIẾT ÔNG DIỆM VÀ ÔNG NHU

Chúng tôi xin nhắc lại, trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau:

Johnson:. .. Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm.

MacCarthy: Có chứ.

Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.

Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó:

Johnson: Họ khởi đầu và nói: “Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.”

Taylor: Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế.

Johnson: Và lúc đó tôi đã van nài họ, “Xin vui lòng đừng làm điều đó”. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta.”

Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc. Vậy quyết định giết ông Diệm mà Tổng Thống Johnson nhắc lại ở trên đã được bàn tại đâu và ai là người đã ra lệnh giết ông Diệm và ông Nhu? Phải chăng bàn ở Bộ Ngoại Giao? Hiện nay vẫn còn nhiều tài liệu chưa được tiết lộ và có thể sẽ vĩnh viễn không được tiết lộ, nên rất khó biết được.

Trong cuốn “The Secret History of the CIA”, Joseph J. Trento cho biết Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson như sau:

“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện.”

(On instructions from Averell Harriman... The order that ended in the deaths of Diem and his brother originated with Harriman and were carried out by Henry Cabot Lodge’s own military assistant.)

Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein.

Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp.

Tổng Thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành. Ông Carson tiết lộ:

“Kenny O’Donnell (người được Tổng Thống Kennedy chỉ định làm thư ký) tin rằng McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, nhận lệnh từ Đại Sứ Averell Harriman chứ không phải từ Tổng Thống. Kenndy đặc biệt lo lắng về việc Michael Forrestal, một người trẻ trong nhân viên Toà Bạch Ốc phụ trách về liên lạc giữa Việt Nam và Harriman.”

Trưởng Trạm CIA tại Saigon là “Jocko” Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Army), đó là John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal.

Theo Carson, “John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chánh”, mặc vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hoá trước công luận. Carson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại Sứ Cabot Lodge chỉ định cho “các công tác đặc biệt” (special operations) có thể hành động không bị trở ngại.

(Joseph J. Trento, “The Secret History of the CIA”, Carroll & Graf, New York, 2005, tr. 334 – 335).

PHẢN ỨNG CỦA KENNEDY

Trong cuốn hồi ký mang tên “In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết:

“Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế...

“Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.

“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại...

Hôm 4.11.1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó (ra lệnh đảo chánh) đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”

Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một công điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến hành rồi. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy công điện này.

Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau:

“Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong khi ông ta bắt đầu gia tăng sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng.”

Ngày 9.11.2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thanh Thoát
Sông Thanh
07:14 10/11/2009

THANH THOÁT



Ảnh của Sông Thanh

Càng tiến lên họ càng mạnh bước

Đến chiêm ngưỡng Chúa Trời

(Thánh Vịnh 84:8)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Soi Bóng
Sr. Maria Ngọc
07:17 10/11/2009

SOI BÓNG



Ảnh của Sr. Maria Ngọc (Carmelite of St. Joseph, Oklahoma)

Hồ thu nước lặng trong xanh ngắt

Tháp Giáo đường nghiêng bóng gương soi.

Văng vẳng không trung tiếng nguyện cầu…

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xây Nhà Chúa
Dominic Đức Nguyễn
23:32 10/11/2009

XÂY NHÀ CHÚA



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn (Hình chụp tại công trường xây cất Đan Viện Châu Sơn

Sacramento, California)


Châu Sơn Đan Viện xây nhà Chúa

Vỡ đất đào mương dựng viện đường

Cho dù lao sức mồ hôi đẫm

Thánh Giá soi đường mọi khai thông.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News