Ngày 15-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/11: Đức Tin và Cầu Nguyện – Lm. Phao-lô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:00 15/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:46 15/11/2024

22. Chúng ta nên tin tưởng rằng, những điều mà chúng ta cầu xin không được, thì Thiên Chúa sẽ lấy ân sủng mà bù lại.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:50 15/11/2024
94. VU CÔNG SAY RƯỢU

Vu công uống rượu nơi nhà bạn cho đến say mèm. Khi về nhà đi ngang qua cổng nhà của Lỗ Chính thì đột nhiên ói ra, người gác cổng chửi mắng:

- “Ai uống rượu say vậy, đem đồ dơ bẩn mà ói trước cổng nhà người ta?”

Vu công say khước đưa mắt liếc nó một cái và nói:

- “Cái cổng của nhà mày vốn không nên nhắm hướng miệng của ta mà mở !”

Người gác cổng nghe thế thì dở khóc dở cười, nói:

- “Cái cổng nhà của chúng tôi làm cả mấy năm rồi, lẽ nào hôm nay có chủ ý nhắm theo hướng miệng của ngài mà mở sao?”

Vu công đáp:

- “Thì cái miệng ông bố mày đây cũng có rất lâu năm rồi vậy !”

(Vu Tiên biệt ký)

Suy tư 95:

Cổng cũng là cửa, mà miệng cũng là cửa.

Cổng là cửa lớn của nhà và miệng là cửa của cái bụng.

Cổng thì đón tiếp mọi người làm cho tình bạn thêm thắt chặt, và miệng thì tiếp nhận thức ăn làm cho thân xác khỏe mạnh.

Đưc Chúa Giê-su là cổng chính của tòa nhà Hội Thánh và là cửa chuồng chiên, ai không từ cổng chính mà vào thì là đạo chích và ai không từ cửa chuồng mà vào thì là kẻ cướp, nghĩa là ai không tin vào Đưc Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là người thật thì không được ơn cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ đến từ nơi Đưc Chúa Giê-su là cổng nhà Hội Thánh và là cửa chuồng chiên.

Người Ki-tô hữu là người đi vào nhà Hội Thánh bằng cổng chính nơi bí tích Rửa Tội, là người tin vào Đức Chúa Giê-su, cho nên họ cũng là những người trở thành cổng để người ta đi vào nhìn và thấy Đưc Chúa Giê-su nơi cuộc sống của họ, và họ không chỉ là những người chỉ biết tin mà thôi, nhưng còn là những người biết chỉ cho người khác tin và sống những gì mà họ cảm nghiệm và đã sống...

Cái cổng không thể hướng về cái miệng của con người để mở ra, nhưng con người ta phải qua cổng để vào nhà, trái lại ơn cứu độ của Thiên Chúa thì hướng về con người và con người cần phải cộng tác với ơn sủng để được cứu độ, ai không cộng tác thì không thể trở thành cổng và cửa cho anh em chị em...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sống chết vì Chúa
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:58 15/11/2024
Sống chết vì Chúa

Ai cũng muốn sống chứ nào ai thích chết! Vậy tại sao Các Thánh Tử Đạo lại sẵn lòng chịu chết? Thưa vì các ngài luôn coi Đạo đứng đầu nên dám chết cho Chúa.

1. Đạo đứng đầu. Bài Sách Thánh thứ nhất kể chuyện bà mẹ anh hùng can đảm khuyên 7 đứa con sẵn lòng chịu chết chứ không chịu vi phạm luật Môsê cấm ăn thịt heo. Bà và các con đã “trọng Luật Chúa hơn bản thân mình.” Đó là những người coi Đạo đứng đầu. Cũng thế, Các Thánh Tử Đạo đã nhất định không chối Đạo, bỏ Đạo cho dù phải chịu đủ mọi nỗi gian truân, khốn khổ, hiểm nguy, bắt bớ, tù đày, gươm đao. Không một sức mạnh trần gian nào có thể “tách được các ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.”

2. Chết cho Chúa. Một khi đã coi Đạo đứng đầu, đã tin yêu Chúa mãnh liệt như thế, thì người ta sẽ sẵn lòng chết vì Chúa. Tình yêu khiến người ta sẵn lòng chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu khẳng định: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu. Chết cho Chúa chính là sự từ bỏ lớn nhất đến cả mạng sống mình để theo Ngài như lời mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Các Thánh Tử Đạo đã dạy chúng ta một bài học vô giá, đó là: Hội Thánh Chúa phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho Chúa.

Các Thánh Tử Đạo chịu chết như hạt giống gieo xuống đất không mất đi uổng phí, nhưng lại sinh nhiều bông hạt như lời đáp ca: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” Máu Các Thánh Tử Đạo đã làm trổ sinh nhiều hoa trái đức tin trên quê hương đất nước Việt Nam. Xin cho chúng ta tiếp bước noi gương các ngài: coi Đạo đứng đầu để dám chết cho Chúa. Amen.
 
Giá trị sự sống
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
07:01 15/11/2024
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2024
GIÁ TRỊ SỰ SỐNG

Đọc hạnh các thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi không tưởng tượng nổi, người ViệT bình thường đôn hậu, chân chất, mến khách là thế, lại nổi loạn đến mức độc ác không thể diễn tả hết. Nhất là những người cầm quyền trị quốc lại có thể nhẫn tâm vô cùng đến vậy.

Bằng đủ mọi kiểu, đủ mọi cách, và biết bao nhiêu hình thức quỹ quyệt nhất (treo cổ, thiêu sống, róc thịt đến trăm mảnh, chặt tay chân trước khi chặt đầu, phanh thây, tra tấn đến chết…) vượt ra ngoài lương tâm của một người bình thường để trở thành dã man nhất, mất tính người nhất..., mà người ta sử dụng để đe dọa, sát hại, trấn áp các Kirtô hữu.

Càng không thể tưởng tượng trước sự tàn khốc của bạo quyền, ta càng cảm nhận một sức mạnh vô cùng lạ lùng, vô cùng kỳ diệu của từng chiến sĩ Chúa Kitô. Các ngài chấp nhận đi đến tận cùng của cái chết, dù biết rõ chết là phải nếm trải tất cả những trò độc ác đến kinh hoàng của lòng người dành cho mình.

Tưởng chừng sức mạnh của sự thâm độc, của bạo quyền sẽ thắng, có ai ngờ, các tín hữu Việt Nam, những con người rất đỗi bình thường, chỉ với sức mạnh tinh thần vì đức tin và cho đức tin mà lại cứ chiến thắng hiển vang, cứ hiên ngang, cứ ngẩng đầu cao, cứ thẳng đứng như đang ôm cả trời cao đất rộng.

Ngược lại, thế gian càng ra sức triệt tiêu đức tin, nó càng khiếp sợ, càng run rẫy, càng bị ám ảnh trước tất cả mọi thái độ bình an, thanh thoát, cao thượng đáng cảm phục đến vô vàn lần của cha ông chúng ta, những người Việt Nam Công Giáo hào hùng, quật khởi trong một tinh thần đức tin dữ dội.

Nhìn hình ảnh các thánh Tử Đạo Việt Nam quá đỗi kiên trung trước mọi sức mạnh bạo quyền, tôi lại thấy lời Chúa Giêsu dạy thật thấm thía, thật sâu lắng. Hơn ai hết các thánh Tử Đạo đã sống lời ấy: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con chẳng làm được gì” (Ga 15,5).

Sức mạnh phi thường mà các thánh Tử Đạo Việt Nam có được, chắc chắn không phải của riêng các ngài, nhưng là của chung ơn Chúa ban và sự gắn kết cả cuộc đời các ngài với Chúa.

Dù ở bất kỳ nơi đâu, trong lao tù, giữa lúc bị mang đi bêu xấu, bị xúc phạm danh dự nặng nề, bị tra tấn đến chết đi sống lại, hay phải đối mặt từng giờ với những kẻ khát máu, các thánh Tử Đạo luôn sống tinh thần đức tin trong Chúa. Các ngài tự nguyện sống tinh thần của cành nho để luôn tháp nhập vào cây nho là chính Chúa Kitô. Các ngài nhận được sức mạnh thần linh từ chính Chúa Kitô, từ chính thánh giá Chúa Kitô như ánh sáng soi rọi giúp các ngài lao tới.

Cái chết tự nó chẳng có giá trị gì. Chính Sự Sống mới kỳ diệu. Sự Sống ấy phát xuất và vượt thắng từ Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô, thân cây đích thực, để các ngài, một khi gắn chặt mình với Chúa Kitô đã làm dấy lên tình yêu, dấy lên sự sống tuôn trào từ tình yêu ấy.

Tin vào Sự Sống, các thánh Tử Đạo càng yêu. Các thánh yêu mến Chúa, yêu mến con người, tha thứ cho những kẻ bách hại mình.

Càng yêu bao nhiêu, các thánh Tử Đạo càng can đảm nhận lấy cái chết bấy nhiêu. Chết là vì yêu, yêu đến cùng. Chết là để chứng tỏ tình yêu, các thánh Tử Đạo không lùi bước trước cái chết đang tấn công mình, dù kinh khủng nhất, tàn khốc nhất.

Như vậy, nơi các thánh Tử Đạo có ba chiều kích bổ sung cho nhau, giúp các ngài đi đến cùng của sự dâng hiến. Ba chiều kích đó là: Chết để đại tới niềm hy vọng Sự Sống. Và chính Sự Sống đã thúc đẩy tình yêu. Rồi chính tình yêu đã cho các ngài lòng can đảm để để đón nhận cái chết.

Bài học về tình yêu và Sự Sống trong cái chết của các thánh Tử Đạo dạy ta biết sống tinh thần tử đạo trong chính cuộc đời mình. Đó là hiến dâng từng giây phút của đời chúng ta để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Tấm gương của các thánh Tử Đạo kêu mời chúng ta, mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng và đấu tranh đến cùng cho chân lý Sự Sống.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Tin vào Sự Sống là tin vào ơn được mặc lấy sự phục sinh của Chúa Kitô.

Niềm tin Sự Sống sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống tinh thần tử đạo một cách trung thành suốt đời ta.

Sống tinh thần tử đạo không đổ máu, không hy sinh mạng sống, nhưng đòi phải chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi dồn ép, mọi khó khăn, lắm lúc phải hy sinh cả tương lai cuộc đời trần thế của mình.

Tin vào Sự Sống: đó là một hứa hẹn cho ta về một ngày rạng rỡ, ngày đoàn tụ trong cõi đời đời với cha anh, những bậc anh hùng của chúng ta.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin được đổi bằng giá máu của biết bao nhiêu vị Tử đạo.

Ước gì chúng ta không ngừng làm chứng tá đức tin ấy cho từng con người trên quê hương thân yêu này.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 15/11/2024
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 13, 24-32

“Thiên Chúa sẽ tập họp những kẻ được Người chọn tuyển chọn từ bốn phương”.


Anh chị em thân mến,

Gần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe và suy niệm lại bản văn về ngày cuối cùng của nhân loại, hay nói cách khác, ngày Đức Chúa Giê-su xuống thế lần thứ hai và cũng là ngày Ngài tỏ sự công bình của Ngài cho nhân loại thấy qua việc phán xét người sống kẻ chết, để cho chúng ta suy gẫm và kiểm điểm lại đời sống của mình –cho đến hôm nay- có phù hợp với Tin mừng của Chúa hay không?

Chiến tranh, ôn dịch, thiên tai.v.v... đã xảy ra và đang xảy ra trên thế giới này. Nhưng, như Đức Chúa Giê-su đã loan báo đó không phải là ngày tận thế, nhưng là báo trước ngày Con Người xuất hiện để phán xét, để thưởng công và luận tội. Càng có những điềm thiêng dấu lạ, càng có những hiện tượng khủng khiếp thì càng nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, cho nên trong những trận động đất khủng khiếp, trong những trận hoả hoạn tàn khốc và chiến tranh khốc liệt xảy đến, đều là lời của Thiên Chúa cảnh báo cho chúng ta: hãy làm hoà với Thiên Chúa, hãy ăn năn sám hối và thay đổi cuộc sống, nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt cách khốn nạn hơn thế nữa. Thiên Chúa không hấp tấp khi trừng phạt, nhưng rất mau mắn trong việc tha thứ và chữa lành cho chúng ta là những con người luôn phản bội lại tình yêu của Ngài.

Con người thời nay biết dùng các phương tiện khoa học tối tân để đề phòng và chặn đứng các phi đạn từ trên không trung, con người cũng biết dùng khoa học để dự báo thời tiết và các công trình khác về vũ trụ cũng như về những việc có liên quan đến đời sống của con người... Nhưng nhân loại không chịu dùng trí khơn của mình để nhận ra ngày giờ của Thiên Chúa gần đến qua những biến cố xảy ra trên thế giới, đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay vậy.

Anh chị em thân mến,

Ngày Đức Chúa Giê-su đến trong vinh quang của một vị Thiên Chúa chưa xảy ra, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, Ngài đã rất nhiều lần đến viếng thăm chúng ta qua người bạn lâu năm gặp lại; Ngài cũng đã nhiều lần đến nhờ chúng ta rộng tay giúp đỡ qua người nghèo khó; Ngài cũng đang rên đau đớn nơi các bệnh nhân đang cần sự an ủi của chúng ta...

Nếu hôm nay chúng ta biết dùng trí khơn và lòng bác ái để nhận ra Thiên Chúa qua các hoàn cảnh ấy, thì ngày quang lâm của Ngài, chúng ta nhất định sẽ không bị hổ ngươi bẻ mặt...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Được đền đáp
Lm. Minh Anh
16:24 15/11/2024
ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP
“Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”.

“Hãy nhìn vào Isaac - “Đứa Con của Chúa” - con của một người mẹ vô sinh - để nuôi dưỡng đức tin của bạn bằng những lời hứa của Chúa! Với mỗi lần nhìn vào những khó khăn của bạn, hãy nhìn vào Chúa mười lần!” - F. B. Meyer.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Hãy nhìn vào Chúa mười lần!” khác nào nói, “Hãy kiên trì cầu nguyện!”. Đó là bài học của Tin Mừng hôm nay khi sự bền bỉ của một bà goá hay quấy rầy đã ‘hạ gục’ một thẩm phán vô tâm! Qua đó, Chúa Giêsu bảo đảm rằng, lời cầu nguyện kiên trì của chúng ta sẽ ‘được đền đáp’, và điều này đặc biệt đúng đối với những ai có lòng tin!

Chúng ta có thể trở nên mệt mỏi khi cầu nguyện vì không thấy kết quả. Điều này xảy ra khi chúng ta có một ý tưởng sai lệch về cầu nguyện, hoặc đã tiếp thu những quan điểm thế gian làm suy yếu giá trị thực của cầu nguyện, hoặc đơn giản vì chúng ta trải nghiệm những gì ‘có vẻ thất bại’ trong cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện là món quà đến từ Chúa Thánh Thần, nó không phải là một cỗ máy hay một công thức kỳ diệu. Nó đòi hỏi nỗ lực từ phía chúng ta, vì nó là một hành động yêu thương, tự hiến. Đôi khi bạn và tôi không thấy hiệu quả nhưng nguyên việc tiếp tục tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện đã là hoa trái tốt nhất của cầu nguyện.

Nếu cầu nguyện là dâng hiến bản thân và phụ thuộc nhiều hơn vào Chúa, thì vấn đề trước nhất là, “Chúa là ai đối với tôi?”. Tôi chỉ phụ thuộc vào người tôi tin tưởng, và tôi chỉ tin tưởng vào người đã chứng minh tình yêu và khả năng họ hỗ trợ tôi. Tôi có thực sự tin Chúa là Đấng toàn thiện, toàn năng và toàn tâm? Tôi có tin Ngài chăm chút tôi? Với chúng ta, Chúa là một thẩm phán, nhưng còn hơn thế! Trước hết, Ngài là một người Cha yêu thương và là một Đấng cứu rỗi và là người yêu tận tụy, vô điều kiện. Ngài muốn chúng ta tin tưởng và phụ thuộc Ngài!

Thứ hai, “Tôi là ai đối với Chúa?”. Chúng ta không chỉ là những tạo vật đơn giản, vô giá trị, nhưng là những đứa con được yêu thương, những người mà Chúa Kitô đã chết và ban cho mọi thứ, những học giả thất vọng và những người yêu tan vỡ mà Chúa muốn nuôi dưỡng để chia sẻ chân lý và tình yêu vô hạn của Ngài. Chúng ta là những người được chọn cho Ngài để được hạnh phúc mãi mãi. Ngài giải thoát chúng ta khỏi bóng tối và sự nô lệ của tội lỗi để vinh quang Ngài toả sáng trong chúng ta. Bây giờ, nếu chúng ta là tất cả những điều này và hơn thế nữa đối với Chúa, tại sao chúng ta lại nghi ngờ khi cầu nguyện? Hãy đặt tất cả niềm tin vào Ngài, bạn và tôi sẽ ‘được đền đáp!’.

Anh Chị em,

“Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”. Tấm gương tuyệt vời của sự kiên trì cầu nguyện là chính Chúa Giêsu. Bất chấp những bất công và điều ác gặp phải dưới nhiều hình thức, Ngài vẫn trung thành với Chúa Cha cho đến cùng. Bà goá là hình ảnh của chính Ngài. Như cô ấy, như Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi để bền bỉ “nhìn vào Chúa mười lần”. Chớ gì mỗi ngày, chúng ta biết dâng hiến tình yêu, học cách yêu thương để gia tăng sự hiểu biết về tấm lòng của một Người Cha xót thương dành cho con cái!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng thường thích đùa dai khi con cầu nguyện. Cho con dám “nhìn vào Chúa mười lần” mỗi khi khó khăn!”.

(Tgp. Huế)
 
Ngày cùng tận
Lm. Thái Nguyên
16:32 15/11/2024


NGÀY CÙNG TẬN

Chúa Nhật 33 Thường Niên năm B: Mc 13, 24-32

Suy niệm

Hôm nay là Chúa Nhật áp chót của năm Phụng vụ, nên Giáo hội chọn đọc bài Tin Mừng nói về ngày cùng tận. Ngày ấy sẽ đến như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay mô tả rằng: “Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển”. Những hình ảnh ấy khiến cho chúng ta thấy sẽ có một ngày thật khủng khiếp. Nhìn vào những biến cố trong thời hiện đại, phải chăng thế giới này sẽ tận diệt bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử hay vũ khí hạt nhân? Chúng ta biết đây là đoạn Tin Mừng viết theo văn thể Khải Huyền, trong đó những hình ảnh không quan trọng, chỉ là phương tiện để diễn tả một ý tưởng, vì thế cần nhận ra tư tưởng nòng cốt hơn là miên man trong những tình tiết.

Thực ra, những hình ảnh được dùng trong bài Tin Mừng này cũng không phải do Chúa Giêsu đưa ra, nhưng Ngài lấy lại những hình ảnh mà các ngôn sứ quen dùng để nói về ngày cùng tận. Chẳng hạn như một đoạn trong sách Isaia diễn tả ngày ấy như sau:“Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa, và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi: Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ”. (Is 60, 19). Các ngôn sứ và cả Đức Giêsu đều không quan tâm ngày cùng tận sẽ xảy ra thế nào, mà chỉ quan tâm đến điều quan trọng nhất là ngày ấy Chúa sẽ đến, sẽ hiển trị đời đời: là một ngày khủng khiếp đối với những kẻ tội lỗi, nhưng là ngày ngập tràn ánh sáng vinh quang, ngày hân hoan vui mừng cho những người công chính ở trước Thiên Nhan Chúa. Người ta vẫn suy đoán về ngày tận thế, nhưng ngày ấy vượt tầm trí của con người, chỉ có một mình Chúa Cha biết mà thôi.

Có ngày khởi đầu thì đương nhiên có ngày kết thúc. Ngày kết thúc có thể xem ra như tai nạn hay như hậu quả của một sự hủy diệt nhau, nhưng chúng ta tin ngày ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Đó là một ngày mà Thiên Chúa làm nên một thế giới mới cho nhân loại. Nơi đó, công bằng sẽ ngự trị, hạnh phúc sẽ ngập tràn, và niềm vui sẽ trọn vẹn cho những ai “bền đỗ đến cùng”. Với cái nhìn đầy tin tưởng, Seneca - một nhà tư tưởng lớn của La-mã - đã nói: “Ngày mà bạn cho là cùng tận của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu”.

Chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ đến trong vinh quang, nhưng chúng ta biết chắc, để được vào vương quốc ấy, trước tiên bản thân mỗi người phải xét lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ vạn vật, để tiến tới một sự hòa hợp sâu xa hơn. Điều này đòi chúng ta xếp đặt lại cuộc sống mình cho phù hợp với đường hướng và ý muốn của Thiên chúa, đồng thời tích cực dấn thân trong việc xây dựng một gia đình nhân loại đầy tình yêu thương, để công lý và hòa bình có thể triển nở khắp nơi trên thế giới.

Cha Mark Link viết: “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”. Vì tình yêu là ngôn ngữ và là chất liệu của đời sống trên Thiên đàng, nên chỉ những ai có trái tim đong đầy yêu thương mới được bước vào. Chính lòng từ bi nhân hậu là tâm thế và là tấm thẻ căn cước không thể thiếu của những công dân Nước Trời. Những giá trị tạm bợ của đời trần gian như tiền bạc, của cải vật chất, địa vị, danh giá đều đã trôi qua như phù vân, không còn giá trị gì. Tuy nhiên, những thứ đó cũng có thể được phục hồi lại một cách mới mẻ trong sự sống mới, khi chúng đã được trao ban và đem ra phục vụ vì ích lợi phần rỗi của tha nhân. Và như vậy, cũng chính tình yêu làm thăng hoa tất cả.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định, hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác; bạo lực, xung đột và chiến tranh tàn sát liên hồi dưới mọi hình thức; thực tế là dịch bệnh và chiến tranh xảy ra không ngừng trên thế giới, khiến con người không luôn lo âu và sợ hãi, hết sức cần một cái gì đó vững chắc để dựa vào. Nhưng rồi chẳng có gì vững chắc trong cuộc đời này. Người ta chỉ có thể dựa vào một mình Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, Đấng đã hứa với loài người chúng ta qua Đức Giêsu: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi”. Chúng ta hoàn toàn an tâm vì biết rằng mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa. Ngài đã có chương trình và dự định riêng cho mỗi người chúng ta từ muôn thuở, nên ta cứ sống theo Lời Ngài, vững tâm theo đường lối Ngài. Sống thuộc về Chúa hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ được thuộc về Chúa mai ngày và mãi mãi.

Cầu nguyện

Lạy Cha!

Con tin rằng rồi sẽ tới một ngày,

thế giới này sẽ không tồn tại nữa,

tất cả sẽ qua đi chẳng còn gì,

bởi vì tất cả đều là tạm bợ,

do duyên cơ hay duyên nợ tác thành,

như phương tiện thi hành thánh ý Cha.

Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra,

giống như ngày thánh đô bị tàn phá,

Chúa cho biết mọi người phải tránh xa,

nhưng xem ra dân chúng vẫn lơ là,

và đúng là tới ngày tan tác cả,

vì đã không nhận ra Chúa viếng thăm.

Chúa cũng báo ngày tận cùng thế giới,

trước khi Chúa ngự đến trên mây trời,

sẽ có nhiều điềm thiêng và dấu lạ,

khắp trên đất liền và ngoài biển cả,

dân xôn xao vì trời cao chuyển động,

ai cũng hoang mang lo sợ phập phồng.

Nhưng chúng con không hoảng hốt lo âu,

vì là phút khởi đầu Chúa sắp đến,

con cần phải đứng thẳng ngẩng đầu lên,

để gặp Đấng suốt đời con trông đợi,

Đấng con muốn mãi ngàn đời ca ngợi,

muốn yêu mến và cảm tạ không ngơi.

Ngày tận thế chẳng biết bao giờ tới,

nhưng có ngày Chúa đến với riêng con,

xin cho con đừng ham mê thế sự,

nhưng sẵn sàng buông bỏ mọi vấn vương,

để ngẩng đầu đón nhận Chúa tình thương,

là cùng đích đời con cõi thiên đường. Amen.
 
Đời hết Tết trời
Lm Nguyễn Xuân Trường
17:44 15/11/2024
ĐỜI HẾT TẾT TRỜI

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng cầu hồn, tháng cuối cùng của năm phụng vụ. Trong thời điểm năm cùng tháng tận, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về sự sau cùng của vũ trụ này - ngày cánh chung, ngày tận thế. Vậy khi nào thì tận thế? Tận thế sẽ ra sao?

1. Đời hết. Phúc Âm nói đến những chuyện kinh thiên động địa: “Trong những ngày ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống.” Chúa Giêsu dùng những hình ảnh hủy diệt để diễn tả niềm tin: vũ trụ này không tồn tại mãi, trời đất sẽ qua đi; cuộc đời mỗi người cũng như toàn thể nhân loại sẽ có lúc kết thúc. Kết thúc lúc nào? Thưa không ai biết, chỉ có riêng mình Chúa Cha biết thôi. Nên đừng bao giờ tin những lời đồn thổi ngày này ngày nọ sẽ tận thế, cứ đồn mà có thấy xảy ra đâu! Tận thế khi nào chỉ mình Chúa biết mà thôi.

2. Tết Trời. Những hình ảnh hủy diệt trăng tàn sao rụng khiến nhiều người lo sợ đến hồn xiêu phách lạc khi nghĩ đến ngày tận thế. Nhưng Chúa Giêsu lại cho thấy ngày tận thế như ngày tết đoàn viên con cháu về nhà chan hòa ánh sáng khi Ngài công bố: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về.” Kết thúc mỗi năm là dịp: Năm hết Tết đến, thì kết thúc đời này cũng là dịp: Đời hết Tết Trời. Cuối cùng là về vui tết đoàn viên với tổ tiên trong Nhà Cha trên trời vĩnh cửu.

Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” Thế nên nếu tin Chúa, thì đừng bám víu vào những sự trần gian mau qua, mà hãy bám víu vào Lời Chúa là Lời hằng sống, Lời vĩnh cửu. Hãy vững tin rằng Chúa làm chủ thời gian và lịch sử. Chúa đang hướng dẫn những ai tin theo Ngài đến cùng đích vinh quang đời đời. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc họp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói gì về các giám mục Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Donald Trump
Vũ Văn An
14:14 15/11/2024

Đức Hồng Y Christophe Pierre, sứ thần tòa thánh tại Hoa Kỳ, phát biểu tại cuộc họp USCCB mùa thu năm 2024 vào ngày đầu tiên; ngồi, từ trái sang phải: Cha Michael Fuller, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ; chủ tịch USCCB, Tổng giám mục Timothy và phó chủ tịch USCCB, Tổng giám mục William Lori. (ảnh: Ảnh chụp màn hình YouTube qua USCCB)


Jonathan Liedl của tạp chí National Catholic Register, ngày 14 tháng 11 năm 2024, có bài phân tích cho biết bốn điểm chính quan trọng từ cuộc họp gần đây nhất của các giám mục tại Baltimore.

Với bụi vẫn đang lắng xuống từ cả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Thượng hội đồng Công Giáo hoàn cầu về tính đồng nghị, hội nghị của các giám mục Hoa Kỳ vừa kết thúc vào ngày 11-14 tháng 11 tại Baltimore đã diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả Giáo hội lẫn quốc gia.

Và trong khi các giám mục giải quyết một số vấn đề kinh doanh quan trọng, chẳng hạn như ngân sách của hội đồng, bản dịch mới của Tân Kinh thánh Hoa Kỳ và án phong thánh cho hai phụ nữ Hoa Kỳ, một số động thái khác đưa ra những định mức biểu tượng quan trọng về vị thế hiện tại của hội đồng liên quan đến cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Sau đây là bốn điểm chính quan trọng từ cuộc họp gần đây nhất của các giám mục tại Baltimore.

1. Các giám mục đã sẵn sàng đối với chính quyền Trump thứ hai.

Khi Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 2016, thế giới đã bị sốc, bao gồm cả Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Lần này, các giám mục dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho cả những cơ hội và thách thức mà nhiệm kỳ tổng thống của Trump mang lại.

Trong nhiều lần trong hai ngày họp công khai của các giám mục, họ đã nói thẳng thắn và có chừng mực về khả thể trục xuất hàng loạt những người nhập cư không có giấy tờ.

Đầu tiên, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Tổng giám mục Timothy Broglio đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt trong bài phát biểu khai mạc khi sau khi nói rằng các giám mục "không khuyến khích nhập cư bất hợp pháp", ngài đã nhấn mạnh một cách đầy nhiệt huyết rằng tất cả chúng ta sẽ bị Chúa phán xét về cách chúng ta chăm sóc những người nghèo, bao gồm cả "người lạ". Sau đó, tại một cuộc họp báo, Giám mục Mark Seitz của El Paso, Texas, đã nhấn mạnh rằng trong khi các giám mục đang chờ xem Trump làm gì, họ sẽ lên tiếng "mạnh mẽ" nếu lời hùng biện về vấn đề nhập cư của ông trở thành hiện thực. Giám mục Seitz đã tiếp nối điều đó trong bài trình bày của mình trước ủy ban di cư bằng cách cảnh cáo về "tình cảm duy bản sinh [nativist] và bài nhập cư" và thúc giục các giám mục anh em của mình đưa ra sự lãnh đạo công khai về vấn đề này.

Các giám mục dường như cũng nhận thức được một số mối đe dọa ủng hộ sự sống, nhưng cũng có những khả thể, được đại diện bởi chính quyền mới. Trong các bình luận gửi đến Register, Giám mục Michael Burbidge của Arlington, Virginia, người chủ trì ủy ban ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã bày tỏ lo ngại về việc Trump áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong chiến dịch tranh cử, nhưng cũng cho biết ngài lạc quan về khả thể hợp tác với chính quyền mới về các cách cung cấp hỗ trợ vật chất cho các bà mẹ, trẻ sơ sinh và gia đình.

Một giám mục khác nói với Register rằng việc tiếp cận Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, một người trở lại Công Giáo đã thể hiện sự quan tâm cao độ bất thường đối với giáo lý và thần học của Giáo hội, cần phải là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi bản thân các giám mục đang chờ xem Trump sẽ đi theo hướng nào đối với bất cứ số lượng các vấn đề gây tranh cãi nào, thì việc họ có thể hiệu quả như thế nào trong việc tương tác với chính quyền mới sẽ rất đáng để theo dõi.

2. Không có cuộc đối đầu nào về tính đồng nghị.

Trong những ngày trước hội nghị mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, các nhà quan sát đã để mắt đến một cuộc tranh cãi có thể xảy ra về cách hội nghị sẽ tiến hành "tính đồng nghị", nỗ lực đặc trưng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm làm cho Giáo hội trở nên bao gồm và có sự tham gia hơn, đồng thời là chủ đề của một thượng hội đồng Vatican vừa kết thúc.

Đó là vì nhóm thiểu số tiến bộ trong hội đồng đã phát động một chiến dịch công khai nhằm thành lập một số loại cơ quan đồng nghị thường trực trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn chung được công bố vào ngày cuối cùng của thượng hội đồng, Hồng Y Blase Cupich của Chicago và Robert McElroy của San Diego đã kêu gọi thành lập một ủy ban Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về tính đồng nghị "cần được bố trí nhân sự và nguồn lực phù hợp".

Ngược lại, các giám mục lãnh đạo khác có vẻ đại diện nhiều hơn cho đa số Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã được ban phước đầy đủ với các cấu trúc đồng nghị và thay vào đó nên tập trung vào việc thúc đẩy văn hóa lắng nghe và chào đón ở cấp địa phương.

Nhưng khi đến thời điểm trong cuộc họp mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ để thảo luận về tính đồng nghị, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự đối đầu.

Thay vào đó, Hồng Y McElroy đã bình tĩnh đề xuất tại phòng hội nghị rằng ban lãnh đạo nên xem xét việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm cho tính đồng nghị, một ý tưởng mà Tổng giám mục Broglio nồng nhiệt đón nhận. Sau đó, Hồng Y Cupich đề xuất rằng nên có một cuộc bỏ phiếu bằng tiếng nói trong hội đồng để đánh giá sự ủng hộ cho ý tưởng này. Khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành, không có một tiếng "phản đối" nào.

Điều gì đã xảy ra? Một khả thể là một sự thỏa hiệp đã được đưa ra trước đó, rất có thể là trong phiên họp điều hành kín diễn ra vào ngày đầu tiên của phiên họp, ngày 11 tháng 11. Một lực lượng đặc nhiệm của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ giống như một lựa chọn ở giữa, ít được tài trợ và lâu dài hơn một ủy ban, nhưng vẫn hơn không có gì cả.

Nếu mọi việc diễn ra theo cách này, thì đây là một ví dụ khác cho thấy xu hướng ngày càng tăng của ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong việc chuyển các vấn đề nhạy cảm của hội đồng ra khỏi sự chú ý đang mang lại lợi ích ra sao về mặt tránh các cuộc đối đầu công khai không đẹp và dẫn đến sự đồng thuận.

3. Các giám mục đã bỏ qua những người bảo thủ kiên quyết trong các vị trí chủ chốt ở các ủy ban.

Việc trông chờ vào các cuộc bầu cử ủy ban và điều hành của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ để có một số chỉ dẫn mang tính quyết định về định hướng giáo hội chung của các giám mục là một việc làm vô ích, xét đến vô số yếu tố có thể thúc đẩy việc các giám mục cá thể lựa chọn ứng viên mà họ ưa thích ra sao.

Nhưng hai kết quả từ danh sách bầu cử mùa thu năm 2024 có vẻ phù hợp với xu hướng đang diễn ra là các giám mục bảo thủ nổi tiếng, thẳng thắn đã không đạt được mục tiêu.

Tổng giám mục Alexander Sample của Portland, một người ủng hộ lâu năm Thánh lễ La tinh truyền thống, đã để mất chức chủ tịch Ủy ban Phụng tự vào tay Giám Mục Phụ Tá Michael Woost của Cleveland với tỷ lệ 128-112. Và nhà bình luận văn hóa bảo thủ Giám mục James Conley của Lincoln, Nebraska, đã bị Giám mục Edward Burns của Dallas đánh bại trong cuộc bầu cử lãnh đạo Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên với tỷ lệ 147-91.

Những kết quả này diễn ra sau khi Tổng giám mục San Francisco Salvatore Cordileone thua Giám mục Daniel Thomas của Toledo với tỷ lệ 161-84 trong cuộc bầu cử ủy ban bảo vệ sự sống năm ngoái, một cuộc bỏ phiếu diễn ra một năm rưỡi sau khi vị giám mục California công khai cấm Dân biểu Hoa Kỳ ủng hộ phá thai Nancy Pelosi nhận Bí tích Thánh Thể tại tổng giáo phận của mình.

Trong mỗi trường hợp, những người đánh bại những người bảo thủ kiên quyết không phải là những người theo chủ nghĩa cấp tiến. Thực 20thế, những người theo chủ nghĩa cấp tiến có thể bị phản đối thậm chí còn rõ ràng hơn so với những người bảo thủ trong các cuộc bầu cử Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ gần đây. Ví dụ, Hồng Y Joseph Tobin của Newark, New Jersey đã thua trong cuộc đua năm 2022 để trở thành thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trước Tổng giám mục Paul Coakley của Oklahoma City với tỷ lệ 130-104. Hai vị giám mục khác có liên quan đến cùng phe, Tổng giám mục Paul Etienne của Seattle và Tổng giám mục Christopher Coyne của Hartford, Connecticut, cũng đã có màn trình diễn đáng thất vọng trong các cuộc bầu cử Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ gần đây.

Nhìn chung, những kết quả này cho thấy các giám mục Hoa Kỳ có thể đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo không nhất thiết phải đặc biệt đối đầu trong việc tham gia vào nền văn hóa rộng lớn hơn, nhưng cũng không né tránh bất cứ cam kết đạo đức hay giáo lý nào của Giáo hội. Nói cách khác, các mục tử chính thống, chịu đối thoại, cùng một loại hồ sơ dường như phù hợp với nhiều lựa chọn giám mục hàng ngày được thực hiện trên khắp Hoa Kỳ trong triều giáo hoàng Phanxicô, mặc dù có lẽ không phải là những lựa chọn nổi bật nhất.

4. Mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được ưu tiên.

Đối với tất cả những bút mực đã đổ ra về sự rạn nứt được tri nhận giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các giám mục Hoa Kỳ, điều đó không thể phát hiện được tại cuộc họp mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Thực thế, nếu có bất cứ điều gì, chương trình nghị sự của phiên họp đã đi theo các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Có những bài thuyết trình về cách các tài liệu giáo huấn của Đức Giáo Hoàng như Laudato Si Dignitas Infinita đang đóng vai trò là nguồn cảm hứng liên tục cho các nguồn lực giáo lý và hoạt động tiếp cận của các giám mục.

Dilexit Nos, thông điệp gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được ca ngợi, với giám mục Daniel Flores, giám mục trưởng giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ tại Brownsville, Texas, cho rằng văn bản này là chìa khóa để hiểu ý nghĩa của Đức Giáo Hoàng khi nói đến tính đồng nghị.

Việc thực hiện các thừa tác vụ giáo dân được thiết lập là giáo lý viên, giúp lễ và đọc sách, tất cả đều do Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiết lập, cũng đang tiến triển.

Và một "chỉ thị truyền giáo" mới tập trung vào việc truyền giảng Tin Mừng, sẽ hướng dẫn công việc chung của hội đồng từ năm 2025 đến năm 2028, dường như được lấy cảm hứng từ tông hiến năm 2022 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Praedicate Evangelium, trong đó tái cấu trúc Giáo triều Vatican xung quanh mục tiêu công bố Tin Mừng.

Một dấu chỉ khác cho thấy mối quan hệ tích cực là bài phát biểu của sứ thần tòa thánh, Đức Hồng Y Christophe Pierre, trước phiên họp, trong đó không có lời khuyên răn sửa sai nào được tìm thấy trong một số bài phát biểu trước đây của ngài. Thực thế, đại diện của giáo hoàng đã chúc mừng các giám mục về Đại hội Thánh Thể Quốc gia vào mùa hè năm ngoái và khuyến khích họ tiếp tục đến gần Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Một số nhà bình luận đã gợi ý rằng vì các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm không giữ các vị trí lãnh đạo tại Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nên hàng giám mục Hoa Kỳ không sánh bước với Đức Giáo Hoàng. Có vẻ như không phải vậy. Trên thực tế, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ vừa kết thúc khóa họp mùa thu năm 2024 hội đồng có thể là nơi thân thiện nhất với Đức Phanxicô cho đến nay.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử, một linh mục Singapore bị đâm khi đang cử hành thánh lễ
Đặng Tự Do
17:39 15/11/2024


Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Singapore đang kêu gọi cầu nguyện sau khi một linh mục bị đâm trong thánh lễ tối thứ Bảy.

Cha Christopher Lee, một linh mục giáo xứ của Nhà thờ St. Joseph ở khu vực Bukit Timah, phía tây trung tâm Singapore, đã bị một người đàn ông cầm dao tấn công khi đang cử hành Thánh lễ lúc 5:30 chiều thứ Bảy.

Theo tuyên bố ngày 9 tháng 11 của Tổng giáo phận Singapore, các giáo dân, bao gồm cả đội Phản ứng khẩn cấp của Tổng giáo phận, đã giúp chế ngự kẻ tấn công. Cha Lee đã được các nhân viên y tế của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore đưa đến Bệnh viện Đại học Quốc gia. Ngài được cho là trong tình trạng ổn định và đang hồi phục.

Theo thông tấn xã Fides, một người đàn ông 37 tuổi có tiền án về bạo lực và tội phạm liên quan đến ma túy đã bị bắt vì tội cố ý tấn công gây thương tích nghiêm trọng. Hãng tin này cũng đưa tin rằng cảnh sát không tin rằng vụ việc có liên quan đến khủng bố.

Ngày hôm sau, ngày 10 tháng 11, Đức Hồng Y William Goh đã viết trong một lá thư mục vụ rằng sự việc này “cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều người gặp rắc rối, bối rối và tổn thương trên thế giới… nhưng cuối cùng, cái ác sẽ không chiến thắng”.

“Sự việc này đã khiến Giáo hội của chúng ta mạnh mẽ hơn, đưa mọi người lại gần nhau hơn thông qua đức tin và lời cầu nguyện. Nó cũng nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác và không được coi nhẹ hòa bình và an ninh mà chúng ta khó khăn lắm mới đạt được. Là một cộng đồng, chúng ta sẽ vượt qua sự việc này kiên cường hơn bao giờ hết”. Đức Cha Goh là tổng giám mục Singapore từ đầu năm 2013 và là Hồng Y từ năm 2022, cho biết như trên.

“Trong tương lai, chúng ta phải tiếp tục hợp tác để bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và chủng tộc, và không cho phép những cá nhân bối rối gieo rắc mầm mống chia rẽ và sợ hãi trong chúng ta. Trên hết, chúng ta cầu nguyện và tin tưởng vào sự bảo vệ và chăm sóc của Chúa cho tất cả chúng ta ở Singapore.”

Tuy nhiên, ngài thừa nhận: “Sự việc này không chỉ gây thương tích nghiêm trọng cho một nhà lãnh đạo tôn giáo tại nơi thờ phượng mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng”. Trong khi cảnh báo rằng những sự việc kiểu này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Đức Tổng Giám Mục Goh kêu gọi cộng đồng Công Giáo “sẵn sàng về mặt tinh thần và hành động để bảo vệ bản thân trước những sự việc này và giảm thiểu hậu quả khi chúng xảy ra”.

Ngài kêu gọi tất cả người Công Giáo hãy cảnh giác và báo cáo bất kỳ điều gì đáng ngờ mà họ thấy, đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội phải cân bằng giữa các biện pháp an ninh cần thiết để giữ an toàn cho mọi người trong khi vẫn bảo đảm các giáo xứ vẫn mở cửa và dễ tiếp cận.

“Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nhận ra rằng với tư cách là những người của công chúng, chúng ta phải chịu một số rủi ro nhất định. Trong khi chúng ta không nên coi nhẹ vấn đề an ninh, chúng ta phải phục vụ đàn chiên của mình một cách can đảm và không sợ hãi. Chúng ta tin chắc rằng Chúa đang điều khiển cuộc sống của chúng ta và Người sẽ biến điều ác thành điều thiện. Chúng ta không thể để điều ác làm tê liệt việc loan báo Tin Mừng”, Đức Hồng Y nói.

Đức Tổng Giám Mục Goh kêu gọi cầu nguyện cho Cha Lee hồi phục và cầu nguyện cho kẻ tấn công vị linh mục. Ngài cảm ơn Lực lượng Cảnh sát Singapore, Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore, những giáo dân đã phản ứng và đội ngũ y tế tại Bệnh viện Đại học Quốc gia.

“Cha Christopher đã thực hiện chức linh mục của mình như một sự hy sinh thay thế cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta không nên coi nhẹ sự an toàn của các linh mục và giáo dân của chúng ta. Thật vậy, ngài đã không chịu đau khổ một cách vô ích mà vì lợi ích của tất cả chúng ta. Đây là cách Chúa viết thẳng trên những đường cong, biến đổi những gì xấu xa và phá hoại thành điều gì đó tốt lành và cứu rỗi”, ngài nói.

“Hậu quả có thể tệ hơn, nhưng trong trường hợp này, mạng sống và các cơ quan quan trọng của ngài đã được bảo vệ. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, không chỉ Giáo Hội Công Giáo, mà còn cho tất cả các tổ chức tôn giáo khác, để nhắc nhở những người thờ phượng và thành viên của họ cảnh giác hơn trong việc tìm kiếm các hoạt động đáng ngờ.”

Hội đồng Giám mục Malaysia, Singapore và Brunei cũng bày tỏ tình đoàn kết và hứa cầu nguyện cho Cha Lee, kêu gọi các tín hữu thể hiện “lòng trắc ẩn, sự hỗ trợ và an ủi” cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc, Agenzia Fides đưa tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Singapore như một phần của chuyến đi mục vụ dài ngày đến Đông Nam Á vào tháng 9. Tổng giáo phận Singapore có dân số Công Giáo đa dạng với 395.000 người, cử hành Thánh lễ chủ yếu bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tamil, cũng như các ngôn ngữ bản địa khác trong khu vực.


Source:Catholic News Agency
 
Nhật ký trừ tà số 317: Những thiên thần bốn chân của chúng ta
Đặng Tự Do
17:41 15/11/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #317: Our Four-footed Angels”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 317: Những thiên thần bốn chân của chúng ta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“N” bị quỷ ám và cũng có tiền sử lạm dụng ma túy. Mọi chuyện bắt đầu từ khi cô còn nhỏ với mẹ cô, một người nghiện cocaine và là một phù thủy, người thừa nhận đã cho cocaine và các loại thuốc khác vào sữa theo công thức dành cho trẻ sơ sinh của cô để “kiểm soát cô”. Người mẹ cũng đã dâng cô cho Satan. Ngay sau đó, người mẹ đã qua đời ở độ tuổi 20. N đã được nhận nuôi và cuối cùng, sau một cuộc chiến cá nhân kéo dài nhiều năm bao gồm cả những cuộc trừ tà kéo dài, cô đã thoát khỏi ma túy và được giải thoát khỏi Ác quỷ.

Nhưng tiền sử lạm dụng ma túy nghiêm trọng từ tấm bé đã gây ra hậu quả. Khả năng về mặt tinh thần và quan hệ của cô bị hạn chế. Cô gặp khó khăn trong việc tạo dựng tình bạn lành mạnh và dành quá nhiều thời gian ở một mình. Điều này khiến cô dễ tái nghiện ma túy hơn và dễ bị ma quỷ thao túng hơn.

Thật khôn ngoan, cha nuôi của cô đã mua cho cô một con chó. Cô yêu con chó và thường nhắn tin hình ảnh cô và con chó của cô ở bên nhau. Họ là những người không thể tách rời. Cha cô nói, “Ý tưởng tuyệt vời nhất mà tôi từng có là cứu con chó.” Ông nói thêm: “Vì vậy, con bé có một thói quen và đang học cách chịu trách nhiệm với con chó và điều đó cũng mang lại cho nó sự hỗ trợ về mặt cảm xúc.” Con chó cũng đã mang lại cho cô sự ổn định về mặt cảm xúc mà cô chưa từng có, điều này rất hữu ích trong việc cô thoát khỏi ma quỷ và ma túy trong thời gian dài.

Lũ quỷ rất tức giận. Sau khi cô được giải thoát, chúng đã cố gắng hết sức để đưa cô trở về và một trở ngại là con chó. Chúng tức giận nhắn tin bằng chữ in hoa: “CÔ ẤY KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP GIỮ CON CHÓ ĐÓ.” Một tâm hồn thanh thản, mãn nguyện sẽ không chào đón một số con quỷ và chúng biết điều đó.

Trong nhiều năm, tôi đã chứng kiến và đọc rất nhiều câu chuyện về cách một loài động vật, đặc biệt là chó, đã trở thành ân sủng tuyệt vời trong cuộc sống của một ai đó. Mỗi người chúng ta đều có một thiên thần hộ mệnh luôn dõi theo chúng ta 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Nhưng đôi khi họ can thiệp vào cuộc sống của chúng ta bằng một người trợ giúp nhỏ bé, bốn chân.


Source:Catholic Exorcism
 
Đức Giáo Hoàng nhân kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Pompeii: Khám phá lại vẻ đẹp của chuỗi mân côi
Đặng Tự Do
17:41 15/11/2024


Để đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi đến Pompeii vào ngày 13 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích người Công Giáo chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa Kitô “qua cái nhìn của Đức Mẹ” trong Năm Thánh 2025 của Hy vọng.

“Thật là may mắn khi lễ kỷ niệm bức tượng Đức Mẹ Pompeii trùng với năm thánh sắp tới, tập trung vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói trong thông điệp gửi đến Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo của Pompeii.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Kinh Mân Côi, một công cụ đơn giản mà mọi người đều có thể sử dụng, có thể hỗ trợ công cuộc truyền giáo mới mà Giáo hội đang được kêu gọi thực hiện ngày nay”.

“Chúng ta biết rằng cần phải tái khám phá vẻ đẹp của kinh mân côi trong các gia đình và trong các ngôi nhà. Lời cầu nguyện này giúp xây dựng hòa bình, và điều quan trọng là đề xuất nó với những người trẻ để họ không nghe nó như một sự lặp đi lặp lại và đơn điệu nhưng như một hành động yêu thương không bao giờ mệt mỏi khi được tuôn đổ.”

Ngoài kỷ niệm 150 năm ngày xuất hiện và tôn kính bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi tại Pompeii, năm nay còn đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicê.

“Với lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicê, năm 325, đặc biệt nhấn mạnh đến mầu nhiệm thần linh-con người của Chúa Kitô dưới ánh sáng của Chúa Ba Ngôi, thật tốt khi khám phá lại kinh mân côi, theo góc nhìn này, để hiểu sâu xa hơn những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế,” Đức Giáo Hoàng chia sẻ với Đức Tổng Giám Mục Caputo.

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Vaticano, Đức Tổng Giám Mục Caputo, cũng là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đền Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, đã nhấn mạnh rằng kinh Mân Côi là “một lời cầu nguyện bắt nguồn từ Phúc Âm và lời Chúa”.

Khoảng 3 triệu tín hữu hành hương đến Đền Đức Mẹ Mân Côi mỗi năm để tôn kính hình ảnh Đức Mẹ Pompeii, mô tả Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng đang trao tràng hạt cho Thánh Đa minh và Thánh Catêrina thành Siena.

Gọi người sáng lập đền thờ, Chân phước Bartolo Longo, là “một tông đồ của kinh mân côi”, người có đức tin được củng cố bởi phương châm “Nếu bạn tìm kiếm sự cứu rỗi, hãy truyền bá kinh mân côi”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài hy vọng người Công Giáo sẽ tiếp tục “di sản tâm linh đẹp đẽ nhất” của vị Chân Phước trên khắp thế giới.

Theo Đức Tổng Giám Mục Caputo, sứ mệnh của Chân phước Bartolo Longo là truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ và kinh Mân Côi được biết đến trên toàn thế giới, “vì có nhiều nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Pompeii trên khắp Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu và thậm chí cả Phi Châu và Trung Đông”.

Trong thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu mọi người cần “tìm thấy sự an ủi và hy vọng nơi khuôn mặt dịu dàng của người mẹ trên thiên đàng”.

Đức Thánh Cha chia sẻ: “Xin Chúa lại lên tiếng hôm nay với nhân loại đang cần tìm lại con đường hòa hợp và tình huynh đệ, qua sứ điệp của Đức Mẹ Pompeii”.

“Tôi hy vọng rằng nhiều tín hữu của bà rải rác khắp thế giới sẽ ngày càng trung thành với Chúa hơn, làm chứng cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người cần giúp đỡ nhất.”


Source:Catholic News Agency
 
Tổng giám mục Canterbury từ chức sau báo cáo lạm dụng tình dục trẻ em: Thật đáng xấu hổ
Đặng Tự Do
18:23 15/11/2024
Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury và là nhà lãnh đạo tinh thần của Hiệp Thông Anh giáo, đã từ chức sau cuộc điều tra kết luận rằng ông đã không báo cáo với chính quyền ngay sau khi biết về vụ việc một tình nguyện viên tại các trại hè của Anh Giáo lạm dụng tình dục và thể chất hàng loạt.

Tổng Giám Mục Welby bày tỏ “cảm giác xấu hổ sâu sắc” về “những thất bại trong việc bảo vệ lịch sử của Giáo hội Anh”.

Áp lực lên Tổng Giám Mục Welby đã gia tăng trong những tuần gần đây, với những phát hiện của Đánh giá Makin được công bố vào hôm thứ năm đã làm dấy lên sự tức giận lan rộng về trách nhiệm giải trình trong giới lãnh đạo của Giáo hội. Những lời kêu gọi ngài từ chức đã gia tăng trong số các thành viên của Tổng hội đồng, là cơ quan quản lý quốc gia của Giáo hội Anh, khi một số giáo sĩ đã đưa ra một bản kiến nghị khẳng định rằng Tổng Giám Mục Welby đã "mất đi sự tin tưởng của giáo sĩ".

Helen-Ann Hartley, Giám mục Newcastle, tuyên bố vào thứ Hai rằng lập trường của Welby đã trở nên "không thể duy trì" được sau bản kiến nghị.

Tổng Giám Mục Welby cho biết trong một tuyên bố: “Sau khi xin phép Đức vua, tôi đã quyết định từ chức”.

Ngài nói thêm: “Tôi tin rằng việc từ chức là vì lợi ích tốt nhất của Giáo hội Anh, nơi mà tôi vô cùng yêu quý và vinh dự được phục vụ.”

Ai đang kêu gọi Tổng Giám mục Welby từ chức?

Những lời chỉ trích gay gắt nhất đến từ các nạn nhân của John Smyth, một luật sư nổi tiếng đã lạm dụng các bé trai tuổi teen và thanh niên tại các trại hè Anh Giáo trên khắp nước Anh, Zimbabwe và Nam Phi trong hơn năm thập niên.

Andrew Morse, người đã chịu đựng những trận tấn công liên tục của Smyth trong năm năm, tuyên bố rằng việc từ chức của Welby có thể là bước đầu tiên trong việc sửa chữa thiệt hại do cách Giáo Hội Anh giải quyết các vụ lạm dụng trong lịch sử gây ra. Morse nhấn mạnh rằng việc từ chức sẽ cho phép Welby bắt đầu giải quyết thiệt hại rộng lớn hơn do những vấn đề lâu đời này gây ra.

“Tôi tin rằng bây giờ là cơ hội để ông ấy từ chức”, Morse nói với BBC trước khi Welby từ chức. “Tôi nói cơ hội theo nghĩa đây sẽ là cơ hội để ông ấy đứng về phía các nạn nhân của vụ lạm dụng Smyth và tất cả các nạn nhân chưa được Giáo hội Anh đối xử đúng mực trong các vụ lạm dụng của chính họ”.

Những người ủng hộ Welby cho rằng ông đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi văn hóa của Giáo hội Anh kể từ khi đảm nhận vai trò Tổng giám mục Canterbury vào năm 2013. Tuy nhiên, chính cuộc điều tra về những vụ lạm dụng xảy ra từ lâu trước khi ông nhậm chức đã dẫn đến việc ông từ chức.

Tại sao Welby phải từ chức?

Bản Đánh giá Makin dài 251 trang gần đây kết luận rằng Welby đã không báo cáo hành vi lạm dụng của Smyth với chính quyền khi ông được thông báo về điều đó vào tháng 8 năm 2013, ngay sau khi trở thành Tổng giám mục Canterbury. Tuần trước, Welby thừa nhận trách nhiệm vì không theo đuổi các cáo buộc một cách "mạnh mẽ" như yêu cầu nhưng tuyên bố rằng ông đã chọn không từ chức.

Vào thứ Hai, văn phòng của ông đã ra tuyên bố tái khẳng định quyết định ở lại của ông trong khi bày tỏ "sự kinh hoàng trước mức độ lạm dụng trắng trợn của Smyth".

Việc từ chức của Welby diễn ra sau khi có sự giám sát rộng rãi về tình trạng lạm dụng tình dục trong lịch sử của Giáo hội Anh. Một báo cáo năm 2022 của Cuộc điều tra độc lập về lạm dụng tình dục trẻ em phát hiện ra rằng văn hóa của Anh Giáo—bao gồm sự tôn trọng đối với thẩm quyền của giáo sĩ, những điều cấm kỵ khi thảo luận về tình dục và xu hướng bảo vệ những kẻ bị cáo buộc hơn là nạn nhân—đã tạo ra một môi trường mà những kẻ lạm dụng có thể hoạt động mà không bị trừng phạt.

Lịch sử lạm dụng của Smyth diễn ra như thế nào?

Các viên chức Anh Giáo lần đầu tiên được cảnh báo về hành vi lạm dụng của John Smyth vào năm 1982 thông qua một cuộc điều tra nội bộ, nhưng những người nhận được báo cáo đã "tham gia vào một vụ che đậy tích cực" theo Đánh giá Makin.

Năm 1984, Smyth chuyển đến Zimbabwe, nơi ông ta tiếp tục lạm dụng các bé trai và thanh niên, và bằng chứng cho thấy tình trạng lạm dụng này vẫn tiếp diễn ở Nam Phi cho đến khi ông ta qua đời vào tháng 8 năm 2018.

Hành động của Smyth vẫn được che giấu cho đến khi Kênh 4 của Anh tiết lộ chúng trong một cuộc điều tra năm 2017, khiến cảnh sát phải mở cuộc điều tra riêng. Các nhà chức trách đang chuẩn bị dẫn độ và thẩm vấn Smyth khi ông qua đời.

Tiến Trình Công Nghị Đức

Các Giám Mục cấp tiến Đức đã lấy tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài để mở ra cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị”. Đó là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Anh Giáo chấp nhận nhưng vụ lạm dụng tính dục kinh hoàng của John Smyth cho thấy tất cả các đề xuất ấy không giải quyết được vấn đề.

Để đạt được mục đích của mình, các Giám Mục cấp tiến Đức cũng không ngại cường điệu hóa tội lỗi lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, đến mức người ta có cảm tưởng tội lỗi lạm dụng tình dục là một vấn nạn đặc thù của Giáo Hội Công Giáo. Không đúng như vậy. Các nghiên cứu nghiêm chỉnh đều chỉ ra rằng tội lỗi lạm dụng tình dục diễn ra nhiều nhất là trong môi trường gia đình, sau đó là trong môi trường việc làm. Tội lỗi lạm dụng tình dục là một tội ác đáng kinh tởm, là một vấn đề nghiêm trọng. Cố nhiên rồi. Nhưng cường điệu hóa nó để làm chiêu bài cho các chương trình nghị sự ấp ủ trong lòng từ lâu cũng là một tội ác đáng kinh tởm không kém vì nó có thể khiến hàng nửa triệu người lìa xa Giáo Hội mỗi năm.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.


Source:Newsweek
 
TÀI LIỆU SAU CÙNG CỦA PHIÊN HỌP THƯỜNG LỆ LẦN THỨ 16 CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Vũ Văn An
21:05 15/11/2024

TÀI LIỆU SAU CÙNG CỦA PHIÊN HỌP THƯỜNG LỆ LẦN THỨ 16 CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Cho một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh

Thượng hội đồng về tính đồng nghị sau 4 năm đã kết thúc hồi tháng 10 năm nay với việc thông qua Tài liệu Sau cùng, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận thuộc huấn quyền thông thường của ngài, không cần kinh qua một tông huấn hậu thượng hội đồng như tập tục vẫn có xưa nay. Chúng tôi xin chuyển ngữ tài liệu quan trọng này sang tiếng Việt, dựa vào bản tiếng Anh do Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng hội đồng vừa công bố, có tham khảo bản tiếng Ý từng công bố ngay trong ngày bế mạc Phiên thường lệ lần thứ 16 của Thượng hội đồng Giám mục.



MỤC LỤC

Bản tóm tắt

Các từ viết tắt

Dẫn nhập.

Phần I – Trọng tâm của tính đồng nghị

Được Chúa Thánh Thần kêu gọi hoán cải

Giáo Hội dân Chúa, bí tích hiệp nhất

Các cội rễ bí tích của Dân Thiên Chúa

Ý nghĩa và chiều kích của tính đồng nghị

Hiệp nhất là hòa hợp

Linh đạo đồng nghị

Tính đồng nghị như lời tiên tri xã hội

Phần II - Cùng nhau lên thuyền

Hoán cải các mối liên hệ

Những mối liên hệ mới

Trong nhiều bối cảnh đa dạng

Các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ truyền giáo

Thừa tác vụ thụ phong chức để phục vụ sự hòa hợp

Cùng nhau thực hiện sứ mệnh

Phần III – «Thả lưới»

Hoán cải các diễn trình

Sự phân định Giáo Hội đối với sứ vụ

Cấu trúc của quá trình ra quyết định

Minh bạch, báo cáo, đánh giá

Tính đồng nghị và các cơ quan tham gia

Phần IV – Mẻ cá dồi dào

Hoán cải các nghĩa vụ

Bám rễ và hành hương

Trao đổi hồng phúc

Các mối dây hiệp nhất: các Hội đồng Giám mục và các Phiên họp Giáo hội

Sự phục vụ của Giám Mục Rôma

Phần V – «Thầy cũng sai các con»

Đào tạo một dân tộc môn đệ truyền giáo

Kết luận

Bữa tiệc dành cho mọi người

Các chữ viết tắt

AA CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12. Apostolicam Actuositatem (18 tháng 11 năm 1965)

AG CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12 Ad Gentes (7 tháng 12 năm 1965)

CCEO Codex canonum Ecclesiarum Orientalium (18 tháng 10 năm 1990)

CD CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12. Christus Dominus (28 tháng 10 năm 1965)

CIC Codex iuris canonici (25 tháng 1 năm 1983)

CV BENEDICT XVI, Thông điệp. Caritas in veritate (29 tháng 6 năm 2009)

DCS Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng, Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (27 tháng 10, 2022)

DD FRANCIS, Thư. Tôi mong ước rằng bạn mong ước (29/06/2022)

DN FRANCESCO, Thông điệp. Dilexit nos (24 tháng 10 năm 2024)

DV CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965)

EC FRANCIS, Tông huấn Episcopalis Communio (15 Tháng Chín, 2018)

EG FRANCIS, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (24 tháng 11 năm 2013)

FT FRANCESCO, Thông điệp Fratelli tutti (3 tháng 10 năm 2020)

GS CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Gaudium et spes (7 tháng 12 năm 1965)

ITC ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính đồng nghị trong cuộc sống và trong sứ mệnh của Giáo hội (2 tháng 3 năm 2018)

LG CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964)

LS FRANCIS, Thông điệp Laudato si' (24 tháng 5 năm 2015)

MC ST PAUL VI, Tông huấn Cultus Marialis (2 tháng 2 năm 1974)

NMI Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo millennio ineunte (6 tháng 1 năm 2001)

PE FRANCIS, Tông hiến Praedicate Evangelium (19 tháng 3 năm 2022)

SC CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963)

SRS Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30 tháng 12 năm 1987)

UR CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (21 tháng 11 năm 1964)

UUS THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Út unum sint (25 tháng 5 năm 1995)

Dẫn nhập

Chúa Giêsu đến, đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!”. Nói xong, Người cho họ xem bàn tay và cạnh sườn. Và các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa (Ga 20:19-20).

1.Mỗi bước đi mới trong đời sống Giáo Hội là một việc trở về cội nguồn. Đó là một kinh nghiệm làm mới lại cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh mà các môn đệ đã trải qua trong Nhà Tiệc Ly vào tối ngày Phục sinh. Chúng tôi cũng vậy, khi tham gia Thượng Hội đồng này, cũng cảm thấy như các vị, được bao bọc bởi lòng thương xót của Người và được lôi cuốn vào vẻ đẹp của Người. Sống cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần, khi lắng nghe nhau, chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Người giữa chúng tôi: sự hiện diện của Đấng, qua việc ban Chúa Thánh Thần, tiếp tục linh hứng sự hiệp nhất nơi Dân Người, vốn thiét lập ra sự hài hòa giữa các khác biệt.

2. Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục Sinh, chúng tôi nhớ rằng “chúng tôi đã được rửa tội trong cái chết của Người” (Rm 6,3). Chúng tôi đã thấy những dấu vết vết thương của Người, được hiển dung bởi sự sống mới, nhưng được khắc sâu mãi mãi trong nhân tính của Người. Những vết thương này tiếp tục rỉ máu trên cơ thể của nhiều anh chị em cũng vì lỗi lầm của chúng tôi. Cái nhìn lên Chúa không làm chúng tôi xa cách những bi kịch của lịch sử, nhưng mở mắt chúng tôi nhận ra những đau khổ vây quanh và đâm sâu vào chúng tôi: những khuôn mặt của trẻ em kinh hoàng vì chiến tranh, tiếng khóc của các bà mẹ, giấc mơ tan vỡ của biết bao bạn trẻ, những người tị nạn phải đối diện với những hành trình khủng khiếp, những nạn nhân của biến đổi khí hậu và những bất công xã hội.

Các đau khổ của họ đã và đang vang vọng nơi chúng tôi không những qua các phương tiện truyền thông mà còn qua tiếng nói của nhiều người trong chúng tôi tại Phiên Họp này mà các gia đình và dân tộc họ đích thân liên lụy vào các biến cố bi thảm này. Trong những ngày trong đó, chúng tôi đang tụ họp, nhiều, quá nhiều cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục gây chết chóc và hủy diệt, ước muốn trả thù và đánh mất lương tâm. Chúng tôi tham gia các lời kêu gọi hòa bình liên tiếp được nhắc lại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lên án luận lý học bạo lực, hận thù, trả thù và cam kết cổ vũ luận lý học đối thoại, tình huynh đệ và sự hòa giải. Một nền hòa bình chân chính và lâu bền là điều có thể và cùng nhau chúng ta có thể xây dựng nó. «Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo trên hết và của tất cả những người đau khổ" (GS 1) một lần nữa là niềm vui và nỗi buồn của tất cả chúng tôi, những môn đệ của Chúa Kitô.

3. Kể từ khi Đức Thánh Cha lái con thuyền Giáo Hội vào hành trình Thượng hội đồng này năm 2021, chúng tôi ngày càng khám phá ra sự phong phú và sinh hoa trái của nó. Chúng tôi đã lắng nghe, chú ý nắm bắt trong nhiều tiếng nói những gì “Chúa Thánh Thần nói với các Giáo Hội” (Kh 2,7. Hành trình này đã bắt đầu với sự tham khảo ý kiến rộng rãi của dân Chúa trong các Giáo phận và Giáo phận Đông phương của chúng ta. Và tiếp tục với các giai đoạn quốc gia và lục địa. Vòng đối thoại liên tục này được Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng tái tăng sinh lực thông qua các Tài liệu Tng hợp và Tài liệu Làm việc. Việc cử hành Phiên họp thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục trong hai năm, từ đây, cho phép chúng tôi trình lên Đức Thánh Cha và tất cả các Giáo hội chứng từ của những điều chúng tôi đã trải nghiệm và hoa trái của việc chúng tôi phân định, cho một động lực truyền giáo mới. Cuộc hành trình được đánh dấu trong từng giai đoạn bởi sự khôn ngoan của “cảm thức đức tin” (sensus fidei) nơi dân Chúa. Từng bước một, chúng tôi đã hiểu được điều đó ở tâm điểm của Thượng hội đồng 2021-2024. Đối với một Giáo hội đồng nghị, hiệp thông, tham gia, truyền giáo, có lời mời gọi vui mừng và đổi mới Giáo Hội trong việc đi theo Chúa, dấn thân phục vụ sứ mệnh của Người, trong nghiên cứu các cách để chung thủy với Người.

4. Lời kêu gọi này dựa trên căn tính chung của bí tích rửa tội, nó bắt nguồn từ sự đa dạng các bối cảnh trong đó Giáo hội hiện diện và tìm thấy sự hiệp nhất trong Chúa Cha duy nhất, trong Chúa duy nhất và trong một Chúa Thánh Thần duy nhất. Nó thách thức tất cả những người đã được rửa tội, không có ngoại lệ: «Tất cả Dân Thiên Chúa đều là chủ thể của việc loan báo Tin Mừng. Trong tài liệu này, mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi trở thành nhân vật chủ đạo của sứ mệnh vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo” (ITC, số 53). Với con đường đồng nghị này, Thượng hội đồng cũng hướng chúng ta tới sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các Kitô hữu, như đã được làm chứng bởi các đại biểu của các truyền thống Kitô giáo khác, bằng sự hiện diện của họ. Sự hiệp nhất âm thầm lên men bên trong Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa: đó là một lời tiên tri hiệp nhất cho toàn thế giới.

5. Toàn bộ hành trình thượng hội đồng, bắt nguồn từ Truyền thống của Giáo hội, đã diễn ra trong ánh sáng của huấn quyền công đồng. Công đồng Vatican II thực sự như hạt giống gieo vào cánh đồng thế giới và Giáo Hội. Đời sống hàng ngày của các tín hữu, kinh nghiệm của các Giáo Hội nơi mọi dân tộc và nền văn hóa, nhiều chứng từ nên thánh, các suy tư của các thần học gia vốn là mảnh đất trên đó nó nẩy mầm và mọc lên. Thượng hội đồng các năm 2021-2024 tiếp tục rút tỉa năng lực của hạt giống đó và phát triển tiềm năng của nó, đem vào thực hành những gì Công đồng đã dạy về Giáo hội như là Mầu nhiệm và Dân Thiên Chúa, được kêu gọi thực hiện sự thánh thiện nhờ sự hoán cải liên tục do việc lắng nghe Tin Mừng. Trong chiều hướng này, nó tạo nên hành vi thực sự tiếp nhận Công đồng hơn nữa, kéo dài linh hứng của nó và tái khởi động sức mạnh tiên tri của nó cho thế giới ngày nay.

6. Chúng tôi không che giấu việc chúng tôi đã trải qua nhiều mệt mỏi, đối kháng sự thay đổi và bị cám dỗ muốn để ý tưởng của chúng tôi chiếm ưu thế hơn là lắng nghe Lời Chúa và thực hành phân định. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa, người Cha dịu dàng nhất, mỗi lần đều cho phép chúng tôi thanh lọc tâm hồn và tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi bắt đầu Phiên họp Năm thứ hai với đêm canh thức sám hối, trong đó chúng tôi cầu xin sự tha thứ tội lỗi của mình, cảm thấy xấu hổ về điều đó và đã dâng lời cầu thay cho các nạn nhân của sự dữ trên thế giới. Chúng tôi đã gọi đích danh tội lỗi của mình: chống lại hòa bình, chống lại tạo thế, chống lại các dân tộc người bản địa, người di cư, trẻ vị thành niên, phụ nữ, người nghèo, không chịu lắng nghe và tìm kiếm hiệp thông. Điều này đã làm chúng tôi hiểu rằng tính đồng nghị đòi hỏi sự sám hối và hoán cải. Trong việc cử hành bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng tôi cảm nghiệm được việc mình được thương yêu một cách vô điều kiện: sự cứng lòng đã được vượt qua và chúng tôi mở lòng đón nhận sự hiệp thông. Đây là lý do vì sao chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội biết xót thương, có khả năng chia sẻ sự tha thứ và hòa giải với mọi người vốn phát xuất từ Thiên Chúa: ân sủng thuần túy mà chúng ta không phải là các chủ nhân nhưng chỉ là các nhân chứng.

7. Chúng tôi đã có thể nhìn thấy những thành quả đầu tiên của con đường đồng nghị bắt đầu vào năm 2021. Những điều đơn giản nhất nhưng quý giá nhất đều lên men trong đời sống gia đình, giáo xứ và các hiệp hội và phong trào, các cộng đồng Kitô giáo nhỏ, trường học và cộng đồng tu trì trong đó đang phát triển việc thực hành đàm luận trong Chúa Thánh Thần và phân định cộng đồng, chia sẻ các hồng ân ơn gọi và đồng trách nhiệm trong sứ mệnh. Cuộc họp của các Linh mục Giáo xứ tại Thượng Hội đồng (Sacrofano [Rome], 28 tháng 4 – 2 tháng 5 năm 2024) làm cho việc lắng nghe những trải nghiệm phong phú của các linh mục trở thành khả hữu và giúp các ngài khởi động lại hành trình của mình. Chúng tôi rất biết ơn và hạnh phúc vì tiếng nói của nhiều cộng đồng và tín hữu, những người sống Giáo hội như nơi chào đón, hy vọng và niềm vui.

8. Kỳ họp đầu tiên của Phiên họp đã mang lại những kết quả khác. Trong Báo cáo tổng hợp, người ta đã chú ý đến những chủ đề then chốt có tầm quan trọng lớn lao đến đời sống của Giáo hội. Đức Thánh Cha, khi kết thúc cuộc tham vấn quốc tế, đã giao phó các chủ đề này cho các nhóm nghiên cứu, gồm các Mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục, được mời gọi làm việc theo phương pháp đồng nghị. Các nhóm này đã bắt đầu nghiên cứu sâu xa các vấn đề thuộc lãnh vực đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, chúng là:

1. Một số khía cạnh trong mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo hội Latinh.

2. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và trái đất.

3. Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số.

4. Việc sửa đổi văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm đồng nghị truyền giáo.

5. Một số vấn đề thần học và giáo luật xung quanh các hình thức thừa tác vụ chuyên biệt.

6. Việc sửa đổi, từ góc độ đồng nghị và truyền giáo, các văn kiện quản trị mối liên hệ giữa các Giám mục, Tu sĩ, các phiên họp giáo hội.

7. Một số khía cạnh về con người và thừa tác vụ của Giám mục (đặc biệt: các tiêu chuẩn về việc lựa chọn các ứng viên vào chức vụ giám mục, chức năng tư pháp của Giám mục, tính chất và thực hiện các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum) theo quan điểm đồng nghị truyền giáo.

8. Vai trò của các Đại diện Giáo hoàng trong quan điểm đồng nghị truyền giáo.

9. Các tiêu chuẩn thần học và các phương pháp luận đồng nghị để chia sẻ sự phân định về các vấn đề gây tranh cãi về tín lý, mục vụ và đạo đức.

10. Việc đón nhận hoa trái của hành trình đại kết giữa dân Chúa.

Đàng khác, với sự đồng ý của Bộ Các Bản Văn Lập pháp, một Ủy ban Giáo luật đã được thiết lập, nhằm phục vụ những đổi mới cần thiết trong luật giáo hội. Ngoài ra, việc phân định quanh việc đồng hành mục vụ với những người trong hoàn cảnh hôn nhân đa thê đã được ủy thác cho Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar. Công việc của các Nhóm và Ủy ban này đã bắt đầu giai đoạn thực hiện, làm phong phú thêm công việc của Phiên họp thứ hai, và sẽ giúp Đức Thánh Cha trong các lựa chọn mục vụ và quản trị.

9. Tiến trình đồng nghị không kết thúc khi Phiên họp Thượng hội đồng Giám mục hiện tại kết thúc, mà còn bao gồm giai đoạn thực hiện. Với tư cách là thành viên của Phiên họp, chúng tôi hiểu nhiệm vụ của chúng tôi là dấn thân ra sao vào việc sinh động hóa nó với tư cách là những nhà truyền giáo của tính đồng nghị trong nội bộ các cộng đồng mà từ đó chúng tôi phát xuất. Chúng tôi yêu cầu tất cả các Giáo hội địa phương tiếp tục tiến trình này, hàng ngày bước đi với phương pháp tham vấn và phân định đồng nghị, xác định các phương pháp cụ thể và lộ trình đào tạo để đạt được sự hoán cải đồng nghị trông thấy trong các thực tại khác nhau của Giáo hội (Giáo xứ, các viện đời sống thánh hiến và các Tu hội đời sống tông đồ, các Hiệp hội Tín hữu, các Giáo phận, các Hội đồng Giám mục, các nhóm Giáo hội, vân vân.). Đặt kế hoạch cho việc đánh giá về tiến bộ đạt được về mặt tính đồng nghị và sự tham gia của tất cả những người đã được rửa tội vào đời sống của Giáo hội. Với các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng các Giáo hội tự trị, chúng tôi đề nghị cống hiến nhân sự và nguồn lực để đồng hành trên con đường phát triển như một Giáo hội đồng nghị trong sứ mệnh và duy trì liên lạc với Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng (xem EC 19 §§ 1 và 2). Chúng tôi yêu cầu Văn phòng tiếp tục giám sát chất lượng đồng nghị về phương pháp làm việc của các Nhóm Nghiên cứu.

10. Dâng lên Đức Thánh Cha và các Giáo hội như là kết quả của Phiên họp Toàn thể lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu Sau cùng này tận dụng tất cả các bước đã được thực hiện cho đến nay. Nó tập hợp một số điểm hội tụ quan trọng đã xuất hiện trong Phiên họp thứ nhất, những đóng góp phát xuất từ các Giáo hội trong những tháng giữa Kỳ họp thứ nhất và thứ hai và những gì đã chín mùi trong Phiên họp thứ hai, đặc biệt, nhờ vào cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần.

11. Tài liệu Sau cùng bày tỏ việc ý thức được lời kêu gọi truyền giáo đồng thời là lời kêu gọi hoán cải nơi mỗi Giáo hội địa phương và nơi Giáo hội hoàn vũ, theo quan điểm được nêu ra trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (xem số 30). Bản văn được chia thành năm phần. Phần đầu tiên, có tựa đề Tâm điểm của tính đồng nghị, vạch ra những nền tảng thần học và tâm linh soi sáng và nuôi dưỡng những gì xảy ra tiếp theo. Nó nhắc lại sự hiểu biết từng được chia sẻ về tính đồng nghị xuất hiện trong Phiên họp đầu tiên và phát triển các quan điểm tâm linh và tiên tri của nó. Sự hoán cải các cảm xúc, hình ảnh và suy nghĩ vốn sống trong trái tim chúng ta tiến hành cùng với việc hoán cải hoạt động mục vụ và truyền giáo. Phần thứ hai, mang tên Cùng nhau lên thuyền, dành cho việc hoán cải các mối liên hệ xây dựng cộng đồng Kitô giáo và hình thành sứ mệnh trong sự đan xen của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ. Phần thứ ba, “Hãy thả lưới”, nhận diện ba cách thực hành được kết nối mật thiết với nhau: sự phân định của giáo hội, các quá trình đưa ra quyết định, văn hóa minh bạch, giải trình và đánh giá. Ngay cả đối với chúng, chúng ta cũng được yêu cầu khởi xướng những con đường "biến đổi truyền giáo", mà đối với nó, việc đổi mới các tổ chức có sự tham gia là điều cấp thiết. Phần thứ tư, dưới tựa đề Một mẻ cá dồi dào, phác họa cách, trong đó có thể vun xới, dưới các hình thức mới mẻ, việc trao đổi hồng ân và đan kết những mối dây vốn hiệp nhất chúng ta trong Giáo Hội vào một thời điểm mà kinh nghiệm bám rễ vào một nơi chốn đang thay đổi sâu xa. Phần thứ năm tiếp theo, «Thầy cũng sai các con đi», cho phép chúng ta xem xét bước đầu tiên cần thực hiện: chăm sóc việc đào tạo mọi người trong dân Chúa, tất cả như những nhà truyền giáo đồng nghị.

12. Việc phát triển Tài Liệu Sau Cùng được hướng dẫn bởi các tường thuật Tin Mừng về Sự phục sinh. Việc hăm hở chạy tới mộ vào lúc bình minh Phục sinh, sự xuất hiện của Chúa Phục sinh trong phòng tiệc ly và trên bờ hồ đã truyền cảm hứng cho sự nhận thức của chúng tôi và nuôi dưỡng cuộc đối thoại của chúng tôi. Chúng tôi khẩn cầu hồng ân Phục sinh của Chúa Thánh Thần, xin Người dạy chúng tôi những gì chúng tôi phải làm và chỉ cho chúng tôi con đường để cùng nhau đi theo. Với văn bản này, Phiên Họp công nhận và chứng thực rằng tính đồng nghị, chiều kích cấu thành của Giáo hội, đã là một phần trong kinh nghiệm của nhiều cộng đồng của chúng ta. Đồng thời, nó gợi ý những hướng đi tiếp theo, những thực hành để thực hiện, những chân trời để khám phá. Đức Thánh Cha đã triệu tập Giáo hội trong Thượng Hội đồng, ngài sẽ nói với các Giáo hội, được giao phó cho các Giám mục chăm sóc mục vụ, cách tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng “không làm thất vọng” (Rm 5:5).

Còn nữa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ổn thôi ư? Đẹp lắm chứ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
16:28 15/11/2024
ỔN THÔI Ư? ĐẸP LẮM CHỨ!

Dường như theo thông lệ các giáo phận tại Việt Nam, hàng năm cứ vào dịp tĩnh tâm năm của hàng linh mục thì có sự thuyên chuyên nhân sự mà bà con giáo dân quen gọi là “đổi xứ”. Năm nay Đức Cha Giáo phận Đà Lạt giảng tĩnh tâm cho anh em linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột chúng tôi cũng nói rằng tuần kế tiếp Giáo phận Đà Lạt của ngài cũng có cuộc tĩnh tâm năm của hàng linh mục và cũng có việc thuyên chuyển nhiệm sở. Tuy nhiên so với Giáo phận Ban Mê Thuột kỳ này, xét về số lượng linh mục Giáo phận Đà Lạt thuyên chuyển nhiệm sở thì ít hơn nhiều.

Lý do là vậy: Giáo phận Ban Mê Thuột có vị chủ chăn mới. Ngài tham khảo ý kiến Hội đồng linh mục và quyết định từ nay theo bình thường thì hạn kỳ nhiệm sở của các linh mục là trong vòng 5 đến 7 năm. Thế là theo quyết định chung thì số anh em linh mục trong hạn kỳ ấy sẽ thay đổi nhiệm sở gần cả trăm vị. Không hẹn mà hò, nội dung các bài giảng tĩnh tâm năm nay xoay quanh việc đổi mới việc thi hành tác vụ linh mục mà dĩ nhiên dựa trên việc đổi mới cái nhìn về ý nghĩa của thiên chức linh mục. Đổi mới cái nhìn về việc thay đổi nhiệm sở cũng là một trong những đề tài mà Đức cha Đà Lạt chia sẻ cho chúng tôi.

Chuyện trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã hay. Với công nghệ truyền thông hiện đại chuyện các linh mục sắp được thuyên chuyển đã râm ran hầu khắp cả giáo phận nhà gần hai tuần nay. Thậm chí có vị hữu trách ngoài xã hội cũng đã từng nói với giám mục giáo phận là bà con nhiều xứ chộn rộn với các cung bậc vui mừng và lo lắng chuyện “được đón” hay “bị nhận” “cha ngon” hay “cha dở”. Tôi đã dành một ngày cầu nguyện cho các anh em linh mục sẽ được Đấng bản quyền thuyên chuyển đợt này. Xin chia sẻ chút thiển ý khi hiệp với tâm tình Chúa Giêsu đêm Tiệc ly. Xin cho các mục tử thực sự có tấm lòng với cộng đoàn mình sẽ rời đi và với vị sắp kế nhiệm mình.

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1) Khi thiện ích của cộng đoàn mình đã từng phục vụ là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của vị mục tử thì ngài sẽ:

1. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cộng đoàn đón nhận mục tử mới như Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận Thánh Thần.

2. Thực lòng mong muốn vị kế nhiệm sẽ làm được nhiều điều “lớn lao” hơn mình đã làm, như các môn đệ Chúa Giêsu nhờ lòng tin và dưới tác động của Thánh Thần làm được những sự “cả thể” hơn Thầy chí thánh (x.Ga.14,12).

3. Sẵn sàng ẩn mình đi vì ích lợi hơn của cộng đoàn. ‘Thầy ra đi thì có lợi cho các con hơn...” (Ga.16,7). Có vị ẩn mình đi bằng cách dứt khoát không trở về nhiệm sở cũ trong khoảng thời gian khá dài từ khi bắt đầu rời đi. Có vị lại thẳng thừng mời gọi bà con, cách riêng quý chức việc hiểu rằng “rượu mới thì bầu da mới”, mục tử mới thì có cung cách làm việc mới, vì thế xin chớ bao giờ nói “cha xứ cũ làm như thế này, thế này...

Nếu những điều thầm mong này được hiện thực thì việc các linh mục thay đổi nhiệm sở dẫu cho sẽ có một vài xáo trộn dĩ nhiên ắt có, nhưng rồi sự việc sẽ không chỉ “ổn thôi” mà còn “thật đẹp” trước nhan Thiên Chúa và cả trước cái nhìn của “người thế gian”. Thiện ích của cộng đoàn là trên hết chứ không phải vì chính lợi ích của những người được mệnh danh là “người phục vụ” khi giải quyết bài toán “luân chuyển nhân sự”.

Ban Mê Thuột
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh ngày tận thế
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
01:46 15/11/2024
Hình ảnh ngày tận thế

Xưa nay thường có nhiều suy đoàn nói về ngày tận thế: ngày kinh hòang tất cả thế giới bị phá hủy tận diệt! Nhưng bao giờ tới ngày đó? Không ai có thể tiên đoán nói trước được. Ngày đó diễn xảy ra như thế nào? Cũng không ai có thể vẽ diễn tả ra được.

Vào ngày Chúa nhật 33. B. năm phụng của Hội Thánh Công Giáo, phúc âm theo Thánh sử Marcus ( Mc 13,21- 28) vẽ ra cảnh tượng kinh hoàng ngày tận thế như lời Chúa Giêsu tiên tri nói ra: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển.”

Hình ảnh kinh hoàng như thế này ẩn chứa sứ điệp gì? Đe dọa hay hướng tâm trí đời sống con người tới một phương hướng nào khác hơn nữa…?

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,từ trời cao xuống trần gian làm người rao giảng tin mừng tình yêu ơn tha thứ bình an của Thiên Chúa cho con người. Và con người cũng phải có đời sống cùng chung đóng góp xây dựng tình yêu, hòa bình với nhau trong công trình vũ trụ thiên nhiên.

Trong đời sống càng ngày càng có nhiều thay đổi, nhiều tiến bộ, nhiều phúc lợi tiện nghi giầu sang phú qúi, cùng có quyền lực …hưởng dùng. Nhưng những điều đó không là tất cả. Đến ngày sau cùng đời sống những điều đó không giúp gì cho đời sống tinh thần tâm linh.

Chúa Giêsu Kitô qua nhiều lời giảng dạy, cùng qua những hình ảnh dụ ngôn về nước Thiên Chúa, về đời sống tâm linh đã đưa ra hình ảnh nhắc nhở cho con người ngày xưa hôm qua và hôm nay nữa: phải sống sao là người tín hữu Chúa Kitô có lòng bác ái, hoà thuận tha thứ cho nhau. Và như thế đời sống giữa con người với nhau, cùng trong xã hội mới có sự công bằng chính trực. Hôm nay ở đời này và cả ngày sau nữa!

Đoạn phúc theo Thánh sử Marcus trên đây nói về hình ảnh ngày tận thế -Phúc âm theo Thánh sử Marcus được viết theo các nhà sử học Kinh Thánh từ khoảng năm 63. đến sau năm 70. sau Chúa Giáng sinh - theo các nhà chú giải Kinh Thánh có thể được viết trước tác như bài giáo lý sau năm 70. sau Chúa giáng sinh - năm 70. là năm đền thờ Jerusalem bị đế quốc Roma phá hủy tan tành.

Đền thờ Jerusalem với Do Thái giáo là hình ảnh trái tim, trung tâm đức tin của họ. Đền thờ, trái tim bị tàn phá hủy diệt thì có khác chi trời sập, không còn ánh sáng mặt trời chiếu sáng nữa. Tất cả diễn xẩy ra cảnh tối tăm mù mịt như ngày tận thế rồi. Và lúc đó chỉ còn thống khổ, đau buồn kêu la than khóc thôi…

Có thể vì Thánh Marcus đã sống trải qua cảnh tượng kinh hoàng lúc đền thờ Jerusalem năm 70. bị tàn phá, nên Ông đã viết lại những hình ảnh cảnh tượng về chiến tranh, về đau khổ, sự tối tăm thất vọng lúc thời đó. Những hình ảnh cảnh tượng chiến tranh, sự tàn phá hủy diệt đời sống xã hội cùng con người luôn hằng xảy ra như trước đây hàng ngàn năm rồi, và cả bây giờ thời sự khắp nơi trên thế giới. Điều này nói lên một nhận xét đau buồn thương tâm, không còn sự công bình chính trực: Trước hết con người đến và sau đó xảy ra chiến tranh tàn phá đời sống trên địa cầu!

Và phải chăng đó là ngày sau cùng, ngày tận thế, khi những sự đó xẩy ra cho con người nơi đó? Về những sự đó con người sống trong thất vọng hoài nghi, tan hoang đổ nát đống tro tàn mất hết tất cả, không ai có phần gì hết cả!

Nguy khốn, nhưng chưa phải là bước đường cùng. Đời sống còn có ánh sáng đốm lửa soi sáng chỉ phương hướng đi: Đức tin vào Thiên Chúa nguồn sự sống, nguồn công bằng chính trực: ” Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất.”.

Thánh sử Markus trong bài tường thuật về cuộc thương khó chịu nạn của Chúa Giêsu Kitô và chết trên thập gía cũng xảy ra cảnh tối tăm, bức màn nơi cực thánh trong đền thờ Jerusalem bị xé rách ra làm hai từ trên xuống dười.

Thật là một cảnh tượng kinh hoàng hãi hùng ngày tận thế! Nhưng chưa phải là hết, là chấm dứt công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Từ ngữ tận thế ( apokalypse) trong tiếng Hylạp còn ẩn chứa ý nghĩa: Điều hay sự được gì còn ẩn chứa dấu kín sẽ được khai mở ra!

Chúng ta nhận ra, Chúa Giêsu Kitô chết cùng được an táng trong mồ mả dưới lòng đất, như bao con người xưa nay. Nhưng Ngài không nằm yên trong nơi tăm tối, nơi thân xác bị tiêu hủy ra cát bụi: Ngài đã sống lại từ trong cõi kẻ chết. Chỗi dậy từ cõi kẻ chết, Ngài tiếp tục sai các Tông Đồ, Giáo hội đi loan truyền tin mừng tình yêu hòa bình nước Thiên Chúa cho con người trong công trình sáng tạo vũ trụ, để xây dựng mang lại sự công bình, nơi không có công bình.

Đó cũng là sứ mạng của người tín hữu Chúa Kitô chúng ta. Và đồng thời là niềm hy vọng của chúng ta, cùng là tin mừng cho con người trong vũ trụ của Thiên Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Khăn lau nước mắt
Phạm Bá Nha
03:11 15/11/2024
KHĂN LAU NƯỚC MẮT

Khăn là vật nhỏ nhất mang trong người, sẵn trong túi, khi cần có ngay. Nay bằng giấy màu, tiện, rẻ. Dùng nhiều việc. Đau lòng, xót dạ mới dùng Khăn Lau Nước Mắt. Hai lần lau kỹ-lâu khi sinh ra và lìa đời…Các nhạc sỹ thấy khóc rồi sáng tác. Ai khóc thương ai. Lịch sử VN vui buồn lẫn lộn.

Vui khi ‘Mẹ Tròn Con Vuông’ chào đời

Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa.
Giọt mưa trên lá tiếng nói thì thầm
Giọt mưa trên lá bối rối bồi hồi
(Giọt Mưa Trên Lá. Phạm Duy)

Trước là yêu quê hương, dân tộc

Huế Saigon Hanoi hai mươi năm tiếng khóc lầm than.
Huế Saigon Hanoi trong ta, đau tim VN
…Ngày mai…. Bàn tay…Ngày vui…Sẽ thấy bình minh lổ ngọt ngào…Dựng nhà chung
(Huế Saigon Hanoi, Trịnh Công Sơn

Quê tôi có ‘lũy tre dài đẹp xinh, con sông xanh, trăng buông lơi, mái tranh nghèo, mẹ quê, cô lái đò, khu chợ, luống cày, bó lúa, trai gái hẹn hò….’(Tôi Yêu, Trịnh Hưng) VN như ‘nước dâng trào, xích kêu vang, máu anh hùng, đoàn quân hiên ngang…
(VN Quê Hương Ta Ngạo Nghễ, Nguyễn Đức Quang)

VN vẫn hoa nở trong đêm dù sương mù, bóng tre, nước sông chảy, đường có người đi, VN gian nan, xác phơi trên cầu, bé thơ gầy còm, tiếng ru trong mưa, tiếng suối-thác, mái tranh nghèo. (Hoa Vẫn Nở, Phạm Thế Mỹ)

VN biết dạy con
Mẹ dạy con ‘ăn nói, đừng quên ơn, là VN, màu da, lễ phép, quên hận thù’
(Gia Tài Của Mẹ, Trịnh Công Sơn)

VN khi còn trong nước

Hát khúc hoan ca thắm tươi vang lên
Chúc mừng mẹ hiền, lính chiến xa nhà, đôi uyên ương ước hẹn, nghệ sỹ mộng mơ...
hòa bình, tự do, hạnh phúc, ấm no, yên vui….
(Ly Rượu mùng. Phạm Hoàng Chương)

VN nhớ ơn người chiến sỹ. Ghi ơn anh Thương Binh

Chết tình cờ… Nghẹn ngào… Như mơ …Không hận thù …Ngoài đồng ruộng…
Lạnh lùng mình cháy như than….Vội vàng dọc theo biên giới…. Là Thương binh
(Tình Ca. Trịnh Công Sơn)

VN hẹn trở về

Ngày trở vể… bên lũy tre…vườn rau…bếp vui…ao bèo… anh nông phu cày bừa... con trâu xanh…chiến sỹ thi đua….Gió mát trặng thanh….Mẹ tưởng là mơ
(Ngày Trở Về. Phạm Duy).

VN lúc khóc

Năm tháng trôi qua
Nay bỗng nhớ lại
Chuyện tình đắng cay
Anh nuốt thương đau
Nhìn tình dở dang
Lòng thêm khóc than
(Sang Ngang, Đỗ Lễ)

VN buồn khóc chồng

Nhớ chàng xưa:
Cháu giống, con dòng
Người kim, chất cổ
(Khóc chồng, Trần Tế Xương)

Đau khi vợ không còn má ấp môi lồng
Nhà chỉn cũng nghèo thay
Nhờ được bà bay hay làm
Thắt lưng xắn váy quai cồng
Tất tả chân nam đá chân siêu
Vì tớ đỡ đần trong mọi việc
(Khóc vợ, Trần Tế Xương)

Khổ lúc khóc mẹ
Nhớ mẹ xưa:
Bây giờ:
Tưởng huệ dạy con
Nhà lan kén rể
(Khóc mẹ, Trần Tế Xương)

VN khi tiễn đưa ai

Tuyết rơi mong manh buồn
Hôn nhau như phút này
Chia tay…
Em ơi khóc đi em
Khóc đi em, khóc đi em
(Tiễn Em, Phạm Duy)

VN có Xuân gia đình ca hát vui tươi,

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ
Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha
Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Xuân lên cao chót, Xuân nhìn xuống sâu
(Xuân ca, Phạm Duy)

VN còn gì nữa đâu

Còn gì nữa đâu, mà tìm đến nhau
…mà chờ…mà tưởng…mà khóc…mà kể
(Còn Gì Nữa Đâu, Phạm Duy)

VN về nhà

Yêu nhau cởi áo (nón, nhẫn) cho nhau
Về nhà dối cha (mẹ)
Qua cầu gió bay (rơi)
(Qua Cầu. Phạm Duy)

VN hẹn lại

Đường (đồi, núi, rừng, lối) cao (sâu)
Leo trèo, dù nguy hiểm
Mẹ vẫn nguyện cầu
Giơ tay chờ …con
(Mẹ Trong Lòng, Phạm Duy)

VN nhớ vô tận

Bạn bè… Người…Vườn cỏ… Khi bóng anh… Vùng trời...Chỉ còn lại…
Người thành phố…Ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ
Thấy bóng thiên đàng…
(Cho Một Người Nằm Xuống, TCS ²68

VN còn đây

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ tên em
Gio o I
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ tên em
Ao xưa
(Chiều Một Mình Qua Phố, TCS 63

VN tương lai sáng ngời

Em nghe (thấy) gì không em
Chim hót (múa) trên đồng
Hoa cúc (vàng) nở trong sân
Nắng lên đi, nắng lên đi…
Trăng muôn đời-nơi
Yêu quê mẹ, yêu quê cha Thắp tim lên, thắp tim lên.
Cho tình người…
Yêu bạn bè như yêu ta…
(Thương Quá VN, Phạm Thế Mỹ)

Kết thúc

VN hy vọng vươn lên:….trong màn đêm bao ưu phiền.… trong nhà hoang… bên ruộng cằn
…trên nương ruộng …trong mộ sâu… trong giòng sông vắng…tim, tay, chân người…lòng thuyền xa bến…Ngày nay-mai… cho cả nhân loại.
(Hy Vọng Đã Vươn Lên. Nguyễn Đức Quang)
 
VietCatholic TV
Kursk: Sai lầm thảm khốc, các lữ đoàn Nga thiệt hại nặng. TT Trump tiết lộ cuộc gặp gỡ với TT Biden
VietCatholic Media
03:51 15/11/2024


1. Video cho thấy vụ tấn công thảm khốc ‘máy xay thịt’ Nga ở Kursk

Mạng xã hội tràn ngập những video ghi lại cảnh những người lính Nga bị đưa vào “máy xay thịt” chết người ở khu vực Kursk, khi nhiều xe quân sự lần lượt bị phá hủy trong khu vực này.

Một video do kênh máy bay điều khiển từ xa Ukraine do Serhii Sternenko điều hành quay và được một blogger người Estonia có tên WarTranslated on X chia sẻ cho thấy một nghĩa trang mênh mông xác các xe tăng của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 của Nga ở khu vực Kursk, một khu vực bị Nga tạm chiếm, nơi Ukraine đã phát động một cuộc phản công.

Newsweek đưa tin đầu tuần này rằng Nga có kế hoạch gửi 50.000 quân đến khu vực Kursk để chiến đấu với lực lượng Ukraine ở đó. Trong số quân lính có những người lính Bắc Hàn mới được tuyển dụng được cử đến để chiến đấu cùng với người Nga.

Việc bổ sung thêm quân lính Bắc Hàn đã giúp Nga dễ dàng hơn trong việc chống lại các cuộc phản công của Ukraine mà không cần phải rút quân khỏi các khu vực khác trong cuộc xung đột, mặc dù vẫn có những câu hỏi đặt ra về việc liệu quân đội Bắc Hàn có được huấn luyện tốt hay chuẩn bị chiến đấu trong khu vực hay không.

Theo các video trên mạng xã hội, bất chấp nỗ lực tăng cường thêm binh lính và trẻ hóa quân đội, nỗ lực mới của Nga nhằm chống lại Ukraine trong khu vực đã trở nên giống như một “máy xay thịt” khi các xe quân sự tiếp tục được đưa vào khu vực này mặc dù các xe khác đã bị phá hủy ngay trước mắt họ.

Bộ Ngoại giao Nga đã được liên hệ để xin bình luận.

Một hình ảnh khác về xe tăng quân sự Nga do tài khoản X WarMonitor đăng tải cho thấy bốn chiếc xe tăng bị cháy đều ở khu vực Kursk.

WarMonitor cho biết: “Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 của liên bang Nga đã phải chịu tổn thất không thể tưởng tượng nổi trong các cuộc tấn công vào các vị trí ở khu vực Kursk trong 5 ngày qua, những người lính mới nhập ngũ được đưa vào các vị trí chiến đấu nguy hiểm nhất ở Ukraine, kết quả có thể thấy rõ qua hình ảnh này.”

Trận chiến không hoàn toàn một chiều, như một tài khoản X có tên 'Kriegsforscher' do một thành viên của Thủy quân Lục chiến Ukraine điều hành đã đưa tin: “Những trận chiến rất đẫm máu đang diễn ra ở vùng Kursk. Sau một cuộc tấn công thất bại vào ngày đầu tiên của chiến dịch, đối phương đã sử dụng tối thiểu các xe thiết giáp ở bên sườn và ở trung tâm của tôi.”

Newsweek đưa tin rằng Nga đang nỗ lực tái lập quyền kiểm soát khu vực Kursk trước khi Ông Donald Trump nhậm chức với hy vọng rằng lệnh ngừng bắn của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến khu vực này trở lại là của vùng đất Nga theo thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.

[Politico: Videos Allege Catastrophic Russian 'Meat Grinder' Assault in Kursk]

2. Dựa trên thông tin tình báo sai lệch, lực lượng Nga ‘cố chấp’ tiếp tục tấn công dọc theo cùng một con đường ở Kursk—và tiến vào cùng một khu vực hỏa lực của Ukraine

Một tuần sau cuộc phản công nhằm tái chiếm khu vực 1.300 km vuông của Ukraine ở tỉnh Kursk, phía tây nước Nga, quân đội Nga đã phải chịu thương vong khủng khiếp—và cho đến nay hầu như không thu được kết quả gì đáng kể.

Họ đã chiếm lại thị trấn Pogrebki, ở rìa phía bắc của khu vực bị tạm chiếm. Nhưng đó chẳng phải là niềm an ủi cho hàng trăm người Nga đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công thất bại ở những nơi khác dọc theo phía bắc và phía tây của mỏm đá nhô ra.

Vấn đề của người Nga có hai mặt. Thứ nhất, chỉ có một số ít đường vào khu vực bị tạm chiếm từ phía bắc và phía tây—và người Nga vẫn tiếp tục tấn công dọc theo những con đường này, ngày này qua ngày khác bất chấp những thất bại trước đó. Thứ hai, không rõ các chỉ huy Nga có cung cấp cho quân đội của họ thông tin tình báo chính xác về vị trí của lực lượng Ukraine ở khu vực bị tạm chiếm hay không.

Nói cách khác, các cuộc tấn công của Nga vừa có thể dự đoán được—vừa mù quáng. Đây là công thức cho những tổn thất lớn. Kreigsforscher, một người điều khiển máy bay điều khiển từ xa của Ukraine hỗ trợ phòng thủ Kursk, đã thống kê được 88 xe của Nga bị phá hủy trên ba con đường chính chạy qua và xung quanh thị trấn Zelenyi Shylakh, ở vùng đất không người ở sườn phía tây bắc của khu vực bị người Ukraine tạm chiếm.

Mười một trong số những chiếc xe đó—chia đều cho Lữ Đoàn Dù 51, Lữ đoàn Dù 83 và Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155—đã bị phá hủy vào thứ Tư. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ còn nhiều chiếc nữa. “Mỗi ngày, họ tấn công bằng xe chiến đấu bọc thép,” Kriegsforscher đưa tin. “Hầu hết là bốn đến sáu chiếc mỗi lần tấn công.”

Lữ đoàn cơ giới hạng nặng số 17 của Ukraine, Lữ đoàn cơ giới số 41 và 47 và Lữ đoàn Dù số 95, cùng với các đơn vị khác, đã giao tranh với quân Nga bằng mìn, pháo, hỏa tiễn, máy bay điều khiển từ xa và xe tăng. Cuộc giao tranh hôm thứ Bảy diễn ra rất gần và hỗn loạn đến nỗi một cặp xe tăng của Ukraine đã không hề gây ra sự chú ý nào của các kíp xe tăng Nga, và người Ukraine cũng không nhận ra có chiến xa Nga gần đó.

Cuối cùng, lính xe tăng đã phát hiện ra xe của Nga khi họ thả 15 lính dù. Đó là lúc xe tăng nổ súng, phá hủy một trong những chiếc xe.

Có khả năng các xa đoàn Nga đã hành động dựa trên thông tin tình báo sai lệch. Hãy xem xét cuộc tấn công của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 của Nga xung quanh Pogrebki vào ngày 7 tháng 11. Cảnh quay bằng máy bay điều khiển từ xa mô tả chi tiết một số xe BTR-82 của lữ đoàn bị quân đội Ukraine cố thủ trong hầm trú ẩn cho nổ tung ở tầm gần.

“Những gì bạn thấy trong đoạn phim là kết quả của một lời nói dối khác từ bộ chỉ huy địa phương đến bộ tham mưu,” blogger người Nga Romanov giải thích. Các chỉ huy Thủy quân lục chiến bảo đảm với cấp trên của họ rằng lực lượng Nga đã hoàn toàn kiểm soát con đường qua Pogrebki. “Về mặt logic, sau khi nhận được thông tin này, bộ tham mưu đã ra lệnh tấn công vào thị trấn,” Romanov viết.

Nhưng người Nga không kiểm soát được con đường. Vẫn còn mìn của Ukraine trên mặt đất—và không ai trong Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 bận tâm đến việc dọn sạch chúng trước khi BTR lao vào, theo Romanov.

Vấn đề mang tính hệ thống trong lữ đoàn này, và cả ở các đơn vị lân cận. “Nhìn chung, việc cố tình thông tin sai lệch cho bộ tham mưu của chỉ huy Lữ đoàn 810 đã trở thành một hoạt động thường lệ”, Romanov cảnh báo.

Bằng cách cung cấp thông tin sai lệch cho chuỗi chỉ huy của mình rồi truyền lệnh sai lệch xuống, các chỉ huy Nga ở Kursk đang chuẩn bị cho quân đội của họ những thất bại chiến thuật đẫm máu. Điều đó không có nghĩa là quân Nga sẽ thua ở Kursk. Điều đó có nghĩa là họ có thể sẽ phải chịu thương vong thảm khốc, bất kể kết quả cuối cùng của trận chiến là gì.

Số lượng quân lớn là lợi thế chính của người Nga. Người ta ước tính có khoảng 50.000 quân Nga và đồng minh trong khu vực này—và chỉ có 20.000 hoặc 30.000 quân Ukraine. Điện Cẩm Linh có thể sẽ cần thêm những người đó. Họ đã đưa việc loại bỏ Kursk trở thành ưu tiên hàng đầu và rõ ràng là sẵn sàng hy sinh hàng ngàn sinh mạng trong quá trình này.

Đồng hồ đang tích tắc. Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều không rõ đường đi nước bước của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, có những dự đoán cho rằng chính quyền của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump sẽ cắt đứt Ukraine khỏi nguồn viện trợ quan trọng của Hoa Kỳ, có khả năng buộc người Ukraine phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn đóng băng tiền tuyến tại chỗ, người Nga đang cố gắng tiến xa nhất có thể và nhanh nhất có thể trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng Giêng. “Điều này khóa họ vào một vị thế chính trị cứng nhắc không cần thiết”, Emil Kastehelmi, một nhà phân tích của Black Bird Group đã viết.

Người Ukraine ở Kursk biết người Nga đang đến. Và họ biết người Nga sẽ đến như thế nào, ở đâu và thường là khi nào. Tất cả những gì người Ukraine phải làm là đặt mìn, điều chỉnh pháo binh, phóng máy bay điều khiển từ xa, định vị bệ phóng hỏa tiễn… và chờ đợi những cuộc tấn công không thể tránh khỏi.

[Forbes: Acting On Bad Intel, ‘Rigid’ Russian Forces Keep Attacking Along The Same Roads In Kursk—And Rolling Into The Same Ukrainian Kill Zones]

3. Gần 30 hãng hàng không Nga có thể phá sản vào năm 2025, theo báo cáo của phương tiện truyền thông

Khoảng ba mươi hãng hàng không Nga, chiếm 26% lưu lượng hành khách trong nước, có thể phá sản vào năm 2025, tờ báo Izvestia của Nga đưa tin vào ngày 13 tháng 11.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, hầu hết các hãng hàng không Nga đều phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Kết quả là, vào năm 2022, một số công ty trong ngành đã ngừng thanh toán tiền thuê.

Các hãng hàng không Nga lo ngại tình hình tài chính của họ xấu đi và giấy chứng nhận nhà điều hành của họ sẽ bị thu hồi do các khoản nợ tích lũy khi thuê máy bay nước ngoài, theo báo chí đưa tin.

Vào năm 2025, chính phủ đã cho phép các công ty xóa nợ, nhưng số tiền này sẽ phải chịu thuế thu nhập 25%. Theo Izvestia, gánh nặng tài chính này có thể buộc họ phải đóng cửa hoạt động.

Hầu như toàn bộ đội bay của các hãng hàng không Nga đều được ghi danh tại Bermuda, Ireland cũng như các nước Âu Châu khác, với khoản thanh toán hàng tháng cho một chiếc Airbus A320 đã qua sử dụng lên tới khoảng 80.000-150.000 đô la.

Chỉ có các hãng hàng không lớn, bao gồm Aeroflot, Ural Airlines và S7 Airlines, mới có thể mua lại máy bay đã thuê bằng tiền từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia. Trong quý đầu tiên của năm 2024, 165 trong số 400 chiếc đã được mua lại.

Vì các khoản phải trả đã xóa sổ được phân loại là “thu nhập không phải từ hoạt động kinh doanh” và số tiền “tiết kiệm” được công nhận là lợi nhuận và chịu thuế, điều này gây ra sự bất mãn trong số những người tham gia thị trường, phương tiện truyền thông đưa tin.

[Kyiv Independent: Nearly 30 Russian airlines may go bankrupt in 2025, media reports]

4. Những người ủng hộ Kyiv cảm thấy thoải mái với những lựa chọn Nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Những người ủng hộ Ukraine đang hy vọng: Kyiv có thể ổn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Những tiếng thở phào nhẹ nhõm, mặc dù vẫn thận trọng, mới nhất xuất hiện sau tin tức Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Dân biểu Michael Waltz (Đảng Cộng hòa đơn vị Florida) làm cố vấn an ninh quốc gia và đã chính thức chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa đơn vị Florida) làm ngoại trưởng.

Cả hai nhà lập pháp đều tuân theo học thuyết chính sách đối ngoại Nước Mỹ trên hết của thời Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng vẫn là những người theo chủ nghĩa diều hâu nhiệt thành khi nói đến đường lối của Hoa Kỳ đối với các đối thủ như Trung Quốc, Iran và Nga — hoàn toàn trái ngược với phe theo chủ nghĩa cô lập của đảng Cộng hòa muốn từ bỏ Ukraine hoặc NATO.

Rubio và Waltz đã đặt câu hỏi hoặc bỏ phiếu chống lại các gói viện trợ trước đây của Hoa Kỳ cho Ukraine — không phải vì thiếu sự hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến đánh bại Nga mà vì họ cảm thấy Hoa Kỳ không chi đủ để bảo vệ biên giới phía nam của Hoa Kỳ. Waltz thậm chí còn đề xuất dỡ bỏ các hạn chế của Hoa Kỳ đối với cách Ukraine có thể sử dụng vũ khí tầm xa của mình để tấn công Nga — một bước mà chính quyền Tổng thống Biden chưa thực hiện mặc dù họ ủng hộ Ukraine hết mình.

“Kyiv khá bình tĩnh và khá thoải mái với các quan chức an ninh quốc gia được công bố cho đến nay,” Daniel Vajdich, một chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa và là chủ tịch của Yorktown Solutions, một công ty tư vấn cho các thực thể nhà nước Ukraine và hợp tác với các quan chức tại Kyiv, cho biết. “Những người thúc đẩy một câu chuyện về sự lo lắng ở Kyiv đang làm điều này vì mục đích riêng của họ và đang gây bất lợi cho Ukraine.”

Ba cựu quan chức chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đồng tình với quan điểm này, những người ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ Ukraine.

“Đối với những người lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bán rẻ Ukraine, tôi nghĩ ưu tiên chính của ông ấy là cố gắng tìm kiếm một loại hòa bình công bằng nào đó”, một cựu quan chức chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump liên lạc với nhóm chiến dịch và chuyển giao cho biết. Người này, giống như những người khác, được cấp quyền ẩn danh để thảo luận về các vấn đề chuyển giao nội bộ.

Những lựa chọn Nội các mới nhất của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ các cuộc đàn áp mạnh mẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, vốn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của nước này và tài trợ cho các mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Nga với các đối thủ khác của Hoa Kỳ như Iran và Trung Quốc. Waltz đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì không làm đủ để bịt lỗ hổng trong hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga trong các cuộc phỏng vấn gần đây, điều này sẽ phù hợp với đường lối đầu tiên của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt năng lượng của Nga để trao quyền cho hoạt động xuất khẩu năng lượng trong nước của Hoa Kỳ.

James Carafano, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại tổ chức tư vấn bảo thủ Heritage Foundation, cho biết về đường lối có thể xảy ra của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới đối với các ngành dầu khí của Nga: “Tôi nghĩ họ sẽ cố gắng ngăn chặn nó hết mức có thể”.

Một số nhà lập pháp Ukraine hy vọng rằng việc lựa chọn Rubio và Waltz là tín hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới sẽ thông cảm với chính nghĩa của Ukraine, ngay cả khi họ thừa nhận rằng vẫn sẽ rất khó khăn để thuyết phục Hoa Kỳ chi thêm viện trợ quân sự và kinh tế.

“Rubio đã nhiều lần đến thăm Ukraine và thậm chí công khai chỉ trích những người Cộng hòa nghi ngờ về nhu cầu giúp đỡ Ukraine”, Iryna Gerashchenko, một thành viên quốc hội Ukraine thuộc đảng đối lập Đoàn kết Âu Châu, cho biết.

Rồi đến bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các quan chức cao cấp hiện tại và trước đây của Âu Châu cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đàm phán nhắm đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, không phải là tin tốt lành cho Putin.

Anders Fogh Rasmussen, cựu thủ tướng Đan Mạch và tổng thư ký NATO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết hợp tính cách khó đoán của Tổng thống đắc cử Donald Trump với mong muốn trở thành người chiến thắng của ông ấy và biến điều đó thành một công thức mạnh mẽ để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine”.

Tuy nhiên, vẫn có một cảm giác bất an rõ rệt trong một số quan chức cao cấp của Âu Châu. Nếu Putin lo lắng về sự khó lường của Tổng thống đắc cử Donald Trump, thì Ukraine và các đồng minh NATO khác cũng vậy.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thề rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong một ngày — mà không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cách thực hiện. Nếu hầu như mọi người trong NATO đều nghi ngờ tuyên bố đó, nhiều người cũng lo ngại rằng nó có thể đẩy Ukraine vào một thỏa thuận tồi tệ có lợi cho Nga.

“Sẽ có áp lực đàm phán với Nga vì hòa bình, các điều kiện nghiêm ngặt để nhận viện trợ sẽ được áp dụng và mức viện trợ có thể bị cắt giảm đáng kể, đổi lại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Âu Châu tham gia nhiều hơn vào việc hỗ trợ Ukraine”, Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng Trường Kinh tế Kyiv và cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine dự đoán trong một bài đăng trên mạng xã hội phản ứng với tin tức về cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Và Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu đã chỉ trích các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ như Đức vì không chi đủ cho quốc phòng. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gợi ý rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các đồng minh NATO không chi đủ 2 phần trăm GDP cho quốc phòng.

Những nhân vật bảo thủ có ảnh hưởng, những người cực kỳ hoài nghi về sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine vẫn có thể tiếp cận gần với tổng thống đắc cử. Con trai cả của ông, Ông Donald Trump Jr., đã chế giễu Ukraine trên mạng xã hội vào cuối tuần qua bằng cách chia sẻ một đoạn clip ám chỉ cuộc bầu cử của cha mình là thời điểm Ukraine sẽ “mất trợ cấp”. Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump khác tức giận vì Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chọn Rubio làm ngoại trưởng thay vì những người ủng hộ MAGA khác như cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức Richard Grenell, người có thể hoài nghi hơn về việc gửi thêm viện trợ cho Ukraine.

Và người Ukraine cùng các quan chức NATO khác lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm trung gian cho vấn đề Ukraine sẽ không chấm dứt chiến tranh mà chỉ trì hoãn để Nga có thời gian tập hợp lại để tiếp tục chiến đấu.

“Nhiều lần trong quá khứ, chúng tôi đã thấy các đối tác phớt lờ cảnh báo của Ukraine. Cuối cùng, chúng tôi đã được chứng minh là đúng”, Heorhii Tykhyi, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.

[Politico: Kyiv’s backers take comfort in Trump’s Cabinet picks]

5. Tổng thống đắc cử Donald Trump nói với tờ New York Post rằng ông và Tổng thống Biden đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine tại cuộc họp ở Washington DC

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói với tờ The New York Post vào ngày 13 tháng 11 rằng ông và Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc họp hậu bầu cử mang tính lịch sử của họ tại Phòng Bầu dục. “Chúng tôi thực sự đã có một cuộc gặp rất tốt”, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói, đồng thời nói thêm rằng cả hai người đàn ông “thích gặp nhau” và có một cuộc trò chuyện hiệu quả.

“Cả hai bên đã làm việc rất chăm chỉ, và ông ấy đã làm rất tốt trong chiến dịch tranh cử và mọi thứ khác”, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói, theo hãng tin. Ông mô tả Tổng thống Biden là “rất lịch sự”, lưu ý rằng “Chúng tôi đã hiểu nhau trở lại”.

Sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump dành cho Ukraine vẫn còn lơ lửng khi các nhà phân tích và chính trị gia cố gắng đánh giá các kế hoạch của ông nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine, vì ông đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng “24 giờ” sau khi tái đắc cử mà không tiết lộ chi tiết.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Tổng thống Biden coi việc giải quyết cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là yếu tố quyết định nhiệm kỳ tổng thống của mình, dần dần cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine khi Kyiv giành chiến thắng trong trận chiến đầu tiên tại Kyiv vào tháng 4 năm 2022.

Để hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào Tháng Giêng năm 2025, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch tăng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết tại Brussels vào ngày 13 tháng 11.

Trong cuộc họp, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Biden đã thảo luận về quá trình chuyển giao quyền lực, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump bảo đảm với báo chí vào ngày 20 Tháng Giêng rằng quá trình này sẽ “diễn ra suôn sẻ nhất có thể”, bất chấp những nỗ lực trước đó của ông nhằm phản đối kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng.

Ông cũng đề cập đến “mối quan hệ rất, rất tốt” giữa nhóm chuyển giao của Đảng Cộng hòa và Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tiết lộ rằng cuộc trò chuyện của họ không chỉ bao gồm Ukraine mà còn cả các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông. “Tôi đã hỏi quan điểm của ông ấy và ông ấy đã cho tôi biết”, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về Trung Đông. Tôi muốn biết quan điểm của ông ấy về tình hình hiện tại của chúng tôi và ông ấy nghĩ gì. Và ông ấy đã cho tôi biết, ông ấy rất tử tế”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng chia sẻ rằng ông và Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp lại nhau ngay trước lễ nhậm chức của ông, mà Tổng thống Biden đã cho biết ông sẽ tham dự.

[Kyiv Independent: Donald Trump tells New York Post he and Biden discussed Ukraine war at DC meeting]

6. Hoa Kỳ ban hành bản cập nhật về người Bắc Hàn trong cuộc chiến Nga-Ukraine

Trong bản cập nhật mới nhất, Hoa Kỳ tuyên bố rằng quân đội Bắc Hàn hiện đang tích cực chiến đấu cùng lực lượng Nga chống lại Ukraine.

“Hôm nay tôi có thể xác nhận rằng hơn 10.000 binh lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã được điều đến miền đông nước Nga, và hầu hết trong số họ đã di chuyển đến vùng Kursk cực tây, nơi họ bắt đầu tham gia vào các hoạt động chiến đấu với lực lượng Nga “, Vedant Patel, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ. Ông sử dụng danh xưng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là tên chính thức của Bắc Hàn.

Patel cho biết Washington “vô cùng quan ngại” về diễn biến này, diễn ra chỉ một tháng sau khi một báo cáo tình báo của Nam Hàn cho biết các tàu hải quân Nga đã chở hàng chục ngàn quân Bắc Hàn và đưa họ đến các trại huấn luyện ở Viễn Đông của Nga.

Patel cho biết: “Lực lượng Nga đã huấn luyện binh lính Bắc Hàn về pháo binh, máy bay điều khiển từ xa và các hoạt động bộ binh cơ bản, bao gồm cả việc dọn chiến hào, đây là những kỹ năng quan trọng cho các hoạt động tiền tuyến”. “Tuy nhiên, thành công trên chiến trường của Nga khi sử dụng những binh lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên này phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ Nga có thể tích hợp họ vào quân đội của mình tốt như thế nào”.

Một quan chức cho biết, một số thách thức có thể xảy ra đối với sự hợp tác giữa Nga và Bắc Hàn trên chiến trường là sự không quen thuộc với hệ thống vũ khí của Nga và chuỗi chỉ huy hiện tại, cũng như rào cản ngôn ngữ.

Đại sứ quán Bắc Hàn tại Bắc Kinh và Bộ ngoại giao Nga đều không đưa ra bình luận.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine trong nhiều tuần đã nói rằng sự xâm nhập của Bắc Hàn sẽ báo hiệu sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột kéo dài gần ba năm, vốn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chậm lại.

Kyiv dường như đã đạt được một bất ngờ chiến thuật vào tháng 8 khi tái điều động lực lượng từ miền đông Ukraine, tránh xa cuộc tấn công chính của Nga, để tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới vào khu vực Kursk. Hiện tại, các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã cùng nhau tập hợp khoảng 50.000 lực lượng bộ binh để chiếm lại lãnh thổ Nga.

Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa chưa công khai xác nhận rằng quân đội Bắc Hàn đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Tuy nhiên, quốc hội của cả hai thủ đô đã phê chuẩn một hiệp ước phòng thủ chung được ký kết vào tháng 6 bởi nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân và nhà độc tài Vladimir Putin của Nga.

Thỏa thuận này, trong đó kêu gọi viện trợ quân sự ngay lập tức trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công, được bên ngoài coi là lý do chính đáng cho việc điều động quân đội của Bắc Hàn.

Đồng minh hiệp ước duy nhất khác của Bình Nhưỡng là Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn giữ im lặng về quyết định tham gia cuộc xung đột nước ngoài lớn đầu tiên trong lịch sử Bắc Hàn của Kim.

Hôm thứ Tư, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn đã đưa ra xác nhận riêng, cho biết quân đội Bắc Hàn đã dành hai tuần qua để di chuyển đến khu vực Kursk của Nga.

Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết Hán Thành sẽ phản ứng với việc điều động của Bắc Hàn, nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ hành động cụ thể nào. Một quan chức cao cấp của bộ này nói với hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn rằng chính phủ của Tổng thống Doãn Tích Duyệt sẽ phối hợp với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump.

[Newsweek: US Issues Update on North Koreans in Russia-Ukraine War]

7. Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden nổi giận vì lời đề nghị ông sẽ ‘tặng’ cho Harris một chức tổng thống không xứng đáng

Tổng thống Joe Biden chỉ còn 10 tuần nữa là hết nhiệm kỳ tổng tư lệnh, nhưng một số người trong đảng của ông cho rằng sẽ là một ý kiến hay nếu ông từ chức trước Ngày nhậm chức vào tháng Giêng.

Jamal Simmons, cựu giám đốc truyền thông của Phó Tổng thống Kamala Harris, đã gợi ý vào cuối tuần rằng Tổng thống Biden có thể sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và cứu vãn di sản của mình ở một mức độ nào đó bằng cách thực sự từ chức và để phó tổng thống đảm nhận vai trò mới là nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia, ít nhất là trong hai tháng tới.

“Tổng thống Joe Biden là một tổng thống phi thường. Ông đã thực hiện được rất nhiều lời hứa mà ông đã đưa ra. Chỉ còn một lời hứa mà ông có thể thực hiện: trở thành một nhân vật chuyển tiếp. Ông có thể từ chức tổng thống trong 30 ngày tới, đưa Kamala Harris trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Ông có thể miễn cho bà khỏi phải giám sát quá trình chuyển giao vào ngày 6 Tháng Giêng khi bà phải chứng nhận sự thất bại của mình”.

Nhiều quan chức trong đảng Dân Chủ Hoa Kỳ còn đi xa đến mức ấn định ngày Tổng thống Joe Biden từ chức là ngày 20 Tháng Mười Một, tới đây nhân sinh nhật của ông.

Việc ép Tổng thống Biden từ chức đã gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn giữa các quan chức Tòa Bạch Ốc khi trao đổi với tờ Washington Examiner về vấn đề này.

Nhiều quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết họ hoàn toàn không nghĩ rằng Tổng thống Biden sẽ cân nhắc việc rời nhiệm sở sớm, một quan chức cao cấp lưu ý rằng tổng thống sẽ không cố gắng “trao tặng phó tổng thống một vinh dự mà thực tế bà không xứng đáng”.

Tổng thống Biden và Harris đều tham gia lễ tưởng niệm Ngày Cựu chiến binh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington vào hôm thứ Hai vừa qua, nhưng trước ngày đó, hai vị này chưa từng xuất hiện cùng nhau trước công chúng kể từ tháng 9, và các báo cáo về căng thẳng giữa nhóm Tổng thống Biden và Harris đã lan truyền trong những tháng cuối của chiến dịch. Hai người cũng đã ăn trưa cùng nhau vào hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, trong khi một cựu quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc “không thấy Tổng thống Biden sẽ làm vậy”, nhiều quan chức đảng Dân Chủ vẫn quyết liệt cho rằng quyết định của Tổng thống Biden nhằm bổ nhiệm Harris thay thế ông vào những tháng cuối cùng của chính quyền có thể giúp thống nhất Đảng Dân chủ trước thềm bốn năm cầm quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta vẫn đang choáng váng ngay lúc này. Có rất nhiều chỉ trích, và điều này có thể giúp làm dịu đầu óc và tập hợp lại,” viên chức đó tuyên bố. “Rõ ràng là chúng ta cần thực hiện một số thay đổi nếu muốn tiếp cận cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2026 và cuộc bầu cử năm 2028.”

Tuy nhiên, một quan chức cao cấp khác của Tòa Bạch Ốc đã công khai bác bỏ tác động hàn gắn mà nhiệm kỳ hai tháng của Harris có thể mang lại cho đảng.

“Có cảm giác như chúng tôi đã cố gắng nhồi nhét Phó Tổng thống Harris vào cổ họng cử tri thay vì tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ. Điều này chắc chắn sẽ không làm mất đi cảm giác đó”.

Tổng thống Biden đã dành kỳ nghỉ cuối tuần sau chiến thắng năm 2024 của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước Harris để đi nghỉ tại ngôi nhà ven biển của ông ở Delaware, nơi đoạn video do C-SPAN ghi lại đã làm bùng nổ cuộc tranh luận xung quanh sức khỏe của tổng thống và khả năng đảm nhiệm chức vụ nói chung.

Trong video, Tổng thống Biden được nhìn thấy đang loạng choạng trên bãi cát ở Rehoboth Beach, Delaware, và, tại một thời điểm, đệ nhất phu nhân Jill Tổng thống Biden đã nắm lấy cánh tay của ông để ngăn ông khỏi ngã. Có thể nghe thấy tiếng báo chí đang nín thở trước một cú ngã có khả năng xảy ra.

Ở tuổi 81, Tổng thống Biden sẽ là tổng thống Hoa Kỳ lớn tuổi nhất khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng, và những năng lực nổi bật của ông, lúc đầu bị Tòa Bạch Ốc và chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông phủ nhận, chính là động lực khiến ông rời khỏi cuộc đua.

Tuy nhiên, nhiều đảng viên Dân chủ cho rằng quyết định của Tổng thống Biden chỉ rút lui sau màn tranh luận tệ hại với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào mùa hè, cũng như quyết định tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai ngay từ đầu, đã làm giảm nghiêm trọng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Harris.

Cựu thị trưởng thành phố New York Mike Bloomberg, người từng chạy đua với cả Tổng thống Biden và Harris trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2020, đã nêu quan điểm đó trong bài xã luận sau bầu cử được viết vào tuần trước.

“Có lẽ không hay ho gì khi che giấu những khuyết điểm của Tổng thống Joe Biden cho đến khi chúng trở nên không thể phủ nhận trên truyền hình trực tiếp”, Bloomberg, người đã được chi 50 triệu đô la để hỗ trợ chiến dịch của Harris trong chu kỳ này, đã viết. “Thật không lý tưởng khi những trưởng lão trong đảng thay thế ông ấy bằng Harris, một ứng cử viên không thông qua cuộc bầu cử sơ bộ và đã thất bại thảm hại trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc trước đó”.

“Trách nhiệm lớn nhất của sự mất mát này là Tổng thống Biden,” Andrew Yang, một ứng cử viên tổng thống Dân chủ khác năm 2020, nói với Associated Press. “Nếu ông ấy từ chức vào Tháng Giêng thay vì tháng 7, chúng ta có thể ở một vị trí rất khác.”

Những tuần cuối cùng tại nhiệm của Tổng thống Biden sẽ không hoàn toàn dễ dàng.

Ông dự kiến sẽ rời Washington, DC, vào thứ năm cho chuyến công du nước ngoài kéo dài một tuần, tham dự cả Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu - Thái Bình Dương và G20. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre xác nhận hôm thứ ba rằng Tổng thống Biden cũng đang có kế hoạch đến Phi Châu vào đầu tháng 12. Những xác nhận này gián tiếp cho thấy Tổng thống Joe Biden có lẽ sẽ không chìu theo áp lực của đảng Dân Chủ.

Những chuyến đi cuối cùng rất rủi ro vì Tổng thống Biden đã có nhiều sai lầm trên trường thế giới.

Tại Ba Lan năm 2022, Tổng thống Biden kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga, nhưng Tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng phải rút lại. Tại Nhật Bản năm 2023, Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, điều này trái ngược với các tuyên bố trước đó của Tòa Bạch Ốc về chính sách “Một Trung Quốc”. Vào tháng 7 năm 2022, Tổng thống Biden đã đập tay với Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo bị cáo buộc có bàn tay dính máu người Mỹ gốc Saudi, tại Saudi Arabia.

Mùa hè năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, tổng thống đã nhận nhầm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là đối phương không đội trời chung của mình, Putin.

“Thưa quý ông, quý bà,” Tổng thống Biden nói khi giới thiệu Tổng thống Zelenskiy mà ông gọi là “Tổng thống Putin!”

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba cho biết Tổng thống Biden dự định đến Phi Châu vào tháng 12 để bù lại chuyến đi tới Angola đã bị hủy vào tháng 10 do cơn bão Milton.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden đang tìm cách thúc đẩy các gói tài trợ của chính phủ, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia và xác nhận tới 40 thẩm phán liên bang trong những ngày cuối cùng của kỳ họp quốc hội.

[Washington Examiner: Biden White House steams over suggestion he’d ‘gift’ Harris an unearned presidency]

8. Nga phóng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa đầu tiên tấn công Kyiv sau nhiều tháng

Lần đầu tiên sau hơn hai tháng, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công phối hợp bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào thủ đô Kyiv của Ukraine.

Sáng Thứ Tư, 13 Tháng Mười Một, tiếng còi báo động vang lên trong nhiều giờ trên khắp thành phố khi lực lượng phòng thủ tham gia đánh chặn các cuộc tấn công từ trên không của Nga.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết các nhóm phòng thủ đã đánh chặn thành công một số hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo, cùng với gần chục máy bay điều khiển từ xa, mặc dù mức độ thiệt hại vẫn đang được đánh giá.

Cuộc tấn công mới nhất vào Kyiv đánh dấu sự leo thang trong chiến thuật của lực lượng Nga, nhắm vào thành phố bằng hỗn hợp vũ khí tinh vi được thiết kế để thách thức hệ thống phòng không của Ukraine và gia tăng sức tàn phá trên các địa điểm dân sự và công nghiệp.

Các dịch vụ khẩn cấp báo cáo rằng mảnh vỡ đã làm một người đàn ông 48 tuổi ở quận Brovary bị thương, nhấn mạnh thêm nguy cơ đang diễn ra đối với dân thường trong bối cảnh chiến tranh leo thang. Tác động của mảnh vỡ cũng gây ra hỏa hoạn tại một nhà kho, làm tăng thêm thiệt hại trong ngày.

Khu vực xung quanh Kyiv vẫn đang được giám sát chặt chẽ trong khi các quan chức và nhóm ứng phó khẩn cấp tiếp tục đánh giá thiệt hại.

Hệ thống phòng thủ của Ukraine phần lớn đã chống đỡ được các cuộc tấn công trên không, nhưng các quan chức cảnh báo rằng sự kết hợp liên tục của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa có thể khiến cơ sở hạ tầng của thành phố gặp nguy hiểm. Các cuộc giao tranh đang diễn ra làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống phòng không của Kyiv, vốn rất quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực đô thị và cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Để ứng phó với cuộc tấn công mới nhất và trước tình hình pháo kích liên tục của Nga, chính quyền Kyiv đã áp đặt lệnh hạn chế sử dụng điện vào ban ngày, cụ thể là đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

Tướng Popko công bố những hạn chế này như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện, một phần là do lưới điện quốc gia bị hư hại và tình trạng thiếu hụt dai dẳng trong sản xuất điện.

Bằng cách kiểm soát việc sử dụng điện thương mại, các quan chức muốn bảo tồn nguồn tài nguyên hạn chế cho các dịch vụ thiết yếu, đồng thời nỗ lực ổn định lưới điện khi thành phố phải đối mặt với tình trạng cơ sở hạ tầng năng lượng liên tục bị tấn công.

Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng mất điện liên tục do Nga tấn công mạng lưới điện của nước này, một hành động nhằm phá vỡ cuộc sống thường ngày cũng như các hoạt động công nghiệp và quân sự.

Sự kết hợp giữa các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa này phù hợp với chiến lược trước đây của Nga là áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng cách điều động nhiều cuộc tấn công đồng thời và đa dạng.

Lực lượng phòng thủ Ukraine báo cáo rằng, trong nhiều trường hợp, các cuộc tấn công hỗn hợp như vậy có mục đích cụ thể là để tránh các hệ thống đánh chặn và tối đa hóa sự phá hủy trên các khu vực mục tiêu.

Sự chuyển hướng của Nga sang các kiểu tấn công phức tạp này cho thấy một đường lối đang phát triển nhằm kéo căng hệ thống phòng không của Ukraine và làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng.

[Newsweek: Russia Launches First Missile and Drone Attack on Kyiv in Months]
 
Cây cầu quan trọng ở Crimea sụp đổ. Boris Johnson hô hào đưa quân NATO vào Ukraine vãn hồi hòa bình
VietCatholic Media
15:59 15/11/2024


1. Cầu ở Crimea ‘tự phát’ sụp đổ

Một cây cầu đường bộ ở Crimea bị Nga tạm chiếm đã “tự phát” sụp đổ, làm hư hại đường ray xe lửa bên dưới và khiến hai người bị thương.

Theo RBC-Ukraine, cây cầu trên tuyến đường Dzhankoi-Maslove đã bị sập vào ngày 13 tháng 11 và nguyên nhân vẫn chưa được xác nhận. Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao Nga và Ukraine để xin bình luận qua email.

Việc cây cầu bị hư hại sẽ làm gián đoạn việc vận chuyển thiết bị của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine. Tuyến hỏa xa này được sử dụng để vận chuyển hàng hóa quân sự trong lãnh thổ này, và quận Dzhankoi ở phía bắc Crimea được cho là một trung tâm hậu cần quân sự quan trọng.

Theo các báo cáo, ban đầu, đại diện của chính quyền xâm lược không bình luận về nguyên nhân sập cầu, trong đó có một trong hai người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Bộ trưởng Giao thông vận tải Crimea Alexander Ovdienko được Arbat Media, một hãng tin từ Kazakhstan, trích dẫn lời nói rằng cây cầu đã sập “tự phát”, và sau đó, ủy ban điều tra của Nga cho biết cây cầu sập do các phương tiện trên cầu quá nặng khiến cây cầu không chịu được.

Các kênh Telegram đưa tin rằng có một chiếc xe tải và một chiếc xe hơi ở trên cầu vào thời điểm cầu bị sập, và một kênh cụ thể, kênh Telegram CHP Severnyi Krym (Tình trạng khẩn cấp phía Bắc Crimea), cho biết các nhân chứng đã báo cáo rằng cây cầu không thể chịu được sức nặng của chiếc xe tải, theo Pravda.com.

Đây không phải là cây cầu duy nhất ở Crimea bị hư hại gần đây. Cầu Kerch, còn được gọi là Cầu Eo biển Kerch, đã “sống những ngày cuối cùng” vào tháng 9, theo nhóm Atesh của Ukraine, và nó cần được sửa chữa và đã bị hư hỏng về mặt kết cấu.

Cây cầu được Nga sử dụng để nối đất nước với Crimea, được Putin khánh thành vào năm 2018 và cho phép người Nga vận chuyển nhu yếu phẩm cho các lực lượng ở phía tây nam Ukraine.

Trong nỗ lực giành lại Crimea, Ukraine đã tấn công cây cầu vào năm 2022 và tháng 7 năm 2023, và một phát ngôn viên của Tổng cục Tình báo Ukraine cho biết vào mùa xuân rằng một cuộc tấn công khác là “không thể tránh khỏi”.

Crimea, một bán đảo nối liền với đất liền Ukraine, là một lãnh thổ quan trọng ở trung tâm của cuộc xung đột. Cuộc chiến giữa hai nước về bán đảo này bắt đầu vào năm 2014, sau khi nó bị Nga sáp nhập. Mạc Tư Khoa đã xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Trước đó, Nga đã sáp nhập bán đảo này vào năm 1783 dưới thời Catherine Đại đế như một phần của Đế quốc Nga, và giành được độc lập cùng với Ukraine vào năm 1991.

Mạc Tư Khoa dường như đã sẵn sàng đầu hàng trước các yêu cầu của Ukraine liên quan đến Crimea vào tháng 9 năm 2023 khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dường như công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine miễn là nước này là một “quốc gia không liên kết” và sẽ không “tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào”.

Ukraine tiếp tục tấn công Crimea để giành lại lãnh thổ này.

[Newsweek: Bridge in Crimea Collapses 'Spontaneously']

2. Cựu thủ tướng Anh tuyên bố NATO có thể điều động quân tới Ukraine nếu Ông Donald Trump cắt giảm hỗ trợ

Cựu Thủ tướng Anh cho biết nước này có thể cần phải gửi quân tới Ukraine nếu Tổng thống mới đắc cử Ông Donald Trump cắt giảm tài trợ hoặc hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Anh GB News, Boris Johnson, cựu thủ tướng Bảo thủ, cho biết nếu Anh không hỗ trợ Ukraine, chi phí ở Anh sẽ tăng và sẽ là mối đe dọa đối với an ninh Âu Châu. Johnson nói thêm rằng sẽ tốt hơn nếu gửi quân đội để thay thế quân đội do Hoa Kỳ cung cấp, nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump cắt viện trợ cho Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump qua email ngoài giờ làm việc và với nhà xuất bản sách của Johnson, Harper Collins, để liên hệ với ông qua email ngoài giờ làm việc.

Kế hoạch được cho là của các nhân viên Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bao gồm việc đóng băng mọi xung đột ở tiền tuyến. Khi tạo ra Khu phi quân sự rộng 800 dặm, Hoa Kỳ sẽ không gửi quân đến để quản lý khu vực này, cũng không trả tiền cho khu vực này. Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây cũng đã chỉ trích NATO và thảo luận về việc rút Hoa Kỳ khỏi liên minh, nơi điều phối “việc cung cấp viện trợ từ các đồng minh và đối tác cho Ukraine”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa công bố kế hoạch chính thức cho cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng trước đó đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn và nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh “trong vòng 24 giờ”. Tổng thống đắc cử cũng cho biết ông tin rằng Hoa Kỳ đang gửi cho Ukraine quá nhiều tiền về mặt viện trợ quân sự và sẽ ngừng gửi nếu đắc cử. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tặng Ukraine 6 tỷ đô la vũ khí và viện trợ quân sự để chống lại Nga và quân đội Bắc Hàn bị gọi nhập ngũ ở tiền tuyến.

Johnson nói: “Những gì tôi nói là để mọi người xem, suy nghĩ tại sao chúng ta lại ủng hộ người Ukraine? Bởi vì nếu không, an ninh chung của chúng ta sẽ thực sự bị suy yếu bởi một nước Nga đang trỗi dậy đe dọa mọi nơi ở Âu Châu”.

Mô tả kịch bản này, Johnson nói thêm: “Khi đó chúng ta sẽ phải trả tiền để gửi quân đội Anh tới giúp bảo vệ Ukraine”.

Cựu thủ tướng nói thêm rằng việc Anh bảo vệ Ukraine là rất quan trọng để bảo đảm các quốc gia Âu Châu khác được bảo vệ khỏi Nga. Ông nói rằng, nếu Ukraine sụp đổ, điều đó sẽ dẫn đến “mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với biên giới của chúng ta, biên giới của lục địa Âu Châu bất cứ nơi nào các nền dân chủ chống lại Nga”.

Johnson cũng nói về quan điểm của Tổng thống đắc cử Donald Trump về Ukraine và những ảnh hưởng của ông trong Đảng Cộng hòa và cho biết: “Ông Donald Trump nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau và có một mặt trận của Đảng Cộng hòa, thực ra là khá nhiều người trong số họ, có quan điểm sai lầm về Ukraine.”

Johnson chỉ trích một số đảng viên Cộng hòa và nói rằng họ “bị mê hoặc bởi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin” và có “một kiểu hâm mộ kỳ lạ đối với Putin”.

Mặc dù ông dường như đổ lỗi cho đảng Cộng hòa vì có thể đã khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump cắt giảm viện trợ cho Ukraine, Johnson vẫn khen ngợi tổng thống đắc cử mới và nói rằng sự ủng hộ trước đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến trước đó tại Kyiv.

Ông nói thêm: “Đây chính là Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tạo nên sự khác biệt lớn đối với vận mệnh của Ukraine khi ông cho phép cung cấp vũ khí chống tăng vác vai Javelin.”

Lời cảnh báo của Johnson được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump cắt giảm tài trợ và viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi ông nhậm chức vào Tháng Giêng năm 2025 ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Anh hiện tại Keir Starmer gần đây đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về việc bảo đảm Tổng thống đắc cử Donald Trump không thể cắt giảm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine và thúc đẩy Tổng thống Biden cấp phép cho Ukraine bắn hỏa tiễn Storm Shadow vào Nga.

[Newsweek: NATO May Deploy Troops to Ukraine if Ông Donald Trump Cuts Support: Ex-UK PM]

3. Quân đội Ukraine cho biết đã đẩy lùi nỗ lực của Nga nhằm tiến vào Kupiansk

Lực lượng Ukraine đã đẩy lùi thành công các nỗ lực của Nga nhằm đột nhập vào thành phố Kupiansk ở tỉnh Kharkiv, Ukrinfrom đưa tin vào ngày 14 tháng 11, trích dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine.

“Tất cả các cuộc tấn công của Nga theo hướng này đều đã bị đẩy lùi thành công. Những kẻ xâm lược Nga đã không thể tiến vào Kupiansk. Thành phố này nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Ukraine”, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi trang web giám sát cộng đồng DeepState tuyên bố vào cuối ngày 13 tháng 11 rằng một số đơn vị Nga, bao gồm xe thiết giáp và xe tăng, đã tiến vào Kupiansk nhưng nhanh chóng phải chịu tổn thất nặng nề.

Trong 24 giờ trước đó, 1690 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 19 xe tăng, 51 xe thiết giáp, 64 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 124 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Kupiansk là một trung tâm hậu cần và hỏa xa quan trọng ở phía đông của Kharkiv. Với một số xa lộ và năm tuyến hỏa xa chạy qua, thị trấn này đã bị lực lượng Nga xâm lược trong thời gian ngắn trước khi được giải phóng trong cuộc phản công thành công của Ukraine vào mùa thu năm 2022.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, lực lượng Nga đã cố gắng đột phá qua các tuyến phòng thủ của Ukraine trong khu vực vào khoảng 2:30 chiều giờ địa phương ngày 13 tháng 11, tấn công theo bốn đợt. Họ sử dụng 15 phương tiện, bao gồm xe tăng và xe chiến đấu bọc thép.

Phát ngôn nhân cho biết quân đội Nga mặc quân phục Ukraine, vi phạm các quy tắc chiến tranh quốc tế. Quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy “tất cả các xe thiết giáp của Nga” và “một phần đáng kể nhân lực”, ông nói thêm.

Quân đội Nga đã tăng cường nỗ lực gần Kupiansk vào đầu tháng 9 và hiện chỉ cách vùng ngoại ô công nghiệp của thành phố ở phía đông bắc 2-3 km. Lực lượng của Mạc Tư Khoa đang cố gắng tìm chỗ đứng cho đợt tấn công cuối cùng để tiến tới Sông Oskil, chia thành phố thành hai phần, trước khi mùa đông đến.

Trong bài phát biểu buổi tối, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn những người lính bảo vệ tiền tuyến và nói về “những nỗ lực mở rộng cuộc tấn công của Nga, đặc biệt là theo hướng Kupiansk”.

“Tôi biết ơn tất cả các đơn vị vì khả năng phục hồi của họ,” ông nói.

Ngay cả khi các đơn vị Nga vẫn chưa vào thị trấn, việc pháo kích thường xuyên vào thành phố đã tạo ra những tình trạng ngày càng khó khăn hơn để người dân địa phương tiếp tục cuộc sống của họ, khi không có khí đốt, nước hoặc điện ở bờ đông thành phố.

Việc chiếm được thành phố sẽ mở rộng tuyến tiếp tế từ bắc xuống nam từ Tỉnh Belgorod của Nga, tiếp thêm động lực cho nỗ lực chiếm toàn bộ khu vực Donbas.

[Kyiv Independent: Ukraine repels Russian attempt to enter Kupiansk, military says]

4. Người đàn ông Nga bị đánh tàn tệ và bị điệu ra tòa vì bị cáo buộc gửi video về thiết bị của Nga tới Ukraine

Một người đàn ông Nga đã ra hầu tòa vào hôm Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một, vì bị cáo buộc gửi video về thiết bị của Nga cho một quan chức Ukraine.

Tòa án quận Volgograd đã bắt đầu xét xử một vụ án mới chống lại Nikita Zhuravel, người bị buộc tội phản quốc.

Định nghĩa về tội phản quốc của Nga đã được mở rộng bao gồm việc cung cấp “sự hỗ trợ” được định nghĩa mơ hồ cho các quốc gia hoặc tổ chức nước ngoài, điều này trên thực tế khiến bất kỳ ai tiếp xúc với người nước ngoài đều có nguy cơ bị truy tố.

Nikita Zhuravel đã làm gì?

Zhuravel, một người Nga chính cống, là một nhà vận động cho hòa bình, đã bị cáo buộc đã quay cảnh một đoàn tàu chở thiết bị quân sự và các chiến binh vào năm 2023 và gửi video cho một đại diện của cơ quan an ninh Ukraine.

Anh bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đánh đập tàn tệ khi bị bắt, và có thể phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.

Trong một vụ án khác, một tòa án quân sự đã tuyên án một người đàn ông tên là Sergei Andreev, người bị kết tội phản quốc và khủng bố, vào hôm Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một, với mức án 24 năm tù.

Andreev đã đốt một văn phòng tuyển dụng quân sự ở Mạc Tư Khoa vào tháng 11 năm 2023. Các công tố viên cho biết Andreev đã tấn công văn phòng theo chỉ thị từ các cơ quan đặc biệt của Ukraine mà anh ta được gửi qua một ứng dụng nhắn tin.

Hiện tại, ông đang thụ án 3 năm rưỡi vì tội đốt kinh Quran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo.

Trước bản án hiện tại, Zhuravel đã bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ trước khi xét xử bởi con trai tuổi teen của Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm của khu vực Chechnya có phần lớn dân số theo đạo Hồi.

Ramzan Kadyrov đã đăng một đoạn video về vụ đánh đập lên mạng xã hội và khen ngợi con trai mình, điều này đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng. Sau đó, Kadyrov đã trao tặng con trai mình huân chương “Anh hùng Cộng hòa Chechnya”.

Chính quyền liên bang Nga đã kiềm chế không chỉ trích Ramzan Kadyrov.

Có sự gia tăng đột biến trong các vụ án phản quốc và gián điệp

Các vụ án phản quốc và gián điệp tăng vọt ở Nga và nhiều nghi phạm đã bị nhắm tới, bao gồm những người chỉ trích Điện Cẩm Linh, các nhà báo và nhà khoa học độc lập.

Các luật sư và chuyên gia cho biết các vụ truy tố những tội ác nghiêm trọng này bắt đầu tăng sau năm 2014 - năm Nga sáp nhập bất hợp pháp Bán đảo Crimea của Ukraine và ủng hộ cuộc nổi dậy ly khai ở miền Đông Ukraine.

Nhưng kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các vụ án phản quốc và gián điệp đã tăng vọt.

Những người ủng hộ Memorial, nhóm nhân quyền lâu đời và nổi tiếng nhất của Nga, đã tuyên bố một số người bị buộc tội và kết án phản quốc được chỉ định là tù nhân chính trị. Vào tháng 12 năm 2021, Memorial và tổ chức chị em của nó đã bị tòa án Nga ra lệnh đóng cửa.

[Newsweek: Man on Trial for Allegedly Sending Video of Russian Equipment to Ukraine]

5. Liên Hiệp Âu Châu thúc đẩy Tổng thống Biden đưa ra các biện pháp phút chót để hỗ trợ Ukraine, Bloomberg đưa tin

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đang kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden trong nỗ lực phút chót nhằm bảo đảm sự ủng hộ cho Ukraine trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Bloomberg đưa tin vào ngày 14 tháng 11, trích dẫn những người nắm rõ kế hoạch.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được cho là phản đối viện trợ liên tục của Hoa Kỳ cho Ukraine và thúc đẩy một thỏa thuận nhanh chóng với Mạc Tư Khoa để chấm dứt chiến tranh, sẽ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2025.

Một số quan chức Liên Hiệp Âu Châu đang thúc giục Hoa Kỳ cung cấp thêm vũ khí và các hệ thống pháo cho Ukraine, cũng như cấp phép cho các cuộc tấn công tầm xa vào Nga, các nguồn tin cho biết với Bloomberg.

Cũng có những yêu cầu trừng phạt bổ sung đối với Mạc Tư Khoa. Nhiều nguồn tin cho biết, nhiều yêu cầu trong số đó là không chính thức.

Chính quyền Tổng thống Biden đã bảo đảm với Ukraine rằng họ sẽ nhận được toàn bộ 6 tỷ đô la viện trợ còn lại do Quốc hội phân bổ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng.

Trong chuyến thăm khẩn cấp tới trụ sở NATO tại Brussels sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết chính quyền cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ bổ sung cho Ukraine trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống.

Blinken cho biết Tổng thống Biden sẽ “tiếp tục củng cố mọi thứ chúng ta đang làm cho Ukraine” để bảo đảm nước này có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế mạnh mẽ.

Bất chấp những lời bảo đảm này, Hoa Kỳ vẫn không thay đổi lập trường của mình về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ chống lại các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga. Sự cho phép như vậy là một phần quan trọng trong kế hoạch chiến thắng năm điểm mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trình bày với các nhà lãnh đạo phương Tây.

Bộ trưởng các vấn đề Âu Châu của Pháp Benjamin Haddad trả lời Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Khi chúng tôi hợp tác với những người bạn và đối tác người Mỹ, tôi thực sự hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người Ukraine, kể cả trong các cuộc tấn công sâu, để sử dụng khả năng phòng thủ hợp pháp khi mục tiêu được sử dụng để tấn công vào quốc phòng và cơ sở hạ tầng của Ukraine”.

Với sự hỗ trợ quân sự liên tục của Washington cho Kyiv hiện không còn chắc chắn nữa, Âu Châu đã trở thành đối tác quốc phòng chính của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga

[Kyiv Independent: EU pushing Biden for last-minute measures to support Ukraine, Bloomberg reports]

6. Ukraine âu lo về một số bổ nhiệm trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử Matt Gaetz và Tulsi Gabbard vào nội các đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các nguồn tin Ukraine liên quan đến cuộc chiến của Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga, vì trước đó, hai người này đã lên án việc Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử Dân biểu Florida Gaetz làm Bộ Trưởng Tư Pháp, và trước đó đã chọn cựu dân biểu Hawaii Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia.

Trong khi thông báo của Tổng thống đắc cử Donald Trump được chào đón bằng sự kinh ngạc ở Washington, DC, chúng cũng gây ra sự lo ngại ở Ukraine. Tờ Ukrainska Pravda chạy hàng tít lớn “Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử tân Bộ Trưởng Tư Pháp là người phản đối viện trợ cho Ukraine”

Khi đưa tin về câu chuyện này, hãng tin này lưu ý rằng, ba tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Gaetz là một trong 10 Dân biểu Hoa Kỳ bỏ phiếu chống lại Đạo luật cho thuê-cho mượn quốc phòng nhằm hỗ trợ việc chuyển vũ khí cho Kyiv.

Bài báo nói rằng Gaetz “cũng được biết đến là một trong những người khởi xướng” việc lật đổ Chủ tịch Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy trong “một hành động ngăn chặn việc bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine trong một thời gian dài”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã ca ngợi Gaetz là một “luật sư tài năng và kiên trì” và rằng, trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cơ quan giám sát Bộ Tư pháp, ông “đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại trò lừa bịp Nga”.

Trong khi đó, khi đưa tin về đề cử Gabbard, tờ Ukrainska Pravda mô tả bà là “một chính trị gia và cựu sĩ quan Dự bị Quân đội Hoa Kỳ, người phản đối việc cung cấp viện trợ cho Ukraine”. Bà là nữ Dân biểu đảng Dân chủ từ năm 2013 đến năm 2021 và trở thành ứng cử viên độc lập vào năm 2022 trước khi gia nhập đảng Cộng hòa vào tháng trước.

Giám đốc sáng lập của Đại học Hoa Kỳ tại Kyiv, Roman Sheremeta, đã đăng trên X về việc Gabbard “liên tục phản đối việc hỗ trợ cho Ukraine”, trong khi Gaetz “cũng phản đối viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine”.

Phó đô đốc đã nghỉ hưu Robert Murrett, phó giám đốc Viện Chính sách và Luật An ninh của Đại học Syracuse, tìm cách trấn an Kyiv, đã chia sẻ với Newsweek rằng quá trình phê chuẩn diễn ra như thế nào vẫn còn phải chờ xem.

Murrett cho biết: “Sẽ có sự thay đổi về trọng tâm hỗ trợ cho Ukraine với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump”. “Các đường nét chính xác, trông như thế nào, vẫn chưa được biết tại thời điểm này và có thể có những thay đổi ở đó”.

[Newsweek: Ukraine Dealt Triple Blow by Incoming Trump Admin]

7. Tổng thống đắc cử Donald Trump tiết lộ hai ưu tiên ông đã thảo luận với Tổng thống Joe Biden

Tổng thống đắc cử Ông Donald Trump đã tiết lộ những điều ông và Tổng thống Joe Biden đã thảo luận trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Phòng Bầu dục để thảo luận về việc bảo đảm “chuyển giao quyền lực suôn sẻ” khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai.

Trong cuộc trò chuyện kéo dài khoảng hai giờ, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết họ đã giải quyết các vấn đề chính, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến mà ông đã cam kết sẽ chấm dứt nhanh chóng sau khi nhậm chức, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, theo bình luận trên tờ New York Post.

“Tôi muốn và tôi đã hỏi quan điểm của ông ấy và ông ấy đã cho tôi biết,” Tổng thống đắc cử Donald Trump nói. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về Trung Đông. Tôi muốn biết quan điểm của ông ấy về nơi chúng ta đang ở và ông ấy nghĩ gì. Và ông ấy đã cho tôi biết, ông ấy rất tử tế.”

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine “trong một ngày” nếu ông là tổng thống, nhưng chưa bao giờ đưa ra thêm chi tiết về cách thức điều đó có thể xảy ra. Ông được kỳ vọng sẽ giải quyết các cuộc đàm phán hòa bình với một nhóm phụ tá thân cận sau khi nhậm chức.

Nhưng dưới thời tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine có thể chấm dứt. Tổng thống đắc cử đã nhiều lần chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong bối cảnh Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia này. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, từ tháng 2 năm 2022 đến cuối tháng 6 năm 2024, Hoa Kỳ đã chuyển giao hoặc cam kết vũ khí và thiết bị trị giá 55,5 tỷ đô la.

Sau cuộc họp hôm thứ Tư, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden là Jake Sullivan tiết lộ rằng Tổng thống Biden đã thúc giục Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, với lý do rằng một Âu Châu mạnh mẽ và ổn định sẽ giúp nước Mỹ không bị kéo vào chiến tranh.

Trong khi đó, theo Sullivan, trong cuộc họp, Tổng thống Biden cũng nêu vấn đề về các con tin người Mỹ-Israel vẫn đang bị giam giữ ở Gaza với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Sullivan cho biết trong một cuộc họp báo rằng chính quyền sắp mãn nhiệm đã gửi “tín hiệu” tới nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng họ đã sẵn sàng hợp tác để bảo đảm một thỏa thuận về con tin cũng như lệnh ngừng bắn.

“Chúng tôi đã chuẩn bị làm việc với nhóm tiếp theo vì mục tiêu chung trên cơ sở lưỡng đảng để làm mọi thứ trong khả năng chung của người Mỹ nhằm bảo đảm việc giải cứu các con tin, cả còn sống và đã chết”.

Sau cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổng thống Biden đã gặp gia đình của các con tin người Mỹ đang bị giam giữ ở Gaza. Ông được cho là đã nói với họ rằng ông và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đồng thanh rằng vấn đề con tin là cấp bách và họ muốn cố gắng giải quyết trước ngày 20 tháng Giêng, Axios đưa tin.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đe dọa những kẻ bắt giữ con tin người Mỹ, cảnh báo rằng họ sẽ “trả giá” nếu các con tin không được thả trước khi ông nhậm chức, trong khi chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực giải cứu những con tin còn lại.

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas đã bị đình trệ trong ba tháng qua.

Các quan chức Israel cho biết 101 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ ở Gaza và ít nhất 50 người trong số họ được cho là vẫn còn sống.

[Kyiv Independent: Donald Trump Reveals Two Priorities He Discussed With Joe Biden]

8. Zelenskiy cho biết ‘kế hoạch phục hồi nội bộ’ của Ukraine sẽ được trình bày vào tuần tới

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 14 tháng 11, Ukraine đang xây dựng “kế hoạch phục hồi nội bộ” gồm 10 điểm sẽ được trình bày vào tuần tới.

Vào cuối tháng 10, Zelenskiy đã chỉ thị cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia chuẩn bị một kế hoạch nhằm củng cố Ukraine, bao gồm tuyến đầu, tổ hợp công nghiệp-quân sự, kinh tế và tài chính, phát triển khu vực và các lĩnh vực chiến lược khác.

Kế hoạch mới nhất của chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp nội bộ và không phải là giải pháp thay thế cho kế hoạch chiến thắng hướng tới các đối tác của Kyiv.

“Tổng cộng có 10 điểm, sẽ được trình bày vào tuần tới, và đối với mỗi điểm, cùng với xã hội dân sự Ukraine, cùng với tất cả những ai sẵn sàng đưa ra những ý tưởng hợp lý, cùng với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ chuẩn bị một văn bản học thuyết cơ bản cho Ukraine, vì sự bền vững của chúng tôi “, Zelenskiy nói.

“Với các chỉ dẫn áp dụng rõ ràng. Từng bước một.”

Theo Zelenskiy, chính phủ Ukraine đã tập trung vào việc soạn thảo kế hoạch an ninh nội bộ vào ngày 14 tháng 11, trong đó bao gồm mọi cộng đồng trong nước.

“Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Ukraine có những thông lệ tốt. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi thứ”, ông nói.

“Chúng tôi đã làm việc cụ thể về các điểm, đặc biệt là về năng lượng — mọi thứ đều được chuẩn bị chi tiết — và về vũ khí: sản xuất của chúng tôi, hợp tác của chúng tôi với các đối tác.”

Chính phủ cũng đã xây dựng một điều khoản về chủ quyền văn hóa, di sản văn hóa của Ukraine, ngoại giao văn hóa và sản xuất nội dung của Ukraine.

“Có những thứ mà cả chính trị gia, nhân vật công chúng hay không gian thông tin đều không thể truyền đạt cho người khác. Nhưng cảm xúc làm được, nghệ thuật làm được,” Zelenskiy nói.

Đối mặt với những bước tiến quân sự của Nga và sự ủng hộ ngày càng không chắc chắn của phương Tây, Zelenskiy trước đó đã đưa ra cho Ukraine và các đồng minh một kế hoạch chiến thắng gồm năm bước, bao gồm các bước được cho là sẽ chấm dứt chiến tranh vào năm 2025.

Một số điểm trong kế hoạch nhận được phản ứng hờ hững từ các đối tác, khi Tòa Bạch Ốc vẫn từ chối cho phép tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga và một số quốc gia phản đối lời mời tham gia của NATO dành cho Ukraine.

Tờ New York Times đưa tin vào ngày 29 tháng 10 rằng, theo các quan chức Hoa Kỳ giấu tên, yêu cầu về hỏa tiễn Tomahawk có tầm bắn 2.400 km, hay 1.500 dặm, là một phần của “gói răn đe phi hạt nhân” bí mật có trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine.

[Kyiv Independent: Ukraine's 'internal resilience plan' to be presented next week, Zelensky says]

9. Hoa Kỳ sẽ tăng cường viện trợ cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức

Tổng thống Joe Biden đã cam kết tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine trong những tháng cuối nhiệm kỳ của ông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken xác nhận hôm thứ Tư.

Thông báo này được đưa ra sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa tàn khốc của Nga vào Kyiv, đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên như vậy vào thủ đô Ukraine trong 73 ngày. “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine để bảo đảm rằng nước này có thể tự vệ hiệu quả trước sự xâm lược này của Nga”, Blinken nói với các phóng viên tại trụ sở NATO ở Brussels, trước các cuộc họp với các phái viên đồng minh và các quan chức Ukraine.

Hoa Kỳ từ lâu đã là quốc gia cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine và bình luận của Blinken nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của Washington đối với việc bảo vệ quốc gia này.

Sự ủng hộ liên tục này diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Kyiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức kháng cự của Ukraine, bất chấp số thương vong ngày càng tăng của cuộc xung đột.

Zelenskiy cũng nhấn mạnh rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu quyết tâm của Ukraine thông qua chiến dịch khủng bố, đặc biệt là nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Blinken cũng đề cập đến sự tham gia ngày càng tăng của Bắc Hàn, khi Ngũ Giác Đài ước tính có tới 12.000 quân Bắc Hàn đã tham gia lực lượng Nga ở Ukraine.

Diễn biến này đã thúc đẩy các quan chức Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo nghiêm khắc, khi Blinken tuyên bố rằng hành động của Bắc Hàn “đòi hỏi và sẽ nhận được phản ứng cứng rắn”, mặc dù ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Quân đội Bắc Hàn dự kiến sẽ được điều động tại khu vực Kursk của Nga, nơi lực lượng Ukraine đã giành được nhiều thắng lợi về lãnh thổ. Sự tham gia của họ làm tăng thêm sự phức tạp cho cuộc xung đột.

Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga vào Kyiv báo hiệu sự leo thang mới trong cuộc chiến. Chính quyền Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Zelenskiy, đã cảnh báo rằng Nga đang tăng cường các cuộc tấn công, nhằm mục đích làm mất ổn định Ukraine và làm suy yếu quyết tâm của người dân. Các cuộc tấn công nhắm vào các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Bất chấp thương vong lớn, Tổng thống Zelenskiy đã thề sẽ tiếp tục chiến đấu, và lực lượng Ukraine chuẩn bị cho sự kháng cự liên tục. Chính quyền ở Kyiv vẫn kiên định với lập trường của mình, quyết tâm đẩy lùi các bước tiến của Nga và bảo vệ chủ quyền của mình.

Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn tiếp theo, sự không chắc chắn bao trùm tương lai của sự tham gia của Hoa Kỳ. Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào tháng Giêng, lập trường của ông về Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích viện trợ quân sự của Tổng thống Biden cho Ukraine, hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột nếu đắc cử. Những người chỉ trích cảnh báo rằng một giải pháp vội vã có thể có lợi cho Putin.

Sự không chắc chắn về chính sách của Hoa Kỳ đã tạo thêm chiều hướng mới cho cuộc xung đột đang diễn ra, khi những người ủng hộ Ukraine trên thế giới cảnh giác về những thay đổi tiềm tàng trong chiến lược của Hoa Kỳ.

[Newsweek: US To Bolster Ukraine Aid Ahead of Trump Taking Office]

10. Bộ Quốc phòng hoàn tất việc soạn thảo dự luật về giải ngũ vào ngày 18 tháng 12

Bộ Quốc phòng có kế hoạch hoàn thiện dự luật xác định thủ tục và điều kiện xuất ngũ quân nhân vào ngày 18 tháng 12 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, cho biết như trên.

Do thiếu khuôn khổ pháp lý, quân nhân Ukraine không thể được giải ngũ theo ý muốn, ngay cả sau thời gian dài phục vụ. Lý do giải ngũ có thể bao gồm thương tích hoặc cần chăm sóc thành viên gia đình bị khuyết tật.

Nhiều binh lính Ukraine đã phục vụ không ngừng nghỉ kể từ ngày đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện vào cuối tháng 2 năm 2022.

Bộ Trưởng cho biết: “Ủy ban đã gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Quốc phòng về việc xây dựng dự thảo luật về thủ tục và điều kiện sa thải một số loại quân nhân trong thời gian thiết quân luật”.

“Gần đây, chúng tôi nhận được phản hồi cho biết, theo kế hoạch của Bộ, dự thảo sẽ hoàn thành vào ngày 18 Tháng Mười Hai/2024, trong khung thời gian do Quốc hội đề ra”.

Bộ Trưởng cho biết thêm, hiện vẫn chưa rõ ràng về những điều kiện cần thiết để giải ngũ quân nhân.

Quốc hội Ukraine đã thông qua luật động viên được cập nhật vào giữa tháng 4 để tăng cường động viên trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Nga. Luật mới đơn giản hóa quy trình xác định những người đủ điều kiện nhập ngũ và bao gồm các hình phạt bổ sung cho những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Quốc hội đã bỏ phiếu xóa bỏ các điều khoản về xuất ngũ, trước đây quy định binh lính có quyền rời quân ngũ sau 36 tháng phục vụ, khỏi dự luật để có thể xem xét riêng.

Quốc hội yêu cầu Bộ Quốc phòng phải xây dựng dự thảo luật có liên quan trong vòng tám tháng.

[Kyiv Independent: Defense Ministry pledges to draft bill on demobilization by Dec. 18, official says]
 
Lần đầu tiên, một linh mục Singapore bị đâm khi đang cử hành thánh lễ. Chuyện ma quỷ và con chó
VietCatholic Media
17:37 15/11/2024


1. Linh mục Singapore bị đâm khi đang cử hành thánh lễ

Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Singapore đang kêu gọi cầu nguyện sau khi một linh mục bị đâm trong thánh lễ tối thứ Bảy.

Cha Christopher Lee, một linh mục giáo xứ của Nhà thờ St. Joseph ở khu vực Bukit Timah, phía tây trung tâm Singapore, đã bị một người đàn ông cầm dao tấn công khi đang cử hành Thánh lễ lúc 5:30 chiều thứ Bảy.

Theo tuyên bố ngày 9 tháng 11 của Tổng giáo phận Singapore, các giáo dân, bao gồm cả đội Phản ứng khẩn cấp của Tổng giáo phận, đã giúp chế ngự kẻ tấn công. Cha Lee đã được các nhân viên y tế của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore đưa đến Bệnh viện Đại học Quốc gia. Ngài được cho là trong tình trạng ổn định và đang hồi phục.

Theo thông tấn xã Fides, một người đàn ông 37 tuổi có tiền án về bạo lực và tội phạm liên quan đến ma túy đã bị bắt vì tội cố ý tấn công gây thương tích nghiêm trọng. Hãng tin này cũng đưa tin rằng cảnh sát không tin rằng vụ việc có liên quan đến khủng bố.

Ngày hôm sau, ngày 10 tháng 11, Đức Hồng Y William Goh đã viết trong một lá thư mục vụ rằng sự việc này “cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều người gặp rắc rối, bối rối và tổn thương trên thế giới… nhưng cuối cùng, cái ác sẽ không chiến thắng”.

“Sự việc này đã khiến Giáo hội của chúng ta mạnh mẽ hơn, đưa mọi người lại gần nhau hơn thông qua đức tin và lời cầu nguyện. Nó cũng nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác và không được coi nhẹ hòa bình và an ninh mà chúng ta khó khăn lắm mới đạt được. Là một cộng đồng, chúng ta sẽ vượt qua sự việc này kiên cường hơn bao giờ hết”. Đức Cha Goh là tổng giám mục Singapore từ đầu năm 2013 và là Hồng Y từ năm 2022, cho biết như trên.

“Trong tương lai, chúng ta phải tiếp tục hợp tác để bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và chủng tộc, và không cho phép những cá nhân bối rối gieo rắc mầm mống chia rẽ và sợ hãi trong chúng ta. Trên hết, chúng ta cầu nguyện và tin tưởng vào sự bảo vệ và chăm sóc của Chúa cho tất cả chúng ta ở Singapore.”

Tuy nhiên, ngài thừa nhận: “Sự việc này không chỉ gây thương tích nghiêm trọng cho một nhà lãnh đạo tôn giáo tại nơi thờ phượng mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng”. Trong khi cảnh báo rằng những sự việc kiểu này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Đức Tổng Giám Mục Goh kêu gọi cộng đồng Công Giáo “sẵn sàng về mặt tinh thần và hành động để bảo vệ bản thân trước những sự việc này và giảm thiểu hậu quả khi chúng xảy ra”.

Ngài kêu gọi tất cả người Công Giáo hãy cảnh giác và báo cáo bất kỳ điều gì đáng ngờ mà họ thấy, đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội phải cân bằng giữa các biện pháp an ninh cần thiết để giữ an toàn cho mọi người trong khi vẫn bảo đảm các giáo xứ vẫn mở cửa và dễ tiếp cận.

“Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nhận ra rằng với tư cách là những người của công chúng, chúng ta phải chịu một số rủi ro nhất định. Trong khi chúng ta không nên coi nhẹ vấn đề an ninh, chúng ta phải phục vụ đàn chiên của mình một cách can đảm và không sợ hãi. Chúng ta tin chắc rằng Chúa đang điều khiển cuộc sống của chúng ta và Người sẽ biến điều ác thành điều thiện. Chúng ta không thể để điều ác làm tê liệt việc loan báo Tin Mừng”, Đức Hồng Y nói.

Đức Tổng Giám Mục Goh kêu gọi cầu nguyện cho Cha Lee hồi phục và cầu nguyện cho kẻ tấn công vị linh mục. Ngài cảm ơn Lực lượng Cảnh sát Singapore, Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore, những giáo dân đã phản ứng và đội ngũ y tế tại Bệnh viện Đại học Quốc gia.

“Cha Christopher đã thực hiện chức linh mục của mình như một sự hy sinh thay thế cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta không nên coi nhẹ sự an toàn của các linh mục và giáo dân của chúng ta. Thật vậy, ngài đã không chịu đau khổ một cách vô ích mà vì lợi ích của tất cả chúng ta. Đây là cách Chúa viết thẳng trên những đường cong, biến đổi những gì xấu xa và phá hoại thành điều gì đó tốt lành và cứu rỗi”, ngài nói.

“Hậu quả có thể tệ hơn, nhưng trong trường hợp này, mạng sống và các cơ quan quan trọng của ngài đã được bảo vệ. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, không chỉ Giáo Hội Công Giáo, mà còn cho tất cả các tổ chức tôn giáo khác, để nhắc nhở những người thờ phượng và thành viên của họ cảnh giác hơn trong việc tìm kiếm các hoạt động đáng ngờ.”

Hội đồng Giám mục Malaysia, Singapore và Brunei cũng bày tỏ tình đoàn kết và hứa cầu nguyện cho Cha Lee, kêu gọi các tín hữu thể hiện “lòng trắc ẩn, sự hỗ trợ và an ủi” cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc, Agenzia Fides đưa tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Singapore như một phần của chuyến đi mục vụ dài ngày đến Đông Nam Á vào tháng 9. Tổng giáo phận Singapore có dân số Công Giáo đa dạng với 395.000 người, cử hành Thánh lễ chủ yếu bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tamil, cũng như các ngôn ngữ bản địa khác trong khu vực.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật ký trừ tà số 317: Những thiên thần bốn chân của chúng ta

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #317: Our Four-footed Angels”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 317: Những thiên thần bốn chân của chúng ta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“N” bị quỷ ám và cũng có tiền sử lạm dụng ma túy. Mọi chuyện bắt đầu từ khi cô còn nhỏ với mẹ cô, một người nghiện cocaine và là một phù thủy, người thừa nhận đã cho cocaine và các loại thuốc khác vào sữa theo công thức dành cho trẻ sơ sinh của cô để “kiểm soát cô”. Người mẹ cũng đã dâng cô cho Satan. Ngay sau đó, người mẹ đã qua đời ở độ tuổi 20. N đã được nhận nuôi và cuối cùng, sau một cuộc chiến cá nhân kéo dài nhiều năm bao gồm cả những cuộc trừ tà kéo dài, cô đã thoát khỏi ma túy và được giải thoát khỏi Ác quỷ.

Nhưng tiền sử lạm dụng ma túy nghiêm trọng từ tấm bé đã gây ra hậu quả. Khả năng về mặt tinh thần và quan hệ của cô bị hạn chế. Cô gặp khó khăn trong việc tạo dựng tình bạn lành mạnh và dành quá nhiều thời gian ở một mình. Điều này khiến cô dễ tái nghiện ma túy hơn và dễ bị ma quỷ thao túng hơn.

Thật khôn ngoan, cha nuôi của cô đã mua cho cô một con chó. Cô yêu con chó và thường nhắn tin hình ảnh cô và con chó của cô ở bên nhau. Họ là những người không thể tách rời. Cha cô nói, “Ý tưởng tuyệt vời nhất mà tôi từng có là cứu con chó.” Ông nói thêm: “Vì vậy, con bé có một thói quen và đang học cách chịu trách nhiệm với con chó và điều đó cũng mang lại cho nó sự hỗ trợ về mặt cảm xúc.” Con chó cũng đã mang lại cho cô sự ổn định về mặt cảm xúc mà cô chưa từng có, điều này rất hữu ích trong việc cô thoát khỏi ma quỷ và ma túy trong thời gian dài.

Lũ quỷ rất tức giận. Sau khi cô được giải thoát, chúng đã cố gắng hết sức để đưa cô trở về và một trở ngại là con chó. Chúng tức giận nhắn tin bằng chữ in hoa: “CÔ ẤY KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP GIỮ CON CHÓ ĐÓ.” Một tâm hồn thanh thản, mãn nguyện sẽ không chào đón một số con quỷ và chúng biết điều đó.

Trong nhiều năm, tôi đã chứng kiến và đọc rất nhiều câu chuyện về cách một loài động vật, đặc biệt là chó, đã trở thành ân sủng tuyệt vời trong cuộc sống của một ai đó. Mỗi người chúng ta đều có một thiên thần hộ mệnh luôn dõi theo chúng ta 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Nhưng đôi khi họ can thiệp vào cuộc sống của chúng ta bằng một người trợ giúp nhỏ bé, bốn chân.


Source:Catholic Exorcism

3. Đức Giáo Hoàng nhân kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Pompeii: 'Khám phá lại vẻ đẹp của chuỗi mân côi'

Để đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi đến Pompeii vào ngày 13 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích người Công Giáo chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa Kitô “qua cái nhìn của Đức Mẹ” trong Năm Thánh 2025 của Hy vọng.

“Thật là may mắn khi lễ kỷ niệm bức tượng Đức Mẹ Pompeii trùng với năm thánh sắp tới, tập trung vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói trong thông điệp gửi đến Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo của Pompeii.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Kinh Mân Côi, một công cụ đơn giản mà mọi người đều có thể sử dụng, có thể hỗ trợ công cuộc truyền giáo mới mà Giáo hội đang được kêu gọi thực hiện ngày nay”.

“Chúng ta biết rằng cần phải tái khám phá vẻ đẹp của kinh mân côi trong các gia đình và trong các ngôi nhà. Lời cầu nguyện này giúp xây dựng hòa bình, và điều quan trọng là đề xuất nó với những người trẻ để họ không nghe nó như một sự lặp đi lặp lại và đơn điệu nhưng như một hành động yêu thương không bao giờ mệt mỏi khi được tuôn đổ.”

Ngoài kỷ niệm 150 năm ngày xuất hiện và tôn kính bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi tại Pompeii, năm nay còn đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicê.

“Với lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicê, năm 325, đặc biệt nhấn mạnh đến mầu nhiệm thần linh-con người của Chúa Kitô dưới ánh sáng của Chúa Ba Ngôi, thật tốt khi khám phá lại kinh mân côi, theo góc nhìn này, để hiểu sâu xa hơn những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế,” Đức Giáo Hoàng chia sẻ với Đức Tổng Giám Mục Caputo.

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Vaticano, Đức Tổng Giám Mục Caputo, cũng là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đền Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, đã nhấn mạnh rằng kinh Mân Côi là “một lời cầu nguyện bắt nguồn từ Phúc Âm và lời Chúa”.

Khoảng 3 triệu tín hữu hành hương đến Đền Đức Mẹ Mân Côi mỗi năm để tôn kính hình ảnh Đức Mẹ Pompeii, mô tả Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng đang trao tràng hạt cho Thánh Đa minh và Thánh Catêrina thành Siena.

Gọi người sáng lập đền thờ, Chân phước Bartolo Longo, là “một tông đồ của kinh mân côi”, người có đức tin được củng cố bởi phương châm “Nếu bạn tìm kiếm sự cứu rỗi, hãy truyền bá kinh mân côi”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài hy vọng người Công Giáo sẽ tiếp tục “di sản tâm linh đẹp đẽ nhất” của vị Chân Phước trên khắp thế giới.

Theo Đức Tổng Giám Mục Caputo, sứ mệnh của Chân phước Bartolo Longo là truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ và kinh Mân Côi được biết đến trên toàn thế giới, “vì có nhiều nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Pompeii trên khắp Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu và thậm chí cả Phi Châu và Trung Đông”.

Trong thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu mọi người cần “tìm thấy sự an ủi và hy vọng nơi khuôn mặt dịu dàng của người mẹ trên thiên đàng”.

Đức Thánh Cha chia sẻ: “Xin Chúa lại lên tiếng hôm nay với nhân loại đang cần tìm lại con đường hòa hợp và tình huynh đệ, qua sứ điệp của Đức Mẹ Pompeii”.

“Tôi hy vọng rằng nhiều tín hữu của bà rải rác khắp thế giới sẽ ngày càng trung thành với Chúa hơn, làm chứng cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người cần giúp đỡ nhất.”


Source:Catholic News Agency