Ngày 22-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy dọn đường đón Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:01 22/11/2011
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG, năm B
Mc 1, 1-8

Mùa vọng là thời gian, là dịp thuận tiện để trở về với những gì thật nền tảng và đặt Đức Giêsu Kitô lên hàng đầu trong cuộc hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu. Vâng, để nhận ra Đấng Thiên sai, Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa trong suốt thời dài của Cựu ước đã chuẩn bị cho dân của Người đón Đức Kitô. Một cuộc sửa soạn, chuẩn bị lâu, rồi khi tới thời đã định, Thiên Chúa đã dùng Gioan Tẩy Giả, một Vị Ngôn sứ vĩ đại nối kết giữa Cựu ước và Tân ước để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế :” Có tiếng kêu trong hoang địa ; Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng “ ( Mc 1, 3 ).

Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một người nghèo ở giữa người nghèo, nhưng lại rất đặc biệt, Ngài không làm một cuộc cách mạng như người ta lầm tưởng, Ngài cũng không đánh Đông dẹp Bắc như người ta mong đợi, Ngài không bắt người ta phải thay đổi đời sống, thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị, nghề nghiệp xã hội, dù họ đang làm những công việc như binh lính, thu thuế, những nghề nghiệp mà thời đó, những hạng người này thường bị coi như tội lỗi, như tiếp tay với ngoại bang để đàn áp người khác và những người này lúc bấy giờ bị khinh thường và bị cho là những còn người ghê gớm. Gioan Tẩy Giả không đòi buộc họ phải bỏ việc làm, bỏ cái nghề họ đang sống, nhưng Ông chỉ thúc giục họ đổi mới đời sống, làm mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Gioan đã ăn mặc đơn giản, thức ăn, thức uống là châu chấu và mật ong. Lối sống khắc khổ của Gioan đã trở nên dấu chứng cho mọi người. Gioan kêu gọi người ta sám hối để đón chờ Chúa đến. Ông đã làm gương bằng chính cuộc sống ngay thẳng của Ông. Chính cuộc sống kham khổ, thánh thiện siêu thoát và những lời giảng dạy phù hợp với lối sống của ông đã thu hút biết bao nhiêu người đến với Ông để khiêm tốn thú tội và xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa thống hối hầu đón chờ Đấng Cứu Thế.

Vâng, ngày hôm nay, nhân loại hay nói cách nôm na hơn: mỗi người chúng ta không thể vào sa mạc để thực hiện những điều như Gioan Tẩy Giả đã làm nhưng chắc chắn chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Gioan Tẩy Giả đã sống, đã mời gọi. Để thực hiện điều Gioan Tẩy Giả đã sống, đã rao giảng, chúng ta chắc chắn không thể sống như mọi người được. Nhiều lúc, người Kitô hữu phải sống khác người bởi vì muốn sống đích thực là môn đệ Chúa nhiều khi họ phải khước từ những dễ dãi, những tiện nghi, những thỏa hiệp để tìm kiếm cái gì sâu xa và bền vững hơn. Người Kitô hữu phải dám sống cái khác thường trong chính cuộc sống bình thường mà mọi người vẫn sống.

Gioan Tẩy Giả đã có sức thu hút nhiều người vì Ông dám lội ngược dòng, dám sống đúng Tin Mừng đòi hỏi. Chúng ta vẫn được mời gọi sống như Gioan Tẩy Giả để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến.

Để kết luận, xin dùng một câu tuyệt vời của một nhân vật : " Bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đô la mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của bạn lại, ngày đó bạn chẳng khác tôi chút nào. Đó là lúc mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng điều duy nhất tôi chắc chắn là : các bạn cần cái tôi đang có, và đó chính là Đức Giêsu Kitô “.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Gioan Tẩy Giả là ai ?
2.Tại sao Gioan Tẩy Giả lại thu hút được nhiều người ?
3.Sống đúng với Tin Mừng đòi hỏi là sao ?
4.Tại sao lại phải dọn đường chờ đợi Chúa đến ?

 
Tỉnh thức và cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:45 22/11/2011
Chúa nhật 1 VỌNG B

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.

Mẹ Giáo hội đang ôm ấp tất cả con cái nhân loại đợi chờ Đức Kitô đến trong hai lần Người ngự đến. Ngự đến trong thời gian là Nhập Thể và kết thúc thời gian là Quang Lâm.

Từ Chúa Nhật I Mùa Vọng đến ngày 16.12 phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng trực tiếp nói đến ngày sinh nhật của Người.

Theo tinh thần canh tân phụng vụ, Mùa Vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi. Các Chúa nhật trong Mùa Vọng không đọc kinh Vinh Danh không phải vì đặc tính đền tội của Mùa Chay, nhưng là để bài ca của các Thiên Thần được xem như là một tiếng hát mới mẻ trong đêm Giáng Sinh.

Mùa Vọng cũng là mùa của những lời loan báo. Loan báo việc Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc ngày Chúa nhật.

Bài đọc 1 trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc âm Chúa nhật I Mùa Vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ : Hãy tỉnh thức. Chúa nhật II, III dành cho Gioan Tiền Hô với lời mời gọi : Hãy dọn đường cho Chúa. Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Vọng dặn dò mỗi người Kitô hữu là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Kitô. Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến bất ngờ đối với mỗi người và đối với cả nhân loại nên phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

1. Tỉnh thức

Thánh Kinh kể chuyện: Samson là vị thủ lãnh của dân Do thái. Anh có sức mạnh phi thường, quân Philitinh khiếp sợ.

Ngày kia, một con sư tử gấm bất thần tấn công, Samson xé xác nó với hai bàn tay dũng mãnh. Có lần bị quân Philitinh vây chặt tư bề, Samson chộp lấy một chiếc xương hàm của con lừa gần đó và quật chết rất nhiều đối thủ. Sức mạnh vô song của Samson làm cho quân Philitinh phải khiếp đảm.

Không thắng được Samson bằng sức mạnh, người Philitinh tìm cách tiêu diệt anh bằng mỹ nhân kế. Nàng Đaliđa, một thiếu nữ Philitinh có nhan sắc tuyệt đẹp. Nàng đến với Samson và đã chiếm lấy trái tim vị anh hùng. Đaliđa gạn hỏi: do đâu anh có được sức mạnh phi thường? Samson tiết lộ bí mật, sức mạnh liên hệ đến mái tóc, khi nào tóc bị cắt, sức lực sẽ không còn. Samson ngủ, Đaliđa lén cắt tóc rồi báo tin. Quân Philitinh xông đến tóm lấy anh, xiềng lại bằng những sợi xích đồng. Chúng tàn nhẫn khoét đôi mắt và bắt anh ngày ngày kéo cối xay như một con trâu ngoan.

Một Samson vạm vỡ với sức mạnh kinh hồn bạt vía, tay không quật ngã và xé xác con sư tử gấm to lớn, một thủ lãnh bách chiến bách thắng từng làm cho quân Philitinh phải kinh khiếp. Giờ đây, anh chỉ là một tù nhân mù loà, tay chân mang xiềng xích, một tên nô lệ, ngày ngày cúi đầu làm thân trâu ngựa nhẫn nhục thay trâu bò kéo cối xay! Than ôi! Một thời oanh liệt nay còn đâu!

Chỉ vì không tỉnh táo trước kế mỹ nhân. Samson đã sa cạm bẫy và chịu hậu quả đau thương.

Thảm kịch Samson luôn mang tính thời sự. Nó vẫn tiếp diễn trong cuộc đời con người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hằng ngày báo chí và truyền hình kể lại vô số cảnh đời gục ngã dưới nhiều hình thức: suy sụp vì ma tuý, sa đoạ vì gian dâm, sa ngã vì tham lam và vô vàn hình thức sa bẫy khác.

Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số những cây cao bóng cả trong xã hội cũng như trong các tôn giáo vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị gục ngã, bị lún sâu xuống bùn lầy.

Dân gian nói: "khôn ba năm, dại một giờ". Nhưng có khi khôn đến năm mươi năm, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ: "Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn!. .. hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em".

Thánh Phaolô khuyên: "những ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã" (1 Cor 10,12).

Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, là không quá mê say danh, lợi, thú.

Luôn tỉnh thức như khi đang lái xe, luôn nhìn trước ngó sau, tay ga vững vàng, chân thắng sẵn sàng, đi đường an toàn.

Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

Tỉnh thức để không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình.

2. Cầu nguyện

Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh.

Cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

3. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.

Có tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời. Cầu nguyện trong tỉnh thức để luôn sẵn sàng vì không biết ngày giờ Chúa viếng thăm.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.

Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện, chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.

Mùa vọng được khai mở với lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.

Bước đầu là bước quyết định cho cả một cuộc đời, một chương trình kế tiếp như như sách Nho có câu : Nhất nhật chi kế tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân ( Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai, kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân).

Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ sống của người tín hữu suốt năm phụng vụ.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong nhà thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen
 
Tỉnh thức
Lm Vũđình Tường
05:13 22/11/2011
Chúa Nhật I Mùa Vọng, năm B

Mc 13, 33-37


Tỉnh thức khác với tỉnh ngủ. Tỉnh ngủ là người lúc ngủ, ngủ rất tỉnh, một tiếng động nhỏ đủ làm cho người đó thức giấc. Người tỉnh ngủ dường như khó ngủ. Dỗ được giấc ngủ rất khó nhưng khi ngủ lại rất tỉnh. Trong khi người dễ ngủ lại ngủ say, ngủ mệt. Động đâu mặc động tôi cứ ngủ ngon. Người tỉnh ngủ hiếm có giấc ngủ ngon. Những gì hiếm thường quí vì thế người ngủ tỉnh rất quí giấc ngủ ngon. Thiếu tỉnh thức xảy đến cho cả người tỉnh ngủ lẫn ngủ ngon. Ngủ tỉnh sát cánh với khó ngủ nên hại cho sức khoẻ nhưng không hại phần tâm linh. Trong khi thiếu tỉnh thức nguy hiểm vô cùng vì hại phần tâm linh. Ma quỉ đưa ra nhiều chước cám dỗ với hy vọng khi thiếu tỉnh thức con người sa vào cạm bẫy của chúng.

Tỉnh ngủ, ngủ không được nên có đêm đọc kinh dỗ giấc ngủ. Đây không phải là hình thức cầu nguyện tốt nhất nhưng không hại vì đó là việc làm đạo đức. Ngủ không được nên đọc kinh cầu nguyện. Cầu nguyện tốt nhất là cầu xin vì lòng yêu mến, ước ao được gặp Chúa. Vì ước ao như thế nên tâm hồn thường tỉnh thức để cầu nguyện. Cầu ơn tỉnh thức để tránh cơn cám dỗ. Tránh được cám dỗ là trung thành với Chúa. Như thế có thể hiểu thiếu tỉnh thức rất dễ sa chước cám dỗ. Nói ngược lại, sa chước cám dỗ xảy ra vào lúc người đó thiếu tỉnh thức.

Không biết có phải là lí luận luẩn quẩn không nhưng rõ ràng thiếu tỉnh thức gây nên bởi thiếu cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện nên thiếu ơn Chúa. Thiếu ơn Chúa tâm hồn trở nên chai đá. Tâm hồn chai đá là tâm hồn đi lạc đường lối Chúa. Vì chai đá nên tâm hồn không còn biết kính sợ Chúa nữa. Không tôn thờ Chúa sẽ theo tà thần, một loại chúa nào khác. Loại Chúa do chính họ tạo ra. Có thể là ý riêng hay một tạo vật nào do Chúa dựng nên. Từ bỏ Thiên Chúa sáng tạo, yêu thương để tôn thờ một thần tượng khác chính là thờ ngẫu tượng, chúa hạng hai. Tâm hồn chai đá đó đòi bằng chứng của Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo để tin. Tiên tri Isaiah dùng hình ảnh người thợ gốm và đồ gốm để giải thích đòi hỏi trên. Cục đất sét sẽ chẳng thể nào nhận biết người thợ nặn ra nó. Tay người thợ nặn nên có, tạo cho nó hình ảnh, nâng niu nó, nhưng nó không thể nào nhận diện ra người tạo dựng nên nó. Cùng cách hiểu đó, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ chỉ có thể nhận diện Ngài qua những hồng ân Ngài ban trong đời. Nhận biết ta có mặt trên đời không phải do ngẫu nhiên mà do Chúa tạo thành. Dù ta có nhận Ngài, thờ phượng Ngài hay không thì Ngài cũng đã dựng nên ta.

Không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Is 64,4

Thiếu ơn Chúa sẽ khó chống lại cơn cám dỗ. Cơn cám dỗ đòi chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Sự hiện diện của ta trên đời chưa đủ sao. Trời đất biển khơi, sông ngòi cùng toàn thể vũ trụ đều theo luật tuần hoàn riêng của chúng. Ngoài ra còn bao ân huệ Chúa ban cho, như tài năng, trí nhớ, sức khoẻ, sắc đẹp. Tất cả đều có chung giải thích: do ngẫu nhiên mà có. Dựa vào ngẫu nhiên để giải thích quả là một luận cứ học đòi. Vì sao? Vì ngay từ ban đầu Thiên Chúa giáo đã giải thích Thiên Chúa tự nhiên mà có. Đây là giải thích thuyết tự nhiên nguyên thuỷ. Ngày nay với khoa học tiến bộ người ta cũng không đi xa gì hơn những gì Kinh Thánh cho biết nhiều ngàn năm trước. Người ta đồng chấp nhận vũ trụ do tự nhiên mà có nhưng khi nói đến Thiên Chúa tự nhiên mà có người ta lại đòi có bằng chứng cụ thể. Giải thích sao cho hợp lí khi người ta chối bỏ điều tự nhiên nguyên thuỷ (Thiên Chúa tự nhiên mà có) để rồi cùng chấp nhận tự nhiên thứ hai, thứ ba, (vũ trụ tự nhiên mà có).

Sa vào chước cám dỗ vì thiếu tỉnh thức. Cầu nguyện không phải chỉ đơn thuần giúp Kitô hữu liên kết với Chúa và còn là cách diễn tả tình yêu lòng mến dành cho Chúa. Cầu nguyện giúp Kitô hữu tỉnh thức, nhận thêm ơn Chúa để chống trả lại cơn cám dỗ. Chống được cơn cám dỗ giúp Kitô hữu đi đúng đường lối Chúa. Đi đúng đường lối Chúa là tâm hồn biết tôn thờ, kính sợ Chúa. Ai tôn kính Chúa sẽ được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Hưởng gia nghiệp Chúa vì người đó thực thi công lí, bác ái và yêu thương. Không tôn thờ Chúa là sống vô ơn vì không biết cảm tạ những ơn lành Người ban cho.

Ngày hôm nay Phúc âm kêu gọi Kitô hữu hãy tỉnh thức để bất cứ khi nào chủ về thì đã sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào chủ trở lại. Người sống tâm tình tạ ơn là người đã sẵn sàng vì lúc nào trong lòng họ cũng mang lòng biết ơn, cảm mến chân thành.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Mong đợi ngày Chúa đến
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
06:43 22/11/2011
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
+++
A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm Phụng vụ mới. Năm phụng vụ bắt đầu từ ngày Chúa nhật I Mùa Vọng.

Mùa Vọng là mùa trông đợi. Trước mắt chúng ta trông đợi Chúa đến trong ngày lễ Giáng sinh với tâm hôn vui tươi và đạo đức sau bốn tuẫn lễ đã chuẩn bị kỹ càng.

Như thế cũng chưa đủ, nhân bầu khí của Mùa Vọng này, Giáo hội hướng lòng ta về ngày quang lâm của Chúa, Ngài sẽ đến trần gian lần thứ hai để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

Ngoài ra, chúng ta cũng còn phải trông đợi Chúa đến với chúng ta trong ngày sau hết của đời mình. Vì thế, Giáo hội muốn dựa vào bài Tin mừng hôm nay để nhắc nhở chúng ta là Chúa sẽ đến với ta cách bất ngờ, thái độ của chúng ta là phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 63, 16-64,7

Dân Israel đã ký Giao ước với Thiên Chúa tại núi Sinai qua trung gian ông Maisen nhưng rồi dân lại bất trung, phá vỡ Giao ước để đi thờ thần dân ngoại. Do đó, Thiên Chúa đã trao dân vào đạo quân của vua Nabuchodonosor : thành Giêrusalem bị phá hủy, dân bị bắt đi lưu đầy ở Babylon. Tình trạng lưu đầy nơi đất khách quê người rất khốn khổ. Nhưng vào cuối thời lưu đầy, dân Israel đã ý thức rằng họ khốn khổ là do họ tội lỗi, đã phản bội Chúa. Tiên tri Isaia đã dùng ngòi bút của mình ghi lại lời kêu van đầy cảm kích trong cơn khốn khổ :”Xin Chúa hãy đến cứu giúp dân Ngài”.

Isaia đã thay mặt cho dân chúng bầy tỏ đôi điều :

a) Thú nhận tình trạng tội lỗi của dân : Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ.

b) Xin Chúa hãy tha thứ tội lỗi. Xin đến cứu thoát :”Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

+ Bài đọc 2 : 1Cr 1, 3-9

Sau khi đã nhận được Tin mừng do thánh Phaolô rao giảng, tín hữu Côrintô đã tỏ ra mình là một cộng đoàn sinh động, có những tấm lòng sốt sắng và chân thành. Tuy thế, họ cũng gặp nhiều khó khăn nội bộ : chia rẽ, kiện tụng, luân lý suy đồi...

Thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy nhớ đến bao ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho họ. Tuy nhẹ nhàng khiển trách họ nhưng ngài khuyên họ hãy tỏ ra xứng đáng hơn với những ân huệ đó và hướng dẫn họ nhìn tới ngày trở lại của Đức Kitô và mời gọi họ chuẩn bị đón chờ ngày đó, nhờ thái độ kiên trung trước mọi thử thách.

3. Bài Tin mừng : Mc 13,33-37

Trong bài Tin mừng này, Chúa Giêsu báo trước cho tất cả các môn đệ là Ngài sẽ trở lại trần gian này cách bất ngờ. Để dễ hiểu, Ngài đưa ra dụ ngôn về người đầy tớ phải canh cửa để đón chủ về bất cứ lúc nào. Do đó, Chúa Giêsu chỉ rõ thái độ cần phải có để chờ Chúa trở lại là Tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ thức chờ chủ về đột ngột giữa đêm khuya. Dụ ngôn người canh cửa giúp ta có thái độ cảnh giác chống lại tình trạng mê ngủ thiêng liêng đe dọa mọi người chúng ta. Mùa Vọng là mùa canh thức và sẵn sàng chờ đợi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Đợi chờ trong tỉnh thức và sẵn sàng

I. MÙA VỌNG TRONG ĐỢI CHỜ

1. Dân Israel đợi chờ

Lịch sử Israel là một cuộc chờ đợi. Trong suốt thời gian 70 năm lưu đầy bên Babylon, dân Chúa đã thấm mệt : bị kẻ thù áp bức, hành hạ, khinh bỉ... Họ chờ Đấng Messia đến thiết lập nền công chính trên trái đất này. Sự đợi chờ đã đến cao điểm và tiên tri Isaia đã thay lời cho dân chúng kêu lên lời xin thảm thiết :”Trời cao hãy đổ sương xuống”.

Trong cảnh khốn cùng, dân Israel mới hồi tỉnh lại và nhận ra mình đã đi sai đường lối, đã lỗi phạm đến Chúa nên đã kêu xin :

“Lạy Chúa, chúng con đã phạm tội. Chúng con như chiếc áo dơ bẩn... Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Nhưng Chúa là Cha, chúng con là đất sét trong tay Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do bàn tay Chúa làm nên... Xin Chúa hãy băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

Giáo hội dùng những lời đó để làm lời kinh trong Mùa Vọng này. Chúa Kitô thành Nazareth đến, đáp lại mối kỳ vọng ngàn đời của thế giới. Chúng ta, Giáo hội lữ hành đang mong đợi Chúa đến để đánh tan sự thất vọng và khơi dậy niềm tin và hy vọng. Đó là Mùa Vọng khởi đầu hôm nay.

2. Chúng ta chờ đợi

VỌNG tức là chờ đợi trông mong. Đã chờ đợi thì luôn có hy vọng. Đã hy vọng thì luôn có tin yêu, ví dụ hai người yêu chờ đợi nhau, hoặc chờ đợi người đi xa về. Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng 4 cách :

- Chúa đến trong lịch sử nhân loại.
- Chúa đến trong ngày phán xét chung.
- Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.
- Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Như vậy, Chúa đến với loài người : lần thứ nhất và thứ hai công khai, còn các lần khác thì có tính cách âm thầm và riêng tư.

a) Chúa đến lần thứ nhất : Chúa đã đến trong hang đá Belem để thực hiện việc cứu chuộc nhân loại. Ngày nay ta chỉ còn kỷ niệm ngày Ngài giáng sinh tức là đến lần thứ nhất. Vậy mùa Vọng gồm có 4 tuần dọn lòng để mừng Chúa Giáng sinh ngày 25 tháng 12 mỗi năm.

b) Chúa đến lần thứ hai : Chúa Giêsu lại xuống thế một lần nữa với tư thế là một vị Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày nào việc đó sẽ xẩy ra, chỉ việc chờ đợi trong hy vọng. Vì thế, chúng ta phải sống trong mùa vọng triền miên vì không biết ngày nào giờ nào Ngài sẽ đến.

c) Chúa đến giữa hai lần : Ngoài ra, Chúa sẽ đến với chúng ta giữa lần thứ nhất và lần thứ hai. Chúa sẽ đến với riêng từng người. Đó là giờ chết. Ngày tận thế thì còn xa vời và mù mờ lắm, còn việc Chúa đến gọi ta trong giờ sau hết thì gần. Nhưng nó cũng giống như Chúa đến lần thứ hai, không ai biết được ngày nào giờ nào Ngài sẽ đến vì “giờ chết đến như kẻ trộm”.

d) Chúa đến trong ơn thánh : Giáo hội dạy chúng ta vẫn phải mong đợi, và hàng năm Giáo hội tổ chức Mùa Vọng, không phải chỉ cốt để chuẩn bị lễ Giáng sinh, không phải chỉ dạy chúng ta gây dựng tâm tình mong đợi trong mùa đó, nhưng Giáo hội muốn nhân không khí lễ Giáng sinh dạy chúng ta phải có tâm tình mong đợi thường xuyên, phải mong đợi Chúa hằng ngày : Chúa đến với ta trong ơn thánh của Ngài, nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, chúng ta mong đợi Chúa trong ngày ta từ giã cuộc đời để về với Chúa.

II. ĐỢI CHỜ TRONG TỈNH THỨC

1. Giáo huấn của Giáo hội

Giáo hội ý thức về cuộc sống ở trần gian này : mọi sự sẽ qua đi và mọi người đều phải chết. Đây là một định luật khắt khe buộc mọi người phải tuân thủ. Nhưng Giáo hội cũng dạy chúng ta phải dọn lòng chờ Chúa đến, phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa vì Chúa đến bất ngờ. Công đồng Vatican 2 đã diễn tả tư tưởng ấy trong hiến chế Lumen gentium :

“Đàng khác, vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trên trần gian chấm dứt (Dt 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt vào số những người được chúc phúc (Mt 25,31-46) chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng (Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (Mt 25,41), vào chốn tối tăm, nơi khóc lóc và nghiến răng (Mt 22,13 và 25,30” (L.G. số 48).

2. Phải tỉnh thức chờ đợi Chúa đến

a) Có hai kiếp sống

Bất cứ ai sinh ra ở trên trần gian này đều có hai kiếp sống : một đời sống tạm bợ và một đời sống vĩnh cửu; một đời sống hiện tại và đời sống tương lai; một đời sống hành hương và một đời sống quê thật; một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, mỗi người phải qua sự chết duy có một lần, đó là lần bái yết Chúa đầu tiên và duy nhất.



b) Một cuộc chuyển tiếp

Không ai có thể sống mãi trên trần gian này vì số phận của con người thường phải qua 4 giai đoạn : sinh, lão, bệnh, tử. Chết là giai đoạn cuối cùng và kết thúc. Chết không phải là hết, không phải là đi vào hư vô, mà chết chỉ là một sự chuyển đổi:”Sự sống thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan thì là được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”(Kinh tiền tụng lễ An táng). Hiểu được ý nghĩa ấy, thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã nói :”Tôi không chết, tôi đi vào cõi sống”.

c) Cuộc chuyển tiếp bất ngờ

Chết là một công lệ, không ai thoát được công lệ đó, nhưng có một điều làm cho ta day dứt là không biết lúc nào mình sẽ chết vì giờ chết như “người thợ gặt không ngủ trưa” (Cervantes). Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng loan báo cho chúng ta biết là Ngài sẽ đến gọi chúng ta bất cứ lúc nào, nên phải luôn sẵng sàng tỉnh thức. Để nói về điểm bất ngờ này, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người canh cửa đợi ông chủ về.

Trước khi trẩy đi xa, Ông chủ gọi các đầy tớ giao công tác cho mỗi người. Riêng tên giữ cửa, Ông dặn phải tỉnh thức mà coi chừng lúc Ông trở về. Ông căn dặn tên giữ cửa vì là phận sự riêng của hắn, nhưng Ông cũng có ý nhắn nhủ cho tất cả. Phải tỉnh thức vì không biết chắc vào giờ nào chủ về : chập tối, nửa đêm, gà gáy, hay ban mai.

Dụ ngôn cốt nhấn mạnh tư tưởng : mọi người cần phải tỉnh thức vì Ông chủ (là Con Người, cũng là Chúa Giêsu) không báo trước giờ Ngài sẽ đến.

Những điều Chúa nói ở đây là đang nói cho 3 Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Anrê (Mc 13,3), nhưng Chúa nhấn mạnh là Chúa có ý nói với tất cả mọi người :”Điều Ta bảo cho chúng con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là hãy tỉnh thức”.

Việc Ông chủ trở về ban đêm có ý nhấn mạnh rằng : ban đêm thường ít ai để trí vì ai nấy cũng dễ mê ngủ, vì thế cần phải đề cao cảnh giác, tỉnh thức và sẵn sàng luôn. Ban đêm còn diễn tả ý nghĩa thời gian hiện tại ở trần gian, để phân biệt với thời gian ở Nước Trời đời sau là ban ngày. Trong khi sống ở trần gian này, cần phải tỉnh thức và sẵn sàng, có nghĩa là phải sống trong ơn nghĩa Chúa, có đủ điều kiện để được vào Nước Trời ở đời sau.

Truyện : Con quạ thiếu cảnh giác.
Một người dân Mỹ bị đám quạ hoang phá hoại ruộng ngô. Mang súng ra bắn nhưng không sao lại gần vì trên cái cọc thông cao có một con đậu canh chừng khi các con khác ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ, những con sống sót bay vù lên, nhưng không bay đi xa, chúng sà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ đi nơi khác

Đoạn Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta : Chúa sẽ đến, nhưng chúng ta không biết ngày giờ nào. Vậy phải canh thức để sẵn sàng đón Ngài khi Ngài đến. Canh thức sẵn sàng như người đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ được trao phó, như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể, như người được trao vốn đem kinh doanh sinh lời lãi, và cuối cùng bằng đời sống yêu thương phục vụ. Đó là cách thức chờ đợi Chúa đến.
Phải tỉnh thức chờ đợi Chúa đến. Tỉnh thức ở đây là phải sẵn sàng chờ đợi. Từ ngữ “SẴN SÀNG” nói lên một thái độ sinh động chứ không phải ù lỳ, ngồi một chỗ mà chờ đợi. Sẵn sàng ở đây là phải nỗ lực làm việc với ý thức rằng mình đang phải làm việc để đợi chờ Chúa đến. Làm việc ở đây là làm sinh sôi nảy nở ra các ơn Chúa đã ban cho ta, phải sinh hoa kết quả tốt là các việc lành. Khi Chúa đến tính sổ linh hồn, ta sẽ như một tên đầy tớ tỉnh thức đi đón Chúa, trình với Ngài các việc làm của ta để được lĩnh phần thưởng.

Nhìn vào cuộc sống, chúng ta có thể nói như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu :”Tất cả là hồng ân”. Hồng ân của Chúa có thể đến từ bất cứ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay khi đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Điều quan trọng là chúng ta biết nhìn ra đó là ân ban của Chúa, và mỗi ân ban là một “Chúa đến viếng thăm”.

Phụng vụ thánh lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta dọn mình : đón nhận ơn Chúa trong mỗi giây phút hiện tại, chờ đợi Chúa đến trong giờ chết và trong ngày chung thẩm của nhân loại. Thái độ chúng ta phải có là hãy sẵn sàng theo như lời khuyên rất khôn ngoan của chân phước Charles de Foucauld :”Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nếu những cuộc thăm viếng là những hồng ân của Chúa, thì chúng ta đừng để mất những hồng ân ấy chỉ vì sự thờ ơ, thiếu chuẩn bị, không sẵn sàng.

Sẵn sàng còn có nghĩa là đã và đang bắt tay vào việc. Việc chờ đợi Chúa đến đây là phải có tinh thần sám hối, sửa đổi lại con người của mình cho phù hợp với ý Chúa. Bài đọc I hôm nay dạy chúng ta một cách tỉnh thức chờ đợi rất hay : như miếng đất sét trong tay người thợ gốm. Tiên tri Isaia đã nói lên một sự thật :”Chúng tôi là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm”. Sự thật này đã được sách Sáng thế nói lên ngay từ đầu (St 2,7). Kiểu diễn tả cụ thể của tác giả sách Sáng thế và của tiên tri Isaia có ý rằng : con người lệ thuộc vào ThiênChúa.

Sự lệ thuộc chỉ toàn có lợi. Miếng đất sét chịu lệ thuộc bàn tay uốn nắn của người thợ gốm thì sẽ trở thành những vật dụng rất hữu ích, thậm chí trở thành những tác phẩm mỹ thuật rất đẹp.

Vậy, tỉnh thức và chờ đợi Chúa trong Mùa Vọng là làm như miếng đất sét trong tay người thợ gốm : ngoan ngoãn vâng theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để cho Chúa uốn nắn mình thành những tác phẩm tuyệt vời đúng ý Chúa (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 12).

Chúng ta là những người đầy tớ đợi chủ về nhưng không biết vào lúc nào. Chúng ta chỉ biết sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Trong lúc chờ đợi, chúng ta phải làm tròn phận vụ của mình. Chúng ta phải sống dường như việc Ngài trở lại lúc nào cũng là việc bình thường. Ngài đã giao cho chúng ta nhiệm vụ quan trọng là mỗi ngày phải làm việc thích hợp để Ngài xem xét, bất cứ giờ phút nào chúng ta cũng phải sẵn sàng để gặp mặt Ngài mặt đối mặt. Cả đời sống chúng ta là việc chuẩn bị để gặp mặt Vua.

Truyện : Ngày mai ông chủ sẽ đến.
Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang trọng cạnh một hồ nước trong xanh ở Thụy sĩ , nhưng không phải trên con đường mà khách vãng cảnh thường qua lại. Khách du lịch gõ vào hàng rào sắt, tức thì một cụ già coi vườn ra mở cổng nặng nề vẫn đóng chặt. Sung sướng vì được thấy một người khách, cụ dẫn ông tham quan cả một khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi :
- Cụ ở đây bao lâu rồi ?
- Thưa ông, tôi ở đây đã 24 năm.
- Chủ của cụ ít khi nghỉ tại biệt thự này, có phải không ? Cụ đã trông thấy ông mấy lần rồi ?
- Tôi đã trông thấy ông bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã 12 năm.
- Ông có viết thư cho cụ chăng ?
- Chẳng bao giờ.
- Thế ai trả công cho cụ ?
- Người quản gia của ông.
- Thế người quản gia này có năng đến đây không ?
- Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy liên lạc với tôi qua thư từ.
- Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ này ?
- Trừ vợ tôi và tôi thì không ai hưởng hết.
- Tuy vậy, cụ coi sóc vườn này, sân hoa này, bãi cỏ này cách chu đáo, dường như ngày mai chủ của cụ sẽ đến.
- Ồ, Thưa ông, tôi làm như chủ tôi phải đến ngày hôm nay, vâng thưa ông, ngày hôm nay.

Mùa Vọng đã bắt đầu. Mùa Vọng là mùa trông đợi trong tin yêu, đợi ngày Chúa đến trong ngày tận thế. Nhưng cũng là trông đợi giây phút cuối cùng của mỗi người khi đi ra gặp Chúa. Chúng ta phải chuẩn bị hành trang cho lần gặp Chúa ấy và hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ đem đến cho ta sự vui mừng khi được nghe Chúa nói lời êm ái :”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Nước Trời dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa, Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngưoi đã đến thăm”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thổ Nhĩ Kỳ: Hướng đến một hiến pháp khoan dung cho các nhóm thiểu số tôn giáo chăng?
Nguyễn Trọng Đa
09:18 22/11/2011
Thổ Nhĩ Kỳ: Hướng đến một hiến pháp khoan dung cho các nhóm thiểu số tôn giáo chăng?

Mối quan tâm của các nhóm thiểu số tôn giáo và người trở lại đạo

ROMA – Các vấn đề, được đặt ra cho các nhóm thiểu số tôn giáo và người trở lại Thiên Chúa giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, được nêu ra trong một bài suy tư của hãng tin Fides. Các nhóm thiểu số muốn có một hiến pháp mới khoan dung hơn đối với họ.

"Mặc dù sự cởi mở của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, trong vấn đề trả lại tài sản cho Giáo hội và các cộng đồng tôn giáo khác, các vấn đề mà các nhóm thiểu số tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt vẫn còn quan trọng", hãng tin Fides nhận định như thế khi trích dẫn tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ "Begun", vì tờ báo nói "đó là các vấn đề có nguồn gốc rõ ràng về lịch sử và xã hội".

Hãng tin Fides nói tiếp, nhiều thập kỷ trước đây, đã có các khu vực trong đất nước, trong đó các nhóm thiểu số tôn giáo như người Do Thái hoặc Kitô hữu chiếm đa số. Đế chế Ottoman – theo tờ báo "Begun" - đã có thể duy trì sự cân bằng giữa các nhóm tôn giáo, mặc dầu người Hồi giáo đã tạo thành cộng đồng đa số, điều này làm cho có thể có một sự tự trị văn hóa và tôn giáo cho tất cả các nhóm. Tuy nhiên, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 1923, hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận này, tạo ra "một hệ thống phẩm trật dựa trên đường lối sắc tộc của sự tập trung hoá”. Do ý thức hệ này, các nhóm thiểu số đã cảm nghiệm nhiều vấn đề trong đất nước và, như mọi người đều biết, nhiều người đã rời bỏ đất nước, vì sống trong điều kiện bị gạt bên lề.

"Các vấn đề của việc trở lại đạo Kitô là quan trọng không kém", tờ báo cho biết. Các công dân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo, sau khi trở lại đạo Kitô, được coi là một nhóm thiểu số. "Họ không có thể hưởng các quyền lợi như cũ, và bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ luôn". Họ luôn bị giám sát bởi cảnh sát, và được xem là "kẻ phản bội".

Do đó, nguồn tin của hãng Fides cho biết, các nhóm thiểu số tôn giáo muốn có một hiến pháp mới hơn khoan dung hơn đối với những người trở lại đạo Kitô, để họ có thể tự do thực hành tôn giáo của mình. Và quan trọng nhất, theo kết luận bài báo của tờ "Begun", là để tôn trọng chủ nghĩa thế tục, vốn là đặc điểm của hệ thống pháp luật và hành chính Thổ Nhĩ Kỳ, mà các chính trị gia không để mất cơ hội khoe khoang. (ZENIT.org 21-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ấn Độ: Một mục sư bị bắt ở Kashmir vì rửa tội bảy người Hồi giáo
Phạm Kim An
09:20 22/11/2011
Ấn Độ: Một mục sư bị bắt ở Kashmir vì rửa tội bảy người Hồi giáo

Srinagar - Cảnh sát ở Kashmir đã bắt giữ Mục sư Chander Mani Khanna của Hội Thánh Tin lành Các Thánh Hữu (All Saints Episcopal Church), sau khi người đứng đầu Tòa án Shariat ở Kashmir cáo buộc giáo sĩ Thiên Chúa giáo này đã rửa tội các tín đồ Hồi giáo, để đổi lấy tiền cho họ. Vụ việc bắt đầu vào ngày 8-11 khi Đại giáo sĩ Bashir-ud-Din triệu tập giáo sĩ xuất hiện trước tòa, để giải thích các việc trở lại đạo bị cáo buộc.

Để hỗ trợ lời buộc tội của mình, Đại Giáo sĩ sử dụng một đoạn video xuất hiện trên YouTube cho thấy Mục sư Khanna đang rửa tội bảy người nam và nữ Hồi giáo. Video này được liên kết sau đó bởi nhiều trang web trực tuyến khác, gây ra vô số lời công kích chống lại mục sư.

Ông Predhuman K Joseph Dhar, một học giả đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Kashmir, nói: “Vụ bắt giữ Mục sư Khanna là một cuộc tấn công chống lại tự do tôn giáo. Tình hình căng thẳng, và có nhiều mối quan ngại rằng ai đó có thể đang đe dọa mạng sống của mục sư".

Vị Đại giáo sĩ nói trong thư cho giáo sĩ: “Do thất bại trong việc yêu cầu ngài làm điều cần làm, chúng tôi buộc phải thực thi các biện pháp dựa trên luật Sharia".

Sau đó, “cảnh sát bắt giữ bảy người, các người nam nữ đã được rửa tội bởi Mục sư Khanna trong đoạn video này. Theo các nhân chứng, cảnh sát đã đánh bảy người để họ nói lời chứng chống lại mục sư".

Liên đoàn Kitô hữu ở Jammu kêu gọi chính quyền "hãy trả tự do cho mục sư, bởi vì việc cử hành rửa tội cho người lớn đồng ý là đặc quyền của mục sư".

Ông Sajan K George, chủ tịch Hội đồng toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC), nói: "Các quyền của các Kitô hữu đang bị hy sinh trên bàn thờ của thủ đoạn và lợi ích chính trị. Các Kitô hữu hưởng quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số. Việc cho phép Tòa án Sharia thực thi luật của họ trên các Kitô hữu là trình bày một sự kết thúc cho pháp trị và sự bình đẳng của các công dân Ấn Độ".

Kashmir không có luật chống chuyển qua tôn giáo khác. Trong thực tế, cảnh sát đã bắt giữ giáo sĩ theo Điều 153A (Tăng cường thù địch giữa các nhóm khác nhau dựa vào tôn giáo, chủng tộc, nơi sinh, nơi cư trú, ngôn ngữ, vv, và thực hiện hành vi gây phương hại đến việc duy trì sự hòa hợp), và điều 295A (các hành vi cố ý và độc hại nhằm nhục mạ các tình cảm tôn giáo của bất cứ tầng lớp nào, bằng cách xúc phạm tôn giáo hay niềm tin tôn giáo) của Bộ luật hình sự Ấn Độ (1860). (AsiaNews 21-11-2011)

Phạm Kim An
 
Châu Á: Các Giám Mục học cách sử dụng và điều khiển mạng xã hội
Nguyễn Trọng Đa
09:22 22/11/2011
Châu Á: Các Giám Mục học cách sử dụng và điều khiển mạng xã hội

Hoa Liên - Hơn 30 Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ mười quốc gia châu Á đã tham gia khoá họp kỳ thứ 16 của các Giám mục thuộc Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC) của Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC), tổ chức tại Hoa Liên, Đài Loan, từ ngày 14 đến ngày 19-11, với mục đích tiếp xúc và trở nên quen thuộc với các công cụ mới của truyền thông xã hội.

Tại một khoá học kéo dài trong hai ngày 15 và 16-11, các đại biểu đã học hỏi chuyên sâu về cách sử dụng các mạng Facebook, Twitter, YouTube và các công cụ khác trong lĩnh vực của các phương tiện truyền thông đa phương tiện, và các bài thuyết trình được tổ chức bởi cha Stephen Cuyos, một linh mục đến từ Manila, Philippines.

Các đại biểu đã học cách kể chuyện trực quan, và làm thế nào diễn dịch các trình thuật Kinh Thánh sang ngôn ngữ của truyền thông kỹ thuật số. Các đại biểu cũng tham gia vào sự tương tác ảo, và kết nối với "các công dân kỹ thuật số" bằng cách sử dụng Phần mềm nguồn mở và tự do (FOSS). Họ cũng học cách cơ bản rằng các trò chơi trực tuyến có thể được sử dụng để dạy các giá trị nhân bản và Kitô giáo.

Linh mục Cuyos, Dòng Truyền giáo Thánh Tâm (MSC), là một chuyên viên sản xuất và huấn luyện cho Quỹ Truyền Thông châu Á (CFA). Cha hướng các đại biểu đến với thực tế mạng xã hội ở châu Á và xa hơn nữa. Cha cho biết rằng hiện nay giới trẻ đang tham gia vào trò chuyện ‘chat’ và viết blog, chia sẻ hình ảnh, chia sẻ video, chơi trò chơi điện tử cũng như chia sẻ phần mềm.

Đối với cái gọi là "văn hóa trực tuyến", hậu quả là nhiều và đa dạng. Chúng trải phẳng các tổ chức và giải thể các hệ thống phân cấp, bởi vì "tất cả chúng ta, không phân biệt chủng tộc, văn hóa và địa vị, có thể là bạn bè của nhau trong các mạng xã hội", vị linh mục nói.

Sự thay đổi “từ kiểm soát đến hợp tác" cũng là một thực tại trong lĩnh vực truyền thông xã hội, cùng với thông tin phản hồi tức thì, dù tốt hay xấu. Xu hướng cho thanh niên ngày nay là nghĩ rằng "việc giải trí như là vua!", và "nếu nó được phổ biến, thì sau đó nó phải là sự thật!". Các nỗ lực rao giảng Tin Mừng có thể được kể vào trong các hoạt động truyền thông xã hội.

Nhưng theo cha Cuyos, trước tiên cần phải ‘làm bạn’ (friend) với mọi người (đưa vào trong một danh sách bạn bè). Cha nói rằng "làm bạn" là một động từ trong hội thoại của phương tiện truyền thông xã hội, tương tự như từ ngữ "ưa thích" (favorite). Cha nói: “Chúng ta buộc phải sử dụng các phương tiện truyền thông phổ biến như Facebook và Twitter, và giải trí bằng cách sử dụng video và hình ảnh, vốn nói nhiều hơn là bản văn”. Giáo Hội cũng nên khởi động các nỗ lực truyền giáo, vốn là "hợp tác", bằng cách có các đối tác có thể chia sẻ các hình thức khác nhau của chuyên môn, trong các hoạt động trực tuyến.

Cuối cùng, Cha Cuyos khuyến khích các đại biểu học hỏi nhiều hơn về truyền thông xã hội.

Khi có thể được, Giáo Hội nên cố gắng tạo ra nội dung riêng và các ứng dụng của mình, để chúng có thể chia sẻ thông điệp trong cuộc đối thoại, vốn được cung cấp bởi các mạng xã hội toàn cầu.

Những người tham dự khoá học là các Giám mục phụ trách thông tin liên lạc tập thể, thư ký Uỷ ban, nhân viên tu sĩ và giáo dân của các nước Ấn Độ, Brunei, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. (AsiaNews 21-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giới trẻ khuyến khích bà Aung San Suu Kyi
Trầm Thiên Thu
09:50 22/11/2011
MYANMAR (22-11-2011) – Nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi nói rằng giới trẻ tham gia vào đời sống quốc gia là đáng khuyến khích nhưng sự giáo dục tốt là chủ yếu để họ có thể nỗ lực phát triển và đưa đất nước tiến lên.

Trước hơn 1.000 người quy tụ tại một hội chợ ngày 21-11-2011 để kỷ niệm đệ nhất chu niên Phong trào Giáo dục dưới nền Dân chủ, bà nói: “Điều này cho tôi sức mạnh để gặp gỡ các bạn trẻ dẫn đầu trong các hoạt động trong nước. Hiện nay chúng ta đang ở trong tình trạng cấp bách, và quyết định đúng là cần thiết trong thời điểm này. Chúng ta biết rõ cái gì là đúng và chúng ta quyết định thực hiện”.

Bà nói thêm: “Chúng ta hiểu những khó khăn của chúng ta và chúng ta đang lắng nghe các tư tưởng khác nhau. NNhưng chúng ta cần bước đi trên con đường mà chúng ta nghĩ là đúng, thậm chí còn nguy hiểm nữa”.

Bà kêu gọi mọi người dùng khả năng và sức mạnh của mình vì lợi ích của người khác và hợp tác với nhau. Bà nói: “Những người lớn tuổi cần hướng dẫn và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với giới trẻ để giới trẻ học hỏi”.

Giáo dục là chủ yếu để phát triển đất nước, bà nói rằng bà muốn nền giáo dục ở Myanmar phát triển để hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
 
Ý thức tôn giáo bẩm sinh của con người
Linh Tiến Khải
15:04 22/11/2011
Một số nhận định của giáo sư Yves Coppens, chuyên viên cổ nhân chủng học về ý thức tôn giáo của con người

Ngày 15-11-2011, giáo sư Yves Coppens, người Pháp, chuyên viên cổ nhân chủng học, đã đến Milano bắc Italia để tham dự cuộc hội học tại Đại học công giáo, do Ngân khố ”Julien Ries” tổ chức về đề tài ”Gió, Thần Khí, và Ma”. Giáo sư đã diễn thuyết về đề tài ”Không có con người mà không biểu tượng”. Nhân địp này giáo sư cũng giới thiệu cuốn sách của ông tựa đề ”Tiền lịch sử của con người”, do nhà xuất bản Jaca Books ấn hành.

Giáo sư Coppens sinh năm 1934 và là một trong các nhà cổ nhân chủng học nổi tiếng nhất thế giới. Là con của một khoa học gia về phóng xạ của các loại đá, ngay từ ngày còn bé ông đã say mê ngành tiền sử và khảo cổ học. Ông Coppens đã từng theo học tại đại học Rennes. Năm 22 tuổi ông cộng tác với giáo sư Jean Piveteau làm việc trong phòng thí nghiệm ”cổ sinh vật học” thuộc phân khoa khoa học đại học Paris, đồng thời là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp về cổ sinh vật học thuộc thời đệ tứ kỷ và đệ tam kỷ. Năm 1959 ông làm việc trong phòng thí nghiệm của Học viện Cổ sinh vật học của Viện bảo tảng quốc gia Pháp về lịch sử thiên nhiên. Ông được giao cho việc nghiên cứu các hiện tượng sinh học liên quan tới loài vật có vòi bên Phi châu. Giáo sư Coppens cũng từng là thành viên các toán nghiên cứu bên Algeria, Tunisia và Philippines.

Năm 1965 trong một cuộc đào bới khảo cổ tại Yaho bên nước Tchad, ông đã khám phá ra một cái sọ của một người đàn bà thời tiền sử được gọi là ”vợ của người đứng thẳng Ciad” (Tchadanthropus uxoris). Người đàn bà này sống cách đây 1 triệu năm.

Tuy nhiên biến cố khiến cho giáo sư nổi tiếng là cuộc đào bới khảo cổ năm 1974 tại Hadar bên Etiopia. Cùng với ông Donald Johannon chuyên viên cổ nhân chủng học, và nhà địa chất học Maurice Taieb, giáo sư Yves Coppens đã khám phá ra bộ xương của một người đàn bà sống cách đây 3,5 triệu năm. Người đàn bà khoảng 25 tuổi, bị chết trong vùng đầm lầy, chắc hẳn vì kiệt sức. Ba giáo sư đặt tên cho bà là Lucy, nhưng trong tiếng Aramây tên bà là ”Dinquinesh” có nghĩa ”Em tuyệt vời”.

Năm 1980 ông Coppens được chỉ định là giáo sư tại Bảo tàng viện quốc gia Pháp về khoa học thiên nhiên, và được mời dậy môn cổ sinh vật học và tiền sử tại Trường Pháp. Ông đã giữ ghế giáo sư này cho tới năm 2005. Giáo sư Yves Coppens đã viết rất nhiều sách về hai lãnh vực này cũng như cộng tác làm nhiều phim.

Giáo sư xác tín rằng ngành cổ sinh vật học và cổ nhân chủng học có các chứng cớ rõ ràng cho thấy con người phát xuất từ một sự biến hóa chậm nhưng không thể hãm lại được. Giáo sư Coppens không tin nơi thuyết ”tình cờ”, mà cho rằng loài người đã có các đặc tính thủ đắc được từ môi trường sống chung quanh. Theo giáo sư Coppens, con người sinh ra đã có cảm quan về sự thánh thiêng và rộng mở cho thiên linh, cũng như có khả năng cần đến biểu tượng.

Trong số mấy chục cuốn sách của giáo sư có các cuốn như: ”Nguồn gốc con người - Từ vật chất đến ý thức” (2010); ”Khỉ. Phi châu và con người” (1983); ”Nguồn gốc của loài đi hai chân” (1992); ”Lịch sử đẹp nhất của thế giới” (1996); ”Cái đầu gối của bà Lucy: lịch sử con người và lịch sử lịch sử của nó” (1999); ”Chiếc nôi của loài người. Từ nguồn gốc cho tới Thời Đồng” (2003); ”Lịch sử con người và các thay đổi khí hậu” (2006)...

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về ý thức tôn giáo và sự thánh thiêng của con người.

Hỏi: Thưa giáo sư Coppens, con người sinh ra trước hay biểu tượng có trước?

Đáp: Con người và biểu tượng nảy sinh đồng thời với nhau. Không thể nghĩ rằng biểu tượng đến sau con người; đàng khác con người từ ngay lập tức đã là sinh vật biểu tượng rồi.

Hỏi: Xin giáo sư giải thích cho biết điều này đã xảy ra như thế nào?

Đáp: Trong lộ trình tiến hóa của con người người ta thừa nhận 3 giai đoạn tiếp nối nhau. Giai đoạn đầu tiên cách đây 70 triệu năm đã xảy ra với cái nhìn trước trán, còn trước đó thì hai mắt ở hai bên cạnh. Cái nhìn trước trán này cống hiến cho con người chiều sâu của ba chiều kích, và việc nhận ra mầu sắc. Giai đoạn thứ hai cách đây 10 triệu năm: con người đứng thẳng, và lần đầu tiên có cái nhìn về chân trời và hướng lên trời. Giai đoạn thứ ba xảy ra cách đây 3 triệu năm theo sau một sự thay đổi khí hậu tàn bạo, khiến cho bộ mặt trái đất bị thay đổi một cách triệt để, trong nghĩa nó biến thành một môi trường khô ráo hơn rất nhiều; rừng gìa biến mất nhường chỗ cho cánh đồng cỏ và tranh. Để vượt thắng khó khăn vật chất này và có thể sống còn, thú vật đã khiến cho răng mọc ra để gặm cỏ một cách tốt đẹp hơn, trong khi bộ óc của con người vượt qua ngưỡng cửa của sự phức tạp đưa nó tới một mức độ cao hơn về phẩm cũng như lượng. Tiền con người biến thành con người.

Hỏi: Thế còn biểu tượng thì sao thưa giáo sư?

Đáp: Biểu tượng đến như hậu qủa. Bà Lucy dùng đá như chúng là. Nhưng để vượt thắng sự thay đổi khí hậu, con người phát triển đầu óc của mình. Nó lấy hai hòn đá và với hòn thứ hai biến đổi hình dạng của hòn đá thứ nhất. Thế là ý tưởng nảy sinh. Có một dự án liên quan tới tương lai: Và đây, vật dụng đầu tiên do con người chế ra đã là một biểu tượng thánh thiêng. Đàng khác, khi tôi thấy các dân tộc bản xứ, tôi nhận ra rằng các cử điệu của họ đều có ý nghĩa lễ nghi. Tôi không thể không nghĩ rằng điều này cũng đã xảy ra với người bán khai.

Hỏi: Như thế theo giáo sư tư tưởng đầu tiên nảy sinh cùng một lần với ý thức về sự thánh thiêng?

Đáp: Đúng thế. Trực giác về hình thể đã là sự hiểu biết cái gì đó thánh thiêng.

Hỏi: Trái lại bà Lucy đã không thể có các biểu tượng, và như thế cũng không ý thức về sự thánh thiêng, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Không, tôi không tin như thế. Dọc dài thời gian sự thay đổi của vài dữ kiện đã cho phép con người tôn giáo nổi vượt lên.

Hỏi: Đây là một khẳng định có các hiệu qủa đáng chú ý. Chẳng hạn tư tưởng có bắt buộc phải thánh thiêng hay không thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Sự thay đổi tiệm tiến đã cho phép con người phát triển các tư tưởng, cũng như đã cống hiến cho nó khả năng nhận ra cái gì khác nữa như tương lai và qúa khứ, một cái nhìn hướng về sự vô tận và đồng thời hướng về bên trong chính mình.

Hỏi: Thế thì các người tự cho mình là ”đời” không muốn dính dáng gì tới tôn giáo chắc là không cảm thấy thoải mái, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Tôi không tin là có một tính cách đời thực sự, nếu không phải là một cách suy nghĩ khác về sự thánh thiêng. Con người ta là biểu tượng, một cách không thể nào sửa chữa được, ít nhất là trong giai đoạn biến chuyển; và trong giai đoạn biến chuyển này tôi không thấy có sự khác biệt giữa con người đầu tiên và chúng ta, nếu không phải là trong sự tiến bộ và trong việc làm cho tư tưởng trở thành sắc sảo hơn.

Hỏi: Thưa giáo sư, chúng ta hãy liều lĩnh đi xa hơn hơn một chút: trong viễn tượng cảu sự tiến hóa theo tinh thần kitô giáo, trong lúc chuyển tiếp từ con người đầu tiên sống cách đây mấy triệu năm sang con người ngày nay, có thể coi đó như là lúc của việc tạo dựng hay không?

Đáp: Đây là điều các thần học gia phải trả lời, chứ không phải là nghề của tôi. Tôi chỉ hạn hẹp vào việc quan sát các dữ kiện tại chỗ và nhận xét lúc chuyển tiếp qua một ngưỡng cửa. Chằc chắn là đã xảy ra điều gì đó trong thời điểm ấy khiến cho con người không còn là tiền con người như trước đó nữa. Tôi không biết nó có phải là giây phút của việc tạo dựng hay không. Nhưng tôi nhớ là có lần tôi đã khiến cho Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger kinh ngạc, khi khẳng định rằng ”càng giải thích các sự vật một cách tự nhiên bao nhiêu, thì càng tốt cho siêu nhiên bấy nhiêu”...

Hỏi: Thưa giáo sư Coppens, ngày nay khi giáo sư xem xét biểu tượng của gió, biểu tượng của tinh thần, từ bình diện nhân chủng học: đây là một dấu chỉ rất quan trọng trong tất cả mọi tôn giáo. Giáo sư sẽ nói sao?

Đáp: Gió đối với con người tiền sử cũng giống như trời: nó là một hiện tượng diễn tả cái gì đến từ một thế giới khác. Ngoài ra gió còn nói, thổi và la hét... Nó là dấu chỉ của một sự hiện diện. Nó khiến cho con người sợ hãi, nhưng nó cũng là một người bạn đường. Nói cho cùng, trong các cách thức khác nhau nó vừa là một sự hiện diện gây âu lo vừa là một sự hiện diện khích lệ ủi an, một sự đe dọa mà cũng là một sự mơn trớn vuốt ve. Nó là hỏa ngục và thiên đàng.

(Avvenire 15-11-2011)
 
Top Stories
Theological Commission to continue Social Doctrine Study
Zenit
09:48 22/11/2011
Also Considering Monotheism and Theological Method

VATICAN CITY, NOV. 21, 2011 (Zenit.org).- The International Theological Commission will begin its plenary session a week from today, continuing its study of three main themes.

The commission is presided over by the prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, Cardinal William Levada.

The Nov. 28-Dec. 2 meting will be held in the Vatican and chaired by Bishop Charles Morerod, secretary general of the commission whom the Pope recently appointed as bishop of Lausanne, Geneve et Fribourg, Switzerland.

The themes to be studied are:

-- monotheism
-- the significance of the Church's social doctrine in the broader context of Christian doctrine
-- the question of methodology in modern theology, its perspectives, principles and criteria

A Vatican statement today noted that "a significant contribution" to this last subject was already made in the earlier five-year period of 2004-2008.
 
Vietnam: La résistance de la paroisse de Thai Ha provoque la mauvaise humeur des autorités
Eglises d'Asie
12:30 22/11/2011
La résistance de la paroisse de Thai Ha et la manifestation organisée par elle dans les rues de Hanoi, le 18 novembre dernier, ont profondément déplu, semble-t-il, aux autorités municipales. Celles-ci ont exprimé leur mécontentement ...

... à travers deux réactions fort différentes en apparence mais finalement convergentes. Un article paru le jour de la manifestation dans le journal communiste de la capitale, Ha Noi Moi , a morigéné les pasteurs de la paroisse au nom de la morale et de la théologie. L’incident survenu deux jours plus tard dans la paroisse peut être considéré comme une seconde réaction. Un milicien s'est introduit dans l'église de Thai Ha, perturbant une messe dominicale célébrée pour les enfants. La plupart des témoins ont pensé qu’il s'agissait là d'un signe intentionnel destiné à faire connaître l'irritation des autorités contre la communauté rédemptoriste de Hanoi.

Le très curieux article paru le 18 novembre dans les colonnes de l'organe du parti communiste de la capitale Ha Noi Moi (1) avait sans doute été préparé avant la manifestation car il a paru alors que les religieux et les fidèles de Thai Ha défilaient dans les rues de Hanoi. Le titre en particulier, était tout à fait inhabituel au regard du genre littéraire généralement cultivé dans ce quotidien. Il paraphrasait l'épître aux Romains (Rm13,2) : « Résister à l'autorité publique, c'est se rebeller contre l'ordre établi par Dieu ». Après avoir souligné le caractère illégal et l'absence de fondement des revendications des rédemptoristes, l'article s'efforçait alors de démontrer que la rébellion des catholiques contre la municipalité était une révolte contre le dessein de Dieu lui-même. Pour le prouver, il ne ménageait pas les citations. Il se référait à Benoît XVI, au catéchisme de l'Eglise catholique, à Saint-Thomas d'Aquin, à l'épître aux Romains de saint Paul … Autant de citations qui, selon l'auteur, prouvaient à l'évidence que toute désobéissance aux autorités publiques était une grave offense à la loi divine.

Cet étalage de science théologique de la part d'un journal qui jusqu'à présent n'en avait pas fait preuve, a étonné certains lecteurs (2) lesquels ont rapidement trouvé la source de l'article en question. Son auteur, en effet, s'était contenté de recopier, en y ajoutant quelques aménagements pour l'adapter au sujet traité, une homélie prononcée par un prêtre qui, par hasard, se trouvait être un rédemptoriste. On peut d'ailleurs consulter le sermon en question sur le site de la congrégation rédemptoriste (3).

L'incident survenu dans l'après-midi du dimanche 20 novembre (4), en pleine célébration de l'eucharistie, est de même nature que celui du 3 novembre dernier, lorsqu'une troupe d'hommes de main de la police avait fait irruption dans la paroisse. Cette fois-ci, un milicien seul, vêtu de kaki, coiffé d'une casquette et une cigarette à la main, s'est introduit dans l'église et s'est avancé jusqu'à l’autel, face au prêtre célébrant. Les animateurs de la messe l'ont alors appréhendé et entraîné hors du sanctuaire. Avant son entrée dans l'église, il avait crié de nombreuses injures sous l'oeil indifférent des policiers, nombreux à cette heure de la journée. Selon le témoignage de paroissiens, le milicien perturbateur portait sur lui une matraque électrique et de nombreux jeunes gens inconnus se trouvaient alors sur le parvis de l'église. La plupart des témoins de la scène déclarent qu'il leur est difficile de penser que les autorités ne sont pas à l'origine de cet incident.

(1) Signé de Ha Duong, l'article peut être trouvé à l'adresse suivante : http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Luan-ban-Hanh-dong/530421/chong-doi-luat-phap-cong-quyen-la-phan-nghich-chuong-trinh-thien-chua-thiet-dinh!.htm
(2) Voir l'article de Alf. Hoàng Gia Bảo sur Vietcatholic News, le 18 novembre 2011
(3) Le sermon en question a été mis en ligne à l'adresse suivante : http://www.trungtammucvudcct.com/web/tamsu.php?id=22
(4) Vietcatholic News, 20 novembre 2011

(Source: Eglises d'Asie, 22 novembre 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh viên Công giáo Vinh giao lưu với giới trẻ Giáo xứ Làng Nam và Văn Hạnh
Sinh viên Vinh
10:37 22/11/2011
VINH - Trong tâm tình mừng kính thánh tử đạo Lê Tùy và Lễ Chúa Kitô Vua bổn mạng của hai nhóm sinh viên CĐSP và Trung Tâm, trong hai ngày 19,20-11 đông đảo anh chị em sinh viên đang sinh hoạt tại Vinh đã đến và giao lưu với giới trẻ giáo xứ Làng Nam, Văn Hạnh.

Xem hình ảnh

Từ dư âm của ĐHGT tổng giáo phận Hà Nội “ Thầy gọi anh em là bạn” anh chị em sinh viên Vinh đã có những hoạt động ý nghĩa nhằm đem tinh thần của ĐHGT đến với các bạn trẻ trong giáo phận. Điển hình trong hai ngày 19,20-11 hơn 500 bạn sinh viên đã về giao lưu văn nghệ, thể thao, sinh hoạt lửa trại cùng với các bạn trẻ hai giáo xứ Làng Nam và Văn Hạnh.

Nằm trong những hoạt động ý nghĩa đó anh chị em sinh viên đã được cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh; quản xứ Văn Hạnh và cha Antôn Hoàng Trung Hoa tĩnh tâm, chia sẻ và dâng thánh lễ mừng kính bổn mạng của hai nhóm sinh viên CĐSP và Trung Tâm. Sau đó anh chị em cũng đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trong hai giáo xứ.

Cũng nói thêm, dự kiến sắp tới trong chương trình của BĐH SVCG Vinh sẽ phát động “Ngày vì môi trường” và “Tuần hành động: Giáng sinh cho mọi người”. Theo đó anh em sinh viên sẽ dành ra một ngày để đạp xe đi vệ sinh, nhặt rác, gom ve chai… tại các công viên, bệnh viện, quảng trường…trên địa bàn Tp Vinh và Tx Cửa Lò, con trong những tuần đầu tháng 12 anh em sinh viên sẽ tích cực gom ve chai, làm việc bán thời gian… tiết kiệm tiền để dành mua quà, tổ chức Noel cho các trại trẻ mồ côi, khuyết tật, các em bé trong bệnh viện, những người có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng rằng những việc làm ý nghĩa đó của anh chị em sinh viên sẽ được phát huy và nhân rộng, để tinh thần bác ái Kitô giáo ngày một triển nở.
 
Linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa tĩnh tâm năm 2011
BTT Thanh Hóa
10:40 22/11/2011
THANH HÓA - Sau những ngày hăng say phục vụ trên cánh đồng truyền giáo, chiều ngày 21 tháng 11 năm 2011, linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa đã về Tòa giám mục – mái Nhà chung thân yêu, để tham dự tuần tĩnh tâm thường niên năm 2011.

Xem hình ảnh

Tĩnh tâm là việc trở về Nguồn hết sức cần thiết để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng trong ơn nghĩa Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ tác động làm cho tâm hồn những mục tử lắng dịu sau một quản thời gian mệt mỏi, uể oải trong thân xác và tâm hồn. Những ngày tĩnh tâm cũng là cơ hội để mỗi mục tử tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu – Linh Mục Thưởng Phẩm, để được thần khí Ngài dậy bảo, hướng dẫn trong chân lý và sự thật.

Giảng phòng cho linh mục đoàn Thanh hóa là Đức cha Phaolo Bùi văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho. Với chủ đề về Chúa Thánh Thần, ngài chia ra làm 8 bài với các đề tài :

1. Lắng nghe Chúa Thánh Thần
2. Chúa Thánh Thần và ơn gọi nên thánh của linh mục
3. Chúa Thánh Thần và thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng của các linh mục
4. Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ.
5. Thánh Thể là Bí tích tình yêu tự hiến.
6. Cử hành mầu nhiệm Vượt Qua.
7. Cử hành mầu nhiệm Hiệp Thông.
8. Chủ Nhật, ngày của hồng ân Thánh Thần.

Sau khi Đức cha Giáo phận Giuse Nguyễn chí Linh, cha Tổng Đại diện Phêrô Vũ tiến Phúc cùng linh mục đoàn chào thăm Đức Cha Giảng phòng, Đức Cha Giuse đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể để khai mạc tuân tĩnh tâm, đồng thời ngài cũng mời gọi các linh mục cùng bước vào tuần tĩnh tâm trong bầu khí thinh lặng nội tâm, sốt sắng xin ơn Chúa Thánh Thần biến đổi, để trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Ngày khai mạc tuần tĩnh tâm nhằm vào ngày 22 tháng 11, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 62 của Đức cha giáo phận, nên trong giờ cơm tối, cha Tổng đại diện cùng quý cha quay quần bên vị cha chung để chúc mừng sinh nhật, cũng như có những lời chúc tốt đẹp dành cho ngài.

20g00, Đức cha giảng phòng bắt đầu với bài giảng đầu tiên : Lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Cùng hiệp thông với linh mục đoàn Thanh Hóa, nguyện chúc quý cha có một tuần tĩnh tâm sốt sắng trong tình yêu của Chúa Ngôi Ba.
 
Hội Thảo Tông Huấn Familiaris của Chân Phước Gioan Phaolô II tại Trà Kiệu
Maria Thủy Tiên
10:46 22/11/2011
TRÀ KIỆU - Nhân kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Tông Huấn Familiaris Consortio, Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo và học hỏi Tông Huấn về Gia Đình của Chân Phước Gioan Phaolô II tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, từ ngày 17 đến ngày 18/11/2011.

Xem hình ảnh

Tông Huấn Familiaris Consortio đã được Đức Hồng Y Ratzinger- nay là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, giới thiệu như là “bản tóm lược những vấn đề thần học và mục vụ về hôn nhân và gia đình mà từ trước đến nay chúng ta chưa hề có” (J.Ratzinger, trong "L'Osservatore Romano, 18.12.1981)

Thánh Lễ khai mạc cho cuộc Hội thảo được cử hành trên đồi Bửu Châu tại Đền Đức Mẹ Trà Kiệu vào lúc 06g00 ngày 17/11/2011, do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình chủ tế. Cùng đồng tế, có quý Cha Trưởng Ban mục vụ gia đình của các giáo phận, quý Cha trong và ngoài địa phận.

Hình ảnh mọi thành phần dân Chúa cùng nhau quy tụ về bên Mẹ Maria Trà Kiệu để một lần nữa nhắc nhở mỗi người chúng ta tôn vinh Mẹ Maria với tước hiệu “Nữ Vương các Gia Đình”.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha đã hướng cộng đoàn sống lại mầu nhiệm gia đình Chúa Kitô và những định chế gia đình được thiết lập trên nền tảng của Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, Đức Cha đã nhắc lại cho cộng đoàn nghe về những biến cố lịch sử cùng những phép lạ Mẹ Maria đã làm tại Trà Kiệu để che chở, cứu thoát con cái Mẹ trong cơn bách hại.

Khoảng 8g00, mọi người tập trung về hội trường, bắt đầu bước vào giờ học hỏi và Hội thảo về Tông Huấn Familiaris Consortio.

Hiện diện trong cuộc Hội thảo gồm có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ gia đình, Đức Cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Tổng thư ký của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình, quý Cha Trưởng Ban mục vụ gia đình các giáo phận, quý Cha và quý nữ tu các Dòng...cùng đại diện các phong gia đình, các đoàn thể đến từ 16 giáo phận.

Trong lời mở đầu cuộc Hội thảo về Tông Huấn, Đức Cha Chủ tịch đã giới thiệu bản Tông Huấn Familiaris Consortio bằng tiếng Việt do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ đã chuyển dịch, dẫn nhập và phát hành vào năm 2001, kỷ niệm 20 năm công bố Tông Huấn, với lời giới thiệu trang trọng của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Nhưng rất tiếc, tài liệu quý báu này cho đến nay cũng chưa được phổ biến rộng rãi đến các gia đình, và chưa trở thành thủ bản cho những tác viên mục vụ gia đình tại các giáo phận và giáo xứ...Trong dịp này, Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình đã phát hành lại toàn văn Tông Huấn do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển dịch và dẫn nhập.

Đức Cha Chủ tịch Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình cho rằng việc kỷ niệm 30 năm Tông Huấn Familiaris Consortio dù có muộn màng, nhưng có còn hơn không!.

Tiếp sau lời mở đầu của Đức Cha Giuse, Cha Augustinô giới thiệu cùng cử tọa một cách tổng quát về một vài đặc điểm của Tông Huấn trong giai đoạn lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Tông Huấn Familiaris Consortio là thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1980 về “những bổn phận của Gia Đình trong thế giới ngày nay”. Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II và Tông Huấn này được ban hành vào ngày 22.11.1981, nghĩa là đúng vào thời điểm mà Giáo Hội và Quê Hương chúng ta đang gặp khó khăn về mọi mặt, nên nhiều người chưa hề biết đến hoặc chưa được giới thiệu và học hỏi một cách sâu rộng.

Bởi vậy, vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Tông Huấn, Uỷ Ban Mục vụ Gia đình đã tổ chức cuộc Hội thảo về Tông Huấn để cùng nhau nhìn lại và học hỏi về Tài Liệu quan trọng này của Giáo Hội, làm nền tảng cho việc mục vụ gia đình trong giáo phận, giáo xứ... Vì Tông Huấn được xem như là thành quả và là một sự nối tiếp công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục, nên việc làm của mỗi người là phải học hỏi và thấu hiểu ý nghĩa để tìm cách đưa vào trong giáo lý và hoạt động mục vụ của từng Giáo Hội địa phương.

Tiếp đến, anh Phanxicô Xaviê Trần Anh Dũng đến từ Tổng giáo phận Sài Gòn với bài thuyết trình “Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay” đã gợi lên một hoàn cảnh lịch sử mà gia đình đang trải qua ngày ngày như một bức tranh hòa lẫn ánh sáng và bóng tối. Bởi một đàng, người ta có được một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và chú ý nhiều hơn đến những tương quan liên vị trong hôn nhân, đến việc làm thăng tiến phẩm giá người phụ nữ, đến việc truyền sinh có trách nhiệm và giáo dục con cái, đến sự hợp tác giữa các gia đình để cùng nhau tăng trưởng trong đức tin và trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng đàng khác, cũng cho chúng ta thấy có những dấu chỉ suy thoái về những giá trị luân lý, một quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa vợ chồng, quyền bính của cha mẹ trên con cái, khó khăn trong việc truyền đạt những giá trị, thiếu can đảm trong việc truyền sinh sự sống mới, tìm kiếm những phương thuốc ngừa thai và nhiều lúc còn tìm cách triệt sản, nạn phá thai ngày càng lan tràn...

Sau phần giải lao khoảng 15 phút, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Gia đình Tổng giáo phận Sài Gòn đã khéo léo trình bày với cử tọa đề tài “Ý định của Thiên Chúa: Gia đình là một cộng đoàn hiệp thông các ngôi vị - hình ảnh của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”. Với đề tài chia sẻ đó, Cha Luy đã gợi nhắc mọi người cần nhìn lại hoàn cảnh thế giới ngày nay trong đó các gia đình chúng ta đang sống với những đặc điểm về não trạng của nó. Kế đến, chúng tìm hiểu xem đâu là ý định của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ, tạo dựng gia đình. Từ đó, ta biết sứ mạng cụ thể của gia đình của những bậc làm cha mẹ là gì?

Tiếp nối đề tài chia sẻ của Cha Luy, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Trường Sơn thuộc Giáo phận Đà Nẵng, xuất thân từ học viện nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình, cùng với những suy tư của ngài đã chia sẻ cùng cử tọa đề tài “Đào tạo cộng đồng ngôi vị”, đó là một yếu tố quyết định cho sự hình thành một cộng đồng nhân loại theo ý định của Thiên Chúa để trở thành một cộng đồng “chư thánh trên trời”, mà “Ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị được dệt nên- những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em qua những tương quan ấy mỗi ngôi vị được dẫn vào trong “gia đình nhân loại” và gia đình Thiên Chúa” (FC 15).

Sau khi kết thúc bốn đề tài chia sẻ, Đức Cha Phụ Tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã bày tỏ ý kiến với lòng thao thức và ước muốn theo như lời mời gọi trong Tông Huấn “Hỡi Gia Đình! Hãy trở nên điều mà mình là! Nghĩa là hãy trở nên đúng với bản chất của mình”. Với ý nghĩa sâu sắc đó, ngài đã đưa ra hai bản chất cụ thể của gia đình liên quan đến hoàn cảnh xã hội hiện tại: Gia đình phải là một tổ ấm hạnh phúc và gia đình là cái nôi của sự sống, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất" (St 1, 28).

Cùng với Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo phận Huế, quý Cha Trưởng Ban Mục vụ gia đình đại diện các giáo phận đã lần lượt nêu lên những ý kiến tham luận cũng như những băn khoăn, trăn trở trong việc mục vụ hôn nhân và gia đình, khiến cho bầu khí Hội thảo thêm phần sống động và thấy rõ hơn những điều thực tại trong hoạt động mục vụ gia đình ở mỗi giáo phận, giáo xứ.

Buổi sáng đã khép lại với bốn đề tài chia sẻ. Đến 14g00, mọi người trở lại hội trường cùng sinh hoạt khởi động và đọc kinh để chuẩn bị cho bốn đề tài chia sẻ tiếp theo.

Trước bối cảnh văn hóa sự chết và não trạng chống sự sống đang trở nên dày đặc nơi gia đình ngày nay bởi nhiều nguy cơ: Cá nhân chủ nghĩa chủ trương; Tiến bộ khoa học kỹ thuật; Chủ nghĩa duy lợi; Lập trường bi quan của “môi sinh học” hay “tương lai luận”; Chủ nghĩa đa nguyên luân lý; Não trạng “bất mãn”; Tình trạng “vắng bóng Thiên Chúa” khiến cho đời người trở nên bấp bênh và vô nghĩa. Đứng trước hiện trạng có nhiều bóng tối che phủ đó, Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến thuộc Tổng giáo phận Huế, tiến sĩ thần học luân lý, đã cùng với cử tọa tìm hiểu Tông Huấn qua đề tài chia sẻ “Gia đình phục vụ sự sống”.

Đứng trước sứ mạng “phục vụ sự sống” đang gặp nhiều khó khăn vì phải đối diện với nhiều thách đố lớn từ “não trạng chống sự sống”, đang thôi thúc Giáo Hội thi hành trách nhiệm làm “Mẹ và Thầy”, để luôn gần gũi, cảm thông, nâng đỡ và truyền dạy các gia đình Kitô hữu những quy tắc luân lý đặt nền tảng trên “sự thật” mạc khải về “sứ mạng Truyền Sinh và Giáo Dục con cái”, những sứ mạng cao cả đã được Tông Huấn xác định là những “thừa tác vụ đích thực” của Ơn Gọi Hôn Nhân và Gia Đình.

Tông Huấn nói đến việc phục vụ sự sống, trong đó bao gồm cả “Bổn phận giáo dục con cái theo đường lối của Tông Huấn Familiaris Consortio”, đó cũng là đề tài thuyết trình của Cha Giuse Đinh Quang Vinh, thuộc Giáo phận Đà Lạt, cử nhân thần học từ Học viện nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình.

Tiếp đến, anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện phong trào Khôi Bình đã chia sẻ đề tài “Trách nhiệm phát triển xã hội của gia đình”.

Bài thuyết trình cuối cùng của ngày Hội thảo đầu tiên do nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Dòng Đaminh Tam Hiệp với đề tài “Gia đình tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh”.

Sau một ngày cùng nhau tích cực tìm hiểu, học hỏi và Hội thảo về Tông Huấn với tám đề tài được thuyết trình, chia sẻ một cách sâu sắc mang nhiều yếu tố thần học nên đòi hỏi mỗi người phải suy tư và làm việc trí óc nhiều.

Buổi cơm chợ quê của giáo xứ Trà Kiệu đã giúp mọi người có những giờ phút thư giãn, vui vẻ và thân mật bên nhau với những món ăn đặc sản, dân dã của vùng đất Quảng.

Ngày Hội thảo đầu tiên kết thúc bằng giờ tĩnh nguyện và chia sẻ chứng từ của các đôi vợ chồng đại diện các phong trào gia đình ở các giáo phận.

Bước sang ngày thứ hai, là phần về “Mục Vụ Gia Đình”, phần thứ IV của Tông Huấn đã được Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ trình bày qua các đề tài liên quan đến những vấn đề hôn nhân như chuẩn bị từ xa ngay trong bổn phận gia đình cho đến việc chuẩn bị gần và liền trước lúc cử hành Hôn lễ trong trách nhiệm của giáo xứ; đồng hành với gia đình trẻ, tổ chức cơ cấu, nhân sự. Những trường hợp khó khăn và trái quy tắc của Hôn nhân và thái độ của người mục tử với tư cách là người đại diện cho Giáo Hội là “Mẹ và Thầy”. Là Mẹ thì phải cảm thông cho hoàn cảnh của con cái mình. Là Thầy thì phải chỉ dẫn cho con người đi đúng với sự thật.

Cũng trong dịp này, đại diện các phong trào gia đình đã lần lượt giới thiệu tổ chức và linh đạo của mình: Cộng đoàn Gia đình Chúa (hay còn gọi là Gia đình thiêng liêng) sinh hoạt với tôn chỉ “Nên thánh qua ơn gọi gia đình” bằng việc liên kết các gia đình Kitô hữu thành từng nhóm nhỏ gọi là “Gia đình” như những Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản, nhưng có liên kết và thống nhất thành cộng đoàn Gia Đình Chúa với một linh đạo chung.

Tiếp đến là Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm với tôn chỉ “hợp nhất với Chúa Giêsu yêu thương cứu độ nhân loại”, đây là một tổ chức tông đồ giáo dân, chuyện việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đời sống hiệp thông thường xuyên với Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động tông đồ của mình. Đồng thời, lấy việc bước theo Chúa yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự sống dồi dào cùng sự phát triển toàn diện và vững bền của gia đình nhân loại.

Phong trào Gia đình Khôi Bình, sinh hoạt theo linh đạo của chân phước Ađôn Khôi Bình được đặt trong bốn chữ vàng “Thăng Tiến Xã Hội”, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn về ba phương diện tâm linh, tinh thần và vật chất.

Phong trào Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình với mục đích thương yêu gần gũi bằng việc làm, trên nền tảng khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi.

Gia đình Cùng Theo Chúa: là một hiệp hội phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho các gia đình Kitô hữu, nhằm canh tân đời sống bản thân, gia đình theo Lời Chúa, trong Chúa Thánh Thần, qua đó góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội.

Ngoài ra, còn có Cộng đoàn Gia đình Emmanuel, khởi đi từ nhu cầu của các cặp gia đình trẻ cần có sự nâng đỡ nhau trước thách đố của thời đại, bằng việc thờ phượng, thương xót và truyền giáo.

Theo Đức Cha chủ tịch, các Hiệp hội gia đình được ví như “cánh tay phải” đắc lực cho Uỷ ban Mục vụ Gia đình. Đó là những đặc sủng Chúa ban cho mỗi Cộng đoàn gia đình để cộng tác với các Giám mục, Linh mục thực hiện công tác mục vụ gia đình theo sứ mạng của mình tham dự vào đời sống của Giáo Hội.

Sau khi lắng nghe Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ chia sẻ đề tài “Mục Vụ Gia Đình”, toàn thể tham dự viên đã chia ra thành 4 nhóm khác nhau, thảo luận theo 4 đề tài : Nhóm 1: Làm sao khởi động Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận? Nhóm 2: Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận lên kế hoạch 3 năm. Nhóm 3: Giới thiệu các Hiệp hội tông giáo dân về Gia đình. Nhóm 4:Giới thiệu tuần lễ gia đình, hướng về Đại hội Gia đình thế giới tại Milanô từ ngày 30/05 đến 03/06/2012.

Sau phần đúc kết các cuộc thảo luận nhóm, Đức Cha chủ tịch đã giới thiệu Ban Nghiên Huấn do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ làm trưởng ban. Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh đến vai trò và công việc của Ban truyền thông để giúp cho hoạt động mục vụ gia đình được phổ biến rộng rãi và có hiệu quả hơn.

Cuộc Hội thảo kỷ niệm 30 năm Tông Huấn Familiaris Consortio được kết thúc bằng Thánh lễ đại triều lúc 12g00 do Đức Cha Giuse chủ sự.

Sau bữa cơm trưa thân mật, mỗi tham dự viên ra về mang theo niềm hăng say mới quyết tâm phục vụ các gia đình được tỏ bày trong bức “Tâm thư gửi đến các gia đình và những ai đang phục vụ gia đình” - như muốn chia sẻ những nét chính yếu của Tông Huấn nhằm giúp cho các gia đình sống đúng bản chất và bổn phận của mình trong thế giới ngày nay.
 
Giáo xứ Tây Ninh kỷ niệm 130 năm thành lập, khai mạc Năm Thánh
Ignace Phong
19:44 22/11/2011
TÂY NINH ngày 20.11.2011 - Được sự chấp thuận của Tòa Thánh Rôma, Giáo xứ Tây Ninh đã tổ chức khai mạc trọng thể Năm Thánh 2011 – 2012, nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập giáo xứ và 80 năm cung hiến thánh đường 1932 – 2012.

Xem hình ảnh

Thánh lễ đồng tế được tổ chức long trọng với sự hiện diện Đức Giám Mục Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường và 14 linh mục trong giáo hạt Tây Ninh.

Chọn ngày 20.11.2011 để khai mạc năm thánh vì đó là ngày lễ Chúa Kitô Vua, đây là tước hiệu của nhà thờ Tây Ninh (Christo Regi). Nhà thờ hiện nay đã được một linh mục người Pháp có tên Việt Phaolô Đàng xây dựng trên nền nhà thờ cũ năm 1932. Điều này được thể hiện rõ trong bảng đá tưởng nhớ công đức của Cha Phaolô Đàng để ở cuối nhà thờ. Trong Năm Thánh này Tòa Thánh đã ân chuẩn cho giáo xứ có 14 ngày lễ được chỉ định trong Năm Thánh để được hưởng Ơn Toàn Xá.

Cuối lễ Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ nhắn nhủ giáo dân họ đạo Tây ninh biết trân trọng Hồng Ân Chúa ban và ban phép lành nhân danh Tòa Thành Vatican.

 
Giới Trẻ Trước Căn Bệnh Vô Cảm
Tu Sĩ Lôrensô: Vũ Văn Trình MF
17:58 22/11/2011
Giới Trẻ Trước Căn Bệnh Vô Cảm

Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với những người mắc “bệnh vô cảm” này, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.

1. Thực trạng vô cảm của giới trẻ

Ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho nhân quần xã hội, dẫn đưa đất nước đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp đà tiến bộ của các nước trên thế giới. Nhưng thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Mới đây, cư dân mạng lại giật mình trước hành vi côn đồ của một nhóm nữ sinh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… với những màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. “Người quay lại những hình ảnh đó là một nam sinh. Kèm theo những lời chửi bới của những cô gái hành hung, còn cổ vũ nhiệt tình, hứng khởi của anh chàng này: “Cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi…!!!” . Hơn nữa, nhiều người cũng ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của những thế hệ 8x, 9x. Mặc dầu các bạn có điều kiện nhưng lại không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Rất nhiều người trẻ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn.

Lại nữa, trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm giết người càng được trẻ hóa. Rất nhiều tội phạm đang ở thế hệ 8x, 9x. Chẳng hạn mới đây, dư luận xôn xao về vụ thảm sát, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). “Kẻ vô cảm” đã giết ba mạng người, đó là thanh niên Lê Văn Luyện, 17 tuổi. Có người đã nói: “Hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo, vô cảm chưa từng có từ trước tới nay”. Ngoài ra, còn có Hồ Nhật Linh,18 tuổi, ngụ tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi, sau đó vứt xác nạn nhân xuống mương…

Thực trạng của “bệnh vô cảm” này đang diễn biến hết sức phức tạp. Một lần nữa, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt đối với giới trẻ. Ông cha ta đã thấy rõ được những tác hại của nó nên đã tích cực phê phán, lên án những thói xấu chỉ biết vun quén cho riêng mình: “Đèn nhà ai nhà ấy sáng”, hay “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động vô cảm ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.

2. Nguyên nhân dẫn giới trẻ đến vô cảm

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

2.1 Nguyên nhân bản thân

Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại; họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào điều tốt, thế nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Đối với họ, nhà hàng xóm gặp hoạn nạn, có người thân mắc phải tệ nạn xã hội, họ cũng bàng quan như không hay biết, không hỏi han, cũng chẳng an ủi một vài lời. Trên đường đi, gặp người bị nạn, họ bỏ đi, chẳng thèm quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, giương đôi mắt ếch nhìn chung quanh, không hề giúp đỡ nạn nhân vì họ sợ phải gánh trách nhiệm. Gặp kẻ bất hạnh, tàn tật nằm bên vệ đường, họ chẳng những không thương xót mà còn khinh bỉ, rẻ rúng những con người kém may mắn đó. Quả thật, đó là những hành động đáng lên án.

Theo chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai thuộc Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình TPHCM, cho biết: “Do tâm lý sống ‘chỉ biết mình’ khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, căn bệnh vô cảm đã thật sự xâm nhập và ăn sâu trong thế hệ trẻ hiện giờ!” Hơn nữa, sự vô cảm bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa. Hậu quả là, những xúc cảm đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu.

2.2 Nguyên nhân từ gia đình

“Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”. Đây chính là bài học giáo dục công dân của học sinh cấp II. Thế mà ngày nay, trong nhiều gia đình, cha mẹ rất ít dạy con có sự đồng cảm với người khác, với những người chung quanh. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Triệu Hồng Như thuộc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hà Nội: “Cách phản ứng, hành vi của giới trẻ một phần là do học hỏi ngoài xã hội và một phần là do ảnh hưởng từ trong gia đình, cũng có khi là do lối sống mà giới trẻ tự tạo nên… Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. Những cảnh bạo lực từ đấm đá đến chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh; những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi”.

Đúc kết kinh nghiệm giáo dục con cái, ông cha ta đã khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nhưng dường như nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc dạy con phải có sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ và biết tha thứ cho người khác. Bởi lẽ, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống, cũng không quan tâm dạy bảo con cái. Hiện nay, có bao nhiêu bậc cha mẹ chịu bỏ thời gian dạy con cái biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con có lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?

Hơn nữa, nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.

2.3 Nguyên nhân từ nhà trường

Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người có tài đức, biết quan tâm đến mọi người và tích cực phục vụ cho nhân quần xã hội. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.

Bên cạnh một số thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. “Có thầy cô gọi học sinh là mày xưng tao, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước” . Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của giới trẻ, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự vô cảm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó? Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô cảm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô cảm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô cảm như họ. Như thế, ta phải nói sao về những chủ nhân tương lai của đất nước? Đây chính là một mối họa lớn cho xã hội.

Quả thật, môi trường giáo dục đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Đó thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội. Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân mà khiến người ta day dứt, trăn trở nhiều nhất, đó là căn bệnh vô cảm, nó giảm sút nghiêm trọng tinh thần đấu tranh đang bao trùm ở khắp nơi, với mọi đối tượng.

2.4 Nguyên nhân từ xã hội

Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh. Theo GS Mark Bauerlein (Mỹ), khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Khi blog, mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm,…

Đồng thời, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến đạo đức truyền thống: một mặt, nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị đạo đức mới được hình thành; mặt khác, nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cái ta cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng: “Dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô cảm".

Hơn nữa, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào văn hóa của xã hội ngày nay. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại. Bên cạnh đó, do sự gia tăng những bất công xã hội, là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lối sống “phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm.

3. Tác hại của căn bệnh vô cảm

Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái.

3.1 Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người

Một bác sĩ nếu “vô cảm” sẽ không có đủ tình thương đối với con bệnh của mình, sẽ đánh mất đi lương tâm của một thầy thuốc, sẽ quên đi phương châm: “Lương y như từ mẫu”. Chẳng hạn, trước một ca cấp cứu, bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng vì gia cảnh nghèo, không có tiền để đóng viện phí hay không có tiền để “bồi dưỡng” cho bác sĩ, thì “bệnh vô cảm” khiến cho bác sĩ ấy chậm trễ, thờ ơ hay không nhiệt tình cấp cứu bệnh nhân, cuối cùng để bệnh nhân chết oan uổng, gây đau khổ cho những người thân của họ. Càng đau đớn và chua xót hơn nếu bệnh nhân kia là cha mẹ, là người cột trụ về kinh tế trong gia đình. Họ phải tất tưởi ra đi, để lại những đứa con thơ dại, cha mẹ già không ai phụng dưỡng trong cảnh cô đơn, già yếu. Mới đây tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, chỉ vì sự vô cảm của bác sĩ và các y tá, đã dẫn đến cái chết oan uổng của một em bé chưa kịp chào đời. Chị Hao kể: “Chồng tôi đã bồi dưỡng bác sỹ An một triệu đồng, nhờ cứu cho mẹ tròn con vuông rồi gia đình sẽ “hậu tạ” sau. Thế nhưng, bác sĩ An không mổ ngay cho tôi mà đi vào phòng riêng ngồi xem vô tuyến đến tận 23h40, còn 2 hộ sinh nữ là Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh ngồi ở một góc phòng ăn bánh kẹo, nói chuyện, làm việc riêng để mặc cho tôi đau đớn trên bàn sinh. Tôi đau đớn khi biết con mình trong bụng đang chết dần chết mòn mà không thể cứu được. Tuyệt vọng, tôi cầu cứu các y tá đang ở gần đó nói giúp với bất cứ bác sĩ nào cũng được, mổ giúp tôi lấy con ra mà không một ai đứng dậy tìm bác sĩ. Họ vẫn cứ thờ ơ, thản nhiên ăn uống, cười đùa với nhau như không có chuyện gì xảy ra cả” . Còn nói về người giữ sinh mạng của nhiều người như tài xế chẳng hạn, mà mắc “bệnh vô cảm” thì cái chết không chỉ mang đến cho một người. Người tài xế “vô cảm” sẽ coi mạng con người chẳng ra gì, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường để về trước, sẽ gây hậu quả khôn lường. Một vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận mới đây, đã cướp đi sinh mạng của mười người và rất nhiều người bị thương. Nguyên nhân cũng chỉ vì tài xế “vô cảm”, coi mạng người như cỏ rác.

3.2 Bệnh vô cảm có thể để lại tai họa lớn cho xã hội

Thầy cô giáo được xem là “kỹ sư tâm hồn”, là “cha mẹ thứ hai” của học sinh. Nhưng nếu “vô cảm” sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình trong việc giảng dạy, không có trách nhiệm trong việc giáo dục, hờ hững trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy, chỉ biết dạy hết giờ là ra về còn kết quả ra sao không quan tâm! Vì “vô cảm” họ sẽ “đào tạo” ra những lớp học trò thiếu trình độ, thậm chí cũng… “vô cảm” như họ. Như thế, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Rường cột nước nhà sẽ ra sao, nếu không nói là đã mục nát ngay từ trong trứng nước? Quả thật, đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!

3.2 Bệnh vô cảm có thể đưa đất nước đến suy vong

Các cán bộ Nhà nước là “đầy tớ của nhân dân”, hết lòng phục vụ cho công ích, điều hành mọi hoạt động của đất nước. Thế nhưng, họ lại “vô cảm” trước các nguyện vọng chính đáng của người dân, thì họ sẽ không thể nào nhìn thấy và thấu hiểu được những khốn khó trăm bề của dân đen. Thậm chí, lại không giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện về tài sản, đất đai của người dân; trái lại, còn nhũng nhiễu, gây khó dễ để được “chung chi”, hoặc trù giập, dùng vũ lực để chiếm lấy cho một tổ chức nào đó để mình được “phong bì” dằn túi riêng. Tất cả cũng chỉ vì tham lam, ích kỷ mà đánh mất đi cái lương tâm, cái phẩm chất đạo đức, cái tác phong nghiêm túc của một cán bộ “cho dân và vì dân”. Từ đó, nhân dân sẽ không còn tin tưởng vào chính quyền nữa, sẽ mạnh ai nấy sống, sẽ vơ vét cho riêng mình, sẽ sống “vô cảm” như cán bộ, chẳng ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, phó mặc cho ngoại xâm xâu xé đất nước, tự do giành đất giành biển của chúng ta. Chính những cán bộ “vô cảm” thiếu trách nhiệm này đã gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong.

4. Để giới trẻ bớt vô cảm

“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô cảm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó, nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô cảm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

4.1 Về phía bản thân

Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những người đạo đức, đồng cảm trong xã hội. Chẳng hạn mẫu gương các nữ tu đang phục vụ tại trung tâm Sida giai đoạn cuối - Mai Hòa - Củ Chi. Các nữ tu đã đồng cảm với số phận của những người kém may mắn qua cách phục vụ tận tình giúp đỡ họ. Chính vì thế, có những bệnh nhân đã phải thốt lên rằng: “Ở đây, chúng em thật là hạnh phúc vì có các nữ tu phục vụ chăm sóc tận tình và đồng cảm với số phận của chúng em còn hơn những người ruột thịt trong gia đình, chúng em có chết cũng mãn nguyện”. Hay mẫu gương của chàng sinh viên Hiến thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông TPHCM. Thấy một cô gái nằm sõng soài bên con lươn xa lộ, “quan sát kỹ hơn, Hiến hốt hoảng thấy hàng chục xe tải, xe khách, container cứ vô tư đi ngang qua, không ai thèm đoái hoài đến cô gái. Trong giây phút ấy, Hiến cùng Sơn vội vàng lao ra đường, không cần đắn đo, bế thốc cô gái, máu ướt đẫm chạy thẳng đến bệnh viện” .

Đặc biệt, chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Đức Giêsu đã dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, sự đồng cảm với người khác. Chúa đã thực hành trước khi dạy chúng ta: Ngài đã biết chia vui trong tiệc cưới Canna, Ngài cũng biết chia buồn với cái chết của Lazarô, của con trai góa phụ thành Naim… Hơn nữa, trong thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô cũng đã nêu bật về sự đồng cảm với mọi người: “Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14).

4.2 Về phía gia đình

Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ “dạy chữ’ mà nhất là phải “dạy người”. Hơn nữa, phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: “Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế”.

Nhất là, gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. “Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện.”

4. 3 Về phía nhà trường

Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đồng cảm với các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này, chúng ta thấy rõ trong các trường Công giáo và các cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, và biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM: “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.

Mặt khác, nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất sống. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa, yêu thương nhưng lại mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác thường nảy sinh, ẩn nấp dưới nhiều hình, nhiều dángvẻ trong cuộc sống.

4. 4 Về phía xã hội

Xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người. Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: “Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn nữa”. Có người đã nói: “Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời, họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ”.

Kết luận

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời câu ca dao:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”.

Để nói nên tình cảm của con người với con người, chúng ta không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương.

Hơn nữa, một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, chẳng khác chi cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống. Chúng ta nên có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; phải yêu thương, kính trọng và sống hết lòng với mọi người chung quanh; phải biết: “Vui cùng người vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,14). Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Như vậy, giới trẻ mới là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại và văn minh; xứng đáng với nòi giống “con rồng cháu tiên” của một dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Tu Sĩ Lôrensô: Vũ Văn Trình MF

Các bài cùng tác giá, các bạn có thể vào google gõ các tựa đề của các bài sau

1 Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay

2 Vấn đề sống thử của giới trẻ ngày nay

3 Vấn đề phá thai của giới trẻ ngày nay

4 Toàn cầu hóa cơ hội và thách thức cho giới trẻ ngày nay

5 Giới trẻ khoa học và đức tin

6 Đức tin trong giới trẻ ngày nay

7 Tứ đức trong thời nay
 
Ký sự về một giáo xứ Viêt Nam ở Arlington, Texas
Trần Mạnh Trác
18:15 22/11/2011
Ký sự về một giáo xứ Viêt Nam ở Arlington, Texas



Tôi trở về Arlington trong một chiều Thu ấm áp có mây xám giăng giăng, có gió nhẹ thổi, có lá vàng khoe sắc. Một chiều Thu đẹp như thế thì rất hiếm hoi ở vùng bắc Texas nóng cháy này. Mục đích là đi dự đám cuới của một cô cháu gái.

Từ khi rời Arlington tới nay, kể cũng trên 17 năm rồi, những lần về lại chỉ là một trong hai lý do, hoặc đám cưới, hoặc đám ma.

Đám cuới thì được (hoặc bị) mời, đám ma là tự mình tìm đến. Dù thế nào, mỗi lần như vậy, tôi cũng cảm thấy nao nao khi nghĩ tới những bộ mặt thân quen lâu ngày được tái ngộ...Nhưng tuổi đời càng cao, đám ma càng nhiều, những hình bóng thân quen càng vơi dần đi.

Thế cuộc đổi thay, đôi mắt chong chong, chỉ là để điểm xem những gì còn hay mất.

Cho nên sau khi rời Spur-408 để đổ xuống con dốc I-20 và Arlington thấp thóang xuất hiện phía chân trời, tôi không thể không liên tưởng tới tâm tình của Ngô Thụy Miên trong bài "Paris có gì lạ không em?", trong đó tác giả thố lộ cõi lòng đầy ắp của mình, nhưng tự hỏi còn có mấy ai biết cho chăng?

"Mai anh về mắt vẫn lênh đênh,

giận hỏi, lòng mình là hương cốm,

chả biết tay ai làm lá sen?"


Với tâm tình của một khách phương xa nhiều năm mới trở lại nhưng không ảo vọng tìm được một cố nhân, tôi cũng tự hỏi bâng quơ "Arlington có gì lạ không em?"

...

Arlington là một thành phố cỡ trung của tiểu bang Texas nằm giữa Dallas và Fort Worth, nổi tiếng vì có hai đội banh nhà nghề, đó là đội bóng chùy (baseball) Texas Ranger, chưa hề vô địch bao giờ, chỉ 'súyt' vô địch mà thôi (nhưng 'súyt nữa', dù cho có tới 2 lần, thì vẫn kể là hụt)... Còn đội thứ hai? đó là đội bóng ném (người Mỷ cứ thích gọi là bóng chân (football)) tên là Dallas Cowboys...cái tên tuy mang danh hiệu Dallas nhưng chưa bao giờ cơ sở của Cowboys nằm trong đất Dallas cả, hồi trứơc sân Cowboys nằm tại thành phố Irving, mái để hở và người ta vẫn gọi đùa là 'cái sân thủng mái,' mới đây hội xây lại một sân mới ở Arlington, to lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng vẩn 'cố tình' để hở một cái lỗ lớn hơn (mở đóng tùy theo nhu cầu)...gọi là để 'tiếp nối' cái 'di sản cổ truyền'. Từ khi về Arlington đến nay thì hội Dallas Cowboys cũng chưa chiếm được chức vô địch nào, chỉ 'súyt nữa' mà thôi...

Với người Mỹ thì Arlington chỉ có thế, hơn chút nữa người ta sẽ kể thêm các trung tâm giải trí Six Flags với những trò chơi 'xe dốc ngược đầu' nhiều vòng, cầu tuột cao nhất 'thế giới', dàn gỗ cao nhất 'thế giới', máng nước cũng...cao nhất 'thế giới' v.v. và v.v.. .Những trò xoay vần ở đây đã sáng tác ra nhiều câu chuyện ly kỳ và rùng rợn giữa các 'mệnh phụ phu nhân' Việt Nam không rõ hư thực được bao nhiêu, nhưng nếu mô tả sự 'táo bạo' của Six Flags một cách 'đúng đắn' hơn, có lẽ phải lập lại lời của một vị linh mục đã từng 'thám hiểm và thóat hiểm' nơi đây, là nó quay đến nỗi súyt nữa thì 'hồn văng ra khỏi xác'...

'Hồn' còn lưu luyến với quê cha đất tổ là tâm trạng chung của những người Việt tỵ nạn đầu tiên khi đặt chân lên đất Arlington những năm 75, hồi đó 'các cụ' ta chưa nói rành tiếng Mỹ thường đổi tên các phố xá địa phương thành những địa danh quen thuộc, thí dụ Fort Worth thì gọi là Phú Quốc, Dallas nghĩa là Đà Lạt, Houston là Hiếu Tân vv và vv, còn Arlington dễ gọi? thì vẫn gọi là Arlington!... Cũng vậy, tình cảm giữa những người Việt với nhau khi còn ít ỏi thì sâu đậm mặn mà lắm, họ rủ nhau lập ra một cộng đoàn nhỏ khỏang 50 người tại giáo xứ Mỹ St Matthew, và giúp những người đến sau tìm công ăn việc làm sốt dẻo. Nghề 'may tại gia' đã từng có một thời thịnh vượng giúp cho vô số gia đình đạt tới một nền tài chính dư giả trước khi sức cạnh tranh lao động từ Mễ và Tàu làm cho nó 'nguội' đi.

Xem hình ảnh tân thánh đường

'Đất lành chim đậu', vùng Arlington không có thi đua lao động với dân Mễ như ở bên Phú Quốc (Fort Worth,) hoặc với dân Da Đen như ở miệt Đà Lạt (Dallas,) và vào thời điểm đó thành phố chiếm vinh dự là thành phố lớn mau nhất nước trong một bối cảnh kinh tế vùng Sun Belt gặp thời nhẩy vọt. Thuê nhà ở Arlington không dễ, thường phải ghi danh đợi hàng tháng trời, nhưng may mắn cho người Việt, vì có nhiều người đang làm sẵn trong các Apartments, cho nên việc dẫn 'bà con với nhau' vào thuê thì dễ dàng hơn 'người ngòai' nhiều lắm. Thêm vào những yếu tố thuận lợi đó, phải kể đến viện Đại Học UTA (University of Texas at Arlington) với nhiều chương trình lôi cuốn các sinh viên gốc Việt, đã tạo cho giới trẻ nhiều cơ hôi thăng tiến...

Và người ta đã rủ nhau định cư nơi đây, mua nhà tậu đất, con cái lớn lên tìm được nhiều công việc thơm tho...Ngày nay cộng đòan 50 người đã trở thành một giáo xứ lớn nhất vùng với khỏang 7000 giáo dân, lấy danh hiệu là giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nhưng con đường dẫn tới địa vị Giáo Xứ không mau chóng. Một phần, giáo xứ St Matthew dành nhiều ưu đãi cho cộng đòan VN, phần khác, người Việt đầy tình cảm vẫn giữ những liên hệ mật thiết với các gia đình bảo trợ Mỹ. Do đó, mặc cho ngày qua tháng lại, khi các cộng đòan nhỏ hơn ở chung quanh đã mua nhà thờ và ra ở riêng gần hết, thì cộng đòan VN ở St Matthew vẫn tiếp tục ca bài 'hòa hợp ba bên' (Mỹ-Việt-Mễ)!

Sự hòa hợp nói trên đã đem lại nhiều lợi ích cho Giáo hội địa phương, cách riêng cho giáo xứ St Matthew để có thể gây quĩ xây được một nhà thờ mới rộng rãi khang trang như ngày nay. Không rõ tỷ số đóng góp cho nhà thờ của cộng đòan Việt có được một phần ba hay không, nhưng theo tin hành lang thì nhiều hơn cộng đòan Mễ nhiều lắm, mà việc đó xảy ra trong khi dân số vẫn còn khiêm nhường, trứơc khi các làn sóng 'H.O.' tràn tới Arlington làm cho dân Việt tăng vọt.

Trong giai đọan các làn sóng H.O. ồ ạt tới, thì cộng đòan VN ở St Matthew bỗng nhiên thấy mình mất chủ chăn (1994). Các cha dòng Đa Minh đã rút về Houston để cho cộng đòan trở thành mồ côi một thời gian khá lâu, cho tới khi các cha dòng Đồng Công được đưa về thay thế cho tới ngày nay.

Sự kiện một cộng đòan không người cai quản mà vẫn tự bảo tồn trên 6 tháng là một sự kiện hy hữu, chứng tỏ có một sức kiên trì và hy vọng lớn lao. Tôi rời Arlington cũng vào thời điểm đó, nhưng không bao giở nghi ngờ về tương lai của một cộng đòan đòan kết như thế.

Thực vậy, sau 25 năm xây dựng cộng đòan thì vào năm 2000, tôi đã được hân hạnh chứng kiến ngày khánh thành ngôi nhà mới của cộng đòan, một cơ sở gồm nhà nguyện, cafeteria và nhiều lớp học, cải biến từ một khu thương mại đóng cửa, Food Lion grocery.

Từ đó họ được nâng cấp thành giáo xứ mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Quan trọng hơn, từ đó họ không còn phải hạn chế các sinh họat trong chiều Chúa Nhật mà thôi, họ có thể mở lớp học ngày thứ Bảy, có thể cử hành nhiều thánh lễ ngày Chúa Nhật, có thể bán đồ ăn gây quĩ ở cafeteria vv và vv, có một thời những món 'đặc biệt' của Arlington đã thu hút nhiều khách trung thành từ những miệt xa xôi mãi tận 'Đà Lạt' hoặc Ola (Oklahoma)đến mua...

...

Từ Dallas về đến Arlington là đúng 1 giờ nếu đường thông. Khi cái giọng của cô gái trên GPS báo hiệu cho tôi biết 'you reach your destination in 500 ft', thì trước mắt tôi xuất hiện một bất ngờ: Nơi mà trước đây là một sân cỏ, thì nay sừng sững một tòa thánh đường mái đỏ vuông vắn thanh tao. Chiều Thu mây giăng, ánh sáng mờ dịu, cơn mưa vừa tạnh, ngôi thánh đường sừng sững như một tòa lâu đài, dây vàng còn giăng quanh báo hiệu công trình chưa hòan tất và người ngòai nên phải tránh ra, tất cả gợi dậy tính tò mò cố hữu. Tôi quyết định tìm cách lén vào thăm.

Parking lot chiều nay đầy xe đậu, một đám cưới đang cử hành trong nguyện đường (cũ), đám cưới cháu gái tôi sẽ bắt đầu ngay sau đám này trong hơn nửa giờ nữa. Tôi thầm lo không hiểu hai đòan xe ra vào sẽ được giải quyết cách nào đây? Nhu cầu parking là một vần đề lớn của hầu hết các giáo xứ bên Mỹ, khó mà giải quyết xuông sẻ được. Parking càng rộng, giáo dân càng đông, nhu cầu xây cất càng tăng. Đó là cái vòng luẩn quẩn.

Một vài giáo dân đang dựng cột đèn quanh 'nhà thờ mới' gật đầu đáp lễ lời chào hỏi của tôi, ngòai việc dựng cho xong các cột đèn họ còn giăng thêm hoa lá để chuẩn bị cho ngày khánh thành vào ngày 10 tháng 12 sắp tới.

Tuy chiều nay không có nhiều người tới làm, nhưng những dấu tích vội vã còn lại thì đầy dẫy, những cụm hoa cây cối mới trồng trên đất vừa xới, nền gạch rửa sạch nhưng vết bụi sót lại còn rõ nét, những kiện hàng hé mở nằm cạnh hai hàng tượng đá của Đàng Thánh Giá...

Những bức tương cẩm thạch trắng hầu như đang đứng quanh vòng ngôi nhà thờ mới. Trước cửa là một pho tượng Đức Mẹ La Vang dựng trên một bể nước. Tôi chưa từng thấy một pho tượng Đức Mẹ La Vang to như thế và thanh tú như thế, nghệ thuật của người Việt chúng ta quả là không thua kém bất kỳ ai, nhưng...là người có vài trách nhiệm phải bảo trì những bức tượng giá rẻ từ Việt Nam chở sang, chỉ trong vòng 10 năm thôi thì đã không chịu nổi cái nắng mưa khắc nghiệt của vùng này và bắt đầu có nhiều rạn nứt, tôi thầm mong mỏi, với thời gian và kinh nghiệm cạnh tranh trên thương trường quốc tế, phẩm chất từ bên Việt Nam sẽ phải cải tiến hơn và mong rằng tượng của Mẹ sẽ giữ được vẻ mỹ miều mãi mãi.

Bên trong nhà thờ lúc này vắng tanh nhưng đèn bật sáng chói chang. Tôi thử mở cửa, cửa đóng chặt. Nhìn qua cửa kính, hàng hàng lớp lớp các dãy ghế bằng gỗ màu gụ hiện ra, cây Thánh Giá đã đựợc treo lên, ngay trên một bàn thờ cẩm thạch có khắc hình cảnh Tiệc Ly. Phía sau Thánh Giá là một kính mầu vĩ đại tả cảnh Chúa Sống Lại. Hình như mọi bức tường đều giát đá cẩm thạch thì phải, cửa kính nào củng là kính mầu diễn tả một sự tích Tin Mừng.

Kiến trúc với đá, gỗ và kính tạo ra một số vấn đề âm thanh, nhất là trong bối cảnh điều hòa không khí 'kín mít' như ở đây. Ở một số nơi người ta lót nệm vào ghế, gắn 'sound panels', giăng màn và dùng nhiều loa nhỏ để giải quyết. Thật sẽ là một kinh nghiệm đáng học hỏi để xem nơi đây họ giải quyết âm thanh bằng cách nào.

Thử mở hết một vòng cửa, tôi củng không thể tìm được một cửa quên đóng mà đi vào...may thay, nghe tiếng động và có lẽ thông cảm cho một sự kiên trì như thế, một cái đầu quan sát bỗng xuất hiện và ra dấu cho tôi đi vòng ngã sau.

Lối 'ngả sau' dẫn tôi tới ngay phòng 'Cry Room' là nơi dành cho các bà mẹ có con còn bú mớm. Phòng rộng, rộng, rộng...ghế ngồi trùng điệp, dám có thể chứa dược hàng trăm đứa trẻ chứ chẳng chơi! Rõ ràng, đây là một giáo xứ có thừa lạc quan và rất trẻ trung, họ chuẩn bị đón chào một số lượng đông đảo trẻ thơ.

Phòng 'Cry Room' nằm ở bên trái thì nhà nguyện Thánh Thể nằm đối diện ở bên phải, cũng cùng một kích thứơc và cũng có cửa kính nhìn sang bàn thờ chính. Như vậy khi có lễ đông, người ta có thể dùng hai phòng này để chứa thêm nhiều trăm người một cách dễ dàng.

Khu vực chính của nhà thờ có hình Thánh Giá. Hai cánh Thánh Giá có thể chứa tới một phấn ba tổng số ghế, cách riêng cánh bên phải có sàn cao của ca đòan hướng về phía cộng đòan.

Một điểm đáng ghi nhận là ngòai sự rộng rãi và cao ráo, người ta còn thiết trí nhiều màn ảnh 'Flat panel' hai bên tường. Những hệ thống Video càng ngày càng trở nên quan trọng trong những việc phụng vụ và mục vụ. Không những chỉ là những phương tiện trình chiếu hình ảnh mà thôi, một số nhà thờ đã dùng để chiếu lên sách lễ bằng tiếng Anh cho các con em chưa rành tiếng Mẹ Đẻ có thể theo dõi buổi lễ cách dễ dàng.

Trong khi còn ngây ngất trứơc một phong cảnh mà tôi đã được lén vào xem trước khi mọi người trong giáo xứ được vào, thì có nhiều tiếng ồn ào vọng tới. Nhìn xem, tôi thấy một số đông đảo đang tụ tập trước cửa nhà thờ. Một lễ cưới vừa chấm dứt và cả hai họ đã rủ nhau tới đây chụp hình kỷ niệm. Có vài người tìm cách mở cửa một cách vô vọng, làm cho tôi hãnh diện thêm cái may mắn có một không hai của mình, nhưng, như vậy cũng báo hiệu giờ cưới của đứa cháu gái sắp bắt đầu, tôi vội vàng cám ơn hai vị 'thợ mộc' đã cho tôi vào và vội vã bước ra.

Tường bên ngòai nhà thờ còn dang dở trong việc 'làm đẹp', một số đá cẩm thạch từ Việt Nam đang xếp hàng chờ gắn lên tường. Số đá đã gắn xong phía trứơc nhà thờ tạo cho bộ mặt của ngôi thánh đường một vẻ quí phái, nhất là mầu đá hồng lại rất hợp với mầu đá tự nhiên của vùng này. Tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng những kiến trúc nổi danh của vùng Dallas và Fort Worth cũng dùng các lọai đá hồng như thế.

Nhưng cơn mưa hôm qua đã, một cách nào đó, thấm vào nhiều viên đá làm cho một số nơi trở thành loang lổ nếu nhìn kỹ. Không rõ khi nắng lên, các vết loang có bay mất đi không? Đá từ Việt Nam là đá non và sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một số vấn đề như thế. Quả là, cái giá phải trả cho 'tình nghĩa quê hương đậm đà' thì không rẻ...

Đi về phía nguyện đường (cũ), tôi đi ngang qua tựợng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Một tụ hợp bằng đồng đen của nhiều vị thánh nổi tiếng trong đó có bà Thánh Đê, một giáo dân lao động lam lũ, nhờ tìm cách bảo vệ cho một chủ chăn mà được phúc Tử Vì Đạo.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nuôi dưỡng tinh thần bảo vệ Đạo Thánh Chúa ờ nơi đây, như từ trước, cho đến nay và mãi mãi.

Xin chúc mừng giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN, Arlington, Texas.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ân Xá Quốc Tế phát động chiến dịch tại Đức đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho người tù lương tâm
Ngọc Châu
13:04 22/11/2011
MUNICH, Đức quốc - Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International phối hợp với Giáo Xứ Allerheiligen/Muenchen tổ chức Thánh Lễ tại nhà thờ Allerheiligenkirche trong hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật 19 và 20-11.2011, nhằm mục đích cầu nguyện cho linh mục Nguyễn văn Lý và quan trọng hơn, Amnesty International chính thức kêu gọi mọi người lên tiếng, bằng cách từng cá nhân gởi thư đến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đòi hỏi phải trả tự do tức khắc cho Ngài.

Xem hình ảnh

Tôi đã đến rất sớm, nhận thấy Cha xứ Oberbauer đã đích thân cho người dựng bảng trước cửa nhà thờ có hình Cha Lý bị bịt miệng và 15 thanh niên Công Giáo yêu nước vừa mới bị bắt gần đây.

Ông Veit cùng đồng nghiệp bày quày bàn thông tin ngay phía trái cửa vào Thánh Đường. Amnesty International phổ biến tài liệu liên quan đến việc làm của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế. Đối diện, phía bên phải thì trưng bày bức hình lịch sử của cha Lý bị công an Việt cộng bịt miệng trong phiên toàn 2006, khổ rất lớn và hình ảnh của 16 người công giáo vừa bị cộng sản Việt Nam bắt giam, đó là các anh: Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Trần Vũ Anh Bình, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và Blogger Tạ Phong Tần.

Hai hình ảnh nói trên đập ngay vào mắt mọi người khi mở cửa vào nhà thờ nên được nhiều người Đức chú ý.

Tuy cũng biết việc làm của Amnesty International gồm nhiều nhóm khác nhau, sinh hoạt độc lập nhưng tôi đã trực tiếp nói chuyện với quý vị làm việc thiện nguyện cho Amnesty International là ông Veit, ông Blomberg, bà Kreis và đã ngợi khen việc làm đầy lòng "vị tha" của Amnesty International mặc dù họ không phải là người Việt, chẳng cùng giòng máu và khác màu da. Tôi hỏi ngay nguyên nhân nào đã khiến quý vị, Amnesty International phối hợp với giáo xứ Đức Allerheiligen tổ chức thánh lẽ cầu nguyện cho một tù nhân lương tâm người Việt, Linh Mục Nguyễn Văn Lý?.

Ông Veit cho biết đây là nhóm chuyên đặc trách những việc liên quan đến Giáo Hội Thiên Chúa Giáo vùng Munich (der Arbeitskreis Kirchen im Muenchner von Amnesty International) nên đã tìm hiểu và biết đến những sự kiện liên quan xảy ra với Ngài dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam. Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo và với mục đích của Amnesty International nói chung, của nhóm chúng tôi nói riêng, ông Veit nhấn mạnh là không thể làm ngơ và cố gắng cùng với giáo xứ Allerheiligen/Muenchen thực hiện hai buổi Thánh Lễ đã thông báo.

Theo sự ghi nhận của chúng tôi, Thánh Lễ hôm chiều thứ bảy 19.11.2011 lúc 18h30 đã được nhiều tín hữu và đồng hương không cùng tín ngưỡng hưởng ứng tham dự, khoảng hơn 70% là người Việt, đó là nhờ sự kêu gọi bằng điện thư, điện thoại của Anh Tạ Thành (Chủ Tịch) và Chị Phan Thị Hương, Phó Ngoại Vụ Cộng Đoàn Công Giáo Munich và Vùng Phụ Cận (CĐCGM & VPC) thuộc Giáo Xứ Nữ Vương Hoà Bình/Tổng Giáo Phận Muenchen & Freising.

Ngay sau khi khai mạc Thánh Lễ, cha xứ Oberbauer cũng nói sơ lý do và giới thiệu đại diện Amnesty International. Trong bài diễn văn ngắn ông Veit, đại diện Amnesty International đã cho mọi người hiện diện tại thánh đường biết nguyên nhân Amnesty International được thành lập. Ân xá Quốc tế được ông Peter Benenson một luật sư người Anh, thành lập năm 1961, cách đây 50 năm. Mục đích chính mà Amnesty International theo đuổi, đó là cống hiến toàn sức sực vào việc can thiệp những quốc gia trên thế giới phải tôn trọng nhân phẩm, củng cố mọi quyền căn bản của con người đã được trịnh trọng nêu ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc gồm những quyền căn bản như sau:

* Quyền sống (Recht auf Leben)
* Quyền không bị tra tấn (Freiheit von Folter)
* Quyền không bị truy nã (Freiheit von der Verfolgung, Verfolgungsfreiheit)

Tóm lại, không được vi phạm mà phải tôn trọng Nhân Quyền!

Hay tin Linh Mục Nguyễn Văn Lý là tù nhân lương tâm của nhà cầm quyền Việt Nam, trong khi Ngài bị bệnh nặng nên Amnesty International phải can thiệp và đòi hỏi Việt Nam phải trả Tự Do lập tức cho Lm Nguyễn Văn Lý, cũng như cho những nhà đấu tranh vì dân chủ đang bị cầm tù tại Việt Nam.

Ông Veit cũng cho biết Amnesty International đã soạn sẵn một lá thư bằng Anh Ngữ gởi cho Ngoại Trưởng Việt Nam, đồng thời kêu gọi mọi người hưởng ứng chiến dịch do Amnesty International thực hiện bằng cách ký tên ủng hộ để gởi đến bộ ngoại gai VN tại Há Nội.

Sáng chủ nhật 20-11-2011 có thêm một thánh lễ nữa với cùng mục đích tại đây (Allerheiligenkirche). Cả hai đều do Cha Xứ Oberbauer chủ lễ. Số người tham dự cũng đông như chiều hôm trước nhưng hầu hết là người Đức; Chỉ có một số đại diện của giáo xứ Việt Nam hiện diện vì mọi người Việt tham dự Thánh Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Sau mỗi thánh lễ trước khi ra về mọi người đều hưởng ứng vui vẻ nhận thư kêu gọi của Amnesty International đem về nhà gởi đi.

Riêng Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình thuộc Tổng Giáo Phận Muenchen và Freising, sáng chủ nhật ngày 20-11-2011 vào lúc 11 giờ. trong Thánh Lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại nhà thờ St. Benedikt, cha xứ Lê Thanh Liêm và cộng đoàn cũng đã hiệp thông cầu nguyện cho Cha Nguyễn Văn Lý và những người đang bị bắt cầm tù tại Việt Nam, trong đó có 15 thanh niên yêu nước Công Giáo vừa mới bị bắt gần đây, đó là các anh: Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Trần Vũ Anh Bình, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và blogger Tạ Phong Tần đã được dựng bảng hình trước cửa nhà thờ.

Nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã sáng tác một bản nhạc bất hủ: "Phải Lên Tiếng", như là một nhắc nhỡ! "Đừng im tiếng mà PHẢI LÊN TIẾNG …."

Cũng trong chiều hướng này, Cha Lê Thanh Liêm đã nói trong bài giảng đại ý:

"Là con chiên Thiên Chúa chúng ta hãy làm cánh tay dài của Thiên Chúa, hãy bày tỏ sự đồng cảm và phải lên tiếng thay cho những người không thể lên tiếng được. Với tinh thần này, cộng đoàn giáo xứ hãy cầu nguyện cho người tù nhân lương tâm, Cha Nguyễn Văn Lý và những người đang bị bắt bớ giam cầm tại Việt Nam chỉ vì tranh đấu bất bạo động, muốn đòi Tự Do Dân Chủ và Công Bình cho mọi người dân Việt!. Ngoài ra cha Liêm cũng kêu gọi (nếu ai muốn) thì sử dụng sự tự do chúng ta đang được hưởng, dựa theo thông điệp của Thiên Chúa, vị Vua của Trời đất không dùng bạo lực hay vũ lực. Cha Liêm còn nhắc nhở cộng đoàn nên sử dụng quyền Tự Do mình đang có đúng nơi, đúng chỗ theo chân Chúa Jésu và hãy bước thêm một bước nữa là ủng hộ gởi thư của Amnesty International đã soạn đến nhà cầm quyền Việt Nam, việc mà "người của thế kỷ" đã, đang làm. Cha Liêm còn nói thêm, nếu cộng đoàn không sử dụng quyền Tự Do đang có thì ý nghĩa buổi thánh lễ cầu nguyện cho Cha Lý chưa được trọn vẹn !!!".

Đại diện Amnesty International, ông Veit (nói tiếng Đức và Cha Liêm đứng bên cạnh chuyển ngữ) sau thánh lễ tại Allerheiligen cũng đến tham dự. Được cha Liêm mời lên phát biểu, ông đã nhấn mạnh lý do Amnesty International thực hiện chiến dịch gởi thư đến nhà cầm quyền cộng sản được Amnesty International phát động trên toàn nước Đức đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam trả Tự Do cho Cha Lý, đồng thời kêu gọi đồng hương tiếp tay gởi lá thư đã được Amnesty International soạn sẳn đến bộ ngoại giao Việt Nam. Cuối cùng Cha Liêm thay mặt cộng đoàn cám ơn và chúc Amnesty International, ông Veit cùng các cộng sự viên Amnesty International gặt hái được kết quả tốt.

Nhằm mục đích quảng bá những sinh hoạt của người Việt Tỵ nạn cộng sản tại Đức nói riêng đến với đồng hương ngoài nước Đức, người viết đã thu xếp mọi việc để có mặt trong ba thánh lễ nêu trên. Theo nhận xét riêng của tôi thì phải nói đây là một sinh hoạt đáng đề cao.

Đặc biệt đáng ngợi khen là Cha Liêm đã mạnh dạn kêu gọi giáo dân hãy theo con đường của Chúa, hãy dùng quyền tự do của mình đang hưởng lên tiếng thay cho những người bị bịt miệng tại quê nhà.

Trước khi chia tay ông Veit và bà Kreis thì ông ta cho tôi hay là trong ba thánh lễ Amnesty International đã phân phát hết tất cả những lá thư in sẵn, không đủ, ngoài dự tính của Amnesty International. Anh Tạ văn Thành, chủ tịch CĐCGM & VPC thuộc Giáo Xứ Nữ Vương Hoà Bình/Tổng Giáo Phận Muenchen & Freising sốt sắng nói ngay là sẽ in thêm để phân phát đến các tín hữu trong Cộng Đoàn Công Giáo Munich và Vùng Phụ Cận.

Cảm phục lòng vị tha, sự làm việc tích cực của Amnesty International, của quý ông/bà Veit, Blomberg và Kreis, những người không cùng chủng tộc, khác chúng ta từ ngôn ngữ cho đến màu da … Từ đó tôi hy vọng đây là tiếng chuông nho nhỏ đã được Amnesty International rung lên, biết đâu sẽ "gây sự chú ý" của người Việt chúng ta nói chung liên quan đến những diễn biến đã và đang xảy ra tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
 
Linh mục xứ Thái Hà bị hăm doạ và xỉ nhục
Asia-News
07:04 22/11/2011
Một người mặc quần áo đồng phục xông thẳng vào nhà thờ, trước ánh mắt lãnh đạm của an ninh công an, gây hãi sợ cho các em thiếu nhi thánh thể đang tham dự thánh lễ. Người ta sợ là sẽ có những màn khủng bố sẽ nối tiếp hành động này.

Hà Nội (AsiaNews) - Giữa lúc hàng trăm trẻ em thuộc đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đang tham dự thánh lễ hôm qua (chủ hật) tại nhà thờ Thái Hà, Hà nội, một đội viên thuộc đội dân phòng (xem hình) bước vào nhà thờ là lối và hăm hoạ cha xứ đang dâng lễ. Hành động của người đàn ông này đã khiến cho các em thiếu nhi rất hoảng sợ. Bên ngoài nhà thờ hàng chục an ninh mặc thường phục đều chứng kiến sự việc trên nhưng không hề can thiệp.

Bằng một mưu toan công khai hăm doạ , người đàn ông bước qua sân nhà thờ, trước sự canh phòng của công an, vừa đi vừa quát tháo và chửi bới. Trên người đeo dùi cui điện, ông ta xông thẳng vào nhà thờ trên tay cầm điếu thuốc . Khi đến trước cung thánh nơi cha Martin Vũ Đồng đang dâng thánh lễ thiếu nhi hàng tuần, ông ta lại bắt đầu chửi bới và lăng mạ cha.

Do công an không hề vào đưa người đàn ông này ra khỏi nhà thờ, một vài người lớn có mặt trong thánh lễ đã lên kềm giữ ông ta lại và dẫn ra khỏi nhà thờ. Anh Bắc giáo dân hiện diện tại nơi xảy ra sự kiện đã nói "Đây quả là hành động khủng bố làm các em rất sợ hãi. Nhất là khi công an lởn vởn trong sân nhà thờ đầy vẻ đe dọa”.

Hành động phạm thánh xảy ra hôm qua không những đã khiến cho cả người Công giáo lẫn không Công giáo bất bình mà có thể còn là dấu hiệu báo trước những hành động khủng bố đối với giáo xứ đã chống lại những hành xử bất công của nhà nước trong những cuộc tranh chấp đất đai.

Trong vụ Thái Hà, nơi giáo xứ đã bị cô lập từ 2008, các tu sĩ và giáo dân vẫn tiếp tục biểu tình chống lại quyết định tuỳ tiện cùa nhà cầm quyền địa phương cho xây một trạm xử lý nước cống cho bệnh viện gần đó, được xây trên nền đất ít ỏi còn sót lại của nhà dòng Chúa Cứu Thế.

Được biết thay vì đáp ứng yêu cầu cho ngưng kế hoạch xây dựng có tiềm năng gây nguy hiểm đó, nhà cầm quyền lại trả lời bằng cách cho mật vụ và những người khiêu khích, dẫn theo cả toán phóng viên TV đến tấn công giáo xứ và nhà dòng vào ngày 3 tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công vào giáo dân và giáo sĩ Thái Hà đã gặp phản ứng ngược, đã gây lên một làn sóng liên kết giữa những người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chẳng hạn như việc Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã viết thơ bênh vực các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh của giáo phận Kontum cũng thế. Còn Đức cha Phan Xi Cô Nguyễn văn Sang, giám mục Thái Bình đã đích thân đến viếng thăm giáo xứ. Nhiều buổi thắp nến cầu nguyện đã được tổ chức khắp nơi ở trong nước cũng như ở Mỹ và Úc.
 
Tin Đáng Chú Ý
Phỏng vấn: Bác Sĩ Nguyễn Thanh Tùng, tân thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Obama
Trần Hiếu
12:32 22/11/2011
Phỏng vấn : Bác Sĩ Nguyễn Thanh Tùng, tân thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Obama

Một người Việt Nam, xuất thân từ San Jose, Calif., vào đầu tháng 10, 2011 đã được Tổng Thống Obama bổ nhiệm làm thành viên Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống về Người Mỹ gốc Châu Á – Thái Bình Dương: Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, một giáo sư giảng dạy y khoa, hiện là Giám Đốc Dự Án Thăng Tiến Sức Khỏe Cộng Đồng Việt Nam tại đại học UC San Francisco.

Đây là tin vui cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ vì với việc bổ nhiệm nầy, người Việt có tiếng nói trong chính quyền của tổng thống đương nhiệm.

Bác sĩ Lại Quốc Kỳ, người làm việc nhiều năm trong chương trình “Sức Khỏe Là Vàng!” nói rằng việc bổ nhiệm nầy rất xứng đáng vì “Bác Sĩ Tùng không những giỏi, siêng năng làm việc, nhưng rất nhã nhặn, khiêm tốn, và quan hệ tốt đẹp với những người khác”. Ông cũng nêu lên các thành tích Bác sĩ Tùng đã đạt được trong hơn 10 năm làm việc với chương trình “Sức Khoẻ Là Vàng!” và các chương trình thăng tiến sức khoẻ cho người Á Châu.

Vào năm 2002, Bác sĩ Tùng được trao giải thưởng Kềm Chế Phát Triển Ung Thư của tổ chức American Cancer Society vì thành tích xuất sắc và các công tác ngoại hạng về điều trị và nghiên cứu của ông.

Tỵ nạn đến Mỹ năm 1975 lúc 11 tuổi, Nguyễn Thanh Tùng cùng bố mẹ và một em trai tạm cư một thời gian ngắn ở Pennsyvania, sau đó từ năm 1978 gia đình định cư tại San Jose. Anh theo học tại trường trung học San Jose, vào năm 1982 ra trường thủ khoa với học bổng toàn phần của đại học Harvard, một thành tích và vinh dự 16 năm trường mới đạt được.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Triết Học tại Harvard, Nguyễn Thanh Tùng chuyển qua học ngành Y Khoa tại đại học Stanford. Đậu bằng bác sĩ ông đã được đại học UC San Francisco thu dụng làm chuyên gia nghiên cứu, điều trị và giảng dạy. Chuyên ngành của ông bao gồm nghiên cứu nâng cao nhận thức về các căn bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung nơi những người gốc Á. Ông cũng đặc biệt nghiên cứu các căn bệnh liên quan thuốc lá trong các cộng đồng Á Châu ở Mỹ.

Trong một cuộc trao đổi thân tình với người viết, Bác sĩ Tùng đã trả lời một số câu hỏi như sau:

Trần Hiếu: Bác sĩ cho biết cảm tưởng trước việc bổ nhiệm? Bác sĩ hy vọng sẽ làm được gì qua vai trò đó?

BS Nguyễn Thanh Tùng: Tôi hy vọng có thể giúp những cộng đồng Á Châu – Thái Bình Dương (AAPI) được biết thêm chi tiết những chương trình y tế của chính phủ liên bang. Tôi cũng muốn giúp người AAPI có cơ hội nêu lên ý kiến và quan tâm tới tai Tổng Thống Obama. Và dĩ nhiên, tôi muốn giúp dân Việt tại quốc gia Hoa Kỳ có tiếng nói trong ban cố vấn của tổng thống. Tôi may mắn được cơ hội này, và tôi sẽ cố gắng làm việc giúp đỡ cộng đồng.

TH: Bác sĩ đã có dịp về thăm quê quán mình ở Việt Nam chưa? Bác sĩ nghĩ gì về nơi đó?

NTT: Tôi đã về Nghệ Tĩnh một lần thăm Ȏng Nội tôi trước khi ông mất. Quê hương rất đẹp và người dân rất thân thiện. Nhưng hồi đó, năm 1993, tôi thấy họ thiếu thốn rất nhiều.

TH: Thời niên thiếu của bác sĩ ở San Jose, Calif., có điều gì đáng nhớ?

NTT: Tôi nhớ lúc đó San Jose mới bắt đầu phát triển kỹ nghệ, và cộng đồng Việt Nam còn nhỏ. Hình như ba mẹ tôi mở tiệm thực phẩm thứ ba tại San Jose. Em tôi và tôi vừa đi học và vừa giúp ba mẹ làm việc. Tôi nhớ là tôi thích đi lễ tại nhà thờ Maria Goretti mỗi chiều thứ Bảy. Và đi học trường Trung Học San Jose, chơi đội football và đội tennis.

TH: Song thân của bác sĩ, ông bà Nguyễn Ngọc Thanh, là người thường hay tham gia các công tác bác ái từ thiện, bác sĩ có hỗ trợ, chia sẻ các hoạt động đó của ông bà không?

NTT: Ba mẹ tôi luôn luôn muốn giúp đỡ mọi người, từ việc to tới việc nhỏ. Thật ra, tôi muốn giúp ba mẹ nhưng vì không ở gần và mấy cháu còn nhỏ nên ít có thì giờ để cùng làm với ba mẹ. Nhưng cái lý tưởng tận tâm giúp đỡ người Việt thì ba mẹ đã dạy rồi, nên hàng ngày, tôi làm việc giúp đỡ chăm lo sức khoẻ người Việt tại Mỹ.

TH: Những ai là người có ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời của bác sĩ? Tại sao?

NTT: Ngoài ba mẹ và gia đình, tôi đã có nhiều thầy và cô giáo, từ trung học tới đại học và trường y khoa. Tôi có làm việc với Bác sĩ Stephen J. McPhee, một giáo sư y khoa nổi tiếng. Năm 1986, Bác sĩ McPhee và ông Chris Jenkins lập ra chương trình Sức Khoẻ Là Vàng! tại trường Y Khoa UCSF để nghiên cứu sức khoẻ cuả nguời Việt tại Mỹ và tìm ra kế hoạch giúp đỡ cộng đồng chúng ta. Vì đuợc Bác sĩ McPhee giúp, bây giờ tôi làm Giám Đốc cho chương trình Sức Khoẻ Là Vàng! Chi tiết tại http://www.suckhoelavang.org

TH: Niềm tin, tôn giáo của mình ảnh hưởng thế nào trong các hoạt động chuyên môn của bác sĩ?

NTT: Tôi theo đạo Công Giáo. Trong công việc hàng ngày, tôi cố gắng tìm thấy Chúa trên gương mặt của bệnh nhân tôi.

TH: Bác sĩ khởi sự học Triết học ở Harvard, trước khi theo Y khoa tại Stanford. Động lực nào dẫn bác sĩ đến với môi trường nầy?

NTT: Hồi đó, tôi nghĩ là chẳng có gì quan trọng bằng hiểu biết sự thật và tại sao trong thế gian có chuyện này hay chuyện khác xảy ra. Có thể là tôi muốn biết tại sao 1975 xảy ra, tại sao tôi tới Hoa Kỳ, và sau đó, tôi phải làm gì để sống một cuộc đời đáng sống.

TH: Bác sĩ có thể chia sẻ về gia cảnh của mình?

NTT: Cao Lệ Huyền, vợ tôi, làm bác sĩ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm. Huyền là con của ông bà Cao Văn Cúc và cháu của Linh Mục Cao Văn Luận. Gia đình tôi có hai đứa con trai và một con gái.

TH: Một ngày của bác sĩ diễn ra như thế nào?

NTT: Tùy theo ngày. Có ngày tôi trị bệnh buổi sáng rồi làm nghiên cứu buổi chiều. Có ngày tôi làm nghiên cứu buổi sáng rồi dạy sinh viên y khoa hay bác sĩ thực tập buổi chiều.

TH: Bác sĩ có thường xuyên dùng Việt ngữ trong các giao tiếp của mình? Trong gia đình có nói tiếng Việt với nhau không?

NTT: Khi nói chuyện với bệnh nhân Việt thì tôi nói tiếng Việt. Khi làm nghiên cứu hay giao tiếp thì một phần tiếng Việt một phần tiếng Anh, và ở nhà cũng vậy.

TH: Nếu có thể nói một lời khuyên cho đồng bào Việt, bác sĩ muốn nói gì?

NTT: Về sức khoẻ, thì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đừng hút thuốc lá, đừng ăn nhiều, và tập thể thao càng nhiều càng tốt. Về chuyện liên quan đến chính quyền thì chúng ta nên nhớ là chúng ta (hay cha mẹ chúng ta) đã tới Mỹ đi tìm tự do. Chúng ta có quyền đối thoại với chính phủ và chúng ta nên đối thoại với họ.-
 
Văn Hóa
Muôn Đời Tạ Ơn
Văn Duy Tùng
07:26 22/11/2011
Muôn Đời Tạ Ơn
Trong trình thuật sáng thế, Thiên Chúa dựng nên Adam bằng đất sét, nhưng tại sao lại là đất sét mà không phải là một chất liệu khác? Có lẽ đất sét là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người và xã hội thời bấy giờ. Bằng đất sét, con người ta có thể làm được bao nhiêu thứ mà những thứ khác như: đá, đồng và những kim loại khác, hẵn đã không tiện lợi hơn. Và vì thế, người ta đã nhân cách hoá “đất sét” là một phát minh cao nhất để nói về công trình tạo dựng con người đầu tiên của Thiên Chúa.

Nhưng, cho dù đất sét có là phát minh cho một nền văn minh nào đó, thì đất sét vẫn là đất, là bụi, là vật chất nếu không muốn nói là quá tầm thường. Đó có thể là một trong những lí do mà khoa học không thể chấp nhận nguồn gốc của con người theo niềm tin của Kitô giáo. Người ta cố gắng đi tìm, suy luận và giải thích con người bắt nguồn từ những thứ vật chất khác, không phải do Thiên Chúa tạo nên.

Thiên Chúa dựng nên con người bằng đất sét hay bằng bất cứ cái gì khác, tạo dựng như thế nào, cách thức ra làm sao, có khoa học không, hay chỉ là một câu chuyện huyền thoại như bao câu chuyện huyền thoại khác…điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa yêu thương con người và vì yêu thương nên Thiên Chúa đã tác tạo con người giống hình ảnh của Thiên Chúa hay không? Và hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến đổi, với đầy đủ những tiện nghi, với những phát minh khoa học đã đem lại biết bao điều tiện lợi và hữu ích cho con người. Xã hội phát triển về kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục… cũng nhờ vào những phát minh đó. Và khi khoa học phát triển đến đỉnh cao của nó, khoa học có thể tạo ra con người mà không cần đến Thiên Chúa, bằng cách thụ tinh nhân tạo, thụ thai trong ống nghiệm hay nhân bản vô tính… thì trong chúng ta có còn chỗ cho Thiên Chúa hay không? Và Thiên Chúa có còn là nơi để chúng ta tin tuởng, cậy trông nữa hay không ?. Chúng ta có còn tin rằng, trong Thiên Chúa, con người luôn được yêu thương, nâng đỡ, ban phát nhiều ân huệä..., đến nỗi Thiên Chúa đã mặc cho con người hình ảnh của Ngài, mang sự sống của Ngài, được làm con của Ngài hay không, đó chính mới là những điều quan trọng.

Thiên Chúa có những cách thức của Ngài và bằng cách ấy, Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người giống hình ảnh của Ngài. Và hơn thế, Thiên Chúa đã ban cho con người có sự sống của Thiên Chúa, đó chính là Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Thánh, ngay từ buổi đầu, Chúa Thánh Thần đã hiện diện với con người đầu tiên là Adam – Eva, với các ngôn sứ, với dân Chúa… Đặc biệt là với Chúa Giêsu, với các Thánh tông đồ và hiện đang hoạt động trong lòng Giáo Hội. Có thể nói, Chúa Thánh Thần vừa là sự sống, là sức mạnh, là tình yêu, là mối dây liên kết, ràng buộc Thiên Chúa với con người và ngược lại con người luôn luôn hướng về và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cho đến nay, các nhà thần học đã cố gắng giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu, về Chúa Thánh Thần và bao nhiêu là sách vở, bút mực viết về Thiên Chúa… nhưng người ta đã không tìm ra đuợc lí do tại sao Thiên Chúa sáng tạo con người, với mục đích gì, ngoài một lí do, một mục đích duy nhất là để “YÊU THƯƠNG”.

Thật ra, dù là các nhà thần học hay tất cả con người chúng ta, cố gắn giải thích về Thiên Chúa có hay đến đâu, thì đấy cũng chỉ là ngôn ngữ của con người. Chúng ta thử hình dung, giả sử như con kiến nó nói về con người hoặc nó nghĩ về con người dù có hay ho như thế nào thì cũng chỉ thấp ngang bằng mặt đất, vì mấy khi con kiến nó leo lên và ở được trên đầu của con người. Cũng thế, sự hiểu biết về Thiên Chúa của con người nếu chỉ dừng lại trên sách vở, trên sự hiểu biết thông thường mà con người cho đó là “khoa học” thì cũng hạn hẹp có khác gì con kiến. Bao lâu con người còn dừng lại ở lí trí, ở khoa học thì Thiên Chúa vẫn còn là khoảng cách.

Thiên Chúa vượt xa mọi sự hiểu biết của con người chúng ta, Ngài ban cho con người sự sống, mà sự sống của Thiên Chúa xuất phát từ tình yêu, nên tình yêu đòi buộc đuợc đáp trả bằng sự sống. Khi phạm tội, con người đã không còn khả năng yêu thương, thì lấy đâu ra có sự sống để mà đáp trả. Trong tình yêu, Thiên Chúa có những lí do của Thiên Chúa, khi không còn khả năng làm con, Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Giêsu, trong Đức Giêsu con người đuợc phục hồi lại tư cách làm con Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đến để hiến dâng sự sống khi con người không còn khả năng đáp trả, cũng như để cho con người được “ăn”. Do đó, để hiểu về Thiên Chúa, thì chỉ có một phương cách duy nhất là “ăn” Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể thì mới có thể cảm nếm đuợc tình yêu và sự ngọt ngào của Thiên Chúa, mới có thể lí giải đuợc tại sao Thiên Chúa yêu thương con người, tác tạo con người giống hình ảnh của Ngài.

Thiên Chúa không sai lầm khi Ngài dựng nên tôi, dù tôi đẹp hay xấu về nhan sắc, dù tôi giỏi hay dở về năng khiếu, dù tôi thánh thiện hay tội lỗi về đạo đức, dù tôi khôn ngoan hay chậm hiểu về trí tuệ… Tôi tầm thuờng hay phi thường thì tôi vẫn là con người, mà con người thì có hoặc không có những khả năng trên.
Thật ra, đẹp hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay tội lỗi, khôn ngoan hay ngu đần… là do con người mặc cho nó một chuẩn mực, một thước đo, một tiêu chuẩn luôn luôn bấp bênh và khập khiểng. Nếu những điều kiện đó đối với con người là một chuẩn mực được đặt ra bị gò bó và hạn hẹp trong cách nhìn rất con người, thì với Thiên Chúa mỗi con người là một tác phẩm, một tặng phẩm hoàn hảo nhất, vĩ đại nhất. Trong tình yêu, con tim có những lí lẽ riêng là thế.
Những điều vừa trình bày ở trên đã được thánh vịnh 138 ca ngợi:

Tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng
Công trình Ngài xiết bao kì diệu.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước
Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con
Kì diệu thay trí thức siêu phàm
Quá cao với con chẳng sao vươn tới

Hôm nay, một lần nữa, bằng những lời ca và giòng nhạc của mình. Ngoài sựï tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi biết bao điều kỳ lạ trong cuộc sống, tôi còn tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi một linh hồn và một hình hài mang hình ảnh của Thiên Chúa và sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này, trên thế gian này, bên cạnh anh chị em của mình. Đó cũng là điều mà Thiên Chúa mong muốn, Thiên Chúa đã dựng nên con người không giống bất cứ cái gì khác ngoài hình ảnh của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa mong muốn con người tạ ơn Thiên Chúa bằng hình ảnh đó, tất cả nếu có thể.

Khi sáng tác bài hát Muôn Đời Tạ Ơn này, tôi đã cầu xin ơn Chúa Thánh Linh giúp tôi để chỉ qui hướng về mục đích của sự tạ ơn mà không phải xin ơn. Lời ca, dịng nhạc với tôi có thể rất bình thản, tôi muốn mang hơi hám và âm hưởng của dân tộc để gợi lên và phản phất một giai điệu thân thương và gần gũi, một lối tu duy rất Việt Nam đã nói lên một con người, một thái độ đon sơ mà cao quí, nhiệm mầu nhưng say đắm, nồng nàn và mảnh liệt với tình yêu của Thiên Chúa. Bài ca có vẻ trầm lắng, vì trầm lắng mới mang trạng thái và diễn tả được của sự van xin mặc dù van xin để đuợc tạ ơn. Và tạ ơn là niềm hạnh phúc, niềm kiêu hãnh vì đã đuợc làm con Thiên Chúa.

Và vì thế, tôi đã không tìm cách trả ơn, mà tôi đã tạ ơn, ca tụng Thiên Chúa bằng tất cả thái độ của một người con. Như chúng ta biết, thái độ của một người con, khác rất xa với thái độ của người biết ơn. Thái độ của người biết ơn còn có khoảng cách, họ phải biết ơn vì đã nhận đuợc ơn và tìm cách trả ơn, đối với họ là một bổn phận. Còn thái độ của người con vừa biết ơn, vừa mang ơn, vừa tạ ơn nhưng không tìm cách để trả ơn, vì trong tình yêu, Thiên Chúa đã cho con người tất cả mà không bao giờ tính toán, nên chúng ta là những người con của Ngài chỉ biết tận huởng hạnh phúc và sống thật trọn vẹn trong tình yêu ấy mà thôi.

Tin Mừng theo Thánh Luca (7, 11–19) Chúa Giêsu đã chữa lành 10 nguời phong hũi, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn mà người đó lại là người Samari - dân ngoại. Thật ra, Chúa Giêsu không cần lời cám ơn trên môi miệng mà Ngài thật sự cần và rất cần một tâm tình, một tình yêu chân thật và một thái độ phó thác cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người và mong muốn con người đáp trả bằng tình yêu mà tình yêu đó không gì khác là làm con Thiên Chúa một cách trọn hảo.

Rất tinh tế, mỗi người luôn ý thức rất rõ bổn phận của mình với những người thân, với những anh chị em mà Thiên Chúa đã để sống bên cạnh mình và tất cả chúng ta nói chung. Ngày sau hết, khi đến truớc toà Chúa, chúng ta không đến với tư cách là một cá nhân, mà chúng ta mang theo cả một cộng đồng anh chị em, mang theo tâm tình và uớc muốn của mình và của họ. Vì thế, Thiên Chúa đã không để cho con của Ngài phải sống lẻ loi đơn độc mà trong chúng ta ai cũng có tổ tiên, cội nguồn, nguời thân, bạn bè… đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống thật gắn bó với nhau, quan tâm chăm sóc cho nhau, nhất là những người kém may mắn, những người bất hạnh…

Tạ on Thiên Chúa và biết ơn con người là thái độ của con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu biết ơn người, biết ơn đời thì Thiên Chúa cũng muốn chúng ta yêu thương mọi người, yêu thương đồng loại… Biết ơn là một chuyện, còn yêu thương lại là một chuyện khác, không dễ dàng chút nào.
Biết ơn và yêu thương cha mẹ là một tình yêu tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi con người. Trong nội tại, tình yêu huyết thống như một mối dây vô hình ràng buộc cha mẹ, con cái và anh chị em với nhau một cách thật bền chặt, thật sâu đậm.

Tôi đang sống trong một xứ đạo và được nghe những bài giảng của các cha Dòng Đa Minh nơi tôi đang ở, nhất là những bài giảng của cha xứ JB Nguyễn Đức Vượng.
Gần như trong 10 năm qua, vị linh mục này luôn lấy gia đình làm đề tài và trọng tâm cho các bài giảng, để từ đó ngài khai triển và đem Lời Chúa áp dụng trong đời sống đạo hạnh của các tín hữu. Hẳn, ngài đã thấy rõ nền tảng và tầm quan trọng của từng thành viên trong gia đình. Từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Tôi cảm nhận được những sang kiến của ngài trong xứ đạo này để luôn có những dịp lễ tạ ơn quanh năm cho những người lớn tuổi như ghi nhớ, kỷ niệm hôn nhân, mừng tuổi, mừng thượng thọ nhất là cho những vị cao niên và bệnh tật. Trong những dịp này, ngài mời và quy tụ lại con cháu của các vị ấy để mừng lễ và chung vui bên buổi tiệc đầy ý nghĩa. Ngoài sự khơi dậy và nhắc nhở sự tạ ơn với Thiên Chúa, phải chăng, đây là một cách tối thiểu để duy trì văn hoá, truyền thống và nền nếp tốt đẹp đó là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ của người Việt Nam, nhất là tình gia đình của người Việt Nam trên đất Mỹ mà đời sống và thời giờ của họ rất giới hạn để được gần nhau, thậm chí ngay cả trong những bữa cơm tối

Vâng, một gia đình tốt và đạo hạnh, tất sẽ có những con người tốt bổ ích cho xã hội, cho Giáo hội và cho đất nước, “Cây tốt sẽ sinh trái tốt”. Những gì trái ngược tín lí và luân lí, trái ngược với điều tự nhiên của con người, của trời đất như đồng tính, thụ thai trong ống nghiệm hay nhân bản vô tính, v.v… được cho đó là một con người hay một gia đình không (?).

Thượng Đế đã khôn ngoan hình thành xã hội đầu tiên cho loài người đó là người chồng, người vợ, và từ đó họ sinh sản ra con cái, chung quy lại đó là gia đình. Nơi gia đình ta tìm được chỗ nương tựa và yêu thương, được an ủi và vỗ về, được chia sẽ ngọt bùi hay đắng cay, hạnh phúc hay khổ đau…

Biết ơn và yêu thương vợ - chồng là thứ tình yêu vừa nồng nàn, vừa gắn bó, lại vừa là thứ bổn phận, trách nhiệm đối với con cái. Vợ - chồng là chỗ dựa của nhau, cha mẹ là chỗ dựa cho con cái và con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ… Đó là thứ “ách êm ái và nhẹ nhàng”, làm cho nguời ta thích sống và sống có ý nghĩa.

“Con người” và “cuộc đời” mà người Việt Nam hay gọi tắt “người đời”, là cụm từ mà khi nghe người ta có kinh nghiệm và cảm nghiệm thật thâm thúy về khoảng cách thời gian và không gian của nó. Có thể nói, “người đời” là người ngoài cuộc, người cũng có thể vừa rất gần mà cũng có thể rất xa, người có thể yêu chúng ta mà cũng có thể là người không ngừng hại chúng ta, nguời mà chúng ta có thể yêu và cũng có thể làm cho chúng ta ghét… Biết ơn người có thể dễ hơn nhiều so với yêu thương người, biết ơn vì chúng ta nhận đuợc ơn, và tìm mọi cách để trả ơn và đến một lúc nào thì sẽ hết, còn yêu thương thì yêu hoài, yêu mãi… yêu kẻ tốt và người xấu như Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28)

Nếu biết ơn, làm ơn và yêu thương cha mẹ, vợ chồng, con cái là thứ tình cảm tự nhiên, thì “người đời” và “cuộc đời” có thể nói, tự nhiên là thứ đáng ghét: con người làm mất danh dự tôi, cuộc đời làm tôi bất an, trong khi tôi muốn sống bình an; con người tôi làm đau khổ, cuộc đời mang lại những mất mát đau thương, trong khi tôi muốn sống hạnh phúc; con người lên án và cuộc đời lạnh lùng, trong khi tôi cần được thông cảm; con người dối trá, cuộc đời bất công, trong khi tôi cần sự chân thật; con người thích hận thù, tôi thích sống yêu thương, cuộc đời gây chiến tranh tang tóc, tôi yêu thích hoà bình…

Những trái ngược ấy làm cho tôi chán đời, chán người. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Anh em muốn người ta làm điều gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta nhu vậy”(Lc 6,31). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý muốn bảo chúng ta, làm ơn để đuợc trả ơn, mà Ngài muốn con cái của Thiên Chúa thì phải đi bước trước, sống đẹp, cư xử tốt là cách nói của chữ “YÊU THƯƠNG” và “YÊU THƯƠNG” là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa nên chúng ta phải sống yêu thương, mà yêu thương là dám sống cho người khác, can đảm chấp nhận những thiệt thòi… như thế yêu đời và yêu người sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn và có ý nghĩa hơn.

Cuối cùng, vũ trụ có những bí mật đáng yêu của nó, mặt trăng, mặt trời, các ngôi sao, cầm thú, cỏ hoa… khi không chuyển huớng thì đó là truờng từ vựng hoàn toàn mang nghĩa trực tiếp, nghĩa chỉ sự vật từ góc nhìn ngôn ngữ học. Những khi đặt cho nó một chỗ đứng, một vị trí, một vai trò trong những tác phẫm của nghệ thuật như hội họa hoặc âm nhạc… cũng như thể trong bài hát này thì nó là những lời ca hoặc những bức tranh thật “duyên dáng”. Và hơn thế, khi mặc cho nó một tâm tình tạ ơn thì từ những cụm từ thật đơn giản, không sinh động đã trở thành lời ca ngợi Thiên Chúa thật đẹp, thật ý nghia...

Mỗi hành tinh, mỗi sự vật trong vu trụ điều có chức năng đặc thù nhu vốn đuợc sinh ra. Từ những sự vật lớn như mặt trời, mặt trăng toả chiếu ánh sáng, cho đến những bông hoa lộng lẫy hay là những cây cỏ dại mọc bên đường chỉ để làm vui mắt con người… chúng cũng đều thực hiện trọn nhiệm vụ của mình, không ganh đua, không chen lấn, không tranh chấp… Điều này làm cho tôi nghỉ đến con người, nghỉ đến cuộc đời. Mỗi một cá nhân trong xã hội hay trong Giáo hội, dù lớn hay bé, dù sang trọng hay bần hàn thì cũng đều có một cuộc sống và một nhân vị cần được tôn trọng. Cũng như tôi, họ cũng đã cố gắng sống trọn vẹn thân phận của mình và điều đó làm cho họ có giá trị.

Mỗi người trong chúng ta là một bản giao hưởng được dệt bằng những nốt nhạc vui buồn của cuộc sống và là một bản trường ca bất tận với những thăng trầm trong cuộc hành trình tiến về miền đất hứa là cung lòng của Thiên Chúa Cha. Bản truờng ca ấy sẽ trở nên bất hủ khi chúng ta cúi đầu “MUÔN ĐỜI TẠ ƠN” Thiên Chúa như tên của bài hát, nhất là trong ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) hôm nay.

Kính chúc các bạn một Ngày Lễ Tạ Ơn thật đầm ấm và hạnh phúc bên những người thân và gia đình.

Happy Thanksgiving...

Xin bấm mũi tên dưới đây để nghe bài nhạc “MUÔN ĐỜI TẠ ƠN”.