Ngày 03-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:40 03/12/2008
TỈNH NGỘ

N2T


- “Ơn cứu độ phải do hành động mà có được, hay là do cầu nguyện ?”

- “Đều không phải, ơn cứu độ đến từ cách nhìn ngay thẳng.”

- “Nhìn thấy gì ?”

- “Nhìn thấy cái dây chuyền mà con mong đợi treo trên cổ, nhìn thấy cái con sợ là rắn, nhưng trên đất chỉ là một sợi dây thừng mà thôi.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ơn cứu độ phải đến từ Chúa Giê-su, Ngài là căn nguyên của ơn cứu độ, ngoài Ngài ra thì không còn một ai khác.

Muốn được ơn cứu độ không phải chỉ có hành động hay là cầu nguyện mà thôi, nhưng còn phải nhìn thấy nữa, bởi vì có người suốt đời hành động để được ơn cứu độ, nhưng họ chỉ hành động máy móc bên ngoài; có nhửng người cầu nguyện lâu giờ, nhưng vẫn không thể nào sửa đổi tính hư tật xấu của mình, thế là họ chưa tỉnh ngộ. Nhưng nếu chúng ta lấy con mắt đức tin mà nhìn, thì sẽ thấy Chúa Giê-su nơi tha nhân: nhìn thấy Chúa Giê-su đau khổ, nhìn thấy Chúa Giê-su bị áp bức, nhìn thấy Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi nơi các anh chị em của mình.

Nhìn thấy Chúa Giê-su nơi tha nhân để hành động và cầu nguyện, đó là đã đặt chân vào con đường cứu độ của Ngài rồi vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:42 03/12/2008
N2T


22. Coi trọng tính siêu việt và đức hạnh trên tất cả học vấn của thế gian và bản tính ưu trưởng.

(Thánh John Berchmans)
 
Sứ vụ của Gioan - Khởi đầu Tin Mừng
LM PX Vũ Phan Long, ofm
11:31 03/12/2008
SỨ VỤ CỦA GIOAN – KHỞI ĐẦU TIN MỪNG
(Máccô 1,1-8 – CN II MV - B)

1.- Ngữ cảnh

Có thể theo G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng “ ở đầu và cuối đoạn). Như thế, đoạn văn 1,1-8 là đoạn mở đầu của Lời tựa này liên hệ đến hoạt động của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Danh hiệu của Tin Mừng (1,1);
2) Hoạt động của Gioan (1,2-6):
- Câu trích Isaia xác định vai trò của Gioan (cc. 2-3),
- Giới thiệu tóm tắt bản thân và hoạt động của Gioan (cc. 4-6);
3) Lời loan báo của Gioan (1,7-8).

3.- Vài điểm chú giải

- Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (1): Câu này là tiêu đề của cc. 1-8 nói về công việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả, hay là tiêu đề của phần Mở (cc. 1-15), hoặc của toàn tác phẩm? Phải chăng sứ vụ, cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu chỉ là khởi đầu của Tin Mừng, và Tin Mừng sẽ được tiếp tục loan truyền nhờ sứ vụ của Giáo Hội? Thật ra, không có gì cho thấy rằng Mc coi hoạt động của Giáo Hội như một phần của Tin Mừng cả, y như thể Giáo Hội phải tự rao giảng về chính mình. Cứ theo nội dung của tác phẩm, ta thấy Tin Mừng mà Giáo Hội phải công bố chính là biến cố cứu độ đã xảy ra trước khi có Giáo Hội và đã khai sinh ra Giáo Hội, đó là sứ vụ của Đức Giêsu và cuộc Vượt Qua của Người.

Có thể nói c. 1 này là tiêu đề của phần Mở của TM Mc: hoạt động của Gioan, vị Tiền Hô loan báo và ban phép rửa cho Đức Kitô, trong hoang địa, là phần mở cho biến cố cánh chung (sứ vụ, cuộc đời đau khổ và cuộc tôn vinh của Đức Giêsu).

Từ ngữ “Tin Mừng”, được vay mượn từ Cựu Ước (x. Is 40,9; 52,7; 61,1…), được hiểu tương đương với lời loan báo tiên khởi (kêrygma) được triển khai rộng ra (x. Công vụ). Thế mà kêrygma của các Tông đồ (x. Cv 1,21t; 10,37; 13,24) cũng như TM Mc bắt đầu với sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Vậy chính mầu nhiệm này là “khởi đầu Tin Mừng” (x. cùng một kiểu diễn tả: Hôsê 1,2 ).

- Tin Mừng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: Phần Mở từ c. 1 đến c. 15: hai từ ngữ “Tin Mừng” đóng khung bản văn này. Kiểu nói “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” có thể hiểu là “Tin Mừng về [= có đối tượng là] Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ đối tượng, objective genitive), hoặc “Tin Mừng của [= đến từ] Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ chủ từ, subjective genitive), hoặc “Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách giải thích, epexegetic genitive; xem sự song đối giữa “vì Đức Kitô” và “vì Tin Mừng”: 8,35; 10,29; 13,9).

Dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã hiểu Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, theo nghĩa là Người không còn phải là Đấng Mêsia trần thế và dân tộc mà người Do-thái từng mong đợi, nhưng là Đấng huyền nhiệm, đã tỏ mình ra là “Đức Chúa” (x. Cv 2,36) và “Đấng Kitô” (4,26t; 10,38), qua biến cố Phục Sinh, nay ở vào tư thế có thể giải thoát mọi người khỏi Satan, tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bây giờ khi đọc lại câu truyện trước Phục Sinh Mc viết ra, họ hiểu rằng tại hoang địa và qua cuộc sống công khai (với những cuộc trừ quỷ), Đức Giêsu đã khai mào chiến thắng bằng sức giải phóng ấy. Họ cũng hiểu rằng Đức Giêsu truyền lệnh giữ thinh lặng (“bí mật thiên sai”) là vì không muốn người ta hiểu lầm về tư cách và sứ vụ của Người: Phêrô đã hiểu sai nội dung danh hiệu Mêsia (x. 8,29-33); Người chỉ nhận là Con Thiên Chúa (14,61t) và kẻ đại diện cho thế giới ngoại giáo chỉ tuyên xưng Người như thế (15,39) vào lúc Người bị kết án và xử tử. Người ta chỉ có thể hiểu tất cả các danh hiệu của Đức Giêsu xuyên qua mầu nhiệm đau khổ của Người. Và các Kitô hữu cũng phải hiểu rằng họ chỉ có thể tuyên xưng Đức Giêsu thật là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, bằng cách bước theo Người trên con đường đau khổ (x. 8,34; 10,35-45).

- Câu 2-6:

Phân đoạn này có lược đồ A-B-B’-A’:

A = cc. 2-3: mở đầu, trích các ngôn sứ,

B = c. 4: Gioan rao giảng phép rửa tỏ lòng sám hối.

Câu này song đối với câu sau,

B’= c. 5: đám đông đến với Gioan để thú tội và nhận phép rửa,

A’= c. 6: kết, nói đến kiểu sống của Gioan như là một ngôn sứ.

So sánh cc. 2-3 trích Ml 3,1 và Is 40,3 với Mt (3,3; 11,10), Lc (3,4-6; 7,27) và Ga (1,23), ta hiểu các tác giả Tin Mừng có chung một nguồn, nhưng Mc đã vừa thêm vừa tổng hợp câu truyện Gioan rao giảng với bài tường thuật của ngài về nhóm sứ giả, để làm nên một mở đầu long trọng và để có thể nêu bật ý tưởng này là khởi đầu Tin Mừng Cứu Độ đã được chính các ngôn sứ xác định nơi cuộc xuất hiện của Gioan Tẩy Giả.

Mc đã trích Ml 3,1a (… “mặt Ta”) dưới ảnh hưởng của Xh 23,20 LXX (“mặt Con”) để biến vị sứ giả thành tiền hô không phải của Thiên Chúa mà là của “Đức Chúa” (x. Ml 3,1b), là Đức Giêsu. Ngoài ra, hẳn là Mc cũng nghĩ đến đoạn cuối của sách Ml (3,23t): ngôn sứ Êlia có vai trò tiền hô.

Tác giả cũng sử dụng bản văn Is 40,3 (LXX) cùng với các tác giả Tin Mừng khác: “Đức Chúa” đây là Đức Giêsu Kitô, và “vạch lối cho thẳng để Thiên Chúa đi” được sửa thành “để Người đi”.

- đi trước mặt Con = đi trước Con.

- Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện (4): Câu này với các câu trích ở trên chỉ là một câu duy nhất, được ngắt bằng dấu phết: “Chiếu theo lời đã chép …, ông Gioan Tẩy Giả…”. Những gì bây giờ được nói về Gioan thì làm ứng nghiệm các sấm ngôn, đặc biệt sấm ngôn Is 40,3: ông ở “trong hoang địa”, và tại đó ông “hô” để kêu gọi người ta hoán cải, mà “dọn sẵn con đường của Đức Chúa” (Đức Giêsu).

Gioan “rao giảng thanh tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên” (NTT). Đấy là hai hành vi tách biệt nhưng liên hệ với nhau, vì thế đã được diễn tả trong một công thức duy nhất.

- sám hối, metanoia: sự hoán cải, do động từ metanoeô, “suy tưởng sau”, “suy nghĩ tiếp đó”; “thay đổi ý kiến”; “hối tiếc”, “hối hận”, “hoán cải”. Đây là việc chuyển đi từ tình trạng này sang một tình trạng khác, tức là thay đổi trọn vẹn lối sống. Sự thay đổi này có một phương diện tiêu cực (bỏ [apo, from] con đường tội lỗi: x. Cv 8,22; Dt 6,1) và một phương diện tích cực (quay về [eis, epi, to] với Thiên Chúa: Cv 20,21; 26,20).

Trong TM Mc, danh từ metanoia được dùng 1 lần (1,4) và động từ metanoeô được dùng 2 lần (1,15; 6,12), như thế là ít hơn các TMNL khác (metanoia: Mt 2x, Lc 5x, Ga 0x, Cv 6x, Phaolô 4x, Dt 3x, 2 Pr 1x; metanoeô: Mt 5x, Lc 9x, Ga 0x, Cv 5x, Phaolô 1x, Kh 12x), nhưng lại có một cách áp dụng độc đáo. Tác giả áp dụng hai từ này cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả (1,4), Đức Giêsu (1,15) và Nhóm Mười Hai (6,12), như vậy liên kết vị Tiền Hô, Đức Giêsu và các sứ giả của Người với nhau (xem một cách dùng tương tự cho hai động từ kêryssein [loan báo]: 1,4.7; 1,14.38t; 3,14 và 6,12; paradidonai [giao nộp]: 1,14; 9,31; 10,33; 13,9.11). Các từ đó lại luôn lệ thuộc động từ kêryssein, nghĩa là các từ đó chính là nội dung của sứ điệp các ông phải mang đi truyền bá.

- phép rửa tỏ lòng sám hối: Cụm từ Hy-lạp baptisma metanoias (thanh tẩy hối cải, x. Lc 3,3; Cv 13,24; 19,4): metanoias ở thuộc-cách (genitive) xác định đặc tính của phép rửa Gioan loan báo. Đây là một kiểu nói Sê-mít, có nghĩa là “một phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả sự hoán cải”. Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là ở điểm cả hai phép rửa đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni ở hai điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến.

- Mọi người từ khắp miền Galilê và thành Giêrusalem (5): Mc nhắm cho thấy mục tiêu của sứ vụ Gioan Tẩy Giả là khai mạc giai đoạn cuối cùng của Chương trình Thiên Chúa cứu độ loài người. Như thế, kiểu nói phóng đại (“toàn thể”, “khắp”) về miền Giuđê và Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của Do-thái giáo, không phải là không có chủ ý, nhất là lại có quy chiếu về việc thanh tẩy Giuđa và Giêrusalem thể theo Ml 3,4 hoặc quy chiếu về sứ điệp vui tươi được ngỏ với Giêrusalem và các thành Giuđa thể theo Is 40,9t. Nay đã khởi sự biến cố cánh chung: câu hỏi phải đặt ra là không biết Dân Thiên Chúa có nhận biết chăng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (c. 1) chính là “Đấng quyền thế hơn” (c. 7), Đấng mà Gioan đang dọn đường đón tiếp.

- kéo đến: Thì vị hoàn (imperfect) exeporeueto diễn tả chuỗi người liên tục kéo đến để nghe Gioan giảng và nhận phép rửa. Giới từ ek (out, of) muốn nói là ra khỏi miền Giuđê và thành Giêrusalem.

- Gioan mặc áo lông lạc đà… (6): en. . endedumenos: trợ động từ eimi ở thì vị hoàn (imperfect) cộng với phân từ quá khứ của động từ chính enduo nói lên cách thức ăn mặc quen thuộc của Gioan. Ông được giới thiệu có cách sống như một con người của hoang địa, một nhà khổ hạnh, một na-dia (x. Lc 1,15), tương tự ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,8; Dcr 13,4).

Trichas kamêlou, “lông lạc đà”, không có nghĩa là “da” lạc đà. Đây là cái áo dài và rộng dệt bằng lông lạc đà. Zônê, “girdle, waitsband; ceinture”, không phải là dây thắt lưng của người Tây phương, nhưng là một thứ như cái “ruột tượng” của ta (x. Mc 6,8).

- Ăn châu chấu: Châu chấu luộc trong nước muối rồi nướng trên than và mật ong rừng là hai thứ lương thực của dân cư sa mạc. Vì bản văn không kể ra thứ lương thực nào khác, ta hiểu ở đây tác giả muốn nêu bật nếp sống khắc khổ của vị Tẩy Giả.

- Ông rao giảng (7): ekêryssen, do động từ Hy-lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, ở thì vị hoàn (imperfect), để diễn tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm Tiền Hô cho.

- Đấng quyền thế hơn tôi: Có lẽ danh xưng này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người”, mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do-thái cũng không buộc phải làm cho chủ (sách Mishna) (x. Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv 13,25).

- trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” để mô tả biến cố Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại cho “phép rửa trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Danh hiệu của Tin Mừng (1)

Cả bốn quyển mở đầu bộ Tân Ước chỉ bắt đầu được gọi là “Tin Mừng” nhiều năm sau khi được viết ra. Vào thời tác giả Máccô, “Tin Mừng” không có nghĩa là một quyển sách, mà là “những tin vui” do một sứ giả mang đến. “Các tin mừng” là những tin về các chiến thắng, các biến cố may lành, các hiệp ước hòa bình và nhất là tin về các cuộc chào đời. “Các tin mừng” làm bừng lên những niềm hy vọng về một cuộc sống tiện nghi, sức khỏe, bình an, nên dân chúng vui sướng khi nghe được.

Mc 1,1 dùng từ ngữ “tin mừng” để giới thiệu “lời rao giảng của Kitô giáo”, cho chúng ta biết việc cứu độ và hạnh phúc không còn là kết quả của những tin vui về hoàng đế hoặc về một ai đó giống như hoàng đế, nhưng là kết quả đến từ lời rao giảng của Đức Giêsu, cũng là lời giảng về Đức Giêsu, cho thấy đã đến lúc Thiên Chúa can thiệp chung kết vào lịch sử loài người.

* Hoạt động của Gioan (2-6)

Câu trích tổng hợp Is, Ml và Xh (cc. 2-3) có mục đích xác định vai trò của Gioan trong quan hệ với Đấng Mêsia mà ta biết là chính Đức Giêsu. Nhưng một nét được nêu bật là Gioan không phải là vị Tiền Hô của Con Người sẽ đến, mà là của Đức Giêsu trần thế.

Còn cc. 4-6 giới thiệu tóm tắt bản thân và hoạt động của Gioan: ông loan báo phép rửa bày tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Tác giả đặt đối lập phép rửa bằng nước của Gioan và phép rửa bằng Thánh Thần của Đấng Mêsia. Phép rửa bằng Thánh Thần liên hệ rõ ràng đến phép rửa tội Kitô giáo. Nói đến “để được ơn tha tội” là nêu một khẳng định liên hệ đến Thiên Chúa: Ngài sẵn sàng tha thứ các tội lỗi; nói đến “sám hối” là nêu một khẳng định về loài người: họ có tội và được dạy rằng Thiên Chúa tha tội cho họ. Sứ điệp của Gioan đưa đến cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui.

Dân chúng đã từ khắp nơi kéo đến (khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem); tác giả không nói đến Galilê, vì theo ngài, hoạt động của vị Tiền Hô tập trung vào miền nam. Họ thú nhận tội lỗi: ta có thể nghĩ đến một hành vi tương tự mà các thành viên ở Qumrân làm vào lễ tái lập giao ước (1 QS 1,22–2,1) hoặc người Do-thái làm vào ngày Lễ Xá Tội.

* Lời loan báo của Gioan (7-8)

Tương hợp với câu trích Is nói về tiếng nói của người loan báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việc “hô to [như anh mõ làng]”; “công bố”; “phổ biến” (keryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu (1,14.38t), các môn đệ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin (1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơn [ông])” đang đến.

+ Kết luận

Đến đây, chúng ta đã có thể hiểu vì sao sứ vụ của Gioan lại là “khởi đầu Tin Mừng”. Bởi vì Tin Mừng là biến cố trước khi là sứ điệp. Qua vị Tẩy Giả, Thiên Chúa thực hiện các Lời Ngài hứa (cc. 2-3); Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (cc. 6-8). Như thế, sứ vụ của Gioan đã thuộc về biến cố cánh chung, biến cố này xảy ra khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng tại Galilê và các môn đệ rao giảng khắp tứ phương thiên hạ.

Gioan chỉ là một sứ giả “đi trước mặt” Đức Chúa (c. 2). Nhưng cũng chính ông có nhiệm vụ viết trang dẫn nhập vào Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chính vì thế, “trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định, Ngài sẽ ban gửi các vị loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến. Sứ điệp Gioan loan báo mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho họ biết rằng họ bị thất sủng, tương quan của họ với Thiên Chúa đã bị rối loạn, nhưng đồng thời ông khẳng định rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ và Ngài muốn thắng vượt tình trạng thất sủng của họ. Đoạn văn này cũng cho thấy Ba Ngôi (Đấng xưng là “Ta”, “Đấng quyền thế hơn” và “Thánh Thần”) cùng làm việc để thực hiện công trình cứu độ.

2. Gioan không xác định tội ông nói đến là tội gì. Dĩ nhiên ông có thể hiểu ngầm rằng những người đang nghe ông biết các tội của họ. Từ sự hiểu biết này phát sinh ước muốn thú nhận các tội lỗi của mình (1,5). Tuy nhiên, tội căn bản là loài người không nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình và là Chúa tể của mình, không tự hỏi về ý muốn của Thiên Chúa, nhưng muốn làm chúa tể của chính mình, đi theo những ý muốn của mình. Đặc biệt tội hệ tại việc không tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa vì các điều răn cho biết ý muốn của Thiên Chúa.

3. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

4. Vị Tẩy Giả nhìn người ta lên khỏi nước. Ông gạt đi các lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng sẽ ban cho họ Thần Khí của đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta nhận ra và đón tiếp Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát, mở lòng ra.

.
 
Cho và Nhận
Ngọc Nga
11:33 03/12/2008
Cho và Nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường đựơc các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày”.

Vị giáo sự ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao”.

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày.

Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn vì người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu:

“Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.

Ngọc Nga sưu tầm
 
Sống sẵn sàng, tỉnh thức là điều cần thiết
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:44 03/12/2008
SỐNG SẴN SÀNG, TỈNH THỨC LÀ ĐIỀU TẤT YẾU

Niên lịch Phụng Vụ lại mở sang một trang mới. Một năm cũ kết thúc và năm mới lại bắt đầu. Cái bầu khí kết thúc năm cũ và khời đầu năm mới của niên lịch Phụng vụ duờng như không mấy rộn ràng và đầy vẻ hoàng nhoáng như biến cố chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới theo Dương Lịch hay Âm lịch. Duới góc nhìn “thánh thiêng” của tình cảm thuần tuý, thì Kitô hữu nói chung, ít có người có được cảm xúc “thiêng liêng” trong dịp khởi đầu một năm mới theo niên lịch Phụng vụ, dĩ nhiên không kể các tập thể Chủng Viện, Tu Viện…là những nơi được các nhà đào tạo quan tâm tổ chức đêm canh thức, buổi cầu nguyện, giờ chầu sám hối, hay giờ thánh… Phải chân thành thú nhận rằng cái bầu khí khởi đầu niên lịch Phụng vụ vẫn còn thiếu chút gì đó thâm sâu, thiêng thánh nếu không muốn so sánh với phút giao thừa hay đón năm mới Dương Lịch hay Âm Lịch mà nếu so với thời điểm đầu Mùa Chay ( Thứ Tư Lễ Tro ) thì cũng còn kém và thiếu nhiều điều bên ngoài lẫn cả bên trong.

Một Thánh Lễ Chúa Nhật, phẩm phục màu tím, không có “bài ca Vinh Danh” cùng với sự đơn sơ trong việc trang trí bàn thờ…chắc hẳn chưa đủ gây được cảm xúc hay tâm tình thiêng sâu cho người tham dự nếu nhìn và xét từ bên ngoài. Nhưng dẫu sao đi nữa thì Mùa Vọng vẫn đã lại về. Với tiết trời tự nhiên, ở nhiều nước, đặc biệt các nước vùng ôn đới, quảng thời gian một năm được phân thành bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Những từ xuân, hạ, thu, đông là những từ quy ước. Còn các từ của những mùa theo niên lịch Phụng vụ lại mang một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn Mùa Chay là mùa nhấn mạnh đến việc chay tịnh, sám hối để chuẩn bị lòng tín hữu đón nhận các mầu nhiệm trong cuộc khổ nạn thương khó của Đức Kitô. Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Kitô hữu đã tin nhận chân lý này. Thế sao còn phải chờ mong Chúa đến ?

“Trời cao hãy đổ sương xuống…” Trong mùa Vọng, Hội Thánh dạy đoàn con sống hai tâm tình. Tâm tình đầu tiên là hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi Đấng Thiên Sai và tâm tình thứ hai là sống niềm đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi:

Dân Chúa xưa vốn ý thức và xác tín rằng họ là dân được Chúa tuyển chọn. Ý thức mình là dân được Chúa tuyển chọn, thế mà thực tế lịch sử của dân tộc rất hiếm trang sử màu hồng mà quá nhiều trang sử màu xám xịt. Vừa hết làm tôi Ai Cập thì long đong thời lập quốc với bao cuộc chiến. Lập quốc ổn định chưa bao lâu thì lại bi phân chia, rồi làm nô lệ các đế quốc Assyri, Babilon, Ba tư, Hy Lạp, La mã. Dân Chúa xác tín rằng không phải do sức mạnh của quân ngoại bang, nhưng do chính tội lỗi của họ, nhất là tội bất trung với Thiên Chúa nên họ phải hứng chịu những tai ương khốn khó, những cảnh lầm than của kiếp đời nô lệ. Và thế là họ luôn khát khao mong chờ, đúng hơn là luôn kêu cầu Chúa đến cứu độ giải thoát khi họ biết sám hối ăn năn. Họ tin rằng Chúa hằng luôn tín thành với lời đã hứa cùng các tổ phụ cha ông, Chúa sẽ gửi Đấng Thiên Sai đến giải thoát họ. Các Ngôn sứ là những người gieo rắc niềm tin này, đồng thời thanh luyện niềm tin ấy. Đấng Thiên Sai sẽ đến không chỉ giải thoát dân khỏi ách nô lệ theo chiều kích chính trị mà còn giải thoát dân khỏi ách nô lệ thần dữ.

Lạy Chúa, xin hãy xé trời mà ngự xuống. Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con… Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con là loài sành sứ, Chúa là người thợ gốm. Chúa đã làm ra chúng con thì Chúa sẽ không bỏ rơi chúng con. Ngôn sứ Isaia thân thưa với Chúa lời cầu xin và cũng là lời tuyên tín rằng Chúa sẽ sai Đấng cứu độ đến giải thoát dân Người.

Cùng hiệp thông với niềm mong đợi của dân Chúa xưa, Kitô hữu chúng ta hôm nay và mọi thời muốn khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Thiên Sai, đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Và chúng ta sẽ long trọng cử hành đại lễ mừng Người Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ, thì chúng ta cũng tuyên xưng rằng chỉ có Người mới ban sự sống đời đời cho nhân loại chúng ta, chỉ có Lời của Người mới dẫn đưa chúng ta đến chân lý, đến hạnh phúc đích thực. Và dĩ nhiên, để có hạnh phúc thật, để được sống đời đời thì chúng ta phải tin vào Người, dõi theo chân Ngưòi và sống theo lời Người chỉ dạy.

Đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang:

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến…”( Mc 13,33 tt ). Phải tỉnh thức, phải canh thức để đón chờ sự gì ? Câu trả lời thật hiển nhiên là để đón chờ Chúa lại đến trong vinh quang. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, sẽ sai các Thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” ( Mc 13, 26-27 ).

Quả thật, Kitô hữu chúng ta cũng như anh em lương dân hay bà con khác đạo, thường dễ có tâm tình lo sợ khi nghe nói đến cái ngày tận cùng của thế giới. Phận người nhuốm đầy tội nhơ, vì thế chúng ta thường e sợ khi nghĩ đến sự xét xử và lo lắng khi nghe nói đến ngày tận thế. Con người chúng ta vốn dính bén với những thực tại thế trần, từ của tiền đến danh vọng và cả mạng sống, vì thế, số người bình tỉnh đối diện với sự chết quả là xưa nay hiếm.

Lạy Chúa, xin hãy đến ! Cầu thì cầu, xin thì cứ xin, nhưng niềm tin vẫn còn yếu kém. Trong nhiều lý do thì có lý do này: chúng ta chưa thật xác tín rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta, để ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Và vì thế chúng ta vẫn mãi chưa thật sự sẵn sàng và tỉnh thức. Quả thật vẫn còn đó nhiều nghịch lý. Giả như có ai đó hẹn sẽ đến bất chợt trong một đêm không biết giờ nào nhưng là để trao tặng cho ta món tiền kếch sù là dăm bảy tỉ đồng thì dù không nhắc đi nhắc lại, chúng ta vẫn tỉnh thức và sẵn sàng với bằng mọi giá để khỏi bỏ lỡ dịp may ngàn năm có một. Thế mà thật trớ trêu, ai trong chúng ta cũng muốn lên thiên đàng nhưng nếu Chúa cho lên ngay lúc này thì lại xin Chúa hãy khoan thực hiện.

Dù muốn hay không thì cái ngày tận cùng của thế giới cũng sẽ tới, cái ngày tận cùng của đời ta cũng sẽ tới. Vũ trụ này, thế giới này đã có thời điểm bắt đầu thì sẽ có thời điểm kết thúc. Con người chúng ta có lúc chào đời thì phải có lúc lìa đời. Một chân lý đương nhiên, như nhiên, dù không thích ta vẫn phải đối diện. Chẳng ai có thể biết được ngày giờ tận cùng của lịch sử vũ trụ, kể cả các thiên thần và kể cả người Con, ngoại trừ Chúa Cha ( x. Mc 13,32 ). Chẳng ai có thể biết đích xác ngày mình giả từ trần gian. Chính vì thế Chúa Kitô nhấn mạnh: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải tỉnh thức !” ( Mc 13,37 ).

Thế nào là tỉnh thức, sẵn sàng ? Căn cứ vào lời Chúa Kitô, chúng ta có thể biết một vài cách thế sống sẵn sàng tỉnh thức như sau:

Xét về mặt tiêu cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ dứt khoát với tội lỗi. “ Anh em phải tỉnh thức, kẽo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” ( Mc 13,36 ). Tình trạng ngủ mê là tình trạng mãi đắm chìm trong tội, là tình trạng mãi quyến luyến với các dục vọng bất chính, là tình trạng bị trói buộc bởi những thực tại trần gian chóng qua. Với một sợi chỉ mỏng manh cũng đủ làm con chim sẻ không thể cất cánh bay cao. Mùa vọng lại về, một lần nữa thử xét mình xem những gì đang làm chúng ta không thể sống tốt hơn, thanh cao hơn, hướng thượng hơn ? Cần nhận diện cách trung thực và chính xác để rồi can đảm từ bỏ hoặc biết sống tự do với chúng.

Xét về mặt tích cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống biết quan tâm đến tha nhân, sống có tình, có lòng với người lân cận. Chúa Kitô đã minh hoạ thái độ sống tỉnh thức sẵn sàng này qua câu chuyện dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại. Các cô khôn ngoan được xem là tỉnh thức vì có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với hai họ, khi mang đèn thì biết chuẩn bị dầu đầy bình để đón chàng rể vì không biết chàng rể đến lúc nào. Ngược lại các cô khờ dại chẳng biết nghĩ đến ai, ngoài bản thân đến nỗi mang đèn mà không để ý gì đến dầu. Sống mà biết nghĩ đến tha nhân, sống có tấm lòng với người bên cạnh chính là một trong những cung cách sống sẵn sàng, tỉnh thức ( x.Mt 25,1-13 ).

Chúa Kitô còn minh hoạ sự sẵn sàng tỉnh thức bằng việc chu toàn bổn phận với người dưới quyền, với người trong trách nhiệm của ta. Sau khi dạy các tông đồ phải tỉnh thức sẵn sàng vì chính giờ phút không ngờ thì Con Người sẽ đến, Chúa Kitô đã kể dụ ngôn về người đầy tớ trung tín được đặt lên coi sóc gia nhân để cấp phát cho họ đúng giờ, đúng lúc ( x. Mt 24,45-51; Lc 12,41-48 ). Sự thường, người ta rất dễ sẵn sàng chu toàn trách nhiệm với người trên, nhưng với người dưới quyền thì xem ra hay xao nhãng. Bề trên gọi thì thưa vâng ngay, còn bề dưới hỏi thì phán rằng hãy chờ đấy. Không phải với người trên nhưng chính khi chu toàn bổn phận với người dưới quyền mới là lúc ta thực sự đang sống tỉnh thức sẵn sàng.

Mùa Vọng đã về. Chúng ta được mời gọi sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Chúa đến để ban ân phúc cho chúng ta và cũng là để xét xử chúng ta. Gặp hoạ hay hưởng phúc đều do chính tấm lòng của chúng ta, do chính thái độ sống của chúng ta. Là loài có lý trí và ý chí tự do, xin đừng đổ thừa cho khách quan hay ngoại cảnh. Sống sẵn sàng, tỉnh thức là điều tất yếu, nếu không muốn phải bị diệt vong.
 
Gioan, Con Người Thật Lạ Lùng
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
12:28 03/12/2008
Gioan, con người thật lạ lùng

Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm một con người thật lạ lùng. Lạ lùng từ khi được cưu mang. Lạ lùng trong cách sống. Lạ lùng đến nỗi cha ông là Zacaria đã không tin rằng mình sẽ làm cha vào tuổi bóng đã ngả về chiều. Lạ lùng vì ngay từ trong dạ mẹ ông đã reo lên khi Chúa đến viếng thăm. Lạ lùng vì ông sống khắc khổ nơi rừng vắng. Ông chỉ ăn châu chấu với mật ong. Lạ lùng vì ông được người đời ca tụng nhưng ông đã từ khước tất cả danh vọng chỉ nhận mình là tiếng kêu nơi hoang địa. Cuộc đời ông luôn khiêm tốn nhỏ bé để Chúa được lớn lên. Ông có tên gọi thật khiêm nhường là Gioan.

Tin mừng thánh Luca trình thuật về việc làm của ông cũng thật lạ lùng. “Có tiếng người hô trong hoang địa”. Tại sao ông lại hô giữa nơi hoang địa? Hoang địa khô cằn lại lắm hiểm nguy. Hoang địa làm sao có kẻ qua người lại mà ông đến nơi hoang địa để hô vang dọn đường cho Chúa? Thế mà tiếng hô của ông lại đánh động lòng người. Hàng ngàn người đã ăn năn sám hối. Hàng ngàn người tìm đến với ông để canh tân, sửa đổi cuộc đời. Như vậy, hoang địa ở đây không mang nghĩa địa lý. Hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người. Cuộc đời đã khô cạn tình người. Giữa phố xá đông người nhưng con người vẫn cô đơn, thất vọng, chán chường bởi sự ích kỷ, lạnh lùng trong quan hệ giữa người với người.Cuộc đời trở thành một hoang địa khi tình người đã mất. Khi người ta sống bên nhau nhưng không còn liên đới, chia sẻ với nhau. Cuộc đời trở thành một hoang địa khô cằn nên cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Tiếng hô của ông đi xuyên qua hoang địa lòng người. Ông đề nghị sửa lại lối sống. Đường quanh co hãy uốn cho ngay thẳng. Người quanh co là người sống thiếu chân thật. Người quanh co thường có lối sống gian dối, điêu ngoa, sống lắc lẻo, lừa bịp. Ăn không nói có. Thêm điều đặt chuyện để hại người hại đời. Lối sống như vậy chỉ là một loại phá hoại sự yên ổn của xóm làng và gây chia rẽ khu xóm, chỉ khiến con người xa rời nhau. Làm sao có thể tin tưởng và yêu mến nhau nếu trong giao tiếp thiếu sự chân thành, lại còn thêm điều đặt chuyện? Gioan còn đề nghị phải lấp đầy thung lũng của lòng người. Vì “sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm trùng khơi khôn dò”. Do vậy, phải lấp đầy thung lũng của những ngăn cách, của những phân biệt giai cấp và nghi kỵ hiểu lầm. Và cuối cùng là hãy bạt đi núi đồi của kiêu căng, tự mãn để nhờ đó mà con người khắp năm châu sẽ nắm tay nhau hát vang câu hát của thanh bình. Đây cũng là cách thức duy nhất để Nước Thiên Chúa hiển trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa trải rộng đến muôn tâm hồn.

Vâng thưa anh chị em, thế giới hôm nay vẫn còn đó tiếng kêu đơn độc giữa phố phường. Có biết bao người sống cô đơn lây lất vì thiếu sự cảm thông nâng đỡ của anh em bạn bè. Có biết bao trái tim đang co thắt trong đau khổ vì sự nghi kỵ, kết án, tẩy chay của anh em. Có biết bao cuộc đời đang thất vọng buông xuôi vì sự bỏ vạ, cáo gian, vì sự lừa gạt và hãm hại của đồng loại. Có biết bao giọt nước mắt vẫn rơi rớt trên giòng đời vì vô ơn bội bạc, vì sự bất trung, bất hiếu của những người thân trong gia đình. Và vẫn còn đó, còn rất nhiều những nỗi đau là hệ quả của một thế giới hoang địa khô cằn tình người.

Mùa vọng giáo hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để nhận ra tiếng kêu cầu cứu của tha nhân. Hãy yêu mến tha nhân trong tình yêu chân thành, đừng lường gạt lẫn nhau, hãy sống thật lòng với nhau. Hãy xóa đi những hố sâu của nghi kỵ, hiểu lầm để sống cảm thông và tha thứ cho nhau, đừng gây chia rẽ và tạo nên những hố sâu của bất đồng, của oán hận nhỏ nhoi. Hãy xan bằng những ngăn cách bởi kiêu căng tự mãn bằng một đời sống hoà hợp với nhau trong tình anh em có chung một cha trên trời.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy sửa lại lối sống cho phù hợp với tin mừng cứu độ, để thiết lập một màu xanh yêu thương và ngập tràn niềm vui và hạnh phúc thay cho sự khô cằn của sa mạc tình người.

Nguyện xin Đấng Emmanuel, là Đường là sự thật và là sự sống dẫn dắt chúng ta đi trong hồng ân của Ngài, ngõ hầu mỗi người chúng ta sẽ được hưởng một mùa xuân của hoa công lý và tình thương nở rộ khắp nhân trần. Amen
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 8.12.2008
Lm Francis Lý văn Ca
12:41 03/12/2008
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,

Đức Thánh Cha Phaolô VI trong bức thư chung đề ngày 2.2.1974 đã cho chúng ta những tiêu chuẩn rõ rệt, hướng dẫn chúng ta tôn kính Mẹ Maria một cách lành mạnh và phù hợp với đức tin chân chính, dựa trên nền tảng thần học.

Lòng tôn kính Mẹ phải nhằm mục đích làm sáng danh Thiên Chúa, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Với mục đích nầy, Mẹ đã trở nên người lý tưởng cho mỗi người tín hữu chúng ta. Mẹ được Chúa Cha kén chọn làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể và Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta nhìn lên Mẹ, theo gương sống của Mẹ và xin Mẹ dẫn chúng ta đến cùng Đức Kitô, Con Mẹ, để gặp gỡ Thiên Chúa.

Hôm nay, mừng kính đặc ân Mẹ Vô Nguyên Tội cũng là dịp để chúng ta chúc mừng các bà mẹ, bà chị đã chọn Mẹ làm quan thầy của mình. Ước chi trong ngày lễ hôm nay, Mẹ ban tràn đầy hồng ân của Mẹ cho các bà mẹ và các bà chị.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, kính mời cộng đoàn cùng hợp tiếng với ca đoàn… xướng lên bài thanh ca mừng kính Mẹ Vô Nhiễm hôm nay.

TRƯỚC BÀI I:

Người nữ đầu tiên Thiên Chúa đã dựng nên – Evà – đã nghe theo lời quyến dụ của ma quỹ đã ăn trái cấm trong vườn Diệu Quang. Thiên Chúa đã phạt tổ tông loài người. Nhưng Thiên Chúa cũng cho tổ tông nhìn thấy được niềm hy vọng trong tương lai.

TRƯỚC BÀI II:

Thánh Phaolô trinh bày cho chúng ta thấy - trước khi tạo dựng thế gian - con người được Thiên Chúa tuyển chọn và đặt để vào thế gian nầy: Qua sự nhập thế và nhập thể của Đức Kitô, chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:

Thánh sử Luca trinh thuật bối cảnh thiên thần truyền tin cho Đức Maria… Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho đặc ân Vô Nhiễm Thai để cung lòng Mẹ xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa - Ngôi Lời Nhập Thể.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã đáp lời Mẹ thỉnh cầu, làm phép lạ cho nước hoá rượu ngon. Giờ đây, chúng ta nhờ Mẹ chuyển những lời cầu xin của chúng ta lên trước tôn nhan Thiên Chúa hôm nay.

1. Xin Mẹ nhìn đến đoàn con Việt Nam đó đây trên khắp thế giới đang mừng kính đặc ân Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: Xin ban cho Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam sớm thấy được Công Lý và Hòa Bình toả sáng trên Quê Cha – Đất Mẹ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những nhân đức rạng ngời của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chiếu soi trên những chị em đã chọn Mẹ làm quan thầy: để họ luôn rập theo mẫu mực của Mẹ trong đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người tín hữu chúng con luôn biết noi gương Mẹ: đến với anh chị em không cần báo đáp, quên mình để gặp gỡ Chúa nơi tha nhân trong tinh thần phục vụ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Cùng với toản thể trái tim không những của Những Người Con Việt mà còn đông đảo những ai Yêu Chuộng Công Lý-Hòa Bình trên Toàn Thế Giới đang hướng về Quê Hương Việt Nam đặc biệt Ngày Hôm Nay để cầu nguyện cho những anh chị em phải ra trước toà án: Xin Mẹ chuyển lời cầu xin của chúng ta lên Thiên Chúa vạn năng, xin Ngài ban cho họ đầy Ân Sủng và Khôn Ngoan của Thánh Thần trở thành Những Nhân Chứng cho Công Lý và Hoà Bình. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tín hữu của Chúa đã qua đời mà chúng ta nhớ đến trong thánh lễ nầy…: qua lời cầu bầu của Mẹ được Chúa ban thưởng cõi phúc trường sinh trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:

Lạy Cha từ ái, qua việc Cha ban cho Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha đã cho chúng con được cơ hội hiệp thông niềm vui với Mẹ. Xin Cha ban cho chúng con những nguyện ước mà chúng con nhờ Mẹ chuyển cầu đặc biệt trong ngày lễ kính Mẹ hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Dọn đường cho Chúa
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
13:16 03/12/2008
Dọn đường cho Chúa

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mc 1, 1-8

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.

Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
1- Con đường tâm hồn tôi có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh nào cần sửa chữa?
2- Tôi có cần đến những phương thế của Thánh Gioan Baotixita không?
3- Tôi sẽ làm gì trong tuần này để thực hành Lời Chúa?
4- Trong bài Tin Mừng Chủ nhật thứ II Mùa Vọng này, tôi tâm đắc nhất câu nào?
 
Gioan Tiền Hô
Lời Chúa
13:18 03/12/2008
Gioan Tiền Hô

Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy cho Ngài.

So sánh với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật kém cỏi, kém cỏi đến nỗi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy. Kém cỏi đến nỗi không xứng đáng xách dép cho Ngài.

Chúng ta tưởng rằng Gioan hạ mình và khiêm tốn, nhưng không phải là như thế. Gioan không hạ mình và cũng chẳng khiêm tốn, nhưng ông chỉ nói lên một sự thật, một sự thật 100%.

So sánh với chúng ta, Gioan trổi vượt hơn nhiều, bởi vì ông được toàn thể dân chúng trọng kính, kéo đến nghe giảng và chịu phép sám hối. Nhưng so sánh với Chúa Giêsu, ông thật kém xa và kém rất xa vì dù sao ông cũng chỉ là loài người, ông cũng chỉ là một tạo vật.

Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong thửa rừng bát ngát, chỉ là một hạt cát chốn sa mạc bao la.

Từ mẫu gương của Gioan chúng ta hãy đi vào lãnh vực bản thân và hãy thú nhận mình hèn kém, hèn kém mọi đàng.

Thực vậy, tự bản chất chúng ta chẳng là gì cả. So sánh với người này người kia, có thể chúng ta giàu sang hơn, chúng ta tài giỏi hơn, chúng ta thế lực hơn, chúng ta nhan sắc hơn. Tuy nhiên chúng ta có nên dựa vào mấy cái hơn đó mà vênh vang tự đắc hay không?

Về giàu sang ư?

Hẳn rằng ai cũng đã rõ, tiền bạc và của cải không phải là yếu tố chính yếu đem lại hạnh phúc. Hơn thế nữa, nó cũng không ở cùng chúng ta luôn mãi, có thể chỉ vì một biến động mà chúng ta sẽ trắng tay, như tục ngữ đã bảo:

- Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Về tài giỏi ư?

Cái chúng ta biết chỉ là một, còn cái chúng ta không biết thì từng ngàn từng vạn. Jules Simon đã nói:

- Chỉ có kẻ ngu mới tin rằng mình biết mọi sự.

Người ta hỏi một nhà bác học nọ:

- Chính phủ trả lương cho ông, mà sao mỗi lần hỏi sự gì thì ông lại trả lời là không biết.

Nhà bác học nói:

- Chính phủ trả lươngcho tôi vì cái tôi biết. Song nếu phải trả lương cho tôi vì cái tôi không biết, thì cả kho bạc chính phủ cũng chẳng đủ để trả lương.

Về thế lực ư?

Có những người một thời hét ra lửa, thế mà, sau cùng lại bị tù tội. Cảnh thăng trầm, lên voi xuống chó, chẳng phải là chuyện bình thường trong sinh hoạt của con người đó sao?

Về nhan sắc ư?

Chỉ một cơn sốt trên bốn mươi độ, thì con người còn gì là nhan sắc.

Tại Hollywood, kinh đô điện ảnh của thế giới, có một nhà hưu dưỡng dành cho những ngôi sao màn bạc, khi trẻ được ngưỡng mộ, nhưng bây giờ, họ vừa già lại vừa nghèo nên đã bị bỏ rơi và chìm vào quên lãng. Chính phủ cung cấp tiền nuôi dưỡng. Từ ngày mồng một tháng giêng đến hết ngày ba mươi tháng chạp, những bóng người lui tới thăm hỏi họ thật là ít ỏi.

Như trên đã xác quyết: Những cái chúng ta có thì chẳng là mấy. Hơn thế nữa, chúng ta chỉ là những người quản lý chứ không phải là những ông chủ. Mặc dù so sánh, chúng ta có thể hơn thật, nhưng tự bản chất chúng ta chỉ là những người quản lý. Như vậy có chi đáng cho chúng ta khoe khoang, vênh vang và tự đắc.

Quản lý càng nhiều, thì càng bận rộn, càng phải mang lấy trách nhiệm, bởi vì không sớm thì muộn chủ sẽ hạch hỏi và đòi chúng ta tính sổ quản lý.

Copernic là một nhà thiên văn nổi tiếng. Sự nghiệp của ông trong lãnh vực này thật lớn lao. Thế nhưng, ông không bao giờ tự phụ, trái lại ông sống rất khiêm tốn. Càng thông minh, ông càng nhận thấy mình bé nhỏ. Khi gần qua đời, ông xin khắc trên mộ bia của ông những hàng chữ như sau:

- Lạy Chúa, con không dám xin ơn trở lại như thánh Phaolô, cũng chẳng dám yêu cầu được sự tha thứ như thánh Phêrô, con chỉ xin Chúa thương con như đã thương kẻ trộm lành mà thôi.

Để kết luận, tôi xin mượn lời cầu nguyện của thánh Augustinô:

- Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.

Biết Chúa để con yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để con ăn năn sám hối, sửa đổi những sai lỗi mà thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời.
 
Thánh Phanxicô Xaviê với sứ vụ Truyền giáo
Lm. Nguyễn ngọc Long
13:21 03/12/2008
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ VỚI SỨ VỤ TRUYỂN GIÁO

Ngày xưa con tầu là phương tiện vận chuyển người cùng vật dụng, hay trong dịch vụ buôn bán, từ nước này sang nước khác vượt sông biển xa xôi ngàn dặm, rất phổ thông trong đời sống.

Ngày nay, tuy có những phương tiện vận chuyển mới khác nhanh lẹ hơn, nhưng phương tiện bằng tầu thủy vẫn còn thích hợp.

Một con tầu không chỉ là phương tiện vận chuyển đồ trên thủy lộ, nhưng tầu còn là phương tiện đưa con người đi du lịch tham quan thắng cảnh trên sông ngòi, biển cả từ vùng này tới vùng khác, từ nước này sang nước khác. Phương tiện du lịch bằng tầu thủy ngày nay phát triển mạnh, đưa con người đến miền có nhiều cảnh thiên nhiên mới lạ thi vị mơ mộng.

Hình ảnh một con tầu có liên quan gì tới đời sống đức tin của chúng ta không?
Theo Kinh Thánh thuật lại ( St 7,1-24) khi nạn lụt đại hồng thủy dâng lên bao phủ khắp mặt đất 40 ngày đêm, gia đình Ông Noe đã vào sống trong một con tầu. Và nhờ sống trong tầu gia đình Ông mới sống sót không bị nước cuốn tiêu diệt như bao người khác.

Hình ảnh con tầu lịch sử Noe thầm nói lên ý nghĩa: Một ngôi nhà dùng để vượt qua những nguy hiểm trong đời sống. Ngôi nhà đó là Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Trong ngôi nhà đó, các Bí tích là nguồn nước sự sống, là nguồn lương thực đời sống đức tin cho con người.

Vì thế, xưa nay nhiều thánh đường được xây cất theo mô hình nhà thờ dài như một con tầu.

Khi sang loan truyền Tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa, mang con tầu Giáo Hội Chúa đến cho vùng đất xa lạ, các nhà Truyền Giáo cũng đã dùng phương tiện di chuyển bằng tầu vượt qua biển cả từ Âu châu sang tới Á châu, sang Việtnam. Trong số những vị đi truyền giáo đó có Thánh Phanxico Xaviê.

Thánh Phanxicô Xavie không chỉ dùng tầu vượt biển sóng nước đến Á Châu, nhưng Ông còn xây dựng con tầu Giáo Hội ở nơi đó nữa.
Sử sách không thấy nói đến Ông xây những ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy theo mô hình con tầu. Nhưng chỉ nói đến sứ vụ truyền giáo rao giảng Tin mừng với lòng nhiệt thành hăng say của ông thôi. Sứ vụ truyền giáo của Thánh nhân qui vào việc xây dựng ngôi nhà Giáo Hội nơi tâm hồn con người. Những ngôi nhà thờ tâm hồn con người, mà Thánh nhân đã xây dựng, để lại “ dấu vết ngàn xưa lưu ký”.

Cũng theo sử sách thuật lại, Thánh nhân đã mang làn nước Bí tích Rửa tội đến cho hàng chục ngàn người bên Trung Hoa bên Ấn Độ.

Làn nước Bí tích rửa tội Thánh nhân mang đến cho những con người đó, là chỉ lối cho họ đi vào ngôi nhà Giáo Hội của Chúa, nơi có nguồn nước sự sống, nguồn lương thực tâm linh cho tâm hồn con người.

Làn nước Bí tích rửa tội, Thánh Phanxico Xaviê đã mang đến cho họ, không chỉ có ánh sáng đức tin soi đường tới ngôi nhà con tầu Giáo Hội của Chúa, nhưng họ còn tiếp nhận một con đường, đúng hơn một truyền thống, giáo dục đào tạo Kitô giáo nữa.

Nền giáo dục đào tạo đó thể hiện theo chiều thẳng đứng: Trời và đất, Thiên Chúa và con người liên kết với nhau; theo chiều ngang nền chân trời: con người với nhau, con người với thiên nhiên, với quê hương đất nước, nơi sinh ra nơi sinh sống, cùng trong tương quan liên đới với nhau.

Nền giáo dục đào tạo đó đặt nền tảng trên Tám mối phúc thật.

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa
.”(Mt 5,2-12)

Nền giáo dục đào tạo đó lấy bác ái, khiêm nhường làm mẫu mực cho đời sống: “ đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.” ( Kinh hòa bình của Thánh Phanxico)
Thánh Phanxicô Xaviê đã về trời từ hằng trăm năm nay, nhưng ngôi nhà đền thờ tâm hồn con người, qua làn nước Bí tích rửa tội, ngài đã xây dựng vẫn còn đó và tiếp tục phát triển nơi con người.

Thánh nhân không còn sống trên trần gian từ hàng thế kỷ nay. Nhưng nền giáo dục đào tạo Kiô giáo, mà ngài đã gieo trồng nơi những con người xưa kia, vẫn ăn rễ sâu nơi đời sống tin thần con người, vẫn luôn vang vọng ảnh hưởng đến suy nghĩ cùng cách sống của những thế hệ con người.

Nền Giáo dục đào tạo Kitô giáo đã giúp nhiều người xây dựng đời sống, tìm được niềm vui cùng bình an trong đời sống.
 
Thánh Phanxicô Xaviê Quan Thầy các Xứ Truyền Giáo
Đ.Ô. Mai Đức Vinh
13:23 03/12/2008
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ QUAN THÀY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

LTS- Giáo Hội dành năm 2006 để nêu bật 500 tinh thần truyền giáo của thánh Phanxicô tại Á Châu. Đối với các cha dòng Tên, năm 2006 là năm mừng 500 năm sinh nhật của thánh Phanxicô(1506-2006) và450 năm từ trần của thánh Inhaxiô, ra đời năm 1491 và tạ thế năm 1556. Về phần chúng ta, đây là một trùng điệp đầy ý nghĩa thiêng liêng với Hướng đi Mục vụ của Giáo Xứ Việt Nam Paris: Liên Đới Tin Mừng. Vì thế, báo Giáo Xứ dành số này viết về Thánh Phanxicô, và tôi hân hạnh gửi đến quý Độc Giả bài ‘Tiểu sử của Thánh Phanxicô’.

Ảnh hưởng của tình bạn.

Phanxicô sinh ra năm 1506 tại điện Xaviê, làng Pampelune, tỉnh Navare, nước Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp trường Sainte-Barbe, Phanxicô được bổ nhiệm làm giáo sư triết tại đại học Paris. Chẳng bao lâu, người giáo sư trẻ này đã lừng danh và được nhiều người ca tụng. Những thành công ấy đã biến Phanxicô thành con người mải miết đi tìm danh vọng. Nhưng rồi nhờ ảnh hưởng của một người bạn, Phanxicô đã thay đổi hẳn đời sống: người bạn đó chính là Inhaxiô, khách trọ cùng buồng với Phanxicô.

Tác động của Lời Chúa.

Inhaxicô biết Phanxicô từ năm 1525. Nhưng làm thế nào để chinh phục chàng thanh niên có nhiều triển vọng làm nên những đại sự đang say sưa tìm kiếm danh vọng, gầy dựng sự nghiệp ? Trước hết Inhaxiô cố gắng gây thiện cảm và lòng tín nhiệm, rồi lâu lâu tìm dịp nhắc cho Phanxicô lời Chúa: «được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn, thì ơn ích gì ?» (Mt 19,16). Lúc đầu, Phanxicô không chút cảm động về câu Phúc Âm ấy. Nhưng dần dần, chính lời này đã chinh phục hoàn toàn chàng thanh niên đầy tham vọng. Ngày 15.08.1534, chàng đã cùng với Inhaxiô và năm anh em khác đến hầm thánh đường Monmartre khấn hứa «cùng nhau phục vụ Nước Chúa». Dòng Tên kể như được thiết lập từ đó.

Chuẩn bị hành trang.

Hai năm sau, Phanxicô cùng các bạn từ giã Paris, qua Roma bái yết đức giáo hoàng. Trước khi tới thủ đô Giáo Hội, nhóm người trẻ ghé Venise và chia nhau đi giúp các bệnh nhân trong nhà thương để thực hành đức khiêm tốn và bác ái. Để tập hy sinh và thắng mình, có lần Phanxicô đã cúi xuống hút mủ ở vết thương của một bệnh nhân mà tự nhiên chàng lấy làm kinh tởm. Tới Roma, nhóm anh em được đức Phaolô III vui vẻ tiếp đón và chúc lành cho những đự án của đàn con. Trở về Venise, Phanxicô được thụ phong linh mục, và từ đó, ngài gia tăng việc ăn chay, suy niệm, thực hành bác ái để thánh hóa bản thân và chuẩn bị hành trang cho những sứ vụ sẽ được bề trên trao phó.

Sứ vụ tuyên chứng Tin Mừng.

Mùa xuân năm 1539, vua Bồ Đào Nha là Gioan III muốn xin mấy vị thừa sai đi giảng Tin Mừng cho dân Án Độ. Thánh Inhaxiô bấy giờ là bề trên tiên khởi của dòng Chúa Giêsu, chúng ta quen gọi là dòng Tên, cử cha Rotringuez, Robidinla, và thày Phaolô đi. Cha Phanxicô muốn đi lắm, nhưng cha khiêm tốn, để hoàn toàn theo ý bề trên chỉ định, chứ không ngỏ ý xin. Nhưng gần ngày đi, vì điều kiện sức khỏe, cha Bobinda phải ở lại, thế là cha Phanxicô được cử đi thay thế với chức vụ trưởng phái đoàn. Cha nhanh nhẹn lên đường đi tuyên chứng Tin Mừng, hồ hởi không kém tiên tri Isaia ngày xưa (x.Is 6,8). Năm ấy, cha vừa chẵn 35 tuổi. Sau những tháng lênh đênh trên mặt biển, ngày 07.06.1542, phái đoàn truyền giáo dòng Tên đặt chân lên thành phố Goa và bắt đầu ngay công việc rao giảng Tin Mừng. Ngoài việc học tiếng và tìm hiểu phong tục bản xứ để dễ bề truyền giáo, cha tìm hết mọi phương cách bác ái, phục vụ và rao giảng, giúp cho dân chúng tin nhận «Thiên Chúa là Tình Yêu» và «Chúa Giêsu đáng yêu mến là chừng nào». Ngày ngày, cha len lỏi đi thăm các bệnh nhân phong cùi, các người cùng đinh hấp hối trên vệ đường, các tội phạm trong nhà tù và dân nghèo trong các xóm nhà lá… Đức giám mục thành Goa và vua Bồ Đào Nha rất hài lòng về phương cách truyền giáo của phái bộ dòng Tên. Trong số đông đảo người tin nhận Phúc Âm, có nhiều gia đình qúy phái hay hoàng tộc.

Tình yêu Chúa thúc đẩy.

Những thành công như trên là kết quả của sứ vụ truyền giáo rập theo mẫu mực của Chúa Giêsu ngày xưa. Thật vậy, trước hết đó là kết quả của ơn Chúa, của đời sống thanh bần, thoát ly mọi dính bén của cải, mọi tham ước danh vọng: chỉ hoạt động vì tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy. Hành trang truyền giáo của cha Phanxicô là cây Thánh Giá luôn cầm ở tay, một sắc vải đựng cuốn Thánh Kinh và cuốn Sách Nguyện. Thứ đến là kết quả của đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu bằng kinh nguyện và tĩnh mạc: Bắt chước Chúa Giêsu, cha Phanxicô suốt ngày đi rao giảng, làm việc bác ái, đêm xuống, cha vào phòng đóng cửa lại hay tìm nơi thanh vắng cầu nguyện và suy gẫm. Sau cùng, đời sống của cha Phanxicô luôn được thúc đẩy và hun nóng bởi một lòng khao khát và nhiệt thành làm cho vinh quang của Thiên Chúa được lớn lên (Ad majorem gloriam Dei) và cho nhiều linh hồn được cứu rỗi (Ad animarum salutem). Lòng khao khát đó, ngày kia khi đứng trên tàu nhìn vào các nước Á châu, cha Phanxicô đã mượn lời thánh Phaolô mà thốt lên: «Ơi tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy tôi (2Cr 5,14)… Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng của Chúa » (1Cr 9,16).

Tham vọng duy nhất: mở rộng Nước Chúa.

Cũng chính vì khát vọng cho Danh Chúa cả sáng và cứu rỗi được nhiều linh hồn, mà cha Phanxicô không hài lòng với chương trình chỉ giảng đạo ở một nơi. Ngài muốn đi đến hết mọi nơi nào có thể, không phải để thỏa mãn tính ‘phiêu lưu lãng tử‘, nhưng để đem Chúa đến cho mọi người. Dịp may đã đến với cha Phanxicô: năm 1549, nhân dịp một thủy thủ công giáo người Nhật hồi hương, cha đã xin được phép bề trên qua giảng đạo trên đất Phù Tang. Theo một sử gia đáng tin cậy, cha Phanxicô đã đến giảng đạo ở Nam Dương trước khi sang giảng đạo ở Nhật. Ngày 15.08.1549, thuyền đưa cha tới bến Cagosima thuộc đảo Kiu-Siu (Kiou-Siou). Ở đây, sau những tháng chịu đựng cách xử lạnh nhạt của quan chức và dân chúng địa phương, cha đã gieo nhiều hạt giống Phúc Âm và rửa tội cho nhiều người. Lấy Cogosima làm cứ điểm, cha tìm cách tiến vào các đảo và các miền chung quanh như Miyako tức Tokio bây giờ,rồi Yamagouski. Đâu đâu Ngài cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều trở ngại. Tuy nhiên sau cùng ngài vẫn đưa phần thắng về cho Giáo hội: Ngài rửa tội nhiều người, lập nhiều cứ điểm dạy giáo lý, huấn luyện nhiều chiến sĩ truyền giáo địa phương. Trong một chuyến tàu từ Nhật qua Trung Hoa, cha Phanxicô đã có dịp ghé vào Việt Nam khi tàu của ngài buộc phải ghé vào để tránh giông tố. Mãi tới giữa năm 1552 cha Phanxicô mới tới Tân Châu, cách Quảng Đông hơn 150 cây số. Ngài giảng đạo tại đó, chờ có dịp sẽ tiến sâu vào Trung Hoa lục địa.

«Lạy Chúa, xin thêm nữa, xin thêm nữa !»

Chờ đợi mãi không có dịp thuận lợi, cha Phanxicô và các bạn hoạch định một chương trình mới là lấy tầu đi tới Thái Lan. Nhưng thánh ý Chúa lại khác ! Tháng 11 năm ấy, cha ngã bệnh nặng. Ngày đêm nằm trên giường cha chỉ lặp đi lặp lại: «Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con » (Mt 15,22). Tám hôm sau, cha bất tỉnh và không nói được nữa. Cho đến ngày thứ tư cha mới tỉnh lại và nói đôi chút. Từ lúc đó, cha nói liên tục: «Lạy Chúa, xin thêm nữa, xin thêm nữa ! Lạy Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, xin nhớ đến con ». Mờ sáng ngày 03.12.1552 cha êm ái trút hơi thở, hưởng thọ 46 tuổi. Xác cha được đưa về mai táng tại thành Goa, An Độ.

Triều thiên Hiển Thánh.

Cuộc đời truyền giáo của cha Phanxicô tuy ngắn ngủi, nhưng công lao sự nghiệp của ngài thật lớn lao. Trong 12 năm truyền giáo, cha đã đi bộ tới 100 ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục phỏng độ ba vạn người. Dẫu được thành công, và làm được những việc lớn lao, như lần kia có một người chết chôn từ hôm trước mà cha đã gọi ra khỏi mồ, thánh Phanxicô vẫn một mực khiêm tốn, vâng lời bề trên. Mỗi khi viết thơ cho bề trên, bấy giờ là thánh Inhaxiô, cha Phanxicô qùy gối mà viết. Với sự nghiệp và nhân đức như vậy, cha Phanxicô xứng đáng được Giáo Hội liệt kê vào sổ những bậc đại thánh và làm gương mẫu muôn đời cho các nhà truyền giáo. Cha Phanxicô được phong Chân phước năm 1619 và được cất lên bậc hiển thánh năm 1622. Đức giáo hoàng Biển Đức XIV lại đặt Thánh Phanxicô làm quan thầy nước Ấn Độ. Về sau đức giáo hoàng Piô XI lại tuyên phong thánh nhân làm quan thầy các xứ truyền giáo bên Á đông. Giáo dân Việt Nam từ lâu hằng tỏ lòng kính mến thánh Phanxicô cách riêng. Nhiều họ đạo nhận Ngài làm bổn mạng và hằng ngày đọc kinh cầu khẩn Ngài. Giáo Hội kính lễ thánh Phanxicô vào ngày 03.12 mỗi năm.
 
Thánh Phanxicô Xaviê, người biết ước muốn và nhận định
Philippe LéCrivain, s.j.
13:27 03/12/2008
THÁNH PHANXICÔ XAVIER NGƯỜI BIẾT ƯỚC MUỐN VÀ NHẬN ĐỊNH

Rạng sáng ngày 3.12.1552, cách nay đúng 450 năm, thánh Phanxicô Xavier đã qua đời trên đảo Thượng Xuyên, sát cửa biển tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa. Lúc ấy, tay ngài đang cầm một cây nến cháy sáng, do một thanh niên Trung Hoa tên là Antonio, người bạn đồng hành duy nhất của ngài trao. Cả lục địa mênh mông trước mắt ngài sắp đón nhận ánh sáng của rạng đông. Khi được tin ở Rôma, cha Polanco, thư ký của thánh I-nhã, đã viết: “Thiên Chúa nhân hậu (đã gợi lên nơi cha Phanxicô) những ước muốn ấy để ngài được thêm công phúc, nhưng nhất là chính ngài đã muốn bắt chước Chúa Giêsu chết đi như một hạt lúa được gieo xuống đất, ngay cửa ngõ Trung Hoa, để những người khác đến gặt hái hoa quả dồi dào hơn”. Cái chết âm thầm lặng lẽ ấy chẳng bao lâu sẽ trở nên như một chuyện thần kỳ.Nhưng chúng ta hãy tạm dừng lại ở đây để, theo gợi ý của cha Xavier Léon-Dufour, dõi bước theo hành trình của thánh Phanxicô Xavier, đặc biệt ở ba thời điểm quan trọng nhất, tức là khi ngài rời Ấn Độ đi Maluku, đi Nhật Bản và đi Trung Hoa. Ba lần lên đường này có thể hiểu được dựa trên các kinh nghiệm thánh Phanxicô Xavier đã trải qua ở Paris và Rôma, nhưng cũng đưa chúng ta vào những chiều sâu khác nữa. Lần thứ nhất đánh dấu một quyết định quan trọng; lần thứ hai ghi dấu một cuộc chiến đấu cam go; và lần thứ ba là cơ hội tự hiến đến trọn vẹn.

ĐI MALUKU

Vì thánh Phanxicô Xavier không để lại nhật ký, nên chúng ta chỉ có thể theo bước chân ngài qua những lá thư ngài gửi cho anh em Dòng Tên ở Châu Á hay cho thánh I-nhã và các bạn ở Rôma, hoặc cho cha giám tỉnh hay vua Bồ Đào Nha. Đây là những tài liệu khá tản mạn, nhưng không phải là không để lại những dấu ấn cá nhân đáng kể.

Phục vụ một “vua đời tạm”

Vừa đặt chân đến Goa, thánh Phanxicô Xavier bắt tay ngay vào việc: giảng thuyết, dạy giáo lý, giải tội. Ngài hết sức tận tụy. Ngày 20.9.1542, trong thư gửi về Rôma, ngài viết: “Tôi tin rằng ai thực lòng yêu mến thánh giá Chúa Kitô sẽ tìm thấy an nghỉ khi đương đầu với những thử thách. Còn cái chết nào tệ hơn đời sống của người, sau khi đã biết Chúa Kitô, lại bỏ Chúa để chạy theo sở thích và quyến luyến riêng! Thật không có gì buồn hơn. Trái lại, ai chết đi mỗi ngày, tức là đi nguợc lại ý riêng, không tìm những điều thuộc về mình, nhưng là những điều thuộc về Chúa Giêsu Kitô, sẽ được bình an biết bao” (Bt 15,15). Ngài cũng báo tin sẽ xuống phía nam, đồng thời gửi cho thánh I-nhã hai thư khác, một mặt xin Tòa Thánh rộng ban các đặc ân cho giáo dân Ấn Độ (Bt 16), mặt khác đề cập vai trò quan trọng của vị Tổng Trấn và của một trường học tại Goa (Bt 17). Trong hai năm sau đó, thánh Phanxicô Xavier đã “vất vả ngày đêm” nhằm mục đích “chinh phục khu vực ngoại giáo”(Lt 93). Năm 1543, cùng với các tân tòng, ngài đối diện với những hoạt động thù nghịch của những tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo. Ước nguyện duy nhất với ngài - đây cũng là ước nguyện của vị Giám Mục và của vị Tổng Trấn sở tại - là nới rộng biên cương Hội Thánh dưới quyền “bảo trợ” của Bồ Đào Nha. Việc ngài thiếu thiện cảm với văn hóa và tôn giáo Ấn Độ chỉ hiểu được trong bối cảnh ấy. Từ năm 1544, ngài không còn đơn độc ở Mũi Comorin nữa: ngài có bạn đồng hành là Malsilhas, người Bồ Đào Nha, một tập sinh được ngài nhận vào Dòng Tên. Trong các thư gửi cho tập sinh này, chúng ta thấy những hoạt động mục vụ và bác ái của ngài trong lúc giáo đoàn gặp nhiều khó khăn. Rồi tiếng kêu cứu từ Sri Lanca, từ Maluku. Ngài bị xâu xé: phải bảo vệ quyền lợi của Bồ Đào Nha hay phải bênh vực người Ấn Độ?

Cuối cùng, ngài dứt khoát. Ngày 20.1.1545, ngài viết thư xin vua João III của Bồ Đào Nha nghiêm túc xem xét lại những mục tiêu đã đề ra ở Châu Á. Nhưng không phải vì giận người Bồ Đào Nha mà ngài bỏ đi; thư gởi về Rôma sau đó mấy ngày cho thấy những lý do tích cực hơn và có lẽ cũng sâu xa hơn.

Đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác

Thánh Phanxicô Xavier đã hiểu ra: việc phục vụ một vua đời tạm chỉ nhằm mục đích “giúp chiêm ngắm đời sống vị vua muôn đời”(Lt 91). Phải trải qua kinh nghiệm ngài mới vào được trong khoa sư phạm ấy: liên kết ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa, mục tiêu với phương tiện của một tình yêu đích thực.

Chúng ta hãy theo ngài. Ngày 20.9.1542, ngài viết: “Xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta ở đời này, để chúng ta phục vụ Chúa trong mọi sự, như Chúa truyền dạy, và chu toàn thánh ý Chúa ở đời này.”(Bt 15, câu kết). Ngày 15.1.1544, ngài tiến thêm một bước: “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này là suốt thời gian đang phải lưu đày, chúng ta cảm nghiệm được, từ bên trong tâm hồn, và chu toàn ý muốn rất thánh Chúa Người.”(Bt 20, câu kết). Ngày 27.1.1545, ngài bước thêm một bước dài: “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh thiện của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý ngay ở đời này.”(Bt 48, câu kết).

Kế đến, ngày 7 tháng 4 năm ấy, ngài viết cho Mansilhas: “Chúa muốn chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý mỗi khi Người bày tỏ và cho chúng ta cảm nhận được từ trong lòng. Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa.”(Bt 50,2). Sau khi cho biết ở “Malacca”, vì thiếu người giúp, nên nhiều người không theo đạo được, ngài kết luận: “Tôi còn nguyên tháng 5 để quyết định.” (Bt 50,3). Ngài đến São Tomé để nhận định. Cha Coelho, cha sở nơi đó, người đã cho ngài trọ, sau này kể lại: “Ngài có thói quen cứ tối đến là lén… đến chòi lá sát đền kính vị tông đồ… Một đêm, đang khi thầm thĩ cầu nguyện, ngài kêu lên nhiều lần: Thưa Mẹ, vậy Mẹ không giúp con sao?” Tối tăm bao trùm trong khi Chúa Thánh Thần thinh lặng. Nhưng cuối cùng, ngài nhận được ánh sáng. Trong thư gửi về Goa ngày 8.5.1545, ngài viết: “Luôn sẵn lòng từ bi, đang đã thương nhớ đến tôi, và tôi đã cảm nhận được an ủi nội tâm mạnh mẽ, nên biết ý Chúa là tôi phải đi vùng Malacca” (Bt 51,1).

Kết quả, ngài đã đến tận đảo Môrô, điểm tận cùng của ý Chúa và của “an ủi”. Ngài viết cho anh em Dòng Tên ở Rôma ngày 20.1.1548: “Tôi nhớ là xưa nay chưa từng được an ủi thiêng liêng lớn lao và liên tiếp như trên các đảo này, lại ít cảm thấy phải cực nhọc vê phần xác (…) Thay vì gọi đó là Các Đảo Môrô, có lẽ nên gọi là Các Đảo Hy Vọng Vào Chúa thì hơn” (Bt 59,4).

GIỮA SÓNG DẬP GIÓ VÙI

Nhờ ơn Chúa, ngay trên quần đảo Inđônêxia, thánh Phanxicô Xavier đã tận hiến cho Thiên Chúa: “Sau khi đã suy nghĩ, con muốn và ước ao nên giống Chúa, miễn là điều này giúp con phục vụ và ca ngợi Chúa hơn…” (Lt 98). Nhưng ở Malacca, trên bán đảo Mã Lai, đang khi ngài chờ tàu đi Ấn Độ, có một người Nhật Bản đến gặp ngài (Bt 59,15).

Một lựa chọn đúng và tốt

Kể từ ngày ấy, các hòn đảo Nhật Bản chiếm một chỗ quan trọng trong tâm trí ngài. Ngày 20.1.1548, ngài viết cho thánh I-nhã: “Con chưa quyết định dứt khoát là trong khoảng một năm rưỡi nữa con sẽ phải đi Nhật Bản cùng với một hay hai anh em trong Dòng, hoặc con sẽ phải gửi hai anh em trong Dòng đến đó. Có điều chắc chắn là nếu con không đi được, con sẽ gửi người đi. Cho đến nay, con nghiêng về phía chính con đi hơn. Con đang xin Chúa cho con biết rõ điều nào phù hợp với ý Chúa hơn” (Bt 60,4). Cùng hôm ấy, ngài nói rõ ý định của mình trong các thư gửi vua João III và anh em Dòng Tên ở Rôma. Trong thư trước, ngài đã nghĩ đến việc không ở lại Ấn Độ nữa: “Tôi chưa quyết định dứt khoát đi Nhật Bản, nhưng dần dần tôi sẽ biết phải làm gì, vì tôi rất ít tin tưởng là tôi sẽ được giúp đỡ thực sự ở Ấn Độ, cả để đạo thánh tiến triển cũng như để duy trì tình trạng đạo như hiện nay” (Bt 61,9). Trong thư sau, ngài có cái nhìn tích cực hơn về việc ra đi: “Tôi nghĩ (người Nhật Bản) hiếu học hơn tất cả các dân khác chúng ta từng biết cho đến nay” (Bt 59,16). Ít lâu sau, ngày 2.4.1548, viết cho ông Diogo Pereira, ngài đã dứt khoát: “Tôi rất ước ao và rất vui báo cho ông đôi điều, như với một người bạn đích thực và tâm phúc của tôi, về chuyến đi Nhật Bản mà tôi dự tính sẽ thực hiện trong vòng một năm nữa” (Bt 65,1).

Đến ngày 1.2.1459, việc nhận định kết thúc: ngài sẽ cùng với cha Cosma de Torres khởi hành vào tháng 4. Ngài viết cho thánh I-nhã: “Ở Nhật Bản, tất cả là lương dân, không có người Hồi giáo cũng không có người Do Thái, mà lại có đầu óc tò mò, rất muốn học biết cái mới, cả về Thiên Chúa cũng như về những điều tự nhiên khác, nên con đã quyết định sẽ đến đó. Con thấy tâm hồn rất phấn khởi… Con không ngại đi Nhật Bản, vì con cảm nhận trong tâm hồn mình cái gì đó dào dạt, mặc dầu con hầu như chắc chắn sẽ gặp nhiều nguy hiểm lớn lao hơn những gì con từng gặp xưa nay” (Bt 70,8.10). Tin chắc là đã được chính Thiên Chúa thúc bách, ngài nêu lên những lý do (Lt 180-183). Ngài giải thích với thánh I-nhã là ở Nhật Bản “anh em trong Dòng chúng ta có thể dùng đời sống làm trổ sinh hoa trái, và sau đó chính họ sẽ tiếp nối” (Bt 70,8). Về điều này, ngài đã được xác chuẩn: Anjiro, người Nhật Bản ngài đã gặp ở Malacca, cùng với hai người bạn đã sẵn sàng lên đường. Ngài viết cho thánh I-nhã: “Ở Học viện Đức Tin tại Goa, có ba thanh niên sinh trưởngt tại đảo Nhật Bản ấy. Họ cùng từ Malacca đến đó với con năm 48. Họ đã cho con biết nhiều điều về khu vực Nhật Bản, và con hiểu dân chúng ở đó có phong hóa tốt, lại rất thông minh, cách riêng là Phaolô… Trong vòng 8 tháng, Phaolô đã học đọc, viết và nói tiếng Bồ Đào Nha, và hiện đang tập Linh Thao. Anh ấy tiến rất xa và đi sâu vào những điều thuộc Đức Tin. Con rất hy vọng, điều này chỉ đặt hết nơi Thiên Chúa, là ở Nhật Bản sẽ có nhiều người theo đạo” (Bt 71,8). Với cha Simão Rodrigues, ngài nói rõ: “Trong các khu vực này (Ấn Độ), người ta không cần đến tôi lắm nữa, vì có các cha đến trong năm nay” (Bt 73,3).

Viết cho vua João III, ngài nói khác: “Kinh nghiệm đã dạy cho tôi biết là Hoàng Thượng thi hành quyền bính ở Ấn Độ không phải chỉ vì muốn tăng số người tin vào Đức Kitô: Hoàng Thượng thi hành quyền bính cũng để chiếm hữu của cải vật chất ở Ấn Độ nữa. Xin Hoàng Thượng thứ lỗi vì tôi nói toạc ra như vậy (…) Tôi không hy vọng chút nào là những mệnh lệnh hay chỉ thị có lợi cho giáo đoàn mà Hoàng Thượng gửi đến sẽ được tuân giữ ở Ấn Độ. Chính vì vậy mà tôi đi Nhật Bản, gần như bỏ trốn, để khỏi mất thêm thời giờ như trước kia đã mất” (Bt 77,2.3). Đến Malacca vào mùa xuân năm 1549. Ngài biết rõ là những nguy hiểm do bão tố và cướp biển luôn chờ đợi ngài. Với những ai sợ, ngài trả lời: “Vì Thiên Chúa có quyền trên chúng ta hết thảy, nên tôi không sợ ai, ngoại trừ Thiên Chúa… Còn những nỗi sợ, những nguy hiểm khác, những đau khổ khác, mà bạn bè nói tới, tôi kể là số không. Tôi chỉ còn sợ Thiên Chúa, vì nỗi sợ đối với các thụ tạo chỉ lớn tới mức Đấng Sáng Tạo ra chúng cho phép là cùng” (Bt 78,2). Nhưng một cuộc chiến khác đang chờ đợi người “khách hành hương”.

Đương đầu với “thủ lãnh các kẻ thù”

Lúc còn ở Ấn Độ, để khích lệ cha Henriques đang ở Travancore, ngài đã viết: “Hãy thấy là cha sinh được nhiều hoa trái ở vương quốc Travancore này hơn cha nghĩ, vì từ khi cha đến đó, bao nhiêu trẻ em đã được rửa tội và đã qua đời, hiện nay đang sống trong vinh quang Thiên Đàng (…) Kẻ thù của loài người rất thù ghét cha, và muốn cha tránh xa xứ ấy, để đừng ai rời bỏ vương quốc Travancore mà lên Thiên Đàng nữa. Ma quỉ thường nhử những người đang phục vụ Đức Giêsu Kitô là họ sẽ phục vụ Thiên Chúa được nhiều hơn, với ý xấu là làm cho một linh hồn đang phục vụ Thiên Chúa được ở nơi này phải áy náy và bối rối, vì vậy bỏ đi nơi khác, thế là nó đuổi được người ấy ra khỏi nơi họ đang phục vụ được Thiên Chúa” (Bt 68,3). Mấy tháng sau, đang khi chờ tàu tại Malacca, ngài viết thư gửi anh em Dòng Tên Ấn Độ: “Kẻ Thù vùng vẫy rất nhiều để ngăn cản tôi thực hiện chuyến đi này: tôi không biết nó sợ gì trong việc chúng tôi đi Nhật Bản.” Rồi ngài viết tiếp: “Thực ra, tôi luôn luôn giữ trước mắt và trước trí khôn tôi điều tôi đã nhiều lần nghe cha I-nhã nói: những ai muốn thuộc về Dòng này phải chịu gian khổ để thắng được mình và đuổi xa mọi nỗi sợ là điều ngăn cản người ta tin, cậy và mến Chúa, và muốn được như vậy, phải sử dụng những phương thế thích đáng” (Bt 85,8.13). Đây chẳng phải là ngài ám chỉ các qui tắc nhận định sao (Lt 325-327)?

Nhưng mặt biển mới là nơi thử thách nặng nề. Trên chiếc thuyền gỗ của một nhà buôn Trung Hoa có biệt danh là Hải Tặc, một bức tượng Thủy Tề được đặt trang trọng ở mũi thuyền. Thánh Phanxicô Xavier kinh hoàng và khổ sở: “Người ta mang theo một tượng thần trên thuyền, đặt ngay ở phía trước; anh thuyền trưởng và các kẻ ngoại khác cầu khẩn cúng bái bức tượng liên tục, và chúng tôi không sao ngăn cản được họ nhiều lần gieo quẻ để hỏi tượng thần xem chúng tôi có đến Nhật Bản được không, gió cần cho thuyền chạy có kéo dài không: khi thì họ nói là tốt, khi thì họ nói là xấu, theo như họ tin (…) Anh em thấy là chúng tôi phải khổ sở thế nào trong chuyến đò ấy, vì chúng tôi có đi Nhật Bản được hay không là tùy thuộc ý kiến của ma quỉ và các tôi tớ của nó, mà những người điều khiển và hướng dẫn con thuyền thì cứ nhất nhất làm theo như ma quỉ nói với họ qua các thẻ”(Bt 90,2.4). Hẳn là ngài nghĩ đến điều thánh I-nhã viết trong Linh Thao: Luxiphe gửi thuộc hạ đi “bủa lưới và xiềng xích” khắp nơi (Lt 142). Bão tố nổi lên, các tai họa dồn dập, và thánh Phanxicô Xavier bị thử thách tận trong đấy lòng. Chính ngài phải chiến đấu: “Tôi cảm nhận được, biết được bằng chính cảm nghiệm, nhiều điều liên hệ đến những nỗi kinh hoàng rụng rời do ma quỉ gây ra” (Bt 90,7). Nhưng chính Thiên Chúa cũng chỉ cho ngài lối thoát: “Phương thuốc tốt nhất cần dùng trong những hoàn cảnh như vậy là hết sức dũng cảm chống lại Kẻ Thù, đừng tin tưởng chút nào nơi mình, nhưng đặt hết tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt tất cả sức mạnh và tất cả hi vọng nơi Người, và nhờ Đấng Bảo Vệ vĩ đại như vậy, chúng ta trở nên mạnh mẽ; đừng hèn nhát và không chút nghi ngờ việc mình sẽ chiến thắng” (Bt 90,7). Vậy là ngài trở nên rất khiêm tốn, thoát ra khỏi chính mình, đặt mình trọn vẹn trong tay Chúa: ngài đang chiến đấu dưới cờ hiệu của Đức Kitô, “ở một nơi khiêm tốn, xinh đẹp và dễ thương”, chứ không phải như Luxiphe hay các thuộc hạ của nó “dữ tợn và đáng sợ, ngồi trên ngai lửa và khói” (Lt 140 và 143).

Bão tố đến rồi đi. Vì có hải tặc, người chủ thuyền không dám ghé vào Quảng Đông như dự tính, nhưng tiến thẳng đến Nhật Bản, và mọi chuyện êm xuôi. Trong lá thư đề ngày 29.1.1552, gửi anh em Dòng Tên ở Rôma, thánh Phanxicô Xavier kể khá kỹ về thời gian ngài lưu lại trên đất Nhật Bản, đặc biệt là những câu hỏi người ta nêu lên về Thiên Chúa và việc Sáng Tạo (Bt 96). Nhưng người Nhật Bản vẫn thắc mắc: Tại sao người Trung Hoa không biết và tin Chúa Giêsu?

HƯỚNG VỀ TRUNG HOA

Trên đường trở lại Ấn Độ, thánh Phanxicô Xavier dừng chân tại Malacca. Ngài nhận được nhiều thư từ và tin tức, đặc biệt thư của thánh I-nhã thiết lập Tỉnh Dòng Ấn Độ và đặt ngài làm giám tỉnh, và tình trạng đáng lo ngại ở Học viện Thánh Phaolô tại Goa. Ngài có nhiều việc phải lo hơn, nhưng cũng được tự do trong hoạt động tông đồ hơn.

Sức mạnh của lòng yêu mến

Trước khi đi Nhật Bản, thánh Phanxicô Xavier đã đi thăm một vòng các anh em ở nhiều nơi để thảo luận về công cuộc truyền giáo và về việc thiết lập hay phát triển các trường học. Riêng về Học viện Thánh Phaolô ở Goa, mặc dầu ngài thấy cha viện trưởng Antonio Gomes quá độc đoán, cần phải thuyên chuyển, nhưng ngài chưa dứt khoát. Ngài đã viết cho thánh I-nhã trong thư ngày 1.2.1549: “Ở đây, anh em trong Dòng không lấy làm gương sáng lắm trước lệnh do N. mang đến là bắt giam và trói bằng xiềng xích những ai, theo N., không làm gương sáng lắm ở đây để gửi vể Bồ Đào Nha”(Bt 70,4). Rồi ngài tâm sự với thánh I-nhã: “Con nghĩ rằng Dòng Tên là Dòng yêu mến và hiệp nhất tâm hồn, chứ không phải là ép buộc hay sợ hãi như nô lệ”(Bt 70,5). Ba năm sau, từ Nhật Bản trở về, ngài thấy tình hình trở nên tệ hại hơn, và ngài vẫn không thay đổi ý kiến. Cha Antonio Gomes quả là không hiểu gì thánh Phanxicô Xavier khi muốn biến Học viện Thánh Phaolô ở Goa thành một Học viện Coimbra thứ hai: xây dựng thật lớn lao, nhưng chỉ nhận học sinh người Bồ Đào Nha. Trái lại, ở Cochin, Dòng Tên cũng có một trường học, nhưng không có một nhà thờ xứng đáng, ngài đã không ngần ngại tiếp nhận nhà thờ Madre de Dios, của Hội Từ Thiện Casa da Misericordia, tổ chức tốt nhất của người Bồ Đào Nha tại Châu Á thời ấy. Trong một thời gian ngắn, ngài thu xếp mọi công việc đâu vào đó, để rồi lại thực hiện một chuyến đi xa nữa.

Thực ra, ước nguyện của thánh Phanxicô Xavier không chỉ dừng lại ở việc làm “triển nở” cộng đồng tín hữu Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, nhưng còn muốn góp phần tạo ra những cộng đồng mới: không còn tranh chấp, kiện tụng, gương xấu, nhưng giữa anh em Dòng Tên và hàng giáo sĩ, triều cũng như dòng, có sự thông cảm và cộng tác; còn những kỳ đà cản mũi trong Dòng Tên thì bị loại trừ khỏi Dòng (Bt 100 và 101). Đi xa hơn nữa, ngài ra lệnh cho cha Berze, viện trưởng mới của Học viện Thánh Phaolô: “Trong cách xử sự với các cha và các anh em, phải rất quí mến, bác ái và khiêm tốn, đừng thô bạo hay gắt gao…”(Bt 115,1); “Còn về cách giúp (các tín hữu) thì càng phổ cập hơn càng tốt” (Bt 115,4). Ngài cũng muốn các tập sinh trong Dòng phải được huấn luyện tử tế bằng việc tập Linh Thao và thực hiện nghiêm túc các thực nghiệm. Nhưng ngài nhấn mạnh đặc biệt đến việc anh em trong Dòng phải hiệp nhất với nhau và với bề trên (Bt 117). Ngài nghĩ cả đến việc được gọi trở về Rôma để gặp thánh I-nhã. Trong thư ngày 29.1.1552, ngài gần như gợi ý với thánh I-nhã: “Cha viết cho con là cha rất mong được gặp con trước khi lìa khỏi cõi đời này… Đối với đức tuân phục thì không có gì là không thể được”(Bt 97,3). Thư hồi âm của thánh I-nhã đến Ấn Độ thì thánh Phanxicô Xavier đã qua đời từ lâu rồi!

Chẳng những là một người dễ gần gũi, mà thánh Phanxicô Xavier còn là một người thích chia sẻ và hiệp thông nữa. Ngài học được với thánh I-nhã là “mọi điều thiện hảo, mọi ân huệ đều từ trên cao ban xuống” (Lt 237), nên việc kết hiệp với Thiên Chúa được đặt nền móng trên việc Người hiện diện khắp nơi. Nhưng đối với thánh Phanxicô Xavier, kinh nghiệm này rất sống động. Tìm gặp Thiên Chúa trong hiện tại chính là tìm kiếm Người mọi nơi mọi lúc. Do đó, nơi ngài, việc nhận định được liên kết với việc mở rộng hoạt động truyền giáo, và muốn tiến bộ trong chiêm niệm phải nhìn ngắm thế giới này bằng con mắt thiêng liêng. Như trong bài “Chiêm niệm để đạt tới tình yêu” trong Linh Thao (Lt 230-237), việc “tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự” được nâng lên thành một chia sẻ và hiệp thông trong yêu mến, nơi đó con người được mời gọi mở cửa cho Thiên Chúa, Đấng hoạt động cả bên trong cũng bên ngoài.

“Xin đừng bao giờ để con lìa xa Chúa”

Vừa về đến Ấn Độ, thánh Phanxicô Xavier bày tỏ ngay với thánh I-nhã về ước muốn đi Trung Hoa để phục vụ Thiên Chúa hơn. Chúng ta đã biết điều gì thúc bách ngài, ở đây chúng ta để ý đến điểm đặc biệt là các suy nghĩ của ngài rất gần với những điều được trình bày trong Hiến Chương Dòng Tên. Nguyên tắc hướng dẫn việc lựa chọn hoạt động tông đồ của Hiến Chương Dòng Tên là trong hoàn cảnh cụ thể, ưu tiên cho hoạt động nào “phục vụ Thiên Chúa hơn và lợi ích phổ cập hơn”. Đó cũng chính là điều thánh Phanxicô Xavier đã nghĩ khi viết: “Trong Thiên Chúa, tôi rất hi vọng là một con đường sắp được mở ra, không chỉ cho anh em trong Dòng, mà còn cho tất cả các dòng khác…” (Bt 96,52).

Theo Hiến Chương Dòng Tên, phải chọn nơi nào người ta sẵn sàng để hoa trái thiêng liêng trổ sinh hơn. Thánh Phanxicô Xavier quyết định đi Trung Hoa vì người Trung Hoa “có trí khôn sâu sắc” và “hiếu học” hơn người Nhật Bản nhiều (Bt 96,50). Theo Hiến Chương Dòng Tên, “sự thiện càng phổ cập càng đẹp lòng Thiên Chúa”, nên phải ưu tiên đối với những người sẽ làm cho sự thiện đến được những người khác nữa, “những người dưới quyền họ hoặc chịu ảnh hưởng của họ”. Đây cũng chính là điều thánh Phanxicô Xavier nhắm tới: khi người Trung Hoa đón nhận Đạo Chúa Kitô, họ sẽ giúp cho người Nhật Bản bỏ lòng tin tưởng nơi các giáo phái từ Trung Hoa truyền sang.

Đã nắm vững những nguyên tắc hướng dẫn ấy, thánh Phanxicô Xavier chuẩn bị chuyến đi hết sức chu đáo. Ngày 8.4.1552, ngài viết cho vua João III: “Ông Diogo Pereira đi với tư cách là đại sứ (của Tổng Trấn Bồ Đào Nha tại Ấn Độ), để đòi lại những người Bồ Đào Nha đang bị (chính quyền Trung Hoa) cầm tù, và cũng để thiết lập quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa Hoàng Thượng và vua Trung Hoa. Về phần chúng tôi, các linh mục Dòng Tên Chúa Giêsu, tôi tớ của Hoàng Thượng, chúng tôi đi để gây chiến tranh và bất hòa giữa ma quỉ với những người thờ lạy chúng, thay mặt Thiên Chúa nài van trước là nhà vua, sau là tất cả dân chúng trong vương quốc, để họ đừng thờ lạy ma quỷ nữa, nhưng thờ lạy Đấng tạo thành trời đất, vì chính Người đã dựng nên họ, và chính Chúa Giêsu Kitô đã cứu chuộc họ” (Bt 109,5). Trong lá thư cuối gửi cho thánh I-nhã, thánh Phanxicô Xavier hạ giọng hơn, như thổ lộ tâm tình, trong đó chúng ta thấy sứ mạng và chiêm niệm quyện vào nhau: “Mọi người đều nói với con là từ Trung Hoa có thể đi Giêrusalem được”(Bt 110,12). Sau khi huấn dụ anh em Dòng Tên ở Goa vào đêm thứ năm Tuần Thánh, ngài rời Goa đi Malacca để theo tàu của ông Pereira đi Trung Hoa. Thật bất ngờ: hai người con của nhà thám hiểm lỗi lạc Vasco da Gama cùng ở Malacca, nhưng đối xử với ngài hoàn toàn khác nhau. Người anh là Pedro da Silva da Gama, trấn thủ trên đất, hết lòng ủng hộ ngài, nhưng người em là Alvaro da Ataida da Gama, trấn thủ trên biển, nhất định không cho tàu nhổ neo. Ngài phải lấy quyền Phái Viên Tòa Thánh để ra vạ tuyệt thông, nhưng viên sĩ quan ấy cũng chỉ cho phép tàu đi mà không có ông Pereira. Mọi sự bỗng nhiên như sụp đổ trước mắt ngài. Nhưng rồi ngài vẫn đi, “không có một đặc ân nào của ai, hi vọng một người Môrô hay một kẻ ngoại sẽ chở tôi vào đất liền ở Trung Hoa”(Bt 125,4).

Khoảng đầu tháng 9 năm 1552, ngài đặt chân lên đảo Thượng Xuyên, một hòn đảo vốn hoang vu đã được các nhà buôn Trung Hoa và Bồ Đào Nha biến thành một thương cảng. Nhờ các tàu buôn Bồ Đào Nha đi Malacca, thánh Phanxicô Xavier tiếp tục điều hành Tỉnh Dòng qua thư từ. Trong khi nóng lòng chờ đợi một nhà buôn Trung Hoa đến đón như đã hẹn, ngài đề ra những phương án khả thi khác: trở về Ấn Độ, theo một phái đoàn sứ thần Thái Lan để vào Trung Hoa. Nhưng rồi ngài ngã bệnh. Dầu vậy, ngài vẫn chưa ngã lòng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Nhưng ngài không dậy được nữa. Giờ đã đến để ngài dâng lên Thiên Chúa của lễ tối hậu: “Lạy Chúa, xin thương nhận… Mọi sự đều là của Chúa, xin Chúa sử dụng tùy ý Chúa. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa. Ơn Chúa làm thỏa lòng con” (Lt 234).

Nếu ước nguyện duy nhất của thánh Phanxicô Xavier là đem Tin Mừng đến cho những người ở xa, thì mười năm ở Châu Á của ngài được ghi dấu bằng ba cột mốc là ba chuyến đi lớn. Khi rời Ấn Độ đi Inđônêxia, ngài phần nào tách khỏi quyền “bảo trợ truyền giáo” của Bồ Đào Nha và lao mình vào nơi ngài chưa hề biết gì. Đó cũng là dịp để ngài đến với Thiên Chúa một cách khác. Quyết định đi Nhật Bản là kết quả một cuộc nhận định lâu dài, nhưng dọc theo bờ biển Trung Hoa, ngài khám phá ra Thiên Chúa đòi hỏi ngài hơn nữa: phó thác trọn vẹn nơi Người. Chuyến đi cuối cùng của ngài vẫn nằm trong ước nguyện cơ bản nguyên thủy: đó không phải là một cuộc chạy trốn về phía trước, vì mặc dầu bất đắc dĩ phải ở lại Thượng Xuyên, ngài vẫn tận tình chu toàn nhiệm vụ giám tỉnh. Nhưng chính lúc ấy, cái đến đến thật bất ngờ. Chắc chắn ba chuyến đi ấy chưa làm cho ngài kiệt sức, nhưng đủ làm nổi rõ những đường nét thâm sâu trong cuộc sống của ngài.

Philippe LéCrivain, s.j.

(Người dịch: Cosma Hoàng Văn Đạt, s.j. Paris 8.10.2002)
 
Mùa Vọng
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
13:30 03/12/2008
Mùa Vọng

Hai đặc tính mùa Vọng nhấn mạnh tới hai điều cơ bản: Dọn mình đón nhận Chúa Giáng Sinh và đón chờ ngày Chúa Quang Lâm. Với hai điều cơ bản này đều nhắc tới một thái độ sống duy nhất tỉnh thức và cầu nguyện. Vọng chờ với thái độ sống như trên, chúng ta thấy có sự khác biệt và tương đồng với chữ Vọng trong Phật Giáo được trình bày như sau:

Chữ Vọng:

Vọng được định nghĩa là: Chỗ nơi đặt vị trí quan sát. Hướng tới, nhìn về, tưởng nhớ, trông đợi. (Âm thanh): Từ xa đưa lại. Với ba ý nghĩa trên cũng tạm cho thấy từ ngữ diễn tả những đặc điểm quan trọng và cần thiết dần dà suy gẫm.

Vọng trong Phật Giáo phân thanh hai loại: Vọng ngã và vọng chấp.

Vọng ngã là cái vọng tự nhiên của con người sống kỳ vọng về chính mình: Ước muốn sống lâu hơn, dồi dào hơn về vật chất hay tinh thần hoặc sức khỏe, vọng tới tương lai vọng tới quá khứ. Vọng ngã dẫn tới hệ lụy buốn phiền, sầu não vì cuộc đời không được như ý, tiếc nuối những gì đã qua, đôi khi còn dẫn tới trí trá, lừa dối, ghen tỵ… Vọng ngã gây phiền muộn có khi vì mơ ước có sức khỏe tốt hơn nhưng thân này cứ mang bệnh tật, ước mong khá giả hơn nhưng cứ nghèo túng, có được tiếng tốt hơn nhưng cứ bị người đời cười chê…Kỳ vọng mà không được thì sinh ra phiền muộn, đau khổ.

Vọng chấp là cái vọng so sánh mình với người khác: Không được như người hoặc tự khoe khoang hơn người, cả hai thái độ so sánh đều khập khiễng vì mang những hệ lụy khổ đau phiền muộn. Thái độ so sánh thua kém mang tính mặc cảm tự ty, một đau khổ âm thầm day dứt con người thấp bé, một thái độ khác mang sắc thái tự tôn khiến cản trở không tiếp nhận gì được nơi người khác khiến chính mình tự làm nghèo đi trong cuộc sống.

Lối thoát: Không còn vọng chấp cũng chẳng còn vọng ngã, an nhiên tự tại sẽ xuất hiện. Không còn vọng nên sẽ không còn phải mang những cái đau khổ không đáng có, con đường ra khỏi vọng là con đường quẳng gánh lo âu đi mà vui sống. ví như người đang cầm chén cơm ăn, dù là đang ăn với rau luộc chấm nước mắm, biết mình đang co ăn là cái hạnh phúc của thực tại nhân sinh, nhưng vừa ăn vừa trông vào cái nghèo của mình sẽ dẫn đến đau khổ. Lý thuyết xem ra dễ dàng nhưng khó thực hiện bởi cuộc sống vẫn cứ phải âu lo về cái ăn, cái mặc, đặc biệt hơn vào những giai đoạn khó khăn về kinh tế, làm sao có thể có an nhiên tự tại?

Vọng theo hướng nhìn của Kitô giáo:

Vọng biểu hiện trong hai chiều kích: Tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức: Hình ảnh biểu trưng cho người tỉnh thức là hình ảnh của người mục tử. Người mục tử không hiểu đơn giản như nhiều người thường nghĩ ngay đến các chú nhỏ mục đồng chăn trâu vài ba con. Người mục tử chăn chiên trong văn hóa du mục là người chăm sóc cả bầy cỡ vài trăm đến vài ngàn con chiên. Tài sản càng lớn thì người chịu trách nhiệm càng cao, vì thế người mục tử là người mang tính chất của người mạnh mẽ, khôn ngoan, cương nghị. Người mục tử có tầm nhìn xa, dự đoán được tương lai, biết xem xét nhiều khía cạnh để có những quyết định tối ưu trong hiện tại. Người mục tử thứ thiệt là người biết chăm sóc cho đoàn chiên của mình, vừa bảo đảm tương lai vừa bảo vệ trong hiện tại. Người mục tử còn được gọi là người canh gác, nhìn đâu là sói, đâu là thỏ, đâu là hiểm nguy thật và đâu chỉ là chướng ngại không đáng. Theo nghĩa người canh gác, người mục tử là người nhận thức rõ ràng, đòi hỏi những con số minh bạch, nói theo ngôn ngữ những nhà đầu tư hôm nay. Chỉ số minh bạch trong kinh tế ngày nay cũng giống như đòi hỏi của người mục tử năm xưa, không dẫn đoàn chiên mình vào những đồng cỏ xen lẫn nhiều bụi rậm, ẩn khuất nhiều bóng tối, đồng cỏ đòi hỏi phải quang đãng, nhìn thấy rõ những gì từ xa đến, bởi vậy người mục tử năm xưa mới chọn cho mình cách thức hướng dẫn là người đi trước, người dẫn đường, chỉ lối, là người chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình.

Cầu nguyện: Người tỉnh thức song đồng thời cũng là người sống đời cầu nguyện, bởi vậy tính cách biểu trưng của người mục tử năm xưa còn biểu hiện là cầu nối giữa trời và đất, người liên thông được với trời, người hiểu biết ý trời. Theo Jean Chevalier, người mục tử còn là người đại diện cho các linh hồn con người trên cõi đời này, luôn luôn chuyển dịch, nên người mục tử bao gồm hai sứ vụ bảo vệ và am hiểu, người chuyển cầu và người chịu trách nhiệm.

Chúa Giêsu nhận mình là Người Mục Tử nhân lành (Ga 10, 16), Người Mục Tử mà tất cả các tiên tri đều giới thiệu trước, sẽ đến chăn dắt dân của Người, là Hoàng Tử Bình An Vua Thái Bình.

Con đường của mùa vọng giống như người Phật tử là phát quang đi cái vọng gây phiền muộn, đau khổ, người Kitô hữu được Gioan Tẩy Giả mời gọi: Bạt đi núi cao, lấp lại những hố sâu, sửa ngay những con đường cong queo. Và điểm khác biệt giữa người Kitô hữu và Phật tử là: Người Phật tử phát quang cái vọng để lòng trống trải, an nhiên tự tại xuất hiện, người Kitô hữu sửa lại lối đi để đón nhận chính chúa Giêsu sinh hạ trong tâm hồn và đón nhận Chúa đến trong ngày quang lâm.

Lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả là lời mời gọi thức tỉnh và cầu nguyện theo đúng như hình ảnh “Người Mục Tử Nhân Lành” của mình, với “tay sạch lòng thanh” hội đủ khả năng dẫn hướng đời mình và chịu trách nhiệm về thế giới mình đang sống. Thế giới cần có nhiều người chăn dắt theo gương lành của Chúa Giêsu, để xây dựng thế giới an bình và thịnh trị.

Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ cần thiết cho con người của chúng ta hôm nay, xin cho thế giới chúng ta có thêm nhiều mục tử như lòng Chúa mong muốn.
 
Dọn đường Chúa đến
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
17:03 03/12/2008
DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Ngay sau khi trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11 vừa qua rút đi, thì công việc đầu tiên của các nhà chức trách và của dân chúng Hà Thành là dọn dẹp rác rưỡi bùn lầy ngổn ngang trên các ngã đường, để tái lập giao thông và ổn định đời sống sớm nhất có thể. Việc dọn dẹp này quan trọng đến độ tất cả mọi người đều gác hết các công việc khác sang một bên và chính quyền Hà Nội cũng đã huy động mọi phương tiện khả dĩ để giúp người dân vãn hồi sinh hoạt.

Hôm nay trong hoang địa, Gioan Tẩy Giả cũng đã lên tiếng kêu gọi mọi người cùng với ngài làm một việc tương tự là hãy gấp rút mở cho Chúa Cứu Thế một con đường thoáng đãng để Ngài đến với tâm hồn mình. Gioan đích thực là một MC đúng nghĩa của Đấng Cứu Thế. Không chỉ giới thiệu cho mọi người sứ điệp về Đấng Cứu Thế, Gioan còn sống và chết cho sứ điệp đó: sứ điệp dọn đường cho Chúa đến.

1. Dọn đường cho Chúa đến là thực hiện một lối sống cô tịch:

Trước khi chuẩn bị cho dân chúng, Gioan đã chuẩn bị cho mình trước. Ngài đã chuẩn bị bằng cả cuộc đời của mình.

- Gioan chuẩn bị bằng những năm tháng dài sống trong hoang địa, trong sa mạc. Ngài được mệnh danh là con người của sa mạc, của cô tịch.

- Thời gian ở sa mạc là thời gian thanh luyện, thanh luyện con người của mình và cũng là thời gian học lắng nghe, lắng nghe tiếng Chúa.

Ngày hôm nay, trong bối cảnh của một xã hội đang chạy theo lối sống ồn ào náo nhiệt, chúng ta được mời gọi đi vào cô tịch tĩnh lặng để nhận ra những gì là quanh co ghồ ghề trong tâm hồn và nỗ lực uốn nắn sửa sang lại cho ngay. Trong bối cảnh của một thế giới đang quay cuồng tất bật với cuộc sống đời thường, chúng ta được gọi mời dành một góc nhỏ của cõi lòng để Chúa được hiện diện và làm bạn với chúng ta.

Tôi có lắng nghe tiếng mời gọi vang vọng ấy của Gioan hay không ?

2. Dọn đường cho Chúa đến là thực hành một thái độ sống khiêm tốn:

Gioan đã làm gương cho mọi người khi tự nguyện sống một cuộc đời rất từ tốn và khiêm hạ để cho Chúa được lớn lên.

- Khiêm hạ trong cách ăn mặc: ăn châu chấu, uống mật ong, mặc áo da thú,… Toàn những thứ “hàng độc”, hàng không giống ai. Tóc tai râu ria cũng chẳng cắt chẳng cạo..… Chính vì thế mà ngài bị coi là con người rừng rú, con người hoang dã. Thậm chí ngài còn bị những người Biệt Phái cho là bị quỷ ám.

- Khiêm hạ trong tâm tình: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan không bao giờ tự đề cao mình, nhưng đề cao Đấng Cứu Thế: “Tôi không xứng đáng để cởi giây dày cho Ngài”. Gioan đã chấp nhận nhỏ lại để Chúa được lớn lên.

Gioan kêu gọi mọi người chúng ta hãy bạt mọi núi đồi cho bằng phẳng. Núi đồi của cái tôi kiêu căng, tự cao, tự mãn. Núi đồi của sự khoe khoang, thích đưa mình lên và hạ người khác xuống. Núi đồi của sự cậy chức cậy quyền, cậy thân cậy thế, v.v…

3. Dọn đường cho Chúa đến còn là thực thi một nếp sống khổ chế:

Gioan đã chấp nhận một nếp sống thanh bần, khổ hạnh và siêu thoát. Trong hoang địa, Gioan đã bằng lòng với cảnh thiếu thốn tư bề. Không điện không nước, không tivi, tủ lạnh; không máy điều hoà khi trời trưa nóng bức, không lò sưởi khi đêm về lạnh giá; không sách báo để đọc, không cà phê để nhâm nhi, không thuốc lá để phì phèo... Ngay cả cái tối thiểu là mùng mền gối chiếu để ngủ cũng không có. Ngài đã quen với cảnh màn trời chiếu đất. Sống với thiên nhiên, làm bạn với cỏ cây và muông thú…. Thanh thản và siêu thoát đến lạ thường ! Qua đó ngài học được thế nào là chết đi cho chính mình để chỉ sống cho Thiên Chúa và sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó.

Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay nhiều. Chẳng ai lại muốn tự nguyện sống như Gioan, ngay cả những vị ẩn tu. Và có muốn đi nữa, chúng ta cũng không làm được như Gioan. Tuy nhiên tinh thần của Gioan vẫn còn rất thời sự: tinh thần sống thanh bần và siêu thoát, không quá lệ thuộc các tiện nghi vật chất.

Gioan kêu gọi chúng ta bồi lấp mọi vực thẳm, mọi hố sâu cho bằng: vực thẳm của lòng tham sân si, để biết nghĩ đến anh em; hố sâu của sự thụ hưởng, để Chúa có chổ đứng trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta.

Chúng ta đang sống trong nếp sống nào ? Khổ hạnh, siêu thoát hay tham lam, ích kỷ và hưởng thụ ?

Lạy Chúa, giữa dòng đời ồn ào náo động, xin cho con có những giây phút tỉnh lặng để được lòng kề lòng với Chúa. Giữa một dòng đời chạy theo danh vọng quyền lực, xin cho con biết trở nên khiêm nhường bé nhỏ, để cho Chúa được lớn lên và anh em được trân trọng. Giữa một dòng đời đang bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ, xin cho con biết sống thanh bần siêu thoát để con biết san sẻ, biết cho đi cách quảng đại như Gioan Tiền Hô đã nêu gương. Amen.

Phan Thiết, Mùa vọng 2008
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐCT khẳng định: Thiên Chúa không quá bận rộn để tiếp đón chúng ta
Nguyễn Quốc Tâm
05:10 03/12/2008
ĐCT khẳng định: Thiên Chúa không quá bận rộn để tiếp đón chúng ta
Cho dẫu chúng ta dành quá ít thời gian cho Ngài


VATICAN CITY, ngày 30 tháng 11, năm 2008 (Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI nói: “Có thể chúng ta không dành thì giờ cho Thiên Chúa nhưng Ngài luôn dành thì giờ cho chúng ta.”

ĐTC nói về sự ứng trực của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài vào ngày hôm nay trước khi Ngài đọc kinh Truyền Tin với đám đông tụ họp ở quảng trường thánh Phêrô. Vào ngày đầu tiên của năm phụng vụ, ĐTC đã có những phản tỉnh về món quà thời gian.

Ngài phản tỉnh: “Chúng ta nói ‘tôi không có thời gian’ bởi vì nhịp sống hằng ngày đã và đang trở nên quá quay cuồng đối với mọi người. Giáo Hội cũng có ‘tin mừng’ để công bố với mọi người về điều này: Thiên Chúa trao ban cho chúng ta thời gian của Ngài. Không lúc nào chúng ta có ít thời gian. Đặc biệt là khi liên hệ tới Thiên Chúa, chúng ta không biết cách tìm thấy Ngài, hoặc đôi khi chúng ta không muốn tìm thấy Ngài. Tuy nhiên Thiên Chúa có thời gian cho chúng ta.”

“Đây là điều đầu tiên mà lúc khởi đầu năm phụng vụ muốn chúng ta tái khám phá với một sự kinh ngạc luôn luôn mới. Đúng vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian của Ngài, bởi vì Ngài đã và đang đi vào lịch sử với lời và các công trình cứu độ của Ngài, để mở lối thời gian đi vào cõi đời đời, để biến nó thành một lịch sử giao ước.

ĐTC nói rằng trong viễn cảnh này, tự bản thân thời gian đã là một dấu chỉ căn bản của tình yêu Thiên Chúa.
Ngài nói: “Đây là một hồng ân mà con người có thể - giống như mọi thứ khác – cảm kích hoặc trái lại, để lãng phí. Họ có thể nắm bắt ý nghĩa của thời gian, hoặc phớt lờ nó với vẻ bề ngoài miễn cưỡng không muốn hiểu.”

ĐTC Benedict XVI cho rằng Mùa Vọng “cử hành việc đón Chúa đến trong hai thời điểm: trước hết, Mùa Vọng mời gọi chúng ta đánh thức niềm trông đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, rồi khi đến gần lễ Giáng Sinh, nó mời gọi chúng ta hân hoan đón chào Ngôi Lời nhập thể vì ơn cứu độ của chúng ta.”

Ngài nói: “Nhưng Thiên Chúa vẫn hằng đến trong cuộc đời chúng ta. Lời Chúa Giêsu mời gọi thật đúng lúc. Nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi được đọc lên trong Chúa nhật này: ‘Hãy canh thức!’ Điều này được nói cho các môn đệ nhưng cũng cho tất cả mọi người, bởi vì mỗi người, vào thời điểm chỉ một mình Thiên Chúa biết, sẽ được mời gọi để trình tài khoản cuộc đời họ. Điều này dẫn đến sự từ bỏ chính đáng khỏi mọi thứ của cải trần tục, sự ăn năn chân thành vì những sai lỗi của mình. Nó dẫn đến đức ái năng động đối với người thân cận và trên hết là sự đặt mình cách khiêm tốn và đầy tự tin vào bàn tay Thiên Chúa, người cha dịu dàng và nhân hậu của chúng ta.”

ĐTC kết luận: “Mẹ Maria là mẫu gương của Mùa Vọng. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ giúp chúng ta khuếch trương lòng nhân ái đối với Thiên Chúa.”
 
Kỷ Niệm 154 năm công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lê Đình Thông
05:13 03/12/2008
Kỷ Niệm 154 năm công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Trong Tông sắc Ineffabilis Deus ngày 8-12-1854, ĐTC Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhân giáp 150 năm ban hành Tông sắc (1854-2009) thiết tưởng cũng nên tìm hiểu qua về Tín điều quan trọng này.

Tin Mừng theo Thánh Luca trình thuật việc sứ thần Gabriel vào nhà Trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa Vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại người sẽ vô cùng tận. Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng. Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1 28-35).

Lược sử hình thành Tín điều: Vào thế kỷ XII, đan sĩ Eadmer người Anh rao giảng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế kỷ XIV, Duns Scot hình thành học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, dựa trên các bài giảng của các Cha Dòng Phanxicô. Trong suốt mười năm (1320-1330) tại Parme, Reggio Emilia và Crémone (Ý), các cha dòng Phanxicô tổ chức các lễ hội kính trọng thể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong dân gian truyền tụng việc bầu cử ban nhiều ơn thiêng của Đức Mẹ. Bernard de Clairvaux, Peter Lombard, Thánh Bonaventure và Thánh Thomas d'Aquin đều đưa ra học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo Thánh Bernard de Clairvaux, hồn xác Đức Mẹ thánh thiện trước khi được thiên thần truyền tin. ĐTC Sixte IV (1414-1484) từng là Tổng quyền Dòng Phanxicô đã ấn định ngày 8-12 hàng năm kính Đức Bà thụ thai.
Vì vậy thành phố Lyon (Pháp) tổ chức vào ngày 8-12 lễ hội ‘‘Ánh sáng Đức tin’’ (Fêtes des Lumières). Khoảng thế kỷ VIII, người Roma mừng lễ bà Thánh Anna mang thai Đức Mẹ và ngày 8-9 là sinh nhật Đức Mẹ. Từ thế kỷ XIV, các nhà thần học chủ trương Đức Mẹ không mắc tội tỗ tông. Công đồng Trente đã xác nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Từ thế kỷ 17, nhiều họa phẩm Đức Trinh Nữ hiện trên mặt trăng, bận áo choàng tung bay, có nhiều thiên thần nhỏ đứng chầu, chân giẫm đầu con rắn.

- 24 năm trước tông sắc Ineffabilis Deus: Ngày 27-11-1830, nữ tu Catherine Labouré (dòng Nữ tử Bác ái) thuật lại rằng trong giờ nguyện gẫm tối, Đức Trinh Nữ hiện ra, đứng trên quả địa cầu, giẫm trên con rắn, đeo trên tay 15 chiếc nhẫn tỏa ánh sáng chiếu soi địa cầu. Chung quanh là hàng chữ: Ô Marie, conçue sans péché, priez pour nous qui avons recours à vous: Lạy Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con kêu cầu cùng Mẹ. Đức Mẹ còn phán rằng: Đây là ơn phúc Ta rộng ban cho những ai đến cầu xin Ta. Đức Mẹ cắt nghĩa những chiếc nhẫn không chiếu sáng tượng hình những ơn không kêu cầu. Phía sau ảnh tượng là chữ M: Maria đan trên cây Thánh Giá. Phía dưới có hai hình trái tim: Thánh Tâm Chúa Giêsu đội mạo gai và Trái Tim Đức Mẹ có mũi gươm đâm ngang.

- 12 vì sao của Tượng ảnh Đức Mẹ làm phép lạ sau này trở thành biểu tượng của Liên hiệp Âu châu. Ngày 18-8-1950, Hội đồng Âu châu lập ủy ban tổ chức trưng cầu ý kiến về một huy hiệu tượng trưng các giá trị siêu nhiên và tinh thần vốn là di sản chung của các nước thành viên. Huy hiệu này phải vừa đơn giản, lại vừa dễ nhận ra, hài hòa, thẩm mỹ và quân bình. Arsène Heitz vẽ 12 ngôi sao hình tròn trên nền xanh dương. Trong phiên họp khoáng đại ngày 8-12-1955 (nhằm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), Nghị viện Âu châu chấp thuận biểu tượng này. Cờ hiệu màu xanh 12 ngôi sao chính thức tung bay tại Paris ngày 13-12-1955.

- 4 năm trước ngày công bố Tín điều: Năm 1846, Công nghị IV họp tại Baltimore đã quyết định tôn vinh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Bổn mạng của nước Mỹ. Công nghị này do sáng kiến của Đức Cha Pierre-Jean-Mathias Loras (1792-1858), sinh quán ở Lyon (Pháp). Ngài có trong số những nhà truyền giáo có công lập Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ.

- 4 năm sau ngày công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Từ 11-2 đến 16-7-1858. Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, truyền cho Bernadette Soubirous đọc kinh lần chuỗi cầu cho kẻ có tội. Ngày 2-3 Đức Mẹ bảo Bernadette hãy đến xin các linh mục xây một thánh đường ở linh địa này. Vào ngày lễ Truyền tin (25-3-1858), Đức Mẹ phán bằng thổ ngữ miền Gascogne: Que soy era immaculada Councepciou: Ta là (Đấng) Vô Nhiễm Nguyên Tội. ‘‘Thụ thai’’ (Conception) không phải là tên người, đối với Bernadette Soubirous là một từ ngữ chuyên môn hoàn toàn xa lạ. Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khởi công năm 1866, đã được khánh thành ngày 15-8-1871.

Lễ Truyền tin (25-3) mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tin Mừng theo Thánh Luca chép lại Bài ca Ngợi khen (Magnificat) (Lc 1 46-55), xin chuyển thể lục bát như sau:

Magnificat

Hồn tôi réo rắt tung hô,
Trí tôi vời vợi cơ đồ rủ thương.
Phận tôi thấp kém trăm đường,
Muôn đời cất tiếng xiển dương cuộc trần.

Chúa tôi giáng phúc ban ân,
Danh Ngài thánh thiện từ nhân hải hà.
Ngài hằng che chở những ai,
Thành tâm kính sợ, miệt mài sót thương.

Chúa tôi sức mạnh oai phong,
Biểu dương tiêu diệt những phường tự kiêu.
Tòa cao sụp đổ tiêu điều,
Những ai khiêm hạ Thiên triều đỡ nâng.

Giầu sang rồi cũng thanh bần,
Những ai nghèo khó Ngài ban phúc đầy.
Lời Ngài phán hứa xưa nay,
Cháu con tổ phụ ơn dầy tháng năm.

Paris, tháng 12-2008
 
Cuba có thêm vị Chân Phước thứ hai – một nhà vô địch của lòng bác ái
Trần Hoàn Chỉnh
05:42 03/12/2008
HAVANA - ngày 2 tháng 12 năm 2008 (CNA) – Hàng ngàn người Cuba đã tụ tập vào thứ bảy để tham dự lễ phong chân phước cho cha Jose Olallo Valdes, người được mệnh danh là Cha của những người nghèo và một nhà vô địch về lòng bác ái. Ngài cũng là người Cuba thứ hai được phong chân phước.

Đức Hồng Y Jose Saraive Martins, Tổng trưởng Thánh bộ phong thánh đã chủ sự Thánh Lễ phong chân phước lần đầu tiên được tổ chức tại Cuba. Đặc biệt, trong Thánh Lễ này có sự hiện diện của tổng thống Cuba Raul Castro.

Đức Hồng Y Saraiva nói “Lễ phong chân phước cho cha Jose Olallo Valdes là một dấu mốc lịch sử cho Giáo Hội tại Cuba và cho toàn thể dân tộc Cuba”. Ngài cũng gọi Chân phước Olallo là một “nhà vô địch” và “tông đồ” của lòng bác ái Kitô giáo.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “kể từ sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây 10 năm, thì đây là giây phút không thể quên đối với Giáo Phận Camaguey và toàn thể Giáo Hội Cuba”

“Đối diện với nền văn hóa chạy theo vật chất đang gạt những người nghèo và bị bỏ rơi ra một bên, chúng ta hãy học nơi cha Olallo lòng tín thác vào Thiên Chúa và cách yêu thương mọi người là những người thân cận của chúng ta”, Đức Hồng Y nói.

Trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Juan Garcia Rodriguez của giáo phận Camaguey, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Cuba đã tặng tổng thống Raul Castro một cuốn Kinh Thánh. Tháp tùng tổng thống tham dự lễ phong chân phước có phó tổng thống Estaban Lago và ông Caridad Diego, trưởng Ban tôn giáo của Đảng Cộng Sản Cuba.

(Theo Catholic News Agency)
 
Tòa thánh minh định thái độ chống bản tuyên ngôn về đồng tính
Phụng Nghi
15:47 03/12/2008
Rome (CNA) – Một bản dự thảo tuyên ngôn của Liên hiệp Châu Âu nhằm kết án “sự kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục và giới tính” đã bị đức tổng giám mục Celestino Migliore chỉ trích. Ngài hiện giữ chức vụ quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh Liên hiệp quốc. Phát ngôn viên của Tòa thánh là linh mục Federico Lombardi cũng đồng quan điểm với ngài, nói rằng bản tuyên ngôn đó có thể dẫn đến việc kỳ thị người theo Kitô giáo.

Bản dự thảo tuyên ngôn này do nước Pháp khởi xướng. Pháp đang luân phiên giữ chức vụ chủ tịch Liên hiệp Châu Âu. Theo tường trình của báo Times Online thì tất cả 12 nước trong tổ chức Liên hiệp Châu Âu đã ký vào văn bản này.

Bản tuyên ngôn được dự trù chuyển đạt tới phiên họp khoáng đại của Liên hiệp quốc vào hôm 10 tháng 12 sắp tới, ngày kỷ niệm 60 năm bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc.

Bản tuyên ngôn kêu gọi các chính phủ “bãi bỏ không trừng phạt hành vi đồng tính”, rõ rệt là đề cập đến các luật lệ chống giao hợp đồng tính.

Giải thích cho biết Giáo lý của Giáo hội Công giáo cấm “những kỳ thị bất công”, Đức tổng giám mục Migliore lý luận rằng việc cấm sự kỳ thị bằng một bản tuyên ngôn của Liên hiệp quốc sẽ tạo áp lực lên những quốc gia không công nhận hôn nhân đồng tính phải thay đổi luật lệ của họ.

Dự luật, theo quan điểm của ngài, sẽ “tạo thêm những loại người mới được bảo vệ cho khỏi bị kỳ thị” và có thể dẫn đến cảnh đảo ngược sự kỳ thị chĩa vào những người tin tưởng ở hôn nhân truyền thống.

Đức tổng giám mục nói: “Nếu được thông qua, sẽ tạo ra những sự kỳ thị mới và không khoan nhượng. Chẳng hạn, các quốc gia không công nhận những cuộc phối hợp đồng tính như là ‘hôn nhân’ sẽ bị công kích và bị đặt làm mục tiêu để áp lực.”

Giao hợp đồng tính hiện nay bị luật pháp của hơn 85 quốc gia trừng phạt, và là một trọng tội tại những nước như Afghanistan, Iran, Saudi Arabia, Sudan và Yemen

Những người cổ võ quyền đồng tính ở Ý kịch liệt chỉ trích ý kiến của đức tổng giám mục, gán cho những nhận xét đó là “dị hợm” và “lỗi thời”.

Lm Frederico Lombardi, giám đốc Đài Phát thanh Vatican, bênh vực nhận xét của đức tổng giám mục, nói rằng “không ai muốn kết án tử hình hay tống ngục hoặc phạt vạ người đồng tính cả.”

“Chẳng trách gì mà chỉ không quá 50 nước trong Liên hiệp quốc ủng hộ đề nghị này, trong khi có tới hơn 150 quốc gia không ủng hộ. Tòa thánh không phải là kẻ đơn độc trong vấn đề này”

Cũng theo Đài phát thanh Vatican thì Lm Lombardi cũng nhắc lại những mối quan ngại cho rằng bản tuyên ngôn được đề nghị đó có thể được sử dụng để chống lại những ai duy trì quan điểm coi định nghĩa đích thực của hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.
 
Tìm kiếm hiệp nhất hoàn toàn là trách nhiệm của Công Giáo và Chính Thống Giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:15 03/12/2008
Istanbul (AsiaNews) – Các bài giảng trong lễ mừng kính mừng bổn mạng của Constantinople, Thánh Anrê đã tập trung vào điều chắc chắc rằng cuộc hành trình chung hướng đến hợp nhất hoàn toàn giữa hai giáo hội chị em - Công Giáo và Chính Thống Giáo - là giải pháp duy nhất, bao gồm cả những thách đố của thế giới ngày nay: khủng hoảng hoàn toàn về kinh tế, chính trị và xã hội.

Lễ mừng bổn mạng có sự hiện diện của đông đảo các đoàn đại biểu từ Giáo Hội Công Giáo Rôma, do Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch hội đồng Giáo hoàn Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo dẫn đầu, các đại diện của các giáo hội Kitô khác, các ngoại giao đoàn, và giới hữu trách khác.

Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew bắt đầu bài giảng của mình bằng cách nhắc lại cuộc gặp lịch sử ở Giêrusalem vào năm 1964, giữa Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras, mang lại sự chấm dứt ly giáo không mong muốn vào năm 1054 giữa hai giáo hội chị em, khởi xướng một cuộc đối thoại của tình yêu và sự thật tràn đầy, tôn trọng lẫn nhau, với mục tiêu tái lập sự hiệp thông hoàn toàn. Để nêu bật cuộc hành trình hướng đến hiệp thông hoàn toàn này, Đức Bartholomew đã đưa ra ví dụ về hai anh em "ruột thịt", Anrê và Phêrô, sau này trở thành anh em tinh thần trong Đức Kitô, để nhấn mạnh đến vai trò của hai giáo hội chị em phải thực hiện. Mặc dù hai anh em Phêrô và Anrê theo những con đường về địa lý khác nhau để làm chứng cho sự thật của Chúa Kitô Chúa chúng ta - Giáo Hội Rôma xưa đã được thánh hóa bằng chính máu của ngài, trong khi Giáo Hội Byzantium được thành lập sau đó, sau này là Constantinople - họ vẫn hiệp nhất với nhau trong lịch sử qua hai giáo hội: Rôma và Constantinople.

Đức Bartholomew cho hay thêm rằng điều này kết nối giữa hai tông đồ, bắt đầu bằng sự kết nối huyết thống của tự nhiên, sau đó đã trở thành một mối ràng buộc tinh thần nhân danh Chúa chúng ta và cuối cùng củng cố mối ràng buộc vốn hiệp nhất hai giáo hội. Và mối ràng buộc này cần phải luôn luôn được giữ trong tâm trí, tiếp tục trong các thượng phụ đại kết nhằm khôi phục hiệp nhất hoàn toàn. Bởi vì hôm nay, bằng cách ca ngợi tông đồ Anrê, một người cũng ca ngợi tông đồ Phêrô – để không thể nghĩ về Phêrô và Anrê một cách tách bạch. Vì thế, những cái gai cần phải được nhổ đi vốn đã làm cho mối quan hệ giữa hai giáo hội hằng thiên niên kỷ bị tổn thương, và sự dìu dắt hướng đến hiệp nhất cần phải được rút ra từ tinh thần của truyền thống chung của bảy công đồng đại kết vào thiên niên kỷ thứ nhất.

Bartholomew kết luận rằng tất cả những điều này không chỉ để tôn trọng hai vị tông đồ của chúng ta, mà còn bởi vì nó là nhiệm vụ của chúng ta đối với thế giới hiện đại, vốn đang trải qua một cuộc khủng hoảng khủng khiếp về chính trị xã hội, văn hóa, và kinh tế. Một thế giới hết sức cấp bách cần sứ điệp hòa bình mà vị sáng lập hai giáo hội chúng ta, Chúa Giêsu Kitô là sứ giả, qua thập giá và sự phục sinh của Ngài. Chỉ có lời của Giáo Hội chúng ta được tin cậy, khi mà nó cũng có thể mang đến thông điệp của tình yêu và hòa bình: "Hãy đến mà xem" (Ga 1,47).

Đức Hồng y Kasper, đại diện của Đức Giáo Hoàng, trong bài giảng của mình cũng chú trọng đến tầm quan trọng của đối thoại để hiệp nhất hoàn toàn giữa các Giáo Hội, ngài nói rằng đại lễ tương tự cũng đã được cử hành hôm nay ở Rôma, đó là một dấu hiệu của di sản chung mang tính tông đồ của chúng ta, đòi buộc chúng ta hoàn toàn hiệp thông. Vì công cuộc dấn thân đại kết này không phải là một quyền lựa chọn, nhưng là một nhiệm vụ hướng đến Chúa chúng ta, để có thể xem xét bản thân chúng ta, một phần thiết yếu của Giáo Hội Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Sau đó, Đức Hồng y Kasper tuyên dương ba lần Đức Thượng phụ Đại kết viếng thăm Rôma trong năm 2008, vốn có sự tham dự của bản thân ngài cùng với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: lúc khai mạc Năm Thánh Phaolô, lúc đọc diễn văn trước Thượng Hội đồng Giám mục Công giáo, cũng như lúc nhận lời mời của Đức Thánh Cha. Điều này cũng cố mối quan hệ giữa Rôma và Constantinople. Ngài kết luận bằng cách nói đến tầm quan trọng của văn kiện Ravenna (2007) trong đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống giáo.

Cuối cùng, trong cuộc hội thoại với Tin Tức Á Châu, Đức Hồng y Kasper xác nhận rằng hành trình với Chính Thống giáo, dù chắc chắn sẽ không bị gián đoạn, đã bắt đầu đi đúng đường "một phần vì chúng ta có rất nhiều, rất nhiều điểm chung với Chính Thống giáo". Hơn nữa, thực tế là Constantinople có một tầm nhìn rất rộng lớn, giúp rất nhiều trong hành trình đối thoại hướng đến hiệp thông hoàn toàn.
 
Hệ thống thương mại cần phải đảm bảo công bằng hơn nữa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:17 03/12/2008
Vatican (VIS) – Hôm 01/12/2008, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã tham dự một hội nghị quốc tế về tài chính đối với sự phát triển đang được tổ chức ở Doha, Qatar.

Trong phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục cho hay: " Phát triển xã hội và kinh tế phải được đo lường và triển khai thực hiện trong đó con người là trung tâm của tất cả mọi quyết định". Trong khi lưu ý rằng viện trợ đã tăng lên trong những năm gần đây, ngài chỉ ra rằng "vấn đề còn lại: có bao nhiêu người dân không tiếp cận được chăm sóc y tế căn bản và thậm chí có bao nhiêu người dân thiếu việc làm tử tế để có được đồng lương nuôi sống bản thân họ và gia đình họ?"

Ngài cho hay: "Chính phủ của các quốc gia cần sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và con người... Các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây đã chứng minh rằng khi chính trị được kết hợp với mối quan tâm vì lợi ích chung, trong vòng vài tháng sẽ có thể tạo ra ngân qũy đáng kể cho thị trường tài chính".

Đức Tổng Giám Mục phát biểu thêm: "Sự chú ý canh tân phải được đưa ra để đảm bảo cho hệ thống thương mại công bằng và thích hợp hơn nữa. .. Những sa lầy về thương mại méo mó, đầu cơ tài chính, giá cả năng lượng gia tăng và giảm đầu tư trong nông nghiệp trong thời gian gần đây làm cho tăng lên sự thiếu tiếp cận với những điều rất cần thiết cho cuộc sống, chính là lương thực. Tính bất ổn về kinh tế này, vốn đánh vào trung tâm của sự tồn tại con người, sẽ dẫn đến sự cấp thiết hơn nữa việc tìm kiếm một cam kết chung nhắm đến thương mại toàn cầu và phát triển"

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đi đến kết luận bằng cách lưu ý rằng "dường như sự không chắc chắn và âu lo đang vượt thắng tại thời điểm đặc biệt của thời đại này. Tuy nhiên, các ưu điểm và các nguyên tắc đã dẫn dắt cộng đồng toàn cầu thoát khỏi nhiều khủng hoảng còn lại; đó là liên đới với cộng đồng toàn cầu chúng ta, chia sẻ công bằng và thích hợp các nguồn tài nguyên và cơ hội, sử dụng khôn ngoan môi trường, kiềm chế sự tìm kiếm ngắn hạn về tài chính và xã hội, đạt được sự phát triển bền vững, và cuối cùng là sự dũng cảm chính trị, vốn cần thiết để xây dựng một thế giới mà sự sống con người được đặt ở trung tâm của mọi hoạt động kinh tế và xã hội".
 
Ngày Thế giới ''các thành phố vì sự sống chống lại án tử hình''
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:18 03/12/2008
Rôma (Agenzia Fides) - Chỉ một vài ngày sau khi Ủy ban Thứ Ba của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhắc lại lập trường chống án tử hình của mình và Burundi bãi bỏ bản án tử hình, ngày 30/11/2008 gần 1000 thành phố trên khắp thế giới, trên khắp năm châu tổ chức những cuộc tập hợp lớn nhằm ủng hộ cho việc đình hoãn án này trên phạm vi hoàn vũ. Đó là cuộc huy động quốc tế lớn nhất để đề ngày chấm dứt việc thi hành án tử hình. Ngày 30 tháng Mười Một được chọn vì nó đánh dấu kỷ niệm lần đầu tiên án tử hình được hủy bỏ ở phương Tây, đã được Grand Dukedom của Tuscany (miền Bắc Ý quốc) tuyên hủy vào ngày 30/11/1786.

Trong năm nay, ngoài Burundi, thì Uzbekistan cũng đã hủy bỏ án tử hình. Ở Phi Châu, các quốc gia khác cũng bắt tay vào lộ trình hướng đến việc đình hoãn và hủy bỏ án tử hình bằng luật pháp. Vào cuối năm ngoái, Kyrgyzstan, Rwanda và Gabon cũng đã xóa sạch án tử hình trong sách luật của họ. Ở Hoa Kỳ, tiểu bang New Jersey đã bãi bỏ án tử hình vào ngày 17/12/2007. Ở Á Châu, Trung Quốc đã đưa ra một số bước tích cực trong khi các nước còn lại vẫn còn ở mức cao nhất thi hành bản án tử hình. Những thay đổi quan trọng trong cả về luật và quan điểm chung đã được nhận thấy ở Lebanon, Pakistan, Hàn Quốc và Đài Loan. Cuối cùng, nhưng không phải hoàn toàn, Liên bang Nga gia hạn việc đình hoãn đến năm 2010.

Sáng kiến được cộng đoàn Sant’Egidio đưa ra từ năm 2002 đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế và Liên minh Thế giới chống án tử hình chính thức ủng hộ, theo đó, năm nay, Barcelona, Toronto, Brussels, các thành phố ở Phi Luật Tân và Phi Châu, cùng với Florence, Rôma, Napoli và hầu hết các phần còn lại của Ý và Châu Âu sẽ được thắp sáng.

Nhiều vị đóng vai trò lãnh đạo trong chiến dịch quốc tế để chấm dứt án tử hình, những nhân chứng, cựu tù án tử được chứng minh vô tội, gia đình của các nạn nhân đã có mặt ở nhiều thủ đô các nước Âu Châu. Đặc biệt, ở Rôma, ngày 29/11, nhiều người đã tham gia vào một hội nghị (ở Hội trường Julius Caesar của City Hall vào lúc 15:30) kêu gọi đánh giá về hiện tình án tử hình trên khắp thế giới. Ngày Thế giới "các thành phố vì sự sống, các thành phố chống lại án tử hình" đã được khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 29/11 tại trước hí trường Colosseum, đã được thắp sáng nhân dịp này.
 
Top Stories
Vietnam: Nachtwachen für angeklagte Christen (tiếng Đức)
Radio Vatikan
05:32 03/12/2008
Vietnam: Nachtwachen für angeklagte Christen (tiếng Đức)

(Việt Nam: Canh thức cầu nguyện cho những người Công giáo bị đưa ra tòa)

GERMANY 01/12/2008 - 5.000 Katholiken haben am vergangenen Sonntagabend in Ho Chi Minh-Stadt für die acht in Haft befindlichen Christen gebetet. Im Vorfeld der Urteilsverkündung am kommenden Freitag hielten sie in der Nähe des Redemptoristenklosters eine Vigil ab. Ebenso gedachten sie der Märtyrer, die im vergangenen Jahrhundert Verfolgungen zum Opfer gefallen waren. – Die angeklagten Christen hatten die Rückgabe ihres Gemeindegeländes in Thai Ha gefordert. Ihnen wird vorgeworfen, damit das Gemeinwohl verletzt und die staatliche Ordnung gestört zu haben.
 
La preghiera è considerata “disordine in area pubblica”: processo ai cattolici di Thai Ha
Agenzia Fides
05:35 03/12/2008
Hanoi (Agenzia Fides) – E’ un appello accorato quello che giunge all’Agenzia Fides da p. Vincent Pham Trung Thanh, Superiore Provinciale dei Redentoristi del Vietnam: l’8 dicembre prossimo otto parrocchiani della parrocchia di Thai Ha (Hanoi) saranno processati davanti al Tribunale Popolare della città per “danno alla proprietà dello stato e disordini in area pubblica”. Si tratta di sei uomini e due donne cattoliche che sono “fedeli innocenti dal punto di vista umano e giuridico. Ma nonostante ciò saranno giudicati e incolpati”, nota il testo della Lettera scritta dal Provinciale ai confratelli e rivolta a tutti i fedeli della parrocchia.

Gli otto hanno soltanto pregato su un territorio che apparteneva alla parrocchia dei Redentoristi e che era stato requisito dal Governo negli anni ’50. Dal 1996 i Redentoristi ne hanno chiesto la legittima restituzione, ma senza successo. Quando si è sparsa la notizia che il governo aveva venduto il terreno a privati, manifestazioni spontanee di preghiera organizzate dai fedeli si sono susseguite al di fuori dei confini del terreno sin dagli inizi del 2008. Alcuni fedeli sono stati arrestati per aver oltrepassato il confine e avervi portato icone e statue: ora saranno processati, rischiando anni di carcere. Successivamente l’area è stata trasformata in parco pubblico con lavori eseguiti nottetempo.

“In questa dolorosa circostanza, noi saremo in comunione con loro e pregheremo per loro che devono sopportare l’ingiustizia. Le Beatitudini ci invitano a sopportare le avversità e ad abbandonarci al Signore: Egli fa in modo che tutte le cose si trasformino nel bene di coloro che lo amano”.

P. Vincent invita tutte le comunità e tutti i fedeli a pregare “per i fratelli e le sorelle, per quanti detengono il potere nel nostro paese, per la nostra amata Chiesa in Vietnam”. “Che il Signore, ricco di misericordia e infinitamente giusto, per intercessione della Vergine Maria, ci accordi la grazia di cui abbiamo bisogno”, conclude la Lettera.

“I cattolici di Thai Ha sono vittime innocenti di patenti violazioni dei diritti umani”, afferma un comunicato della “Federazione dei Mass Media Vietnamiti Cattolici”, che raccoglie radio, giornali e siti Internet informativi della diaspora vietnamita all’estero. Numerosi sacerdoti della Federazione hanno lanciato un appello per la liberazione degli otto.

Inoltre la comunità dei Redentoristi di Thai Ha informa che, per la seconda volta in due mesi, la Cappella di San Gerardo del Monastero Redentorista è stata attaccata e saccheggiata da una folla di persone che gridavano slogan e minacce contro la Chiesa cattolica. Si tratta di “gravi atti di intimidazione che mettono in discussione la libertà religiosa nel paese”, nota la Federazione dei Mass media, chiedendo il rispetto dei credenti e lo stop della campagna mediatica di diffamazione verso la comunità cattolica.

(source: PA, Agenzia Fides 2/12/2008 righe 26 parole 267, http://www.fides.org/aree/news/newsdet.php?idnews=25834&lan=ita)
 
Vietnam katholieken massaal de straat op (tiếng Hòa Lan)
Katholieknieuwsblad
05:37 03/12/2008
Vietnam katholieken massaal de straat op (tiếng Hòa Lan)

Dinsdag, 2 december 2008 - In een van de grootste protestmanifestaties in jaren zijn afgelopen zondag in Ho–Chi-Minhstad meer dan 5000 katholieken de straat opgegaan. Daarmee wilden zij steun betuigen aan de acht parochianen uit de hoofdstad Hanoi die onder valse beschuldigingen voor de rechter zijn gedaagd.

De acht behoren tot de parochie van Thai Ha die door paters redemptoristen wordt geleid. Zij worden ervan beschuldigd staatseigendom te hebben vernield en de openbare orde te hebben verstoord.

Al meer dan een jaar brengen de katholieken van Hanoi de communistische autoriteiten tot wanhoop en razernij met hun aanhoudende gebedswakes bij twee stukken grond die van de Kerk zijn, maar in de jaren vijftig zijn genaast.

Machtsvertoon, intimidaties en geweld hebben het uitdijende verzet van de katholieken niet kunnen breken. Afgelopen zomer stortte een muur rond een van de omstreden stukken grond in door aanhoudende regenval. Daarop werden acht parochianen gearresteerd onder beschuldiging de muur te hebben vernield en de openbare orde te hebben verstoord. De katholieke gemeenschap vreest dat de acht hard zullen worden gestraft uit wraak en om een afschrikwekkend voorbeeld te stellen.

Afgelopen zondag vierden 160 priesters de Mis bij de protestmanifestatie in het voormalige Saigon. De deelnemers betuigden massaal solidariteit met de beklaagden. Ook werd scherp bekritiseerd dat de acht contact met hun advocaat wordt ontzegd.

Net is in Hanoi was in Ho-Chi-Minhstad een grote politiemacht op de been die druk bezig was met het fotograferen van de demonstranten. (KN/CNA)

(Source: http://www.katholieknieuwsblad.nl/kort/index.php?id=5622
 
Veglie di preghiere in Vietnam per i cattolici in attesa di giudizio
Radio Vaticana
05:38 03/12/2008
VATICAN, 01/12/2008 -Sono numerose le iniziative di solidarietà, realizzate a Ho Chi Minh City, a favore dei parrocchiani di Thai Ha che il prossimo venerdì saranno processati per aver chiesto la restituzione del terreno della loro chiesa. Ieri sera - come riporta Asianews - 5 mila cattolici si sono riuniti in una veglia di preghiera accanto al monastero dei Redentoristi. Un’altra veglia, alla presenza di centinaia di agenti, ha visto la partecipazione di numerosi universitari cattolici che hanno anche messo in scena una rappresentazione che ha ricordato i martiri del secolo scorso. Al monastero dei Redentoristi intanto 160 sacerdoti della città e delle province vicine hanno concelebrato la messa. In una lettera, il superiore dei Redentoristi del Vietnam, padre Vincent Nguyen Trung Thanh, ha chiesto preghiere per gli imputati definiti “innocenti non solo di fronte alle loro coscienze ma anche di fronte alla legge”. “Le beatitudini – scrive ancora – sono un invito rivolto a noi ed ai fedeli ad accettare le avversità e i drammi ed a porre la nostra fiducia in Dio, che trasformerà le nostre sofferenze in un bene per coloro che Lo amano”.(B.C.)

(Source: Radio Vaticana, http://www.oecumene.radiovaticana.org/it1/Articolo.asp?c=248970)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Truyền giáo Bồng Điền,Thái Bình, mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê quan thầy
Quang Thanh
05:24 03/12/2008
THÁI BÌNH - 9 giờ sáng ngày 30.11.2008, Giáo Họ Truyền Giáo Bổng Điền đã long trọng mừng lễ Quan Thầy Phanxico Xavie và hân hoan đón mừng cha nhiệm sở Giuse Phạm Thanh Quang CSsR.

Thành phần tham dự gồm có cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Thái Bình Đaminh Đặng Văn Cầu, cha Bề Trên và quý cha Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, cha Tổng quản lý, quý cha quý thầy và quý sơ thuộc Giáo Phận Thái Bình, cha chính xứ Nghĩa Chính, đông đảo giáo dân các xứ khác, quý vị thuộc chính quyền địa phương và bà con lương dân.

Thánh lễ diễn ra rất nghiêm trang sốt sắng nhưng cũng không thiếu phần tưng bừng và hân hoan vì cả trăm năm nay, Giáo họ chưa bao giờ có cha nhiệm sở. Nay họ đã có cha nhiệm sở nên vô cùng hân hoan và mừng rỡ. Thánh lễ thành công tốt đẹp.

Giáo họ thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (Giáo Họ này thuộc Hạt Kiến Xương, Giáo Phận Thái Bình do Đức cha P.X Nguyễn Văn Sang cai quản), nằm ngay cửa ngõ Tỉnh Thái Bình, gần sông Hồng và cầu Tân Đệ. Giáo Họ chỉ có 68 giáo dân trong địa bàn rộng lớn với hàng ngàn lương dân. Đây chính là địa bàn truyền giáo lý tưởng. Hy vọng những ai đang thao thức cho công cuộc truyền giáo cùng chung tay góp sức bằng lời cầu nguyện để đem các tâm hồn về cho Chúa.
 
Đại Chủng viện Vinh Thanh thắp nến cầu nguyện theo chủ đề “Đức Ái Mục Tử”.
JB. Nguyễn Quốc Tuấn
08:02 03/12/2008
Đại Chủng viện Vinh Thanh thắp nến cầu nguyện theo chủ đề “Đức Ái Mục Tử”.

Sau những ngày lập đông đầy mưa và gió bấc, tối nay (2-12- 2008), tiết trời bỗng trở nên se ấm và thoáng đãng hơn. Trong bầu khí mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Quan thầy ĐCV Vinh Thanh, quý Cha trong Ban Giảng huấn và toàn thể anh em chủng sinh đã tổ chức giờ đốt nến cầu nguyện trọng thể theo chủ đề “Đức Ái Mục Tử”. Đông đảo quý chị thuộc hai Hội Dòng Mến Thánh Giá và Thừa Sai Bác Ái Vinh, quý ân nhân và bà con giáo dân đã về hiệp thông trong giờ cầu nguyện cùng ĐCV.

Dịp lễ Quan thầy ĐCV Vinh Thanh năm nay nhằm vào thời điểm ĐCV Vinh Thanh bước vào tuổi hai mươi. Hai mươi năm không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để nói lên một hành trình phát triển của Vinh Thanh, nhất là những đóng góp của Chủng viện đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo bao la của hai giáo phận Vinh và Thanh Hoá. Với giờ cầu nguyện này, quý cha và toàn thể anh em chủng sinh muốn bày tỏ tâm tình tri ân trước tình thương vô bờ của Thiên Chúa đã tuôn đổ biết bao ơn lành xuống trên ĐCV suốt hai mươi qua; và xin Ngài tiếp tục đồng hành nâng đỡ các chủng sinh trẻ đang học tập tu luyện dưới mái trường tuổi hai mươi, biết nhìn lên Đức KiTô, Vị Mục Tử Nhân Lành và dấn bước theo Ngài.

Giờ cầu nguyện khởi sự trong lời hát: “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa, thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời...”. Muôn vàn ánh nến được thắp từ ngọn nến Phục Sinh, làm rực sáng lung linh cả khuôn viên Chủng viện. Thánh giá Chúa uy nghi đặt trước Nhà nguyện ĐCV như lời mời gọi những chủng sinh trẻ hãy nhanh chân đem bầu nhiệt huyết tin yêu vào trong thế giới hôm nay còn “bao nhiêu mây mờ giăng lối”. Dưới ánh sáng thập giá, anh em ý thức được vinh dự lớn lao và sứ vụ cao cả trong hành trình trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn. Sứ vụ ấy là cuộc tiếp bước con đường đau khổ mà Đức KiTô đã đi qua, nhưng anh em vẫn một lòng tín thác vào Vị Mục Tử Tối Cao Nhân Lành: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... Côn trượng Ngài bảo vệ tôi, tôi vững dạ an tâm...” (TV 22).

Trong phần ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA, anh em cùng lắng nghe và suy gẫm Tin Mừng Gioan (10, 11-16). Người hướng dẫn xướng lên từng câu Lời Chúa và cộng đoàn hát xen vào “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con”. Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành như trực diện và cung nguồn sự sống thần linh, thôi thúc những mục tử tương lai hãy can đảm khước từ những ma lực của cuộc sống hôm nay và không ngại hy sinh cho sự sống còn của đoàn chiên.Trong Giáo hội hôm nay, đoàn chiên đang được nhân lên, nhưng số lượng sói dữ cũng không dẫm chân tại chỗ. Chúng đang rình rập để tấn công chiên lành cách đầy tinh vi và xảo quyệt. Đó là sự tấn công cả về mặt thể xác lẫn tinh thần: bắt bớ, giam cầm, chà đạp lên sự thật, công lý... Từ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, anh em ý thức được “người mục tử không phải là người chăn thuê, không phải là người bỏ chiên mà đi và để cho chiên ly tán, cũng không phải là người chỉ an phận với chiên lành; nhưng người mục tử là người hy sinh vì đoàn chiên... Muốn làm được điều đó, người mục tử phải có lòng nhiệt thành, một tâm hồn bao dung và một trái tim quảng đại, phải khoác lên mình tâm hồn đức ái”. Người mục tử hôm nay không thể vô tâm nhìn đoàn chiên chịu bắt bớ, sát phạt cách nhẫn tâm bất công; mà ngài phải đau với nỗi đau của của những chiên vô tội bị bách hại, phải gióng lên tiếng nói sự thật và công lý thay cho những chiên oan thấp cổ bé miệng. Trong tâm tình ước nguyện thông hiệp với vị Mục Tử Tối Cao Nhân Lành, anh em chủng sinh và những người tham dự cùng “Xin cho mỗi người biết đến với Đức KiTô, vị mục tử nhân lành để kín múc từ trái tim Người nguồn suối yêu thương vô tận; nhờ đó tất cả được tràn đầy ân thiêng, và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ làm chứng cho Nguời, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Trong phần CẦU XIN, sau khoảng thời gian ngắn thinh lặng dành cho mỗi người dâng lên Chúa Giêsu - Mục Tử Nhân lành những tâm tư nguyện vọng riêng của mình, cộng đoàn cùng hiệp tâm trong lời cầu cho các linh mục: “Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay, vẫn còn đó những nỗi đau thương và mất mát, như: những cuộc bạo động bất công, sự hành xử quyền bính bất chấp công lý và lẽ phải, những cuộc bạo hành nơi gia đình và học đường... Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần những vị mục tử nhân từ, can đảm, dám hy sinh để bảo vệ chân lý, hầu cứu vớt đoàn chiên đang lạc lối giữa biển đời đầy sóng. Xin Chúa ban tràn đầy tình thương xuống trên các mục tử của Chúa, để các Ngài sẵn sàng hiến thân làm chứng cho công lý và sự thật, hầu loan truyền sứ điệp Tin Mừng cứu rỗi đến cho muôn người trên toàn thế giới”. Mọi người cũng dâng lên Chúa ước nguyện cho các chủng sinh “biết chọn Chúa, vị Mục Tử Tối cao và nhân lành làm mô phạm cho đời mình, để xây dựng đức ái mục tử cho bản thân, hầu chu toàn sứ vụ linh mục mai sau”; cầu cho các tu sỹ, cho các bạn trẻ nói chung và nói riêng các bạn sinh viên hai Giáo phận Vinh và Thanh Hoá, cho những người sống ơn gọi tông đồ giáo dân, được luôn nhiệt thành cộng tác với các mục tử của Chúa trong sứ vụ chăn dắt đoàn chiên và dẫn đưa những người lạc lối chưa nhận biết Chúa trở về.

Giờ cầu nguyện được khép lại trong Kinh Hoà Bình, chứa trọn tất cả niềm xác tín tuyệt đối và tâm tình mến yêu của anh em chủng sinh Vinh – Thanh vào Chúa KiTô, Vị Mục tử Nhân lành Tối Cao. Chính Ngài đã và đang ân cần yêu thương dẫn dắt anh em đi trên con đường của Sự Thật – Công Lý – Hoà Bình.

“Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; Để con đem tin kính vào nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu...”.

J.B Nguyễn Quốc Tuấn

(Khoá IX, Đại Chủng viện Vinh Thanh)

*Ghi chú: Phần chữ in nghiêng được trích từ bản “CẦU NGUYỆN THEO CHỦ ĐỀ ĐỨC ÁI MỤC TỬ” của ĐCV Vinh – Thanh.
 
Nhà tĩnh âm An Hạ
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
11:42 03/12/2008
NHÀ TĨNH TÂM AN HẠ

An Hạ là địa danh khu dân cư ở bên kia khúc sông đối diện với đường Đặng công Bỉnh chảy qua Cầu lớn, thuộc ấp 5 và ấp 6 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. An Hạ cũng là tên ngày nay người ta đặt cho cây cầu trước đây quen gọi là Cầu Bông trên đường đi Tây Ninh.

Tôi mượn tên này để đặt cho nhà số 55/1D đường Đặng công Bỉnh. Nhà này được khởi công xây cất từ cuối năm 2001, nhưng mãi đến giữa năm 2007 mới hoàn thành và cuối năm 2008 mới được đưa vào sử dụng.

Nhà An Hạ khi khởi công được dự tính làm nhà cho trẻ em khuyết tật, nhưng gần đấy đã có một Trung Tâm của Nhà Nước nhận nuôi dạy trẻ em mồ côi và khuyết tật, nên nay nhà được chuyển đổi mục đích thành nhà tĩnh tâm.

Nhà An Hạ là nơi tĩnh tâm. Tôi rất thích hai chữ an hạ. An là bình an, hạ là xuống. Hai chữ này diễn tả được nội dung tôi muốn đặt cho ngôi nhà. Tôi liên tưởng đến mấy chữ trên bức tranh sơn mài rất nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn gia Trí sáng tác năm 1941, hiện đang đặt ở nhà thờ Mai Khôi số 44 đường Tú Xương, quận 3. Những chữ đó là Hodie pax vera de caelo descendit, nghĩa là hôm nay hòa bình chân thật đã từ trời hạ xuống. Tôi diễn những chữ này thành thơ và cho khắc vào một trụ đá đặt trên thảm cỏ về phía tay phải trước khi vào bên trong nhà:

An bình tự chốn trời cao thẳm
Hạ xuống nhân gian cõi thế trần
.

Song song với trụ đá này là một trụ đá khác có khắc câu 2 trong thánh vịnh 130:

Hồn con, con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.


Như vậy đã rõ An Hạ là nơi muốn tích chứa sự bình an từ trời cao hạ xuống cho những ai đến kiếm tìm sự bình an ấy trong tĩnh tâm cầu nguyện.

An bình tự chốn trời cao thẳm
Hạ xuống nhân gian cõi thế trần.
Chúa đến viếng thăm và an ủi
Ban nguồn trợ lực của linh ân.

An Hạ là nơi Chúa đón mời
Những ai mệt mỏi muốn nghỉ ngơi
Đến đây tìm Chúa trong yên lặng
Cho cả xác hồn được thảnh thơi.

An Hạ cỏ cây hoa lá đẹp
Rừng sau sông trước rất nên thơ
Cứ đến mà xem rồi sẽ thấy
An Hạ hân hoan sẵn đón chờ.


Liên lạc
Điện thọai không dây: 08.627.695.02
Điện thọai di động: 097.705.224.5
Hỏi cô Thúy Khanh hay chú Hiền
Địa chỉ:
55/1D Đặng công Bỉnh
Ấp 6, Phường 2
Xã Xuân Thới Thượng
Huyện Hóc Môn
Điện thư: doxuanque@yahoo.com

Đường đi

Xe gắn máy:
Từ thành phố, đi đường Cộng Hòa đến cấu Tham Lương quẹo trái sang đường Phan văn Hớn. Từ Phan văn Hới đi thẳng qua Bà Điểm, chợ Xuân Thới Thượng, Ngã Ba Giòng tới chân Cầu Lớn, quẹo trái đi xe ôm hay đi bộ chừng 1cây số rưỡi tới 55/1D Đặng công Bỉnh, hoặc gọi dây nói sẽ có người ra đón ở trước cửa tiệm thuốc tây.

Xe búyt:
Đi An Sưong xe số 65 hoặc xe Củ Chi. Đến An Sưong xuống bên này đường phía bên phải, không vào bến, đợi xe số 85 đi Hâu Nghĩa, đến dưới chân Cầu Lớn đi bô, đi xe ôm hay điện vào sẽ có người ra đón ở trước cửa tiệm thuốc tây.

Xe hơi
Từ thành phố theo đưỡng Cộng Hòa đến ngã tư Hóc Môn, quẹo trái vào đường Nguyễn văn Bứa, tới Ngã Ba Giòng, quẹo phải thẳng tới chân Cầu Lớn, quẹo trái đi chừng một cây số rưỡi thấy cổng mới và ngôi nhà xây kiểu Á đông, đó là nhả tĩnh tâm An Hạ.

Xin lưu ý: Mang theo giấy chứng minh nhân dân
 
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt thăm giáo xứ Lưu Xá và giúp đỡ nạn nhân lũ lụt
Giuse Trần Tiến Thạo
12:13 03/12/2008
HÀ NỘI - Ngày 2.12.2008 Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến thăm và dâng Thánh lễ cầu nguyện cho bà con giáo dân Giáo xứ Lưu Xá. Mặc dù công việc của Tổng giáo phận thời gian này rất bộn bề, nhưng với tấm lòng bao la của người mục tử nhân lành luôn thao thức và trăn trở vì đoàn chiên. Ngài đã “chạnh lòng thương” và tìm đến với họ, nhất là trong lúc đoàn chiên của Ngài đang “tan tác” sau trận lũ lụt lịch sử vừa qua.

Kể từ khi trận lũ lụt xảy ra, Đức tổng đã từng đến thăm Giáo xứ Thịnh Liệt, giáo xứ Đồng Chiêm là một trong những nơi bị ngập lụt nặng nhất. Và hôm nay đây Ngài đã đến với bà con giáo xứ Lưu Xá, cũng là nơi mà cho dù ngập lụt qua đi đã hơn một tháng nhưng hậu quả đến nay vẫn rất còn nghiêm trọng. Cùng đi với Đức tổng còn có Cha Tôma Aqiuno Nguyễn Xuân Thủy – Tổng quản lý giáo phận, Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế – Quản hạt Hà Tây, Cha Antôn Trần Duy Lương – Chính xứ Nhà thờ Chính tòa, Cha Antôn Phạm Văn Dũng – Phó chánh văn phòng Tòa giám mục và quý Cha thuộc Giáo phận Long Xuyên và Giáo phận Lạng Sơn. Sau Thánh lễ Đức tổng và quý Cha đã đến thăm một số Giáo họ thuộc giáo xứ Lưu Xá, và đặc biệt đoàn đã dành phần lớn thời gian để đến thăm hỏi và động viên những gia đình bị thiệt hại nặng nề trong trận lụt vừa qua, trong đó có hai gia đình lương dân có cháu
Đức TGM thắp nhan cầu cho bé Bùi Thị Ngọc Anh
nhỏ bị thiệt mạng là: gia đình bé Bùi Thị Ngọc Anh – 19 tháng tuổi, bé Ngọc Anh bị chết đuối do nước lũ dâng lên quá cao, và gia đình em Nguyễn Thị Xoan – 11 tuổi, em Xoan là học sinh Trường Tiểu học Tốt Động, trên đường đi học về em đã bị nước lũ cuốn trôi và thiệt mạng. Đức tổng đã đến thắp hương trước di ảnh 2 em và động viên khích lệ gia đình cũng như trao những phần quà với hy vọng phần nào chia sẻ nỗi mất mát lớn lao mà gia đình đang phải gánh chịu.

Phát quà yên ủi nạn nhân bị lụt
Giáo xứ Lưu Xá nằm cách Hà Nội 50km. Là một xứ lớn trải dài trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Chương Mỹ – Hà Nội, với 6500 giáo dân. Trong thời gian ngập lụt xảy ra có 7 giáo họ trong tổng số 9 giáo họ của giáo xứ bị ngập hoàn toàn trong nước. Đời sống của đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nên kinh tế còn rất khó khăn, vụ lúa mùa vừa qua năng suất rất thấp trong khi giá lương thực hạ còn giá tiêu dùng thì lên cao. Nay lại gặp cảnh ngập lụt nên người dân càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Chúng tôi ghi nhận được số thiệt hại nơi đây là hàng ngàn hecta hoa màu vụ đông bị mất trắng, 6 ngôi nhà bị xạt nở phải làm lại, 15 lò gạch bị hư hại nặng, 15 mẫu ao cá bị mất hết cá, 120 mẫu đậu tương bị nước lụt cuốn trôi, và rất nhiều gia đình trồng nấm và chăn nuôi bị thiêt hại nặng nề. Chắc chắn số thiệt hại do ngập lụt gây ra còn to lớn hơn nhiều và hậu quả để lại trong một sớm một chiều chưa thể khắc phục ngay được.

Động viên gia đình em Nguyễn Thị Xoan
Song với tấm lòng tương thân tương ái và tinh thần bác ái của người công giáo, nhất là hưởng ứng thư kêu gọi giúp đỡ nạn nhân lũ lụt do Đức tổng đề ra. Bà con khắn nơi và chính những người ở đây đã tận tình giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không chỉ giúp đỡ bà con trong đồng bào công giáo của ta mà chúng ta còn tận tình giúp đỡ cả những anh chị em lương dân nữa.

Và hôm nay đây đích thân Đức tổng Giám mục Giuse cùng quý Cha đã đến tận nơi để chia sẽ những khó khăn mất mát của đồng bào. Ngài đã ân cần hỏi thăm mọi người, và động viên họ mau chóng ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất và tăng gia. Đến với 2 gia đình lương dân của 2 em nhỏ đã bị thiệt mạng trong trận lụt vừa qua Đức tổng cũng hết sức ngậm ngùi trước cái chết tang thương của 2 em.

Rời giáo xứ Lưu Xá mà lòng chúng tôi vẫn còn nặng trĩu khi còn đó biết bao những khó khăn mà bà con nơi đây phải chịu. Hy vong với cố gắng và sự giúp đỡ đùm bọc nhau, bà con nơi đây sớm lại có cuộc sống ổn định và phát triển.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phán xử trong lúng túng và nỗi sợ hãi!
Hòa Lan
05:28 03/12/2008
HÀ NỘI - Nếu không có gì thay đổi, 8 giáo dân Thái Hà sẽ ra trước "vành móng ngựa" để nhận phán xét về "tội lỗi" mà họ đã gây ra trong cuộc tranh chấp giữa Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và nhà cầm quyền Việt Nam.

Lạ thay, đến giờ, những kẻ nắm quyền lực trong tay với tất cả quyền uy và sức mạnh của một chế độ, lại đang có những hành động lúng túng, lo lắng trước việc xét xử những người mà họ khẳng định là có tội. Chẳng ai ngây thơ để tin rằng, phiên xử này là việc của một quận và do toà án nhân dân của quận tiến hành. Nó là cách hành xử của một chế độ, một chế độ chỉ ở mức phường xã như cái cách mà họ chọn nơi xử án là uỷ ban nhân dân phường.

Lạ thay, một phiên tòa mà những người phải bước ra trước vành móng ngựa lại tỏ ra mạnh mẽ, đầy vinh quang. Trái ngược với nỗi lo sợ của những kẻ xử án. Thật ra sẽ không dừng lại ở mức độ hạn chế mọi người tham dự phiên tòa hay chọn nơi xử án là ủy ban phường như hiện nay. Nếu có thể được, những người cộng sản muốn chọn một nơi tối tăm xa vắng và xử án giữa đêm khuya để cho những phán quyết bậy bạ của họ chỉ lọt vào tai lũ côn trùng, cũng như sự phán xét ngược lại của các "bị cáo" không bị cả thế giới này nghe đến. Cách hành xử của những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng là vậy!

Những người đóng vai "kẻ phán xét" của toà án sắp tới có lẻ đang lo sợ, lo sợ bởi họ chẳng thể hành động theo lý trí và lương tâm của mình. Họ đang phải hành động theo sự chỉ đạo và xúi dục của một nhóm người nào đó. Họ củng chẳng có quyền tuyên án theo luật pháp, họ phải cố gắng diễn cho xong cái tấn tuồng đã dựng sẵn.

Chưa hết, sau khi "phán xét" các "bị cáo".Những quan thầy cộng sản lại hồi hộp lo sợ và chờ đợi sự phán xét chung cuộc của toàn thể những người công chính trên khắp toàn cầu dành cho họ. Đó mới là cái điều lạ lẫm từ phiên toà này. Họ phán xử người khác để rồi chờ đợi bị phán xử ngược lại. Lạ thay!

Tôi cũng thông cảm và chia sẽ nỗi lo lắng, thất vọng và tức giận của nhiều người về việc các giáo dân của chúng ta không được tiếp xúc với luật sự của mình. Tôi cũng đã nghe vị luật sự đáng kính của chúng ta nói về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ, toà án cộng sản làm gì có chổ cho luật sư, làm gì có chuyện án tại tòa chứ không phải tại hồ sơ. Bản tuyên án này đã được đảng duyệt xong, các quan toà bù nhìn chỉ việc móc trong túi ra và... đọc cho xong. Toà án cộng sản là vậy, có gì lạ đâu!

Chúng ta sẽ đón nhận những thử thách này một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng như một phần trong cuộc thử thách đức tin của người tín hữu Ki tô, sự chịu đựng hy sinh đối với mục tiêu tìm kiếm công lý cho dân tộc.

Đâu đó trong tôi vang lên lời Kinh hoà bình mà tôi có dịp nghe cả cộng đoàn tham dự Thánh lễ cất lên trong đêm 30/11 tại Dòng CCT - Sài Gòn: "để con đem tin kính vào và nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm...", đúng lắm thay!

Là một người ngoại đạo, nhưng tôi tin rằng, những giáo dân đang hiên ngang tiến ra trước toà trong tư thế ngẩng cao đầu chẳng hề lo sợ sự phán xét của toà án, họ ra trước toà để làm chứng cho lẻ phải và sự thật. Đơn giản, bởi họ tin rằng " sự thật sẽ giải thoát cho anh em".
 
Về phiên tòa xét xử người công chính
JB Nguyễn Hữu Vinh
05:55 03/12/2008
VỀ PHIÊN TOÀ XÉT XỬ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Phiên toà nhỏ, sức vang lớn

Phiên toà ngày 8/12/2008 xét xử tám giáo dân với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “phá hoại tài sản” là một phiên toà nhỏ. Tám giáo dân chỉ phá vỡ bức tường dài 3m bằng gạch đã cũ, và sau đó chính nhà nước đã phá bỏ đi. Trị giá tài sản bị phá chỉ đáng một bữa nhậu sơ sơ, bị cáo của phiên toà không nhiều.

Cổng đền Giêrađô bị phá đêm 21/9/2008
Những bị cáo của phiên toà này chỉ toàn “công dân hạng hai”, không thế lực, không “tiền lực” cũng như không có bất cứ sự chạy tội, chạy án hoặc che đỡ nào bởi các ô dù trong hệ thống nhà nước như vẫn thấy khá nhiều. Họ cũng không thuộc bất cứ băng nhóm, băng đảng xã hội đen hay xã hội đỏ nào. Nói chung, họ thuộc nhóm người muốn xử thế nào cũng được, xử sao chịu vậy mà thôi.

Vụ án này càng không thể so sánh so với những vụ án khổng lồ như vụ án băng đảng đen và đỏ của Năm Cam hay vụ án thuộc các quan chức to nhỏ của nhà nước được đảo ngược chiều như PMU18. Vậy, nó chỉ là phiên toà nhỏ, thậm chí rất nhỏ.

Sự đặc biệt ở đây chỉ vì đứng trước toà hôm đó, không phải là những quan chức tham nhũng tiền tỉ, không là những cán bộ một thời có chức có quyền thét ra lửa, ký ra tiền. Họ đơn giản chỉ là những giáo dân bé mọn và chân thật. Những giáo dân này, không có những tài khoản ngân hàng kếch sù, không có nhà đất la liệt, không có bất động sản nổi chìm. Đặc biệt, họ không có âm mưu chính trị giành quyền cướp chức hay lật đổ nhà nước. Họ chỉ là những người dân đơn sơ, thật thà sống và làm việc chân chính trong một nhà nước mà họ được tôn vinh là Chủ(?)

Bà Nguyễn Thị Việt – nạn nhân của vụ án tôn giáo
Những giáo dân này không phá hoại vì thù hằn hay thực hiện cướp đoạt, tội ác vì nhà nước thừa biết họ không có tâm địa đó. Họ cũng không cướp bóc tài sản của ai về cho gia đình để vinh thân phì gia mà họ chỉ vì công lý, sự thật.

Ở họ, chỉ có một điều mà hệ thống nhà nước này không mấy dễ chịu là lòng tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Tình Yêu và sự Sự thật, sự Công bằng ở họ thật tuyệt vời hơn là tin vào những quyết định, những chính sách của nhà nước. Điển hình là họ không tin những bằng chứng mà UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhằm biện hộ cho việc chiếm đoạt đất đai của họ trước đây và những quyết định đi theo nó.

Về phương diện lòng dân, chỉ đơn giản, họ đã thể hiện một hành động quá sốt ruột sau 12 năm trời mỏi mòn chờ đợi cán cân công lý hoạt động trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền. Cũng đơn giản là họ đã nghe theo tiếng nói của Nhà nước, không chấp nhận tham nhũng, chia chác khu đất mà họ xác định là tài sản của họ.

Nhưng, vụ án có sức thu hút mãnh liệt sự chú ý của dư luận nhân dân, đặc biệt là dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế không thể không chú ý những diễn biến của vụ án này, khi mà những thông tin gần đến ngày xét xử càng nóng lên.

Dù cho hệ thống truyền thông có ra sức bằng cách nào để tô vẽ hay bóp méo như những vụ việc trước đây với giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm sứ, thì những thông tin về những nạn nhân, những bị cáo, những tình tiết của vụ án cũng có sức lan toả ghê gớm.

Khó khăn nào sẽ đến với “nhà nước ta” khi xử những giáo dân này?

Trước hết, về phương diện pháp lý, đây là vụ án loại hình gì? Vụ án hình sự hay chính trị? Tất nhiên nhà nước đã bảo là vụ án hình sự rồi. Còn vụ án chính trị hoặc vụ án tôn giáo? Chẳng có đâu, ở Việt Nam làm gì có vụ án chính trị hoặc tôn giáo nào? Bởi nếu có, thì phải có tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo chứ? Nhà nước ta luôn tuyên bố ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, cũng không có tù nhân tôn giáo, lương tâm, ở Việt Nam, chỉ có người vi phạm pháp luật phải đi tù mà thôi.

Khổ nỗi, báo chí nước ngoài và hệ thống thông tin trên mạng internet của người dân không coi là vụ án hình sự, bởi nếu là vụ án hình sự, thì những vụ này chỉ là “con muỗi” trong đầm lầy những vụ án hình sự hiện nay. Ở đó có đầy đủ các loại muỗi, vắt, ba ba thuồng luồng lổm ngổm, nhan nhản và ngông nghênh.

Hãy thử làm phép so sánh: 3m bức tường, trị giá chưa đến 3,5 triệu đồng (Chưa đầy 200$) bị phá bởi 8 người, như vậy mỗi người chịu trách nhiệm 25$. (Chưa đủ 500.000 đồng để khởi tố theo luật định. Ngay bức tường đó vẫn được người dân xác tín là của họ đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp nên đó là bức tường bất hợp pháp).

Trong khi, chỉ một cán bộ của đảng, chắc chắn phải xuất thân từ “thành phần cơ bản của giai cấp công nông” nói theo ngôn ngữ dân gian là phải “ba đời ăn củ chuối” mới mong được có cơ hội thăng tiến đến như ông Nguyễn Việt Tiến. Tài sản của ông sau một thời gian làm cán bộ đã được đánh giá qua câu này trên chính báo của nhà nước: “Trong số khá nhiều đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra, có một người xưng là “Người xây dựng”, làm ở Bộ GTVT cho biết: tổng tài sản của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Việt Bắc đã lên tới khoảng 350.000.000 USD. Khoản tiền này do ông Tiến và “đệ tử” gom góp từ thời còn làm ở PMU18”. (Báo Sài gòn giải phóng)

Với đồng lương công chức nhà nước hiện nay, thử xem có phép tiên nào để “gom góp” được khối lượng khổng lồ tài sản đó? Hay các cán bộ của nhà nước không tham nhũng, chỉ giỏi làm kinh tế?

Vụ án được khởi tố rầm rộ, báo chí vào cuộc ác liệt, bao nhiêu tài sản, những hành vi của ông Tiến được báo chí vạch ra, nhưng cuối cùng thì ông Nguyễn Việt Tiến lại đàng hoàng bước ra khỏi nhà tù, các nhà báo thi nhau vào ngồi tù (?) Cũng chẳng ai xác định số tài sản đó ở đâu ra? Làm sao có? Chắc họ nghĩ rằng mọi người đều đã hiểu nên không cần điều tra?

Nạn tham nhũng ở Việt Nam đã được coi là “Quốc nạn”. Những phản ứng của cộng đồng dân chúng, của thế giới lo ngại về tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động đỏ từ lâu. Vụ PCI Nhật Bản gần đây cũng là những bằng chứng hùng hồn…

Nhưng “nhà nước ta” vẫn bình tĩnh, thậm chí có quan chức đã đề nghị báo chí Nhật Bản hạn chế đưa tin về vụ này? Câu chuyện đó đã làm trò cười cho thiên hạ, người ta nghĩ ông quan chức Việt Nam này lại muốn bê luôn hệ thống chỉ đạo báo chí xuất khẩu sang Nhật Bản.

Vậy, những vụ án với số lượng tài sản bị cướp đoạt, tham nhũng nặng nề, sao nhà nước lại không ưu tiên nhanh nhẹn như vụ 8 giáo dân Thái Hà hiện nay?

Nói về tội phá rối trật tự công cộng, hẳn người dân trong và ngoài nước chưa thể quên được vụ xịt hơi cay tại Linh địa Đức Bà tối ngày 31/8/2008 làm cả chục người bị ngất xỉu, trẻ em bị choáng phải đi cấp cứu. Tội ác rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, biên bản lập ngay tại chỗ. Thủ phạm đã được xác định bằng hình ảnh, video, đơn từ đã kịp thời… Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy hệ thống thực thi pháp luật vận động?

Cũng về tội phá rối trật tự công cộng, người ta vẫn nhớ hành động của đám đông quần chúng, được huy động cùng con nghiện tối 21/9 đến phá cổng đền Giêrađô và đe doạ, hò hét cả đêm đòi giết người. Chứng cứ rõ ràng, cũng có các cán bộ chính quyền, công an chứng kiến đầy đủ… Nhưng đến nay, chưa ai động tĩnh điều tra, hệ thống pháp luật chưa hoạt động?

Tại sao vậy? Phải chăng, bởi vì bị hại chỉ là những người công giáo, đám tu sĩ, những người không được xem là công dân? Tài sản của họ mặc sức phá, tính mạng của họ, nhân phẩm của họ được mặc sức phỉ nhổ và vùi dập?

Đó là câu hỏi khó cho nhà nước không phải ở trong các cuộc họp Quốc hội, hay ở các cuộc họp báo, mà là ở trong lòng dân. Trả lời họp báo hoặc ở Quốc hội vốn không dễ, nhưng trả lời cho lòng dân còn khó hơn bội phần.

Để xử một vụ án nhỏ nhưng trả lời được câu hỏi khó, nhà nước đã chuẩn bị công phu và bài bản cho vụ án.

Đánh giá về vụ án cỏn con này, người ta thấy rất rõ có nhiều hiện tượng không bình thường. Việc tổ chức điều tra, truy tố, bắt bị can như bắt giặc, ào ào như sôi.

Rồi ra cáo trạng sửa đi sửa lại đi lại mấy lần với bao công văn, giấy tờ… được ưu tiên làm “nhanh như làm dự án vườn hoa Nhà thờ” – câu thành ngữ mới của người dân Hà Nội.

Việc xét xử sắp tới cũng đầy những sự bất thường và bất ngờ: Nếu như vụ án Năm Cam, một nhóm xã hội gồm cả đen và đỏ, được nhà nước chuẩn bị địa điểm xét xử để có sức chứa nhiều trăm người khi biết sẽ có đông đảo dân chúng muốn trực tiếp tham gia. Trong khi vụ án này lại được dự kiến xử tận… tầng 4 của UBND Phường Ô Chợ Dừa, mà không phải là ở Toà án nhân dân. Dù chính quyền thừa biết rằng, vụ án “công khai” này sẽ được sự quan tâm của đông đảo nhân dân muốn dự phiên toà. Tôi cũng chưa rõ những ai sẽ vào được phòng xử để tham dự phiên toà “công khai” này.

Thậm chí có người thấy cách chuẩn bị xử ở tầng 4, người muốn tham gia đã phải làm đơn, thì đã đùa nhau rằng, vậy đâu chỉ có “công khai”, mà còn thêm công… thối.

Khó khăn để xử mấy giáo dân thì không nhiều, có những vụ án còn lớn hơn gấp bội, vậy nhưng nhà nước đã huy động và xử vô tư. Những giáo dân này, đưa ra một phiên toà kết tội thì quá đơn giản.

Kết tội xong, nhà nước được gì?

Hậu quả của phiên toà này, ngoài các bản án mà các giáo dân sẽ phải chịu bằng những năm tháng tù đày, thì sẽ còn nhiều vấn đề sau đó.

Những người giáo dân hôm nay, không như những bị can, bị cáo khác ra trước toà là khóc lóc, ăn ăn… họ vẫn xác tín lẽ phải và công lý thuộc về họ, và họ sẵn sàng bước vào nhà tù như những người tự tin nhất.

Những kẻ xịt hơi cay vào trẻ em và phụ nữ đêm 31/8/2008 tại Thái Hà
Thời xưa, tôi được hệ thống truyền thông nhà nước nhồi đi nhồi lại về ý nghĩa của “nụ cười Võ Thị Thắng” trước toà với câu nói: "...tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù".

Nhìn những nụ cười, sự hồ hởi của những giáo dân hôm nay trước khi ra toà như bà Việt, Bà Dung, bà Hợi… tôi thấy trong họ có một niềm tin vững chắc: Niềm tin vào Thiên Chúa, Mẹ Công lý, Sự thật và Hoà Bình. Họ bất chấp tất cả để cho Công lý và Sự thật được tái hiện, họ sẵn sàng hi sinh như những chiến sỹ can trường cho điều họ tin.

Ngày đầu mùa Vọng Giáng Sinh, câu Kinh Thánh: Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Luca - Chương 21 – Câu 36) đang nhắc nhở họ phải sẵn sàng. Họ bị đưa ra xét xử trong ngày trọng đại - ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Trong thẳm sâu tâm hồn họ, họ tin rằng đó là một dấu chỉ xác tín họ đang vô tội.

Trong câu chuyện Thái Hà đã qua, nhà nước đã phải vận công để huy động cả hệ thống chính trị, kinh tế, quân lực và cả đám quần chúng… để xây bằng được hai vườn hoa.

Nhưng tiếng nguyện cầu cho công lý vẫn không hề tắt. Từ một nhóm nhỏ, lời cầu nguyện đã lan rộng khắp hoàn cầu. Từ việc đòi lại khu đất mà công lý và sự thật bị chà đạp, giờ đây, việc cầu nguyện không chỉ là khu đất nữa, mà là Sự thật, Công lý, Hoà Bình. Phong trào đó không chỉ ở Thái Hà hay Hà Nội, mà đã lan rộng ra khắp Bắc Trung Nam và vượt biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Trong vai nhà cầm quyền ta thử nghĩ xem: Nếu ngày mai một số giáo dân Thái Hà sẽ vào ngồi trong tù. Khi đó hẳn nhiên là lời cầu nguyện càng tha thiết hơn, vang lên bất cứ nơi đâu để cầu nguyện cho họ. Những tù nhân kia, họ luôn được yên ủi: “Tuy xa cách về thể xác, nhưng tôi vẫn ở với anh em về tinh thần, và vui mừng thấy anh em giữ hàng ngũ và vững tin vào Đức Ki-tô”( Thư Côlôxê - Chương 2- câu 5) họ sẽ vững tin đến ngày tự do.

Và cứ thế mỗi ngày, tiếng kêu cầu trong các nhà thờ luôn luôn nhắc nhở mọi người về những ngày đã qua, về những gì mà bóng tối đã làm với ánh sáng, những mưu mô chước quỷ đã thi thố? Thử hỏi lòng người dân biết bao giờ yên khi lời cầu nguyện sẽ không chỉ một tháng, hai tháng mà là hai năm, năm năm… đến khi anh chị em giáo hữu được tự do.

Cũng cần phải trả lời câu hỏi của Kinh Thánh: “Xin anh nhớ kỹ: Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị huỷ diệt?” (Gióp - Chương 4 – Câu 7)

Mới hôm qua đây thôi, Trung Quốc đã chi một số tiền khổng lồ 30 tỷ đôla để khai thác tài nguyên của đất nước ta trên biển Đông. Ông Lê Dũng đã lại “lo ngại”.

Khi đất nước đang đứng trước hoạ xâm lăng, ngoại bang đã rõ ràng lăm le bờ cõi, đất nước này, dân tộc này cần hơn bao giờ hết một sự đoàn kết để tạo sức mạnh. Vụ án này sẽ làm được gì cho điều đó, hay chỉ nhằm tạo thêm những “kẻ thù”, những “thế lực thù địch” như các văn bản, nghị quyết nhà nước luôn nhắc tới?

Những kẻ xịt hơi cay vào trẻ em và phụ nữ
Vụ án này sẽ có kết quả gì phải chăng là để “dằn mặt” đám giáo dân và tu sĩ hiện nay? Xin thưa, nếu vậy, những người chủ trương đã nhầm lớn. Với niềm tin không thể chuyển lay, các giáo dân và tu sĩ coi việc bị tù đày bắt bớ vì sự công chính là nguồn lực tiếp sức cho họ vững vàng hơn.

Nguyện cầu cùng Thiên Chúa toàn năng, hướng dẫn đường đi lối sáng cho những nhà cầm quyền để họ nhìn nhận được những gì tốt đẹp nhất không chỉ cho cá nhân họ, mà cho cả đất nước, dân tộc này.

Nguyện cầu cùng Thiên Chúa đầy lòng thương xót, xin hãy giúp những tín hữu đang chuẩn bị bước vào vòng tù tội vì lẽ công chính, để họ vững vàng trong mọi thử thách.

Với tôi, tôi vẫn tin rằng: Họ VÔ TỘI và thật “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì họ sẽ được nước trời làm gia nghiệp (Mt.5,1-12).

Hà Nội, Ngày 3 tháng 12 năm 2008
 
Chứng nhân Sự Thật Công Lý
Hiền Thạch
11:26 03/12/2008
CHỨNG NHÂN SỰ THẬT CÔNG LÝ
Kính tặng 8 Anh Chị Em giáo dân Giáo Xứ Thái Hà – Hà Nội

Quỳ lạy Mẹ ! Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội !
Tám chúng con là chiên giữa sói bầy
Tám chúng con hoan hỉ làm gạch nối
Cho Quê Hương - Giáo Hội sớm đổi thay.

Nay chúng con ra trước “tà” công nghị
Để quân dữ tuyên án … việc lành ngay;
Để thêm lần sự thật và công lý
Bị bức tử không một chút nương tay.

Mấy mươi năm ! trăm nghe không bằng một thấy
Việc “đảng làm…” là tiếng oán dân than,
Việc đảng làm cho xã hội đầy dẫy:
Tội ác chồng chất, luân lý tan hoang

Cung dâng Mẹ những việc làm chính đáng:
Lời nguyện cầu đòi công lý nhân quyền.
Một Việt Nam dưới bàn tay cộng sản
Việc lành ngay biến thành… “tội tông truyền” !

Ngày lễ Mẹ ! chúng con lên “biệt điện”
Vành móng ngựa bày biện tận…lầu tư !
Ngồi trên cao được mấy kẻ lương thiện
Nói chi là chí công với vô tư.

Sáu mươi bảy năm: họ vẫn tuyên án tử
Cho sự thật, công lý và nhân quyền.
Sáu mươi bảy năm: họ càng thêm no ứ
No bạc vàng, xương máu lẫn “độc” quyền

Ngày lễ Mẹ ! tháng mười hai mồng tám
Triệu triệu người cùng thông hiệp…ra tòa
Vì cầu nguyện là can tội …”gây rối”
Đòi công lý là “phá hoại đảng ta”.

Cung tiến Mẹ ! cung tiến Mẹ tất cả !
Đây xác hồn, cả mạng sống chúng con
Luôn phiên tòa: một tuồng tích giả trá.
Tin, Cậy, Mến: chúng con chẳng hao mòn. Amen
 
Lời Vọng
Tú Nạc
11:36 03/12/2008
LỜI VỌNG
(Hiệp thông Mùa Vọng Thái Hà)

Sáng nay trời trở lạnh,
Dường như tiết đông sang.
Cây lá dáng bẽ bàng,
Heo may buồn mây xám.

Sáng nay trời trở lạnh,
Cơn gió nào bâng khuâng,
Giọt sương nào sót lại,
Cánh hoa nào phân vân.

Sáng nay trời trở lạnh,
Xa tiếng gọi đưa về,
Lời chuông vương gió nhẹ,
Dắt người qua cơn mê.

Sáng nay trời trở lạnh,
Giáo đường thiếu dáng ai,
Mà tiếng kinh vương vấn,
Thoảng lời cầu bi ai.

Sáng nay trời trở lạnh,
Thánh ca hát nguyện cầu,
Xin trời cao đổ xuống,
Mưa Hồng Ân rơi mau.

Sáng nay trời trở lạnh,
Đoàn con cùng hiệp nhất,
Dưới trời cao nguyện cầu:
Loài người biết yêu nhau.

Sáng nay trời Vào Vọng,
Dương thế thiết tha xin,
Đấng Cứu Độ giáng trần,
Đem TÌNH YÊU vô biên.
 
Bài bào chữa cho Công lý ở Thái Hà: về phương diện Công bình và Đạo lý
Luật sư Lê Quốc Quân
14:01 03/12/2008
BÀI BÀO CHỮA CHO CÔNG LÝ Ở THÁI HÀ

(Về phương diện Công bình và Đạo Lý)

Là một luật sư công giáo đã từng dấn bước trên con đường đấu tranh, chịu đựng tù đày như chính anh chị em, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc viết một bài bào chữa cho những hành vi của anh chị về phương diện công bình và đạo lý song song với những lời bào chữa pháp lý của các Luật sư đồng nghiệp.

Tôi bắt đầu viết từ khi có quyết định khởi tố, viết khi đứng trước bàn thờ Đức Mẹ, trước tượng Chúa Giê Su, bên ngoài hàng rào sắt, bên trong bức tường đổ, khi vui với gia đình cũng như lúc làm việc với công an…

Nhưng viết rồi lại xóa vì không tìm thấy ngôn từ nào có thể diễn tả nổi tình cảm của mình trước những người anh chị em đang bị bắt. Tôi thấy những điều mình viết đều trở nên nhỏ bé, tầm thường và chữ nghĩa không chứa nổi một tình yêu sâu xa và linh thiêng của anh chị em đối với Thiên Chúa và với giáo hội Việt Nam.

Khi hùng biện trước người Mỹ hay gào thét trước bá quyền phương Bắc tôi nói thật nhiều và thấy ngôn ngữ tràn trề nhưng hôm nay đứng trước những người anh em nhỏ bé của mình, tôi thấy bất lực. Tôi khóc khi ngước nhìn ảnh Mẹ, xót xa nhỏ lệ khi thấy những người anh em trên mặt báo trong trang phục tù nhân.

Tôi giận dữ với chính mình khi bị vây hãm trong căn nhà nhìn TV vu cáo và mạ lị những chủ chăn kính mến, thấy công an bấm chiếc còng số 8, cướp mất tự do, dẫn anh em đi dọc hành lang rồi đẩy vào sau song sắt nhà tù.

Thế nhưng trong khi ai đó đang say sưa chiến thắng, mê muội hát đồng ca trên vinh quang giả tạo, Thiên Chúa đã âm thầm triệu hồi từng phần một của những niềm tin đang tan tác, quy tụ và hợp nhất lại, tạo nên một đức tin mạnh mẽ. Sự hợp nhất đó cùng với hàng ngàn năm lịch sử phát triển của Giáo hội Công giáo thổi hồn nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đức tin của ta được sống động mà khởi đầu là bằng hành vi của anh chị em.

Là chiên trong một đoàn chiên, tình nối kết đã trở thành máu thịt, thành suy tư của mỗi một người chúng ta, thúc giục chúng ta nói lên tiếng nói của yêu thương, hi vọng và sự sẻ chia với anh chị em khác trong thời điểm khó khăn.

Và Thiên Chúa thông qua các mục tử của Người đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, với cử chỉ đơn sơ nhưng cao cả đã đến thăm gia đình anh em bị tù đày; Giám Tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế Linh Mục Phạm Trung Thành, Cha Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong cùng các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã liên tục khẳng định sự vô tội, chia sẻ trách nhiệm và kêu gọi thả tự do cho anh chị. Các Đức Cha PM. Cao Đình Thuyên, Cosma Hoàng Văn Đạt, FX.Nguyễn Văn Sang, Giuse Vũ Văn Thiên, Giuse Đặng Đức Ngân… cùng với nhiều Đức Cha khác và các linh mục khắp nơi đã lên tiếng ủng hộ. Ông J.B Nguyễn Hữu Vinh đã cùng với các anh em khác, dù minh danh hay ẩn danh, đã làm việc ngày đêm để đem tin tức, sự thật và chân lý đến với mọi người. Hàng triệu tín hữu trên toàn thế giới háo hức nghe tin và thắp nến nguyện cầu.

Và hôm nay, tôi với tư cách một luật sư và là một tín hữu, xin đặt tay lên bàn phím trải lòng mình cùng với những người anh chị em bị xét xử trước tòa với 2 nhận định chính: 1) Họ là những tín hữu và là công dân tốt; 2) Việc họ làm là tốt cho Giáo hội và Nhân dân Việt Nam.

I. Họ là những công dân tốt và là tín hữu tốt.

Để hiểu rõ những người anh em của chúng ta là ai xin hãy cùng nhau nhìn về từng người một theo thứ tự trong quyết định xét xử:

1. Chị Nguyễn Thị Nhi

Chị là chiến sĩ của Đức Ki Tô trong việc đòi hỏi công lý.

Hãy nhìn chị Nhi, Người đã trèo tường vào dâng hoa cho Đức Mẹ ở Khâm Sứ hôm nào. Ngày 25/1 đó, trước mắt tôi không còn là bức hàng rào sắt của tòa khâm sứ mà chỉ thấy hình ảnh một người phụ nữ, mặc áo dân tộc mường, ôm một bó hoa vào tặng Mẹ. Chị bị ngăn cản, bị xô đẩy và đuổi ra khỏi khu vực Tòa Khâm Sứ.

Đó là lần đầu tôi biết Chị và nghe tiếng cồng chiêng của Chị. Chị mang tiếng cồng chiêng từ rừng sâu núi ngàn Kontum cho đến nơi đô hội thị thành Hà Nội, từ Tòa Khâm Sứ đến xứ Thái Hà. Như tiếng trống kêu oan ngàn năm xưa treo trước cửa quan, hôm nay tiếng chiêng ca ngợi Chúa, tiếng chiêng tố giác sự bất công của chị vang xa, bay cao đến cùng với Đức Mẹ tại Linh địa Thái Hà.

Những người giáo dân ở vùng Phú Xuyên, Hòa Bình vẫn nhớ mãi hình ảnh của chị khi chị đã cùng với rất nhiều hội đoàn đấu tranh giành lại đất đai, lấy lại được nhiều tài sản cho giáo xứ, cho địa phận. Chính tinh thần đấu tranh của chị đã làm thức dậy lòng khát khao đòi hỏi công lý và sự thật ở nhiều người. Tinh thần đó đã làm cho nhiều xứ đạo hồi sinh.

Với tư cách là chiến sỹ của Đức Kitô ở đâu có bất công, áp bức là Chị đến và Chị đã bị cường quyền bắt ngay tại chiến trường. Vâng, chị bị bắt ngay tại chính nơi chị đang bảo vệ, nơi linh địa Đức Bà. Chị đến đó để bảo vệ và để sống chết cùng giáo hội, cùng mẹ Maria và cũng tại căn lều dựng tạm đó, người ta ngang nhiên vào bắt chị đi vào lúc 11h trưa ngày 28 tháng 8.

Khi viết những dòng này, tôi mong chị dù đang trong song sắt xà lim vẫn đồng cảm được với những oan ức của những người dân xung quanh, vẫn lắng nghe âm thanh đẹp đẽ của cồng chiêng, của sự thật và công lý vang vọng khắp nơi nơi.

2. Chị Ngô Thị Dung.

Chị là người cứng rắn trong đời thường, gan dạ trong đấu tranh cho giáo hội.

Có lẽ người can trường nhất hôm nay đứng trước mặc chúng ta đây chính là Chị Ngô Thị Dung. Như luôn có thánh thần thôi thúc đòi hỏi phải bảo vệ sự thật và công lý, Chị đã không thể chấp nhận được khi các nhân viên công lực đánh người và chị đã vào can. Chị đã phản ứng lại dữ dội khi truyền thông đã cố tình bóp méo sự thật, vu cáo anh chị em và chủ chăn của mình.

Không chỉ hy sinh hôm nay mà từ lâu Chị đã vất vả nấu ăn, lau chùi, dọn rửa cho nhà dòng. Chị là người phụ bếp, nấu những món ăn đơn sơ, chắt lọc chăm lo phần lương thực hằng ngày cho các Cha Dòng trong những lúc còn khó khăn cả về tài chính và eo hẹp về thời gian. Dù chị đang trong trại giam, nhưng khi ngồi bên chồng Chị tâm sự ngay giữa sân nhà thờ hay lắng nghe lời con Chị qua đài radio, tôi thấy được quyết tâm sắt đá và sự hy sinh cao độ của những thành viên gia đình Chị cho công việc chung của giáo hội.

Đã từng có những bất hòa, nhưng rồi nhờ có Chúa soi đường, có Cha hướng dẫn anh chị đã đến với nhau. Năm nay có lẽ anh chị lại phải cách xa, các con sẽ đón Noel không có mẹ, nhưng đây là sự hi sinh cao cả, những mất mát khó khăn này rồi sẽ qua đi và giữa bốn bức tường nhà giam, có lẽ tất cả tình cảm của gia đình, của giáo dân sẽ đến cùng với chị ngập tràn trong hân hoan mừng lễ Chúa Giáng sinh.

Cuối cùng, đối với Chị, điều có ý nghĩa lớn lao nhất là hôm nay Chị vẫn xác tín rõ ràng rằng hành động của mình là đúng đắn và là nhằm để bảo vệ công lý. Chị chưa hề phạm tội cũng như xưa chưa bao giờ công nhận tiền sự về tội “đầu cơ” trong một cơ chế bóp nghẹt tư thương vào thập niên 1980s mà bây giờ xã hội đã thừa nhận là sai.

3 Chị Nguyễn Thị Việt

Chị Việt là tấm gương về sự kiên trì và phó thác trong cầu nguyện.

Vinh dự thay, cáo trạng đã buộc tội Chị là ngày nào cũng ra khu vực đất để cầu nguyện và tích cực tham gia vào mọi hoạt động của giáo xứ.

Vào ngày đó, hàng chục công an đã đến nhà và đọc lệnh, Chị tiếp nhận nó bình thản và phó thác mọi sự trong tay Chúa bởi chính Chị đã có kinh nghiệm sâu xa về việc cầu nguyện. Chị vất vả nuôi con bệnh tật suốt nhiều năm dài, cho đến khi phải có những quyết định khó khăn nhất Chị đã cầu nguyện trong sự hướng dẫn của Cha Hiên, Thiên Chúa như đã đáp lời Chị trong sự cầu nguyện liên lỉ để có được hoa trái của sự sống mầu nhiệm cho con Cháu của Chị.

Chị đến nhà thờ, xoay xở, lo toan, thuyết phục, trình bày..Chị là một nhân chứng sống động về lời Chúa, đã dấn thân hết mình cho công việc nhà Chúa. Ngay cả khi biết mình có thể phải đối mặt với tù tội, gia đình Chị chấp nhận nó như một niềm vui, một sự cậy trông và phó thác.

4. Chị Lê Thị Hợi

Chị Hợi là tấm gương hy sinh lớn lao cho mọi công việc nhỏ bé của giáo hội.

Có lẽ khó ai trong chúng ta có thể sánh được với người phụ nữ trước tòa hôm nay về sự siêng năng đi lễ nhà thờ, cầu nguyện đọc kinh và làm công tác bác ái. Chị Hợi giống như người được chính Đức Mẹ chọn để sống cùng Đức Mẹ, thao thức cùng mẹ cả những đêm lạnh nhất và những ngày nóng nhất.

Hằng đêm, Chị ngủ trong túp lều dựng trước bức tường ô nhục đã bị phá. Chị đã ở đó cùng với Đức Mẹ từ sáng sớm cho đến đêm khua. Khi những giọt sương lạnh đổ xuống, Chị không quên dâng lời cầu nguyện cuối ngày lên mẹ trước khi ngủ trong bình an giữa túp lều nhỏ.

Tôi đã từng dẫn một người ngoại giáo vào tận lều của Chị để cầu nguyện, thăm hỏi và cảm nhận được sự ân cần của Chị. Chị an ủi và động viên cho một người ngoại đạo và cuối cùng không quên dặn dò rằng: “Hãy gửi lại mọi lo âu cho Đức Mẹ”.

Không chỉ Chị Hợi, mà hầu hết tất cả thành viên trong gia đình Chị đều có hy sinh lớn lao vì đạo Chúa. Một mình Chị đã chịu khủng bố về mặt tinh thần, cương quyết chống lại việc bắt giam, bảo vệ đức tin của mình trong khi chồng đang bị bắt giữ và hàng chục công an đột ngột ập vào nhà.

Trong đêm khuya, tôi bước đến nhà Chị –vợ chồng ở một căn nhà nhỏ trong một hẻm nhỏ đầy những khó khăn của Hà Nội khi xung quanh vẫn lởn vởn nhiều gương mặt lạ. Bỏ qua sự lo âu thoáng đến bề ngoài là tình cảm lớn lao của một người tín hữu dành cho tha nhân từ trong đáy lòng của gia đình Chị.

5. Anh Lê Quang Kiện.

Anh là ngọn lửa của đời sống công chính Kitô hữu hôm qua và hôm nay.

Anh là người giáo dân đã kiên gan bám trụ tại xứ Hàng Bột qua suốt những năm dài khó khăn nhất. Anh là học trò, là đệ tử chân thành của Cha Gìa Chiểu, người đã từng vác ba lô theo Việt Minh đi cứu nước và khi đã nhận thấy đứng sau nó là một chủ thuyết vô thần liền từ bỏ tất cả những mời chào ngọt ngào khác. Cha đã trở về với Chúa và đấu tranh đến tận cuối đời cho tự do tôn giáo, duy trì ngọn lửa tại xứ Hàng Bột qua những thời kỳ bách hại nhất. Cha đã để lại một người đệ tử, một người anh em giữa chúng con hôm nay là anh Kiện.

Suốt hơn 50 năm sống kiên trung giữa giáo xứ Hàng Bột, Anh đã liên tục bị bách hại, chứng kiến nhiều cảnh các Cha các Thầy bị bắt suốt nhiều thập niên. Năm 1963, Anh cùng với nhiều người bạn đã bị đuổi khỏi lớp học để chính quyền lấy trường tư thục công giáo ở Xứ Hàng Bột ngay giữa giờ giảng bài.

Giữa cuộc đời, anh sống giản đơn nhưng bền bỉ như ánh sáng, trong cả khu phố chưa nặng lời hay to tiếng với ai. Thế mà vào sáng chớm thu, khi Anh đang đạp xe đi trên phố thì bỗng nhiên bị hô toáng lên “tên Kiện” và sau đó bị bắt cóc ngay giữa đường, Anh bị ép lên xe, mang đi lòng vòng qua mấy dãy phố trước khi đi về nhà và đọc lệnh bắt ngay giữa lòng đường trước nhà trong sự bủa vây của hàng chục công an với đủ loại phương tiện vũ trang và công cụ hỗ trợ. Họ đã đến như quân dữ để bắt một người con chiên hiền lành đơn sơ. Đây là vết nhơ lâu dài cho chính quyền.

Chính tấm lòng khiêm nhường của mình, nên khi bị giam thì tất cả những người tù thường phạm đều gọi anh là Bố và hết sức tôn trọng anh. Anh đã dạy họ hát bài “Mẹ Fatima”. Có những lúc cả phòng giam gồm 28 người đều hát vang: “Mẹ Maria ôi, sớm chiều cùng nhau sám hối…”. Chính Anh đã khơi gợi lên được những tình cảm tốt đẹp và sự ăn năn thống hối ở những con người mà Nhà nước đã coi là tội phạm. Bao giờ người trưởng buồng cũng dùng chính hai tay trân trọng trao lại cho Anh cỗ tràng hạt mà anh đã gửi lại mỗi khi phải “đi cung” về.

6. Anh Phạm Chí Năng:

Người nông dân nghèo dám chấp nhận hy sinh đặc biệt !

Dù nhà xa Đền thánh hàng chục cây số anh vẫn đến Thái Hà đi lễ vào hầu hết các ngày lễ kính Đức Mẹ. Anh không phải thuộc xứ Thái Hà nhưng anh đã đến với Đền Đức Mẹ hằng cứu giúp nhằm cầu nguyện để xin lời che chở luôn luôn.

Vốn là một nông dân thật thà, chất phác quanh năm chỉ biết làm ruộng, đời sống hết sức khó khăn nhưng anh Năng vẫn hết lòng hy sinh vì việc nhà Chúa. Với năm người con thì đang 2 người đang bị bệnh não nhưng anh “không hề cảm thấy ân hận và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh”. Anh hiểu và tông trọng các giá trị đạo đức và tinh thần, anh tin vào sự mầu nhiệm của Thiên Chúa và sự thật không thể bóp méo. Anh phó thác cho Mẹ những khó khăn hàng ngày và sẵn sàng đứng lên để cầu nguyện, để bảo vệ công lý và sự thật.

Ngày 15/8/2008, hòa mình cùng với giáo dân Thái Hà, không một tấc sắt trong tay, chỉ có một tấm lòng trong sáng dâng lên Đức Mẹ, Anh đã góp công phá vỡ “bức tường bất công” để cho mọi người có thể đến gần hơn với Mẹ.

Chính vì có lòng can trường và phó thác như vậy, anh chấp nhận ngồi tù nếu như buộc phải như vậy. Con của anh hiểu rõ sự dấn thân và dám hy sinh của Bố nên đã không viết giấy bảo lãnh vì sợ khi ra Bố sẽ mắng rằng“Việc mình làm là đúng, không việc gì phải thừa nhận tội”. Cuối cùng chính UBND xã phải đứng ra làm giấy bảo lãnh cho anh được tại ngoại. Ngay khi ra khỏi nhà giam, anh đến Thái Hà gặp gỡ bề trên, xác tín vào việc mình làm và phó dâng hoàn toàn cho cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

7. Anh Nguyễn Đắc Hùng.

Cuộc sống khó khăn trăm bề, anh vẫn dấn thân tận hiến !

Chính anh đã từng tìm hiểu về đời tu và tinh thần đó vẫn thấm đẫm trong anh. Từ ngày lấy vợ sinh con anh phần nhiều phải xa vợ. Một mình anh phải làm những việc làm nhỏ nhặt nhất trong gia đình để chăm lo cho con cái. Dù xa xôi cách trở, anh vẫn thường ra hành hương kính Đức Mẹ hằng cứu giúp hàng tuần và ngày thứ 6 tốt lành đó anh đã không quản ngại đường xa để đến với đức Mẹ.

Cũng bằng sự tham gia vào buổi lễ đó, anh rơi vào những bủa vây của pháp luật côn đồ. Anh đã phải lánh đi trốn tránh bạo quyền một thời gian nhưng lòng dũng cảm đã thúc giục anh bước ra đối diện với sự thật và xác quyết nói lên tiếng nói lương tâm của mình.

Anh có đời sống khó khăn, nhưng tinh thần Kitô hữu và khát khao tân hiến cho Chúa vẫn trào dâng mỗi lần có cơ hội. Anh đang chạy ngược chạy xuôi lo toan cơm áo và chuyện học hành cho các con nhưng không phải vì vậy mà anh trốn tránh hoặc bỏ qua. Anh vẫn kiên trung đứng cùng giáo hội, bước đi trong đau khổ nhưng đầy hào quang phía trước.

8. Anh Thái Thanh Hải

Người trẻ nhất với tấm lòng trong sáng sẻ chia !

Sinh năm 1987, anh là người trẻ nhất trong tất cả những anh em bị chính quyền bách hại.

Với truyền thống gia đình Công giáo đã cư ngụ rất nhiều năm tại số 42 Nguyễn Lương Bằng, nên ngay từ tấm bé, anh Hải đã biết rất rõ nguồn gốc khu đất và sau này là âm mưu tham nhũng, chia lô đất bán cho tư nhân.

Chính tâm hồn trong sáng, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng yêu mến sự thật, chàng thanh niên đã không nỡ nhìn thấy các cụ già vất vả, anh đã sẻ chia và gánh vác từng phần trách nhiệm cho bản thân với lòng thanh thản. Anh đã lăn xả vào với những người già để dỡ bỏ bức tường ô nhục.

Vì đơn sơ lương thiện, đã có lúc phải đấu tranh quyết liệt chống lại những thủ đoạn cản trở, đe dọa đến từ chính quyền và cả Nhà trường. Có những lúc vì sự đe dọa và theo dõi quá gắt gao nhiều quá nên tinh thần anh tưởng như chùng xuống. Nhưng cuối cùng, khi ý thức rõ ràng về hành vi của mình là nhằm bảo vệ công lý và sự thật, anh đã quyết tâm khẳng định việc làm của mình là đúng đắn và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn phải đến.

2. Việc họ làm là tốt đẹp cả đối với Thiên Chúa và Nhân dân !

Trong sự khát khao công lý chúng ta hãy dành một phút để cùng hình dung về việc họ làm trong sự thúc đẩy của thánh linh và tình cảm dạt dào với Chúa Mẹ:

Cắt ! Chúng ta hãy cùng nhau cắt tất cả thép gai đang chằng buộc xung quanh. Chúng ta cắt những công cụ chiến tranh đã rào kín linh địa vốn là gia bảo của Dòng. Cắt những thứ đang trói chặt chúng ta trong nô lệ, khổ cực và bần hàn. Hãy cắt đứt những sợi dây tội lỗi đang trói chặt những người dân trong sự hạn hẹp của một chủ thuyết vô thần. Tự do, sự thật sẽ giải phóng được tất cả chúng ta và sẽ đem lại hoa trái cho toàn dân Việt chúng ta.

Dỡ bỏ ! Chúng ta hãy dỡ bỏ bức tường ngăn cách, những sách nhiễu, những phiền hà hơn 40 năm qua. Phía bên kia là nơi Mẹ đứng, như Mẹ đã từng đứng trong suốt hơn 60 năm. Mẹ không chỉ ngự ở những nơi cao sang mà mẹ vẫn còn đó, nơi lịnh địa mà từ năm 1943. Mẹ vẫn tồn tại mãnh liệt trong hoa lá, cỏ cây. Mẹ hòa mình trong đám cỏ hoang vu như ngọn nến nhỏ với lửa thiêng ẩn mình đang đợi những người anh em. Và anh em đã dỡ bỏ sự ngăn cách đó.

Bước qua ! Chúng ta hãy cùng nhau bước qua bức tường đổ để đến ùa đến với Mẹ. Khi bước qua bức tường để tiến vào linh địa, là lúc chúng ta bước qua sự sợ hãi, bước qua bóng tối của tâm hồn để tiến đến sự sáng, đến với sự thật. Chúng ta đến với mảnh đất được Chúc phúc. Bước qua những ngăn cách có nghĩa là chúng ta nỗ lực vươn lên hội nhập với phần còn lại của thế giới, chúng ta đến với những giá trị văn minh, dân chủ và phú cường. Những người anh em đã bước những bước chân đầu tiên trong một tiến trình của dân tộc tất yếu sẽ đến.

Dọn dẹp sửa sang ! Chúng ta theo chân những người anh chị em của mình bắt đầu công việc dọn dẹp và sửa sang linh địa. Nhiều cánh tay đã cùng nhau vươn ra nhổ cỏ, khiêng đá vứt đi, cào đất san lấp, nhấc ván kê đường…Chúng ta đã đến cùng mẹ sửa sang lại một chỗ dẫu còn tạm bợ cho Mẹ ngự. Không chỉ bằng hành động vật chất, Chúng ta theo chân những anh chị em, sửa đổi chính mình, canh tân đời sống để đón mừng Mẹ Hằng Cứu giúp. Từ một khu đất hoang vu, cỏ mọc um tùm, chúng ta đã dọn dẹp và tân trang lại để đứng. Và từ đó Người bắt đầu tỏa ánh sáng linh thiêng huyền diệu.

Thắp nến nguyện cầu ! Và cuối cùng, đỉnh điểm cao nhất của việc làm là chúng ta thắp nến cầu nguyện. Từ đó, hằng đêm, có biết bao nhiêu con chiên đã đến hát vang lời Kinh Hòa Bình hay lặng thinh cầu nguyện. Nhiều người đã chứng kiến những sự lạ, những vui mừng đến nghẹt thở, những biến cố xót xa... Ngọn nến sáng của đức tin đã được đốt lên nơi linh địa, bắt đầu một hành trình tỏa sáng khắp Việt Nam và cả địa cầu.

Vâng ! Những người anh em của tôi đã làm tất cả những việc đó với tấm lòng trong trắng, với sự thúc giục của lương tâm và sự thật, của tiếng nói tự đáy lòng mà Thiên Chúa đã trao ban. Họ in dấu chân nhỏ nhoi của mình trong tiến trình Kitô Hữu dấn thân cầu nguyện cho công lý, cho hòa bình.

Vâng ! Những người chị em hôm nay có thể đi tù nhưng rõ ràng bất cứ sự cáo buộc hay tuyên án đối với họ chỉ là một bản án không có công lý, không được nhân dân ghi nhận. Mãi mãi sẽ là như vậy, bản án không bao giờ được xem như là một phán quyết có giá trị bảo lưu trong đời sống ngoài sự áp đặt thô bạo của chính quyền hiện hành. Chưa cần đến một chính quyền mới mà bản án ngày hôm nay đối với anh chị tự nó đã trở nên vô hiệu.

Và rồi, phiên tòa sẽ khép lại. Cơ thể những người anh chị em hôm nay có thể bị nhốt nhưng lương tâm không thể bị cầm tù. Anh chị có thể bị tước mất tự do nhưng khát khao công lý đến từ sâu thẳm trong tâm hồn không thể ai tước đoạt được. Người ta có thể bóp méo và tiếp tục đưa tin tức sai trái, nhưng những gương mặt bình thường như lẽ phải của anh em sẽ đang và sẽ có người lên tiếng bảo vệ. Ai đó có thể sẽ cảm thấy cô đơn nhưng hàng ngàn lời nguyện cầu trong yêu thương và hy vọng vẫn âm thầm đồng hành trong mỗi giờ khắc khó khăn của anh chị và gia đình.

Ở tầm vóc quốc gia, trước mắt chúng ta là một Việt Nam yêu quý, với những con người đầy yêu thương chia sẻ nhưng trước mắt chúng ta cũng là một Việt Nam đang bị phá nát bởi đói nghèo và tham nhũng. Chúng tôi sẽ theo bước chân của anh chị bước qua những đổ vỡ, bất công, tìm đến một nền công lý và hòa bình thực sự trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Thành quả đầu tiên cho nhân dân hôm nay là đã đập tan một âm mưu tham nhũng lớn và ít nhất cũng đã trả lại cho công chúng một chỗ để ngồi và suy tư về lẽ công bình giữa cuộc sống muôn vàn khó khăn.

Rõ ràng rằng công lý đã, đang và mãi mãi thuộc về Anh Chị !

Hà Nội, ngày 4.12.2008 bốn ngày trước phiên sơ thẩm
 
Thông báo: Cầu nguyện cho các nạn nhan vì công lý sắp phải ra tòa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
14:23 03/12/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
180/2 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội


Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2008

THÔNG BÁO
v/v CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN
VÌ CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT Ở GIÁO XỨ THÁI HÀ


Kính gửi: Quý ông bà anh chị em

Vào lúc 8 giờ 5 phút ngày 08/12/2008, tại UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 Hoàng Cầu, Hà Nội, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa sẽ mở phiên tòa xét xử 8 giáo dân đã tham gia bảo vệ công lý ở Giáo xứ Thái Hà.

Tám giáo dân này là những người đã tích cực làm chứng cho công lý và sự thật. Họ không làm điều gì vi phạm pháp luật, song đã bị bắt giữ và/ hoặc truy tố bất công.

Vì thế, Giáo xứ Thái Hà sẽ tổ chức buổi cầu nguyện cho 8 giáo dân trên đây, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày thứ bẩy 06/12/2008, tại nhà thờ Thái Hà, 180/2 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội.

Kính mời quý ông bà anh chị em đến tham dự để cầu nguyện cho 8 giáo dân trên đây, là anh chị em của chúng ta, được đứng vững trong chân lý và cho chính chúng ta cũng được can đảm làm chứng cho công lý và sự thật.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

T/L Cha Bề trên-Chính xứ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
Phát ngôn viên Giáo xứ Thái Hà
Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Subprimes và những cuộc khủng hoảng tiếp nhau
Hà Minh Thảo
19:31 03/12/2008

SUBPRIMES VÀ NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG TIẾP NHAU



Cách đây gần 80 năm, từ ngày 29.10 đến hôm 13.11.1929, khi giá chứng khoán xuống mức thấp nhất, hơn 30 tỷ mỹ kim đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ, đưa tới cuộc Đại Suy thoái năm 1929… Với một thời gian dài hơn, với những phương tiện tinh vi hơn, subprimes cũng đang tạo nên cuộc Suy thoái toàn cầu hiện nay, năm 2008. Đây là những nguyên nhân đã gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế.

I. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 1929.

Thập niên 1920 đánh dấu một thời gian tăng trưởng kinh tế rất mạnh tại Hoa kỳ. Từ năm 1921 đến 1929, mức sản xuất công nghiệp tăng 50% so với thập niên trước. Trong cùng thời gian đó, ‘bong bóng’ chứng khoán tăng 18% hằng năm, tức một sự gia tăng tổng cộng là 300%. Gọi là ‘bong bóng’ vì giá các cổ phần niêm yết tại thị trường chứng khoán gồm một phần là trị giá thực của xí nghiệp và phần khác là trị giá ảo do những người đầu cơ đẩy giá lên, được ví như là không khí trong một cái bong bóng. Do đó, giá chứng khoán tăng nhanh hơn lợi nhuận của xí nghiệp; lợi nhuận xí nghiệp tăng nhanh hơn mức sản xuất và tiền lương công nhân.

Sự đầu cơ chứng khoán nảy sinh từ 1928 và trở nên đáng ngại khi người ta đi vay ngân hàng để mua chứng khoán. Cổ tức không còn thu hút nhà đầu tư, nhưng chính là bán đi để thu một số thặng dư (plus-value) quan trọng.

Đầu năm 1929, nền kinh tế Hoa kỳ đã có dấu hiệu yếu kém: số sản xuất xe hơi từ 622000 giảm còn 416000, từ tháng 3 đến tháng 9. Mức sản xuất công nghiệp giảm 7%, từ tháng 5 đến tháng 10. Sự suy giảm này có nguyên nhân là tiền tiết kiệm được dùng để mua chứng khoán hơn đầu tư vào xí nghiệp sản xuất.

Vài ngày trước cuộc phá sản chứng khoán (krach), những đợt bán hàng loạt chứng khoán được thực hiện. Đó là những đợt bán để lấy lời và những cũng làm cho giá chứng khoán giảm sụt. Làm sao bán để lấy lời? Để khuyến khích công nghệ xe hơi, Nhà Nước hứa mua lại giá 100 mỹ kim xe cũ của những ai chịu mua một chiếc xe mới. Hy vọng việc làm ăn của công ty Ford sẽ có lời, nhà đầu tư A mua ngay 5000 cổ phần với giá 50 mỹ kim mỗi cổ phần, trả 250000 mỹ kim ngày 05.10.1925. Các nhà đầu tư khác cũng hy vọng như vậy, nên tìm mua với giá cao hơn, tức 58 mỹ kim vào ngày 08 tháng đó và, vì còn người chịu mua, giá lên 62 mỹ kim hôm 12. Sáng ngày 15.10.1925, khi thấy chỉ số Dow Jones niêm yết giá của Ford là 65 mỹ kim/cổ phần, ông A thuận bán 5000 cổ phần với giá 325000 mỹ kim (65 x 5000). Như vậy, chỉ trong 10 ngày, với số vốn 250000 mỹ kim, ông A đã lời được 75000, tức 3% hay 9%/tháng.

Những sự hoảng sợ bắt đầu trong giới đầu tư từ thứ năm ngày 24.10.1929 (thứ năm đen) khi người ta hầu như không tìm ra người mua chứng khoán, nên giá chứng khoán sụp đổ. Vào lúc trưa, chỉ số Dow Jones giảm đến 22,6%. Các thị trường chứng khoán ở Chicago và Buffalo đóng cửa. Năm ngân hàng chính ở New York hội họp chỉ trong vòng 20 phút. Lúc gần 14 giờ, các công ty đầu tư can thiệp trực tiếp như Richard Whitney đề nghị mua 25000 cổ phần của U.S. Steel với giá 205 mỹ kim/cổ phần, trong khi giá đang niêm yết là 195 mỹ kim/cổ phần. Nhờ thế, chỉ số Dow Jones chỉ còn giảm 2,1% khi đóng cửa so với lúc mở cửa thị trường chứng khoán New York.

Nhiều nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán buộc lòng phải hoàn trái sáng ngày mai. Ngày thứ sáu 25 và sáng thứ bảy 26.10.1929 (trước Thế chiến 2, sáng thứ bảy vẫn có giao dịch chứng khoán), thị trường chứng khoán New York sinh hoạt bình thường. Nhưng ‘thứ hai đen’ 28.10.1929 đáng lưu trí nhớ vì, hôm đó, trái với thứ năm trước, các ngân hàng không can thiệp khi chỉ số Dow Jones đã giảm sụt 13%. Chứng khoán vài công ty mất giá trầm trọng như General Electric mất 48 điểm, Eastman Kodak 42, AT&T và Westinghouse 34, U.S Steel 18.

Ngày ‘thứ ba đen’ 29.10.1929, 16,4 triệu cổ phần được trao tay và chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm đến 12%, số thặng dư 10 tháng qua biến mất. Từ 22.10 đến 13.11.1929, chỉ số Dow Jones giảm từ 326,51 điểm xuống còn 198,69 (- 39%, tương đương với một sự mất ảo khoảng 30 tỉ mỹ kim (trị giá năm 1929), tức 10 lần ngân sách liên bang Hoa kỳ và cao hơn tổng số chi phí của Hoa kỳ trong Thế chiến thứ nhất.

Trong những năm kế tiếp, từ 1930 đến 1932, chỉ số Dow Jones giảm còn mạnh hơn và chỉ còn 41,22, mức thấp nhất kể từ khi thành lập năm 1896, vào ngày 08.07.1932. Các thị trường chứng khoán Hoa kỳ và thế giới, ảnh hưởng lẫn nhau, lần lượt suy sụp.

Sự mất niềm tin do khủng hoảng thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và đầu tư trong những tháng sau đó. Những nhà đầu tư đã vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán không thể trả nợ. Do đó, các ngân hàng buộc phải đòi những điều kiện thật khó khăn khi thuận cấp tín dụng khiến các xí nghiệp lớn bị thiếu tiền cho việc sản xuất. Những xí nghiệp nhỏ lần hồi tuyên bố khánh tận, làm gia tăng tính bấp bênh của các ngân hàng. Những người gởi tiết kiệm hoảng sợ, kéo tới ngân hàng đòi tiền ký thác. Do đó, tới phiên các ngân hàng không còn tiền trả và phải tuyên bố khánh tận. Cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, từ năm 1930, trở thành khủng hoảng ngân hàng.

Khi khánh tận (hay phá sản, faillite), xí nghiệp hay ngân hàng phải trả lương cho nhân viên trước nhất, rồi đến thuế Nhà Nước và phần đóng góp các quỹ An ninh xã hội. Phần còn lại, xí nghiệp trả theo tỉ lệ cho các chủ nợ khác (đa số là các nhà cung cấp). Cũng thế, ngân hàng cũng chỉ trả phần còn lại cho những chủ nợ khác mà đa số là các trương chủ ký thác tiền. Tuy nhiên, ngân hàng là cửa tiệm buôn bán tiền, cần phải có uy tín đặc biệt, nên được Nhà Nước bảo đảm số tiền ký thác nơi trương mục vãng lai hay tiết kiệm. Nhà Nước Pháp quốc bảo đảm đến mức 70000 euros, đa số các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu hứa đến mức 50000 euros.

Ngân hàng không cho vay tiền, sự tiêu thụ giảm bớt và xí nghiệp sản xuất giảm thiểu buộc xí nghiệp sa thải công nhân và số người thất nghiệp bùng phát (13 triệu người tại Hoa kỳ năm 1933) và khủng hoảng ngân hàng biến thành khủng hoảng kinh tế từ năm 1931. Đó là thời kỳ Đại Suy Thoái với hậu quả:

- Sản lượng công nghiệp giảm 45% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Số nhà xây mới giảm 80% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Từ năm 1929 tới năm 1932, 5.000 ngân hàng phá sản.

Ngoài ra, những biện pháp bảo vệ mậu dịch như luật Hawley-Smooth tăng thuế trên hàng hóa nhập cảng từ các nước khác để người Mỹ bớt mua dùng. Do đó, khủng hoảng kinh tế tràn lan sang các quốc gia Âu châu từ năm 1931.

Nền kinh tế Hoa kỳ chỉ phục hồi thật sự khi liên bang tham gia Đệ Nhị Thế chiến cuối năm 1941.

II. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 2008.

A. Vay tiền mua nhà đúng tiêu chuẩn.

1. Các ngân hàng cũng như cơ quan tín dụng, do tính cách thận trọng bắt buộc, cho vay trả góp để mua nhà chỉ chấp thuận nợ vay ở mức khoảng 75% trị giá căn nhà và phải chứng tỏ mình có khả năng tài chính để trả nợ đều đặn trong suốt thời gian đi vay. 25% còn lại là phần vốn người mua nhà phải có sẳn để trả cho người bán.

Tiền phải trả mà nguời vay phải trả cho ngân hàng bằng nhau hàng tháng (mensualité) gồm một phần là tiền lời (giảm với thời gian) và phần khác là vốn vay (tăng).

2. Sau đó, ngân hàng dùng công thức ‘tỷ lệ 28/36’ tính theo mức lợi tức hàng tháng. Ngân hàng thường chỉ thuận cho vay nếu số tiền trả hàng tháng (kể cả thuế và tiền bảo hiểm ngôi nhà) không vượt quá 28% lợi tức hàng tháng. 36% lợi tức còn lại dùng để trả các khoản nợ khác và để sống.

3. Ngoài ra, ngân hàng còn căn cứ vào tính tin cậy của người đi vay mà điều quan trọng là khách nợ có trả đúng hạn kỳ cam kết không.

Thí dụ, một người lãnh lương 5000 mỹ kim mỗi tháng thì có khả năng hoàn trái nợ mua nhà là: 6000 x 28% = 1400 mỹ kim. Nếu người đi vay để mua nhà với hạn kỳ 30 năm, trả theo hình thức chiết cựu (amortissement, tiếng Pháp, amortization, tiếng Anh) lãi suất 7,25%/năm, thì hy vọng vay được 205000 mỹ kim và có thể mua căn nhà trị giá khoảng: 205000/75%=273000 mỹ kim và một số tiền có sẳn: 273000 – 205000 = 68000 mỹ kim.

Theo Hợp đồng Tín dụng thế chấp Địa ốc (prêt hypothécaire), nếu người vay mua nhà không trả nợ, ngân hàng sẽ thu lại nhà để bán, trừ vào tiền nợ. Cả gia đình bị đuổi khỏi nhà.

B. Vay tiền mua nhà.. . dưới chuẩn.

Nói một cách đơn giản, Ngân hàng Trung ương có nhiệm vụ dùng lãi suất căn bản để giúp gia tăng kinh tế bằng hạ lãi suất hầu các nhà sản xuất trả tiền lời thấp sẽ giử giá bán rẻ và người tiêu thụ vay nợ trả lời thấp sẽ có thêm mãi lực mua hàng nhiều hơn. Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất căn bản để giảm bớt số tiền lưu hành khi có lạm phát.

1. Từ năm 2001, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (ngân hàng trung ương Hoa Kỳ) đã giảm lãi suất căn bản chỉ còn 1%, Đây là mức thấp nhất từ trước đến nay và trở thành động cơ khuyến khích những gia đình có mức thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất rất thấp trong những năm đầu, gọi là subprime (cho vay dưới chuẩn), sau đó sẽ tăng giảm theo thời giá. Nhưng lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 4-5 năm đầu, sau đó, đã tăng lên từ 10 đến 15%, tức theo lãi suất di động (taux variable, tiếng Pháp, adjustable rate mortgage, tiếng Mỹ) theo lãi suất do Quỹ Dự Trữ Liên Bang, dưới thời Chủ tịch Alan Greenspan, ấn định. Bởi vậy, nhiều gia đình mượn tiền ‘cho vay dưới chuẩn’ không còn khả năng tiếp tục trả nợ nữa. Do đó, các định chế cho vay tịch thu những căn nhà thế chấp kia đem ra bán nhằm thu hồi lại số tiền đã cho vay. Năm 2007, khoảng 2 triệu căn nhà đã bị phát mãi theo kiểu này (năm 2006 là 1,2 triệu căn). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, con nợ, vừa bị mất tiền lẫn mất nhà, đã đập phá nhà trước khi bị đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, khủng hoảng địa ốc đã xảy ra tại Hoa kỳ vì chủ nợ không thu được lời lẫn vốn.

Các ngân hàng và người đi vay không phải không thấy các nguy hiểm của loại tín dụng dưới chuẩn này, nhưng hoàn cảnh kinh tế và tài chánh lúc đó đã cho phép đôi bên có những hy vọng:

a) Giá nhà cửa sẽ tiếp tục gia tăng. Mọi người đều tin rằng giá nhà cửa sẽ gia tăng và khi phải ‘tính vay lại’ thì điều kiện món nợ ấy có thể được tái tài trợ dễ dàng.

Cơn sốt các ‘công ty về tin học, Internet’ niêm yết tại thị trường chứng khoán Nasdaq đã giúp nhiều người được giàu to. Họ dùng tiền thừa đầu tư vào địa ốc tại những vùng công nghiệp cao như thung lũng Silicon khiến giá tăng vùn vụt và lan rộng khắp nước Mỹ. Khi bong bóng ‘công ty về tin học, Internet’ tan vỡ, nhiều công ty bị đóng cửa, số công nhân mất việc gia tăng và mãi lực suy giảm.

Để tránh kinh tế suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục hạ lãi suất. Nhiều người lại tham gia thị trường địa ốc khiến giá nhà tiếp tục gia tăng. Trong 10 năm qua, giá nhà ở Mỹ đã tăng khoảng 20% mỗi năm. Họ vay tiền để mua nhà và, khi giá nhà lên, thì bán đi để lấy lời. Rồi, họ vay nợ mua nhà khác vì trong hai năm đầu, lãi suất rất rẻ.

b) Cơ quan tín dụng địa ốc gia tăng. Trước thập niên 1980, vốn cho vay địa ốc đều do ngân hàng cung cấp với những điều kiện gắt gao và lượng tiền cho vay tùy thuộc phần lớn vào số tiền ký thác của khách hàng, và để tránh rủi ro thì chỉ một phần của tổng số tín dụng được dành cho địa ốc. Số người đủ tiêu chuẩn để vay tiền vì thế không nhiều và muốn giúp dân chúng có nhà thì Chính phủ Hoa kỳ phải tìm cách tạo thêm các nguồn tài trợ khác.

Năm 1980, Đạo luật Giao dịch Thế chấp Tương đương (Alternative Mortgage Transaction Parity Act) được ban hành, nới rộng những quy luật cho vay và khuyến khích việc thành lập những cơ quan tài trợ khác. Vì ít bị ràng buộc bởi những luật lệ ngân hàng, nên nhiều công ty tài trợ mới này tung hoành cho vay. Người ta cho rằng đây cũng là một mầm mống đưa đến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn hiện nay.

c) Tín dụng dành cho vay địa ốc gia tăng. Để giúp ngân hàng có vốn cho vay, Chính phủ Mỹ cho thành lập một số “Công ty do Chính phủ bảo trợ” (Government Sponsored Enterprise) với hai cơ quan lớn nhất là Hiệp hội Quốc gia tài trợ bất động sản (Federal National Mortgage Association - gọi tắt Fannie Mae), và Công ty Quốc Gia tài trợ địa ốc (Federal Home Loan Mortgage Corporation - gọi tắt Freddie Mac).

Các cơ quan này mua lại những món nợ vay của các ngân hàng và dùng làm thế chấp để phát hành những ‘Trái phiếu bất động sản’ (Mortgage-backed Securities) bán cho các nhà đầu tư khác.

Họ cũng bán các món nợ này cho các ngân hàng đầu tư (banque d’investissement, tiếng Pháp, và investment bank, tiếng Anh) để các ngân hàng này phát hành những trái phiếu bất động sản và bán lại cho các nhà đầu tư khác. Từ đó, những món nợ địa ốc (kể cả các khoản nợ khó đòi) được luân chuyển và thay thế bởi những tiền vốn mới do bán những trái phiếu này trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Ngày nay, vì các ngân hàng Hoa kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn tiêu chuẩn cho vay, nên những con nợ đang gặp khó khăn không thể vay nợ thêm (lãi suất thấp) để trả món nợ tồn động (lãi suất cao hơn).

d) Tiền lời trên tiền vay địa ốc còn được trừ tiền thuế lợi tức từ một mức nào đó tùy theo luật tài chánh từng năm.

2. Nhưng điều vô cùng nguy hiểm như chúng ta đang thấy hiện nay là làm sao khủng hoảng địa ốc tại Hoa kỳ đã lan sang sinh hoạt tài chính thế giới ?

Có ba giai đoạn:

a) Ngân hàng Hoa kỳ theo nguyên tắc sơ đẳng ‘mọi rủi ro (như nợ khó đòi) đều có thể giao hoán vì đầu tư là chấp nhận rủi ro với hy vọng đạt được mức lời cao hơn’. Theo đó, sau khi cấp tín dụng, ngân hàng tìm cách chuyển nhượng những món nợ này cho những cơ quan tài chánh khác, bằng cách ‘tái kết cấu’ và ‘đóng gói lại’ (titrisation, tiếng Pháp hay ‘restructuring and packaging’, tiếng Anh) các món nợ và bán lại cho những nhà đầu tư quốc tế dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu.

b) Theo giới chuyên gia tín dụng, khoảng 75% các món nợ ‘cho vay dưới chuẩn’ tại Hoa Kỳ đã được biến thành trái phiếu hay cổ phiếu và các chứng khoán này được niêm yết trên thị trường chứng khoán (400 tỷ mỹ kim đã được phát hành trong năm 2007). Tại đây, những món nợ với rủi ro cao được chuyền tay mua bán. Người mua có thể thu một số lời rất cao khi món nợ dưới chuẩn trước được thanh toán.

c) Các ngân hàng và quỹ đầu tư Âu châu tìm mua các trái phiếu hay cổ phiếu nói trên. Như vậy, những ngân hàng và quỹ đầu tư này trở thành chủ nợ của những người Mỹ không còn khả năng trả nợ, nên bị mất tiền. Hậu quả của tình trạng vỡ nợ vay dưới chuẩn tại Hoa Kỳ đã gây nhiều thiệt hại trực tiếp cho các ngân hàng và an ninh tiền tệ thế giới. Khủng hoảng tài chính thế giới đã thành hình. Trong 11 tháng qua, tính đến 30.11.2008, chỉ số công nghệ Dow Jones (New York, Hoa kỳ) đã giảm 33,75% (từ 13279,50 chỉ còn 8829,04 điểm) và chỉ số CAC 40 (Paris, Pháp quốc) đã giảm 41,33% (từ 5665,94 chỉ còn 3262,68 điểm).

Cuộc khủng hoảng địa ốc này xuất phát từ đầu năm 2006, số người đã mượn tiền theo hệ thống "cho vay dưới chuẩn" đã lần lượt thi nhau vỡ nợ. Các ngân hàng và cơ quan tín dụng không đòi được nợ. Các nhà thế chấp đã lấy lại được nhưng không còn dúng giá thật, thì chủ nợ bị phá sản. Kinh tế các nước lần lượt bị rơi vào suy thoái.

HÀ–MINH THẢO
 
Thông Báo
Cáo Phó: Thầy Thầy Tôma M. Trịnh Văn Chí, CMC đã tạ thế
LM Micae M. Trần Mại, CMC
16:48 03/12/2008

R.I.P.


Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, Carthage, Missouri xin kính báo tới Quí Đức Hồng Y,
Quí Giám Mục, Quí Linh Mục & Quí Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể Dân Chúa:
Người Anh em của chúng con là

Thầy Tôma M. Trịnh Văn Chí, CMC


(Trịnh Văn Hinh)
mới được Chúa gọi về Nhà Cha sáng Thứ Bảy, ngày 29 tháng 11 năm 2008.

Sau đây là sơ lược tiểu sử của Thầy.

-Sinh ngày 24.06.1913 tại Xứ Lục Thủy, Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định, Bắc Việt Nam.
-Rửa tội ngày 27.06.1913 và lãnh Bí Tích Thêm Sức ngày 15.10.1920.
-Vào Nhà Đức Chúa Trời Ngày 15.06.1925.
-Nhập Tiểu Chủng Viện Ninh Cường ngày 01.07.1931.
-Năm 1933 Gia nhập trường Thầy Giảng, hai năm ở Bùi Chu và hai năm ở Phú Nhai.
-Ngày 20.05.1938 mãn trường Thầy Giảng.
Thầy Hinh đã đi nhiều xứ thuộc Địa Phận Bùi Chu làm thầy quản nhà thờ,
săn sóc giáo hữu, cùng với các đoàn thể, dạy giáo lý, dạy cho các Em tiểu học mẫu giáo,
và đi làm tuần đại phúc trong nhiều giáo xứ khắp nơi.
-Ngày 15.03.1940 Thầy theo Cha Già Hiển về phục vụ con chiên ở Xứ Ninh Mỹ, Hải Hậu, Nam Định,
cũng như theo Cha Già Hiển coi xứ Xuân Thủy, Hải Hậu, Nam Định từ ngày 01.02.1941.
-Gia Nhập Tu Hội Đồng Công tháng 7 năm 1942.
-Ngày 15.08.1943 thì được khấn truyền giáo lần thứ nhất.
-Ngày 25.03.1954, Vào Nhà Thử Lớp II tại Tu Viện Trung Lễ, đổi tên Trịnh Văn Chí.
-Ngày 25.04.1955, Thầy rời khỏi Liên Thủy bằng phương tiện tầu thủy để vào miền Nam.
-Tháng 5 năm 1975 định cư tại Carthage, Missouri, Hoa Kỳ.
-Từ ngày 10.09.1980 nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
-Vào sáng Thứ Bảy, 29.11.2008 Thiên Chúa đã khẽ gọi Thầy về Nhà Cha
tại Nhà Hưu Dưỡng Mater Dei, Carthage, Missouri, hưởng thọ 95 tuổi.
-Thứ Bảy 06-12-2008 Thánh Lễ An Táng Thầy Tôma tại Đền Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ,
Tỉnh Dòng Mẹ Lên Trời, Carthage, Missouri, USA.
-Sau đó Linh Cữu Thầy Tôma sẽ được an nghỉ tại Nghĩa Trang Resurection, Springfield, Missouri.

Kính xin quí Đức Hồng Y, Quí Giám Mục, Quí Linh Mục, Quí Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể
Quí Ông Bà Anh Chị em thêm lời cầu nguyện cho Linh Hồn Thầy Tôma
được sớm về hưởng tôn nhan Chúa cùng với các Bậc Thần Thánh.

Kính báo,
Linh Mục Micae M. Trần Mại, CMC
Giám Tỉnh
 
Tin Đáng Chú Ý
Subprimes va những cuộc khủng hoảng tiếp nhau
Hà-Minh Thảo
19:17 03/12/2008
SUBPRIMES VÀ NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG TIẾP NHAU

Cách đây gần 80 năm, từ ngày 29.10 đến hôm 13.11.1929, khi giá chứng khoán xuống mức thấp nhất, hơn 30 tỷ mỹ kim đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ, đưa tới cuộc Đại Suy thoái năm 1929… Với một thời gian dài hơn, với những phương tiện tinh vi hơn, subprimes cũng đang tạo nên cuộc Suy thoái toàn cầu hiện nay, năm 2008. Đây là những nguyên nhân đã gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế.

I. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 1929.

Thập niên 1920 đánh dấu một thời gian tăng trưởng kinh tế rất mạnh tại Hoa kỳ. Từ năm 1921 đến 1929, mức sản xuất công nghiệp tăng 50% so với thập niên trước. Trong cùng thời gian đó, ‘bong bóng’ chứng khoán tăng 18% hằng năm, tức một sự gia tăng tổng cộng là 300%. Gọi là ‘bong bóng’ vì giá các cổ phần niêm yết tại thị trường chứng khoán gồm một phần là trị giá thực của xí nghiệp và phần khác là trị giá ảo do những người đầu cơ đẩy giá lên, được ví như là không khí trong một cái bong bóng. Do đó, giá chứng khoán tăng nhanh hơn lợi nhuận của xí nghiệp; lợi nhuận xí nghiệp tăng nhanh hơn mức sản xuất và tiền lương công nhân.

Sự đầu cơ chứng khoán nảy sinh từ 1928 và trở nên đáng ngại khi người ta đi vay ngân hàng để mua chứng khoán. Cổ tức không còn thu hút nhà đầu tư, nhưng chính là bán đi để thu một số thặng dư (plus-value) quan trọng.

Đầu năm 1929, nền kinh tế Hoa kỳ đã có dấu hiệu yếu kém: số sản xuất xe hơi từ 622000 giảm còn 416000, từ tháng 3 đến tháng 9. Mức sản xuất công nghiệp giảm 7%, từ tháng 5 đến tháng 10. Sự suy giảm này có nguyên nhân là tiền tiết kiệm được dùng để mua chứng khoán hơn đầu tư vào xí nghiệp sản xuất.

Vài ngày trước cuộc phá sản chứng khoán (krach), những đợt bán hàng loạt chứng khoán được thực hiện. Đó là những đợt bán để lấy lời và những cũng làm cho giá chứng khoán giảm sụt. Làm sao bán để lấy lời? Để khuyến khích công nghệ xe hơi, Nhà Nước hứa mua lại giá 100 mỹ kim xe cũ của những ai chịu mua một chiếc xe mới. Hy vọng việc làm ăn của công ty Ford sẽ có lời, nhà đầu tư A mua ngay 5000 cổ phần với giá 50 mỹ kim mỗi cổ phần, trả 250000 mỹ kim ngày 05.10.1925. Các nhà đầu tư khác cũng hy vọng như vậy, nên tìm mua với giá cao hơn, tức 58 mỹ kim vào ngày 08 tháng đó và, vì còn người chịu mua, giá lên 62 mỹ kim hôm 12. Sáng ngày 15.10.1925, khi thấy chỉ số Dow Jones niêm yết giá của Ford là 65 mỹ kim/cổ phần, ông A thuận bán 5000 cổ phần với giá 325000 mỹ kim (65 x 5000). Như vậy, chỉ trong 10 ngày, với số vốn 250000 mỹ kim, ông A đã lời được 75000, tức 3% hay 9%/tháng.

Những sự hoảng sợ bắt đầu trong giới đầu tư từ thứ năm ngày 24.10.1929 (thứ năm đen) khi người ta hầu như không tìm ra người mua chứng khoán, nên giá chứng khoán sụp đổ. Vào lúc trưa, chỉ số Dow Jones giảm đến 22,6%. Các thị trường chứng khoán ở Chicago và Buffalo đóng cửa. Năm ngân hàng chính ở New York hội họp chỉ trong vòng 20 phút. Lúc gần 14 giờ, các công ty đầu tư can thiệp trực tiếp như Richard Whitney đề nghị mua 25000 cổ phần của U.S. Steel với giá 205 mỹ kim/cổ phần, trong khi giá đang niêm yết là 195 mỹ kim/cổ phần. Nhờ thế, chỉ số Dow Jones chỉ còn giảm 2,1% khi đóng cửa so với lúc mở cửa thị trường chứng khoán New York.

Nhiều nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán buộc lòng phải hoàn trái sáng ngày mai. Ngày thứ sáu 25 và sáng thứ bảy 26.10.1929 (trước Thế chiến 2, sáng thứ bảy vẫn có giao dịch chứng khoán), thị trường chứng khoán New York sinh hoạt bình thường. Nhưng ‘thứ hai đen’ 28.10.1929 đáng lưu trí nhớ vì, hôm đó, trái với thứ năm trước, các ngân hàng không can thiệp khi chỉ số Dow Jones đã giảm sụt 13%. Chứng khoán vài công ty mất giá trầm trọng như General Electric mất 48 điểm, Eastman Kodak 42, AT&T và Westinghouse 34, U.S Steel 18.

Ngày ‘thứ ba đen’ 29.10.1929, 16,4 triệu cổ phần được trao tay và chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm đến 12%, số thặng dư 10 tháng qua biến mất. Từ 22.10 đến 13.11.1929, chỉ số Dow Jones giảm từ 326,51 điểm xuống còn 198,69 (- 39%, tương đương với một sự mất ảo khoảng 30 tỉ mỹ kim (trị giá năm 1929), tức 10 lần ngân sách liên bang Hoa kỳ và cao hơn tổng số chi phí của Hoa kỳ trong Thế chiến thứ nhất.

Trong những năm kế tiếp, từ 1930 đến 1932, chỉ số Dow Jones giảm còn mạnh hơn và chỉ còn 41,22, mức thấp nhất kể từ khi thành lập năm 1896, vào ngày 08.07.1932. Các thị trường chứng khoán Hoa kỳ và thế giới, ảnh hưởng lẫn nhau, lần lượt suy sụp.

Sự mất niềm tin do khủng hoảng thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và đầu tư trong những tháng sau đó. Những nhà đầu tư đã vay tiền ngân hàng để đầu cơ chứng khoán không thể trả nợ. Do đó, các ngân hàng buộc phải đòi những điều kiện thật khó khăn khi thuận cấp tín dụng khiến các xí nghiệp lớn bị thiếu tiền cho việc sản xuất. Những xí nghiệp nhỏ lần hồi tuyên bố khánh tận, làm gia tăng tính bấp bênh của các ngân hàng. Những người gởi tiết kiệm hoảng sợ, kéo tới ngân hàng đòi tiền ký thác. Do đó, tới phiên các ngân hàng không còn tiền trả và phải tuyên bố khánh tận. Cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, từ năm 1930, trở thành khủng hoảng ngân hàng.

Khi khánh tận (hay phá sản, faillite), xí nghiệp hay ngân hàng phải trả lương cho nhân viên trước nhất, rồi đến thuế Nhà Nước và phần đóng góp các quỹ An ninh xã hội. Phần còn lại, xí nghiệp trả theo tỉ lệ cho các chủ nợ khác (đa số là các nhà cung cấp). Cũng thế, ngân hàng cũng chỉ trả phần còn lại cho những chủ nợ khác mà đa số là các trương chủ ký thác tiền. Tuy nhiên, ngân hàng là cửa tiệm buôn bán tiền, cần phải có uy tín đặc biệt, nên được Nhà Nước bảo đảm số tiền ký thác nơi trương mục vãng lai hay tiết kiệm. Nhà Nước Pháp quốc bảo đảm đến mức 70000 euros, đa số các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu hứa đến mức 50000 euros.

Ngân hàng không cho vay tiền, sự tiêu thụ giảm bớt và xí nghiệp sản xuất giảm thiểu buộc xí nghiệp sa thải công nhân và số người thất nghiệp bùng phát (13 triệu người tại Hoa kỳ năm 1933) và khủng hoảng ngân hàng biến thành khủng hoảng kinh tế từ năm 1931. Đó là thời kỳ Đại Suy Thoái với hậu quả:

- Sản lượng công nghiệp giảm 45% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Số nhà xây mới giảm 80% từ năm 1929 tới năm 1932;

- Từ năm 1929 tới năm 1932, 5.000 ngân hàng phá sản.

Ngoài ra, những biện pháp bảo vệ mậu dịch như luật Hawley-Smooth tăng thuế trên hàng hóa nhập cảng từ các nước khác để người Mỹ bớt mua dùng. Do đó, khủng hoảng kinh tế tràn lan sang các quốc gia Âu châu từ năm 1931.

Nền kinh tế Hoa kỳ chỉ phục hồi thật sự khi liên bang tham gia Đệ Nhị Thế chiến cuối năm 1941.

II. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 2008.

A. Vay tiền mua nhà đúng tiêu chuẩn.

1. Các ngân hàng cũng như cơ quan tín dụng, do tính cách thận trọng bắt buộc, cho vay trả góp để mua nhà chỉ chấp thuận nợ vay ở mức khoảng 75% trị giá căn nhà và phải chứng tỏ mình có khả năng tài chính để trả nợ đều đặn trong suốt thời gian đi vay. 25% còn lại là phần vốn người mua nhà phải có sẳn để trả cho người bán.

Tiền phải trả mà nguời vay phải trả cho ngân hàng bằng nhau hàng tháng (mensualité) gồm một phần là tiền lời (giảm với thời gian) và phần khác là vốn vay (tăng).

2. Sau đó, ngân hàng dùng công thức ‘tỷ lệ 28/36’ tính theo mức lợi tức hàng tháng. Ngân hàng thường chỉ thuận cho vay nếu số tiền trả hàng tháng (kể cả thuế và tiền bảo hiểm ngôi nhà) không vượt quá 28% lợi tức hàng tháng. 36% lợi tức còn lại dùng để trả các khoản nợ khác và để sống.

3. Ngoài ra, ngân hàng còn căn cứ vào tính tin cậy của người đi vay mà điều quan trọng là khách nợ có trả đúng hạn kỳ cam kết không.

Thí dụ, một người lãnh lương 5000 mỹ kim mỗi tháng thì có khả năng hoàn trái nợ mua nhà là: 6000 x 28% = 1400 mỹ kim. Nếu người đi vay để mua nhà với hạn kỳ 30 năm, trả theo hình thức chiết cựu (amortissement, tiếng Pháp, amortization, tiếng Anh) lãi suất 7,25%/năm, thì hy vọng vay được 205000 mỹ kim và có thể mua căn nhà trị giá khoảng: 205000/75%=273000 mỹ kim và một số tiền có sẳn: 273000 – 205000 = 68000 mỹ kim.

Theo Hợp đồng Tín dụng thế chấp Địa ốc (prêt hypothécaire), nếu người vay mua nhà không trả nợ, ngân hàng sẽ thu lại nhà để bán, trừ vào tiền nợ. Cả gia đình bị đuổi khỏi nhà.

B. Vay tiền mua nhà.. . dưới chuẩn.

Nói một cách đơn giản, Ngân hàng Trung ương có nhiệm vụ dùng lãi suất căn bản để giúp gia tăng kinh tế bằng hạ lãi suất hầu các nhà sản xuất trả tiền lời thấp sẽ giử giá bán rẻ và người tiêu thụ vay nợ trả lời thấp sẽ có thêm mãi lực mua hàng nhiều hơn. Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất căn bản để giảm bớt số tiền lưu hành khi có lạm phát.

1. Từ năm 2001, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (ngân hàng trung ương Hoa Kỳ) đã giảm lãi suất căn bản chỉ còn 1%, Đây là mức thấp nhất từ trước đến nay và trở thành động cơ khuyến khích những gia đình có mức thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất rất thấp trong những năm đầu, gọi là subprime (cho vay dưới chuẩn), sau đó sẽ tăng giảm theo thời giá. Nhưng lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 4-5 năm đầu, sau đó, đã tăng lên từ 10 đến 15%, tức theo lãi suất di động (taux variable, tiếng Pháp, adjustable rate mortgage, tiếng Mỹ) theo lãi suất do Quỹ Dự Trữ Liên Bang, dưới thời Chủ tịch Alan Greenspan, ấn định. Bởi vậy, nhiều gia đình mượn tiền ‘cho vay dưới chuẩn’ không còn khả năng tiếp tục trả nợ nữa. Do đó, các định chế cho vay tịch thu những căn nhà thế chấp kia đem ra bán nhằm thu hồi lại số tiền đã cho vay. Năm 2007, khoảng 2 triệu căn nhà đã bị phát mãi theo kiểu này (năm 2006 là 1,2 triệu căn). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, con nợ, vừa bị mất tiền lẫn mất nhà, đã đập phá nhà trước khi bị đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, khủng hoảng địa ốc đã xảy ra tại Hoa kỳ vì chủ nợ không thu được lời lẫn vốn.

Các ngân hàng và người đi vay không phải không thấy các nguy hiểm của loại tín dụng dưới chuẩn này, nhưng hoàn cảnh kinh tế và tài chánh lúc đó đã cho phép đôi bên có những hy vọng:

a) Giá nhà cửa sẽ tiếp tục gia tăng. Mọi người đều tin rằng giá nhà cửa sẽ gia tăng và khi phải ‘tính vay lại’ thì điều kiện món nợ ấy có thể được tái tài trợ dễ dàng.

Cơn sốt các ‘công ty về tin học, Internet’ niêm yết tại thị trường chứng khoán Nasdaq đã giúp nhiều người được giàu to. Họ dùng tiền thừa đầu tư vào địa ốc tại những vùng công nghiệp cao như thung lũng Silicon khiến giá tăng vùn vụt và lan rộng khắp nước Mỹ. Khi bong bóng ‘công ty về tin học, Internet’ tan vỡ, nhiều công ty bị đóng cửa, số công nhân mất việc gia tăng và mãi lực suy giảm.

Để tránh kinh tế suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã liên tục hạ lãi suất. Nhiều người lại tham gia thị trường địa ốc khiến giá nhà tiếp tục gia tăng. Trong 10 năm qua, giá nhà ở Mỹ đã tăng khoảng 20% mỗi năm. Họ vay tiền để mua nhà và, khi giá nhà lên, thì bán đi để lấy lời. Rồi, họ vay nợ mua nhà khác vì trong hai năm đầu, lãi suất rất rẻ.

b) Cơ quan tín dụng địa ốc gia tăng. Trước thập niên 1980, vốn cho vay địa ốc đều do ngân hàng cung cấp với những điều kiện gắt gao và lượng tiền cho vay tùy thuộc phần lớn vào số tiền ký thác của khách hàng, và để tránh rủi ro thì chỉ một phần của tổng số tín dụng được dành cho địa ốc. Số người đủ tiêu chuẩn để vay tiền vì thế không nhiều và muốn giúp dân chúng có nhà thì Chính phủ Hoa kỳ phải tìm cách tạo thêm các nguồn tài trợ khác.

Năm 1980, Đạo luật Giao dịch Thế chấp Tương đương (Alternative Mortgage Transaction Parity Act) được ban hành, nới rộng những quy luật cho vay và khuyến khích việc thành lập những cơ quan tài trợ khác. Vì ít bị ràng buộc bởi những luật lệ ngân hàng, nên nhiều công ty tài trợ mới này tung hoành cho vay. Người ta cho rằng đây cũng là một mầm mống đưa đến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn hiện nay.

c) Tín dụng dành cho vay địa ốc gia tăng. Để giúp ngân hàng có vốn cho vay, Chính phủ Mỹ cho thành lập một số “Công ty do Chính phủ bảo trợ” (Government Sponsored Enterprise) với hai cơ quan lớn nhất là Hiệp hội Quốc gia tài trợ bất động sản (Federal National Mortgage Association - gọi tắt Fannie Mae), và Công ty Quốc Gia tài trợ địa ốc (Federal Home Loan Mortgage Corporation - gọi tắt Freddie Mac).

Các cơ quan này mua lại những món nợ vay của các ngân hàng và dùng làm thế chấp để phát hành những ‘Trái phiếu bất động sản’ (Mortgage-backed Securities) bán cho các nhà đầu tư khác.

Họ cũng bán các món nợ này cho các ngân hàng đầu tư (banque d’investissement, tiếng Pháp, và investment bank, tiếng Anh) để các ngân hàng này phát hành những trái phiếu bất động sản và bán lại cho các nhà đầu tư khác. Từ đó, những món nợ địa ốc (kể cả các khoản nợ khó đòi) được luân chuyển và thay thế bởi những tiền vốn mới do bán những trái phiếu này trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Ngày nay, vì các ngân hàng Hoa kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn tiêu chuẩn cho vay, nên những con nợ đang gặp khó khăn không thể vay nợ thêm (lãi suất thấp) để trả món nợ tồn động (lãi suất cao hơn).

d) Tiền lời trên tiền vay địa ốc còn được trừ tiền thuế lợi tức từ một mức nào đó tùy theo luật tài chánh từng năm.

2. Nhưng điều vô cùng nguy hiểm như chúng ta đang thấy hiện nay là làm sao khủng hoảng địa ốc tại Hoa kỳ đã lan sang sinh hoạt tài chính thế giới ?

Có ba giai đoạn:

a) Ngân hàng Hoa kỳ theo nguyên tắc sơ đẳng ‘mọi rủi ro (như nợ khó đòi) đều có thể giao hoán vì đầu tư là chấp nhận rủi ro với hy vọng đạt được mức lời cao hơn’. Theo đó, sau khi cấp tín dụng, ngân hàng tìm cách chuyển nhượng những món nợ này cho những cơ quan tài chánh khác, bằng cách ‘tái kết cấu’ và ‘đóng gói lại’ (titrisation, tiếng Pháp hay ‘restructuring and packaging’, tiếng Anh) các món nợ và bán lại cho những nhà đầu tư quốc tế dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu.

b) Theo giới chuyên gia tín dụng, khoảng 75% các món nợ ‘cho vay dưới chuẩn’ tại Hoa Kỳ đã được biến thành trái phiếu hay cổ phiếu và các chứng khoán này được niêm yết trên thị trường chứng khoán (400 tỷ mỹ kim đã được phát hành trong năm 2007). Tại đây, những món nợ với rủi ro cao được chuyền tay mua bán. Người mua có thể thu một số lời rất cao khi món nợ dưới chuẩn trước được thanh toán.

c) Các ngân hàng và quỹ đầu tư Âu châu tìm mua các trái phiếu hay cổ phiếu nói trên. Như vậy, những ngân hàng và quỹ đầu tư này trở thành chủ nợ của những người Mỹ không còn khả năng trả nợ, nên bị mất tiền. Hậu quả của tình trạng vỡ nợ vay dưới chuẩn tại Hoa Kỳ đã gây nhiều thiệt hại trực tiếp cho các ngân hàng và an ninh tiền tệ thế giới. Khủng hoảng tài chính thế giới đã thành hình. Trong 11 tháng qua, tính đến 30.11.2008, chỉ số công nghệ Dow Jones (New York, Hoa kỳ) đã giảm 33,75% (từ 13279,50 chỉ còn 8829,04 điểm) và chỉ số CAC 40 (Paris, Pháp quốc) đã giảm 41,33% (từ 5665,94 chỉ còn 3262,68 điểm).

Cuộc khủng hoảng địa ốc này xuất phát từ đầu năm 2006, số người đã mượn tiền theo hệ thống "cho vay dưới chuẩn" đã lần lượt thi nhau vỡ nợ. Các ngân hàng và cơ quan tín dụng không đòi được nợ. Các nhà thế chấp đã lấy lại được nhưng không còn dúng giá thật, thì chủ nợ bị phá sản. Kinh tế các nước lần lượt bị rơi vào suy thoái.
 
Văn Hóa
Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam: Tên Thánh
Nguyễn Long Thao
17:05 03/12/2008

Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam: Tên Thánh



Người Công Giáo Việt Nam có một tên thánh. Tên thánh là tên của một vị thánh được Giáo Hội công nhận và cha mẹ lấy tên đó để đặt cho con khi chịu phép rửa tội. Người miền Nam gọi tên thánh là tên bổn mạng. Tên thánh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây Phương đến truyền giáo và bắt đầu có người theo đạo. Tên Thánh chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo của Âu Châu nên ta cần phân biệt tên chính của người tây phương và tên thánh của người Việt Nam.

1. Ý nghĩa tên chính của người tây phương: Anh ngữ có 4 danh từ để chỉ tên riêng: một là tên rửa tội (baptismal name), hai là tên Kitô Giáo (Christian name), ba là tên thứ nhất (first name) bốn là tên đặt (given name). Cả bốn danh từ này đều có nghĩa là tên mà tiếng Việt Nam gọi là tên đặt, tên chính, tên riêng. Tên chính của người tây phương được đặt trong lễ rửa tội nên gọi là tên rửa tội[1] (Baptismal name). Tên chính của người tây phương gọi là tên Kitô Giáo (Christian name) vì các nước tây phương chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo, tuân theo lời khuyến cáo của Giáo Hội, lấy tên các thánh để đặt tên cho các cá nhân. Do vậy, mới có từ ngữ tên thánh hay tên Kitô Giáo.

Tục lệ lấy tên thánh của người tây phương bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do Thái Giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do Thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt da quy đầu gọi là Bris. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo như Abraham, Jacob. Khi bị lưu đầy, người Do Thái bỏ tục lệ đặt tên thánh, nhưng đến thế kỷ 12, các giáo sĩ Do Thái thấy cần duy trì căn tính dân tộc đã buộc các tín hữu đặt tên thánh như tục lệ cổ truyền. Nhờ đó, ngày nay người Do Thái mới có một tên thứ hai là tên thánh.

Từ điển Bách Khoa Công Giáo[2], cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội là biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô Giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, trước đây có tên là Saul, khi theo đạo Công Giáo đổi tên là Paul mà người Công Giáo Việt Nam gọi là thánh Phaolô.

Người Công Giáo bắt đầu đặt tên thánh từ thời giáo hội sơ khai. Công đồng Nicaea họp năm 325 cấm việc dùng tên các thần thánh không phải của Kitô Giáo để đặt tên. Đến thời Công Đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo Hội Công Giáo buộc giáo dân khi đặt tên riêng phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục là khi làm phép rửa tội, mà gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.

Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, quyết định trên của Giáo Hội Công Giáo nhằm chống lại tục lệ của Giáo Hội Tin Lành, đặc biệt của Thanh Giáo, cho phép giáo dân nhận tên các nhân vật trong Cựu Ước làm tên chính, như các nhân vật Abraham, Samuel, Jacob. Rachel[3].

Đến bộ giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo Hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công Đồng Tridentinô. Đến bộ giáo luật mới ban hành năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. Điều 855 của bộ giáo luật 1983 quy định: Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô Giáo [4].

Tại sao Giáo Hội Công Giáo từ lúc sơ khai đến nay đã quyết định lấy tên các thánh để đặt tên cho các tín hữu? Giáo Hội đưa ra quyết định trên vì 2 lý do:

Thứ nhất, giáo hội tiếp tục duy trì truyền thống của giáo dân thời sơ khai. Những giáo dân đầu tiên là dân nô lệ, không phải công dân La Mã và theo tục lệ, khi người nô lệ được giải phóng, trở thành công dân La Mã, thì họ lấy tên chủ nhân thuộc giai cấp quý tộc làm tên mình. Tuy nhiên, với tín đồ Kitô Giáo thời đó, họ không thiết tha với các tên của các ông chủ cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Ðồng thời khi một quý tộc trả tự do cho hàng trăm người nô lệ thì hàng trăm người đó có cùng tên với chủ cũ. Kết quả là tập tục này không đáp ứng được nhu cầu phân biệt nên các người nô lệ được giải phóng lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt tên cho mình. Ví dụ: Thimotheus, Stephanos, Laurentius là các vị thánh đầu tiên. Đang khi Kitô Giáo phát triển, lan tràn cả Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã mai một đi, tên thánh trở nên phổ thông hơn.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo muốn tôn trọng phẩm giá con người. Khi xưa số tên người Âu Châu còn ít, hệ thống tên họ chưa xuất hiện, thì để phân biệt các cá nhân, người Âu thường dùng tên mà người Anh Mỹ gọi là Nickname, người La Mã gọi là Agnomen, còn ta gọi là tên lóng. Tên lóng thường được đặt theo nét đặc biệt trên cơ thể hay tính tình của một người. Ví dụ tên lóng của người Việt Nam: Ba Mập, Tư Sún, Năm Trọc. Khi xưa tên lóng rất phổ biến ở La Mã, Hy Lạp và có nghĩa là tên thêm vào tên chính. Tên lóng thường có ý nghĩa rất tiêu cực[5], tương đương như tên tục của người Việt Nam. Ví dụ các tên như Crassus nghĩa là người béo, Varus: người què, Baldie hay Calvin: người trọc đầu, Cecil: người mù, Claude hay Gladys: người què. Vì tên có nội dung hạ thấp phẩm giá con người, nên giáo hội đã ban hành luật buộc các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp các trường hợp tên có ý nghĩa tiêu cực, phải lấy một tên thánh đặt thêm vào.

Ngày nay, giáo dân Việt Nam cũng như giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn nhận tên thánh vì còn giữ tinh thần bộ giáo luật cũ. Tên thánh có thể được thay đổi khi chịu phép thêm sức[6]. Theo giáo huấn của giáo hội, việc tín hữu nhận tên thánh nhằm hai mục đích: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong khoản giáo luật số 1186:

Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài[7].

2. Ý nghĩa tên thánh đối với người Công Giáo Việt Nam. Thực ra, tên mà người Việt Nam gọi là tên thánh thì tại các nước tây phương chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, gọi là tên rửa tội (Baptismal name) hay tên chính do bố mẹ đặt[8]. Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác ỏ Phi Châu hay Mỹ Châu có thêm tên thánh mà người tây phương không có, là vì các giáo sĩ tây phương đến Việt Nam cũng như các nơi truyền giáo khác, đã áp dụng tinh thần giáo luật, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở tây phương.

Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo tây phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng biệt như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh riêng là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph vừa là tên riêng vừa là tên thánh. Ratzinger là tên họ. Tại San Jose, California, giáo xứ của tôi có linh mục Kevin Joyce. Kevin là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan[9]. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh.

Vậy quyết định trên của các giáo sĩ thừa sai đối với dân Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên tục tĩu đặt cho những đứa trẻ mới sinh để tránh tà ma. Loại tên này gọi là tên tục như con Hĩm, thằng Cu.

Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về số các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có 118 vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa có thói quen nhận tên các thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng. Người Công Giáo có tục mừng ngày lễ bổn mạng là ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên thế giới tưởng nhớ tới vị thánh đó. Khi chết, người Công Giáo không dùng tên húy hay tên riêng mà dùng tên thánh để cầu nguyện cho người quá cố. Như vậy, xét về bản chất, tên thánh cũng có chức năng như tên thụy, tên hèm hay tên cúng cơm là các tên để người sống nhắc đến và cầu nguyện cho người đã chết.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Elsdon C. Smith. Elsdon C. Smith. The Story of Our Names. Gale Research Co. Detroit, 1970. Tr. 1.

[2] www.newadvent.org

[3]The New Encyclopaedia Britannica. 15th edition, 1991, tập 24, tr. 730.

[4] Ðức Ông Nguyễn Văn Phương (dịch)Giáo Luật. Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, Carthage, 1987, tr. 291.

[5] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.

[6] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.

[7] Bộ Giáo Luật. Sđd. Tr. 385.

[8] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 1.

[9] Patrick Hanks & Flavia Hodges. First Names. Oxford University Press, 1996. tr. 140
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bến Vắng
Lm. Tâm Duy
06:12 03/12/2008

BẾN VẮNG



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Ta là Bến hoang

bên sông nước loạn

Thuyền đến và đi như nhịp triều lớn cạn

chút cảm giao vỗ mạn gợn âm buồn!

(Trích thơ cùa Cành Cong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền