BÀI ĐỌC 1 Is 35:1 6a,10
Bài Trích sách Tiên tri Isaia.
Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò.
Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li băng, vẻ rực rỡ của núi Các men và đồng bằng Sa ron.
Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.
Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.
Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.”
Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Gc 5:7 10
Bài trích thư của thánh Giacôbê tông đồ.
Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Is 6:1
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
TIN MỪNG Mt 11:2 11
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Đang ngồi tù, ông Gio an nghe biết những việc Đức Ki tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Họ đi rồi, Đức Giê su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”
Đó là Lời Chúa.
Vì Đâu Gioan Nghi Ngờ Giêsu
Ở thành phố có nhiều vị quốc khách đến thăm như Saigon chẳng hạn, chắc hẳn đã có người có lần thấy từng đoàn xe cảnh sát đi trước, thổi còi, dẹp đường… để xe của vị quốc khách chạy nhanh mà không cần dừng lại nơi đèn xanh đèn đỏ. Họ là những kẻ tiền hô, họ là kẻ dọn đường, họ là kẻ mở lối. Chắc hẳn họ phải biết họ mở lối, họ dọn đường, họ tiền hô cho ai. Chí ít, không biết tên thì cũng biết địa vị của người mà mình tiền hô, dọn đường.
Ấy vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, kẻ dọn đường, kẻ tiền hô có tên là Gioan Tiền Hô lại hô lên rằng: không biết đấng mình dọn đường cho có đúng là đấng phải đến hay lại phải dọn đường, tiền hô cho một đấng khác với ông Giêsu. Câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay nói cho ta điều đó: “Đang ngồi trong tù, Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, thì sai môn đệ đến hỏi Người rằng: ‘Thầy có thât là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác’.”
Đã có những giải thích để bênh vực cho Gioan, rằng Gioan Tiền Hô quá biết Giêsu là Đấng phải đến, người mà Gioan cởi quai dép cho, cũng không xứng cơ mà ! (x. Ga 1, 29tt). Lại còn giới thiệu rõ ràng về Giêsu : đó là Đấng xoá bỏ tội trần gian nữa … Vậy những giải thích bênh vực này nói: Gioan sai môn đệ tới hỏi Đức Giêsu : Thầy có thât là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác, là vì lợi ích cho các môn đệ của mình thôi, tức là những kẻ đến hỏi, cho họ tin hơn khi nghe được từ chính miệng Đức Giêsu nói ra.
Xem ra cách bênh vực cho Gioan như thế cũng hay, cũng có vẻ chính xác. Nhưng đâu có gì ngăn cản chúng ta không suy nghĩ khác. Suy nghĩ khác đó là: chính Gioan, kẻ tiền hô, nghi ngờ thật về đấng mà mình loan báo. Ngay cả Đức Giêsu khi được các đồ đệ của Gioan đặt câu hỏi như thế, thì, nếu Đức Giêsu biết là Gioan đã biết chắc rồi, sẽ không trả lời như thế này: Hãy về nói cho Gioan biết. Cần gì về nói cho Gioan biết nữa! Gioan biết chắc ai là đấng phải đến rồi mà! Chỉ cần trả lời thẳng cho các môn đồ của Gioan là được rồi: các con không phải chờ một ai khác nữa đâu. Vậy chính bản thân Gioan Tẩy Giả nghi ngờ thật về sự thật, giả của Giêsu không biết ngài có thật là đấng phải đến, hay chỉ là đấng giả đến, nghi ngờ đó là có căn cơ. Ta thử tìm hiểu xem do căn cơ nào mà Gioan nghi ngờ như thế. Hôm nay, chỉ xin nêu lên hai.
1. Căn cơ thứ nhất: Đức Giêsu có hành vi cử chỉ khác với lời Gioan loan báo.
-Gioan Tiền hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc m tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái : Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Gioan cũng nói rõ, "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Lc 3:15-17)
Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi sứ điệp ấy đã gây xôn xao sợ hãi khiến dân hối cải ăn năn. Thế mà khi Đức Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, lại tỏ ra rất mực nhân từ : "Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói".
-Gioan Tiền hô loan báo sự trừng phạt: Đám đông—chứ không phải biệt phái —kéo đến với Gioan để “được” nghe những lời này: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống.” Nhưng Đức Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Đức Giêsu nói : "Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa". "Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc". Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang, nghi ngờ.
Nhưng chính căn cơ thứ hai mới làm cho Gioan an vốn chớm thấy nghi, thì ngờ thật sự, vì căn cơ này gắn chặt với chính con người Gioan Tẩy Giả.
2. Căn cơ thứ hai : Gioan đang bị giam trong tù.
Chắc chúng ta còn nhớ Gioan bị giam là do ông dám tố cáo tội loạn luân của vua Herode Antipas, vua này đã ngang nhiên lấy chị dâu là bà Herodia, vợ của Herođê Philip I, anh ruột của vua. Cưới vợ của anh ruột mình. Không phải lén lút, vụng trộm, mà là công khai, không coi ai ra gì. Cũng chẳng phải là chỉ mình Herode chủ động, mà chính nàng (bà) Herodia cũng muốn như thế, khi thấy chồng mình, tuy là con đầu của Herode Cả, mà chả được tí đất nào để cai trị, làm giàu, bèn muốn làm bà hoàng hậu, hơn là vợ hiền hậu. (…)
Rõ ràng Gioan bị giam là do nàng Herodia là chính. Ta thấy rõ hơn điều đó nếu biết cái chết của Gioan là do bà quyết định. Con gái của bà là Salomê nhảy múa trong ngày mừng sinh nhật vua, vua vui quá hứa trong men rượu làm quà cho Salomê, con xin gì ta cũng cho, dẫu nửa nước, OK luôn. Herodia đâu cần cắt nửa nước, nàng muốn cắt lưỡi của Gioan kìa, để Gioan không còn thốt nên lời tố cáo tội loạn luân của bà nữa. Còn lưỡi đâu nữa mà tố với cáo. Thế là cái đầu của Gioan bị cắt đặt trên đĩa làm quà cho Salomê để Salomê đưa ngay vào cho mẹ là Herodia, người lấy em chồng làm chồng khi chồng còn sống. Kinh Thánh ghi, khi sai thị vệ đi lấy đầu Gioan, vua Herode buồn, buồn lắm.
Nhưng ta đang ở chỗ phân tích Gioan bị giam chứ chưa bị giết.
Phạm tội buôn lậu, bán thuốc phiện, hay tham nhũng, làm điều ác, bị giam, là đích đáng. Gioan không phải vậy. Can gián, nên bị giam.
Bị giam do ý của vua, thì có oan cũng cứ vui lòng. Vì đó là thánh chỉ (như lời các bộ phim Trung Quốc hay trình chiếu: hãy quì xuống tiếp thánh chỉ). Gioan thì khác. Bị tù do thù oán của một mụ đàn bà mà ông cảnh cáo tội lỗi của y thị. Như thế chẳng những oan mà ức đến chết đi được. Bị tù oan, tù ức trong hoàn cảnh đó, làm sao Gioan không nghi ngờ về người mà ông tiền hô, rằng Đấng đó sẽ đến xét xử công bằng, sẽ giải thoát những ai bị tù tội. Tù vì tội còn được tha huống là tù bị oan và nhất là tù bị ức như Gioan, sao chẳng được thả.
Bị giam cầm, bị ngược đãi, bị hành hạ chắc Gioan dư sức chịu được. Nhưng nghi ngờ về người mà mình là kẻ tiền hô thì gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Đức Giêsu : "Ngài có phải là Đấng Cứu thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?" Gioan đã hình dung một đấng Kitô phải thế này: uy nghiêm, xét xử, trừng trị, giải thoát… điều mà Gioan không gặp thấy nơi ông em Giêsu của mình. Vậy đâu mới là dung mạo của Đấng Cứu Thế?
3. Dung mạo Đấng Cứu Thế (Đấng Phải Đến)
Trước câu hỏi ấy của người, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm : "Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng". Với câu trả lời ấy, Đức Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sa-i-a về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.
Chắc nhiều người đã từng câu chuyện người ăn xin mà thi hào Tagore đã kể. Kẻ ăn xin kia đang trên đường khất thực, nghe thây tiếng chuông kêu của xa giá nhà vua đi tới, liền mừng thầm là sẽ được vua giàu có cho gì đây. Quả xa giá có dừng lại, nhà vua có bước xuống, nhưng thay vì cho người ăn mày cái gì thì lại xin người ăn xin : ngươi có gì cho ta không? Người ăn xin buồn quá, mở bị gạo xin được từ sáng tới giờ, lấy đúng 1 hột cho nhà vua, rồi cất bước đi xin tiếp. Chiều về, dốc túi gạo ra, thấy lấp lánh 1 hạt vàng, chỉ 1 hạt thôi. Bấy giờ người ăn xin mới chợt hiểu và hối tiếc, phải chi ta trao cả túi gạo cho Người.
Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một ánh mắt cảm thông. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng sinh năm nay. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A 2022)
Khi nghe lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Philipphê được Giáo Hội chọn để hát Ca Nhập Lễ hôm nay “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”, tôi bỗng nhớ giai điệu cùng giọng hát dễ thương của bé Như Quỳnh trong ca khúc “Bay lên nhé nụ cười” của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Linh:
Bay lên nhé những nụ cười nồng ấm!
Những ngọt ngào rạng rỡ ước mơ.
Ngày mai muôn vì sao lấp lánh soi con đường
Và những con đường thênh thang mang ta đi thật xa…
Vâng, nụ cười là biểu cảm của niềm vui. Sứ điệp Lời Chúa của CN 3 MV nầy gọi mời chúng ta vui, gọi mời toàn thể Dân Chúa hãy “bay lên những nụ cười nồng ấm”, và là những nụ cười “ngọt ngào rạng rỡ ước mơ…”. Phải chăng chính vì thế mà Chúa Nhật hôm nay được mang tên “Chúa Nhật Hồng”; và chủ tế có thể mang phẩm phục màu hồng tươi vui nồng ấm thay cho màu tím xa vắng đợi chờ !
Thế nhưng, đang giữa con đường Mùa Vọng mang “gam màu tím của khắc khoải đợi chờ”, của “dọn đường cực nhọc”… Phụng vụ lại chuyển sang “gam màu hồng của hoan vui rạng rỡ”, của “hớn hở tưng bừng” chắc phải có lý do quan trọng?
Vâng, lý do quan trọng chính là đây: Phụng vụ Mùa Vọng không muốn chúng ta sống tâm tình “đợi chờ trong héo hon”, “dọn đường trong mỏi mệt”… mà phải là trong phấn chấn hân hoan, tỉnh táo và sinh động ! Thật vậy, Chúa Nhật tuần 3 Mùa Vọng muốn khơi lên trong lòng mọi tín hữu, và qua tín hữu, trong tâm hồn mọi người, niềm vui ơn cứu độ của Đức Kitô và trong Đức Kitô. Đây là niềm vui hiện thực và sinh động được bén rễ trong đức tin vào sự “hạ cố viếng thăm của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô để cứu độ và tái tạo thế giới”.
Để làm bật nổi ý nghĩa nầy, trước hết, Phụng vụ mượn lời của ngôn sứ Isaia, hơn sáu thế kỷ trước Chúa Kitô, trong bối cảnh một đất nước Israel hoang tàn của kiếp đời nô lệ lưu đầy, đã gióng lên niềm vui: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò…”. Và đây chính là lý do của niềm vui hân hoan dạt dào đó: “…Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng người câm sẽ reo hò…”.
Thế nhưng lịch sử Dân Chúa đã minh chứng rằng: những lời trên hoàn toàn không ứng cho biến cố xảy ra sau đó khi vua Kyro cho dân hồi hương trở về xây lại đền thờ, hay cho thời anh em nhà Macabê đứng lên đánh đuổi ngoại bang giành quyền tự chủ. Bởi vì đền thờ Giêrusalem rồi cũng lại tan tành đổ nát; hết Ba Tư, Babylon, Hy Lạp đè đầu cởi cổ rồi lại đến Rôma; người mù vẫn đầy đường, người điếc vẫn đầy phố, kẻ què vẫn rụt cổ nằm im, kẻ câm vẫn ngậm miệng buồn tủi…
Vâng, những lời trên của Isaia chỉ ứng cho một người, một “Đấng phải đến” mà ông Gioan Tẩy Giả cứ mãi khắc khoải băn khoăn, đến đổi đã sai môn sinh đến để chất vấn trực tiếp như Tin Mừng Matthêô hôm nay kể lại: Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.
Cách đây 2000 năm, đã có một “tin vui động trời” như thế vang rộn trên những nẻo đường của một đất nước Israel đang oằn mình dưới gót giày thực dân của đế quốc La mã.
Thật vậy, tất cả những gì, không phải chỉ các môn sinh của Gioan đã “mắt thấy tai nghe”, mà hàng hàng lớp lớp dân Giêrusalem, Samari, Galilê, Tyrô, Siđon, Capharnaum, Giêrikhô chứng kiến… trong những tháng ngày đó đều vang rộn tin vui, tin mừng.
- Vui mừng khi những con người mang thương tật điếc, câm, què, mù... chỉ một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ quyền năng đã phục hồi nguyên vẹn không chỉ thể xác mà là toàn vẹn con người.
- Vui mừng khi cuộc đời mang thân phận cùi hủi vốn đã thân tàn ma dại bị ném vào hoang mạc để chết dần chết mòn theo năm tháng trong nỗi tuyệt vọng thảm thương, lại đột nhiên được chữa lành để ngẩng cao đầu mà hội nhập vào cuộc sống bình thường !
- Vui mừng những cuộc đời hoang vu, rỗng tuếch vì vật chất bon chen, vì rẻ khinh loại trừ của những kẻ như Lêvi, Giakêu thu thuế lại được Thầy Giêsu ghé mắt viếng thăm và quyết chọn làm môn đệ.
- Vui mừng khi tấm thân nhơ nhớp của kiếp phận “nhớp nhơ mang tiếng cả thành” của cô Maria lại có ngày được chạm đến bàn chân của chính Vị Tôn Sư thánh thiện để vững tâm làm lại cuộc đời; hay trái tim tan nát, thất vọng của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang bị bao vây bởi những con mắt rẽ khinh và những lời kết án cay nghiệt, lại được chính Thầy Giêsu phán những lời đầy khoan dung nhân ái: “Phần ta, ta không kết án chị đâu”.
- Làm sao người mẹ già thành Naim không vui được khi đi bên quan tài đưa xác con lại gặp được một Đấng quyền uy phục sinh con mình từ trong cõi chết; hay chị em nhà Bêtania gặp lại người em trai Lazarô chết thúi trong huyệt mộ đã 4 ngày sống lại…
- Vui mừng khi một người đàn bà bị bệnh nan y chỉ mới sờ vào tấm áo choàng với niềm tin bỗng dưng khỏi bệnh, những em thơ được vỗ về âu yếm, đám đông cả mấy ngàn người tụ họp để nghe giảng Lời Chúa và cùng nhau được một bữa no nê ngay trên thảm cỏ xanh mà nghe đâu chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá…
Phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng cũng muốn làm sống lại nơi chúng ta niềm vui như thế; niềm vui trong Chúa Kitô, niềm vui gặp gỡ Đức Kitô trên mọi ngỏ nghách cuộc đời mình.
Và chắc một điều, đây hoàn toàn không là niềm vui bồng bột, nhất thời…, như niềm vui của người dân Croatia đêm qua trong trận bóng đá thắng đội Brasil; hay niềm của một ai đó ở Califorrnia trúng tờ độc đắc vé số powerball hôm tháng 11 vừa rồi với gần 2 tỷ đô la...
Không, như thánh Phaolô nói với dân thành Philipphê, đây là “niềm vui trong Chúa”; là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt. Mà đâu chỉ các thánh nhân mới có được niềm vui thánh thiện. Thật ra, ở giữa đời thường cuộc sống, cũng đang có bao nhiêu “chứng nhân của niềm vui” mà đôi khi chúng ta chưa kịp tỉnh táo để nhận ra hay chưa đủ khiêm nhường để học hỏi: niềm vui của một em học sinh dừng xe để đưa một bà lão qua đường; niềm vui của một chú xe ôm chia sẻ nửa phần cơm cho một em bé bán vé số; niềm vui của một nữ công nhân trẻ quyết định giữ lại bào thai cho dù cuộc sống đầy chông gai phía trước; niềm vui của một nữ tu già vừa mỉm cười từ giã cuộc đời sau một đời phục vụ hy sinh; niềm vui của một thương gia vừa hoàn thành một quán cơm 2.000$ cho những anh chị em nghèo cơ nhỡ….; và nếu chịu khó đi ngược thời gian, chúng ta sẽ gặp niềm vui của một chàng giáo lý viên mang tên Anrê Phú Yên, trên đường ra pháp trường Gò Xử thành Chiêm vẫn thao thao bất tuyệt kể chuyện “tình yêu đáp trả tình yêu”, hay niềm vui của linh mục Maximilien Kolbe trong trại tù khét tiếng Auschwitz thời đệ nhị thế chiến khi vừa chấp nhận chết thay cho một người cha còn vợ còn con…
Như vậy, để có được một “Chúa Nhật hồng” trong cuộc đời hiện tại hôm nay với niềm vui thanh khiết, và nhất là, để có được một “Giáng Sinh vui vẻ (Merry Christmas) và an bình” trong những ngày sắp tới; hay xa hơn chút nữa, để có được một cuộc đời luôn tràn ngập tiếng cười của yên vui và hạnh phúc, thiết tưởng ngay từ hôm nay, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, chúng ta phải cùng nhau gặp gỡ Đức Kitô và hãy để cho Tin Mừng của Ngài đi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống, để cho sự hiện diện của Ngài phảng phất thường xuyên trong mối quan hệ ứng xử và hành động của chúng ta; và đó cũng là để biến những lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê, mà Phụng vụ hôm nay một lần nữa nhắc lại, trở thành hiện thực giữa đời thường: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa…”, hay như lời của một bài thơ: hãy “Bay lên nhé những nụ cười nồng ấm”. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
VƯƠN TỚI SỰ MỚI MẺ TRONG ĐỨC TIN
“Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?”.
Augustinô nói, “Sự hiểu biết là phần thưởng của đức tin. Vì vậy, đừng tìm hiểu để bạn có thể tin, mà hãy tin rằng, bạn có thể hiểu!”; Stanley Jones thì nói, “Đức tin không chỉ đơn thuần là việc bạn nắm giữ Thiên Chúa - mà là Thiên Chúa nắm giữ bạn. Ngài sẽ không để bạn đi! Nhưng mời gọi bạn ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’ mỗi ngày!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chúng ta đừng quên, trước đó, Gioan đã nói về Chúa Giêsu, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Vậy nếu đã biết Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”, thì tại sao Gioan lại sai các môn đệ đến hỏi Ngài điều này? Rõ ràng, Gioan làm điều đó không phải vì Gioan không biết Chúa Giêsu, nhưng vì Gioan muốn các môn đệ của mình đi theo Chúa Giêsu sau khi Gioan bị giết. Đây là cách Gioan hướng các môn đệ đến với Chúa Giêsu, khuyến khích họ chấp nhận một sự thay đổi; nói cách khác, ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin!’.
Chúa Giêsu hiểu ý muốn của Gioan. Kết quả là Ngài đã ban cho họ những gì họ cần để tin. Ngài chỉ cho họ những công việc Ngài làm với tư cách là Đấng Kitô, những gì được báo trước, chẳng hạn những gì Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay loan báo. Để từ đó, họ có thể tự mình giải thích những công việc này; nhờ đó, ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin!’. Kìa “Người mù được thấy, người què được đi, người phung được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại, và người nghèo được rao giảng tin mừng”. Ai có thể tranh luận về những dấu lạ từ trời này? Và Ngài rất tinh tế khi đi xa hơn, “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”. Với lời này, Ngài nhẹ nhàng khiển trách các môn đệ Gioan; bởi lẽ, đây là cuộc đấu tranh cá nhân của chính họ với sự thay đổi vị lãnh đạo tinh thần của mình. Ngài thầm xác định rằng, đã có một “sự vấp ngã” nào đó mà họ đang đối phó. Họ có thể vấp ngã bởi một sự thật rằng, Ngài đang thực sự phải lớn lên trong khi Gioan, thầy họ, đang dần nhỏ lại.
Đây là một kinh nghiệm phổ biến trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Khi một điều gì đó mới mẻ chợt đến, chúng ta thường phải vật lộn với nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống luôn phải thay đổi, được biến đổi và trở nên tươi mới. Và điều này là tốt! Chúng ta phải thay đổi, được biến đổi, xây dựng những mối quan hệ mới mẻ và tốt đẹp hơn, học những cách mới để yêu thương và ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’; đồng thời, trở nên thoải mái với bất kỳ trải nghiệm mới mẻ nào mà Chúa gợi hứng trong cuộc sống mình.
Anh Chị em,
“Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?”. Câu hỏi này hay một câu hỏi tương tự nào đó cũng có thể dấy lên trong đời sống chúng ta. Vậy bạn đã phải vật lộn với những thay đổi nào trong đời sống tinh thần của mình? Thông thường, những điều chúng ta đấu tranh thực sự là những cơ hội quý báu để sống đức tin và đức ái Kitô giáo của mình ở một cấp độ mới. Tìm kiếm những thay đổi mà Chúa đang kêu gọi bạn nắm lấy trong cuộc sống và biết rằng ngay cả khi chúng khó khăn, lắm thách thức, thì chúng vẫn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến một cuộc sống thánh thiện hơn cho bạn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con cởi mở với tất cả những gì Ngài mời gọi con hy sinh để liên tục ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’, trở nên một tạo vật mới trong ân sủng Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Sau khi hai giáo sĩ của họ bị lực lượng Nga giam giữ vào tuần trước, Tổng giáo phận Donetsk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cảnh báo rằng 2 vị linh mục có thể là nạn nhân của sự tra tấn và kêu gọi trả tự do cho các ngài ngay lập tức.
Trong một tuyên bố “khẩn cấp”, chính phủ của Ông Zelenskiy đã bày tỏ tình đoàn kết của họ với các giáo sĩ, những người đang phục vụ tại thành phố Berdyansk, thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine.
Các linh mục là Cha Ivan Levytskyi, chính xứ Chúa Giáng Sinh, và Cha Bohdan Geleta, Cha Phó tại giáo xứ.
Các ngài đã bị giam giữ vì bị cáo buộc chứa chất nổ với ý định thực hiện các hoạt động “du kích” chống lại quân đội Nga.
Trong một tuyên bố trước đó, tổng giáo phận Donetsk gọi các cáo buộc là “sai sự thật” và “vu khống”, vì các giáo sĩ chưa bao giờ mạo hiểm vượt ra ngoài phạm vi trách nhiệm mục vụ của các ngài và rằng những lời bịa đặt như vậy giống một cách kỳ lạ với các phương pháp tuyên truyền điển hình thời Liên Xô được sử dụng để làm mất uy tín của hàng giáo sĩ.
Cơ quan công tố Ukraine cho biết việc sử dụng các chiến lược này là dấu hiệu của “sự coi thường hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của quyền con người”.
Trong tuyên bố của họ hôm thứ Tư, cơ quan điều tra nói rằng cho đến nay, “các linh mục vẫn đang bị bắt giữ” và “không thể nào liên lạc với họ”.
“Chúng tôi cho rằng các linh mục có thể bị tra tấn để buộc họ phải nhận những cáo buộc sai trái như việc 'giữ vũ khí', là điều mà trước đây nhiều người đã bị cáo buộc bởi các đại diện của 'chính quyền' do quân đội Nga cài đặt.”
Trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, những người ủng hộ Nga, được quân đội Nga hộ tống, đã đi thăm dò ý kiến từng nhà của người dân về việc họ có muốn tỉnh của họ bị sáp nhập hay không. Kết quả, mà nhiều người cho rằng đã bị thao túng, đã chấp thuận đề xuất này.
Putin sau đó đã ký các văn bản về việc chiếm giữ các khu vực đó và trong một cuộc bỏ phiếu nhất trí vào ngày 3 tháng 10, Duma Quốc gia, hạ viện của quốc hội Nga, đã chính thức phê chuẩn việc chiếm giữ.
Trong tuyên bố của mình, tổng giáo phận Donetsk nói rằng một “lời thú tội” có thể cần thiết để “cái gọi là 'tòa án' của Nga tuyên án và trừng phạt các giáo sĩ của chúng ta một cách bất hợp pháp.”
“Tổng giáo phận Donetsk lên án những phương pháp chống lại Giáo hội như vậy, là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp và phong tục chiến tranh, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức” cho các linh mục.
Một mối quan tâm khác là sức khỏe của Cha Geleta. Tổng giáo phận nói rằng ngài mắc một căn bệnh buộc ngài phải dùng những loại thuốc đặc biệt mà anh ấy có thể không còn khả năng tiếp cận.”
Do đó, “Việc bị bắt và bị tra tấn là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với tính mạng của ngài,” họ nói.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng tất cả các giáo sĩ trong Tổng giáo phận Donetsk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Berdyansk, kể từ khi chiến tranh lần đầu tiên nổ ra sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, đã ở lại “nơi phục vụ của họ và thực hiện các nhiệm vụ mục vụ của họ theo quy tắc của Giáo Hội.”
“Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi chính quyền, các tổ chức nhân quyền công cộng và các phương tiện truyền thông đại chúng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho các linh mục của chúng tôi,” và yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho ý định của các linh mục, và “truyền bá thông tin càng nhiều càng tốt.”
Hậu quả của cuộc chiến, hiện đã bước sang tháng thứ chín, là hàng nghìn người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường, và hàng triệu người phải di tản do bạo lực đang diễn ra, cả đối với những người còn trong nước, cũng như những người chạy ra nước ngoài và đang sống như những người tị nạn.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine đã lên án Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, gây ra sự việc mất điện lớn vào thời điểm nhiệt độ đang giảm nhanh khi bắt đầu mùa đông.
Trước mắt chưa có hồi kết rõ ràng về cuộc xâm lược này, các giám mục Công Giáo Rôma và Đông phương của Ukraine gần đây đã công bố “Năm Lòng Thương Xót” kéo dài từ ngày 27 tháng 11 năm 2022 cho đến Lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 26 tháng 11 năm 2023, và sẽ tận tụy thể hiện tình đoàn kết với những người đang gặp khó khăn, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh.
Source:Crux
Lúc 9 giờ thứ bảy, ngày 10 / 12 / 2022 tại nhà thờ Giáo xứ Sơn Quả, Giáo hạt Hương Quảng Phong, Tổng Giáo phận Huế. Tân Linh mục Giuse Lê Đắc Thắng,SJ đã dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho Giáo xứ được an lành, cầu cho Ông bà Tổ tiên đã qua đời, xin Chúa gia ân cho Ba mẹ, Thầy cô giáo, ân nhân thân nhân, bạn bè thân quen, và tất cả những ai bằng nhiều cách khác nhau hướng dẫn nâng đỡ Tân linh mục tiến tới Bàn Thánh.
Xem Hình
Cùng đồng tế có Cha quản xứ Sơn Quả, Giuse Phạm Hữu Quang; Cha Quản nhiệm Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, Micae Phạm Ngọc Hải; Cha Giuse Trần Hữu Đạt, con cậu và Hai Cha Phao-lô Cao Xuân Đắc ( Giáo phận Mỹ Tho) và Cha Phê-rô Trương Văn Phúc,SJ là con Dì của Tân Linh mục; Quí Cha nguyên quản xứ Tân Sơn, quý Cha Giáo sư, quý cha cùng Dòng và quý Cha bà con thân nhân của Tân Linh mục.
Tham dự Thánh lễ có quý thầy, quý sơ, quý gia đình linh tông và huyết tộc của Tân linh mục, Đại diện Chính quyền, quý thân tộc, Thầy cô, bạn bè các cấp học và quý khách mời.
Trong bài giảng, Cha Phao-lô Cao Xuân Đắc dùng hình tượng “con tu huýt- con tò he bằng đất sét”, một vật trong các trò chơi dân gian xưa, để nói đến đời sống của Người Linh Mục.
+ Con tu huýt phải rổng ruột mới kêu. Linh mục phải sống đức vâng phục Bề Trên, sống khiết tịnh và khước từ bất cứ sở hữu Và cũng không để bất cứ điều gì sở hữu mình. Nhờ vậy, Thánh Thần thổi vào làm cho Linh mục trở thành hiện thân của Đức Giê-su. Linh mục là người của muôn người, được sai đi để phục vụ, để làm đầy tớ mọi người, như thế phải sống đời hy sinhđể phục vụ dân Chúa, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo, kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, để cứu rỗi loài người.
+ con tu huýt thì làm bằng đất sét, nên rất dễ vỡ. Linh mục cũng vậy, là con người mỏng giòn yếu đuối, rất dễ bị sa ngã. Linh mục rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Một viên ngọc quý được đặt trong bình sành. Vì vậy cần sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của Cộng đoàn dân Chúa. Linh mục cần khiêm tốn nhìn nhận mình được ơn quá lớn, không phải do tài năng hay công trạng, nhưng là do tình yêu Thiên Chúa trao ban, vì vậy sống tâm tình tạ ơn, tâm tình sám hối quay về mỗi ngày, suốt đời. Cha Phao-lô nói đến Linh mục phải là người “ Sống đẹp, sống thật và sống tốt”, không phê bình, không lên án, không gây thù oán ai ! nhưng sống tốt trong lời ăn nết ở, có trái tim nhân hậu từ bi và nhẫn nại.
Tân Linh mục Giuse Lê Đắc Thắng,SJ vừa mới được Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục chính tòa Giáo phận Phú Cường truyền chức Linh mục hôm ngày 3 / 12 / 2022 tại Học Viện Dòng Tên Việt Nam.
Giáo xứ Sơn Quả từ lúc thành lập khoảng đầu thế kỷ 19 đến nay, đây là Linh mục con em thứ 12 của Giáo xứ:
Đôminicô Lê Văn Phẩm (1861-1934) linh mục 1892
Giuse Trương Văn Long (1865—1947) linh mục 1897
Phêrô Trương Văn Thiên ( 1909-1963 ) linh mục 1940
Augustinô Nguyễn Văn Dụ 1949- (Italia và Việt Nam) linh mục 1981
Phêrô Lê Văn Quí (Dòng Phanxicô)
Anrê Nguyễn Văn Chiến 1954- (ngoại Sơn Quả, Hoa Kỳ) linh mục 1997
Đôminicô Trương Văn Tập ( 1956-2007 ) linh mục 2001
Giuse Phạm Văn Tuệ 1959- (ngoại Sơn Quả) linh mục 2001
Phaolô Nguyễn Văn Chửng 1959- (em ruột Lm. Chiến, Hoa Kỳ) linh mục 2000
Phê-rô Trương Văn Phúc: 1 / 1 /1970- (Dòng Tên) linh mục 17 / 12 / 2004
Giuse Trần Hữu Đạt 1980 hiện đang Quản xứ Ngọc Hồ - TGP Huế, linh mục 2015
Tân Linh mục Giuse Lê Đắc Thắng con của ông Giuse Lê Văn Quang và bà Uxula Trần Thị Tám, hiện ở tại Giáo xứ Sơn Quả, Sinh: 9/4/1988; Nhập Dòng Tên Việt Nam: 31/5/2011; Khấn đầu: 31/5/2013; 2013-2016: học Triết học tại Học viện Dòng Tên, Thủ Đức; 2016-2018: sứ vụ truyền giáo theo sự sắp xếp của Tỉnh Dòng; 2018-2022: Học Thần học tại Loyola School of Theology, Manila, Philippines; 16/10/2021 Phó tế Tại Manila, Philippines; Linh mục: 3/12/2022 tại Thủ Đức, Tp HCM.
Tôma Trương Văn n
Sáng Thứ Bảy 10/12/2022, khoảng 500 anh chị em Legio Mariae 13 Praesidia thuộc các Giáo Đoàn đã đến hội trường của trường học St. Luke Revesby tham dự ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney.
Xem Hình
Mọi người tập trung trong sân trường, Cha Linh Giám Curia Paul Văn Chi ngỏ lời chào mừng tất cả các anh chị em Legio Mariae đã đến tham dự ngày Tĩnh Tâm hôm nay. Sau đó Cha dâng hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ và cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ rước vào hội trường với lời kinh Mân Côi mùa Vui cầu cho bản thân, cầu cho gia đình và cho Curia luôn phát triển và thăng tiến.
Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ an vị. Cha Linh Giám Paul Văn Chi thuyết giảng về đề tài Sống Tâm Tình Tạ Ơn. Kế tiếp mọi người cùng đóng góp chia sẻ và nêu những câu hỏi thắc mắc đã được Cha trả lời thỏa đáng. Sau giờ nghỉ giải lao. Cha Phó Linh Giám Curia Phêrô Trần Văn Trợ thuyết giảng đề tài Legio Mariae Sống Dâng Hiến.
Kết thúc phần thuyết giảng, giờ cơm trưa tại hội trường và sau đó Paul Văn Chi và Cha Trần Văn Trợ cùng hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn trong ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên. Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi đã chia sẻ nói về Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội với sứ điệp của Mẹ tại Fatima cũng như tại Lộ Đức. Đức Mẹ đã nói với Thánh nữ Bernadette “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” Về với Mẹ ngày hôm nay, chúng ta trông cậy phó thác, cầu khẩn Mẹ ban bình an cho mỗi người chúng ta, đặc biệt cho các bệnh nhân
Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Lý Ngọc Thuyên Trưởng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, và tất cả mọi người đã tham dự ngày tĩnh tâm của Curia và Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn, Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby và quý ân nhân đã trợ giúp cho ngày tĩnh tâm hôm nay được tốt đẹp. Thánh lễ kết thúc, Cha Paul Văn Chi cũng ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người.
Diệp Hải Dung
Chương Mười Một: Ngôi vị của Giáo Hội thánh thiện một cách không tì vết, nhân viên của Giáo Hội thì không
I. Ngôi vị của Giáo Hội
Để hoàn tất các quan điểm của chúng ta về tính ngôi vị của Giáo Hội
1.Tôi đã nói nhiều về ngôi vị của Giáo Hội; tôi muốn, lần cuối cùng, trở lại với chủ đề này, để cố gắng đem lại những chính xác cuối cùng đối với tôi rất cần thiết, vì hiểu rằng các ý niệm và từ ngữ mà chúng ta phải sử dụng ở đây có tính loại suy, vì nó liên hệ tới các thực tại thuộc trật tự siêu nhiên.
Chúng ta đã thấy Giáo Hội có một “linh hồn” tạo dựng, vốn là ân sủng của Chúa Kitô rải rác trong các chi thể của Giáo Hội và làm họ tham dự vào ân sủng vô hạn vốn ở trong Người và vào chính sự sống của Thiên Chúa. Được hiểu trong tất cả các chi thể sống trong ân sủng, và sống nhờ Giáo Hội, người ta phải nói như Bossuet rằng Giáo Hội là “Chúa Kitô rải rác và được thông truyền”. Chúng ta hãy nghĩ đến linh hồn của chính Chúa Kitô: linh hồn này, vì được tạo dựng, có tính hữu hạn về hữu thể, nhưng đã ở trên mặt đất, ít nhất cùng một lúc vừa là viator [lữ nhân] vừa là comprehensor [chiêm nhân]{1}, và nó tiếp tục có ở trên trời, nơi nó chỉ là comprehensor, một ân sủng vô hạn trong trật tự của nó hay về phần hiệu quả chính thức của nó, nói cách khác, về một điểm hoàn hảo tuyệt đối cao cả và không thể vượt qua. Do sự kiện ngôi vị của Chúa Kitô là Ngôi vị phi tạo của chính Ngôi Lời, nên một cách đồng bản tính, Người thấy Thiên Chúa, nói cách khác, ân sủng chiếu rọi trong linh hồn Chúa Kitô comprehensor giống như đường tiệm cận [asymptote] mà hướng về nó tuy không bao giờ có thể đạt tới nó là đường cong của sự hoàn hảo đi lên gồm mọi ân sủng mà một tạo vật trong trắng có thể nhận được. Như thế, sự viên mãn ân sủng là tuyệt đối trong Chúa Kitô.
Chúng ta hãy nghĩ đến linh hồn Đức Trinh Nữ: ân sủng nơi ngài không vô hạn, vì đức Maria chỉ là một tạo vật trong trắng; nhưng ân sủng này (vốn lớn lên suốt trong đời sống dương thế của ngài) cao hơn ân sủng của bất cứ tạo vật trong trắng nào khác, vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, người phụ nữ khiêm nhường ở ngay ngưỡng cửa thiên tính. Sự viên mãn ân sủng trong hàng những điều tạo vật trong trắng có thể đạt tới.
Chúng ta hãy nghĩ tới linh hồn Giáo Hội: linh hồn này là sự viên mãn của mọi ân sủng được ban cho loài người dưới thế này, theo với thời gian, và là các ân sủng ở trên trời, nơi chúng là các ân sủng hoàn tất, làm rạng danh các thiên thần và những người diễm phúc. Do đó, đối với cả Giáo Hội cũng thế, sự viên mãn ân sủng cũng ở trong hàng những điều tạo vật trong trắng có thể đạt tới (ở mức độ tăng dần khi Giáo Hội ở dưới đất chưa hoàn tất cuộc lữ hành của mình).
2. Linh hồn của Giáo Hội là ân sủng của Chúa Kitô, là ân sủng hoàn tất ở trên trời, lên mô thức ở đó cho đoàn vô số các thiên thần và linh hồn tách rời đang được thấy Thiên Chúa, và là ân sủng đang lớn lên ở dưới đất, lên mô thức ở đó và tự xây dựng một đoàn đông đảo có tổ chức, gồm những con người tuyên xưng đức tin tông truyền, lãnh nhận các bí tích và thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục.
Ân sủng được ban cho mỗi người một cách cá thể. Nhưng nó là duy nhất theo nghĩa phát xuất từ Chúa Kitô, Đấng phân phối cho mỗi người một phần trong kho tàng vô tận của Người và theo việc nó liên kết với nhau tất cả những người lãnh nhận nó trong hiệp thông các thánh.
Chính nhờ sự hiệp nhất này trong nguồn của nó (Chúa Kitô) và trong điều kiện của nó (hiệp thông các thánh) mà linh hồn Giáo Hội, và, vì chỉ tạo nên một hữu thể với linh hồn Giáo Hội, đoàn ngũ đông đảo do linh hồn Giáo Hội lên mô thức và xây dựng, có thể, vì là hình ảnh của Chúa Kitô mà Thiên Chúa thấy trong hữu thể được tạo nên như thế, tiếp nhận một cách siêu nhiên, như ta đã thấy, một tồn hữu chân thực, một tồn hữu hoàn toàn duy nhất và niêm ấn cho tổng thể trong sự hiệp nhất của nó; sự tồn hữu này chính là nền tảng siêu hình cho tính ngôi vị của Giáo Hội: một trường hợp tuyệt đối độc nhất vốn là của riêng và dấu ấn của mầu nhiệm Giáo Hội.
3. Đâu là vị trí, đâu là vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong nhiệm cục của mầu nhiệm này? Các nhà thần học đã thảo luận nhiều ở trên {2}. Tôi xin mạo hiểm đề nghị, trong viễn ảnh tôi đang nói về, điều xem ra thích đáng đối với chủ đề này.
Đức Trinh Nữ không ở trên Giáo Hội như Chúa Kitô, caput super Ecclesiam [là Đầu trên Giáo Hội], ngài ở trong Giáo Hội, và ở trong hiệp thông các thánh.
Trước nhất, rõ ràng Đấng Vô Nhiễm ở trong Giáo Hội như đấng trị vì do sự thánh thiện mênh mông và khôn sánh của ngài, hơn mọi tập thể nhân bản và thiên thần vốn lập thành Giáo Hội, vì ngài là nữ vương các thiên thần và nữ vương các tông đồ, và là omnipotentia supplex [người cầu xin toàn năng]. Nói cách khác, với trọn vẹn sự thánh thiện bản thân của ngài, ngài là chi thể của Giáo Hội với danh hiệu hoàng gia.
Nhưng ngài cũng ở trong Giáo Hội với một danh hiệu khác quan trọng hơn.
Ta hãy nhớ ngài là đấng trung gian phổ quát {3}, và chức năng này có hai khía cạnh. Một mặt, do sáng kiến bản thân của ngài, hay như do “nguyên nhân chính”, Đức Maria cầu nguyện, khẩn cầu, đem lời cầu nguyện của chúng ta, đem lời than thở của chúng ta lên Thiên Chúa.
Và mặt khác, Thiên Chúa dùng các lời cầu nguyện của ngài, các lời khẩn cầu của ngài, cả tình yêu của ngài nữa và mọi chuyển động của trái tim ngài như ‘nguyên nhân dụng cụ” nhờ đó, Người, Đấng là Tác nhân chính, ban cho Giáo Hội và cho mỗi người trong các chi thể của Giáo Hội tất cả những gì Người ban cho họ. Chính vì vậy, Thánh Bernadin thành Sienna {4} so sánh ngài với chiếc cổ nối đầu với thân thể. Đối với tôi, xem ra sẽ là cách nói hay hơn nhiều nếu ta nói rằng vì là mẹ Giáo Hội và có thể nói, mang Giáo Hội trong dạ mình như ngài vốn mang Chúa Giêsu, nên nhờ ngài như dụng cụ, Thiên Chúa và Chúa Kitô hiển vinh chuyển giao mọi ơn phúc và mọi ân sủng để nuôi sống Giáo Hội.
4. Như thế, một khi đã khai thông trước mắt chúng ta, chính khía cạnh trên, khía cạnh dụng cụ ta cần phải xem xét, chứ không còn khía cạnh liên quan đến lời cầu nguyện và tình yêu của Đức Maria nữa, mà là khía cạnh liên quan đến chính ngôi vị của ngài. Nên ta nói, một cách căn để và chắc chắn thân mật hơn danh hiệu hoàng gia, Đức Maria ở trong Giáo Hội với danh hiệu dụng cụ hết sức độc đáo. Ngài không ở trong Giáo Hội theo cách của các chi thể khác của Giáo Hội, như được tư cách ngôi vị của Giáo Hội bao hàm. Ngài ở trong Giáo Hội như nội tại trong chính tư cách ngôi vị của Giáo Hội, qua ngả dụng cụ, luôn hiện diện trong tư cách ngôi vị này như “khuôn mẫu” {5} hay dấu chỉ nhờ đó Thiên Chúa ban tư cách đó cho Giáo Hội. “Khuôn mẫu” hay dấu chỉ được Thiên Chúa làm cho hoạt động bằng cách sử dụng nó như dụng cụ này, chính là ngôi vị của Đức Maria Vô Nhiễm, đấng chính là hình ảnh sống động của Chúa Kitô, và được Thiên Chúa sử dụng để in vào Giáo Hội dấu ấn một tồn hữu siêu nhiên vì hình ảnh của Chúa Kitô mà Người nhìn thấy nơi ngài.
Trinh Nữ Diễm Phúc một khi được hành động của Thiên Chúa làm cho nội tại trong tư cách ngôi vị của Giáo Hội, thì không có điều gì có trong Giáo Hội trước đó đã không có trong Đức Trinh nữ. Đức Maria thánh thiện và đầy ơn phúc trước Giáo Hội. Há Đức Maria không một mình, dưới chân thập giá, là tiên trưng [type], là hình bóng của Giáo Hội, hay đúng hơn, vào lúc đó, là chính Giáo Hội hay sao? Chính nhờ tính dụng cụ của Đức Maria mà Giáo Hội, Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến {6}, là thánh thiện và đầy ơn phúc ở trên trời và ở dưới đất, và ở dưới đất, sự thánh thiện và đầy ơn phúc của Giáo Hội lớn lên cho tới ngày sau hết. Khi tất cả những điều này đã hoàn tất và Giáo Hội đã hoàn toàn được tụ họp trong vinh quang, lúc ấy, người ta có thể nghĩ rằng sự thánh thiện và đầy ơn phúc của tất cả các chi thể của Giáo Hội xét chung với nhau từ nay sẽ bằng với sự thánh thiện và đầy ơn phúc của nữ vương họ, người đã cho tất cả.
5. Trong khi chờ đợi và trong khi đang lữ hành dưới mặt đất, ngôi vị của Giáo Hội có thể thánh thiện dù bao gồm các chi thể thẩy đều có tội ở một mức độ nào đó và vẫn giữ, ở một mức độ nào đó, các vết thương của bản tính vốn do tội lỗi đầu tiên để lại, chúng ta đã thấy cần phải giải thích điều này ra sao: tư cách ngôi vị như một thành tựu của linh hồn và thể xác kết hợp với nhau, và linh hồn của Giáo Hội như chính ơn thánh hóa, chỉ căn cứ việc chúng ta sống ơn thánh này mà chúng ta được bao hàm trong tư cách ngôi vị của Giáo Hội.
Đường phân rẽ các dòng nước chẩy qua trái tim mỗi người, dòng nước trong liên hệ với sự thánh thiện của Giáo Hội, mà ơn thánh hoạt động trong chúng ta làm chúng ta trở thành những người được tham dự; dòng nước đục liên hệ đến sự yếu đuối của ta và các sai lạc của ta. Chúng ta phạm tội đến đâu, là chúng ta tự tách mình ra khỏi tư cách ngôi vị của Giáo Hội bấy nhiêu.
Ngôi vị của Giáo Hội hữu hình ra sao?
6. Bây giờ phải nói gì về tính hữu hình của ngôi vị Giáo Hội vốn vượt quá ngôi vị các chi thể của Giáo Hội {7}, và chỉ bao hàm trong ngôi vị của Giáo Hội những gì, trong từng chi thể của Giáo Hội trên mặt đất, không tránh né ơn thánh hóa?
“Ngôi vị” trong chính nó hay như một thực thể siêu hình thì vô hình, trong Giáo Hội cũng như trong mỗi chúng ta. Trong Giáo Hội cũng như trong mỗi chúng ta, đối với con mắt, nó hữu hình bởi cơ thể của nó, đối với trí khôn, nó hữu hình bởi các dấu hiệu phát xuất từ nó và biểu lộ nó.
Xét về mặt chất thể (matériellement), hay xét như một số đông con người, chứ không như ngôi vị, Giáo Hội chính là mọi người đã chịu phép rửa, bất kể họ đang sống trong ơn thánh hay trong tội lỗi, nhưng làm thành phần tạo nên các mô và khớp nối của thân thể Giáo Hội và tuyên xưng đức tin Công Giáo. Một số đông như thế thì rất hữu hình, nhưng đó không phải là ngôi vị của Giáo Hội.
Xét về mặt mô thức (formellement), hay xét như ngôi vị siêu nhiên vượt quá ngôi vị của các chi thể, Giáo Hội chính là tất cả những người, trong đám đông có tổ chức này, đang sống trong ơn thánh và đức ái. Ngôi vị này của Giáo Hội hữu hình đối với con mắt và trí khôn, nhưng in confuso (một cách lờ mờ), không rõ rệt (trừ trong một vài trường hợp xác định rõ), tôi muốn nói rằng vì không biết tận đáy lòng người ta, chúng ta không thể lần giở những đường nét đánh dấu các đường biên của ngôi vị Giáo Hội giữa số đông của tín phái Công Giáo mà tôi vừa nói đến. Tuy nhiên, tuy không thể tìm được các đường biên này, chúng ta vẫn biết ngôi vị Giáo Hội đang ở đấy, vì Chúa Kitô từng phán: “thầy sẽ ở cùng chúng con cho tới tận cùng thời gian”. Chúng ta biết rằng phần lớn vẫn còn lờ mờ đối với chúng ta (nếu không lờ mờ đối với các thiên thần) và chắc chắn lớn hơn chúng ta nghĩ, các chi thể trong đám đông Công Giáo có tổ chức hiện hữu thực sự một cách hiện thể [en acte] (chứ không phải chỉ hiện hữu một cách tiềm ẩn {8} hay trong tiềm năng {9}), một dân tộc được thánh hóa, dân Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng Đức Giáo Hoàng có thể là một người tội lỗi lớn lao, nhưng với giả thiết về đặc sủng của ngài (“củng cố anh em con”), ngài không bao giờ đánh mất đức tin {10}; và giám mục đoàn cũng không bao giờ đánh mất đức tin (mặc dù các Giám Mục hiểu theo từng cá nhân có thể rơi vào lạc giáo, ít nhất vì yếu đuối, như người ta thấy rõ, và rất nhiều, thời phái Ariô). Và tất cả các công trình thánh thiện từng phát sinh trong lòng cộng đồng Kitô giáo; và tất cả chứng từ làm chứng cho công lý và tình yêu huynh đệ; và sự quan tâm đối với việc bảo vệ nhân phẩm, giúp đỡ người yếu thế và vô tội, làm cho các cơ cấu của đời sống con người trở nên xứng đáng hơn của một hữu thể được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa; và ánh sáng cũng như đức ái mà chúng ta vốn có thể đích thân lãnh nhận sự trợ giúp từ một linh mục tốt lành hay một người bạn Kitô hữu, tất cả những điều này làm cho ngôi vị của Giáo Hội thành hữu hình in confuso.
7. Cuối cùng, nếu người ta hỏi nhờ những cách nào và trong những trường hợp nào ngôi vị Giáo Hội tỏ mình ra, không còn in confuso nữa, mà là một cách rõ ràng, thì chúng ta tuyệt đối biết chắc được thấy mặt mũi ngôi vị Giáo Hội, nơi các thánh được hiển phong {11} và Đức Nữ Trinh ở trên tất cả các ngài; tuyệt đối thấy ngôi vị ấy hành động, có trọn trật tự bí tích, và trước hết có hy tế thánh lễ và Phép Thánh Thể; tuyệt đối chắc chắn nghe thấy tiếng nói của Giáo hội khi Giáo hội nói với Thiên Chúa, bằng kinh thường vụ {12}; tuyệt đối chắc chắn nghe thấy tiếng nói của Giáo hội khi Giáo hội nói với những con người, với huấn quyền đặc biệt của Đức Giáo Hoàng phán ex cathedra, và của các công đồng ấn định và chỉ định rõ tín lý đức tin và các phong hóa, cũng như cả huấn quyền thông thường của giáo huấn liên tục và phổ quát ban hành từ thời các tông đồ bởi Giám Mục đoàn trong kết hợp với Đức Giáo Hoàng.
Nếu các xem xét trên cách nào đó, trừ các trường hợp tôi vừa nhắc đến, làm cho tính hữu hình của ngôi vị Giáo Hội lui vào một thứ bóng tối nào đó, tôi sẽ không phàn nàn chi cả: thật vậy, vì một đàng, điều ấy tách biệt, như điều cần thiết phải làm, và che chở ngôi vị mầu nhiệm và thánh thiện này khỏi thứ văn chương không đáng đọc (bất kể là đạo hạnh hay ‘đáng thách thức”) thứ văn chương được đại đa số các vị trong Giáo Hội biết bí quyết và khỏi những bàn tán ỏm tỏi của ngôn ngữ con người mà người ta tin có thể làm tai chúng ta khoái nghe lấy cớ là dẫn dắt chúng ta tới Thiên Chúa và tới sự im lặng trong đó Người tự hiến mình.
Đàng khác, và trên hết, điều này làm nổi bật sự khác nhau cần phải nhận ra giữa ngôi vị Giáo Hội và nhân sự của Giáo Hội.
II. Nhân sự của Giáo Hội
Nhân sự của Giáo Hội không thánh thiện một cách bất khả khuyết cũng không luôn vô ngộ
1.Điều tôi gọi là nhân sự của Giáo Hội, đó là những con người, do sự kiện họ thuộc hàng giáo sĩ triều hay dòng, là những người được giao chức vụ chính thức trong Giáo Hội, và, một cách đặc biệt, những người trong số họ thuộc mức cao hay mức thấp của phẩm trật, được trao cho thẩm quyền đối với dân Kitô giáo.
Sứ mệnh của họ đặt họ riêng ra, nhưng về cách cư xử bản thân và các vết thương của bản nhiên, thì họ vẫn là những con người giống mọi người khác, và là các chi thể của Giáo Hội như mọi người khác, thẩy đều có thể, nhiều hay ít trầm trọng, rơi vào sai lầm và tội lỗi.Và những người được trao thẩm quyền, trong việc thực thi thẩm quyền này, có thể sai lầm ít hay nhiều trầm trọng hoặc trong tác phong của họ trong vấn đề quyết định thực tế và cai quản, hoặc trong các điều họ nói và điều họ làm trong vấn đề tín lý (trừ khi huấn quyền thông thường hay đặc biệt của Giáo Hội đang diễn ra, thì họ được bảo vệ khỏi mọi sai lầm liên quan tới đức tin và phong hóa).
Về các lỗi lầm và sai lạc trên, các sử gia có thể lên các danh sách rất dài. Một số lỗi lầm này, lỗi quên sót hay lỗi vi phạm, rất nặng nề. Nói cho ngay, khi người ta nghĩ tới điều những con người nắm giữ một quyền lực khủng khiếp như một quyền lực trực tiếp nhận lãnh từ Thiên Chúa có khả năng làm khi họ mặc tình lao theo các sức mạnh riêng của họ cũng như các bản năng riêng của họ, thì điều xem ra đáng ngạc nhiên là các lỗi lầm và sai lầm đang bàn đã không nhiều hơn và trầm trọng hơn.
2. Đã có một số thành viên nhân sự của Giáo Hội rơi vào các tội có liên quan tới tác phong luân lý, bất kể là tội kiêu ngạo thuộc tinh thần hay các yếu đuối thuộc xác thịt, hay các cám dỗ tiếng tăm hay giầu có, các tội đó chắc chắn có hậu quả nơi đoàn chiên mà họ có sứ mệnh chăn dắt và đối với cách họ tiến hành việc này. Tuy nhiên, không phải các lỗi lầm và sai lầm đụng tới luân lý cá nhân này làm tôi quan tâm ở đây, mà là các lỗi lầm và sai lầm đụng tới thẩm quyền trong Giáo Hội {13}.
Vì điều tạo ra vấn đề, chính là sự kiện qua một nhân viên có thể sai lầm trong việc thi hành thẩm quyền đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, chẳng hạn như khi cho là không tương thích với đức tin các nhận định thực ra tương thích, hay coi như phạm sai lầm luân lý một người sau đó được phong thánh, có thể, trong các trường hợp tôi đã nhắc ở cuối phần đầu chương này, chúng ta bị đặt trước sự hiện diện của chính ngôi vị Giáo Hội, thấy Giáo Hội hoạt động và nhận từ Giáo Hội các chân lý mạc khải của Thiên Chúa mà Giáo Hội có quyền đề xuất với chúng ta.
Tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ
1. Theo tôi, chìa khóa đem lại giải đáp cho vấn đề là sự phân biệt giữa tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ.
Trước hết, chúng ta hãy nhắc lại một số chân lý siêu hình thuộc trật tự hoàn toàn tổng quát. Khi một tạo vật nhân bản hành động như một nguyên nhân chính, hoặc như một tác nhân chính, họ có toàn quyền làm chủ hành động của mình, trong trật tự tạo vật, dưới sự tác động của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn họ đến những điều công chính và tốt lành, và họ có thể, thông qua sự tự do mà họ vốn được ban tặng, và theo quy luật tự nhiên được Thiên Chúa luôn vinh dự tôn trọng, thực hiện một sáng kiến tuyệt đối đầu tiên từ hư vô cản ngăn chuyển động này hướng tới điều tốt, và đó là một hành động xấu xa hoặc rối loạn mà họ tạo ra lúc đó{14}.
Khi cũng chính tạo vật nhân bản này hoạt động như một nguyên nhân dụng cụ, dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa, thì hành động mà họ hoàn thành như một công cụ {15} đương nhiên chỉ có quyền đòi hỏi đến mức này.
2. Theo tỷ lệ, cũng đúng như vậy đối với nhân viên của Giáo Hội. Về đạo đức riêng tư của họ, một thành viên của nhân sự này cũng ở trong trường hợp giống như bất cứ tạo vật nhân bản nào khác. Đối với những gì họ làm với tư cách là tôi tớ của Giáo hội, và đặc biệt là trong việc thi hành thẩm quyền mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa, theo lời Thiên Chúa đã hứa với Giáo hội của Chúa Kitô, họ được Chúa Thánh Thần trợ giúp, Đấng nghiêng chiều họ về phía phán đoán đúng đắn và trung thành hoàn toàn với chân lý, nói ngắn gọn là đối với điều tốt lành mà vì nó họ đã được cử làm đầy tớ của Giáo hội.
Nhưng nếu họ hành động như nguyên nhân chính, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là một trợ cụ được ban cho họ và họ có thể đánh mất do lỗi lầm của họ.
Cũng có thể xảy ra việc tuy không rút lui khỏi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và không do lỗi về phần mình, các giới hạn của bản chất con người và của sự phát triển lịch sử, và những trở ngại thuộc mọi loại do chúng tạo ra, vẫn ngăn cản họ nhận biết sự thật đặc thù nào đó, sự thật mà họ cần nhìn thấy để không mắc sai lầm, hoặc để đưa ra phán đoán đúng trong những hoàn cảnh nhất định nào đó.
Nói tóm lại, khi họ hành động như nguyên nhân chính, thì một thành viên trong nhân sự của Giáo hội có thể mắc sai lầm.
Ngược lại, khi họ hoạt động như một nguyên nhân dụng cụ trong tay của Nguyên nhân Đệ nhất, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là một thúc đẩy thần linh đi qua họ để tạo ra tác dụng của nó; lúc đó, họ hành động, họ nói, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng hành động qua họ và nói qua họ.
Chắc chắn có nhiều trường hợp trong đó các thành viên này hoặc các thành viên nọ trong nhân sự của Giáo Hội nói và hành động qua Người. Nhưng chỉ trong những trường hợp mà tôi đã đề cập ở trên, chúng ta mới biết chắc chắn là họ nói và hành động như thế.
Tôi vừa nói về những trường hợp một người hành động dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, không phải là nguyên nhân chính, nhưng là nguyên nhân dụng cụ do Chúa Thánh Thần tác động.
Bây giờ, điều quan trọng đối với tôi là hình dung ra cùng một sự phân biệt giữa tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ trong tương quan với “tác nhân chính” là ngôi vị của Giáo hội. Tôi cho rằng mọi chi thể của Giáo hội, đặc biệt mọi thành viên trong nhân sự của Giáo Hội, đều có thể hành động hoặc như một nguyên nhân chính, hoặc, nếu Thiên Chúa muốn, như một nguyên nhân dụng cụ được ngôi vị của Giáo hội đặt để hành động.
Dưới mắt tôi, điều đó rất chủ yếu, bởi vì chỉ khi ai đó hành động hoặc nói năng như một nguyên nhân dụng cụ do Giáo hội đặt để hành động thì chính Giáo hội mới là người hành động hoặc nói năng (qua họ), nói cách khác lúc đó chúng ta đang đứng trước sự hiện diện của chính ngôi vị của Giáo hội, như xảy ra khi Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra (từ ngai tòa Phêrô).
Tôi tin rằng, ý niệm cho rằng Giáo hội có thể sử dụng tính dụng cụ của một trong những chi thể của mình, đến nỗi nhờ người đó mà chính Giáo hội là người nói hoặc hành động, là một ý niệm mới, do đó cần được giải thích và biện minh. Không đi sâu vào quá nhiều chi tiết kỹ thuật, đối với tôi, dường như cách biện minh như vậy hiếm khi có bất cứ khó khăn nào, từ thời điểm người ta thừa nhận khái niệm chính, mà tôi nhấn mạnh rất nhiều trong cuốn sách này, về tư cách ngôi vị, theo nghĩa mạnh mẽ hoặc ý nghĩa hữu thể học, được Thiên Chúa ban cho Giáo hội một cách siêu nhiên nhờ hình ảnh của Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội. Chỉ trong trường hợp tuyệt đối độc đáo, tư cách ngôi vị của Giáo hội mới cũng thực sự là tư cách ngôi vị của một con người cá thể, chứ, - và đây là mầu nhiệm riêng của Giáo hội - nó là tư cách ngôi vị siêu nhiên của đám đông mênh mông tạo nên từ những hữu thể nhân bản, hay những tác nhân tự do mà tư cách ngôi vị tư nhiên được vượt qua bởi tính ngôi vị được ban cho Giáo hội một cách siêu nhiên này.
Từ đó, ta nên hiểu hạn từ "chi thể" của Giáo Hội trong hai nghĩa khác nhau. Tôi xin nói rằng một người là một "thành viên số lượng" đơn giản của Giáo hội vì họ là một đơn vị trong đám đông tạo thành Giáo Hội, theo cách thức một cá nhân là một đơn vị trong đám đông các công dân của một đất nước. Lúc đó họ hành động như một nguyên nhân chính.
Và tôi xin nói rằng họ là một "chi thể chức năng" của ngôi vị Giáo hội khi Giáo Hội sử dụng họ theo cách mà tôi, một ngôi vị cá thể, sử dụng một trong các chi thể của tôi hoặc một trong các cơ quan của tôi để làm điều tôi định làm, - thí dụ cách tôi dùng tay tôi để viết. Lúc đó, bàn tay của tôi là một dụng cụ dính liền mà tôi sử dụng để làm điều tôi muốn. Tương tự như vậy, khi Đấng đứng đầu toàn thể Hội thánh trên trời và dưới đất, tức Chúa Giêsu, muốn sử dụng một người nào đó như một chi thể chức năng hoặc một dụng cụ gắn liền với ngôi vị của Giáo Hội, thì đó là hành động của chính ngôi vị của Giáo Hội băng qua tính công cụ của một người nào đó này.
Con người đang bàn là một tác nhân tự do, và chính trên sự tự do của họ, như một dụng cụ gắn liền với ngôi vị của Giáo hội, mà thúc đẩy toàn năng của Chúa Kitô, Đầu của ngôi vị Giáo hội, đã được thi hành mà chính họ không hề hay biết (vì họ tự quyết định và hành động một cách tự do, như trong tác phong thông thường của họ); lúc đó họ hành động để hành động; chính ngôi vị của Giáo hội nói hoặc hành động qua tính dụng cụ của họ khi họ nói và hành động. Và trong trường hợp tương tự như vậy họ không thể sai lầm; đó chính là tính không thể sai lầm của Giáo hội trên Trời và dưới đất, tính không thể sai lầm của ngôi vị Giáo hội băng qua họ.
Còn 1 kỳ
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 9 tháng 10, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ hai cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.
Trong bài thuyết giảng có chủ đề: “Cửa Đức Cậy – Niềm hy vọng đời đời”, Đức Hồng Y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm hy vọng Kitô giáo, và khuyến khích Giáo hội mang đến cho thế giới món quà hy vọng này có chân trời là sự sống vĩnh cửu, và có người bảo lãnh, là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài.
Ngài lưu ý rằng Đền Thờ Giêrusalem có một cánh cửa được gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2) và đền thờ của Thiên Chúa, là trái tim của chúng ta, cũng có một “cửa đẹp” là cánh cửa của hy vọng – cánh cửa của chúng ta mở ra chào đón Chúa Kitô đến.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)
Chúng ta đã lấy câu thánh vịnh này làm kim chỉ nam cho các bài suy niệm Mùa Vọng, nghĩa là như những cánh cửa mở ra các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đền thờ Giêrusalem – chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ – có một cánh cửa gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2). Đền thờ của Thiên Chúa là trái tim của chúng ta cũng có một “cửa đẹp”, và đó là cánh cửa của niềm hy vọng. Đây là cánh cửa mà hôm nay chúng ta muốn cố gắng mở ra để đón Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến.
Chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc
Đâu là đối tượng thích hợp của “niềm hy vọng hồng phúc”, mà chúng ta tuyên bố là “đang trông đợi” trong mỗi Thánh Lễ? Để nhận ra sự mới lạ tuyệt đối do Chúa Kitô mang lại trong lĩnh vực này, chúng ta cần đặt sự mặc khải của Phúc âm trên nền tảng của niềm tin cổ xưa về đời sau.
Về điểm này, ngay cả Cựu Ước cũng không có câu trả lời. Ai cũng biết rằng chỉ ở phần cuối của Cựu Ước, ta mới có thể tìm thấy một số tuyên bố rõ ràng về cuộc sống sau khi chết. Trước đó, niềm tin của Israel không khác với niềm tin của các dân tộc láng giềng bao nhiêu, đặc biệt là niềm tin của người Lưỡng Hà (Mesopotamia). Cái chết kết thúc cuộc sống mãi mãi; tất cả chúng ta, dù tốt hay xấu, đều kết thúc trong một loại “ngôi mộ chung” ảm đạm mà ở những nơi khác người ta gọi là Arallu và trong Kinh thánh là Sheol. Không có gì khác biệt là niềm tin thống trị trong thế giới Hy Lạp-Rôma trong thời Tân Ước. Người ta gọi nơi bóng tối buồn bã đó là Inferi, hay Hades, nghĩa là a tì địa phủ.
Điều tuyệt vời phân biệt Israel với tất cả các dân tộc khác là, bất chấp mọi thứ, họ vẫn tiếp tục tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa. Người Babylon cho rằng cái chết là do sự ghen tị của các thần minh chỉ muốn dành sự bất tử cho riêng mình, dân Israel không nghĩ như thế nhưng quy cái chết là là tội lỗi của con người (St 3), hoặc đơn giản là do bản chất có sinh có tử của con người. Đúng là đôi khi, con người Kinh Thánh đã không giữ im lặng trước một số phận dường như không phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, dân Israel chưa bao giờ nổi loạn. Trong một số lời cầu nguyện theo Kinh thánh, dường như dân Israel đã đi xa đến mức ước muốn và thoáng thấy khả năng có một mối quan hệ với Thiên Chúa sau cái chết: một hữu thể “được lôi ra khỏi địa ngục” (Tv 49:16), “được ở bên Thiên Chúa luôn mãi” (Tv 73, 23 ) và “thỏa lòng hân hoan trước mặt Người” (Tv 16, 11).
Vào cuối Cựu Ước, khi kỳ vọng này, đã chín muồi trong lòng đất của linh hồn Kinh thánh, cuối cùng được đưa ra ánh sáng, thì nó không diễn đạt mình, theo cách của các triết gia Hy Lạp, như là sự sống còn của một linh hồn bất tử, mà, khi thoát khỏi thể xác, thì quay trở về với thế giới siêu phàm của mình. Phù hợp với quan niệm Kinh Thánh về con người, như một thể thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, sự sống còn bao gồm trong sự sống lại của cả thân xác và linh hồn từ trong cõi chết (Dn 12: 2-3; 2 Mac 7: 9).
Chúa Giêsu đột nhiên đưa xác tín này đến mức tỏ tường nhất và – điều quan trọng nhất là – Ngài đưa ra bằng chứng không thể chối cãi bằng cách sống lại từ trong cõi chết. Sau Ngài, đối với một tín hữu, cái chết không còn là một cuộc hạ cánh, mà là một cuộc cất cánh!
Món quà đẹp nhất và di sản quý giá nhất mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc để lại cho quốc gia và thế giới sau 70 năm trị vì, là niềm hy vọng Kitô giáo của bà vào sự sống lại của người chết. Trong nghi thức tang lễ, được theo dõi trực tiếp bởi hầu hết những người có quyền lực trên trái đất và qua truyền hình, bởi hàng trăm triệu người, trong bài đọc đầu tiên, những lời sau đây của Thánh Phaolô đã được công bố, theo ý muốn rõ ràng của bà:
Tử thần đã bị chôn vùi.
Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?
Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?
Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.
Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1Cr 15: 54-57).
Và trong bài Tin Mừng, vẫn theo di nguyện của bà, những lời sau của Chúa Giêsu đã được cất lên:
Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14:2-3).
Đức Cậy, một nhân đức tích cực
Chính vì chúng ta vẫn còn đắm chìm trong thời gian và không gian, nên chúng ta thiếu những phạm trù cần thiết để trình bày cho chính chúng ta về những gì bao gồm trong “cuộc sống vĩnh cửu” với Thiên Chúa. Nó giống như cố gắng giải thích ánh sáng là gì cho một người mù bẩm sinh. Thánh Phaolô chỉ nói đơn giản:
Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang.
Gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ
Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. (1 Cr 15,43-44).
Một số nhà thần bí, ngay trong cuộc sống đời này, đã được ban cho cảm nghiệm vài giọt trong đại dương hân hoan vô tận mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho dân Người, nhưng tất cả đều nhất trí khẳng định rằng không lời nào có thể diễn đạt được điều đó bằng lời nói của con người. Người đầu tiên trong số họ là Tông đồ Phaolô. Thánh nhân tâm sự với các tín hữu thành Côrintô rằng, mười bốn năm trước, ngài đã được đưa đến “thiên đường thứ ba”, trên trời cao, và đã nghe “những lời không thể diễn tả được mà không ai được phép nói lại”. (2 Cr 12: 2-4). Ký ức mà trải nghiệm đó để lại trong ngài có thể cảm nhận được trong những gì ngài viết vào một dịp khác:
Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. (1 Cr 2:9).
Nhưng hãy bỏ qua những gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia (là điều mà chúng ta có thể nói rất ít) mà thay vào đó hãy đến với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Suy tư về niềm hy vọng Kitô giáo có nghĩa là suy tư về ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của chúng ta. Về vấn đề này, có một điểm chung cho tất cả mọi người: đó là niềm khao khát được sống “tốt”, được “hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay khi bạn cố gắng hiểu từ “tốt” nghĩa là gì, thì lập tức nảy sinh hai hạng người: hạng người thứ nhất là những người chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất và cá nhân; và hạng người thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích đạo đức của tất cả mọi người, đến điều được gọi là “thiện ích chung”.
Đối với hạng người thứ nhất, thế giới đã không thay đổi bao nhiêu kể từ thời tiên tri Isaia và thời của Thánh Phaolô. Cả hai đều đưa ra câu nói đã từng thịnh hành vào thời của các ngài: “Chúng ta hãy ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (Is 22, 13; 1 Cr 15, 32). Thú vị hơn là hãy cố gắng hiểu những người đề xuất – ít nhất như một lý tưởng – để “sống tốt” không chỉ về vật chất và cá nhân, mà còn về mặt đạo đức và cùng với những người khác. Có những trang web trên internet phỏng vấn những người cao tuổi về việc họ đánh giá cuộc sống mà họ đã sống khi đến thời xế bóng như thế nào. Nói chung, họ là những người đàn ông và phụ nữ đã sống một cuộc sống giàu có và đàng hoàng, phục vụ gia đình, văn hóa và xã hội, nhưng không có bất kỳ liên quan nào đến tôn giáo. Thật thảm hại khi thấy họ cố gắng khiến mọi người tin rằng một người hạnh phúc khi được sống như vậy. Nỗi buồn vì đã sống – và chẳng bao lâu nữa không còn sống nữa! – bị che giấu bởi lời nói của họ, đã hét lên từ đôi mắt của họ.
Thánh Augustinô đã diễn tả cốt lõi của vấn đề: “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống luôn mãi?”. Trước ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Người nào được cả thiên hạ mà mất mạng sống, thì có ích gì?”. (Lc 9:25). Đây là lời đáp thích đáng cho niềm hy vọng thần học – và nó khác biết bao. Lời đáp này bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để sống chứ không phải để chết; rằng Chúa Giêsu đến để bày tỏ sự sống đời đời cho chúng ta và để bảo đảm với chúng ta qua sự sống lại của Ngài.
Cần phải nhấn mạnh một điều để không rơi vào một sự hiểu lầm nguy hiểm. Sống không “luôn luôn” đối lập với sống “tốt”. Hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu là điều làm cho cuộc sống hiện tại trở nên tươi đẹp, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Mọi người trong cuộc đời này đều có phần của mình trên thập tự giá, kể cả các tín hữu lẫn những người không tin. Nhưng đau khổ mà không biết vì mục đích gì là một chuyện, còn đau khổ vì biết rằng “những đau khổ hiện tại chẳng sánh được với vinh quang mai sau sẽ tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8:18) lại là một chuyện khác.
Niềm hy vọng thần học có một vai trò quan trọng liên quan đến việc phúc âm hóa. Một trong những yếu tố quyết định sự lan truyền nhanh chóng của đức tin, trong những ngày đầu của Kitô giáo, là lời loan báo về một cuộc sống mai hậu sau khi chết vô cùng viên mãn và hân hoan hơn cuộc sống trần gian.
Hoàng đế Hadrian đã xây dựng những biệt thự ngoạn mục cho mình ở nhiều nơi trên thế giới và đã chuẩn bị khu vực ngày nay là Castel Sant'Angelo hay Lâu đài Thiên Thần, cách đây không xa, để làm lăng mộ của ông. Gần chết, ông đã viết một loại văn bia cho ngôi mộ của mình. Nói với linh hồn của mình, ông ấy khuyên nó hãy nhìn lại lần cuối những vẻ đẹp và thú vui của thế giới này, bởi vì - ông ấy nói - bạn sắp đi xuống “những nơi không màu, gian khổ và trần trụi”. Hades – A tì địa phủ! Trong một bầu không khí như thế, người ta có thể tưởng tượng cú sốc tinh thần chắc hẳn đã gây ra bởi lời hứa về một cuộc sống viên mãn và tươi sáng hơn nhiều so với cuộc sống bị bỏ lại bởi cái chết. Điều này giải thích tại sao ý tưởng và biểu tượng về cuộc sống vĩnh cửu lại xuất hiện thường xuyên trong các lễ chôn cất của các tín hữu Kitô trong hầm mộ.
Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, hoạt động bề ngoài của Giáo Hội, nghĩa là truyền bá Tin Mừng, được trình bày như là “việc mang lại lý do cho niềm hy vọng”: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3:15-16). Đọc những gì đã xảy ra sau lễ Phục sinh, người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng Giáo hội được sinh ra từ sự trào dâng “một niềm hy vọng sống động” (1Pr 1:3) và với niềm hy vọng này, các Tông đồ lên đường chinh phục thế giới. Ngay cả ngày nay chúng ta cần tái sinh niềm hy vọng nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa. Không có gì được thực hiện mà không có hy vọng. Con người đi đến những nơi có không khí hy vọng và trốn chạy khỏi những nơi họ không cảm thấy sự hiện diện của nó. Hy vọng là điều mang lại cho những người trẻ can đảm để lập gia đình hoặc theo ơn gọi tu trì và linh mục, là điều giúp họ tránh xa ma túy và những thứ tương tự khác đầu hàng trước sự tuyệt vọng.
Thư gửi tín hữu Do Thái so sánh niềm hy vọng với một cái mỏ neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Dt 6: 18-19). Chắc chắn và vững chắc vì được ném vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có một hình ảnh khác của hy vọng, theo một nghĩa nào đó ngược lại: đó là cánh buồm. Nếu mỏ neo là thứ mang lại cho con thuyền sự an toàn và giữ cho con thuyền vững vàng giữa sóng biển dập dềnh thì cánh buồm là thứ đưa con thuyền ra đi và tiến trên biển cả. Hy vọng với con thuyền Giáo Hội liên quan đến cả hai hình ảnh này.
So với quá khứ, ngày nay chúng ta ở trong một hoàn cảnh tốt hơn về mặt hy vọng. Chúng ta không còn phải mất thì giờ bảo vệ niềm hy vọng Kitô giáo khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài; do đó, chúng ta có thể làm điều hữu ích và hiệu quả nhất, đó là công bố niềm hy vọng của chúng ta, cống hiến nó và chiếu tỏa nó trên thế giới. Không đưa ra nhiều lời hộ giáo cho bằng các diễn từ về niềm hy vọng.
Chúng ta hãy xem điều gì đã xảy ra liên quan đến niềm hy vọng của Kitô hữu trong hơn một thế kỷ nay. Lúc đầu, có cuộc tấn công trực diện vào niềm hy vọng Kitô bởi những người như Feuerbach, Marx, Nietzsche. Trong nhiều trường hợp, niềm hy vọng của Kitô giáo là mục tiêu trực tiếp cho sự chỉ trích của họ. Cuộc sống vĩnh cửu, mai hậu, thiên đường: tất cả những điều này được coi là sự phóng chiếu hão huyền của những mong muốn và nhu cầu không được thỏa mãn của con người trên thế giới này, như một sự “lãng phí những kho báu trên trời dành cho trái đất”. Các tín hữu đã phải cố gắng bảo vệ nội dung của niềm hy vọng Kitô, thường với sự khó chịu không che giấu được. Niềm hy vọng Kitô giáo là “thiểu số”. Cuộc sống vĩnh cửu hiếm khi được nói đến và rao giảng.
Tuy nhiên, sau khi phá hủy niềm hy vọng Kitô giáo, nền văn hóa Mác-xít đã không chậm trễ nhận ra rằng con người không thể sống nổi nếu không có hy vọng. Và họ đã phát minh ra “Nguyên tắc Hy vọng”. Với nó, nền văn hóa Mác-xít không tuyên bố đã phá hủy niềm hy vọng của Kitô giáo, mà tệ hơn, nó cho rằng đã vượt ra ngoài niềm hy vọng Kitô và trở thành người thừa kế hợp pháp của niềm hy vọng ấy. Đối với tác giả của “Nguyên tắc hy vọng” (xin lưu ý các bạn nguyên tắc chứ không phải nhân đức) thì chắc chắn rằng hy vọng rất quan trọng đối với con người. Nó có thật và có một lối thoát là “sự xuất hiện của con người ẩn giấu”, tức là những khả năng vẫn còn tiềm ẩn của con người. Biểu hiện của Con Người, là Chúa Kitô, được thay thế bằng biểu hiện của con người ẩn giấu, parousia hay sự quang lâm lần thứ hai của Chúa Kitô được thay thế bằng utopia, một xã hội hoàn chỉnh không tưởng.
Tôi nhớ, trong vài thập kỷ, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về chủ đề này trong các trường đại học và đối với nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo, điều xem ra rất đáng khích lệ là có những người nào đó ở phía bên kia đã chấp nhận coi trọng hy vọng và thiết lập một cuộc đối thoại về điều đó. Đặc biệt là vì sự đảo ngược quá tinh tế và ngôn ngữ thường giống nhau. Quê hương trên trời trở thành “quê hương của bản sắc”; không phải là nơi mà cuối cùng con người nhìn thấy Chúa, mặt đối mặt, mà là nơi anh ta nhìn thấy con người thực, nơi có sự đồng nhất hoàn hảo giữa những gì con người có thể trở thành và những gì con người đạt được. Cái gọi là “thần học về hy vọng” đã ra đời để đáp lại thách thức này, nhưng thật không may, đôi khi lại chấp nhận đường lối của cộng sản. Điều ít được nhận thấy nhất trong tất cả các bài viết này chính là điều mà Thánh Phêrô gọi là “niềm hy vọng sống động” (1 Pt 1:3), sự hào hứng của niềm hy vọng, nghĩa là cuộc sống chứ không phải ý thức hệ.
Bây giờ, tôi đã nói, tình hình đã thay đổi một phần. Nhiệm vụ mà chúng ta có trước mắt, liên quan đến niềm hy vọng, không còn là bảo vệ nó và biện minh cho nó về mặt triết học và thần học, mà là loan báo nó, bày tỏ nó và trao nó cho một thế giới đã đánh mất niềm hy vọng và đang ngày càng chìm sâu vào chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa hư vô, vào “hố đen” thực sự của vũ trụ.
Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes)
Một cách làm cho niềm hy vọng trở nên sống động và lan tỏa là cách được Thánh Phaolô trình bày khi ngài nói rằng “đức ái hy vọng tất cả” (1Cr 13:7). Điều này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với toàn thể Giáo hội. Giáo Hội hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Giáo Hội không thể tự giới hạn trong việc tố cáo những khả năng của cái ác đang tồn tại trong thế giới và trong xã hội. Chắc chắn chúng ta không được bỏ qua nỗi sợ bị trừng phạt và địa ngục; và chúng ta cũng không được ngừng cảnh báo mọi người về khả năng gây hại mà một hành động hoặc một tình huống có thể gây ra, chẳng hạn như những vết thương gây ra cho môi trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đạt được nhiều hơn một cách tích cực, khi nhấn mạnh vào những khả năng tốt đẹp; theo thuật ngữ Phúc Âm, bằng cách rao giảng lòng thương xót. Có lẽ thế giới hiện đại chưa bao giờ tỏ ra thiện cảm với Giáo hội và quan tâm đến sứ điệp của Giáo hội như trong những năm của Công đồng Vatican. Và lý do chính là Công đồng đã trao ban hy vọng.
Một số người sẽ nói rằng nhưng làm theo cách này há chẳng phải chúng ta tự đưa mình đến chỗ thất vọng và tỏ ra ngây thơ hay sao? Đây là cám dỗ lớn lao chống lại niềm hy vọng, do sự thận trọng của con người gợi ra, hoặc do sợ bị chứng minh là sai bởi các sự kiện và đó là điều đang xảy ra một phần đối với Công đồng. Dám nói về “niềm vui và hy vọng” (gaudium et spes) được xem là một sự ngây thơ mà chúng ta thậm chí phải hơi xấu hổ về điều đó. Đây là điều mà nhiều người đã nghĩ về Đức Gioan 23 khi ngài công bố Công đồng.
Chúng ta phải khởi động lại phong trào hy vọng do Công đồng khởi xướng. Sự sống đời đời là một chiều kích rất lớn; nó cho phép chúng ta hy vọng vào tất cả mọi người, không bỏ rơi bất cứ ai trong vô vọng. Tông đồ Phaolô đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở Rôma phải tràn đầy hy vọng. Ngài viết: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13).
Giáo hội không thể trao tặng cho thế giới một món quà nào tốt hơn là mang lại cho nó niềm hy vọng; không phải là những hy vọng thế tục, phù du, kinh tế hay chính trị, mà Giáo hội không có năng lực cụ thể, nhưng là niềm hy vọng thuần khiết và đơn sơ, niềm hy vọng mà dù không biết đi chăng nữa, vẫn có vĩnh cửu là chân trời và có người bảo đảm cho niềm hy vọng ấy là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Người. Sau đó, chính niềm hy vọng thần học này sẽ hỗ trợ tất cả những hy vọng chính đáng khác của con người. Bất cứ ai đã từng gặp bác sĩ thăm một người bệnh nặng đều biết rằng cách hỗ trợ lớn nhất mà bác sĩ có thể cung cấp, tốt nhất hơn tất cả các loại thuốc, là nói với anh ta: “Bác sĩ tin tưởng tràn trề; bác sĩ có những hy vọng tốt cho anh!”.
Hy vọng, được hiểu theo cách này, biến đổi mọi thứ mà nó tiếp xúc. Hiệu quả của nó được mô tả rất hay trong đoạn văn này từ tiên tri Isaia:
Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
Nhưng những người cậy trông Thiên Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:30-31)
Thiên Chúa không hứa loại bỏ những lý do khiến chúng ta mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hoàn cảnh tự nó vẫn như cũ, nhưng niềm hy vọng mang lại sức mạnh để vượt lên trên nó. Trong Sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng
Khi con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà (Kh 12:13-14).
Hình ảnh đôi cánh của đại bàng rõ ràng được lấy cảm hứng từ bản văn của ngôn sứ Isaia. Do đó, người ta nói rằng toàn thể Giáo hội đã được ban cho những đôi cánh hy vọng to lớn, để nhờ đó, Giáo hội luôn luôn có thể thoát khỏi những tấn công của sự dữ, vượt qua những khó khăn một cách hăng hái.
“Hãy đứng dậy và bước đi!”
Cánh cửa của ngôi đền được gọi là “Cổng Đẹp” được biết đến với phép lạ xảy ra gần đó. Một người què nằm trước cổng để xin bố thí. Một ngày nọ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đi ngang qua và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Người què, được chữa lành, nhảy dựng lên và cuối cùng, sau nhiều năm nằm đó bị bỏ rơi, anh ta cũng đi qua cửa đó và vào đền thờ “nhảy múa và ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 3:1-9).
Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta đối với niềm hy vọng. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng thường thấy mình ở vị trí của một người què quặt trước ngưỡng cửa đền thờ: bất động, thờ ơ, như thể bị tê liệt trước những khó khăn. Nhưng ở đây, niềm hy vọng thiêng liêng lướt qua chúng ta, được Lời Chúa mang đến, và cũng nói với chúng ta, giống như Thánh Phêrô nói với người què: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Và chúng ta đứng dậy và cuối cùng bước vào trung tâm của Giáo hội, sẵn sàng đảm nhận, một lần nữa và vui vẻ, các nhiệm vụ và trách nhiệm. Chúng là những phép lạ hằng ngày phát sinh từ đức cậy. Đức cậy thực sự là một người làm phép lạ tuyệt vời; đức cậy đã giúp hàng ngàn người tàn tật đứng dậy hàng ngàn lần.
Ngoài việc rao giảng Tin Mừng, đức cậy giúp chúng ta trên hành trình nên thánh cá nhân. Đối với những người thực hành đức cậy, nó trở thành nguyên tắc của sự tiến bộ tâm linh. Đức cậy cho phép bạn luôn khám phá ra “những khả năng tốt đẹp” mới, luôn là điều có thể làm được. Đức cậy không để chúng ta an nhàn trong sự thờ ơ và lạnh nhạt. Khi bạn muốn nói với chính mình: “Không còn gì để làm nữa”, đức cậy sẽ đến và nói với bạn: “Hãy cầu nguyện!”. Bạn trả lời: “Nhưng tôi đã cầu nguyện rồi!” và đức cậy nói: “Hãy cầu nguyện một lần nữa!”. Và ngay cả khi hoàn cảnh trở nên cực kỳ khó khăn và dường như không thể làm gì hơn nữa, thì đức cậy vẫn chỉ cho bạn một nhiệm vụ: hãy kiên trì cho đến cùng và đừng mất kiên nhẫn, hãy kết hợp bản thân với Chúa Kitô trên thập giá. Như chúng ta đã nghe, vị Tông đồ khuyến khích “hãy tràn đầy hy vọng”, nhưng ngài ngay lập tức thêm vào cách thức điều này có thể thực hiện được: “nhờ Chúa Thánh Thần”. Không phải bởi những nỗ lực của chúng ta.
Giáng Sinh có thể là dịp cho một bước nhảy vọt của hy vọng. Nhà thơ vĩ đại đương thời với chúng ta về các nhân đức thần học, Charles Péguy, đã viết rằng Đức tin, Đức cậy và Đức ái là ba chị em, hai người lớn và một bé gái. Họ nắm tay nhau đi xuống phố: hai cô lớn Đức tin và Đức ái ở hai bên và cô bé Đức cậy ở giữa. Mọi người khi nhìn thấy họ đều nghĩ rằng chính hai cô lớn đang kéo cô bé ở giữa. Họ sai! Chính cô ấy là người kéo theo mọi thứ. Bởi vì nếu hy vọng không thành, mọi thứ sẽ dừng lại.
Muốn đặt một cái tên đàng hoàng cho cô gái bé nhỏ này, chúng ta chỉ có thể gọi cô là Maria, một người dưới thế này – Dante Alighieri, một nhà thơ vĩ đại về các nhân đức thần học khác đã nói – “đối với loài người trần thế nguồn hy vọng là nguồn sống”.
1.Augustine, On the Gospel of John, 45, 2 (Quid prodest bene vivere si non datur semper vivere?).
2.Cit. in Marguerite Yourcenar, Memoirs of Hadrian.
3.Ernst Bloch, Das Prinzip Hoffnung, 3 vol. Berlin 1954–1959.
4.Ch. Péguy, Le porche de la deuxième vertu.
5.Paradise, XXXIII.
Source:cantalamessa.org
1. Những vụ nổ lớn ở Nga khi ngọn lửa hoành hành qua trung tâm mua sắm Khimki
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Huge Explosions in Russia as Fire Rages Through Khimki Shopping Mall”, nghĩa là “Những vụ nổ lớn ở Nga khi ngọn lửa hoành hành qua trung tâm mua sắm Khimki”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Những vụ nổ lớn đã được nghe thấy ở Nga vào sáng thứ Sáu khi một đám cháy lớn xé toạc một trung tâm mua sắm ở Mạc Tư Khoa, giết chết ít nhất một người.
Ngọn lửa lan rộng trên diện tích khoảng 18,000 mét vuông, bùng phát vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương tại trung tâm mua sắm và giải trí Mega Khimki ở ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cấu trúc gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Lính cứu hỏa vẫn đang làm việc để ngăn chặn ngọn lửa, với hơn 70 người và 20 thiết bị tham gia vào nỗ lực này. Theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga, các nhà chức trách đang chuẩn bị huy động máy bay để dập tắt ngọn lửa.
Dịch vụ khẩn cấp của khu vực Mạc Tư Khoa cho biết trên Telegram. “Do mái nhà bị sập, ngọn lửa lan rộng ngay lập tức ra một khu vực rộng lớn”
Người dân địa phương Anna Aleksandrova nói với hãng tin Lenta của Nga rằng cô bị đánh thức bởi một vụ nổ lớn.
“Chúng tôi tỉnh dậy sau vụ nổ. Vụ nổ rất mạnh,” cô nói.
Aleksandrova, sống đối diện trung tâm thương mại, cho biết thêm ngọn lửa bùng phát ngay sau khi cô nghe thấy tiếng nổ.
Theo bộ phận khu vực của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, một binh sĩ bảo vệ làm việc tại trung tâm mua sắm đã thiệt mạng khi một phần của tòa nhà đang cháy rơi xuống đầu anh ta sau một vụ nổ.
Dịch vụ báo chí của trung tâm mua sắ, này cho biết hai binh sĩ của công ty an ninh tư nhân làm việc cho trung tâm mua sắm là những người đầu tiên nhận thấy đám cháy. Cả hai đều được di tản, nhưng một người đã chết sau khi anh ta quay lại bãi đậu xe của trung tâm thương mại để lấy xe.
Hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn một nguồn tin trong các dịch vụ khẩn cấp cho biết các hộp sơn, bình xịt và các sản phẩm sơn bóng đã phát nổ trong đám cháy.
Một nguồn Interfax trong các dịch vụ khẩn cấp địa phương cho biết hành vi đốt phá đang được coi là một trong những nguyên nhân có thể gây ra hỏa hoạn.
“Nhiều phiên bản khác nhau đang được xem xét, bao gồm cả phiên bản kỹ thuật, như chập điện. Các hành động có chủ ý, tức là đốt phá nhằm mục đích phá hoại, cũng đang được xem xét”
Theo một nguồn tin của Tass, lần kiểm tra cuối cùng đối với trung tâm mua sắm được thực hiện vào tháng 11 năm 2021, khi các nhà chức trách xác định được 46 vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo truyền thông địa phương, thiệt hại từ vụ cháy dự kiến lên tới từ 20 đến 30 tỷ rúp, tức là 320 triệu đến 481 triệu Mỹ Kim.
Vụ hỏa hoạn xảy ra chỉ vài tháng sau khi một đám cháy lớn thiêu rụi một nhà kho thuộc gã khổng lồ thương mại điện tử Ozon của Nga ở khu vực Mạc Tư Khoa, buộc hơn 1,000 người phải di tản và gây ra nhiều thương vong.
Ngọn lửa đó đã được dập tắt hoàn toàn sau năm ngày.
Một số vụ cháy bí ẩn đã được báo cáo ở Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đã có hàng chục trường hợp các tòa nhà quân sự và kho đạn bốc cháy. Nga đã đổ lỗi một số vụ việc cho Ukraine, mặc dù Kyiv đã phủ nhận sự liên quan.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
2. Các bloggers quân sự Nga đổ lỗi cho biệt kích Ukraine gây ra vụ cháy ở trung tâm mua sắm Khimki ở Mạc Tư Khoa
Ngay sau khi ngọn lửa bùng phát thiêu rụi trung tâm mua sắm Khimki ở Mạc Tư Khoa, một số bloggers quân sự Nga đã đổ lỗi cho biệt kích Kyiv phá hoại trung tâm này.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 10 tháng 12, phát ngôn nhân của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng, gọi tắt là SBU cho rằng ông không biết lý do cụ thể nhưng trong các trường hợp như thế này, lý do có khả năng xảy ra nhất là tham ô rồi phóng hỏa phi tang. Tưởng cũng nên biết thêm: Chỉ số tham nhũng hay Corruption Perceptions Index, gọi tắt là CPI, của Nga là 138. Để so sánh, chỉ số CPI của Việt Nam là 87. Nói cách khác, ở Nga tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành còn cao hơn cả Việt Nam.
Lý do thứ hai có thể kết hợp với lý do thứ nhất là “hoạt động cờ giả” của Nga.
Đình Trinh xin mở ngoặc để giải thích thuật ngữ “hoạt động cờ giả” – “false flag operation”. Hoạt động cờ giả là một hành động được thực hiện với mục đích che giấu nguồn gốc thực sự của trách nhiệm và đổ lỗi cho một bên khác. Thuật ngữ “cờ giả” bắt nguồn từ thế kỷ 16 như một cách diễn đạt có nghĩa là sự xuyên tạc có chủ ý về lòng trung thành của một người nào đó. Tiếng Việt gọi là “dèm pha”. Thuật ngữ này sau đó trở thành nổi tiếng khi được sử dụng để mô tả một mưu mẹo trong chiến tranh hải quân, theo đó một con tàu treo cờ của một quốc gia trung lập hoặc đối phương để che giấu danh tính thực sự của mình. Chiến thuật này ban đầu được sử dụng bởi những tên cướp biển để đánh lừa các tàu khác cho phép chúng tiến lại gần trước khi tấn công họ. Sau đó, nó được coi là một thực hành có thể chấp nhận được trong chiến tranh hải quân theo luật hàng hải quốc tế, với điều kiện tàu tấn công phải trưng ra lá cờ thực sự của mình ngay sau khi một cuộc tấn công bắt đầu.
Thuật ngữ “hoạt động cờ giả” ngày nay được mở rộng để bao gồm các quốc gia thực hiện các cuộc tấn công vào chính lãnh thổ của họ và làm cho các cuộc tấn công ấy có vẻ như là do các quốc gia đối phương hoặc những kẻ khủng bố gây ra, do đó tạo cho mình một cái cớ để đàn áp trong nước hoặc xâm lược quân sự nước ngoài. Tương tự, “hoạt động cờ giả” cũng được dùng để chỉ các hoạt động lừa đảo được thực hiện trong thời bình bởi các cá nhân hoặc tổ chức phi chính phủ. Trong trường hợp này thuật ngữ pháp lý phổ biến hơn là “dàn dựng”, “dàn cảnh”, “tạo hiện trường giả”.
Nói ngắn gọn hoạt động cờ giả là tự tát vào mặt mình rồi la làng lên cáo gian cho người khác.
3. Quân đội Ukraine tấn công 8 sở chỉ huy, 11 cụm của Nga
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 10 tháng 12, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết trong 24 giờ qua, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù gần Bilohorivka của khu vực Luhansk, Klishchiivka và Marinka của khu vực Donetsk.
Bilohorivka là địa danh ghi dấu nhiều thương vong trầm trọng của quân Nga. Thật vậy,vào ngày 8 tháng 5, lực lượng Nga đã xây dựng một cây cầu phao bắc qua Donets tại Bilohorivka. Hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và các phương tiện quân sự khác đã chuẩn bị vượt qua bờ tây của con sông như một phần của cuộc tiến công rộng lớn hơn về phía tây tới Lyman.
Cùng ngày, Lữ đoàn xe tăng 17 của Ukraine đã cử một trung đội trinh sát đến bờ tây của con sông để quan sát tiến trình của Nga trong khu vực. Quân đội Nga đã ném lựu đạn khói trong khu vực, gây khó khăn về tầm nhìn. Để chống lại điều này, lực lượng Ukraine đã triển khai máy bay không người lái, phát hiện thành công cây cầu phao vào sáng sớm. Thông tin này đã được chuyển đến Lực lượng Không quân Ukraine và các tiểu đoàn pháo binh đóng quân trên khắp khu vực. Họ đã tấn công cây cầu bằng một cuộc oanh tạc kết hợp trên không và pháo binh. Cây cầu được xác nhận là đã bị phá hủy vào ngày 10 tháng 5. 70 phương tiện quân sự của Nga, bao gồm xe tăng, thiết giáp, các hệ thống pháo và xe chuyển quân, bị phá hủy hay chìm dưới dòng nước. Một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông.
Bất chấp các tổn thất, chính Putin, một kẻ chẳng biết gì về quân sự, đích thân ra lệnh cho chỉ huy của Lữ đoàn Công binh số 12, Đại tá Denis Kozlov, phải bắc cầu vượt sông bằng mọi giá. Vào ngày 11 tháng 5, Đại tá Denis Kozlov bị Lữ Đoàn Dù số 81 bắn chết khi đang đốc thúc nỗ lực bắc cầu phao. Cây cầu phao cũng được hoàn thành vào ngày 12 tháng 5. Nó là cây cầu cuối cùng của quân Nga được xây dựng giữa Bilohorivka và Serebryanka. Chính vào ngày 12 tháng 5, nó đã chịu cùng một số phận với cây cầu trước đó. Ít nhất một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông cùng với hơn 50 phương tiện quân sự của Nga. Những người lính Nga cuối cùng đã rút lui vào ngày 13 tháng 5.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, khoảng 550 binh sĩ Nga tham gia cuộc vượt sông gần Bilohorivka, trong đó 485 người thiệt mạng. Tờ Times ước tính rằng hơn 1,000 binh sĩ đã thiệt mạng trong trận chiến này, trong khi Newsweek trích dẫn tuyên bố của Ukraine có tới 1,500 binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến.
Theo Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Luhansk, trong trận chiến, quân Ukraine đã phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, thiết bị bắc cầu, máy bay trực thăng và xuồng cao tốc của Nga. Haidai tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã phá hủy hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga, với số lượng hơn 1,000 binh sĩ.
Do tính chất đẫm máu và tốn kém của cuộc vượt sông, trận chiến đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông.
Mãi cho đến khoảng 28 đến 30 tháng 6, sau khi Sievierodonetsk thất thủ và trong quá trình bao vây Lysychansk, các lực lượng Nga mới thực hiện được một cuộc vượt sông thành công qua sông Donets. Trung đoàn Kadyrovites của Chechnya và các đơn vị ly khai Cộng hòa Nhân Dân Luhansk chiếm được thị trấn Pryvillia sau cuộc vượt sông này.
Sau đó, Bilohorivka bị Nga chiếm trong trận Lysychansk, nhưng Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công nhằm chiếm lại thị trấn này vào ngày 17 tháng 7. Cuộc phản công này thất bại. Tuy nhiên, Bilohorivka đã bị Ukraine chiếm lại thành công vào ngày 19 tháng 9 sau cuộc tổng phản công tái chiếm Kharkiv.
Ở các hướng Bakhmut và Avdiivka, quân đội Nga tiếp tục tấn công bất kể thiệt hại. Quân xâm lược đã sử dụng xe tăng, súng cối, đại bác và pháo phản lực để nổ súng vào 25 khu định cư của vùng Donetsk. Tất cả đều thất bại.
Ở hướng Kherson, quân đội Nga đang tiến hành các hành động phòng thủ. Quân Nga sử dụng xe tăng và pháo binh nổ súng vào Beryslav, Kozatske, Antonivka, Komyshany, Dniprovske và Veletenske của vùng Kherson và ngoại ô Kherson.
Trạm xá chống lao Tokmak, được người Nga sử dụng như một bệnh viện quân đội, chứa đầy quân nhân Nga bị thương.
Trong khi đó, các đơn vị pháo binh và hỏa tiễn của Ukraine đã đánh trúng 8 sở chỉ huy, 11 binh sĩ, kho đạn dược và thiết bị quân sự của Nga, cùng 2 kho đạn dược.
Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 310 binh sĩ Nga và một xe thiết giáp.
Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 9 tháng 12, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 93,390 quân xâm lược Nga, bên cạnh đó còn có 2,937 xe tăng địch, 5,912 xe thiết giáp, 1,926 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,603 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 592 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu thuyền, 4,531 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 164 đơn vị thiết bị đặc biệt.
4. Người Nga chuyển thuốc và bác sĩ đến vùng Luhansk trước con số thương vong quá nặng
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 10 tháng 12, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết quân Nga đang hối hả cung cấp thuốc cho các vùng lãnh thổ bị xâm lược của vùng Luhansk dành riêng cho quân đội của họ. Cư dân địa phương phẫn nộ trước việc bệnh viện buộc phải xuất viện và từ chối đưa họ vào bệnh viện.
“Người Nga đã nã pháo vào bảy khu định cư ở vùng Luhansk ngày hôm qua. Họ cung cấp thuốc cho các vùng lãnh thổ bị xâm lược dành riêng cho nhu cầu của các chiến binh và tiếp tục thực hiện các biện pháp hộ chiếu bắt buộc. Cư dân của các vùng lãnh thổ bị xâm lược rất phẫn nộ trước việc buộc phải xuất viện và từ chối không cho họ vào bệnh viện”.
Ngoài ra, các loại thuốc đang cạn kiệt trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Những kẻ xâm lược tịch thu hầu hết các loại thuốc của các bệnh viện trong khi mọi thứ từ Liên bang Nga đều hướng đến nhu cầu của quân đội.
Tại trạm xá chống lao Tokmak, các bệnh nhân bị đuổi ra để người Nga sử dụng như một bệnh viện quân đội, chứa đầy quân nhân Nga bị thương.
Các nhân viên y tế đã được đưa đến từ các vùng của Nga để chăm sóc cho quân xâm lược. Người dân địa phương không nhận được hỗ trợ y tế.
5. Mỹ chuẩn bị gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Hoa Kỳ đang chuẩn bị gửi cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu đô la, cung cấp các khả năng mới để đánh bại máy bay không người lái và tăng cường khả năng phòng không.
Reuters cho biết như trên, khi đề cập đến một tài liệu được nhìn thấy hôm thứ Năm và trích dẫn những người quen thuộc với gói hàng. Theo Reuters, quyết định này có thể sẽ sớm được công bố.
Ngũ Giác Đài cũng dự kiến sẽ trang bị hỏa tiễn cho bệ phóng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Lockheed Martin Corp sản xuất, đạn 155ly, xe quân sự Humvee và máy phát điện.
Hơm thứ Năm, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã bỏ phiếu cung cấp cho Ukraine ít nhất 800 triệu đô la hỗ trợ an ninh bổ sung vào năm tới.
6. Nga lắp đặt nhiều bệ phóng hỏa tiễn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã lắp đặt nhiều bệ phóng hỏa tiễn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã đóng cửa của Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu có thể được sử dụng làm căn cứ để bắn vào lãnh thổ Ukraine và làm tăng nguy cơ bức xạ.
Công ty hạt nhân Energoatom của Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng các lực lượng Nga xâm lược nhà máy đã đặt một số bệ phóng hỏa tiễn đa năng Grad gần một trong sáu lò phản ứng hạt nhân của họ. Công ty cho biết các hệ thống tấn công được đặt tại “cấu trúc bảo vệ” mới mà người Nga đã bí mật xây dựng, “vi phạm tất cả các điều kiện về an toàn bức xạ và hạt nhân.”
Hãng tin AP đưa tin, mặc dù nguy cơ tan chảy hạt nhân đã giảm đi rất nhiều do cả 6 lò phản ứng đều đã ngừng hoạt động, nhưng các chuyên gia cho biết vẫn có thể xảy ra hiện tượng phóng xạ nguy hiểm.
7. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cáo buộc Iran vừa cung cấp một lô mới các máy bay không người lái cho Nga
Trong báo cáo tình báo mới nhất của mình, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết Nga có khả năng đã nhận được một lô hàng tiếp tế từ Iran bao gồm các máy bay không người lái Shahed-131 và 136.
Hôm thứ Ba, bộ tổng tham mưu Ukraine báo cáo đã bắn hạ ít nhất 14 chiếc Shahed-136. Một ngày sau, hôm thứ Tư, các quan chức Ukraine báo cáo việc sử dụng các máy bay không người lái kamikaze do Iran cung cấp để tấn công các khu vực Zaporizhzhia và Dnipro.
Lần cuối cùng Ukraine báo cáo hạ gục một chiếc Shahed-136 là vào ngày 17 tháng 11. Sau đó, không thấy máy bay không người lái của Iran xuất hiện nữa cho đến hôm thứ Ba vừa qua.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ bản báo cáo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh qua phần trình bày của Đình Trinh.
Lần đầu tiên sau ba tuần, đã có báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tấn công một chiều do Iran cung cấp. Những sự kiện này vẫn đang được xác minh, nhưng có khả năng là Nga đã sử dụng hết hàng trăm chiếc Shahed-131 và 136 dự trữ trước đó và hiện đã nhận được hàng tiếp tế.
Vào ngày 06 tháng 12 vừa qua, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo đã bắn hạ 17 máy bay không người lái, trong đó có 14 chiếc Shahed-136. Vào ngày 07 tháng 12, các quan chức Ukraine đã báo cáo việc sử dụng máy bay không người lái tấn công một đi không trở lại do Iran cung cấp nhắm vào các khu vực Zaporizhzhia và Dnipro.
Vụ bắn hạ những chiếc Shahed-136 của Iran ở Ukraine gần đây nhất được báo cáo trước đó là vào ngày 17 tháng 11 năm 2022. Nếu được xác minh, có khả năng Nga đã bắt đầu các cuộc tấn công bằng các hệ thống máy bay không người lái kamikaze mới được chuyển giao.
Nhân đây, Đình Trinh cũng xin điểm lại thái độ lắc léo của Iran.
Ban đầu, Bộ Ngoại giao Iran quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.
Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.
Ngoại trưởng Iran nói “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”
Sau đó, Ngoại trưởng Iran lại nói rằng Iran có gởi cho Nga một số máy bay không người lái, nhưng đó là trước cuộc xâm lược vào Ukraine.
Các chứng cứ ngày nay cho thấy Iran vẫn đang tiếp tục làm như vậy.
1. Bảo tàng Quốc gia Bahrain tổ chức triển lãm ghi lại chuyến thăm Bahrain lịch sử của Đức Thánh Cha
Bảo tàng Quốc gia Bahrain đang tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt ghi lại chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô, tới Vương quốc này theo lời mời của Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa.
Cuộc triển lãm có các bài diễn văn, hình ảnh và đồ sưu tầm nhắc nhở du khách về các cuộc gặp gỡ diễn ra trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, phản ánh giá trị đặc biệt của sự kiện lịch sử này.
Triển lãm bao gồm các yếu tố và đồ sưu tầm bao gồm tất cả các khía cạnh trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới vương quốc và tầm quan trọng của khu vực này, vì nó làm sáng tỏ “Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì sự chung sống của con người “, được tổ chức với sự tham gia của Đức Thánh Cha Phanxicô và Ngài Tiến sĩ Ahmed El-Tayeb, Đại Imam của Al-Azhar và Chủ tịch Hội đồng Trưởng Lão Hồi giáo.
Triển lãm ghi lại các cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với cộng đồng Kitô giáo ở Bahrain và khu vực, bao gồm cuộc gặp gỡ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Ả Rập, Thánh lễ lịch sử do Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Bahrain, với sự hiện diện của 30,000 người, và cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với một nhóm thanh niên tại Trường Thánh Tâm ở Manama.
Triển lãm dành một phần để nói về các chiều kích của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Vương quốc Bahrain, mang theo thông điệp hòa bình, đối thoại và cùng tồn tại giữa các tôn giáo, cống hiến những điều đã được nói về Bahrain, như vùng đất “tinh khiết và linh thiêng” của Dilmun, và thiết lập tầm quan trọng của những nỗ lực của vương quốc, dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Hamad, trong đối thoại, xích lại gần nhau và hòa bình như những nguyên tắc thể hiện tầm nhìn của đất nước và hiến pháp tôn trọng người khác.
Triển lãm trưng bày chiếc ghế mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi trong khi tham dự phiên bế mạc của “Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì sự cùng tồn tại của con người”.
Triển lãm cũng bao gồm bục gỗ phía trước mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện trong chuyến viếng thăm của Ngài, cũng như chiếc xe hơi Fiat 500 mà Đức Thánh Cha đã sử dụng khi ở Bahrain.
Source:bna.bh
2. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi những người thiện nguyện cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi lòng quảng đại của những người thiện nguyện đang giúp chuẩn bị và cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào đầu tháng Tám năm tới.
Trong sứ điệp Video bằng tiếng Tây Ban Nha, phổ biến hôm mùng 05 tháng Mười Hai vừa qua, nhân Ngày Thế giới về thiện nguyện, Đức Thánh Cha gọi những hoạt động này “là một ơn Chúa... Hoạt động thiện nguyện là một sức mạnh khai phá, giúp ra khỏi những khuôn khổ đóng khung, để thực hiện một cái gì đó”. Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn những người thiện nguyện đang đóng góp vào việc chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Bồ Đào Nha, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám năm tới: lòng quảng đại của họ là một sứ mạng của Giáo hội, biểu lộ sứ mạng của Hội thánh, vì qua công việc của họ, họ duy trì hoạt động của Giáo hội”.
Đức Thánh Cha cũng kể rằng: “Một trong nhưng điều gây ấn tượng mạnh cho tôi khi viếng thăm một số nhà thờ, đó là sức mạnh của những người làm việc thiện nguyện. Đúng vậy, có giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân, và những người khác, nhưng việc thiện nguyện tạo nên sự liên kết”. Theo Đức Thánh Cha, những người thiện nguyện có nhiều đặc tính, vì họ kiên trì thực hiện các dự án, như những người thiện nguyện phục vụ các bệnh nhân, sẵn sàng dành thời gian mỗi ngày cho những người bệnh. Đây quả thực là một ơn của Chúa, và xin anh chị em hãy đón nhận ơn ấy”.
3. Người Công Giáo Ukraine cảnh báo các linh mục bị Nga bắt có thể bị tra tấn
Sau khi hai giáo sĩ của họ bị lực lượng Nga giam giữ vào tuần trước, Tổng giáo phận Donetsk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cảnh báo rằng 2 vị linh mục có thể là nạn nhân của sự tra tấn và kêu gọi trả tự do cho các ngài ngay lập tức.
Trong một tuyên bố “khẩn cấp”, chính phủ của Ông Zelenskiy đã bày tỏ tình đoàn kết của họ với các giáo sĩ, những người đang phục vụ tại thành phố Berdyansk, thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine.
Các linh mục là Cha Ivan Levytskyi, chính xứ Chúa Giáng Sinh, và Cha Bohdan Geleta, Cha Phó tại giáo xứ.
Các ngài đã bị giam giữ vì bị cáo buộc chứa chất nổ với ý định thực hiện các hoạt động “du kích” chống lại quân đội Nga.
Trong một tuyên bố trước đó, tổng giáo phận Donetsk gọi các cáo buộc là “sai sự thật” và “vu khống”, vì các giáo sĩ chưa bao giờ mạo hiểm vượt ra ngoài phạm vi trách nhiệm mục vụ của các ngài và rằng những lời bịa đặt như vậy giống một cách kỳ lạ với các phương pháp tuyên truyền điển hình thời Liên Xô được sử dụng để làm mất uy tín của hàng giáo sĩ.
Cơ quan công tố Ukraine cho biết việc sử dụng các chiến lược này là dấu hiệu của “sự coi thường hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của quyền con người”.
Trong tuyên bố của họ hôm thứ Tư, cơ quan điều tra nói rằng cho đến nay, “các linh mục vẫn đang bị bắt giữ” và “không thể nào liên lạc với họ”.
“Chúng tôi cho rằng các linh mục có thể bị tra tấn để buộc họ phải nhận những cáo buộc sai trái như việc 'giữ vũ khí', là điều mà trước đây nhiều người đã bị cáo buộc bởi các đại diện của 'chính quyền' do quân đội Nga cài đặt.”
Trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, những người ủng hộ Nga, được quân đội Nga hộ tống, đã đi thăm dò ý kiến từng nhà của người dân về việc họ có muốn tỉnh của họ bị sáp nhập hay không. Kết quả, mà nhiều người cho rằng đã bị thao túng, đã chấp thuận đề xuất này.
Putin sau đó đã ký các văn bản về việc chiếm giữ các khu vực đó và trong một cuộc bỏ phiếu nhất trí vào ngày 3 tháng 10, Duma Quốc gia, hạ viện của quốc hội Nga, đã chính thức phê chuẩn việc chiếm giữ.
Trong tuyên bố của mình, tổng giáo phận Donetsk nói rằng một “lời thú tội” có thể cần thiết để “cái gọi là 'tòa án' của Nga tuyên án và trừng phạt các giáo sĩ của chúng ta một cách bất hợp pháp.”
“Tổng giáo phận Donetsk lên án những phương pháp chống lại Giáo hội như vậy, là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp và phong tục chiến tranh, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức” cho các linh mục.
Một mối quan tâm khác là sức khỏe của Cha Geleta. Tổng giáo phận nói rằng ngài mắc một căn bệnh buộc ngài phải dùng những loại thuốc đặc biệt mà anh ấy có thể không còn khả năng tiếp cận.”
Do đó, “Việc bị bắt và bị tra tấn là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với tính mạng của ngài,” họ nói.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng tất cả các giáo sĩ trong Tổng giáo phận Donetsk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Berdyansk, kể từ khi chiến tranh lần đầu tiên nổ ra sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, đã ở lại “nơi phục vụ của họ và thực hiện các nhiệm vụ mục vụ của họ theo quy tắc của Giáo Hội.”
“Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi chính quyền, các tổ chức nhân quyền công cộng và các phương tiện truyền thông đại chúng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho các linh mục của chúng tôi,” và yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho ý định của các linh mục, và “truyền bá thông tin càng nhiều càng tốt.”
Hậu quả của cuộc chiến, hiện đã bước sang tháng thứ chín, là hàng nghìn người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường, và hàng triệu người phải di tản do bạo lực đang diễn ra, cả đối với những người còn trong nước, cũng như những người chạy ra nước ngoài và đang sống như những người tị nạn.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine đã lên án Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, gây ra sự việc mất điện lớn vào thời điểm nhiệt độ đang giảm nhanh khi bắt đầu mùa đông.
Trước mắt chưa có hồi kết rõ ràng về cuộc xâm lược này, các giám mục Công Giáo Rôma và Đông phương của Ukraine gần đây đã công bố “Năm Lòng Thương Xót” kéo dài từ ngày 27 tháng 11 năm 2022 cho đến Lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 26 tháng 11 năm 2023, và sẽ tận tụy thể hiện tình đoàn kết với những người đang gặp khó khăn, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh.
Source:Crux
1. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo xung đột có thể leo thang thành chiến tranh giữa Nga và NATO
Người đứng đầu NATO đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Ông đã phát biểu như trên sau bài phát biểu hôm thứ Sáu của Putin.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nhận xét rằng “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở nên tồi tệ một cách khủng khiếp.”
“Cuộc chiến hiện nay ở Ukraine là một cuộc chiến khủng khiếp. Cuộc chiến đó có thể trở thành cuộc chiến toàn diện lan rộng thành cuộc chiến lớn giữa Nato và Nga. Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để tránh điều đó.
Stoltenberg cũng đã nói với các phóng viên báo chí rằng “không nghi ngờ gì về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện”.
Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, nói thêm rằng điều quan trọng là phải tránh một cuộc xung đột “liên quan đến nhiều quốc gia ở Âu Châu và trở thành một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu”.
Mạc Tư Khoa đã nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO đang thực sự trở thành một bên trong cuộc xung đột bằng cách cung cấp cho Ukraine vũ khí, huấn luyện quân đội và cung cấp thông tin tình báo quân sự để tấn công lực lượng Nga.
Trong các bình luận phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, Putin đề nghị Mạc Tư Khoa có thể nghĩ đến việc sử dụng cái mà ông ta mô tả là khái niệm tấn công phủ đầu của Mỹ.
Putin phàn nàn rằng học thuyết quân sự của Nga hiện nay không cổ vũ khái niệm tấn công phủ đầu, đặc biệt là trong trường hợp vũ khí hạt nhân, mà chỉ chuẩn bị để đánh trả trong trường hợp bị tấn công. Ông ta cho rằng trong trường hợp bị đánh phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, khả năng đánh trả có thể không còn, và nếu có còn đi chăng nữa thì sẽ hết sức hạn chế.
2. Trận chiến tại Bakhmut giống như thời thế chiến thứ nhất, chiến hào của hai bên đôi khi cách nhau chỉ 100 mét
Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở miền đông và miền nam Ukraine, chủ yếu ở các khu vực mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào tháng 9.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 10 tháng 12, Thống đốc khu vực Donetsk, Pavlo Kyrylenko, cho biết các lực lượng Nga đang tăng cường tấn công Bakhmut bằng các cuộc tấn công hàng ngày, bất chấp thương vong nặng nề.
Ông nói trong cuộc họp báo qua liên kết truyền hình:
“Bạn có thể mô tả tốt nhất những người lính tham gia các cuộc tấn công đó là bia đỡ đạn. Họ chủ yếu dựa vào bộ binh và ít dựa vào thiết giáp, vì họ không còn bao nhiêu xe tăng và xe thiết giáp; và họ không thể tiến lên. Tất cả mọi đợt xung phong đều bị bẻ gãy.”
Sau khi thất bại trong cuộc tấn công chiếm Kyiv, Nga xác định mục tiêu chính là chiếm được vùng Donbas, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk. Sau các trận Sieviero donetsk và Lysychansk vào đầu tháng 7, Nga và lực lượng ly khai đã chiếm được gần như toàn bộ tỉnh Luhansk, và chiến trường chuyển sang các thành phố Sloviansk, Bakhmut và Soledar. Trước trận chiến ở Bakhmut, Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskiy tuyên bố rằng Nga nắm giữ lợi thế nhân lực 5 chọi 1 so với Ukraine dọc theo mặt trận phía đông.
Bắt đầu từ ngày 17 tháng 5, lực lượng Nga bắt đầu nã pháo tàn bạo vào Bakhmut. Pháo kích Bakhmut tiếp tục trong suốt phần còn lại của tháng 6 và tháng 7, rồi leo thang sau trận Siversk bắt đầu vào ngày 3 tháng 7. Vào ngày 25 tháng 7, các lực lượng Ukraine rút khỏi Nhà máy điện Vuhlehirska, cùng với thị trấn Novoluhanske gần đó, mang lại cho lực lượng Nga và quân ly khai một “lợi thế chiến thuật nhỏ” đối với Bakhmut. Vào ngày 1 tháng 8, các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào các khu định cư ở phía nam và đông nam Bakhmut. Cả Bộ Quốc phòng Nga và các trang Telegram thân Nga đều tuyên bố rằng trận chiến Bakhmut đã bắt đầu. Ngày hôm sau, Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc không kích và pháo kích vào thành phố, bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ vào phần đông nam của Bakhmut. Việc bắn phá tiếp tục đến hết ngày 3 tháng 8. Vào ngày 4 tháng 8, lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã vượt qua được hàng phòng thủ của Ukraine và tiến đến đường Patrice Lumumba, ngoại ô phía đông của Bakhmut, trước khi bị quân Ukraine bắn chết hết.
Vào ngày 20 tháng 9, Aleksey Nagin, một chỉ huy trong Tập đoàn Wagner, bị quân Ukraine bắn chết gần Bakhmut. Tình hình tạm yên được một thời gian cho đến khi Putin ra lệnh động viên và điều động một số lớn tân binh tham gia chiến trường Bakhmut.
Các sĩ quan tại mặt trận nhận xét rằng các lực lượng Nga đã phải chịu “tổn thất to lớn mỗi ngày” khi tấn công Bakhmut và vùng ngoại ô kể từ đầu tháng 5, nhưng nhấn mạnh rằng quân Nga đang điều chỉnh chiến thuật của mình để chống lại lực lượng phòng thủ Ukraine ngày càng mệt mỏi vì chiến cuộc dai dẳng. Thay vì dàn hàng ngang tiến lên, quân Nga đang chia thành nhiều nhóm bộ binh nhỏ cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ trên các phần “mong manh nhất” của mặt trận, và áp dụng chiến thuật tấn công đồng thời nhiều mũi tấn công cùng một lúc.
Trong hai ngày, 28 và 29 tháng 11, quân Nga bắt đầu mở các cuộc tấn công nhỏ ở phía nam Bakhmut. Trong 24 giờ của ngày 29 tháng 11, quân Nga mở đến 261 cuộc tấn công. Họ chiếm được các làng Andriivka, Ozarianivka và Zelenopillia. Một tiểu đội biệt kích Georgia chiến đấu dưới cờ Ukraine, để phục hận người Nga, đã bị bao vây trong các cuộc đụng độ gần Bakhmut. Chỉ huy bị thương và năm hoặc sáu tình nguyện viên, phục vụ trong Lữ đoàn 57 của Ukraine, đã thiệt mạng. Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili bày tỏ lời chia buồn với gia đình các quân nhân này.
Hôm thứ Sáu 9 tháng 12, Tổng thống Zelenskiyy cáo buộc Nga “phá hủy” Bakhmut, gọi đây là “một thành phố khác của Donbas mà quân đội Nga đã biến thành đống đổ nát”.
Các chỉ huy chiến trường Ukraine cho biết hai bên đã xoay sang chiến thuật cổ điển trong thời gian thế chiến thứ nhất là chiến đấu từ các chiến hào. Niềm an ủi cho các quân nhân Ukraine là họ có đầy đủ quần áo ấm. Quân Nga đôi khi chết vì lạnh cóng bên trong các chiến hào.
Tại Luhansk lân cận ở miền đông Ukraine, thống đốc khu vực, Serhiy Haidai, cho biết quân đội Ukraine đang đẩy mạnh cuộc phản công về phía Kreminna và Svatove.
Ở phía nam, thống đốc khu vực Kherson, Yaroslav Yanyshevych, cho biết 8 thường dân đã bị thương do pháo kích của Nga trong 24 giờ qua. Tại thành phố Kherson, nơi Ukraine tái chiếm hồi tháng trước, một bệnh viện nhi đồng và một nhà xác đã bị hư hại.
Tại khu vực Zaporizhzhia lân cận, các lực lượng Nga đã nã pháo vào Nikopol và Chervonohryhorivka, nằm bên kia sông Dnipro từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga xâm lược.
Thống đốc Zaporizhzhia, Valentyn Reznichenko, cho biết các cuộc pháo kích của Nga đã làm hư hại các tòa nhà dân cư và đường dây điện.
Tại khu vực Kharkiv, phía đông bắc, thống đốc Oleh Syniehubov cho biết ba thường dân bị thương do pháo kích của Nga, một người sau đó tử vong.
Quân Nga đã phóng 15 máy bay không người lái ka mi ka dê vào các khu vực Kherson, Mykolaiv và Odesa. 10 chiếc đã bị bắn hạ.
Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 370 binh sĩ Nga, chủ yếu ở Bakhmut, cùng với 3 xe tăng và 5 xe thiết giáp.
Tính chung từ ngày 24 tháng Hai đến ngày 10 tháng 12, lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 93.760 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại trong chiến đấu của quân Nga còn bao gồm 2.940 xe tăng, 5.917 xe thiết giáp, 1.927 hệ thống pháo, 397 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống phòng không, 281 máy bay chiến đấu, 264 máy bay trực thăng, 592 hỏa tiễn hành trình, 4.535 xe chuyển quân và nhiên liệu, 16 tàu chiến, 1.603 máy bay không người lái, và 167 đơn vị thiết bị đặc biệt.
3. Nga sửa đổi máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất cho cuộc tấn công vào mùa đông
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Modifies Deadly Iranian-Made Drones For Winter Onslaught—Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Nga sửa đổi máy bay không người lái chết người do Iran sản xuất cho cuộc tấn công vào mùa đông.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Theo một phân tích, các lực lượng Nga có khả năng đã giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải với máy bay không người lái do Iran cung cấp bị đóng băng trong thời tiết lạnh giá.
Đầu tuần này, các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết máy bay không người lái Shahed-136, còn được gọi là máy bay không người lái “kamikaze”, không thể được Nga sử dụng vì chúng được làm bằng nhựa và các vật liệu không chống băng giá khác.
Nhưng hôm thứ Tư, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, Yuriy Ihnat, gợi ý rằng các lực lượng Nga đã giải quyết được những vấn đề phức tạp này và đã tiếp tục sử dụng các loại đạn bay lơ lửng trên không trung sau ba tuần gián đoạn.
“Ngay cả trong thời tiết giá lạnh, những chiếc máy bay không người lái này vẫn sẽ bay, vì vậy cũng cần phải chuẩn bị cho điều này,” ông nói theo Army Inform của quân đội Ukraine. Các nguồn tin Ukraine và Nga cho biết Mạc Tư Khoa đã sử dụng máy bay không người lái kamikaze để tấn công các khu vực Dnipropetrovsk, Kyiv, Poltava, Zhytomyr và Zaporizhzhya vào hôm thứ Ba.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga “có khả năng đã sửa đổi máy bay không người lái để hoạt động trong điều kiện thời tiết lạnh hơn và có thể sẽ tăng cường sử dụng chúng ở Ukraine trong những tuần tới” để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng.
ISW trước đây đã nói rằng sự cạn kiệt vũ khí chính xác cao của Nga đã buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống vũ khí do Iran sản xuất.
Theo trang web Military Today, giá của mỗi chiếc máy bay không người lái được cho là dao động từ 20,000 đến 50,000 đô la, “là một khoản tiền nhỏ so với mức độ thiệt hại mà loại máy bay không người lái này có thể gây ra cho cơ sở hạ tầng dân sự”.
Kể từ tháng 9, Nga đã phóng hàng trăm máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự cũng như lưới điện Ukraine. Các lực lượng của Kyiv đã ngăn chặn hiệu quả hầu hết chúng, nhưng chúng vẫn gây ra sự tàn phá đối với lưới điện của Ukraine, trong bối cảnh có cảnh báo rằng lưới điện của Ukraine có thể sụp đổ trong những tuần tới.
Trong khi đó, Ukraine dường như đã có thành công riêng với máy bay không người lái, mặc dù những chiếc này có vẻ cũ hơn. Mạc Tư Khoa cho biết Kyiv đã sử dụng máy bay không người lái thời Liên Xô để tấn công căn cứ không quân Engels-2 ở vùng Saratov và căn cứ không quân Dyagilevo gần Ryazan – cả hai đều ở Nga – mặc dù Ukraine chưa chính thức nhận trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công có thể sẽ là một đòn tâm lý đối với Mạc Tư Khoa, đặc biệt là khi căn cứ Engels, gần 400 dặm bên trong nước Nga, là nơi đồn trú của hơn 30 máy bay ném bom hình thành nên khả năng răn đe hạt nhân của đất nước và cũng đã được sử dụng để phóng hỏa tiễn hành trình thông thường vào Ukraine.
Các nguồn tin chính phủ Ukraine nói với Politico rằng những chiếc máy bay không người lái này là máy bay giám sát Tu-141 đã được sửa đổi, có từ thời Liên Xô. Điều này ủng hộ các đánh giá từ các nhà phân tích và hãng tin khác. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để xin bình luận.
4. Tòa Bạch Ốc bày tỏ lo ngại về quan hệ đối tác quốc phòng Iran-Nga đang phát triển
Tòa Bạch Ốc đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ đối tác quân sự đang nở rộ giữa Iran và Nga. Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc để “vạch trần và phá vỡ” việc trao đổi các vũ khí và các bí quyết giữa hai nước.
Tướng John Kirby cho biết: “Đây là một quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện có hại cho Ukraine, các nước láng giềng của Iran và khá thẳng thắn, tôi phải nói là có hại đối với cộng đồng quốc tế”.
Kirby cho biết Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với ba thực thể của Nga liên quan đến việc mua và sử dụng máy bay không người lái của Iran. Hoa Kỳ cũng ủy quyền thêm 275 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine vào thứ Sáu.
Ông cho biết hàng trăm máy bay không người lái mà Iran đang cung cấp cho Nga đang được sử dụng để giết hại những người Ukraine vô tội và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Ông cho biết Iran đang cung cấp cho Nga ở “mức độ chưa từng có” về hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, bao gồm cả khả năng bán hỏa tiễn đạn đạo và một dây chuyền sản xuất chung mới tinh giữa 2 nước.
Đổi lại, Nga đang tìm cách hợp tác với Iran trong việc phát triển vũ khí và các thành phần quân sự tiên tiến, Kirby cho biết, đồng thời có thể cung cấp cho Tehran các máy bay trực thăng và hệ thống phòng không cùng với việc đào tạo phi công ở Nga.
Ông gọi đường ống dẫn dầu Tehran-Mạc Tư Khoa là “quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện” mà Mỹ cho rằng sẽ phát triển trong những tháng tới.
Ông cho biết Mỹ đã cảnh báo các quốc gia Trung Đông khác rằng liên minh có thể gây ra mối đe dọa cho khu vực của họ và cho biết Mỹ sẽ “tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng” để thảo luận về hợp tác Iran-Nga.
5. Zelenskiy nói rằng tình hình tiền tuyến ở phía đông là “rất khó khăn” khi các lực lượng Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu thừa nhận rằng tình hình quân sự ở các vùng phía đông Ukraine là “rất khó khăn” nhưng cho biết các lực lượng Ukraine tiếp tục chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Trong bài phát biểu qua video hàng ngày của mình, Zelenskiy cho biết, “Tình hình tiền tuyến vẫn rất khó khăn ở các khu vực trọng điểm của Donbas là Bakhmut, Soledar, Mariinka, Kreminna.”
Bốn thị trấn nằm trên tuyến đầu ở Donetsk và Luhansk. Nga đã tấn công rất dữ dội trong ba tháng qua mà chẳng đạt được thành công gì.
Ông Zelenskiy nói: “Không còn nơi sinh sống nào trên mặt đất ở những khu vực này mà không bị đạn pháo và lửa tàn phá. Quân xâm lược đã thực sự phá hủy Bakhmut - một thành phố khác của Donbas, nơi quân đội Nga đã biến thành đống đổ nát”.
Zelenskiy cho biết các lực lượng Ukraine đang giữ vững tiền tuyến, đẩy lùi các cuộc tấn công và gây ra “những tổn thất hữu hình cho kẻ thù để đáp trả việc họ mang địa ngục đến Ukraine dưới lá cờ Nga.”
Đã có giao tranh ác liệt quanh thành phố Bakhmut ở Donetsk trong nhiều tháng. Thành phố đã bị phá hủy trên diện rộng, cũng như hàng chục khu định cư dọc theo chiến tuyến ở Donetsk.
Trước đó vào thứ Sáu, một cố vấn của văn phòng tổng thống, Oleksiy Arestovych, cho biết người Nga đang thực hiện một nỗ lực chưa từng có đối với Bakhmut. Anh nói rằng tình hình xung quanh Soledar gần đó “đã trở nên tồi tệ hơn một chút” với việc quân Nga bao vây một ngôi làng gần đường cao tốc quan trọng.
Theo hướng Luhansk, Arestovych đã nói về những chiến tuyến năng động mà mỗi bên đều tấn công. Nhưng anh ấy nói rằng hiện tại, người Nga đang ở thế tấn công, “có nghĩa là chúng tôi đang phòng thủ.”
6. Putin thả nổi khả năng Nga có thể từ bỏ học thuyết “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân
Lần thứ hai trong tuần này, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra khả năng Nga có thể chính thức thay đổi học thuyết hiện tại rằng nước này sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột.
Putin lưu ý rằng chính sách của Hoa Kỳ không loại trừ khả năng tấn công trước d3 để “giải trừ vũ khí hạt nhân”.
“Họ có nó trong chiến lược của họ, trong các tài liệu điều đó được viết rõ ràng – một đòn phủ đầu. Chúng tôi không có điều đó. Nhưng, chúng tôi đã vạch ra một cuộc tấn công trả đũa trong chiến lược của mình”, ông Putin nói.
Ngay cả khi Nga trả đũa ngay lập tức khi chứng kiến vụ phóng hỏa tiễn hạt nhân về phía mình, ông Putin nói: “Điều này có nghĩa là việc đầu đạn của hỏa tiễn đối phương rơi xuống lãnh thổ Liên bang Nga là không thể tránh khỏi – chúng vẫn sẽ rơi”.
“Vì vậy, nếu chúng ta đang nói về cuộc tấn công giải trừ vũ khí này, thì có thể nghĩ đến việc áp dụng các thông lệ tốt nhất và các ý tưởng mà họ dùng để bảo đảm an ninh cho họ. Chúng tôi chỉ đang nghĩ về điều đó. Không ai ngại ngùng khi họ nói to về những điều này trong những năm trước. Nếu một kẻ thù tiềm năng tin rằng có thể sử dụng lý thuyết về một cuộc tấn công phòng ngừa, còn chúng ta thì không, thì điều này phải khiến chúng ta suy nghĩ về những mối đe dọa đang đặt ra cho chúng ta.”
Putin đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bishkek. Ông mô tả cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu là “áp dụng cho các điểm kiểm soát, tước đoạt các hệ thống kiểm soát này của kẻ thù, v.v.”, ngụ ý rằng nó thậm chí có thể ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa.
Hôm thứ Tư, Putin thừa nhận rằng cuộc xung đột tại Ukraine “sẽ kéo dài trong một thời gian”, đồng thời ông cũng cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân “ngày càng tăng”.
“Đối với ý kiến cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong bất kỳ trường hợp nào,tôi muốn nói rằng điều đó có nghĩa là chúng ta cũng sẽ không thể là người thứ hai sử dụng chúng – bởi vì khả năng làm như vậy trong trường hợp bị tấn công vào lãnh thổ của chúng ta sẽ rất hạn chế,” Putin nói hôm thứ Tư.
Những bình luận của Putin được đưa ra khi cuộc chiến bước vào mùa đông, và Nga tiếp tục nã pháo vào các khu vực phía đông và phía nam của Ukraine – và đang phải đối mặt với các cuộc tấn công trên chính lãnh thổ của mình.
Các quan chức chính quyền Biden trước đây đã nói rằng Mạc Tư Khoa đã được cảnh báo ở cấp độ cao nhất về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.
7. Ngũ Giác Đài thông báo hỗ trợ thêm 275 triệu USD cho Ukraine
Ngũ Giác Đài thông báo khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 275 triệu USD cho Ukraine đã được phê duyệt.
“Sự cho phép này là lần rút thiết bị thứ 27 từ kho của Bộ Quốc phòng cho Ukraine của Chính quyền Biden kể từ tháng 8 năm 2021,” theo một tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng, Chuẩn Tướng Pat Ryder.
Theo tuyên bố, gói này bao gồm vũ khí và đạn pháo, cũng như thiết bị giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Hoa Kỳ vì “sự hỗ trợ vững chắc” của người Mỹ trong “cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga”.
“Không một vụ khủng bố hỏa tiễn nào có thể ngăn cản cuộc chiến giành tự do của chúng ta! Điều quan trọng là người dân Hoa Kỳ sát cánh cùng người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh này”, ông Zelenskiy nói.
Bộ Quốc phòng cho biết Mỹ đã cung cấp hơn 19 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng Hai.
1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Malta
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của khoảng 300 triệu Kitô hữu Chính thống trên toàn thế giới hôm thứ Hai đã chủ trì thánh lễ tại nhà thờ Valletta dành riêng kính thánh Nicholas, vào chiều trước ngày lễ của vị thánh.
Chuyến viếng thăm Malta của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô là một chuyến đi lịch sử - ngài là Thượng phụ Chính Thống Giáo đầu tiên đến thăm Malta và cũng sẽ được Đại học Malta trao bằng Tiến sĩ danh dự.
Trong chuyến đi đến đây, kéo dài đến hôm thứ Tư vừa qua, ngài đã gặp gỡ những người tị nạn và cộng đồng Kitô giáo Chính thống khá lớn ở Malta.
Ngài hạ cánh vào Chúa Nhật tại Sân bay Quốc tế Malta, nơi Ngài được Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna và Đức Giám Mục Phụ Tá Joseph Galea-Curmi chào đón.
Vào sáng thứ Hai, Đức Thượng phụ và đoàn tùy tùng của ngài đã được Đức Tổng Giám Mục Scicluna và một số giám mục Malta tiếp đón tại tòa Tổng Giám mục ở Mdina.
Trong chuyến thăm này, Đức Thượng phụ và Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về một số chủ đề mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm các mối quan hệ Đại kết hỗ tương, việc chăm sóc mục vụ cho các thành viên của các Giáo hội Chính thống ở Malta, việc sử dụng các Nhà thờ Công Giáo cho các Phụng vụ Thánh của Chính thống, hiện tượng di cư và quan tâm đến môi trường và thúc đẩy hòa bình ở Địa Trung Hải và hơn thế nữa.
Vị Thượng phụ 82 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thành Constantinople vào năm 1991. Ngài đã làm việc với các vị Giáo Hoàng về việc cải thiện mối quan hệ giữa Công Giáo và Chính thống giáo, và đã lên tiếng về các vấn đề di cư.
Source:timesofmalta.com
2. Hội Hiệp sĩ Colombo chuẩn bị sáng kiến mới giúp Ukraine
Hội Hiệp sĩ Colombo đang chuẩn bị một sáng kiến mới giúp dân chúng tại Ukraine và những người Ukraine tị nạn tại Ba Lan, nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp tới, với 100.000 thùng quà cho các gia đình.
Hội Hiệp sĩ này là một Hội nam giới Công Giáo, do chân phước linh mục Michael McGivney ở Mỹ thành lập cách đây hơn 130 năm và có hơn hai triệu hội viên thuộc 15.000 chi hội ở các nước, trong đó chi hội ở Ba Lan có 17.050 người. Việc chuẩn bị các thùng quà này sẽ do chi hội Ba Lan thực hiện.
Khi chiến tranh tại Ukraine bùng nổ, trong vòng 36 tiếng đồng hồ, một Quỹ Liên đới với Ukraine đã được Hội Hiệp sĩ Colombo khởi động và đã chuẩn bị Trung tâm Lòng Thương Xót gần biên giới Ba Lan và Ukraine, cũng như các nơi khác trong nội địa Ba Lan để thực thi các công tác cứu trợ. Hiện nay, có 6 Trung Tâm bác ái đã được Hội thiết lập tại các giáo xứ tại nước này, với mục đích giúp đỡ người tị nạn Ukraine hội nhập vào xã hội Ba Lan qua các lớp học ngôn ngữ, chương trình hè cho các trẻ em, và giúp tìm công ăn việc làm.
Trong những ngày này, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ, ông Patrick Kelly, đang viếng thăm Ba Lan, gặp gỡ giáo quyền và cũng đã viếng thăm Tổng thống Ba Lan.
Hội cũng trợ giúp người Ukraine trong việc tháo gỡ các mìn chống người do quân Nga gài đặt. Công tác này rất quan trọng để khuyến khích các nông dân Ukraine trở lại quê hương có thể canh tác trong an ninh. Hội cũng đã tổ chức các đoàn xe chở hơn 1.700 tấn thực phẩm và các vật dụng khác tới Ukraine và trao tặng đợt đầu 100.000 thùng quà cho các gia đình ở Ukraine.
3. Những cái bắt tay trao bình an trở lại với Giáo hội Ý
Việc khôi phục tiếp xúc vật lý trong Thánh lễ đã diễn ra khi Ý nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa thời kỳ đại dịch.
Giáo Hội Công Giáo ở Ý đã thông báo rằng các giáo dân một lần nữa được phép bắt tay khi chào bình an trong Thánh lễ. Việc thực hành bị cấm trong đại dịch. Việc khôi phục bắt tay diễn ra khi Ý nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa đại dịch, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở một số không gian công cộng.
Reuters báo cáo rằng Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI, đã ban hành hướng dẫn về vấn đề này vào thứ Sáu, ngày 2 tháng 12, và tuyên bố này đã được các hãng tin Ý phổ biến vào cuối tuần qua. Các giám mục đã viết:
Đưa cái bắt tay trở lại trong nghi thức chúc bình an đánh dấu sự trở lại bình thường đối với các giáo xứ Công Giáo.
Thật đặc biệt phấn khởi khi chứng kiến sự trở lại của dấu hiệu bắt tay hòa bình đối với Giáo hội Ý, vì Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch thế giới. Reuters đưa tin vào đầu tháng 10 rằng chính quyền Ý đã nới lỏng các hạn chế. Ý đã dỡ bỏ lệnh yêu cầu tất cả hành khách đi tàu hỏa, xe buýt và phà phải đeo khẩu trang.
Cái bắt tay trong khi chúc bình an là một biểu hiện truyền thống của Công Giáo về sự tha thứ cho người lân cận, điều này diễn ra trước khi rước lễ. Cử chỉ này bắt nguồn từ Tin Mừng, đặc biệt là Phúc Âm theo Thánh Matthêu 5:23-24, nơi Chúa Giêsu chỉ dẫn:
“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
Các cộng đồng Kitô giáo sơ khai đã ghi nhớ hướng đi này và kết hợp dấu hiệu bình an vào Thánh lễ. Mặc dù nó đã được đưa vào các cử hành Thánh Thể từ những ngày đầu thực hành Kitô giáo, nhưng nó đã có nhiều hình thức khác nhau trong những năm qua. Phil Kosloski của Aleteia viết:
Cái mà chúng ta gọi là “dấu hiệu bình an”, Giáo Hội sơ khai gọi là “nụ hôn bình an.” Đó là một phong tục trong văn hóa Địa Trung Hải vào thời điểm đó và vẫn còn cho đến ngày nay để chào đón gia đình và bạn bè bằng một nụ hôn.
Cử chỉ này được tìm thấy trong suốt lịch sử phụng vụ của Giáo hội và từ thời Thánh Grêgôriô Cả, cử chỉ này được coi là điều kiện tiên quyết để Rước lễ.
Nụ hôn bình an thường chỉ được trao cho những người đứng cạnh nhau và sau đó người ta phát triển rằng nụ hôn bình an đi từ cung thánh xuống và được trao cho mọi người, tượng trưng cho sự bình an đến từ Chúa Kitô. Điều này thậm chí còn được củng cố hơn nữa khi vị linh mục hôn bàn thờ trước rồi chuyển nụ hôn đó cho những người giúp lễ của mình.
Source:Aleteia