Ngày 12-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm vui khả tín
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:22 12/12/2024
NIỀM VUI KHẢ TÍN
(Chúa Nhật III Mùa Vọng C)

Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu. Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:

-“Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, chính là niềm hạnh phúc bất tận. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.

Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).

-Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).

-Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).

Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là tiếng cười rôm rả của những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao…Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái cách không tính toán, không chỉ với người dễ mến mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta.

Không dừng lại ở mức công bình là “không hà hiếp ai, không chiếm đoạt của người” mà còn biết sống tình yêu liên đới “có hai áo thì chia cho người không có, có của ăn cũng làm như vậy” chính là việc chuẩn bị tâm hồn cách hữu hiệu để đón mừng Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo tin mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những “trang hoành lộng lẫy” hay những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.

Ban Mê Thuột
 
Lắm phúc
Lm Minh Anh
01:23 12/12/2024
LẮM PHÚC
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”.

Trong đoản thơ “Những Chiếc Bóng Đổ”, “Shadows”, tác giả chia sẻ, “Thật tuyệt vời khi bạn chạy và ‘những chiếc bóng đổ’ chạy! Khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ reo ca; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ nhại lại. ‘Những chiếc bóng đổ’ chạy theo khi cuộc sống của bạn ngập tràn ánh nắng và hân hoan. Bạn quả là ‘lắm phúc!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu nữ thi sĩ Martha Wadsworth không tiếc lời để nói về ‘những chiếc bóng đổ’ của một người mẹ, thì với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không tiếc lời làm điều tương tự với Gioan Tẩy Giả, người Ngài ngưỡng mộ. Tuy nhiên, Ngài bất ngờ kết luận, “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Vậy sẽ có người ‘lắm phúc’ hơn Gioan?

Đúng thế! Chúa Giêsu thường ít khen ai ngoài một vài đối tượng có lòng tin mạnh! Dẫu vậy, ở đây, Ngài nức tiếng khi nói về Gioan. Ngài coi Gioan như đại ngôn sứ Êlia tái thế, người dọn đường cho Đấng Messia. Nhưng bất chợt, Ngài đảo ngược nhận định khi tiết lộ kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn Gioan. Họ là ai? Nước Trời ở đây là gì?

Hạng nhỏ nhất ở đây là những người ‘lắm phúc’ hơn Gioan; trong đó có chúng ta. Một ngạc nhiên đầy thú vị! Rõ ràng, Gioan vĩ đại, nhưng sự vĩ đại của Gioan chỉ để chuẩn bị cho một Đấng Vĩ Đại. Gioan ‘biết’ Ngài, nhưng không biết Ngài về sau! Gioan chỉ tay về phía Chúa Giêsu, nói cho các đồ đệ, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”, nhưng Gioan không sống để chứng kiến ‘sự xoá tội’ của Ngài sẽ thực hiện cách nào! Giao Ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô trên thập giá, Gioan chưa bao giờ nhìn thấy điều đó; Gioan cũng chưa bao giờ hoàn toàn là môn đệ của Ngài. Gioan không thể chia sẻ sự sống dồi dào khi được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô như mọi Kitô hữu có thể có.

Không hưởng nhận Thánh Thần của Chúa Kitô, Gioan mù tịt về Giáo Hội; đang khi chúng ta được ngụp lặn giữa biển ân sủng của Chúa Phục Sinh. Gioan không biết Vương Quốc Ngài thiết lập là gì, Nước Trời là gì và những ai thuộc về nó. Và Nước Trời không gì khác, chính Chúa Kitô! Đó là lý do tại sao “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời cao trọng hơn Gioan!”.

Anh Chị em,

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Những gì Gioan không biết là những gì chúng ta sở hữu: Được Thánh Thần tưới gội qua các Bí tích; Phúc Âm, các thư Phaolô và các tài liệu làm nên Tân Ước; sống trong lòng Mẹ Hội Thánh với sự hiện diện tràn đầy của Chúa Thánh Thần. Như vậy, chúng ta ‘lắm phúc’ hơn Gioan bội phần; không vì làm được nhiều, nhưng được ban nhiều. Rõ ràng, bạn và tôi không hề tầm thường chút nào. Vậy, hãy sống cho xứng tầm với ân sủng, mang lấy sức mạnh của Thần Khí để dám sống, dám nói và dám chết như Gioan hầu có thể làm chứng cho Tin Mừng và mở rộng Vương Quốc! “Hãy cầu xin Gioan ban cho ơn can đảm tông đồ để luôn nói sự thật; ơn yêu thương mục vụ. Điều này có nghĩa là đón nhận mọi người bằng những gì ít ỏi mình có thể cho đi, đó là bước đầu tiên. Chúa sẽ làm những bước còn lại!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con là ‘chiếc bóng đổ’ của Chúa. Những ngày Mùa Vọng, cho con biết chia sẻ ân phúc, nụ cười và ‘ánh nắng’ cho những ai ‘vận xúi, vô phúc!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Luôn sống vui và hy vọng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
01:25 12/12/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - C
(Lc 3, 10 - 18)
Luôn sống vui và hy vọng

Mùa Vọng là thời gian mong chờ. Chúa nhật I, chúng ta mong chờ Chúa trong tỉnh thức. Chúa nhật II, chúng ta mong chờ Chúa trong sự hoán cải dọn đường cho Chúa và Chúa nhật III, trong niềm vui, chúng ta mong chờ Chúa đến.

Khoảnh khắc thời gian mong chờ Chúa mà chúng ta đang sống là trải nghiệm niềm vui, giống như khi chúng ta đợi chờ cuộc viếng thăm của một người bạn rất quý mến, nhưng đã lâu không gặp. Chiều kích của niềm vui này đặc biệt nổi bật trong Ca Nhập Lễ với những lời khích lệ của Thánh Phaolô “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4).

Câu hỏi được đặt ra : “Tại sao chúng ta vui?” Thưa : “Vì Chúa đã gần đến” (Pl 4, 5). “Anh em hãy vui luôn”. Vui vì được làm con Chúa, vui vì có Chúa ở cùng và đồng hành trong cuộc sống. Làm sao không thể vui mừng được?

Chúa nhật III Mùa Vọng quen gọi là Chúa nhật của Niềm Vui (Gaudete). Phụng vụ lễ ca, từ bài đọc, Thánh vịnh đáp ca cho đến màu sắc, tất cả đều diễn tả niềm vui sâu sắc ngập tràn. Với nhiều cung giọng khác nhau, như Sôphônia, Luca tác giả Tin Mừng cũng như thánh Phaolô đều hòa chung một khúc hát ca mừng Chúa đang đến mang lại niềm vui ơn cứu độ cho hết mọi người.

Màu sắc từ màu tím chuyển sang hồng, màu của bình minh ló rạng, đánh dấu nửa chặng đường của Mùa Vọng, nay Giáo hội tạm dừng, lấy thêm can đảm bước tiếp, để chuẩn bị tâm hồn tốt hơn để cảm nghiệm được niềm vui thực sự của Lễ Giáng Sinh đã gần kề.

Vui như Isaia nói :“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi” (Is 61, 10). Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề” (Lời nguyện nhập lễ Cn III Mùa Vọng).

Những lời trên làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, dẫn chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ. Nghe những lời loan báo của Xôphônia chúng ta không thể không vui : “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn!” (Xp 3, 14-15). Cùng sứ điệp của niềm vui, Thiên Thần chào Đức Maria : “Hỡi Bà đầy ơn phúc, hãy vui lên” (Lc 1,26). Lý do chính để thiếu nữ Sion vui là có : “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng” (Xp 3, 16-18).

Xôphônia muốn chúng ta phải vui mừng, không có lý do gì để thất vọng, nản chí, buồn sầu, dù tình trạng ta phải đương đầu có thế nào đi nữa, chúng ta chắc chắn về sự hiện diện của Chúa, nguyên sự hiện diện ấy cũng đủ để làm cho tâm hồn ta hân hoan.

Trong thư gửi tín hữu thành Philiphê, thánh Phaolô mời gọi con cái mình vui lên trong niềm vui của Chúa, và ngài đưa ra lý do tại sao phải vui mừng. Thưa vì “Chúa đang đến gần!” (Pl 4,5). Chúa sắp ngự đến rồi, vậy để đón Chúa, chúng ta làm gì đây?

Cánh cửa Năm Thánh sắp mở ra làm cho con cái Chúa hết sức vui mừng và phấn khởi. Với chủ đề “Người Hành Hương Hy Vọng” mời gọi con cái mình sống niềm vui và hy vọng.

Giờ Kinh truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô ngày13 tháng 12 năm 2015: Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu sống tinh thần vui tươi giữa bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống. Ngài nhận xét rằng Chúa nhật thứ III Mùa Vọng giúp chúng ta tái khám phá một chiều kích đặc thù của sự hoán cải, đó là sự vui mừng: "Ngày nay cần có can đảm để nói về niềm vui, nhất là cần đức tin! Thế giới bị vây bủa vì bao nhiêu vấn đề, tương lai đầy bấp bênh và sợ hãi. Nhưng Kitô hữu là người vui tươi, và niềm vui của họ không phải là một cái gì hời hợt chóng qua, trái lại sâu xa và bền vững, vì đó là một hồng ân của Thiên Chúa lấp đầy cuộc sống. Niềm vui của chúng ta xuất phát từ xác tín ‘Chúa ở gần’" (Phi 4,5).

Cũng như đám đông xưa kia, giờ đây chúng ta cũng đặt câu hỏi : Thưa ông Gioan chúng tôi phải làm gì? Gioan Tẩy giả không đòi chúng ta làm điều kì diệu. Nhưng chắc chắn ngài sẽ bảo chúng ta hoán cải khởi đi từ việc chia sẻ, chu toàn bổn phận của người Kitô hữu.

Chúng ta hãy phó thác hành trình Mùa Vọng tiếp theo của chúng ta cho Ðức Maria, Người Nữ Hy Vọng, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:50 12/12/2024

39. Nếu con muốn được khi cầu xin thì xin mời con khiêm cung lĩnh giáo, học tập cầu nguyện, bởi vì ân sủng từ trời cao sẽ không ở cùng người biếng nhác.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:55 12/12/2024
13. ĐỐC HỌC NÓI LỜI CỦA TRỜI

Ở Điền Nam (thuộc tỉnh Vân Nam-Trung Quốc) có một đốc học thích nói chuyện nhân sinh thế thái và nghệ thuật với các học sinh, nói thao thao không nghỉ, học sinh và các thầy giáo rất ghét nghe ông ta “diễn giảng”.

Đốc học nói xong thì hỏi:

- “Các vị thấy điều tôi nói đó như thế nào?”

Một học sinh trả lời:

- “Thầy là người của trời, những lời thầy nói hôm nay đều là lời của trời ạ”.

Các thầy giáo và học sinh cười ha ha.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 13:

Dù có tài lợi khẩu nói hay, nhưng nói dài dòng văn tự chuyện trên trời dưới đất không ăn nhằm gì thực tế, thì cũng sẽ làm cho người nghe nhàm chán; dù có tài giảng thao thao bất tuyệt nhưng cứ trích dẫn sách này sách nọ, lý này lẽ nọ mà không đi vào thực tế cuộc sống của giáo dân, thì cái thao thao bất tuyệt ấy giống như lời của...cái phèng la nhức óc nhức tai người nghe...

Đức Chúa Giê-su là người của trời, nhưng khi xuống thế làm người thì Ngài dùng những lời lẽ của con người để dạy dỗ nhân loại, chứ không dùng ngôn ngữ của các thiên thần hay ngôn ngữ của con trời để giảng đạo, thì chúng ta cũng nên học theo Ngài đừng dùng ngôn ngữ của triết học để giảng cho giáo dân, cũng đừng dùng ngôn ngữ thần học cao siêu để giảng cho bà con ngày ngày lam lũ kiếm cơm ăn áo mặc.

Giảng dạy những gì mình đã cảm nghiệm được trong cuộc sống qua Lời Chúa trong Phúc Âm, đó là bài giảng hay của cha sở vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 13/12: Biết Điều – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo hội năm châu
03:59 12/12/2024

Ngày 13/12: Biết Điều – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
 
Ngày 12/12: Khi Đức Giê-su khen? – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo hội năm châu
04:00 12/12/2024

Ngày 12/12: Khi Đức Giê-su khen – Lm Antôn Nguyễn Thế Nhân SSS
 
Đờ đẫn
Lm Minh Anh
14:26 12/12/2024
ĐỜ ĐẪN
“Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

“Thiên thần Niềm Tin bước vào căn phòng lòng tôi; vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Những vị khách lần lượt ra đi: Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có một hoà khí như vậy? Niềm Tin thì thầm, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi chung sống!’” - Một nhà thơ cổ.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thường bước vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Tiếc thay, khác nào lũ trẻ ngoài chợ, trước Ngài, không ít lần chúng ta ‘đờ đẫn’, một sự đờ đẫn thiêng liêng!

Isaia biểu lộ ‘nhã nhạc’ - giai điệu yêu thương - Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, công chính của ngươi dạt dào như sóng biển!”. Nhưng Israel bỏ ngoài tai! - bài đọc một. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp điều tương tự, Ngài cất giọng mà xem ra không ai hưởng ứng! Họ từ chối Ngài; gán cho Ngài là ‘bợm nhậu’, gán cho Gioan là ‘quỷ ám’.

Với chúng ta, không muốn nghe những gì Chúa nói, chúng ta thường hợp lý hoá cách này cách khác để khéo từ chối thông điệp của Ngài; và với thời gian, chúng ta ‘đờ đẫn!’. Cần phân biệt ‘trọng tâm’ sứ điệp và ‘cách thức’ sứ điệp được loan truyền! Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”. Chiếc bình thực sự không quan trọng cho bằng những gì nó mang! Cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân hoặc phát ngôn nhân, nhưng quan trọng là nhận ra điều Chúa đang nói, đang hát cho tôi qua các tác nhân hoặc phát ngôn nhân hèn yếu đó. Nhiều người trong họ có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!

Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”. Chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết mình đang ở trong bóng tối. Hiếm ai trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không ‘sàng lọc’ nó qua lịch sử hoặc phong cách người chuyển tải. Khi tôi chia sẻ Lời Chúa cho 20 người, có thể có đến 20 thông điệp khác nhau. Điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự nghe cho được những gì Chúa đang soi rọi và không để mình ra ‘đờ đẫn’, đờ đẫn của linh hồn!

Anh Chị em,

“Các anh không nhảy múa?”. Có thể bạn và tôi không nhảy múa, không khóc than vì chúng ta để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm” chiếm cứ. “Đó là những con người buồn bã vốn luôn chỉ trích những người rao giảng chân lý vì sợ rằng, họ sẽ mở lòng ra trước Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện để không trở thành những Kitô hữu buồn bã, những người cướp đi ‘sự tự do của Thánh Thần’ vốn thường đến giữa chúng ta qua sự vụng về - và có thể cả bê bối - của người rao giảng. Thật là bê bối khi Chúa nói với chúng ta qua những con người tội lỗi đầy giới hạn; và thậm chí còn bê bối hơn khi Ngài nói và cứu chúng ta qua một người tự nhận mình là Con Thiên Chúa, nhưng lại kết thúc như một tên tội phạm. Điều đó thật là bê bối!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘đờ đẫn mãn tính!’. Con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào căn phòng trái tim con mỗi ngày, đang ‘hát’, đang ‘thổi sáo’ nhằm biến đổi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Trả Lời
Lm Vũđình Tường
19:26 12/12/2024
Khi nói về Gioan Tẩy Giả, Phúc Âm không ghi lại gia phả, dòng tộc ông nhưng chú trọng đến giới lãnh đạo các tiểu vương trong đế quốc Rôma. Những tiểu vương địa phương này đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện nhà nước bảo hộ Rôma. Tiếng nói của họ là tiếng nói của nhà nước; luật lệ họ đưa ra được nhà nước hỗ trợ; thuế má đóng cho họ chi dùng là đóng cho nhà nước. Dân chúng sống trong vùng họ kiểm soát phải tuân thủ cả về hành chánh lẫn sinh hoạt tôn giáo. Điểm chính Phúc Âm ghi lại những tiểu vương này bởi chính họ trực tiếp chủ động trong việc ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả và đồng thuận cho bản án bất công giết Đức Kitô. Hành động đầu tiên gây tang thương cho dân nghèo trong toàn lãnh thổ là lệnh mọi người phải về quê nơi sinh ra để làm sổ kiểm tra dân số. Hai ông bà Giuse-Maria không đủ tiền thuê phòng trọ sang trọng, phòng giá bình dân thì không còn, nên hai ông bà đành trú qua đêm đông nơi đồng vắng, nơi giữ chiên bò. Ngặt nghèo hơn nữa đây cũng chính là lúc bà Maria trở dạ sanh con. Hành động tiếp theo còn khủng khiếp hơn đó là lời Hêrôđê hứa với ba nhà chiêm tinh. Lời hứa bề ngoài xem ra đạo đức, chân thành nhưng bên trong ngầm chứa dối trá, xảo quyệt. Sau khi ba nhà chiêm tinh bái kiến hài nhi Giêsu trở về quê, lúc đó Hêrôđê lột mặt lạ cáo đội lốt chiên. Ông ra lệnh giết hết các trẻ trai từ ba tuổi trở xuống vì sợ hài nhi mới sanh chiếm đoạt ngai vàng. Một vị vua quyền hành lại sợ một em bé mới sinh nơi đồng vắng. Những sự kiện lịch sử trên được nhắc đến cho biết Gioan Tẩy Giả loan báo trước những đau khổ sẽ xảy đến cho chính ông và cho Đấng mà ông tuyên xưng, rao giảng- Đức Kitô.

Bên cạnh những biến cố tang thương Gioan tiên đoán sẽ xảy ra, ông kêu gọi dân chúng đừng mất niềm tin, nhưng sống trong hy vọng. Mừng vui lên. Chuẩn bị cõi lòng đón nhận tin vui trọng đại chưa từng xảy ra cho toàn dân, đó là tin Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Tin vui Gioan loan báo ở hai lãnh vực; thứ nhất là tin vui cho toàn thể nhân loại; thứ đến là tin vui cho từng cõi lòng thiện tâm. Trong nhiều ngàn năm, nhân loại mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Điều này cho biết những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa luôn sống trong hy vọng. Sau ngày Giáng Sinh, niềm hy vọng của Kitô hữu lại đặt vào lần xuống thế lần thứ hai của Đức Kitô. Như thế có thể nói, Thiên Chúa Giáo là tôn giáo của niềm hy vọng, Kitô hữu luôn sống trong hy vọng. Hy vọng nhận được ơn cứu độ, hy vọng được sống muôn đời trong nước Chúa, hy vọng Thiên Chúa sẽ đến an ủi, hỗ trợ dân Chúa. Ở lãnh vực cá nhân, Gioan loan báo niềm vui Đấng Cứu Thế mang lại cho những ai chân thành thay đổi lối sống, đi theo con đường của Đấng Cứu Thế, đó là con đường yêu thương và tha thứ.

Để chuẩn bị đón mừng tin vui trọng đại, Gioan kêu gọi con người thống hối, trở về với đường lối công chính để đón nhận Đấng Công Chính. Những ai thành tâm đến hỏi Gioan đều nhận được câu trả lời vắn gọn, trong sáng để thực hành trong đời sống. Gioan kêu gọi họ từ bỏ lối sống cũ, trở thành con người mới, con người của niềm tin, con người của hy vọng. Kitô hữu trở thành niềm hy vọng cho tha nhân; chính họ lại đặt hy vọng vào Đấng Cứu Thế. Gioan kêu gọi mỗi cá nhân trong hoàn cảnh, điều kiện hiện có hãy thay đổi cách nhìn về tha nhân. Rõ ràng, mạch lạc hơn ông kêu gọi người có chức quyền tránh lạm quyền; kẻ có cơm chia cho người xin ăn; có dư áo phát cho người giá lạnh; người làm chủ, giảm nợ cho dân nghèo; tránh giận dữ nhưng nối kết tình thân bị cắt đứt, chia lìa; gỡ bỏ xiềng xích ngăn cách con người với nhau; cởi trói cho mọi bất hoà và thứ tha cho những thiếu sót.

Gioan áp dụng điều ông rao giảng vào chính cuộc sống ông. Sống lối sống khiêm nhường, sống chân thành với mọi người, vui với những gì hiện đang có và phó thác cuộc sống trong niềm tin vào Đấng Cứu Thế. Lời Gioan rao giảng đánh động tâm hồn người nghe và họ cho ông là Đấng Cứu Thế. Gioan dõng dạc tuyên bố ông không phải là Đấng Cứu Thế. Mừng vui lên vì Đấng đó sắp đến. Gioan chỉ là kẻ mở đường cho Đấng Cứu Thế đang đến. Phép rửa của Gioan không có ơn tha tội nhưng là dấu chỉ của thống hối, hoà giải. Phép rửa Đấng Cứu Thế mang đến có ơn tha tội và thanh luyện tâm hồn, cõi lòng trở nên trong sáng như vàng luyện trong lửa.

Gioan trả lời cho những ai thành tâm đến hỏi ông về cách sống. Mỗi người trong chúng ta, đến cuối đời cũng phải trả lời trước Thiên Chúa về lối sống ta đã chọn. Xin ơn can đảm chọn sống luật yêu thương Đức kitô kêu gọi chúng ta.

TiengChuong.org
 
Vui lên
Lm Thái Nguyên
22:15 12/12/2024


VUI LÊN!
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm C :
Lc 3, 10-18
Suy niệm

Chúa nhật thứ III Mùa vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Đó là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được lãnh nhận từ Đức Kitô, chứ không từ bất cứ quyền lực nào; đó là niềm vui siêu việt mang tính vĩnh cửu, chứ không phải niềm vui phàm tục chóng qua. Lời kêu gọi “Hãy vui lên!” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Ngôn sứ Xôphônia kêu gọi "thiếu nữ Sion", tức là dân Chúa, hãy vui lên vì Thiên Chúa đang ngự đến giữa họ. Thánh Phaolô hô hào: “Vui lên anh em!...Anh em hãy vui trong niềm vui của Chúa”: Gaudete in Domino. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Tông huấn “Gaudete et exultate” (Hãy vui mừng và hoan hỉ). Đó là niềm vui nên thánh, niềm vui của những người sống trong Chúa và sống cho mọi người.

Nhưng vui sao được nếu lòng ta vẫn còn xa cách Chúa và tha nhân, vẫn còn đầy những bon chen và rối ren trần tục, vẫn còn những ngổn ngang, bất hòa và tranh chấp, vẫn còn vô tâm trước những tình cảnh khốn khó của người khác. Cần phải thay đổi một lối sống mới, ta mới có thể đón nhận niềm vui ơn cứu độ. Bởi vậy, khi dân chúng đến với Gioan nhận phép rửa sám hối thì họ đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Phải làm gì, là điều quan trọng và thực tế nhất đối với ai muốn thực tâm hoán cải. Khi bị ngã ngựa trên đường Đamas, Phaolô cũng đã thân thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10).

Gioan đã chỉ cho dân chúng những điều cụ thể là phải chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu; tránh mọi thứ tham lam vơ vét; càng không được dùng quyền hành để đè nén hay áp bức người khác, luôn an vui với phận mình, không bị lệ thuộc vào tiền tài vật chất mà đánh mất nhân cách. Thật ra, sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý là bỏ điều dữ làm điều lành như các tôn giáo khác, hoặc cố gắng sống tốt hơn trong việc tuân giữ cac giới răn. Nhưng điều trước tiên và cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà điều chính yếu là sự trở về với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài, vì ân ban cứu độ là chính Chúa chứ không ở nơi nào khác.

Thế nhưng việc trở về với Thiên Chúa phải được diễn tả qua việc trở về với anh em, đòi ta phải chỉnh đốn lại đời sống mình trong tương quan với tha nhân. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề bị dân chúng coi là xấu xa; cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê; càng không đòi họ phải tu tập và sống nhiệm nhặt như ông, nhưng đòi họ sống một tinh thần mới, là tinh thần của con cái Thiên Chúa và anh em với nhau, không còn sống tham lam ích kỷ lo vơ vét cho mình, nhưng lo sống thực thi công bình và bác ái.

Những chỉ dẫn của Gioan vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ đang bước vào đời, đang tìm một định hướng sống và một thái độ sống có ý nghĩa. Chỉ với trái tim yêu thương đi vào đời ta mới làm nên cuộc đời mình. Cũng vậy, chỉ có thể sống trong niềm vui của Thiên Chúa khi ta biết cho đi, biết chia sẻ, biết dâng tặng thời giờ, công sức, tiền của và có khi cả danh giá của mình. Niềm vui của ta không phải là niềm vui của thế gian chạy theo danh lợi, hay thỏa mãn những đam mê trần tục, mà là niềm vui của những người dám bỏ ý riêng mình để sống theo ý Chúa, có khả năng đem lại ích lợi và an vui cho anh chị em xung quanh mình hằng ngày.

Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta để ta biết hy vọng vào Ngài. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, cho dù con người có sa ngã và nhiều lần phản bội. Ngài vẫn lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta. Cho dù con người có tệ bạc thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng nhận biết rằng, con người vẫn mang trong mình hình ảnh và sự sống của Thiên Chúa, Đấng luôn gieo hy vọng bằng cách mời gọi con người trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Nếu ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa và nếu trái tim ta biết rung động trước tình yêu vô hạn của Ngài, thì ta cũng sẽ trở nên người gieo hy vọng cho người khác. Người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người xả thân phục vụ và dám hy sinh chính mình vì tha nhân. Đó mới là điều đưa chúng ta tới niềm vui sâu xa, niềm vui bất diệt, vì là niềm vui của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Thú vui ngày hôm nay thật quá nhiều,
đang từng ngày lên tiếng vẫy gọi con,
nhiều bạn trẻ đang chạy theo nô nức,
bản thân con cũng háo hức nôn nao.
Nhưng rồi những niềm vui ở ngoài Chúa,
chỉ làm cho hồn con thêm trống vắng,
và để lại những cay đắng lỡ làng,
hơn nữa càng làm con phải hoang mang.
Để sống một cuộc đời thật bình an,
Con phải gạn lọc lại bản thân mình,
cần tẩy sạch những đam mê phàm tục,
dám vượt khỏi những thú vui phàm hèn,
để giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh,
và cái nhìn luôn đơn sơ thanh khiết.
Như thế con mới có thể vui cười:
nụ cười rất trong sáng và hồn nhiên,
nụ cười đầy an bình và hạnh phúc,
vì đời con luôn có Chúa ở cùng,
để con không ngại ngùng mà tiến bước,
giữa gian nan và thử thách trên đường.
Xin cho con cứ khơi sâu nới rộng,
những niềm vui của Chúa ở trong lòng,
lan tỏa đến những người đang khát mong,
để họ tìm lại được niềm vui sống.
Xin cho con sống thân tình với Chúa,
đừng chạy theo những lôi kéo bên ngoài,
đừng đoái hoài đến những cái mau qua,
đừng ham thích những gì là mới lạ.
Nhưng nhận ra Chúa mới là tất cả,
là nguồn vui là ân phúc chan hòa,
con chẳng phải tìm Ngài ở đâu xa,
mà ở trong chính tâm hồn con vậy. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp nhà lãnh đạo Palestine Abbas giữa cuộc khủng hoảng Gaza
Vũ Văn An
12:51 12/12/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas tại Vatican vào ngày 12 tháng 12 năm 2024 | Tín dụng: Vatican Media


AC Wimmer, của Phòng tin tức CNA, ngày 12 tháng 12 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas tại Vatican vào thứ năm để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và triển vọng hòa bình ở Đất Thánh.

Theo tuyên bố của Tòa Thánh, trong buổi tiếp kiến kéo dài 30 phút, sau đó là các cuộc họp với Quốc vụ khanh Vatican Hồng Y Pietro Parolin và Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, thư ký quan hệ với các quốc gia, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp cho "hai quốc gia chỉ thông qua đối thoại và ngoại giao".

Tòa thánh cho biết các cuộc đàm phán cũng nhấn mạnh "sự đóng góp quan trọng của Giáo Hội Công Giáo cho xã hội Palestine" và vai trò của Giáo hội trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở Gaza, nơi các quan chức kêu gọi "ngừng bắn và thả tất cả các con tin càng sớm càng tốt".

Cuộc họp đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Abbas tới Vatican kể từ năm 2021.

Theo Vatican, nhà lãnh đạo Palestine 89 tuổi, người đã tại vị trong khoảng 20 năm, đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần qua điện thoại kể từ cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 của nhóm khủng bố Hồi giáo Hamas.

Trong "các cuộc đàm luận thân mật", cả hai bên đều "nhắc lại việc lên án mọi hình thức khủng bố" đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ vị thế đặc biệt của Giêrusalem là "nơi gặp gỡ và hữu nghị giữa ba tôn giáo độc thần lớn".

Vatican bày tỏ hy vọng rằng Năm Thánh 2025 sắp tới sẽ chứng kiến sự trở lại của những người hành hương đến Đất Thánh, "nơi hết sức khao khát hòa bình".

Chuyến thăm Vatican của Abbas vào tháng 6 năm 2014 bao gồm một lời cầu nguyện hòa bình với Tổng thống Israel khi đó là Shimon Peres, trong đó các nhà lãnh đạo cùng nhau trồng một cây ô liu và ôm nhau trong cử chỉ hòa bình.

Chuyến thăm của Chủ tịch Palestine diễn ra một ngày trước khi Thủ tướng lâm thời Liban Najib Mikati dự kiến gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican.
 
Nghe vị giảng thuyết giáo hoàng nói về Mùa Vọng
Vũ Văn An
13:31 12/12/2024

J-P Mauro của Aleteia, ngày 12/12/24, cho hay Cha Pasolini, vị tân giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã nói về các tiên tri và cách Đức Trinh Nữ Maria và bà Elizabeth là hình mẫu để các tín hữu lắng nghe tiếng nói của các tiên tri.



Hồng Y Raniero Cantalamessa gần đây đã kết thúc nhiệm kỳ 44 năm của mình với tư cách là nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, trao lại ngọn đuốc cho người kế nhiệm: Cha Roberto Pasolini, một tu sĩ dòng Capuchin người Ý khác. Cha Pasolini hiện đã bắt đầu loạt bài suy gẫm công khai đầu tiên của ngài, khi ngài có bài giảng đầu tiên trong ba bài giảng Mùa Vọng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo triều Rôma tại Hội trường Phaolô VI của Vatican vào thứ Sáu đầu tiên của Mùa Vọng.

Ba bài giảng của ngài sẽ khám phá chủ đề “Cánh cửa hy vọng: Hướng tới sự mở đầu của Năm Thánh qua Lời tiên tri Giáng sinh”.

Ngài bắt đầu bằng cách nói về các tiên tri, những người có sự hiểu biết sâu sắc về “ý nghĩa của các sự kiện lịch sử” hướng dẫn các tín hữu vượt qua thử thách của Mùa Vọng: “nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa trong lịch sử và đánh thức sự ngạc nhiên trước những gì Người không chỉ có thể làm mà trên hết là mong muốn hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta và lịch sử thế giới”.

Theo Vatican News, ngài nhấn mạnh tiên tri Giê-rê-mi-a dạy ra sao việc các tiên tri mở ra cho chúng ta hy vọng thông qua những lời khuyên răn của họ. Ngài gợi ý rằng “chấp nhận tin mừng không phải là điều dễ dàng” đối với những người đã thấy hy vọng của họ bị thực tế làm tan vỡ, nhưng “Chúa tái khẳng định tình yêu trung thành của Người và mang đến cho dân Người một cơ hội mới”.

Vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng gợi ý rằng thách thức thực sự là “đánh thức sự ngạc nhiên” liên quan đến các công trình mà Chúa muốn hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta và trên thế giới.

Cha Pasolini nói về Đức Trinh Nữ Maria và người em họ của bà, Elizabeth, như những hình mẫu chính để các tín hữu chuẩn bị lắng nghe tiếng nói của các tiên tri. Ngài nhấn mạnh việc bà Elizabeth từ chối "tính liên tục rõ ràng của mọi sự" và việc bà rút lui khỏi các mối quan hệ. Đức Maria được đặt cạnh việc này với việc chấp nhận "sự mới mẻ của Thiên Chúa" và sự sẵn lòng tự do và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa.

Do thiếu đức tin, chồng của bà Elizabeth là Da-ca-ri-a đã bị câm từ khi thụ thai Gioan Tẩy giả cho đến khi con chào đời. Khi có người gợi ý với Elizabeth rằng bà nên đặt tên con mình theo tên chồng, bà đã nói "không" và làm theo sự hướng dẫn của các thiên thần để đặt tên cho con là Gioan.

Cha Pasolini lưu ý rằng Da-ca-ri-a có nghĩa là "Chúa nhớ", trong khi Gioan có nghĩa là "Chúa thương xót". Điều này "cho thấy rằng lịch sử, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi di sản của nó, nhưng luôn có khả năng vượt qua chính nó và mở ra những khả năng mới khi Chúa hành động".

Trong trường hợp của Đức Maria, Thiên thần Gabrien được giao nhiệm vụ tiếp cận ngài “mà không ép buộc sự sẵn lòng của ngài theo bất cứ cách nào vì cuộc đối thoại của họ phải diễn ra trong sự tự do hoàn toàn”.

Đức Maria nhận ra rằng đã đến lúc “được định nghĩa lại hoàn toàn bởi lời Thiên Chúa”, và ngài chấp nhận tình yêu của Chúa mặc dù việc mang thai khiến ngài phải chịu sự hiểu lầm và phán xét theo Luật Mô-sê.

Cha Pasolini lập luận rằng những tương tác của Đức Maria với Tổng lãnh thiên thần Gabrien cho thấy rằng “mọi lời kêu gọi từ Thiên Chúa nhất thiết khiến chúng ta tiếp cận cái chết vì nó chứa đựng lời hứa về một cuộc sống hoàn toàn dành cho Chúa và thế giới”. Nỗi sợ hãi như vậy “trước loại trách nhiệm này” chỉ có thể được vượt qua bằng cách “suy gẫm vẻ đẹp và sự vĩ đại của những gì đang chờ đợi chúng ta”.

Cha Pasolini nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể giới hạn bản thân mình trong việc nói những lời ‘xin vâng’ không mất gì và không tước đoạt của chúng ta điều gì”.
 
Các giám mục Đất Thánh: Giáng sinh này, chúng ta cũng có hy vọng
Vũ Văn An
13:46 12/12/2024

Trang trí Quảng trường Manger ở Bethlehem.EMMANUEL DUNAND | AFP


John Burger của Aleteia, ngày 12/11/24, tường trình rằng Giờ đây, hơn bao giờ hết, thế giới cần được nghe về hy vọng mà sự ra đời của Chúa Kitô mang lại, các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo ở Giêrusalem cho biết.

Các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo ở Đất Thánh cho biết trong một thông điệp cho Mùa Vọng rằng các Ki-tô hữu ở vùng đất Chúa Kitô sinh ra không nên ngần ngại bày tỏ niềm vui mà Sự Nhập thể mang lại.

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội tại Giêrusalem cho biết rằng trong mùa Vọng và Giáng sinh, các giáo đoàn và cá nhân nên “tưởng nhớ trọn vẹn sự tiếp cận và sự ra đời của Chúa Kitô bằng cách công khai đưa ra các dấu hiệu hy vọng của Kitô giáo”.

“Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi họ làm như vậy theo những cách nhạy cảm với những đau khổ nghiêm trọng mà hàng triệu người trong khu vực của chúng tôi vẫn đang phải chịu đựng”, họ nói. “Những điều này chắc chắn bao gồm việc liên tục cầu nguyện cho họ, tiếp cận họ bằng những việc làm tử tế và bác ái, và chào đón họ như chính Chúa Kitô đã chào đón mỗi người chúng ta (Rô-ma 15:7)”.

Các nhà lãnh đạo – những người của Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem, Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp tại Giêrusalem, Giáo khu Phanxicô tại Đất Thánh và những người khác – lưu ý rằng năm ngoái, sau cuộc xâm lược Israel của Hamas vào ngày 7 tháng 10 và phản ứng của Israel, lời kêu gọi của họ “từ bỏ việc trưng bày đèn và đồ trang trí Giáng sinh công khai, cùng với các lễ hội liên quan” đã được một số người trên khắp thế giới hiểu là “hủy bỏ” lễ Giáng sinh.

Kể từ năm ngoái, cuộc chiến đã leo thang đáng kể, bao gồm cuộc xâm lược Lebanon của Israel để tiếp cận Hezbollah, và một số cuộc trao đổi tên lửa và máy bay không người lái giữa Israel và Iran.

Gần đây hơn, sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria đã làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của quốc gia này, bao gồm cả tình trạng và cách đối xử với nhóm thiểu số Ki-tô giáo đáng kể của họ.

Hơn bao giờ hết

Với sự pha trộn giữa những dấu hiệu có phần hy vọng, sự không chắc chắn về tương lai, và chiến tranh và đau khổ liên tục trên khắp Trung Đông, các thượng phụ và người đứng đầu các Giáo hội đã bày tỏ quan điểm sau: thế giới cần những dấu hiệu hy vọng của Ki-tô giáo hơn bao giờ hết.

"Chứng ngôn độc đáo của chúng ta về thông điệp Giáng sinh về ánh sáng xuất hiện từ bóng tối (Ga 1: 9) đã bị suy yếu không chỉ trên toàn thế giới mà còn trong chính những người dân của chúng ta", các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo cho biết trong thông điệp của họ, được ban hành vào ngày 23 tháng 11.

Nhưng các Ki-tô hữu ở Đất Thánh được kêu gọi "lặp lại chính câu chuyện Giáng sinh, nơi các thiên thần báo tin vui cho những người chăn cừu về sự ra đời của Chúa Kitô giữa thời kỳ đen tối tương tự ở khu vực của chúng ta (Lu-ca 2: 8–20)", họ nói. Bằng cách này, họ có thể mang đến cho thế giới “thông điệp về hy vọng và hòa bình thần thiêng”.
 
Nữ vương Châu Mỹ
Vũ Văn An
14:08 12/12/2024

Stephen P. White, trên The Catholic Thing, ngày 12 tháng 12 năm 2024, nhận định rằng lịch sử sớm nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ chắc chắn có tính Thánh Mẫu. Thánh lễ đầu tiên được ghi chép tại nơi hiện là Hoa Kỳ được cử hành tại St. Augustine, Florida ngày nay vào năm 1565. Ngày đó là ngày 8 tháng 9: Lễ Giáng sinh của Đức Trinh Nữ Maria. Các thuộc địa nói tiếng Anh sẽ phải đợi gần bảy thập niên để có Thánh lễ đầu tiên của họ, được cử hành tại nơi hiện là Maryland, vào năm 1634. Ngày đó là ngày 25 tháng 3: Lễ Truyền tin.

Tất nhiên, lịch sử Công Giáo ở Tân Thế giới còn có từ xa xưa hơn nữa. Chúng ta biết Christopher Columbus đã mang theo một số linh mục trong chuyến hành trình thứ hai của mình, và Thánh lễ đầu tiên được ghi chép tại Tân Thế giới được cử hành vào năm 1494, vào Lễ Hiển linh, tại nơi ngày nay là Cộng hòa Dominica. (Hãy lưu ý: Thánh lễ đầu tiên tại Tân Thế giới được cử hành chưa đầy 100 năm sau khi Geoffrey Chaucer qua đời.)

Lễ Hiển linh, Lễ Truyền tin, Lễ Giáng sinh của Đức Mẹ Maria – Đức Mẹ luôn hiện diện trong mỗi dịp. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy rằng, ở khắp mọi nơi Giáo hội đi qua, ở khắp mọi nơi Tin Mừng được công bố, ở khắp mọi nơi Thánh lễ được cử hành, đều có Mẹ Thiên Chúa, chỉ đường đến với Con của Người. Điều đó đưa chúng ta đến với lễ mà chúng ta cử hành hôm nay, Lễ Đức Mẹ Guadalupe.

Năm 1531, Đức Mẹ đã hiện ra với một người nông dân Nahua, Juan Diego Cuauhtlatoatzin, trên đồi Tepeyac. Juan Diego sinh ra gần thủ đô Aztec và sống một nửa cuộc đời trong thế giới tiền Columbus đó. Ông đã gần năm mươi tuổi khi những người chinh phục đến, và Hernán Cortés cùng đội quân nhỏ của ông đã đảo lộn thế giới Trung Mỹ. Juan Diego không nói được tiếng Tây Ban Nha, mặc dù ông là người trở lại đạo sang Ki-tô giáo sớm và lấy tên tiếng Tây Ban Nha khi chịu phép Rửa tội. Chính qua người đàn ông khiêm nhường này, Đức Mẹ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ nhất của mình trên Thế giới Mới.

Đức Mẹ có đặc điểm là câu chuyện về Guadalupe rất đơn giản và dễ hiểu đến mức ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được: anh nông dân Juan Diego, người phụ nữ xinh đẹp, vị giám mục hoài nghi dễ hiểu, chiếc áo choàng tilma, bức ảnh kỳ diệu. (Lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện về Guadalupe là từ cha mẹ tôi, những người đã đọc cho tôi nghe cuốn sách tuyệt đẹp của Tomie dePaola, The Lady of Guadalupe. Cuốn sách đó thật là một báu vật!) Và Đức Mẹ có đặc điểm là, bên dưới bề mặt đơn giản của câu chuyện, người ta tìm thấy chiều sâu sâu sắc, mời gọi sự suy gẫm liên tục.

Đức Maria nhân cách hóa mầu nhiệm lớn lao của Sự nhập thể. Điều đó đúng theo nghĩa đen đến nỗi tôi thậm chí không chắc nó có đủ điều kiện là một trò chơi chữ hay không. Nói rằng Chúa đã trở thành con người, rằng Người đã được sinh ra, rằng Người đã chết hoặc thậm chí là Người đã sống lại là một chuyện. Nói rằng Chúa Giêsu có một người mẹ là một chuyện hoàn toàn nhân bản hơn. Có lẽ điều này là bởi vì, giống như hầu hết mọi người, tôi không có ký ức về việc thụ thai của chính mình, hoặc về việc được sinh ra, tôi cũng chưa trải qua cái chết, chứ đừng nói đến việc sống lại từ cõi chết. Nhưng tôi có một người mẹ, và Ngôi Lời Nhập Thể cũng vậy.

Bàn thờ Đức Mẹ Guadalupe, Tu sĩ Juan de Zumárraga và Juan Diego của Miguel Cabrera, khoảng giữa thế kỷ 18 [Museo Nacional de Arte, Thành phố Mexico]


Năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gion Phaolô II đã đến thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe trong chuyến tông du đưa ngài đến Mexico và Hoa Kỳ. Trong dịp đó, ngài đã suy gẫm (như ngài thường làm) về Sự Nhập Thể và sự can thiệp của Chúa vào lịch sử, “Bằng cách trở thành con người, một cách nào đó, Chúa đã bước vào thời đại của chúng ta và đã biến đổi lịch sử của chúng ta thành lịch sử cứu độ. Một lịch sử bao gồm tất cả những thăng trầm của thế giới và nhân loại, từ khi sáng thế đến khi kết thúc, nhưng tiến triển qua những thời điểm và ngày tháng quan trọng.”

Trong số những thời điểm và ngày tháng quan trọng mà chúng ta đánh dấu công trình của Chúa trong lịch sử, sự xuất hiện của đức tin Kitô giáo ở Châu Mỹ nổi bật hơn cả. Và ở đó, vào lúc bắt đầu làn sóng truyền giáo vĩ đại đó, chúng ta đã tìm thấy Đức Mẹ Guadalupe.

Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Thành phố Mexico một lần nữa, lần này là để phong thánh cho Juan Diego. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự kiện Guadalupe” đối với toàn bộ Châu Mỹ.

“Thông điệp của Chúa Kitô, thông qua Mẹ của Người, đã tiếp nhận các yếu tố cốt lõi của nền văn hóa bản địa, thanh tẩy chúng và mang lại cho chúng ý nghĩa cứu rỗi dứt khoát.... Do đó, Guadalupe và Juan Diego có ý nghĩa sâu sắc về mặt giáo hội và truyền giáo và là một mô hình truyền giáo hoàn toàn hội nhập văn hóa.”

Toàn bộ lịch sử của Giáo hội chắc chắn là của Đức Maria, như chúng ta, những người Công Giáo, vẫn luôn nhấn mạnh. Không có gì ngạc nhiên khi Đức Maria hiện diện ngay từ đầu công cuộc truyền giáo của Tân Thế giới cũng như Cựu Thế giới. Có lẽ không có gì ngạc nhiên, nhưng vẫn là một điều kỳ diệu đáng chiêm ngưỡng.

“Ta chẳng ở đây sao, Ta là mẹ của con?” Đức Mẹ đã nói những lời này với Juan Diego, bằng tiếng Nahuatl bản địa của ông, như một lời an ủi và xoa dịu trong thời điểm lo lắng và đau khổ. Những lời này được khắc bằng tiếng Tây Ban Nha, trên lối vào Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico, nơi chào đón hàng chục triệu người hành hương đến thăm đền thờ này mỗi năm.

Nhưng những lời này thậm chí còn hơn cả lời mời gọi an ủi của một người mẹ yêu thương. Đó là những lời mang đến cho một thế giới hỗn loạn – ngay cả giữa sự va chạm đôi khi dữ dội và hỗn loạn của Cựu Thế giới và Tân Thế giới – một bản sắc đặc biệt và vững chắc. Mẹ, là mẹ của chúng ta, đang ở đây. Mẹ đang ở đây trên vùng đất này, trên lục địa này. Bà nói tiếng bản xứ. Bà xuất hiện trong trang phục của người bản xứ. Bà không bị áp đặt lên Thế giới Mới này. Bà là, như thể, nữ hoàng bản xứ của chúng ta.

Đức Mẹ có nhiều danh hiệu và nhiều ngày lễ. Điều đó là phù hợp, vì bà có nhiều con. Nhưng hôm nay, theo một cách đặc biệt, là ngày của chúng ta, ngày của tất cả người Mỹ để tôn vinh và mừng lễ bà. Hôm nay chúng ta đặc biệt biết ơn vì bà ở đây, bà là mẹ của chúng ta.

Lạy Đức Mẹ Guadalupe, lạy Mẹ và Người truyền giáo của Châu Mỹ, Nữ hoàng của toàn Châu Mỹ, xin cầu cho chúng con!
 
Trump có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine như thế nào
Vũ Văn An
16:55 12/12/2024

Trump có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine như thế nào


Thuyết phục Kyiv đổi đất lấy tư cách thành viên NATO

Một người lính Ukraine đang bắn lựu pháo gần Chasiv Yar, Ukraine, tháng 11 năm 2024 Oleg Petrasiuk / Dịch vụ báo chí của Lữ đoàn cơ giới riêng biệt King Danylo số 24 của Lực lượng vũ trang Ukraine / Reuters


Michael McFaul là Giáo sư Khoa học Chính trị, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoover và Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Ông từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga từ năm 2012 đến năm 2014. Ông là tác giả của cuốn Từ Chiến tranh Lạnh đến Hòa bình Nóng: Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga của Putin. Trong bài “How Trump Can End the War in Ukraine” [Trump có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine như thế nào], đăng trên tập san Forein Affairs ngày 12 tháng 12, 2024, ông viết:

Tại một hội trường thị trấn của CNN vào tháng 5 năm 2023, Donald Trump đã hứa rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine chỉ trong một ngày. Lời cam kết lạc quan đó giờ đã trở thành một điệp khúc quen thuộc, với việc tổng thống đắc cử khẳng định rằng ông có đủ khả năng để đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán và buộc phải ngừng bắn. Việc ông sắp trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên rất nhiều suy đoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, Kyiv và những người ủng hộ đã cảnh giác không muốn thể hiện sự quan tâm đến các cuộc đàm phán, vì lo ngại rằng việc làm như vậy sẽ bị coi là yếu đuối. Việc Trump tái đắc cử hiện trao cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều quyền tự do hơn để tham gia vào các cuộc đàm phán: ông có thể lập luận rằng mình không có lựa chọn nào khác. Vào cuối tháng 11, trong một cuộc phỏng vấn với Sky News, ông đã ám chỉ rằng ông thực sự đã sẵn sàng đàm phán.

Tuy nhiên, các điều kiện trên thực tế không có lợi cho một thỏa thuận. Chiến tranh thường kết thúc theo hai cách: một bên chiến thắng hoặc bế tắc. Ở Ukraine, không bên nào có vẻ sắp giành chiến thắng, nhưng cuộc chiến vẫn chưa dừng lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng ông đang chiến thắng. Nếu Trump đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine, Putin sẽ càng thêm can đảm để tiếp tục chiến đấu, không chấm dứt cuộc xâm lược của mình; các đội quân đang tiến công hiếm khi ngừng chiến khi đối thủ của họ sắp yếu đi. Nếu Putin cảm thấy Trump và nhóm mới của ông đang cố gắng xoa dịu Điện Kremlin, ông sẽ trở nên hung hăng hơn chứ không phải ít hơn.

Những bài học từ các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Taliban trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump sẽ giúp tổng thống đắc cử suy nghĩ về cách đối phó với Putin. Taliban và chính quyền Trump đã đàm phán một thỏa thuận có lợi rất lớn cho nhóm chiến binh này nhưng chính quyền Biden vẫn tôn trọng. Các điều khoản của thỏa thuận bao gồm lệnh ngừng bắn, mốc thời gian cho việc rút quân của quân đội Hoa Kỳ và lời hứa về một giải pháp chính trị trong tương lai giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Tuy nhiên, Taliban đã không cam kết thực hiện thỏa thuận; thay vào đó, họ sử dụng kế hoạch hòa bình đó như một trạm dừng chân trên con đường đi đến chiến thắng hoàn toàn. Việc xoa dịu Taliban không tạo ra hòa bình. Việc xoa dịu Putin cũng vậy. Thay vì chỉ trao cho Putin mọi thứ ông ta muốn—khó có thể là ví dụ về tài đàm phán được ca ngợi của tổng thống đắc cử—Trump nên đưa ra một kế hoạch tinh vi hơn, khuyến khích Ukraine từ bỏ một số lãnh thổ cho Nga để đổi lấy sự an ninh khi gia nhập NATO. Chỉ có sự thỏa hiệp như vậy mới tạo ra được hòa bình lâu dài.

CON BÀI TRUMP

Trong bài phát biểu của mình, Trump và nhiều đồng minh của ông từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine. Họ tuyên bố rằng việc ủng hộ Kyiv sẽ làm cạn kiệt tài chính của Hoa Kỳ và không giúp ích gì nhiều trong việc chấm dứt chiến tranh. Nhưng việc đột ngột cắt giảm tài trợ cho Ukraine ngay bây giờ sẽ không mang lại hòa bình; nó chỉ thúc đẩy thêm sự xâm lược của Nga. Để hướng tới một thỏa thuận hòa bình, trước tiên Trump nên đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã được phê duyệt và sau đó thể hiện ý định cung cấp thêm vũ khí để ngăn chặn cuộc tấn công hiện tại của Nga ở Donbas, khu vực phía đông Ukraine đang có nhiều tranh chấp, và do đó tạo ra sự bế tắc trên chiến trường. Putin sẽ chỉ đàm phán nghiêm túc khi lực lượng vũ trang Nga không còn khả năng chiếm thêm lãnh thổ Ukraine nữa—hoặc tốt hơn nữa, mặc dù khả năng này ít xảy ra hơn, khi quân đội Nga bắt đầu mất đất. Để bắt đầu đàm phán nghiêm túc, trước tiên Putin phải tin rằng Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ Ukraine.

Sau khi thuyết phục Putin đàm phán, Trump cũng phải thuyết phục Zelensky ngừng chiến. Đó sẽ là một thách thức đáng kể, vì làm như vậy sẽ yêu cầu tổng thống Ukraine từ bỏ nhiệm vụ giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine do quân đội Nga chiếm đóng. Khi từ bỏ đất đai, Zelensky cũng sẽ phải từ bỏ công dân của mình ở những vùng bị chiếm đóng đó hoặc tìm cách đảm bảo rằng họ sẽ được phép di cư đến miền tây Ukraine. Không có nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ nào dễ dàng nhượng bộ như vậy. Một cuộc thăm dò được tiến hành vào mùa thu năm nay cho thấy 88 phần trăm người dân Ukraine vẫn tin rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nhiều người lính Ukraine, trong số họ hiện đang chiến đấu để trả thù cho những người đồng đội đã hy sinh trong chiến đấu, sẽ thấy rất khó để hạ vũ khí.

Putin phải tin rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi Ukraine.

Zelensky và người dân Ukraine sẽ không hy sinh như vậy nếu không nhận được thứ gì đó có giá trị để đổi lại: tư cách thành viên NATO. Việc gia nhập NATO ngay lập tức sẽ giúp bù đắp cho sự nhượng bộ cay đắng khi cho phép một phần lớn đất nước của họ vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Đây là lá bài duy nhất mà Trump có thể chơi để thuyết phục người dân Ukraine ngừng chiến đấu.

Việc Ukraine trở thành thành viên NATO cũng là cách duy nhất để duy trì hòa bình lâu dài dọc theo biên giới giữa Nga và Ukraine, bất kể cuối cùng nó được rút ra ở đâu. Những đảm bảo an ninh ít hơn cho Ukraine, chẳng hạn như Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 vô trách nhiệm, trong đó Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc Kyiv giao nộp kho vũ khí hạt nhân của mình cho Moscow, hoặc các đề xuất hỗ trợ gần đây hơn từ các quốc gia riêng lẻ đều không đáng tin. Người Ukraine biết rằng Putin chưa bao giờ tấn công một thành viên NATO nào nhưng đã xâm lược Georgia vào năm 2008, xâm lược Ukraine vào năm 2014 và 2022, và giữ quân đội ở Moldova. Họ đã chứng kiến cách Nga ký kết rồi vi phạm nhiều hiệp ước và thỏa thuận quốc tế cấm sử dụng vũ lực chống lại Ukraine. Những mảnh giấy không có tác dụng gì trong việc hạn chế sự xâm lược của Nga. Người Ukraine lo ngại một cách chính đáng rằng lệnh ngừng bắn khi không có tư cách thành viên NATO sẽ chỉ giúp quân đội Nga và tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga có thời gian để tăng cường sức mạnh và chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trong tương lai. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022. Nếu người Ukraine chấp nhận những gì hứa hẹn sẽ là sự chiếm đóng lâu dài của Nga đối với khoảng một phần năm đất nước của họ, họ cần sự răn đe đáng tin cậy mà chỉ NATO mới có thể cung cấp.

Trong một sự thỏa hiệp như vậy, thời điểm NATO tuyên bố sẽ cung cấp tư cách thành viên cho Ukraine cũng sẽ rất quan trọng. Liên minh phải đưa ra lời mời chính thức vào ngày Zelensky và Putin đồng ý ngừng chiến. Sau khi NATO mời Ukraine gia nhập, các quốc gia thành viên phải nhanh chóng phê chuẩn việc gia nhập của quốc gia này. Trump phải đích thân ra hiệu ủng hộ rõ ràng để các nhà lãnh đạo NATO khác không kéo dài quá trình phê chuẩn. Hiện tại, Trump có nguồn vốn chính trị to lớn để sử dụng đối với một số nước có khả năng phản đối, bao gồm Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ông nên sử dụng đòn bẩy này ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình để đảm bảo một thỏa thuận nhanh chóng và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine.

NGÀY CHIẾN THẮNG CHO TẤT CẢ

Những người hoài nghi cho rằng Putin sẽ không bao giờ chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO. Nhưng Ukraine và các thành viên NATO không cần phải xin phép Putin. Putin không có vị trí trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và liên minh. Việc cho phép ông ta phá vỡ hoặc trì hoãn các cuộc thảo luận này sẽ là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của Hoa Kỳ không chỉ đối với Moscow mà còn đối với Bắc Kinh.

Những người hoài nghi này cũng đánh giá quá cao mối quan ngại của Putin về việc Ukraine gia nhập NATO. Putin đã không xâm lược Ukraine vào năm 2022 để ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Trước thềm năm 2022, tư cách thành viên NATO của Ukraine là một giấc mơ xa vời, và mọi người ở Brussels, Kyiv, Moscow và Washington đều biết điều đó. Cuộc xâm lược của Putin có những mục tiêu khác: thống nhất người Ukraine và người Nga thành một quốc gia Slavơ, lật đổ chính phủ dân chủ và theo phương Tây của Ukraine, và phi quân sự hóa đất nước. Putin hầu như không nhướn mày khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào năm 2023 và 2024, mặc dù Phần Lan có chung đường biên giới dài 830 dặm với Nga. Cuộc chiến của ông đã đưa Ukraine đến gần NATO hơn bao giờ hết, chứ không phải kéo nước này ra xa.

Nhưng nếu người Nga khăng khăng rằng việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ đe dọa Nga—và họ sẽ làm vậy—Trump có thể giải thích với Putin rằng tư cách thành viên NATO sẽ hạn chế Ukraine. Tất nhiên, Zelensky sẽ không bao giờ chính thức công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng. Tuy nhiên, khả năng trở thành thành viên NATO có thể khiến ông đồng ý với một công thức mà trong đó Kyiv chấp nhận rằng họ sẽ tìm cách thống nhất lại Ukraine chỉ thông qua các biện pháp hòa bình. Tây Đức và Hàn Quốc đã đồng ý các điều khoản tương tự để đổi lấy các hiệp ước quốc phòng với NATO và Hoa Kỳ. Như một điều kiện để gia nhập liên minh, Zelensky và các tướng lĩnh của ông cũng có thể có nghĩa vụ phải rút quân đội Ukraine khỏi khu vực Kursk của Nga, nơi họ đã duy trì các vị trí kể từ tháng 8. NATO là một liên minh phòng thủ. NATO chưa bao giờ tấn công Liên Xô hay Nga, và sẽ không bao giờ làm như vậy. Putin biết điều đó.

Trump nên đảm bảo một thỏa thuận nhanh chóng và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine.

Nếu đúng thời điểm xảy ra khi chiến tranh kết thúc, ngày Ukraine được mời gia nhập NATO cũng sẽ là ngày vinh quang nhất trong sự nghiệp của Putin. Ông sẽ có thể tuyên bố với người dân Nga và thế giới rằng cuộc xâm lược của ông đã thành công, rằng ông đã "chiến thắng". Ông sẽ tổ chức một buổi lễ mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Iran và Triều Tiên bên cạnh ông trên đỉnh lăng mộ của Lenin. Ông sẽ khẳng định vị trí của mình trong sách lịch sử Nga bên cạnh Peter Đại đế, Catherine Đại hoàng hậu và Stalin với tư cách là một nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã mở rộng biên giới của đế quốc Nga. Vào cái gọi là "ngày chiến thắng" này, ông sẽ không muốn làm hỏng chiến thắng của mình bằng cách bắt đầu một cuộc chiến tranh khác hoặc đe dọa một cuộc chiến tranh để cố gắng ngăn chặn tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Một số chính trị gia ở các nước NATO, bao gồm Đức và Hungary, đã bày tỏ lo ngại rằng việc Ukraine gia nhập liên minh có thể gây ra Thế chiến thứ III. Họ lập luận rằng vì một phần đất nước nằm trong tay Nga, nên một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn là điều không thể tránh khỏi nếu Ukraine trở thành thành viên NATO. Phân tích này là sai lầm. Sau ba năm chiến tranh đau đớn với Ukraine, Putin không còn hứng thú chiến đấu với liên minh hùng mạnh nhất thế giới, được neo giữ bởi quân đội Hoa Kỳ, lực lượng tốt nhất thế giới. Quân đội Nga đã phải chịu những tổn thất to lớn trong khi chỉ đạt được những thành quả gia tăng trên chiến trường trước kẻ thù Ukraine thiếu vũ khí và quân số. Putin sẽ không dám tham chiến với lực lượng vũ trang hùng mạnh của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sau khi khoảng 78,000 binh lính Nga đã thiệt mạng ở Ukraine - một con số mà theo một số ước tính, sẽ tăng lên từ 400,000 đến 600,000 khi bao gồm cả những người lính Nga bị thương trong cuộc giao tranh. Điện Kremlin đang tranh giành nhân lực và các doanh nghiệp quân sự của họ đang phải vật lộn để bổ sung vũ khí tinh vi nhất của Nga vì các lệnh trừng phạt đang diễn ra.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Đức nên hiểu được lợi thế của tư cách thành viên NATO đối với một quốc gia bị chia cắt. Tây Đức gia nhập NATO vào năm 1955. Hành động đó không châm ngòi cho Thế chiến thứ III, mặc dù Tây Berlin bị bao quanh bởi lãnh thổ Đông Đức. Ngược lại: tư cách thành viên NATO đã giúp duy trì hòa bình. Riêng Tây Đức có thể đã không tồn tại được với Hồng quân Liên Xô ngay bên kia biên giới ở Đông Đức.

Nhìn rộng hơn, châu Âu sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế từ một Ukraine ổn định và an toàn. Các đồng minh NATO sẽ không còn cần phải cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ kinh tế cho Kyiv hoặc chăm sóc hàng triệu người tị nạn Ukraine đang gây căng thẳng cho hệ thống phúc lợi ở các nước châu Âu. Cũng giống như NATO đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của Tây Âu trong Chiến tranh Lạnh, tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ giúp nền kinh tế của tất cả các đồng minh NATO được hưởng lợi từ hoạt động thương mại và đầu tư vào nền kinh tế Ukraine đang bùng nổ sau chiến tranh. Nền kinh tế Hoa Kỳ cũng sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là từ việc tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine để sản xuất pin tiên tiến và các công nghệ quan trọng khác, có thể giúp giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các nhà cung cấp độc đoán không đáng tin cậy hơn.

NGƯỜI Ở GIỮA

Tất nhiên, cần phải thuyết phục thêm một người nữa về giá trị của kế hoạch hòa bình này: Trump. Với sự hoài nghi trong quá khứ của ông về viện trợ cho Ukraine và NATO nói chung, sẽ không dễ để thuyết phục ông thực hiện con đường này. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ hỗ trợ một số mục tiêu của Trump. Bằng cách đưa Ukraine vào NATO, Trump có thể đạt được một chiến thắng đáng kể cho một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình: chia sẻ gánh nặng. Sau khi gia nhập NATO, lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ trở thành quân đội châu Âu giỏi nhất và giàu kinh nghiệm nhất trong liên minh chỉ sau một đêm. Binh lính Ukraine có thể được triển khai đến các quốc gia tiền tuyến khác, cho phép Washington giảm bớt các cam kết về quân đội của chính mình. Ukraine cũng có thể cung cấp cho các đồng minh NATO khác, đặc biệt là những nước có chung biên giới với Nga, các máy bay không người lái trên không, trên biển và trên bộ mà quân đội Ukraine đã thành thạo trong việc bảo vệ đất nước. Trump có thể giải thích với người dân Mỹ rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ cho phép Hoa Kỳ chi ít hơn cho quốc phòng châu Âu và giải phóng nguồn lực để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một động thái như vậy sẽ giành được sự ủng hộ của nhiều người theo chủ nghĩa diều hâu Trung Quốc trong chính quyền mới của Trump.

Kế hoạch này sẽ ngăn chặn sự sụp đổ và chinh phục như sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Nó cũng sẽ tạo ra một nền hòa bình lâu dài ở châu Âu, chứ không phải là lệnh ngừng bắn tạm thời dễ dàng bị Nga phá vỡ trong tương lai. Nếu Trump thành công trong việc làm trung gian cho giải pháp này, ông có thể trở thành ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình, một vinh dự mà ông thèm muốn.

Có thể có nhiều khả năng xảy ra bất lợi cho một kế hoạch như vậy. Cả Putin và Zelensky đều không dễ dàng bị thuyết phục ngồi vào bàn đàm phán, và Trump có thể phẫn nộ trước mệnh lệnh phải duy trì và thậm chí mở rộng sự ủng hộ đối với Ukraine như một phương tiện để buộc phải đàm phán. Nhưng một cuộc chiến tranh bất tận hoặc đầu hàng Putin sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
 
Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình của Đức Giáo Hoàng: ‘Chúng ta đều mắc nợ Chúa’
Thanh Quảng sdb
17:23 12/12/2024
Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình của Đức Giáo Hoàng: ‘Chúng ta đều mắc nợ Chúa’

Trong thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 58 được đánh dấu vào ngày 1 tháng 1, Đức Phanxicô đã suy ngẫm về chủ đề chính của Năm Thánh Hy vọng sắp tới và nhắc lại lời kêu gọi cấp bách của mình về việc xóa nợ, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là “con nợ” của Chúa và của nhau.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Hy vọng là chủ đề thường trực trong tất cả các thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình của Đức Phanxicô. Điều này càng đúng hơn trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 58, sẽ được đánh dấu vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, khi Giáo hội bắt đầu Năm Thánh Hy vọng trong bối cảnh thế giới ngày đang phải đối diện với nhiều thách thức chưa từng có.

"Xin tha thứ tội lỗi chúng con"

Thông điệp năm nay dành riêng cho chủ đề "Xin tha thứ tội lỗi chúng con: Xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa", nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của truyền thống Năm Thánh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều "mang nợ" Chúa, Đấng với lòng thương xót và tình yêu vô hạn hằng tha thứ tội lỗi của chúng ta và kêu gọi chúng ta tha thứ cho những kẻ có lỗi với chúng ta.

Nhắc lại truyền thống Do Thái, Năm Thánh là một năm đặc biệt để xóa bỏ tội lỗi và nợ nần, giải phóng những người bị áp bức, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng trong thời đại của chúng ta, năm ân sủng đặc biệt này "là một sự kiện truyền cảm hứng cho chúng ta tìm cách thiết lập công lý giải phóng của Chúa trên thế giới của chúng ta", bị hủy hoại bởi những bất công và những thách thức "có hệ thống" mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là "cấu trúc tội lỗi".

Những bất công có hệ thống và những thách thức "có liên quan"

Đức Giáo Hoàng trích dẫn cách đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, sự suy thoái môi trường, "sự nhầm lẫn cố ý tạo ra bởi thông tin sai lệch, sự từ chối tham gia vào bất kỳ hình thức đối thoại nào và nguồn lực khổng lồ dành cho ngành công nghiệp chiến tranh".

ĐTC viết: "Mỗi người chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm theo một cách nào đó đối với sự tàn phá mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải chịu, bắt đầu từ những hành động, mặc dù chỉ gián tiếp, đã thúc đẩy các cuộc xung đột hiện đang gây ra tai họa cho gia đình nhân loại của chúng ta".

"Mỗi người chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm theo một cách nào đó đối với sự tàn phá mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải chịu, bắt đầu từ những hành động, mặc dù chỉ gián tiếp, đã thúc đẩy các cuộc xung đột hiện đang gây ra tai họa cho gia đình nhân loại của chúng ta".

Những thách thức "có liên quan" này, Đức Phanxicô lập luận, không đòi hỏi "những hành động từ thiện rời rạc" mà là "những thay đổi về mặt văn hóa và cấu trúc" để "phá vỡ những ràng buộc của bất công và tuyên bố công lý của Chúa".

Tài nguyên của trái đất là món quà của Chúa dành cho toàn thể nhân loại

Nhắc đến Thánh Basil thành Caesarea, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ chúng ta tuyên bố là của riêng mình, trên thực tế, đều là món quà của Chúa và do đó, tài nguyên của trái đất được dành cho lợi ích của toàn thể nhân loại, "không chỉ một số ít người được đặc ân".

Bằng cách đánh mất mối quan hệ của chúng ta với Chúa, ngài nói, các tương tác của con người trở nên ô uế bởi logic bóc lột và áp bức, "nơi sức mạnh tạo nên sự đúng đắn".

Điều này phản ánh động lực của giới tinh hoa vào thời Chúa Giêsu, những người phát triển mạnh mẽ nhờ nỗi đau khổ của người nghèo và tìm thấy sự đồng cảm trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, nơi duy trì sự bất công như được thể hiện qua cuộc khủng hoảng nợ khiến các quốc gia nghèo hơn ở Nam bán cầu mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự phụ thuộc và bất bình đẳng.

Nợ nước ngoài là phương tiện kiểm soát của các quốc gia giàu hơn

Thật vậy, Đức Giáo Hoàng nhận xét, "Nợ nước ngoài đã trở thành phương tiện kiểm soát mà theo đó một số chính phủ và các tổ chức tài chính tư nhân của các quốc gia giàu hơn khai thác tài nguyên thiên nhiên và con người của các quốc gia nghèo hơn một cách vô đạo đức và bừa bãi, chỉ để đáp ứng nhu cầu của thị trường của chính họ".

Ngoài ra, "nhiều dân tộc khác nhau, vốn đã gánh chịu gánh nặng nợ quốc tế, cũng thấy mình bị buộc phải gánh chịu gánh nặng của 'nợ sinh thái' do các quốc gia phát triển hơn gánh chịu".

Theo tinh thần của Năm Thánh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô do đó nhắc lại lời kêu gọi của mình đối với cộng đồng quốc tế hãy hành động hướng tới việc xóa nợ nước ngoài để công nhận khoản nợ sinh thái tồn tại giữa Bắc và Nam của thế giới này. “Đây là lời kêu gọi đoàn kết, nhưng trên hết là công lý”, ngài nhấn mạnh.

"Sự thay đổi về mặt văn hóa và cấu trúc cần thiết sẽ diễn ra khi chúng ta cuối cùng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là con cái của một Cha, rằng tất cả chúng ta đều mang nợ Người nhưng chúng ta cũng cần nhau, trong tinh thần trách nhiệm chung và đa dạng", ngài viết.

Là một con đường hy vọng trong Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra ba đề xuất, lưu ý rằng “chúng ta là những con nợ đã được tha thứ”.

Lời kêu gọi xóa nợ

Đầu tiên, ngài nhắc lại lời kêu gọi do Thánh Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp Đại lễ Năm Thánh 2000 nhằm xem xét việc cắt giảm đáng kể hoặc xóa bỏ hoàn toàn các khoản nợ quốc tế của các quốc gia “không có khả năng trả số tiền họ nợ”, cũng xét đến khoản nợ sinh thái mà các quốc gia thịnh vượng hơn đang nợ họ.

Ngài nói rằng điều này nên được thực hiện trong một “khuôn khổ tài chính mới”, dẫn đến việc tạo ra một điều lệ tài chính toàn cầu “dựa trên sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc”.

Lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình

Sau đó, Đức Giáo Hoàng yêu cầu “cam kết chắc chắn tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên” và kêu gọi xóa bỏ án tử hình và thúc đẩy một nền văn hóa sự sống coi trọng mọi cá nhân.

Dành ít tiền cho vũ khí, mà nhiều cho phát triển

Theo dấu chân của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Benedict XVI, Đức Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi của mình là chuyển hướng "ít nhất một tỷ lệ cố định trong số tiền" dành cho vũ khí vào một quỹ toàn cầu để xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững ở các quốc gia nghèo hơn, giúp họ chống lại biến đổi khí hậu.

"Hy vọng tràn đầy trong sự hào phóng; không tính toán, không đưa ra những đòi hỏi ẩn giấu, không quan tâm đến lợi nhuận, mà chỉ hướng đến một điều duy nhất: nâng đỡ những người đã ngã xuống, chữa lành những trái tim tan vỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi loại ràng buộc." ngài viết.

Giải trừ vũ khí cho trái tim

Mục tiêu bao trùm của những đề xuất này là đạt được hòa bình thực sự và lâu dài trên thế giới, không chỉ là không có chiến tranh mà còn là sự chuyển đổi sâu sắc của trái tim và xã hội.

Đức Giáo Hoàng nói rằng hòa bình thực sự được Chúa ban cho những trái tim “giải trừ vũ khí” khỏi sự ích kỷ, thù địch và lo lắng về tương lai, thay thế chúng bằng lòng quảng đại, sự tha thứ và hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn: "Xin cho chúng ta tìm kiếm hòa bình thực sự được Chúa ban cho những trái tim giải trừ vũ khí".

Những hành động tử tế và đoàn kết đơn giản, ngài lưu ý, có thể mở đường cho thế giới mới này, nuôi dưỡng ý thức sâu sắc hơn về tình anh em và tình nhân loại chung.

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời cầu nguyện sau đây cho hòa bình:

Xin tha thứ cho chúng con những tội lỗi của chúng con, Chúa ơi,

như chúng con tha thứ cho những kẻ có lỗi với chúng con.

Trong chu kỳ tha thứ này, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa,

sự bình an mà chỉ một mình Chúa mới có thể ban

cho những ai để mình được giải trừ vũ khí trong tâm hồn,

cho những ai hy vọng sẽ tha thứ cho những món nợ của anh chị em mình,

cho những ai không sợ thú nhận món nợ của mình với Chúa,

và cho những ai không bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
03. Khuôn mặt mùa Vọng: Dòng sông Jordan
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:11 12/12/2024
03. Khuôn mặt mùa Vọng: Dòng sông Jordan

Bên vùng Trung Đông nước Do Thái có một dòng sông nhỏ, chiều dài 251 cây số, bắt nguồn từ vùng cao nguyên Golan phía Bắc nước Do Thái sát nước Syria và Libano, dòng nước chảy vào biển hồ Nazareth Galileo, và xuống miền Nam nước Do Thái và sau cùng đổ vào biển Chết. Nhưng lại đóng vai trò ý nghĩa to lớn cùng quan trọng về hình thể địa lý, kinh tế cùng tôn giáo. Dòng sông này là nguồn cung cấp nước uống rất quan trọng cho dân chúng sinh sống nước Do Thái cũng như bên nước Jordania.

Linh mục Christian Hennecke đã có tựa đề cho suy tư: “ Giáo Hội bước qua dòng sông Jordan”. Ông chọn đề tài nàyy dựa vào ngạn ngữ trong dân gian nơi vùng đó. Vì dòng sông Jordan như là biên giới, vùng qúa cảnh phân chia giữa hai đất nước Israel và Jordania, để diễn tả tình trạng Giáo Hội lúc này đang trong tình trạng biến đổi với những trút bỏ sửa sai và đổi mới cập nhật hóa.

Người Do Thái ngày xưa đã từng có kinh nghiệm trải qua về tình trạng đi qua vùng qúa cảnh. Họ đã có hành trình lâu dài trong sa mạc, và sau cùng họ đã lội bước qua dòng sông biên giới nhỏ này, tiến vào quê hương đất nước Chúa hứa ban cho. Vùng qúa cảnh bước qua dòng sông Jordan từ vùng sa mạc tiến vào đất nước Chúa hứa trở thành chuyện lịch sử thành lập đất nước của người Do Thái, mà sách kinh thánh Josua nhiều lần viết thuật lại.

Địa điểm qúa cảnh này Thánh Goan tẩy gỉa đã chọn đến, để khai mào sứ vụ giảng giải công khai của mình. Địa điểm này với Thánh Gioan là biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử thánh sâu đậm. Tiếng kêu gọi ăn năn quay trở lại của ông và phép rửa ông thực hiện ngay nơi chốn dòng sông Jordan, mà ngày xưa dân Do Thái đã lội bước qua từ vùng sa mạc họang vu tiến vào quê hương đất nước chảy sữa cùng mật ong Chúa hứa ban cho. Bước qua dòng sông Jordan mang ý nghĩa quyết định cùng lời đoan hứa của Chúa vừa cụ thể nhìn thấy và cảm nhận được trong tâm hồn.

Kinh Thánh thuật lại kinh nghiệm biến cố cảnh tượng dân chúng Do Thái bước vượt qua dòng sông biên giới Jordan để sang bờ bên kia, cửa ngõ bến bờ của lời đoan hứa thần thánh. Họ bỏ lại sau lưng những cái cũ, và mạo hiểm khám phá điều mới bên kia bờ sông. Biến cố lịch sử này có nhiều thách thức hồi hộp căng thẳng, nhưng là một ví dụ cụ thể và sát gần gũi đời sống con người.

Mỗi người phải sống trải qua đời sống riêng mình. Họ phải sống ngay lúc này, không phải đợi lời hứa khi đã qua đời: Mỗi người bước qua dòng sông Jordan đời sống mình. Điều này dân Do Thái đã để lại kinh nghiệm giúp cho các thế hệ trần gian, khi gặp hoàn cảnh trước ngưỡng cửa phải bước vượt qua biên giới và những bước kế tiếp theo.

Khi dân Do Thái sau cuộc hành trình lâu dài với nhiều khó khăn mệt nhọc băng qua sa mạc, núi đồi, họ ngừng nghỉ, căng lều nghĩ tưởng là đã đạt tới đích điểm. Nhưng thời điểm chính xác cho bước đi tới chưa đến. Sự thay đổi về nhân sự là yếu tố quyết định quan trọng: Tiên tri Mose, vị thủ lãnh dẫn đường luôn cùng hằng đi bên cạnh trong 40 năm hành trình, đã qua đời. Thủ lãnh Josua được chọn làm người thay thế Tiên Tri Mose dẫn dân tiến vào quê hương đất nước Thiên Chúa hứa ban. Nhưng Josua phải làm sao chiếm được sự tin tưởng của dân chúng. Dân chúng cảm nhận ra, Thiên Chúa Giavê luôn hằng cùng đồng hành với họ, hướng dẫn họ bước đi. Dẫu vậy phải cần có thời gian.

Một quyết định tốt, đúng có ý nghĩa luôn cần có thời gian suy nghĩ cân nhắc, cùng dấu chỉ, để có can đảm tiến tới bước tiếp theo.

Dân gian có ngạn ngữ: Con đường là đích điểm! Dẫu vậy trước hết cần đến viễn tưởng đẹp. Phải, một giấc mơ, một đích điểm chính đáng yêu thích. Những điều này giúp tăng sức lực tiến bước lên đường, để vượt qua những vùng chuyển tiếp qúa cảnh trong đời sống. Điều này như nguồn truyền cảm hứng cho bước đi tới kế tiếp.

Dân Do Thái bên bờ dòng sông Jordan đã minh chứng từ những thế hệ mong có: một quê hương đất nước, nơi có sữa và mật ong chẩy, một đất nước cho họ đời sống tự do không còn bị sống cảnh nô lệ tôi đòi như bên nước Ai Cập nữa. Nơi quê hương đất nước mới này họ có quyền tự quyết định lấy, và có thể vạch ra xây dựng một đời sống hạnh phúc. Luôn luôn dân Do Thái cũng đã bị đe dọa gặp nhiều thử thách nguy hiểm từ bên ngoài lẫn từ trong nội bộ. Nhưng nếu họ không có giấc mơ, đích điểm viễn tượng mong muốn đạt đến như thế, chắc rằng họ không bao giờ đạt tới bờ sông Jordan và bước vượt qua được, để vào quê hương đất nước Thiên Chúa hứa ban cho.

Thánh Gioan tẩy gỉa bên bờ sông Jordan kêu gọi một đích điểm mới: Hãy ăn năn thống hối trở về! Nước trời gần kề bên.( Mt 3,2) Như thế ông muốn nói đến thế giới mới của Thiên Chúa, nơi đó con người chúng ta có liên lạc tương quan với Thiên Chúa nguồn đời sống và tình yêu thương.

Đây là viễn tượng của Ông, và cũng là chiều kích to lớn của Ông. Ông không màng tới chính mình. Nhưng ông hướng chỉ về Vị đang đến: Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Nhưng có một Vị đến sau, Vị này quyền năng dũng mạnh hơn tôi…( Lc 3,16)

Dân chúng tuốn đến bờ sông Jordan xem nghe Ông Gioan rao giảng, và có nhiều người xin chịu phép rửa. Qua đó họ muốn nói lên một dấu chỉ của sự bắt đầu mới lại, và tin tưởng trầm mình trong dòng nước lịch sử của Thiên Chúa, mà ngày xưa dân Do Thái đã lội bước vượt qua. Hành động như thế, họ tưởng nhớ lại lịch sử của tổ tiên cha ông họ ngày xưa đã thực hiện nơi bờ dòng nước sông Jordan. Ngày xưa đã diễn xảy ra vẫn còn sống động cho ngày hôm nay. Sự quan phòng chỉ dẫn cùng trợ giúp của Thiên Chúa không nhìn thấy bằng mắt, nhưng luôn cảm nhận ra trong trái tim tâm hồn.

Phép Rửa ngày nay là dấu chỉ của thành phần thuộc về Giáo Hội Chúa, của chúc lành và của sự vực dậy cho phấn khởi vươn lên để vượt qua những vướng mắc ngưỡng cửa vùng qúa cảnh tinh thần.

Ai muốn tự sức mình không cần đến Thiên Chúa, bước vượt qua những vùng qúa cảnh tinh thần, sẽ đi vào vùng tối tăm gặp nguy hiểm, và sau cùng rơi vào vùng cô quạnh trống vắng. Nhưng với lòng tin tưởng vào Chúa bước vượt qua dòng sông Jordan, sẽ đạt đến được bến bờ đất nước Chúa hứa ban.

Dòng sông Jordan địa lý, và dòng sông Jordan tinh thần trong đời sống con người ngày hôm qua và hôm nay.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thánh Ca
Lễ Đêm Giáng Sinh
Lm Thái Nguyên
01:29 12/12/2024








 
Lễ Giáng Sinh Rạng Đông
Lm Thái Nguyên
01:46 12/12/2024









 
Lễ Giáng Sinh Ban Ngày
Lm Thái Nguyên
01:49 12/12/2024







 
Thánh ca Giáng Sinh
Lm Thái Nguyên
01:55 12/12/2024