Ngày 26-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 26/12/2020

4. Hướng dẫn người tội lỗi thì nên giống như hướng dẫn người mù, con người ta khi nhìn thấy người mù đi lạc đường vào nơi nguy hiểm, thì không những không bực mình buồn phiền họ, trái lại còn tội nghiệp cho họ mà đến dẫn dắt họ đi ra khỏi nơi nguy hiểm, tiến bước trên đường chính.

(Thánh Didacus of Seville)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 26/12/2020
19. PHÁN QUYẾT TỘI CON CHUỘT

Giữa năm Gia Tĩnh có một ngự sứ người Tứ Xuyên rất có tài ăn nói.

Có một thái giám có quyền thế muốn làm khó dễ ngự sứ, bèn bắt một con chuột đưa đến và nói:

- “Cái thứ này cắn rách của tôi rất nhiều quần áo, xin ngài phán quyết”.

Ngự sứ liền xét tội:

- “Con chuột này nếu như dùng hình phạt bằng roi hoặc đày đi thì vẫn rất là nhẹ, mà nếu phán quyết tùng xẻo (phanh thây) treo cổ thì lại quá nặng, xem ra dùng hình phạt “hủ” (thiến) cho hắn thì thích hợp nhất”.

Viên thái giám ấy biết ngự sứ đang ám chỉ chế nhạo mình, nên cũng chỉ có thể nén tức giận trong lòng, nhưng trên mặt không thể không bày tỏ sự cảm phục về phán quyết chuẩn xác của ông ta.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 19:

Người Việt Nam chúng ta có câu nói “gậy ông đập lưng ông”, ngẫm nghĩ mà thấy hay hay, đúng với câu chuyện trên đây, và chứa đựng nội dung giáo huấn những kẻ có lòng ghen ghét người khác...

Con người ta ai cũng có những giận hờn ghen ghét, nhưng cái giận hờn của người quân tử thì không ồn ào, không giận cá chém thớt, không đem con chuột để nhục mạ đối phương như cái giận hờn của kẻ tiểu nhân luôn ồn ào chửi bới lăng nhục, cho nên khi đụng phải người quân tử thì kẻ tiểu nhân bị gậy ông đập lưng ông, phải hổ thẹn đắng cay mà không nói nên lời.

Người quân tử đã như thế thì người Ki-tô hữu càng phải hơn thế nữa, tức là khi người khác làm không hài lòng mình hoặc vì tranh giành quyền lợi mà ghen ghét mình, thì biết tha thứ và thân thiện với họ, bởi vì khi làm như thế thì chúng ta không phải cố ý lấy gậy ông đập lưng ông, nhưng là đem lửa yêu mến của Đức Chúa Giê-su đổ trên đầu họ, để họ nhận ra sự sai lầm của chính bản thân qua hành động bác ái của chúng ta.

Tội cắn rách áo quần của con chuột không lớn bằng tội ghen ghét của tên hoạn quan, cũng như tội của những người vì tính ích kỷ mà tị hiềm tha nhân, thì không lớn bằng tội nói hành nói xấu của người Ki-tô hữu, bởi vì không một ai trên thế gian này hiểu biết chân lý nhiều cho bằng những người Ki-tô hữu, vì chính họ đã được Đức Chúa Giê-su dạy bảo mỗi ngày trong thánh lễ, trong các lớp giáo lý và trong cuộc sống của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Thánh Stêphanô
Đặng Tự Do
08:08 26/12/2020


Thật không may, nước Ý lại đang điêu đứng vì coronavirus. Ngay sau thánh lễ Đêm Giáng Sinh, từ 10g tối ngày 24 tháng 12, nước Ý lại phải rơi vào tình trạng cô lập như hồi tháng 3.

Do đó, tạm thời, các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng được thực hiện từ thư viện của dinh Tông Toà thay vì từ cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm qua nói về Chúa Giêsu, là “ánh sáng thật” đã đến trong thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được” (Ga 1: 9, 5). Hôm nay chúng ta thấy người đã làm chứng cho Chúa Giêsu, là Thánh Stêphanô, người đã tỏa sáng trong bóng tối. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu được tỏa sáng bằng ánh sáng của Ngài, không phải bằng ánh sáng của chính họ. Ngay cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Vì điều này, các giáo phụ cổ đại đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm mặt trăng”. Giống như mặt trăng, không có ánh sáng riêng của nó, những chứng nhân này không có ánh sáng riêng của họ, nhưng họ hấp thụ ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu ánh sáng ấy. Thánh Stêphanô bị vu oan và bị ném đá dã man, nhưng trong bóng tối của hận thù đạt đến cao điểm là cực hình ném đá ngài, thánh nhân đã để cho ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu sáng: ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, giống như Chúa Giêsu đã tha thứ từ trên thập tự giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, tức là chứng nhân đầu tiên, người thứ nhất trong số rất nhiều anh chị em, những người, cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục đưa ánh sáng vào bóng tối - những người đáp lại điều ác bằng điều thiện; họ không khuất phục trước bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng hận thù bằng sự hiền lành và tình yêu. Trong những đêm đen của thế giới, những chứng nhân này mang đến bình minh của Chúa.

Nhưng làm thế nào để họ trở thành chứng nhân? Thưa: họ bắt chước Chúa Giêsu, hấp thụ ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: hãy noi gương Chúa Giêsu, hãy lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô cho chúng ta một tấm gương: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45), thánh nhân cũng đã sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, Thánh Stêphanô được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, tức là một người phục vụ, và giúp đỡ những người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6: 2). Thánh nhân cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài đã làm điều đó cho đến cùng: như trong trường hợp của Chúa Giêsu, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giêsu, thánh nhân đã cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7:60). Thánh Stêphanô là một chứng nhân vì ngài đã bắt chước Chúa Giêsu.

Một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng nhân cho sự thiện này có thực sự cần thiết không khi thế giới chìm trong sự gian ác? Cầu nguyện và tha thứ thì có ích gì? Chỉ để đưa ra một tấm gương tốt thôi sao? Làm thế thì được cái gì? Thưa: Được nhiều chứ. Chúng ta khám phá điều này từ một chi tiết. Bản văn nói rằng trong số những người mà Thánh Stêphanô đã cầu nguyện cho và được ngài tha thứ, có “một thanh niên tên là Saolô” (c. 58), người “tán thành cái chết của Thánh Stêphanô” (Cv 8: 1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saolô đã hoán cải, đã nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng ấy, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng thông qua sự tha thứ của Thánh Stêphanô, và thông qua chứng tá của ngài. Đó là mầm mống tạo ra sự hoán cải của Saulô. Đây là bằng chứng cho thấy những hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những việc nhỏ nhặt, lặng lẽ hàng ngày. Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm nhường của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có biết bao vị thánh lặng lẽ, những vị thánh bên cạnh chúng ta, những chứng nhân sống thầm lặng, là những người qua những hành động yêu thương nhỏ nhoi làm thay đổi lịch sử.

Hãy là chứng nhân cho Chúa Giêsu - điều này cũng đúng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống của chúng ta thành những kiệt tác thông qua những điều bình thường, những việc chúng ta làm hàng ngày. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu ngay tại nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, mọi nơi, dù chỉ bằng cách tỏa ra ánh sáng của nụ cười, là ánh sáng không phải của riêng chúng ta nhưng đến từ Chúa Giêsu - và thậm chí có thể làm chứng cho Chúa bằng cách thoát ra khỏi bóng đêm của những câu chuyện ngồi lê đôi mách và những trò ba hoa dựng chuyện. Và khi chúng ta thấy có điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, nói xấu và phàn nàn, chúng ta hãy cầu nguyện cho người phạm lỗi và cầu nguyện cho hoàn cảnh khó khăn được khắc phục. Và khi một cuộc tranh cãi bắt đầu ở nhà, thay vì cố gắng giành chiến thắng, chúng ta hãy cố gắng dập tắt nó; và bắt đầu lại từ đầu mỗi lần như thế, và tha thứ cho người đã xúc phạm. Những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng thay đổi lịch sử, bởi vì chúng mở cửa, chúng mở cửa sổ cho ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, trong khi phải nhận những viên đá phang tới tấp vì hận thù, đã đáp lại bằng những lời tha thứ. Do đó, ngài đã thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi lần nó xuất hiện giống như một câu châm ngôn hay đã đề xuất rằng: “Hãy giống như cây chà là: họ ném đá nó và chà là rơi xuống”.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may. Có nhiều bách hại hơn so với thời sơ khai của Giáo hội. Chúng ta hãy giao phó những anh chị em này cho Đức Mẹ, để họ có thể đáp lại những áp bức với lòng hiền hòa và với tư cách là các chứng nhân thực sự cho Chúa Giêsu, họ có thể chiến thắng điều ác bằng điều thiện.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu đang theo dõi giờ phút cầu nguyện này qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Chúng ta phải làm như thế này để tránh mọi người đến Quảng trường. Qua đó, chúng ta đang cộng tác với các quy định mà Nhà chức trách đã thiết lập, để giúp tất cả chúng ta thoát khỏi đại dịch này.

Ước gì không khí Giáng sinh vui vẻ tiếp diễn hôm nay lại tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, khơi dậy niềm khao khát trong mọi người được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ, để phụng sự Ngài và yêu mến Ngài trong những người lân cận với chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã nhận được những lời chúc mừng Giáng sinh từ Rôma và những nơi khác trên thế giới. Tôi không thể hồi đáp tất cả mọi người, nhưng tôi nhân cơ hội này ngay bây giờ để bày tỏ lòng biết ơn của tôi, đặc biệt là đối với món quà cầu nguyện mà anh chị em đã dành cho tôi, mà tôi sẵn lòng đáp lại.

Chúc mừng Lễ Thánh Stêphanô. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Cầu chúc anh chị em có một bữa ăn ngon miệng.
 
Đại nghịch bất đạo: Đức Thánh Cha đau buồn trước vụ linh mục đánh giám mục ở quê hương của ngài
Đặng Tự Do
15:50 26/12/2020


Theo báo cáo của Tòa Giám mục San Rafael, nằm cách thủ đô Buenos Aires của Á Căn Đình 983km về phía Tây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được thông báo về những gì vừa diễn ra tại quê hương của ngài trong mấy ngày qua và tỏ ra đau buồn sâu sắc trước những diễn biến diễn ra chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh.

Tuyên bố của phòng báo chí Tòa Giám mục San Rafael cho biết như sau:

San Rafael, ngày 22 tháng 12 năm 2020 (Phòng báo chí). Sau các báo cáo và thậm chí là các tường thuật độc hại liên quan đến các sự kiện xảy ra vào sáng hôm qua 21 tháng 12 tại Tòa Giám Mục, Tòa Giám Mục San Rafael, mong muốn trình bày sự thật và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện chính xác như chúng đã thực sự xảy ra.

Sáng hôm qua, Cha Camilo Dib được Đức Cha Eduardo María Taussig triệu tập đến Tòa Giám Mục. Cùng hiện diện trong buổi họp còn có Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Giáo phận, là Cha Víctor Torres Jordán, và Chưởng ấn của Giáo phận, là Cha Luis Gutierrez Drisaldi. Lý do của lệnh triệu tập là để cho Cha Dib có cơ hội trình bày quan điểm của mình liên quan đến việc ngài tham gia vào các sự kiện xảy ra ở Malargüe vào ngày 21 tháng 11. Tại một thời điểm trong lúc đưa ra các quan điểm của mình cha Dib mất bình tĩnh và bất ngờ tấn công bạo lực Đức Cha. Cuộc tấn công đầu tiên này diễn ra theo sau việc ngài phá hư chiếc ghế mà Đức Cha đang ngồi. Những người có mặt đã cố gắng ngăn chặn cơn giận dữ của vị linh mục, là người mà bất chấp mọi thứ, một lần nữa cố tấn công Đức Cha. Tạ ơn Chúa, một trong những người có mặt đã đỡ đòn cho ngài, và đưa ngài ra khỏi văn phòng mà họ đang hội họp. Khi mọi thứ có vẻ đã lắng xuống, cha Camilo Dib lại trở nên tức giận và, cố gắng tấn công một lần nữa vị giám mục đã rút lui vào phòng ăn của Tòa Giám Mục. Những người có mặt đã ngăn cản không cho ngài đến gần Đức Cha để mọi sự không trở nên tồi tệ hơn. Lúc đó, Cha sở Giáo xứ Đức Mẹ núi Carmêlô ở thành phố Malargüe, là Cha Alejandro Casado, đã đưa kẻ tấn công rời khỏi Tòa Giám Mục, đưa người ấy vào xe của mình, cả hai đã hoàn toàn biệt tăm.

Điều 1370, khoản 2, của bộ Giáo Luật khẳng định rằng ai hành hung một vị Giám Mục thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết; và nếu là giáo sĩ, thì mắc vạ huyền chức tiền kết. Cha Camilo Dib, vì hành vi do mình gây ra, bị cấm thi hành bất kỳ năng quyền nào liên quan đến thừa tác vụ linh mục của mình.

Đứng trước hoàn cảnh đau thương này, chúng ta mời gọi mọi người hãy đón nhận ân sủng từ Máng cỏ Giáng Sinh; và trước Chúa Hài Đồng, Đấng đang nhìn chúng ta, hãy tìm kiếm một tinh thần thành tâm hoán cải để đem đến cho mọi người sự bình an của Chúa chúng ta.

Toàn bộ câu chuyện đã diễn ra như sau:

Vào giữa tháng Sáu vừa qua, Đức Cha Taussig thông báo rằng, vì đại dịch coronavirus, các linh mục chỉ được trao Mình Thánh Chúa trên tay cho những anh chị em giáo dân trong tư thế đang đứng, không được trực tiếp trao Mình Thánh Chúa trên lưỡi của các anh chị em giáo dân trong tư thế đang quỳ gối.

Chỉ thị của Đức Cha Taussig phù hợp với các biện pháp được công bố ở các giáo phận khác tại Á Căn Đình. Tuy nhiên, một số lớn các linh mục ở San Rafael đã không tuân thủ các chỉ thị liên quan đến việc phân phát Mình Thánh Chúa trên tay.

Chủng viện Santa Maria Madre de Dios, nghĩa là Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, nơi đào tạo ra đông đảo các linh mục của giáo phận San Rafael được một số người cho là đứng đằng sau việc các linh mục chống đối chỉ thị rước lễ trên tay của Đức Cha Taussig.

Đức Cha Taussig nhận xét rằng việc từ chối tuân thủ này đã gây ra “tai tiếng nghiêm trọng trong và ngoài chủng viện và trên khắp giáo phận.”

Phát biểu với TVA El Nevado vào ngày 27 tháng 7, Cha José Antonio Álvarez, phát ngôn viên của Giáo phận San Rafael, nói rằng “do phản ứng vô kỷ luật của một bộ phận đông đảo các giáo sĩ trong giáo phận vào thời điểm này, giáo phận chúng tôi không có khả năng tìm đủ người để thành lập một nhóm đào tạo phù hợp với kỷ luật của Giáo hội”.

Vào ngày 20 tháng 8, Đức Cha Taussig tuyên bố rằng ngài sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt theo giáo luật đối với các linh mục kiên trì không vâng lời bằng cách cứ cho Rước lễ trên lưỡi chứ không phải trên tay, theo chỉ thị của ngài.

Tháng 10 năm nay, Đức Cha Taussig sang Tòa Thánh. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp và có những tiếp xúc với Bộ Giáo Sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, kể cả việc là trong vòng 15 năm qua, chủng viện đã phải có đến 7 vị giám đốc vì những mâu thuẫn trong nội bộ, Bộ Giáo Sĩ đã đưa ra quyết định đóng cửa chủng viện.

Khi trở về nước vào cuối tháng 10, Đức Cha Taussig cho biết quyết định này của Vatican và gọi đó là một quyết định “miễn bàn cãi” và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Nhiều cuộc biểu tình lập tức nổ ra, trong đó có cả một cuộc biểu tình bằng xe hơi bên ngoài trụ sở Tòa Giám Mục San Rafael.

Để đáp lại các cuộc biểu tình này, Đức Cha Taussig đã công bố một lá thư ngày 30 tháng 10, yêu cầu người Công Giáo không “đến với những cuộc tụ họp này”, vì “chúng làm trầm trọng thêm tình hình và có thể gây hại cho chính các chủng sinh nhiều hơn, những người mà tất cả chúng ta đều muốn chăm sóc”. Ngài gọi các cuộc biểu tình là “hành động nổi loạn và tranh giành”.

Hôm 21 tháng 11, Đức Cha Taussig đã đến thăm thành phố Malargüe, cách Tòa Giám Mục 177 km để giải thích về quyết định đóng cửa chủng viện. Thánh lễ do ngài cử hành đã bị gián đoạn bởi một cuộc biểu tình của anh chị em giáo dân và cả các linh mục. Một người nào đó còn cố ý rạch lốp xe của ngài để buộc ngài phải đối chất với họ trong khi chờ một xe khác đưa ngài về.

Cha Camilo Dib, người vừa bị treo chén, đã tích cực tham gia trong cuộc biểu tình này. Vì thế, ngài bị triệu tập lên Tòa Giám Mục, nơi ngài đã đá làm hư chiếc ghế Đức Cha Taussig đang ngồi và dùng tay đấm vị Giám Mục.

Giáo phận Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael, tiếng Tây Ban Nha là Diócesis de San Rafael, được Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập vào ngày 10 tháng Tư, 1961, bao trùm một diện tích là 87,286 km2 với dân số 270,000 người trong đó có 224,300 người Công Giáo chiếm tỷ lệ 83.1%. Toàn giáo phận có 67 linh mục triều và 29 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 204 chủng sinh và các nam tu sĩ không có chức thánh, và 138 nữ tu. Theo niên giám Tòa Thánh năm 2017, giáo phận có 29 giáo xứ.

Đức Cha Eduardo Maria Taussig sinh ngày 4 tháng 7, 1954. Ngài được thụ phong linh mục ngày 3 tháng 12, 1982 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục San Rafael vào ngày 25 tháng 9, 2004.


Source:Obispado de San Rafael
 
George Weigel: Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:17 26/12/2020


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến trình thuật Phúc Âm về các nhà Đạo sĩ, là những người theo ánh sao Bethlehem, đã đến triều bái Chúa Giêsu Hài Đồng.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

What the Magi Teach Us?

by George Weigel

Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?


Trong số những hoài nghi kinh niên của giới khoa bảng, một số đoạn Tin Mừng bị cắt, băm và tung lên ném xuống trên sàn phòng mổ xẻ để bị chụp mũ là “thần thoại”. Thường xuyên nhất là câu chuyện về các Đạo sĩ, là “các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’” (Mt: 2:2)

Thế giới học thuật có một thói quen thật đáng tiếc là xem xét các văn bản cổ với một sự nghi ngờ đầy ngạo mạn. Trong cuốn Chúa Giêsu thành Nagiarét: Các trình thuật về thời thơ ấu, Đức Joseph Ratzinger, cũng là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã tránh được cái thói quen ấy và đưa ra một cái nhìn khác. Ngài viết, các Đạo sĩ không phải là những nhân vật thần thoại trong “một bài suy niệm được trình bày dưới vỏ bọc của những câu chuyện”. Đúng hơn, “Thánh Matthêu đang kể lại một sự kiện lịch sử có thật”, nhưng đó là “lịch sử được tư duy và giải thích về mặt thần học”. Đó là lý do tại sao câu chuyện của các Đạo sĩ giúp chúng ta “hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu”.

Các Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?

Đầu tiên, họ định vị Chúa Giêsu trong câu chuyện dài của nhân loại, trong thời gian và địa điểm thực, khi trình bày sự kiện những người hành hương kỳ lạ này đã tiếp xúc với Vua Hêrôđê, mà chúng ta biết nhiều về triều đại tàn bạo của ông ta. Tham chiếu đến Xê-da Au-gút-tô trong Luca 2:1 cũng thực hiện chức năng “định vị” tương tự. Khi bắt đầu câu chuyện về Chúa Giêsu, Thánh Matthêu và Thánh Luca nói với độc giả của các ngài (vào thời đó, có lẽ là những thính giả hơn là các độc giả) rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét không phải là hình ảnh của trí tưởng tượng tôn giáo gây sốt của ai đó. Chúa Giêsu có thật như thực tại diễn ra.

Thứ hai, các Đạo sĩ là những nhà hiền triết, những thầy tu và những nhà thiên văn. Cho nên, những thành tựu về phương diện hoán cải của các Đạo sĩ có một ý nghĩa vượt ra ngoài các bằng chứng. Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng những thành tựu này nhắc nhở chúng ta rằng “sự khôn ngoan về tôn giáo và triết học” có thể là “động lực để đi đúng hướng” trong cuộc sống: nghĩa là, trí tuệ của con người, đối với những người có tâm hồn và trái tim rộng mở, cuối cùng có thể dẫn dắt họ đến với Chúa Kitô.

Là những người có sự cởi mở sâu sắc nếu chưa được thỏa mãn với đấng thiêng liêng, các Đạo sĩ, là những “người kế vị của Áp-ra-ham”, đã cất bước trên một cuộc hành trình để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những triết gia, họ cũng là “những người kế tục của Socrates và thói quen đặt câu hỏi của ông trên và vượt ra ngoài sự khôn ngoan thông thường để có thể hướng đến chân lý cao hơn”. Như vậy những nhân vật bí ẩn này (được mô tả trong nhà nguyện Bethlehem của Đền Thờ Đức Bà Cả của Rôma với các quần áo nhiều màu sắc, có những chấm lớn trên đó) là ‘tiền thân’, là ‘những người dọn đường cho những người tìm kiếm sự thật, mà chúng ta thấy trong mọi thời đại’ - ít nhất là trong số những người có sự khiêm tốn để có thể từ chối một cái nhìn chật chội, duy vật về thế giới và đặt ra câu hỏi “Chẳng lẽ tất cả trên đời này chỉ có thế thôi sao?”

Thứ ba, việc các Đạo sĩ không phải là người Do Thái nhắc chúng ta nhớ đến sứ mệnh truyền giáo ad gentes, “cho muôn dân”, được gắn liền ngay từ đầu với thực tại về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế được mong đợi từ lâu của người Do Thái. Những người đầu tiên trong dân ngoại nhận ra “vị vua mới sinh của dân Do Thái” là những người có trí tuệ và khoa học. Điều này dạy chúng ta một bài học quan trọng khác: Mọi sự thật đều dẫn đến một Sự thật. Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô khẳng định rằng mọi rung động tôn giáo đích thực của con người đều “liên quan đến việc tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa thật và do đó ‘triết học’, theo nghĩa nguyên thủy của từ này, là lòng yêu mến sự khôn ngoan”. Sự khôn ngoan thanh tẩy “kiến thức khoa học”, vì sự khôn ngoan không cho phép “khoa học” bị hạn chế trong chiều kích duy lý nội quan: Sự khôn ngoan nhắc khoa học rằng có nhiều sự thật hơn là các phương trình, công thức, và dữ liệu.

Thứ tư, các Đạo sĩ “từ phương Đông” — địa điểm của bình minh — là biểu tượng cho sự khởi đầu mới. Do đó, họ là những du khách đúng lúc vào cuối một năm tồi tệ mà lịch sử dường như đã mất đi phương hướng. Đức Bênêđíctô một lần nữa nhắc chúng ta rằng: Các Đạo sĩ “đại diện cho cuộc hành trình của nhân loại hướng về Chúa Kitô”, trong đó câu chuyện về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của con người có một khởi đầu mới mẻ. Các Đạo sĩ “khởi đầu một cuộc rước được tiếp tục trong suốt lịch sử... họ đại diện cho khát vọng bên trong của tinh thần con người, động lực của các tôn giáo và lý trí của con người hướng về Ngài”, Đấng duy nhất có thể làm cho “tất cả mọi thứ trở nên mới mẻ” (Kh 21: 5) - ngay cả giữa đại dịch và giữa chính trị của nền văn hóa sự chết.

Cuối cùng, các đạo sĩ tiên báo lời dạy của Thánh Phaolô rằng Chúa Giêsu Kitô là chủ tể của vũ trụ cũng như chủ tể của lịch sử. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô viết, Giáo Hội sơ khai đã phải đương đầu với những thách thức của đủ loại “thần thánh trung gian” được cho là phụ trách vũ trụ và cuộc sống của chúng ta — không khác gì thách thức đặt ra ngày nay bởi một sự tin cậy rộng rãi về tử vi. Do đó, công trình thần học của Thánh Matthêu liên quan đến câu chuyện của các nhà thông thái tạo nên một điểm cốt yếu, mà như lời của Đức Bênêđíctô, “không phải ngôi sao quyết định số phận của hài nhi; nhưng hài nhi mới là người chỉ đạo ngôi sao”. Thiên Chúa là chủ tể: không phải các ngôi sao, các hành tinh, hay các lực lượng ngẫu nhiên khác.

Vì vậy, xin chào mừng một lần nữa, Caspar, Melchior và Balthasar. Thời đại hoang mang của chúng tôi rất cần đến các ngài.


Source:First Things
 
Vụ tự tử kinh hoàng làm sập hàng loạt tòa nhà ở Nashville, Tennessee vào đúng ngày lễ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
20:53 26/12/2020


Các nhà chức trách Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho biết các nhà điều tra đã phát hiện ra những gì có thể là hài cốt của con người sau một vụ nổ làm rung chuyển thành phố Nashville, Tennessee vào sáng ngày lễ Giáng Sinh mà cảnh sát tin rằng đây là một “hành động cố ý” tự sát bằng bom. Trước đó, họ tin rằng đây là một vụ khủng bố.

Cảnh sát trưởng John Drake của Nashville cho biết như sau:

“Chúng tôi đã tìm thấy những gì mà chúng tôi tin rằng có thể là hài cốt con người”.

Cảnh sát trước đó cho biết không chắc có ai ở bên trong chiếc xe RV khi nó phát nổ hay không. RV là chữ viết tắt của recreational vehicle, tức là một chếc xe về thực chất là một căn nhà di động. Chiếc xe đang đậu đã phát nổ ở trung tâm thành phố Nashville vào sáng sớm thứ Sáu chỉ vài phút sau khi một thông báo ghi âm sẵn phát ra từ chiếc xe cảnh báo có bom. Lời cảnh báo bằng giọng nói này được thu âm trước, và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn nói như sau: “Khu vực này phải được di tản ngay bây giờ. Nếu bạn có thể nghe thấy thông báo này, hãy dời khỏi đây ngay”.

Nhiều tòa nhà bị phá hủy và ít nhất 3 người bị thương trong vụ nổ. Cảnh tượng kinh hoàng như vừa xảy ra chiến tranh. Cảnh sát cho biết đã nhìn thấy chiếc xe lúc nó còn nguyên vẹn, và nghe thấy lời cảnh báo này khi họ phản ứng với một cú điện thoại khẩn cấp của cư dân trong vùng. Các nhân viên cảnh sát nhanh chóng gõ cửa từng ngôi nhà gần đó để hối hả đưa mọi người đến nơi an toàn. Khi đội phá bom đang trên đường đến hiện trường thì chiếc xe nổ tung.

Andrew McCabe, cựu phó giám đốc FBI, nói với CNN rằng một vụ nổ quy mô như thế này có thể sẽ bị điều tra như là một hành động khủng bố, do người trong nước hay người nước ngoài gây ra.

Sức công phá của vụ nổ mạnh đến mức điện đã bị cúp tại nhiều vùng trong thành phố Nashville.


Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mở tiệc Giáng Sinh cho 3,000 người ở Tây Nguyên
Nữ tu Maria Nguyễn thị Minh Du
02:36 26/12/2020
Xem Video

Từ một tin nhắn của soeur chị từ Tây Nguyên gửi về với trăn trở làm sao lo cho dân làng bánh chưng, "không thịt thôi cũng được" và quý anh chị em đã mở tấm lòng quảng đại.

Một sơ chị và ba sơ em ở bốn cộng đoàn khác nhau đã mở tiệc Giáng Sinh đãi 17 làng với khoảng 3,300 người.

Dân làng mổ heo, nhà ai có gì thì mang tới, người chặt bó củi, người nắm lá mì, người ghè rượu, người nắm rau...góp chung lại nấu nấu nướng nướng. Có những làng ở cách xa nhà nguyện gần 20 cây số, đi lễ đêm xong ngủ lại tại nhà nguyện, đêm đó nấu cháo ăn ấm cái bụng. Sáng hôm sau dậy, chung tay nấu nướng rồi dự lễ ngày Giáng Sinh, sau đó dọn đồ lên ăn uống ngay trong nhà nguyện, chật quá thì kéo nhau ra ngoài trời.

Các làng gói bánh chưng cũng xôm tụ không kém. Tiếng cười nói của các chị các bà, tiếng mổ heo rửa thịt của các ông, tiếng đùa giỡn của đám trẻ em theo mẹ gói bánh...chốc chốc có đứa bỏ cuộc chơi chạy vào xem bánh đã gói tới đâu rồi!!!!

Các sơ chị và sơ em của chúng tôi chạy từ làng này sang làng nọ...tin nhắn về cho tôi chỉ vỏn vẹn: em mệt quá rồi chị, nhưng dân làng vui lắm, em hết cả mệt! Vâng hạnh phúc của anh chị em là niềm vui của nữ tu chúng tôi. Hạnh phúc của anh chị em lên dây cót cho sức khỏe, lên dây cót cho tinh thần của chúng tôi. Mệt mấy, đường xa mấy..nhưng thấy anh chị em vui là chúng tôi vui.

Những lời cám ơn chắc là không đủ đến từng anh chị em đã "dốc cạn túi" cho anh em trên Tây Nguyên có bữa tiệc mừng Chúa Giáng Sinh ra trò. Chúng con chỉ biết nói với dân làng cầu nguyện cho quý Ân Nhân, để Chúa Hài Đồng chúc lành cho quý vị.

Chúng con cũng mời gọi dân làng đi hai lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cho quý Ân Nhân không được đi lễ trong mùa Covid đại dịch này... coi như đi lễ thay!!! Hihiii

Và chúng con, những nữ tu Đa Minh Rosa Lima vẫn là những nhịp cầu nối đôi bờ trao và nhận. Chúng con nhận yêu thương từ quý Ân Nhân và chúng con gửi đến anh em J'rai. Rồi từ Tây Nguyên chúng con nhận những lời cám ơn từ ánh mắt, nụ cười từ những tấm lòng chân chất giữa núi rừng... xin trao gửi lại hết quý vị ân nhân.

PS. Cha Hung Cuong lúc ấy còn trên giường bệnh ở nhà thương nhắn: sẽ cố gắng gửi hai con heo cho bà con!!!!

M. Minh Du

#Đaminhrosalima
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Mười Ba
Vũ Văn An
22:54 26/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG MƯỜI BA: Tấm Gương của Đấng Trường Cửu

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha

Phong trào cải cách nổ ra như một lời kêu gọi thẩm quyền Giáo Hội định chế trở lại với thẩm quyền của Chúa Giêsu lịch sử. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, Martin Luther, một tu sĩ Dòng Thánh Augustinô và tiến sĩ thần học của Đại Học Wittenberg cho dán 95 chủ đề, thách thức mọi người dự cuộc tranh luận. Chủ đề đầu tiên như sau: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen. Khi Chúa và là Thầy chúng ta, Đức Giêsu Kitô, phán ‘hãy ăn năn’(paenitentiam agite) (Mt 4:17), Người muốn trọn cuộc sống của các tín hữu là cuộc sống ăn năn thống hối” (1). Lời kêu gọi này đối với sứ điệp của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng là một áp dụng trực tiếp khoa ngữ học thánh và nền học giả Tân Ước của các nhà duy nhân bản Kitô giáo như Valla và Erasmus vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Trước khi cuộc đời ông kết thúc, Martin Luther, trong công trình của ông như một nhà thần học và giải thích Kinh Thánh, đã rảo khắp không những các sách Tin Mừng mà còn hầu hết các sách Cựu Ước và Tân Ước. Đặc biệt, các thư Thánh Phaolô trở thành tập chú của ông, nhất là trong các tranh luận về học lý công chính hóa nhờ đức tin. Như chính ông diễn tả trong Bào Chữa Cho Đời Sống Mình (Apologia pro vita sua) viết chỉ trước khi ông qua đời một năm, Luther trở thành Nhà Cải Cách khi ông cân nhắc ý nghĩa lời Thánh Phaolô viết trong thư Rôma 1:17: “Trong [Tin Mừng] sự chính trực của Thiên Chúa được mạc khải qua đức tin cho đức tin; như có lời chép ‘người công chính sống nhờ đức tin’” (2).

Ông hết sức bối rối trước vấn đề làm thế nào có thể là nội dung của Tin Mừng Chúa Kitô, trong tư cách “tin mừng”, mà lại nói rằng Thiên Chúa là thẩm phán công chính, thưởng người lành và phạt người dữ: Chúa Giêsu có thực sự cần phải đến để mạc khải thông điệp khủng khiếp như thế hay không? Rồi ông bỗng hiểu thấu ra rằng ‘sự công chính của Thiên Chúa” mà Thánh Phaolô nói đến không phải là sự công chính mà nhờ đó Thiên Chúa công chính trong chính Người (sự công chính thụ động) mà là sự công chính nhờ đó, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm cho người tội lỗi ra công chính (sự công chính hoạt động) qua việc tha thứ tội lỗi trong việc công chính hóa. Luther nói rằng khi khám phá ra điều đó, dường như cửa thiên đàng đã mở tung cho ông.

Do đó, để hiểu Luther và phong trào Cải Cách như một chương trong lịch sử Giáo Hội và lịch sử thần học, điều chắc chắn thích đáng là tập trung vào công trình của ông như người giải thích Thánh Phaolô, mặc dù có lẽ không bỏ qua công trình của ông trong các phần khác của Kinh Thánh như nhiều cuộc thảo luận về ông đã cho thấy. Nhưng điều Luther và các nhà Cải Cách khác học được từ Thánh Phaolô trước hết là “không biết điều gì ngoài Chúa Giêsu Kitô và là Đấng chịu đóng đinh” (1Cr 2:2). Công chính hóa bởi ơn thánh nhờ đức tin là việc phục hồi mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa đã được Người hoàn thành qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: đó là khẳng định trung tâm của Phong trào Cải cách. Trong một câu đặc trưng của Luther, Chúa Giêsu là “tấm gương cho lòng hiền phụ [của Thiên Chúa] mà nếu tách khỏi Người, chúng ta không thấy gì ngoài vị thẩm phán cuồng nộ và khủng khiếp” (3). Đối với Calvin cũng thế, “Chúa Kitô là tấm gương nhờ đó chúng ta phải, và có thể chắc chắn chiêm ngắm chính việc chúng ta được lựa chọn” (4). Heinrich Bullinger, đồng nghiệp ở Zurich của Calvin, trong một tuyên xưng chính thức của Giáo Hội Cải Cách, đã nói rằng “Hãy để Chúa Kitô thành tấm gương trong đó chúng ta chiêm ngắm sự tiền định của chúng ta” (5).

Như thế, “tấm gương” quả là “ẩn dụ chủ chốt” trong tư tưởng Cải Cách (6). Và đo đó, cách người Cải Cách giải thích nhân vật Giêsu như Tấm Gương Của Đấng Trường Cửu có tính trung tâm đối với cả các thành tựu tôn giáo của Phong Trào Cải Cách lẫn các đóng góp văn hóa của họ. Đồng thời, điều hiển nhiên là các nhà Cải Cách thẩy đều tìm thấy nhiều phản chiếu khác nhau trong Tấm Gương này. Họ thẩy đều nhất trí trên nguyên tắc với sự đồng thuận phổ quát cho rằng Chúa Giêsu, trong tư cách Tấm Gương của Đấng Trường Cửu, là chính sự mạc khải của Chân, Thiện, Mỹ (mặc dầu không luôn luôn cho rằng một từ vựng triết lý trừu tượng như thế là điều thích hợp bao nhiêu). Tuy nhiên, họ chỉ thực sự nhất trí với nhau về ý nghĩa của việc Người là Tấm Gương của Đấng Chân Thật: Chúa Kitô là sự mạc khải chân thật của điều Luther gọi là “Thiên Chúa dấu ẩn [Deus absconditus]” và nguồn của Chân Lý thần thiêng như đã được trình bày trong Sách Thánh. Không kém Luther, Calvin cũng xác tín rằng để biết Thiên Chúa một cách đích thực, điều cần là nhìn vào sự mạc khải đã xuất hiện nơi Chúa Giêsu, Tấm Gương của Đấng Chân Thật. Trích dẫn lời Tân Ước, “ánh sáng tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Chúa Kitô"
(2Cr 4:6), ông giải thích rằng “khi [Thiên Chúa] xuất hiện trong hình ảnh này, hình ảnh của Người, như thể Người tự làm cho Người ra hữu hình; trong khi, trước đây, diện mạo Người mờ mờ ảo ảo, như bị phủ bóng” (7).

Như Karl Holl từng nói, ám chỉ không những Luther mà toàn bộ phong trào Cải Cách của thế kỷ 16, “Phong trào Cải Cách, trên thực tế, đã làm giầu mọi lãnh vực văn hóa” (8). Lãnh vực chính trong số này, một đàng, là văn chương, nghệ thuật và âm nhạc, được Chúa Giêsu như tấm gương của Đấng Mỹ linh hứng, và đàng khác, là trật tự chính trị, được Chúa Giêsu như tấm gương của Đấng Thiện soi chiếu. Tất cả các lãnh vực này cảm nghiệm được một cuộc hồi sinh và canh tân khắp Châu Âu Cải Cách và không một Giáo Hội Cải Cách nào có độc quyền đối với bất cứ lãnh vực nào. Tuy thế, một dị biệt sắc nét xuất hiện giữa hai nhà Cải Cách chính, Luther và Calvin, và giữa hai truyền thống Cải Cách chính, truyền thống Luthêrô và truyền thống Cải cách, về các định nghĩa Chúa Giêsu như Tấm gương của Đấng Mỹ và Tấm gương của Đấng Thiện; vì Calvin và những người theo ông hoài nghi đối với các khả thể thờ ngẫu tượng ở định nghĩa đầu, trong khi Luther và các người theo ông cho thấy họ cực kỳ do dự trước các hệ luận chính trị của định nghĩa sau. Sự liên quan văn hóa và xã hội của những dị biệt này về ý nghĩa chính xác của việc Chúa Giêsu như Tấm gương, một điều chắc chắn không phải không có liên quan tới các dị biệt thần học về tín lý, đã có tầm quan trọng thậm chí xa rộng rất nhiều trong lịch sử 4 thế kỷ qua.

Mặc dù đóng góp thần học chính của Luther chắc chắn là học lý của ông về công chính hóa, nhưng thành tựu văn học quan trọng nhất của ông không kém chắc chắn là bản dịch Tân Ước của ông từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức, một việc được ông hoàn thành trong khoảng thời gian 11 tuần lễ từ giữa tháng 12 năm 1521 tới đầu tháng 3 năm 1522. Cuối cùng, dĩ nhiên, ông sẽ dịch trọn bộ Kinh Thánh, nhưng việc ông dịch Tân Ước đã làm nên lịch sử; với rất nhiều sửa duyệt, nó đã được xuất bản đến cả trăm lần trong lúc ông còn sống, và vô vàn ấn bản sau đó. Ngay đối với những người dửng dưng hay lên tiếng báo động đối với nền thần học của ông, cũng phải nhìn nhận rằng ông có thiên tài về ngữ học; thực vậy, một vài kẻ thù về thần học của ông trong 2 thập niên sau đó đã phải ca ngợi thiên tài ngôn ngữ học của ông đến độ đã vay mượn của ông rất nhiều trong các bản dịch Kinh Thánh của họ sang tiếng Đức (9). Trong lúc bình luận về bản dịch Tân Ước năm 1521, Heinrich Bornkamm không nói quá khi nói đến “sự khác nhau giữa sự bay bướm như cánh đại bàng trong ngôn ngữ của Luther và kiểu chép chính tả của các người tiền nhiệm thời Trung Cổ”, và do đó, đã kết luận rằng Luther “hoàn toàn phụ thuộc ở chính ông trong trách vụ đổ Tân Ước vào khuôn đích thực của ngôn ngữ Đức”. Ông viết thêm rằng “Đấng Quan Phòng diệu kỳ đã đặt Luther, điêu khắc gia vĩ đại nhất của ngôn ngữ Đức” vào thật đúng lúc và đúng nơi để thực hiện các đóng góp có tính lịch sử vào việc tạo ra tiếng Đức cận đại (10). Tiếng Latinh chỉ thực sự đạt được tư thế ngôn ngữ thế giới khi Bản Kinh Thánh Phổ Thông của Thánh Giêrôm mở ra một chương mới cho lịch sử ngôn ngữ (11). Cũng như thế, các bản dịch Kinh Thánh khác nhau của Cải Cách sang ngôn ngữ bình dân, với bản dịch của Luther đi tiên phong, đã trở nên các khúc quanh cho ngôn ngữ của họ, một diễn trình từ đó vẫn tiếp diễn với nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Trong bản dịch các sách Tin Mừng của Luther, cũng như trong các bài giảng của ông về các sách Tin Mừng còn được lưu truyền (gồm cả hàng ngàn hay nhiều hơn thế), cả giáo huấn và cuộc đời Chúa Giêsu đều được trình bầy với những chi tiết sống động (12). Bằng cách bác bỏ các phương pháp truyền thống trong việc giải thích có tính ẩn dụ đối với cả Cựu Ước và đặc biệt đối với Tân ứớc, vì chúng biến Kinh Thánh thành “cái mũi bằng sáp” mà ai cũng có thể bóp méo bất cứ theo hướng nào, ông chăm chú dựng lại lịch sử Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng và làm Người sống với các người nghe Người (13). Lời bình luận của Heinrich Heine cho rằng Luther “người có thể la mắng giống như bà hàng cá, cũng có thể dịu dàng như một mệnh phụ mẫn cảm” (14) không chỗ nào thích đáng hơn là trong bản dịch và các dẫn giải các sách Tin Mừng của Luther và trong các trình thuật ông dựa vào để giảng thuyết. Thay vì chuyển vị ngôn ngữ của các sách Tin Mừng thành chìa khóa để hiểu các thư Thánh Phaolô, một điều người ta cho rằng ông có thể làm và một số học giả cho rằng ông đã làm, ông ráng hết sức trong việc để mỗi tin mừng gia, hay đúng hơn để Chúa Giêsu theo mỗi tin mừng gia, nói bằng cung giọng riêng biệt. Vì mặc dù ông nhấn mạnh rằng “phải từ bỏ ý niệm cho rằng có 4 sách Tin Mừng và chỉ có 4 tin mừng gia” vì thực sự chỉ có một Tin Mừng duy nhất (15), ông vẫn không ngừng rút ra các so sánh và tương phản giữa các cách một số sách Tin Mừng xử lý các chủ đề đặc thù (16).

Hậu quả là một việc mô tả Chúa Giêsu bằng một văn phong tươi mát đến độ Người trở thành một người đồng thời với thế kỷ 16. Với các khán giả thương hại Chúa Giêsu Hài Đồng và sự nghèo khổ của Người “ước chi tôi ở đó! Tôi sẽ mau mắn xiết bao để giúp đỡ Chúa Hài Đồng!”, Luther sẽ bảo: “Sao bạn không làm ngay lúc này đi? Bạn có Chúa Kitô ngay trong khu phố của bạn mà” (17). Lời khuyên quen thuộc trong Bài Giảng Trên Núi hãy xem huệ ngoài đồng và chim chóc trên trời (Mt 6:26-27), trong tay Luther, trở thành một diễn từ về việc Chúa Giêsu “Làm chim trời trở thành các hiệu trưởng và giáo viên của chúng ta. Quả là một niềm hổ thẹn lớn lao và lâu dài đối với chúng ta khi, trong Tin Mừng, một con sẻ bất lực lại trở thành một nhà thần học và một vị giảng thuyết cho những người khôn ngoan nhất...., như thể Người muốn nói với chúng ta: ‘Này, hỡi ngươi là con người đáng thương hại ngươi có nhà có cửa, có tiền bạc và tài sản... Ấy thế nhưng không thể tìm được bình an” (18).

Các địch thủ của Chúa Giêsu nghe ra rất giống như các địch thủ của Martin Luther, và độc giả đôi khi cần phải được nhắc nhở rằng ngôn ngữ nguyên thủy của các sách Tin Mừng không phải là tiếng Đức mà là tiếng Hy Lạp. Cả trong khoa giải thích của Calvin nữa, giống như khoa giải thích của Luther, các cảnh trong trình thuật Tin Mừng nhận được tính trực tiếp và sức mạnh thách thức khi trở thành hữu hình như trong lối trình bày sống động về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà bên giếng chẳng hạn (19).

Sức mạnh văn chương mà với nó, Luther đã có thể biến Chúa Giêsu thành người cùng thời, nói lên ý niệm của ông về Chúa Giêsu như Tấm gương của Đấng Mỹ. Trong hội họa, Luther cố gắng truyền dẫn vào nghệ thuật tôn giáo của cuối thời Trung Cổ cách ông hiểu ý nghĩa thực sự của sứ điệp chân chính trong các sách Tin Mừng: đó đặc biệt là nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng vốn là Tấm Gương của Đấng Trường Cửu. Cho nên, khi ông phê phán các hoạ sĩ Trung cổ vẽ Trinh Nữ Maria, không phải vì đã làm sai lạc nghĩa đen của các sách Tin Mừng khi vẽ ngài mặc y phục hiện đại và trong khung cảnh đương thời, mà vì vẽ ngài một cách “không còn gì (thấp hèn) trong ngài để khinh khi, mà chỉ có điều vĩ đại và cao cả”; điều đáng lý ra họ nên làm, như chính ngài đã tự nói trong kinh Ngợi Khen, là chỉ cho thấy “sự giầu sang vô lượng của Thiên Chúa đã kết hợp ra sao với phận nghèo nàn hoàn toàn của ngài” (20). Albretch Dürer chia sẻ các ý niệm của Luther và phản ảnh chúng trong nghệ thuật của ông; tiểu sử của ông nói đến “một cuộc hoán cải, cả trong đề tài lẫn văn phong” diễn ra trong đức tin và cuộc sống của Dürer qua việc ông chấp nhận giáo huấn của Luther mà hậu quả của nó là “một con người trước đây từng làm nhiều hơn bất cứ ai trong việc khiến thế giới Phương Bắc làm quen với tinh thần của Cổ thời ngoại giáo đích thực nay thực tế đã từ bỏ đề mục thế tục chỉ trừ các soi sáng của khoa học, hồ sơ ghi chép và lối vẽ chân dung của du khách” (21).

Để phù hợp với việc Luther sẵn lòng dùng ngành họa làm phương tiện đạt được tính đương thời với Chúa Kitô của các sách Tin Mừng như Tấm Gương của Đấng Trường Cửu, Lucas Cranach Con (the Younger) nhiều lần đã mô tả các biến cố trong các sách Tin Mừng như thể Martin Luther đích thân hiện diện lúc chúng xẩy ra. Bức vẽ thành công nhất của Cranach thuộc loại này có lẽ là bức Bữa Tiệc Ly, được thực hiện tại nhà thờ Thánh Maria ở Dessau-Mildensee và được cung hiến năm 1565. Như muôn vàn bức tranh trước đó, Chúa Giêsu được mô tả đang thiết lập Bữa Tiệc Ly, và 12 môn đệ ngồi quanh bàn vận y phục như của người thị thành Đức thế kỷ 16, kể cả Giuđa với 30 đồng tiền bạc. Nhưng đột nhiên, giữa nhóm người ngồi bàn là các khuôn mặt không thể lầm lẫn được của Martin Luther, của đồng nghiệp ông ở Wittenberg, Philip Melanchthon, và của hoàng tử Anhalt. Như thế, một cách hoàn toàn không bối rối, các biến cố của thế kỷ thứ nhất đã được chuyển vị tới thế kỷ 16.

Có lẽ không ở đâu tính đương thời trong việc Luther biến cải Tin Mừng cảm kích và có tính thuyết phục bằng trong khung cảnh Tin Mừng thuật lại sự thống khổ và cái chết của Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn Theo Thánh Mátthêu và Cuộc Khổ Nạn Theo Thánh Gioan của Johann Sebastian Bach. Như một trong các sử gia sâu sắc nhất về tinh thần hiện đại đã nhận xét, ý nghĩa đích thực của Luther và Phong Trào Cải Cách “không thể nào được đánh giá đầy đủ nếu chỉ dựa vào các công trình thần học tín lý (dogmatics). Các tài liệu của nó là các trước tác của Luther, sách thánh ca của Giáo Hội, âm nhạc thánh của Bach và Handel, và cơ cấu sinh hoạt cộng đồng trong Giáo Hội” (22). Một trong các mục của cương lĩnh Cải Cách trong việc canh tân đời sống Giáo Hội là, cùng với việc phiên dịch Sách Thánh sang tiếng bình dân và việc đem lại sinh lực cho việc giảng giải dựa trên các bản dịch này, là việc soạn các bài thánh ca bình dân cho cộng đoàn hát. Một số nhóm Cải Cách phản đối việc tạo ra các bài thánh ca mới; họ thích dựa vào các dẫn giải của “Sách Các Bài Ca Thiên Chúa” hơn, tức sách thánh vịnh, và đã tạo ra các tuyệt tác như Sách Thánh Vịnh Geneva và Sách Thánh Vịnh Bay (Bay Psalm Book). Nhưng Luther “không ủng hộ ý kiến cho rằng tin mừng nên tiêu hủy và làm tàn rụi mọi thứ nghệ thuật, như một số ngụy tôn giáo chủ trương”. Ông nói thêm, ông “thích thấy mọi thứ nghệ thuật, nhất là âm nhạc, được sử dụng để phụng sự Đấng đã ban chúng và tạo ra chúng” (23). Tiếp nhận và phát triển phong thái thánh ca và sách thánh ca từng xuất hiện cuối thời Trung Cổ, ông đã đem lại cho nó sinh khí mới và các sách thánh ca Luthêrô, lúc đạt tới cao điểm của nó trong công trình của các thi sĩ và soạn giả như Paul Gerhardt, trở thành một trong những kỳ công văn hóa chính của phong trào Cải Cách.

Chính thiên tài của Bach đã kết hợp, trước nhất trong các khúc nhạc phổ theo vần thơ (cantata) sau đó trên qui mô lớn hơn trong các bản Khổ Nạn (Passions), hai yếu tố Cải Cách sau đây: bản văn Tin Mừng trong bản dịch của Luther và sách thánh ca của phái Luthêrô. Kết quả là các thính giả cảm nghiệm được ý nghĩa đời sống và cái chết của Chúa Giêsu như Tấm Gương của Đấng Trường Cửu một cách tươi mát và mạnh mẽ khôn sánh. Theo lời của Nathan Söderblom, “Âm nhạc của các bản Khổ Nạn, được tạo ra trong lòng Giáo Hội, và cảm nghiệm được một chiều sâu mới, một phong phú mới, và một cường độ mới ở thế kỷ 16, tạo nên theo cách riêng của nó một phụ khoản quan trọng nhất chưa từng có thêm vào các nguồn mạc khải trong Cựu và Tân Ước. Nếu bạn hỏi về Tin Mừng thứ năm, tôi không do dự đề cử việc giải thích lịch sử cứu rỗi khi nó đạt tới tột đỉnh nơi Johann Sebastian Bach. Bản Cuộc Khổ Nạn Theo Thánh Mátthêu và bản Thánh Lễ Trong Cung Thứ B cho chúng ta một tầm nhìn thấu suốt vào mầu nhiệm khổ nạn và cứu rỗi” (24).

Bach quả là tin mừng gia thứ năm.

Tuy nhiên, sẽ là một vi phạm tới tính trung thực lịch sử và tính liêm chính đại kết khi ta tập trung vào Chúa Giêsu như là Tấm Gương của Đấng Trường Cửu trong các nền văn hóa Cải Cách mà bỏ qua sự hiện diện có tính biến đổi của nhân cách Người trong cuộc phục sinh tôn giáo và văn hóa được cổ vũ trong thế kỷ 16 bởi cuộc Cải Cách Công Giáo. Sự hiện diện của Chúa Kitô là thể tài trung tâm của một trong các tuyệt tác của phong trào Cải Cách Công Giáo ở Tây Ban Nha, cuốn Các Tên Chúa Kitô của Luis de León. Hiển nhiên như tựa đề của nó, cuốn sách tự trình bầy như là một tiếp nối và mở rộng cuốn Về Các Tên Thần Thiêng của Ngụy-Dionysius Thành Areopagô, một cuốn sách vốn đóng một vai trò gây ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử huyền nhiệm học Kitô thời Trung Cổ. Luis de León dường như đã kết luận rằng nay là lúc phải nói minh nhiên về Chúa “Kitô” trong nền huyền nhiệm Kitô, và cho biết rõ ý nghĩa các tên của Người. Ông nói trong cuốn 1 rằng “Các tên mà Kinh Thánh dành cho Chúa Kitô thì rất nhiều, giống như các nhân đức và thuộc tính của Người” (25). Suốt phần còn lại của khảo luận, tác giả trình bày kiến thức tiếng Do Thái của ông để phân tích một vài tên khác nhau được nhắc đến trong một số bản văn của Kinh Thánh Do Thái, về căn bản, có 10 tất cả, có thể áp dụng cách thích đáng vào Chúa Giêsu. Ông viết “Tinh thần Chúa Giêsu thẩm thấu và thay đổi” linh hồn con người và nhân cách con người; vì “trong Chúa Giêsu Kitô, như trong một chiếc giếng sâu, như trong một đại dương bao la, chúng ta tìm được kho tàng của Hiện Hữu” (26). Kho tàng đó mang lại “vẻ đẹp” và “nhân đức” qua “luật mới Chúa Giêsu ban cho chúng ta” (27). Mục đích và thành toàn của đời sống con người là tìm thấy kho tàng này và sống vâng theo “các luật mới”.

Nền huyền nhiệm Kitô được León lên tiếng đạt được nhiều cao điểm lớn hơn nữa cả về linh đạo lẫn sức mạnh văn học trong các bài thơ của Thánh Gioan Thập Giá, người mà nhiều sử gia và nhà phê bình văn học coi như thi sĩ tinh tế nhất của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Giống Dante, ngài vừa là một thi sĩ vừa là một triết gia, một người thông thạo tư duy của Thánh Tôma Aquinô, cố gắng giải quyết các căng thẳng giữa trí hiểu và ý chí, giữa kiến thức Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa. Giải đáp xuất hiện với ngài trong con người Chúa Giêsu như Tấm Gương của Đấng Trường Cửu, Đấng vừa là cơ sở cho kiến thức về Thiên Chúa vừa là sự mạc khải về Người. Trong Các Ca Khúc của Linh Hồn (Canciones de el alma), ngài thăm dò “con đường phủ định thiêng liêng” (28), là con đường, như ta đã thấy, từng là nền tảng triết học cho phái tân Platông Kitô Giáo nói tiếng Hy Lạp của thế kỷ thứ tư khi họ thăm dò ý nghĩa của Chúa Kitô Vũ Trụ. Nhưng kiến thức về Chúa Kitô, dù sâu sắc nhờ đường phủ định, vẫn tự nó không đủ: tình yêu Chúa Kitô phải tiếp theo. Do đó, trong bài trữ tình “Về Chúa Kitô và Linh Hồn”, ngài dùng tình trạng khó xử của một người tình trẻ tuổi “mang tình yêu trong trái tim như một vết thương tàn hại” như một ẩn dụ cho mối tình huyền nhiệm giữa linh hồn và Chúa Kitô (29). Hai thể tài nhận thức và yêu thương giao thoa trong bài thơ độc giọng (ballad) “Về Nhập Thể” (30) trong đó, Thánh Gioan Thập Giá nhắc lại cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và Cha trên trời của Người về cô dâu huyền nhiệm trần thế mà Chúa Cha đã chọn cho Người. “Tình yêu hoàn hảo” sẽ thành toàn trong cuộc kết hợp giữa Chúa Giêsu và nàng dâu này. Nhưng cùng một lúc, Chúa Giêsu thưa với Thiên Chúa Cha:

Quyền năng Cha, đáng tuyên dương xiết bao
Lý lẽ Cha dịu dàng, trí khôn Cha sâu sắc xiết bao?
Con sẽ chuyển lời cho thế gian,
Tin tức thuộc loại mới hẳn:
Tin tức đẹp đẽ và bình an
Quyền tối cao vô hạn.

Như thế, trí khôn và lý lẽ của Thiên Chúa, Logos thần thiêng, và tình yêu cùng ý chí Thiên Chúa, Chàng rể thần thiêng, cùng hiện diện với nhau trong Chúa Giêsu, Tấm gương của Đấng Trường Cửu.

Với các ý niệm nền tảng trong hình ảnh này của Chúa Giêsu như Tấm gương của Đấng Mỹ... Luther đáng lẽ ít gặp khó khăn, vì chính ông đã sử dụng các ẩn dụ tương tự. Nhưng khi đến lúc phải định nghĩa Chúa Giêsu như Tấm gương của Đấng Thiện đối với trật tự chính trị, Luther lại chống lại việc tìm cách làm cho con người và sứ điệp của Chúa Giêsu có tính đương thời hay có liên quan cách trực tiếp nào đó. Một số nhà cải cách triệt để thuộc thế kỷ 16, trong việc tái xác định các đòi hỏi của việc làm môn đệ, đã kêu gọi phải có sự biến đổi toàn bộ hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị. Họ tin rằng không gì kém điều đó là cần thiết để đem xã hội tới chỗ đồng hình đồng dạng với thánh ý Thiên Chúa đã được loan báo trong lề luật của Kinh Thánh, vốn đã được tóm lược trong Bài Giảng Trên Núi. Trong các bài giảng của ông trong các năm 1530-32 trình bầy toàn bộ Bài Giảng Trên Núi này, Luther tấn công những người “không phân biệt được cách chính xác giữa phàm tục và thiêng liêng, giữa vương quốc của Chúa Kitô và vương quốc của thế gian”. Họ đã không nhận ra rằng trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu “không can thiệp vào trách nhiệm và thẩm quyền của chính phủ, nhưng Người dạy các Kitô hữu cá nhân phải đích thân sống ra sao, ngoài chức vụ và thẩm quyền chính thức của họ ra”. Vì “không có việc tránh né nó, Kitô hữu phải là một người thế tục loại nào đó” (31). Trong tư cách như thế, Kitô hữu không nên mưu toan dùng giáo huấn của Chúa Giêsu hay lề luật của Kinh Thánh mà cai trị quốc gia. Điều này thực hiện tốt nhất dựa trên không phải mạc khải mà là lý trí, bởi việc làm luật “theo gương người Saxon [Sachsenspiegel]”, chứ không phải các lệnh truyền của Chúa Giêsu, Tấm gương của Đấng Trường Cửu. Chúa Giêsu cấm các lời tuyên thệ, chính phủ thì đòi hỏi chúng; và cả hai đều đúng, mỗi người ở trong lãnh vực của mình. Người ta không cần phải là Kitô hữu mới cai trị một cách hợp công lý và người giải thích sứ điệp của Tin Mừng, trong chính tư cách ấy, không hề có bất cứ thông sáng đặc biệt nào hiểu thấu các điểm chuyên biệt của điều gọi là cai trị hợp công lý. Do đó, dù về phương diện chính trị ông có nhiều liên hệ, và phong trào Cải Cách chắc chắn cũng thế, khi qua đời năm 1546, ông đang dấn thân vào việc làm môi giới giải quyết cuộc tranh chấp giữa các ông hoàng, Luther, trong tư cách người trình bày các sách Tin Mừng, không khai triển một “nền chính trị học Kitô giáo” vì đó không phải là lý do Chúa Giêsu xuống thế gian.

Để có được một khảo luận về nền chính trị học Kitô giáo thời Cải Cách, và là nền chính trị học, đặc biệt đối với thế giới nói tiếng Anh, có thể tái định nghĩa bản chất của chính phủ từ trong nền tảng, ta không nên hướng về Wittenberg mà nên hướng về Geneva. Vì, ngoại trừ những vấn đề tín lý như tiền định kép và bản chất sự hiện diện của mình và máu Chúa Kitô trong Bữa Ăn Tối của Chúa, sự dị biệt chính giữa cuộc cải cách của Luther và cuộc cải cách của Calvin nên được tìm thấy ở đây trong việc xác định ý nghĩa chính trị và xã hội trong hình ảnh Chúa Giêsu như Tấm Gương của Đấng Thiện. Calvin không bằng lòng như Luther trong việc tin tưởng các nhà cai trị thế tục tự tìm được hướng dẫn của chính họ về lý lẽ và truyền thống luật lệ, dù những điều này rất quan trọng như là các thành tố cai trị tốt đẹp. Trong chương kết thúc khảo luận Institutes của mình, ông nhìn nhận rằng “Nước thiêng liêng của Chúa Kitô và quyền tài phán dân sự là hai điều hoàn toàn khác biệt” (32). Nhưng trong đoạn kế tiếp, ông lại quả quyết rằng:

“Bao lâu ta còn sống giữa con người, chính phủ dân sự vẫn còn mục đích được chỉ định của nó là trân qúi và bảo vệ việc thờ phượng Thiên Chúa, bảo vệ tín lý lành mạnh về lòng đạo đức và lập trường của Giáo Hội, thích ứng đời sống ta vào xã hội con người, đào tạo tác phong xã hội của ta hợp với sự chính trực dân sự, hoà giải chúng ta với nhau và cổ vũ hòa bình và thanh bình chung” (33).

Do đó, các thẩm phán phải “bắt thẩm quyền đã ủy thác cho họ tùng phục Chúa Kitô để một mình Người [Chúa Giêsu Kitô] cao hơn hết” (34). Phù hợp với điều này, Ông thúc giục “Chủ tịch và thẩm phán của các cuộc bầu cử của chúng ta” phải là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt để trong lề luật của Người cách nhà nước và xã hội phải hoạt động ra sao, và các thẩm phán phải cai trị thế nào để đạt được các mục đích này. Do đó, chính do lời ông nhấn mạnh, mà thẩm phán đoàn cai trị Geneva, tức Công đồng gồm Hai Trăm Người, đã thề hứa ngày 2 tháng 2 năm 1554 “sẽ sống theo phong trào Cải Cách, quên hết mọi hận thù và nuôi dưỡng sự hoà hợp”. Hơn nữa, “sống theo Phong trào cải cách” hàm nghĩa họ tìm cách đem luật Geneva hoà hợp với lời và ý muốn của Thiên Chúa, như đã được phản chiếu trong luật của Sách Thánh và trên hết, trong con người và sứ điệp của Chúa Giêsu, để, như Calvin viết trong Institutes, “một mình Chúa Giêsu cao hơn hết”.

Nhưng nếu chính phủ phải có được lòng trung thành như thế với Chúa Kitô như Tấm gương của Đấng Thiện, thì điều cốt yếu là lời Thiên Chúa phải được rao giảng và dạy dỗ trong mọi chân lý và sự tinh tuyền của nó và được áp dụng cách cụ thể vào trọn đời sống của cá nhân và xã hội. Trên nguyên tắc, ý niệm Cải Cách về chức linh mục phổ quát của mọi tín hữu chắc chắn có nghĩa là không những hàng giáo sĩ mà cả hàng giáo dân, không những các nhà thần học mà cả các thẩm phán, cũng đều có khả năng đọc, hiểu và áp dụng giáo huấn của Kinh Thánh. Tuy nhiên, một trong các đóng góp vào phong trào Cải Cách của khoa ngữ học thánh nơi các nhà nhân bản Kinh Thánh là việc họ nhấn mạnh rằng, thực hành thường mâu thuẫn với ý niệm linh mục phổ quát: vì Kinh thánh phải được hiểu dựa vào bản văn nguyên thủy chân chính, viết bằng tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, bản văn mà phần lớn chỉ có hàng giáo sĩ và các nhà thần học mới thấu hiểu cách đúng đắn mà thôi. Như thế, thế giá bác học của hàng giáo sĩ Cải Cách đã thay thế thế giá giáo sĩ của hàng giáo sĩ trung cổ. Do đó, về phương diện chức năng, việc mưu cầu một hình thức chính phủ có khả năng thể hiện được ý muốn mà Thiên Chúa đã mạc khải cho xã hội qua Chúa Giêsu Kitô như Tấm Gương dẫn tới một hệ thống đôi khi được gọi là “thần trị”. John T. McNeill tìm cách minh giải thần trị phải hiểu theo nghĩa nào và không theo nghĩa nào:

“Hạn từ ‘thần trị’ đôi khi được áp dụng ở Geneva vào thời Calvin, nhưng nay, đối với nhiều người, hạn từ này khá mơ hồ. Nhiều người (trong đó, ta có thể thêm, nhiều giáo sĩ) lẫn lộn ‘thần trị’ (theocracy), luật lệ của Thiên Chúa, với “giáo sĩ trị (hierocracy, luật lệ giáo sĩ)... Calvin ước mong các thẩm phán, như các tác nhân của Thiên Chúa, có lãnh vực hoạt động riêng của họ. Nhưng ý thức ơn gọi của ông mạnh mẽ và năng lực tâm trí của ông vượt xa năng lực tâm trí của các cộng tác viên chính trị đến độ cuối cùng ông đã leo lên tới độ bậc thầy” (35).

Hơn nữa, nhờ cách hiểu của Calvin về chính quyền dân sự và nhiệm vụ của nó trong việc lên khuôn xã hội dựa theo luật của Chúa Kitô, mà khi các người theo ông cuối cùng lập được một xã hội có thể thể hiện nhiệm vụ đó, thì giả định của xã hội ấy là: luật của Chúa Kitô quả có một sứ điệp, và thường là một sứ điệp rất chuyên biệt và cụ thể, cho cả người cai trị lẫn người được cai trị. Các bài giảng về bầu cử của các nhà thần học Puritan ở New England thời thuộc địa đều dựa trên giả định này (36). John Cotton tuyên bố “điều tốt hơn là khối thịnh vượng chung nên được lên khuôn theo mẫu thiết lập ra nhà Thiên Chúa, tức Giáo Hội của Người, hơn là bắt Giáo Hội thích ứng với nhà nước dân sự” (37). Và, như một học giả đã nhận định về câu phát biểu của Cotton, “mọi người Puritan đều nhất trí” (38). Một trong số ít người không nhất trí với giả định này là Roger Williams. Ông này bác bỏ tính liên tục giữa “chính phủ” Kinh Thánh, bất kể là vương quốc Israel hay vương quốc Thiên Chúa do Chúa Giêsu công bố, và “luật các thánh” do phái Puritan chủ trương (39). Xét theo nhiều cách, như chương sau này về Chúa Giêsu, Đấng Giải Phóng sẽ gợi ý, chính Abraham Lincoln, trong cuộc tranh chấp về nạn nô lệ, đã tìm thấy sự sai lầm trong giả định truyền thống (40). Và, cũng theo Lincoln, thẩm quyền dứt khoát cho việc này là con người của Chúa Giêsu như Tấm Gương của Đấng Trường Cửu, Đấng đã cung cấp cả việc biện minh cho “thần trị” lẫn việc bác bỏ nó cách ý nghĩa nhất trong hai truyền thống có nguồn gốc từ Phong Trào Cải Cách.
________________________________________________________________________

Ghi chú

(1)Martin, Ninety-five Theses 1, trong Luther’s Works: American Edition, ed. Jaroslav Pelikan and Helmut Lehman, 55 Vols, (Saint Louis and Philadelphia: Concordia Publishing House and Fortress Press, 1955-), 31:25.
(2) Luther, Preface to Latin Writings, trong Luther’s Works 34:336-37.
(3) Luther, Large Catechism, 2.3.65
(4) John Calvin, Institutes of Christian Religion 3.24.5 ed. John Thomas McNeill, 2 vols. (Philadelphia: Westminstre Press,1960) 2.970
(5) Second Helvetic Confession 10. Về các thí dụ khác, xem Pelikan, Christian Tradition, 4.167, 230-32, 240-41.
(6) Brian A, Gerrish, The Old Protestantism and the New. Essays on the Reformation Heritage (Chicago: University of Chicago Press, 1982) tr. 150-59.
(7). Calvin, Institutes of Christian Religion 3.24.5 ed. John Thomas McNeill ed. 1:424.
(8) Karl Holl, The Cultural Significance of the Reformation, bản tiếng Anh của Karl and Barbara Hertz and John H. Lichtblau (New York: Meridian Books, 1959) tr. 151
(9) Michael Reu, Luther’s German Bible (Columbus, Ohio: Lutheran Book Concern, 1934) tr. 180-81.
(10) Heiricch Bornkamm, Luther’s World of Thought, bản tiếng Anh của Martin H. Bertram (Saint Louis: Concordia Publishing House, 1958) tr.273-83.
(11) Auerbach, Literary Language and Its Public, tr.45-50.
(12) Một số lượng đáng kể các bài giảng này về các Tin Mừng Mátthêu và Gioan có thể tìm thấy trong các cuốn 21-24 của Luther’s Works.
(13) Jaroslav Pelikan, Luther The Expositor. Introduction to The Reformer’s Exegetical Writings (Saint Louis: Concordia Publishing House, 1959) nhất là các tr. 89-108.
(14) Heinrich Heine, Religion and Philosophy in Germany, bản tiếng Anh của John Snodgrass (Boston: Beacon Press, 1959) tr. 46.
(15) Luther, Preface to the New Testament, trong Luther’s Works 35:357.
(16) Xem một trong các thí dụ, Sermons on the Gospel of John, trong Luther’s Works, 22:37-38.
(17) The Martin Luther Christmas Book, ed. Roland H. Bainton (Philadelphia: Westminster Press, 1948) tr. 38.
(18) Luther, The Sermon on the Mount, trong Luther’s Works, 21:197-98.
(19) Calvin, The Gospel According to St John 1-10, bản tiếng Anh của Thomas Henry Louis Parker (Grand Rapids:Wm. B. Eerdmans, 1959) tr.89-103.
(20) Luther, Magnificat, trong Luther’s Works 21:323.
(21) Panofsky, Life and Art of Alberetch Durer, tr. 199.
(22) Wilhelm Dilthey, Weltanschauung und Analyse des Menschen seit Renaissance und Reformation, xuất bản lần 7 (Stuttgart: B.G. Teubner, 1964) tr. 515.
(23) Luther, Preface to Wittenberg Hymnal of 1524, trong Luther’s Works, 53:316
(24) Nathan Soderblom, Kristi Pinas Historia (Stockholm: Svenska Kyrkans Diakonistyrelses Bokforlag, 1928) tr. 430-31, bản dịch cung cấp bởi Conrad Bergendoff.
(25) Luis de León, The Names of Christ, bk.1, ed. Manuel Durán and William Kluback, Classics of Western Spirituality (New York: Paulist Press, 1984) tr. 42.
(26) Luis de León, The Names of Christ, bk.3, ed. Manuel Durán and William Kluback, Classics of Western Spirituality (New York: Paulist Press, 1984) tr. 303, 366
(27) Luis de León, The Names of Christ, bk.2, ed. Manuel Durán and William Kluback, Classics of Western Spirituality (New York: Paulist Press, 1984) tr. 202.
(28) The Poems of St John of the Cross, ed. John Federick Nims, 3rd ed. (Chicago: University Of Chicago Press, 1979) tr. 18-19
(29) The Poems of St John of the Cross, ed. John Federick Nims, 3rd ed. (Chicago: University Of Chicago Press, 1979) tr. 40-44.
(30) The Poems of St John of the Cross, ed. John Federick Nims, 3rd ed. (Chicago: University Of Chicago Press, 1979) tr. 68-71
(31) Luther, Sermon on the Mount, trong Luther’s Works 21:105-09
(32) Calvin, Institutes of the Christian Religion 4.20.1, McNeill ed., 2:1486
(33) Calvin, Institutes of the Christian Religion 4.20.2, McNeill ed., 2:1487
(34) Calvin, Institutes of the Christian Religion 4.20.5, McNeill ed., 2:1490.
(35) John Thomas McNeill, The History and Character of Clavinism (New York: Oxford Universtiy Press, 1954) tr. 185.
(36) Xem Perry Miller, Orthodoxy in Massachusetts 1630-1650 (Boston: Beacon Press, 1959) tr. 245-53
(37) H. Richard Niebuhr, The Kingdom of God in America (New York: Harper and Brothers, 1937) tr. 80.
(38) Winthrop S. Hudson, The Great Tradition of the American Churches (1953; New York: Harper Torhcbooks, 1963) tr.49.
(39) Xem Kerry Miller, Roger Williams: His Contribution to American Tradition (New York: Atheneum, 1953) tr.38.
(40) Sidney E. Mead, The Lively Experiment: The Shaping of Christianity in America (New York: Harper and Row, 1963) tr. 72-89.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Hài Đồng
Sr. Huyền Trần
11:46 26/12/2020
CHÚA HÀI ĐỒNG
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)

Xin Chúa ban hồng ân
Từ đôi tay mở rộng
Soi dẫn đường tương lai
Cho thai nhi được sống.
Ôi! Chúa Hài Đồng ơi
Con dâng Chúa cuộc đời
Muốn nên người bé nhỏ
Tỏ nụ cười trẻ thơ
(KD)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội có tin vui: 8 sắc lệnh trong một ngày. Thẩm phán bị Mafia giết được tuyên Chân Phước tử đạo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:50 26/12/2020

Trong cuộc tiếp kiến hôm 21 tháng 12 với Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã chuẩn y sắc lệnh công nhận sự tử đạo của thẩm phán Rosario Livatino, là người đã bị bốn thành viên của tổ chức Mafia, thường được gọi là Cosa Nostra, sát hại hồi tháng Chín, năm 1990.

Quyết định này của Đức Thánh Cha đã được Bộ Tuyên Thánh công bố hôm thứ Ba 22 tháng 12.

Ba mươi năm trước, Thẩm phán Rosario Livatino đã bị mafia giết hại dã man trên đường đến làm việc tại một tòa án ở Sicily. Ngày nay, trong Giáo Hội Công Giáo, ngài đã được công nhận là một vị Tôi tớ Chúa và với sắc lệnh này án tuyên thánh cho ngài đã được nâng lên một bậc mới là Chân Phước tử đạo..

Trước khi bị giết vào ngày 21 tháng 9 năm 1990, ở tuổi 37, Livatino đã nói với tư cách là một luật sư trẻ về sự giao thoa giữa luật pháp và đức tin như sau:

“Nhiệm vụ của thẩm phán là quyết định; tuy nhiên, quyết định cũng là lựa chọn... Và chính trong việc lựa chọn để quyết định này, trong việc quyết định sao cho mọi thứ được sắp xếp theo trật tự, mà thẩm phán tin tưởng có thể tìm thấy mối quan hệ với Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ trực tiếp, bởi vì cầm cân nảy mực công lý là nhận thức chính mình, cầu nguyện, và hiến mình cho Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ gián tiếp, được trung gian bởi tình yêu đối với người bị phán xét,” Livatino nói tại một hội nghị năm 1986.

“Tuy nhiên, người tin và người không tin, trong giờ phút phán xét, phải gạt bỏ mọi sự phù phiếm và trên hết là sự kiêu ngạo; họ phải cảm thấy toàn bộ sức nặng của quyền lực được giao phó vào tay họ, một sức nặng lớn hơn tất cả vì quyền lực này đang được thực hiện trong quyền tự do và tự chủ. Và nhiệm vụ này sẽ nhẹ hơn khi thẩm phán khiêm tốn nhận ra điểm yếu của chính mình,” ông nói.

Niềm tin của Livatino về thiên chức của mình trong nghề luật sư và sự dấn thân cho công lý đã được thử thách vào thời điểm mafia tìm cách làm suy yếu nền tư pháp yếu kém ở Sicily.

Trong suốt một thập kỷ, ông làm công tố viên giải quyết hoạt động tội phạm của mafia trong những năm 1980 và đối mặt với cái mà người Ý sau này gọi là “Tangentopoli”, hay hệ thống hối lộ và thảm sát nếu không nhận hối lộ của Mafia.

Livatino đã làm thẩm phán tại Tòa án Agrigento trong suốt thập niên 1989. Ngày 21 tháng 9 năm 1990, anh ta đang lái xe về phía tòa án Agrigento thì bị một chiếc xe khác tông vào, khiến xe anh ta văng vào lề đường. Anh mở cửa xe tháo chạy vào một cánh đồng, nhưng bị các tay sát thủ bắn vào lưng và sau đó bị bắn thêm nhiều nhát nữa khi đã ngã quỵ.

Sau khi anh qua đời, người ta tìm thấy một cuốn Kinh thánh với đầy ký hiệu trên bàn làm việc của anh, nơi anh luôn giữ một cây thánh giá.

Trong chuyến thăm mục vụ đến Sicily vào năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Livatino là “vị tử đạo vì công lý và gián tiếp vì đức tin”.

Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng Giám Mục đương nhiệm của Agrigento, nói với truyền thông Ý nhân kỷ niệm 30 năm ngày Livatino qua đời rằng vị thẩm phán đã cống hiến “không chỉ cho sự nghiệp công lý của con người, mà còn cho đức tin Kitô giáo.”

“Sức mạnh của đức tin này là nền tảng của cuộc đời ngài với tư cách là một người cầm cân nảy mực công lý,” vị Hồng Y nói với hãng tin SIR của Ý vào ngày 21 tháng 9.

“Livatino bị giết bởi vì anh ta đang truy tố các băng đảng mafia bằng cách ngăn chặn hoạt động tội phạm của chúng. Anh ấy đã thực hiện sứ vụ của mình với tinh thần công lý mạnh mẽ xuất phát từ đức tin.”

Cùng ngày, Đức Thánh Cha đã chuẩn y các sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của 7 vị khác trong đó có một phụ nữ. Trong số 6 người nam có cha Antonio Seghezzi, người Ý, giúp đỡ các kháng chiến quân chống Đức Quốc Xã. Ngài bị bắt và chết trong trại tập trung Dachau vào năm 1945, chỉ vài tháng trước khi Âu Châu được giải phóng.


Source:Catholic News Agency
 
Thời nay bách hại kinh hoàng hơn xưa, ĐTC nhận xét trong buổi đọc kinh Truyền Tin Lễ Thánh Stêphanô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:16 26/12/2020


Thật không may, nước Ý lại đang điêu đứng vì coronavirus. Ngay sau thánh lễ Đêm Giáng Sinh, từ 10g tối ngày 24 tháng 12, nước Ý lại phải rơi vào tình trạng cô lập như hồi tháng 3.

Do đó, tạm thời, các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng được thực hiện từ thư viện của dinh Tông Toà thay vì từ cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm qua nói về Chúa Giêsu, là “ánh sáng thật” đã đến trong thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được” (Ga 1: 9, 5). Hôm nay chúng ta thấy người đã làm chứng cho Chúa Giêsu, là Thánh Stêphanô, người đã tỏa sáng trong bóng tối. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu được tỏa sáng bằng ánh sáng của Ngài, không phải bằng ánh sáng của chính họ. Ngay cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Vì điều này, các giáo phụ cổ đại đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm mặt trăng”. Giống như mặt trăng, không có ánh sáng riêng của nó, những chứng nhân này không có ánh sáng riêng của họ, nhưng họ hấp thụ ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu ánh sáng ấy. Thánh Stêphanô bị vu oan và bị ném đá dã man, nhưng trong bóng tối của hận thù đạt đến cao điểm là cực hình ném đá ngài, thánh nhân đã để cho ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu sáng: ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, giống như Chúa Giêsu đã tha thứ từ trên thập tự giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, tức là chứng nhân đầu tiên, người thứ nhất trong số rất nhiều anh chị em, những người, cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục đưa ánh sáng vào bóng tối - những người đáp lại điều ác bằng điều thiện; họ không khuất phục trước bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng hận thù bằng sự hiền lành và tình yêu. Trong những đêm đen của thế giới, những chứng nhân này mang đến bình minh của Chúa.

Nhưng làm thế nào để họ trở thành chứng nhân? Thưa: họ bắt chước Chúa Giêsu, hấp thụ ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: hãy noi gương Chúa Giêsu, hãy lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô cho chúng ta một tấm gương: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45), thánh nhân cũng đã sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, Thánh Stêphanô được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, tức là một người phục vụ, và giúp đỡ những người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6: 2). Thánh nhân cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài đã làm điều đó cho đến cùng: như trong trường hợp của Chúa Giêsu, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giêsu, thánh nhân đã cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7:60). Thánh Stêphanô là một chứng nhân vì ngài đã bắt chước Chúa Giêsu.

Một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng nhân cho sự thiện này có thực sự cần thiết không khi thế giới chìm trong sự gian ác? Cầu nguyện và tha thứ thì có ích gì? Chỉ để đưa ra một tấm gương tốt thôi sao? Làm thế thì được cái gì? Thưa: Được nhiều chứ. Chúng ta khám phá điều này từ một chi tiết. Bản văn nói rằng trong số những người mà Thánh Stêphanô đã cầu nguyện cho và được ngài tha thứ, có “một thanh niên tên là Saolô” (c. 58), người “tán thành cái chết của Thánh Stêphanô” (Cv 8: 1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saolô đã hoán cải, đã nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng ấy, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng thông qua sự tha thứ của Thánh Stêphanô, và thông qua chứng tá của ngài. Đó là mầm mống tạo ra sự hoán cải của Saulô. Đây là bằng chứng cho thấy những hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những việc nhỏ nhặt, lặng lẽ hàng ngày. Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm nhường của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có biết bao vị thánh lặng lẽ, những vị thánh bên cạnh chúng ta, những chứng nhân sống thầm lặng, là những người qua những hành động yêu thương nhỏ nhoi làm thay đổi lịch sử.

Hãy là chứng nhân cho Chúa Giêsu - điều này cũng đúng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống của chúng ta thành những kiệt tác thông qua những điều bình thường, những việc chúng ta làm hàng ngày. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu ngay tại nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, mọi nơi, dù chỉ bằng cách tỏa ra ánh sáng của nụ cười, là ánh sáng không phải của riêng chúng ta nhưng đến từ Chúa Giêsu - và thậm chí có thể làm chứng cho Chúa bằng cách thoát ra khỏi bóng đêm của những câu chuyện ngồi lê đôi mách và những trò ba hoa dựng chuyện. Và khi chúng ta thấy có điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, nói xấu và phàn nàn, chúng ta hãy cầu nguyện cho người phạm lỗi và cầu nguyện cho hoàn cảnh khó khăn được khắc phục. Và khi một cuộc tranh cãi bắt đầu ở nhà, thay vì cố gắng giành chiến thắng, chúng ta hãy cố gắng dập tắt nó; và bắt đầu lại từ đầu mỗi lần như thế, và tha thứ cho người đã xúc phạm. Những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng thay đổi lịch sử, bởi vì chúng mở cửa, chúng mở cửa sổ cho ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, trong khi phải nhận những viên đá phang tới tấp vì hận thù, đã đáp lại bằng những lời tha thứ. Do đó, ngài đã thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi lần nó xuất hiện giống như một câu châm ngôn hay đã đề xuất rằng: “Hãy giống như cây chà là: họ ném đá nó và chà là rơi xuống”.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may. Có nhiều bách hại hơn so với thời sơ khai của Giáo hội. Chúng ta hãy giao phó những anh chị em này cho Đức Mẹ, để họ có thể đáp lại những áp bức với lòng hiền hòa và với tư cách là các chứng nhân thực sự cho Chúa Giêsu, họ có thể chiến thắng điều ác bằng điều thiện.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu đang theo dõi giờ phút cầu nguyện này qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Chúng ta phải làm như thế này để tránh mọi người đến Quảng trường. Qua đó, chúng ta đang cộng tác với các quy định mà Nhà chức trách đã thiết lập, để giúp tất cả chúng ta thoát khỏi đại dịch này.

Ước gì không khí Giáng sinh vui vẻ tiếp diễn hôm nay lại tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, khơi dậy niềm khao khát trong mọi người được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ, để phụng sự Ngài và yêu mến Ngài trong những người lân cận với chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã nhận được những lời chúc mừng Giáng sinh từ Rôma và những nơi khác trên thế giới. Tôi không thể hồi đáp tất cả mọi người, nhưng tôi nhân cơ hội này ngay bây giờ để bày tỏ lòng biết ơn của tôi, đặc biệt là đối với món quà cầu nguyện mà anh chị em đã dành cho tôi, mà tôi sẵn lòng đáp lại.

Chúc mừng Lễ Thánh Stêphanô. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Cầu chúc anh chị em có một bữa ăn ngon miệng.
 
Bom nổ kinh hoàng tại Mỹ. Siêu vi Vũ Hán đã biến hóa độc địa hơn: Nhật đóng cửa biên giới.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:13 26/12/2020


1. Vụ tự tử kinh hoàng làm sập hàng loạt tòa nhà ở Nashville, Tennessee vào đúng ngày lễ Giáng Sinh

Các nhà chức trách Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho biết các nhà điều tra đã phát hiện ra những gì có thể là hài cốt của con người sau một vụ nổ làm rung chuyển thành phố Nashville, Tennessee vào sáng ngày lễ Giáng Sinh mà cảnh sát tin rằng đây là một “hành động cố ý” tự sát bằng bom. Trước đó, họ tin rằng đây là một vụ khủng bố.

Cảnh sát trưởng John Drake của Nashville cho biết như sau:

“Chúng tôi đã tìm thấy những gì mà chúng tôi tin rằng có thể là hài cốt con người”.

Cảnh sát trước đó cho biết không chắc có ai ở bên trong chiếc xe RV khi nó phát nổ hay không. RV là chữ viết tắt của recreational vehicle, tức là một chếc xe về thực chất là một căn nhà di động. Chiếc xe đang đậu đã phát nổ ở trung tâm thành phố Nashville vào sáng sớm thứ Sáu chỉ vài phút sau khi một thông báo ghi âm sẵn phát ra từ chiếc xe cảnh báo có bom. Lời cảnh báo bằng giọng nói này được thu âm trước, và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn nói như sau: “Khu vực này phải được di tản ngay bây giờ. Nếu bạn có thể nghe thấy thông báo này, hãy dời khỏi đây ngay”.

Nhiều tòa nhà bị phá hủy và ít nhất 3 người bị thương trong vụ nổ. Cảnh tượng kinh hoàng như vừa xảy ra chiến tranh. Cảnh sát cho biết đã nhìn thấy chiếc xe lúc nó còn nguyên vẹn, và nghe thấy lời cảnh báo này khi họ phản ứng với một cú điện thoại khẩn cấp của cư dân trong vùng. Các nhân viên cảnh sát nhanh chóng gõ cửa từng ngôi nhà gần đó để hối hả đưa mọi người đến nơi an toàn. Khi đội phá bom đang trên đường đến hiện trường thì chiếc xe nổ tung.

Andrew McCabe, cựu phó giám đốc FBI, nói với CNN rằng một vụ nổ quy mô như thế này có thể sẽ bị điều tra như là một hành động khủng bố, do người trong nước hay người nước ngoài gây ra.

Sức công phá của vụ nổ mạnh đến mức điện đã bị cúp tại nhiều vùng trong thành phố Nashville.


Source:Reuters

2. Virus Vũ Hán mới: Nhật Bản ra lệnh đóng cửa biên giới.

Ít ai dám lạc quan tin rằng hết năm 2020 này thì cũng là hết thời kỳ thế giới phải đau khổ vì virus Tầu độc địa. Tình hình xem ra còn bi thảm hơn thế nữa. Một biến thể mới của coronavirus vừa được phát hiện tại Anh vào đầu tuần này đã nhanh chóng xuất hiện tại Thụy Điển; và ở nơi rất xa là Canada, nó đã có mặt vào hôm thứ Bẩy. Trước diễn biến phức tạp này, nhiều người e ngại rằng những gì chúng ta thấy trong năm 2020 chỉ là tầng đầu của địa ngục.

Hôm thứ Bẩy 26 tháng 12, Nhật Bản cho biết họ tạm thời cấm tất cả những người nước ngoài nào không phải là thường trú nhân được nhập cảnh vào nước này.

Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày thứ Hai 28 tháng 12 và sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi quốc gia này xác nhận, vào hôm thứ Sáu, năm trường hợp đầu tiên nhiễm coronavirus chủng mới nhất từ những hành khách đến từ Anh.

Coronavirus chủng mới nhất này là một biến thể của coronavirus. Nó lây lan nhanh hơn, độc địa hơn, và cho đến nay người ta vẫn chưa biết liệu các loại vắc xin vừa được tung ra ở Hoa Kỳ có tác dụng ngăn chặn được nó hay không.

Ở Thụy Điển, biến thể này được phát hiện ở một du khách đến từ Anh. Cơ quan Y tế Thụy Điển cho biết du khách đã bị cách ly và không phát hiện thêm trường hợp nào.

Tại Canada, các quan chức đã xác nhận hai trường hợp biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Các quan chức y tế ở Ontario cho biết các trường hợp được phát hiện nơi một cặp vợ chồng ở miền nam Ontario. Điều kỳ lạ là họ không có lịch sử du lịch, nhưng đã cho kết quả dương tính và loại coronavirus họ mắc phải là một biến thể rất kỳ lạ. Toàn bộ tỉnh Ontario đã bị cô lập vào hôm thứ Bảy. Việc hai vợ chồng người Canada không hề đi du lịch mà vẫn nhiễm coronavirus chủng mới khiến người ta lo ngại rằng coronavirus có thể hành động như một thứ bom hẹn giờ: đúng một thời điểm nào đó, nó tự động biến hóa thành một thứ quỷ quái khác để vượt qua các loại vắc-xin phòng dịch.


Source:Reuters

3. Virus Vũ Hán mới: Quân đội được điều động để giúp giải tỏa hàng ngàn xe tải bị mắc kẹt ở biên giới Anh-Pháp

Bộ trưởng giao thông Anh cho biết hơn 4,500 xe tải, trong đó có nhiều chiếc đã bị kẹt nhiều ngày ở cảng Dover của Anh, đã vượt qua eo biển Manche /măng/ vào hôm thứ Sáu sau khi quân đội được triển khai tại đây để đẩy mạnh việc thử nghiệm coronavirus.

Các chuyến phà giữa Dover và cảng Calais /ka-le/ của Pháp đã được nối lại vào hôm thứ Năm, chấm dứt lệnh phong tỏa mà Pháp đã áp đặt trong nhiều ngày sau khi phát hiện ra một biến thể coronavirus mới ở Anh.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết trên Twitter hôm thứ Sáu rằng hơn 10,000 xét nghiệm coronavirus đã được thực hiện đối với các tài xế lái xe tải và chỉ có 24 người trong số họ có kết quả dương tính.

“Hơn 4,500 xe chở hàng hạng nặng đã hoạt động trở lại giữa hai quốc gia,” ông Shapps nói.

Anh đã triển khai thêm các binh sĩ để giúp dọn dẹp hàng dài các xe tải chờ kiểm tra COVID-19 trước khi được phép lên phà vượt biên giới. Truyền thông Anh cho biết 800 binh sĩ bổ sung đã được cử đến để hỗ trợ 300 người được triển khai ban đầu.

Các chiến sĩ kiểm tra giấy tờ xe và tài xế tại cổng vào cảng. Trong một trường hợp, các quan chức Pháp, những người có mặt tại Dover để giúp giải quyết công việc tồn đọng, đã được nhìn thấy đang dùng tăm bông ngoáy mũi cho các tài xế.

Chính phủ Pháp và Anh đã đồng ý chấm dứt phong tỏa vào hôm thứ Ba nhưng các nhà chức trách Anh cho biết sẽ mất nhiều ngày để giải tỏa hàng dài xe tải.


Source:Reuters
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News