Ngày 30-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm tình ngày cuối năm cũ bước sang năm mới.
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:22 30/12/2009
Tâm tình ngày cuối năm cũ bước sang năm mới.

Năm 2009 cũng như mọi năm khác trứơc đó đã trôi qua, đang dần đi vào dĩ vãng. Khi các kim đồng hồ ngày 31.12.2009 chỉ chập vào nhau đúng chỗ con số 12.00 giờ lúc nửa đêm, thời điểm năm cũ có tên gọi 2009 kết thúc. Và cũng từ thời điểm đó ngày 01.01.2010 bắt đầu xuất hiện đi vào không gian năm mới. Đó là cách tính phân chia theo nếp sống văn hóa con người chúng ta

Khi năm cũ 2009 kết thúc, nó để lại dấu vết 12 tháng đã trôi qua. Trong quãng thời điểm đó, 52 tuần lễ, 365 ngày, 8760 giờ, 525600 phút cùng 31.536.000 giây đồng hỗ ghi khắc lưu lại trong lịch sử cùng với những biến cố chung cũng như cá nhân tiêng tư của trời đất và của con người.

Thời gian năm tháng năm cũ trôi qua đi vào qúa khứ, nhưng tâm tình lòng con người không vì thế cũng vô tình trôi theo nhanh chóng như dòng nứơc chảy. Trái lại những suy nghĩ cùng cảm xúc của con người luôn hằng nhìn trở ngược lại thời gian năm cũ, đồng thời cũng hướng tầm nhìn suy tư vào năm mới đang ló dạng.

Xin chào tạm biệt Bạn Năm Cũ!

Tôi không nghĩ rằng thời gian dài với 8760 giờ của năm 2009, tôi đã làm xong hay đạt được hết mọi điều đâu. Nhưng dẫu vậy, giây phút cuối cùng của Bạn Năm cũ 2009 đang thu ngắn lại dần, và đến thời điểm đúng 12.00 giờ đêm ngày 31.12.tôi phải nói với Bạn lời từ gĩa: Xin chào từ biệt Bạn Năm Cũ yêu qúi, Adieu!

Xin cám ơn Bạn. Tôi vui mừng đã được cùng sống trong thời gian qúi báu với Bạn Năm Cũ! Chúc Bạn ra đi bằng an khoẻ mạnh!

Bạn Năm Cũ ra đi, nhưng tôi không quên Bạn đâu. Trái lại tôi hằng nhớ tới Bạn, vì con đường mới đang mở ra phía trước cho tôi. Bây giờ tôi đang đứng, hay có thể đang ngồi trứơc thềm ngưỡng cửa Năm Mới, và tôi lại bắt đầu chào đón Bạn, Bạn bây giờ là Năm Mới 2010.

Xin Chào mừng Bạn Năm Mới 2010 đến với đời sống tôi!

Đó là lời đầu tiên tôi viết đậm nét bằng lời phát ra thành âm thanh cho mọi người cùng nghe, và có thể hòa lẫn trong tiếng chuông, tiếng nhạc, tiếng pháo nổ dòn dã vang khắp không gian trong trời đất.

Với tôi không phải kim đồng hồ, cũng không phải sự thay đổi năm này qua năm khác là thước đo thời gian về thành công cũng nhưng thất bại trôi qua trong đời sống tôi. Tôi nói với Bạn điều đó, để Bạn đừng lầm tưởng Bạn nặng kýlô quan trọng, hay nghĩ rằng tôi sống trong vòng luẩn quẩn tự ty mặc cảm bám chặt vào một định kiến nào đó. Tôi yêu mến Bạn, nhưng tôi cũng có thể rời Bạn năm cũ như xa rời cởi bỏ một chiếc áo chiếc cũ, một chiếc mũ cũ kỹ.

Thước do thời gian chân chính với tôi là niềm hy vọng. Lẽ tất nhiên Bạn có dư đủ sức mạnh cứ trôi qua đi, và tôi cũng chẳng có thể ghìm giữ Bạn lại được, kim đồng hổ chỉ thời giờ cứ chạy đều không ngừng nghỉ. Dù thời giờ của Bạn có hay không có đầy tràn, có hay không có niềm hy vọng, có hay không có mảy may ánh tương lai, nhưng tôi luôn được có tiếng nói quyết định chọn lựa.

Nhưng Bạn có lẽ sẽ thắc mắc hỏi tôi: Bởi đâu tôi có thể có niềm hy vọng như vậy được ?

Tôi kín múc kín hy vọng từ những suy tư cũ. Phải, có thể rất cổ xưa để lại. Nhưng nó luôn luôn mới và tươi trẻ mãi, cho dù đã trải qua những thế kỷ năm tháng dài triền miên.

Có Người nào đó đã đi trước chỉ lối vạch đường cho tôi đi.

Người nào đó luôn để tâm chú ý, như người mẹ lấy đôi bàn tay bao bọc con mình, che chở gìn giữ tôi, khi thấy tôi bị trói buộc trong khoảnh khắc thời gian.

Người nào đó là chỗ nương tựa lưng cho tôi, để tôi an tâm hướng mắt nhìn về đàng trước.

Người nào đó cùng đồng hành bên cạnh tôi, nắm tay tôi dẫn đi, khi tôi gặp quãng thời gian đen tối mù mịt, mà tôi không còn định hướng nhận ra lối đi nữa.

Người nào đó khi thấy tôi chới với giữa dòng đời, như dưới đôi bàn chân tôi không có nền tảng đứng vững, họ chạy đến an ủi vực tôi dậy, để tôi không bị lún sâu xuống vực thẳm.

Người nào đó đã chúc lành cho thời gian năm cũ cũng như năm mới của đời sống của tôi.

Trên nền tảng đó tôi đặt niềm hy vọng của tôi. Tôi tin rằng chúc lành của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, hằng theo tôi trong suốt dọc thời gian.

Chúc lành là lời đoan hứa ban xuống bao phủ đời tôi, không là thời gian uổng phí. Mỗi thời gian là chúc lành cho tôi cùng mang lại hiệu qủa lợi ích, điều đó chúng ta gọi tên là sự sống.

Chỉ còn ít ngày giờ khoảnh khắc ngắn ngủi thôi, Bạn Năm Mới sẽ xuất hiện chào đời. Có lẽ Bạn hay người nào đó thắc mắc, sao lại nói như vậy. Nhưng tại sao lại không nói như vậy được chứ?

Xin đừng đề niềm hy vọng bé nhỏ mãi. Chúng ta cùng mang niềm hy vọng vào trong dòng máu còn tươi trẻ của Năm Mới. Và như thế, Năm Mới của chúng ta sẽ mãi tươi trẻ.

Vâng, Năm Mới rồi cũng sẽ biến dần thành Năm Cũ. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, luôn hằng đồng hành với con người xuyên suốt qua mọi thời gian năm tháng.

Thời gian năm tháng cứ tuần tự đến và đi. Thời gian năm tháng không do con người chế biến làm ra. Nhưng thời gian là món qùa tặng cao qúy nhất Trời cao ban cho con người từ khi bắt đầu thành hình sự sống trong cung lòng mẹ, và trong suốt dọc đời sống qua mọi giai đoạn tuổi đời: thơ ấu, thanh thiếu niên, trung niên và cao niên.

Chúc mừng Năm Mới 2010!

Lm. Nguyễn ngọc Long
 
Mẹ Hòa Bình
Mic. Cao Danh Viện
09:56 30/12/2009
MẸ HÒA BÌNH

Hôm nay trần thế dâng lời
Ca khen Đức Mẹ Chúa Trời hiển vinh
Mẫu Nghi cao cả thiên đình
Cha phong tặng Mẹ: Hòa Bình Nữ Vương
Mẹ là giòng suối yêu thương
Chở chuyên ân phúc thiên đường nhân gian
Con Yêu, Mẹ đã tặng ban
Thành Ơn Cứu Chuộc cho đoàn nhân sinh
Mẹ là cánh cửa thiên đình
Mở cho nhân thế Bình Minh rạng ngời
Mẹ sinh ra chính Ngôi Lời
Mẹ là Mẹ của ngàn đời con dân
Thơ con không dệt nên vần
Nói sao cho hết lòng nhân Mẹ hiền
Hôm nay mồng một minh niên
Con dâng tràng hạt khẩn nguyền Mẹ thương
Bình an cuộc sống đời thường
Lời con xin mẹ: Nữ Vương Hòa Bình
Mic. Cao Danh viện

CHIẾN TRANH &HÒA BÌNH

Anh biết khi nào có chiến chinh
Làm nên nhân thế mất chữ tình
Từ lúc tổ tông nên trọng phạm
Đến khi con cháu mất Thường sinh
Giơ cao đánh khẽ Cha từ họ
Hạ thấp tình sâu Chúa hiến mình
Làm thân thơ bé trong lòng Mẹ
Để tặng nhân gian Mẹ Hòa bình

Lễ Mẹ Thiên Chúa 2010
 
Đi theo ánh sao lạ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:27 30/12/2009
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH, năm C

Mt 2, 1-12

Con Thiên Chúa nhập thể, nhập thế giáng sinh làm người qua cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, đã tỏ mình ra cho các nhà đạo sĩ phương Đông, những người được dân Israen xếp vào hàng dân ngoại. Mà quả thật các nhà đạo sĩ này chưa biết Chúa, là những con người ở ngoài theo cách đánh giá của những người Israen xưa. Do đó, lễ Hiển Linh một cách nào đó được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, phụng vụ ngày lễ hôm nay lại cho chúng ta hiểu hơn về cái bi đát của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, điều mà thánh sử Gioan đã tóm tắt trong chương đầu Tin Mừng của Ngài: ” Ngài đã đến nơi nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận, không đón tiếp Ngài”.

Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay, đặc biệt ngôn sứ Isaia đã tiên báo Đấng Cứu Thế đến trần gian này với lời lẽ đầy vui tươi, hạnh phúc và tưng bừng. Giêrusalem bừng sáng và là trung tâm của ánh sáng, thu hút, lôi kéo muôn dân về Giêrusalem với muôn vàn lễ vật để kính tiến Đấng cứu tinh khi Ngài ngự đến, khi Ngài xuất hiện.Nhưng cái nghịch lý và thật trớ trêu thay lời ngôn sứ Isaia loan báo đã không xẩy ra đúng như người ta cảm nhận, mà khi ánh sáng chiếu trên Giêrusalem thì chỉ có những người ngoại nhận ra và tìm tới để bái chào Hài Nhi Giêsu, còn dân trong thành Giêrusalem thì lại thờ ơ lãnh đạm.

Với một ánh sao soi đường, một ánh sao sáng khác với những ánh mắt hỏa châu vụt lên để con người tìm kiếm giết chóc, hận thù, để con người sống chiến tranh, chia rẽ. Một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời đầy sao sáng, có gì khác lạ đối với nhiều người, có gì khác lạ với những người được coi là có đạo, ngoan đạo lúc đó ? Tuy nhiên, tất cả cuộc hành trình rất diệu kỳ, rất lạ lùng đều được các nhà đạo sĩ khởi đi từ ngôi sao lạ ấy. Ba nhà đạo sĩ phương Đông đêm ấy đã nhìn lên trời, họ đã nhìn thấy và nhận ra ánh sáng, ngôi của Hài Nhi Giêsu. Họ đã đem theo những sản phẩm của địa phương là Vàng, Hương, Mộc dược, rồi nong nả dõi theo và đi theo ngôi lạ để tìm gặp Hài Nhi Giêsu. Đêm ấy, chắc chắn đã có nhiều người, đã có muôn người cũng đã ngước mắt nhìn lên trời nhưng họ không thể nào nhận ra ngôi sao lạ giữa muôn vàn ngôi sao khác và vì thế, họ đã chẳng nhận ra Đấng cứu tinh đã tới giữa gian trần này để đem ơn cứu độ và hạnh phúc cho con người.

Muôn thời và mọi thời, ngày nay biết mấy người đã nhận ra những dấu chỉ tình thương của Chúa qua những biến cố, những sự kiện, những vụ việc xẩy ra trên thế giới, trong xã hội, nơi gia đình vv…Và như thế, con người đâu có nhận ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa, nhận ra con người đầy nhân ái của Đấng cứu tinh Giêsu.

Ba nhà đạo sĩ đã nhận ra ánh sao lạ và họ đã ra đi tới nơi họ chưa thể biết được. Trong cuộc hành trình ấy, Tin Mừng cho biết họ đã gặp biết bao thử thách, cam go, cạm bẫy. Ngôi sao lúc hiện lúc ẩn, họ đã phải hỏi những người không quen biết. Và họ đã gặp biết bao khó khăn. Một Hêrôđê nham hiểm nấp dưới bóng ân cần và lời nhẹ nhàng, dụ dỗ đường mật. Cuối cùng, ba nhà đạo sĩ cũng đã tới nơi hang đá Bêlem va gặp Hai nhi Giêsu bé nhỏ, yếu ớt, mong manh. Họ đã sụp xuống thờ lạy Vua Tình Yêu và dâng cho Chúa Hài Nhi những sản phẩm địa phương thật quí giá.

Vâng, những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó, các kinh sư, tư tế, luật sĩ đã tự cho mình là thông hiểu lề luật, hiểu thấu đáo Kinh thánh nhưng thực tế họ đã đặt họ ra ngoài lề vì chính sự thông hiểu của họ đã tố cáo họ, đã lên án họ.Những kẻ bị coi là ở ngoài, là vô đạo lại nhìn thấy và nhận ra Chúa trong dấu chỉ của một ánh ngôi, một ngôi sao.

Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại là lễ Giáng Sinh của dân ngoại. Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay là Kitô hữu chúng ta có dám mạnh dạn nhận ra Chúa và nong nả chóng vánh lên đường tìm gặp chúa như ba nhà đạo sĩ phương Đông hay chúng ta tự đặt mình vào nhóm những thương tế, kinh sư, tư tế mà nhắm mắt làm ngơ trước sự thực hiển nhiên là Đấng cứu thế đã đang hiện diện nơi họ ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mau mắn nhận ra Chúa và chóng vánh đi tìm gặp Chúa để thờ lạy và cung kính bái chào. Amen.
 
Suy gẫm Thánh kinh để nghe được tiếng Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
15:32 30/12/2009
LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Ds 6: 22-27; Gl 4: 4-7; Luca 2: 16-21

Năm mới đến, tôi hy vọng năm cũ qua là năm tốt lành. Nhưng, đối với tất cả chúng ta có lẽ năm cũ qua không tốt đẹp mấy. Chắc chúng ta đều cảm thấy nỗi đau khổ của biết bao người trong năm cũ. Và chúng ta nói “Năm qua mau chóng thật! Không biết thời gian đã đi đâu?” Thật ra thì chúng ta đã may mắn nên mới thốt ra được lời đó, vì biết bao nhiêu người đã có bà con, bạn bè ra đi, có người thì quá nghèo khổ, có người bị phá sản vì chiến tranh hay khủng bố, có người bị đau ốm kéo dài trong năm cũ. Những người này mong năm 2009 chóng qua và hy vọng năm 2010 tốt đẹp hơn.

Chúng ta mượn lời sách Dân Số để làm lời cầu chúc năm mới 2010 cho bạn bè thân hữu. Chúng ta cầu khấn cho những người thân thiết nhất mà chúng ta biết tên. Chúng ta cũng cầu khẩn cho những người chúng ta không biết tên, và chỉ có Thiên Chúa mới biết tên họ và thương yêu họ. Xin Thiên Chúa “chúc lành cho tất cả và gìn giữ tất cả!... Xin Người dủ thương tất cả… xin người giữ an bình cho tất cả!...” Chúng ta xin Thiên Chúa ban ơn như lời trong sách Dân Số. Và hơn nữa, chúng ta cầu xin cho chúng ta trở nên bàn tay của Chúa để tất cả vì Danh Chúa làm cho những người khác sẽ cảm thấy ơn lành của Thiên Chúa trên họ do có sự hiện diện của chúng ta trong đời sống của họ.

Hôm nay mừng lễ “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Giáo Hội kính Đức Maria ngay từ lúc đầu. Lễ Giáng Sinh chúng ta mừng Ngôi Lời Thiên Chúa xuống làm người. Và hôm nay chúng ta mừng Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta qua Đức Maria, vì nhờ Người mà Ngôi Lời đầu thai ở giữa chúng ta. Nhờ Đức Maria chúng ta cảm thấy ơn chúc lành trong sách Dân Số, vì qua Đức Kitô, con Đức Maria, ánh sáng Thiên Chúa chiếu đến chúng ta và ban cho chúng ta sự an bình. Lời cầu chúc trong sách Dân Số được thực hiện trên chúng ta qua lời xin vâng của Đức Maria với Thiên Chúa.

Các mục đồng đáp lời Thiên thần báo tin (Lc. 2:15-20). Họ vội vã chạy tới làng Bê-lem “để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho họ biết…” (Lc 2:15). Nhưng phúc âm hôm nay ít chú trọng đến các mục đồng, mà chú trọng nhiều đến Đức Maria. Đức Maria nghe lời các thiên thần báo cho các mục đồng. “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy nghĩ lại trong lòng”. Cử chỉ của Đức Maria giúp chúng ta quyết tâm làm gì trong năm mới. Nhiều người trong chúng ta quyết tâm ăn kiên, tập thể thao nhiều hơn, hay bỏ hút thuốc v.v… Ai cũng mốn làm điều hay cả. Nhưng, chúng ta là những người có đức tin có một quyết tâm khác vì chúng ta nhìn vào gương mẫu Đức Maria trong phúc âm hôm nay. Đức Maria là người ghi nhớ mọi kỷ niệm, và suy đi nghỉ lại trong lòng. Suốt phúc âm thánh Luca Đức Maria tỏ ra sự lắng nghe Lời Thiên Chúa. Mẹ là gương mẫu của người có đức tin, là người nghe Lời Thiên Chúa và hành động theo Lời Chúa. Theo bài phúc âm hôm nay, tôi có thể quyết tâm là trong năm mới tôi sẽ cố gắng nghe kỹ hơn. Tôi sẽ để thì giờ suy nghĩ trong lòng những gì tôi đã nghe trong mọi hoàn cảnh đời sống. Điều tôi nghe trước tiên là lời Thánh Kinh, quyết tâm lấy lời Thánh Kinh làm lương thực thiêng liêng, để sống với Thiên Chúa và để làm ánh sáng hướng dẫn đời sống tôi.

Bài phúc âm hôm nay làm tôi để ý đến Đức Maria ghi nhớ tin mừng các mục đồng đã nghe. Thời đó mục đồng là những người hèn hạ, không ai tin họ cả. Nhưng, mặc dù người thời đó khinh bỉ các mục đồng, Đức Maria vẫn nghe lời họ kể lại về tin các Thiên thần báo cho họ. Mẹ là người lắng nghe lời của những người hèn mọn, và như vậy, Mẹ nghe tin vui mừng. Chúng ta không bao giờ biết được Thiên Chúa nói với chúng ta cách nào trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Đôi khi Thiên Chúa nói với chúng ta: qua phản ứng của một em bé đang giận dữ; qua lời khuyến khích của một người bạn; qua lời an ủi của một người ngồi với chúng ta trong khi chúng ta đau khổ; qua hình ảnh của tin tức hàng ngày; qua lời giảng của một linh mục mà chúng ta không thích mấy; qua kết quả của một sự điều tra, qua một bức tranh trong một triển lãm. Ví dụ trong thời kinh tế khủng hoảng những năm 1929-1932 ở Mỹ có nhiều người được thuê đi chụp hình những vùng có người bị nghèo đói. Những hình ảnh họ đưa về thủ đô làm các người lãnh đạo động lòng và tìm cách đặt những luật pháp để giúp người nghèo, người thất nghiệp, và người lớn tuổi. Dân chúng nhìn những bức ảnh đó và nghe “lời nói” của những người bị thất nghiệp, những trẻ em đói khát, và những gia đình thiếu thốn. Họ suy nghĩ những lời họ “nghe” và cố gắng hoạt động nhằm xoa dịu những đau khổ ấy. Những điều họ làm không hoàn bị, nhưng qua “cứu tế xã hội” họ đã giúp biết bao nhiêu người thoát cảnh nghèo khổ.

Một quyết tâm tốt cho năm mới là nên lắng nghe. Bất luận người nào hay đoàn thể nào nói, và suy nghĩ điều mình nghe, và đừng quá vội vã phê bình. Và rồi hãy cầu nguyện xin ơn khôn ngoan để biết làm thế nào để đáp ứng với những gì chúng ta nghe thấy. Đó là nói nhỏ một chút để gây ý tưởng cho anh chị em

Nếu chúng ta biết lắng nghe, chúng ta có thể cảm nghiệm là Chúa Giêsu vẫn tiếp tục sinh giữa chúng ta. Chúng ta cũng có phản ứng như những người đã nghe lời các mục đồng, và chúng ta sẽ ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì nghe tin mừng Thiên Chúa bảo cho chúng ta mặc dù chúng ta sống trong bận rộn của đời sống xô bồ. Lắng nghe Lời Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày để đem ơn lành của Chúa đến cho chúng ta; và khuyến khích chúng ta làm điều tốt cho kẻ khác, cho dù có đối kháng; giúp chúng ta nghe được ơn tha thứ tội lỗi mình; hay làm xoa dịu mọi phiền muộn trong quá khứ hay mọi xích mích trong hiện tai.

Có rất nhiều điều khác chúng ta có thể nghe được; như ở nơi làm việc; ở trong gia đình hay ở những nơi nào khác trong đời sống hàng ngày. Tất cả những điều chúng ta nghe không nâng đỡ, xoa dịu, hay làm chúng ta phấn khởi. Tất cả điều chúng ta nghe chưa chắc là Lời Chúa, cho dù chúng ta cố gắng lắng nghe. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải nghiêm túc nghe lời Thánh Kinh. Lời Thánh Kinh giúp chúng ta nhìn thấy và chú trọng cách nói của Thiên Chúa trong những việc Ngài làm. Những người tập suy ngẫm lời Thánh Kinh sẽ làm như Đức Maria dạy chúng ta hôm nay, là nghe lời Thiên Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nếu chúng ta càng mở lòng trí để lắng nghe, thì chúng ta thấy đựơc và vui mừng việc Ngôi Lời nhập thể. Vì Thiên Chúa luôn nhập thể dưới những hình dạng khác nhau.

Nếu chúng ta càng lắng nghe Lời Thiên Chúa, chúng ta càng có đủ sức tránh xa những tiên tri giả. Họ tự cho là người nói sự thật và có dụng ý lừa dối chúng ta. Dùng lời nói khuyến khích chúng ta đặt giá trị cá nhân lên trên những điều tốt chúng ta định làm. Cám dỗ chúng ta bằng những hứa hẹn quyền lợi, quyền uy, và lợi danh không chú trọng đến người khác. Những ai suy đi nghĩ lại Lời Thiên Chúa trong lòng sẽ biết được Thiên Chúa nói gì và nói khi nào, mặc dù Lời Thiên Chúa đến từ những nguồn chúng ta không nghĩ đến: như những mục đồng dơ bẩn từ ngoài đồng nội. Những mục đồng đó vội vã chạy về Bê-lem để báo cho Bà Maria và Ông Giuse tin mừng họ đã nghe nơi các Thiên Sứ.

FX. Trọng Yên,OP chuyển ngữ
 
Đây là con yêu dấu của Cha
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:39 30/12/2009
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm C

Mc 1, 6b-11

Những cảnh thiên thai hòa quyện với đời sống thơ mộng của con người thực ra không còn là bức tranh của thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Quả thực, Chúa Giêsu đã sống thời gian 30 năm ở làng quê Nagiarét, đã sống trong mái ấm gia đình của cha mẹ Ngài với một đời sống ẩn dật, khiêm nhượng và một cách nào đó không ai biết tới. Hôm nay, mọi người thấy Người xuất hiện trước công chúng, sẵn sàng mở đầu sứ vụ lớn lao mà Cha của Người đã trao cho Người.

Phụng vụ Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa qua ba bài đọc đều nhằm giới thiệu và trình bầy cho nhân loại, cho mọi người thấy Chúa Giêsu được Chúa Cha quý mến. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaia giói thiệu Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha tuyển chọn, nâng đỡ và quý chuộng, yêu mến. Bài đọc 2, sách Công vụ tông đồ qua lời chứng của thánh Phêrô: Thiên Chúa luôn ở với Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ ràng Thiên Chúa Cha luôn yêu thương Chúa Giêsu, lời nói của Chúa Cha trên trời: ” Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con “.

Những lời xác quyết của phụng vụ hôm nay trong ba bài đọc lại làm cho nhân loại, làm cho chúng ta ngỡ ngàng, lúng túng khi Chúa Giêsu để cho Gioan làm phép rửa cho mình ở dòng sông Giođăng. Ngài xếp hàng giữa những người tội lỗi như thế Ngài tự hạ mình như một tội nhân trong khi đó Chúa Cha lại tuyên bố:” Đây là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con “, hoặc đã có lần Ngài nói rõ: ” Ai trong các ngươi có thể bắt lỗi Ta về việc gì ?”. Nhưng Chúa Giêsu lại là Đấng gánh tội, chuộc tội thiên hạ. Chính Gioan Tẩy Giả đã có lần tuyên bố: ” Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian “.Ngài cứu vớt trần gian, tẩy xóa tội lỗi con người, xóa tội con người, gánh lấy tội lỗi con người dù rằng Ngài là Đấng hoàn toàn vô tội. Đây là một cử chỉ hết sức ấn tượng, hết sức nhân từ của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai và cũng là dấu chỉ báo hiệu những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Các tông đồ là những người gần gũi Chúa, nhưng thực sự, các Ông vẫn chưa hiểu gì về sứ mạng của Ngài. Do đó, đã có sự tranh dành quyền hành xem ai sẽ làm lớn, làm bé trong vương quốc của Chúa Giêsu. Chính hai con của Ông Giêbêđê cũng đã một lần bầy tỏ mong ước một người được ngồi bên tả, một người được ngồi bên hữu Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã trả lời với hai Ông và bà mẹ của hai Ông rằng việc ngồi bên hữu và bên tả Ngài không thuộc quyền của Ngài nhưng liệu các Ông có uống nổi chén Ngài phải uống và thứ thanh tẩy mà Ngài phải chịu không ? Như vậy là có một cuộc thanh tẩy khác đang chờ Chúa Giêsu: cuộc thống khổ và cái chết của Ngài trên thập giá. Cuộc thanh tẩy không phải bằng nước của sông Giođăng và từ tay của Gioan nhưng bằng chính máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá. Vâng, Chúa chịu thanh tẩy ở sông Giođăng từ tay Gioan Tẩy Giả là dấu chứng nhân loại được tẩy luyện bằng chính máu của Ngài và được sống lại trong vinh quang của Ngài, đồng thời nhân loại và con người được làm con của Chúa và là anh em với nhau.

Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa, việc thanh tẩy không chỉ là một nghi thức bên ngoài nhưng là nó trở thành cuộc sống mới, trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người. Tội lỗi đã bị đánh bại. Sự sống đã bừng lên và ánh sáng của phục sinh đã tỏa sáng nơi gian trần. Bí tích thanh tẩy mà người Kitô hữu lãnh nhận không chỉ dừng tại đó khi được chịu phép rửa. Nhưng nó kéo dài suốt trong cuộc sống: nó đẩy lùi tội lỗi cá nhân con người nhưng nó còn đẩy lùi tội khỏi nhân loại và khỏi tập thể của cộng đồng nhân loại.Chính vì thế, khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội, làm con của Chúa và con cái của Giáo Hội, người môn đệ Chúa dứt khoát không được thờ ơ, lãnh đạm với những đau khổ của tha nhân: nghèo đói, thiên tai, tội ác, hận thù, ích kỷ. Thờ ơ với những sự khó khăn, những cam go thử thách ở trần gian, người Kitô hữu sẽ không chu toàn lời cam kết khi họ lãnh nhận bí tích thanh tẩy và như thế họ chưa làm chứng được cho Thiên Chúa là Đấng yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn yêu mến các bí tích đặc biệt bí tích thanh tẩy chúng con đã lãnh nhận làm cho chúng con trở nên Con Thiên Chúa và Con của Hội Thánh, và trở thành anh em với nhau. Amen.
 
Mẹ Thiên Chúa và Tiệc cưới Cana
Nguyễn Trung Tây, SVD
17:02 30/12/2009
Mẹ Thiên Chúa và Tiệc Cưới Cana
Mẹ ơi, Ảnh NTT


Bởi nét dịu hiền ngọt ngào của người nữ, trong văn hóa Việt Nam, người mẹ được ví với những thức ăn đậm đà hương thơm vị ngọt,

Mẹ già như chuối ba hương.

Như xôi nếp một, như đường mía lau.


Bởi cưu mang và dưỡng nuôi là hai đặc tính thiên phú của người nữ, trong văn thơ, khi cần phải tô đậm nét quê hương và vùng đất của nơi chôn nhau cắt rốn, người ta hay nói quê mẹ và đất mẹ,

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.


Việt Nam và Do Thái là hai nền văn hóa lâu đời của thế giới, bởi thế cả hai có rất nhiều nét tương đồng. Nếu người Việt Nam đã từng được dạy dỗ, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, người Do Thái cũng có điều răn thứ Tư của Mười Điều Răn, “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”, dạy dỗ con cái về Đạo làm con và làm người. Đức Giêsu là một người đàn ông Do Thái. Người sinh ra tại thành phố Bethlehem, vào khoảng năm 6-4 B.C. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, Ngài cũng tuân theo những luật lệ của xã hội Do Thái, đặc biệt là bộ luật Môisen, hay nói ngắn gọn là Mười Điều Răn. Một trong những điều luật căn bản này nói theo ngôn ngữ Do Thái là, “Thảo kính cha mẹ”, hoặc nói theo ngôn ngữ Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu”. Bởi vậy, độc giả Kinh Thánh không lạ chi, sau biến cố “lạc” trong Đền Thờ, cậu bé Giêsu vâng lời, theo bố mẹ về lại thôn làng Nazareth, và Ngài tiếp tục, lớn lên dưới sự dạy dỗ và dưỡng nuôi của dưỡng phụ Giuse và thân mẫu Maria (Luke 2:51-52).

Phép lạ Tiệc Cưới Cana là một câu chuyện Tin Mừng tô đậm nét hiếu thảo của Đức Giêsu đối với thân mẫu của Người. Trong khi quan khách đang ngà ngà say trong tiệc cưới, tự nhiên rượu cạn khô. Người Do Thái, trong những sinh hoạt hằng ngày, không uống trà xanh, Coke, hoặc bia, nhưng rượu. Bình thường còn như thế, nói chi tiệc cưới. Tiệc cưới cạn rượu, do đó, là một điềm xấu trong nền văn hóa Do Thái. Không rượu trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, lo sợ cho vận xám của đời sống lứa đôi trong tương lai là chuyện còn quan trọng hơn nhiều. Rượu cạn khô ngay giữa tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói sợi dây tơ hồng nối buộc cô dâu và chú rể của tiệc cưới Cana rất mỏng manh. Cho nên chỉ ngày một ngày hai, khi giông tố ào ào nổi lên, sợi dây tơ hồng này sẽ bị thổi đứt. Dưới lăng kiếng thần học, rượu bốc hơi, cạn khô, biến mất trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Theo như thánh sử Gioan, không ai hay biết, chẳng ai hay rượu cưới đang bốc hơi cạn khô trên bàn tiệc Cana. Ngay cả ông quản tiệc, người có trách nhiệm về rượu của tiệc cưới, cũng không biết chi. Không ai biết, chẳng ai hay là điềm xấu đang đứng gõ cửa, thế mà Mẹ Maria đã tinh tế, nhanh nhẹn nhận ra tình trạng, “Nhà người ta hết rượu rồi” (Gioan 2:3). Và Mẹ quyết định hành động. Trước khi ông quản tiệc hay bất cứ người nào có dịp vỗ trán, đấm ngực, than thở, đổ lỗi cho nhau, Đức Mẹ tiến tới, nói với con của mình,

— Nhà người ta hết rượu rồi!

Thoạt tiên, Đức Giêsu từ chối can thiệp, nhưng Ngài giải thích với thân mẫu của mình,

— Giờ của con chưa tới (Gioan 2:4).

Trước lời giải thích đầy những nét thần học của Đức Giêsu, Đức Mẹ không nói thêm chi với Cậu Trưởng Nam. Quay sang những người hầu, Mẹ nói,

— Ngài nói chi, cứ làm theo (Gioan 2:5).

Điều luật thứ Tư trong bộ luật Môisen, “Hiếu thảo với bố mẹ”, hay “Làm con phải hiếu” trong “bộ luật” Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính giải thích thái độ lạ kỳ của Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana; đó là, thoạt tiên trước lời yêu cầu của thân mẫu, Ngài từ chối, nhưng chung cuộc lại làm theo lời đề nghị của mẹ mình. Bởi người phụ nữ nói với Đức Giêsu câu nói, “Nhà người ta hết rượu”, là người đã từng cưu mang Ngài chín tháng mười ngày, nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, Đức Giêsu cuối cùng đã đổi ý, và Ngài vâng lời Đức Mẹ. Thế là rượu thơm ngập tràn khắp nơi trong tiệc cưới. Rượu nồng nàn đôi má chú rể, tô hồng đôi môi cô dâu, long lanh ánh mắt quan khách. Người ta say với rượu, ngập tràn trong rượu. Rượu nổ vang tiếng cười tiếng nói trong tiệc cưới Cana. Nhìn dưới lăng kiếng thần học, Đức Giêsu chính là Chú Rể của Trời Cao, Người đã ban phát rượu tới quan khách của tiệc cưới Cana. Và bởi sự can thiệp của Mẹ Maria, tiệc cưới Cana lại ngập tràn rượu, khiến cho chú rể, cô dâu, và quan khách lại tiếp tục đỏ hồng đôi má.

Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã trối lại thân mẫu của Ngài cho người môn đệ được Ngài thương yêu, và người môn đệ cho Mẹ của Ngài (Gioan 19:26-27). Từ giây phút đó trở đi, Mẹ Maria đã trở thành không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn là Mẹ của tất cả những người được Thiên Chúa thương yêu, bồng ôm vào lòng, ân cần chăm sóc.

Suy Niệm

Bởi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và bởi Đức Giêsu là một người con hiếu thảo, hãy chạy đến với Mẹ những khi bạn cần người tâm sự, thổ lộ nỗi lòng của trăm khúc tơ vò, không biết bày tỏ cùng ai.

Riêng nói về rượu, chúng ta biết rượu có chất men làm cho người ta say nồng, yêu đời, đặc biệt trong tình yêu. Nhưng trong tình yêu, không phải lúc nào người ta cũng nồng nàn yêu nhau. Có những lúc thức giấc, vợ chồng bàng hoàng nhận ra nhà của mình đã hết rượu, rượu hôn nhân đã cạn khô, hai vợ chồng không còn yêu nhau nồng nàn, thắm thiết như thuả nào. Những lúc cạn rượu hôn nhân, mời bạn hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa. Ngày xưa trong tiệc cưới Cana, chưa ai nhận ra rượu của tiệc cưới cạn khô, nhưng Mẹ đã tế nhị, nhận ra tình trạng chết kẹt của đôi tân hôn. Và thế là Mẹ can thiệp, ngay cả trước khi chú rể và cô dâu chạy đến mở miệng nhờ Mẹ giúp đỡ. Ngày hôm nay, vào những giây phút mà bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân lứa đôi đang bị đe dọa, nếu bạn chạy đến cầu nguyện với Mẹ, nói với Mẹ, “Mẹ ơi! Nhà con đã hết rượu rồi!”, chắc chắn rượu của tiệc cưới sẽ lại ngập tràn trong ánh mắt và đôi môi của chàng và của nàng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng là Mẹ của chúng con. Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ dịu ngọt như chuối ba hương và tuyệt vời như vầng trăng rằm. Những lúc nhà của chúng con hết rượu, xin dạy chúng con biết chạy đến nói với Mẹ Thiên Chúa, “Mẹ ơi! Nhà con hết rượu rồi".

Để lắng nghe audio file của Mẹ Thiên Chúa và Tiệc cưới Cana, xin mời bấm vào link, www.nguyentrungtay.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 30/12/2009
MỘT CON KIẾN

N2T


Một phạm nhân ở tù đã lâu năm, vẫn cứ một mình trong một phòng giam nên không thấy những người khác, anh ta không cách gì nói chuyện được với bất cứ người nào, ba bữa ăn đều được đưa vào từ một cửa ô vuông nhỏ bên vách tường.

Một hôm, một con kiến bò vào trong phòng giam của anh ta, anh ta thích thú nhìn nó bò khắp nơi, sau đó vì để quan sát cho rõ ràng hơn bèn bắt con kiến bỏ vào trong lòng bàn tay, cho nó ăn một hai hạt cơm, ban đêm thì nhốt nó trong cái ly thiếc của mình.

Qua mấy ngày sau, anh ta suy nghĩ rất nhiều về việc mình bị nhốt trong tù hơn mười năm qua, bây giờ mới mở ra nhãn giới để hiểu được sự dễ thương của con kiến, bất giác mất đi sự buồn bực.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta không ai là một hòn đảo, do đó mà dù biết rằng ở tù là cô độc và tâm hồn thì cảm thấy đã trở nên chai lì trước hoàn cảnh hiện tại, hoặc ít nữa là lòng mang một mối hận đời sâu xa, nhưng vẫn cứ luôn mong muốn được người khác chia sẻ và chia sẻ với người khác, bởi vì lương tâm của họ vẫn còn “sống”.

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài luôn gởi đến cho chúng ta những thông điệp yêu thương, an ủi, thương xót và bình an, trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta, Ngài gởi đến cho chúng ta người này với câu nói này, người nọ với thái độ hành vi kia, và thậm chí Ngài gởi đến cho chúng ta một con kiến rất tầm thường đế cảnh tỉnh và an ủi chúng ta. Chỉ có điều duy nhất là chúng ta có biết nhận ra sứ điệp của Thiên Chúa trong người này hoặc nơi hoàn cảnh nọ hay không mà thôi.

Nhưng sứ điệp yêu thương vĩ đại nhất mà Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta chính là Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- như lời trong thư gời giáo đoàn Do Thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1, 1-2)

Thiên Chúa luôn yêu thương nhân loại, yêu thương mỗi một người trong thế giới này, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 30/12/2009
N2T


14. Các bạn nên tìm kiếm điều thiện trong tất cả mọi việc, sự thiện duy nhất chính là Thiên Chúa.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 30/12/2009
N2T


330. Tình yêu là một đóa hoa sinh trưởng nơi giáp ranh vách đá cheo leo, muốn hái được nó thì cần phải có rất nhiều dũng khí.

 
Thời gian là tình yêu
LM. Guise Nguyễn Hữu An
20:28 30/12/2009
Năm 2009 đã trôi qua. Ngày 01.01.2010 thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc, nó để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần... cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rất rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.

Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại.Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

Thời gian tháng năm cũ trôi qua và đi vào qúa khứ. Nhưng cuộc sống con người không vô tình xuôi chảy như dòng nứơc. Bởi lẽ con người sống trong thời gian là để yêu thương nhau.

Người ta vẫn thường nói thời giờ là tiền bạc. Đúng hơn thời gian là tình yêu. Đơn giản là vì một trong những điều tốt nhất con người có thể dành cho nhau, đó là thời gian.

Thời gian thật quí. Thời gian là hồng ân. Sống trong thời gian là yêu để sống. Ai đang yêu là người đang sống trong thời gian.

Báo Tuổi trẻ Chúa nhật số 44/2000 có đăng câu chuyện thật ý nghĩa về tình yêu và thời gian.

Ngày xưa các vị Thần Hạnh Phúc, Khổ Đau,Tình Yêu,Giàu Sang và nhiều vị khác nữa cùng sống chung với nhau trên một hoang đảo.Một hôm cơn đại hồng thuỷ tràn đến, hòn đảo xinh xắn sắp chìm trong biển nước.Tất cả các vị Thần đều chuẩn bị thuyền để vượt biển vào đất liền lánh nạn.Riêng Thần Tình Yêu vì quá nghèo nên không có nổi một chiếc thuyền để ra đi.Thần đành ngồi im lặng đợi chờ đến giây phút cuối cùng mới quyết định quá giang các vị Thần khác.

Khi Thần Giáu Sang đi ngang qua,Thần Tình Yêu xin: Anh mang tôi đi cùng với.

Không được đâu, tôi có biết bao vàng bạc quý giá phải mang theo sao còn chỗ cho bạn.

Thần Đau Khổ đến gần. Thần Tình Yêu nài nỉ: Anh cho tôi đi với nhé.

Tôi bất hạnh và buồn chán quá,tôi chỉ muốn ở một mình thôi.

Thần Hạnh Phúc đi ngang qua cũng thế. Thần quá hạnh phúc cho đến nổi không nghe được tiếng kêu cứu của Thần Tình Yêu

Bỗng nhiên có giọng nói của một cụ già: Này tình yêu, tôi sẽ đưa anh vào đất liền.

Thần Tình Yêu nghe thế liền chạy nhanh đến thuyền của cụ già.Quá vui mừng vì thoát nạn,Thần Tình Yêu quên hỏi tên cụ già tốt bụng.

Khi tất cả các vị thần đều đến được đất liền, cụ già lẳng lặng bỏ đi mất. Khi đó Thần Tình Yêu mới sực nhớ là đã quên cám ơn người đã giúp mình thoát nạn liền quay sang hỏi Thần Kiến Thức: Thưa ông, cụ già vừa giúp tôi khi nãy tên gì vậy?

Thần Kiến Thức đáp: Đó là Thần Thời Gian

Thần Thời Gian ư ? Nhưng vì sao ông ta lại giúp tôi ?

Thần Kiến Thức mỉm cười: Vì chỉ có thời gian mới có thể hiểu được tình yêu vĩ đại như thế nào.

Tình yêu và thời gian là hai phạm trù khác biệt nhưng lại có tương quan chặt chẽ.Thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Thời gian đo lường tình yêu.Tình yêu lớn lên hay lụi tàn theo thời gian.Sống trong thời gian là yêu để sống.Thời gian không có tình yêu sẽ lạnh lùng buồn chán.Tình yêu ý nghĩa hoá và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đầy ắp niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc.

Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, ngắm một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm... Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.

Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.

Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng... nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là mình đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.

Thánh Augustine từng nhận định rằng thời gian nếu xem như một hiện tượng chủ quan có thể rất khác so với thời gian nếu xem như một khái niệm trừu tượng. Nếu thời gian ở dạng trừu tượng, ta chẳng thể biết tương lai vì nó không ở đây, và cũng chẳng biết mặt mũi quá khứ là gì. Ta có thể có ký ức, có kỷ niệm, nhưng diễm xưa đã xa rồi còn đâu thấy nữa. Điều duy nhất hiện hữu là hiện tại, đó là con đường duy nhất về quá khứ và đến tương lai. Thánh Augustine viết: "Do đó, hiện tại có ba chiều: hiện tại của những chuyện quá khứ, hiện tại của những chuyện hiện tại và hiện tại của những chuyện tương lai".

Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại. Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu.

Tình yêu cần thời gian để kiến tạo hạnh phúc. Như thế sống là để yêu và yêu là để sống. Tình yêu cho cuộc sống màu xanh. Thời gian luôn đong đầy hạnh phúc. Vì thế phải yêu cho thật tình đừng dối gian nhau. Yêu cho thật nhiều không hề toan tính. Chúa Giêsu đã tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy “ Đức Kitô đã chết vì chúng ta” ( Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Chúng ta cũng sẽ không phung phí thời gian để mơ mộng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Từng giây phút ta đang sống trong bầu không khí trong lành quanh ta đều quý giá. Từng con người mà ta có may mắn được tiếp xúc cũng đều quý giá.

Thời gian là Tình yêu. Sử dụng thời gian quý giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi người.

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.

Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.

Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.

Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.

Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai.

Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.

Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.

Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của thời gian, là Vua của tình yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong yêu thương.
 
Ánh Sao Soi Đường
LM. Anmai, CSsR
21:02 30/12/2009
Chúa nhật Hiển Linh, Năm C – (Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a5.6; Mt 2, 1-12)

Từ ngàn xưa, Do Thái đã được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn làm dân riêng của Ngài. Do Thái như là trưởng tử trong gia đình của Thiên Chúa. Do Thái được yêu thương, được nâng niu, được chiều chuộng một cách hết sức đặc biệt. Trong ý định ngàn xưa, Thiên Chúa muốn Do Thái được vẻ vang, được vinh quang. Vinh quang dành cho dân riêng - dân được chọn ấy – hôm nay được nhắc nơi ngôn sứ Iasia:

Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa. (Is 60, 1-60)

Thế nhưng, vì bội nghĩa vong ân, nhiều lần nhiều lúc Thiên Chúa đã oán phạt dân riêng mà Ngài đã chọn. Phạt thì phạt, giận thì giận nhưng Thiên Chúa không đành cắt đứt nghĩa tình của Ngài. Và rồi, bằng nhiều hình thức, nhiều cách, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu ấy.

Trong cuộc sống thường nhật, cái gì mà lộ ra trước mắt người ta mà người ta không mất công để tìm kiếm thì những thứ ấy dường như không có giá trị và người ta cũng không trân trọng. Với những gì mà người ta cất công tìm kiếm, khi có được thì thái độ, tâm tình của họ khác hẳn. Họ sẽ hết sức vui mừng, mất ăn mất ngủ với những gì mà họ có được sau những ngày dài vất vả.

Đơn giản nhất là sau khi miệt mài lao động, sau khi miệt mài vất vả thì người thợ lặn mới có thể tìm ra được viên ngọc quý. Ngọc quý nằm sâu tít dưới đáy biển chứ không nằm lộ thiên để người ta nhặt về làm của riêng cho mình.

Thiên Chúa cũng vậy, Thiên Chúa có đó, Thiên Chúa đã mạc khải về Ngài nhưng chỉ những ai thành tâm tìm kiếm mới được gặp Ngài.

Có những lúc Thiên Chúa xuất hiện chỗ này hoặc chỗ khác, có những lúc Thiên Chúa ẩn mình. Có những lúc Thiên Chúa nói trực tiếp, có những lúc Thiên Chúa nói gián tiếp. Có những lúc người ta cảm giác như Thiên Chúa đi đâu đâu rồi nhưng thực sự Thiên Chúa vẫn có đó trong thế gian này.

Việc Con Thiên Chúa cất tiếng khóc chào đời để cứu độ nhân loại cũng vậy, đâu phải một ngày một bữa mà Giêsu xuống thế gian. Một chặng đường dài của lịch sử, Con Một Thiên Chúa đã được tiên báo qua miệng của các ngôn sứ, qua những người trung gian của Thiên Chúa.

Trở về với cái bối cảnh Bêlem ngày nào, chúng ta sẽ thấy rõ chuyện này.

Đấng Mêsia được loan báo trong Cựu Ước. Sự xuất hiện của Đấng Mêsia đã làm đảo lộn cả thế giới và rồi mỗi người một cách nghĩ, mỗi người một cách kiếm tìm. Chỉ biết là Mêsia đến nhưng không biết đến ngày nào và đến ở nơi đâu. Các ngôn sứ hình như có nói về cái mảnh đất nhỏ bé Bêlem nhưng mấy người chịu tin vì Bêlem là cái chi chi để mà Mêsia đến.

Bêlem ngày nào đó cách đây hơn hai ngàn năm được cái vinh hạnh là đón Đấng Cứu Thế trần gian cất tiếng khóc chào đời. Phải nói rằng Bêlem chẳng là gì cả so với những vùng đất tên tuổi. Bêlem nhỏ bé đến độ chẳng ai thèm để ý đến, thèm ngó ngàng đến ấy vậy mà lần này Bêlem được nổi tiếng.

Cũng để thoả mãn trí tò mò, để an tâm hơn với cái lời đồn đại vua dân Do Thái sẽ xuất hiện thì vua dân Do Thái hỏi các thượng tế và kinh sư. Tưởng các thượng tế và kinh sư không biết chuyện này nhưng các thượng tế và kinh sư trả lời một cách mau mắn câu hỏi của nhà vua về chuyện Đấng Cứu Độ trần gian cất tiếng khóc chào đời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời." Trả lời quá nhanh với câu hỏi hóc búa ! Cũng đúng thôi vì những kinh sư và thượng tế là những người nghiên cứu rất kỹ về Đấng Mêsia và ngong ngóng Đấng Mêsia ngự đến.

Vốn dĩ kém lòng tin cộng với sự lo lắng về ngai vàng của mình Hêrôđê bí mật mời các nhà chiêm tinh đến hỏi cho ăn chắc. Ông không thể tin được Mêsia đến ngay cái thời của ông và sợ nhất là vua dân Do Thái chào đời ấy sẽ làm cho ông mất ngai thế là ông làm ra cái vẻ tốt bụng, ông đã mời các nhà chiêm tinh đến để hỏi và còn làm bộ làm tịch nếu như gặp “Người” thì chỉ cho vua biết để vua “bái lạy”.

Sau khi rời khỏi dinh thự Hêrôđê thì ánh chỉ đường cho những nhà chiêm tinh lại xuất hiện để chỉ đường cho các ông. Nhờ ánh sao soi đường các ông đã đến được nơi cần đến. Các ông đã gặp Hài Nhi và thân mẫu của Hài Nhi. Kèm theo lời chào, lời thăm hỏi đó là lễ vật dâng lên Hài Nhi.

Một lần nữa, các nhà chiêm tinh được báo cho biết con đường để đi về sau khi gặp Hài Nhi. Các nhà chiêm tinh phải đi về bằng con đường khác chứ không được đi về bằng cái con đường cũ mà các ông đã đi.

Các nhà chiêm tinh, Thánh Kinh không nhắc đến là người nào, dân tộc nào nhưng có lẽ họ là dân ngoại. Họ không theo tôn giáo nhưng họ say mê nghiên cứu vũ trụ, họ nghiên cứu về cuộc đời. Căn cứ vào những gì được báo mộng, căn cứ vào những diễn tiến trong cuộc đời và họ đi tìm Đấng Cứu Độ trần gian. Khởi đầu chắc có lẽ cũng do tò mò, do muốn tìm hiểu sự thật xem có đúng với những gì được tiên báo không nhưng mọi việc diễn ra trước mắt của các ông không có gì có thể chối cãi được. Hài Nhi Giêsu và Mẹ Ngài sờ sờ bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Thấy vậy và ắt hẳn các ông đã tin.

Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Các nay không còn ở trong sách vở, ở trong lý thuyết, ở trong những điều tiên báo nữa mà là sự thật. Sự thật về Ngôi Hai đã được mạc khải nhờ Tin Mừng. Sự thật ấy, việc mạc khải ấy đòi hỏi sự cộng tác, sự tìm tòi của con người. Phần Thiên Chúa, Thiên Chúa từ ngàn xưa đã có và hiện tại cũng đang có. Phần con người, con người phải mất công đi tìm để đáp lại tiếng của Ngài.

Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi cho giáo đoàn Êphêsô mới nhắc nhớ chúng ta điều ấy: “Anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Ep 3, 2-3a5.6

Qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn dùng Thần Khí và các thánh Tông Đồ và các ngôn sứ để mạc khải về Ngài. Chúng ta được may mắn hơn dân Do Thái ngày xưa là ngày nay chúng ta được mạc khải quá rõ ràng về Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn hiện ra bằng cách này hay cách khác, bằng ánh sao này hay ánh sao khác trong cuộc đời chúng ta là những biến cố trong cuộc đời chúng ta. Chuyện quan trọng là chúng ta có nhận ra ánh sao soi đường ấy hay không mà thôi.

Giữa biết bao nhiêu con người thời của Hêrôđê, thời của các thượng tế và kinh sư, thời của các nhà chiêm tinh và của biết bao nhiêu người Do Thái thì chỉ có những nhà chiêm tinh đã được nhận thấy Thiên Chúa một cách nhãn tiền. Ơn phúc ấy đòi hỏi sự góp công, sự tìm tòi và nhờ ơn Chúa.

Chúng ta xin ơn Chúa cho chúng ta cũng biết bắt chước như các nhà chiêm tinh để chúng ta có một lòng say mê tìm kiếm Thiên Chúa như họ. Và, trong cái hành trình tìm kiếm Thiên Chúa ấy có những lúc khó khăn là bị mất dấu do mất ánh sao lạ hay là sự đe doạ của những Hêrôđê thời đại nhưng nếu vững tâm và vững tin thì sẽ được gặp.

Và khi gặp Ánh Sao Soi Đường, khi có Ánh Sao Soi Đường trong cuộc đời của ta, ta cũng nên chăng bắt chước những nhà chiêm tinh là chia sẻ Ánh Sao mà chúng ta bắt gặp trong cuộc đời của anh chị em đồng loại chung quanh ta. Thiên Chúa vẫn muốn, vẫn mời gọi mỗi người chúng ta hãy là một ánh sao nho nhỏ để cho người khác được xem thấy. Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta chỉ cho mọi người thấy Ánh Sao Soi Đường đích thực chính là Ngài.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Ánh Sao Soi Đường chỉ đường dẫn lối cho mỗi người chúng ta luôn đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta không bao giờ phải lạc bước giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp này và cũng nguyện xin Ánh Sao Soi Đường ban ơn cho chúng ta để chúng ta được chiêm ngắm vinh quang mà Thiên Chúa hứa cho những ai Ngài yêu thương, Ngài ân thưởng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: Giáo huấn của Giáo hội phản ảnh sự hòa điệu của kế hoạch Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
17:56 30/12/2009
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Tóm gọn lại, giáo huấn về Đức Tin Công Giáo là một “bản nhạc hòa tấu tuyệt vời ca tụng Thiên Chúa và tình yêu của Người.”

Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, ngày 30 tháng 12, 2009: Trong một thế giới nơi người ta lựa và chọn những gì họ muốn tin, những gì phải học và chọn làm ngành chuyên môn, giáo hội phải giúp người ta nhận thức được rằng tất cả giáo huấn của giáo hội về Ba Ngôi, về việc sáng tạo, việc cứu chuộc, về các bí tích và luân lý đạo đức phản ảnh “sự hòa điệu của kế họach cứu rỗi của Thiên Chúa.”

Trước khi bầy tỏ niềm hy vọng rằng tình bạn với Chúa Giêsu sẽ luôn luôn đồng hành với mỗi khách hành hương hiện diện trong suốt niên lịch 2010, Đức Thánh Cha giảng tiếp trong một loạt các bài cho các buổi tiếp kiến về các thần học gia và triết học gia vào thời Trung Cổ.

Chú trọng vào công trình của Peter Lombard, sanh tại Ý và mất năm 1160 khi làm giám mục tại Paris. Ngài nói: tác phẩm nổi tiếng của Đức Giám Mục Lombard, "Các Mệnh Đề (The Sentences,)" giống như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, và đã chứng tỏ là các giáo huấn của giáo hội qua thời gian, đã được nối kết với nhau và phải được coi chung như một tổng hợp, nếu muốn thấu hiểu đức tin. Đức Thánh Cha Benedict nói: Peter Lombard vẫn còn được ghi nhớ vì đã cung cấp “định nghiã chung quyết” của một bí tích như “một dấu chỉ bên ngoài và nguyên do của ân sủng.”
 
Nhịp Cầu Truyền Giáo Brazil
Lê Hồng Mạnh, SVD
20:07 30/12/2009
Năm củ sắp qua đi, Noel lại về.

Thời gian cứ như mây và gió tiếp tục trôi. Mới đó mà đà gần 5 năm lận đận, lẫn đận ở chốn rừng hoang Brazil. Hiệp thông với tất cả anh em Ngôi Lời và gia đình cùng bạn hữu xa gần, cho tôi “người lữ khách” nơi xứ Batây được thả hồn theo “chiều gió” một vài tư tưởng vu vơ... vớ vẩn.

Năm nay không biết là “Italy God = ý trời” hay là “duyên phân”, nhà dòng lại “lôi” tôi về với chương trìnnh đào tạo, formation, để cùng đồng hành với các Thầy Tập Sinh, novices.

Bao nhiều nhà Truyền giáo đã đến, rồi đã đi, bao nhiều, Linh mục, nam nữ tu sỉ đã làm việc trong chương trình đào tạo: Đào theo người miền trung còn gọi là cuốc, mà cuốc, cày thì cần nhiều sức; còn Tạo thì cần nhiều khôn ngoan, kinh nghiệm, sáng suồt và sáng TẠO.

Đào tạo, phấn đấu, tu trì để sinh ra những nhà truyền giáo đích thực, những chứng nhân, môn đệ của Thầy Chí Thánh – "Ta đến để tất cả được sống, và sống viên mãn" (Jn 10,10). bởi vậy – Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. (Mt 20,28)

Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; chính Ngài:

là nhịp cầu giữa Trời và Đất,
là nhịp cầu giữa Thiên và Nhân,
Ngài còn là nhịp cầu giữa giàu và nghèo, thiện và ác, chiến tranh và hòa bình.

Suy tưởng về nhịp cầu, làm tôi lại liên tưởng và thả hồn theo bài hát “Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay..”

Nhà tôi đang ‘tập sống, tập làm việc’ với các thầy tập sinh, bất hạnh thay vì chiếc cầu gỗ bị gió và mưa cuốn đi mất. Sống ở miền quê, trong rừng chiếc cầu như là mạch sống hằng ngày vậy đó. Đã viết nhiều thư, điện thoại rồi họp hành gần cả năm nay với chính quyền địa phương nhưng chiếc cầu vẫn chưa hoàn thành.

- Trong chiến tranh, bảo động, thiên tai nhịp cầu luôn là mối đe dọa đầu tiên.

- Trong cuộc sống, bao nhiêu nhịp cầu cũng đã bị “cuốn theo chiều gió”của ích kỉ, giận hờn, ghen ghét thiếu hiểu biết.

Brazil, quê hương của các vua thể thao như Pelê, Ronaldo, Ronaldinho, Kaka, Robinho, rồi những điều nhảy lừng danh samba, forró của các cô gái trong mùa hội Carnaval.

Một văn hóa nhộn nhịp, lạc quan của người dân Batây cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoản kinh tế, chính trị, và nhất là thiên tai – Global Warming – Rừng Amazon, lá phổi địa cầu lại được ví như NHỊP CẦU cứu rổi.

Ai đã một lần đến sông Amazon, thả trôi theo dònng sông từ thủ đô Manal xuống Santarém rồi ra cửa biển Belém, dòng sông dài hơn 5000 km, nên cần cả tuần lễ để chiêm ngắm sự tuyyệt vời của Thiên Nhiên mà Thiên Chúa đạ trao tặng cho nhân loại.

Dòng sống là mạch sống, nhưng cũng là nhịp cầu đưa con người từ bên này sang bên kia. Là thiên đường của đủ mọi loại cá.

Dòng sông vị đại Amaxo cũng là một nhịp cầu đưa con người nhận ra sự quảng đại, tuyệt vời của Đấng tạo hóa.

Đứng giữa cánh rừng Amazone, trôi theo dòng sông đen – Rio Negro Amazon, tôi lại ‘ thả hồn và tâm trí trôi theo dòng suy tưởng vớ vận này: ‘Cha mẹ và thế hệ cha ông chúng ta, nhất là người bản xứ thổ dân, không được đi học, không biết viết và cũng chăng biết đọc Kinh Thánh; nhưng các Ngài đã gặp, đã hiểu và nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa qua cuốn “Kinh Thánh Thiên Nhiên”. Sông Núi, Đất Trời là cuốn kinh thánh đầu tiên mà Đấng Tạo Hóa đã viết và trao tặng cho nhân loại.

Nếu vì thiếu giờ để học và đọc kinh thánh, kinh sử, thì dù là Kitô hữu hay bất kì một ai cũng có thể đọc, học và cảm nghiệm được Thiên Chúa qua Thiên nhiên. Từ một chén cơm, tô phở, hay cái bánh bigmac, pizza hoặc chiếc áo, rồi đôi giầy, mobil, computer, xe hơi, nhà cửa, tất cả vật dụng đều lấy ra từ lòng Đất Mẹ=Mother Land = Terra Mãe.’ – Tôi thầm cám ơn Trời -

Nhìn những em bé người bản xứ Brazil trên chiếc canoe gổ nhỏ bé đeo bám theo các con thuyền lớn để bán tép, bán tôm trên sông Amazon; nhìn các người nông dân đơn sơ chất phát cuốc đất trồng khoai, tôi lại nhớ đến cảnh đồng quê ở Việt Nam – Tôi lại thầm cảm ơn Đấng tạo hóa. Chính những người thôn quê, bản xứ sống giữa thiên nhiên và lệ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên, lai chính là nhịp cầu cho tôi tiếp tục cám ơn Trời đã tạo dựng nên tôi; cám ơn Đời đã cho tôi cuộc sống và cám ơn Người vì người đã yêu tôi.

Lạy Chúa, xin cho con tiếp tục làm chiếc cầu Ngôi Lời nhỏ bé, long đong giữa lòng đất và lòng người Brazil thân yêu.

* Thân chúc tất cả anh em Dòng Truyền Giáo Ngôi lời, gia đình và các bạn hữu gần xa luôn là là nhịp cầu yêu thương, và đừng quên ủng hổ cho đội banh Brazil lấy giải world cup in South Africa 2010...... ha ha. -muito obrigado- thank you – Cám ơn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chân dung Linh mục: Người lữ hành lặng lẽ- LM Trần Khắc Vinh
Ủy Ban Văn Hóa Giáo Phận Thanh Hóa
09:30 30/12/2009
Chân dung Linh mục: Người lữ hành lặng lẽ

Linh mục Micae Trần Khắc Vinh

LM Micae Trần Khắc Vinh
Trong dòng vận động thăng trầm của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, có biết bao tấm gương Linh mục đã từng sống, từng cống hiến và nêu gương như những nhân chứng sống về tình yêu và niềm tin bất diệt vào chân lý của Đức Kitô. Giáo phận Thanh Hóa là nơi ươm mầm, phát triển cho nhiều nhân chứng như vậy, trong đó cho đến ngày nay, nhiều người còn nhắc nhớ đến cha cố Micae Trần Khắc Vinh như một điển hình của hành trình ấy. Có rất nhiều câu chuyện, nhiều sự tích về cuộc đời tu nghiệp của Cha Micae

1. Đôi nét về cuộc đời cha Micae Trần Khắc Vinh.

Cha Micae Trần Khắc Vinh tên thật là Nguyễn Văn Vinh sinh ngày 16/9/1911 (23 tháng 7 năm Tân Hợi) tại Giáo họ Trị sở, Giáo xứ Phong ý, thuộc Giáo hạt Sông Mã, Giáo phận Thanh Hóa (xóm Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Ông bà thân sinh là những người giáo hữu rất đạo đức, luôn lấy việc lành thánh thiện mà nêu gương sáng cho con cái. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống của cha Micae Trần Khắc Vinh – có thể nói gia đình chính là nơi khởi nguồn cho tình yêu và ­íc muốn dấn thân theo Đức Kitô của ngài.

Một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời dấn thân của cha cố Micae, đó là năm lên 11 tuổi (năm 1922) ngài được cha Phêrô Trần Khắc Cần nhận làm con thiêng liêng và linh hướng cho việc chuẩn bị vào Tiểu chủng viện. Vì thế, ngài đã quyết định lấy họ Trần của cha đỡ đầu thay cho họ Nguyễn, là họ của dòng tộc.

Ba năm sau, ngài được gửi vào học tại Tiểu chủng viện Ba Làng - Thanh Hóa. Theo học ở đây được 3 năm, đến năm 1927 ngài lại chuyển ra học tại Tiểu chủng viện Phúc Nhạc – Phát Diệm. Từ năm 1933 đến 1936 cha dạy học ở trường Mission – Thanh Hóa. Năm 1936 cha được cử đi học chủng viện ở Đại chủng viện Xuân Bích – Hà Nội. Sáu năm sau, mùa hè năm 1942 (ngày 6/6/1942) ngài được thụ phong thiên chức Linh mục tại nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, do Đức cha Lui Hành (Couman) – Giám mục giáo phận Thanh Hóa cử hành. Kể từ đây cuộc đời của chàng thanh niên trẻ bắt đầu đi theo một hành trình đầy những chông gai, trắc trở. Nhưng với sức trẻ của tuổi thanh xuân, cái nhìn luôn lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào và niềm tin xác tín rằng §øc Kitô luôn sát cánh bên mình, ngài đã vượt thắng được mọi cám dỗ, thử thách của đời trần tục.

2. Cha cố Micae - chứng nhân của niềm tin và niềm lạc quan không bao giờ tắt

Năm 1945, làm phó xứ Chính Toà, ngài được giao chăm sóc trại phong cùi Đại Độ (hiện nay thuộc phường Phú Sơn - Tp. Thanh Hóa), tuy là Linh mục trẻ mới ra trường song ngài không nề hà vất vả, dấn thân hết mình phục vụ những người phong cùi theo tinh thần Phúc âm. Cũng năm 1945 xảy ra nạn đói khủng khiếp, cha Micae suốt ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường với chiếc xe đạp cũ kỹ, vừa đi cử hành bí tích cho người hấp hối ở các ngả đường, gầm cầu, xó chợ, vừa đi quyên góp lương thực để trợ giúp những người đang bị nạn đói của năm Ất Dậu hoành hành.

Năm 1952, khi cha đang làm quản xứ Giáo xứ Ngọc Lẫm (thuộc xã Trường Giang - Huyện Nông Cống - Thanh Hóa), thì xảy ra việc đấu tranh chính trị, nhưng suốt đời sống với mầu nhiệm thập giá, ngài đã được sức mạnh phi thường của thập giá nâng đỡ, nên ngài đủ sức kiên cường chịu đựng mà không một lời ca thán. Sau cuộc đấu tố người ta cho đem ngài ra nhà thương của nhà Chung do các xơ dòng truyền giáo phụ trách, ở đây các Xơ đã mổ vết thương, gắp ra những cái gai kè bị gãy ngập sâu trong da thịt, nghe nói đến cả bát gai. Không một liệu pháp gây mê, không một lời ca thán, trái lại để động viên các Xơ yên tâm mổ vết thương, ngài còn hài hước: “Chúa Giêsu chỉ bị đội mão gai trên đầu, còn cha Micae được đội mão gai cả người, nhưng lại được các Xơ mổ lấy gai ra cho, còn Chúa Giêsu thì không được may mắn như vậy…”

Những tích truyện về cha cố Micae thì nhiều lắm như việc ngài cùng chung chia bắp ngô, củ khoai, củ sắn với bà con giáo dân những vùng nghèo khó, ngài yêu thương trẻ thơ hết lòng, ngài không quản ngại đường xá xa xôi dù mưa dù nắng, hễ ở đâu có giáo dân cần là ngài sẵn sàng lên đường…

Cuộc đời Linh mục của cha cố Micae luôn gắn chặt với Chúa Giêsu Thánh thể: Ngài chuẩn bị Thánh lễ rất chu đáo (dọn mình trước khi cử hành Thánh lễ, cử hành Thánh lễ nghiêm trang, sốt sắng, bài giảng ngài dọn rất chu đáo). Sau mỗi Thánh lễ, dù thành công hay thất bại ngài luôn cám ơn Chúa và Mẹ Maria đã đồng hành cùng ngài. Ngoài ra ngài còn siêng năng giải tội và cử hành các bí tích; Đọc kinh Phụng vụ đúng giờ, tham gia đọc kinh với giáo dân. Một nét vàng son mà ít Linh mục làm được là ngài đã thường xuyên ghi nhật ký về việc cử hành Thánh lễ, nhất là số lễ đã cử hành, cử hành ở đâu, cho đến tận lễ cuối đời ngài. Sống trong hàng Giáo sÜ, ngài luôn luôn kính trọng và vâng phục bề trên, tôn trọng anh em Linh mục dù hơn tuổi hay ít tuổi với tất cả sự chân thành đơn sơ.

Đời Linh mục của ngài là một đời linh mục trong thời gian Giáo phận gặp nhiều gian nan, khốn khó, cá nhân ngài là người luôn bị xã hội gây khó khăn trong công việc mục vụ, song ngài luôn kiên cường, hy sinh bản thân mình để phục vụ dân Chúa và hoàn thành những trách nhiệm mà bề trên Giáo phận giao cho. Ngài cần cù như một người thợ gặt lành nghề, đều đặn gom góp hương thơm quả ngọt đem về dâng Chúa. Đúng như lời Thánh Vịnh 94 từng ca ngợi: “Đây Linh mục/ những con người thánh hiến/ Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên…/ Thắt đai lưng như đầy tớ chuyên cần/…Không mỏi mệt nhưng kiên trì tỉnh thức/ Suốt đêm trường hay mãi tới canh khuya”.

Xin mượn lời thơ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời đã từng viết để khắc họa hình tượng hóa chân dung cha cố Micae đáng kính:

“Người phu quét lá ven đường

Quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”...


Thật là mơ mộng một hình tượng nghệ thuật. Người phu quét lá nhọc nhằn mưa nắng, nhưng vẻ đẹp lại lan tỏa khi “quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu”.

Trong thực tế cuộc đời lại chẳng thơ mộng chút nào. Hàng ngày những người phu quét lá bên đường, dù mưa dầm hay nắng hạn, họ luôn có mặt từ sớm tinh mơ trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn vạn con người sắp sửa đi qua. Mỗi ngày họ làm việc thầm lặng nhẫn nại với niềm vui tự đáy con tim mình.

Linh mục – đó là những người dọn đường cho con người đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Hình ảnh Linh mục xem ra cũng thơ mộng, thơ mộng vì nhẹ nhàng thanh thoát và chẳng mấy lo toan. Nhưng thực tế trong cái thơ mộng ấy lại chất chứa gánh nặng trần thế với những nỗi niềm ưu tư. Với niềm tin, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, rồi bình minh sẽ đến xua tan màn đêm lạnh giá, cha cố Micae luôn đón nhận sự sống dồi dào nơi Đức Kitô để rồi lại cho đi sự sống ấy trên những nẻo đường phục vụ mà ngài đã đi qua, như những dòng sông khi đầy khi cạn mà nước chẳng thôi chảy bao giờ./.

UBVH GP Thanh Hóa
 
Lễ hội Yêu Thương lần VIII tại trường chuyên biệt Thánh Mẫu Gia Định
Nguyễn Xuân & Phi Sơn
16:13 30/12/2009
LỄ HỘI YÊU THƯƠNG LẦN VIII TẠI TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT THÁNH MẪU GIA ĐỊNH

Vào lúc 18g30 ngày 29/12/2009, nhằm giúp trẻ em Chậm phát triển có dịp hòa nhập cộng đồng, giao tiếp xã hội, phát triển năng khiếu, trường Chuyên biệt Gia Định tổ chức buổi sinh hoạt đặc biệt mang tên Lễ Hội Yêu Thương lầnVIII.

Xem hình lễ hội Yêu Thương bấm vào đây

Theo như lời tuyên bố khai mạc của linh mục phụ tá Giuse Mai Thanh Tùng, Đại diện Ban Gíam đốc thì Lễ Hội Yêu Thương được tổ chức do lòng yêu thương và sự quan tâm ưu ái của giáo xứ, của nhà trường và các phụ huynh đối với các em. Đặc biệt trong buổi sinh hoạt hôm nay khác với ngày thường, các em không phải đến đây để học, không phải thụ động ngồi nhờ thầy cô giúp đỡ, nhưng là dịp để các em vui chơi, biểu diễn văn nghệ, đem niềm vui cho người khác. Nhờ đó các em quên đi những khiếm khuyết của mình, giúp các em tự tin làm quen và hội nhập với đời sống chung

Bà Hiệu Trưởng Võ Thị Khoái
Theo như Cô Võ thị Khoái, hiệu trưởng trường, đây là dịp “trình làng” cho phụ huynh thấy tài năng cũng như sự tiến bộ của con em mình sau một học kỳ, cũng là dịp để các vị có dịp gặp gỡ chia sẻ thông cảm, cùng đồng hành với giáo viên, với nhà trường khi cùng chung vai tổ chức Lễ Hội.

Không chỉ biểu diễn văn nghệ các em còn đóng vai những chủ nhân nhỏ biết tiếp khách, bán hàng. Ngay khi bước vào cổng trường, khách mời có thể xem gian hàng các em bán những sản phẩm do chính các em cùng chế tạo với các thầy cô. Kế đến là quầy phục vụ lễ hội, những chủ nhân nhỏ nầy cùng với cô giáo xếp những chiếc khăn, ống hút, phục vụ bánh và nước ngọt cho khách.

Thoạt nhìn các em, khó ai biết các em phải đang một khuyết tật nào đó: rất ngây thơ và vô tư. Phải tiếp xúc với các em mới thấy được các bất thường của các em. Các phụ huynh tâm sự: khi sinh các em ra, chúng tôi cũng đã rất hạnh phúc, nhưng sau một thời gian, khi trẻ lớn dần, khi phát hiện con mình không bình thường như các trẻ em khác chúng tôi vô cùng thất vọng…

Cũng vì thông cảm với nỗi đau của các vị, và để chia sẻ gánh nặng đó Cố linh mục Chánh sở Antôn Phùng Quang Mạnh đã mạnh dạn thành lập ngôi trường nầy và từng bước đầu tư cho trường phát triển lên. Ngày nay, Cha sở đương nhiệm và các linh mục phụ tá cũng như Hội đồng mục vụ luôn giúp đở để duy trì và phát triển trường …

Chương trình văn nghệ bắt đầu với màn trình diễn sôi động diễn tả trận chiến giữa cô giáo cùng các em trường chống lại dịch cúm H1N1. Nhìn các em “tung hoành “ trên sân khấu với những động tác rất là tự nhiên như ở nhà, các khán giả không khỏi nhịn cười. Những nụ cười sảng khoái được dịp nở trên môi mọi người. Cuối cùng trận chiến kết thúc. Vaccin của trường chuyên biệt đã khống chế được virus H1N1 và mọi người an tâm tiếp tục tham dự Lễ Hội Yêu Thương.

Bầu khí hội trường lúc sôi động lúc trầm lắng với các màn diễn đa dạng và phong phú nhờ sáng kiến độc đáo của các cô giáo.

Tuy nhiên để thực hiện được như vậy các cô phải bỏ thời gian và công sức uốn nắn và luyện tập các em suốt một thời gian dài. Hình như các em rất thích những điệu vũ sôi động. Nhạc vừa trổi lên là các em đã nhún nhẩy theo nhịp. Màn trình diễn thời trang giấy của các em cũng rất “nghề “ và rất ấn tượng.

Đặc biệt có một tiết mục ngoài chương trình đã tạo một cảm xúc mới lạ nơi mọi người. Khi bất ngờ được mời lên sân khấu, linh mục phụ tá Phaolô Nguyễn Quốc Hưng vui vẻ tiến lên, mời mọi người cùng hát chung bài Cho Con bởi lẽ Ai sinh ra trong đời cũng đều có mẹ có cha và cha mẹ luôn là lá chắn che chở đời con…. Từ một lời chúc Giáng Sinh thật ý nghĩa: Xin Chúa tặng cho bạn Nụ cười để bạn không gục ngã, tặng bạn Nghị lực để vượt qua khó khăn, tặng bạn giọt nước mắt để cám ơn khi hạnh phúc, tặng một ước mơ để luôn phấn đấu, Cha nghĩ rằng lời chúc nầy rất thích hợp với phụ huynh trước nghịch cảnh con mình bị khuyết tật, và với các cô giáo trước những khó khăn gây ra bởi chính các học sinh khác thường. …Đó cũng là lời dẫn vào bài hát “Và con tim đã vui trở lại “ mà ngài mời các em cựu học sinh lên sân khấu cùng đồng ca với ngài. Một thái độ cỡi mở, đồng hành, gần gũi sẻ chia của linh mục với các thiếu nhi đặc biệt các em kém may mắn. Bài đồng ca xem ra không đồng giọng chút nào nhưng cha đã cố gắng kéo các em về đúng cung giọng, như trong cuộc sống, ngài luôn bao dung sửa đổi những sai trái và bổ sung những khiếm khuyết của các em…

Màn vũ điêu luyện của phụ huynh các em tự kỷ đã nói lên sự hợp tác chặt chẻ của các phụ huynh với nhà trường trong mọi sinh hoạt. Theo lời hướng dẫn của Cố giáo sư Nguyễn Văn Thành thì Bà mẹ có an tâm, hạnh phúc thì con mình mới phát triển được, nên các bà đã cố gắng vượt qua nỗi đau cùng đến trường với các con học cách dạy dỗ và luyện tập từng bước cho con mình.

Hy vọng rằng dù nỗi đau vẫn còn dài nhưng tình yêu thương chia sẻ và cảm thông của các cô giáo cũng như của giáo xứ giúp các bà nhẹ bớt gánh nặng và can trường vượt mọi khó khăn thử thách. Dù sao thì các em nầy vẫn còn diễm phúc hơn các em khác, không có điều kiện đến trường để được can thiệp sớm. .

Bài Happy New Year cùng với lời chúc tốt đẹp và lời cám ơn chân thành đã khép lại chương trình lễ hội.

Nguyện xin Chúa Hài Đồng ban muôn phúc lành xuống trên các em và cho tất cả những ai đã nỗ lực kiến tạo hạnh phúc cho các em.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công văn quy chụp các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn
UBND Quận 3
20:22 30/12/2009
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Biện chứng tư tưởng hay nghệ thuật tư duy của con người
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:52 30/12/2009
Biện chứng tư tưởng hay nghệ thuật tư duy của con người

Trong thế kỷ XVII, ở Pháp không xảy ra các cuộc cải cách tôn giáo sôi động và mang nhiều kịch tính như ở Đức, nhưng vào lúc bấy giờ nước Pháp cũng không phải là một quốc gia Công Giáo tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Vatican như Tây Ban Nha. Thật vậy, từ thời trung cổ, người Công Giáo Pháp vốn đã thiên về xu hướng Gallicanisme, xu hướng theo thuyết Pháp quốc giáo, tức chủ trương một Giáo Hội Công Giáo quốc gia tự trị, độc lập với Tòa Thánh Vatican, tương tự như thuyết Anglicanisme (Anh giáo) ở Anh quốc. Có lẽ vì lý do đó, ở Pháp giáo phái Tin Lành chỉ là một thiểu số rất nhỏ và chỉ từ khi Sắc Chỉ Nantes được Pháp hoàng ban hành vào năm 1598, thì người Tin Lành Pháp mới được hưởng quyền tự do tôn giáo một cách rộng rãi, hầu như người Công Giáo vậy. Giáo phái Tin Lành Pháp theo khuynh hướng của nhà cải cách người Pháp Johannes Calvin, tên thật là Jean Cauvin, (1509-1564), chủ trương rằng đức tin tôn giáo phải được dựa trên nền tảng các luận cứ của trí năng và trật tự của Giáo Hội chỉ được đặt cơ sở trên Kinh Thánh mà thôi. Giáo thuyết của ông (Calvinismus) khác biệt với giáo thuyết của Luther (Luthertum) ở hai điểm:

1) Calvin khẳng định rằng trong khi cử hành Bữa Tiệc Ly (Thánh Lễ), Đức Kitô chỉ hiện diện một cách thiêng liêng mà thôi, chứ không hiện diện một cách thực tiễn trong bánh và rượu, và biến chúng thành Mình và Máu Thánh của Người như Luther chủ trương. Nhưng ngày nay người Tin Lành phái Luther ở Đức và ở các nước bắc Âu cũng không còn giữ được sự xác tín nguyên thủy của Luther về sự hiện diện thực sự của Chúa trong Phép Thánh Thể nữa. Trái lại, họ cũng tin như phái Calvinisten.

2) Về lý thuyết tiền định: Calvin chủ trương rằng sự cứu rỗi hay sự trầm luân khổ ải của mỗi người đã được Thiên Chúa tiền định từ đời đời rồi, nên con người không thể thay đổi được nữa.

Và tuy Johannes Calvin là người Pháp, nhưng tư tưởng cách mạng tôn giáo của ông lại không thể phát triển một cách rộng rãi ở một nước Pháp có truyền thống Công Giáo lâu đời được. Trái lại, ông đã gặp được Thụy Sĩ như một miền đất „phì nhiêu“ cho sự phát triển giáo thuyết của mình, và vì thế ông đã biến Tiểu bang Genève thành trung tâm Tin Lành quan trọng, mãi cho tới hôm nay.

Trong những lãnh vực chủ yếu của nước Pháp, những hình thức đạo đức kiểu ba-rốc(1) – như kiểu kiến trúc nhà thờ ba-rốc – không đóng những vai trò quan trọng. Khác với các nước khác ở Âu Châu vào lúc bấy giờ, ở Pháp Dòng Tên có rất ít ảnh hưởng. Bù vào đó, có một số Tu hội khác, như Tu hội Oratoriens của Linh mục Pierre de Bérulle(2), Tu hội Lazaristen, cũng được gọi là Tu hội Bác ái thánh Vinh Sơn, của Linh mục Vincent de Paul(3) và nhiều cộng đồng Tu hội khác nữa. Đây là những Tu hội mới được thành lập, có nội quy, mục đích và tôn chỉ mới mẻ, khác với các Dòng tu truyền thống mang hình thức „ba-rốc“ cổ kính, như: Dòng Biển Đức, Dòng Xi-tô, Dòng Đa Minh hay Dòng Phan-xi-cô, v.v… Nhưng chính các Tu hội mới này lại được liên kết chặt chẽ với những hình thức thần bí dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thuộc về phong trào Công Giáo Pháp „phản ba-rốc“ này, người ta còn phải kể đến phái „Dương thân chủ nghĩa“, hay cũng gọi là phái Đạo đức khắc nghiệt Jansenismus.

Phái đạo đức khắc nghiệt Jansenismus là một phong trào có khuynh hướng chống lại Dòng Tên, nổi lên ở phần đất cũ thuộc Hòa Lan do người Tây Ban Nha quản trị, ngày nay thuộc Bỉ. Đây là một phong trào có liên quan tới giáo thuyết về ơn sủng của thánh Augustinus; tới sự phê bình thuyết Molinismus và „cuộc tranh cãi về ơn sủng“ giữa Linh mục Luis de Molina thuộc Dòng Tên Tây Ban Nha và Linh mục Domingo Bánez, thuộc Dòng Đa Minh Tây Ban Nha. Chính Linh mục Luis de Molina đã viết một cuốn sách về ơn sủng và đã gây nên bao cuộc tranh cãi sôi nổi.

Còn tên gọi Jansenismus được đặt theo tên nhà thần học Công Giáo Cornelius Jansenius hay cũng được gọi là Jansen (1585-1638), người Hòa Lan, giáo sư tại Đại Học Louvain, là người đã khởi xướng ra phong trào Đạo đức khắc nghiệt. Năm 1636, Jansenius được bầu làm Giám mục giáo phận Ypern và qua đời năm 1638. Hai năm sau đó, tức vào năm 1640, tác phẩm của ông với tựa đề „Augustinus“ được xuất bản, trong đó Jansenius đã trình bày quan điểm của ông về những vấn đề Thần học có liên quan tới sự tự do của con người và ơn sủng của Thiên Chúa, đối lập với quan điểm của Linh mục Luis de Molina. Nhưng quan điểm của Jansenius cũng ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi lý thuyết về sự tiền định của nhà cải cách Calvin. Tiếp đến, nhân vật khởi xướng thứ hai của Jansenismus là nhà thần học Antoine Arnauld, xuất thân từ một gia đình tân tòng. Antoine Arnauld sinh năm 1612 tại Paris, là người kịch liệt đả kích khuynh hướng thần học luân lý của Dòng Tên.

Giáo sư Antoine Arnauld là em trai của nữ tu Angélique Arnauld, Viện Mẫu Nữ Tu viện Port-Royal-des-Champs từ năm 1602, nằm về phía đông-nam Paris. Bởi đó, Tu viện Port-Royal đã trở thành trung tâm của phong trào Đạo đức khắc khổ Jansenismus, một phong trào với khuynh hướng luân lý nghiêm khắc của mình đã đào tạo được một số không nhỏ các nhà trí thức ưu tú cho nước Pháp, như nhà toán học và triết học thời danh Blaise Pascal. Năm 1626, Tu viện Port-Royal-des-Champs xây dựng bệnh viện „Maternité Port-Royal” ở Paris, nơi có nhà ga xe lửa Port-Royal và được coi như một chi nhánh của Tu viện mẹ với tên gọi là Tu viện Port-Royal-de-Paris.

Vào năm 1653, phong trào Jansenismus bị Tòa Thánh lên án với Sắc Chỉ „Cum occasione“ của Đức Giáo Hoàng Innocente X, và vào năm 1656, với Sắc Chỉ „Ad sacram“ của ngài, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII lại tiếp tục xác nhận sự lên án đó một lần nữa, sau khi Đại học Paris đã kết án và truất quyền dạy học của Antoine Arnauld. Vào năm 1661, khi vua Louis XIV đòi các Nữ tu thuộc Tu viện Port-Royal phải ký tên vào một bản tuyên bố tùng phục sự phán quyết trên của Đức Giáo Hoàng và tìm cách trục xuất họ đó ra khỏi Tu viện Port-Royal, thì các Nữ tu đã chống trả lại một cách đầy quyết liệt. Vào năm 1664, Đức Tổng Giám Mục Perefixe của Paris đã ra lệnh trục xuất mười hai Nữ tu bảo thủ quan điểm Jansenismus của mình một cách cố chấp ra khỏi Tu viện Port-Royal-de-Paris. Và bốn năm sau đó, hai Nữ Tu viện Port-Royal-de-Paris và Port-Royal-des-Champs bị tách rời khỏi nhau. Tu viện Port-Royal-de-Paris công khai từ bỏ phong trào jansenismus và tồn tại mãi cho tới cuộc cách mạng 1789 bùng nổ, trong khi đó Tu viện Port-Royal-des-Champs vẫn tiếp tục trung thành với phong trào Jansenismus.

Vào năm 1705, với sự ban hành Sắc Chỉ „Vineam Domini Sabaoth“ của Đức Giáo Hoàng Clemente XI, cuộc đụng độ lại được khơi dậy. Vì thế, năm 1710 nhà vua đã ra lệnh san bằng địa Nữ Tu viện Port-Royal-des-Champs, trước khi Đức Giáo Hoàng Clemente XI với Sắc Chỉ „Unigenitus“ ban hành năm 1713, chiếu theo sự yêu cầu của vua Luois XIV, cấm 101 câu trong các sách của nhà thần học Pasquier Quesnel, thuộc khuynh hướng Jansenismus.

Port-Royal thường được gọi là nơi cư ngụ của những „phụ nữ đạo đức“ quan trọng. Trước hết phải kể đến Nữ tu Angelique Arnauld, một người đã canh tân cuộc sống Tu viện bằng sự khiêm tốn và khổ chế hết sức khắc nghiệt. Dưới thời Nữ tu Agnès Arnauld, em ruột của bà, làm Viện Mẫu Tu viện Port-Royal và là người đã tổ chức cuộc chống trả vào năm 1661, trường học Port-Royal dành cho nữ sinh được thiết lập cùng với các Nữ tu như Anne Eugénie de l´Incarnation và nhất là với Nữ tu Jacqueline Pascal, em gái của Blaise Pascal, làm giáo viên. Các nguyên tắc giáo dục của các Nữ tu rất nghiêm ngặt và định hướng theo mục đích đã được Linh mục Duvergier de Hauranne, được gọi là Saint-Cyran, đề xướng, là: „Để biết yêu mến và phụng sự Thiên Chúa!“

Nhưng sự quan trọng của Tu viện Port-Royal đối với đời sống trí thức ở Pháp, thì trước hết không do ảnh hưởng của các Nữ tu, nhưng là do được gắn liền với tên tuổi của những danh nhân sống „đời đơn độc“ (les Solitaires) hay cũng được gọi là các „Ẩn sĩ“ (les Ermites) ở Port-Royal. Đó là những vị Linh mục và giáo sư sống chung với nhau trong một Cộng đoàn từ năm 1637, dưới sự hướng dẫn của Saint-Cyran, người qua đời vào năm 1643, và kéo dài mãi cho tới năm 1679 thì do những áp lực bên ngoài, Cộng đoàn của họ tự giải tán. Ngoài việc kinh nguyện và thực hành các việc đạo đức trong cuộc sống hằng ngày, họ còn nổ lực trau dồi việc học hành và nghiên cứu khoa học. Một trong những người thuộc nhóm này là giáo sư thần học Antoine Arnauld - người được coi là một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế kỷ XVII, ông vừa là một nhà thần, một triết gia, một nhà ngôn ngữ học vừa là một nhà toán học -, và mãi cho tới khi bị bãi nhiệm vào năm 1656, ông là giáo sư thần học tại Đại học Sorbonne. Sau đó ít lâu, ông đã trốn sang sống ở Hòa Lan và qua đời tại Brüssel, thủ đô nước Bỉ vào năm 1694. Và ngoài Antoine Arnauld ra, còn có những vị khác, chẳng hạn như Claude Dancelot hay Pierre Nicole, v.v…!

1. Tính chất Lô-gích của Port-Royal

Các nhà „Ần sĩ“ Port-Royal đã thành công trong việc phiên dịch ra tiếng Pháp phần Thánh Kinh Tân Uớc, tác phẩm „Tự Thú“ của thánh Augustinus và các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa Avila. Họ cũng thành lập một trường học dành cho nam học sinh và cũng áp dụng chương trình giáo dục tôn giáo dựa theo tinh thần của Saint-Cyran. Một điều quan trọng khác là ở đây cũng có chương trình dạy tiếng Pháp, tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và cũng dạy cả toán học nữa. Còn các sách giáo khoa, trước hết là các sách dạy về văn phạm tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, đều do Claude Lancelot biên soạn và có giá trị mãi cho tới hôm nay.

Riêng sách giáo khoa về triết học với tựa đề „La logique ou l´Art de penser“ (Luận lý học hay nghệ thuật tư duy) thì do Antoine Arnauld và Pierre Nicole biên soạn. Đây là một tác phẩm tiếp nhận tư tưởng của các triết gia Aristote, Descartes, Pascal, Johannes Clauberg, Francis Bacon và Montaigne, được xuất bản năm 1662 và cho tới năm 1736 đã được tái bản mười lần bằng tiếng Pháp và mười lần bằng tiếng La-tinh. Một tác phẩm khác cũng đạt được giá trị cao tương tự là tác phẩm „La grammaire de la langue francaise“ (Văn phạm Pháp văn) do Claude Lancelot xuất bản năm 1660.

Đặc biệt nhất là tác phẩm „Luận lý học hay nghệ thuật tư duy“, một tác phẩm triết học rất có giá trị và đã gây được nhiều ảnh hưởng trong suốt hàng thế kỷ, mãi cho tới khi môn Luận lý học toán học tân thời được phát triển vào cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1972, tác phẩm giá trị này được phiên dịch ra tiếng Đức với tựa đề „Die Logik oder die Kunst des Denkens“, dày 349 trang. Trong phần mở đầu tác phẩm được viết: „Es gibt nichts, was höher einzuschätzen wäre als die recht beschaffene Vernunft und der Scharfsinn des Geistes beim Unterscheiden des Wahren und des Falschen“: (Không có gì để đánh giá cao hơn là lý trí lành mạnh đúng đắn và tinh thần minh mẫn sáng suốt trong việc phân biệt thật hư). Tuy nhiên, Arnauld và Nicole lại xác tín rằng Luận lý học và các khoa học tự nhiên như Hình học, Thiên văn học hay Vật lý học, không thể giúp phân biệt được sự thật và sự sai lạc và „hoàn toàn vô dụng“, nếu „người ta chiêm ngưỡng chúng và chỉ cho riêng chính mình mà thôi“, nghĩa là không có tương quan với tính thực nghiệm của chúng: „Con người không phải được sinh ra vì mục đích là sử dụng thời gian của mình để đo đạc các tuyến đường, để kiểm tra những tương quan các góc cạnh, để quan sát những chuyển động khác nhau của vật chất. Tinh thần của con người thì quá vĩ đại, cuộc sống của họ thì quá ngắn ngủi, thời giờ của họ thì quá quý báu, nên không thể lãng phí chúng cho những đối tượng nhỏ mọn kia được.“

Trong phần cuối tác phẩm, hai tác giả đã trình bày những tương quan với đức tin Kitô giáo: „Chỉ những điều có tính cách vô biên, như sự vĩnh cửu và sự hạnh phúc đời đời, thì người ta không thể đem so sánh với bất cứ lợi ích tạm bợ nào được. Vì lý do đó, có được một chút cảm nghiệm bé nhỏ về sự hạnh phúc đời đời thì có giá trị hơn tất cả mọi của cải đời này cộng lại bội phần. Bởi thế, sự khờ dại to lớn nhất trong tất cả mọi sự khờ dại là đem sử dụng thời giờ và cuộc sống của mình vào những chuyện gì khác, chứ không phải vào việc chiếm hữu được cuộc sống sẽ không bao giờ chấm tận. Những ai đạt tới được cảm ứng trên và đem ra thực hành trong cuộc sống mình, là những người khôn ngoan thận trọng. Còn những ai không đạt tới được cảm ứng ấy, thì Kinh Thánh gọi họ là những kẻ điên dại, là những kẻ không có trí khôn.“ Nghe thế người đọc nghĩ ngay tới câu: „Những đứa khờ dại nhủ lòng mình rằng: làm gì có Đức Chúa Trời!“ (Tv 14,1)

Sau năm 1713, phái Jansenismus vẫn tiếp tục tồn tại ở Pháp, nhưng chỉ như một phong trào chính trị với tên gọi là „Đại pháp viện“ và góp tay vào việc đàn áp các Tu sĩ Dòng Tên trong vòng từ năm 1761 cho tới năm 1764, một cuộc đàn áp xảy ra trước khi Đức Giáo Hoàng Clemente XIV giải tán Dòng Tên tại Pháp vào năm 1773. Sau này thành phần lãnh đạo Jansenismus đã cho di chuyển trung tâm văn hóa của họ sang tỉnh Utrecht thuộc miền bắc Hòa Lan và từ năm 1723, phái Jansenismus đã hoàn toàn tự tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma và tự gọi là „Giáo Hội Utrecht“, và tiếp tục tồn tại như một giáo phái ly khai, nhưng giáo phái Jansenismus tồn tại không chỉ tại miền Utrecht ở Hòa Lan, mà còn ở cả Áo, ở Ý và ở Tây Ban Nha nữa, và tư tưởng của họ tác động một cách tiệm tiến trong Giáo Hội Công Giáo như thể luồng gió canh tân vậy, dù cho thoạt đầu đã không được đón nhận.

Thậy vậy, tuy các vạ Tòa Thánh phạt phái Jansenismus đã không bao giờ được rút lại. Nhưng một sự thể khác cũng đã xảy ra như vẫn thường đã xảy ra trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn: Nhà thiên văn học và vật lý học thời danh người Ý Galileo Galilei (1564-1642) do sự ông nhất quyết khẳng định thuyết „Nhật tâm“ (Heliocentrisme) là một thực tại, chứ không còn là một giả thiết nữa, nên vào năm 1632 ông đã bị Tòa án thẩm tra của Tòa Thánh phạt quản thúc tại gia. Nhưng 360 năm sau đó, tức vào năm 1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại đã tôn vinh công trình khám phá khoa học của ông. Tiếp đến, dưới thời Đức Piô XII, những nhà thần học chủ xướng phong trào „La nouvelle théologie francaise“ (Tân thần học Pháp quốc) đã bị cấm dạy học và cấm xuất bản sách vỡ, thì dưới thời Đức Gioan XXIII họ lại được coi như những thần học gia của Công Đồng Vatican II. Cũng tương tự như thế, các ý tưởng do phái Jansenismus đề xướng đã tiếp tục có những tác động cụ thể trong lòng Giáo Hội ở thế kỷ XX, chẳng hạn:

· Tư tưởng về việc cử hành lễ nghi Phụng vụ bằng tiếng bản xứ, thay vì tiếng La-tinh.
· Đánh giá cao địa vị người giáo dân và người phụ nữ, nhất là các Nữ tu, trong Giáo Hội.
· Đề cao tính cách đơn sơ giản tiện trong việc cử hành Thánh Lễ, thay vì quá lộng lẫy và rườm rà, nặng tính cách phô trương bên ngoài, v.v….!

Và đó là chưa kể nhiều canh tân khác đượm màu sắc Jansnismus đã tuần tự được hiện thực trong đời sống cụ thể của Giáo Hội Công Giáo ngày nay, đặc biệt nhất trong thời hậu Công Đồng Vatican II.

2. Một kinh nghiệm cụ thể quý báu

Tất cả những điều đó muốn nói lên rằng, tuy Giáo Hội là Nhiệm Thể của Đức Kitô, và vì thế, hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện, nhưng Giáo Hội lại đã được giao phó trong tay người phàm coi sóc, giữ gìn và phát huy, nên Giáo Hội cũng đã phải khoác lên mình một cách bất đắc dĩ những hình thức và màu sắc mang tính chất nhân loại trong suốt cuộc hành trình của mình trên con đường trần thế này. Tuy nhiên, đó không phải là điều tiêu cực đáng trách, nhưng là một kinh nghiệm cụ thể quý báu, nhắc bảo tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, cần phải biết khiêm tốn và thực thi đức ái một cách cụ thể hơn trong hành động của mình, hầu cho sự thánh thiện của Giáo Hội được rõ nét hơn và nhất là Danh Chúa được cả sáng hơn, và qua đó nhân loại sẽ dễ dàng tìm ra được con đường dẫn đưa họ về cùng Thiên Chúa hơn.

Và điểm sau cùng mà chúng ta có thể khám phá được qua các diễn biến đã được trình bày trên là những dữ kiện mang tính cách biện chứng trong tư tưởng con người, hay nói cách khác, sự tư duy của con người quả là một nghệ thuật đáng nể, một nghệ thuật mà trước hết chúng ta cần phải trân trọng lắng nghe, phân tích, tìm hiểu, chứ không nên vội vàng chống đối và kết án. Đó cũng là điều Giáo Hội Công Giáo đã thực hiện đối với nhóm Công Giáo bảo thủ Lefèbvre, khi vào ngày 21.1.2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đầy lòng yêu thương cất vạ tuyệt thông „Latae sententiae“ cho bốn vị Giám Mục được phong chức trái phép của nhóm Công Giáo bảo thủ này vào ngày 29.6.1988.

Chân lý luôn mãi là chân lý và không ai có thể thay đổi được. Nhưng nếu nhân loại biết thực hành và sống chân lý trong đời thường của mình với đức bác ái, với lòng từ bi hỉ xả và với sự thông cảm chân thành, thì chắc chắn vũ trụ này sẽ tươi sáng hơn, sẽ an vui hài hòa hơn và sẽ hấp dẫn hơn nhiều!

____________________________________

1. Kiểu kiến trúc Ba-rốc (Baroque) là một kiểu kiến trúc đặc trưng ở Âu Châu vào các thế kỷ XVII-XVIII: Đặt nặng sự trưng bày nội thất các nhà cửa, nhất là các thánh đường và các cung điện, một cách rất lộng lẫy, rườm rà và sang trọng.

2. Tu hội Thuyết giảng Oratoriens có tên đầy đủ là “Congregatio Oratorii Jesu et Mariae” (Hội dòng những người hùng biện của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria), do Linh mục Pierre Bérulle sáng lập vào năm 1611. Đây là một Hội dòng gồm các Linh mục triều được qui tụ lại với nhau, và mục đích của Hội dòng là chuyên lo công tác mục vụ và chương trình giáo dục thanh thiếu niên. Nhưng đến năm 1792 thì Hội dòng bị giải tán. Và năm 1864 Hội dòng lại được tái gầy dựng lại.

3. Linh mục Vincent de Paul (1581-1660) thành lập Hội các Linh mục triều Lazaristen vào năm 1625 để các Linh mục cùng giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong đời thánh hiến Linh mục, phụ trách việc giáo dục và đào tạo các Linh mục tương lai xứng đáng cho Giáo Hội, và tiếp đến là giúp đỡ người nghèo. Và năm 1633, Lm Vincent de Paul lại cùng Nữ tu Louise de Marillac (1591-1660) sáng lập Tu hội các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn. Vào năm 1737 Linh mục Vincent de Paul được Giáo Hội tôn phong Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 27 thánh 9 hằng năm.

 
Văn Hóa
Lời Ru Thánh
Vọng Sinh
22:32 30/12/2009
  • Vi vu nghe trong gió vi vu
  • Vẳng tiếng xa như tiếng Mẹ ru
  • À ơi ! À ơi ! Ru con ngủ…!
  • Giấc Thiên Đường giữa mịt mù tuyết sương.


  • Trên cao kia Sứ Thần hát xướng
  • Máng cỏ bò lừa thở xông hương
  • Hài Nhi chợt say giấc Thiên Đường
  • Giữa gío hú lời ru vang muôn hướng.


  • Lời Mẹ ru lời ngọt những yêu thương
  • Đẩy lui hết bão gío buốt đêm trường
  • Mẹ có biết Con sẽ nên gai nhọn
  • Đâm nát lòng Mẹ đau thấu xương!


  • Con nên Chiên gánh tội muôn phương
  • Con đọa đày cho đời khỏi thê lương
  • Con chết cho người được sống miên trường
  • Người có biết…Hài Nhi đương say giấc?


  • Lời Mẹ ru sẽ nên chăng tiếng nấc
  • Bước theo Con lên đồi dốc Can-Vê
  • Ru Con Mẹ ẵm trong tay Mẹ
  • Để rồi mai Mẹ ẵm Xác Con về.
  • Gíó ơi! Nghe gầm rít không ngơi!
  • Ngươi gào thét mong át lời ru Mẹ ?
  • Lời Mẹ ru êm ái …mãi ru…!
  • Mãi ngọt ngào… dẫu ngươi gào thét mãi !


  • Lời gào thét của tội đồ nhân loại
  • Loài người ơi mau lại ngắm nhìn coi…
  • Cho thấy rõ Chúa Yêu người đến thế !
  • Để lặng im …cho dịu vợi tội đời !
  • Con qùi lạy Ngôi Lời giáng thế
  • Đêm Thánh này giải thoát hồn u mê…
  • Đưa con ra khỏi bão bùng tội lệ
  • Cho tái sinh trong Ân Thánh tràn trề…!


Cho con Tình Thánh say mê, Như Hài Nhi Thánh say kề Mẹ ru.
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Supernatural Theology – Systems Of Probability
Nguyễn Trọng Đa
15:49 30/12/2009
Supernatural Theology
Thần học siêu nhiên. Là sự trình bày một cách khoa học các chân lý về Chúa, như Chúa được biết bởi đức tin vào mặc khải của Chúa, và với sự trợ giúp của ơn Chúa. Thần học là một khoa học đích thực bởi vì khoa học này dùng các nguyên tắc dựa vào lời mặc khải của Chúa, và rút ra kiến thức mới nhờ sự suy tư về các nguyên tắc này, và kết hợp toàn bộ vào một hệ thống chặt chẽ và có tính khoa học.
Supernatural Words
Lời siêu nhiên. Là sự tỏ lộ của tâm trí Chúa cho các giác quan bên trong hay bên ngòai, hoặc cho trí tuệ cách trực tiếp. Lời siêu nhiên khác với nhãn quan trí tuệ trong điều này là các lời siêu nhiên được tiếp nhận và qua các lời này, một số tư tưởng được nhận biết. Lời siêu nhiên có thể hướng trực tiếp tới tai người nghe, và sau đó là lời nói vào tai, hoặc vào tai của trí tưởng tượng và đó là lời tưởng tượng, hoặc trực tiếp vào tâm trí và đó là lời trí tuệ. Thánh Gioan Thánh gía (1542-91) phân biệt các hình thức này của ngôn ngữ siêu nhiên bằng cách gọi đó là lời liên tiếp, lời hình thức và lời thực chất. (Lên núi Cát Minh, II, 26-29).
Supplied Jurisdiction
Thẩm quyền được ban cấp. Trong luật Giáo hội, là một hình thức ủy quyền được Giáo hội ban cấp, giúp một linh mục vốn không có năng quyền được giải tội cách thành sự cho các hối nhân trong bí tích Xá giải. Thẩm quyền này được ban cấp trong trường hợp lầm lẫn chung (khi người ta nghĩ rằng linh mục có năng quyền giải tội); khi ngờ vực về luật hoặc sự việc, cho rằng sự nghi ngờ này là thành thật; và nếu năng quyền của một linh mục đã hết hạn bất ngờ.
Support Of Religion
Hỗ trợ tôn giáo. Bổn phận của một người Công giáo là góp phần giúp đỡ giáo xứ và các công tác của tôn giáo, tùy theo khả năng của mỗi người. Đây là một nghĩa vụ được tuyên bố hơn một lần trong Kinh Thánh (Đnl 14:23: I Cr 9:14). Mục đích của việc này là để Chúa được tôn kính và thờ phượng cách xứng hợp hơn, và vương quốc Giáo hội của Chúa được mở rộng.
Supposit
Supposit, bản thể, bản vị. Là một hữu thể đầy đủ trong chính nó, và do đó không thể thông chuyển được. Nó hiện hữu trong chính nó và hành động trong chính nó. Nếu bản thể được ban thêm lý trí, đó là một người; nếu không, đó là một vật. (Từ nguyên Latinh suppositum, vật gì đặt ở dưới, được đón nhận, bản thể cá nhân.)
Supralapsarians
Thuyết tiền sa ngã. Là thuyết của các môn sinh của Gioan Calvin (1509-64), chủ trương rằng việc Chúa quyết định cho một số người xuống hỏa ngục là tuyệt đối, và không bị điều kiện hóa bởi sự Sa ngã. Chúa cũng phải kết án những người ấy xuống hỏa ngục, dầu ông Adam (A-đam) không phạm tội. Đây là lập trường của ông Calvin.
Supreme Dominion
Quyền cai trị tối cao. Là quyền không giới hạn của Chúa về cai trị mọi loài thụ tạo, và Chúa đòi loài có lý trí phải vâng phục Chúa không dè dặt. Quyền làm chủ của Chúa trên vũ trụ là thuộc về Chúa, vì Chúa đã sáng tạo muôn loài và cứu chuộc nhân loại.
Supreme End
Cùng đích tối cao. Là sự thiện hảo mà một thụ tạo có lý trí khát mong, và nhờ ơn Chúa, hy vọng đạt tới được. Đây là summum bonum (sự tối thiện), thỏa mãn hoàn toàn mọi khát vọng chính đáng của con người, tức là sở hữu Chúa trong phúc kiến.
Supreme Evil
Sự dữ cao nhất. Là điều gì được xem là mất mát lớn nhất hoặc sự bị tước đọat lớn nhất. Các triết lý khác nhau quan niệm sự dữ này theo cách khác nhau, tùy vào quan niệm của họ về sự tối thiện là như thế nào. Trong bất cứ tôn giáo hoặc hệ thống tư tưởng nào, sự dữ cao nhất thường có nghĩa là mất sự tối thiện. Trong Kitô giáo, sự dữ khách quan cao nhất là tội trọng; còn sự dữ chủ quan cao nhất là hỏa ngục, hoặc sự mất đời đời được chiêm ngắm Chúa.
Surplice
Áo các phép. Áo dài ngang lưng có ống tay áo thật rộng, may bằng vải hoặc vải lanh, không có dây thắt lưng, đôi khi được thêu thùa ở ống tay và đường viền áo. Là chiếc áo không phụng vụ được mọi giáo sĩ mang trong ca đoàn kinh sĩ, khi rước kiệu, và khi ban các bí tích. (Từ nguyên Latinh superpellicium [là áo nguyên thủy được giáo sĩ các quốc gia phía bắc mang ngoài áo khoác da của họ].)
Surrogate
Người đại diện, người thay thế. Là một người làm nhiệm vụ thay thế cho cha mẹ của một người. Việc các sự thay thế như vậy xảy ra trong cuộc sống thật và, đối với một số người trong mộng tưởng, đã được người ta biết đến nhiều. Đây là một trong các định đề của thuyết vô thần hiện đại, cho rằng Chúa chỉ là một người đại diện vũ trụ cho nhân loại, là sự chiếu hình ảnh người cha cho loài người thế giới này.
Sursum Corda
Sursum Corda, “Hãy nâng tâm hồn lên”, là câu được linh mục sử dụng khi nói với các tín hữu trong Kinh Tiền tụng của Thánh lễ. Câu này cũng được dùng như một khẩu hiệu trong huy hiệu Kitô giáo.
Suscipe
Kinh Suscipe Domine (Lạy Chúa, xin hãy chiếm lấy). Là lời kinh do thánh Ignatius (I-nhã) Loyola sáng tác trong cuốn Linh thao của ngài, được xem là một hành động hoàn toàn tận hiến cho Chúa. Kinh đọc là: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con; lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa, vì được như thế là đủ cho con.”
Suspension
Vạ huyền chức. Là vạ phạt theo giáo luật qua đó một giáo sĩ bị đuổi khỏi chức vụ hoặc một bổng lộc hoặc cả hai. Vạ huyền chức khỏi chức vụ có thể cấm giáo sĩ này thi hành bất cứ quyền chức thánh nào đã nhận khi được truyền chức thánh, và bất cứ quyền tài phán nào, dù là thông thương hay là ủy thác. Vạ huyền chức khỏi bổng lộc có thể, với một vài ngoại trừ, tước khỏi giáo sĩ các hoa lợi của bổng lộc ấy.
S.V.
S.V., Sanctitas Vestra—Trọng kính Đức Thánh Cha
Swastika
Swastika, chữ thập ngoặc, hình chữ vạn. Là tượng trưng của Thánh giá, đôi khi được gọi là crux gammata, được tạo từ bốn mẫu tự gamma Hi Lạp ráp lại với nhau. Nó có nguồn gốc từ tiếng Phạn và có nghĩa là “điềm tốt.” Nó có nhiều ý nghĩa được công nhận, như mặt trời quay, bốn điểm của la bàn. Đôi khi nó được xem như là chữ thập ngoặc. Nó là biểu tượng của phe Đức Quốc Xã (Nazi) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiếm khi nó được Kitô hữu dùng trước thế kỷ thứ ba, và rồi chỉ dùng nó để che giấu Thánh giá với người vô tín ngưỡng.
Sweet Quietude
Sự tĩnh mịch êm dịu. Là trạng thái linh hồn được thánh nữ Têrêsa thành Avila (1515-82) nhắc đến trong cuốn “Lâu đài Nội tâm” của ngài như là Căn phòng Thứ tư. Ngài gọi đây là cầu nguyện của các thích thú êm dịu hoặc thiên linh, bởi vì chính ở đây sự hiện diện của Chúa được cảm nhận lần đầu tiên với sự thích thú thiêng liêng. Cũng còn gọi là cầu nguyện thinh lặng và có ba giai đọan: 1. hồi tâm thụ động, với ơn Chúa trực tiếp hành động lên các năng lực con người; 2. sự tĩnh mịch, với tâm trí và ý chí vui mừng với sự hiện diện của Chúa trong tĩnh lặng và nghỉ ngơi; 3. các năng lực ngủ ngon, với tâm trí và ý chí được Chúa nắm giữ; trí tưởng tượng và trí nhớ, mặc dầu họat động, bị suy yếu và không hiệu quả. Giai đọan cuối này là chuẩn bị cho sự kết hiệp hòan tòan của linh hồn với Chúa.
Swiss Guards
Cận vệ Thụy Sĩ. Là cảnh sát và cận vệ chính thức của Đức Giáo hòang. Là các binh lính Thụy Sĩ phục vụ Tòa thánh từ thế kỷ 14, họ được Đức Giáo hòang Julius II thành lập thành một đội quân riêng biệt năm 1505. Việc tuyển chọn họ dựa vào một thỏa thuận từ nhiều thế kỷ giữa Tòa thánh và chính quyền dân sự ở Thụy Sĩ. Sự kiện đáng ghi nhớ nhất của họ trong lịch sử là bảo vệ anh dũng Đức Giáo hòang Clement VII trong vụ cướp phá thành Roma năm 1527, khi 147 người bị giết chết và chỉ còn 42 cận vệ đưa Đức Giáo hòang an tòan về dinh Castel Sant'Angelo. Chức năng chính của đội cận vệ là bảo vệ bản thân Đức Giáo hòang và giữ an ninh cho các dinh điện, nhất là khu vực cửa ra vào Vatican.
Sword
Gươm, kiếm. Là một biểu tượng rất phù hợp với thánh Phaolô do giáo huấn sắc sảo và cách thức ngài bị chết. Gươm của Thần khí được giải thích là Lời Chúa (Ep 6:17). Gươm cũng là biểu tượng của ơn can trường do Chúa Thánh Thần ban, và là tượng trưng của tổng lãnh thiên thần Micae, nhắc lại việc Ngài gặp gỡ Quỷ Lucifer. Gươm còn là biểu tượng của thánh Giacôbê Tiền và thánh Giuđa.
Sword, Flaming
Lưỡi gươm sáng lóe. Là biểu tượng của của thiên thần, được nhắc đến như là một trong các Thần Hộ giá (Cherubim) được Chúa sai đến Vườn Eden (Địa Đàng), “để canh giữ đường đến cây trường sinh" (St 3:24) sau khi ông Adam (A-đam) và bà Eve (E-và) bị trục xuất khỏi Vườn. Chỉ trong các ngụy thư và đôi khi trong nghệ thuật, thiên thần này được gọi tên là Jophiel.
Syllabus Of Pius IX
Bản quyết nghị (cáo trạng) của Đức Giáo hoàng Piô IX. Một loạt 80 mệnh đề bị kết án là nêu ra các sai lầm lớn nhằm làm băng hoại xã hội, luân lý và tôn giáo. Mỗi người Công giáo cần tỏ ra sự đồng ý bên ngòai và bên trong với việc Giáo hội lên án các sai lầm trong bản quyết nghị này.
Syllabus Of Pius X
Bản quyết nghị (cáo trạng) của Đức Giáo hoàng Piô X. Là một loạt mệnh đề đã bị Bộ Thánh Vụ kết án, và được Đức Giáo hòang xác nhận trong thông điệp Lamentabili (ngày 3-7-1907). Bản quyết nghị tố cáo các chủ trương của thuyết Duy Tân và bài bác các sai lầm ấy. Nền tảng của các thuyết sai lầm này là thuyết khoa học giả tạo về sự tiến bộ trong tri thức và niềm tin của con người. Trong một tự sắc, Đức Giáo hòang đã khẳng định bản quyết nghị trên bằng cách công bố “Lời thề chống thuyết Duy Tân (ngày 1-9-1910).
Syllogism
Tam đoạn luận. Trong triết học, là một lập luận được sắp xếp là nếu hai câu đầu (tiền đề) được chấp nhận thì câu thứ ba (kết luận) xảy ra cách cần thiết. Trong thần học, khi câu đầu là một chân lý mặc khải, câu thứ hai là một sự kiện hoặc một sự thật được biết bằng lý trí, thì câu thứ ba được cho là một kết luận thần học. Các kết luận như thế thường là đối tượng của huấn quyền không thể sai lầm của Giáo hội. (Từ nguyên Hi Lạp syllogismos, tính tóan gộp vào.)
Symbol
Biểu tượng, ký hiệu. Nói chung, là bất cứ vật gì tượng trưng hoặc diễn tả một vật khác. Một cách đặc biệt hơn, đó là dấu hiệu qui ước do sự thỏa thuận, minh nhiên hoặc mặc nhiên, giữa những người sử dụng dấu hiệu ấy. Các dấu hiệu tôn giáo còn gọi là biểu tượng, vì chúng tượng trưng cho một chân lý thánh hoặc một mầu nhiệm đức tin. (Từ nguyên Hi Lạp symbolon, dấu hiệu, lời nguyền; một dấu hiệu nhờ đó người ta suy ra một việc khác.)
Symbolism
Biểu tượng, ý nghĩa tượng trưng. Là gán cho các vật bên ngoài hoặc hành động bên ngoài một ý nghĩa bên trong. Hiệu quả của biểu tượng tùy thuộc vào chiều sâu của sự gắn bó cá nhân với sự thật bên trong của biểu tượng, và khả năng của biểu tượng diễn tả ý nghĩa bên trong. Biểu tượng thời Kitô giáo sơ khai xuất hiện một phần là do cuộc bách hại đạo. Người ta cần che giấu các niềm tin bằng biểu hiện và hình ảnh. Một yếu tố góp phần khác là ước vọng tự nhiên của con người, để gói ghém cuộc sống cá nhân và tập thể vào các biểu hiện và vật nhắc nhở niềm tin của họ. Theo dòng thời gian, mọi chi tiết trong nghệ thuật và kiến trúc của Giáo hội, của phụng vụ và việc đạo đức riêng tư, đều mang ý nghĩa tôn giáo rõ ràng. Biểu tượng là ngôn ngữ phổ quát cho mọi tôn giáo. Đặc biệt biểu tượng là phong phú trong Giáo hội Công giáo, một phần do sự khuyến khích của Giáo hội, nhưng chủ yếu vì các mầu nhiệm đức tin là quá sâu xa đến nỗi không bao giờ hiểu hết được. Biểu tượng giúp tâm trí hiểu được các mầu nhiệm ấy với suy tư cầu nguyện, và sự hiểu biết ngày càng nhiều hơn.
Symbols, Christian
Ký hiệu, biểu tượng tôn giáo. Là dấu hiệu hoặc biểu tượng của chân lý tôn giáo. Chúng là các phương tiện cảm nhận bằng giác quan, qua đó các mầu nhiệm mặc khải có thể được hiểu ít hay nhiều hơn. Chúng có thể được viết, hay nói, hay diễn tả bằng hình dạng đồ hoạ. Trong một dạng đặc biệt là các Bí tích, vốn không chỉ là biểu tượng một chân lý mặc khải, mà còn trao ban điều các bí tích ấy diễn nghĩa.
Sympathy
Đồng cảm, thiện cảm, thương cảm. Là phẩm tính của hữu thể chịu ảnh hưởng của cảm nghiệm của người khác, nhất là trong sầu buồn hoặc thử thách, với tình cảm tương tự như trong chính mình. Sự giống nhau trong khổ đau là sự đồng cảm thật sự. (Từ nguyên Latinh sympathia; từ chữ Hi Lạp sumpatheia, từ chữ sympath_s, ảnh hưởng bởi tình cảm: sun-, giống như + pathos, cảm xúc, tình cảm.)
Syn
Syn, Synodus—công nghị, thượng hội đồng, hội nghị.
Synagogue (Biblical)
Hội đường Do thái (trong Kinh thánh). Là trung tâm của cộng đoàn Do thái, nơi hướng dẫn việc học hỏi và trình bày Cựu Ước. Mặc dầu chức năng chính của hội đường là tôn giáo, hội đường cũng được dùng làm nơi tổ chức cho đủ loại sinh hoạt của cộng đòan—tang lễ, hội họp và chuyện làm ăn. Một hội đồng chức sắc điều hành hội đường, hướng dẫn các nghi thức, và theo dõi các chương trình giáo dục.
Synaxis
Synaxis, cộng đồng phụng tự, cộng đoàn tham dự, tập họp Thánh thể, Đồng bàn. Là cuộc nhóm họp cho bất cứ công việc tôn giáo nào trong thời Giáo hội sơ khai, tương tự như hội đường Do thái, là nơi nhóm họp tôn giáo của người Do thái. Trong Giáo hội Đông phương, nó còn có nghĩa là một cộng đồng phụng tự, trong đó có Thánh lễ. Trong Giáo hội Tây phương, từ ngữ này được dùng để chỉ các công việc ngoài Thánh lễ, như đọc Thánh vịnh, hay đọc kinh, từ đó Kinh nhật tụng được khai triển. Cộng đoàn tham dự cũng là tên trong Nghi lễ Byzantine dành cho một số lễ trọng, khi vào các lễ ấy tín hữu tụ tập vào một nhà thờ đặc biệt, tương tự như các nhà thờ chặng trong Nghi lễ Latinh. Cũng thế, trong một tu viện Byzantine, hội đồng các vị trưởng lão trợ giúp cho tu viện trưởng được gọi là một nhóm Đồng Bàn (Synexis).
Syncretism
Hòa hợp, hòa đồng chủ nghĩa. Là nỗ lực nhằm thống nhất các học thuyết và tập tục khác nhau, nhất là trong tôn giáo. Các sự thống nhất hoặc sự pha trộn như thế là một phần của lịch sử văn hóa, và là đặc trưng cho điều xảy ra cho mọi nền văn hóa của thế giới ngoài Kitô giáo. Hòa hợp cũng áp dụng cho các nỗ lực đại kết giữa các Giáo hội Kitô giáo ly khai, và bên trong đạo Công giáo chữ hòa hợp áp dụng cho nỗ lực nhằm kết hợp các yếu tố hay nhất của các trường phái thần học khác nhau. Nhưng trong những năm gần đây, từ ngữ hòa hợp dùng để chỉ các chủ trương lệch lạc cho rằng sự hiệp nhất tôn giáo có thể được thực hiện, mà không cần biết các dị biệt giữa các tôn giáo, khi nói rằng mọi niềm tin xét cho cùng cũng chỉ là một và giống như nhau. (Từ nguyên Hi Lạp synkr_tizo, kết hợp các yếu tố rời rạc thành một tổng thể hòa hợp; từ chữ synkr_tizmos, liên hiệp các thành phố đảo Creta.)
Synderesis hoặc Synteresis
Lương năng. Là thói quen biết các nguyên tắc căn bản của luật luân lý; là kiến thức về các nguyên lý phổ quát đầu tiên của một trật tự thực tiễn. Đôi khi nó được áp dụng cho lương tâm, vốn là sự áp dụng thực tế của tâm trí cho các nguyên tắc đã biết, phán đoán về sự lành sự dữ của một hành vi đặc biệt của con người. (Từ nguyên Hi Lạp synteresis, tia sáng lương tâm.)
Syndic, Apostolic
Người quản lý tông tòa. Là một giáo dân hay người quản lý, có nhiệm vụ quản trị tài sản do Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Anh Em Lúp Vuông (Capuchin) sử dụng, nhưng tài sản ấy thuộc về Tòa thánh. Cuộc sống xã hội hiện đại đòi hỏi Tòa thánh làm chủ tài sản, tặng vật, di vật..., được tích lũy bởi các Dòng tu bị cấm có của cải chung do lời khấn của họ. Mỗi tu viện có một người quản lý chịu trách nhiệm gìn giữ và quản lý các của cải ấy.
Syndicalism
Chủ nghĩa công đoàn. Là một phong trào cách mạng ở tầng lớp lao động, nhằm cho công nhân kiểm soát ngành công nghiệp, dựa trên một tổ chức của công nhân công nghiệp. Là một phương tiện để đạt mục tiêu này, chủ nghĩa công đoàn bênh vực việc tổng đình công và phá hoại. Nguồn gốc của nó là từ năm 1895, khi Tổng Liên đòan Lao động (the Confédération Général du Travail) được thành lập tại Pháp, và phong trào sớm lan qua các quốc gia khác. Những người bênh vực bạo động trong công đoàn lao động gọi là người ủng hộ chủ nghĩa công đoàn.
Synod
Hội nghị, hội đồng, công nghị, thượng hội đồng. Là hội nghị của các giáo sĩ, không nhất thiết là mọi giám mục, được giáo quyền triệu tập để thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến giáo lý, kỷ luật, hoặc phụng vụ thuộc thẩm quyền của họ. Các từ ngữ Hội đồng và Công đồng là đồng nghĩa với nhau trong nhiều thế kỷ, và chúng vẫn có thể hóan đổi cho nhau. Theo Công đồng chung Trent, Công nghị là hội nghị của giáo phận, được tổ chức cứ mỗi năm một lần. Trong Bộ Giáo luật, công nghị giáo phận phải được tổ chức ít nhất cứ 10 năm một lần, trong đó chỉ có Giám mục có quyền lập pháp, còn mọi người khác có quyền tư vấn mà thôi. (Từ nguyên Latinh synodus; từ chữ Hi Lạp synodos, gặp gỡ: sun-, cùng nhau + hodos, đường đi, hành trình.)
Synod Of Bishops
Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Là một hội nghị các Giám mục, được chọn từ khắp nơi trên thế giới, họp tại Rome cứ nhiều năm một lần để “giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn nơi Hội Ðồng có tên riêng là ‘Thượng Hội Ðồng Giám Mục’; Thượng Hội Ðồng này đóng vai trò của toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo, đồng thời nói lên rằng tất cả các Giám Mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng chia sẻ nỗi lo âu của toàn thể Giáo Hội” (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, Christus Dominus, I, 5). Mặc dầu bản chất của Thượng Hội đồng là thường xuyên, Thượng Hội đồng thực thi nghĩa vụ trong một thời gian và khi được triệu tập mà thôi. Thông thường hoạt động như một cơ quan tham vấn, để thông tin và cố vấn cho Đức Giáo hòang, Thượng Hội Ðồng Giám Mục có thể có quyền quyết định, khi được Đức Giáo chủ trao quyền, và chính Ngài trong mọi trường hợp phải phê chuẩn các nghị quyết của Thượng Hội đồng, có như thế các nghị quyết mới có tính hiệu lực.
Synoptic Problem
Vấn đề nhất lãm. Là vấn đề cách thức các Tin Mừng theo Mátthêu, Máccô và Luca có liên quan với nhau, bởi vì một số lớn nội dung của ba Tin mừng này nói về cùng một chủ đề, thường với từ ngữ giống nhau, nhưng đôi khi có những dị biệt rất khác. Không có một giải pháp riêng nào cho Vấn đề Nhất lãm cả. Nói chung, các học giả Công giáo ủng hộ truyền thống căn bản, đã có từ thế kỷ thứ hai, rằng Tin mừng mang tên các thánh Mátthêu, Máccô và Luca đều được viết bởi thánh Mátthêu Tông đồ, Máccô môn đệ của Phêrô, và Luca môn đệ của Phaolô; rằng bản gốc Tin mừng theo thánh Mátthêu là bằng tiếng Aramaic, sau đó được dịch sang tiếng Hi Lạp; rằng các điểm tương đồng giữa ba Tin mừng Nhất lãm là do các Tin mừng ấy trình bày các dữ liệu lịch sử giống nhau, còn các khác biệt nhau là do quan điểm, tính cách và mục đích của mỗi vị khi viết một Tin mừng riêng. Nơi người Tin lành, Vấn đề Nhất Lãm thường được giải quyết bằng cách đặt Tin mừng theo thánh Máccô làm Tin mừng thứ nhất và căn bản, và hai Tin mừng kia dựa vào đó, cùng với các nguồn khác, nhất là nguồn Q chưa được biết đến, nhưng chỉ có thể dựa vào bằng chứng bản văn để suy diễn mà thôi.
Synoptics
Tin mừng nhất lãm. Là ba Tin mừng đầu, gồm Tin mừng theo thánh Mátthêu, Tin mừng theo thánh Máccô và Tin mừng theo thánh Luca. Được gọi là nhất lãm, bởi vì ba Tin mừng này có một bố cục tổng quát giống nhau và phản ảnh nhiều điểm tương đồng trong các sự kiện trình thuật, và giống nhau ngay cả trong lối diễn tả văn chương. Ba Tin mừng này đưa ra một cái nhìn toàn diện về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.
Synthesis
Tổng hợp. Là hành vi trí tuệ, nhờ đó các ý kiến đơn giản được phối hợp thành các ý kiến phức tạp hơn. Như thế đó là sự tổng hợp các yếu tố riêng lẻ để làm thành một tổng thế chắc chắn dựa trên nguyên tắc hợp nhất. (Từ nguyên Latinh synthesis; từ chữ Hi Lạp synthesis, ghép chung lại.)
Syriac
Ngôn ngữ Syria. Là một nhánh của ngôn ngữ Aramaic, được nói ở Edessa (một thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và vùng phụ cận trước kỷ nguyên Kitô giáo. Nó được sử dụng nhiều trong thời Giáo hội sơ khai, chẳng hạn các bản dịch Kinh thánh Diatessaron và Peshitta. Sau các cuộc chia rẽ tôn giáo trong thế kỷ thứ năm, ngôn ngữ Syria vẫn là tiếng nói của người Syria ở Đông và Tây. Nhưng sau khi tiếng Ả rập trở thành ngôn ngữ thông dụng, tiếng Syria đã trở thành ít nhiều một ngôn ngữ nhân tạo.
Syrian Rite
Nghi lễ Syria. Tại Đông Phương, nghi lễ này còn gọi tên là Nghi lễ Chaldean (Can-đê), Nghi lễ Assyrian (Át-sua), hoặc Nghi lễ Ba Tư, được người Công giáo và Kitô hữu Đông phương ly khai sử dụng. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Syria hoặc Aramaic. Nơi giáo phái Nestor ở Syria, chỉ có năm Bí tích, vì các bí tích Hòa giải và Xức dầu không được biết tới trong thực tế. Ở Tây Phương, Nghi lễ Syria cũng được sử dụng bởi người Công giáo, Kitô hữu không Công giáo, giáo hội Maron và giáo phái Jacobite. Riêng trong Giáo phái Jacobite, nghi lễ này có chen thêm một số kinh bằng tiếng Ả rập.
Systems Of Probability
Các hệ thống cái nhiên thuyết. Là các thuyết về mức độ nghi ngờ hoặc cái nhiên, vốn sẽ miễn trừ cho một người khỏi bổn phận đối với một luật hồ nghi. Năm hệ thống đã được phát triển (trong đó hệ thống đầu và cuối là lý thuyết hơn là thực hành), đó là đại xác cách thuyết, thuyết đại xác suất, đồng cái nhiên thuyết, cái nhiên thuyết và phóng thứ thuyết. Theo đại xác cách thuyết (tutiorism), một người phải là chắc chắn hoặc gần như chắc chắn (tutior, an toàn hơn) rằng luật hồ nghi không có tính cách ràng buộc; và phóng thứ thuyết chủ trương rằng một lý do cái nhiên hồ nghi cổ vũ sự tự do cho một người miễn giữ một luật hồ nghi. Thuyết đại xác suất nói rằng bằng chứng chống lại một luật hồ nghi phải là rõ ràng hơn so với điều ngược lại. Đồng cái nhiên thuyết chủ trương rằng bằng chứng phải là cái nhiên ngang bằng với điều ngược lại. Cái nhiên thuyết cho rằng bất cứ lý luận cái nhiên vững chắc nào, chống lại sự hiện hữu hoặc sự áp dụng của một luật hồ nghi, là đủ để không bị ràng buộc tuân theo luật ấy.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News