Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Đó là lời Chúa
“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.
Một người đi lạc trong sa mạc, sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều. Lê gót tới, anh thấy một bơm nước hoen rỉ. Anh cố vận hành cần bẫy, không một giọt. Tuyệt vọng! Bỗng anh nhìn thấy ở góc lều một chai nước đóng kín, bên ngoài ghi, “Muốn bơm hoạt động, hãy đổ hết vào bơm. Làm đầy nó trước khi rời đi!”. Đắn đo, anh đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Anh uống từng ngụm, chứa đầy các túi. Trước khi rời bước, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Tin tôi đi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người lữ khách được gặp lại nơi một bà goá liều lĩnh. Họ là những con người ‘liều mất sự sống’ đã ‘kéo dài sự sống’. Với Chúa Giêsu, họ là những con người ‘toả sáng’ vì “Đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”.
“Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội như một bà goá đang đợi Phu Quân của mình trở lại. Bà tỏ ra không quan trọng, tên của bà không xuất hiện trên báo chí, không ai biết đến bà. Bà không có bằng cấp, không có gì cả. Bà không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình; tương tự như thế, Giáo Hội không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình, nhưng Giáo Hội phản chiếu và ‘toả sáng’ ánh sáng đến từ Đức Phu Quân!
Suốt nhiều thế kỷ, khi Giáo Hội muốn có ánh sáng của riêng mình, Giáo Hội đã sai! Giáo Hội nhận nó từ Chúa và tất cả những gì chúng ta làm là giúp Giáo Hội nhận được ánh sáng đó. Khi một buổi lễ thiếu ánh sáng này, thật không tốt, nó khiến Giáo Hội trở nên giàu có, quyền lực, tìm kiếm quyền lực, hoặc lạc lối, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và điều đó có thể đang xảy ra khi chúng ta muốn có một ánh sáng khác: ánh sáng riêng, mà thực ra không phải là ánh sáng của Chúa.
Nhưng một khi Giáo Hội khiêm nhường và nghèo khó, và ngay cả khi thú nhận những bất hạnh của mình - tất cả chúng ta đều có những bất hạnh đó - thì Giáo Hội vẫn trung thành. Giáo Hội như đang nói, “Tôi tối tăm, nhưng ánh sáng đến với tôi từ đó!”. Và điều này thật tốt lành! Hãy cầu nguyện với bà goá này - người chắc chắn đang ở trên thiên đàng - để bà dạy chúng ta trở nên một Giáo Hội như Chúa muốn, từ bỏ tất cả những gì mình có và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình; thay vào đó là trao tặng tất cả cho Chúa, cho người lân cận. Luôn khiêm nhường và không khoe khoang ánh sáng của riêng mình, nhưng luôn tìm kiếm nó từ Chúa và ‘toả sáng’ Ngài!” - Phanxicô.
Anh Chị em,
“Bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”. Bà goá và người lữ khách đã trở thành những con người ‘kéo dài sự sống’. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống Kitô và ‘toả sáng’ Ngài, hãy cho đi! Cho đi của cải lẫn tinh thần, khối óc lẫn con tim, tri thức lẫn lòng thương xót… và nhất là cho đi chính “Giêsu!”. Để được vậy, trước hết, hãy đầy ắp Ngài bằng cách mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài Giêsu’ những gì chúng ta ‘có’, những gì chúng ta ‘là’. Điều này đôi khi còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng và bao ươn hèn! Bởi lẽ, ích kỷ chỉ làm co quắp; quảng đại luôn làm cao thượng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con trở nên ‘co quắp’ và con chỉ biết ‘phủ tối’; dạy con trở nên ‘cao thượng’ hầu có thể ‘toả sáng’ Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”.
“Những kẻ chinh phục thế giới - với những đội quân dũng mãnh và vũ khí khủng khiếp - tìm cách khuất phục nó trong vô vọng! Chúa Kitô chinh phục thế giới với một vũ khí đơn giản - “Tình Yêu”. Tim Ngài tan vỡ, để Ngài có thể ôm lấy những kẻ tan vỡ. Ngài trị vì thế gian, nhưng Vương Quốc Ngài không thuộc về thế gian!” - Dr. Anthony Fortosis.
Kính thưa Anh Chị em,
Long trọng mừng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta tin Ngài là Vua vạn vật, Vua thiên đàng, Vua các linh hồn! Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay - trả lời Philatô - Ngài xác nhận, Ngài là Vua, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian’. Vậy nó ở đâu?
Trước hết, Ngài không phải là một vị vua thế gian, một người có quyền dân sự. Vì như thế, Ngài là kẻ thù của chính quyền Rôma. Điều này là bất hợp pháp và Ngài sẽ bị trừng phạt đến chết; đang khi Ngài hoàn toàn vô tội, hoàn hảo mọi đàng, kể cả việc tuân giữ mọi lề luật dân sự hợp pháp. Vậy thì Vương Quyền của Chúa Giêsu ở đâu?
Vương Quyền của Ngài ở trong các tâm hồn! Vương Quyền tình yêu, một Vương Quyền được Đaniel tiên báo, “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong!” - bài đọc một. Đó là một Vương Quyền mà vì nó, “Ngài đã dùng máu Ngài mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa” - bài đọc hai - hầu mỗi người có thể tuyên xưng “Chúa là vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào!” - Thánh Vịnh đáp ca. Vì vậy, với tuyên bố, “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”, Chúa Giêsu muốn nói, Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc tình yêu; Ngài chiếm lãnh các trái tim bằng tình yêu, với tình yêu. Đó không phải là một đất nước cạnh tranh với chính quyền Rôma hay bất kỳ một cơ quan dân sự nào. Trước điều đó, Philatô tỏ ra lúng túng!
Ngày nay và cho đến muôn đời, Chúa Kitô luôn ước mong Vương Quốc Ngài trị vì khắp mọi nơi, trong mọi người. Ngài bắt đầu công việc này bằng việc chiếm ngự các tâm hồn; Ngài mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp Ngài. Ngài muốn thống trị mọi đam mê, ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bên cạnh đó, Ngài còn muốn Vương Quốc phát triển! Điều này có nghĩa là khi trái tim của các nhà lãnh đạo, các bậc cha mẹ, những người đứng đầu ‘được biến đổi’, họ sẽ là những người ủng hộ, cộng tác và xây dựng Vương Quốc. Điều đó có nghĩa là mọi người, không trừ ai, được kêu gọi trở nên những con người xây dựng Nước Chúa ‘ở đây và lúc này’. Đó là những ai được giao cho chúng ta; và đến lượt họ, họ tiếp tục xây dựng Vương Quốc trong môi trường mình.
Anh Chị em,
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”. “Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ mời gọi chúng ta để Ngài trở thành Vua của mình. Một vị Vua, bằng lời nói, gương sáng và cuộc sống hiến tế trên thập giá để cứu chúng ta khỏi chết, và vị Vua này chỉ ra con đường cho những ai lạc lối, mang ánh sáng mới cho những cuộc sống vốn bị hoen ố bởi nghi ngờ, sợ hãi và những thử thách hằng ngày!” - Phanxicô. Từ đó, noi gương Ngài, chúng ta làm tất cả những gì Chúa muốn và giúp người khác làm điều tương tự cho Vương Quốc.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin trị vì trái tim bất thường của con, giúp con chiến đấu cho Vương Quốc không bằng một sức mạnh nào - ngoài tình yêu và lòng thương xót của Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Cha Andrey Sheptytsky, người đã qua đời cách đây tám mươi năm vào ngày 1 tháng 11 năm 1944, là một trong những nhân vật nổi bật của Công Giáo thế kỷ XX, người có cuộc sống đáng chú ý và chức thánh anh hùng với tư cách là người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kéo dài bốn mươi ba năm, hai cuộc chiến tranh thế giới, năm triều đại giáo hoàng, nạn đói khủng bố của Stalin (“Holodomor”, trong đó ít nhất sáu triệu người Ukraine đã bỏ cho chết đói một cách cố ý), và nửa tá lần thay đổi chính quyền ở các vùng lãnh thổ mà ngài phục vụ. Giữa tình hình hỗn loạn đó, Đức Cha Sheptytsky đã trở thành một nhân vật quan trọng trong việc tinh chỉnh bản sắc dân tộc của Ukraine hiện đại, trong khi các sáng kiến về văn hóa, đại kết, liên tôn và mục vụ của ngài đã dự đoán trước giáo lý của Công đồng Vatican II và Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Vì vậy, vào lễ kỷ niệm tám mươi năm lễ Vượt qua của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đến vị trí cao quý hiện tại của ngài trong Hiệp thông các Thánh, chúng ta cần phải chú ý.
Bá tước Roman Aleksander Maria Szeptycki sinh năm 1865 tại một thị trấn gần L'viv ở Galicia của Áo khi đó trong một gia đình có nguồn gốc từ giới quý tộc Ruthenia và Ba Lan. Trong hơn một thập niên rưỡi, việc học của ngài đã đưa ngài đến L'viv, Kraków và Breslau (ngày nay là Wrocław); ngài cũng đã đi đến Kyiv, Mạc Tư Khoa và Rôma, nơi mà vào năm 1888, ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Vài tháng sau cuộc gặp gỡ đó, Sheptytsky, người đã áp dụng cách viết họ của mình theo tiếng Ukraine, đã gia nhập Dòng Basiliô của Thánh Josaphat thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, lấy tên thánh là Anrê—anh trai của Thánh Phêrô và là vị thánh bảo trợ vĩ đại của Công Giáo Đông phương. Được thụ phong linh mục vào năm 1892, ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học và vào năm 1898, thành lập một cộng đồng tôn giáo dựa trên quy tắc của Thánh Theodore the Studite, với mục đích cải cách tu viện Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm giám mục, và vào cuối năm 1900, Đức Lêô XIII đã đồng ý bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Halych, Tổng giám mục L'viv và Giám mục Kamianets-Podilskyi, những chức vụ mà ngài đảm nhận vào Tháng Giêng năm 1901 ở tuổi ba mươi sáu.
Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đã thực hiện một nhiệm kỳ giám mục dài và mạnh mẽ trong những hoàn cảnh vô cùng thách thức, khi Ukraine đấu tranh để tinh chỉnh và bảo vệ bản sắc dân tộc của mình: đầu tiên, trước áp lực của Nga và Ba Lan; sau đó, trong bối cảnh diệt chủng thời Liên Xô; và cuối cùng, trong thời kỳ xâm lược tàn bạo của Đức Quốc xã. Chống lại sự phản đối của các sa hoàng và thường xuyên cải trang, ngài đã nỗ lực xây dựng các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tại Đế quốc Nga trước năm 1917. Đồng thời, ngài đã cố gắng kiềm chế sự ganh đua theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan và Ukraine trong những năm cuối đầy biến động của Đế quốc Áo-Hung trong khi tiếp thêm sinh lực cho Giáo Hội Công Giáo Đông phương tại các lãnh thổ của Hoàng đế Franz Joseph. Trong mọi trường hợp, và đối với tất cả các bên ở các vùng đất Ukraine bị chia cắt bởi phe phái, ngài thúc giục tinh thần bác ái anh em và sự nhạy cảm đại kết, vì các lãnh thổ mà ngày này là Ba Lan và Ukraine - từ lâu đã bị Nga và Áo-Hung chia cắt - đã đấu tranh để thiết lập nền độc lập của họ sau Thế chiến thứ nhất.
Khi bản sắc dân tộc Ukraine hiện đại đang được hình thành vào đầu thế kỷ XX, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew đã xây dựng các tổ chức văn hóa để định hình một Ukraine tương lai theo sự tiếp nối nguồn gốc của quốc gia trong lễ rửa tội của người Slav phương Đông tại Kyiv vào năm 988 sau Chúa Giáng Sinh: một chủng viện, các cơ sở giáo dục trung học và đại học, và một bảo tàng quốc gia để bảo tồn và hỗ trợ di sản nghệ thuật của Ukraine. Là một mục tử, ngài đã nỗ lực đào sâu đức tin của người dân thông qua việc dạy giáo lý hiệu quả, khuyến khích mục vụ thanh thiếu niên và đóng góp lâu dài cho đời sống tôn giáo của Ukraine bằng cách hỗ trợ tu viện Studite và mời các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế theo nghi lễ Byzantine vào giáo phận của mình.
Những đòn roi tàn bạo của Liên Xô và Đức Quốc xã đã giáng xuống Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky và người dân của ngài một cơn thịnh nộ không thể kiềm chế, và trong khi Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew lúc đầu hoan nghênh cuộc xâm lược của Đức vào vùng đất Ukraine năm 1941 như một phương tiện để đàn áp chủ nghĩa Stalin, ngài đã sớm nhận ra những tội ác khủng khiếp mà những kẻ xâm lược đang gây ra, viết thư cho Reichsführer-SS Heinrich Himmler vào tháng 2 năm 1942 để phản đối việc tàn sát người Do Thái. Hợp tác với anh trai Klymentiy, một tu sĩ Studite được phong chân phước vào năm 2001, ngài đã cứu hàng trăm trẻ em Do Thái, giấu chúng trong các tổ chức Công Giáo Đông phương, trong khi đích thân ngài cho con trai của một giáo sĩ Do Thái hàng đầu ở L'viv trú ẩn tại nhà riêng của mình. Vào tháng 8 năm 1942, ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Piô XII, mô tả các vụ thảm sát hàng loạt của Đức Quốc xã và thừa nhận rằng ban đầu ngài đã hiểu sai ý định của Hitler ở Ukraine; ba tháng sau, ngài đã ban hành một lá thư mục vụ, “Ngươi không được giết người”, công khai phản đối chế độ khủng bố của Đức và rút phép thông công những kẻ thực hiện. Một trong những người được ngài cứu, David Kahane, sau này trở thành giáo sĩ Do Thái chính của lực lượng không quân Israel.
Di sản của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Andrew—lòng mộ đạo sâu sắc, chiều sâu trí tuệ, sự tinh tế về văn hóa, lòng yêu nước trưởng thành, lòng bác ái đại kết và liên tôn—vẫn sống mãi trong sức sống của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ngày nay tại Ukraine, do người kế nhiệm xứng đáng của Đức Cha Sheptytsky, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lãnh đạo. Khi Ukraine đấu tranh cho cuộc sống của mình và tự do của phương Tây, chúng ta nên tôn vinh ký ức về nhân chứng Kitô giáo vĩ đại này và cầu nguyện cho sự chuyển cầu của ngài.
Source:First Things
Thông báo bất ngờ được đưa ra vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Phanxicô kỷ niệm Ngày Thiếu nhi Thế giới.
Theo Giáo phận Assisi, lễ tuyên thánh cho Acutis dự kiến sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 4, lúc 10:30 sáng giờ địa phương tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Dưới đây là lời cầu nguyện chính thức cùng Chân Phước Acutis sắp được phong thánh của giáo phận Assisi.
Lạy Chúa là Cha chúng con,
chúng con cảm tạ Chúa đã ban Carlo cho chúng con,
một hình mẫu sống cho những người trẻ tuổi,
và thông điệp yêu thương gửi đến tất cả mọi người.
Chúa đã khiến anh ấy yêu Chúa Giêsu, con Chúa,
biến Bí tích Thánh Thể thành “con đường lên thiên đàng”.
Chúa đã ban cho Carlo Đức Mẹ Maria làm người mẹ yêu dấu,
và Chúa đã đào tạo anh ấy, thông qua Kinh Mân Côi, trở thành
một ca sĩ thể hiện sự dịu dàng của Đức Mẹ.
Xin Chúa thương nhận lời cầu nguyện của ngài cầu bầu cho chúng con.
Trước hết, xin Chúa nhìn đến những người nghèo, những người mà ngài yêu thương và giúp đỡ.
Xin Chúa cũng ban cho con nữa, qua lời chuyển cầu của ngài, ân sủng
mà con cần (nêu ý định của bạn).
Và để cho niềm vui của chúng con được trọn vẹn, xin nâng Carlo lên hàng các thánh trong Giáo Hội của Chúa,
để nụ cười của anh ấy lại tỏa sáng cho chúng con biết tôn vinh danh Chúa. Amen.
Source:Aleteia
Camille Dalmas của tạp chí Aleteia, ngày 24/11/24, cho hay: Vào ngày 15 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ bế mạc một hội thảo về "Lòng đạo bình dân ở Địa Trung Hải" trên một hòn đảo nơi các hội đoàn là biểu hiện sống động của đức tin.
Đức Hồng Y François-Xavier Bustillo, giám mục của Ajaccio, đã nói với La Tribune vào Chúa Nhật, ngày 17 tháng 11 rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Corsica vào giữa tháng 12. Mục đích của chuyến đi là để bế mạc một cuộc hội thảo về "Lòng đạo bình dân ở Địa Trung Hải". Vatican hiện đã xác nhận biến cố này.
Giáo phận Ajaccio và giám mục của giáo phận, Đức Hồng Y François Bustillo, đã tổ chức hội thảo, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 12. Vị giám mục gốc Basque đã mời hàng chục giám mục và học giả từ Corsica, Sardinia, Tây Ban Nha, Sicily và miền nam nước Pháp chia sẻ kinh nghiệm của họ về các biểu hiện khác nhau của "lòng đạo bình dân", dù là tôn giáo, văn hóa, chính trị hay xã hội. Lòng đạo bình dân ám chỉ các biểu hiện đức tin và lòng sùng kính giữa những người trung thành của Thiên Chúa, chẳng hạn như các cuộc rước kiệu, hoặc các nghi lễ gắn liền với một số vị thánh hoặc biểu tượng nhất định.
Được Đức Hồng Y Bustillo mời một cách kín đáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định đích thân đóng góp vào sự suy tư này. Sự lựa chọn này có thể gây ngạc nhiên, nhưng có thể giải thích được bằng mong muốn liên tục của Đức Giáo Hoàng là đặt dân Chúa vào trung tâm của một Giáo hội thường bị cám dỗ bởi một hình thức chủ nghĩa tinh hoa — mà Đức Giáo Hoàng gọi là chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Trong thông điệp mới nhất của mình, Dilexit nos, nói về một biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng chỉ trích gay gắt thái độ coi “Thiên Chúa là Đấng quá cao cả, tách biệt và xa cách” và do đó coi “những biểu hiện tình cảm của lòng đạo đức bình dân là nguy hiểm và cần được giáo hội giám sát”. Và ngược lại với xu hướng này, Corsica có thể đối chiếu sức sống của đức tin bình dân của mình.
Các huynh đoàn và tính đa âm
Văn hóa lòng đạo bình dân của Corsica được đặc trưng bởi chiều kích chủ yếu dựa trên làng xã. Nó đã phát triển trong các huynh đoàn, hiệp hội của những người giáo dân phục vụ Giáo hội và đặc biệt gắn bó với vùng đất mang lại cho họ bản sắc.
Người Corsica cũng đã tạo ra một tính đa âm thánh thiêng độc đáo. Nó có nguồn gốc từ ảnh hưởng của các dòng tu hành khất — Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô — đối với công cuộc truyền giáo của hòn đảo và trong văn hóa mục vụ của những người chăn cừu Corsica.
Xung quanh các hội đoàn — hội đoàn đầu tiên ra đời vào thế kỷ 15 — một nền văn hóa lòng đạo phong phú đã phát triển, với các nghi lễ và lễ hội riêng, hợp tác với các giáo sĩ địa phương. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, những truyền thống này đã suy thoái đến mức gần như biến mất.
Đây là hậu quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của hòn đảo, với sự suy giảm dân số ở các làng mạc và sự tập trung dân số ở các thị trấn lớn hơn, nhưng cũng là hậu quả của sự mất giá của ngôn ngữ và văn hóa Corsica. Một quá trình mà Giáo hội đã đóng một vai trò, nhà nhân chủng học người Ý Alessandra Broccolini lưu ý, người tin rằng quá trình này đã được "thúc đẩy bởi việc thay thế tiếng Latinh bằng tiếng bản địa sau Công đồng Vatican II", một quá trình áp đặt các bài hát hiện đại bằng tiếng Pháp.
Một lòng đạo gắn liền với lãnh thổ của nó
Tuy nhiên, từ những năm 1980 trở đi, di sản tôn giáo này, vốn là một phần quan trọng của văn hóa Corsica, đã được đổi mới trong giai đoạn khủng hoảng chứng kiến sự xuất hiện của các yêu sách dân tộc chủ nghĩa và tự chủ — một xu hướng được gọi là “riaquistu” (“tái thiết”). Các nhà nghiên cứu tận tụy đã giải mã các bản chép tay đa âm của thế kỷ 15 và khám phá lại các điều lệ của các huynh đoàn cổ thời. Họ đã hồi sinh các hoạt động này với thành công ngày càng tăng, đặc biệt là kể từ khi kết thúc các cuộc đấu tranh bạo lực đánh dấu những năm 1990 và 2000.
Jean-Charles Adami, người sẽ phát biểu tại hội thảo, tin rằng các huynh đoàn đã trở thành động lực thúc đẩy “hình thức hội nhập văn hóa” của đức tin ở Corsica, bao gồm việc tính đến các đặc điểm cụ thể của địa điểm và di sản tôn giáo và văn hóa hiện có.
Sự hội nhập văn hóa này thường được Đức Giáo Hoàng thúc đẩy kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài, nhưng rất hiếm khi liên quan đến Giáo hội phương Tây thế tục hóa, mà ngài dễ dàng chỉ trích hơn vì có hình thức “cứng ngắc” trong mối quan hệ với các truyền thống.
Adami cũng lưu ý rằng động lực “tái thiết tính thôn dã” do các huynh đoàn thúc đẩy phù hợp với bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng về vùng ngoại vi, nhưng cũng thẩm thấu với giáo huấn về sinh thái và xã hội của Laudato si'. Đây là tất cả các chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể phát triển trong chuyến thăm của mình đến Ajaccio.
Daniel Payne của CNA, ngày 22 tháng 11 năm 2024, viết rằng Theo dữ liệu từ một nhóm ủng hộ phá thai lớn, số ca phá thai đã giảm mạnh ở Iowa ngay sau khi lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt có hiệu lực tại đây.
Dữ liệu từ Viện Guttmacher, công bố hôm thứ Năm, cho thấy trung bình có 400 ca phá thai do bác sĩ lâm sàng thực hiện mỗi tháng tại Iowa trong sáu tháng đầu năm 2024.
Sau khi lệnh cấm kéo dài sáu tuần của tiểu bang có hiệu lực vào ngày 29 tháng 7, "số ca phá thai đã giảm xuống còn khoảng 250 ca vào tháng 8, giảm 38% so với mức trung bình trong sáu tháng đầu năm", Guttmacher cho biết.
Guttmacher cho biết các ca phá thai trong tập dữ liệu “bao gồm cả phá thai thủ thuật cũng như phá thai bằng thuốc được thực hiện qua telehealth” cả trong và ngoài Iowa.
Viện Guttmacher ủng hộ phá thai; tổ chức này chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy một số phụ nữ Iowa “có thể đã bị buộc phải tiếp tục [mang thai]” theo luật mới.
Đầu năm nay, Giáo Hội Công Giáo ở Iowa đã ăn mừng phán quyết vào tháng 6 của Tòa án Tối cao Iowa rằng phá thai “không phải là quyền cơ bản theo Hiến pháp Iowa”. Phán quyết đó cho phép luật nhịp tim có hiệu lực.
“Đối với chúng tôi, đây là vấn đề về lợi ích chung và phẩm giá con người. Sự sống của con người là quý giá và nên được luật pháp của chúng tôi bảo vệ ở mức độ lớn nhất có thể”, các giám mục của tiểu bang cho biết.
Các số liệu của Iowa phản ảnh sự sụt giảm tương tự về phá thai trên khắp cả nước sau khi luật phá thai thay đổi.
Các ca phá thai hợp pháp ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 6% trong sáu tháng đầu tiên sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ Roe v. Wade vào năm 2022.
Số ca phá thai trung bình hàng tháng đã giảm từ 82,270 ca trong hai tháng trước khi Roe v. Wade bị lật ngược xuống còn 77,073 ca trong sáu tháng sau quyết định này.
Tương tự như vậy, tỷ lệ sinh ở Texas đã tăng lên một lượng đáng kể về mặt thống kê sau khi tiểu bang ban hành luật bảo vệ sự sống, một nghiên cứu của Đại học Houston tiết lộ vào tháng 1.
Một nghiên cứu năm 2023 phát hiện ra rằng lệnh cấm phá thai sáu tuần của Texas đã dẫn đến gần 9,800 ca sinh nở tại tiểu bang này trong khoảng thời gian chín tháng so với dự kiến.
Mặt khác, đầu năm nay, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết dữ liệu chỉ ra sự gia tăng đáng kể các nỗ lực phá thai không có sự giám sát từ năm 2021 đến năm 2023.
Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu đó, một số người có quan hệ với Planned Parenthood và ACLU ủng hộ phá thai, đã cáo buộc rằng luật bảo vệ sự sống đã thúc đẩy sự gia tăng đột biến các ca phá thai không có sự giám sát.