Cha nằm nghiêng, gương mặt hao gầy với nhiều thay đổi, mắt nhắm như đang ngủ. Lùa qua tấm chăn mỏng, tôi nắm bàn tay mềm, ấm áp của cha. Trong khi ấy, cô em ghé sát tai nói tên tôi, nhắc ngài ra một dấu chỉ nhận biết người đến thăm. Tôi vô cùng xúc động khi bàn tay phải cha bóp nhẹ, hai mắt thoáng hé mở rồi nhắm lại.
Cúi gần khuôn diện quá đổi khác của cha, tôi kể tên những anh em Nhóm Gioan Tiền Hô, NS/DĐGD nhắn lời vấn an và cầu nguyện cho ngài. Thoáng nhìn đám đông bên ngoài đang chờ đợi đến lượt vào thăm, xiết chặt tay cha, tôi cầu nguyện cùng ngài trong một phút rồi từ giã ra về, lòng mang theo nhiều cảm xúc.
Bốn ngày sau, hay tin cha Gioan được Chúa gọi ra khỏi thế gían. Dù đã dự cảm sự ra đi của cha sẽ chỉ còn đếm được từng giờ, nhưng tôi không khỏi xót xa, luyến tiếc.
Viết bài tưởng niệm này tôi cũng muốn tỏ lời cám ơn cặp vợ chồng người bạn trẻ cuối tuần rồi đã báo tin cha Trần Công Nghị, người sáng lập hệ thống truyền thông Công Giáo Việt nam “VietCatholic News” đã rời bệnh viện về nhà với bệnh tình không mấy khả quan, để tôi có dịp ghé thăm ngài lần cuối.
Vì ỷ y con đường quá quen thuộc, là nơi thánh đường St Columban tọa lạc, tôi yên tâm lái xe không chuẩn bị trước, và cũng lơ đễnh không mang theo I-Phôn. Thật không ngờ đường bị ngắt nhiều đoạn, nên chuyến đi buổi sáng tôi bị lạc. Không còn thì giờ tìm kiếm thêm, tôi đành quay về vì mẹ các cháu không khoẻ, chờ đến trưa trở lại.
Mối liện hệ giữa tôi và cha Nghị trong hơn 40 năm qua không phải lúc nào cũng êm đềm.
Từ ngày rời Kansas về định cư ở miền nắng ấm California, tôi có cơ hội gặp gỡ cha Trần Công Nghị nhiều lần riêng hoặc chung với các cha Trần Cao Tường, Phạm Văn Tuệ hoặc với ĐÔ Mai Thanh Lương thuở ngài chưa về làm GM Phụ tá Giáo phận Orange.
Trong dịp ghé thăm tòa soạn nguyệt san dân Chúa lần đầu, cha Nghị đã ân cần giới thiệu tôi với cha Chủ nhiệm Việt Châu. Mặc nhiên, từ đấy tôi trở thành cộng tác viên tờ báo. Liên tiếp trong hai năm, hồi gia đình còn ở Kansas, tôi giữ mục “Tuổi Trẻ Việt nam hải ngoại” trên tạp chí này. Sau khi dời cư qua California cuối năm 79, tôi ngưng viết cho dân Chúa để cùng một số anh em chuẩn bị xuất bản nguyệt san Đường Sống đầu năm 80.
Không lâu cha Nghị cũng được bài sai về TGP Los Angeles. Khi gặp tôi, cha chuyển cho những số báo dân Chúa đóng thành tập có loạt bài tôi viết trước đó.
Trong một ngày cuối tuần cha mời anh em Đường Sống và một số thành viên Nhóm Gioan Tiền Hô tham dự bữa ăn thân mật tại nhà riêng thúc phụ cha ở Garden Grove để bàn về dự án thiết lập hệ thống truyền thông CGVN hải ngoại. Dù cha đã cố gắng hết sức, nhưng có thể vì dự án quá lớn, trong khi lực bất tòng tâm, nên đáng tiếc, không thực hiện được. Ngài bắt đầu viết cho ĐS. Nhưng vì có sự bất đồng, viết được mấy số, cha chấm dứt.
Cũng từ đấy, bẵng đi một thời gian, tôi không có cơ hội trực tiếp hội diện cha, ngoại trừ những lần tham dự ĐH-LĐCG hoặc các dịp đám cưới, đám tang người thân.
Vào khoảng năm 1995/1996, bất bình vì thấy bài của tác giả Nguyễn Đình Đầu viết về Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Giáo phận Sàigòn dịp ngài được Chúa gọi ra khỏi thế gian, xuất hiện trên tạp chí Thời Điểm Công Giáo do cha Trần Công Nghị chủ trương ở miền nam tiểu bang California. Ngày sau đó, tôi viết một bài phản biện dài, gửi vị phụ trách tòa soạn, dù nghi ngại bài sẽ bị vứt bỏ. Sự nghi ngại này có căn cớ, vì ông Đầu là một nhân sĩ Công Giáo lão thành, cho dù là một người thiên tả. Ông sinh cuối năm 1920, tính tới nay đã qua tuổi 100 với hơn 4 tháng lẻ.
Nói tới nhân vật Nguyễn Đình Đầu, hầu hết những ai thuộc lứa tuổi chúng tôi (sinh cuối thập niên 20 hoặc đầu thập niên 30 ở miền bắc vào nam tị nạn cộng sản năm 54) ít nhiều đều biết tiếng ông. Cá nhân tôi may mắn được quen biết thời gian ông mở nhà in và làm Giám học ở Trung học Nguyễn Bá Tòng một tư thục Công Giáo lớn ở Sàigòn (nay là trường Phổ thông Trung học Bùi Thị Xuân), trong khi tôi dạy quốc văn. Hơn nữa, em rể ông là GS Trần Hữu Quảng vốn là bạn tôi. Người bạn đời anh Quảng, tức bào muội ông Đầu từng hướng dẫn Giáo lý CG và đỡ đầu cho nhà tôi khi nhận bí tích Thanh Tẩy để cùng tôi lập gia đình đầu năm 1964.
Ông Đầu vốn là bạn thân ông Nguyễn Mạnh Hà trong thời gian hai ông sinh hoạt trong tổ chức Hướng Đạo Việt Nam và Phong trào Thanh Lao Công (tức "Phong trào Thanh niên Lao động Công Giáo", Jeunnesse Ouvrière Chrétienne - JOC). Có một thời ông Hà làm Hội trưởng toàn quốc và ông Đầu làm Hội trưởng chi nhánh thủ đô Hànội.
Nhờ mối liên hệ thân tình ấy, sau ngày 19-8-45, nhanh tay cướp được chính quyền, ông Hồ dưới cái mũ Việt Minh thành lập chính phủ lâm thời. Từ Pháp quốc, ông Nguyễn Mạnh Hà được mời về làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, đã đề cử ông Nguyễn Đình Đầu vào chức vụ Bí thư với vai trò phụ tá. Trên cương vị này, ông đích thân được họ Hồ giao nhiệm vụ đi mua gạo, tiếp tế cho đạo quân Trung Hoa Dân quốc đang có mặt ở miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Do những yêu sách nặng nề bất khả thi của các tướng Lư Hán - Tiêu Văn, đã có lần ông bị bắt giam và có khả năng bị giết hại nếu không có sự can thiệp kịp thời của ông Hồ.
Năm sau, chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà được đề cử vào chức vụ Thứ trưởng và một lần nữa, ông Đầu tiếp tục làm phụ tá cho ông Hà. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông Đầu ở lại Hànội còn ông Hà qua Pháp vì ông vốn là công chức trong chính quyền Pháp trước đó. Một thời gian sau, ông Đầu được ông Hà bảo lãnh qua Pháp du học. (Theo tài liệu trên Google).
Thời gian này ông Đầu có nhiều dịp sinh hoạt với các nhóm sinh viên thiên tả cả Việt lẫn Pháp. Năm 1954, khi hòa hội Genève mở ra, trong dịp phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Phạm Văn Đồng cầm đầu ghé thủ đô Pháp, ông đã cùng đại diện các nhóm sinh viên thân Hà nội tới chào mừng.
Sau khi đất nước chia đôi, năm 1956, thay vì về Hà nội, ông Đầu về Sàigòn. Trong khi nghe ngóng tình hình, ông soạn sách giáo khoa sử địa bậc trung học, làm Giám học tại tư thục Nguyễn Bá Tòng và hùn hạp mở nhà in để kiếm sống. Khoảng đầu thập niên 60, em rể ông, GS Trần Hữu Quảng xuất bản tuần báo Sống Đạo, với nội dung phê phán những vấn đề nhạy cảm trong Giáo hội và là căn nguyên gây nhiều tranh cãi trong giới Công Giáo ở Sàigòn hồi ấy.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình chiến cuộc miền nam ngày càng thêm sôi động. Những cuộc biểu tình tại Sàigòn liên tiếp diễn ra từng ngày, cùng với thiểu số LM cấp tiến, ông Đầu công khai xếp hàng với thành phần thứ ba do nhóm ông Dương Văn Minh, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận dẫn đầu. Vào những ngày náo loạn cuối tháng tư, sau khi TT Thiệu từ chức nhường lại cho Phó TT Trần Văn Hương, và ngay sau đó do áp lực khắp phía, cụ Hương từ chức, tướng Dương Văn Minh lên thay. Ngày 29-4. ông Minh đặc cử ông Đầu làm thành viên phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng hòa đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.
Sau ngày 30-4, ông Đầu có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của nhóm trí thức CG cấp tiến đòi trục xuất Đức Khâm sừ Tòa Thánh, biểu tình chống việc Đức GM Hùynh Văn Nghi trong vai trò Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Sàigòn và ĐC Thuận làm Phó cho Đức TGM Bình với quyền kế vị. Kết quả, ĐC Nghi phải trở về Giáo phận cũ Phan Thiết, coi như bị giam lỏng, ĐC Thuận bị cộng sản còng tay mang ra Bắc giam cầm trong suốt 13 năm trường.
Dù hết lòng với chế độ mới như thế, nhưng cũng giống các khuôn mặt trí thức thiên tả khác, trong suốt mấy chục năm sống trong nước, ông Nguyễn Đình Đầu không được chia chác bất cứ chức vụ nào trong chính quyền cs, ngoài mấy tấm huy chương vô dụng và mấy chức vụ lặt vặt như Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam chẳng hạn.
Để chứng tỏ sự hiện diện của mình, ông cặm cụi sưu tầm tài liệu và thực hiện được khá nhiều tác phẩm về lịch sử, địa lý. Trong thời gian Bắc Kinh tỏ lộ ý đồ lấn chiếm biển đảo Việt nam, ông bắt đầu chuyên tâm tìm kiếm các bản đồ cổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam và việc làm này đã đem lại cho ông một vài thành quả nhất định.
Trong số những sử liệu được coi là giá trị của ông đã được xuất bản có tác phẩm “Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2013.
Năm 2017 ông hoàn tất cuốn “Pétrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ”, một tác phẩm lớn với nhiều phát giác mới được Cục Xuất bản cấp giấy phép với đầy đủ các thủ tục giấy tờ và được dự trù ra mắt tại Đường Sách Sài Gòn vào sáng Chủ nhật 08 tháng Giêng năm 2017. Nhưng thật bất ngờ, buổi ra mắt sách này đã bị hủy theo "một chỉ thị miệng" và báo chí được tin cảnh báo không đề cập những gì liên quan tới cuốn sách.
Cuối Thu năm 2018, trong dịp qua Montréal, Canada thăm một anh bạn thân đang bị bệnh –BS Phạm Hữu Trác. Vào một buổi tối, nhân đề cập cuốn sách của ông Đầu, anh Trác kêu điện thoại về VN cho tác giả và trao cho tôi nói chuyện, vì có lần tôi từng tỏ ý tiếc và nói với anh là phải chi ông Đầu đồng ý gửi cho tủ sách Tiếng Quê Hương, chúng tôi sẵn sàng xuất bản.
Từ đầu giây bên kia, dù tuổi lớn nhưng đương sự vẫn dễ dàng nhận ra tôi khi tôi hỏi thăm cuộc sống của mẹ con chị Trần Hữu Quảng sau ngày anh Quảng mất vì ung thư.
Tiếp theo mấy lời thăm hỏi, tôi đi thẳng ngay vào chuyện xuất bản cuốn “Pétrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” và chuyển lời nhà văn Uyên Thao đề nghị ông gửi cho TQH để tủ sách lo phương tiện phổ biến, đồng thời xin ông cho biết điều kiện. Ông tỏ ra rất vui vẻ ghi lại số điện thoại và email của tôi để liên lạc sau. Nhưng rồi bặt tin từ đấy.
Trở lại với bài phản biện của tôi gửi Thời Điểm Công Giáo số kế tiếp sau bài viết của tác giả Nguyễn Đình Đầu viết về Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình để biện minh cho chính bản thân ông hơn là người quá cố, điều nghi ngại của tôi đã không xảy ra. Nhận được tạp chí, mở đọc, tôi thấy bài đã được đăng đầy đủ. Vì quá bận rộn, khi ấy tôi cũng không có dịp tìm hiểu.
Nhưng vào năm 2009, nhân được mời tham dự đám cưới con BS Vũ Thế Truyền ở New Orleon tiểu bang Louisianna, người phụ trách trang Y Tế cho NS/DĐGD, tôi email nhờ hai cha Trần Cao Tường và Phạm Văn Tuệ giúp tổ chức giới thiệu tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại”. Dịp này nhắc lại chuyện cũ, điều bất ngờ đối với tôi là theo lời cha Tuệ, chính cha Trần Công Nghị đã đồng ý cho đi bài viết, dù có người phản đối.
Cho đến dịp ghé thăm cha tuần vừa qua, 4 ngày trước khi ngài được Chúa gọi về, bào muội của cha nhận ra tôi, cho dẫu chỉ qua những lần tôi xuất hiện trong các chương trình hội luận trên các hệ thống truyền hình do tôi đảm trách, cho hay: nhiều lần chính cha Nghị khi thấy tôi trên truyền hình, ngài luôn có lời tốt lành khi nói về tôi. Tiết lộ của cha Tuệ và cô em cha, trước sau đã cho tôi có một cái nhìn tích cực về ngài.
Thứ nhất, cha luôn là một mục tử có lòng đối với Giáo hội và Quê hương, không chấp nhận chủ nghĩa vô thần cộng sản. Trong 46 năm ở Mỹ, ngoại trừ một lần về nước vì chuyện gia đình nhưng bị công an cầm chân ở phi trường, rồi tống xuất trở lại Mỹ. Từ đấy dứt khoát cha không trở lại Việt nam lần nào nữa. Sự kiện cha chấp nhận đăng trên chuyên san Thời Điểm Công Giáo do cha chủ trương bài viết của tôi phản biện quan điểm của ông Nguyễn Đình Đầu viết về Đức Tổng Bình cuối thế kỷ trước cũng cho thấy thái độ dứt khoát của cha đối với những thành phần lừng chừng, đánh đu với giặc,
Thứ hai là tinh thần bao dung, khoan nhượng, dễ quên và hay tha thứ của cha trong khi giao tiếp với tha nhân, trong số có những người úy kỵ cha vì ngộ nhận hay vì một căn nguyên sâu xa nào khác. Trong trường hợp này, không ai xa, chính tôi là một trong những người được hưởng nhờ tinh thần cao quí ấy của cha Nghị. Tạ ơn Chúa và cám ơn cha Gioan.
Trong hơn một năm vì đại dịch Virus Vũ Hán bùng phát, thêm nữa lại bận săn sóc bệnh tình nhà tôi, bị cầm chân trong nhà, tôi có dịp mở TV VietCatholic thường xuyên. Trước hết, để dự Thánh lễ trực tuyến từ VN, hay Vatican. Thứ đến, theo dõi thời sự Giáo hội quê nhà và tình hình Công Giáo quốc tế. Chính nhờ thế, tôi nhận ra nhiệt tâm, sự năng nổ, nhạy bén và những đóng góp, cống hiến quí giá, vĩ đại của cha Gioan trong nỗ lực đặt nền móng cho hệ thống truyền thông tân tiến, hiện đại này.
Nhìn lại di sản cha để lại, tôi hoàn toàn chia sẻ những suy tư trong bài viết của cha Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT về công lao khai phá cùng những đóng góp to lớn của cha trong cuộc hành trình ¼ thế kỷ dấn thân phục vụ truyền thông Công Giáo trong kỷ nguyên Tin Học với những bước tiến chóng mặt. Từ một tay mơ, nhưng với nhiệt tâm đem Tin Mừng Chúa nối kết trong ngoài đất nước, chỉ trong vòng 25 năm, cha đã kiên trì vượt qua mọi gian khó để có được kênh VietCatholic News rộng lớn với một giàn trang cụ tân tiến và các ban quản trị, kỹ thuật, biên tập, thông tín viên, xướng ngôn viên đầy kiến thức chuyên môn như hôm nay.
Dưới đây là trích đoạn bài viết của cha Khải được công bố trong một video của ViệtCatholic vài ngày qua:
“Từ 25 năm nay, không có website Việt ngữ Công Giáo nào ổn định và phát triển liên tục như Vietcatholic. Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có nhiều độc giả trong ngoài nước hơn Vietcatholic. Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn và chân thực hơn về đời sống của Giáo Hội như Vietcatholic.
Và cũng từ 25 năm nay không một kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có thể cho thế giới biết về hiện tình Giáo Hội Việt Nam nhiều hơn Vietcatholic. Nhiều cơ quan thông tấn Công Giáo ngoại quốc lấy tin từ Vietcatholic. Nhiều Kitô hữu ngoại quốc biết đến Giáo Hội Việt Nam nhờ Vietcatholic.
Vì ngài có cả một hệ thống cộng tác viên dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng Anh, thậm chí tiếng Pháp và tiếng Ý, tiếng Đức, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng liên quan đến Giáo Hội Việt Nam. Nhờ Vietcatholic mà các tín hữu CG Việt được hiểu biết và gắn bó với nhau và với Giáo Hội nhiều hơn. Ngài là người tiên phong của truyền thông Công Giáo Việt Nam thời internet.”
Hẹn tái ngộ cha Gioan trên cõi hằng sống.
Trần Phong Vũ
Irvine, Thứ Năm ngày 29-4-2021