Nhận định về đợt phong Hồng Y lần này của Đức Phanxicô, Ed. Condon của tờ the Pillar cho rằng ngài đang lên khuôn lại Hồng Y đoàn.
Hôm Chúa nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố việc lập 16 thành viên mới trong độ tuổi bầu cử cho Hồng Y đoàn tại một mật nghị sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 8. Danh sách các vị Hồng Y cử nhiệm đã gây sốt trong thế giới Công Giáo; Đức Phanxicô đã không tổ chức mật nghị nào kể từ năm 2020.
Báo chí nói tiếng Anh đã đặc biệt chú ý tới việc cho tên Giám mục Robert McElroy của San Diego vào danh sách trên. Việc bổ nhiệm ngài được giải thích rộng rãi như một phản ứng sắc cạnh đối với cuộc tranh luận hiện tại trong Giáo hội ở Mỹ về quyết định của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Codileone cấm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rước lễ tại giáo phận quê hương của bà; McElroy là người thẳng thắn phản đối việc thực thi kỷ luật bí tích đối với các chính trị gia Công Giáo. Thành thử sự trùng hợp này đang là đề tài tranh cãi.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm McElroy, cũng như sự cân bằng của danh sách, quả có cho thấy thành phần, mục đích và bản chất Hồng Y đoàn đã thay đổi như thế nào dưới thời Đức Phanxicô.
Nói tóm tắt, trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã thực tế chấm dứt chức năng của Hồng Y đoàn như một cơ quan cố vấn thường xuyên bằng cách ngưng tổ chức các mât nghị đều đặn, thay vào đó thích dựa vào một số lượng nhỏ các cố vấn riêng tư hơn. Đồng thời, ngài đã phá vỡ mối liên kết tượng trưng giữa các giáo phận lớn và tư cách thành viên của Hồng Y đoàn, trong khi bảo đảm một tư cách thành viên đa dạng hơn trên hoàn cầu cho bất cứ mật nghị nào trong tương lai.
Những thay đổi trên có thể chứng tỏ là một trong những di sản lâu dài nhất của Đức Giáo Hoàng - nhưng có khả năng không định hình việc bầu cử người kế vị của ngài theo những cách thường được dự đoán hơn cả.
Hồng Y đoàn để làm gì?
Hồng Y đoàn, với tư cách một định chế giáo hội, có nhiệm vụ hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ, và đặc biệt là đưa ra lời khuyên cho ngài trong những vấn đề quan trọng – theo lịch sử, việc này đã diễn ra trong các cuộc họp nhóm được gọi là mật nghị.
Đức Phanxicô đã không tổ chức một mật nghị, một phiên họp chính thức của Hồng Y đoàn, trong gần hai năm nay. Ngay cả trước thời gian này, ngài cũng đã bỏ thông lệ tổ chức hai phiên họp mỗi năm, chuyển sang việc chỉ tập hợp các Hồng Y mỗi năm một lần kể từ khi được bầu vào năm 2013.
Một cách chủ yếu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bỏ việc sử dụng các mật nghị để thảo luận và tìm kiếm tư vấn; thay vào đó, ngài thích dựa vào nội các thu nhỏ của ngài, tức Hội đồng các Hồng Y Cố vấn (đôi khi được gọi là C9), với đóng góp ý kiến từ các cố vấn không chính thức của ngài ở Rome, và sự giúp đỡ từ các vị cùng thuộc Dòng Tên (ba trong số các cơ quan lớn nhất của Vatican nay do các tu sĩ Dòng Tên điều khiển).
Vì chức năng nổi tiếng nhất của Hồng Y đoàn là bầu giáo hoàng trong mật nghị bầu giáo hoàng, việc bỏ các cuộc họp định kỳ nửa năm một lần có nghĩa là khi họ họp vào tháng 8, nhiều vị trong số 83 Hồng Y trong độ tuổi bầu cử chưa bao giờ gặp nhau trước đây, chứ đừng nói đến chuyện thực sự biết nhau.
Với những lo ngại ngày càng tăng ở Rome về sức khỏe của vị giáo hoàng 85 tuổi, cũng hoàn toàn có khả năng tháng 8 sẽ là lần cuối cùng các Hồng Y gặp nhau trước mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo.
Việc thiếu các cuộc họp thường xuyên, cùng với các cố gắng của Đức Phanxicô nhằm đa dạng hóa thành viên của Hồng Y đoàn về mặt địa lý (sau tháng 8, sẽ có gấp đôi số Hồng Y trong độ tuổi bầu cử từ Châu Phi và Châu Á so với trong mật nghị năm 2013 bầu Đức Phanxicô), có nghĩa là mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo, theo nhiều khía cạnh, là một cuộc gặp gỡ giữa những người tương đối xa lạ, hơn là những cuộc thảo luận của một nhóm người quen thuộc nhau.
Ai có tên lần này?
Đức Giáo Hoàng đã nói về mong muốn thấy Hồng Y đoàn phản ảnh tốt hơn các “vùng ngoại vi” của Giáo hội, và đã theo sát mong muốn này bằng cách bổ nhiệm một lượng lớn các Hồng Y từ châu Á và châu Phi so với trước đây.
Sau tháng 8, tổng cộng 41 vị Hồng Y trong độ tuổi bầu cử sẽ đến từ châu Á, Ấn Độ, châu Phi và châu Đại Dương, so với 22 vị trong mật nghị năm 2013. Ngược lại, Đức Phanxicô chỉ cử nhiệm một vị Hồng Y từ Đông Âu trong toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài - cử nhiệm vị phát chẩn của ngài là Konrad Krajewski vào năm 2018.
Với sự thay đổi nhân khẩu học của Giáo hội hoàn cầu, các thông lệ bổ nhiệm của Giáo hoàng chắc chắn sẽ tạo ra một nhóm bỏ phiếu đại diện hơn trong mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo. Nhưng không ai chắc nhóm đó thực sự có ý nghĩa gì đối với cuộc bầu cử giáo hoàng trong tương lai - một vài vị trong số các vị được Đức Giáo Hoàng vừa cử nhiệm có tiếng tăm trên các phương tiện truyền thông phương Tây, nghĩa là các phân tích truyền thông có xu hướng nghiêng về cả ý kiến lẫn triển vọng từ châu Âu và Châu Mỹ, cho dù có thể điều này không hẳn là cách sẽ diễn ra trong một mật nghị bầu Giáo Hoàng.
Và khi Đức Phanxicô chuyển cán cân của Hồng Y đoàn sang hướng đa dạng khu vực, ngài cũng đã rời bỏ nhiều thực hành đã thành tập quán liên quan đến việc đề cử các Hồng Y - và dẹp bỏ quan niệm đã thành tập quán vốn cho rằng một số tòa nhất thiết phải do một Hồng Y lãnh đạo.
Trong giới truyền thông, việc bổ nhiệm McElroy đã được đặt cạnh việc được cho là "qua mặt" tổng giám mục của thủ phủ ngài, Jose Gomez của Los Angeles, người lãnh đạo giáo phận lớn nhất ở Hoa Kỳ, là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, và là người gốc Tây Ban Nha đầu tiên nắm giữ cả hai chức vụ.
Tất nhiên, không giám mục nào có quyền trở thành Hồng Y, nhưng Đức Phanxicô hầu như đã bỏ qua khái niệm “các toà Hồng Y”, danh hiệu không chính thức được trao cho các tổng giáo phận lớn nhất mà theo truyền thống cả ở Hoa Kỳ lẫn ở Châu Âu, phải có các giám mục được cử làm Hồng Y.
Đồng thời, ít nhất, khi bổ nhiệm các Hồng Y từ châu Âu và châu Mỹ, Đức Giáo Hoàng có vẻ thích chọn các giám mục được cho là phù hợp nhất với phong cách thần học và mục vụ của ngài.
Việc ấy tự nó đã là một điều đi trệch khỏi thực hành gần đây.
Các vị giáo hoàng tiền nhiệm gần đây, đặc biệt là Thánh Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, đã có thói quen rõ ràng là chọn các vị Hồng Y trong số các đối thủ về tư tưởng của họ, bảo đảm rằng ngay cả dưới thời các giáo hoàng được cho là bảo thủ, những người tiến bộ thẳng thắn như Walter Kasper, Reinhart Marx và Joseph Bernadin đã đem lại cho Hồng Y đoàn một phạm vi quan điểm rộng rãi để Đức Giáo Hoàng lắng nghe.
Tất nhiên, thực hành đó đã bị phê phán nhiều, giống như thực hành của Đức Phanxicô. Nếu có gì liên tục, thì đó là sự kiện các vị giáo hoàng không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Tuy nhiên, hầu hết các Hồng Y trong độ tuổi bầu cử hiện nay là những người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, và khi một trong số họ cuối cùng được bầu làm giáo hoàng, có lẽ ngài cũng sẽ bổ nhiệm theo cách của Đức Phanxicô.
Nếu điều này trở thành một điều bình thường mới đối với Hồng Y đoàn, nó có thể định hình lại chính các khái niệm của cả mật nghị lẫn Hồng Y đoàn thành một hình thái nhất định mang tính chính trị hơn là đồng nghị, với các cánh khác nhau của Giáo hội mưu tìm bá chủ thực sự trong mật nghị bầu Giáo Hoàng, và rất ít cảm thức phân định bàn bạc, hoặc đối thoại huynh đệ, giữa những người đối thoại không đồng ý với nhau.
Một số người có thể ủng hộ sự thay đổi đó, hoặc coi đó là cách duy nhất để giải quyết những thắc mắc căn bản của giáo hội học vốn đã được tranh luận trong Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II. Mặt khác, mật nghị bầu Giáo Hoàng phải đạt được sự đồng thuận giữa các quan điểm khác nhau là một kiểu bảo vệ chống lại ly giáo - và sự phù hợp về ý thức hệ giữa các Hồng Y có thể đẩy nhanh chính kiểu đổ vỡ trong Giáo hội mà nhiều người hiện đang sợ hãi từ các nhóm như hội đồng giám mục Đức.
Tất nhiên, không điều gì trong số đó sẽ là một hiện tượng mới trong lịch sử Giáo hội.
Một di sản lâu dài?
Hồng Y đoàn không hiện hữu do can thiệp thần linh, và trong lịch sử, các vị giáo hoàng đã sử dụng Hồng Y đoàn theo nhận định tốt nhất của họ. Đức Phanxicô không đơn độc trong việc đặt con dấu của mình lên Hồng Y đoàn. Nhưng có một số hệ luận bất ngờ từ các thay đổi của Đức Phanxicô.
Trong số đó, ít nhất đối với tri nhận của công chúng, có việc tạo ra một hàng ngũ Hồng Y hai cấp - những vị làm việc trong ban lãnh đạo giáo triều hoặc được coi là “gần gũi” bản thân với Đức Phanxicô, và các Hồng Y bỏ phiếu khác rải rác khắp thế giới, những vị không liên quan mấy với việc cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về các vụ việc của Giáo hội hoàn cầu.
Nếu khuôn mẫu đó được tiếp tục bởi các vị kế nhiệm của ngài, thì kết quả có thể là những cuộc bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn sẽ rõ ràng do động lực cá tính hơn, và việc “khu vực hóa” gia tăng của Giáo hội, với sự lãnh đạo của các hội đồng giám mục do địa phương bầu ra sẽ hiển thị hơn bao giờ hết so với những người được lựa chọn để lên tiếng thay mặt cho Giáo hội địa phương ở Rome.
Như một di sản tức thời, ảnh hưởng của các quyết định của Đức Phanxicô chưa được biết rõ ràng, và các tiên đoán về loại giáo hoàng mà một mật nghị bầu giáo hoàng trong tương lai có thể bầu chọn cùng lắm chỉ có thể là một phỏng đoán. Trong khi gần hai phần ba số Hồng Y sẽ là người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, nhiều vị trong số này về phương diện giáo hội học, vẫn còn là một số lượng tương đối chưa được biết đến - ngay cả giữa các ngài với nhau.
Đức Phanxicô thường bị cáo buộc có “những sắp xếp không công bằng” (stacking the deck) cho một mật nghị bầu giáo hoàng trong tương lai. Nhưng vị “giáo hoàng của những điều bất ngờ” này cũng có thể đã làm điều ngược lại – bảo đảm cuộc bầu cử để chọn người kế vị của ngài là điều tự phát nhất trong thời kỳ hiện đại.