1. Kinh Lạy Cha trên bức tường của một phòng tra tấn

Các quan chức Ukraine cho biết có một phòng tra tấn do quân đội Nga thiết lập tại Balakliia vừa được giải phóng. Serhiy Bolvinov, người đứng đầu Cục Cảnh sát Điều tra Quốc gia Khu vực Kharkiv, nói rằng ít nhất 40 người đã từng bị giam giữ trong thời gian thành phố bị quân Nga chiếm đóng.

Các phóng viên của BBC đã vào thăm phòng tra tấn. Họ chứng kiến tận mắt một kinh nghiệm đức tin gây xúc động. Các tù nhân đã dùng móng tay của mình cào lên trên tường những lời của Kinh Lạy Cha, cùng với những vạch để đếm bao nhiêu ngày họ bị giam trong tầng đầu địa ngục khủng khiếp. BBC cũng đã báo cáo một số chứng từ của những người dân địa phương.

Artem, sống ở thành phố Balakliya thuộc tỉnh Kharkiv nói với BBC rằng anh bị người Nga giam giữ hơn 40 ngày và bị tra tấn bằng điện giật. Tâm điểm của sự tàn bạo là đồn cảnh sát của thành phố, nơi mà lực lượng Nga sử dụng làm trụ sở chính.

Artem cho biết anh có thể nghe thấy tiếng la hét đau đớn và kinh hoàng phát ra từ các phòng giam khác.

Anh nói, người Nga muốn bảo đảm rằng tất cả những người bị đưa vào đây có thể nghe thấy những tiếng rên la đau đớn bằng cách tắt hệ thống thông gió ồn ào của tòa nhà.

“Họ đã tắt nó đi để mọi người có thể nghe thấy những người khác hét lên như thế nào khi họ bị điện giật,” anh nói với BBC. “Họ đã cho điện giật một số tù nhân mỗi ngày”. Tình trạng các phụ nữ còn bi thảm hơn, họ cũng bị điện giật trong khi bị buộc phải khỏa thân, và trong nhiều trường hợp họ đã bị hãm hiếp.

Và họ cũng đã làm điều đó với Artem. “Họ bắt tôi phải cầm hai sợi dây,” anh nói.

“Có một máy phát điện quay bằng tay. Họ càng quay càng nhanh, điện áp càng cao. Họ nói, 'nếu mày cứ để tụi tao quay, thì mày chết là cái chắc'. Sau đó, họ bắt đầu đặt câu hỏi. Họ nói rằng tôi đã nói dối, và họ bắt đầu quay nó nhanh hơn và điện áp tăng lên”.

Artem nói với chúng tôi rằng anh ta bị giam giữ vì người Nga tìm thấy bức ảnh của anh trai anh, một người lính, trong bộ quân phục. Một người đàn ông khác từ Balakliya đã bị giữ trong 25 ngày vì anh ta có lá cờ Ukraine, Artem nói.

Một hiệu trưởng của trường tên là Tatiana nói với chúng tôi rằng cô ấy đã bị giam trong đồn cảnh sát trong ba ngày và cũng nghe thấy tiếng la hét từ các phòng giam khác.

Chúng tôi đến thăm đồn cảnh sát, và thấy Kinh Lạy Cha được cào trên tường của một trong những phòng giam chật chội, cùng với những dấu hiệu để đếm bao nhiêu ngày đã trôi qua.

Các sĩ quan cảnh sát Ukraine cho biết có tới tám người đàn ông bị giam trong các phòng giam dành cho hai người. Họ nói rằng người dân địa phương đã sợ hãi thậm chí không dám đi qua ngôi nhà này khi người Nga làm nhiệm vụ, họ sợ bị lính Nga tóm cổ lôi vào.
Source:BBC

2. Không có thay đổi nào đối với văn bản của Hội đồng các Giáo hội Thế giới về Ukraine, bất chấp các phản đối của Chính Thống Giáo Nga

Không có bất kỳ thay đổi nào so với dự thảo văn kiện cuối cùng của Đại hội đồng lần thứ 11 Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gọi tắt là WCC, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Văn bản đã được thông qua, bất chấp các chỉ trích của Chính Thống Giáo Nga.

Hôm thứ Năm 8 tháng 9, khi văn bản gốc được công bố, Chính Thống Giáo đã bày tỏ thái độ không hài lòng, sự phản đối đã đi xa đến mức mô tả văn bản khôn hơn gì các quảng cáo của Starbucks và Mc Donald.

Hôm thứ Sáu 9 tháng 9, tại cuộc họp cuối cùng của WCC ở Karlsruhe, ủy ban, sau khi nhấn mạnh rằng họ đã nhận được hơn 90 email liên quan đến các yêu cầu sửa đổi văn bản, đã quyết định không có bất kỳ thay đổi nào.

Đại diện của ủy ban đã nói, “Đây là nơi mà các cuộc thảo luận tiếp tục, nơi có cơ hội để chữa lành vết thương.”

Hai can thiệp duy nhất được thực hiện trong văn bản gốc là thay thế từ “chiến tranh” bằng cụm từ “Nga xâm lược Ukraine”, và thay thế từ “Nga” (trong câu: “sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội từ Ukraine và Nga”) với cụm từ “phái đoàn đa quốc gia của Giáo Hội Chính thống Nga”.

Tại thời điểm này, đã có phản ứng từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết. Đặc biệt, Tổng Giám Mục Iakovos Krotak, đã phản đối và yêu cầu loại bỏ từ “đa quốc gia”, vì theo quan điểm của ông, Nga và Ukraine chỉ là một quốc gia.

Tổng Giám Mục Antonios của Volokolamsk, người đứng đầu phái đoàn của Giáo hội Nga tại Karlsruhe, đã đề cập đến văn bản đã được phê duyệt và nhấn mạnh rằng “phái đoàn của Giáo hội Chính thống Nga không thể ủng hộ văn bản này đã được Hội đồng Hội đồng Giáo hội Thế giới công bố.

Đồng thời, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về quan điểm của WCC, mà trong quá trình làm việc về tài liệu về xung đột Ukraine, đã từ chối, bất chấp các áp lực chính trị chưa từng có, như đã được thể hiện qua bài phát biểu tại Hội đồng của Tổng thống Đức Frank Steinmeier và theo tuyên bố của một số người khác kêu gọi loại trừ Chính Thống Giáo Nga khỏi WCC, và thừa nhận tầm quan trọng của sứ mệnh nhân đạo quy mô lớn của Chính Thống Giáo Nga trong việc hỗ trợ những người tị nạn và nạn nhân của cuộc xung đột, diễn ra với sự chúc phúc của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa.”

Tổng Giám Mục Antonios, trong khi mô tả văn bản cuối cùng “phần lớn bị chính trị hóa”, nói rằng cuộc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ của Hội đồng, có thể là một điểm khởi đầu cho WCC, cho một “nghiên cứu khách quan và công bằng về nguyên nhân của xung đột kéo dài ở Ukraine, cũng như cho các nỗ lực hòa bình tiếp theo”.

Trong thông báo của mình, ông cũng lên tiếng chống lại Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU.

Đặc biệt, ông lấy làm tiếc rằng đề xuất của các đại diện của Giáo hội Ukraine về việc “lên án các vụ chiếm đóng bạo lực hàng loạt các nhà thờ tại Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, do OCU “thực hiện, không được đưa vào tài liệu.
Source:Orthodox Times

3. Hoạt động của các Hội Giáo hoàng truyền giáo

Chủ tịch các Hội Giáo hoàng truyền giáo, Đức Tổng Giám Mục Giampietro Dal Toso, đề cao tầm quan trọng của các hội này trong việc truyền bá đức tin và kêu gọi các giám mục cộng tác với các hội này.

Đức Tổng Giám Mục Dal Toso cũng là Đồng Tổng thư ký Bộ Truyền giảng Tin mừng. Hôm 06 tháng Chín vừa qua, ngài đến thuyết trình cho 80 giám mục thuộc các xứ truyền giáo, thụ phong trong những năm gần đây, đang dự khóa bồi dưỡng tại Học viện thánh Phaolô ở Roma.

Trong dịp này, bốn vị Tổng thư ký bốn Hội Giáo hoàng truyền giáo cũng trình bày cho các giám mục về các cơ cấu, thẩm quyền và hoạt động. Cha Tadeusz Nowak, Dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tổng thư ký Hội Truyền bá đức tin, kêu gọi các giám mục hãy giữ liên lạc và cộng tác với các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo tại quốc gia của mình. Có 120 vị giám đốc như vậy tại 120 nước. Trong năm 2021, Hội Truyền bá đức tin đã tài trợ hơn 110 triệu Mỹ kim cho các hoạt động tại các xứ truyền giáo.

Cha Guy Bognon, thuộc tu đoàn Xuân Bích, Tổng thư ký Hội thánh Phêrô Tông đồ, trong năm qua (2021), đã hỗ trợ việc đào tạo các chủng sinh: cụ thể là tài trợ cho 431 Tiểu chủng viện với hơn 45.800 tiểu chủng sinh, 120 chủng viện dự bị với gần 5.600 ứng viên, 220 Đại chủng viện với tổng cộng hơn 23.000 đại chủng sinh. Hội này cũng giữ liên lạc với 800 chủng viện, với 80.000 chủng sinh. Ngoài ra, Hội cũng trợ giúp 978 tập viện dòng nam và dòng nữ.

Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo, hay cũng gọi là Hội Thánh Nhi, do nữ tu Roberta Tremarelli làm Tổng thư ký của Hội, cho biết trong năm ngoái Hội này đã trợ giúp hơn 15 triệu Mỹ kim cho các giáo phận ở Á, Phi, Mỹ và Châu đại dương với mục đích giúp các thầy cô khơi lên và phát triển nơi các trẻ em và thiếu niên ý thức về sứ vụ truyền giáo, ngay từ nhỏ.

Hội thứ tư là Liên hiệp Truyền giáo, một hội không liên hệ gì tới việc tài trợ cho các miền truyền giáo, nhưng nhắm giúp phát triển tinh thần truyền giáo nơi các tín hữu, giáo sĩ cũng như tu sĩ và giáo dân. Tổng thư ký của Hội là cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, dòng Phanxicô Viện Tu, đã trình bày cho các giám mục về chủ đích và đường lối hoạt động của Hội này. Đặc biệt, cha giới thiệu dự án triệu tập một Hội nghị quốc tế việc loan báo và huấn luyện Kitô để tiến tới một Giáo hội thấm đượm tinh thần truyền giáo, đặc biệt qui trọng tâm về các giáo lý viên. Hội nghị được sự cộng tác của Giáo hoàng Đại học Urbaniana của Bộ Truyền giáo. Hội nghị nhắm tái đẩy mạnh việc linh hoạt và đào tạo các giáo lý viên cũng như chương trình thường huấn cho họ ở các Giáo hội địa phương.

4. Đức Thánh Cha giúp 100.000 Mỹ kim cho nạn nhân lụt lội tại Pakistan

Qua Bộ Bác ái của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi giúp 100.000 Mỹ kim, như một đóng góp vào việc cứu trợ các nạn nhân bị lụt tại Pakistan, thiên tai khủng khiếp gây thiệt hại cho 33 triệu dân nước này.

Tình trạng tại Pakistan vẫn còn trầm trọng: hàng trăm ngàn người đã phải bỏ gia cư đi lánh nạn và thiệt hại được ước lượng vào khoảng 10 tỷ đô la.

Lũ lụt do mưa gió mùa và các tảng băng ở miền bắc Pakistan tan chảy ra. Tổ chức Sức khỏe Thế giới ước lượng có hơn 6 triệu 400.000 người dân nước này cần được cứu trợ tại những vùng bị lụt. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 160 triệu đôla để trợ giúp các nạn nhân. Và ngày 09 tháng Chín vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đến thăm các vùng bị lụt.

Đức Hồng Y Joseph Coutts, nguyên Tổng giám mục giáo phận Karachi, nói rằng: “Đây là một cuộc tàn phá chưa từng thấy và những người nghèo nhất phải chịu thiệt hại nhất”.