1. Một tín hữu Kitô Pakistan bị tra tấn buộc “thú nhận” tội phạm thượng
Hôm 18 tháng Mười Một vừa qua, hãng tin Asia News ở Roma đưa tin: một tín hữu Kitô Pakistan đã bị tra tấn, hành hạ trong tù để buộc phải nhìn nhận tội phạm thượng chống Hồi giáo.
Đó là ông Imran Rehman, 32 tuổi, cha của hai bé gái, bị bắt và giam trong nhà tù hồi tháng Chín năm nay ở thành phố Lahore, vì bị cáo đã đăng trên mạng WhatsApp một tài liệu phạm thượng chống Hồi giáo.
Mẹ của ông Rehman là bà Nargis Bigi, mới thăm con trong tù những ngày vừa qua. Người con đã kể lại với bà là đã phải chịu những hành hạ và bạo lực để buộc phải nhìn nhận tội phạm thượng. Ngoài ra, ông phải chịu một sức ép mạnh mẽ về tinh thần vì bị giam chung phòng với 6 tù nhân trong đó 4 người bị tật chậm trí.
Ông Imran bị tố cáo về tội phạm thượng ngày 14 tháng Chín và bị nhân viên công an ban tội phạm tin học thuộc Cơ quan điều tra liên bang bắt giữ ngay. Vợ ông là bà Komal Mushtag tuyên bố chồng bà vô tội và bị vu khống bất công về tội phạm thượng. Bà cũng cho biết: “Từ khi chồng tôi bị bắt, con gái 4 tuổi của tôi không thể đến trường học và việc nuôi dưỡng bé gái thứ hai của tôi, 2 tuổi, trở nên khó khăn, vì chồng tôi là người duy nhất kiếm tiền nuôi gia đình”.
Luật sư Abdul Hameed Rano tuyên bố rằng vụ chống ông Rehman là một sự vi phạm tỏ tường các quy luật, vì theo luật không thể đăng ký một vụ chống một người mà không đưa ra thông báo tạm giữ và không để bị cáo được can dự vào việc điều tra, cho phép đương sự tự bào chữa.
Ngoài ra, như ông Ashiknaz Khokhar, người tranh đấu cho nhân quyền, nhấn mạnh rằng các phương tiện kỹ thuật số và các mạng xã hội ở Pakistan ngày càng trở thành một nguồn để tung ra những lời cáo gian về tội phạm thượng chống Hồi giáo, chĩa mũi dùi vào các nhóm tôn giáo thiểu số. Luật về tội phạm thượng và luật phòng ngừa các tội phạm điện tử ban hành năm 2016 bị sử dụng sai trái để giới hạn tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo...
Ông Joseph Jansen, Chủ tịch hội “Voice for Justice” (Tiếng nói cho công lý) nhận định rằng những luật lệ hiện nay tại Pakistan về tội phạm thượng chống Hồi giáo không bảo đảm một sự xét xử công bằng và tự do tôn giáo: kẻ tố cáo không bị luật pháp trừng phạt mặc dù có những bằng chứng và những chứng từ cho thấy họ cáo gian. Đó là điều không thể dung hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Thêm vào đó còn có sự kiện những vụ bạo động của các đám đông được biện minh, cho rằng vì hệ thống tư pháp của nhà nước yếu ớt, nên dân chúng phải nổi loạn thi hành công lý đối với những kẻ phạm thượng đối với Hồi giáo.
2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan: Tôi khuyến khích anh chị em suy tư về triều đại giáo hoàng và di sản lịch sử của Đức Gioan Phaolô II
“Tôi khuyến khích các tín hữu đọc quan điểm của Ủy Ban Thường trực Hội Đồng Giám Mục Ba Lan về hành động của Đức Gioan Phaolô II liên quan đến các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên, và do đó suy nghĩ về triều đại giáo hoàng và về di sản lịch sử của vị Giáo hoàng Ba Lan”. Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądeck, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết như trên trong một thông điệp được đọc trong tất cả các nhà thờ vào Chúa Nhật ngày 20 tháng 11.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục lưu ý rằng luận điểm cho rằng Đức Thánh Cha đã không giải quyết thỏa đáng thảm kịch lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây ra bởi một số linh mục đang ngày càng mạnh mẽ. Đây là một nỗ lực nhằm phá hủy di sản của triều đại giáo hoàng độc đáo này”.
Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhấn mạnh một lần nữa trong thông cáo rằng Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là người Ba Lan đầu tiên đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, đã tiến hành một cuộc chiến kiên quyết chống lại các trường hợp làm hại trẻ vị thành niên, đồng thời đưa ra các quy tắc giải quyết những tội ác như vậy.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan chỉ rõ rằng “cuộc tấn công của giới truyền thông vào Thánh Gioan Phaolô II bắt nguồn từ thái độ của một số nhóm xã hội đối với giáo huấn của ngài, đặc biệt là liên quan đến giá trị của sự sống con người và việc bảo vệ nó từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên, giá trị của hôn nhân và gia đình, luân lý của đời sống tình dục”, tất cả các lập trường “không tương ứng với các hệ tư tưởng đương thời cổ vũ một nhãn quan méo mó về con người và chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hư vô luân lý”.
Source:Sismografo
3. Các Giám mục bị hạn chế, Chủ nghĩa Tân Độc Tôn Rôma và Tiến trình Thượng hội đồng
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Diminished Bishops, The New Ultramontanism, And The Synodal Process”, nghĩa là “Các Giám mục bị hạn chế, Chủ nghĩa Tân Độc Tôn Rôma và Tiến trình Thượng hội đồng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Do Chiến tranh Pháp-Phổ, Công đồng Vatican I đã bị đình chỉ vào tháng 10 năm 1870 và không bao giờ được triệu tập lại. Trước kết thúc không lường trước được đó, Vatican I đã làm một công việc quan trọng: Công Đồng xác định phạm vi quyền tài phán phổ quát của Đức Giáo Hoàng (và do đó làm thất bại yêu sách của những người theo chủ nghĩa dân tộc mới về quyền lực của các nước đối với Giáo hội), đồng thời chỉ ra những trường hợp chính xác, hạn chế mà Giám mục Rôma có thể dạy không thể sai lầm về các vấn đề đức tin và đạo đức. Tuy nhiên, việc đình chỉ đột ngột của công đồng đã dẫn đến sự mất cân bằng trong sự hiểu biết của Giáo hội: Công Giáo rơi vào tình trạng có một nền thần học mạnh mẽ về chức vụ giáo hoàng nhưng một nền thần học yếu kém về chức vụ giám mục.
Như tôi đã giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” – Để Thánh Hóa Thế Giới: Di Sản Thiết Yếu Của Công Đồng Vatican II do nhà xuất bản Basic Books phát hành, Công Đồng Vatican II đã đề cập đến sự mất cân bằng này trong hiến chế tín lý Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, hay Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, đã đưa ra một số điểm quan trọng: Các giám mục của Giáo hội là những người thừa kế các thánh tông đồ; “Giám Mục đoàn” là cách diễn đạt đương thời của “Tông Đồ đoàn” trong chương 15 sách Tông Đồ Công Vụ; và giám mục đoàn này, dưới sự đứng đầu của vị Giám mục Rôma, có “quyền tối cao và đầy đủ trên Giáo hội hoàn vũ” (LG 22).
Trong số những điều khác, điều này có nghĩa là các giám mục địa phương là những người đại diện đích thực của Chúa Kitô trong các Giáo Hội địa phương của các ngài. Được sắc phong để giảng dạy, thánh hóa và cai quản, các giám mục không chỉ là những người quản lý chi nhánh của tập đoàn Giáo Hội Công Giáo, và thi hành mệnh lệnh từ trụ sở chính của tập đoàn ở Rôma. Qua việc lãnh nhận các Thánh Chức ở mức độ cao nhất, và vì sự hiệp thông của họ với Giám mục Rôma, một giám mục địa phương được trao quyền lãnh đạo toàn thể dân Chúa được trao cho ngài chăm sóc, sao cho tất cả những người đã được rửa tội trong giáo phận của ngài đều được mời gọi truyền giáo, được trang bị để truyền giáo, và được hỗ trợ bí tích trong nỗ lực truyền giáo của họ.
Như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ đã nói khi suy tư về những thành tựu của Công đồng Vatican II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân “đã tái đưa vào tổng thể Giáo hội một học thuyết về quyền bính ưu việt của Đức Giáo Hoàng” vốn đã trở nên “bị cô lập một cách nguy hiểm” khỏi hàng giám mục thế giới, cho dù nó “ được tích hợp vào một mầu nhiệm duy nhất của Nhiệm thể Chúa Kitô, một quan niệm quá tách biệt về phẩm trật.” Bằng cách này, cách khác, Công đồng Vatican II đã hoàn thành công việc của Công đồng Vatican I bằng cách diễn tả sự tự hiểu biết của Giáo hội một cách toàn diện, tổng hợp dựa trên sự phong phú bao la của Kinh thánh và truyền thống. Đây không phải là một thành tựu tầm thường, và nó minh chứng cho một thế kỷ rưỡi công việc thần học nghiêm túc, thường được thực hiện trong những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, câu hỏi phải được đặt ra: Có phải thành tựu của Công đồng Vatican II trong việc tái khẳng định thẩm quyền của các giám mục đang bị cắt xén bởi tiến trình chuẩn bị hiện tại cho “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” năm 2023 và 2024 hay không?
Mối quan tâm về mặt này đã tăng lên cùng với việc phát hành tài liệu làm việc cho “Giai đoạn lục địa” của việc chuẩn bị Thượng Hội đồng bao gồm một loạt các cuộc hội họp theo sau “các giai đoạn” địa phương và quốc gia của quá trình kéo dài này.
Trong tài liệu làm việc, các giám mục là thành phần thiểu số tham gia trong các cuộc tham vấn châu lục, trong đó ngoài các giám mục, linh mục, tu sĩ tận hiến và giáo dân tích cực, phải bao gồm “những người sống trong điều kiện nghèo đói hoặc bị gạt ra bên lề, và những người có liên hệ trực tiếp với các nhóm này và các đại biểu huynh đệ từ các hệ phái Kitô giáo khác; đại diện của các tôn giáo và truyền thống tín ngưỡng khác; và một số người không theo tôn giáo nào. Và các giám mục phải làm gì trong các hội đồng lục địa này? “Họ được yêu cầu xác định những cách thức thích hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình là xác nhận và phê chuẩn” “Tài liệu cuối cùng” của mỗi hội đồng châu lục, “bảo đảm rằng đó là kết quả của một hành trình đồng nghị đích thực, tôn trọng tiến trình đã diễn ra và trung thành với những tiếng nói khác nhau của dân Chúa ở mỗi châu lục.”
Nghĩa là, các giám mục là những người ghi chép, không phải là thầy dậy; là thư ký ghi âm, không phải là người bảo đảm tính chính thống; là các chàng trai loan tin, không phải các nhà lãnh đạo tông đồ.
Những lo ngại nghiêm trọng về sự suy giảm quyền bính giám mục này, trái ngược hoàn toàn với Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công đồng Vatican II, càng được củng cố thêm bởi các báo cáo cho rằng, trong cuộc họp Thượng Hội đồng cuối cùng ở Rôma (có lẽ vào năm 2024), sẽ không có phiếu bầu nào về các đề xuất bởi các giám mục tham dự—là cách thông thường mà Thượng hội đồng thông qua các phán quyết của mình. Thay vào đó, các báo cáo về các cuộc thảo luận của các giám mục sẽ được chuẩn bị - bởi Ban Thư ký Thượng Hội đồng đã thiết kế quá trình này? - và được trao cho Đức Thánh Cha, người sau đó sẽ soạn thảo Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng (là tài liệu hoàn thành công việc của Thượng Hội đồng) khi ngài hài lòng.
Do đó, chủ nghĩa độc tôn Rôma (ultramontanism) cực đoan —một hình thức chuyên quyền của giáo hoàng có thể khiến Chân phước Piô Thứ Chín đỏ mặt—đang được sắp đặt trên sự hạ giá của hàng giám mục thế giới.
Điều này không liên quan gì đến Vatican II. Các giám mục nên lên tiếng và yêu cầu khôi phục thẩm quyền của các ngài trong quá trình này.
Source:First Things