Thật hiếm có, khi một mục sư Thệ phản, Peter J. Leithart, chủ tịch Viện Theopolis ở Birmingham, Alamaba, chuyên nghiên cứu Kinh thánh, Phụng vụ và Văn hóa, viết về Đức Maria một cách thâm thúy và nồng nàn đến thế. Thật vậy, trong bài “Man’s Marian Future”, đăng trên tạp chí First Things ngày 9 tháng 12, năm 2022 (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2022/12/mans-marian-future), ông kết luận “Với toàn bộ sáng thế, chúng ta an lạc trong niềm hy vọng thánh mẫu, mong chờ sinh hạ Hạt Giống chúng ta vốn đã mang, mong chờ lớn lên tới tư thế viên mãn của mẹ Chúa chúng ta”. Mùa vọng là dịp tốt để đọc những suy tư này.
Xuyên suốt Kinh thánh, hy vọng có hình dạng một đứa trẻ. “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta” vang vọng và lặp lại khắp qui điển. Ađam và Evà hy vọng Hạt Giống; Ápraham và Sara hy vọng Ysaác; Ysaác và Rêbêca hy vọng Êsau và Giacóp; Giacóp hy vọng đứa con trai đã mất của mình là Giuse; dân Giuđa hy vọng mầm nhà Đavít còn đang ẩn giấu là Giôát.
Hy vọng có tính hướng về đứa con và, vì lý do đó, cũng có tính mẫu thân. Mang thai biểu thị kinh nghiệm hy vọng như là thực tại hiện nay của những điều tốt đẹp trong tương lai. Đứa trẻ chưa chào đời là điều không thể tránh khỏi đối với mẹ em. Bà cảm thấy những cú đá, những cú duỗi người của em và những gợn sóng lăn tăn trên bụng dưới của bà. Trong bồn tắm ấm áp của tử cung, em nghe bà hát, học giọng nói của bà, đáp lại tình yêu của bà. Mang thai là sự hiện diện thực sự của niềm vui chưa được nhìn thấy.
Hy vọng chín mùi từ dự ứng hiện thực thông qua diễn trình chuyển dạ đau đớn. Một người mẹ đau khổ tột cùng, trên bờ vực tuyệt vọng, để đưa đứa con giấu ẩn của mình ra ánh sáng. Thánh Phaolô nói, đó là trạng thái của sự sáng tạo, là trạng thái “cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22) – không phải để làm những gì vắng mặt hiện diện, mà để biểu lộ những gì hiện đang bí mật. Chúa Giêsu nói, cơn đau đẻ cũng là cuộc sống của người môn đệ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:21-22). Chỉ qua khổ sầu, hy vọng mới xuất hiện trên thế giới.
Tất cả những điều này được ứng nghiệm theo nghĩa đen nơi Đức Maria. Mẹ là người đầu tiên mang mầu nhiệm, “chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl. 1:27), và qua việc mang thai của Mẹ, niềm hy vọng mặc lấy xác thịt. Nhưng Đức Maria còn hơn thế nữa—không những chỉ là mẫu mực của niềm hy vọng, mà còn là hoa quả đầu mùa của những gì chúng ta hy vọng. Mùa Vọng ứng nghiệm lời hứa Chúa Con, nhưng Chúa Con ngược lại, đưa mẹ vào cuộc sáng tạo mới mà Người khai mở. Mẹ Maria ở với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ở với Mẹ Maria, cả hai đều hiện diện trong cuộc sáng tạo mới.
Cảnh truyền tin của Luca xuất hiện với âm nhạc của sự sáng tạo mới, phần lớn trong đó là âm điệu của Đức Mẹ. Qua vai trò làm mẹ kỳ diệu của Sara, Rêbêca, Rakhen và Anna, Giêhôva báo hiệu lời hứa trong Sách Sáng thế 3:15, vốn nói tiên tri về vai trò làm mẹ kỳ diệu của Đức Maria. Bà Êlisabét gián tiếp ngỏ với Đức Maria như Evà mới. Bà chào Đức Maria bằng câu: “Em có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:42), một âm vang của việc Đơvôra khen ngợi Giaên: “Phúc thay bà Giaên, phu nhân ông Kheve, người Kêni, hơn các phụ nữ, hơn các phụ nữ trong lều trại, bà thật là có phúc” (Tl 5:24). Giaên được chúc phúc vì bà đã giải cứu Israel bằng cách đóng một cái cọc lều xuyên qua sọ Xixơra. Qua Con Trai của mình, Đức Maria cũng làm như vậy, sinh hạ Hạt Giống được sai đến để nghiền nát đầu con rắn.
Sứ thần Gáprien báo tin cho Đức Maria (Lc 1:26). Lần xuất hiện duy nhất của Gáprien trong Cựu Ước là ở Đanien (8:15–28; 9:20–27), trong đó, ngoài những điều khác, ngài nói tiên tri rằng “bảy mươi tuần lễ” sẽ trôi qua giữa sắc lệnh của Kirô và sự xuất hiện của “Hoàng tử Mêsia”. Sự xuất hiện trở lại của Gápriên, đầu tiên là trong đền thờ Giêrusalem (Lc 1:19) và sau đó là ở Nadarét, cho thấy lời tiên tri hàng thế kỷ của ngài sắp được ứng nghiệm. Bảy mươi tuần đang trôi qua. Thời đại của dân ngoại sắp kết thúc. Sự giải phóng đã gần kề. Một thời đại mới bắt đầu.
Gápriên nói với Đức Maria rằng ngài sẽ được Chúa Thánh Thần “rợp bóng” (Lc 1:32–35). Khi thế giới mới được tạo dựng, cũng chính Chúa Thánh Thần ấy bay lượn trên lòng dạ đất đầy nước, khuấy động nó vào sự sống, trật tự và vẻ đẹp. Con Đấng Tối Cao trong cung lòng Đức Maria đích thân là một vũ trụ mới, là sự nhập thể của Ngôi Lời mà trong Người vạn vật cố kết với nhau, nhưng Đức Maria cũng là một nhân vật có tính vũ trụ, là cung lòng trong đó Chúa Thánh Thần lên khuôn hình dạng con người cho Chúa Con.
“Rợp bóng” cũng gợi lên cảnh cuối cùng của sách Xuất Hành, khi đám mây vinh quang của Giêhôva từ núi Sinai đi xuống để ngự trên ngai đặt trên cánh kêrubim và thánh hiến nơi cực thánh bên trong nhà tạm (Xh 40:34). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Maria trở thành không gian thánh, cưu mang “Đấng thánh được sinh ra” (Lc 1:34; to gennomenon hagion). Gioan gọi Chúa Giêsu là nhà tạm, nơi cư ngụ trên đất của vinh quang Thiên Chúa (Ga 1:14), nhưng Luca đẩy xa vấn đề thêm một bước đáng kinh ngạc: mẹ nào Con nấy; Ngôi Lời được ở nhà tạm vì Người sinh ra từ một người mẹ đã được thánh hiến như một đền thờ sống động. Công trình sáng tạo mới do Chúa Thánh Thần hình thành bắt đầu nơi Đức Maria vào chính thời điểm nó được gieo vào bà như Hạt Giống của bà. Trước khi Đấng Cứu Chuộc của thế giới tỏ khuôn mặt thánh thiêng của mình, Người đã bắt đầu tạo ra Nhân loại số 2.0, với Đức Maria là nguyên mẫu.
Tương lai của con người có tính Thánh mẫu. Tất cả chúng ta, giống như Thánh Phaolô, lao nhọc cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong mỗi chúng ta, cho đến khi Chúa Kitô được hình thành giữa chúng ta, cho đến khi các con cái của Thiên Chúa được mạc khải trong sự vinh hiển trọn vẹn của chúng ta (Gl 4:19). Nhờ Chúa Thánh Thần rợp bóng, cuộc sáng tạo mới đã được thai nghén trong cung lòng thế giới. Với toàn bộ sáng thế, chúng ta an lạc trong niềm hy vọng thánh mẫu, mong chờ sinh hạ Hạt Giống chúng ta vốn đã mang, mong chờ lớn lên tới tư thế viên mãn của mẹ Chúa chúng ta.