Câu 80: Khi Chúa Giêsu còn ở thế gian này, Người có còn là một thành phần của Ba Ngôi không hay chỉ khi Người sống lại từ cõi chết?
Vấn đề các giáo phụ và công đồng hậu tông đồ phải đối diện là giải thích ra sao các dữ kiện Kinh Thánh cho một nền văn hóa Hy Lạp với xu hướng ngôn ngữ và triết lý của nó. Tin Mừng Gioan tập chú vào mối quan tâm này vì lời tự ngôn nói đến Ngôi Lời (Logos) vốn có sắc thái đặc biệt trong nền triết lý Hy Lạp và vì trọn phần còn lại của Tin Mừng này được xây dựng trên mối liên hệ đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Nhưng Tin Mừng Gioan không đề cập gì tới vấn đề Hy Lạp sau đó về việc Ngôi Lời là Thiên Chúa ra sao (Ga 1:1) mà vẫn trở thành xác phàm (Ga 1:14). Nó chỉ giả thiết rằng điều được nói về Chúa Giêsu dưới ánh sáng phục sinh, tức là, Người là Con Thiên Chúa, có nghĩa là Người luôn luôn là Con Thiên Chúa thậm chí trước khi tạo ra thế giới. Ở đây, người ta thấy một loại ngây thơ đầy thi ca, vì Gioan chỉ quan tâm tới việc công bố ý nghĩa của Chúa Giêsu cho toàn thể sáng thế.
Nhưng khi chúng ta sử dụng tên “Giêsu”, chúng ta có muốn nói tới Chúa Giêsu nhân bản, lịch sử, Đấng đã sinh ra vào một thời điểm đặc thù, sống và chết không? Hay, có lẽ, chúng ta muốn nói rằng Người hiện hữu như một con người ban sơ trước mọi thụ tạo khác (một giải thích khả hữu Tin Mừng Gioan). Dưới ánh sáng cuộc tranh cãi Ariô (xem câu hỏi 15), Công đồng Nixêa năm 325, trong yếu tính, đã dị biệt hóa việc Chúa Giêsu từ thuở đời đời được Chúa Cha sinh ra như Logos (đáp trả và hình ảnh Chúa Cha) và việc Người xuống thế và trở thành nhập thể trong thời gian vì chúng ta và vì sự cứu rỗi của chúng ta. Thế nhưng, phải nói điều này: công đồng này sử dụng tước hiệu Kinh Thánh “Một Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” chứ không sử dụng hạn từ Logos. Điều này cho thấy: các khẳng định của công đồng, giống như toàn bộ việc phát triển Kitô học, được đặt căn bản trên chứng tá Kinh Thánh về phục sinh.
Qua việc hữu hiệu tách mối liên hệ đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha khỏi việc Người xuất hiện trong thời gian, công đồng đã bước một bước có tính quyết định là tách thiên tính của Người với nhân tính của Người (một điều tôi không nghĩ Thánh Gioan làm mặc dù ngài có dùng các chữ xuống và lên). Nay người ta có thể nghĩ về Chúa Giêsu như Thiên Chúa, Đấng sau đó đã mang thân xác của chúng ta (trở thành nhập thể). Nhưng việc này đã tách biệt chính điều cần được giữ lại với nhau. Bất kể chúng ta gán ý nghĩa nào cho danh “Giêsu”, vốn là biểu tượng chính của đức tin Kitô giáo, chúng ta vẫn không thể hiểu Người là ai nếu không tính đến nhân tính của Người. Cho đến nay, như chúng ta biết, dưới ánh sáng phục sinh, Người không hiện hữu như một hữu thể nhân bản tách biệt khỏi thiên tính vốn làm Người độc đáo như Người vốn là, cũng không là hữu thể thần linh tách biệt khỏi nhân tính vốn giúp Người biết và yêu mến Chúa Cha và cầu nguyện với Người như với Bố. Trong tư cách Đấng Tạo dựng-được hình dung như Cha, Con, Thánh Thần, Thiên Chúa đã tiến đến chỗ tự phát biểu sau cùng và một cách dứt khoát trong Chúa Con, Đấng, trong tư cách sống lại, là Thần Khí ban sự sống (1Cr 15:45). Chúa Giêsu luôn là một thành phần của Ba Ngôi, một cách không thể tách biệt và đời đời.
Câu hỏi 81: Cha không ngừng tham chiếu Kinh Thánh trong các giải thích của cha. Nhưng há Giáo Hội trong các công đồng đã không giải quyết tất cả các vấn đề này rồi hay sao?
Có lần Karl Rhaner được hỏi liệu công đồng Canxêđoan năm 451 là một kết thúc hay một khởi đầu. Ngài nói nó là cả hai. Nó đem một cuộc thảo luận nào đó của các giáo phụ Hy Lạp tới hồi kết thúc, nhưng nó cũng mở đầu cho đủ loại câu hỏi mà nhiều thế hệ sau đó đã cố gắng giải quyết. Câu hỏi của bạn cho tôi dịp để nhấn mạnh một lần nữa một điểm đã đưa ra trước đây: cố gắng của chúng ta để hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu vốn chất chứa một diễn trình giải thích liên tục. Bao lâu chúng ta còn cố gắng tìm cách phát biểu mầu nhiệm “Thiên Chúa dành cho chúng ta” (C. LaCugna), không câu trả lời nào có thể được coi là cuối cùng. Ngoại trừ chúng ta trở về với chủ nghĩa cực đoan, cả Kinh Thánh lẫn các kin tin kính và các công đồng, cũng như các trước tác của các nhà thần học và Giám Mục và bất cứ tuyên bố nào của con người cũng không thể múc cạn mầu nhiệm này.
Sự đáng thán phục của đức tin Kitô giáo là chúng ta cử hành lễ cưới của trời và đất. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa dành cho chúng ta, một Thiên Chúa đến gần chúng ta bao nhiêu vị thần linh có thể trong nhân tính Con của Người. Chúng ta tin một Thiên Chúa không cạnh tranh với chúng ta nhưng làm việc trong và qua chúng ta để hoàn toàn giải phóng nhân loại. “Thiên tính của Chúa Giêsu chính là nhân tính viên mãn của Người” (P. Schoonenberg). Điều chúng ta nói về Người như thần linh không hề xóa nhòa nhân tính của Người. Nó mang thể nhân bản đến chỗ hoàn tất một cách độc đáo.
Hai công đồng chung đầu tiên quan tâm đến việc khẳng định thiên tính trọn vẹn của Chúa Con (Nixêa năm 325) và thiên tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần (Constatinốp I năm 381). Khi bác bỏ chủ trương của Apollinaris rằng Ngôi Lời (Logos) đã thay thế linh hồn nhân bản nơi Chúa Giêsu, cũng đã khẳng định nhân tính trọn vẹn của Người. Nhưng vấn đề chủ chốt là tính hợp nhất của Chúa Giêsu. Thánh Xirilô thành Alexandria và công đồng Êphêsô năm 431 quả quyết rằng Chúa Giêsu là một cá nhân hiện hữu một cách độc đáo (một “tính hợp nhất theo hypostasis” một điều sau đó được hiểu là sự hợp nhất của một ngôi vị). Rất khó nhấn mạnh quá đáng tầm quan trọng của điều này. Nó có nghĩa là: thiên tính và nhân tính, bất kể khác biệt bao nhiêu, là hai điều không thể tách rời nhau ở trong Người. Người không phải trước nhất là Thiên Chúa sau đó là người phàm. Thực tại Chúa Giêsu hiện hữu một cách cụ thể, điều làm cho Người độc đáo như phàm nhân, là việc hợp nhất với thể thần linh. Cuối cùng, Công đồng Canxêđoan năm 451, dưới ánh sáng cảm thức mạnh mẽ được sự hợp nhất chặt chẽ này, đã phải duy trì bản tính khác biệt và không thể giản lược của cả nhân tính lẫn thiên tính. Nhân tính không bị tràn ngập bởi thiên tính và bị đồng hóa vào nó. Đúng hơn, thiên tính là điều làm cho nhân tính có khả năng và khả lực trở nên chính nó một cách trọn vẹn, giống chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi (Dt 4:15), trích dẫn trong định tín của Canxêđoan). Trong tất cả những điều này, các giáo phụ và các công đồng chỉ có một mục đích: mãi trung thành với với truyền thống tông đồ, “qui tắc đức tin” chứa đựng chủ yếu trong qui điển Kinh Thánh. Tôi tìm cách làm y như thế, nhưng dưới ánh sáng các tiến bộ đương thời của khoa phê bình Kinh Thánh.
Câu hỏi 82: Làm thế nào Chúa Giêsu là nhân bản 100% và đồng thời là thần linh 100%? Há không phải là 200% hay sao?
Một trong các ấn tượng không may nhất do Công đồng Canxêđoan gây ra đã khiến có loại câu hỏi này. Ngôn từ của Canxêđoan, chịu ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô Cả, hết sức có tính Rôma trong ý muốn cân bằng của nó. Trong khi lặp đi lặp lại 8 lần câu chúng tôi tuyên xưng “một và y một” Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, việc chủ yếu là áp dụng chữ homoousios (xem câu hỏi 15) cho cả thiên tính và nhân tính. Người được tuyên xưng có cùng “một hữu thể y như” [same being] Chúa Cha trong thiên tính của Người và có cùng “một hữu thể y như” chúng ta trong nhân tính của Người. Khi nhấn mạnh tới đặc tính không thể giản lược và khác biệt của hai bản tính, duy trì các thuộc tính thích đáng của mỗi bản tính, công đồng tạo ra ấn tượng về một việc đặt cạnh nhau khá tĩnh tụ của hai thực thể [entities] đến nỗi chữ kết hợp mãi mơ hồ: “cùng chẩy với nhau [suntre-chousēs = cùng chạy với nhau] vào một ngôi vị [prosopon] và một tồn hữu [hypostasis]”. Lúc đó, phản ứng phổ biến và chung nhất đối với Canxêđoan là quay vế với chủ trương nhất tính [monophysite], nghĩa là vì lý do kết hợp, nên nhân tính bị tan hòa vào thần tính đến nỗi chỉ còn “một bản tính”, là bản tính thần linh. Đến một mức nào đó, đây vốn là hình ảnh phổ thông cho tới tận ngày nay. Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa sử dụng bản tính nhân loại của Người để thông đạt với chúng ta, nhưng nhân tính của Người có tính cách biểu kiến chứ không phải như thành phần cấu tạo nên trải nghiệm sống cụ thể của Chúa Giêsu.
Giá trị lớn lao của Canxêđoan là việc nó nhấn mạnh tới tính trọn vẹn trong nhân tính của Chúa Giêsu. Với mọi công đồng, chúng ta chủ trương sự trọn vẹn của thiên tính và sự trọn vẹn của nhân tính bên trong sự hợp nhất của một “ngôi vị”. Tuy nhiên, điều cần phải nhớ là thiên tính và nhân tính là các thực tại không thể cùng đo theo một tiêu chuẩn được. Bạn không thể cân bằng chúng như thể chúng là hai số lượng đo đạc được và so sánh với nhau được. Thể thần linh không ở thế cạnh tranh với thể nhân bản, cũng không được đặt vào thế chống lại thể nhân bản. Không có thiên tính, chúng ta không thể nói thích đáng về thực tại của Chúa Giêsu. Người được tạo nên một cách độc đáo như con người Giêsu này vì lý do Người kết hợp với thể thần linh. Mặt khác, chúng ta không thể nói một cách thích đáng về tư cách ngôi vị của Người bên ngoài nhân tính. Trong Kinh Thánh, Người được trình bầy như một người biết và yêu mến Chúa Cha, và cầu nguyện với Người như “Con” với “Cha”. Người vâng lời thậm chí cho đến chết. Đây là tất cả những điều chúng ta mong chờ một con người bình thường hành động. Như thế, việc dùng hạn từ “ngôi vị” thay đổi tùy theo việc chúng ta nói về điều tạo nên Người như một cá nhân hiện hữu một cách độc đáo (hypostasis) hay về điều tạo nên các trải nghiệm nhân bản thông thường của Người trong việc biết và ước muốn (“ngôi vị” theo nghĩa đương thời chỉ các mối liên hệ nhân bản trên bình diện tâm lý). Theo nghĩa vừa nhắc, điều thích đáng là gọi Người là một nhân vị [human person].
Câu hỏi 83: Cha đã nói nhiều lần rằng thể thần linh không cạnh tranh với thể nhân bản. Cha muốn nói gì?
Đó là điều tôi dùng để nói trên đây về “Thiên Chúa Đấng đối thoại” (xem các câu hỏi 59-61). Ý định của Thiên Chúa là thể hiện sự trọn vẹn của điều là nhân bản bên trong cuộc sống và trải nghiệm nhân bản. Sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong sáng thế, trong giao ước với Israel, trong việc trở nên nhập thể trong Chúa Giêsu, không nhằm chúng ta ra xa lạ với nhân tính của chúng ta. Thế giới không phải chỉ là hậu quả của tính nguyên nhân nơi Thiên Chúa như thể nó hiện hữu ở bên ngoài hay song hành với hoặc trong cạnh tranh với Thiên Chúa. Thế giới là hiện thân ý định thần linh, giống như công trình nghệ thuật hiện thân nhà nghệ sĩ, nhưng chắc chắn nhà nghệ sĩ không dửng dưng đối với những gì xẩy ra cho nó. Công trình phát biểu chính bản ngã nhà nghệ sĩ, cách nhà nghệ sĩ nhìn thế giới và tưởng tượng hình dạng của nó. Công trình cũng phát biểu các giới hạn của phương tiện được chọn. Người ta nghĩ đến Michelangelo chọn tảng đá hoa cương của Carrara không ai muốn chọn vì nó có vết nứt ở khoảng giữa và đã sáng tạo ra tuyệt tác vĩ đại nhất của ông, bức tượng Đavít. Một khi phương tiện đã được chọn, nhà nghệ sĩ phải làm việc bên trong các giới hạn của nó nhưng cũng tích cực sử dụng chúng để khai thác các khả thể của phương tiện này cho trọn vẹn. Khả năng làm được như thế chính là điều đánh dấu nhà nghệ sĩ đại tài.
Cũng như thế đối với việc nhập thể. Chúng ta không nên tưởng tượng việc này như một việc Thiên Chúa “tự làm rỗng mình” (kenosis), một cuộc rút lui hay giấu thiên tính để cho phép nhân tính đi vào hành động, nhưng là việc Thiên Chúa “đổ đầy” (plēroma Cl 1:19; 2:9 – chữ vừa rồi nói tới “trọn sự viên mãn” của việc Thiên Chúa cư ngụ trong Chúa Giêsu). Ngay trong nhân tính của Chúa Giêsu trong tư cách nhập thể của Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng chỉ có thể thông truyền bản ngã thần linh tới mức thực tại nhân bản thụ tạo có khả năng tiếp nhận việc tự thông truyền của Thiên Chúa. Điều chúng ta thấy trong lịch sử cứu rỗi là việc thông truyền và can dự tiệm tiến và ngày càng thâm hậu của Thiên Chúa từ thời sáng thế qua giao ước tới nhập thể. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đem đến viên mãn hay trọn vẹn công trình đã bắt đầu, việc tạo ra “hữu thể nhân bản”. Thiên Chúa làm việc này bằng cách làm việc với những hạn chế và khả thể của đời sống nhân bản này, Chúa Giêsu thành Nadarét, kêu gọi sự đáp trả trọn vẹn và trung thành của đức vâng lời nhân bản và trong biến cố tuyệt đỉnh chết-sống lại có tính biến đổi sự phân rẽ bởi tội lỗi thành ân sủng kết hợp, sự yếu đuối của xác thịt thành sự toàn vẹn của vinh quang, và sức mạnh tử sinh của cái chết thành sự sống đời đời. Nhờ điều này, chúng ta biết rằng “Con Người” chính là “Con Thiên Chúa”.
Câu hỏi 84: Trở lại Kinh Thánh, nếu Chúa Giêsu của Tin Mừng Máccô khác đến thế với Chúa Giêsu của Tin Mừng Gioan, thì cha giảng hòa chúng ra sao?
Quan tâm của các giáo phụ và công đồng, dĩ nhiên, dẫn đến việc phát biểu tính hợp nhất của đức tin, bằng một phát ngôn chính thức và phổ quát. Kinh Tin kính Nixêa mà chúng ta đọc ở nhà thờ mỗi Chúa nhật (nhưng phát xuất từ Công đồng Constantinốp thứ nhất năm 381), đã được viết ra không hẳn để giải quyết các khó hiểu thần học cho bằng cung cấp một nền tảng có tính cộng đoàn cho việc cầu nguyện theo phụng vụ. Vấn đề quan trọng, lúc đó cũng như bây giờ, là chúng ta cầu nguyện cùng nhau ra sao, chứ không phải liệu chúng ta hết thẩy có suy nghĩ cùng những suy nghĩ như nhau hay có cách hiểu độc dạng hay không. Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu như Thiên Chúa nếu Người không phải là Thiên Chúa? Thế nhưng cả khẳng định ấy của Nixêa liên quan tới thiên tính của Chúa Giêsu cũng bỏ ngỏ cho nhiều giải thích khác nhau.
Sự hợp nhất tuyên tín đức tin đặt cơ sở trên chứng tá Kinh Thánh. Thế nhưng chính nhờ công trạng của Giáo Hội tiên khởi khi nó thiết định qui điển sách thánh mà ước muốn hợp nhất không dẫn tới việc dẹp bỏ mọi Tin Mừng ngoại trừ một Tin Mừng. Các thư đa dạng của Thánh Phaolô và các thư khác cũng như bốn Tin Mừng đã cung cấp các chân dung khá đa dạng và khác biệt về Chúa Giêsu. Mátthêu và Luca, dù đều sử dụng Máccô, đều có các nền Kitô học khá khác biệt riêng. Trật tự tiến hành đầu tiên là để mỗi chân dung tự đứng trong những điều kiện của nó chứ không uốn chúng thành một, như phương thức hòa hợp “Các Tiểu sử của Chúa Giêsu” như Alban Goodier từng cố gắng thực hiện trong quá khứ (xem câu hỏi 7).
Như thế, điều quan trọng là đọc Máccô và Gioan như chúng đã được viết, cố gắng hiểu chúng như những phát biểu khác biệt của cùng một đức tin Kitô giáo của các cộng đồng khá khác nhau. Cả hai đều cố gắng công bố mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng mẫu mực của mỗi Tin Mừng thì khác nhau. Một số tác giả đã coi sự khác biệt như phản ảnh các nền Kitô học “từ bên dưới” (Chúa Giêsu như con người được xức dầu bởi Thánh Thần Thiên Chúa, đã trở thành Con Thiên Chúa) và “từ bên trên” (Chúa Giêsu như Ngôi Lời đời đời của Thiên Chúa đã trở thành nhập thể trong hình dạng nhân bản). Tuy nhiên, theo tôi, một tương phản như thế phản ảnh các khai triển thần học sau này. Đối với cả Máccô lẫn Gioan, Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” và “Con Người” một cách không thể tách biệt từ đầu cho đến kết câu truyện. Có lẽ điều có thể nói là các Tin Mừng nhất lãm (Máccô-Mátthêu-Luca) kết hợp chặc chẽ một ký ức có tính lịch sử nhiều hơn về Chúa Giêsu, về những gì Người thực sự nói và làm, trong khi Gioan kết hợp trải nghiệm đức tin sau này của cộng đồng về Người nhiều hơn, nhất là về tính độc đáo đời đời như là Con duy nhất của Thiên Chúa. Nhưng cả điều này cũng có thể hơi cường điệu. Mọi Tin Mừng đều kể cùng một câu truyện, nhưng từ các viễn cảnh khác nhau và với các quan tâm khác nhau phát sinh từ tình thế đương thời của mỗi tác giả khi viềt Tin Mừng của họ. Câu truyện về Chúa Giêsu ít nhất cũng có nhiều hình thức như đã có nhiều cộng đồng Kitô hữu vốn làm chứng cho Người – và tất cả đều chân thật.