Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 25 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của hai Thánh Cyril và Methodius. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:
Anh chị em thân mến, Chào anh chị em buổi sáng!
Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về hai anh em, rất nổi tiếng ở phương đông, đến mức được gọi là “các tông đồ của người Slav”: Thánh Cyril và Methodius. Sinh ra ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ chín trong một gia đình quý tộc, các ngài từ bỏ sự nghiệp chính trị để cống hiến hết mình cho đời sống đan tu. Nhưng giấc mơ về một cuộc sống ẩn dật của các ngài chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Các ngài được cử đi truyền giáo tại Great Moravia, nơi vào thời điểm đó bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, đã được truyền giáo một phần, nhưng trong đó có nhiều phong tục và truyền thống ngoại giáo vẫn tồn tại. Hoàng tử của họ yêu cầu một giáo viên giải thích đức tin Kitô giáo bằng ngôn ngữ của họ.
Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của hai thánh Cyril và Methodius là nghiên cứu sâu xa về văn hóa của những dân tộc đó. Luôn luôn có cùng một điệp khúc: đức tin phải được hội nhập văn hóa và văn hóa phải được phúc âm hóa. Luôn luôn hội nhập văn hóa đức tin, phúc âm hóa văn hóa. Thánh Cyril hỏi họ có bảng chữ cái không; họ nói với ngài rằng họ không có. Ngài trả lời: “Ai có thể viết diễn văn trên nước?”. Thật vậy, để loan báo Tin Mừng và cầu nguyện, người ta cần một công cụ thích hợp, cụ thể và chuyên biệt. Vì vậy, ngài đã phát minh ra bảng chữ cái Glagolitic. Ngài dịch Kinh thánh và các bản văn phụng vụ. Người ta cảm thấy đức tin Kitô giáo không còn ‘xa lạ’ nữa, mà đúng hơn nó đã trở thành đức tin của họ, được nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Hãy thử nghĩ xem: hai tu sĩ Hy Lạp tặng cho người Slav một bảng chữ cái. Chính sự cởi mở của trái tim này đã bén rễ Tin Mừng nơi họ. Hai vị này không hề sợ hãi, các ngài rất can đảm.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng, một số người Latinh đã phản đối, những người này cho rằng mình bị tước độc quyền rao giảng cho người Slav; cuộc đấu tranh trong Giáo hội luôn là như vậy. Sự phản đối của họ mang tính tôn giáo, nhưng chỉ ở bề ngoài: họ nói rằng Thiên Chúa chỉ có thể được ca ngợi bằng ba ngôn ngữ được viết trên thập tự giá: tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Họ có tư duy khép kín, muốn bảo vệ quyền tự chủ của mình. Nhưng Thánh Cyril trả lời một cách mạnh mẽ: Thiên Chúa muốn mọi người ca ngợi Người bằng ngôn ngữ của họ. Cùng với anh trai Methodius, ngài đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng và Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận các bản văn phụng vụ của các ngài bằng ngôn ngữ Slav. Ngài đã đặt chúng trên bàn thờ của Nhà thờ Đức Bà Cả, và dùng chúng hát những lời ca ngợi Chúa. Thánh Cyril qua đời vài ngày sau đó, và thánh tích của ngài vẫn được tôn kính ở Rôma, trong Vương cung thánh đường Thánh Clêmentê. Thay vào đó, Thánh Methodius được tấn phong giám mục và được gửi trở lại vùng lãnh thổ Slav. Ở đây ngài sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều: ngài thậm chí sẽ bị cầm tù, nhưng, thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Lời Chúa không bị xiềng xích và lan truyền khắp các dân tộc đó.
Nhìn vào chứng từ của hai nhà truyền giáo này, những vị được Thánh Gioan Phaolô II chọn làm đồng bảo trợ của Châu Âu và là người đã viết Thông điệp Slavorum Apostoli [các tông đồ của Người Slav], chúng ta hãy nhìn vào ba khía cạnh quan trọng.
Trước hết là hiệp nhất. Người Hy Lạp, Đức Giáo Hoàng, người Slav: vào thời điểm đó, ở châu Âu có một Kitô giáo thống nhất, cộng tác để truyền giáo.
Khía cạnh quan trọng thứ hai là hội nhập văn hóa, điều mà tôi đã nói trước đó: Phúc âm hóa văn hóa và hội nhập văn hóa cho thấy rằng Phúc âm hóa và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta không thể rao giảng Tin Mừng một cách trừu tượng, gạn lọc, không: Tin Mừng phải được hội nhập văn hóa và nó cũng là một biểu hiện của văn hóa.
Khía cạnh cuối cùng là tự do. Việc rao giảng đòi hỏi tự do, nhưng tự do luôn cần lòng can đảm; con người được tự do ở mức độ dũng cảm và không để mình bị xiềng xích bởi nhiều thứ cướp đi tự do của mình.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin các Thánh Cyril và Methodius, các tông đồ của người Slav, để chúng ta có thể trở thành những khí cụ “tự do trong bác ái” cho người khác. Hãy sáng tạo, kiên trì và khiêm tốn, cầu nguyện và phục vụ.
Lời kêu gọi
Tôi luôn nghĩ đến tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel: Tôi khuyến khích việc thả các con tin và đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho những người đang đau khổ và hy vọng vào những con đường hòa bình ở Trung Đông, ở Ukraine đang bị bao vây và ở những khu vực khác bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tôi nhắc nhở tất cả anh chị em rằng ngày mốt, thứ Sáu, 27 tháng 10, sẽ là ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối: vào lúc 18 giờ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta sẽ tụ họp lại để cầu xin hòa bình cho thế giới.