1. Vài nét về Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu
Chợ Giáng Sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng Sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng Sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng Sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng Sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Các chợ Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng Sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng Sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.
Ngày nay các chợ Giáng Sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng Sinh, ví dụ chợ Giáng Sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng Sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng Sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng Sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng Sinh lớn nhất nước Pháp.
Mô hình chợ Giáng Sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.
Các gian hàng trong chợ Giáng Sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng Sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng Sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng Sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng Sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.
2. Thượng Phụ Kirill lên án kế hoạch cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động tại Ukraine
Thượng Phụ Kirill cho rằng ý định cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Nga của chính quyền Ukraine là nhắm vào bộ phận dân chúng Ukraine dễ bị tổn thương nhất. Ông đưa ra lập trường trên tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân dân Nga hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Hai.
“Giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng hành động chống lại người dân của họ, và những người không có khả năng tự vệ và không có khả năng phản đối, các tín hữu và giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống lớn nhất và duy nhất ở Ukraine,” ông nói.
Ông đang bình luận về một dự luật đang được Quốc Hội Ukraine thảo luận mở đường cho lệnh cấm hoàn toàn đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC.
Chính Thống Giáo Nga cho rằng dự luật không chỉ vi phạm các quy tắc của luật pháp mà còn cho thấy “sự mất đi những tàn dư cuối cùng của lẽ phải”, vì UOC luôn ủng hộ người dân và nhà nước Ukraine bằng mọi cách có thể, luôn kêu gọi hòa bình và cầu nguyện vì hòa bình.
Trong những điều ông ấy phát biểu có những điều giả dối. UOC ngày nay không phải là Giáo Hội Chính thống lớn nhất, và cũng không duy nhất ở Ukraine.
Sau cuộc xâm lược của Nga. UOC đã tuyên bố ngừng phụ thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, trong các cuộc khám xét các tu viện và nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống này, các cơ quan an ninh đã tìm thấy súng, lựu đạn, và các tài liệu ủng hộ “thế giới Nga”.
Hội đồng Nhân dân Nga đang kỷ niệm 30 năm thành lập với mục đích thảo luận về vị trí của Nga trên thế giới.
Nó được lãnh đạo bởi Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa, người đã phải đối mặt với sự lên án từ Giáo hội Chính thống toàn cầu vì ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine.
Putin đã trực tiếp đề cập đến Thượng Phụ Kirill trong bài phát biểu của mình và ca ngợi công việc của ông “mang lại sự hồi sinh về mặt tinh thần cho nước Nga”, trong đó bao gồm việc thúc đẩy “các giá trị gia đình”, trong đó phụ nữ sẽ được khuyến khích sinh thêm con để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước.
3. Ngày cầu nguyện và trợ giúp vật chất cho Giáo hội tại miền đông Ba Lan
Chúa nhật mùng 03 tháng Mười Hai vừa qua, tại Ba Lan là Ngày cầu nguyện và trợ giúp vật chất cho Giáo hội tại miền đông và cũng như năm ngoái, năm nay được đặc biệt dành để giúp đỡ Ukraine.
Linh mục Krzysztof Wilk, cha sở của ba xứ đạo ở Ukraine cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay tại nước này là tình trạng khó khăn trong việc chuyên chở các phẩm vật cứu trợ.
Cha Wilk cho biết sau khi Nga tấn công vào Ukraine, cha đã tổ chức nhiều chuyến xe, để chuyên chở các đồ cứu trợ từ thành phố Radom, bên BaLan tới thủ đô Kyiv của Ukraine. Mỗi tháng cha đến Radom một, hai ngày để lấy các đồ cứu trợ và chở về Ukraine, giúp đỡ những người túng thiếu nhất.
Các đồ cứu trợ cha Wilk quyên góp từ Ba Lan, không những để giúp dân tại vùng cha làm việc mục vụ, cách thủ đô Kyiv 120 cây số về hướng đông nam, nhưng cũng được chuyển tới thành phố Kherson và Kharkiv, nơi đã xảy ra những trận chiến lớn và đã được quân đội Ukraine giải phóng, nhưng hàng ngày vẫn phải gánh chịu các cuộc pháo kích của quân Nga. Cuối tháng Mười Hai năm ngoái, cha Wilk có dự án tổ chức một đoàn chuyên chở lớn các đồ trợ giúp từ Ba Lan, trong đó có cả những vật liệu kiến thiết vì nhiều nhà cửa dân chúng bị phá hủy vì bom đạn của Nga.
Trong những ngày gần đây, một số tài xế xe tải người Ba Lan đã mở các cuộc biểu tình chặn đường khiến việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.