1. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Adelar Baruffi của Cascavel để chữa bệnh
Đức Tổng Giám Mục của Cascavel, là Đức Cha Adelar Baruffi, đã từ chức để điều trị khối u não. Yêu cầu đã được chuyển đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối năm 2023 và tuần trước, Đức Thánh Cha đã ủng hộ đơn từ chức của Đức Cha Baruffi.
Vị linh mục đã tham gia một cuộc họp báo vào Thứ Hai tuần này, nơi ngài thông báo rằng ngài cần phải chăm sóc sức khỏe của mình và vì lý do này mà ngài đã yêu cầu từ chức.
“Sức khỏe của tôi ít nhiều vẫn còn, nhưng đã đến lúc phải ngừng làm việc, phải tự chăm sóc bản thân. Nếu có việc gì phải làm thì chúng ta có thể xem ai có thể làm được việc đó”, Đức Tổng Giám Mục nói.
Ngay sau khi tiếp quản tổng giáo phận vào tháng 9 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục phát hiện ra một khối u não sau khi ngất xỉu tại một thánh lễ vào tháng 11 năm 2021. Sau vụ việc, vào tháng 3 năm 2023, ngài đã trải qua cuộc phẫu thuật, nhưng khối u đã quay trở lại, dẫn đến yêu cầu xin Đức Thánh Cha Phanxicô cho từ chức.
Theo Đức Cha Aparecido Donizete de Souza, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận, việc bổ nhiệm một tân Tổng Giám Mục khác vẫn chưa được chọn.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil, gọi tắt là CNBB, tuyên bố rằng các ngài đánh giá cao tất cả công việc được thực hiện bởi Đức Tổng Giám Mục, người đã tiếp quản giáo phận Cascavel vào năm 2021, sau khi người từng giữ chức vụ này, là Đức Tổng Giám Mục Mauro Aparecido dos Santos, chết vì Covid-19.
Sinh ra ở Coronel Pilar (RS), Đức Cha Baruffi vào chủng viện lúc 15 tuổi và được bổ nhiệm làm giám mục vào năm 2014. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1995. Trước Cascavel, ngài là giám mục ở Cruz Alta, Rio Grande do Sul.
2. Fiducia Supplicans và sự rõ ràng tín lý
Đức ông Hans Feichtinger, trên First Things, ngày 12 tháng 2, 2024, cho hay: Cách đây không lâu, những tài liệu của Vatican không đúng mục đích sẽ khiến ngài tức giận. Bây giờ, ngài thấy chúng giống như những sự kiện bi thảm. Đó là trường hợp của Fiducia Supplicans, một Tuyên bố mới được Bộ Giáo lý Đức tin ban hành gần đây. Mục đích của tài liệu này được cho là làm sáng tỏ các vấn đề gây tranh cãi và hàn gắn những rạn nứt trong sự hiệp thông Công Giáo. Nó thất bại ở cả hai mặt. Việc giáo dân và giáo sĩ trên toàn thế giới nhận được tài liệu này là một điềm xấu cho cách chúng ta về cách giải quyết các vấn đề gây chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo, liên quan đến những vấn đề đã gây chia rẽ trong các giáo hội khác.
Về mặt thần học, Fiducia Supplicans không phải là một tác phẩm hay bài viết hay. Về mặt tín lý, nó đứng trên những nền tảng yếu ớt; các điểm tham chiếu truyền thống và Kinh Thánh của nó còn yếu. Điều này có thể là do phiên họp thường lệ (Feria IV) của Bộ dường như không tham gia vào việc xây dựng và phê duyệt tài liệu, điều này rất bất thường đối với một tài liệu được cho là liệt vào hàng Tuyên ngôn. Bản văn này dường như là sản phẩm trí thức của Đức Hồng Y Fernandez, tân bộ trưởng của Bộ, cùng với một nhóm nhỏ các chuyên gia và nhân viên. Việc tham gia của các thành viên bình thường, các Hồng Y và giám mục của bộ, có thể sẽ trì hoãn việc công bố tài liệu, nhưng chắc chắn nó sẽ góp phần vào sự rõ ràng về mặt tín lý, phẩm chất thần học và sự tiếp nhận hiệu quả hơn của tài liệu trong và ngoài Giáo hội. Hơn nữa, cách hành động có tính chất tinh hoa này trái ngược một cách kỳ lạ với văn hóa đồng nghị được giáo triều Rôma bảo vệ. Một tiến trình đồng nghị hơn sẽ phục vụ tốt hơn cho Đức Giáo Hoàng, người mà thế giá chưa thực sự được phục hồi sau toàn bộ vụ việc.
Nhưng những vấn đề này chỉ là thứ yếu so với điều đang bị đe dọa sâu xa nhất: đó là sự rõ ràng của Giáo hội về bí tích hôn phối và những gì nó thông ban, có ý nghĩa và đòi hỏi – mối quan hệ một vợ một chồng, trọn đời yêu thương và chung thủy giữa người chồng và người vợ sẵn sàng đón nhận hồng phúc con cái. Điều này được mặc khải ngay từ đầu Cựu Ước và được chính Chúa Kitô đưa ra ánh sáng đầy đủ trong Tin Mừng và các sách Tân Ước khác. Tín lý này đã được tiếp nhận và phát triển cùng với truyền thống thánh thiêng của Giáo hội.
Tuyên bố đề xuất một sự hiểu biết rộng hơn về các phép lành, đưa ra sự phân biệt giữa các phép lành phụng vụ và các phép lành tự phát. Sự phân biệt này có ý nghĩa phẩm trật, theo nghĩa là các phép lành phụng vụ dường như ở một cấp độ cao hơn, cả về những gì chúng đòi hỏi cũng như những gì chúng ban phát. Sự phân biệt như vậy không có tính thuyết phục ngay lập tức. Cuối cùng, nỗ lực của tài liệu nhằm phân biệt giữa việc chúc phúc cho một cặp và việc chúc phúc cho một cuộc kết hợp đã thất bại, về mặt luận lý, thần học và mục vụ. Thất bại này bao gồm sự so sánh căng thẳng và không thích đáng được tài liệu này giải thích giữa các cặp đồng tính và các cặp chưa kết hôn.
Fiducia Supplicans cũng mắc phải một sự hiểu lầm đáng tiếc, thậm chí đáng buồn, về cách các hình thức chung sống khác liên quan đến hôn nhân thánh thiện và ơn cứu rỗi. Ý định của nó dường như là tìm ra những cách thức mới, thậm chí là một thái độ hoàn toàn mới, để Giáo hội thích nghi với những người đang ở trong những mối quan hệ như vậy. Nhưng liệu giải pháp của nó có hứa hẹn như nó tuyên bố hay không thì vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, vì đây chủ yếu là một vấn đề mục vụ mà các quy tắc phổ quát không thể hình thành được. Bằng chứng nằm ở trong chiếc bánh pudding. Văn kiện này sẽ được phán đoán dựa theo việc làm của nó, được tuân theo ở những người bị ảnh hưởng trực tiếp và trong cộng đồng Kitô giáo lớn hơn. Tòa Thánh sẽ can thiệp như thế nào khi ngay cả những giới hạn rộng rãi do Tuyên ngôn này đưa ra cũng bị vi phạm?
Hơn nữa, Fiducia Supplicans dường như đã được xây dựng mà không quan tâm đầy đủ đến tác động của nó đối với một số Giáo Hội cụ thể, đặc biệt là các Giáo Hội đang phát triển và sôi động ở Phi Châu, trong đó thái độ chung đối với việc chung sống không kết hôn (hoặc thậm chí đồng tính) khá khác với nền văn hóa thống trị ngày nay ở hầu hết Âu Châu và Mỹ Châu. Những Giáo Hội này vẫn thấy mình nằm ngoài sự quan tâm và chăm sóc của Vatican. Các tín hữu và giáo sĩ Phi Châu tiếp tục bị đối xử với thái độ trịch thượng và chủ nghĩa gia trưởng bởi những người chịu ảnh hưởng bởi các nền thần học được du nhập từ Âu Châu và Mỹ Châu, bao gồm phần lớn thần học “giải phóng”. Sự thiếu nhận thức và tôn trọng này đặc biệt nghiêm trọng khi được thể hiện bởi các nhà thần học người Đức, những người phô trương ý thức văn hóa được cho là của họ. Tôi cho rằng cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhóm tín lý của ngài đều không hài lòng với các chiến thuật được sử dụng bởi các giám mục (chủ yếu là người Âu Châu), những người tuyên bố mình được tài liệu này chứng thực và tiếp tục thúc đẩy các phép lành bán phụng vụ, do đó làm suy yếu một trong những ý định chính của nó.
Đằng sau những vấn đề về nội dung và phong cách, về chất liệu và hình thức, là ý định tự tuyên bố của tài liệu nhằm xây dựng một thực hành ban phép lành dựa trên “tầm nhìn mục vụ” của chính Đức Giáo Hoàng. Không ai nghi ngờ sự cam kết và năng lực của Đức Thánh Cha trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Đức ông Feichtinger vẫn không bị thuyết phục trong việc cho rằng đây là một ý tưởng hay để Đức Giáo Hoàng mở rộng phạm vi thẩm quyền chính thức của mình vượt quá tín lý và kỷ luật, đồng thời yêu cầu, ngoài quyền tối thượng về giáo huấn và tài phán, một “quyền tối thượng mục vụ” mới có thể sẽ dẫn đến một chủ nghĩa tập quyền không có lợi cho việc dẫn đến một thừa tác mục vụ hữu hiệu trong nhiều bối cảnh đa dạng và đôi khi căng thẳng trong đó nó được thực hiện trên khắp thế giới. Thừa tác vụ này, đặc biệt nếu nó có mục tiêu truyền giáo, phải hướng tới sự hòa giải, giải phóng và đào tạo theo nghĩa sâu sắc nhất, và do đó hướng tới sự hoán cải - một khái niệm hoàn toàn không quan trọng trong Fiducia Supplicans. Ngược lại, tài liệu, như được viết ra và được tiếp nhận, không phải là một dấu hiệu của sự hoán cải trong chính Giáo hội nhưng cuối cùng đã cố gắng làm tròn một hình vuông, tạo ra các loại phép lành cho mọi hình thức hôn nhân giả, và trong nhiều trường hợp, các mối quan hệ tình dục hiện có trong các xã hội hậu hiện đại. Không ngạc nhiên chi, khi nói chung, nó được hoan nghênh như một “bước đầu tiên” bởi các giám mục đang bị mắc kẹt trong thế giới thể chế của Kitô giáo trong quá khứ, nhưng lại không sẵn lòng nhận ra những dấu hiệu của thời đại: Chúng ta cần những sự hoán cải mới, trong và ngoài Giáo hội. Suy cho cùng, đó chính là ý nghĩa của hạn từ “phúc âm hóa”.
Tuyên bố được đưa ra bởi Bộ Giáo Lý, đặc biệt là dưới thời vị tân tổng trưởng, trên thực tế, một lần nữa, đã trở thành cơ quan “tối cao” mà nó luôn luôn là và phải như vậy. Sự phát triển đó mang lại cho Đức ông Feichtinger niềm hy vọng đối với toàn thể giáo triều Rôma. Nhưng khi thi hành sứ mạng đặc biệt của mình, Bộ Giáo Lý phải tính đến hai trách nhiệm: các tài liệu của nó cần phải rõ ràng; và họ phải giải quyết những điều không chắc chắn, chứ không phải tạo ra chúng. Để làm được như vậy, Bộ không thể hài lòng với những công thức mà bằng cách nào đó, thông qua những xiên xẹo, có thể dung hòa được với học thuyết Công Giáo. Họ phải bảo đảm rằng những tuyên bố của họ khó bị thao túng (thí dụ, bởi các phương tiện thông tin đại chúng) và dễ hiểu đối với dân Chúa, bắt đầu từ các giám mục và giáo sĩ.
Mưu toan đang diễn ra của một số nhà thần học và giám mục nhằm giải thích tại sao phép lành cho một cặp không phải là phép lành cho sự kết hợp của họ bằng cách tuyên bố rằng đó là một loại phép lành “mới”, là điều không thể đứng vững được. Các nhà thần học Công Giáo, không chỉ ở Đức, cần phải nhìn lại chính mình và tự hỏi họ đã đóng góp gì cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội trong hơn một trăm năm qua. Các nhà thần học cần phải thống hối nhớ rằng nền tảng mà họ đứng trên cũng chính là nền tảng mà đức tin, tín lý và kỷ luật của Giáo hội đặt lên trên: Kinh thánh và truyền thống. Cả huấn quyền lẫn thực hành mục vụ, kinh nghiệm hay khuynh hướng đều không phải là nguồn bổ sung của chân lý thần linh. Và thần học mục vụ từ trên cao sẽ không trở nên thuyết phục hơn nếu những đề xuất của nó được tuyên bố là những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, vốn tự nó là một động thái có phần võ đoán tùy tiện.
Thần học mục vụ nói riêng, ngay cả khi được các giám mục hoặc Tòa thánh truyền bá, cần được làm sáng tỏ, định hình và đôi khi được thanh lọc bằng ánh sáng Tin Mừng. Việc mở rộng thẩm quyền của giáo hoàng sang lĩnh vực hoạt động mục vụ là vấn đề khó khăn vì hai lý do: Việc đặt nền tảng cho các tuyên bố tín lý (chuyên nhất, hoặc phần lớn) về tầm nhìn mục vụ của một cá nhân, thậm chí là một giáo hoàng, đã đẩy thẩm quyền mặc khải của Thiên Chúa vào một vị trí ngoài lề một cách kỳ lạ; hơn nữa, hoạt động mục vụ, tuy đặt nền tảng trên đức tin chung, nhưng lại mang tính cá nhân, và do đó đặc biệt, từ cả hai phía - được một cá nhân mục tử chấp nhận và quan tâm đến sự cứu rỗi của một cá nhân (hoặc một nhóm nhỏ hơn). Nói cách khác, hoạt động mục vụ (và thần học mục vụ) nhất thiết phải đa dạng, vì nó có thể mang nhiều hình thức trong những bối cảnh khác nhau, và nó phải lấy sự trung thành về tín lý làm trung tâm. Mặt khác, chúng ta đang xem xét tình trạng sa đọa về tín lý và ý thức hệ mục vụ trong Giáo hội. Ít nhất, bất cứ giám mục nào tuyên bố rằng tất cả các linh mục bằng cách nào đó có nghĩa vụ ban các phép lành được coi là có thể có trong Fiducia Supplicans, và bất cứ giáo sĩ nào ban các phép lành đó một cách rộng rãi, sẽ cần phải sớm được sửa chữa và nói chung không thích hợp cho thừa tác vụ trong lĩnh vực này.
Đức ông Feichtinger không tin rằng Fiducia Supplicans sẽ giúp ích rất nhiều cho mục vụ trên thực địa. Không thể hình thành các phép lành mà về bản chất vốn không chính thức và tự phát. Trừ khi Tòa thánh thực hiện các biện pháp cụ thể ngay bây giờ chống lại những người vượt quá giới hạn do Fiducia Supplicans thiết lập, nếu không Tòa thánh sẽ mất uy tín và thẩm quyền. Rõ ràng, chúng ta không thể gạt đi tất cả những lời chỉ trích nó là kém cỏi về mặt trí thức hoặc ác ý. Thay vào đó, việc rút lại bản văn một cách đáng kể xem ra trung thực hơn về mặt thần học và hứa hẹn hơn về mặt mục vụ so với những nỗ lực vô tận để biện minh cho nó.
“Nắm vững sự thật”, chúng ta “truyền lại đức tin Công Giáo và tông truyền”. Vì vậy, “phát triển tín lý” không có nghĩa là hợp pháp hóa các dự án thần học, mục vụ hoặc truyền giáo của chúng ta. John Henry Newman lập luận rằng học thuyết Kitô giáo có thể phát triển trong khi vẫn trung thành với sự mặc khải thần linh. Xoay chuyển khái niệm này để biến nó thành một công cụ hoặc những gì “chúng tôi” (thậm chí các thượng hội đồng, giáo hoàng hoặc hội đồng) có thể điều chỉnh và cập nhật sẽ chuyển khái niệm này sang một bình diện hoàn toàn khác. Thế giới đương thời có rất nhiều điều phức tạp, những căng thẳng trong Giáo cộng đoàn ta đang tăng cao, và chúng ta phải chống lại sự cám dỗ làm xáo trộn tín lý. Kinh thánh và truyền thống là những gì truyền cảm hứng và hướng dẫn những nỗ lực mục vụ và thần học của chúng ta. Mọi giáo xứ, mọi giáo phận và mọi văn phòng tại Tòa thánh đều được kêu gọi noi gương thái độ này. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đào sâu sự hoán cải của chính mình, và do đó, lòng trung thành của chúng ta với đức tin mạc khải, đồng thời nuôi dưỡng sự cam kết của người Công Giáo trên toàn thế giới đối với sứ mệnh đào tạo môn đệ, rửa tội và giảng dạy của Chúa Kitô.
3. Đức Tổng Giám Mục Trưởng kêu gọi chính quyền Kerala bảo vệ dân chúng chống ác thú
Đức Tổng Giám Mục Trưởng Raphael Thattil, Tân Giáo chủ Công Giáo Syro Malabar tại Ấn Độ, kêu gọi chính quyền bang Kerala ở miền tây nam Ấn Độ bảo vệ dân chúng và tài sản của họ chống nạn ác thú và thú rừng sát hại và phá hoại mùa màng của họ.
Từ tháng Giêng năm nay, Đức Tổng Giám Mục Thattil là thủ lãnh của hơn ba triệu rưỡi tín hữu Công Giáo Syro Malabar, đa số sống tại bang Kerala. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong thông cáo công bố hôm mùng 10 tháng Hai vừa qua, sau khi một con voi lớn tấn công và đạp chết ông Ajeesh Jospeh Panachiyil, ở tuổi 40, và cha của hai người con khác bị con voi Belur Makna đạp chết.
Theo báo chí địa phương, con voi Makna này đã bị các nhân viên kiểm lâm thuộc bang Karnataka láng giềng bắt hồi năm 2023, sau khi đã phá hoại hoa màu và đe dọa dân cư. Voi phải đeo chiếc vòng đeo cổ phát tuyến để các nhân viên có thể định chỗ và được thả tại khu rừng gần biên giới bang Kerala.
Một đoạn phim thu hình sáng thứ Bảy, ngày 09 tháng Hai vừa rồi, cho biết voi Makna đã lao qua cổng một khu nhà ở quận Wayanad, bang Kerala. Người lớn và trẻ em bỏ chạy, nhưng ông Ajeesh không tìm được nơi trú ẩn và bị voi tấn công. Ông bị đưa vào nhà thương nhưng tại đây bác sĩ xác nhận ông đã chết. Sau vụ này, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối ở thành phố Mananthavady. Họ khiêng xác ông Ajeesh được bọc trong một bao nhựa đen và đặt trên một chiếc cáng, tiến qua đường phố. Họ đòi các giới hữu trách bắn chết con voi sát nhân và bồi thường cho gia đình đường quá cố.
Đức Tổng Giám Mục Trưởng Thattil nhận xét rằng: “Ông Ajeesh bị sát hại thảm thương trước sự chứng kiến của những người thân yêu... Thêm một nhân mạng bị mất vì sự thiếu sót của các giới hữu trách, không đề ra các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa thú rừng tấn công những nơi sinh sống của con người... Một vòng đeo cổ phát tuyến voi đeo đã bị rơi mất tại khu vực dân cư. Cần đưa ra biện pháp gương mẫu để trừng phạt các viên chức lỗi phạm trong vấn đề này”.
Đức Tổng Giám Mục Thattil nói thêm rằng: “Chính quyền cần có thái độ nghiêm chỉnh đối với vấn đề này, xét vì ngày càng gia tăng những vụ thú rừng giết hại và phá hoại mùa màng của dân chúng. Lối tiếp cận không coi trọng mạng sống con người hơn sự sống của thú vật, đó không phải là điều thuộc về một xã hội văn minh”.
Ngày 11 tháng Hai vừa qua, Đức Cha Jose Porunnedom, Giám mục Giáo phận Mananthavady thuộc Giáo hội Syro Malabar ở địa phương, đã chủ sự thánh lễ an táng cho ông Ajeesh tại nhà thờ thánh Alphonsa ở Padamana.
Trước đó, hôm mùng 06 tháng Hai giáo phận đã công bố một phúc trình mô tả ngân khoản mà chính quyền bang Kerala dành cho việc phòng ngừa những phá hoại và xách nhiễu của thú rừng đối với dân chúng thật là thiếu sót.
Tại bang Kerala, những vụ dân chúng bị giết và đất đai mùa màng bị thú rừng phá hoại xảy ra hằng ngày. Từ năm 2016 đến nay, có hơn 900 người bị ác thú sát hại tại bang Kerala, tức là hơn 100 người mỗi năm. Trong những tình trạng như thế, chính quyền cần đưa ra những biện pháp thích hợp và cần thiết để bồi thường cho dân chúng”.
Sở kiểm lâm của bang Kerala thì tố cáo sở kiểm lâm bang Tanataka không cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để định vị thú rừng bằng những vòng đeo cổ phát sóng. Ngoài ra, cần những ăngten và tìm đúng tần số mới có thể phát triển di chuyển của voi đúng lúc.