1. Phái đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương viếng thăm các cơ quan Mỹ
Hôm mùng 07 tháng Ba vừa qua, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm tại Mỹ, Phái đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương đã viếng thăm Quốc hội Lưỡng viện và Bộ Ngoại giao nước này để vận động hỗ trợ Ukraine trong tình trạng chiến tranh hiện nay.
Phái đoàn do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, hướng dẫn và có Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, của Giáo phận Philadelphia ở Mỹ, bốn giám mục khác. Các vị đã gặp Thượng nghị sĩ Mỹ Đặc trách về các nhóm thiểu số, ông Mitch McConnell, thuộc Đảng Cộng hòa. Các giám mục cho biết với tư cách là thành phần xã hội Ukraine, các vị nói thay cho những người dân thường, và sứ điệp nòng cốt là Ukraine bị thương nhưng kiên trì, Ukraine mệt mỏi, kiệt quệ, nhưng bền chí, và tại sao Ukraine đang thắng.
Còn Thượng nghĩ sĩ McConnell đáp lại rằng: “Điều quan trọng nhất chúng tôi có thể làm ngay bây giờ là trợ giúp Ukraine”.
Trong các cuộc gặp gỡ, các vị lãnh đạo Công Giáo Ukraine Đông phương và các nhà chính trị Mỹ thảo luận về những vấn đề liên quan đến tình hình hiện nay ở Ukraine và những thách đố đang gặp để đạt tới chiến thắng trên kẻ xâm lăng cũng như đạt được hòa bình công chính, kể cả tự do tôn giáo.
Đoàn cũng gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Mike Johnson, và thỉnh cầu Mỹ những trợ giúp cần thiết, giúp Ukraine bảo vệ sự sống con người. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cần được giúp đỡ để sống còn. Mỗi ngày, cái giá phải trả vì trợ giúp trễ cho Ukraine là sinh mạng con người bị Nga tước mất một cách tàn bạo”.
Về phần Đức Tổng Giám Mục Gudziak, người Ukraine ở Mỹ, nhắc lại rằng Ukraine đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân cách đây 30 năm, vì tin nơi sức mạnh của công pháp quốc tế và Hoa Kỳ là một trong những nước bảo đảm an ninh cho mình hồi đó.
Đoàn Giám mục Ukraine cũng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách về Đông Âu, ông Christopher Smith và ông Jason Mcinerney, Phó Giám đốc Văn phòng tự do tôn giáo quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao ở Washington. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói về các hoạt động mục vụ và xã hội của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương trong thời chiến tranh, qui trọng tâm vào giúp săn sóc các gia đình Ukraine bị thương. Ngài kêu gọi giúp các linh mục Công Giáo Đông phương được trả tự do. Các vị hiện đang bị Nga giam giữ. Ngài cũng nói về những vi phạm tự do tôn giáo tại các lãnh thổ Ukraine bị Nga xâm lược, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga là đối phương của tự do tôn giáo.
2. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Ukraine gây áp lực lên Quốc Hội Hoa Kỳ về các cuộc tấn công vào nhà thờ của Nga
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết, cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đang tiêu diệt quyền tự do tôn giáo, báo hiệu sự quay trở lại của Mạc Tư Khoa với mức độ đàn áp tín ngưỡng thời Liên Xô.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã có mặt ở Washington DC tuần này cùng với một phái đoàn gồm các nhân vật cao cấp trong Giáo Hội của ngài để bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đối với Kyiv cho đến nay, trong điều mà ngài mô tả là trận chiến “David chống lại Goliath” giữa Ukraine và Nga trong hơn hai năm chiến tranh.
Tuy nhiên, khi kêu gọi Mỹ hỗ trợ thêm cho Ukraine, với gói tài trợ bị đình trệ tại Quốc hội Hoa Kỳ bởi một số thành viên Quốc Hội, Đức Cha Shevchuk cho biết ngài rất lo ngại về việc phá hủy các tòa nhà tôn giáo cũng như các vụ bắt giữ và sát hại các nhà lãnh đạo tôn giáo.
“Ngày nay, trên lãnh thổ bị tạm chiếm, không có một linh mục Công Giáo nào. Tất cả các linh mục của tôi, thậm chí cả các linh mục Công Giáo Rôma, đều bị trục xuất hoặc bỏ tù”, Đức Cha Shevchuk nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn. Giáo hội mà ngài đứng đầu có sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican và là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn thứ hai.
Đức Cha Shevchuk nói: “Khoảng 50 mục tử bao gồm mục sư Tin lành, linh mục Chính thống giáo, linh mục Công Giáo đã bị bỏ tù hoặc bị giết”. Ngài nói thêm rằng Nga đang quay trở lại “thời Liên Xô, nơi tất cả các tôn giáo đó đều bị cấm hoặc bị kiểm soát quá mức, hoặc đơn giản là bị tiêu diệt.
Đức Cha Shevchuk, người bắt đầu được đào tạo linh mục tại một chủng viện hầm trú ở Liên Xô, nói thêm: “Ở Liên Xô, nhà độc tài Joseph Stalin đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ của chúng tôi, bỏ tù tất cả các giám mục và tất cả các linh mục của chúng tôi, những người không ký thỏa thuận trở thành Chính thống giáo”.
“Ngay cả ở những vùng lãnh thổ mà Nga không thể đến và xâm lược, gần 600 nhà thờ, nơi thờ phượng, giáo đường Do Thái đã bị phá hủy.”
Viện Tự do Tôn giáo, gọi tắt là IRF, có trụ sở tại Kyiv cho biết vào tháng 2 năm 2023 rằng, trong 12 tháng đầu của cuộc chiến, quân đội Nga đã phá hủy, làm hư hại hoặc cướp bóc ít nhất 494 tòa nhà tôn giáo, cơ sở thần học và các địa điểm linh thiêng, cùng với con số ước tính ngày nay sẽ cao hơn.
Đức Cha Shevchuk nói: “Đối với người Công Giáo, Tin lành Chính thống, người Do Thái, người theo đạo Hồi, Ukraine có nghĩa là tự do, tự do tôn giáo, nơi nào Nga đã đến, họ tiêu diệt tất cả các tôn giáo khác ngoài Giáo hội Chính thống Nga được kiểm soát tốt và được trang bị vũ khí”. Nhà lãnh đạo tổ chức này, Thượng phụ Kirill, đã bị cộng đồng quốc tế lên án, bao gồm cả các nhân vật trong giáo hội của ông ở nước ngoài, vì ủng hộ cuộc chiến của Putin.
Đức Cha Shevchuk nói rằng, trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, đã có sự hợp tác giữa các tín ngưỡng khác nhau, và điều này đã tạo ra “một phong cách mới của phong trào đại kết ở Ukraine.
“Chúng ta phải là nhân vật chính trong cuộc chiến nhân đạo nhưng không rơi vào sự cám dỗ giống như Giáo hội Chính thống Nga đã rơi vào và trở thành công cụ của sự thù hận.”
Đức Cha Shevchuk cho biết thông điệp mà ngài cố gắng truyền tải tại Washington trong tuần này là Ukraine cần sự giúp đỡ từ Mỹ “Người dân Ukraine bị thương nhưng không bị tổn thương. Chúng tôi mệt mỏi nhưng chúng tôi kiên cường. Không ai ở Ukraine, ngay cả trong những suy nghĩ thầm kín nhất của mình, lại nói: 'Hãy dừng cuộc chiến của chúng ta lại'. Hãy từ bỏ thôi.”
3. Lời nói cuối cùng của Thánh Tôma Aquinô trước khi qua đời cách đây 750 năm
Abel Camasca thuộc ACI Prensa, ngày 7 tháng 3 năm 2024, viết rằng ngày 7 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquinô, vị thánh bảo trợ của nền giáo dục Công Giáo, người đã thốt ra những lời có tính tiên tri cuối cùng và một lời cầu nguyện đầy cảm xúc trước khi về trời. Ngoài ra, vị thánh còn viết lời cho một bài thánh ca hay hiện vẫn còn được hát khắp Giáo Hội Công Giáo.
Trình thuật về cái chết của Thánh Tôma Aquinô được viết bởi Thầy Guillermo de Tocco, người viết tiểu sử về vị thánh, được xuất bản bởi trang web tomasdeaquino.org do Viện Ngôi Lời Nhập Thể điều hành, kể lại việc Vị Tiến sĩ Thiên Thần đang trên đường đến Rôma nhưng gặp vấn đề về sức khỏe.
Đi ngang qua gần Đan viện Fossanova của các đan sĩ Xitô ở phía nam Rôma, ngài đồng ý ở lại đó để lấy lại sức.
Trong đan viện, ngài nói lời tiên tri sau đây với người bạn đồng hành của mình: “Reginaldo, con trai của ta, đây sẽ là nơi yên nghỉ của ta mãi mãi, ở đây ta sẽ sống vì ta đã mong muốn điều đó.” Lúc này, các tu sĩ Đa Minh đi cùng ngài bắt đầu bật khóc.
Ngày tháng trôi qua, tình trạng của Thánh Tôma Aquinô nằm liệt giường ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một số tu sĩ nhận thấy thời điểm của ngài đang đến gần nên yêu cầu ngài ban cho họ một biểu hiện của tài học hỏi uyên bác của ngài. Bất chấp tình trạng của mình, Thánh Tôma Aquinô vẫn không ngừng trở thành một nhà giáo dục vĩ đại và đã cho họ suy gẫm ngắn gọn về Diễm ca, một cuốn sách trong Cựu Ước với những bài hát và bài thơ về tình yêu.
Sau đó, Thánh Tôma Aquinô xin được rước lễ. Khi nhìn thấy Mình Thánh Chúa đến, ngài không quan tâm đến tình trạng của mình và quỳ xuống sàn nhà với đôi mắt đẫm lệ để rước Chúa.
Sau khi rước lễ, người ta hỏi ngài có tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể không. Giữa những giọt nước mắt, ngài đã trả lời bằng một lời tuyên xưng đức tin sâu sắc.
Thánh Tôma trả lời, “Nếu ở đời này người ta có thể hiểu biết bí tích này lớn hơn bí tích đức tin, thì trong đức tin đó tôi đáp lại rằng tôi tin chắc và không chút nghi ngờ rằng Người là Thiên Chúa thật và là người thật, Con Thiên Chúa Cha và Mẹ Trinh Nữ. Và vì vậy tôi tin hết lòng và miệng thú nhận tất cả những gì vị linh mục (người đã hỏi ngài) đã khẳng định về Bí tích Cực Thánh này”.
Thầy Tocco kể lại rằng thánh nhân “đã thốt ra những lời khác đầy sùng kính, mà những người hiện diện không thể nhớ được nhưng người ta tin rằng đó là những lời này: 'Adoro te devote’”, dòng mở đầu của bài thánh ca tuyệt vời “Adoro Te Devote” (Con sùng kính tôn thờ Ngài) được viết bởi Thánh Tôma thường được hát trong giờ chầu Thánh Thể.
Lời cầu nguyện của Thánh Tôma trước khi chết
Sau đó, vị thánh đến gần Mình Thánh Chúa và dâng lời cầu nguyện này: “Con đón nhận Chúa, giá cứu chuộc linh hồn con, con đón nhận Chúa, của ăn của cuộc hành hương của con. Vì tình yêu của Ngài, con đã nghiên cứu, con đã canh thức và đã tiêu hao chính mình con; Con đã giảng về Ngài, con đã dạy về Ngài và con chưa bao giờ bày tỏ bất cứ điều gì chống lại Ngài, và nếu điều đó xảy ra thì con đã vô ý làm điều đó và con không cố duy trì quan điểm đó. Và nếu con có nói điều gì sai trái về Bí tích này hay bất cứ điều gì khác, con hoàn toàn chịu sự sửa dạy của Thánh Giáo hội Rôma, mà giờ đây trong sự vâng phục Giáo hội này, con lìa cõi thế.”
Cuối cùng, Thánh Tôma sốt sắng xin được ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân vào ngày hôm sau. Ít lâu sau, vào ngày 7 tháng 3 năm 1274, ngài bình tĩnh phó linh hồn chao Chúa, lúc mới 49 tuổi.