1. Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy sản xuất máy bay ném bom của Điện Cẩm Linh ở Nga
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Strike Hits Kremlin Bomber Factory in Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Theo các quan chức Kyiv, các lực lượng Ukraine đã tấn công một nhà máy ở miền đông nước Nga chịu trách nhiệm sản xuất máy bay ném bom cho quân đội Mạc Tư Khoa.
Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 18 Tháng Tư, rằng máy bay không người lái của họ đã tấn công Nhà máy sản xuất máy bay ném bom Gorbunov ở vùng Tatarstan của Nga vào sáng thứ Tư. Nhà máy nằm ở thủ phủ Kazan của vùng, sản xuất các tàu mang hỏa tiễn và các máy bay chuyên dùng, bao gồm máy bay ném bom Tu-22M3 và Tu-160M.
Cơ sở này cách Mạc Tư Khoa 435 dặm về phía đông và cách biên giới Ukraine khoảng 1300km.
Yusov nói với các phóng viên báo chí rằng Ukraine vẫn đang đánh giá kết quả của cuộc tấn công và chưa có báo cáo về thương vong. Theo RBC-Ukraine, người dùng mạng xã hội đưa tin sáng thứ Tư rằng còi báo động không kích đã vang lên ở khu vực Kazan trước khi các vụ nổ được báo cáo tại nhà máy hàng không vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ hai máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Tatarstan và Mordovia vào sáng thứ Tư. Nhà lãnh đạo Cộng hòa Mordovia, Artem Zdunov, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng một trong những máy bay không người lái đã bị bắn hạ vào khoảng 8 giờ sáng giờ địa phương trong khu vực của ông và cảm ơn “những người bảo vệ bầu trời vì công việc của họ”.
Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cũng cho biết như trên rằng các chuyến bay dân sự đã tạm dừng vào sáng thứ Tư tại các phi trường Kazan và Nizhnekamsk, cả hai đều ở Tatarstan. Các hạn chế kéo dài khoảng hai giờ.
Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công trên đất Nga trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc tấn công một địa điểm radar quân sự ở thành phố Kovilkino vào sáng thứ Tư. Trung tâm kỹ thuật vô tuyến, cũng bị tấn công ngày 11 tháng 4, cách biên giới Ukraine khoảng 360 dặm.
Trung tâm radar quân sự ở thành phố Kovilkino được xếp vào hàng quan yếu cho an ninh của Liên Bang Nga. Nói cách khác, tấn công Kovilkino là vượt ranh giới đỏ kích hoạt khả năng huy động vũ khí hạt nhân.
Putin cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine trong lãnh thổ Nga có thể là cơ sở để Mạc Tư Khoa chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm. Theo sắc lệnh của tổng thống năm 2020, các điều kiện để có vũ khí hạt nhân bao gồm các cuộc tấn công “vào các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng của Liên bang Nga”.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có phản ứng đáng kể nào được ghi nhận.
Theo báo chí địa phương, một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự ở phía bắc Crimea vào đêm thứ Tư cũng được cho là đã giết chết tới 30 sĩ quan và binh lính Nga và làm bị thương 80 người khác làm việc tại phi trường ở Dzhankoy. Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của lực lượng miền Nam Ukraine, hôm thứ Tư nói với Newsweek rằng Dzhankoy là mục tiêu quân sự hợp pháp nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Quyết định tấn công căn cứ quân sự Dzhankoy là một quyết định táo bạo của Tổng thống Zelenskiy. Sau các cuộc tấn công vào Bộ Tư Lệnh quân xâm lược ở Crimea và bộ chỉ huy Lữ Đoàn 810 Thủy Quân Lục Chiến Nga, Nga đã tấn công trả đũa tàn bạo. Trong bối cảnh không có đủ hỏa tiễn phòng không, Ukraine đã phải mất nhà máy nhiệt điện quan yếu ở ngay Thủ đô Kyiv. Một số các tướng lãnh đồng minh, do đó, đã khuyên Ukraine ngưng tấn công Crimea, chờ cho có đủ các hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelenskiy và các Tướng lãnh Ukraine đánh giá rằng cần phải tấn công vào căn cứ quân sự Dzhankoy để dập tắt ngay trong trứng nước kế hoạch tấn công của Nga ở Miền Đông Ukraine trong vài tuần tới.
2. Ukraine có thể vừa vượt qua ranh giới đỏ hạt nhân của Putin
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine May Have Just Crossed Putin's Nuclear Red Line”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một địa điểm radar của Nga có thể đã vượt qua một trong những ranh giới đỏ của Mạc Tư Khoa về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân – cụ thể là, “sự gián đoạn các hành động phản ứng của các lực lượng hạt nhân”, theo cách diễn đạt trong sắc lệnh của Điện Cẩm Linh do Vladimir Putin ký vào năm 2020.
Các máy bay không người lái của Ukraine được cho là đã tấn công vào trung tâm kỹ thuật vô tuyến riêng biệt thứ 590 của đơn vị quân đội 84680 ở thành phố Kovilkino vào sáng thứ Tư 17 tháng Tư. Kovilkino nằm ở Cộng hòa Mordovia, cách biên giới Ukraine khoảng 360 dặm.
Địa điểm này là nơi đặt radar ngoài đường chân trời 29B6 “Container”, tạo thành một phần của mạng lưới trinh sát và cảnh báo sớm của Nga đối với các cuộc tấn công hàng không vũ trụ, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo.
Các nguồn tin cho biết kết quả của vụ tấn công hôm thứ Tư vẫn đang được xác định. Truyền thông Ukraine đưa tin tòa nhà sở chỉ huy của địa điểm này đã bị hư hại trong cuộc tấn công ngày 17 Tháng Tư, trong khi chính quyền Nga cho biết 2 máy bay không người lái đã bị bắn hạ. Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin giấu tên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết kết quả của cuộc tấn công vẫn đang được đánh giá.
Nếu hệ thống radar Container bị ảnh hưởng, các cuộc tấn công có thể đã đáp ứng một trong những “điều kiện xác định khả năng Liên bang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân” như sắc lệnh của tổng thống năm 2020 quy định.
Chúng bao gồm “nhận được thông tin đáng tin cậy về việc phóng hỏa tiễn đạn đạo tấn công lãnh thổ Liên bang Nga hoặc các đồng minh của Liên Bang Nga” và “việc đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của nó.”
Các tiêu chuẩn khác được liệt kê là “tác động của đối phương đối với các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng của Liên bang Nga, nếu thất bại sẽ dẫn đến sự gián đoạn các hành động phản ứng của lực lượng hạt nhân” và “sự xâm lược chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường, khi sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa.”
Mối đe dọa leo thang hạt nhân – dù là thông qua vũ khí hạt nhân hay thảm họa tại một trong nhiều nhà máy điện hạt nhân dân sự trong vùng chiến sự – đã đeo bám cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine kể từ khi bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.
Putin và các quan chức hàng đầu của ông đã nhiều lần cảnh báo về một cuộc đối đầu hạt nhân do phương Tây can dự vào cuộc xung đột, cũng như các nhà lãnh đạo đồng minh bao gồm cả Tổng thống Joe Biden. Mối lo ngại nổi bật nhất liên quan đến đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm mục đích sử dụng trên chiến trường cục bộ.
Hồi tháng 3, ông Putin nói các đối thủ phương Tây “phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ”. Ông nói thêm: “Tất cả những điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?”
3. Mike Johnson có bài phát biểu đầy nhiệt huyết về Ukraine khi ông thách thức MAGA
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Mike Johnson Gives Impassioned Ukraine Speech as He Defies MAGA”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Chủ tịch Mike Johnson cho biết ông sẽ “chấp nhận rủi ro cá nhân” bằng cách thúc đẩy kế hoạch bỏ phiếu tại Hạ viện về viện trợ nước ngoài cho Ukraine, Israel và Đài Loan, khi một số Dân biểu Đảng Cộng hòa tiếp tục kêu gọi ông từ chức.
Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc gửi viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel vào tối thứ Bảy như một phần của khoản tài trợ quân sự trị giá 95 tỷ Mỹ Kim. Gói này được chia thành bốn dự luật, gói thứ nhất cho Ukraine, gói thứ hai cho Israel, gói thứ ba cho Đài Loan. Gói thứ tư bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Trung Quốc và Iran cũng như các biện pháp cho phép tịch thu tài sản ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.
Để xoa dịu phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa, Johnson đã công bố dự luật thứ năm nhằm cung cấp thêm kinh phí cho các biện pháp an ninh ở biên giới phía nam với Mễ Tây Cơ - một chính sách mà nhiều người trong Đảng Cộng hòa đã nêu rõ là ưu tiên hàng đầu. Mỗi dự luật yêu cầu một cuộc bỏ phiếu riêng biệt.
Vào tối thứ Tư, khi được các phóng viên hỏi tại sao lại sẵn sàng mất chức Chủ tịch Hạ Viện khi tiếp tục kế hoạch viện trợ nước ngoài của mình tại Điện Capitol, Johnson trả lời: “Triết lý của tôi là bạn phải làm điều đúng đắn và bạn phó mặc cho số mệnh. Nếu tôi hoạt động vì sợ mất việc, tôi sẽ không bao giờ có thể làm được công việc của mình.”
“Lịch sử phán xét chúng ta về những gì chúng ta làm. Hiện tại đây là thời điểm quan trọng - thời điểm quan trọng trên trường thế giới,” ông nói.
Động thái của Johnson được đưa ra sau nhiều tháng bế tắc chính trị khiến dự luật ban đầu của Thượng viện về gói viện trợ 95 tỷ Mỹ Kim bị chặn lại kể từ tháng Hai. Đề xuất của Thượng viện chỉ định 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine, 14 tỷ Mỹ Kim cho Israel, 8 tỷ Mỹ Kim cho Đài Loan và khoảng 10 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ nhân đạo.
Diễn biến này xảy ra sau nhiều tháng vận động hành lang từ các đồng minh của Mỹ cảnh báo rằng viện trợ quân sự mới từ Washington là cần thiết để ngăn chặn thất bại của Ukraine dưới tay Nga.
Quyết định gửi dự luật tới Hạ viện của Chủ tịch Hạ viện đi kèm với rủi ro chính trị nghiêm trọng. Cánh hữu trong đảng của ông cho biết họ sẽ phế truất ông khỏi chức chủ tịch nếu ông tiếp tục thực hiện gói viện trợ nước ngoài. Việc phế truất đã được thực hiện thành công vào tháng 10 khi người tiền nhiệm của Johnson là Kevin McCarthy bị cách chức.
Cho đến nay, hai thành viên Đảng Cộng hòa của Quốc hội đã công khai kêu gọi Johnson từ chức. Cùng với Dân biểu Marjorie Taylor Greene của Georgia, là người đã đệ trình nghị quyết yêu cầu Johnson từ chức vào tháng Ba; Dân biểu Cộng hòa Thomas Massie của Kentucky cho biết ông sẽ ủng hộ nỗ lực loại bỏ Johnson và kêu gọi ông từ chức,
Johnson có thể sẽ cần sự hỗ trợ từ các Dân biểu của đảng Dân chủ để thúc đẩy dự luật được thông qua và tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hạ Viện.
Sau khi công bố dự thảo luật, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố rằng ông “ủng hộ mạnh mẽ” gói này và kêu gọi Hạ viện và Thượng viện ủng hộ các dự luật.
“Tôi sẽ ký thành luật ngay lập tức để gửi thông điệp tới thế giới: chúng tôi sát cánh cùng bạn bè của mình và chúng tôi sẽ không để Iran hay Nga thành công”, Tổng thống Biden nói.
Johnson nói: “Tôi có thể đưa ra một quyết định ích kỷ và làm điều gì đó khác biệt nhưng ở đây tôi đang làm những gì tôi tin là đúng đắn”. “Tôi nghĩ việc cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine ngay bây giờ là cực kỳ quan trọng—Tôi thực sự tin vào thông tin tình báo và các cuộc họp mà chúng tôi đã nhận được.
“ Tôi tin rằng Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Iran thực sự là trục của cái ác. Tôi nghĩ họ đang phối hợp về việc này.
“Tôi nghĩ rằng Vladimir Putin sẽ tiếp tục hành quân khắp Âu Châu nếu được phép. Tôi nghĩ lần tiếp theo anh ta có thể tới Balkan. Tôi nghĩ anh ta có thể sẽ có một cuộc đối đầu với Ba Lan hoặc một trong những đồng minh NATO của chúng ta.”
“Nói trắng ra là tôi thà gửi đạn tới Ukraine thay cho những thanh niên Mỹ Con trai tôi sẽ bắt đầu vào học viện Hải quân vào mùa thu này. Đây là cuộc diễn tập bắn đạn thật đối với tôi cũng như đối với rất nhiều gia đình Mỹ.”
Chủ tịch Hạ Viện cho biết Hạ viện không thể “chơi trò chính trị” về nguồn tài trợ viện trợ và nói thêm rằng ông sẽ “làm điều đúng đắn” và “tạo cơ hội cho mọi thành viên Hạ viện bỏ phiếu theo lương tâm và ý chí của họ”.
Ông nói: “Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro cá nhân vì điều đó bởi vì chúng ta phải suy nghĩ đúng đắn và lịch sử sẽ phán xét chúng ta”.
4. Kiểm tra thực tế: Cuộc tấn công Crimea của Kyiv có phá hủy kho hỏa tiễn Zircon của Nga không?
Tờ Newsweek đặt ra vấn đề trên trong bài tường trình nhan đề “Fact Check: Did Kyiv's Crimea Strike Destroy Russian Zircon Missile Cache?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một cuộc tấn công qua đêm nhằm vào một căn cứ quân sự lớn của Nga ở phía bắc Crimea được tường trình đã giết chết ít nhất 30 quân nhân Nga, và làm bị thương 80 người trong cuộc tấn công được ghi lại trong đoạn video bốc lửa được đăng lên mạng hôm thứ Tư.
Dzhankoy, một trung tâm quân sự lớn và là nơi có một trong những phi trường lớn nhất của Nga ở Crimea, là địa điểm quan trọng để tiếp tế cho quân đội Nga đi qua miền nam Ukraine do Mạc Tư Khoa kiểm soát và các tuyến đầu chiến đấu trên đất liền. Đoạn phim được các nguồn tin Nga và Ukraine lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào sáng sớm thứ Tư cho thấy những tia sáng và tiếng nổ rực rỡ, phía sau là tiếng còi báo động.
Natalia Humenyuk, phát ngôn nhân của lực lượng miền Nam Ukraine, hôm thứ Tư đã mô tả Dzhankoy là mục tiêu quân sự hợp pháp nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong bài bình luận sau đó, một số người cho rằng hỏa tiễn siêu thanh Zircon cực mạnh của Nga đã bị phá hủy trong cuộc tấn công.
Một bài đăng trên X, của người dùng @TheDeadDistrict, được xem hơn 46.000 lần, cho biết: “Dzhankoy, hỏa tiễn của Ukraine đã phá hủy kho hỏa tiễn của Nga và các thiết bị khác bao gồm hệ thống phòng không, các chiến đấu cơ và các máy bay trực thăng”.
Bài đăng bao gồm những gì có vẻ như là một bình luận từ Telegram tuyên bố rằng “kho chứa hỏa tiễn Zircon ở Crimea” đã bị lực lượng Ukraine “phá hủy”.
Các nhà phân tích nói rằng Nga đã thử hỏa tiễn Zircon, ban đầu được hình thành như một loại hỏa tiễn đạn đạo chống hạm siêu thanh, kể từ năm 2020. Các nguồn tin của Nga khẳng định chúng có khả năng di chuyển với tốc độ Mach 9, tức gấp 9 lần tốc độ âm thanh, trong phạm vi lên tới 1.000 km.
Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa đã phóng hỏa tiễn Zircon vào tháng 2, dường như là lần đầu tiên họ sử dụng kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tháng đó, một nhà báo nổi tiếng của Nga cho rằng hỏa tiễn mới có thể được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ và các nước khác là thành viên NATO.
Tuy nhiên, sau khi xem xét nguồn gốc của tuyên bố và các bằng chứng sẵn có xung quanh nó, dường như không có nhiều thông tin để xác nhận rằng chúng đã bị tiêu hủy trong cuộc tấn công tuần này.
Newsweek đã kiểm tra kênh Telegram nơi tuyên bố được đưa ra nhưng không tìm thấy bình luận nào như vậy về hỏa tiễn Zircon. Mặc dù có những bài đăng khác trên mạng xã hội Nga không được hỗ trợ đề cập đến hỏa tiễn Zircon, nhưng không có tuyên bố nào được chứng minh bằng các chứng cớ sẵn có.
Newsweek đã tóm tắt các phân tích về các cuộc tấn công cho đến nay. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga có một số máy bay trực thăng và hệ thống phòng không tiên tiến ở đó và là chìa khóa để duy trì lực lượng Nga trên đất liền.
Trong tháng này, các nhóm du kích thân Ukraine hoạt động ở Crimea cho biết họ đã phát hiện ra sự “xây dựng” các hệ thống phòng không trên bán đảo, bao gồm cả ở Dzhankoy. Nhóm Atesh cho biết các hệ thống hỏa tiễn phòng không bổ sung xung quanh phi trường Dzhankoy “không được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tuy nhiên, không có thông tin có thể kiểm chứng nào xác nhận việc hỏa tiễn Zircon bị phá hủy hoặc liệu chúng có được đặt ở Dzhankoy hay không. Mặc dù Nga không bao giờ tự nguyện xác nhận rằng một số vũ khí mạnh nhất của họ đã bị phá hủy, nhưng đơn giản là vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố đó.
Tóm lại, vẫn còn quá sớm để khẳng định hay phủ nhận kho hỏa tiễn Zircon của Nga đã bị phá hủy trong cuộc tấn công hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư, của quân Ukraine.
5. Kharkiv có nguy cơ trở thành 'Aleppo thứ hai'
Thống Đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, tin rằng thành phố của ông có nguy cơ trở thành “Aleppo thứ hai” nếu không được hỗ trợ để có được hệ thống phòng không, theo bài báo đăng trên tờ Guardian ngày 17 Tháng Tư.
Nga gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv, nơi có dân số 1,4 triệu người vào năm 2021, bằng việc sử dụng hỏa tiễn, bom lượn và máy bay không người lái, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và giết hại dân thường.
Ông cho biết Quốc hội Mỹ cần thông qua gói viện trợ Ukraine trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đang bị trì hoãn để bảo đảm nguồn cung mới cho lực lượng phòng không và “ngăn chặn Kharkiv trở thành Aleppo thứ hai”, ám chỉ thành phố ở Syria bị tàn phá bởi giao tranh trong cuộc chiến ở nước này..
Hồi đầu tháng 4, nhà lãnh đạo Kharkiv cho biết chi phí xây dựng lại mọi thứ bị phá hủy hoặc hư hại trong thành phố đã lên tới hơn 10 tỷ Mỹ Kim.
Các quan chức phương Tây tin rằng trong khi Nga thiếu khả năng tiến hành một cuộc tấn công mới vào Kharkiv thì Mạc Tư Khoa đang thực hiện “nỗ lực phối hợp nhằm cắt đứt nguồn cung cấp và tạo điều kiện khiến thành phố này không thể ở được”, Bloomberg đưa tin hôm 16 Tháng Tư.
Báo cáo của Bloomberg lặp lại nhận xét của Syniehubov với The Economist rằng Nga muốn biến thành phố này thành nơi không thể ở được đối với dân thường.
Cuối tháng 3, Nga đã phá hủy toàn bộ trạm điện ở Kharkiv, khiến thành phố lớn thứ hai Ukraine không có nguồn điện ổn định.
Trong khi Kharkiv đặc biệt gặp rủi ro vì nằm gần Nga, cách biên giới chưa đầy 30 km, nguồn lực phòng không trên khắp Ukraine đang ở mức thấp.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 16 Tháng Tư xác nhận Nga đã phá hủy được Nhà máy nhiệt điện Trypillia ở tỉnh Kyiv trong cuộc tấn công hỏa tiễn hôm 11 Tháng Tư vì Ukraine đã hết hỏa tiễn phòng thủ.
6. FSB tuyên bố bắt được điệp viên đã cho nổ tung đại tá mật vụ phản bội Ukraine
Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “WAR ‘ASSASSIN’ Putin’s FSB arrest ‘spy’ who blew up treacherous Ukrainian secret service colonel with car bomb in Moscow”, nghĩa là “Sát thủ chiến tranh. FSB của Putin bắt giữ 'điệp viên' đã cho nổ tung đại tá mật vụ phản bội Ukraine bằng bom xe ở Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Alexander Bortnikov, trùm đặc vụ FSB đáng sợ của VLADIMIR Putin tuyên bố đã bắt giữ một người được gọi là gián điệp vì đã cho nổ tung một đại tá mật vụ Ukraine “phản bội”.
Đoạn phim rùng rợn do cơ quan mật vụ Nga công bố cho thấy nghi phạm bị đặc vụ đè xuống đất một cách tàn nhẫn, còng tay và la hét, và sau đó là đoạn phim còn tàn bạo hơn khi anh ta “thú nhận” đã gài bom xe.
Người đàn ông này bị buộc tội đặt chất nổ suýt gây chết người dưới động cơ của cựu đại tá tình báo Ukraine Vasily Prozorov - khiến kẻ phản bội bị thương nặng ở tay và chân.
Prozorov, 48 tuổi, nổi tiếng ở Kyiv là “kẻ phản bội” sau khi ông ta tự hào khoe khoang về việc chuyển lòng trung thành sang Nga và hỗ trợ các cơ quan tình báo của họ.
Các nhà điều tra Nga tuần trước tuyên bố họ đã mở cuộc điều tra hình sự về âm mưu đánh bom.
Hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư, FSB đã công bố một đoạn video cho thấy nghi phạm đánh bom bị bắt khi anh ta “thú nhận” đã cài vũ khí. FSB cho biết thêm họ đang thu thập thêm bằng chứng để buộc tội người đàn ông này về tội phản quốc. Nếu bị kết tội, anh ta có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Nghi phạm giấu tên được cho là một công dân Nga đã từng sống ở Ukraine kể từ khi được cho là “được SBU” - cơ quan mật vụ Ukraine tuyển dụng.
Đoạn phim cho thấy anh ta bị ném xuống đất và bị đặc vụ Nga la hét hỏi liệu anh ta có được trang bị vũ khí hay không.
Anh nói: “Tôi là công dân Nga của Nga, sống ở Ukraine từ năm 2010. Vào tháng 11 năm 2023, tôi được SBU tuyển dụng.”
“Vào tháng 2, cấp trên của tôi báo cáo rằng nhà lãnh đạo SBU, Vasyl Malyuk, đã ra lệnh cho tôi đến Mạc Tư Khoa và đi theo một chiếc xe Toyota Prado nằm ở số 3 Quốc lộ Korovinskoye, 3, và tôi đã làm vậy. Sau đó, nhiệm vụ thay đổi và tôi được yêu cầu lắp ráp một quả bom.”
“Người quản lý của tôi đã giúp tôi việc này. Tôi đã lắp ráp nó theo hướng dẫn. Và vào khoảng 2 giờ sáng ngày 9 Tháng Tư, tôi đã gắn quả bom này vào gầm xe.”
Nga đã bị cáo buộc tra tấn một số tù nhân kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Nhiều người đã tuyên bố việc tra tấn là quá mức và cho rằng đó là cách mà Điện Cẩm Linh có thể khiến mọi người phải thú nhận mọi chuyện chỉ vì sợ hãi.
Một số blogger quân sự Nga bày tỏ sự hoài nghi về câu chuyện của trùm đặc vụ FSB Alexander Bortnikov. Họ cho rằng sau khi Vladimir Putin thắng cử trong cuộc bầu cử giả mạo, ông ta đang loại bỏ một số nhân vật lãnh đạo cả dân sự lẫn quân sự. Chính vì vậy, Bortnikov cần phải chứng minh cho Putin thấy hiệu quả làm việc của mình. Cũng chính vì thế, Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, mới nói rằng từ sau khi Putin tái đắc cử chiến trường đã sôi động hẳn lên.
Tướng Dù, Trung tướng Arkady Marzoev, Tư Lệnh Quân Đoàn Tổng Hợp số 18 của Nga, đang chiến đấu gần Krynky, ở phía nam Kherson, đã bị cách chức trong cùng một bối cảnh đó. Sĩ quan và binh lính của Quân Đoàn Tổng Hợp số 18 được tường trình là thường xuyên bỏ chạy trong các cuộc giao tranh với quân Ukraine, và đào ngũ hàng loạt dù quân Ukraine đã cạn kiệt đạn dược do viện trợ bị chặn từ Tháng Mười năm ngoái cho đến nay.
Tờ The Sun vừa mới tiết lộ, tù nhân người Anh bị tra tấn Shaun Pinner, 50 tuổi, thậm chí đã thắng kiện pháp lý mang tính bước ngoặt chống lại Putin sau khi bị quân đội Nga dùng điện giật, đánh đập và bỏ đói,.
Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về vụ đánh bom xe. Đoạn phim rùng rợn cho thấy chiếc Toyota Land Cruiser Prado của Prozorov nổ tung ngay khi kẻ phản bội bước vào xe do chất nổ cực mạnh.
Prozorov đã trốn thoát được khỏi xe và chỉ bị thương không nguy hiểm đến tính mạng.
Chiếc xe của anh ta bị biến dạng hoàn toàn sau vụ nổ, với một cánh cửa bên tách ra khỏi thân xe, cuộn tròn từ phía dưới.
Nhiều bộ phận khác của chiếc SUV nằm rải rác bên dưới nó.
FSB cho biết trong một tuyên bố: “Nghi phạm đã đến Nga vào tháng 3 năm nay, nhận các bộ phận của một thiết bị nổ điều khiển bằng sóng vô tuyến và lắp ráp thiết bị nổ đó.”
“Sau khi tiến hành trinh sát khu vực địa chỉ của cựu nhân viên SBU, nghi phạm đã thực hiện vụ đánh bom xe.”
Prozorov đã gây ra nỗi đau dữ dội cho người Ukraine trong những tuần gần đây khi nói với giới truyền thông một cách giật gân rằng Ukraine đứng sau vụ xả súng khủng khiếp vào buổi hòa nhạc ở Tòa thị chính Crocus.
Ít nhất 145 người thiệt mạng và hơn 121 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm qua.
Nhóm khủng bố ISIS tuyên bố vụ thảm sát tàn bạo là hành động xấu xa của chính họ sau khi các tay súng được nhìn thấy xông vào phòng hòa nhạc vào tháng 3.
Bất chấp việc nhóm khủng bố nhận trách nhiệm, Prozorov vẫn đưa ra những ý kiến thiếu hiểu biết cáo buộc Ukraine gây ra vụ việc.
Tên phản bội Prozorov bác bỏ ý kiến rằng đó là hoạt động của ISIS, đồng thời khẳng định nó không giống các cuộc tấn công khủng bố “được tiến hành bởi những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo, với mục tiêu cuối cùng là chết khi chiến đấu với những kẻ ngoại đạo”.
Prozorov nói vào thời điểm đó: “Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng có dấu vân tay của người Ukraine về những gì đã xảy ra tại Tòa thị chính Crocus.
“Đó là một mô hình hành động do Ukraine phát minh ra…”
7. Cuộc tấn công của Nga vào Chernihiv - Nữ trung úy cảnh sát 25 tuổi thiệt mạng
Hôm thứ Năm, 18 Tháng Tư, Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, đã ngậm ngùi thương tiếc một nữ trung úy cảnh sát 25 tuổi trong số 17 người bị thiệt mạng.
Ông cho biết quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào thành phố Chernihiv hôm thứ Tư, 17 Tháng Tư, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và 60 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em. Hai trong số các nạn nhân đã chết sau đó tại bệnh viện.
Theo cơ quan truyền thông Suspline, người ta nghe thấy tiếng nổ ở Chernihiv, nằm ở phía bắc Ukraine, vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương. Theo kênh Rybar của Nga, cuộc tấn công này là nhằm đáp trả vụ tấn công vào căn cứ không quân Dzhankoy khiến ít nhất 30 lính Nga tử trận và 80 người khác bị thương.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, nữ trung úy cảnh sát đang ở nhà nghỉ ốm thì bị mảnh đạn làm trọng thương.
Ba hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một khu vực gần trung tâm thành phố. Một tòa nhà 8 tầng đã bị phá hủy trong vụ tấn công, trong khi 4 tòa nhà cao tầng, một bệnh viện, một cơ sở giáo dục đại học và hàng chục xe hơi bị hư hại.
Theo Klymenko, ít nhất ba người vẫn được coi là mất tích tính đến 11 giờ sáng giờ địa phương.
Dự trữ phòng không ở Ukraine đang ở mức thấp trên khắp đất nước khi nguồn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tiếp tục bị giữ lại tại Quốc hội. Trong khi đó, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, áp đảo lực lượng phòng không địa phương và phá hủy một số nhà máy điện đốt than lớn nhất của Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trên Telegram: “Điều này sẽ không xảy ra nếu Ukraine nhận đủ thiết bị phòng không và nếu quyết tâm của thế giới trong việc chống lại sự khủng bố của Nga cũng đủ mạnh”.
8. Ukraine lo lắng về 'cơ hội cuối cùng' của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson để thông qua dự luật viện trợ
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Frets Over Speaker Mike Johnson's 'Last Chance' To Pass Aid Bill”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Những người ủng hộ Ukraine đang nóng lòng chờ xem liệu kế hoạch của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson về gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine có thể thành công và giúp Kyiv chống lại sự hung hăng của Vladimir Putin hay không.
Hôm thứ Ba, ông Johnson cho biết ông có kế hoạch thúc đẩy một thỏa thuận viện trợ cho Kyiv bên cạnh các gói viện trợ riêng biệt dành cho Đài Loan, Israel và các đồng minh khác của Mỹ, sau nhiều tháng bế tắc trong việc hỗ trợ cho Ukraine do sự phản đối của một số thành viên Quốc Hội.
Khi đạn dược và thiết bị của Ukraine sắp hết, thông điệp từ Kyiv là thời gian là điều cốt yếu đối với các đề xuất của Johnson. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Tư cho biết việc thiếu nguồn cung cấp phòng không từ các đối tác đang giết chết những người vô tội, sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Chernihiv khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Michael Chernomorets, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Rescue Now giúp đỡ người Ukraine ở tiền tuyến và các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, nói với Newsweek: “ Một hỏa tiễn tới Kharkiv trong vòng chưa đầy hai phút, trong khi các quyết định về viện trợ phải mất hết tháng này sang tháng khác”.
Ông nói: “Đây không chỉ là cuộc chiến của chúng ta, và thật không may khi đang ở giữa mùa chính trị Mỹ và xem nó ảnh hưởng như thế nào đến tình hình ở Ukraine, tạo cơ hội cho Putin tận dụng lợi thế”.
Tuy nhiên, Chernomorets tin rằng sự hỗ trợ từ Mỹ cuối cùng sẽ đến. Ông nói: “Chúng ta không thể tưởng tượng được tình huống mà đồng minh lớn nhất của chúng ta có thể bỏ rơi chúng ta trong cuộc xung đột quân sự lớn nhất thế kỷ 21”.
Trong khi những người ủng hộ Ukraine có thể cảm thấy dự luật của Johnson là trò xúc xắc cuối cùng để giành được sự ủng hộ quan trọng của Mỹ. Nếu không có viện trợ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng Kyiv sẽ bị đánh bại. Do đó, Chủ tịch Hạ viện đang đánh một canh bạc của riêng mình.
Chiến lược bốn dự luật bao gồm một gói an ninh quốc gia nhằm xoa dịu những người bảo thủ thận trọng trong Hạ viện GOP và tránh các mối đe dọa lật đổ.
Dân biểu Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene của Georgia là đối thủ nổi bật nhất của Johnson, đã đưa ra kiến nghị bãi nhiệm có thể tước bỏ chức vụ của Johnson, trong khi Chủ tịch Hạ viện đã gạt bỏ những lời gièm pha của bà. Dân biểu Cộng hòa đơn vị Kentucky Thomas Massie cho biết ông sẽ ủng hộ việc loại bỏ Johnson nếu nghị quyết của Greene được kích hoạt.
Mykola Murskyj, giám đốc vận động tại Razom, tổ chức ủng hộ Ukraine, cho biết trong một tuyên bố với Newsweek: “Nếu kế hoạch của Chủ tịch Johnson là một nỗ lực thiện chí nhằm nhận được sự hỗ trợ có ý nghĩa của Ukraine, thì nó sẽ nhận được sự tán thành của Razom”.
Ông nói: “Nếu không, Hạ viện sẵn sàng đưa ra kiến nghị bãi nhiệm Johnson và Razom sẵn sàng trao cho mỗi thành viên một cây bút để ký vào đó,” ông nói, đề cập đến thủ tục lập pháp yêu cầu đa số Dân biểu Hạ viện ký vào kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ Viện.
Murskyj nói: “Đây là cơ hội cuối cùng để Johnson trở thành một phần của giải pháp”, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ kế hoạch nào để thông qua viện trợ bổ sung đều phải cho phép Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho Ukraine.
Ông nói: “Bất kỳ khoản vay mới nào cũng không thể làm suy yếu các cơ chế hiện có như Cơ quan rút vốn của Tổng thống, là công cụ chính được Mỹ sử dụng để nhanh chóng gửi viện trợ quân sự cho Ukraine”. “Không có lý do gì cho sự chậm trễ.”
Johnson cho biết ông “không quan tâm” đến các động thái lật đổ ông và The Hill đưa tin Đảng Dân chủ hoan nghênh chiến lược bốn phiếu của Chủ tịch Hạ viện miễn là nó không đi quá xa so với gói viện trợ 95 tỷ Mỹ Kim của Thượng viện.
Johnson trước đó đã từ chối cho phép Hạ viện kiểm soát bỏ phiếu về biện pháp này nhưng việc hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ đã trở nên cấp bách hơn sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái cuối tuần của Iran vào Israel.
9. Nga tấn công 7 cộng đồng ở Sumy để trả thù cho vụ tấn công vào căn cứ không quân Dzhankoy
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 18 Tháng Tư, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết từ trưa hôm thứ Tư, 17 Tháng Tư, lực lượng Nga đã tấn công tỉnh Sumy 39 lần trong 11 cuộc tấn công riêng biệt.
Các cộng đồng Yunakivka, Bilopillia, Krasnopillia, Esman, Seredyna-Buda, Velyka Pysarivka và Yampil đã trở thành mục tiêu.
Nga đã tấn công các cộng đồng biên giới bằng các cuộc tấn công bằng súng cối, pháo binh, máy bay không người lái và bom dẫn đường. Chất nổ cũng được máy bay không người lái thả xuống hai cộng đồng.
Thị trấn Seredyna-Buda, với dân số trước chiến tranh khoảng 6.900 người, đã hứng chịu phần lớn các vụ tấn công được báo cáo với 11 vụ nổ được ghi nhận trong khu vực. Cộng đồng này nằm ngay trên biên giới Ukraine-Nga.
Không có thương vong hoặc thương tích nào được báo cáo trên toàn khu vực.
Các cuộc tấn công của Nga nhằm vào tỉnh Sumy ngày càng có sức tàn phá khủng khiếp trong những tháng gần đây. Trong bối cảnh các cuộc tấn công gia tăng, chính quyền Ukraine đã ra lệnh di tản trẻ em khỏi 52 khu định cư ở tỉnh Sumy vào ngày 5 tháng 4.
Pháo kích là chuyện xảy ra hàng ngày đối với các cộng đồng gần biên giới phía đông bắc Ukraine với Nga, trong đó cư dân ở các khu định cư biên giới dễ bị tổn thương trong khu vực phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công mỗi ngày. Tuy nhiên, mức độ pháo kích của Nga trong ngày qua đặc biệt cao. Theo các blogger quân sự Nga, các cuộc pháo kích là để đáp trả cuộc tấn công của quân Ukraine vào căn cứ không quân Dzhankoy khiến ít nhất 30 người Nga thiệt mạng và 80 người khác bị thương. Theo kênh Rybar của Nga, cuộc tấn công có lẽ đã được thực hiện bởi hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, mà Ukraine vừa nhận được trong gói 300 triệu.