1. Vị giám mục Công Giáo nghỉ hưu bị băng đảng bắt cóc

Hội đồng Giám mục Mexico cho biết hôm thứ Hai rằng một giám mục Công Giáo đã nghỉ hưu, người nổi tiếng vì cố gắng làm trung gian giữa các băng đảng ma túy ở Mexico, đã được phát hiện và đưa đến bệnh viện sau khi dường như bị bắt cóc trong một thời gian ngắn.

Ủy ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Mexico cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng Đức Cha Salvador Rangel, một giám mục nghỉ hưu, đã biến mất hôm thứ Bảy và kêu gọi những kẻ bắt giữ thả ngài ra.

Nhưng Ủy ban sau đó cho biết ngài “đã được xác định và đang ở bệnh viện” mà không nói rõ Đức Cha được tìm thấy hay thả ra như thế nào, cũng không cung cấp mức độ thương tích của ngài.

Uriel Carmona, công tố viên trưởng bang Morelos, nơi vị giám mục biến mất, cho biết “các dấu hiệu sơ bộ cho thấy đây có thể là một vụ bắt cóc ‘cấp tốc’”.

Ở Mexico, các vụ bắt cóc thường xuyên thường kéo dài, liên quan đến các cuộc đàm phán hết tháng này sang tháng khác về yêu cầu tiền chuộc. Trong khi đó, các vụ bắt cóc “cấp tốc” là những vụ bắt cóc nhanh chóng thường được thực hiện bởi tội phạm cấp thấp và yêu cầu tiền chuộc thấp hơn, chính vì vậy tiền có thể được chuyển giao nhanh hơn.

Trước đó, Ủy ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Mexico cho biết Đức Cha Rangel đang trong tình trạng sức khỏe kém và cầu xin những kẻ bắt giữ cho phép ngài dùng thuốc như “một hành động nhân đạo”.

Đức Cha Rangel là giám mục của giáo phận Chilpancingo-Chilapa nổi tiếng bạo lực, ở bang Guerrero phía nam, nơi các băng đảng ma túy đã chiến đấu trong nhiều năm. Trong một nỗ lực sau đó được chính phủ xác nhận, Đức Cha Rangel đã tìm cách thuyết phục các thủ lĩnh băng đảng ngừng đổ máu và đạt được các thỏa thuận.

Đức Cha Rangel đã bị bắt cóc ở bang Morelos, ngay phía bắc Guerrero. Tuyên bố của các giám mục phản ánh ranh giới nguy hiểm mà các giám mục phải hành xử trong các khu vực do các băng đảng thống trị ở Mexico, để tránh gây phản cảm với những trùm ma túy, những kẻ có thể kết liễu đời các ngài ngay lập tức, và bất chợt.

“Xét đến tình trạng sức khỏe yếu của ngài, chúng tôi kêu gọi một cách kiên quyết nhưng đầy tôn trọng những người đang giữ Đức Cha Rangel cho phép ngài uống những loại thuốc cần thiết một cách thích hợp và kịp thời, như một hành động nhân đạo,” hội đồng giám mục cho biết trong một tuyên bố trước khi tìm được Đức Cha Rangel.

Không rõ ai có thể đã bắt cóc Rangel. Các băng nhóm ma túy siêu bạo lực được gọi là Tlacos, Ardillos và Familia Michoacana hoạt động trong khu vực. Không ai ngay lập tức nhận trách nhiệm về tội ác này.

Nếu có bất kỳ tổn hại nào xảy đến với Rangel, thì đó sẽ là tội ác gây sốc nhất đối với một giáo sĩ kể từ năm 1993, khi các tay súng của băng đảng ma túy giết chết Đức Hồng Y Juan Posadas Ocampo trong một vụ rõ ràng là nhầm lẫn danh tính trong một vụ xả súng ở phi trường Guadalajara.

Các công tố viên ở bang Guerrero đã xác nhận vụ bắt cóc nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết mà chỉ nói rằng họ sẵn sàng hợp tác với các đối tác ở Morelos. Morelos, giống như Guerrero, đã hứng chịu bạo lực, giết người và bắt cóc trong nhiều năm.

Trong một tuyên bố, giáo phận cũ của Đức Cha Rangel đã viết rằng ông “rất được yêu mến và tôn trọng trong giáo phận của chúng tôi”.

Vào tháng 2, các giám mục khác thông báo rằng họ đã giúp dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai băng đảng ma túy đang gây chiến ở Guerrero.

Linh mục José Filiberto Velázquez, người biết về các cuộc đàm phán tháng 2 nhưng không tham gia, cho biết các cuộc đàm phán có sự tham gia của các thủ lĩnh của băng đảng Familia Michoacana và băng đảng Tlacos, còn được gọi là Băng Miền Núi.


Source:AP

2. Tình trạng an ninh tồi tệ ở Mễ Tây Cơ dưới thời Tổng thống Andrés Manuel López Obrador

Các giám mục và linh mục cố gắng thuyết phục các băng đảng nói chuyện với nhau với hy vọng giảm bớt những trận chiến đẫm máu. Giả định ngầm là các băng đảng sẽ phân chia lãnh thổ nơi chúng tha hồ tống tiền và buôn bán ma túy mà không giết chóc quá nhiều..

Đức Cha José de Jesús González Hernández, Giám Mục giáo phận Chilpancingo-Chilapa, cho biết ngài và ba giám mục khác trong bang đã nói chuyện với các ông trùm mua bán ma túy trong nỗ lực đàm phán một hiệp định hòa bình.

Đức Cha Hernández cho biết vào thời điểm đó những cuộc đàm phán đã thất bại vì các băng đảng ma túy không muốn ngừng tranh giành lãnh thổ ở quốc gia ven biển Thái Bình Dương này. Những trận chiến đó đã làm tê liệt giao thông ở ít nhất hai thành phố và dẫn đến hàng chục vụ giết người trong những tháng gần đây.

González Hernández nói về cuộc đàm phán được tổ chức vài tuần trước đó: “Họ yêu cầu đình chiến nhưng có điều kiện” về việc phân chia lãnh thổ. “Nhưng những điều kiện này không được một trong những người tham gia đồng ý.”

Vào tháng 2, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cho biết ông tán thành những cuộc đàm phán như vậy.

“Các linh mục, mục sư và thành viên của tất cả các giáo hội đã tham gia, giúp đỡ trong việc bình định đất nước. Tôi nghĩ nó rất tốt”, López Obrador nói.

Các nhà phê bình cho rằng các cuộc đàm phán cho thấy mức độ mà chính sách không đối đầu với các băng nhóm của López Obrador đã khiến người dân bình thường phải tự mình thực hiện các thỏa thuận hòa bình riêng với các băng đảng.

Một linh mục giáo xứ ở một thị trấn ở bang Michoacan đã bị thống trị bởi các băng đảng trong nhiều năm cho biết vào tháng 2 rằng các cuộc đàm phán là “một sự thừa nhận ngầm rằng chính phủ không thể cung cấp các điều kiện an toàn”.

Vị linh mục, người phát biểu với điều kiện giấu tên vì lý do an ninh, cho biết “chắc chắn, chúng tôi phải nói chuyện với một số người, trên hết là khi nói đến sự an toàn của mọi người, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đồng ý với điều đó”.

Chẳng hạn, ngài cho biết, người dân địa phương đã yêu cầu ngài hỏi các ông trùm mua bán ma túy về số phận của những người thân mất tích. Đó là một vai trò không phải của Giáo Hội.

Vị linh mục nói: “Chúng tôi sẽ không phải làm điều này nếu chính phủ thực hiện đúng công việc của mình”.

Vào tháng 2, các Giám Mục nói với hãng tin AP rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa các băng đảng thường không kéo dài.

“Chúng hơi mong manh, bởi vì trong thế giới của những kẻ buôn bán ma túy, việc phá vỡ các thỏa thuận và sự phản bội xảy ra rất dễ dàng”.


Source:AP

3. Đức Hồng Y Pizzaballa: Nói về hòa bình tại Thánh địa là điều quá sớm

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh Jerusalem, nhận định rằng: nói về hòa bình tại Thánh địa hiện nay là điều không có ý nghĩa, trước tiên cần phải thương thuyết để ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh.

Hôm thứ Hai, ngày 29 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y đã được mời thuyết trình tại Học viện Âu châu ở Natolin, khu vực phía nam thủ đô Varsava, Ba Lan, về đề tài: “Lãnh đạo tôn giáo trong thời chiến tranh”. Nhân dịp này, ngài đã dành cho hãng tin KAI của Công Giáo Ba Lan, cuộc phỏng vấn về tình hình tại Thánh địa và đã đưa ra lời tuyên bố trên đây. Đức Hồng Y khẳng định rằng:

“Mục đích đầu tiên là một cuộc ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh. Hòa bình có thể diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác và hiện nay chưa có bối cảnh đó, không có một sự tín nhiệm tối thiểu nào giữa người Israel và Palestine. Hiện nay, có quá nhiều oán ghét giữa họ với nhau. Vì thế, trước tiên, chúng ta phải sửa chữa thái độ kinh khủng này, chỉ như thế mới có thể nói về hòa bình... Các cuộc thương thuyết là cần thiết để chấm dứt tình trạng hiện nay ở Thánh địa, tình trạng này không thể tiên đoán được, vì nó biến chuyển mỗi ngày”.

Ký giả hỏi Đức Hồng Y: Cách đây ít ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng “tốt hơn nên hòa đàm, thay vì cứ chiến tranh vô tận”, Đức Hồng Y Pizzaballa đáp: “Chiến tranh vẫn luôn kết thúc bằng một trong hai cách: hoặc một bên chiến thắng và bên kia mất mát mọi sự, hoặc bằng cách thương thuyết. Hiển nhiên là Thánh địa chúng tôi cần chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết. Mỗi người đều biết điều đó và những cuộc thương thuyết đang diễn ra, tuy không trực tiếp giữa Israel và Hamas. Tôi hy vọng sớm muộn gì các cuộc thương thuyết ấy sẽ có kết quả”.

Về giải pháp “hai quốc gia cho hai dân tộc”, Đức Hồng Y Thượng phụ nhận xét rằng “không có giải pháp nào khác ngoài con đường đó. Thật là dễ nói: đó là điều không thực tế, ví dụ vì có nhiều khu định cư của người Do thái trong các vùng của người Palestine. Nhưng đâu là con đường khác? Điều hiển nhiên là giải pháp không phải là tình trạng hiện nay chúng ta đang sống, vì sở dĩ chiến tranh hiện nay bùng nổ là vì các vấn đề không được giải quyết”.

Một giải pháp chính trị mà thôi vẫn không đủ, còn cần có sự hòa giải giữa hai dân tộc đang sống trên cùng một lãnh thổ. Về nhận xét này, Đức Hồng Y Pizzaballa khẳng định rằng: “Hòa giải tại Thánh địa là điều cần thiết. Nhưng chúng ta không thể vội vã. Hòa giải đòi phải có những điều kiện. Dĩ nhiên, trước tiên phải chấm dứt chiến tranh. Thật là khó nói về hòa giải khi những vết thương còn mở toang. Hơn nữa, hòa giải đòi phải làm việc trên nhiều bình diện: trước tiên là tôn giáo, vì tôn giáo giữ một vai trò rất quan trọng tại Thánh địa, và bình diện chính trị, truyền thông, giáo dục, đào tạo, để hàn gắn những vết thương, đặc biệt là những vết thương nặng nề cần nhiều thời gian. Hòa giải sẽ không sớm xảy ra, nhưng chúng ta cần bắt đầu mau lẹ hoạt động về vấn đề này”.