1. Phúc trình của Unicef về người trẻ Ukraine

Tổ chức Nhi đồng quốc tế, Unicef, báo động rằng 53% các trẻ em nước này có những lối cư xử rủi ro nguy hiểm đối với các mìn và những bom đạn chưa nổ, mặc dù đã được thông báo về những nơi có những thứ nguy hiểm ấy.

Trên đây là nội dung một nghiên cứu do một toán chuyên gia Unicef thực hiện nơi các trẻ em Ukraine, từ 10 đến 17 tuổi. Phúc trình của tổ chức Nhi đồng quốc tế này cho biết 62% người trẻ từ 14 đến 17 tuổi và các thiếu niên đến từ các vùng nông thôn cũng như từ các gia đình nghèo có những lối cư xử nhiều rủi ro nhất. Mặc dù 97% các em được phỏng vấn đều tuyên bố là đã biết về những quy luật an ninh liên quan đến mình, nhưng lối cư xử của các em vẫn có nhiều rủi ro nguy hiểm.

Các thiếu niên ở các vùng Zaporizhzhia, Kharkiv, Kherson, và Donetsk, và một phần miền Sumy, là những nơi đang xảy ra chiến tranh với Nga, chứng tỏ mức độ ý thức cao về vấn đề an ninh đối với mìn. Trái lại, các thiếu niên ở các vùng bị nhiễm mìn như Chernihov, Kyiv và Zhytomyr tỏ ra ít biết hơn về những nguy hiểm ấy, giống như tại những vùng không bị chiến tranh.

2. Bảy trăm trẻ em Ukraine nghỉ hè tại một số giáo phận ở Ý

Mùa hè này, có bảy trăm trẻ em Ukraine được một số giáo phận ở Ý đón nhận để cống hiến một kỳ nghỉ hè thanh thản, xa môi trường chiến tranh nơi các em sinh sống.

Nhóm đầu tiên gồm 42 em, cùng với những người tháp tùng, từ thành phố Nikopol, đã đến nơi, hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng Sáu và được tiếp đón tại trung tâm “ốc đảo đẹp” (Oasi del Bello) của giáo xứ Tiggiano, thuộc Giáo phận Ugento-Santa Maria di Leuca, ở miền nam Ý.

Dự án đón nhận các trẻ em Ukraine nghỉ hè đã được khởi sự từ năm 2022, sau khi chiến tranh bùng nổ và được sự hỗ trợ của Hội đồng Giám mục Ý. Đức Hồng Y Chủ tịch Matteo Zuppi nói rằng: “Sự đón tiếp mở rộng con tim đã trở thành chứng tá một nền văn hóa mới về hòa bình”.

Các em nghỉ hè ở Ý cho đến ngày 30 tháng Tám. Những sáng kiến tương tự được sự cộng tác của tổ chức bác ái Caritas.

Các giáo phận đón tiếp đã tổ chức các sinh hoạt giải trí cho tất cả các trẻ em và cả những người tháp tùng.

Kinh nghiệm những năm trước đây được đánh giá rất tích cực, giúp đỡ các em vượt thắng những chấn thương vì chiến tranh, cống hiến cho các em những nơi an toàn để có thể tăng trưởng trong niềm tín thác nơi một tương lai hòa bình.

3. Thủ tướng Ấn Độ lặp lại lời mời Đức Thánh Cha viếng thăm

Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, cho biết trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị của khối G7 vừa qua ở Ý, ông đã lập lại lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Ấn Độ.

Trong thông tin chính thức, sau khi trở về lại Ấn Độ, Thủ tướng Modi, - mới tái cử nhiệm kỳ thứ ba, - kể rằng: “Tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7. Tôi ngưỡng mộ sự dấn thân của ngài phục vụ con người và làm cho trái đất chúng ta tốt đẹp hơn. Tôi cũng đã mời ngài đến viếng thăm Ấn Độ”.

Thủ tướng Modi đã gặp Đức Thánh Cha tại Vatican hồi năm 2021 và bây giờ gặp lại ngài nhân cuộc gặp gỡ với các lãnh tụ thế giới, được các cơ quan truyền thông hoàn vũ nói đến, và đã có âm vang lớn nơi các cơ quan truyền thông Ấn Độ và dư luận thế giới.

Báo chí và truyền hình Ấn Độ thuật lại diễn văn của Đức Giáo Hoàng trước hội nghị thượng đỉnh G7, và nhấn mạnh lời mời gọi của ngài gửi đến các lãnh tụ các nước dân chủ và công nghệ cao nhất thế giới hãy giữ phẩm giá con người ở vị thế thứ nhất, trong việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo, một đề tài cũng đang đặt những câu hỏi lớn cho Ấn Độ.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Modi có những phản ứng trái ngược nhau: các vị lãnh đạo cộng đoàn Công Giáo ở Ấn tỏ ra lạc quan và hy vọng rằng sau cuộc gặp gỡ đó, cơ may viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nước này sẽ gia tăng và đồng thời cũng hy vọng có ảnh hưởng tích cực trên quan hệ giữa Ấn Độ và Tòa Thánh.

Tuy nhiên, như tin tức của một số báo chí, một số lãnh tụ đảng Ấn giáo BJP (Bharatiya Janata Party) của Thủ tướng Modi, không hài lòng vì thủ tướng Modi bắt tay và thậm chí còn ôm chào thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo: tại 11 bang ở Ấn Độ, nơi đảng BJP đang cầm quyền, có những luật cấm cải đạo: người muốn theo đạo khác phải được tòa án cứu xét kỹ lưỡng và qua đó, tự do lương tâm của người dân bị vi phạm. Luật này chủ đích nhắm ngăn chặn các hoạt động của các tín hữu Kitô bị đảng BJP coi là những hoạt động “chiêu dụ tín hữu”.

Các lãnh tụ khác thuộc các đảng đối lập thì nhắc lại rằng Thủ tướng Narendra Modi mới đây đã lợi dụng các sự kiện tôn giáo, tự giới thiệu mình với các cử tri như một người “được Thượng Đế sai đến”, vì thế họ nghi ngờ sự chân thành của ông Modi, khi ôm chào Đức Giáo Hoàng.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 17 tháng Sáu vừa qua, trích dẫn lời của cha Cedric Prakash, Dòng Tên Ấn Độ, một nhà phân tích và văn sĩ, nhận định rằng: “Cần phải hiểu và chứng tỏ bằng những sự kiện đó không phải là một sự ôm chào giả hình. Modi và đảng của ông, trong những năm cai quản đất nước đã làm cho thiểu số các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo ở Ấn phải chịu đau khổ nhiều. Cần chứng tỏ bằng những chính sách cụ thể rằng chính phủ tôn trọng hiến pháp và các nguyên tắc công dân đối với bất kỳ công dân nào, không phân biệt tín ngưỡng. Ngoài ra, lời mời miệng của Thủ tướng Modi nói với Đức Giáo Hoàng, dĩ nhiên là tốt, và tất cả chúng ta có thể hãnh diện vì sự hiện diện của ngài, nhưng lời mời ấy cần được thực hiện bằng lời mời đích thực và chính thức: chúng tôi chờ đợi chính phủ sớm gửi lời mời đó đến Tòa Thánh, chứ không phải như hồi năm 2021. Nếu Đức Giáo Hoàng đến Ấn Độ, chắc chắn là ngài có thể đưa ra ánh sáng tình cảnh của những người nghèo, những người dễ bị tổn thương và đau khổ nhất, các ngư phủ và nông dân, các thổ dân: sự hiện diện của ngài nơi chúng tôi sẽ là một phúc lành. Chúng tôi khuyên Thủ tướng Modi bây giờ thực hiện những bước tiến cụ thể và đích thực để mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

4. Ủy ban Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ hoan nghênh động thái của Tổng thống Biden trong việc cho phép những người phối ngẫu không có giấy tờ có được con đường trở thành công dân

Nhà lãnh đạo Ủy ban Di cư của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Cha Mark Seitz của El Paso, Texas, hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, đã ca ngợi kế hoạch mới của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đưa ra con đường trở thành công dân cho vợ/chồng và con cái của công dân Mỹ không có giấy tờ.

Quy trình hợp lý mới này sẽ cho phép vợ hoặc chồng không phải là công dân nhưng đã kết hôn với công dân Hoa Kỳ nộp đơn xin sống và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ mà không sợ bị trục xuất. Ngoài vợ hay chồng, con cái không phải là công dân của người nộp đơn cũng sẽ được phép nhận được những biện pháp bảo vệ như vậy.

Để đủ điều kiện tham gia quy trình này, những người không phải là công dân phải cư trú tại Hoa Kỳ từ 10 năm trở lên và kết hôn hợp pháp với một công dân Mỹ đồng thời đáp ứng tất cả các yêu cầu nhập cư hiện hành khác. Những người đủ điều kiện theo các hướng dẫn này sẽ đủ điều kiện nộp đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ sau ba năm đồng thời được phép làm việc trong khoảng thời gian đó.

“Chúng tôi hoan nghênh thông báo ngày hôm nay và niềm hy vọng nó mang đến cho hàng ngàn gia đình Mỹ đang phải vật lộn với nỗi sợ hãi ly thân sau hơn một thập niên chung sống”, Đức Giám Mục Seitz chia sẻ sau thông báo hôm thứ Ba từ Tòa Bạch Ốc.

Sắc lệnh hành pháp này cũng sẽ giảm bớt quy trình cấp thị thực cho những người theo diện Trì hoãn hành động dành cho người đến Mỹ từ nhỏ, gọi tắt là DACA, những người có thể ở lại trong nước sau khi nhận được bằng cấp từ một tổ chức giáo dục Hoa Kỳ và lời mời làm việc tại một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Thông báo của chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra nhân dịp kỷ niệm DACA, một chương trình thời Obama được tạo ra để bảo vệ những thanh niên đủ điều kiện được đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ.

“Khi kỷ niệm 12 năm thành lập DACA, chúng tôi đã thấy những tác động tích cực mà các chương trình như vậy có thể mang lại, không chỉ đối với bản thân những người thụ hưởng mà còn đối với gia đình, người sử dụng lao động và cộng đồng dựa vào họ. Chương trình mới này chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích tương tự”, Đức Giám Mục Seitz tuyên bố. “Tuy nhiên, khi số phận của DACA đang ở thế cân bằng, chúng tôi cũng biết những chương trình này còn thiếu sót đến mức nào.”

Kế hoạch hành động này được đưa ra trong bối cảnh luật pháp đang bế tắc về cải cách nhập cư. Tháng trước, dự luật an ninh lưỡng đảng do Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo thúc đẩy đã không đạt được tiến triển trong cuộc bỏ phiếu theo thủ tục 43-50. Chính sách nhập cư đặc biệt vẫn là một vấn đề nổi bật trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, vì cả hai ứng cử viên đều đã nói nhiều về chủ đề này trong các chiến dịch tranh cử của họ.

Mặc dù vậy, Đức Giám Mục Seitz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy luật pháp tập trung vào gia đình.

“Các nhà lập pháp có nghĩa vụ đạo đức và lòng yêu nước để cải thiện hệ thống nhập cư hợp pháp của chúng ta, bao gồm cả những cơ hội sẵn có để đoàn tụ và bảo tồn gia đình. Một xã hội chỉ vững mạnh khi các gia đình của nó và gia đình đoàn tụ là một quyền cơ bản”, ngài nói. “Vì lợi ích của đất nước, Quốc hội phải tìm cách vượt qua sự chia rẽ đảng phái và ban hành cải cách nhập cư bao gồm chương trình hợp pháp hóa dành cho những người nhập cư không có giấy tờ lâu năm.”


Source:National Catholic Register

5. Phân bộ quốc tế Caritas Đức: Cần trợ giúp xã hội nhiều hơn cho Ukraine

Giám đốc Phân bộ quốc tế của Caritas Đức, ông Oliver Mueller, nói rằng Ukraine không phải chỉ cần có thêm võ khí, nhưng còn cần những viện trợ nhân đạo nữa.

Tuyên bố với đài phát thanh Domradio của nhà thờ chính tòa Giáo phận Koeln, ở Đức, nhân dịp Hội nghị về hòa bình ở Ukraine, tiến hành tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Sáu vừa qua, ông Oliver Mueller nhận xét rằng: Đề cập đến việc trợ giúp Ukraine, trước hết cũng cần phải nói về việc trợ giúp xã hội, chứ không phải chỉ nói về việc cung cấp thêm võ khí. Hiện nay, tại nước này có khoảng mười bảy triệu người đang cần được giúp đỡ về nhân đạo. Thêm vào đó, có khoảng sáu triệu người Ukraine tị nạn ra nước ngoài. Những người này cũng cần phải được trợ giúp để họ không bị rơi vào những điều kiện mà họ không thể sống nổi. Tình liên đới quốc tế cũng phải được tiếp tục duy trì. Các tham dự viên hội nghị quốc tế ở Thụy Sĩ về Ukraine cần để ý đến điều này, là ở Ukraine dân chúng ngày càng phải lệ thuộc các trợ cấp xã hội, trong khi ngân sách quốc gia về vấn đề này ngày càng suy giảm, vì sự gia tăng dành cho ngân sách quốc phòng. Hiện thời, các tổ chức quốc tế đang lấp đầy lỗ hổng đó, nhưng không thể tiếp tục về lâu về dài. Các tham dự viên hội nghị quốc tế về Ukraine cần để ý đến những đau khổ của người dân nước này”.

Ông Oliver Mueller cũng nhận xét rằng sau làn sóng liên đới rất lớn, sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, chiến tranh tại nước này ngày càng bị đẩy vào hạng nhì, và thế giới càng quen thuộc với sự kiện tại đó có chiến tranh, có những người phải tản cư và chết chóc. Không thể để nguyên tình trạng đó”.