9 tháng 8 là ngày lễ kính Thánh Tử Đạo và là một trong các đại trí thức Công Giáo của Thế Kỷ 20, Edith Stein. Nhân dịp này Luke Coppen của tạp chí mạng The Pillar đã làm một cuộc phỏng vấn với Cristina Gangemi, giám đốc của Kairos Forum, một công ty tư vấn độc lập "phục vụ để giúp những người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn". Bà cũng là cố vấn cho các giám mục Anh và xứ Wales. Cuộc phỏng vấn la về người cháu của Thánh Nữ, Eva Edith, người sinh ra với khuyết tật trí tuệ ở Đức vào năm 1915. Lớn lên ở nơi đó, vào thời điểm đó, với loại khuyết tật đó, và là một phụ nữ Do Thái trẻ, hẳn bạn đoc có thể tưởng tượng được số phận mà cô ấy phải chịu đựng.
Mặc dù cha mẹ cô, Martha và Arno, đã cam kết nuôi dạy con gái mình theo cách giống như anh chị em của cô, nhưng cô đã gặp khó khăn trong việc học. Khi tình hình ở Đức xấu đi trong suốt những năm 1930, mẹ cô — một công dân Hoa Kỳ — đã trốn khỏi đất nước, cuối cùng cha cô cũng theo sau khi Eva 23 tuổi, để lại cô cho một chủ nhà trọ chăm sóc.
Cha mẹ của Eva đã cố gắng trong nhiều năm để đảm bảo cho cô được đi Mỹ đoàn tụ với mẹ, nhưng cô đã nhiều lần bị chính phủ Hoa Kỳ từ chối cấp phép đi lại, với lý do cô bị coi là "không có việc làm" và do đó không được mong muốn. Kết quả là, cô đã đến trại tập trung, nơi cô qua đời vào năm 1942.
Một câu chuyện thực sự đáng suy gẫm.
Khi mới một tuổi, Eva được chẩn đoán mắc chứng khuyết tật trí tuệ. Cha mẹ cô quyết định nuôi dạy cô theo cách giống như những anh chị em khác của cô, Wolfgang, Helmut và Charlotte.
Eva gặp khó khăn ở trường nhưng được cho là rất giỏi nướng bánh challah, loại bánh mì bện được làm vào thứ Sáu tại các gia đình Do Thái trước ngày Sa-bát.
Năm 1936, sau khi Luật Nuremberg chống Do Thái được thông qua, mẹ của Eva, một công dân Hoa Kỳ, đã rời đi Hoa Kỳ — khi đó Eva 21 tuổi.
Lúc đầu, Arno ở lại với Eva, người đã nhiều lần bị từ chối cấp phép đoàn tụ với mẹ ở Hoa Kỳ sau khi bà trượt kỳ thi và bị coi là "không có việc làm".
Năm 1938, Arno cũng rời đi Hoa Kỳ, để lại Eva cho chủ một nhà trọ chăm sóc, nơi cô sống. Những người họ hàng, bao gồm cả anh trai Wolfgang của bà, luôn để mắt đến bà.
Nhưng tại một thời điểm nào đó, Eva đã bị Đức Quốc xã bắt đi.
Eva Stein đã chết trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1942 tại trại tập trung Theresienstadt, hoặc có lẽ là tại trại Auschwitz.
Cô của Eva cũng đã chết dưới tay Đức Quốc xã, có lẽ là vào ngày 9 tháng 8 năm 1942, tại trại Auschwitz.
Bạn có thể đã nghe nói về cô của Eva — hàng năm vào ngày 9 tháng 8, những người Công Giáo trên khắp thế giới kỷ niệm ngày lễ của bà. Cô của Eva được biết đến nhiều hơn với cái tên Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, hay Thánh Edith Stein.
Mối quan hệ giữa Eva và Edith đã thu hút Cristina Gangemi, một chuyên gia về khuyết tật trí tuệ và nhận thức, đặc biệt tập trung vào tâm linh.
Gangemi là giám đốc của Kairos Forum, một công ty tư vấn độc lập "phục vụ để giúp những người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn". Bà cũng là cố vấn cho các giám mục Anh và xứ Wales.
Bà đã nói chuyện với The Pillar về Eva Stein, những hiểu biết sâu sắc của Edith Stein về cuộc sống của những người khuyết tật và lý do tại sao bà nghĩ rằng bản thân vị thánh này có thể mắc chứng tự kỷ.
Cuộc phỏng vấn này đã được biên tập để có độ dài và rõ ràng hơn.
Chúng ta biết gì về cháu gái của Edith Stein?
Eva là con gái của anh trai Arno của ngài, và cô bé sinh ra đã mắc chứng đa dạng thần kinh. Tôi rất ấn tượng với câu chuyện này trong cuốn tự truyện của Edith. Tôi nhận thấy rằng đó là câu chuyện về cuộc đời cô bé mà dường như không ai bình luận. Tôi nghĩ rằng điều này là do cô bé không thường xuyên được liên kết với những câu chuyện về khuyết tật và thần học.
Tôi rất ấn tượng với cách thánh nữ nói về Eva; ngài không gọi cô bé là người khuyết tật. Edith nhận thấy cô bé cần được dạy theo một cách khác bằng cách sử dụng các phương pháp có ý nghĩa và tượng trưng.
Trong cuốn tự truyện của Edith, ngài kể về cách ngài và mẹ cô sẽ dạy Eva tất cả những gì cô bé cần để sống tốt trên thế giới này. Họ rất sáng tạo trong cách họ lôi kéo những người anh em họ của cô bé vào việc học của cô bé. Đó là một hoạt động gia đình chứ không phải là một hoạt động độc quyền.
Edith nhìn thấy bản chất của con người trước bất cứ khuyết tật nào. Ngài cũng thường đến thăm một trường học dành cho trẻ em khiếm thị và khiếm thính, và rất quan tâm đến cách chúng học, bản thân ngài cũng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu khi trở thành y tá trong Thế chiến thứ nhất.
Tôi nhớ mình đã tự hỏi ngài học ký hiệu ở đâu khi tôi đọc về sự tương tác của ngài với những người lính nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sau đó tôi chợt nghĩ: Có thể là từ trường học.
Bạn nghĩ mối quan hệ của Stein với cháu gái đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ngài về những người khuyết tật đến mức nào?
Edith chưa viết về điều này, hoặc ít nhất là chúng ta không có bất cứ bản dịch nào khác kể về cách trải nghiệm với Eva có thể đã đào tạo nên ngài ra sao. Nhưng cách ngài đối xử với Eva là trung thực và xác thực với cấu trúc riêng của ngài về nhân vị.
Tuy nhiên, gần đây tôi đã tổ chức một loạt các biến cố độc đáo đưa nhiều chuyên gia về Edith Stein đến Anh để chia sẻ công trình của ngài. Trong thời gian đó, một chuyên gia nghiên cứu về Stein đã nói về việc khi Edith còn là một nữ tu, ngài đã làm việc tại một trung tâm dành cho những người bị bệnh và khuyết tật.
Phần lớn trải nghiệm này vẫn chưa được khám phá và có lẽ còn nhiều điều cần khám phá hơn nữa về điều này, vì các tác phẩm đồ sộ của ngài đã được dịch. Đây là một viễn cảnh rất thú vị.
Ngài cũng chăm sóc dì của mình sau một cơn đột quỵ, và trong tất cả những trải nghiệm này, ngài đều nhắc đến nhân tính của con người và bản chất không thể lặp lại của họ. Tôi tin rằng Edith đã chịu ảnh hưởng từ cuộc gặp gỡ của ngài với mọi con người.
Ngài nhìn nhận mọi người theo bản chất riêng biệt và không thể lặp lại của họ. Ngài coi trọng bất cứ điều gì đặc biệt đối với sự hiện hữu của họ trên thế giới và nhận thấy rằng, trên toàn thế giới, chúng ta đều được kết nối với nhau, thông qua Bí tích Thánh Thể và sự tương cảm [empathy].
Bạn sẽ tóm tắt tầm nhìn của Stein về những người khuyết tật ra sao?
Tôi nghĩ như tôi đã đề cập: Cá nhân, không thể lặp lại và có giá trị. Phẩm giá của mỗi con người là tối quan trọng trong nhân học của ngài. Điều này đã ăn sâu vào suy nghĩ của ngài khi ngài bắt đầu học khi còn là một phụ nữ trẻ. Nó vẫn ở đó trong những năm tháng ngài là một người vô thần, và tôi tin rằng đó là một phần lý do khiến ngài đến với Ki-tô giáo và cuộc sống với Thiên Chúa.
Bạn có nghĩ rằng có những nơi trong Giáo hội mà tầm nhìn của ngài đang được hiện thực hóa không?
Tôi nghĩ rằng nó đang được hiện thực hóa ở mọi nơi trong Giáo hội, nơi con người được thể hiện giá trị và biết rằng họ thuộc về.
Tất cả mọi người nên được trao quyền chia sẻ kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa, theo cách độc đáo của riêng họ. Tôi nghĩ rằng đây là một món quà mà cuộc sống và công việc của Edith có thể dạy. Đây là cách ngài có thể vượt qua ranh giới của thời gian và đồng hành cùng Giáo hội bằng sự tương cảm.
Ở Ý và Ba Tây, có rất nhiều người tham gia nghiên cứu về Edith và vì vậy đã đến lúc đưa tất cả sự khôn ngoan của ngài vào thực hành.
Bạn từng gợi ý rằng Edith Stein có thể mắc hội chứng Asperger. Điều gì đã đưa bạn đến kết luận này?
Đây là một quan sát bản thân và là phản ứng theo bản năng đối với câu chuyện của ngài mà tôi đã nhận được. Nó sẽ tạo nên một dự án nghiên cứu rất thú vị.
Cái tên "Hội chứng Asperger" gần đây đã bị đặt dấu hỏi vì liên quan đến cuộc diệt chủng Holocaust [bác sĩ nhi khoa người Áo Hans Asperger có quan hệ với Đức Quốc xã]. Do đó, tôi có xu hướng cho rằng ngài có nhiều trải nghiệm song song với những người kể câu chuyện về cuộc đời sống trong phổ tự kỷ của họ.
Trong những năm gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã xuất hiện từ những câu chuyện được kể từ trải nghiệm sống này. Tôi cũng nhận ra rằng có bao nhiêu câu chuyện của Edith về cuộc đời và kiến thức của ngài về Thiên Chúa có điểm tương đồng với những câu chuyện đã làm phong phú thêm cho thừa tác vụ và các tình bạn của tôi.
Tôi nghĩ những câu chuyện nổi bật đối với tôi là khi ngài kể về việc không muốn đến trường vì ngài không thể đi trên sàn ướt và do đó, phải được anh trai bế. Ngoài ra, khi ngài bối rối về một câu nói mà chị gái và mẹ cô ấy chia sẻ, gặp khó khăn trong việc xử lý một số từ ngữ và tập trung quá mức vào những từ ngữ khác. Để tuân thủ, hòa nhập và không lo lắng, Edith quyết định làm theo mọi điều họ nói, tuân theo họ để biết cách cư xử. Điều này, trong một nghiên cứu về chứng tự kỷ, có thể được gọi là "đeo mặt nạ".
Các sinh viên của ngài rất yêu quý ngài và nhiều người nói rằng ngài có vẻ xa cách, không phải lúc nào cũng giao tiếp bằng mắt với họ. Mặc dù vậy, sự hiểu biết của ngài về sự tương cảm và tinh thần bên trong của một người cho thấy khả năng nhìn và cảm nhận thế giới, thông suốt và với sự khác biệt.
Ngài hiểu rất rõ sinh viên của mình và là một giáo sư tuyệt vời. Ngài kiên quyết không ai nên được xác định bằng một đặc điểm hoặc khuôn mẫu. Sự nhạy cảm cao độ này đối với bản chất cụ thể của một cá nhân là điều đã thu hút tôi đến với ngài trong cuộc trò chuyện với người khuyết tật. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ tạo nên một dự án nghiên cứu rất thú vị trong tương lai.
Tôi đã tìm thấy nhiều bình luận của Edith về cuộc sống của ngài, về cách ngài xử lý thông tin, điều này khiến tôi tự hỏi liệu ngài có sống trong một quang phổ tương tự không. Khi còn là một sinh viên trẻ, ngài có một cảm giác sâu sắc về bản thân bên trong của mình. Khả năng xử lý thông tin và học hỏi nhanh chóng dồi dào của ngài cho thấy sự đa dạng về thần kinh có thể được thể hiện trong sự tương cảm, với những người cũng kể về cuộc sống của mình trong phổ tự kỷ.
Làm thế nào bạn phát hiện ra Edith Stein?
Đó là một câu chuyện buồn cười nhưng tôi tin rằng, đó là một câu chuyện đầy quan phòng. Tôi sắp kết thúc một dự án nghiên cứu khám phá về tâm linh và biểu hiện tôn giáo của những người sống với trải nghiệm khuyết tật. Đó là một hành trình phong phú và được chia sẻ, nơi nhóm nghiên cứu đã trải qua những gì chúng tôi chỉ có thể giải thích là những khoảnh khắc tương cảm về mặt tâm linh.
Là điều phối viên của nhóm, tôi đã hỏi một người bạn dòng Cát Minh của mình, Cố linh mục Kevin Alban, rằng liệu ngài có biết tôi có thể tìm đến ai để xin các bài viết về sự tương cảm không. Câu trả lời của cha là ngay lập tức: "chị cần phải xem xét Edith Stein, một vị thánh dòng Carmel, có luận án tiến sĩ "Về vấn đề tương cảm". Tôi nhìn cha và đọc lại một câu mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, đặc biệt là ở Anh: "Edith Stein? Ai vậy? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến bà ấy".
Ngay lập tức, cha gửi tôi đến thư viện tại Aylesford Priory, đền thờ dòng Carmel ở Kent, bảo tôi hỏi mượn cuốn sách của bà. Khi bước vào thư viện, tôi thấy một cuốn sách màu xanh rất cũ nằm ở góc bàn, như thể nó đang chờ được lấy. Tôi hỏi thủ thư xem tôi có thể mượn tác phẩm của Edith Stein về sự tương cảm không và bà ấy chỉ vào cuốn sách trên bàn. "Nó ở đó", bà ấy bình luận.
Ngạc nhiên khi thấy nó nằm ở đó, tôi hỏi mượn cuốn sách, và bà ấy đưa cho tôi và nói: "Ồ, không ai đọc Edith Stein cả. Bạn có thể lấy cuốn sách". Ngài quả không được biết đến nhiều ở Vương quốc Anh.
Ngạc nhiên nhưng cũng có phần phấn khởi trước phát hiện này, tôi mở cuốn sách đến trang 17 và thấy một lời giải thích về sự tương cảm, gần như diễn đạt chính xác những gì chúng tôi đã trải qua trong quá trình nghiên cứu. Từ khoảnh khắc đó, tôi đã bị cuốn hút và tôi tin rằng, được kêu gọi khám phá thêm công trình của ngài trong cuộc trò chuyện với người khuyết tật và thần học.
Đó là 13 năm trước và tôi vẫn đang khám phá cuộc sống và công trình của ngài, tìm thấy ở ngài nguồn khôn ngoan và giá trị liên tục.
Bạn từng mô tả Edith Stein như "người bạn đồng hành" của bạn trong năm năm qua. Bạn có thể giải thích ý của bạn khi nói như vậy không?
Sau trải nghiệm gặp Edith trong thư viện — hoặc ít nhất là cảm giác của tôi — tôi đã liên tục tìm đến ngài để xin lời khuyên. Tôi đã khám phá ra nhiều cách mới và sáng tạo để đồng hành cùng sinh viên và những người khuyết tật.
Sau khi đọc cuốn tự truyện của ngài, "Cuộc sống trong một gia đình Do Thái", tôi càng cảm thấy mình đã gặp ngài và đó là điều rất riêng tư. Đây là một hiện tượng chung mà nhiều người khác coi ngài như một vị thánh và nghiên cứu "Werke" ["tác phẩm"] của ngài đã bình luận. Giống như thể ngài kết bạn với bạn và sau đó, khi bạn cần sự giúp đỡ hoặc suy nghĩ của ngài, bằng cách này hay cách khác, ngài lại xuất hiện.
Đối với tôi, điều này dường như đã xảy ra hết lần này đến lần khác với những cuốn sách và bài báo mà tôi cần cho việc giảng dạy và nghiên cứu của mình. Ngài dường như có thể vượt qua thời gian để giúp tôi, với tư cách là một nhà thần học mắc chứng khó đọc, hiểu được những ý tưởng đôi khi phức tạp của ngài. Điều sâu sắc là sự giúp đỡ của ngài luôn tập trung vào lợi ích của người khác và do đó hỗ trợ tôi viết về những trải nghiệm khuyết tật.
Trong suy nghĩ của riêng mình về kiến thức và đức tin, Edith viết rằng các nhà triết học phải hành động như những người thầy "vươn tới nhau vượt qua ranh giới của thời gian để truyền đạt sự hiểu biết và học hỏi". Giống như thể ngài đã làm theo chính lời nói của mình, trở thành một người thầy và người bạn đồng hành vượt qua mọi ranh giới của thời gian.
Những lời nói và tinh thần của Edith Stein — tức là Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá — đã truyền đạt và làm phong phú thêm cho chức thánh của tôi, cũng như của nhiều người khác.
Một người muốn tìm hiểu thêm về tư tưởng của Stein nên bắt đầu từ đâu?
Bạn thực sự chỉ có thể bắt đầu tìm hiểu về suy nghĩ của ngài bằng cách biết câu chuyện của ngài. Ngài không phải là người dễ đọc vì bản dịch tác phẩm của ngài sang tiếng Anh rất phức tạp.
Do đó, tôi luôn đề xuất điều này: người ta nên bắt đầu bằng câu chuyện của ngài, được viết từ chính giọng nói của ngài khi ngài sống "Cuộc sống trong một gia đình Do Thái". Ở đây, họ gặp ngài khi ngài sống và khi ngài được Chúa gọi, để sống như một nữ tu dòng Cát Minh.
Cuộc đời của Edith đã kết thúc bằng sự phân biệt đối xử và định kiến, nhưng tinh thần của ngài vẫn sống mãi để thu hút tất cả chúng ta vào phẩm giá, sự chấp nhận và giá trị. Ngài thực sự là một người bạn đáng để tìm hiểu.