□ Chuyện Ông Tư Dì Tư
Ba Mươi TẾT: Lễ Vật Tiến Dâng


https://www.youtube.com/watch?v=qaKA9uyymhE

Sáng 30 Tết, không khí Xuân rộn ràng thổi về Quận Cam.

Tết về, thương xá Phước Lộc Thọ bánh tét, bánh chưng, kẹo mứt đủ loại san sát cạnh kề bên nhau. Tết về, chợ hoa xếp lớp những chậu lan, Hoàng Lan hình cô gái mặc đầm xòe đang nhảy múa, Hồng Huyết Lan mầu đỏ bầm hương thơm hăng hắc, Hổ Lan vằn nâu nâu đen như ông ba mươi!

Tết về, chủ nhân quán ăn khăn đống áo dài bước ra cửa tiệm. Sau những lời khấn vái trước bàn thờ Thiên, ông chủ đốt tràng pháo đỏ gắn kèo theo những viên pháo đùng. Thế là Tạch! Tạch! Tạch! Đùng! Pháo đỏ nổ rộn vang một cõi hồn và một cõi trần. Pháo đỏ phố Việt như người lính thú tay cầm loa thông báo bản tin, “Loa! Loa! Tết về!”

Tết về, tiếng chim ríu rít chuyền cành rộn ràng. Nắng vàng chiếu sáng một khoảng sân vườn nhà dì chú Tư. Dưới hàng hiên, dì chú Tư ngồi uống trà ăn thèo lèo mứt dừa. Nhìn bầu trời xanh lơ Nam Cali gió mát thổi hây hây lòng người, ông Tư tâm sự,

— Chà! Lục đục loay hoay, lại một năm nữa trôi qua rồi. Hôm nay Ba Mươi Tết rồi bà ơi.

Dì Tư góp chuyện,

— Ừ, không nhắc thì thôi, nhắc tới Giao Thừa mới thấy thời gian trôi qua thiệt lẹ đa. Tối nay cúng Giao Thừa rồi. Giờ bên Việt Nam phố xá đang tưng bừng đón Tết. Không biết đình làng năm nay, mấy ông hương chức cúng con gì đây ta?

— Thì còn cúng con gì nữa? Năm nay năm Sửu, họ cúng con trâu.

— Ừ hén, năm Sửu, làng cúng con trâu. Làng mình có tục cúng Giao Thừa. Nghĩ thấy cũng lạ hén. Năm ngựa, cúng con ngựa. Năm gà, làng cúng con gà trống thiến. Năm mèo, thì có mèo trắng nằm gọn trong mâm bạch ngọc. Năm rồng, họ lấy nếp nặn nguyên hình con rồng vờn đôi châu.

Dì Tư thắc mắc,

— Ông à! Tại sao làng mình lại có tục cúng gà năm con gà, năm trâu cúng con trâu vậy hả ông?

— Ừ! Hồi đó tui cũng có nghe ông Hương Chủ Hội, ổng kể chuyện. Làng mình thời tân lập, đêm đêm có ông ba mươi hay về, bắt bò bắt heo. Sau hương tề chức sắc hội họp bàn cách đối phó với ông ba mươi. Họ làm biên bản trình lên tổng. Quan tổng mới phái hai ông thợ săn ở chợ quận về. Họ rình nguyên cả tuần mới hạ gục được ông ba mươi. Bà nhớ bộ da hổ vằn xếp trong lồng kiếng ngay trên bệ thờ của đình làng không? Đó, bộ da của ổng đó. Rồi từ đó, làng mới lập ra cái đình gọi đình Ông Ba. Tối Giao Thừa, làng cúng cho Ổng. Thoạt tiên con heo sữa, năm sau con nghé. Cuối cùng, làng mới quyết định, năm con nào, làng cúng con đó.

— Ủa, tui tưởng hồi đó có ông đạo Dừa đi ngang nói làng có cá sấu khổng lồ chuyên ăn thịt người. Cho nên ổng mới bày cho làng tục cúng Ông Sấu, năm nào vật đó.

— Hổng phải! Chuyện bà nói tui cũng có nghe qua. Nhưng ông Chủ Hội hồi đó khẳng định với tui chuyện hổng phải là như vậy. Mà bà biết ông Chủ Hội rồi đó, ông nội của ổng hồi đó tham gia hội kín đánh tây. Sau phải đổi tên họ, bỏ tới cù lao lập nghiệp. Làng mình, hồi ổng đặt chân tới chỉ là cái cù lao bỏ hoang. Ông Chủ nói trên bờ thời đó muỗi kêu nghe như sáo diều. Rồi tới thời cố đạo ghé làng mình. Thoạt tiên làng chỉ là họ đạo nhỏ của xứ đạo Cù Lao Giềng. Sau làng ngày càng đông người rửa tội. Họ phải chèo thuyền đi lễ bên nhà thờ Cù Lao Giềng xa xôi. Thấy vậy, Đức Giám Mục mới cử cha xứ về làng cất nhà thờ. Từ đó, mình mới thành xứ đạo Cù Lao Mộc. Cái năm 75, trước khi mình di tản, nhà thờ Cù Lao Mộc là nhà thờ đầu Hạt, bà còn nhớ hay không?

Dì Tư nhận xét,

— Có! Tôi nhớ! Mà tôi còn nhớ tối Giao Thừa. Đình Ông Ba rộn ràng cúng Giao Thừa. Nhà thờ thì giật chuông Lễ Giao Thừa. Rồi ông cha xứ cũng lập bàn thờ gia tiên đốt nhang tưởng niệm ông bà tổ tiên.

Dì Tư xuống giọng thì thào, tuồng như sợ người ngoài nghe thấy,

— Ông là người có ăn học. Chắc cái dzụ này ông rành hơn tui. Hồi đó, thấy ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ. Rồi ổng còn đốt nhang, cúi cúi lạy lạy ba cái. Người ta xì xào nói cha xứ mình sao mà kỳ cục! Ai đời cha cụ mà lại lập bàn thờ cúng ngay trong nhà thờ. Rồi lại còn đốt nhang xì xụp khấn vái. Có mấy người còn bàn với nhau viết thư lên tòa Tổng, tố cáo ông cha xứ mình lạc đạo!

— Thiệt tình! Ta nói học không thông, vác gối bông không thông là dzậy…

Ông Tư nói năng mạch lạc tuồng như thầy đồ ngồi trên sạp tre,

— Ta nói hồi đó công đồng Va-ti-căn II họp.

Ông Tư dừng lại, nhìn dì Tư,

— Bà biết chiện công đồng Va-ti-căn II mà. Có đúng không?

Dì Tư nhai miếng trầu thuốc đỏ tươi gật gật đầu,

— Ừa, chiện đó tôi biết. Ông cứ kể tiếp đi.

— Ờ! Công đồng Va-ti-căn thời đó kêu gọi người tín hữu hội nhập văn hóa. Cho nên bà mới thấy mình cử hành thánh lễ Misa trong tiếng Việt. Đặc biệt người Việt mình có phong tục từ cả ngàn năm rồi. Vào đêm Giao Thừa, nhà nhà sum họp. Rồi người gia trưởng đốt nhang bàn thờ gia tiên, kính mời ông bà về lại trần gian ăn Tết với con cháu.

Ông Tư giọng chắc nịch,

— Cho nên bà mới thấy, ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ ngay trong đêm thánh lễ Giao Thừa.

Ông Tư hỏi vợ,

— Chớ bà nghĩ coi, Mười Tám đời Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Vua Lý, Vua Trần, Vua Lê, họ có phải tổ tiên của người Việt mình hay không?

Di Tư nhai dập miếng trầu thuốc, gật gật đầu,

— Ừ, thì ông nói cũng đúng!

Ông Tư nói tiếp,

— Cho nên, ta nói giờ Giao Thừa, người Công Giáo Việt Nam mới lập bàn thờ gia tiên, đốt nhang tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà. Đó cũng là lẽ thường tình. Làm sao lại dám nói đó là lạc đạo! Còn chuyện thờ phượng, đương nhiên mình chỉ có thờ Chúa. Chúa là trên hết. Chứ đâu phải thấy ông cha lập bàn thờ gia tiên, mặc khăn đống áo dài thắp nhang cúng vái, rồi dè bỉu nói lạc đạo.

Suy Niệm
“Giáo Hội đã học được cách diễn đạt sứ điệp Kitô bằng các khái niệm và ngôn ngữ của các dân tộc, và cố gắng làm sáng tỏ sứ điệp dưới ánh sáng khôn ngoan từ các nhà hiền triết địa phương: đây là một nỗ lực để điều chỉnh Tin Mừng cho thích hợp với sự hiểu biết của tất cả mọi người…trong phạm vi nếu có thể thực hiện được điều này. Thật vậy, phương cách thích nghi và rao giảng Lời mặc khải phải là quy luật của mọi công cuộc truyền bá Tin Mừng. Bằng cách này, Giáo Hội có thể tạo ra ở mọi quốc gia khả năng diễn đạt sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ngôn từ thích hợp, đồng thời cũng thúc đẩy những tiếp xúc và trao đổi quan trọng giữa Giáo Hội với các nền văn hóa khác nhau” (Vatican II, Gaudium et Spes, no. 44).□