Chương III

Gia đình và chính sách bao gồm

Người cao niên

17. Nhiều người nhấn mạnh tới hoàn cảnh người cao niên trong gia đình. Tại các nước đã mở mang, con số người cao niên đang gia tăng, trong khi sinh suất đang giảm dần. Người ta đang không đánh giá thỏa đáng những điều người cao niên đóng góp như một tài nguyên. Như Đức GH Phanxicô đã nhận định “Con số người cao niên đã được nhân bội, nhưng các xã hội chúng ta chưa tổ chức đủ tốt để dành chỗ cho họ, với lòng kính trọng và lưu ý cách thực tiễn tới sự già yếu và phẩm giá của họ. Trong khi ta còn trẻ, ta được hướng dẫn để lãng quên tuổi già, như thể đó là một thứ bệnh ta cần tránh xa; rồi khi có tuổi, nhất là nếu ta nghèo, bệnh hoạn và cô đơn, ta sẽ cảm nhận các thiếu sót của một xã hội vốn được thảo chương cho hiệu năng, là thứ kết cục sẽ làm ngơ người già. Nhưng người già là một vốn qúy không nên làm ngơ” (Yết Kiến Chung, 3 tháng 3, 2015).

18. Cần lưu tâm đặc biệt tới các ông bà trong gia đình. Họ là dây liên kết giữa các thế hệ, bảo đảm sự lưu truyền các truyền thống và phong tục, nhờ đó những người rất trẻ có thể lần ra gốc gác của họ. Hơn nữa, Ông bà thường bảo đảm cách kín đáo và không cần đền bù tài chánh cả một sự hỗ trợ giá trị về kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ và giúp việc săn sóc các cháu, thậm chí còn chuyển giao cả đức tin cho chúng nữa. Nhiều người, nhất là thời nay, sẵn sàng thừa nhận rằng chính nhờ ông bà mà họ nhận được việc khai tâm gia nhập đời sống Kitô Giáo. Điều này chứng tỏ đức tin đã được thông truyền và duy trì ra sao trong gia đình, trong diễn trình kế tục các thế thế hệ, do đó đã trở thành di sản không thể thay thế được đối với các gia đình mới. Thành thử, người cao niên đáng được người trẻ, các gia đình và xã hội nhìn nhận, đánh giá cao cách chân chính và tiếp nhận cách chân tình.

Thách thức góa bụa

19. Góa bụa là một cảm nghiệm hết sức khó khăn đối với những người quyết định chọn sống cuộc sống hôn nhân và gia đình như là hồng phúc Chúa ban. Tuy thế, dưới ánh sáng đức tin, bậc sống này đem lại nhiều khả thể khác nhau mà ta có thể chứng minh là vô giá. Thí dụ, trong lúc kinh qua cảm nghiệm đau đớn này, nhiều người cho thấy khả năng dồn hết năng lực vào việc tận tụy hơn với con cái và các cháu, tìm thấy nơi cảm nghiệm yêu thương này cả một sứ mệnh có tính soi sáng trong việc nuôi dưỡng con cái. Theo một nghĩa nào đó, sự trống vắng do người phối ngẫu quá vãng để lại được đổ đầy bằng tình yêu của các thành viên trong gia đình biết đánh giá người ở lại, nhờ đó, giúp người này trân quí ký ức về cuộc hôn nhân của mình. Ngược lại, những người không thể dựa vào sự hiện diện của người thân để cống hiến và nhận được tình âu yếm và gần gũi, thì cần được sự lưu tâm đặc biệt của cộng đồng Kitô hữu và được cộng đồng này hỗ trợ bằng sự sẵn sàng có đó, nhất là khi những người đau khổ này gặp cảnh nghèo.

Giai đoạn cuối đời và tang chế trong gia đình

20. Những người trọng tuổi biết rõ mình đang ở giai đoạn chót của cuộc đời. Thân phận của họ ảnh nhưởng tới mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình. Đối diện với bệnh hoạn, điều thường đi theo việc kéo dài tuổi già, và, trên hết, viễn ảnh cái chết, được coi như đang tới gần hay được cảm nghiệm thực sự trong việc mất người thân yêu (người phối ngẫu, gia đình, bằng hữu) là những khía cạnh nghiêm trọng của giai đoạn này của cuộc sống, dẫn các cá nhân và toàn thể gia đình tới chỗ phải xác định lại ý nghĩa của quân bình.

Ngày nay, việc đánh giá cao giai đoạn cuối cùng của cuộc đời càng cần thiết hơn nữa, ít là tại các nước đã phát triển vì các nước này luôn cố gắng loại bỏ mọi khía cạnh của thời gian chết chóc này. Vì cái nhìn tiêu cực về thời kỳ này, một cái nhìn chỉ lưu tâm tới các khía cạnh suy thoái và từ từ mất năng lực, mất tự lập và tình âu yếm, các năm tháng cuối đời của một người có thể được coi và được đối diện bằng một ý thức hoàn thành nào đó và tổng hợp nó vào toàn bộ cuộc đời của họ. Cũng có thể khám phá ra một khía cạnh mới đối với khả năng gây lợi ích của người này qua việc họ để lại một di sản tinh thần đặc thù nào đó cho các thế hệ tương lai. Linh đạo của một người cũng như ý thức siêu việt của họ, cộng với sự gần gũi của các thành viên gia đình, là các tài nguyên cần thiết để tuổi già được tràn ngập ý thức biết mình có phẩm giá và hy vọng. Các gia đình hiện đang kinh qua tang chế cần được săn sóc đặc biệt. Khi việc mất mát liên hệ tới các trẻ thơ, trẻ em và thanh thiếu niên, thì tác động đối với gia đình càng mạnh mẽ hơn.

Thách thức khuyết tật

21. Cần phải lưu tâm đặc biệt tới các gia đình có người có các nhu cầu chuyên biệt, trong đó, một khuyết tật bất ngờ làm gián đoạn cuộc sống, sản sinh ra cả một thách đố sâu sắc, không thấy trước được và đảo lộn thế quân bình, các ước vọng và chờ mong của gia đình; điều này tạo ra nhiều cảm xúc lẫn lộn cần được đương đầu và xử lý; nó cũng đặt để nhiều bổn phận, nhiều điều khẩn thiết phải làm, nhiều nhu cầu mới và nhiều vai trò và trách nhiệm khác nhau. Quan niệm về gia đình và toàn bộ chu kỳ sống của nó bị khuấy động một cách sâu xa. Tuy nhiên, cùng với cộng đồng Kitô hữu mà nó vốn thuộc về, gia đình có thể khám phá ra nhiều khả năng mới, nhiều kỹ năng không ngờ trước, nhiều cử chỉ và cách thông đạt mới, nhiều hình thức hiểu biết và nhận diện, trong cuộc hành trình lâu dài và khó khăn nhằm chấp nhận và chăm sóc nhau trong mầu nhiệm của cuộc đời thoáng qua này.

22. Một diễn trình như thế, tự nó vốn cực kỳ phức tạp, càng trở nên khó khăn hơn trong các xã hội, trong đó, các hình thức tiên kiến (stigma) và thiên kiến đầy nhẫn tâm vẫn còn tồn tại, cản trở việc giao thoa hữu ích giữa việc khuyết tật và tình liên đới và đồng hành của cộng đồng. Đối với từng cá nhân và đối với toàn thể cộng đồng, việc giao thoa này thực sự có thể là dịp may quí giá để thăng tiến công lý, yêu thương và bảo vệ giá trị của mọi đời sống nhân bản, bắt đầu với việc cùng nhau thừa nhận ý nghĩa sâu sắc của tình huống dễ bị tổn thương. Một số người nhiệt tâm mong muốn rằng, trong một cộng đồng thực sự biết mở tay chào đón, gia đình và người có các nhu cầu đặc biệt sẽ không cảm thấy cô đơn và bị từ bỏ, nhưng có thể tìm được sự trợ giúp và nâng đỡ, nhất là khi điểm mạnh và các tài nguyên của gia đình không còn nữa.

23. Về phương diện này, hoàn cảnh ấy đặt ra một thách đố mà ta có thể gọi là “sau chúng tôi”, nói cách khác, là các tình huống gia đình tạo ra bởi cảnh nghèo hay cô đơn hay hiện tượng mới được khám phá gần đây, trong đó, tại các xã hội phát triển cao về kinh tế, có xác suất cao là việc kéo dài tuổi thọ trung bình sẽ giúp những người có khuyết tật sống lâu hơn cha mẹ họ. Nếu, dưới ánh sáng đức tin, gia đình có khả năng chấp nhận sự hiện diện của người có nhu cầu đặc biệt, thì gia đình cũng sẽ giúp họ không coi khuyết tật của họ như một giới hạn mà đúng hơn biết nhận ra các hồng phúc và giá trị độc đáo của mình. Việc này sẽ dẫn tới việc bảo đảm, bênh vực và đánh giá cao tiềm năng nơi mọi đời sống, cả của cá nhân lẫn của gia đình, và thừa nhận các nhu cầu vốn cố hữu nơi cá nhân và quyền của họ đối với phẩm giá và cơ hội bình đẳng, đối với việc được chăm sóc và phục vụ, đối với việc được đồng hành và âu yếm, đối với linh đạo, cái đẹp và ý hướng trọn vẹn của ý nghĩa, trong mọi giai đoạn của đời sống, từ lúc được tượng thai, qua tuổi già và tới cái chết tự nhiên.

Thách thức di dân

24. Nhiều người quan tâm tới các hậu quả của di dân đối với gia đình, một việc liên quan tới toàn bộ dân số tại một số nơi trên thế giới, theo nhiều cách khác nhau. Các người di cư đòi được chăm sóc mục vụ cách đặc biệt, một nền chăm sóc không những dành cho các gia đình di cư mà thôi mà còn cho các gia đình còn ở lại nơi nguyên quán của họ nữa. Một nền chăm sóc như thế phải được thực hiện trong khi tôn trọng các nền văn hóa của họ cũng như cách đào tạo về nhân bản và tôn giáo mà từ đó, mỗi người họ vốn xuất thân. Ngày nay, việc di dân đang tạo ra nhiều hậu quả bi thảm cho nhiều khối cá nhân và gia đình đông đảo, như thể họ chỉ là “một thặng dư” nơi các dân số và lãnh thổ khác. Một cách hợp pháp, những người này đi tìm một tương lai tốt hơn và, đôi lúc, “một tái sinh” trong trường hợp những người không còn có thể sống tại nơi sinh quán của mình nữa.

25. Những tình huống khác nhau của chiến tranh, bách hại, nghèo đói và bất bình đẳng thường là do việc di dân, cộng với cuộc ra đi đầy nguy hiểm, có lúc, đe dọa tới chính mạng sống, đã tạo ra các hậu quả gây chấn thương cho các gia đình và các cá nhân. Thực vậy, trong diễn trình di dân, các gia đình di dân không khỏi tránh việc bị tan nát bởi nhiều kinh nghiệm bị bỏ rơi và phân rẽ đa dạng. Trong nhiều trường hợp, đơn vị gia đình chịu phân ly đáng kể giữa những người bỏ đi trước người khác và những người chờ đợi việc hồi hương hay đoàn tụ. Những người ra đi thấy mình bị bứng khỏi lãnh thổ, văn hóa và ngôn ngữ của mình cũng như các sợi dây nối kết mình với đại gia đình và cộng đồng của họ, ấy là chưa kể quá khứ của họ và các truyền thống họ đã theo suốt cả đời.

26. Gặp một xứ sở và một nền văn hóa mới càng trở nên khó khăn hơn khi không hề có những điều kiện ấm áp, tiếp nhận, tôn trọng chân chính đối với quyền lợi mọi người và quyền được chung sống hòa bình và liên đới. Một cảm thức mất hướng, một niềm hoài nhớ dĩ vãng nay đã không còn, chưa kể các khó khăn trong việc hội nhập chân chính vào cộng đoàn mới, vốn là những cảm nghiệm trong khi cố gắng tạo lập các dây liên hệ mới và đặt kế hoạch sống bằng cách tổng hợp quá khứ và hiện tại, các nền văn hóa cũng như ngôn ngữ và các não trạng khác nhau, được coi là không thể nào vượt qua được, trong rất nhiều tình huống hiện nay. Thay vào đó, các cảm nghiệm này cho thấy một nỗi thống khổ đổi mới trong các gia đình thuộc thế hệ di dân thứ hai và thứ ba, càng đổ thêm dầu vào chủ nghĩa cực đoan (fundamentalism) và bạo động bác bỏ nền văn hóa chủ nhà.

Một tài nguyên quí giá để thắng vượt các khó khăn này tìm thấy trong việc các gia đình gặp gỡ nhau. Vai trò chủ chốt trong diễn trình hội nhập này thường do các bà mẹ thực hiện, nhờ việc họ chia sẻ kinh nghiệm dưỡng nuôi con cái của mình.

27. Các kinh nghiệm di dân đặc biệt bi thảm và phá hoại các gia đình và các cá nhân: khi họ bất hợp pháp; khi họ “được hỗ trợ” bởi hệ thống buôn bán người quốc tế; khi họ liên lụy tới các trẻ em không người lớn đi theo; và khi họ đòi một thời gian kéo dài tại các nơi trung gian giữa nước này và nước kia và giữa quá khứ và tương lai, và thời gian kéo dài trong các trại hay các trung tâm tỵ nạn, nơi không thể khởi đầu diễn trình bén rễ và đặt kế hoạch cho tương lai.

Các thách đố đặc biệt khác

28. 7). Một số bối cảnh văn hóa và tôn giáo đặt ra các thách đố đặc thù. Tại một số nơi, đa hôn vẫn còn được thực hành và tại một số nơi nơi có truyền thống lâu đời, vẫn còn tồn tại phong tục “hôn nhân từng giai đoạn”. Tại nhiều nơi khác, “các cuộc hôn nhân sắp xếp” vẫn là một thực hành lâu đời. Tại các nước mà Đạo Công Giáo là thiểu số, nhiều cuộc hôn nhân hỗn hợp và khác đạo đã diễn ra, tất cả đều có những khó khăn cố hữu về phương diện pháp chế, Phép Rửa, dưỡng dục con cái và tôn trọng hỗ tương liên quan tới dị biệt đức tin. Trong những cuộc hôn nhân này, có thể có nguy cơ duy tương đối hay dửng dưng; nhưng cũng có khả thể phát huy tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn trong việc sống chung của nhiều cộng đoàn tại cùng một nơi. Tại nhiều nơi, và không riêng ở Tây Phương, đã và đang có việc gia tăng khá phổ biến trong tập tục sống chung trước khi lấy nhau hay đơn thuần chỉ sống chung với nhau chứ không hề có ý định sẽ bước vào các mối liên hệ bị luật pháp trói buộc. Thêm vào đó, thường còn có các đạo luật dân sự mang hại lại cho hôn nhân và gia đình. Vì hiện tượng duy tục hóa ở nhiều nơi trên thế giới, việc nhắc tới Thiên Chúa đã giảm một cách đáng kể và đức tin không còn được chia sẻ trong xã hội nữa.

Gia đình và trẻ em

29 (8). Đặc biệt tại một số quốc gia, một số đông trẻ em được sinh hạ ngoài hôn nhân, nhiều em sau đó lớn lên chỉ có một trong hai cha mẹ hay trong các gia đình pha trộn hay tái tạo. Các vụ ly dị đang gia tăng, nhiều khi diễn ra chỉ vì các lý do kinh tế. Nhiều khi, con cái là nguồn tranh chấp giữa cha mẹ và trở thành nạn nhân thực sự của các vụ tan vỡ gia đình. Các người cha, những người thường vắng mặt khỏi gia đình không nguyên chỉ vì lý do kinh tế, cần phải nhận trách nhiệm rõ ràng hơn nữa đối với con cái và gia đình. Phẩm giá phụ nữ vẫn cần được bênh vực và cổ xúy. Thực vậy, tại nhiều nơi ngày nay, chỉ vì là đàn bà cũng là nguồn cho kỳ thị và hồng ơn làm mẹ đôi khi bị trừng phạt thay vì quí mến. Việc cũng không nên làm ngơ là bạo lực gia tăng chống lại phụ nữ, trong đó, họ trở thành nạn nhân, bất hạnh thay, đôi khi ngay trong gia đình và là hậu quả của tập tục nghiêm trọng và phổ biến cắt bỏ bộ phận sinh dục trong một số nền văn hóa. Việc khai thác tình dục trẻ em vẫn còn là một thực tại đầy tai tiếng và sai lầm khác trong xã hội ngày nay. Các xã hội đang trải qua bạo lực do chiến tranh, khủng bố hay các tổ chức tội phạm gây ra đang chứng kiến tận mắt việc giảm giá trị của gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, nơi, trong các khu ngoại biên, hiện tượng gọi là “trẻ em đường phố” đang gia tăng. Hơn nữa, di dân là một dấu chỉ thời đại nữa cần được đương đầu và hiểu rõ về phương diện các hậu quả nặng nề của nó đối với cuộc sống gia đình.

Vai trò phụ nữ

30. Nhiều khu vực đang mục kích việc giải phóng phụ nữ, một điều rõ ràng cho thấy vai trò người đàn bà trong việc tăng trưởng của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, sự thật vẫn là: tư thế (status) phụ nữ trên thế giới khác nhau rất đáng kể, chủ yếu do các nhân tố văn hóa. Hiển nhiên, ta không thể giải quyết các tình thế khó khăn này chỉ giản đơn bằng cách chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế hay việc ra đời của nền văn hóa hiện đại, như các hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ tại một số nước mới phát triển gần đây đã chứng tỏ.

Tại các nước Tây Phương, việc tăng quyền cho phụ nữ đòi người ta phải suy nghĩ lại các bổn phận của các người phối ngẫu trong tính hỗ tương và trách nhiệm chung của họ đối với cuộc sống gia đình. Tại các nước đang phát triển, việc bóc lột phụ nữ và bạo hành đối với thân xác họ và các trách vụ gây mệt nhọc áp đặt lên họ, ngay cả lúc thai nghén, đôi khi đi đôi với phá thai và buộc phải triệt sản, chưa kể các hậu quả cực kỳ tiêu cực của các thói quen liên hệ tới việc sinh sản (như “cho thuê” dạ con hay mua bán các giao tử phôi thai). Tại các nước tiền tiến, ước muốn có con “bất cứ giá nào” chưa thấy đem lại được liên hệ gia đình nào hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn, nhưng, trong nhiều trường hợp, thực sự đã gia trọng sự bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà. Theo thiên kiến của một số nền văn hóa khác nhau, sự hiếm muộn nơi một người đàn bà là một điều kiện đưa tới việc kỳ thị của xã hội.

Một nhân tố góp phần vào việc thừa nhận vai trò có tính quyết định của phụ nữ trong xã hội là việc đánh giá cao hơn trách nhiệm của họ trong Giáo Hội, tức là, cho họ tham dự vào diễn trình đưa ra quyết định, cho họ tham gia việc quản trị một số định chế; và cho họ can dự vào việc huấn luyện các thừa tác viên thụ phong.

Chương IV

Gia đình, cảm tính và đời sống

Sự quan trọng của cảm tính (affectivity) trong đời sống

31 (9). Đứng trước tình thế xã hội nói trên, tại nhiều nơi trên thế giới, người ta cảm thấy nhu cầu lớn lao phải tự chăm sóc, tự biết mình nhiều hơn, sống hòa hợp hơn với các cảm xúc và cảm nhận của mình và tìm các liên hệ có tính cảm giới có giá trị bao nhiêu có thể.

Những khát mong chính đáng này có thể dẫn tới ước muốn cố gắng nhiều hơn để xây dựng các liên hệ tự hiến và hỗ tương đầy sáng tạo có tính lên năng lực và hỗ trợ giống các liên hệ trong gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ nghĩa cá nhân và chỉ biết sống cho riêng mình là một nguy hiểm thực sự. Thách đố đối với Giáo Hội là trợ giúp các cặp vợ chồng trong diễn trình làm chín mùi xúc cảm của họ cũng như việc phát triển cảm giới của họ qua việc cổ vũ đối thoại, nhân đức và tín thác vào tình yêu từ bi của Thiên Chúa. Việc cam kết trọn vẹn trong hôn nhân có thể là một đối cực mạnh mẽ đối đầu với cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy cá nhân vị kỷ.


Đào luyện cảm tính

32. Các gia đình cần nhìn nhận trách nhiệm của họ trong việc đào luyện cảm tính nơi các thế hệ trẻ. Tốc độ của các thay đổi đang diễn ra trong xã hội hiện đại khiến cho việc hướng dẫn để đạt được cảm tính của toàn diện con người càng khó khăn hơn. Điều này cũng đòi hỏi: các nhân viên mục vụ phải được huấn luyện thích đáng, không phải chỉ là việc hiểu biết Thánh Kinh và Tín Lý Công Giáo cách thấu đáo mà thôi mà cả các khí cụ sư phạm, cũng như một số thích đáng các nhà xã hội học và bác sĩ nữa. Kiến thức tâm lý học về gia đình cũng sẽ giúp thông truyền một cách hữu hiệu quan niệm Kitô Giáo về cảm tính. Cố gắng giáo dục này có thể đã bắt đầu với việc dạy giáo lý lúc khai tâm.

Sự mỏng manh và kém trưởng thành về cảm tính

33. (10). Các khuynh hướng văn hóa trong thế giới ngày nay xem ra không muốn đặt bất cứ giới hạn nào lên cảm giới người ta trong đó, mọi khía cạnh cần được khám phá, dù là những khía cạnh phức tạp nhất. Thực vậy, ngày nay, vấn đề mỏng dòn của cảm giới là một vấn đề cấp bách; một cảm giới tự yêu mình thái quá (narcissistic), bất ổn định hay dễ thay đổi không luôn luôn cho phép người ta lớn lên đến độ trưởng thành. Đặc biệt đáng lo ngại là việc phổ biến khiêu dâm và việc thương mãi hóa thân xác, vốn cũng được cổ vũ bởi việc lạm dụng internet và những hoàn cảnh đáng trách trong đó người ta bó buộc phải đĩ điếm. Trong bối cảnh này, các cặp vợ chồng thường không biết chắc, do dự và lao đao trong việc tìm đường lớn lên. Nhiều cặp có khuynh hướng dừng lại ở các giai đoạn đầu của cuộc sống cảm giới và tính dục của họ. Chỉ một cuộc khủng hoảng trong mối liên hệ của họ cũng đủ làm gia đình bất ổn và, trong trường hợp ly thân hay ly dị, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho người lớn, trẻ em và xã hội nói chung, làm suy yếu cá nhân và các dây kiên kết xã hội. Việc gỉam dân số, do não trạng không muốn có con gây ra và được nền chính trị sức khỏe sinh sản của thế giới cổ vũ, đã tạo nên không những một tình thế trong đó mối liên hệ giữa các thế hệ không còn được bảo đảm nữa mà cả nguy cơ này: với thời gian, việc xuy giảm này sẽ dẫn tới việc bần cùng hóa kinh tế và mất hy vọng trong tương lai. Việc phát triển của kỹ thuật sinh học (bio-technology) cũng có tác động lớn đối với sinh suất.

Thách đố đạo đức sinh học

34. Nhiều dấu chỉ từ nhiều miền khác nhau trên thế giới rằng điều gọi là cuộc cách mạng kỹ sinh học (bio-technological) đã đưa vào lãnh vực sinh sản nhân bản khả thể thao túng hành vi sinh sản của con người, khiến nó lệ thuộc mối liên hệ tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà. Theo chiều hướng này, sự sống nhân bản và việc làm cha mẹ đã trở thành những thực tại có thể tháo ráp được, chủ yếu tùy thuộc ý muốn của cá nhân hay của cặp mà không nhất thiết phải dị tính hay kết hôn hợp lệ. Thời gần đây, hiện tượng này, một hiện tượng xẩy tới như một điều mới lạ thực sự trong tính dục con người và càng ngày càng được nhiều người ủng hộ, đang gây hậu quả sâu xa đối với các mối liên hệ, trong xã hội và trong hệ thống luật pháp; hệ thống này đang can thiệp nhằm cố gắng điều hòa một loạt các tình huống khác nhau và những gì đã xẩy ra rồi.

Thách đố mục vụ

35. (11) Về phương diện này, Giáo Hội ý thức rõ nhu cầu phải trình bày lời lẽ của sự thật và hy vọng, mà căn bản là con người phát xuất từ Thiên Chúa, và do đó, một suy tư với khả năng tái lên khuôn các câu hỏi vĩ đại về ý nghĩa nhân sinh sẽ đáp ứng các hoài mong sâu sắc nhất của nhân loại. Các giá trị vĩ đại của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo tương ứng với cuộc tìm kiếm vốn lên đặc điểm cho nhân sinh, dù là trong thời đại của chủ nghĩa duy cá nhân và duy khoái lạc. Người ta cần được chấp nhận trong các hoàn cảnh cụ thể của đời sống. Ta cần biết cách hỗ trợ họ trong cuộc tìm kiếm của họ và khuyến khích họ trong niềm khát khao Thiên Chúa của họ và ước nguyện của họ muốn cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội, bao gồm cả những người từng kinh qua thất bại hay thấy mình rơi vào đủ loại tình huống. Sứ điệp Kitô Giáo luôn chứa đựng trong chính nó thực tại và năng động tính của lòng thương xót và sự thật vốn gặp nhau trong Chúa Kitô.

36. Trong các chương trình đào luyện về hôn nhân và đời sống gia đình, các nhân viên mục vụ cần phải xem xét tính đa diện của các tình huống cụ thể. Một đàng, họ cần phát huy các chương trình nhằm bảo đảm để người trẻ được đào luyện thích đáng; đàng khác, điều cũng cần thiết như thế là các chương trình dành cho những người chưa kết hôn và thường vẫn còn sống với cha mẹ. Những cặp không thể có con cũng nên nhận được sự chú ý đặc biệt của Giáo Hội về mục vụ để họ nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa trong tình huống của họ, trong việc phục vụ toàn thể cộng đoàn.

Nhiều người yêu cầu rằng nhóm người mà ta thường gọi là “xa rời Giáo Hội” không nên bị coi là những người “bị loại trừ” hay “bị loại bỏ” vì những người như thế vẫn được Thiên Chúa yêu thương và vẫn nằm ở tâm điểm hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Mọi người đều có quyền được đối xử với sự hiểu biết, vì nhớ rằng một số tình huống khiến người ta không tham dự đời sống Giáo Hội không luôn được họ cố tình lựa chọn. Thường thường các tình huống này phát sinh từ tác phong của một người thứ ba, điều mà, đôi khi, họ phải chịu đựng trong đau khổ lớn lao.