Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một giám mục Pháp tuyên bố hôm Chúa Nhật 11 tháng 2 rằng Giáo Hội chính thức công nhận là phép lạ việc phục hồi không thể giải thích được về mặt Y khoa của một nữ tu bị liệt kinh niên đã nhiều năm.
Nữ tu Bernadette Moriau, sau nhiều năm bị liệt nặng, đã được chữa lành một cách “đột ngột, tức khắc, hoàn toàn và khỏi hẳn từ đó đến nay”. Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, là Giám mục Giáo phận Beauvais đã tuyên bố như trên trong thánh lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Đây là phép lạ thứ 70 xảy ra ở Lộ Đức nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.
Phép lạ này đã xảy ra gần 10 năm trước sau khi sơ Bernadette Moriau tham dự một buổi lễ sức dầu cho các bệnh nhân tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở miền Nam nước Pháp.
Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức là nơi Đức Mẹ đã hiện ra cách đây 160 năm với một cô gái 14 tuổi, được coi là một nơi linh thánh vì nhiều bệnh nhân đã được khỏi bệnh cách kỳ diệu. Nước chảy từ suối trong hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra có quyền năng chữa lành và hàng triệu người hành hương đến viếng thánh địa này mỗi năm.
Phép lạ xảy ra đối với sơ Moriau đã trải qua nhiều cuộc nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi của Ủy ban Y tế Quốc tế Lourdes trước khi Giáo Hội đưa ra quyết định cuối cùng liệu đó có phải là một phép lạ hay không.
Sơ Moriau đã phải trải qua 4 lần giải phẩu cột sống từ năm 1968 đến năm 1975 và đã bị tuyên bố là bại liệt hoàn toàn vào năm 1980. Một chân sơ bị xoắn vĩnh viễn, buộc sơ phải đeo nẹp và dùng xe lăn. Sơ cho biết đã phải dùng những liều morphine rất cao để giảm đau.
Người nữ tu giờ đây đã 79 tuổi nói: “Tôi chưa bao dám cầu xin một phép lạ,” khi kể lại cuộc hành hương vào tháng 7 năm 2008 của sơ đến Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức.
Sơ nói trong một video được đăng trên trang web của giáo phận Beauvais rằng sau khi trở về nhà dòng của mình ở gần thành phố Beauvais và đang khi cầu nguyện trong nhà nguyện “Tôi cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy khắp cơ thể mình, một sự thư giãn, ấm áp ... Tôi về phòng của mình, và ở đó có một giọng nói với tôi “tháo nẹp con ra đi”, “Thật kinh ngạc, tôi có thể đi đứng như thường”
Sơ Moriau cho biết thêm ngay lập tức sơ quăng hết tất cả cả dụng cụ trợ giúp, từ cái nẹp sắt, đến cái xe lăn và cả những ống morphine - và đi bộ 5km một vài ngày sau đó.
Trong thông cáo của giáo phận Beauvais, Đức Cha Jacques Benoit-Gonin cho biết chi tiết như sau : “Chiều ngày 11/07/2008, khi sơ Moriau đang chầu Thánh Thể, sơ đã trải qua một khoảnh khắc ngoại thường khi hiệp thông với Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức và với cuộc hành hương mà sơ mới thực hiện. Khi sơ trở về phòng mình, sơ cảm thấy được thúc đẩy bỏ hết các bộ phận trợ giúp trên người mình: các máy móc y khoa và tắt cả máy kích thích thần kinh... Ngay lập tức sơ bắt đầu bước đi mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, hoàn toàn độc lập. Sơ đã gọi các sơ cùng dòng đến chứng kiến và các sơ đó đã nhận thấy sự thay đổi.”
Đức Cha Jacques Benoit-Gonin nói sự thay đổi “đột ngột, tức khắc, hoàn toàn và khỏi hẳn từ đó đến nay” đã khiến ngài nhận ra đây có thể là một phép lạ. Ủy ban Y khoa Lourdes sau nhiều cuộc nghiên cứu đã khẳng định rằng những thay đổi này không thể giải thích được “trong tình trạng hiện tại của kiến thức khoa học của chúng ta”
Phép lạ trước đây ở Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, tức là phép lạ thứ 69, đã được tuyên bố vào năm 2013. Một phụ nữ Ý đến thăm Lộ Đức năm 1989, bị cao huyết áp nghiêm trọng và nhiều vấn đề khác đã được chữa lành hoàn toàn.
Không phải mọi phép lạ đều được công bố tại Lộ Đức. Một nữ tu người Pháp, là sơ Marie Simon-Pierre, được tuyên bố là đã khỏi bệnh Parkinson sau khi cầu nguyện cùng cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Phép lạ này được công bố tại Vatican trong tiến trình tuyên thánh cho vị Giáo Hoàng Ba Lan vào năm 2014.
Ít nhất 7200 trường hợp khỏi bệnh đã được Ủy ban Y khoa Lourdes ghi nhận, đến nay Giáo Hội chỉ mới công nhận 70 phép lạ.
2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói trong tâm tư tôi đang hành hương về Nhà.
Trong một lá thư gửi tiến sĩ Massimo Franco, một ký giả của tờ báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Người Ðưa Tin Chiều, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã trả lời cho nhiều độc giả của tờ báo muốn biết về tình trạng sức khỏe của ngài.
Thư của Đức Bênêđíctô thứ 16 gửi cho Tiến sĩ Massimo Franco được gửi từ đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican và đã đến trụ sở báo ở Roma vào sáng ngày 06 tháng 02 vừa qua.
Trong thư Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:
Tiến sĩ Franco thân mến,
Tôi cảm động khi nhiều độc giả của quý báo muốn biết về những ngày cuối đời tôi diễn ra thế nào. Tôi chỉ có thể nói về điều này là, khi sức khỏe thể lý đang dần suy giảm đi, thì trong nội tâm, tôi đang trong cuộc hành hương tiến về Nhà.
Thật là một ân phúc đối với tôi, trong đoạn đường cuối này, có khi hơi mệt mỏi, được bao bọc bởi một tình yêu và lòng tốt mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Theo nghĩa này, tôi xem câu hỏi của các độc giả của quý báo như là một sự đồng hành. Vì điều này, tôi không thể làm gì hơn là cám ơn và về phần tôi, tôi đoan chắc là cầu nguyện cho tất cả các bạn.
Trân trọng kính chào.
Bênêđíctô thứ 16
3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức KHÔNG tán thành việc chúc lành cho các cặp đồng tính
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức kêu gọi các linh mục chăm sóc mục vụ tốt hơn cho những người Công Giáo đồng tính, nhưng ngài nói: “Tôi nghĩ điều đó không đúng” khi được hỏi liệu ngài có thể tưởng tượng ra một ngày nào đó Giáo Hội Công Giáo sẽ có một nghi thức để chúc lành cho các cặp đồng tính.
Đức Hồng Y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào ngày 3 tháng Hai vừa qua.
Các phương tiện truyền thông Công Giáo Đức đã giải thích các nhận xét của Đức Hồng Y như một bước chống lại đề xuất của Đức Cha Franz-Josef Bode, là Giám mục giáo phận Osnabruck. Tháng Giêng vừa qua, Đức Cha Bode nói Giáo Hội Công Giáo nên tranh luận về khả thể hình thành một buổi lễ chúc phúc trong nhà thờ cho các cặp đồng tính người Công Giáo.
Tuy nhiên, có lẽ vì trở ngại ngôn ngữ, nên một số phương tiện truyền thông tiếng Anh và các blog đã giận dữ trước lời nhận xét của Hồng Y Marx, và cho rằng Đức Hồng Y Marx “tán thành” các buổi lễ chúc phúc như thế.
Căng thẳng dâng cao đến mức Đức Cha Charles J. Chaput, là Tổng Giám mục của Philadelphia lên tiếng kêu gọi các giám mục trên thế giới hãy lên tiếng minh định quan điểm của các ngài trước một viễn ảnh nguy hiểm cho đức tin như vậy.
Đức Tổng Giám Mục Chaput nói, “bất cứ nghi lễ chúc phúc nào như thế” sẽ là một sự hợp tác với một hành động vô luân, bất kể mức độ chân thành của những người muốn được chúc lành vì điều đó gây ra những nhầm lẫn và lừa dối các tín hữu, và sẽ làm tổn thương sự hiệp nhất của Hội thánh chúng ta. Chúng ta không thể lờ đi hoặc im lặng trước vấn đề này”.
Giáo Hội Công Giáo khẳng định hôn nhân chỉ có thể là giữa một người nam và một người nữ. Giáo Hội cũng dạy rằng mặc dù những người đồng tính đáng được tôn trọng và chăm sóc về tinh thần, nhưng hành vi tính dục đồng giới là một tội lỗi nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marx, người phỏng vấn nói rằng nhiều người tin rằng Giáo Hội nên chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, phong chức phó tế cho phụ nữ và kết thúc sự độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh.
Theo bản dịch sang tiếng Anh do Hội Đồng Giám mục Đức vừa đưa ra nằm kết thúc vụ tranh luận sóng gió này, Đức Hồng Y Marx nói ngài không tin rằng những thay đổi này là những gì Giáo Hội cần nhất hiện nay. “Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào Giáo Hội có thể đáp ứng được những thách thức do những hoàn cảnh mới của cuộc sống ngày nay, cũng như những hiểu biết mới trong công việc mục vụ, và việc chăm sóc mục vụ”.
Đức Hồng Y nói tiếp rằng theo giáo huấn và gương mẫu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc chăm sóc mục vụ, “chúng ta phải xem xét tình hình của mỗi cá nhân, lịch sử cuộc đời, tiểu sử của họ, những khó khăn người ấy phải trải qua, những hy vọng phát sinh, những mối quan hệ của người ấy. Chúng ta phải nghiêm túc hơn và phải cố gắng hơn trong việc tháp tùng với mọi người trong hoàn cảnh sống của họ.”
Ngài nói thêm là những điều này cũng đúng trong việc mục vụ dành cho những người đồng tính luyến ái: “Chúng ta phải gần gũi về phương diện mục vụ với những người cần chăm sóc và cũng muốn được chăm sóc. Và chúng ta cũng phải khuyến khích các linh mục và các nhân viên mục vụ khích lệ mọi người trong những tình huống cụ thể. Tôi không thấy có vấn đề gì ở đây. Một vấn đề hoàn toàn khác là làm thế nào để được thực hiện trong bầu khí công cộng và theo đúng phụng vụ. Đây là những điều bạn phải cẩn thận và phải suy nghĩ một cách chín chắn”
Mặc dù loại trừ khả năng có thể đưa ra các “giải pháp chung” chẳng hạn như một nghi thức công cộng, Đức Hồng Y Marx nói, “điều đó không có nghĩa là không có gì xảy ra, nhưng tôi thực sự phải dành lại cho các mục tử tại chỗ trong việc đồng hành cùng các cá nhân với sự chăm sóc mục vụ. Trong lãnh vực này bạn có thể thảo luận các vấn đề, như hiện đang được thảo luận, và xem xét: Chẳng hạn như các nhân viên mục vụ nên đương đầu với vấn đề này như thế nào? Tuy nhiên, tôi thực sự muốn nhấn mạnh đến việc dành lại vấn đề này cho các linh mục tại chỗ và các cá nhân cụ thể, và xin đừng đòi hỏi bất kỳ những quy tắc nào nữa - Có những điều không thể điều chỉnh được.”
Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục cho hay Đức Hồng Y không muốn được phỏng vấn thêm.
4. Hơn 9 triệu khách hành hương kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Fatima trong năm 2017
Cha Carlos Cabecinhas, Giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Fatima, cho hay hơn 9 triệu khách hành hương đã kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Fatima trong năm 2017. Ngài đặc biệt ca ngợi thái độ “rất có trách nhiệm” của các chủ khách sạn. Giá khách sạn tại Fatima trong năm 2017 là năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tăng không đáng kể so với mức độ lạm phát trong nền kinh tế Bồ Đào Nha.
Cha Cabecinhas nói:
“Vào thời gian chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, vào ngày 12 và 13 tháng 5 năm ngoái, đã có rất nhiều đồn thổi về việc tăng giá ở các khách sạn khác nhau.
Theo quan điểm của Đền Thánh Đức Mẹ Fatima, việc gia tăng này luôn luôn ở mức rất nhỏ. Phần lớn các chủ khách sạn có một thái độ rất trách nhiệm khi chào đón các khách hành hương đến thăm Fátima”
Năm 2017 là năm bội thu của đền thánh Đức Mẹ Fátima với 9.4 triệu người hành hương, nhiều người trong số đó có mặt để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự.
Cùng với việc kỷ niệm lần thứ 100 phép lạ Fatima, Giáo Hội đã lập ra một danh sách dài những ngày kỷ niệm đáng chú ý, bao gồm cả cái chết của trẻ chăn cừu chứng kiến sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria, là Francisco và Jacinta, và 100 năm thành lập Nhà Nguyện Hiện Ra. Tất cả những điều này sẽ “giúp chúng ta suy tư về chiều kích hoàn vũ trong sứ điệp Fátima”. Cha Cabecinhas nói.
Số lượng du khách lớn nhất đến từ Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Mỹ. Thêm vào đó có khoảng 72 triệu người xem lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra qua các đài truyền hình.
5. Tờ Quan Sát Viên Rôma bày tỏ âu lo về quy mô lan rộng của nạn nô lệ thời hiện đại
Trong bài “Le mille facce della schiavitù moderna” (Hàng triệu khuôn mặt nô lệ thời hiện đại) đăng trên trang nhất tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 9 tháng Hai, tờ báo của Tòa Thánh đã than phiền về một tai ương đa dạng của nạn nô lệ thời hiện đại bao gồm mại dâm, lạm dụng tình dục, lao động trẻ em, lính thiếu nhi, kết hôn cưỡng bức và buôn bán nội tạng.
Tờ Quan Sát Viên Rôma đã trích dẫn một số báo cáo như phúc trình của Tổ chức Lao động Quốc tế trong đó ước tính ít nhất 40 triệu người trên thế giới đang phải sống trong cảnh nô lệ.
Tờ báo cũng đề cập đến một phóng sự gây chấn động của CNN về thị trường nô lệ ở Libya.
Liên quan đến tình trạng mãi dâm, mua bán người và nô lệ tình dục, tờ Quan Sát Viên Rôma đã trích thuật một cuộc điều tra của Reuters về sự hợp tác giữa cảnh sát Thái Lan và bọn buôn người nhắm vào những người tị nạn Rohingya. Đó là một tội ác mà một tướng lĩnhThái Lan đã bị kết án.
Vào ngày 8 tháng 2, Giáo hội đã kỷ niệm Ngày Quốc tế cầu nguyện cho những Nạn Nhân của Nạn Buôn Người. Lễ kỷ niệm diễn ra tại đài tưởng niệm Thánh Josephine Bakhita sinh năm 1868 và qua đời năm 1947, là người đã bị bán làm nô lệ ở Sudan.
6. Điện tặc xâm nhập vào Web site của Vatican xuyên tạc ý kiến Đức Thánh Cha
Trong một thời gian ngắn, trang web mới của Vụ Truyền thông Tòa Thánh, www.vaticannews.va, đăng một tin giật gân ngay trang chính: “Pope Francis: The Lord is an Onion.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Chúa là một Củ Hành)
Bên dưới tựa đề này là một bài viết về một “lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng” gây ngỡ ngàng. Để khỏi gây hoang mang cho nhiều người xin được miễn nêu ra ở đây.
Kẻ gây ra vụ này là một điện tặc người Bỉ tên là Inti De Ceukelaire. Không những không chối tội, anh ta còn hào hứng thông báo cho các phương tiện truyền thông “thành tích” của mình.
De Ceukelaire nói với tờ Next Web:
“Tôi thấy Vatican đã có một trang web mới cách đây không lâu. Bất cứ khi nào một web site khổng lồ ra mắt một ứng dụng truyền thông mới, tôi đều tìm hiểu. Tôi muốn xem công nghệ hoặc nhu liệu họ đang sử dụng là gì, cách họ theo các xu hướng thiết kế và liệu họ có các tính năng sáng tạo hay không. Tôi không nhất thiết phải tìm kiếm các lỗ hổng, nhưng các lỗ hổng trên Web site Vatican là quá rõ ràng.”
“Tôi đã liên lạc với ban quản trị web Vatican theo địa chỉ email chính thức chín lần. Các thư đã được mở và đọc, vì họ đã thực sự thay đổi một cái gì đó sau các báo cáo ban đầu của tôi” De Ceukelaire giải thích thêm với tờ Crux.
“Từ đó, họ bắt đầu bỏ ngòai tai những tin nhắn của tôi trong nhiều tuần qua. Sau đó tôi bảo họ một cách rất thiện chí rằng nếu họ không sửa các lỗ hổng trước ngày 7 tháng 2, tôi sẽ ra tay. Đây là một thực hành trong nghiên cứu an ninh mạng theo tiêu chuẩn công nghiệp được gọi là sự bạch hóa toàn bộ. Tôi không thích làm thế đâu, nhưng đôi khi các webmaster cần phải chịu những sức ép nhất định để kiên nhẫn sửa các trang web của họ, dù là Vatican cũng vậy”
Trước ngày lễ Giáng sinh, Vatican đã ra mắt trang web đa phương tiện mới.
Trang web mới của Vatican, vẫn còn dạng thử nghiệm (Beta version) cũng chỉ mới được khánh thành trước Lễ Giáng Sinh vừa qua, vài ngày sau khi Đức Ông Dario Vigano, tổng trưởng Bộ Truyền Thông, trình bày trang web này cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội Đồng Các Hồng Y của ngài và giải thích về những tiến bộ trong việc thống nhất các phương tiện truyền thông của Vatican.
Trung tâm biên tập đa phương tiện, nền tảng của hệ thống mới này, là kết quả của một quá trình hợp nhất ở cấp độ kinh tế và kỹ thuật, được xem là một cấu trúc duy nhất chịu trách nhiệm sản xuất các chương trình âm thanh, văn bản, video và đồ họa bằng nhiều ngôn ngữ.
Theo một tuyên bố của Đức Ông Dario Vigano, trung tâm đa phương tiện mới bao gồm khoảng 350 nhân viên được rút ra từ 40 chương trình ngôn ngữ của Radio Vatican cũ và chín tổ chức - đài phát thanh, báo Vatican, trung tâm sản xuất truyền hình của Vatican, báo in Vatican ...
Trung tâm đa phương tiện đã bắt đầu công việc với 70 người làm việc trong sáu ngôn ngữ: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực: Giáo hoàng, Vatican, và Giáo hội trên thế giới.
7. Tờ Quan Sát Viên Rôma cảnh báo nạn du lịch tình dục tiếp tục phát triển mạnh
Trong một cột được đăng trên trang nhất trên tờ Quan Sát Viên Rôma, ký giả Charles de Pechpeyrou than phiền về sự gia tăng liên tục nạn du lịch tình dục trong đó các trẻ vị thành niên là những nạn nhân chính.
Nhà báo Công Giáo Pháp nói rằng các thủ phạm bao gồm những nhà kinh doanh trên đường đi buôn bán, các khách du lịch và cả các tình nguyện viên. Ông cho biết thêm một nghiên cứu mới đây cho thấy những kẻ phạm tội đến từ mọi tầng lớp xã hội “chứ không nhất thiết phải phù hợp với định kiến thường thấy là người đàn ông ấu dâm da trắng, phương Tây, giàu có và trung niên.”
Nạn ấu dâm đang hoành hành mạnh nhất tại các quốc gia Đông Nam Á, nổi bật là Thái Lan và Phi Luật Tân. Trong bài báo, ký giả Pechpeyrou đặc biệt ca ngợi những nỗ lực của Cha Matthieu Dauchez, một linh mục người Pháp đang làm việc tại Manila, nhằm chống lại tình trạng tội lỗi này.
8. Đấu trường Côlôsêô ở Rôma được thắp sáng màu đỏ nhắc nhở cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới
Đấu trường Côlôsêô ở Rôma sẽ được thắp sáng màu đỏ vào cuối tháng này để thu hút sự chú ý đến cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới.
Vào ngày thứ Bẩy, 24 tháng 2, lúc 6 giờ chiều, đấu trường Côlôsêô ở Rôma sẽ được thắp sáng với ánh sáng đỏ trong một sự kiện được hỗ trợ bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN. Các nhà thờ lớn ở Syria và Iraq cũng sẽ được chiếu sáng bằng màu đỏ.
Ông Alessandro Monteduro, Giám đốc ACN, nói với tờ Crux rằng đấu trường Côlôsêô sẽ được chiếu hai hình ảnh tượng trưng. Thứ nhất là cô Asia Bibi, Kitô hữu người Pakistan đầu tiên lên án tử hình vì phạm thượng, và đang trong tù chờ quyết định cuối cùng. Thứ hai là bà Rebecca, một người mẹ đã bị Boko Haram, một nhóm Hồi giáo Nigeria, bắt cóc và hành hạ dã man.
Khi Rebecca được giải thoát, bà nói “tôi không thể căm ghét những người gây ra bao nhiêu đau đớn cho mình” vì những kẻ ấy bị đầu độc tư tưởng, “họ không biết việc họ làm”.
ACN đã công bố một báo cáo vào tháng 10 năm ngoái, trong đó mô tả cuộc bách hại chống lại các tín hữu Kitô ở những vùng tồi tệ nhất đã lên đến “một đỉnh cao mới”.
Báo cáo đã điểm qua 13 quốc gia, và kết luận rằng trong tất cả mọi khía cạnh, tình hình của Kitô hữu trong giai đoạn 2015-2017 tồi tệ hơn hai năm trước đó.
Nhóm chống lại sự bách hại các Kitô hữu có tên là Open Doors, báo cáo vào tháng Giêng vừa qua rằng tất cả 11 nước vẫn thường được xem là bạc đãi các Kitô hữu nhất giờ đây đều được coi là những nơi bách hại dã man hơn bao giờ hết trong 26 năm theo dõi của Open Doors.
Họ cho biết “Trên khắp Trung Đông tình hình đã xấu đi đối với các Kitô hữu. Tình hình cũng xấu đi ở Nepal, nơi năm 2017, các luật mới đã làm triệt tiêu sự chuyển đổi tôn giáo và đưa ra những quy định rất hà khắc”.
Theo Open Doors, Bắc Triều Tiên vẫn là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với Kitô hữu; khoảng 70,000 Kitô hữu được báo cáo là đang ở trong các trại lao động.
9. Các nhà thờ Công Giáo ở Trung Quốc phải treo bảng cấm trẻ em vào nhà thờ mới được tiếp tục hoạt động
Kể từ khi các quy định mới của Trung Quốc đối với các vấn đề tôn giáo có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2, trẻ vị thành niên đã bị cấm vào các nơi thờ tự ở một số miền tại quốc gia này.
Một linh mục ở tỉnh Hà Bắc yêu cầu giữ kín danh tính nói với ucanews.com rằng chính quyền đã yêu cầu các giáo sĩ ở một số vùng của tỉnh này đăng các biển cấm trẻ vị thành niên vào các địa điểm tôn giáo, nhà cầu nguyện và các cơ sở nhà thờ khác.
“Họ cũng đe dọa các nhà thờ rằng các nhà thờ sẽ không được hoạt động nếu từ chối đăng các bảng như thế”.
Một blogger viết rằng “các địa điểm tôn giáo là địa điểm thứ ba, theo sau các hộp đêm và các quán bar internet, nơi trẻ vị thành niên bị các cơ quan chức năng cấm vào.”
Phêrô, một người Công Giáo ở miền trung Trung Quốc, nói ông đã nhìn thấy những bảng như thế được dựng lên tại các nhà thờ ở Tân Cương.
Ông nói với ucanews.com rằng chẳng có cơ sở pháp lý nào cho phép các quan chức cấm trẻ vị thành niên vào các địa điểm tôn giáo, và ông cáo buộc các quan chức vi phạm hiến pháp của Trung Quốc.
“Khi trẻ vị thành niên vào quán bar internet, chính phủ và cảnh sát nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, họ đang trở nên rất hà khắc trong việc cấm trẻ vị thành niên vào các địa điểm tôn giáo. Thật là vô lý”, ông nói.
Ông Phêrô nói rằng hiến pháp rõ ràng quy định rằng công dân có tự do tôn giáo, và luật pháp cũng quy định rằng thanh thiếu niên và trẻ em không thể bị phân biệt đối xử vì đức tin tôn giáo của họ.
Ông nói rằng Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cũng quy định rằng cha mẹ có quyền giáo dục con cái của họ theo tôn giáo của họ.
Trong bối cảnh đàn áp tôn giáo bi đát như thế, điều gây ngỡ ngàng là một quan chức của Vatican là Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, người Á Căn Đình, hiện là Hiệu Trưởng cả hai trường Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học và Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học Xã Hội tại Vatican vừa đi thăm Trung Quốc về lại nói trong bài phỏng vấn đăng ngày 2 tháng 2, 2018 trên tờ Vatican Insider rằng Trung Quốc là nước thực hiện “tốt nhất” các học thuyết xã hội Công Giáo.
10. Hai linh mục Mễ Tây Cơ bị giết trong một cuộc phục kích vũ trang
Cha Ivan Anorve Jaimes và cha Germain Muniz Garcia đã bị tấn công vào sáng ngày 05 tháng 2, khi các ngài lái xe từ thành phố Taxco đến thành phố Iguala thuộc bang Guerrero, 100 dặm về phía nam của thành phố Mễ Tây Cơ.
Các quan chức nhà nước Guerrero cho biết một nhóm vũ trang đã chặn xe của các linh mục và nổ súng. Các linh mục đi cùng với bốn hành khách khác, tất cả đều bị thương nặng; nhưng hai linh mục bị cố ý bắn đến chết.
Tổng Giáo Phận Acapulco đã lên án các vụ giết người và kêu gọi điều tra kỹ lưỡng. Trong một thông báo tổng giáo phận viết:
“Chúng tôi rất hoang mang vì sự kiện bi thảm này, cộng đồng tổng giáo phận và giáo phận Chilpancingo-Chilapa rất thương tiếc hai vị linh mục tài hoa và giàu nhiệt tình truyền giáo”. Cha Anorve là linh mục của tổng giáo phận Acapulco, còn cha Muniz thuộc về giáo phận Chilpancingo-Chilapa.
Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ cho biết 21 linh mục đã bị sát hại kể từ tháng 12 năm 2012, và điều đáng âu lo là không có một tên sát nhân nào bị bắt trong tất cả các trường hợp trên. Chỉ riêng trong bang Guerrero, có ít nhất sáu linh mục đã bị giết hại kể từ năm 2009, bao gồm cha Fr. John Ssenyondo, một nhà truyền giáo người Uganda, dòng Comboni là người đã bị giết và chôn vùi trong một huyệt mộ bên đường.
Như thường lệ, chính quyền Mễ Tây Cơ lập tức bôi nhọ các linh mục bị giết để khỏi mất công điều tra.
Công tố viên Xavier Olea, hôm thứ Ba 6 tháng Hai, quả quyết rằng cuộc tấn công đã xảy ra vì một bức ảnh chụp trước đó nhiều giờ đồng hồ cho thấy cha Muniz cầm một khẩu súng trường cùng với những người đeo mặt nạ.
Đức Cha Salvador Rangel Mendoza Giám Mục Chilpancingo-Chilapa nhanh chóng bác bỏ điều này.
Đức Cha Rangel nói hai linh mục bị giết là những nhạc sĩ, các vị đi biểu diễn ở các thôn xóm xa xôi và “tiếp cận mọi người” để “truyền giảng phúc âm” qua âm nhạc. Cha Muniz là một nhạc sĩ nổi tiếng. Ngài đi cùng với dàn hợp xướng giáo xứ. Cha Anorve đến từ vùng Costa Chica, cách đó ít nhất là năm tiếng đồng hồ lái xe.
Công tố viên Xavier Olea lại nói là các linh mục đã “ăn nhậu” trong một bữa tiệc có sự tham dự của một số tên trùm buôn bán ma tuý cho nên bị các băng đảng ma tuý đối thủ giết hại. Đó là một lời giải thích mà Đức Cha Rangel cũng lên tiếng phủ nhận.
11. Kitô hữu Nga cứu trợ anh chị em Syria đau khổ
Hôm 4 tháng 2 năm 2018, một phái đoàn liên tôn thuộc Ủy ban tôn giáo phủ Tổng thống Nga đã phân phát viện trợ nhân đạo cho những người đau khổ ở Syria.
Trong suốt cả ngày Chúa Nhật, các thành viên trong đoàn cùng với các đại diện của các Giáo hội Kitô và các cộng đồng Hồi giáo ở Syria đã phân phối các phẩm vật cứu trợ do sự đóng góp của các tín hữu Kitô Nga.
Các linh mục và các giáo sĩ Hồi giáo đã cùng làm việc việc với nhau để phân phát các tặng phẩm cứu trợ cho những người Syria bất kể tôn giáo.
Số phẩm vật cứu trợ được phân phối lên đến 77 tấn. Hàng hóa được đóng gói sẵn thành các gói nặng 25 kg cho mỗi gia đình. Mỗi gói được hình thành dựa trên nhu cầu thực sự của người dân Syria bao gồm bột, đường, ngũ cốc, mì ống, sữa, dầu hướng dương, cá và thịt đóng hộp.
Người dân Syria bày tỏ lòng biết ơn vì phẩn chất cao của thực phẩm, sự lựa chọn đúng hàng hoá và nhiều thứ trong số này rất khó có được tại Damascus. Mỗi gói qùa có thể đủ dùng cho một gia đình năm người trong ít nhất là hai tuần.
12. Công Giáo Anh quốc tổ chức kinh Mân Côi dọc bờ biển.
Như các tín hữu Balan và Ái Nhĩ Lan đã thực hiện trước đây, các tín hữu Công Giáo Anh quốc cũng tổ chức đọc kinh Mân Côi dọc bờ biển Anh vào tháng 4 năm 2018.
Sự kiện được dự định tổ chức vào ngày 29 tháng 04 năm 2018, sẽ đánh dấu 50 năm luật phá thai được áp dụng. Ban tổ chức nói rằng buổi đọc kinh Mân Côi đại chúng sẽ giúp chiến đấu với những đe dọa hiện tại đối với đức tin, phẩm giá con người và hòa bình và khuyến khích tái phát triển đức tin của chúng ta.
Ban tổ chức dự định vào ngày 01 tháng 03 năm 2018, lễ thánh vương David, bổn mạng xứ Walé, sẽ thành lập một trang web có bản đồ tương tác của các nơi cầu nguyện. Sau đó vào ngày 19 tháng 03 năm 2018, lễ thánh Giuse, họ sẽ bắt đầu 40 ngày chuẩn bị thiêng liêng dưới sự bảo trợ của thánh nhân, kết thúc vào ngày 27 tháng 04 năm 2018, ngày kỷ niệm 50 năm luật phá thai được áp dụng.
Ðức cha John Keenan của Paisley nói rằng ngài rất vui ủng hộ sáng kiến này. Ðức cha nói: “Hy vọng những địa điểm cầu nguyện kinh Mân côi sẽ nối kết với nhau và tạo thành một vòng của ân sủng xung quanh bở biển của chúng ta vì đức tin, sự sống và hòa bình... Xin Chúa chúc lành cho biến cố quan trọng này và bắt đầu sự hoán cải và hòa giải trên các đảo của chúng ta.”
Ban tổ chức hy vọng các tín hữu Công Giáo sẽ không chỉ tụ họp trên các bờ biển của Anh nhưng cũng trên các đảo xung quanh, bao gồm Orkney, Shetland, the Hebrides, the Isle of Man, the Isle of Wight and the Channel Islands.
Buổi đọc kinh Mân côi đại chúng ở Ba lan đã thu hút hàng trăm ngàn tín hữu cầu nguyện khắp các biên giới nước này. Người Ba lan tụ họp tại khoảng 4,000 địa điểm để kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima và cầu nguyện Mẹ bảo vệ đất nước của họ và thế giới.
13. Ðức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến chống buôn người.
Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khuyến khích những nỗ lực và sáng kiến chống nạn buôn người trên thế giới.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9 tháng 2 năm 2018, dành cho 100 người thuộc nhóm “Santa Marta” chống nạn buôn người, vừa kết thúc 2 ngày họp tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican với dự tham dự của 100 chuyên gia các ngành, kể cả các giới chức an ninh của nhiều chính phủ. Khóa họp được sự điều động của Ðức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Anh quốc.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nói: “Lời khiển trách của Thiên Chúa đối với Cain ở những trang đầu Kinh Thánh: “Em ngươi ở đâu?” thúc đẩy chúng ta nghiêm túc cứu xét những hình thức đồng lõa qua đó xã hội dung thứ và khuyến khích sự bóc lột những người nam nữ, và trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là nạn buôn người với mục đích khai thác tình dục (EV 211). Những sáng kiến nhắm bài trừ nạn buôn người, trong mục tiêu cụ thể là phá vỡ các mạng tội phạm, ngày càng phải được coi như những mạng rộng rãi có liên quan với nhau, ví dụ việc sử dụng trong tinh thần trách nhiệm các kỹ thuật và phương tiện truyền thông, những nghiên cứu về những hệ lụy luân lý đạo đức của các kiểu mẫu tăng trưởng kinh tế, dành ưu tiên cho lợi nhuận hơn là cho con người”.
Ðức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với tất cả những cố gắng nhắm mang lại dầu thơm tình thương xót của Chúa cho những người đang chịu đau khổ, vì đây cũng là một bước tiến thiết yếu để chữa lành và canh tân xã hội nói chung”.
Trước đó, hôm 2 tháng 2 năm 2018, trong lời tựa phúc trình được phổ biến ở Quốc hội Anh, Ðức Hồng Y Vincent Nichols nhận định rằng cuộc chiến chống nạn buôn người đang bị thất bại vì câu “lời đáp trả của tập thể không được phối hợp và rời rạc.. Nạn nô lệ tân thời là một tội ác kêu thấu tới trời. Ngày nay số người nô lệ nhiều hơn thời cao điểm của nạn buôn nô lệ từ Phi châu vượt Ðại Tây Dương sang Mỹ châu hồi thế kỷ 18. Và số người nô lệ hiện nay đang gia tăng vì các tổ chức tội phạm quốc tế đang tăng cường ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của họ”.
Phúc trình phổ biến tại Quốc Hội Anh về nạn buôn người làm nô lệ là kết quả 3 tháng điều tra do hai tờ báo “Ðộc lập” (The Independent) và “Lá Cờ chiều tối” (Evening Standard) ở Anh thực hiện cùng với chiến dịch tên là “Những người nô lệ trên các đường phố của chúng ta” (Slave On Our Streets). Trong cuộc điều tra này, Ðức Hồng Y Nichols đã triệu tập một hội nghị bàn tròn với sự tham dự của các chuyên gia về doanh nghiệp, truyền thông, pháp luật, tài chánh, các hội thiện nguyện nhân đạo, các giới chức an ninh và cả các nạn nhân”. (Rei 9-2-2018)
14. Vị giảng tĩnh tâm mùa Chay năm nay cho Ðức Thánh Cha và Giáo triều Rôma là một nhà thơ.
“Ngợi ca nỗi khát khao” là chủ đề tuần tĩnh tâm Mùa Chay 2018 của Ðức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma, do cha José Tolentino Mendonca (53 tuổi), người Bồ Ðào Nha, hướng dẫn. Theo thông lệ, từ đầu triều Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Phanxicô, các tuần tĩnh tâm mùa Chay của Giáo triều Rôma đều diễn ra tại “Nhà Thầy Chí thánh, Casa Divin Maestro” – là Trung tâm Hội nghị và tĩnh tâm của các linh mục Dòng Thánh Phaolô ở Ariccia, một thị trấn cách Rôma gần 30 km về phía Ðông Nam. Năm 2018 tuần tĩnh tâm mùa Chay diễn ra từ ngày 18 đến 23 tháng Hai năm 2018.
Vị giảng tĩnh tâm năm nay là cha José Tolentino Mendonca, Hiệu phó trường Ðại học Công Giáo Lisbon, và là cố vấn của Hội đồng Toà thánh về Văn hoá. Được thụ phong linh mục năm 1990, cha là một nhà thần học, một nhà thơ đã từng đại diện cho Bồ Ðào Nha tham dự Ngày Thi ca thế giới vào năm 2014.
Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết, bài giảng mở đầu của cha Tolentino có đề tài: “Học biết ngỡ ngàng”, sau đó là các đề tài: “Khoa học khát khao”; “Tôi nhìn nhận rằng mình đang khát”; “Khát khao hư không”; “Khát khao Chúa Giêsu”; “Nước mắt kể lể niềm khát khao”; “Uống nỗi khát của mình”; “Các hình thái của lòng ước ao”; “Lắng nghe những khát khao của vùng ngoại vi”; và “Mối phúc khát khao”.
Mỗi ngày trong tuần tĩnh tâm sẽ được bắt đầu với thánh lễ lúc 7h30 sáng, sau đó là bài giảng thứ nhất vào lúc 9h30, bài giảng thứ hai vào lúc 16h, trước giờ kinh Chiều. Cuối ngày có giờ Chầu Thánh Thể.
Trong tuần tĩnh tâm, các buổi tiếp kiến của Ðức Thánh Cha sẽ được tạm ngưng.
15. Giáo quyền địa phương cảnh báo: bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã di chuyển về Somalia
Khủng bố Hồi Giáo IS đã di chuyển về Somalia. Các phúc trình của các cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo về sự hiện diện ngày càng đáng lo ngại của các nhóm khủng bố Hồi giáo. Các nhóm này bao gồm các cựu chiến binh al-Shabaab, là tổ chức Hồi giáo quá khích của Somali liên kết với al-Qaeda; và các lực lượng nước ngoài từ Trung Đông xâm nhập vào sau thất bại của ISIS ở Syria và Iraq.
Đức Cha Giorgio Bertin, là Giám mục giáo phận Djibouti, kiêm Giám Quản Tông Tòa thủ đô Mogadishu nói: “Vâng, ISIS đang có mặt ở Somalia. Ngay cả báo chí địa phương cũng nói về điều này. Các nhóm này dường như đang hoạt động chủ yếu tại Puntland, một vùng bán tự trị nằm ở phía tây bắc của quốc gia”.
Sự có mặt của bọn tàn dư al Baghdadi đang gây lo ngại vì trong những video được tung lên Internet vào tháng 12, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cảnh cáo sẽ “đuổi tận giết tuyệt” những người không tin vào Hồi Giáo, sẽ tấn công các nhà thờ và các khu chợ. Tháng 12 vừa qua, Mỹ đã thả những quả bom đầu tiên vào các nhóm ISIS làm thiệt mạng nhiều nạn nhân vô tội.
Tất cả điều này diễn ra trong một bối cảnh bất ổn chung, đặc trưng bởi các cuộc tấn công liên tục, đặc biệt là ở Mogadishu, thủ đô.
Đức Cha Bertin nói:
“Các cuộc tấn công xảy ra rất nhiều và liên tục. Đối với người dân địa phương tình hình ít bi thảm hơn vì họ quen rồi. Nhưng đối với những người nước ngoài thì thật là đáng sợ.”
Vào ngày 16 tháng 2 năm 2017, gần một năm trước, ông Mohamed Abdullahi Mohamed được bầu làm tổng thống của Somalia. Cuộc bầu cử này làm dấy lên nhiều kỳ vọng trong dân chúng. Họ trông đợi vị tân tổng thống có thể đưa Somalia thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự. Thực tế là trong những tháng gần đây, chính phủ của ông đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra một mức độ an ninh tối thiểu, là một điều kiện cơ bản để phục hồi quốc gia bất chấp vô số các khó khăn.
Đức Cha Bertin nhận xét:
“Tổng thống Abdullahi đang cố gắng hết sức mình. Đôi khi, tôi có ấn tượng rằng các cơ quan nhà nước chỉ tồn tại được nhờ sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế bên ngoài. Tuy nhiên, các hỗ trợ quốc tế là quá ít vì các đối tác quốc tế có chương trình nghị sự của họ không phải lúc nào cũng trùng hợp với lòng mong mỏi của những người Somali.”