Tờ National Catholic Register có một câu chuyện kể về cuộc đời và hạnh tích của một vị Chân Phước có tên là Bartolo Longo, người từng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “Vị Tông Đồ Của Tràng Hạt Mân Côi”. Danh xưng này là để đánh dấu chặng đường cam go đầy thử thách cũng như ơn lành mà thánh nhân nhận được nhờ vào lòng yêu mến Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi.
Việc một người đạo hạnh được phong Chân Phước là một điều đáng quý. Nhưng việc Chân Phước Bartolo đã từng là một giáo sĩ của đạo thờ Satan rồi trở lại đạo Công Giáo, sống đời tận hiến và được tuyên Chân Phước sau khi qua đời mới chính là tấm gương sáng hơn nữa cho chúng ta cùng học hỏi.
Gần mực thì đen...
Bartolo được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Công Giáo tốt lành thuộc miền Nam nước Ý. Là một cậu bé thông minh, nghịch ngợm, ông đã mất đi động lực thúc đẩy niềm tin của mình sau khi mẹ ông đột ngột mất năm ông lên 10. Quãng thời gian bước vào tuổi thanh niên của ông cứ thế trượt dài trong sự nguội lạnh với đức tin Công Giáo. Cho đến khi theo học ngành luật ở trường Đại Học Naples, tiếp xúc với nhiều thành phần trí thức cấp tiến, một số từng là cựu linh mục hoàn tục, thì ông hoàn toàn mất hẳn gốc rễ đức tin của mình. Ông kể về quãng thời gian trầm luân nhất trong đời sống tâm linh của mình trước đó như sau”Tôi dần dà trở nên căm ghét các tu sĩ, linh mục, ngày cả Đức Giáo Hoàng. Tôi đặc biệt căm ghét các tu sĩ dòng Đa Minh là đối thủ rất đáng gờm và mạnh mẽ nhất của những giáo sư đương đại là những người được trường đại học (Naples) gọi là con cái của sự cấp tiến, những người bảo vệ khoa học, và vô địch của mọi quyền tự do”.
Thời gian này, Bartolo thường tìm đến các “nhà ngoại cảm” của thành Naples để tìm câu trả lời cho những sợ trống vắng và những khúc mắc về tâm linh mà ông không còn có thể tìm hiểu nơi đạo Chúa như khi còn sống dưới mái gia đình, nhất là khi mẹ ông còn sống. Dần dà, mối quan hệ với những nhà ngoại cảm này đã dẫn dắt ông đến những giáo phái thờ ma quỷ. Ông thậm chí còn được thăng tiến tới hàng tư tế (priest) của tà phái thờ Satan, sau khi trải qua nghi thức hiến mình cho ma quỷ.
Trong năm sau đó, ông bắt đầu những buổi lễ phụng thờ Satan, và rao giảng hoàn toàn sai lệch về những tín lý và giáo điều của hội thánh Chúa như một tà đạo thật sự. Ông đắm mình trong những nghi thức lên đồng, bói toán và những cuộc liên hoan đầy nhục dục.
Ông ngỡ mình sẽ nắm bắt được khả năng có phép thần thông biến hoá siêu nhiên nếu càng thuyết phục được nhiều Kytô hữu bỏ đạo. Và ông đã thành công ở một mức nào đó khi có nhiều người, thậm chí là tín hữu Công Giáo, tham gia vào tà phái mà ông tích cực rao giảng.
Nhưng, lạ lùng ở chỗ, càng sa lầy vào mưu ma chước quỷ bao nhiêu, Bartolo càng cảm thấy cô đơn, buồn chán, sợ sệt và bối rối bấy nhiêu. Nói cách khác, ông không tìm được sự bình an và thoả mãn nơi tôn giáo của ma quỷ. Đến nỗi, một ngày kia ông đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, và dự định tìm đến cái chết để tự giải thoát mình khỏi những bế tắc không lối thoát.
Gần đèn thì sáng...
Khi Bartolo đang ở ngay bờ vực của tuyệt vọng và hoang mang cũng là lúc Thiên Chúa ra tay cứu vớt ông khỏi vòng vây ma quỷ. Bartolo kể lại như sau “Khi đó, gia đình tôi cố gắng hết sức để lôi kéo tôi xa rời ma quỷ và trở lại với Chúa. Nhưng họ không sao làm được, nên bảo nhau cầu nguyện thật nhiều cho tôi. Một đêm nọ, trong giấc mơ, tôi thấy người cha quá cố của mình van xin tôi trở lại với Chúa.”
Cảm thấy xúc động vì sự kiện này, ông đã tìm đến một người bạn cũ là giáo sư Vincenzo Pepe, người đã lắng nghe và ra sức thuyết phục Bartolo rời bỏ ngay đạo thờ Satan đồng thời tìm đến với một vị linh mục là cha Alberto Radente thuộc dòng Đa Minh để sau 3 tuần đối thoại thẳng thắn với cha, Bartolo đã được giải tội và trở về làm “con cái Sự Sáng” vào đúng dịp lễ Kính Thánh Tâm Chúa năm 1865.
Giáo sư Pepe quả thật là một người linh hướng tế nhị và chu đáo. Ông đã cho phép Bartolo đến sống chung với mình và cho con chiên lạc vừa tìm được đường về này được bao quanh bởi những giáo hữu tốt lành và thánh thiện để họ giúp đỡ Bartolo củng cố niềm tin vừa tìm lại sau chuỗi ngày dài đi hoang. Ngoài ra, mỗi ngày trong vòng hai năm, Bartolo tình nguyện làm công tác từ thiện cho bệnh viện chuyên chữa trị những người mắc bệnh bất trị của thành Naples. Tại đây, ông đã tìm được ơn gọi và gia nhập dòng Ba Đa Minh là chính tu hội mà trước đây ông đã ghét cay ghét đắng và ra sức đánh phá bằng mọi giá.
Qua việc này mới thấy Thiên Chúa đã thương Bartolo cách riêng và ban cho ông nhiều đặc ân để chuộc tội!
Mẹ: nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không!
Tuy đã hoà giải với Chúa và Hội Thánh, Bartolo vẫn mang trong lòng mặc cảm tội lỗi vì đã từng thề hiến mình cho Satan. Mặc cảm này mãi đeo đuổi và luôn gây ra sự hoang mang sợ hãi cho ông về viễn ảnh hoả ngục có thể đang chờ đón mình. Bản chất nhạy cảm nơi con người Bartolo trở lại hành hạ, khiến ông một lần nữa rơi vào trạng thái trầm cảm và laị toan tính chuyện tự sát.
Cho đến một ngày Bartolo thoáng nghe được lời cầu nguyện của thày Alberto trước tượng Thánh Nữ Đồng Trinh Maria “Ai truyền bá Chuỗi Mân Côi sẽ được cứu rỗi”.
Như kẻ sắp chết đuối, Bartolo tìm đến chuỗi Mân Côi như một chiếc phao hy vọng cho ơn cứu rỗi sau cùng của mình. Và Đức Mẹ một lần nữa đã không phụ lòng tin của bất cứ ai chạy đến cầu xin ơn chữa lành.
Sự cảm mến chuỗi Mân Côi đã khiến Bartolo xúc động đến nỗi ông đem tràng hạt này đến một buổi cầu hồn mà trước đây ông thường tham dự. Khi mọi người tại đó trở nên ngây ngất vì bị người lên đồng mê hoặc, ông đã đứng lên giơ cao tràng hạt Mân Côi và tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa tôn thờ thần linh vì “nó chỉ là một mê cung của những sự nhầm lẫn và sai lạc”.
Ngày 25 tháng 3 năm 1871, Bartolo Longo đã khấn dòng Ba Đa Minh và được đổi tên là thày Rosario để đánh dấu lòng yêu mến của thày dành cho chuỗi Mân Côi. Từ đó, thày làm việc không ngừng với tổ chức từ thiện ở thành Pompeii để xây trường học, trại nuôi trẻ mồ côi, giáo dục con em những tù nhân hình sự nên người hữu dụng, in ấn sách kinh, biên soạn cẩm nang cầu nguyện do hội thánh chủ trương. Đặc biệt, những đóng góp của thày cho việc truyền bá phép lần hạt Mân Côi của thày đã dẫn đến việc Tín Điều về Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được phê chuẩn và công bố vào năm 1950.
Vì những công đức to lớn này, chân phước Bartolo đã được Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh phong lên bậc Chân Phước vào năm 1980.
Gương sáng của Chân Phước Bartolo dạy cho nhân thế nhiều hơn là chỉ một điều. Thiên đàng không chỉ dành cho những người thánh thiện và suốt đời theo chân Chúa.
Bằng cái chết trên núi Sọ, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một bài học thế nào là Công Giáo: rằng giáo hội của Ngài nằm ở cả hai đầu thánh giá. Một bên là tên trộm dữ tội lỗi và ngạo mạn, còn bên kia là tên trộm lành biết ăn năn hối cải. Cả hai đều được Chúa yêu thương và chờ đợi họ trở về. Tên trộm dữ, người đã về hùa với quân dữ để nhục mạ Chúa Giêsu. Vậy mà khi cận kề cái chết, Chúa Giêsu vẫn kêu xin Đức Chúa Cha “hãy tha tội cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34a). Ở đầu thánh giá bên kia, tên trộm lành đã thức tỉnh và xin Chúa Giêsu nhớ đến mình khi về thiên đàng. Với người này Chúa đã bảo “Thật thế, ngay hôm nay ngươi sẽ ở cùng ta trên thiên quốc”.
Câu chuyện về cuộc đời nằm ở- hai- đầu- thánh- giá- Chúa-Kytô của Chân Phước Bartolo - từ một nhân vật không thể có ai tội lỗi hơn cuối cùng lại trở nên bậc Chân Phước- như dành để cho những ai tay đã trót nhúng chàm có thêm động lực tìm kiếm một kết thúc có hậu: ơn tha thứ và ơn cứu rỗi.
Trên hết mọi sự, là những ơn lành Đức Mẹ có thể ban cho từ một việc hết sức đơn giản bất cứ ai dù thánh thiện hay tội lỗi cũng có thể bắt đầu: lần hạt Mân Côi.
Source:National Catholic Register