Vào ngày 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư dưới dạng tự sắc, sửa đổi triệt 1, điều 230 của bộ Giáo Luật để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Ngài cũng đã công bố một lá thư gởi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin để giải thích lý do cho quyết định này.

Một số các phương tiện truyền thông báo cáo sai lạc rằng Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini. Điều đó không đúng.

Có gì thay đổi?

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa

Chẳng phải phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ sao?

Đúng vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được chính thức thể chế hóa trong các nghi thức phụng vụ. Họ thực hiện vai trò “theo chỉ định tạm thời”, như được quy định theo Điều 230 triệt 2 của Bộ Giáo luật.

Hình ảnh chúng ta thường thấy nhất là các bé gái phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ, tiếng Anh là altar servers, tiếng Ý là chierichette. Thừa Tác Viên Giúp Lễ hay còn gọi là Thừa Tác Viên Thánh Thể, tiếng Anh là acolytes, và tiếng Ý là accolitato, là một tác vụ cao hơmn, phù hợp hơn với người lớn. Đến nay hình ảnh của các phụ nữ trong vai trò acolyte vẫn là điều hiếm thấy.

Tại sao vai trò của Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ trước đây chỉ được dành cho nam giới?

Theo truyền thống, các tác vụ này được dành riêng cho nam giới vì chúng được liên kết với những gì được gọi là “minor orders”, nghĩa là các “bậc thấp” của chức tư tế, đó là các giai đoạn trên con đường thụ phong linh mục.

Nhưng vào năm 1972, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có ý định bãi bỏ các bậc hấp trong tông thư dưới dạng tự sắc “Ministeria Quaedam”, nghĩa là “Một số thừa tác vụ”. Từ đó, ngài nói, Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ nên được coi là các thừa tác vụ, thay vì các bậc thấp. Ngài viết rằng việc phong tặng tác vụ này, không nên được gọi là “phong chức”, nhưng là “chỉ định”.

Với việc sửa đổi Bộ Giáo luật năm 1983, luật Giáo hội đã công nhận rằng “giáo dân” - nam hay nữ - có thể “phụ trách chức năng người đọc sách trong các cử hành phụng vụ bằng cách chỉ định tạm thời”; và nói thêm rằng “Tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (điều 230 triệt 2).

Phụ nữ bắt đầu đảm nhận các chức năng Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ ở nhiều nơi trong thế giới Công Giáo, nhưng điều này chưa được chính thức thể chế hóa.

Năm 1994, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xác nhận rằng các giám mục có thể cho phép phụ nữ làm Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Tác vụ Đọc Sách là gì?

Người Đọc Sách là người đọc Kinh thánh cho cộng đoàn trong Thánh lễ (khác với Phúc âm, chỉ được công bố bởi các phó tế và linh mục).

Đức Phaolô Đệ Lục giải thích rằng người Đọc Sách “được chỉ định cho tác vụ này, thích hợp với anh ta, để đọc lời Chúa trong các cử hành phụng vụ”.

“Người đọc sách, cảm thấy trách nhiệm của tác vụ đã nhận, nên làm tất cả những gì có thể và sử dụng những phương tiện thích hợp để thu nhận mỗi ngày một cách trọn vẹn hơn tình yêu ngọt ngào và sống động cũng như sự hiểu biết về Sách Thánh, để trở thành một môn đệ hoàn hảo hơn của Chúa”, vị Thánh Giáo Hoàng viết.

Acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là gì?

Sau khi bãi bỏ các bậc thấp, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là một tác vụ trong Giáo Hội với “nhiệm vụ lo việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Những trách nhiệm thông thường đối với một Thừa Tác Viên Giúp Lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên ngoại thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp không có linh mục, và chỉ dẫn của các tín hữu khác, là những người trên cơ sở tạm thời giúp các phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết: “Thừa Tác Viên Giúp Lễ được chỉ định cách đặc biệt cho việc phục vụ bàn thờ, học hỏi tất cả những quan niệm liên quan đến việc thờ phượng Chúa công khai và cố gắng hiểu ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng của nó: bằng cách này, anh ta có thể dâng mình mỗi ngày, hoàn toàn đối với Thiên Chúa và trong đền thờ, một tấm gương cho tất cả mọi người về hành vi nghiêm túc và tôn trọng của mình, và cũng có tình yêu chân thành đối với nhiệm thể Chúa Kitô, là dân Thiên Chúa, và đặc biệt là đối với những người yếu đuối và bệnh tật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lý do gì cho những thay đổi này?

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha nói rằng một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên điều kiện chung là được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Điều này có mở ra con đường phong chức linh mục cho phụ nữ không?

Trong thư gửi Đức Hồng Y Ladaria, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời tuyên bố của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, nghiã là “Truyền Chức Linh Mục” năm 1994 rằng “ Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. “

Ngài nhấn mạnh sự phân biệt giữa “các thừa tác vụ được phong chức” và “các thừa tác vụ không được phong chức”, và giải thích rằng “có thể, và ngày nay có vẻ là thích hợp” để mở ra “các thừa tác vụ không được phong chức” cho cả nam và nữ.

Ngài nói rằng việc bảo lưu các chức vụ không được truyền chức trước đây cho nam giới có “ý nghĩa riêng của nó trong một bối cảnh nhất định nhưng có thể được suy nghĩ lại trong bối cảnh mới, với một tiêu chí thường hằng là trung thành với sứ vụ được Chúa Kitô ủy thác và ý chí sống và công bố Tin Mừng do các Tông đồ truyền lại và giao phó cho Giáo hội”.

Ai sẽ giám sát những thay đổi?

Trong lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Hồng Y Ladaria, ngài nói rằng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những thay đổi, sửa đổi các phần của Sách lễ Rôma và nghi thức chỉ định người đọc sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ khi cần thiết.


Source:Catholic News Agency