1. Tổn thất trong hàng giáo sĩ Công Giáo Ấn Độ trong một tháng qua vì coronavirus

Ít nhất 120 linh mục Công Giáo Ấn Ðộ đã chết vì Covid-19 trong tháng qua, bình quân bốn linh mục mỗi ngày, giữa lúc đại dịch đang làm cho 4,000 người thiệt mạng mỗi ngày trên toàn nước Ấn.

Cha Suresh Matthew, dòng Capuchino, chủ nhiệm tạp chí Công Giáo “Indian Currents” đã liệt kê danh tánh, giáo phận và dòng tu của 117 linh mục chết vì Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 4 đến 14 tháng 5 năm 2021, tại Ấn Ðộ. Cha nói với hãng tin Công Giáo Ucan, hôm 15 tháng 5 năm 2021 rằng: “Danh sách đó chưa đầy đủ. Chắc chắn là số người chết cao hơn, vì chúng tôi không có đầy đủ chi tiết về những linh mục tử vong trong đợt dịch thứ hai này”.

117 linh mục có tên trong danh sách thuộc cả ba nghi lễ: Latinh, Syro Malabar và Syro Malankara. Trong số đó, 48 vị thuộc các dòng tu, đứng đầu là dòng Tên với 19 linh mục. Con số linh mục tử vong sẽ tăng lên, khi có thêm thông tin từ 174 giáo phận tại Ấn Ðộ. Cha Matthew cũng nhận xét rằng: “Dầu sao danh sách sơ khởi này cũng rất đáng báo động, vì tuy đó chỉ là một số trong khoảng 30,000 linh mục tại Ấn, nhưng nếu mỗi ngày có bốn linh mục chết, thì đó là điều rất đáng lo đối với chúng tôi”.

Đức Cha Gerald Almeida, Giám mục giáo phận Jabalpur, bang Madhya Pradesh cho biết: “Nhiều linh mục chết vì không được săn sóc y tế kịp thời. Ðó thực là một tình trạng kinh khủng. Tôi cảm thấy bị sốc khi biết có nhiều linh mục tử vong như thế, khi mà các linh mục và ơn gọi linh mục rất khan hiếm tại đất nước này. Tôi sợ rằng số người chết rất cao trong số các linh mục và nữ tu và vì thế, tôi muốn nói với họ rằng họ không lẻ loi và chúng tôi đứng về phía họ. Chúng tôi phải làm sao để sức khỏe tinh thần của các linh mục và nữ tu được bảo vệ và cố gắng vượt thắng tai ương này”.

Đức Cha Almeida cho biết đã thành lập một trung tâm cách ly đặc biệt dành cho các linh mục và nữ tu để săn sóc họ và để kiến tạo sự tin tưởng nơi họ. Hiện nay có 26 nữ tu và 14 linh mục đang được săn sóc, chữa trị tại trung tâm cách ly này. Một bác sĩ đến khám bệnh cho họ mỗi ngày”.

Từ giữa tháng Tư đến nay, ở Ấn Ðộ mỗi ngày có hơn 300,000 ca nhiễm Coronavirus. Các nhà thương thiếu giường, thiếu dưỡng khí và các thuốc sinh tử cho các bệnh nhân.
Source:UCANews

2. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit về yếu tính của niềm vui

Lễ Chúa Lên Trời hay còn được gọi là Lễ Thăng Thiên đánh dấu ngày Chúa Giêsu lên trời sau khi ngài chịu đóng đinh và phục sinh. Đó là ngày thứ 40 trong Mùa Phục sinh và diễn ra mười ngày trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Pháp là một trong số ít quốc gia cử hành Lễ Thăng Thiên, người Pháp gọi là L’Ascension, vào đúng ngày thứ Năm chứ không dời sang Chúa Nhật. Hơn thế nữa, L’Ascension là một ngày lễ nghỉ quốc gia tại Pháp. Các trường học và hầu hết các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa.

Các Kitô hữu ở Pháp có thể tham dự các buổi lễ tại các nhà thờ đặc biệt để mừng Chúa Giêsu, như là niềm hy vọng và đích điểm của đời sống Kitô. L’Ascension cũng là cơ hội để dành thời gian cho gia đình và bạn bè hoặc tận hưởng tiết trời mùa xuân. L’Ascension rơi vào Thứ Năm nên nhiều người xin nghỉ luôn ngày Thứ Sáu và do đó, tận hưởng bốn ngày cuối tuần.

Chính vì thế, hôm Chúa Nhật 16 tháng 5, Đức Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục sinh, chứ không phải là lễ Thăng Thiên như ở nhiều nơi khác.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng tại nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục nói:

Hôm nay tôi muốn tập trung vào câu hỏi cốt yếu về niềm vui. Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với các con điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15:11). Ngay cả ngày hôm nay, khi ngỏ lời với Cha của Người, Chúa Giêsu khẳng định: “Con nói như thế để họ có được niềm vui của con trong họ và tràn đầy niềm vui ấy”. Do đó, có một yếu tố rất quan trọng ở đây đối với cuộc sống của chúng ta như các tín hữu Kitô.

Điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui? Dường như đó là tình yêu vì, tình yêu là mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (Ga 13:34). Hôm nay chúng ta nghe trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu: ai sống trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Tình yêu và niềm vui được liên kết sâu sắc trong Kitô Giáo của chúng ta. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng nói: “Yêu là vui”. Nhưng nhà thơ Aragon đã trả lời: “Yêu là chết trong lòng”. Vậy chúng ta tin ai đây? Theo tôi, chúng ta nên tin triết gia Bergson, là người đã viết: “Tình yêu là chỉ dấu cho thấy cuộc sống đã thành công”.

Chúa Giêsu đang nói về điều gì khi ngài cầu nguyện với Cha về việc truyền đạt niềm vui của Ngài? Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Phần con, con đến cùng Cha”. Điều mang lại niềm vui là đến với Chúa Cha, là nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu hiến mình cho Cha ngài vì tình yêu đối với thế gian. Đây là niềm vui của Người. Vào Lễ Truyền Tin, Đức Trinh Nữ nói xin vâng với Thiên Chúa và Mẹ tôn vinh Người trong kinh Magnificat của Mẹ. Niềm vui thực sự không phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài như vượt qua các kỳ thi hoặc đạt được một thành tích. Chắc chắn, điều này khiến chúng ta vui mừng trong một thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian bởi vì, nếu sau đó là những trắc trở trên đường đời, niềm vui ấy sẽ biến mất.

Niềm vui mà Chúa Giêsu đề cập đến là một ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp lại việc chúng ta chấp nhận tình yêu của Ngài bằng sự phó thác cả cuộc đời chúng ta. Niềm vui này ăn sâu vào chúng ta đến mức, ngay cả trong những thăng trầm lớn nhất, chúng ta vẫn giữ niềm vui này sâu xa trong mình.

Cá nhân tôi, tôi nhớ mình đã nhận được ân sủng ấy, khi tôi khuỵu gối xuống trong phòng ăn của mình sau một thời gian dài đấu tranh chống lại lời kêu gọi của Chúa. Ngày hôm đó tôi đã nói với tất cả bản thể của mình: “Ý muốn của Chúa sẽ được thực hiện” khi biết rằng cuộc sống của tôi không còn là của tôi nữa. Thật không thể hiểu nổi đối với tôi, trước đó, sự từ bỏ chính mình này khiến tôi cảm thấy đau đớn như mất đi tất cả, nhưng khi nó xảy đến tôi đã tràn ngập niềm vui siêu nhiên, một niềm vui chưa bao giờ rời bỏ tôi kể từ đó. Đó là niềm vui của những ai bước vào một tình yêu vượt quá cảm xúc của con người vì nó tương ứng với một hành động của ý chí đáp ứng điều răn lớn của tình yêu.

Niềm vui này mang tính giao tiếp, nó được tăng lên nhờ sự chia sẻ. Đó là lý do tại sao anh chị em không thể giữ nó cho riêng mình. Niềm vui này đến từ Chúa và dành cho tất cả mọi người. Đây là cách mà động lực truyền giáo được sinh ra. Tình yêu chỉ tồn tại để trao ban chính mình, vì “không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống cho người mình yêu”, cũng thế niềm vui sinh ra từ tình yêu là điều không thể cưỡng lại được, còn hơn cả Covid. Và đó là một cơ hội phi thường cho chúng ta vì không có vắc xin nào chống lại nổi niềm vui Kitô.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện với Cha Người trong lời cầu nguyện tuyệt vời và đẹp đẽ này mà chúng ta gọi là lời cầu nguyện “tư tế” vì đó là của lễ của Người, để chúng ta có được niềm vui của Người trong chúng ta.

Source:L’Église Catholique À Paris