1. Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi chương trình của Thượng Hội đồng Giám mục
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi chương trình của Thượng Hội đồng Giám mục, kêu gọi tiến trình tham vấn trên toàn thế giới: trước tiên ở cấp giáo phận, sau đó là cấp lục địa, trước cuộc họp cuối cùng của Thượng Hội đồng.
Quy trình mới sẽ được áp dụng cho cuộc họp tiếp theo của Thượng Hội đồng. Dự kiến ban đầu diễn ra vào tháng 10 năm 2022, cuộc họp toàn thế giới này của các giám mục sẽ được lùi lại một năm, và sẽ họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2023.
Chủ đề cho cuộc họp Thượng hội đồng tiếp theo là “tính đồng nghị”, một khái niệm chính trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng về một mô hình quản trị Giáo hội phi tập trung. Trong một tài liệu phác thảo quy trình mới, được công bố vào ngày 21 tháng 5, Ban Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục giải thích: “Sự đầy đủ của tiến trình thượng hội đồng chỉ có thể thực sự tồn tại nếu các giáo hội địa phương tham gia vào tiến trình này.”
Tiến trình mới kêu gọi tham vấn ở mỗi giáo phận, phối hợp với các Hội Đồng Giám Mục quốc gia, và kết quả này sẽ đưa vào một vòng tham vấn khác ở cấp lục địa, trước khi một văn kiện làm việc được soạn thảo cho cuộc họp tháng 10 năm 2023. Mỗi vòng tham vấn sẽ bao gồm những chuẩn bị riêng, đội ngũ nhân sự và tài liệu làm việc của chính vòng tham vấn đó.
Về lý thuyết, quá trình này sẽ cho phép sự tham vấn rộng rãi hơn giữa những người Công Giáo trên thế giới. Tuy nhiên, việc tạo ra các tầng lớp thư lại mới - chịu trách nhiệm liên lạc, điều phối và báo cáo, và có nhiều cơ hội lèo lái tiến trình theo một ưu tiên nhận định - có thể tạo ra tác dụng ngược lại.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng vào tháng 10, và mọi giáo phận được yêu cầu bắt đầu tiến trình của riêng mình cùng một lúc. Giai đoạn này sẽ kéo dài đến tháng 4 năm 2022. Các Hội đồng Giám mục quốc gia sẽ làm việc với các giáo phận và với Ban Thư ký Thượng hội đồng tại Rôma. Khi kết thúc giai đoạn này, mỗi giáo phận sẽ đệ trình kết luận của mình lên Hội đồng Giám mục, để được chuyển đến Ban Thư ký. Một hệ thống báo cáo song song sẽ được thiết lập cho các Giáo Hội Công Giáo phương Đông.
Bước tiếp theo, “giai đoạn tham vấn lục địa”, sẽ kéo dài từ tháng 9 năm 2002 đến tháng 3 năm 2023, phản ánh các báo cáo từ các giáo phận. Các báo cáo từ giai đoạn này một lần nữa sẽ được trình lên Ban Thư ký, sau đó sẽ chuẩn bị tài liệu làm việc cho cuộc họp Thượng hội đồng vào tháng 10.
Source:Catholic World News
2. Ở Mozambique, nỗi sợ hãi về các cuộc tấn công khủng bố mới gây ra ‘sự hoảng loạn hoàn toàn’
“Có một sự hoảng loạn và lo sợ về các cuộc tấn công mới của các nhóm khủng bố, ngay cả ở Pemba, thành phố thủ phủ của tỉnh Cabo Delgado”. Đó là đánh giá của Cha Kwiriwi Fonseca, một thành viên trong nhóm truyền thông của Giáo phận Pemba. Ngài đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN. Cha Fonseca cho biết: “Bất cứ khi nào họ nghe thấy âm thanh của một tiếng súng hoặc bất kỳ loại tiếng nổ nào trong các trại huấn luyện của quân đội, mọi người ngay lập tức bắt đầu hoảng sợ và chạy ra khỏi nhà của mình. Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và Giáo hội sẽ phải bắt đầu nói nhiều và liên tục về hòa bình và an ninh, bởi vì thực sự có rất nhiều nỗi sợ hãi”.
Đây là thực tế, ngay cả trên các đường phố của Pemba, pháo đài chính của lực lượng an ninh chính phủ trong toàn bộ khu vực. Nỗi sợ hãi mà Cha Fonseca đang nói đến được nuôi dưỡng bởi đủ loại tin đồn. Cha nhận định: “Mọi người phải biết rằng trong hoàn cảnh chiến tranh như chúng ta đang đối mặt, họ phải tránh loan các tin tức nếu họ không hoàn toàn chắc chắn về những tin đó. Họ phải ngừng tung tin thất thiệt và tránh trở thành nạn nhân của những tin đồn”.
Source:Aid To The Church In Need
3. Tính đến sáng thứ Bẩy 22 tháng 5, vi rút Tầu đã giết chết 168 linh mục và 143 nữ tu trong vòng một tháng
Tại Ấn Độ, đại dịch cho đến nay đã giết chết 168 linh mục và 143 nữ tu. Con số này được ghi nhận bởi Cha Suresh Mathew, linh mục dòng Phanxicô Capuchin và là tổng biên tập của tạp chí Indian Currents. Ngài lưu ý rằng số lượng nạn nhân trong hàng giáo sĩ và tu sĩ tiếp tục tăng vì số người chết trong nước vẫn ở mức cao.
Chính phủ Ấn Độ cho biết trong 24 giờ của ngày thứ Sáu 21 tháng 5, đã có 4,209 người chết; và đất nước hiện đang ở mức ngấp nghé 300,000 người chết kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Cha Mathew nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại về cuộc điều tra của mình như sau: “Trong đợt đầu tiên, chúng tôi liên tục ghi nhận thông tin chi tiết về các linh mục đã mất mạng trong Covid 19. Tuy nhiên, trong đợt thứ hai, đặc biệt là sau Lễ Phục sinh, mỗi ngày chúng tôi đều nhận được tin các linh mục chết vì coronavirus, không còn ghi lại nổi chi tiết cụ thể của các ngài. Là một linh mục Truyền giáo, tôi chỉ còn muốn biết các vị đã chết, có phải do mục vụ không. Với sự quan tâm của một nhà báo, tôi bắt đầu biên soạn danh sách các linh mục đã chết trong đợt thứ hai, tôi tiếp cận phó tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, là người đã cho tôi biết một danh sách khoảng 20 linh mục. Anh Jose Kavi, chủ biên tờ Matters India, đã cho tôi biết thêm tên của nhiều linh mục không khuất phục được vi rút. Ban đầu, tôi lập danh sách 117 linh mục đã chết, và gửi danh sách cho tất cả các giám mục Ấn Độ, một số ít vị trả lời rằng vị linh mục cụ thể không chết vì coronavirus. Hôm nay dữ liệu của tôi ghi lại 168 linh mục - bao gồm 3 giám mục - và 143 nữ tu đã chết vì coronavirus”.
Ngoài những con số tổng thể, có một số yếu tố nổi bật: “Tỷ lệ tử vong giữa các linh mục cao hơn mức trung bình của cả nước, có lẽ vì các ngài vẫn phải thi hành chức vụ mục vụ của mình trong thời gian Lễ Phục sinh. Một thực tế quan trọng là nhiều linh mục chết vì Covid-19 ở độ tuổi khoảng 40, tức là đang ở thời kỳ đỉnh cao. Các ngài không được chủng ngừa, vì liều lượng giới hạn nên vào tháng Tư chính phủ chỉ tiêm cho những người trên 45 tuổi. Chúng ta cần hiểu vì sao họ chết, không thể chỉ là những con số”.
“Những cái chết này - theo nhận xét của linh mục dòng Capuchin - là hình thức cao nhất của lòng bác ái Kitô Giáo: họ chết trong khi phục vụ người khác. Một số nhiễm vi-rút khi chủ sự tang lễ cho anh chị em, dù đã cẩn thận tuân theo tất cả các giao thức chống Covid. Nhiều nữ tu đã qua đời ở các vùng nông thôn, nơi không có đầy đủ các phương tiện chăm sóc sức khỏe. Họ làm việc cho những người nghèo và những người bị thiệt thòi ở những nơi thậm chí không có một trung tâm y tế cơ bản. Một trong những linh mục thiệt mạng đã phải đi 450 km để được chuyển đến bệnh viện ở Ghaziabad, nhiều nữ tu ở miền bắc đã chết vì thiếu cơ sở hạ tầng”.
Một số dòng tu bị ảnh hưởng đặc biệt: “Ít nhất 23 linh mục đã chết vì Covid-19 là các tu sĩ Dòng Tên, trong khi 12 chị em của Dòng Thừa sai Bác ái, là dòng do Mẹ Teresa thành lập. Dù cao tuổi hay mắc các bệnh khác, họ vẫn tiếp tục thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những người phong cùi. Covid-19 là một nhà thuyết giáo thầm lặng, người đã nhắc nhở chúng ta về thông điệp của Chúa Giêsu: hãy hiến mạng sống của bạn, để giữ được mạng sống mình. Nó đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về lời cầu nguyện và lòng sùng kính. Chúng ta hãy tập trung vào lòng trắc ẩn, lòng quảng đại, lòng tốt đối với người khác. Đây là bằng chứng về tình yêu của Chúa Kitô mà các linh mục và nữ tu đã chết vì hậu quả của Covid-19 ở Ấn Độ đã cống hiến cho đến cùng”.
Source:Asia News
4. Số lượt viếng thăm các Bảo tàng Vatican đã giảm 5.6 triệu lượt vào năm 2020
Số lượng du khách đến thăm các Bảo tàng Vatican đã giảm 5.6 triệu từ năm 2019 đến năm 2020 do gần 5 tháng đóng cửa trong bối cảnh những hạn chế vì COVID-19 của Ý.
Bảo tàng Vatican liên tục nằm trong số những bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới.
Hơn 6.8 triệu khách du lịch và những người đam mê nghệ thuật đã đến thăm các phòng trưng bày nghệ thuật của Vatican vào năm 2019, biến Vatican Museums trở thành bảo tàng được ghé thăm nhiều thứ ba trên toàn thế giới, theo báo cáo hàng năm của The Art Newspaper.
Bảo tàng Vatican xác nhận với CNA ngày 20 tháng 5 rằng tổng số du khách vào năm 2020 đã giảm xuống còn 1.3 triệu người, tức là giảm 82% so với năm trước.
Việc bán vé vào viện bảo tàng mang lại nguồn thu chính cho Tòa thánh. Sự sụt giảm doanh thu bán vé tiếp tục kéo dài sang năm 2021 khi Bảo tàng Vatican đóng cửa và tái đóng cửa trong nửa đầu năm.
Bảo tàng Vatican mở cửa trở lại vào ngày 3 tháng 5 sau khi đóng cửa vào tháng Giêng, một phần của tháng Ba và tháng Tư.
Các bảo tàng trên toàn cầu phải đóng cửa trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Bảo tàng Louvre ở Paris và Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, lần lượt là những viện bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất và thứ hai, cả hai đều báo cáo lượng người tham dự giảm mạnh.
Với việc Bảo Tàng Vatican mở lại, du khách một lần nữa có thể thấy những kiệt tác như ‘Phần mộ Chúa Kitô’ của Caravaggio, bức họa điêu khắc cổ La Mã Laocoön, và các Phòng Raphael bên trong các bức tường Vatican được phục hồi trong thời gian gần đây.
Việc mở cửa trở lại trong tháng này diễn ra khi Ý đã nới lỏng các hạn chế về coronavirus. Sau hơn một năm, tất cả người Mỹ một lần nữa được phép nhập cảnh vào đất nước này để du lịch, nếu họ bay trên một trong các chuyến bay thử nghiệm được xác định “không có COVID” do American Airlines và Delta cung cấp.
Liên minh Âu Châu cũng đang nghiên cứu về “chứng chỉ COVID-19” để khách du lịch có thể chứng minh rằng họ đã được tiêm phòng hoặc gần đây và đã xét nghiệm âm tính với vi rút.
Ý vẫn áp dụng lệnh giới nghiêm hàng đêm vào lúc 11 giờ đêm và luật pháp yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang cả ngoài trời và trong nhà, trừ khi đi ăn hoặc tập thể dục.
Theo cơ quan y tế địa phương, khoảng 40% dân số ở Lazio, khu vực của Ý, nơi có thành phố Rome, đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19.
Ủy viên y tế Lazio đã báo cáo 558 trường hợp mới nhiễm bệnh vào ngày 20 tháng 5 với 1,394 người hiện đang nhập viện vì virus.
Source:Catholic News Agency