1. Biden loại bỏ tu chính án Hyde khỏi ngân sách năm 2022 để có thể tài trợ tối đa cho phá thai
Hôm thứ Sáu 28 tháng 5, ông Joe Biden đã loại bỏ tu chính án Hyde được áp dụng trong 45 năm qua khỏi ngân sách tài chính 2022. Với quyết định này, ông hy vọng có thể dùng tiền thuế dân tài trợ cho các ca phá thai.
Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.
Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.
Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60, 000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.
Tuy nhiên, nghị quyết của Đảng Dân chủ năm 2016 đã kêu gọi bãi bỏ tu chính án Hyde và tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng này vào năm 2020 đều ủng hộ việc bãi bỏ chính sách này.
Joe Biden đã đảo ngược sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde vào năm ngoái, sau khi ông ta vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ phá thai - bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống tương lai Kamala Harris.
Tổng thống Trump đã ủng hộ Tu chính án Hyde, nhưng một dự luật để luật hóa nó - Đạo luật No Taxpayer Funding for Abortion – nghiã là Không Dùng Tiền Thuế Dân Tài Trợ Cho Phá Thai - đã không nhận được 60 phiếu bầu cần thiết tại Thượng viện, vào năm 2019.
Một số thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện bao gồm Barbara Lee, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California; Jan Schakowsky, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Illinois; và Ayanna Pressley, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Massachusetts, đã cố gắng bãi bỏ tu chính án này vào năm 2019 và một lần nữa vào năm 2020, thông qua việc ban hành luật để làm như vậy hoặc bằng cách cố gắng gây áp lực vào phút cuối khi thông qua các dự chi ngân sách.
Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, nói với CNA vào năm ngoái rằng “đã có sự đồng thuận rộng rãi trong lịch sử” về việc ủng hộ tu chính án này từ các thành viên của cả hai đảng chính trị lớn.
Do đó, ngài cho biết “Thật thất vọng khi thấy chủ nghĩa cực đoan hiện đang tấn công điều mà hầu hết người Mỹ coi là nguyên tắc rất quan trọng. Khi người ta hủy hoại cuộc sống của một con người, thì đó không phải là chăm sóc sức khỏe.
Thượng nghị sĩ Steve Daines của Đảng Cộng Hòa tuyên bố hôm thứ Sáu rằng dự chi ngân sách của Biden bao gồm “hàng tỷ đô la đóng thuế cho Planned Parenthood.”
Source:Catholic News Agency
2. Karachi: một bé gái Công Giáo 13 tuổi bị cưỡng hiếp trong nhà của mình trong khi cha mẹ đang làm việc
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã gióng lên tiếng chuông báo động về tệ nạn bách hại các trẻ em Kitô tại Pakistan.
Sheeza Waris, một cô gái Công Giáo 13 tuổi, đã bị cưỡng hiếp tại nhà khi bố mẹ cô đi làm. Gia đình Sheeza sống trong một căn nhà thuê ở Bhittaiabad, gần sân bay Karachi. Ngoài ra còn có hai đứa em khác của cô vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Sheeza là con cả và đã bị hãm hiếp bởi ba thanh niên Hồi giáo sống trong khu vực.
Warris, cha của Sheeza, kể rằng ông và vợ làm công việc quét đường và rời khỏi nhà lúc 8 giờ sáng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, cả hai đều đang đi làm. Khi họ quay lại, khoảng 4 giờ chiều, những đứa trẻ thông báo với họ rằng một số thanh niên đã xông vào nhà. Một tên canh cửa trong khi những tên khác đã cưỡng hiếp cô gái.
Warris nói rằng ba thanh niên - Muhammad Noman, Zaheer và Zain - đã đe dọa Sheeza về hậu quả nghiêm trọng nếu cô dám nói với cha mẹ và cảnh sát về điều đó. Zain, một trong những kẻ tấn công, là người đã canh cửa, sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ; hai tên còn lại lẩn trốn, và đang bị truy nã.
Sheeza đã phải nhập viện tại Trung tâm Y tế Jinnah, nơi cô đang trải qua một số cuộc kiểm tra. Gia đình cô vẫn đang chờ đợi kết quả từ các bác sĩ.
Vụ việc đã bị lên án mạnh mẽ bởi Dilawar Bhatti, chủ tịch Liên minh Kitô Hữu. Ông yêu cầu chính phủ phải có lập trường rõ ràng đối với mọi hình thái bạo lực chống lại các nhóm thiểu số. Ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng sự nổi tiếng của gia đình một trong những thủ phạm đang làm chậm công việc của cảnh sát và bác sĩ. Trên thực tế, gia đình của một trong hai kẻ tấn công có thế lực lớn trong đảng cầm quyền ở Sindh, đang gây áp lực lên bệnh viện và cảnh sát. Đối với Bhatti, đây là lý do tại sao gia đình Sheeza, ngay cả sau 24 giờ, vẫn chưa nhận được phản hồi pháp lý của bác sĩ.
Bhatti nhấn mạnh rằng “trong một tháng, đây là trường hợp hiếp dâm thứ hai ở Karachi, sau vụ Jamaima, một cô gái Công Giáo bị cưỡng bức. Trẻ vị thành niên theo Kitô Giáo luôn là mục tiêu”.
Luật sư Kashif Anthony, thuộc Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Karachi, lên án vụ việc, yêu cầu chính phủ bắt giữ “những con quái vật này và đưa chúng ra trước công lý”. Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia của Hội Đồng Giám Mục Pakistan cho biết đã liên lạc với gia đình nạn nhân và sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho gia đình.
Source:Asia News
3. Tổng thống Thái Anh Văn cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn đơn đặt hàng vắc xin Pfizer-BioNTech
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn thỏa thuận của Đài Loan với Pfizer-BioNTech về việc cung cấp vắc xin COVID-19.
Cô cho biết: “Chúng tôi đã gần hoàn thành hợp đồng với nhà bào chế chính gốc ở Đức, nhưng do sự can thiệp của Trung Quốc nên đến nay vẫn chưa có cách nào hoàn thành được”.
Đây là lần đầu tiên chính quyền hòn đảo công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về việc họ không thể mua năm triệu liều vắc-xin do Pfizer có trụ sở tại Mỹ và BioNTech của Đức phát triển.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Trần Thế Trung (Chen Shih-chung, 陈世忠) đã từng ám chỉ rằng Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn thỏa thuận này.
Đài Loan đã đạt được thỏa thuận với Pfizer và BioNTech vào cuối tháng 12. Các cuộc đàm phán đã được công ty Đức mở lời trước, nhưng giờ đây chính họ lại hủy bỏ vào phút cuối.
BioNTech đã cấp cho Tập đoàn Dược phẩm Phúc Tinh (Fosun, 复星)ở Thượng Hải, Trung Quốc quyền sản xuất và phân phối vắc-xin này không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở Hương Cảng, Ma Cao và Đài Loan.
Tập đoàn Dược phẩm Phúc Tinh đã trả cho công ty Đức 85 triệu Mỹ Kim và 50 triệu Mỹ Kim cho BioNTech.
Phải vật lộn với đợt tăng COVID-19 mới, chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn chỉ mới tiêm được 1 phần trăm dân số.
Đài Loan đã đặt hàng 14.7 triệu liều vắc xin AstraZeneca, 5 triệu liều của Moderna có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng đến nay mới chỉ nhận được 720,000 liều.
Đứng trước viễn ảnh này, Đài Loan đã quay sang tự sản xuất vắc-xin. Cuối tháng 7, họ hy vọng có thể tung ra vắc xin chống COVID sản xuất trong nước
Source:Asia News
4. Thêm nhiều giám mục chống lại sự chậm trễ trong cuộc thảo luận của các giám mục Hoa Kỳ về tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể
Nhiều giám mục Công Giáo đã lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục tiến trình theo kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề về “tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể”, tức là đời sống Kitô hữu và sự xứng đáng để rước lễ. Các giám mục đã phản ứng sau khi một Hồng Y người Mỹ viết thư yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, phải hoãn lại các cuộc thảo luận.
Vào ngày 25 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample của Portland ở Oregon đã lên tiếng “hoàn toàn ủng hộ” Đức Tổng Giám Mục Gomez và “đường hướng mà ngài đã đưa ra cho USCCB về vấn đề tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể”.
Đức Tổng Giám Mục Sample nói thêm: “Một số giám mục anh em của tôi đã yêu cầu trì hoãn tiến trình này, nhưng đây sẽ là một thất bại trong trách nhiệm mục vụ của chúng ta và một thất bại của tính đồng đoàn”.
“Nó cũng sẽ là trái với hướng dẫn gần đây được cung cấp bởi Bộ Giáo lý Đức tin. Tôi đứng về phía Đức Tổng Giám Mục Gomez và ban lãnh đạo của USCCB, và cam kết của các ngài trong việc cung cấp hướng dẫn về các câu hỏi mục vụ xung quanh Bí tích Thánh Thể”.
Vấn đề hiệp thông Thánh Thể của các chính trị gia ủng hộ phá thai một lần nữa lại là chủ đề bàn tán, vì cả Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều theo đạo Công Giáo nhưng lại ủng hộ mạnh mẽ việc hợp pháp hóa phá thai và dùng tiền người đóng thuế tài trợ cho phá thai.
Nhóm công tác của các giám mục Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden đã đề nghị một tài liệu giảng dạy về “Tính nhất quán trong Thánh Thể”.
Hồng Y Blase Cupich của Chicago, cùng với một số giám mục khác, gần đây đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Gomez. Thư của Đức Hồng Y Cupich yêu cầu rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về “tính nhất quán của Thánh Thể phải được hoãn lại, cho đến khi các Giám Mục có thể gặp mặt trực tiếp”.
Đức Cha James Conley của Lincoln đã có phản ứng mạnh mẽ đối với bức thư đó. Ngài nói rằng ngài “ngạc nhiên và mất tinh thần” khi biết rằng một nhóm giám mục đã viết thư yêu cầu hoãn lại.
“Nếu các cuộc thăm dò là chính xác, khoảng 70% người Công Giáo không tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Bây giờ không phải là lúc để tạm ngừng thảo luận giữa các giám mục Hoa Kỳ về vấn đề tính nhất quán của Thánh Thể trong cuộc họp tháng 6 sắp tới của chúng ta”, Đức Cha Conley nói trong một tuyên bố ngày 26 tháng 5.
“Chúng ta không được thảo luận ít hơn mà phải thảo luận nhiều hơn về mầu nhiệm, vẻ đẹp và ân sủng của Chúa Giêsu Thánh Thể”, Đức cha nói. “Tại khóa họp cuối cùng của chúng ta vào tháng 11, các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ tiến trình chuẩn bị một văn kiện giải quyết những vấn đề này”.
Đức Cha Conley cũng lên tiếng “ủng hộ hoàn toàn” Đức Tổng Giám Mục Gomez và kế hoạch của ngài.
Trong một tuyên bố ngày 25 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với CNA rằng ngài “vô cùng đau buồn” bởi những gì ngài nói là “sự mâu thuẫn gay gắt công khai ngày càng tăng giữa các giám mục và việc áp dụng các biện pháp vận động theo kiểu đi đêm để can thiệp vào tiến trình đã được chấp nhận, cũng như các thủ tục thông thường đã được thỏa thuận của USCCB”.
Đức Giám Mục Joseph Strickland của Tyler đã lên tiếng ủng hộ Đức Tổng Giám Mục Cordileone trên Twitter, ngày 26 tháng 5. Ngài nói: “Cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Cordileone... Tôi ở cùng các anh em...chúng ta hãy là các mục tử”.
Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã nhận xét hôm thứ Ba rằng vấn đề về tính nhất quán trong Bí tích Thánh Thể chủ yếu là “vấn đề yêu thương, vấn đề bác ái đối với người lân cận của chúng ta”, và trích dẫn lời cảnh báo của Thánh Phaolô rằng việc rước Thánh Thể cách không xứng đáng là một mối nguy hiểm đối với tâm hồn người Kitô hữu.
Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield ở Illinois đã lên tiếng ủng hộ Đức Tổng Giám Mục Gomez và ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố ngày 26 tháng 5, ngài lưu ý rằng cụm từ “tính nhất quán của Thánh Thể” đã xuất hiện trong Tài liệu Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh và Caribê, một tài liệu mà khi đó, Đức Hồng Y Bergoglio, hiện là Giáo hoàng Phanxicô, có “vai trò quan trọng” trong việc phát triển.
Trong tài liệu năm 2007 đó, các giám mục lưu ý đến vai trò của các viên chức công quyền trong việc bảo vệ sự thánh thiêng của cuộc sống, liên quan đến các vấn đề như phá thai và an tử. Các giám mục cho biết khi các quan chức Công Giáo ủng hộ những điều này và “những tội ác nghiêm trọng khác đối với cuộc sống và gia đình”, họ không được lên rước lễ.
Đức cha Paprocki nói thêm rằng giáo huấn về tính nhất quán trong Bí tích Thánh Thể rút ra từ giáo luật, điều này ngăn cấm những ai “cố chấp cố chấp trong các tội trọng tỏ tường” không được rước lễ.
Source:Catholic News Agency