1. Thông báo của Tòa Thánh về tình trạng của Đức Thánh Cha tối thứ Ba 13/7
Lúc 12g30 trưa ngày thứ Ba 13 tháng 7, theo giờ địa phương Rôma, tức là 5g30 chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một thông báo về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha trong đó lưu ý rằng tình trạng của Đức Thánh Cha đang tiếp tục khả quan.
Toàn văn thông báo như sau:
Đức Thánh Cha đang tiếp tục điều trị và phục hồi theo kế hoạch, điều này sẽ cho phép ngài trở lại Vatican càng sớm càng tốt.
Trong số rất nhiều bệnh nhân mà ngài đã gặp trong những ngày này, ngài đã đề cập đến một suy nghĩ đặc biệt dành cho những người nằm liệt giường và không thể trở về nhà: ngài mong họ sống thời gian này như một cơ hội, ngay cả khi phải trải qua đau đớn, hãy mở lòng mình ra với những anh chị em bệnh nhân ở giường bên cạnh, những người mà họ có chung thân phận yếu đuối của con người.
Source:Holy See Press Office
2. THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI !
THƯ KÊU GỌI CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GỬI ĐỒNG BÀO Công Giáo VIỆT NAM
Toà Giám mục Huế, ngày 09/07/2021
Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha và mọi thành phần dân Chúa Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Thủ Tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 16, đặt thành Phố Hồ Chi Minh trong tình trạng giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 09/07/2021. Phải quyết liệt như thế may ra có thể kìm hãm được phần nào thảm hoạ đang hung hãn lan tràn. Nhưng đây lại là một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai… Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?
Anh chị em hãy nhớ lại: chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Saigon khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt nam lúc nào cũng thì thào: một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công Giáo, mọi thành phần dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)
Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận hàng cứu trợ là: Văn Phòng Hội đồng Giám mục, tại số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3. Xin liên hệ với Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ qua đường dây nóng số 09.04.24.11.60. Sau khi nhận, Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng và tiền đến từ các tỉnh. Văn phòng cũng sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp làm thủ tục vận chuyển hàng hoá vào thành phố. Tài khoản: Văn phòng Hội đồng Giám mục VN, VNĐ số 0602.5831.4789; USD số 0602.5831.7699; ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gò Vấp.
Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Kitô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị lấy năm 2021 làm năm tôn vinh Thánh Giuse. Chúng Ta cầu nguyện cho Vị cha chung của chúng ta (đang tĩnh dưỡng tại bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đại tràng) sớm bình phục, nhất là cùng với ngài, chúng ta phó thác nhân loại và dân tộc vào đôi tay phù trợ của Thánh Cả Giuse.
Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cầu chúc mọi người được bằng an vượt qua đại dịch.
Thân ái và trân trọng kính chào.
Đã ký và đóng dấu
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Source:HĐGM VN
3. Điện văn của Đức Thánh Cha gởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu
Hôm Chúa Nhật 11 tháng 7, Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, nguyên Tổng giám mục Kinshasa, thủ đô Cộng hòa dân chủ Congo, đã qua đời tại Versaille, gần Paris, hưởng thọ 81 tuổi, sau một thời gian dài bị bệnh.
Đức Thánh Cha đã gởi điện chia buồn, nội dung như sau
Kính gởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu
Tổng giám mục Kinshasa
Sau khi biết tin đau buồn về cái chết của Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Kinshasa, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới hiền đệ, cũng như gia đình ngài, tới các Giám Mục Phụ Tá và các tín hữu của các giáo phận Inongo, Kisangani và Kinshasa mà Đức Cố Hồng Y đã lần lượt chăn dắt. Tôi khẩn xin Chúa Cha toàn năng giàu lòng thương xót chào đón vào chốn bình an tràn ngập ánh sáng của Ngài, nhà chú giải Kinh Thánh này, con người khoa học, con người tâm linh vĩ đại và vị Mục tử này đã hết lòng cống hiến cho Giáo hội, bất cứ nơi nào ngài được kêu gọi. Chú ý đến nhu cầu của các tín hữu, với lòng can đảm và quyết tâm, Đức Hồng Y Monsengwo đã hiến dâng cuộc đời mình với tư cách là một linh mục và giám mục cho việc hội nhập văn hóa đức tin và lựa chọn ưu tiên cho người nghèo. Qua đó, ngài thể hiện sứ mệnh tiên tri của Giáo hội.
Là một người yêu công lý, hòa bình và thống nhất, ngài đã tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển toàn diện của con người ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Đức Hồng Y Monsengwo là một nhân vật vĩ đại được lắng nghe và kính trọng trong đời sống giáo hội, xã hội và chính trị của quốc gia và luôn cam kết đối thoại và hòa giải dân tộc của mình. Sự đóng góp của ngài rất có ý nghĩa đối với sự tiến bộ của đất nước.
Là cộng tác viên trung thành và gần gũi với tôi trong những năm gần đây, ngài đã không ngừng đóng góp cho đời sống của Giáo hội hoàn vũ.
Như bảo chứng cho lòng ưu ái, tôi ban phép lành Tòa Thánh cho hiền đệ, cũng như cho các Giám Mục Phụ Tá, các linh mục, những người sống đời thánh hiến, gia đình của Đức Cố Hồng Y và thân nhân của ngài, các giáo phận và tất cả những ai sẽ tham gia thánh lễ an táng.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Với sự qua đi của Đức Hồng Y Monsengwo, Hồng Y đoàn còn 221 vị, trong đó có 124 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi.
Source:Holy See Press Office