CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
Lề luật và thái độ giữ luật
Ðnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23
Lời Chúa tuần này có thể làm cho chúng ta lẫn lộn và thắc mắc. Cả bài đọc I và bài đọc II đều kêu gọi hãy giữ luật Chúa, nhưng bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ Chúa Giêsu không giữ luật như rửa tay trước khi ăn và việc Chúa Giêsu kịch liệt lên án cách giữ luật của nhóm Biệt Phái và Luật Sỹ. Vậy tại sao Giáo Hội lại chọn những bài đọc này để đọc trong một thánh lễ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta tìm hiểu về vai trò của lề luật và thái độ giữ luật.
1- Vai trò của lề luật
Bất kỳ một tổ chức nào cũng cần có lề luật, quy định để giữ cho mọi sự trong trật tự. Lề luật được thiết lập để bảo bảo lợi ích chung và cá nhân. Khi đi đường, có luật giao thông bảo vệ sự an toàn cho mọi người. Khi làm ăn, có luật kinh tế bảo đảm sự công bằng cho mỗi người. Ở trường học, có luật của nhà trường. Ở công ty, có luật của công ty v.v… Là người Công Giáo, chúng ta có luật Chúa và luật Giáo Hội để tuân giữ.
Trong bài đọc I, dân tộc Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn như Dân riêng và Người ban cho họ luật Torah như là bảo chứng lòng trung thành của Dân với Thiên Chúa (x. Đnl 4,1-2.6-8). Họ được mời gọi phải tuân giữ luật Chúa để được sống và được ở trong Đất Hứa. Họ không được thêm hoặc bớt điều gì. Họ phải tuân giữ và đem ra thực hành. Nhờ đó họ trở thành một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại.
Đối các Kitô hữu, giữ luật là bằng chứng hùng hồn về căn tính và tình yêu đích thực của người môn đệ Chúa Kittô. Như có lần Chúa Giêsu quả quyết: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23).
Cũng theo đường hướng này, trong bài đọc II, thánh Giacôbê khuyên tuân giữ luật Chúa bằng việc thực hành những việc làm cụ thể: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức tinh tuyền… là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,22.27).
Thánh Gioan cho rằng: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2,4-5). Như thế, việc tuân giữ luật Chúa minh chứng lòng mến Chúa.
2- Thái độ giữ luật
Nhưng đến thời Chúa Giêsu, những người Biệt Phái và Luật Sỹ đã biến tôn giáo của họ thành một thứ tôn giáo vụ hình thức và nệ luật. Từ 10 giới răn họ đã đưa ra 613 khoản quy định tỉ mỉ, trong đó có 248 điều phải làm và 365 điều không được làm. Họ quá chú trọng đến những việc tuân giữ những quy định chi tiết bên ngoài nhưng lại lãng quên ý nghĩa bên trong của lề luật. Họ giữ luật để được người ta ca tụng và tỏ ra mình thanh sạch trước mặt mọi người. Họ thường bắt bẻ, chỉ trích người khác nhưng họ lại thiếu sự cảm thông và bác ái đối với tha nhân. Chính vì thế, Đức Giêsu đã thẳng thắng gọi họ là “những kẻ giả hình” hay đạo đức giả. Việc hành đạo của họ chỉ dừng lại ở những việc tuân giữ bên ngoài, chỉ nơi đầu môi chót lưỡi, như tiên tri Isaia xưa đã phàn nàn: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa Ta… Nó sùng kính ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người” (Is 29,13; x. Mc 7,6). Hay theo ngôn ngữ của Häring, một thần học gia luân lý nổi tiếng nói rằng: “Họ là những người giữ lề luật của Thiên Chúa nhưng lại quên đi chính Thiên Chúa của lề luật.”
Khi thi hành sứ vụ mình, Chúa Giêsu quả quyết rằng Người đến không phải để huỷ bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn lề luật. Thật vậy, với tư cách là một người Do Thái, Chúa Giêsu rất tôn trọng và giữ luật Cựu Ước. Người cũng đến hội đường cầu nguyện, Người cũng giữ chay và các tập tục của người Do Thái.
Tuy nhiên, điều mà Chúa Giêsu thực hiện để kiện toàn lề luật là việc Người đặt lại vị trí thiên luật vượt trên nhân luật và truyền thống loài người; Người mang đến một sự mới mẻ trong cách giữ luật theo trật tự: lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Lề luật được thiết lập để bảo vệ quyền lợi con người chứ không biến con người thành nô lệ. Hơn nữa, việc giữ luật phải diễn tả đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân.
3- Thiện căn ở tại lòng ta
Những người lãnh đạo tôn giáo cho rằng con người sẽ bị ô uế do việc tiếp xúc với những sự vật ô uế bên ngoài. Chúa Giêsu xác định căn nguyên của mọi sự thiện ác, sạch dơ không phải do tiếp túc với thế giới bên ngoài, nhưng nó phát xuất từ bên trong, từ lòng người mà ra: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế… tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,15.22). Tất cả những điều này mới làm cho con người ra ô uế. Như thế, Chúa Giêsu chỉ cho thấy gốc rễ sâu xa nhất của sự - ác chính là từ lòng người. Đây là chính cuộc cách mạng về quan niệm luân lý do Chúa Giêsu mang đến và là bản trắc nghiệm đích thực để xác định tính chân thực về tôn giáo của mỗi người; nó là nền tảng của tất cả sự văn minh và của lương tâm hoàn vũ; nó giúp hướng dẫn mọi tương quan lành mạnh giữa người với người và với thế giới vật chất.
Như thế, Lời Chúa hôm nay gửi tới chúng ta những bài học áp dụng sau đây:
1) Để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi tuân giữ và thực hành lề luật của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày.
2) Tuy nhiên, khi giữ luật, chúng ta cần tránh thái độ giả hình, vụ hình thức hay nệ luật như thái độ của Biệt Phái và các Luật Sỹ.
3) Và chúng ta hãy luôn nhớ rằng mọi đều xấu xa không phải đến từ bên ngoài nhưng từ lòng dạ con người, nên mỗi ngày chúng ta hãy siêng năng xét mình để biết mình và cố gắng diệt trừ những tính xấu bằng cách rèn luyện những đức tính tốt nơi bản thân.
Để kết thúc, chúng ta nghe câu chuyện về hai nhà sư xuống núi. Dọc đường họ gặp một thiếu nữ rất xinh đẹp đứng bên vũng nước sâu. Cô muốn đi qua mà không sao qua được vì cái váy dài thòng lòng. Thấy vậy, nhà sư trẻ liền đến bế cô qua bên kia. Trở về đến chùa, nhà sư già phàn nàn nhà sư trẻ: “Sao anh là thầy tu mà thấy gái là bế liền như thế?” Nhà sư trẻ trả lời: “Con đã để cô ấy lại bên kia đường, sao thầy còn mang cô ta về tận nhà chùa?”
Câu chuyện trên diễn tả cùng một chân lý mà Chúa Giêsu hôm nay muốn nói. Mọi sự xấu xa phát xuất từ lòng trí, tư tưởng xấu xa của con người. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tuân giữ luật Chúa và biết đào luyện lương tâm, lòng trí chúng ta nên tốt để từ đó phát sinh những tư tưởng và hành động tốt cho đời sống chúng ta. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/