CHÚA NHẬT 25 TN B
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
MUỐN LÀM NGƯỜI ĐẦU PHẢI HẦU THIÊN HẠ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 9,30-37
(30) Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”.(32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (33) Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: (37) “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay gồm 3 điểm chính như sau:
Một là Đức Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Người sắp trải qua, nhưng các môn đệ không dám hỏi Người do sợ bị quở trách hay sợ phải đối diện với sự thật không như ý.
Hai là các ông tưởng Thầy sắp đi lên Giê-ru-sa-lem để làm vua, nên tranh giành nhau chức vụ cao trong Nước của Người. Đức Giê-su đã dạy các ông bài học khiêm tốn là ai muốn làm đầu phải sẵn sàng làm tôi tớ phục vụ mọi người.
Ba là Người đòi các ông phải đặc biệt quan tâm đến những người cùng khổ bé nhỏ, tượng trưng bằng một đứa trẻ được Người đặt giữa các ông. Người còn tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ này.
3. CHÚ THÍCH:
- C 30-32: + Con Người: Nhấn mạnh về nhân tính của Đức Giê-su. Như người Tôi Trung của Đức Chúa, Đức Giê-su sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho dân hầu làm cho các tội nhân được nên công chính (x. Is 53,2-12). +Sẽ bị nộp vào tay người đời: “Rơi vào tay người đời” là một số phận hẩm hiu, trái ngược với “Rơi vào tay Đức Chúa” (2 Sm 24,14). Thánh Phao-lô viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). +Bị giết chết và sẽ sống lại: Người sẽ bị giết do tay người đời nhưng sẽ sống lại nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Cv 13,27-30). +Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người: Vì chưa có ý niệm gì về mầu nhiệm thập giá nên các môn đệ cảm thấy rất buồn khi nghe Thầy loan báo điều này (x. Mt 17,23). Họ không dám hỏi lại có lẽ vì sợ bị Thầy quở trách như Phê-rô đã bị trước đó (x. Mc 8,33), hoặc sợ phải đối diện với sự thật không như ý muốn !
- C 33-34: + “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”: Đặt câu hỏi này với các môn đệ, Đức Giê-su cho thấy Người luôn quan sát từng lời nói và cử chỉ hành động của các ông để kịp thời giáo huấn. + Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả: Qua thái độ làm thinh, các môn đệ đã nhận ra khuyết điểm của các ông là ham muốn địa vị quyền hành, trái với tinh thần khiêm nhường phục vụ theo lời dạy của Thầy.
- C 35-37: + Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: Trong tư thế ngồi của một ông thầy (ráp-bi), Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai môn đệ lại gần mà giáo huấn. + “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”: Đức Giê-su nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là sự tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Ở đây có sự đối nghịch giữa “người đứng đầu” với “người rốt hết”. Đối với Đức Giê-su, giá trị của người lãnh đạo phải dựa trên nền tảng là đức khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện. + “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”: Em nhỏ trong câu này không tượng trưng cho sự ngây thơ vô tội, nhưng là biểu tượng cho người nghèo khó tầm thường, những kẻ vô danh tiểu tốt, tàn tật, yếu đuối và bị bỏ rơi... + “Là tiếp đón chính Thầy... tiếp đón Đấng đã sai Thầy”: Đức Giê-su đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ Chúa Cha là Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).
4. CÂU HỎI:
1) Khi tự xưng là Con Người, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì?
2) Đức Giê-su đã loan báo về sứ mệnh Thiên Sai như thế nào?
3) Tại sao các môn đệ dù chưa hiểu rõ lại không dám hỏi Thầy về điều các ông vừa nghe?
4) Dọc đường, các môn đệ tranh luận với nhau điều gì?
Tại sao các ông làm thinh không trả lời câu Thầy hỏi?
5) Đức Giê-su đòi các mục tử trong Hội Thánh phải có cách ăn ở thế nào?
6) Khi đưa một em nhỏ đặt giữa các ông, Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ bài học gì?
7) Người dạy các ông phải khiêm nhường phục vụ những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA:
Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
2. CÂU CHUYỆN:
1) GƯƠNG KHIÊM HẠ PHỤC VỤ NGƯỜI KHỐN CÙNG CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA:
Ngày 05/09/1997, ngay sau khi tin Mẹ Tê-rê-sa qua đời được loan đi, đã gây một chấn động lớn cho toàn thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ lòng thương tiếc. Rất nhiều những điện văn chia buồn của các vị nguyên thủ trên khắp thế giới gửi đến phân ưu. Mẹ Tê-rê-sa chỉ là một nữ tu người An-ba-ni bình thường. Mẹ sang Ấn độ thành lập dòng Thừa Sai Bác Ái.
Điều đáng chú ý nơi người nữ tu bé nhỏ này là một tâm hồn vĩ đại, dạt dào yêu thương. Mẹ đã dành cả đời mình để săn sóc phục vụ những người cùng khổ. Mẹ đã cúi xuống để đưa những người đói khát, bệnh tật, đưa người hấp hối đang bị bỏ rơi nằm chờ chết bên vệ đường, bãi rác, phố chợ về mái ấm tu viện để được chăm sóc vỗ về và được chết như một con người. Chính quyền Ấn độ đã tuyên bố lễ tang của Mẹ là quốc tang. Hàng ngàn người Ấn độ và nhiều người thuộc các quốc tịch, các tầng lớp xã hội… đã bất chấp mưa gió, xếp hàng dài hàng cây số trước trụ sở dòng Thừa Sai Bác Ái ở Can-quýt-ta để được viếng xác và nhìn mặt người nữ tu khả ái ấy lần cuối.
Trong thời đại chúng ta, không ai được nhiều người quý mến cảm phục bằng Mẹ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một con người cao cả và vĩ đại. Giá trị của Mẹ không hệ tại ở sắc đẹp, giàu sang, tài năng hay quyền thế, nhưng ở chỗ đã thực thi lời Chúa Giê-su: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
2) GƯƠNG KHIÊM TỐN PHỤC VỤ CỦA MỘT VỊ GIÁM MỤC:
Thánh PHAN-XI-CÔ SA-LÊ-SI-Ô là một giám mục nổi tiếng về lòng khoan dung và đức khiêm nhường phục vụ. Ngày nọ sau giờ làm việc, người giúp việc của Tòa Giám Mục vốn có tật thích ăn nhậu say xỉn đã leo rào ra ngoài quán cóc gần đường ăn nhậu với chúng bạn và đã bất cẩn uống rượu quá chén. Khi mò về tới tòa giám mục thì trời đã khuya. Do quá say, anh quên rằng phải leo rào để về nơi ở, nên đã nằm đại ra trước cổng tòa giám mục ngủ ngáy khò khò. Bấy giờ thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô vẫn còn thức đêm làm việc, nghe thấy tiếng ngáy liền đi ra mở cổng và khi nhận ra người giúp việc của ngài đang ngủ say, liền cõng anh ta vào phòng riêng và đặt nằm trên giường của mình. Còn ngài thì tạm nghỉ trên chiếc ghế sa-lon trong phòng khách.
Sáng ngày thức dậy, anh giúp việc rất ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên giường của Đức Giám Mục. Anh nhớ ra bữa nhậu say xỉn tối hôm trước, liền vội chạy đến quì trước mặt Đức Giám Mục thú tội để xin tha tội. Và cũng từ ngày đó anh giúp việc đã chừa được tật ưa thích ăn nhậu say xỉn. Anh không bao giờ còn dám lẻn ra ngoài để chung vui với bạn bè vào lúc đêm tối nữa.
3) GƯƠNG KHIÊM TỐN PHỤC VỤ CỦA VIÊN BÁC SĨ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN:
Cùng với cha và người em, bác sĩ SA-RI MÊ-Ô (Charies Mayo) đã xây dựng bệnh viện Mê-ô nổi tiếng tại thành phố Rô-sét-tơ (Rochester) Hoa kỳ.
Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quí khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ May-ô làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng ! Có thể họ đã quên làm việc này chăng? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó đến làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang miệt mài chùi bóng những chiếc giày cuối cùng cho các vị khách quí.
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành huyền thoại ! Bác sĩ May-ô được ca tụng không những vì tài năng chữa bệnh, và những công trình y khoa mang lại nhiều ích lợi cho bệnh nhân, mà còn vì lối sống khiêm tốn bình dị của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì để phục vụ người khác, dù việc ấy không xứng tầm với địa vị giám đốc của ông.
4) KHIÊM TỐN TRONG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG:
PAE-DA-TE-ROS sống ở thành Spartes nước Hy Lạp. Dân thành tổ chức bầu nghị viện gồm ba trăm người. Paedateros xin ghi danh làm ứng cử viên. Kết quả bầu cử, trong danh sách những người trúng cử lại không có tên Pae-da-te-ros. Bấy giờ một người bạn thân của ông liền nói lời để an ủi ông:
- Tiếc thật, người ta đã không bầu cho anh. Họ không biết rằng nếu anh mà được trúng cử, thì chắc anh sẽ trở thành một vị chính khách lỗi lạc của thành phố ! ”
Nghe bạn nói xong, Pae-da-te-ros thản nhiên trả lời rằng:
- Trái lại, tôi rất vui vì trong thành Spartes này vẫn còn tới 300 người tài đức hơn tôi.
Pae-da-te-ros đã nêu gương khiêm tốn, qua thái độ sẵn sàng chấp nhận thua kẻ khác, mà không thốt ra một lời oán trách như nhiều người sẽ làm trong hoàn cảnh tương tự.
5) PHẢI PHỤNG SỰ CHÚA QUA NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ BẤT HẠNH:
Có một vị tu sĩ già kia ước mong được gặp Chúa, nhưng sau nhiều năm cầu xin mà vẫn không được như ý. Khi ông đã hoàn toàn thất vọng, thì một ngày nọ Chúa Giê-su đã hiện ra với ông khiến ông cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, giữa lúc ông đang hân hoan thưa chuyện với Chúa thì một hồi chuông trong tu viện vang lên báo hiệu tới giờ phát gạo cho người nghèo mà hôm nay đến phiên ông phải làm việc đó. Nếu ông không phân phát gạo thì sẽ có nhiều gia đình nghèo không có cơm ăn. Bấy giờ vị tu sĩ bị giằng co giữa một bên là ở lại thưa chuyện với Chúa và một bên là đi phục vụ người nghèo. Cuối cùng ông đã quyết định tạm biệt Chúa để đi phát gạo cho đám dân túng đói.
Sau hơn ba giờ tận tình phục vụ, ông trở về phòng tiếp tục đàm đạo với Chúa. Ông nghĩ chắc Chúa chờ lâu nên đã bỏ đi rồi. Nhưng khi mở cửa phòng, ông thấy Người vẫn đang ngồi chờ ông. Thế là ông liền quỳ gối tạ ơn Chúa. Bấy giờ Chúa nói với ông:
– Giả như hôm nay con không đi phát gạo cho đám dân nghèo thì Ta cũng sẽ không ở lại tới giờ này để nói chuyện với con đâu.
Câu chuyện trên cho thấy phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh cũng là phục vụ chính Chúa Giê-su như lời Người phán với những kẻ khiêm tốn phục vụ tha nhân vào ngày tận thế: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Vì mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
3. THẢO LUẬN:
Là người đứng đầu một tập thể nhỏ là gia đình, đội nhóm… và có chút quyền hành, chúng ta sẽ làm gì để noi gương Mục Tử Giê-su: “Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
4. SUY NIỆM:
1) NGƯỜI TA THƯỜNG TRANH GIÀNH ĐỊA VỊ QUYỀN HÀNH:
Khi theo Thầy Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem, các môn đệ tưởng Thầy sắp lên làm vua, nên dọc đường các ông tranh cãi nhau xem ai sẽ nắm giữ chức vụ lớn nhất khi Thầy làm vua! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng của các ông, nên khi Thầy trò về tới nhà trọ tại thành Ca-phác-na-um, Người đã dạy các ông bài học về sự khiêm tốn phục vụ của người môn đệ như sau: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Mc 9,35), giống như “Con Người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ” (Mc 10,45). Đối với Đức Giê-su: Giá trị của người môn đệ không hệ tại địa vị cao thấp, mà tuỳ theo họ đã khiêm tốn phục vụ tha nhân ra sao.
2) MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU PHẢI CÓ TINH THẦN KHIÊM TỐN PHỤC VỤ:
- Không phải vô cớ mà sau đó Đức Giê-su đã đưa một em nhỏ đặt ngồi giữa các môn đệ khi dạy dỗ các ông. Thời đó trong xã hội Do thái, trẻ em thuộc hạng người thấp kém. Chúa đã dạy môn đệ: Ai muốn làm môn đệ thực sự của Người, cần phải quan tâm phục vụ những người thấp kém nhất trong xã hội như các trẻ nhỏ.
Tin Mừng Gio-an cũng thuật lại việc Đức Giê-su đã khiêm tốn làm công việc của người giúp việc trong bữa Tiệc Ly, là quỳ gối rửa chân cho các môn đệ, rồi sau đó dạy các ông điều răn mới: “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Yêu thương như Thầy chính là khiêm tốn rửa chân phục vụ lẫn cho nhau (x. Ga 13,12-15).
Tông đồ Phao-lô cũng trình bày gương khiêm hạ vâng phục của Đức Giê-su trong thư Phi-lip-phê như sau: "Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,5b-8). Đối với Đức Giê-su: Người làm lớn không phải là người lúc nào cũng ra lệnh cho người dưới, nhưng phải biết dùng tình yêu và nêu gương sáng để gây thiện cảm, nhờ đó họ sẽ tin vào Tin Mừng và cùng đi theo làm môn đệ của Chúa với mình.
- Lãnh đạo theo Chúa Giêsu phải vừa có tâm có tầm, lại vừa phải có đức có tài để phục vụ tha nhân với tinh thần bác ái mục tử. Thánh Phê-rô đã khuyên các vị mục tử như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn; Không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-4).
3) NGƯỜI MỤC TỬ CẦN KHIÊM TỐN PHỤC VỤ NGƯỜI DƯỚI THẾ NÀO?:
Noi gương Đức Giê-su, các mục tử hôm nay cần trở thành người tôi tớ trung tín, hoặc như một bà mẹ sẵn sàng hy sinh phục vụ con thơ, hay như người mục tử nhân lành luôn chăm sóc phục vụ đoàn chiên.
- Như người tôi tớ trung tín: Điều quan trọng của người tôi tớ trung tín là phục vụ và nhiệt tình làm mọi việc trong phần vụ được chủ nhân yêu cầu, tránh phục vụ theo kiểu ban ơn, thể hiện qua thái độ hống hách, khinh thường người dưới. Nhất là tránh thái độ công thần, khoe khoang công lao thành tích phục vụ của mình và đòi tập thể phải tỏ lòng kính trọng biết ơn. Mỗi tín hữu cần biết noi gương Đức Giê-su, Đấng tuy là Thầy là Chúa nhưng đã khiêm hạ rửa chân phục vụ môn đệ.
- Như bà mẹ hy sinh phục vụ con thơ: Động lực phục vụ của bà mẹ là tình mẫu tử, không so đo tính toán hơn thiệt với con, luôn quên mình để tìm lợi ích cho con như câu tục ngữ đã ca tụng sự hy sinh của mẹ: “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.
- Như mục tử nhân lành phục vụ đoàn chiên: Mục tử tốt lành hiểu biết để cảm thông với những khó khăn của đoàn chiên được trao phó cho mình chăn dắt; Luôn lo lắng chăm sóc và dẫn đưa đoàn chiên đến cánh đồng cỏ xanh tươi có suối nước trong; Quan tâm bảo vệ đoàn chiên bằng việc can đảm đương đầu với sói dữ rình rập cắn xé và làm cho đoàn chiên tan tác; Sẵn sàng hy sinh sức lực để đi tìm chiên lạc, băng bó các con chiên bị thương tích... Tóm lại phải có tinh thần yêu thương phục vụ như mục tử nhân lành Giê-su: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10.14).
4) HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY (Lc 10,37):
Để thực hành đức khiêm nhường phục vụ noi gương Đức Giê-su, mỗi người mục tử cần thực hành cụ thể như sau:
- Cầu xin ơn Chúa giúp: Hãy năng dâng lời nguyện tắt để xin Chúa Giê-su Phục Sinh đổ ơn Thánh Thần giúp chúng ta sống khiêm hạ qua việc phục vụ tha nhân, nhất là săn sóc những người tàn tật, già cả, bệnh tật và bị bỏ rơi… ở gần ngay bên chúng ta.
- Cần tự kiểm vào lúc cuối ngày: Để thực tập khiêm nhường phục vụ, chúng ta nên dành một phút để hồi tâm tự kiểm trước khi đi ngủ: “Hôm nay tôi có phục vụ được ai hay không? Tôi làm các việc lành để tìm làm vinh danh cho Chúa hay để tìm tiếng khen nơi người đời? ” (x Mt 6,1). “Tôi có sẵn lòng làm những việc phục vụ vô danh không ai muốn làm không? ” (x Mt 6,2). “Tôi có cảm thấy ấm ức khi làm việc tốt mà không được người khác hay biết hoặc không được ai động viên khen ngợi không? ” (x Mt 6,3-4).
- Cần phục vụ với tình yêu thương: Những người đứng đầu cộng đòan không nên nại vào lý do mình đã phục vụ cho tập thể để đòi mọi người phải biết ơn và phục vụ lại mình. Các vị mục tử cần tránh thái độ quan liêu vô trách nhiệm, thiếu đức ái mục tử… giống như những kẻ chăn thuê đã bị Đức Giê-su quở trách (x Ga 10,11-13).
- Tập khen ngợi và đề cao các việc tốt của tha nhân: Mỗi ngày hãy nói lời khen ngợi tha nhân ít nhất một lần. Chẳng hạn: khen một nhân viên có tinh thần trách nhiệm cao; Khen bà bán hàng rong đã trả lại tiền còn dư cho khách; Đề cao một thày giáo sẵn sàng mở lớp dạy miễn phí cho học sinh yếu kém... Hãy biến cuộc sống của chúng ta trở thành thánh lễ nối dài bằng thái độ khiêm tốn và nhiệt thành phục vụ tha nhân.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa đang hiện thân nơi những người đói cơm vật chất và thiếu bánh tinh thần là Lời Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những người đau khổ bệnh tật và cô đơn. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng đón nhận tha nhân, mở trái tim để cảm thông, mở đôi tay để phục vụ người nghèo khổ như phục vụ chính Chúa. Ước gì chúng con luôn kết hiệp với Chúa để phục vụ tha nhân trong sự âm thầm khiêm hạ, hầu xứng đáng được Chúa tha tội và ban hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.