Ngã Đau Mà Lại Sáng Cho Người Tông Đồ

(Lễ Thánh Phaolô trở lại 25-01)

Chẳng biết đang phi nước kiệu hay phi nước đại, nhưng đã ngã ngựa thì không tróc vảy cũng trầy da. Chàng thanh niên Phaolô trên đường Đamát dường như khó quên cú ngã năm nào. Chính vì thế mà ngài, thánh Phaolô sau này thường xuyên nhắc lại biến cố ngã ngựa này. Cũng có thể có đau phần nào nhưng điều chính yếu là sau cú ngã ấy ngài đã sáng ra, đã ngộ ra nhiều chân lý khiến cho cuộc đời, lối đi của ngài đổi thay hoàn toàn. Phaolô đã ngộ ra những gì sau cú ngã ấy? Thật nhiều sự, nhưng xin liệt kê đôi điều:

1. Để thành công thì nguyên lòng nhiệt thành vẫn chưa đủ: Quả thật, để hoàn tất một dự định lớn, để đạt đích lý tưởng đặt ra thì ta không thể không có lòng nhiệt thành. Người có lòng nhiệt thành là người luôn can đảm đi đầu trong những việc khó và đó là những việc phải làm và nên làm. Không ngại gian nguy, không sợ vất vả… sẵn sàng đối diện với chông gai và cả thất bại đó là những đức tính của người nhiệt thành.

Dưới góc độ này thì ta có thể nói Phaolô có thừa sự nhiệt thành. Những nghĩ rằng nhóm người theo ông Kitô là thứ lạc đạo, là mầm mống nguy hại cho dân tộc, cho tôn giáo chính truyền, chàng thanh niên Phaolô tình nguyện xông pha tiền tuyến để tiêu diệt. Sau khi trở lại thì sự nhiệt thành của Phaolô càng rõ nét hơn nhiều. Dù gian nguy, dù khốn khó, không gì ngăn được bước chân người nhiệt thành Phaolô. Trong số các tông đồ hình như ít ai chịu thử thách khốn khó nhiều như Phaolô: “năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi” (2Cr 11,24-25).

Tuy nhiên nhờ cú ngã tại Đamát, Phaolô ngộ ra rằng chỉ nguyên sự nhiệt thành thôi vẫn chưa đủ. Một câu nói theo dạng công thức toán học như đã phổ biến với người sống trong xã hội được gọi là “xã hội chủ nghĩa”: nhiệt thành cộng với ngu dốt bằng phá hoại (nhiệt thành + ngu dốt = phá hoại). Ngu dốt ở đây không phải chỉ là không biết mà gồm cả cái sự biết không đúng, biết không đủ, biết một chiều… Nhờ cú ngã, Phaolô đã sáng ra cái sự thật này: cuồng tín là một hình thức “ngu dốt”.

2. Có lòng nhiệt thành và sự hiểu biết (có tri thức) vẫn chưa đủ: Nói về sự học hay xét về mặt kiến thức thì khó có ai bì với Phaolô. Xuất thân từ một gia đình khá giả, lại được làm môn sinh của Gamalien, một vị tôn sư lỗi lạc, Phaolô đáng làm thầy của tất cả các tông đồ còn lại. Đọc kỷ các bài giảng thuyết của ngài trong sách Công Vụ Tông Đồ hay thẩm định kiến thức và văn chương của ngài qua các bức thư lớn nhỏ, chúng ta dễ dàng chân nhận sự uyên bác của thánh nhân. Có thể nói là tài ăn nói của ngài bị hạn chế (ngài có tật nói lắp), nhưng kiến thức của ngài thật khó có ai sánh bì.

Thế nhưng Phaolô đã cảm nhận, đúng hơn là đã ngộ ra rằng nguyên chỉ sự nhiệt thành và kiến thức rộng vẫn chưa đủ cho người Tông đồ của Đức Kitô. Cần phải có sự cảm nghiệm rằng mình được yêu thương một cách nhưng không. Ngài đã xác nhận điều này nhiều lần, cách riêng với các môn đệ thân tín: “Sở dĩ tôi được xót thương là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1,16).

Chính khi cảm nghiệm mình được yêu thương một cách vô điều kiện, nghĩa là không vì sự gì tốt đẹp nơi mình, thì ta sẽ sẵn sàng quảng đại hiến dâng cho tha nhân, vì như thánh nhân xác nhận: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

3. Trong đời hoạt động tông đồ, nỗ lực một mình là không đủ, cần có sự hợp tác của nhiều người trong tinh thần hiệp nhất và sự hiệp thông. Con Thiên Chúa làm người không đơn thương độc mã trong hành trình rao giảng Tin mừng. Người đã chọn gọi 12 tông đồ góp sức, đã chọn gọi 72 môn đệ chung phần. Chứng nhân tập thể luôn có thế giá ưu việt. Phaolô đã ngộ ra rằng để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này thì Chúa dùng mỗi người mỗi việc, mỗi cách thế khác nhau. Người thì làm ngôn sứ, kẻ thì làm thầy dạy, người thì chữa bệnh, kẻ thì phân biệt Thần khí… Ngài đã dùng hình ảnh các chi thể trong thân thể để minh họa sự cần thiết lẫn nhau trong việc xây dựng nước Chúa (x.1Cr 12). “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Trong công cuộc xây dựng Nước Chúa thì “Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).

Để gìn giữ sự hiệp nhất, cần thiết phải có sự hiệp thông giữa các thành phần. Đặc biệt trong đời tông đồ chứng nhân, sự hiệp thông như là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công. Người sống trong tình hiệp thông với tha nhân là người đang cùng chung một sức sống với người khác. Sống hiệp thông thì không chỉ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, mà thực sự như lời thánh Công đồng Vatican II “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con nguời mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Thánh Phaolô đã sống tình hiệp thông này cách cụ thể: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,22-23).

4. Mọi sự đều là hồng ân: Để ngộ ra chân lý này, Phaolô cảm nghiệm và thú nhận sự hèn yếu của mình. Ngài chỉ là đứa trẻ sinh non, là vị tông đồ rốt hết và không xứng làm tông đồ của Chúa Kitô. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn còn đó nhiều điều ngài muốn ngài lại không làm còn những điều ngài không muốn thì ngài lại làm (x.Rm 7,17-20). Hơn nữa, cái dằm trong xác thịt của ngài luôn làm ngài nhức nhối và khiến cho ma quỷ thường xuyên vã mặt ngài (x.2Cor 7-8). Chính vì thế ngài đã không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng ngài không có gì để mà khoe khoang hay hãnh diện ngoài những yếu đuối của mình (x.2Cr 11,30; 12, 5).

Xuất phát từ thái độ khiêm nhu, chân thành nhìn nhận con người của mình, không chút che đậy hay lấp liếm thì ta sẽ dễ dàng nhận ra hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Từ chỗ nhìn nhận hồng ân của Chúa thì ta sẽ thấy quyền năng vô biên của Người. Phải, “điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi” (1Cr 1, 27).

5. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật (Rm 14,8). Trước ân tình vô biên và nhưng không của Thiên Chúa, thì chẳng có sự đáp trả nào của chúng ta được gọi là cân xứng. Tình yêu mới đáp lại tình yêu. Giả như tôi có nói được nhiều thứ tiếng, làm được nhiều phép lạ… mà không có bác ái thì thì chỉ phèng la não bạt (x.1Cr 13). “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,14).

Cú ngã của Thánh Phaolô không chỉ mở mắt thánh nhân mà con mở luôn con tim của ngài. Ngài nhân ra mọi sự rồi sẽ qua đi, kể cả đức tin lẫn đức cậy. Duy chỉ đức ái mới tồn tại vạn đại thiên thu (x.1Cr 13,13).

MỘT VÀI TÂM TÌNH TỰ KIỂM CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ :

Ngã đau hay bị xây xước là chuyện như cơm bữa của kiếp người, dĩ nhiên ngoại trừ Mẹ Maria, người được Thiên Chúa ưu ái gìn giữ cách đặc biệt. Thoạt sinh ra, tôi đã ở trong tội. Chập chững bước vào đời, nhiều lần té đau, ngã nặng. “Đa thọ đa nhục; đa phú đa ưu” vốn là kinh nghiệm của người xưa xác nhận với cháu con hậu thế. Cuộc đời tông đồ không thể tránh những vấp váp, thất bại mặt này hay mặt khác, trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động tông đồ. Thế nhưng, sau mỗi lần vấp ngã, ta có ngộ thêm được điều gì hữu ích?

1. Lòng nhiệt thành của ta có gia tăng hay bị giảm sút sau những cái ngã? Tôi có quên đi và bỏ lại đằng sau những thất bại, vấp ngã để lao mình về phía trước? Để có được điều này, xin ghi nhớ một trong những tính cách của Chúa là “hay quên tội lỗi của con người”. Tâm tình của tác giả Thánh Vịnh và hầu chắc đây là tâm tình của vua Đavít: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, thì nào ai chịu nỗi được ư?” (x.Tv 129). Tuy nhiên cũng cần xét lại cung cách sống được gọi là nhiệt thành. Không dám so sánh với các thánh Tông đồ ngày xưa, chỉ cần nhìn lại sự dấn thân của các nhà truyền giáo đã gieo rắc Tin mừng trên quê hương đất Việt chúng ta thì cũng đủ thấy. Người tông đồ hôm nay có thực sự bị tiện nghi vật chất hay tâm lý hưởng thụ làm chùn chân bước?

2. Tôi có thấy ra một trong những nguyên nhân khiến tôi gặp thất bại hay bị vấp ngã đó là vì tôi không biết hay biết không đúng, biết chưa đủ? “Sự học như con thuyền đi nước ngược. Không tiến, ắt lùi”. Với người tông đồ thì việc không ngừng nâng cao kiến thức, không ngừng hoàn thiện tri thức là một đòi hỏi có tình tất yếu. “Mù dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Nếu ta mù thật thì có lẽ tác hại có phần hạn chế. Đằng này ta bị lệch lạc trong cái nhìn mà cứ tưởng mình thấy rõ, nhìn đúng thì thật tai hại khó lường. Một thánh Giám Mục đã từng nói: Một linh mục tội lỗi thì làm thiệt hại cho Hội Thánh ít hơn là một linh mục lầm lạc, vì thiếu học hỏi, vì ngài ở trong vị thế lãnh đạo. Đã là linh mục thì dường như có tâm lý là đã biết hết mọi sự? Không ai dám to gan vỗ ngực về điều này, thế nhưng việc ít trau dồi kiến thức, ít rèn luyện tri thức là một thiếu sót. Các giáo phận đã nỗ lực bù đắp thiếu sót này bằng một hai dịp “thường huấn” cho các linh mục. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ so với đà tiến bộ và phát triển của xã hội hôm nay, chưa kể thực chất và hiệu quả những lần thường huấn như thế nào. Phải công nhận rằng các chuyên gia về các lãnh vực đạo, đời hiện nay không là hiếm. Tuy nhiên vẫn còn đó tâm lý đồng hóa các chuyên gia với người chức trọng, quyền cao hoặc với người lãnh đạo. Đang là chủng sinh, vốn liếng âm nhạc của tôi ở bậc thường. Bỗng sau khi lãnh nhận thiên chức, người ta phong tôi lên hàng nhạc sư. Căn bản thần học của tôi năm cuối ở Chủng Viện có thể chưa đủ điểm trung bình, thế nhưng sau khi thụ phong linh mục, tôi có thể đinh ninh rằng mình nói gì cũng đúng. Dù rằng cần phải tin vào ơn hiện sủng (ơn đấng bậc – grace d’ état), nhưng ân sủng của Chúa không loại bỏ tự nhiên.

3. Tinh thần hợp tác, hiệp nhất và sự hiệp thông giữa những người tông đồ như thế nào? Đã từng có nhận định: một người Việt Nam làm việc độc lập có thể bằng ba, bốn người Tây phương. Nhưng mười người Việt Nam làm việc chung thì chỉ bằng một phần ba của năm, sáu người Tây phương cộng tác. Không biết lời nhận định ở trên có phản ánh đúng thực trạng hoạt động tông đồ của Hội Thánh Việt Nam chăng? Dẫu sao, chúng ta cũng cần giật mình để tự kiểm về tinh thần hợp tác, hiệp nhất. Có lẽ điều cần tự kiểm trước tiên đó là sự hiệp thông giữa những người muốn theo sát Chúa Kitô trên con đường rao giảng Tin Mừng, phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân.

4. Thái độ khiêm nhu, tâm tình cảm tạ: Ngay sau ngày tuyên khấn hay lãnh nhận thiên chức Linh mục, Giám mục là những ngày “đại Lễ tạ ơn”. Các bài diễn văn cám ơn của tân khấn sinh hay của tân chức luôn đượm nét khiêm nhu và tâm tình cảm tạ. Dường như ngay sau khi đón nhận một hồng ân vô giá người ta dễ thấy sự “nhưng không” từ trời và sự bất xứng của bản thân. Thế rồi năm tháng dần trôi, cùng với nhiều thành công trong cuộc sống, trong đời hoạt động tông đồ, cùng với sự trân trọng và tôn kính có phần “thái quá” của giáo dân, thì sự khiêm nhu và tâm tình cảm tạ vơi dần. Sự hống hách, độc quyền, độc đoán… là những biểu hiện của thực trạng này.

5. Thiên Chúa là Tình yêu. Chính vì thế Đức ái phải là điểm tới của mọi hoạt động tông đồ. Là người tông đồ, có khi nào tôi tự kiểm về trái tim của mình đã lớn rộng thêm được bao nhiêu sau nhiều năm tháng hoạt động tông đồ? Khi đánh giá một chương trình hành động, một công trình thực hiện hay một quá trình xây dựng cộng đoàn, xây dựng giáo xứ, giáo phận, tôi có đặt tiêu chí đức ái lên hàng đầu không? Một giáo xứ lớn mạnh không phải là một giáo xứ đã có những công trình xây dựng đồ sộ… mà là đã có tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ không chỉ với bà con đồng đạo mà còn với anh chị em lương dân, bà con khác đạo, khác niềm tin, khác chính kiến. Có chăng sự kiện càng xây dựng thì càng thêm sự chia rẽ, bất đồng? Càng ở lâu một xứ nào đó thì càng chất gánh nặng lên bà con tín hữu?

Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột