1. Chỉ vì một câu nói, linh mục Dòng Tên người Hà Lan bị sát hại ở Syria sẽ không được phong chân phước

Các nguồn tin nói rằng linh mục Dòng Tên người Hà Lan, nổi tiếng thánh thiện, bị sát hại ở Syria sẽ không được phong chân phước.

Việc phong chân phước cho linh mục Dòng Tên người Hà Lan Frans van der Lugt, bị sát hại ở Syria năm 2014, là điều không thể xảy ra trong tương lai gần - và rất có thể là vĩnh viễn.

Tuần báo Công Giáo Hà Lan Katholiek Nieuwsblad đã đưa tin này sau khi nói chuyện với những người trực tiếp tham gia vào quá trình này.

Lý do chính của việc này là vào khoảng năm 2009 hoặc 2010, Cha Van der Lugt bị cáo buộc đã đưa ra những tuyên bố xem thường nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội. Khi được một nhóm du khách Tây Âu hỏi thăm cộng đồng tôn giáo của ngài ở Homs, Syria, ngài nói rằng theo ý kiến của ngài tất cả sự chú ý vào tội lỗi lạm dụng của hàng giáo sĩ đã bị phóng đại. Ngài cũng được cho là đã đặt câu hỏi về tác động của lạm dụng đối với các nạn nhân, cũng như độ tin cậy của họ.

Những người đến thăm cho rằng đã bị sốc trước những tuyên bố của ngài và báo cáo với cấp trên của ngài. Một lời khiển trách chính thức được cho là chưa hề được đưa ra vào thời điểm đó vì Cha Van der Lugt bị ốm ngay sau đó và phải nhập viện. Nhưng có một hồ sơ được ghi chép đầy đủ gần đây đã được đưa ra ánh sáng trong quá trình điều tra sơ bộ về thủ tục phong chân phước, theo một nguồn thạo tin từ tỉnh Dòng Tên Hà Lan.

Vào tháng 4 năm 2019, Cha Pascual Cebollada nói với Katholiek Nieuwsblad rằng tiến trình phong chân phước cho Cha Van der Lugts đã được mở và có thể sẽ hoàn thành trong vòng ba hoặc bốn năm. Cha Cebollada hoạt động như cáo thỉnh viên trong quá trình này, và linh mục Dòng Tên người Hà Lan Thom Sicking làm phó cáo thỉnh viên.

Các tu sĩ Dòng Tên đã đệ đơn xin tuyên Chân Phước cho ngài. Bề trên tổng quyền của Dòng Tên, là Cha Arturo Sosa đã đồng ý - và giám mục của Aleppo – là người chính thức bắt đầu tiến trình phong thánh – cũng rất nhiệt tình.

Câu chuyện Cha Van der Lugts coi thường những tuyên bố về việc lạm dụng bùng lên đã khiến các tu sĩ Dòng Tên quyết định tạm ngưng án tuyên Chân Phước có khả năng là vĩnh viễn.

Thay vào đó, Dòng Tên hiện đang tập trung vào án tuyên thánh cho một nhà truyền giáo người Hà Lan khác đã mất mạng ở Trung Đông là Cha Nico Kluiters, sinh ra ở Delft, người bị sát hại ở Li Băng vào năm 1985. Quá trình phong chân phước cho ngài đã được bắt đầu vào hôm thứ Bảy 22 tháng Giêng.

Cũng có một lý do chính thức cho việc nhanh chóng phong chân phước cho Cha Nico Kluiters hơn là Cha Van der Lugt: Trong trường hợp của Cha Kluiters, thủ phạm và động cơ đã được biết rõ. Rõ ràng là ngài đã bị sát hại vì lòng căm thù đối với đức tin Kitô, là một trong những lý do đẩy nhanh một tiến trình phong chân phước hoặc phong thánh.

Cha Frans van der Lugt sinh ra ở La Hay, đã làm việc ở Trung Đông từ năm 1964, bị bắn chết tại Homs vào ngày 7 tháng 4 năm 2014. Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa rõ hung thủ là ai và động cơ của người ấy, nhưng có khả năng ngài bị giết vì lý do chính trị hơn là tôn giáo.
Source:Crux

2. Hết khôn dồn tới dại khi có quan hệ luyến ái với phù thủy, hay với những thầy bùa ngải

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary # 136: Sex with a Witch”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 136: Luyến ái với phù thủy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Quan hệ luyến ái với phù thủy là một ý tưởng cực kỳ ngu xuẩn. Chúng tôi đã gặp một số người đến xin trừ tà vì đã làm như thế, và họ chắc chắn cần được giúp đỡ! Dù người đàn ông hay người đàn bà hành nghề phù thủy cố gắng “chúc phúc” cho bạn tình hay nguyền rủa họ, thì hành động của họ sẽ luôn có hại về mặt tinh thần và cuối cùng trở thành một lời nguyền.

Ví dụ, một phụ nữ gần đây đã nói rằng dì của cô ấy, là người hành nghề phù thủy, đã cố gắng giúp cô ấy một số trợ giúp tinh thần thông qua phép thuật của mình. Gần như ngay lập tức, các vấn đề tâm linh của cô trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Bản thân quan hệ luyến ái trái đạo đức, tức là quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân, là một tội trọng mà nhất thiết sẽ mở ra những ảnh hưởng của Sa-tan. Nhưng quan hệ luyến ái với một người làm nghề phù thủy, dùng các phép thuật hay bùa ngải là đặc biệt ngu xuẩn. Quan hệ luyến ái gắn kết sâu sắc hai người. Trong hôn nhân, nó có nghĩa là một sợi dây tình yêu đầy ân sủng. Nhưng khi thực hiện hành vi tội lỗi này với một phù thủy, hoặc một thầy bùa ngải, nó sẽ liên kết một người với Satan. Các phù thủy và những thầy bùa ngải lấy được sức mạnh của họ từ Satan, cho dù họ có biết điều đó hay không.

Những người đến với chúng tôi để được giúp đỡ, có quan hệ luyến ái với một phù thủy, đều có mối liên hệ sâu sắc với cái ác. Tệ nạn này khó mà diệt trừ tận gốc. Một sự ăn năn chân thành và xưng tội qua bí tích hòa giải là một khởi đầu tốt, nhưng sự giải thoát cuối cùng có thể sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Trong mỗi trường hợp như vậy, Satan đã vạch ra lãnh thổ của hắn và liên tục tuyên bố, “Ngươi thuộc về ta!”

Hơn nữa, một số người cũng ăn phải những đồ vật bị nguyền rủa từ phù thủy mà cuối cùng họ đã vượt qua một cách đau đớn trong quá trình trừ tà. Cho dù nó có ý nghĩa như một lời chúc hay một lời nguyền, bất cứ thứ gì mà phù thủy hay thầy bùa ngải đưa ra như một lọ thuốc đều là một lời nguyền, vì nó xuất phát từ việc họ thực hành ma thuật, thứ luôn tìm thấy nó bắt nguồn từ cái ác.

Khi đất nước này ngày càng rơi vào tình trạng vô đạo đức, phù thủy và những điều huyền bí, nhiều người sẽ bị ràng buộc sâu sắc với cái ác. Tôi sợ rằng sẽ có ít người tìm được đường ra khỏi bóng tối.

Những người trẻ của chúng ta cần được cảnh báo:

+ Không thực hành bất kỳ hình thức phù thủy nào;

+ Ngay cả “phước lành” của phù thủy hay thầy bùa cuối cùng cũng trở thành lời nguyền;

+ Không kết bạn với một người hành nghề phù thủy;

+ Và, không bao giờ, không bao giờ, có quan hệ luyến ái với một phù thủy.
Source:Catholic Exorcism

3. Vatican được yêu cầu giúp giải quyết xung đột Armenia-Azerbaijan

Azerbaijan đang tìm kiếm sự giúp đỡ ngoại giao của Vatican trong cuộc xung đột đang diễn ra với Armenia. Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm trợ lý của ngài đang thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ điều này.

Thứ Năm tuần trước, một phái đoàn do Chủ tịch Văn phòng người Hồi giáo Caucasus, Grand Mufti Allahshukur Pashazadeh dẫn đầu đã được Đức Thánh Cha đón tiếp. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Phanxicô đã tiếp những nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt tại Azerbaijan, bao gồm Chính thống giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo, trong một phái đoàn do Đại sứ Azerbaijan tại Pháp và Tòa thánh, Rahman Mustafayev dẫn đầu.

Trong cuộc họp báo tại Rôma sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo tôn giáo lập luận rằng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tiếp tục các chính sách hợp tác với Vatican do cha ông là Heydar khởi xướng. Giáo sĩ Hồi giáo cho biết “chuyến thăm lịch sử” của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Azerbaijan vào năm 2016 đã làm nổi bật “sự khoan dung” và mức độ tuyệt vời của đối thoại giữa các tôn giáo ở đất nước vùng Caucasus.

Thông tấn xã Azeri đưa tin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người Ý, đã nhận lời mời đến thăm đất nước này trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Azerbaijan là một quốc gia đa số theo đạo Hồi, và từng là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991. Quân Liên Xô đã phá hủy nhà thờ Công Giáo duy nhất của thủ đô vào những năm 1930 và ngôi thánh đường chỉ được xây dựng lại vào năm 2007. Theo Catholic Almanac, chỉ có hai nhà truyền giáo phục vụ những Cộng đồng Công Giáo nhỏ bé phần lớn có nguồn gốc Ba Lan và Armenia.

Armenia, cũng là một phần trước đây của Liên Xô, có 93% dân số là các tín hữu của Giáo hội Armenia Tông Truyền, một phần của gia đình các Giáo hội Chính thống Phương Đông. Armenia tuyên bố là nhà nước Kitô Giáo chính thức đầu tiên trên thế giới vào năm 301 sau Chúa Giáng Sinh.

Xung đột hiện tại bắt nguồn từ sự tan rã của Liên Xô, khi hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bắt đầu tranh chấp lãnh thổ Thượng Karabakh, nơi sinh sống chủ yếu của người gốc Armenia và theo Kitô Giáo.

Đức Phanxicô đã đến thăm Armenia vài tháng trước khi đến Azerbaijan. Hai quốc gia có xung đột lâu dài về khu vực Nagorno-Karabakh. Chiến tranh đã nổ ra nhiều lần. Thỏa thuận hòa bình mới nhất được đưa ra vào tháng 11 năm 2020, nhưng lệnh ngừng bắn đã không kéo dài được bao lâu.

Vào tháng 5 năm 2021, binh lính Azerbaijan đã vượt vài dặm vào Armenia ở các tỉnh Syunik và Gegharkunik, chiếm vài dặm vuông lãnh thổ Armenia. Cho đến nay, họ vẫn chưa rút khỏi lãnh thổ Armenia được quốc tế công nhận bất chấp lời kêu gọi của Nghị viện Châu Âu, Hoa Kỳ và Pháp.

Đức Phanxicô nói chung được yêu mến ở Armenia do ngài đã lên án mạnh mẽ Cuộc diệt chủng Armenia ngay từ đầu trong triều đại giáo hoàng của mình. Theo lời của Đại sứ Azerbaijan tại Pháp, Rahman Mustafayev, Đức Thánh Cha và Tòa thánh trở thành “người đóng vai trò quan trọng” trong việc bình định khu vực.
Source:Crux