Azerbaijan đang tìm kiếm sự giúp đỡ ngoại giao của Vatican trong cuộc xung đột đang diễn ra với Armenia. Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm trợ lý của ngài đang thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ điều này.

Thứ Năm tuần trước, một phái đoàn do Chủ tịch Văn phòng người Hồi giáo Caucasus, Grand Mufti Allahshukur Pashazadeh dẫn đầu đã được Đức Thánh Cha đón tiếp. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Phanxicô đã tiếp những nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt tại Azerbaijan, bao gồm Chính thống giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo, trong một phái đoàn do Đại sứ Azerbaijan tại Pháp và Tòa thánh, Rahman Mustafayev dẫn đầu.

Trong cuộc họp báo tại Rôma sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo tôn giáo lập luận rằng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tiếp tục các chính sách hợp tác với Vatican do cha ông là Heydar khởi xướng. Giáo sĩ Hồi giáo cho biết “chuyến thăm lịch sử” của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Azerbaijan vào năm 2016 đã làm nổi bật “sự khoan dung” và mức độ tuyệt vời của đối thoại giữa các tôn giáo ở đất nước vùng Caucasus.

Thông tấn xã Azeri đưa tin, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người Ý, đã nhận lời mời đến thăm đất nước này trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Azerbaijan là một quốc gia đa số theo đạo Hồi, và từng là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991. Quân Liên Xô đã phá hủy nhà thờ Công Giáo duy nhất của thủ đô vào những năm 1930 và ngôi thánh đường chỉ được xây dựng lại vào năm 2007. Theo Catholic Almanac, chỉ có hai nhà truyền giáo phục vụ những Cộng đồng Công Giáo nhỏ bé phần lớn có nguồn gốc Ba Lan và Armenia.

Armenia, cũng là một phần trước đây của Liên Xô, có 93% dân số là các tín hữu của Giáo hội Armenia Tông Truyền, một phần của gia đình các Giáo hội Chính thống Phương Đông. Armenia tuyên bố là nhà nước Kitô Giáo chính thức đầu tiên trên thế giới vào năm 301 sau Chúa Giáng Sinh.

Xung đột hiện tại bắt nguồn từ sự tan rã của Liên Xô, khi hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bắt đầu tranh chấp lãnh thổ Thượng Karabakh, nơi sinh sống chủ yếu của người gốc Armenia và theo Kitô Giáo.

Đức Phanxicô đã đến thăm Armenia vài tháng trước khi đến Azerbaijan. Hai quốc gia có xung đột lâu dài về khu vực Nagorno-Karabakh. Chiến tranh đã nổ ra nhiều lần. Thỏa thuận hòa bình mới nhất được đưa ra vào tháng 11 năm 2020, nhưng lệnh ngừng bắn đã không kéo dài được bao lâu.

Vào tháng 5 năm 2021, binh lính Azerbaijan đã vượt vài dặm vào Armenia ở các tỉnh Syunik và Gegharkunik, chiếm vài dặm vuông lãnh thổ Armenia. Cho đến nay, họ vẫn chưa rút khỏi lãnh thổ Armenia được quốc tế công nhận bất chấp lời kêu gọi của Nghị viện Châu Âu, Hoa Kỳ và Pháp.

Đức Phanxicô nói chung được yêu mến ở Armenia do ngài đã lên án mạnh mẽ Cuộc diệt chủng Armenia ngay từ đầu trong triều đại giáo hoàng của mình. Theo lời của Đại sứ Azerbaijan tại Pháp, Rahman Mustafayev, Đức Thánh Cha và Tòa thánh trở thành “người đóng vai trò quan trọng” trong việc bình định khu vực.
Source:Crux