1. Những chuyển biến xung quanh phiên tòa xử Hồng Y Becciu và 9 người khác

Hôm 14 tháng 12 năm 2021, sau một phiên điều trần ngắn, Chánh án Giuseppe Pignatone bày tỏ hy vọng rằng phiên điều trần ngày 25 tháng Giêng – tức là phiên điều trần thứ sáu kể từ khi phiên tòa bắt đầu vào tháng 7 - sẽ chấm dứt giai đoạn thủ tục mà phiên tòa về tòa nhà ở London dường như bị sa lầy. Điều ước này đã không thành hiện thực: sau 42 phút, thẩm phán một lần nữa buộc phải hoãn kết quả sang phiên họp tiếp theo dự kiến vào ngày 18 tháng 2, lúc 9:30 sáng.

Phiên tòa lịch sử, được biết đến với các cáo buộc liên quan đến tòa nhà sang trọng ở London có liên hệ đến 10 người - bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu - bị buộc các tội tài chính nghiêm trọng. Quá trình tố tụng bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái và đã tiếp tục không thường xuyên kể từ đó.

Tuy nhiên, một số tiến bộ đã được thực hiện, đặc biệt là liên quan đến bốn bị cáo “bị loại bỏ” khỏi thủ tục tố tụng kể từ phiên điều trần ngày 17 tháng 11. Chưởng lý Vaticaan Alessandro Diddi đã nộp đơn, ngay trước khi bắt đầu phiên điều trần, yêu cầu triệu tập Raffaele Mincione, Nicola Squillace, Fabrizio Tirabassi và Đức Ông Mauro Carlino. Cần lưu ý rằng Đức Ông Mauro Carlino không xuất hiện cho các cuộc thẩm vấn do Chưởng lý Vaticaan Alessandro Diddi lên lịch.

Bị bất ngờ, Chánh án Pignatone buộc phải bắt đầu phiên điều trần muộn hơn hai giờ và sẽ phải đưa ra phán quyết về việc có đưa 4 người này ra tòa trong phiên tòa vào tháng Hai hay không. Trong số bảy “hồ sơ” mới do Alessandro Diddi đệ trình, cũng có những yếu tố liên quan đến một trong những cáo buộc chống lại Hồng Y Angelo Becciu đã tạm thời được bãi bỏ vào tháng 11, đó là tội thao túng nhân chứng. Do đó, cáo buộc này đã được phục hồi, tội thao túng nhân chứng, subornation, là tội hối lộ hay dùng quyền lực của mình nhằm khống chế nhân chứng buộc họ đưa ra lời khai gian; tội này không giống như tội tham ô, như trong trường hợp của Tommaso Di Ruzza, cựu chủ tịch cơ quan chống rửa tiền của Vatican, gọi tắt là ASIF.

Phần chính của phiên điều trần liên quan đến kháng cáo cuối cùng và yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc của các luật sư bào chữa. Chánh án đã cho Chưởng lý Vatican thời hạn đến ngày 31 tháng Giêng để đánh giá các yếu tố còn thiếu.
Source:Aleteia

2. Phỏng vấn Đức Tân Giám Mục Giuse Đỗ Quang Khang

Hôm 30 tháng 10 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Đỗ Quang Khang, Phó Giám đốc kiêm Giám học của Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Tổng Giáo phận Sài Gòn, làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh. Thánh Lễ tấn phong Giám Mục đã được cử hành tại tại Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh ngày 14 tháng 12 năm 2021.

Đức Tân Giám mục đã dành cho phóng viên Lê Quang Vinh cuộc phỏng vấn sau.

Trọng kính Đức Cha, khi Đức Cha được tin Tòa Thánh trao sứ vụ mới, Đức Cha có những cảm nghĩ và tâm tình thế nào ạ?

Khi được bổ nhiệm, tâm tình của tôi là tạ ơn Chúa đã, qua Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyển chọn tôi trở nên giám mục dù tôi thấy mình luôn bất xứng và cũng lúng túng vì không biết phải làm thế nào.

Thưa Đức Cha, là một giáo sư Kinh Thánh ở các học viện và đại chủng viện, Đức Cha có những thuận lợi nào trong sứ vụ Giám mục?

Nhờ có một chút kinh nghiệm giảng dạy Kinh thánh, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong việc chu toàn bổn phận giảng dạy Lời Chúa trong tư cách là giám mục.

Đức Cha là giáo sư Đại Chủng Viện và Học Viện Công Giáo. Cha giáo Antôn Nguyễn Cao Siêu linh mục Dòng Tên, Quyền Khoa Trưởng Học Viện Công Giáo đã diễn tả ngắn gọn “Cha là thành viên của Hội Đồng Khoa và là Giáo sư Kinh Thánh và cổ ngữ. Hẳn quý giáo sư và sinh viên ai cũng mến nhớ sự hiện diện của Cha”. Đức Cha có tâm tình nào khi phải tạm rời bỏ công việc giảng dạy của mình?

Tôi cũng hơi tiếc nếu không điều kiện không còn thuận lợi để tiếp tục công việc giảng dạy. Tôi rất yêu thích giảng dạy, đặc biệt là cổ ngữ Hy lạp. Vì Hy lạp sẽ giúp sinh viên có thể đọc và hiểu Lời Chúa một cách thấu đáo hơn và khám phá ra những ý nghĩa của bản văn kinh thánh mà có khi không một bản dịch nào có thể diễn tả hết được.

Đức Cha về phục vụ nơi quê hương của Ông Bà Cố là giáo phận Bắc Ninh, xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về giáo phận Bắc Ninh và những tâm tình của Đức Cha khi về nơi quê cha đất tổ với tư cách mục tử.

Giáo phận Bắc Ninh trải dài trên diện tích trọn vẹn của 5 tỉnh trọn vẹn: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc; cùng 6 tỉnh có các xã, huyện liên hệ. Với diện tích khá rộng như thế, nên việc chăm sóc mục vụ cho bà con giáo dân là một vất vả cho các linh mục và cũng gặp không ít khó khăn.

Đối với tôi, xác tín đặc tính của Giáo hội là Công Giáo, nên một khi đã chấp nhận sứ mạng thì quyết tâm lên đường, mau chóng thích nghi, hết lòng chu toàn công việc được trao, rồi rút kinh nghiệm, phân định để tìm ý Chúa, sau đó tiếp tục lên đường…

Xin Đức Cha cho chúng con biết ý nghĩa huy hiệu và khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha.

Huy hiệu giám mục có những chi tiết liên quan đến ‘văn’ của bản sắc địa phương và ‘thánh’ rút ra từ những hình tượng của kinh thánh:

+Văn vật:

Như lời Đức Cha Cosma, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã chia sẻ trong bài phỏng vấn sau khi chịu chức giám mục 10/2008: ‘Kinh Bắc là đất văn vật. Nhân vật huyền thoại Thánh Gióng quê ở huyện Gia Lâm, chiến thắng ở thành phố Bắc Ninh, về trời tại huyện Sóc Sơn (Gia lâm và Sóc sơn đều thuộc đất Gp. Bắc Ninh)… Tre vàng là loại tre mọc khá phổ biến trên đất Kinh Bắc, nhưng không có gì đặc biệt lắm, chỉ là loại tre thường thôi. Xưa kia Thánh Gióng đã nhổ những cây tre vàng đánh đuổi quân xâm lược.’ Từ gợi ý này, thân tre vàng đã được chọn làm thanh đứng của thánh giá trong logo.

Ngoài thân tre vàng thẳng đứng, huy hiệu còn có thanh ngang gồm hai chi tiết: cành lá tre và bông lúa vàng. Đây là hình ảnh quen thuộc của làng quê bắc bộ và đây cũng là logo của Gp. Bắc ninh.

+Văn hóa:

Theo Đức Cha Cosma, ‘Dân ca Quan Họ có thể nói là kết tinh truyền thống văn hoá Kinh Bắc’. Ý tưởng này được thể hiện qua chiếc nón quai thao trên nền của tấm khiên logo; Trên mảnh đất văn hóa ấy, sứ vụ Giám mục được thực thi. Điều này được diễn tả qua hai hình tượng của kinh thánh: ngọn lửa - diễn tả việc chăm sóc đức tin cho anh chị em tín hữu và bông lúa - diễn tả việc loan báo tin mừng.

Khẩu hiệu giám mục: Khi ngồi trên máy bay để đi ra Bắc Ninh, tôi tranh thủ đọc tài liệu về Thượng Hội Đồng Giám Mục lần 16 được gởi từ Văn Phòng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong đó có phần tóm tắt lại bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại phiên khai mạc Thượng Hội Đồng tại Rôma. Đức Giáo Hoàng ghi nhận ba động từ như phương thế giúp thực hiện chủ đề của Thượng Hội Đồng. Ba động từ đó là: gặp gỡ, lắng nghe, phân định. Như được Chúa Thánh Thần gợi hứng, tôi chọn ba động từ này cho khẩu hiệu giám mục, không chỉ để cùng với giáo hội địa phương tham dự Thượng Hội Đồng thứ 16, nhưng còn là phương châm sống mỗi ngày trong suốt sứ vụ mục tử của mình.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và cầu nguyện cho Đức Cha luôn bình an trong sứ vụ mới.

3. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Thánh Giuse, ‘người mơ’ có khả năng phân định thánh ý Chúa

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 26 tháng Giêng năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ tư trong năm nay.

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa với đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 2: 19-23) được công bố bằng tám thứ tiếng:

“Một thiên thần Chúa hiện ra trong giấc mơ với Giuse tại Ai Cập và nói: “Hãy trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người và trở về đất Israel; vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết”. Thánh Giuse trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người và vào đất Israel. [...].

“Rồi được báo mộng, Giuse lui về miền Galilea và đến ở một thành gọi là Nazareth”.

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ chín này mang tựa đề: “Thánh Giuse, người ‘mơ’”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay tôi muốn tập trung vào hình ảnh Thánh Giuse như một người có những giấc mơ. Trong Kinh thánh, cũng như trong nền văn hóa của các dân tộc cổ xưa, giấc mơ được coi như một phương tiện để Thiên Chúa tự mạc khải Người ra. Giấc mơ tượng trưng cho đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, tượng trưng cho không gian nội tâm mà mỗi chúng ta được mời gọi vun sới và canh giữ, nơi Thiên Chúa tự tỏ mình ra và thường nói với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng bên trong mỗi chúng ta không những có tiếng nói của Thiên Chúa: mà còn nhiều tiếng nói khác nữa. Thí dụ, tiếng nói sợ hãi của chúng ta, tiếng nói của những kinh nghiệm quá khứ, tiếng nói của hy vọng; và cũng có tiếng nói của kẻ ác muốn lừa dối và làm cho chúng ta hoang mang. Do đó, điều quan trọng là nhận ra tiếng nói Thiên Chúa ở giữa những tiếng nói khác. Thánh Giuse chứng tỏ rằng ngài biết cách trau dồi sự im lặng cần thiết và, trên hết, biết cách đưa ra quyết định đúng đắn trước Lời Chúa phán với ngài trong nội tâm. Hôm nay, điều hữu ích cho chúng ta là xem xét bốn giấc mơ trong Tin Mừng có ngài là nhân vật chính, để hiểu cách đặt mình trước sự mạc khải của Thiên Chúa. Tin Mừng kể cho chúng ta bốn giấc mơ của thánh Giuse.

Trong giấc mơ thứ nhất (x. Mt 1:18-25), thiên thần giúp thánh Giuse giải quyết màn kịch đang làm ngài âu lo khi biết tin Đức Maria mang thai: “Đừng sợ lấy Maria làm vợ, vì đấng thụ thai ở trong bà là do Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ gọi tên con trẻ là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (câu 20-21). Và câu trả lời của ngài đến ngay lập tức: “Khi Giuse thức giấc, ông đã làm theo lời sứ thần của Chúa đã truyền cho ông” (câu 24). Cuộc sống thường đặt chúng ta vào những tình huống mà chúng ta không hiểu và dường như không có giải pháp. Cầu nguyện trong những khoảnh khắc này - điều này có nghĩa là để Chúa chỉ cho chúng ta điều đúng đắn phải làm. Thực thế, lời cầu nguyện rất thường đem lại cho chúng ta trực giác để vượt thoát nguy nan. Anh chị em thân mến, Chúa không bao giờ cho phép một vấn đề nảy sinh mà không ban cho chúng ta sự giúp đỡ cần thiết để giải quyết nó. Người không ném chúng ta một mình vào lửa. Ngài không bỏ chúng ta giữa các thú dữ. Không. Khi Chúa chỉ cho chúng ta thấy một vấn đề, hoặc tiết lộ một vấn đề, Người luôn ban cho chúng ta trực giác, sự giúp đỡ, sự hiện diện của Người, để thoát ra khỏi nó, để giải quyết nó.

Và giấc mơ mạc khải thứ hai của Thánh Giuse xẩy ra khi tính mạng của Hài nhi Giêsu gặp nguy hiểm. Thông điệp rất rõ ràng: “Hãy trỗi dậy, mang con trẻ và mẹ em trốn sang Ai Cập, và ở đó cho đến khi tôi nói với ông; vì Hêrôđê đang tìm con trẻ để tiêu diệt em” (Mt 2:13). Tin mừng cho biết, Thánh Giuse vâng lời không chút do dự: “Ngài chỗi dậy, dắt con trẻ và mẹ em vào ban đêm, và khởi hành đi Ai Cập, và ở đó cho đến khi Hêrôđê qua đời” (câu 14-15). Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng trải qua những nguy hiểm đe dọa sự hiện hữu của mình hay sự hiện hữu của những người mình yêu thương. Trong những tình huống này, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe tiếng nói có thể mang lại cho chúng ta lòng can đảm như Thánh Giuse, đối đầu với các khó khăn mà không khuất phục.

Tại Ai Cập, Thánh Giuse chờ đợi một dấu hiệu từ Thiên Chúa cho ngài hay ngài có thể trở về quê hương, và đây là nội dung của giấc mơ thứ ba. Sứ thần tiết lộ cho ngài biết những kẻ muốn giết Hài Nhi đã chết và ra lệnh cho ngài phải lên đường cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu trở về quê hương (x. Mt 2:19-20). Tin Mừng cho biết, Thánh Giuse “trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em và lên đường trở về Israel” (c. 21). Nhưng trong cuộc hành trình trở về, “khi nghe tin Ác-khê-lao trị vì xứ Giuđê thay cho cha mình là Hêrôđê, ngài sợ không dám đến đó” (câu 22). Đây là điều mặc khải thứ tư: “Được báo trước trong một giấc mơ, ông lui về Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét”(câu 22-23). Sợ hãi cũng là một phần của cuộc sống và nó cũng cần chúng ta cầu nguyện. Thiên Chúa không hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi, nhưng rằng, với sự giúp đỡ của Người, đó sẽ không phải là tiêu chuẩn cho các quyết định của chúng ta. Thánh Giuse trải qua nỗi sợ hãi, nhưng Thiên Chúa cũng hướng dẫn ngài vượt qua điều đó. Sức mạnh của lời cầu nguyện mang lại ánh sáng cho những hoàn cảnh tối tăm.

Vào lúc này, tôi nghĩ tới rất nhiều người đang bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc sống và không còn có thể hy vọng hay cầu nguyện. Xin Thánh Giuse giúp họ mở lòng ra đối thoại với Thiên Chúa để tìm thấy ánh sáng, sức mạnh và bình an.

Và tôi cũng nghĩ đến các bậc cha mẹ trước các vấn đề của con cái họ: những đứa con mắc nhiều chứng bệnh, những đứa con ốm đau, thậm chí mang các chứng bệnh vĩnh viễn. – Biết bao đau đớn trong đó! - những bậc cha mẹ thấy những khuynh hướng tình dục khác nhau ở con cái của họ; phải giải quyết việc này như thế nào và đồng hành ra sao cùng con cái chứ không ẩn mình trong thái độ lên án. Các bậc cha mẹ nhìn thấy con cái của họ ra đi vì một căn bệnh, và thậm chí còn buồn hơn, chúng ta đọc nó hàng ngày trên báo - những đứa trẻ nghịch ngợm và kết cục là một tai nạn xe hơi. Cha mẹ thấy con mình không tiến bộ ở trường và không biết phải làm thế nào... Rất nhiều vấn đề của cha mẹ. Chúng ta hãy nghĩ về nó: làm thế nào để giúp đỡ họ. Và với những bậc cha mẹ này, tôi xin nói: đừng sợ. Vâng, có đau đớn. Đau đớn rất nhiều. Nhưng anh chị em hãy nghĩ đến Chúa, anh chị em hãy nghĩ đến cách Thánh Giuse giải quyết các vấn đề và xin Thánh Giuse giúp anh chị em. Đừng bao giờ lên án một con trẻ.

Nó khiến tôi đầy lòng cảm thương - điều đó đã xảy ra ở Buenos Aires - khi tôi lên xe buýt và xe búyt chạy qua nhà tù. Có một đoàn người xếp hàng dài để vào thăm các tù nhân. Và có những bà mẹ ở đó. Và tôi rất xúc động bởi bà mẹ này, người đối đầu với vấn đề của đứa con trai mắc sai lầm và đang ở trong tù, đã không để con một mình, đã chường mặt ra và đồng hành cùng con. Dũng khí này; lòng dũng cảm của người cha, người mẹ luôn luôn, luôn luôn đồng hành cùng con cái. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban sự can đảm này cho tất cả những người cha và người mẹ, như Người đã ban cho thánh Giuse. Và cầu nguyện, chứ nhỉ? Anh chị em hãy cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta trong những giây phút này.

Tuy nhiên, cầu nguyện không bao giờ là một cử chỉ trừu tượng hoặc thuần túy bên trong, giống như những phong trào duy linh kia, các phong trào mang tính ngộ đạo hơn là Kitô giáo. Không, không phải thế đâu. Cầu nguyện luôn gắn bó chặt chẽ với lòng bác ái. Chỉ khi chúng ta kết hợp việc cầu nguyện với tình yêu thương, tình yêu đối với trẻ em trong những trường hợp tôi vừa đề cập, hoặc tình yêu đối với người lân cận, thì chúng ta mới có thể hiểu được các sứ điệp của Chúa. Thánh Giuse đã cầu nguyện, làm việc và yêu thương - ba điều tuyệt vời đối với cha mẹ: cầu nguyện, làm việc và yêu thương - và vì điều này mà ngài luôn nhận được những gì ngài cần để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Chúng ta hãy phó mình cho ngài và sự chuyển cầu của ngài.

Lạy Thánh Giuse, ngài là người có những giấc mơ,

Xin dạy chúng con phục hồi đời sống thiêng liêng

như nơi nội thẳm, nơi Thiên Chúa biểu lộ chính Người và cứu vớt chúng con.

Xin loại bỏ khỏi chúng con ý nghĩ cho rằng cầu nguyện là vô ích;

Xin giúp mỗi người chúng con sống tương ứng với những gì Chúa bày tỏ cho chúng con.

Xin cho lý trí của chúng con được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Thánh thần,

cho lòng chúng con được khích lệ bởi sức mạnh của Người

và nỗi sợ hãi của chúng con được cứu vớt bởi lòng thương xót của Người. Amen.