1. Những tên trộm đột nhập vào két sắt của một tu viện Ý, kinh hoàng trước những gì tìm thấy

Thay vì tìm thấy vàng và bạc, những tên trộm này đã tìm thấy một cú sốc thực sự.

Đó là một buổi tối lạnh lẽo và tăm tối ngay trước ngày đông chí khi những tên trộm đột nhập vào tu viện của Dòng Đa Minh ở Codogno, một thị trấn đẹp như tranh vẽ ở miền bắc nước Ý.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều báo cáo rằng bọn tội phạm đã đột nhập vào một lúc nào đó trong khi các nữ tu đang cầu nguyện và ăn tối. Chúng đột nhập vào két sắt của tu viện, tìm kiếm tiền mặt và có lẽ là những loại bình dùng để cử hành thánh lễ làm bằng bạc và vàng mà các cộng đồng tôn giáo thường dự trữ cho những dịp đặc biệt và giữ kín bên trong két sắt suốt thời gian còn lại của năm.

Thay vào đó, họ tìm thấy một tờ giấy có nội dung “Hãy thay đổi cuộc sống của bạn! Giờ đã điểm…” bên cạnh miếng giấy, có hình ảnh Đức Maria và một bức tượng con cú nhỏ. Người ta có thể tưởng tượng những tên trộm đang nhìn phía sau họ vào thời điểm đó, chờ ai đó nói, “Hãy mỉm cười! Chúng tôi đang chụp hình bạn đây, cười lên nào!”

Các nữ tu có biết trước kế hoạch của những tên trộm này chưa?

Nữ tu Gabriella, một thành viên của cộng đồng, giải thích với tờ Corriere della Sera, “Những tên trộm đã lảng vảng trước cửa tu viện nhiều ngày để thám thính. Vì vậy, chúng tôi quyết định để lại một lời khuyên quý giá cho những kẻ không mời mà đến”.

Thông điệp bằng văn bản và hình ảnh của Đức Maria có thể hiểu được ngay lập tức. Tuy nhiên, những tên tội phạm có lẽ đã phải vò đầu bứt tai khi chạm trán với bức tượng của con cú.

Các nữ tu không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau được gán cho loài chim này, từ sự khôn ngoan, như trong thần thoại Hy Lạp, đến Satan. Có thể người nữ tu đặt hình ảnh đó vào trong két sắt đang nghĩ đến một trong những ý nghĩa này, hoặc nữ tu ấy đang nghĩ đến mối liên hệ giữa loài cú và sự cảnh giác. Chúng ta có thể tưởng tượng ra toàn bộ thông điệp trong két sắt, kết hợp tất cả các yếu tố sau: “Hãy tỉnh thức! Đừng nhượng bộ Satan! Chúa đang theo dõi bạn!”

Cho dù đó là một ý nghĩa cụ thể đối với con cú, hoặc việc bao gồm nó chỉ là một cử chỉ ngẫu nhiên, những kẻ tội phạm có lẽ không muốn mất nhiều thời gian để cố gắng giải thích câu đố này.

Chúng tôi không biết liệu những tên trộm có nghe theo lời khuyên của các nữ tu hay không – nhưng những lời khuyên ấy quý giá hơn bất kỳ số vàng hoặc bạc nào mà chúng có thể hy vọng tìm thấy trong két sắt. Những gì họ đã ăn trộm là hai chiếc chăn bông trên giường trong phòng của các nữ tu. Sơ Gabriella nói với một phóng viên: “Bạn có thể nghĩ rằng họ cũng rất lạnh”.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng những chiếc chăn bị đánh cắp đã mang lại hơi ấm cho ai đó cần nó, và óc hài hước và những lời khuyên hữu ích của các nữ tu có thể đã sưởi ấm một trái tim lạnh giá, mở cửa đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.
Source:Aleteia

2. Xem xét kỹ hơn các cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Trong khi các phương tiện truyền thông đang ráo riết bôi nhọ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Catholic World News có bài nhận định nhan đề “A closer look at Munich charges against former Pope”, nghĩa là “Một xem xét kỹ hơn các cáo buộc chống lại Đức Nguyên Giáo Hoàng.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một cuộc điều tra độc lập về các trường hợp lạm dụng tình dục trong tổng giáo phận Munich đã đưa ra những lời chỉ trích đối với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 với các cáo buộc cho rằng ngài đã sơ suất trong một số trường hợp. Nhưng việc xem xét kỹ hơn bản báo cáo cho thấy bằng chứng về sự sơ suất của Đức Giáo Hoàng danh dự là rất yếu ớt.

Các tiêu đề liên quan đến báo cáo này, được công bố vào tuần trước bởi một công ty luật của Đức, hầu như luôn cố tình nêu bật những thất bại của Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ. Nhưng rất ít phóng viên viết những câu chuyện đó có thời gian để tìm hiểu toàn bộ nội dung của bản báo cáo, bằng tiếng Đức và không có bản dịch sang tiếng Anh, dài tới hơn 1,000 trang – trong đó có tới 72 trang được dành để đề cập đến sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ratzinger, từ năm 1977 đến năm 1982.

Tất nhiên, từ lâu, Đức Nguyên Giáo Hoàng là mục tiêu nổi bật cho những chỉ trích của các phương tiện truyền thông. Và Đức Tổng Giám Mục đương nhiệm của Munich, Hồng Y Reinhard Marx, được giới truyền thông ưu ái hơn nhiều, và có lẽ do đó ít bị chỉ trích hơn vì những trường hợp được báo cáo là sơ suất của ngài. Đức Hồng Y Friedrich Wetter, người có nhiệm kỳ giữa Đức Bênêđíctô và Hồng Y Marx, gần như hoàn toàn bị phớt lờ trên các phương tiện truyền thông, mặc dù thời gian làm việc của ngài đã bị báo cáo vi phạm nhiều hơn cả hai vị.

Michael Hesemann, một chuyên gia về Giáo hội Đức, đã nghiên cứu chi tiết bản báo cáo - đặc biệt là các báo cáo liên quan đến Đức Ratzinger - và lưu ý rằng trong số bốn trường hợp mà ủy ban điều tra kết luận rằng Đức Giáo Hoàng tương lai đã sơ suất “không hành động”, không ai liên quan đến cáo buộc lạm dụng đã phạm lỗi trong nhiệm kỳ tổng giám mục của Đức Ratzinger, và không ai liên quan đến các cáo buộc lạm dụng trong tương lai. Nói cách khác, trong bốn trường hợp được trích dẫn chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, không có trường hợp nào liên quan đến một nạn nhân cụ thể!

Một cách khách quan, báo cáo này nêu ra đến 65 trường hợp, và chỉ có 4 trường hợp báo cáo này cho rằng ngài có sơ suất..

Thứ nhất: Một linh mục đã bị kết tội lạm dụng rất lâu trước khi Đức Hồng Y Ratzinger đến, sau khi mãn hạn tù, đã được phép trở về Munich để sống trong thời kỳ hưu trí. Vị linh mục này không được giao nhiệm vụ mục vụ nào như báo cáo đề cập.

Thứ hai: Một linh mục khác từng bị kết án đã trở lại làm việc mục vụ ở Munich dưới thời Đức Hồng Y Ratzinger. Ông ta lại bị bắt vì thoát y, và bị tước bỏ nhiệm vụ mục vụ. Ông ta vẫn ở lại Munich, để được chữa trị tâm thần. Sau đó, ông được nhận vào làm giáo viên tôn giáo trong một trường tư thục, mà Đức Tổng Giám Mục không hề hay biết.

Thứ ba: Một giám mục ở một quốc gia khác đã yêu cầu Đức Hồng Y Ratzinger tìm chỗ ở cho cháu trai của mình, là một linh mục sẽ học ở Munich. Đức Hồng Y Ratzinger dù muốn dù không cũng phải tìm một ngôi nhà cho vị linh mục, như một cử chỉ lịch sử dành cho một đồng nghiệp. Không có bằng chứng nào cho thấy vị giám mục thông báo với Đức Hồng Y Ratzinger rằng cháu trai của ngài đã bị kết tội lạm dụng tình dục. Khi vị linh mục được tìm thấy tắm ở một hồ bơi mà không mặc quần áo, đầu tiên vị này bị cấm làm việc mục vụ, sau đó được lệnh rời khỏi tổng giáo phận.

Thứ tư: Một linh mục đã bị buộc tội - và sau đó sẽ bị kết tội - chụp ảnh các cô gái trẻ trong tư thế gợi dục. Đức Hồng Y Ratzinger đã loại ông khỏi công việc giáo xứ và chỉ định ông làm tuyên úy trong một viện dưỡng lão.

Trong 4 trường hợp này, báo cáo kết luận rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã có sơ suất - đặc biệt là theo tiêu chuẩn ngày nay. Nhưng những hành động hay không hành động của Đức Hồng Y Ratzinger có thể so sánh với cách hành động của vô số giám mục khác, ở nhiều giáo phận khác, trong những năm ngài phục vụ ở Munich. Sự lãnh đạo của ngài ở Munich xảy ra rất lâu trước khi “Hiến chương Dallas” đưa ra một cách tiếp cận mới đối với các vụ lạm dụng tình dục vào năm 2002, mà cuối cùng đã trở thành một gương mẫu cho các chính sách trên toàn thế giới. Trên thực tế, những năm tháng của Đức Hồng Y Ratzinger ở Munich đã diễn ra ngay cả trước khi Bộ Giáo luật 1983 đặt ra các tiêu chuẩn mới để xử lý các tội phạm giáo sĩ nghiêm trọng nhất, bao gồm cả lạm dụng tình dục.
Source:Catholic World News

3. Giám Mục Ý tố cáo các trào lưu cấp tiến Đức tìm cách làm nhục Đức Ratzinger bất chấp thủ đoạn

Đức Cha Massimo Camisasca, Giám Mục nghỉ hưu của Reggio Emilia cho biết Đức Hồng Y Ratzinger là người đầu tiên nêu bật mức độ nghiêm trọng của các vụ lạm dụng. Vị Giám Mục 75 tuổi, tác giả của 70 cuốn sách bao gồm lịch sử của Hiệp thông và Giải phóng đã bày tỏ sự ngỡ ngàng của ngài trước cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng Danh dự, và tố cáo các trào lưu cấp tiến Đức, bao gồm cả một số Giám Mục Đức, tìm cách làm nhục Đức Ratzinger bất chấp thủ đoạn. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tại sao Đức Cha lại tin chắc như thế?

“Hãy để tôi đưa ra tiền đề. Tất cả các giám mục Ý chúng tôi, tất nhiên, bao gồm cả tôi, đều tin chắc một cách sâu sắc rằng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cũng như các hành vi lạm dụng đạo đức và thẩm quyền, là một tội rất nghiêm trọng. Tất cả càng nghiêm trọng hơn nếu được thực hiện bởi một người thánh hiến, một tu sĩ, hay một nhà giáo dục”.

Nhưng nhiều người không muốn nhắc đến chuyện đó.

“Chắc chắn rồi. Nhưng Giáo hội ngày càng nhận thức được sự gia tăng về số lượng những tội ác này trong những năm cuối của triều đại Thánh Gioan Phaolô II. Chính Đức Hồng Y Ratzinger là người đầu tiên nêu bật mức độ nghiêm trọng của nó - trong số các nhà lãnh đạo thế giới, chính trị và văn hóa - và đưa ra các biện pháp”.

Các biện pháp nào, thưa Đức Cha?

“Bằng cách củng cố bộ phận pháp lý của Bộ Giáo lý Đức tin mà ngài lãnh đạo. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã thực hiện những hành động đầy quyết tâm: bức thư rất nghiêm khắc gửi cho Giáo hội Ái Nhĩ Lan, yêu cầu sám hối và hoán cải, cũng như phải liên đới và cởi mở với các nạn nhân. Ngài gia tăng mức độ nặng nề của các hình phạt, cũng như thêm vào các hình phạt mới, và trao cho Bộ Đức tin những quyền điều tra mới và sâu rộng. Trước ngài chưa ai làm được như thế cả”.

Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì sao?

“Ngài tiếp tục đường lối này với nhiều sự can thiệp và thể hiện sự gần gũi của mình với các nạn nhân, yêu cầu các Giáo hội địa phương trang bị một ủy ban giáo phận để lắng nghe các nạn nhân và đào tạo các nhà giáo dục. Không có cơ quan thế giới nào làm được những gì Giáo Hội Công Giáo đang làm. Đó là một ý thức mới đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Không chỉ Giáo hội, xã hội dân sự cũng còn một chặng đường dài phía trước. Các vụ lạm dụng xảy ra chủ yếu trong các gia đình, trong thế giới thể thao và các hiệp hội thanh niên. Tại sao lại nổi cơn thịnh nộ chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, về những sự kiện xảy ra gần 40 năm trước?”.

Đúng thế, quá bất công đối với ngài. Nhưng tại sao lại có vụ tấn công này, thưa Đức Cha?

“Lý do duy nhất đối với tôi dường như là sự không khoan dung của các thành phần cấp tiến trong Giáo hội và trong xã hội”.

Các thành phần cấp tiến trong Giáo hội là những ai, thưa Đức Cha?

“Đó là những người đang gây ra sự trôi dạt đức tin bằng Tiến Trình Công Nghị ở Đức. Họ là những người chưa bao giờ chấp nhận triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, sự khiêm tốn của ngài, sự trong sáng của ngài, thần học của ngài rộng mở sâu sắc và đồng thời bắt nguồn từ truyền thống, sự nhạy bén trong cách đọc hiện tại của ngài, cũng như cuộc chiến của ngài chống lại sự giảm thiểu lý trí, sự suy giảm giá trị của niềm tin trong xã hội, sự tháo thứ luân lý và chân lý. Họ không chấp nhận những điều đó.”

Những cáo buộc họ đưa ra rất nghiêm trọng. Đức Cha có chắc chắn rằng những cáo buộc này không được hỗ trợ bởi sự kiện, và bằng chứng?

“Tôi không hiểu tại sao các Giáo hội Pháp và Đức lại chọn con đường hình thành các ‘Ủy ban điều tra độc lập’, mà trên thực tế không phải là độc lập, bởi vì, ít nhất là một số thành viên của họ, đã bị lèo lái bởi thành kiến chống Công Giáo. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được đo lường thái độ của nhiều thập kỷ trước với những tiêu chuẩn của ngày hôm nay, khi chúng ta có nhận thức trưởng thành hơn về mức độ nghiêm trọng của các sự kiện, và hệ quả là sự nhạy cảm đã phát triển ở mọi cấp độ xã hội. Chẳng hạn, khi tôi còn nhỏ, các thầy cô giáo đưa ra một số hình phạt thể xác nhất định, điều đó không bị coi là ngược đãi và được coi là hoàn toàn bình thường. May mắn thay, điều này không còn xảy ra ngày nay”.

Vai trò của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tất cả những điều này là gì, thưa Đức Cha?

“Hoàn toàn không. Không có âm mưu nào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm chống lại Đức Bênêđíctô. Đức Thánh Cha Phanxicô có một lòng kính trọng và tình cảm sâu sắc đối với người tiền nhiệm của mình”.

Theo Đức Cha, Đức Hồng Y Ratzinger sẽ được nhớ đến như thế nào?

“Giống như một người cha của Giáo hội. Ngài chắc chắn sẽ được nhớ đến như các Đức Giáo Hoàng Lêô Cả và Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả vì khả năng diễn thuyết sâu sắc và đơn giản của ngài. Những thế kỷ trong tương lai sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của ngài”.

Còn Đức Bergoglio thì sao, thưa Đức Cha?

“Giống như một vị Giáo hoàng đã kêu gọi toàn thể Giáo hội ý thức mình là một thiểu số, nhưng là một thiểu số tích cực, lắng nghe tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và ý thức rằng trong mọi hoàn cảnh chỉ có Chúa Kitô mới có thể cứu được chúng ta”.

Đức Cha có nghĩ rằng một ngày nào đó Giáo hội sẽ cho các linh mục được kết hôn không?

“Không có mối liên hệ nào giữa luật độc thân linh mục và ấu dâm. Thật không may, nhiều kẻ ấu dâm là những người đã kết hôn, đã có gia đình hẳn hoi. Sự tươi sáng của đời sống độc thân đến với chúng ta từ Tin Mừng, từ cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Đó là sự lựa chọn để sống như Ngài. Nó đòi hỏi một sự trưởng thành về tình cảm phải được xác minh trong quá trình phân định. Các bề trên của các chủng viện và các nhà giáo dục là cần thiết, những người đảm nhận nhiệm vụ xác minh này. Chứng sợ tính dục ở thế kỷ 19 đã tạo ra các linh mục chưa trưởng thành và do đó không thể đánh giá sự trưởng thành của các ứng viên”.

Như thế, theo ý Đức Cha loại bỏ luật độc thân linh mục sẽ không giải quyết được gì?

“Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua đòi hỏi sự khám phá lại chứ không phải sự phủ nhận giá trị của cuộc sống độc thân. Trái tim của con người là một vực thẳm mà không phải lúc nào cũng có thể soi xét được. Sử dụng ngôn ngữ của Tin Mừng, tôi có thể nói rằng sự trinh tiết vì Nước Trời, ngày nay đang bị hủy hoại mạnh mẽ bởi sự khêu gợi đang xâm chiếm xã hội, bởi sự cô đơn và bởi sự mong manh của chính chúng ta. Nhưng sự sa ngã của một số người không thể phủ nhận sự thật và che khuất ánh sáng rằng luật độc thân linh mục không phải là cho dân Kitô, mà cho toàn thể nhân loại”.
Source:Corriere della Sera