Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên, còn được gọi là nhà thờ “Gesù” ở Rôma, nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho các Thánh Y Nhã thành Loyola, Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri.
Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi đến trung tâm của Rôma, đến nhà thờ Gesù, nhà thờ mẹ của Dòng Tên ở Rôma, nơi ngài tham dự Thánh lễ và thuyết giảng nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho vị sáng lập Dòng Tên.
Thánh Inhaxiô thành Loyola, hay còn được gọi là Thánh Y Nhã, được phong thánh vào ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng với các đồng đạo Dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri, còn được biết đến như Vị Tông đồ thứ hai của Rôma.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Động từ đầu tiên, hành động đầu tiên trong những hành động này của Chúa Giêsu, là mang theo với Người. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan” lên núi với Người (9:28). Chúa Giêsu “đưa” các môn đệ, và đưa cả chính chúng ta nữa đi cùng “với Ngài”. Chúa Kitô đã yêu chúng ta, đã chọn chúng ta và gọi chúng ta. Mọi thứ bắt đầu với mầu nhiệm của một ân sủng, một sự lựa chọn, một “cuộc bầu chọn”. Quyết định đầu tiên không phải của chúng ta; đúng hơn, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta, chẳng phải vì bất kỳ công đức nào về phần chúng ta. Trước khi trở thành những người biến cuộc đời mình thành một món quà trao ban, chúng ta là những người đã nhận được một món quà được ban tặng một cách nhưng không: đó là món quà nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Hành trình của chúng ta, thưa anh chị em, cần phải bắt đầu lại mỗi ngày từ ân sủng ban đầu này. Như đã làm với Phêrô, Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu đã gọi tên chúng ta và dẫn chúng ta đi cùng. Ngài đã nắm lấy tay chúng ta. Đi đâu? Thưa: Đến núi thánh của Ngài, nơi mà ngay cả bây giờ chúng ta vẫn thấy mình đang ở với Ngài mãi mãi, và được biến hình bởi tình yêu của Ngài. Ân sủng, ân sủng đầu tiên này, dẫn chúng ta đến đó. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy cay đắng hoặc thất vọng, khi chúng ta cảm thấy bị coi thường hoặc bị hiểu lầm, chúng ta đừng đi lạc vào những lời phàn nàn hoặc hoài niệm về những khoảng thời gian đã qua. Đây là những cám dỗ ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta, khiến chúng ta chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, chúng ta hãy nắm lấy cuộc sống của mình, bắt đầu lại một lần nữa với ân sủng, trung thành với ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận ân sủng biết nhìn mỗi ngày là một bước trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng ta.
Chúa Giêsu dẫn theo Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa dẫn dắt các môn đệ lại với nhau; Ngài coi họ như một cộng đồng. Ơn gọi của chúng ta có nền tảng là sự hiệp thông. Để bắt đầu lại mỗi ngày, chúng ta cần cảm nghiệm một lần nữa mầu nhiệm được tuyển chọn của chúng ta và ân sủng của việc được sống trong Giáo hội, trong Giáo Hội Mẹ phẩm trật của chúng ta, và sống cho Giáo hội, là người phối ngẫu của chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, và chúng ta thuộc về Người với tư cách là một Hội Dòng. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sức mạnh để hình thành và thúc đẩy sự hiệp thông, để trở thành men huynh đệ cho Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta không phải là nghệ sĩ độc tấu để tìm kiếm khán giả, mà là những người anh em được sắp xếp như một dàn hợp xướng. Chúng ta hãy suy nghĩ với Giáo hội và từ chối sự cám dỗ để quan tâm đến thành công hoặc thành tựu cá nhân của chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị cuốn vào một chủ nghĩa giáo quyền dẫn đến cứng nhắc hoặc một ý thức hệ dẫn đến chia rẽ. Các vị thánh mà chúng ta kính nhớ ngày nay là những cột trụ của sự hiệp thông. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể tất cả những khác biệt về tính cách và quan điểm, chúng ta đã được kêu gọi ở bên nhau. Nếu chúng ta sẽ vĩnh viễn được hợp nhất trên thiên đàng, tại sao không bắt đầu ở đây? Chúng ta hãy trân trọng vẻ đẹp của việc được Chúa Giêsu “đưa” xích lại gần nhau, mời gọi với nhau. Đây là động từ đầu tiên: đưa đi.
Động từ thứ hai là đi lên. Chúa Giêsu “lên núi” (câu 28). Con đường của Chúa Giêsu là một con đường đi lên, không phải đi xuống. Ánh sáng của sự biến hình không được nhìn thấy trên đồng bằng, mà chỉ được nhìn thấy sau khi đi lên một cách vất vả. Khi bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải rời xa những vùng đất tầm thường và những chân đồi của sự tiện lợi; chúng ta cần từ bỏ các thói quen yên tâm của mình và bắt đầu một cuộc di cư. Sau khi lên núi, Chúa Giêsu nói với Môisê và Êlia một cách chính xác về “cuộc xuất hành mà Ngài sẽ hoàn thành tại Giêrusalem” (câu 31). Môisê và Êlia đã đi đến Sinai và Horeb sau hai lần “xuất hành” trong sa mạc (xem Xh 19; 1 Các Vua 19); bây giờ họ nói chuyện với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành dứt khoát, cuộc Vượt qua của Ngài. Thưa anh chị em, chỉ có sự đi lên của thập tự giá mới dẫn đến mục tiêu là vinh quang. Đây là con đường: từ thập giá đến vinh quang. Cám dỗ thế gian là tìm kiếm vinh quang khi bỏ qua thập tự giá. Chúng ta thích những con đường quen thuộc, trực tiếp và êm ái, nhưng để gặp được ánh sáng của Chúa Giêsu, chúng ta phải liên tục bỏ lại phía sau và đi theo Ngài về phía trước. Như chúng ta đã nghe, Chúa, Đấng đã “đưa Ápraham ra ngoài” (Stk 15: 5), cũng mời gọi chúng ta hướng ra ngoài và hướng lên trên.
Đối với các tu sĩ Dòng Tên chúng ta, hành trình di chuyển ra ngoài và đi lên này theo một con đường cụ thể, được biểu tượng độc đáo bởi ngọn núi. Trong Kinh thánh, đỉnh núi tượng trưng cho sự cực độ, cho độ cao, cho biên giới giữa trời và đất. Chúng ta được kêu gọi đi chính xác đến đó, đến biên giới giữa trời và đất, nơi nhân loại “đối đầu” với Thiên Chúa với những khó khăn của họ, để đến lượt chúng ta có thể đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ và sự hoài nghi tôn giáo của họ. Đó là nơi chúng ta cần phải có mặt, và để làm được như vậy, chúng ta phải đi ra ngoài và hướng lên. Kẻ thù của bản chất con người sẽ thuyết phục chúng ta đi theo con đường của những thói quen trống rỗng nhưng thoải mái và những cảnh quan quen thuộc, trong khi Thánh Linh thúc giục chúng ta cởi mở và đến một nền hòa bình không bao giờ khiến chúng ta yên ổn. Ngài gửi các môn đệ đến những giới hạn cực độ. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Thánh Phanxicô Xaviê.
Trong cuộc hành trình này, khi đi theo con đường này, tôi nghĩ cần phải đấu tranh. Hãy nghĩ đến Ápraham già đáng thương, ở đó với của lễ hiến tế của mình, chiến đấu với những con chim săn mồi đang muốn nuốt chửng của lễ (xem Stk 15: 7-11). Với quyền trượng của mình, ông đuổi chúng đi. Ông già tội nghiệp. Chúng ta hãy nghĩ về điều này: đấu tranh để bảo vệ con đường này, hành trình này, và sự dâng mình này của chúng ta cho Chúa.
Trong mọi thời đại, các môn đệ của Chúa Kitô thấy mình đứng trước ngã ba đường này. Chúng ta có thể hành động như Phêrô, người đáp lại lời tiên đoán của Chúa Giêsu về cuộc xuất hành của Ngài bằng cách nói, “Thật tốt khi được ở đây” (câu 33). Đây là nguy cơ của một đức tin tĩnh, một đức tin “đậu lại ngay ngắn”. Tôi sợ loại đức tin “đậu lại” này. Chúng ta có nguy cơ coi mình là những môn đệ “đáng kính”, nhưng thực tế chúng ta không đi theo Chúa Giêsu; thay vào đó, chúng ta thụ động ở yên một chỗ, và không nhận ra điều đó, ngủ gật như các môn đệ trong Tin Mừng. Trong vườn Giệtsimani các môn đệ cũng ngủ gật. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy nghĩ rằng đối với những người theo Chúa Giêsu, bây giờ không phải là lúc để ngủ, để tâm hồn mình bị an thần, bị mê hoặc bởi văn hóa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân ngày nay, bằng thái độ “cuộc sống là tốt miễn là tốt cho tôi”. Bằng cách đó, chúng ta có thể tiếp tục nói và đưa ra các lý thuyết, trong khi đánh mất đi thực tại của anh chị em mình, và tính cụ thể của Tin Mừng. Một trong những bi kịch lớn của thời đại chúng ta là từ chối mở mắt nhìn thực tại và thay vào đó là nhìn theo hướng khác. Thánh Têrêxa giúp chúng ta vượt lên khỏi chính mình, lên núi với Chúa, để nhận ra rằng Chúa Giêsu cũng tỏ mình ra qua những vết thương của anh chị em chúng ta, những cuộc đấu tranh của nhân loại, và những dấu chỉ của thời đại. Đừng sợ chạm vào những vết thương đó: chúng là những vết thương của Chúa.
Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu lên núi “để cầu nguyện” (câu 28). Đây là động từ thứ ba: cầu nguyện. “Khi Ngài đang cầu nguyện, sắc mặt của Ngài đã thay đổi, và quần áo của Ngài trở nên sáng chói” (c. 29). Sự biến hình được sinh ra từ sự cầu nguyện. Chúng ta hãy tự hỏi mình, ngay cả sau nhiều năm thánh chức, ngày nay cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đối với tôi? Có lẽ sức ép của thói quen hoặc một nghi lễ hàng ngày nào đó đã khiến chúng ta nghĩ rằng lời cầu nguyện không thay đổi cá nhân hay lịch sử. Tuy nhiên, cầu nguyện thay đổi thực tế. Cầu nguyện là một sứ mệnh tích cực, một sự chuyển cầu không ngừng. Nó không phải là xa cách thế giới, nhưng thay đổi thế giới. Cầu nguyện là mang trái tim đang đập của các vấn đề hiện tại vào sự hiện diện của Thiên Chúa, để ánh mắt của Người soi rọi lịch sử. Cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Hôm nay chúng ta nên tự hỏi bản thân xem liệu lời cầu nguyện có làm chúng ta chìm đắm trong sự thay đổi này hay không. Nó có làm sáng tỏ những người khác và biến đổi tình huống của họ không? Vì nếu lời cầu nguyện là sống động, thì nó “khơi dậy” chúng ta từ bên trong, thắp lại ngọn lửa sứ mệnh, khơi lại niềm vui của chúng ta, và liên tục thúc giục chúng ta phải biết lo lắng trước những lời cầu xin của tất cả những ai đang đau khổ trong thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy hỏi: làm thế nào chúng ta đưa cuộc chiến hiện tại đến với những lời cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta có thể nhìn vào lời cầu nguyện của Thánh Philip Neri, lời cầu nguyện đã mở rộng trái tim của ngài và khiến ngài mở rộng cửa với những đứa trẻ đường phố của thành Rôma vào thời của ngài. Hoặc là của Thánh Isidore, người đã cầu nguyện trên cánh đồng và mang công việc đồng áng của mình đến với lời cầu nguyện của mình.
Mỗi ngày, hãy làm mới lại lời kêu gọi của cá nhân chúng ta và lịch sử dòng của chúng ta; rồi đi lên những đỉnh cao mà Chúa chỉ ra cho chúng ta; và cầu nguyện để thay đổi thế giới mà chúng ta đang đắm chìm trong đó.
Tuy nhiên, cũng có một động từ thứ tư, xuất hiện trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu ở lại một mình” (câu 36). Ngài vẫn ở lại, trong khi mọi thứ khác đã qua đi ngoại trừ dư âm của “lời chứng” của Chúa Cha: “Hãy lắng nghe người” (câu 35). Tin Mừng kết thúc bằng cách dẫn chúng ta trở lại điều cốt yếu. Chúng ta thường bị cám dỗ, trong Giáo hội và trên thế giới, trong tâm linh và trong xã hội của chúng ta, coi các nhu cầu thứ yếu là chính. Một cám dỗ hàng ngày là biến mọi nhu cầu thứ cấp trở thành chính yếu. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có nguy cơ tập trung vào các phong tục, tập quán và truyền thống khiến tâm hồn chúng ta đổ dồn vào những điều phù du chóng qua và khiến chúng ta quên đi những gì còn mãi. Điều quan trọng biết bao là chúng ta phải rèn luyện tâm hồn mình, để chúng có thể phân biệt giữa những điều vĩnh hằng của Thiên Chúa và những điều thuộc về thế gian chóng qua!
Anh chị em thân mến, xin Cha Thánh Inhaxiô giúp chúng ta giữ gìn sự sáng suốt, di sản quý giá của chúng ta, như một kho tàng luôn kịp thời đổ ra cho Giáo hội và trên thế giới. Vì sự phân định cho phép chúng ta “nhìn thấy mọi sự mới mẻ trong Chúa Kitô”. Thật vậy, sự phân định là điều cần thiết, để như Thánh Peter Faber đã viết, “điều tốt có thể đạt được, suy nghĩ hoặc tổ chức, có thể được thực hiện với một tinh thần tốt chứ không phải ác tâm” (xem Memorial, Paris, 1959, n (51). Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana