Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.

Trong ba bài tĩnh tâm trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa, phần thứ Hai là Phụng Vụ Thánh Thể, và phần thứ Ba là Hiệp Thông Thánh Thể.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 31 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ tư cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Sự Hiện Diện Thực Sự Của Chúa Kitô Trong Bí Tích Thánh Thể”

Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y nói:

Sau những bài giáo lý khai tâm về ba phần chính của Thánh lễ - Phụng vụ Lời Chúa, Truyền phép và Rước lễ - hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Bí tích Thánh Thể như sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô Phục sinh trong Giáo hội.

Làm thế nào chúng ta có thể đối diện với một mầu nhiệm sâu sắc và khó hiểu như vậy? Những ký ức về vô số lý thuyết và những cuộc thảo luận về mầu nhiệm này, sự bất đồng giữa Công Giáo và Tin lành, giữa Giáo hội Latinh và Chính thống giáo, đã có thời chứa đầy các cuốn sách thần học của chúng ta, đã tấn công chúng ta. Tất cả những điều đó khiến chúng ta dường như không thể thêm bất cứ điều gì vào mầu nhiệm này nhằm gây dựng niềm tin và sưởi ấm trái tim chúng ta, mà không tránh khỏi việc sa vào các cuộc luận chiến giữa các hệ phái.

Tuy nhiên, đây là điều kỳ diệu đang được Chúa Thánh Thần tác động ngày nay trong tất cả các tín hữu Kitô. Ngài thúc giục chúng ta thừa nhận mức độ mà những tranh cãi liên quan đến Bí tích Thánh Thể của chúng ta dựa trên giả định của con người rằng mầu nhiệm này có thể được gói gọn trong một lý thuyết, hoặc thậm chí trong một lời nói, và mức độ háo thắng kẻ thù của chúng ta. Ngài đang thúc giục chúng ta ăn năn vì đã giản lược cam kết tối cao về tình yêu thương và sự hiệp nhất mà Chúa để lại cho chúng ta thành chủ đề thảo luận yêu thích của mình.

Con đường dẫn đến đại kết Thánh Thể là con đường dẫn đến sự thừa nhận lẫn nhau, con đường Kitô của đức ái, của chia sẻ. Chúng ta không được yêu cầu bỏ qua những khác biệt thực sự tồn tại và cũng chẳng bị buộc phải đoạn tuyệt đức tin với bất kỳ quan điểm nào của giáo lý Công Giáo đích thực. Vấn đề là tập hợp các khía cạnh tích cực và các giá trị đích thực trong mọi truyền thống ngõ hầu tạo thành một “khối lượng” chân lý chung sẽ dần dần dẫn chúng ta đến sự hiệp nhất.

Thật không thể tin được bằng cách nào mà một số quan điểm của Công Giáo, Chính thống và Tin lành về sự hiện diện đích thực [của Chúa Giêsu trong Thánh Thể] lại khác biệt và phá hoại đến vậy bất cứ khi nào chúng được nhìn thấy như những quan điểm đối kháng hoặc như những lựa chọn thay thế, và làm thế nào chúng lại xem ra hội tụ một cách tuyệt vời khi được kết hợp cẩn thận lại với nhau. Do đó, chúng ta phải bắt đầu thực hiện một sự tổng hợp. Như vậy, chúng ta phải sàng lọc những truyền thống lớn của Kitô Giáo để loại bỏ những gì không tốt và như Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta, hãy “điều gì tốt thì giữ” (xem 1 Thess 5:21).

Truyền thống Công Giáo: một sự hiện diện thực sự nhưng ẩn giấu

Theo tinh thần này, bây giờ chúng ta hãy xem xét kỹ ba truyền thống Thánh Thể chính - Công Giáo, Chính thống và Tin lành - được gây dựng bởi những kho tàng mà chúng chứa đựng và hợp nhất chúng trong kho tàng chung của Giáo hội. Kết quả là chúng ta sẽ thấy rằng sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm của sự hiện diện thực sự phong phú hơn và sống động hơn.

Trong thần học và phụng vụ Công Giáo, sự thánh hiến là trọng tâm không thể chối cãi của Bí tích Thánh Thể, từ đó chúng ta có sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Khi truyền phép, chính Chúa Giêsu hành động và nói. Thánh Ambrôsiô đã viết:

Bánh chỉ là bánh trước khi các lời bí tích được phát âm... Những lời nào làm cho việc truyền phép có hiệu quả và đó là lời của ai? Thưa: Những lời ấy thuộc về Chúa Giêsu! Tất cả những gì được nói trước thời điểm đó được nói bởi vị linh mục, người ca ngợi Thiên Chúa, cầu nguyện cho dân chúng, cho nhà vua và những người khác, nhưng khi đến thời điểm truyền phép Thánh Thể, thì vị linh mục không còn dùng lời của mình nữa, mà dùng lời của chính Đức Kitô. Do đó, chính những lời của Chúa Kitô đã làm cấu thành (conficit) bí tích này... Hãy xem những lời truyền phép của Chúa Giêsu Kitô có hiệu quả (operatorius) biết bao. Trước khi truyền phép Mình Chúa Kitô chưa hiện diện, nhưng từ sau khi truyền phép, đó chính là Mình Chúa Kitô. Vì Người đã phán, và bí tích xảy ra (Tv 33:9)”

Từ quan điểm Công Giáo phương Tây, chúng ta có thể nói về một thuyết hiện thực Kitô học. “Kitô học” bởi vì sự chú ý tập trung vào Chúa Kitô được nhìn thấy cả trong tình trạng lịch sử và nhập thể của Người và với tư cách là Đấng Phục sinh. Chúa Kitô vừa là đối tượng vừa là chủ thể của Bí tích Thánh Thể, nghĩa là Người được hoàn thành trong Bí tích Thánh Thể và Người hoàn thành Bí tích Thánh Thể. “Hiện thực” bởi vì Chúa Giêsu không được nhìn thấy hiện diện trên bàn thờ đơn thuần như một dấu chỉ hoặc biểu tượng mà là sự thật và trong thực tế của Ngài. Chủ nghĩa hiện thực Kitô học này rất rõ ràng, chẳng hạn, trong bài thánh ca “Ave Verum,” được sáng tác để tôn vinh Mình Thánh. Bài thánh ca ấy thế này:

Kính Lạy Chúa! cơ thể thật, nảy ra từ cung lòng Mẹ Đồng trinh Maria!

Cùng cơ thể trên thập tự giá đã được treo,

Để tránh cho con người họa diệt vong cay đắng.

Cạnh sườn Chúa bị đâm thủng và chảy ra

Cả nước cùng với máu....

Sau đó, Công Đồng Trent đã đưa ra lời giải thích chính xác hơn về cách tiếp cận này đối với sự hiện diện thực sự. Ba trạng từ đã được sử dụng: vere – một cách thực sự, realiter – một cách thực tế, substantialiter – một cách cơ bản. Chúa Giêsu hiện diện thực sự chứ không chỉ đơn giản qua hình ảnh hay hình thức, Người thực sự hiện diện, và không chỉ chủ quan qua đức tin của các tín hữu; Ngài hiện diện một cách căn bản, nghĩa là trong thực tại sâu xa của Ngài, không thể nhìn thấy bằng các giác quan, chứ không phải trong những hình tượng chỉ còn là bánh và rượu.

Đúng là có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa hiện thực “thô thiển” hoặc phóng đại. Phương pháp khắc phục nguy cơ này phải được tìm thấy trong chính truyền thống. Thánh Augustinô đã nói rõ, một lần và mãi mãi, rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là “trong bí tích”. Nói cách khác, đó là một sự hiện diện mang tính bí tích chứ không phải vật chất, thông qua các dấu chỉ, và chính xác là, qua bánh và rượu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dấu chỉ không loại trừ thực tại nhưng làm cho nó hiện diện với chúng ta, theo cách duy nhất mà Đức Kitô Phục sinh, đang sống “trong Thánh Thần,” có thể hiện diện với chúng ta chừng nào chúng ta còn ở trên đất này.

Một bậc thầy vĩ đại khác của linh đạo Thánh Thể Tây phương, Thánh Thomas Aquinas, cũng nói như vậy khi ngài bàn về sự hiện diện của Chúa Kitô “về bản thể” dưới hình bánh và rượu. Thật vậy, nói rằng Chúa Giêsu hiện diện về cơ bản trong Bí tích Thánh Thể, là nói rằng Người hiện diện trong thực tại đích thực của Người, là điều nuôi dưỡng chúng ta chỉ qua đức tin. Trong bài thánh ca Adoro te devote, được cho cũng thuộc về Thánh Thomas, chúng ta hát:

Thị giác, xúc giác và vị giác của bạn, cái nào cũng đánh lừa bạn;

Chỉ có đôi tai là an toàn nhất để tin tưởng.

Do đó, Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách hoàn toàn độc đáo. Không một từ nào có thể mô tả sự hiện diện này một cách thích hợp, ngay cả tính từ “thực”. Chữ real có nguồn gốc từ chữ res (đồ vật) và có nghĩa như là một đồ vật hay một vật thể. Nhưng Chúa Giêsu không hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như một “vật” hay một vật thể, mà là một con người. Nếu chúng ta thực sự muốn đặt tên cho sự hiện diện này, thì tốt hơn là chỉ nên nói sự hiện diện “Thánh Thể”, bởi vì nó chỉ xảy ra trong Bí tích Thánh Thể.

Truyền thống Chính thống giáo: hành động của Chúa Thánh Thần.

Thần học phương Tây rất phong phú nhưng không đầy đủ, và cũng không thể đầy đủ. Trước đây, ít nhất là tầm quan trọng dành cho Chúa Thánh Thần và cần thiết để hiểu về Bí tích Thánh Thể đã bị lơ là. Và vì vậy chúng ta quay sang phương Đông để xem truyền thống Chính thống giáo có gì để cung cấp cho chúng ta. Thái độ của chúng ta ngày nay đã khác; chúng ta không còn lo lắng về sự khác biệt mà biết ơn những gì được cung cấp để giúp hoàn thiện quan điểm của chúng tôi.

Trên thực tế, truyền thống Chính thống giáo luôn coi trọng tác động của Chúa Thánh Thần trong việc cử hành Thánh Thể. Kể từ Công đồng Vatican II, sự chia sẻ này đã cho thấy kết quả. Cho đến nay, Sách Lễ Rôma chỉ đề cập đến Chúa Thánh Thần một cách thoáng qua trong tụng thức cuối cùng: “Nhờ Người, với Người, trong Người… trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần....” Giờ đây, trái lại, tất cả các sách lễ mới đều có một lời khẩn cầu kép đối với Chúa Thánh Thần: một là trên các lễ vật trước khi truyền phép và hai là về Giáo hội sau khi truyền phép.

Các phụng vụ Đông phương luôn quy sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trên bàn thờ là do tác động cụ thể của Chúa Thánh Thần. Trong “Kinh Nguyện Thánh Thể của Thánh Giacôbê,” được sử dụng trong Giáo Hội tại Antiôkia, Chúa Thánh Thần được cầu khẩn với những từ sau:

Lạy Chúa là Đấng Ban Sự Sống, xin hãy sai Thánh Thần Chúa đến trên chúng con và trên những lễ vật này, Ngài là Đấng trị vì cùng Chúa Cha và cùng Con Một của Chúa. Ngài cùng trị vì thực sự và vĩnh viễn; Ngài phán qua luật pháp và các tiên tri và Tân Ước; Ngài đã giáng xuống dưới hình dạng chim bồ câu trên Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô ở sông Giôđan, Ngài giáng xuống trên các Tông đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dưới hình dạng lưỡi lửa. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến ba lần trên chúng con và trên những lễ vật này, để nhờ sự thánh khiết, nhân từ và vinh hiển của Ngài, Ngài có thể thánh hóa bánh này và biến nó thành Mình Thánh Chúa Kitô (Amen), và thánh hóa chén thánh này và làm cho nó thành Máu Châu báu của Chúa Kitô (Amen).

Đây không chỉ là một sự bổ sung đơn giản cho việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Đó là một cái nhìn bao quát và xuyên suốt về lịch sử cứu độ đã mở ra một chiều kích mới về mầu nhiệm Thánh Thể. Bắt đầu với những lời trong Kinh Tin Kính Nicê Constantinople xác định Chúa Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống... Đấng đã nói qua các vị tiên tri,” viễn cảnh sau đó được mở rộng để phác thảo một “lịch sử” thực sự về hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Bí tích Thánh Thể đưa chuỗi sự kiện tuyệt vời này đến sự viên mãn. Chúa Thánh Thần, Đấng trong lễ Phục sinh xông vào trong mộ, chạm vào Thân thể Chúa Kitô và ban sự sống cho Người, lặp lại điều kỳ diệu này trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đến trên những phần tử chết của bánh và rượu và ban sự sống cho chúng; Ngài biến chúng thành Mình và Máu của Đấng Cứu Chuộc. Quả thật, như chính Chúa Giêsu đã nói về Bí tích Thánh Thể, “chính Thần Khí ban sự sống” (Gioan 6:63). Theodore thành Mopsuestia, một bậc thầy về truyền thống Thánh Thể Đông phương, đã viết:

Nhờ hành động phụng vụ, như thể Chúa của chúng ta đã sống lại từ cõi chết và tuôn đổ ân sủng của Người trên tất cả chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần.... Khi vị linh mục tuyên bố rằng bánh và rượu là Mình và Máu Chúa Kitô, ngài khẳng định rằng điều này đã xảy ra nhờ Chúa Thánh Thần. Điều này cũng giống như những gì đã xảy ra với thân thể tự nhiên của Chúa Kitô khi nhận được Đức Thánh Linh và sự xức dầu của Ngài. Vào lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tin rằng bánh và rượu nhận được một sự xức dầu ân sủng đặc biệt. Và từ đó trở đi, chúng ta tin rằng chúng là Mình và Máu của Chúa Kitô, bất tử, không nhiễm bệnh, không thể bị tổn thương và bất biến về bản chất, giống như Mình của Chúa Kitô lúc sống lại.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên một thực tế cho thấy rằng truyền thống Công Giáo cũng có điều gì đó để cung cấp cho anh em Chính thống giáo. Chúa Thánh Thần không hành động độc lập với Chúa Giêsu; nhưng hành động theo lời Người. Chúa Giêsu nói về Thánh Linh như sau: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại.. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16: 13-14). Đó là lý do tại sao chúng ta không được tách những lời của Chúa Giêsu (“Này là Mình Thầy”) khỏi những lời nguyện xin cùng Chúa Thánh Thần trong Kinh Nguyện Thánh Thể (“Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho bánh này trở nên Mình Chúa Kitô”).

Lời kêu gọi hiệp nhất, đối với cả tín hữu Công Giáo và Chính thống, phát xuất từ chính tâm điểm của mầu nhiệm Thánh Thể. Ngay cả khi, vì những lý do hiển nhiên, việc tưởng niệm việc thiết lậ[ bí tích Thánh Thể và việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần diễn ra vào hai thời điểm khác nhau (người phàm không thể diễn tả mầu nhiệm trong cùng một khoảnh khắc), thì hành động của họ vẫn diễn ra đồng thời. Hiệu quả của nó chắc chắn đến từ Thánh Linh (chứ không phải từ linh mục hay Giáo hội), nhưng nó hoạt động bên trong và qua lời của Chúa Kitô.

Tôi đã nói rằng hiệu quả khiến Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ không bắt nguồn từ Giáo hội nhưng cũng không xảy ra nếu không có Giáo hội. Giáo hội là kênh sống động qua đó và nhờ đó Chúa Thánh Thần tác động. Chúa Giêsu ngự đến trên bàn thờ cũng giống như Ngài lại đến trong vinh quang cuối cùng: Thánh Linh và Hiền Thê (Hội Thánh) nói với Chúa Giêsu: Lạy Chúa xin hãy đến! (xem Kh 22:17). Và Ngài đến.

Linh đạo Tin lành: tầm quan trọng của đức tin.

Truyền thống Rôma nhấn mạnh “ai” hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, đó là Chúa Kitô; truyền thống Chính thống giáo nhấn mạnh “bởi ai” sự hiện diện này được thực hiện, đó là Chúa Thánh Thần; Thần học Tin lành nhấn mạnh “đối với ai” sự hiện diện này có hiệu quả; nói cách khác, họ nhấn mạnh đến những điều kiện làm cho bí tích thực sự hữu hiệu nơi những người lãnh nhận bí tích. Các điều kiện có rất nhiều nhưng chúng có thể được tóm gọn trong một tiêu đề: đức tin.

Chúng ta đừng quan tâm ngay lập tức và hoàn toàn đến những khía cạnh tiêu cực đã bị chỉ trích vào một số thời điểm nhất định trong nguyên tắc Tin lành rằng các bí tích chỉ là “dấu chỉ của đức tin”. Chúng ta hãy quên đi những hiểu lầm và tranh cãi và chúng ta sẽ thấy rằng việc nhớ lại đức tin tràn đầy năng lượng này có lợi cho việc cứu bí tích này và ngăn nó trở thành một “việc lành phúc đức” khác, hoặc một thứ hoạt động một cách máy móc hoặc ma thuật mà con người hầu như không biết. Cuối cùng, đó là vấn đề khám phá ý nghĩa sâu xa của câu cảm thán vang vọng lại trong phụng vụ ở cuối lời truyền phép và từng được đặt ở trung tâm của công thức truyền phép, như để nhấn mạnh rằng đức tin là tính chất nội tại của mầu nhiệm này: “Mysterium fidei”, mầu nhiệm đức tin!

Đức tin không “làm nên” bí tích nhưng “lãnh nhận” bí tích. Chỉ những lời của Chúa Kitô được Hội thánh lặp lại và được Chúa Thánh Thần làm cho có hiệu lực mới “làm nên” bí tích. Nhưng một bí tích “được thực hiện” mà không được lãnh nhận thì sẽ như thế nào? Liên quan đến việc nhập thể, những người như Origen, Thánh Augustinô và Thánh Bernard nói: “Tôi có lợi gì khi Chúa Kitô được sinh ra bởi Đức Maria ở Bethlehem nếu Người cũng không được sinh ra bởi đức tin trong lòng tôi?” Chúng ta có thể nói như vậy về Bí tích Thánh Thể; Tôi có lợi gì khi Chúa Kitô thực sự hiện diện trên bàn thờ, mà đối với tôi, Ngài không hiện diện? Đức tin là cần thiết ngay cả khi Chúa Giêsu hiện diện thể lý trên trái đất này; nếu không - như chính Ngài đã lặp lại nhiều lần trong phúc âm - sự hiện diện của Ngài chẳng ích gì, nếu không muốn nói rằng đó chỉ là một sự lên án: “Khốn cho ngươi hỡi Khôradin, khốn cho ngươi hỡi Caphácnaum!” (Mt 11: 21f.).

Đức tin là điều cần thiết để làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không chỉ là “thực sự” mà còn là “cá vị”, một sự hiện diện một đối một. “Ở đó” là một chuyện, “hiện diện” là một chuyện khác. Sự hiện diện giả định một người nào đó có mặt vì người khác; nó giả định sự giao tiếp qua lại, một cuộc trao đổi giữa hai người tự do, những người nhận thức được và cởi mở với nhau. Do đó, có nhiều liên quan hơn là chỉ ở một nơi nhất định.

Chiều kích chủ quan và hiện sinh như vậy của sự hiện diện Thánh Thể không hủy bỏ sự hiện diện khách quan có trước đức tin của con người, nhưng thực sự nó đã giả định trước và mang lại giá trị cho nó. Luther, người đã nâng vai trò của đức tin lên tầm cao như vậy, cũng là một trong những người bảo vệ trung thành nhất giáo lý về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Trong quá trình tranh luận về chủ đề này với các nhà Cải cách khác, ông đã tuyên bố:

Tôi không thể giải thích những từ 'Này là Mình Thầy' khác với cách chúng được phát âm. Do đó, ai muốn chứng minh rằng, nơi những từ 'Này là Mình Thầy ' được nói ra, Thân thể của Chúa Kitô không hiện diện thì mặc kệ họ. Tôi không muốn nghe những lời giải thích dựa trên lý trí. Trước những lời lẽ rõ ràng như vậy, không thể có thắc mắc nào cả; Tôi từ chối lý luận logic và lý lẽ thông thường. Tôi hoàn toàn bác bỏ các minh chứng thực tế và tranh luận phân tích. Thiên Chúa đứng trên tất cả các loại chắc chắn toán học và chúng ta phải ngạc nhiên tôn thờ Lời Chúa.

Nhìn sơ qua sự phong phú chứa đựng trong các truyền thống Kitô giáo khác nhau là đủ để thấy món quà to lớn mở ra cho Giáo hội khi các giáo phái Kitô khác nhau chấp nhận hợp nhất tài sản tinh thần của họ, như những Kitô hữu đầu tiên đã làm, những người “có tất cả mọi thứ làm của chung “(Cv 2:44). Đây là đức ái đích thực, bao trùm toàn thể Giáo Hội, mà Chúa khiến chúng ta muốn thấy để nhận ra, vì vinh quang của Cha chung của chúng ta và lợi ích của Giáo hội của Người.

Cảm tình đối với sự hiện diện

Bây giờ đến lúc chúng ta chấm dứt cuộc hành hương Thánh Thể nhỏ bé của chúng ta thông qua các giáo phái Kitô giáo khác nhau. Chúng ta đã thu thập được một vài giỏ bánh vụn từ việc nhân rộng tấm bánh trong Giáo Hội. Nhưng chúng ta không thể kết luận ở đây những suy tư của chúng ta về mầu nhiệm của sự hiện diện thực sự. Nó sẽ giống như thu thập các mảnh vụn mà không ăn chúng. Niềm tin vào sự hiện diện thực sự là một điều tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đủ; ít nhất, niềm tin theo một cách nào đó là không đủ. Ý tưởng chính xác và hoàn hảo về mặt thần học về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là chưa đủ. Nhiều nhà thần học biết tất cả về mầu nhiệm này, nhưng họ không biết sự hiện diện thực sự. Theo thuật ngữ Kinh thánh, bạn chỉ “biết” điều gì đó khi bạn đã trải nghiệm nó. Để biết lửa, bạn phải ít nhất một lần đến gần ngọn lửa, gần đến mức có nguy cơ bị cháy.

Thánh Grêgôriô thành Nyssa đã để lại cho chúng ta một biểu hiện sâu sắc đáng kinh ngạc về loại đức tin sâu sắc hơn này; ngài nói về một “cảm tình đối với sự hiện diện” (aesthesis parousias). Điều này xảy ra khi một người bị thu hút bởi sự hiện diện của Thiên Chúa và có một cảm thức nhất định (không chỉ là một ý tưởng) rằng Thiên Chúa ở đó. Nó không phải là một cảm thức tự nhiên; nó là hoa trái của ân sủng. Có một sự tương đồng mạnh mẽ giữa điều này và những gì đã xảy ra khi sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với một người nào đó. Đó là một điều gì đó đột ngột thay đổi hoàn toàn và bất ngờ trong tâm trí của người đó.

Một ngày sau khi phục sinh, khi các tông đồ đang đánh cá trong hồ; một người đàn ông đứng trên bãi biển. Người bắt đầu nói chuyện từ xa: “Các con ơi, các con có con cá nào không?” và họ trả lời Ngài, “Không!” Nhưng sau đó, một nhận thức loé lên trong đầu, Thánh Gioan đã kêu lên: “Chúa đó!” Mọi thứ đã khác sau sự công nhận này và mọi người vội vã lên bờ (xem Ga 21: 4f.). Điều tương tự cũng đã xảy ra, ngay cả khi theo một cách nhẹ nhàng hơn, đối với các môn đệ trên đường Emmau. Chúa Giêsu đang đi với họ, “nhưng mắt họ không nhận ra Ngài”; cuối cùng, khi Người bẻ bánh, “mắt họ mở ra và nhận ra Người” (Luca 24: 13ff.). Điều tương tự cũng xảy ra khi một Kitô hữu, người đã tiếp nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể nhiều lần, cuối cùng, một ngày nào đó, nhờ ân sủng, “nhận ra” Người.

Từ đức tin và “cảm tình” đối với sự hiện diện thực sự, lòng tôn kính phải tự phát xuất hiện, và thực sự, một cảm giác dịu dàng đối với Chúa Giêsu trong Bí tích. Đây là một tình cảm cá vị và tế nhị đến mức lời nói thậm chí có thể phá hủy nó. Thánh Phanxicô Assisi có điều gì đó muốn nói với chúng ta vào thời điểm này. Trái tim ngài tràn ngập những tình cảm tôn kính và dịu dàng. Ngài đã cảm động trước Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cũng như ngài đã xúc động trước Hài Nhi ở Bethlehem. Thánh nhân thấy Chúa thật bất lực, thật phó thác cho nhân loại, thật khiêm tốn. Trong Thư gửi tất cả các anh em, ngài viết những lời đầy lửa mà chúng ta muốn nghe bây giờ khi chúng ta khi kết thúc bài suy niệm về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể:

Hãy xem xét phẩm giá của anh em, các thầy, và các linh mục, và hãy thánh thiện vì chính Ngài là thánh… Thật là một sự khốn khổ và yếu đuối đáng trách khi anh em có Ngài hiện diện như thế mà lại lo toan cho bất cứ điều gì khác trên thế gian này. Hãy để cho toàn bộ nhân loại co rúm vì sợ hãi; cả thế giới run sợ; hãy để thiên đàng hân hoan khi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, ngự trên bàn thờ trong tay của thầy cả tế lễ. Ôi cao vời đáng ngưỡng mộ và uy phong tuyệt vời! Ôi khiêm nhường siêu phàm! Ôi khiêm nhường cao cả! Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và là Con Chúa Cha, tự hạ mình đến mức để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã ẩn mình dưới một tấm bánh. Hỡi anh em, hãy xem xét sự khiêm nhường của Thiên Chúa và “hãy đổ hết lòng mình ra trước mặt Ngài, và hãy hạ mình để được Ngài tôn cao. Vì vậy, đừng giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình để Ngài, Đấng tự hiến hoàn toàn cho anh em, có thể tiếp nhận anh em một cách trọn vẹn.

1.De sacramentis, IV, 14-16 (PL 16, 439 ss).

2. xem THOMAS AQUINAS, Summa theologiae III, q. 75, a. 4.

3.THANH SÁCH CỦA MOPSUESTIA, Bài giảng Giáo lý, XVI, 11 s.

4.Cf Acts of the colloquy of Marburg of 1529 (Weimar Ed., 30, 3, p. 110 ss).

5.GREGORY OF NYSSA, On the Canticle, XI, 5, 2 (PG 44, 1001).
Source:Cantalamessa