Bài đọc Tin Mừng Luca 8:49-56: Cho con gái Giaia sống lại

49Đức Giêsu còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: “Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa!” 50Nghe vậy, Đức Giêsu bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu.” 51Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê và cha mẹ của đứa bé. 52Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giêsu nói: “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 53Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. 54Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!” 55Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giêsu bảo người ta cho nó ăn. 56Cha mẹ nó kinh ngạc. Nhưng Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra.

Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ



Chú thích

Có người đến. Khác với song hành Máccô dùng cụm từ có mấy người đến.

Đừng làm phiền Thầy nữa. Câu hỏi trong Máccô (làm phiền thầy chi nữa?) trở thành câu mệnh lệnh tiêu cực.

Đừng sợ. Đây là kiểu trấn an theo Cựu Ước do các sứ giả của Chúa nói như ở St 15:1; Đn 10: 12, 19; xem thêm Lc 1:30; 2:10.

Chỉ cần tin thôi. Luca giả thiết người đọc hiểu đối tượng của niềm tin này, nên không giải thích thêm.

Trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng này, ba môn đệ này được kể riêng ra. Các ngài được giới thiệu như các nhân chứng ưu tuyển cho quyền năng của Chúa Giêsu và trở nên những người “các bí mật nước trời” được biểu lộ cách đặc biệt.

Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! Lời này không có ý nói cô bé dường như đã chết nhưng đúng hơn cái chết của cô, giống giấc ngủ, có giới hạn về thời gian. Lời của Người gợi lên một vấn đề lớn hơn: với việc xuất hiện của Người, chết được coi như một giấc ngủ, không phải là một tình trạng vĩnh viễn, mà chỉ chuyển tiếp thôi. Việc gợi ý phục sinh không còn xa.

Họ chế nhạo Người. Phản ứng này diễn ra vì họ biết chắc cô bé đã chết; nhưng họ không biết gì về quyền năng của Chúa Giêsu.

Này bé, trỗi dậy đi! Chúa Giêsu nói với cô bé như thể cô thức dậy từ một giấc ngủ bình thường. Cụm từ talitha koum trong Máccô (5:41) đã không được Luca sử dụng vì ngài viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại là những người giả thiết không quen thuộc ngôn ngữ này.

Hồn đứa bé trở lại. Cha Fitzmyer dịch là “hơi thở”, một dấu hiệu sự sống mới đã được ban cho. Câu này được Luca thêm vào để nhấn mạnh việc ý niệm trở lại sự sống trần gian trước đó.

Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra. Luca lấy lại câu của Máccô ở 5:43a, nơi nó có nghĩa hơn (Đức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy), thích hợp với khuôn mẫu bí mật xức dầu (messianic secret) của Tin Mừng này. Luca duy trì nó vì mặc dù không sử dụng khuôn mẫu này, nhưng vì ngài cũng mô tả Chúa Giêsu từng nhìn nhận rằng có những bí mật về nước trời chưa được phanh phui trọn vẹn.

Nhận định

Trong bài giảng 46 của ngài về tình tiết này (8:49-56), Thánh Cyril thành Alexandria nhấn mạnh đến chi tiết khi Chúa Giêsu nói “con bé có chết đâu, nó ngủ đấy” người ta chế nhạo Người,” vì “biết nó đã chết”. Thánh nhân coi đây là một nét tài tình. Vì điều này cho thấy những người này quả quyết đứa nhỏ đã chết thật, mà với họ, nó chết thật, thì khi Chúa Giêsu làm nó sống lại, họ mới tin vào quyền năng của Người, chứ nếu họ cũng nghĩ như Chúa Giêsu rằng đứa nhỏ chỉ ngủ thôi hay chỉ hôn mê thôi, thì hành vi làm nó tỉnh dậy của Chúa Giêsu đâu có chi là lạ lùng, thầy thuốc trần gian nào mà chả có khả năng làm vậy. Thành thử họ càng chế nhạo Người vì nói một điều ngược hẳn với “chứng cớ hiển nhiên” của họ, họ càng bái phục Người hơn và tin vào Người sau khi Người làm cô bé sống lại.

Nhân nói đến việc Chúa Giêsu nắm lấy tay cô bé và làm cô sống lại, Thánh Cyril đề cập tới đức tin trong bối cảnh hội đường khi viết rằng “Ôi cái nắm tay làm phát sinh sự sống, một cái nắm tay diệt trừ sự chết, và thối nát! Đó là hoa trái đức tin mà vì nó luật lệ cũng đã được ban cho người thời xưa qua tay Môsê”.

Do đâu thánh Cyril dám quả quyết lề luật đã được ban cho vì đức tin? Ngài trả lời: Ápraham được công chính hóa nhờ vâng lời và đức tin, như Kinh thánh đã nói “Ápraham tin vào Thiên Chúa; và ông được gọi là bạn hữu Thiên Chúa, và nhờ đức tin ông được kể là người công chính” (Rm 4:9). Thánh Phaolô quả quyết đi quả quyết lại rằng Ápraham được công chính hóa nhờ đức tin trước khi được cắt bì, nghĩa là đức tin có trước lề luật. Mãi sau này, lề luật mới tới qua tay Môsê. Lề luật có phá bỏ việc công chính hóa nhờ đức tin không? Dĩ nhiên không (xem Gl 3:21). Trái lại, ở một chỗ khác, Thánh Phaolô quả quyết: “Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3: 24). Nhưng ngay sau đó, ngài viết thêm “Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa” (câu 25). Vì lề luật cho thấy chúng ta tất cả đều là những kẻ tội lỗi và vì không ai giải thoát con người khỏi tội lỗi, nên chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào Chúa Kitô. Khi Người đến, lề luật không còn giá trị nữa, đức tin vào Người mới mang đến ơn cứu rỗi, như trường hợp ông trưởng hội đường, đại biểu của lề luật nay mới thực sự là con cái Ápraham trong đức tin.

Một tác giả khác, Steven J. Cole (https://bible.org/seriespage/lesson-39-fear-faith-luke-849-56), tập chú vào khía cạnh nỗi sợ hãi dẫn đến đức tin: “trong các hoàn cảnh sợ hãi, chúng ta phải thắng vượt mọi trở ngại dẫn tới đức tin và đặt niềm tín thác của chúng ta nơi Chúa Giêsu”. Ông cho rằng có ba ơn ích cho chúng ta trong các hoàn cảnh sợ hãi. Ơn ích đầu tiên là nhờ những hoàn cảnh này chúng ta hiểu rõ đâu mới là ưu tiên của chúng ta. Giaia hẳn là người có tiền và địa vị. Giáp mặt với viễn ảnh mất đứa con gái yêu qúi độc nhất, ông mới thấy đâu là ưu tiên thực sự của ông: thành công trần thế không tách biệt ông khỏi thảm kịch và sự chết. Khi thảm kịch trừng trừng nhìn thẳng vào mặt ta, chỉ có tình yêu Thiên Chúa và người lân cận mới là điều đáng sống cho.

Ơn ích thứ hai: hoàn cảnh sợ hãi tước bỏ tính kiêu ngạo của ta và để Chúa tỏ quyền năng vì ta. Chính hoàn cảnh sợ hãi mất con khiến Giaia sụp dưới chân Chúa Giêsu van nài Người cứu giúp ông. Ơn ích thứ ba: hoàn cảnh sợ hãi nhắc ta nhớ thân phận tử sinh của mình và tin tưởng vào Chúa. Giáp mặt với sự chết, người ta mới thấy đời sống như gío thoáng qua và ta nên trông cậy nơi Chúa.

Cole nhận định thêm: trong các hoàn cảnh gây sợ hãi ta phải thắng vượt các trở ngại dẫn tới đức tin: trong trường hợp Giaia, trở ngại chắc chắn là công luận vì những người lui tới hội đường của ông hẳn không bao giờ ủng hộ việc ông chạy đến với Chúa Giêsu; rồi bị gián đoạn, kỳ đà cản mũi (interruptions) như người đàn bà băng huyết chẳng hạn, trời đất “con tôi chết đến nơi, vui lòng để ngày mai đi bà nội!” Sau đó, là những người khóc mướn, nhạc công... May mắn, chính Chúa Giêsu dẹp mấy người đó cho ông sau khi họ chế nhạo Chúa. Nhưng sự chế nhạo của họ há không tạo trở ngại cho con đường đức tin của ông sao khi họ quả quyết là con ông đã chết?

Cole cho rằng trong các hoàn cảnh sợ hãi, việc tin vào Chúa Giêsu không dễ dàng. Cho nên Chúa Giêsu khuyến khích Giaia tin. Từ ý niệm này, Cole cho rằng việc Chúa Giêsu sẵn lòng chấp nhận con người thật của ta khuyến khích ta tín thác nơi Người. Giaia có đức tin, nhưng là một đức tin yếu ớt, không như đức tin của viên bách quản Caphácnaum, người tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành đầy tớ của ông bằng lời nói không cần đến nhà ông. Chúa Giêsu vẫn chấp nhận đức tin yếu ớt này và đi theo ông tới nhà để chữa lành cho con gái ông và tăng cường lòng tin của chính ông.

Một tác giả khác (https://www.biblecomments.org/c/29/preachers-complete-homiletical-commentary/luke/8/49-56) lưu ý tới các lời trực tiếp của Chúa Giêsu tại các câu 50, 52 và 54:

I.“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi. Con gái ông sẽ được cứu”. Người mời gọi và khích lệ đức tin ngay trong lúc mọi sự dường như vô vọng: Sự thiếu kiên nhẫn của Giaia được biện minh bởi tin tức về cái chết của đứa con. Đức tin của ông, ở trạng thái lúc đó, đã sẵn sàng sụp đổ. Ông có thể tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành, nhưng làm sống lại thì quả là điều quá sức mong đợi. Hiển nhiên đối với ông, nó không thể có được. Làm thế nào mà có được? Và vào ngay lúc đó, khi tia sáng yếu ớt cuối cùng trong trái tim u tối của người cha tắt ngúm, thì lần đầu tiên trong câu chuyện, Chúa Giêsu Kitô đã cất tiếng nói. Những lời của Người nghe có vẻ lạ và gần như vô nghĩa, "Đừng sợ." Cần gì thêm nữa để mà sợ? Điều cuối cùng và tồi tệ nhất đã đến cả rồi. "Chỉ cần tin thôi." bây giờ, còn gì nữa để mà tin? "con gái ông sẽ được cứu." Trong câu nói này, ẩn giấu một lời khuyến khích đủ để đức tin đứng vững, mặc dù nó có thể không được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản. Người cho Giaia đủ để cổ vũ ông và thắp lên lại ngọn lửa hy vọng. Người không bao giờ bảo chúng ta đừng sợ hãi mà không bảo chúng ta tin vào Người, và cho đức tin một điều gì đó để bám vào. Một đức tin chân chính sẽ chấp nhận những lời bảo đảm của Người ngay cả khi chúng dường như ám chỉ những điều bất khả.

II. “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Người công bố rằng điều bất phản hồi không bất phản hồi đối với Người, vì Người đến đánh thức người ngủ: Lời này đã được nói trong nhà, ở cửa buồng. Những người chơi sáo, những người khóc mướn, và những người hàng xóm tò mò, và tất cả những đám đông đến để vo ve quanh nỗi buồn, đều ở đó; và phía bên kia của bức tường chừng một thước, cô bé tội nghiệp đang nằm câm lặng, không nghe thấy gì. Thật là vô lý khi tưởng tượng câu nói của Chúa Kitô phải được hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là cô bé chỉ trong cơn ngất xỉu hoặc hôn mê. Giọng cười vô cảm của những người ngoài cuộc đủ bằng chứng cho thấy điều mà người ta gọi là cái chết đã diễn ra một cách không thể nhầm lẫn được. Họ đã nhìn thấy những giây phút cuối cùng, và biết rằng cô bé đã chết. Như vậy câu nói có nghĩa gì? Chúa Giêsu không dùng những mỹ danh tình cảm để gọi sự kinh dị không thể thay đổi được, như chúng ta đôi khi vẫn làm; nhưng việc Người đổi tên theo sau một sự thay đổi bản chất. Người đã xóa bỏ sự chết, và, trong khi thực tại vật lý vẫn còn đó, thì toàn bộ đặc tính của nó đã thay đổi. Ngủ không phải là bất tỉnh. Nó đình chỉ sức mạnh ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng, tới thế giới khả giác, nhưng không làm được hơn thế. Chúng ta sống và suy nghĩ và vui mừng trong giấc ngủ. Nó có lời hứa sẽ thức dậy. Nó mang lại sự nghỉ ngơi. Vì vậy, Chúa của chúng ta lấy phép ẩn dụ cũ mà mọi dân tộc đều đã sử dụng để che giấu sự xấu xa của cái chết, và thổi vào đó niềm hy vọng mới.

III. “Này bé, trỗi dậy đi!” Lời nói cuối cùng của Người là lời ban sự sống trong buồng tử thần. — Im lặng và giữ bí mật thích hợp với nó. Người giữ đám đông ồn ào ở đàng xa, và cùng với cha mẹ và ba môn đệ chính bước vào sự hiện diện thánh thiêng của người chết. Tại sao số nhân chứng lại ít như vậy? Có thể vì cô bé, những năm tháng còn thơ dại có thể bị quấy rầy bởi nhiều cặp mắt tò mò; nhưng rõ ràng, vì những lý do mà chúng ta không biết, Người muốn ít người biết đến phép lạ. Hành động kỳ diệu được thực hiện một cách đơn giản và dễ dàng xiết bao! Một cái chạm tay của Người, hai từ ngữ, chính âm tiết mà Thánh Máccô dành cho, và “Hồn đứa bé đã trở lại”. Người là Chúa của cả kẻ chết lẫn người sống, và lời của Người chạy rất nhanh qua hố phân cách giữa thế giới này và thế giới người chết. Họ ngủ nhẹ nhàng, và dễ được đánh thức bởi cái nắm tay của Người. Giấc ngủ của họ, trong khi kéo dài, thật ngọt ngào, thư thái, tỉnh táo, nếu họ ngủ trong Chúa Giêsu. Đối với cơ thể mệt mỏi, nó thiu thiu; và đối với tinh thần, cũng có thể được cho là ngủ, nếu qua đó chúng ta hiểu là sự chấm dứt của lao nhọc, sự kết thúc của việc nối kết với thế giới bên ngoài, sự yên tĩnh của việc nghỉ ngơi sâu sắc; nhưng, theo một khía cạnh khác, giấc ngủ của các thánh là việc họ đi vào một cuộc sống đầy đủ và sống động hơn, và họ “được thoả mãn”, khi họ nhắm mắt trên cõi trần thế, để mở chúng ra cho thiên đàng, và ngủ để “tỉnh thức trong việc giống như Người.”