LỄ Đức Mẹ LÊN TRỜI
LỄ VỌNG
MẸ LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
1 Sb 15,3-4.15-16; 16,1-2; 1 Cr 15,54-57; Lc 11,27-28
Ngày 01/11/1950 với ơn vô ngộ, Đức Giáo Hoàng Piô XII, nhân danh Giáo Hội, đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Lên Trời Cả Hồn Cả Xác (Tông huấn Munificentissimus Deus). Đây là một chân lý đức tin buộc chúng ta phải tin, vì liên quan đến ơn cứu độ của mỗi người. Giáo Hội không buộc chúng ta tin vào việc Đức Mẹ hiện ra nơi này, nơi nọ như Lộ Đức, Fatima v.v… Nhưng buộc chúng ta tin bốn tín điều hay 4 đặc ân của Đức Mẹ: đó là đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đồng Trinh Trọn đời, Mẹ Thiên Chúa và Lên Trời cả hồn cả xác.
Tín điều Đức Maria lên trời cả hồn cả xác là kết quả của một quá trình suy tư thần học lâu dài của Giáo Hội dựa trên chứng tá của Truyền Thống và nền tảng Kinh Thánh. Những bài đọc mà chúng ta vừa nghe là những nền tảng Kinh Thánh cho tín điều này:
Bài đọc I là lời chứng về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria: “Nay sự cứu độ, quyền năng, uy quyền của Thiên Chúa, và của Đức Kitô đã được thực hiện.”
Và ơn cứu độ này được thực hiện nhờ Đức Kitô như được nói ở bài đọc II. Thánh Phaolô gọi “Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, sau đó mới đến những người thuộc về Chúa Kitô.” Mẹ là người thuộc về Đức Kitô trước hết. Mẹ được vinh hiển là nhờ công trạng của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất là sự chết khi Người từ cõi chết sống lại. Mẹ lên trời là hoa quả đầu mùa do ơn cứu độ Đức Kitô mang đến.
Bài Tin Mừng chứa đựng những mạc khải về chân lý này. Chính Đức Maria ca ngợi Chúa rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi… Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại…” Mẹ được lên trời là do quyền năng Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại như thế.
Những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ thì Người cũng sẽ thực hiện cho mỗi chúng ta. Công Đồng Vaticanô II nói rằng: Mẹ lên trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mỗi chúng ta. Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành (LG 69). Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ được Thiên Chúa cứu độ như Mẹ trong ngày sau hết. Đó là niềm hy vọng của mỗi người chúng ta.
Để được nên giống Mẹ và là con cái của Mẹ, chúng ta được mời gọi xây dựng tương quan với Đức Maria trong hai từ “mẫu”: Mẹ vừa là hiền mẫu, vừa là mẫu gương.
Trước hết, Mẹ là hiền mẫu: khi nói tới hiền mẫu là nói tới con người của Mẹ. Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, nên Giáo Hội cũng gọi Mẹ là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, được định tín bởi Công Đồng chung Ephêsô 431. Và Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội, là Mẹ của mỗi người chúng ta, một người Mẹ dạt dào tình thương yêu con cái. Vì thế, chúng ta hãy chạy đến với Đức Mẹ luôn.
Mẹ là mẫu gương. Trong văn hóa Việt Nam khi nói tới một người phụ nữ lý tưởng thì phải hội đủ bốn đức tính tốt: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Ta gọi đó là tứ đức. Đức Mẹ là mẫu người hội tụ đầy đủ các đức tín đó, vì thế Mẹ trở thành lý tưởng cho mỗi người noi gương:
Công: khéo léo trong việc làm, cả đời Mẹ là chăm chỉ làm việc và phục vụ.
Dung: hòa nhã trong sắc diện. Mẹ là người đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Ngôn: mềm mại trong lời nói. Mẹ ít nói và chỉ nói những lời hay ý đẹp như bài Magnificat
Hạnh: nhu mì trong tính nết: Cả đời Mẹ là một tiếng xin vâng liên lỉ với Thiên Chúa.
Mừng Lễ Mẹ, chúng ta một lần nữa đón nhận Mẹ vừa là hiền mẫu, vừa là mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu, chúng ta hãy học ở nơi Mẹ. Và xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa.
Lạy Chúa, mừng lễ Mẹ lên trời, chúng con chiêm ngắm Mẹ, một người nữ lý tưởng của Chúa về công dung ngôn hạnh. Xin cho tất cả chúng con biết yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ để biết xin vâng, biết thực hành lời Chúa. Để qua Mẹ chúng con đến với Chúa. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/