Đội quân nhỏ nhất thế giới, trong những năm gần đây gặp khó khăn trong việc tuyển mộ tân binh, đã tạo ra một chức vụ quan hệ truyền thông mới trong nỗ lực mang thu hút các thành viên mới.

Trong một thông cáo ngày 1 tháng 9, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tuyên bố họ đang mở rộng sự hiện diện của mình ở Thụy Sĩ “bằng cách tạo ra một văn phòng báo chí và một đầu mối liên lạc cho các cơ quan chức năng”.

Người đàn ông được bổ nhiệm cho công việc này là Stefan Wyer, từ công ty Visp và đã từng làm việc với tư cách là một nhà tư vấn kinh doanh độc lập về truyền thông và chính trị.

Wyer sẽ báo cáo trực tiếp với Chỉ huy Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Christoph Graf, là người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2015, và ông cũng sẽ làm việc chặt chẽ với người đứng đầu Văn phòng Tuyển dụng và Thông tin Vệ binh Thụy Sĩ, Bernhard Messmer.

Sau quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018 về việc tăng số lượng Vệ binh Thụy Sĩ từ 110 lên 135, “nhu cầu tuyển dụng tân binh đã tăng lên”, thông cáo cho biết quá trình tuyển dụng “phải được hỗ trợ bởi công tác quan hệ công chúng tích cực hơn”.

Theo thông cáo, việc thúc đẩy 'quan hệ công chúng mới' của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ sẽ bao gồm việc tạo ra một đầu mối liên hệ trực tiếp với Truyền thông Thụy Sĩ, và công bố tốt hơn các hoạt động và thực thể trực thuộc Lực lượng Bảo vệ.

Trong vài năm qua, Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã cố gắng thay đổi nhận thức rằng những người nhập ngũ chỉ đơn thuần là một yếu tố nhằm thu hút khách du lịch tại Vatican, khi các du khách nước ngoài chụp ảnh bên cạnh đồng phục sặc sỡ và mũ lông vũ của họ.

Thay vào đó, Lực lượng Bảo vệ đã tìm cách nhấn mạnh các thành viên được huấn luyện quân sự và tháp tùng Đức Giáo Hoàng ở mọi nơi ngài đi, kể cả trong các chuyến công du nước ngoài.

Các tân binh được tuyên thệ nhậm chức hàng năm vào ngày 6 tháng 5, đánh dấu ngày vào năm 1527 khi 147 Vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Thất trong cuộc bao vây thành Rôma. Chỉ có 42 lính canh sống sót sau vụ thảm sát, và ngày tuyên thệ được chọn đặc biệt như một lời nhắc nhở về những gì họ phải sẵn sàng hy sinh khi tuyên thệ bảo vệ và phục vụ Đức Giáo Hoàng.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.
Source:Crux