1. Các quan chức Nga gọi nhập ngũ một tín hữu Chính Thống Giáo đã qua đời

Theo một báo cáo của trang web tin tức địa phương Fontanka, Cha sở Bogdan Soiko của Nhà Thờ Thánh Nicolas tại St. Peterburg và cha mẹ của thủy thủ Mikhail đã hết sức ngạc nhiên khi trung tâm tuyển mộ nhập ngũ buộc anh ta phải trình diện nhập ngũ nếu không anh ta phải đối diện với việc bị truy tố và lãnh án tù.

Mikhail trước đây là một đầu bếp phục vụ trong nhà thờ chính tòa Thánh Nicolas và đã bị gọi nhập ngũ, phục vụ trên tàu tuần dương Moskva. Ngày 14 tháng Tư vừa qua, con tầu đã bị đánh chìm và thủy thủ Mikhail được tường trình đã mất tích.

Gia đình và giáo xứ không hy vọng anh ta sống sót, và họ đã thường xuyên cử hành các thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn anh ta.

Đầu tháng 11 vừa qua, một trung tâm tuyển mộ nhập ngũ ở St. Petersburg đã đưa ra thông báo cho Mikhail.

“Bạn có thể bị truy tố nếu bạn không xuất hiện tại thời gian và địa điểm đã chỉ định mà không có lý do chính đáng,” lệnh gọi nhập ngũ viết.

Lệnh động viên do Putin đưa ra vào ngày 21 tháng 9 là lệnh động viên đầu tiên của Nga kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Biến cố này đã gây ra sự hỗn loạn và tức giận trên khắp đất nước, khi có tin tức cho biết chính quyền địa phương đang gửi lệnh động viên cho những người Nga đã chết hoặc những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Đã có báo cáo về ít nhất hai người đàn ông mù ở Nga được kêu gọi tham gia chiến đấu ở Ukraine, cũng như báo cáo về một người đàn ông 63 tuổi mắc bệnh tiểu đường và chấn thương não nặng.

Fontanka cho biết gia đình Mikhail đã mất liên lạc với anh kể từ tối 13 tháng Tư, là ngày Ukraine bắn hai hỏa tiễn hành trình Neptune vào tàu tuần dương hạm có thủy thủ đoàn khoảng 500 người, khiến con tàu chìm sau vụ hỏa hoạn.

Chính quyền địa phương ở St Petersburg nói rằng lệnh gọi Mikhail nhập ngũ có lẽ là một “sai lầm” gây ra bởi số lượng lớn lệnh gọi nhập ngũ được gửi kể từ khi bắt đầu lệnh động viên vào tháng Chín. Mikhail Kalinin, phát ngôn nhân của chính quyền khu vực cho biết: “Nếu sự thật về sai lầm được xác nhận, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tạ lỗi với người thân của anh ta”.

Hiện vẫn chưa rõ số lượng chính xác các thủy thủ thiệt mạng trong vụ chìm tàu Moskva. Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 4 cho biết một nhân viên phục vụ đã chết và 27 thành viên thủy thủ đoàn khác mất tích sau những gì Mạc Tư Khoa cho là một vụ nổ đạn dược do hỏa hoạn trên tàu gây ra. Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đã đưa tin rằng số lượng binh sĩ mất tích cao hơn rất nhiều.

Tháng trước, một tòa án ở Crimea do Nga sáp nhập đã thừa nhận cái chết của 17 thủy thủ mất tích, chủ yếu là lính nghĩa vụ trẻ tuổi, sau khi gia đình họ ra tòa yêu cầu câu trả lời.

Vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, Putin tuyên bố rằng việc huy động một phần sẽ hoàn thành “trong khoảng hai tuần”. Vào ngày 28 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu nói với Putin rằng việc điều động đã hoàn thành. Vào ngày 31 tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố thứ hai liên quan đến việc hoàn thành việc huy động, trong đó báo cáo rằng các lệnh gọi nhập ngũ không còn được đưa ra nữa. Vào ngày 31 tháng 10 năm 2022, Putin thông báo rằng việc huy động “chắc chắn” đã hoàn thành. Vào ngày 1 tháng 11 năm 2022, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại rằng việc huy động đã hoàn tất.

Thực tế là gia đình của đầu bếp xấu số Mikhail nhận được lệnh gọi nhập ngũ vào ngày 4 tháng 11, ba ngày sau thông báo việc huy động đã hoàn tất.
Source:The Guardian

2. Đức Tổng Giám Mục Ukraine nói với Đức Giáo Hoàng rằng Nga muốn tiêu diệt chứ không phải đàm phán

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đàm phán để chấm dứt chiến tranh, nhưng người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nói với ngài rằng Nga chỉ muốn hủy diệt Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 tại Vatican, đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi Nga bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng Hai, mặc dù hai vị đã nói chuyện qua điện thoại nhiều lần.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trao cho Đức Giáo Hoàng “một mảnh vỡ của một quả mìn Nga đã phá hủy mặt tiền của nhà thờ Công Giáo Ukraine ở thị trấn Irpin, gần Kyiv, vào tháng Ba,” văn phòng Đức Tổng Giám Mục cho biết. “Đó là một món quà rất mang tính biểu tượng, không chỉ vì Irpin là một trong những 'thị trấn tử vì đạo' đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine, mà còn vì những mảnh mìn tương tự được lấy ra từ thi thể của binh lính, dân thường và trẻ em Ukraine, là một dấu chỉ hữu hình của sự tàn phá và chết chóc mà chiến tranh mang lại mỗi ngày. “

Trở về Vatican từ Bahrain vào ngày 6 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên đi cùng ngài rằng Vatican “thường xuyên chú ý” đến những gì đang xảy ra ở Ukraine và rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp tục làm những gì có thể và đã làm việc ở hậu trường để giúp sắp xếp trao đổi tù nhân.

Đức Giáo Hoàng cũng nói với các phóng viên rằng ngài nghĩ sự tàn khốc của các cuộc tấn công vào Ukraine và dân thường của quốc gia này là do những người lính đánh thuê, không phải người Nga, những người là “một dân tộc vĩ đại” và có một “chủ nghĩa nhân đạo” mạnh mẽ. Thực ra, những người lính đánh thuê cũng chủ yếu là người Nga và các cuộc pháo kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng và dân thường Ukraine là do các tướng lĩnh Nga quyết định. Tất cả những điều này vượt quá xa thẩm quyềb của những người lính đánh thuê.

Gặp Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cam kết của Tòa Thánh trong việc chấm dứt chiến sự và tìm cách đạt được “một nền hòa bình công bằng”, văn phòng tổng giám mục cho biết.

“Cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến thuộc địa, và những đề xuất hòa bình đến từ Nga là những đề xuất nhằm bình định thuộc địa”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Giáo Hoàng. Những đề xuất này liên quan đến việc phủ nhận sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa của họ và thậm chí cả Giáo hội. Đó là sự phủ nhận chính quyền tồn tại của nhà nước Ukraine, được cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Bất kể có các khác biệt sâu sắc về quan điểm, Đức Tổng Giám Mục cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì tất cả những lời cầu nguyện và nỗ lực của ngài “để ngăn chặn chiến tranh và đạt đến hòa bình, giải phóng con tin và tù nhân và tổ chức sự đoàn kết toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo thay mặt cho những người dân Ukraine đang đau khổ”, tuyên bố cho biết.
Source:Sunday Visitor

3. Hồng Y người Pháp nói rằng ngài đã lạm dụng một bé gái 14 tuổi 35 năm trước

Hồng Y Jean-Pierre Ricard, một trong những giáo sĩ cấp cao nhất của Giáo Hội Công Giáo của Pháp, hôm thứ Hai cho biết ngài đã lạm dụng một bé gái 14 tuổi cách đây 35 năm và đang rút lui khỏi các chức vụ tôn giáo của mình.

Hồng Y Ricard cho biết: “Ba mươi lăm năm trước, khi tôi còn là một linh mục, tôi đã cư xử một cách đáng trách với một cô gái trẻ 14 tuổi.”

“Hành vi của tôi chắc chắn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho người này,” ngài nói.

Hồng Y Ricard, 78 tuổi, từng là tổng giám mục của Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, cho đến khi ngài thôi giữ chức vụ đó vào năm 2019 để phục vụ tại giáo phận quê nhà Dignes-les-Bains, ở miền nam đất nước. Trong những năm 1980, ngài là một linh mục trong tổng giáo phận Marseille.

Thông báo được đưa ra hôm thứ Hai tại một cuộc họp báo của chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort.

Đức Cha Moulins-Beaufort cho biết tổng cộng 11 giám mục và cựu giám mục, bao gồm cả Hồng Y Ricard, đã bị tấn công bởi các cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục trong các trường hợp đa dạng do cơ quan tư pháp hoặc Giáo Hội Pháp điều tra.

Hồng Y Ricard cho biết ngài đã nói chuyện với nạn nhân và xin cô tha thứ, nhưng không nói rõ là khi nào. Vị Hồng Y nói rằng ngài cũng đang cầu xin sự tha thứ “cho tất cả những người tôi đã làm tổn thương” thông qua tuyên bố của mình.


Source:AP