Giáo Huấn Công Giáo Về Luyện Tội Có Nền Tảng Kinh Thánh Không?

Cần lưu ý bốn Nguyên Tắc Kinh Thánh trong giáo lý Công Giáo:

1. Nguyên tắc thứ nhất: Vẫn cần một sự thanh tẩy cho tội lỗi, cho dù con người đã được tha tội, và đôi khi công lý, bao gồm hình phạt và lòng thương xót hay ân sủng, xảy ra cùng một lúc.

Theo sách Samuel II (12:13-18): “Bấy giờ Ða-vít nói với Na-than: ‘Tôi đã phạm tội chống lại Chúa.’ Và Na-than nói với Ða-vít: ‘Chúa cũng đã bỏ qua tội của vua; vua sẽ không phải chết. Tuy nhiên, vì hành động này, vua đã hoàn toàn khinh thường Chúa, nên con trẻ được vua sinh ra sẽ phải chết.’ Và Chúa đã khiến đứa con mà vợ Uriya đã sinh ra cho Ða-vít, ngã bịnh…. Đến ngày thứ bảy thì đứa trẻ chết.”

Máccabê II (6:12-13; 16): “Vậy tôi khuyến khích những ai đọc được sách này, đừng nản lòng trước những bất hạnh, nhưng hãy lưu tâm rằng, các hình phạt ấy không phải để gây tai họa, nhưng chỉ để sửa phạt dân tộc của chúng tôi. Vì thực ra, đó là một ân huệ lớn lao khi những kẻ bội tín phải bị sửa phạt ngay tức khắc, còn hơn là để chúng nhởn nhơ lâu dài… Cho nên Đức Giavê chẳng bao giờ rút lại lòng thương xót của Ngài đối với chúng tôi. Mặc dù Ngài lấy bất hạnh mà sửa phạt, Ngài không bỏ dân của Ngài.”

Trong Tông Thư “Salvifici Doloris” (Sự Đau Khổ Cứu Rỗi) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài cũng trích các câu Kinh Thánh này, và rằng: “Lòng thương xót của Chúa sửa phạt để giúp chúng ta cải đổi.”

J. Budziszewski, một giảng sư triết học của Đại Học Texas (UT) ở Austin, Mỹ, đã chỉ ra rằng công lý bao gồm cả hình phạt và lòng thương xót, và cả hai đều có thể là đạo đức (virtue). Tuy nhiên, kẻ soạn bài này, nghĩ rằng, trong nền văn hóa (Tây phương) ngày nay, người ta đã diễn giải đến độ cực đoan về lòng thương xót mà chẳng còn chỗ nào cho công lý. Họ đã nhân danh lòng thương xót để thản nhiên dung túng các tội phạm, tệ hơn nữa là đã biến sai thành đúng. Trong khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ở Thông Điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng của sự sống) của ngài, đã nhắc đến một “nền văn hóa của sự chết.”

2. Nguyên tắc thứ hai: Không có sự ô uế nào, không có điều gì còn vướng vết nhơ sửa sự tội, mà được vào nước Thiên Đàng.

Sách Khải Huyền (21:27) “Không có gì ô uế, hay bất cứ người nào làm điều quái gở, gian tà, sẽ được vào Thiên Đàng, nhưng chỉ có những ai mà tên của họ đã được ghi trong Sổ Sự Sống của Chiên Con…”

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu (5:48): “Nên, các con phải nên trọn hảo, như Cha các con ở trên trời là Ðấng Trọn Hảo.”

3. Nguyên tắc thứ ba: Có một cách, một tiến trình, qua đó, thần khí (spirit - có thể hiểu là linh hồn) của những người công chính được trở nên trọn hảo.

Thư gửi các tín hữu Do Thái (12: 22-23): “Nhưng anh em đã tiến đến núi Sion và thành phố của Thiên Chúa hằng sống; Giêrusalem thiên quốc… và Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người; thần khí (linh hồn) của những người công chính đã được trở nên trọn hảo.”

Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô (3:13-15): “Công việc của mỗi người sẽ được biểu lộ: vì Ngày (phán xét) sẽ lộ ra tất cả, nó sẽ được mặc khải trong lửa; và lửa sẽ thử nghiệm loại công việc của mỗi người đã được hoàn tất như thế nào. Nếu công việc của bất cứ ai bị lửa thiêu hủy, người đó sẽ bị thiệt hại, tuy người ấy sẽ được cứu rỗi, nhưng vẫn như phải trải qua lửa. Còn công việc của ai vẫn tồn tại, người ấy sẽ được trọng thưởng.”

Có nơi nào mà một người, sau khi chết, phải chịu thiệt hại, như qua lửa, nhưng vẫn được cứu rỗi, Hỏa Ngục chăng? Không, vì khi đã vào đó thì chẳng bao giờ được ra. Thiên Đàng ư? Không, không ai phải chịu thiệt hại trên Thiên Đàng. Vậy nơi đó, chỉ có thể là một nơi thứ ba, mà Giáo Hội Công Giáo gọi là LUYỆN TỘI.

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu (12:32): “Và kẻ nào nói lời xúc phạm đến Con Người, kẻ đó sẽ vẫn có thể được tha; nhưng kẻ nào nói xúc phạm đến Thánh Thần, kẻ ấy sẽ không được tha, vào thời này cũng như vào thời sẽ đến."

Malaki (3: 2-3): “Nhưng ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người hiện ra? Vì Người như lửa của thợ luyện kim, như bột tẩy của người thợ giặt. Người sẽ ngự mà luyện kim, mà lọc bạc. Người sẽ thanh luyện con cái Lêvi và đãi lọc chúng như vàng như bạc. Và chúng sẽ là những kẻ tiến dâng lễ vật cho Giavê đúng theo lễ nghĩa.”

Giacaria (13: 8-9): “Sẽ xảy ra là trên toàn xứ, hai phần ba sẽ bị chặt bỏ và tiêu diệt, và một phần ba sẽ được chừa lại. Ta sẽ đem một phần ba ấy vào lửa, Ta sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, Ta sẽ thử chúng như người ta thử vàng. Phần chúng, chúng sẽ kêu khấn Danh Ta, và Ta, Ta sẽ nhậm lời của chúng. Ta đã nói: ‘Chúng là dân của Ta!’ Còn chúng, chúng sẽ nói: ‘Giavê là Thiên Chúa của chúng tôi!’"

4. Nguyên tắc thứ bốn: Có một nơi, hay một tình trạng hiện hữu, khác với Thiên Đàng hay Hỏa Ngục.

VIỆC THA THỨ TRONG THỜI SẼ ĐẾN. Chúng ta phải đến đâu để được tha thứ trong thời sẽ đến? Thiên Đàng? Ở đấy, chúng ta không còn cần phải được tha thứ nữa. Hỏa Ngục? Nơi đó không bao giờ còn có sự tha thứ. Vậy, phải có một nơi khác, và nơi đó, người Công Giáo gọi là LUYỆN TỘI.

Tóm tắt bốn nguyên tắc nói trên: (1) Hậu quả của sự tội vẫn tồn tại, ngay cả khi một người đã được tha thứ, và đôi khi hình phạt cùng ân sủng đi đôi với nhau. (2) Chúng ta phải trở nên trọn hảo như Thiên Chúa Cha là Đấng Trọn Hảo, vì không có sự ô uế nào sẽ vào được nước Thiên Đàng. (3) Có một cách nào đó, một tiến trình nào đó, khiến thần khí (linh hồn) của những người công chính được trở nên trọn hảo. (4) Có một nơi, ngoài Thiên Đàng hay Hỏa Ngục, mà người ta có thể thanh tẩy, như thể qua lửa, để đạt được sự trọn hảo, đó là LUYỆN TỘI.

Những câu Kinh Thánh kể trên đã giúp chúng ta hướng về một kết luận hiển nhiên: Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự hiện hữu của Luyện Tội đã có sẵn trong Kinh Thánh.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(Tóm tắt từ bài của John Martignoni)