LM Nguyễn Trung Tây
Mùa Hy Vọng


Mùa Vọng, mùa của trông ngóng đợi chờ nhắc nhở người Việt Nam sự tích Hòn Vọng Phu. Theo như câu truyện, người chồng lên đường chinh chiến phương xa, người vợ ở nhà trông ngóng đợi chờ. Cuối cùng nàng bế con leo lên núi, mắt dõi nhìn, tìm kiếm hình ảnh người chinh phu. Nhưng rất tiếc, chàng không về. Và nàng, trên tay bồng con thơ, hóa thành tượng đá Hòn Vọng Phu.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai?


Ngày xưa trên đỉnh núi cao, cô phụ đứng đó, ngóng trông đợi chờ, hy vọng nhìn thấy bóng dáng chinh phu. Ngày hôm nay, trong suốt bốn tuần lễ của Mùa Vọng, chúng ta làm Hòn Vọng Phu mong đợi hình dạng chinh phu Ngôi Lời Nhập Thể; chúng ta hy vọng chinh phu Ngôi Lời sẽ hiện thân trong hình dạng của một trẻ thơ nhập thể vào trong máng cỏ lòng của chúng ta. Bởi thế, Mùa Vọng cũng chính là Mùa Hy Vọng.

Hy vọng không phải là một danh từ trừu tượng xa lạ. Hy vọng là một danh từ của hiện tại nhưng chỉ về tương lai. Bởi hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, những nhọc nhằn và phiền muộn của ngày hôm nay được xoa dịu và trở nên bớt nhọc nhằn, bớt phiền muộn hơn.

Bởi hy vọng vào tương lai, cách sống của một người trong giây phút hiện tại có thể thay đổi. Bởi hy vọng vào một tương lai với nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, thay vì say mê ngồi dán mắt vào màn ảnh TV hoặc ngớ ngẩn ngồi chatting hơn ba bốn tiếng đồng hồ, học sinh và sinh viên thức đêm học bài, thức khuya làm homework cho những điểm A. Bởi hy vọng con cái của mình sẽ có một mớ kiến thức vững chắc hơn để làm hành trang đi vào tương lai, có nhiều cặp vợ chồng Việt Nam hy sinh ngày nắng cũng như ngày mưa cày hai jobs để có nhiều tiền gửi con mình vào những trường trung học tư thục mắc tiền. Bởi thế, ngày thứ Bẩy tuyết đổ cao tới cửa sổ, họ cào tuyết, lái xe ra xa lộ vắng tanh đi làm; ngày Chúa Nhật mưa rào, họ đội dù ra bến xe bus đón xe đi làm luôn.

Trong phạm trù tôn giáo, khái niệm hy vọng có một vị thế cũng khá quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Bởi hy vọng, người tín hữu có thể sẽ thay đổi lối sống đạo của chính mình. Một người lực sĩ chạy 100 mét của đại hội Thế Vận Hội Olympics, bởi hy vọng đoạt được huy chương vàng vô địch quốc tế, người lực sĩ sáng chiều luyện tập đôi chân, đêm ngày chạy bộ trong vận động trường. Người thương gia buôn ngọc trong Mátthêu 13:44-46, sau khi khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình sở hữu để chiếm cho bằng được viên ngọc quý giá. Ngược lại, người nhà giầu trong Luca 16:19-31 không có niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau. Bởi thế ông ta tiếp tục lối sống ích kỷ, tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước người hàng xóm ghẻ lở đầy mình đang nằm lăn lóc trước cửa nhà. Một cách tương tự, nếu không phải vì sợ mất cõi Thiên Đàng, nhưng mà là hy vọng đoạt được huy chương vàng của Đại Hội Olympics trên Nước Trời, cung cách sống đạo của người Kitô hữu cũng sẽ hoàn toàn đổi khác.
Có những người Kitô hữu giữ đạo trong tâm tình sợ hãi. Họ sợ Thiên Chúa phạt rớt xuống hỏa ngục. Họ sợ chết mất linh hồn. Họ sợ mai này chết đi, giơ tay ra gõ cửa thiên đàng, thánh Phêrô đứng bên trong ngoảnh mặt làm ngơ. Trong tâm tình sợ phải ngồi đếm và bóc lịch đời đời kiếp kiếp a-men ở trong cõi khóc lóc và nghiến răng ken két, họ nhọc nhằn đi xem lễ ngày Chúa Nhật, họ cố gắng nhịn miệng kiêng thịt vào ngày thứ Sáu mùa Chay, xưng tội trong Mùa Vọng. Tất cả những điều vừa liệt kê ở trên đây đều đúng, không có gì sai trái. Nhưng thật sự ra họ làm những điều này là bởi vì sợ, sợ chết rớt xuống hỏa ngục! Và nếu đúng là bạn và tôi sợ bị phạt rớt xuống hỏa ngục, chúng ta đang giữ đạo chứ chúng ta không sống đạo.

Một người chỉ giữ luật, nếu biết rằng không có ai đang theo dõi hành động của mình, người này sẽ xé rào phá luật. Trong khi đang lái xe, nếu không thấy bóng dáng của cảnh sát tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người giữ luật sẽ sẵn sàng vượt đèn đỏ. Ngược lại, một người sống với luật, họ sẽ có thái độ tích cực hơn trong khi đang lái xe. Dù có hay không có bóng dáng của cảnh sát, họ vẫn tuân giữ điều luật căn bản của đèn xanh đèn đỏ, của vận tốc tối đa trên freeway, bởi vì họ tôn trọng luật pháp. Đèn đỏ bật sáng, họ ngừng lại ngay, bởi vì họ quan tâm đến an toàn xã hội và sinh mạng con người. Họ biết, nếu vượt đèn đỏ, họ có thể gây ra tai nạn, cản trở giao thông, và giết hại nhiều người.

Tương tự như vậy, nếu sống đạo, chúng ta sẽ tích cực hơn trong đời sống đức tin. Khi sống đạo, chúng ta đi lễ Chúa Nhật vì yêu Chúa, vì muốn được tạ ơn Ngài cho một tuần lễ vừa trôi qua trong thanh bình và trong hạnh phúc. Và ngay cả nếu một tuần vừa qua là một tuần lễ khá nhọc nhằn với nhiều thất bại với nhiều nước mắt nhỏ giọt tuôn rơi, chúng ta vẫn tạ ơn Chúa cho những nhọc nhằn và thất bại này, bởi vì chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa quyền năng. Khi sống đạo, chúng ta cẩn thận chọn lựa lời ăn tiếng nói và phương cách hành xử với tha nhân, bởi vì chúng ta hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ hóa thành con dê, nhưng mà là con chiên của dụ ngôn Ngày Phán Xét (Matt 25:31-46). Để rồi, đến ngày cuối đời, chúng ta hy vọng sẽ được đứng bên tay phải của Thiên Chúa, là phía của những con chiên.

Ngược lại, nếu chỉ giữ đạo vì sợ rớt xuống hỏa ngục, nếu không có người để ý theo dõi, chúng ta sẽ sẵn sàng nhổ rào đi hoang ngay. Cho nên hy vọng vào đời sống Thiên Đàng là một phương cách sống đạo mà chúng ta có thể bắt đầu thực hành trong tâm tình của hy vọng chinh phu Ngôi Lời nhập thể. Bởi chúng ta hy vọng vào nước Thiên Đàng, chúng ta sẽ làm tất cả mọi thứ, bằng mọi giá để chiếm lấy được huy chương vàng 24 carat của Nước Trời, tương tự như người lực sĩ chạy 100 mét của Thế Vận Hội Olympics hoặc người thương gia buôn ngọc. Người lực sĩ Olympics và người thương gia buôn ngọc trong câu chuyện dụ ngôn đã từng hy vọng chiếm được huy chương vàng và viên ngọc quý. Và bởi niềm hy vọng này, cả hai quyết định không ngồi hoặc nằm đợi chờ sung rụng; nhưng cả hai làm tất cả mọi thứ để biến giấc mơ của họ trở thành sự thật.

Ngày xưa người thiếu phụ bế con đứng trên đỉnh núi dõi mắt tìm kiếm, hy vọng người chinh phu quay về. Nhưng chàng không về, để người thiếu phụ và người con mỏi mòn chết đi hóa thành tượng đá. Ngày hôm nay chúng ta đang ở trong bốn tuần lễ của trông ngóng, đợi chờ chinh phu Ngôi Hai sẽ hiện thân làm người và định cư trong máng cỏ lòng của tâm hồn chúng ta. Không như người chinh phu của Hòn Vọng Phu, chinh phu Ngôi Lời chắc chắn sẽ quay về. Điều quan trọng là chúng ta đã chuẩn bị máng cỏ lòng để người chinh phu ngự vào hay chưa? Một trong những cách chúng ta có thể dọn máng cỏ lòng cho chinh phu Ngôi Lời là hãy thôi GIỮ đạo, nhưng SỐNG đạo.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, xin dạy chúng con hy vọng vào giây phút diện kiến Hoàng tử Bình An ngự đến trong máng cỏ lòng của từng tâm hồn.□
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)