27. MẤT TIÊU THỂ DIỆN

Thời Tam quốc, người trong đô thành Hàm Đan nước Triệu có tư thế rất đẹp khi đi bộ.

Có một thiếu niên ở Thọ Lăng nước Yên nghe nói thế, bèn không ngại đường xa vạn dặm đến Hàm Đan để học cách đi bộ.

Kết quả, không những học không thành, mà ngay cả tướng đi trước kia của mình cũng quên mất tiêu, cuối cùng chỉ có cách là bò mà trở về nhà.

(Trang tử)

Suy tư 27:

Tôi có một người quen vượt biên qua Mỹ khi tuổi đã hơn ba mươi, qua Mỹ khoảng 5 năm thì về thăm quê hương Việt Nam, chuyện như thế là chuyện thường tình, nhưng cái đáng nói ở đây là khi trở về Việt Nam, thì “quên” mất tiếng Việt, ai hỏi gì cũng làm như không biết gì, sau đó người nhà nói là quên mất tiếng Việt rồi ! Bà con ai cũng cười!

Thể diện là cái bề ngoài, cái vỏ bên ngoài của một con người có thế giá hoặc không thế giá; sĩ diện cũng được gọi là tự ái, ai cũng có tự ái và ai cũng có sĩ diện. Nhưng sĩ diện đúng chỗ và tự ái đúng lúc thì làm cho bản thân được mọi người nể trọng, bằng không thì chỉ làm trò cười cho mọi người.

Có người có bộ mặt bên ngoài (thể diện) nhưng lại không có cái thực chất bên trong, nên trở thành giả dối, lừa bịp người khác; có người có bên trong mà không có bên ngoài nên dễ gây hiểu lầm cho người khác.

Cứ sống cách thành thật, không vì sĩ diện mà tự lừa dối mình và người khác; phá vỡ đi cái đạo mạo và trịch thượng bên ngoài để thực chất bên trong được tự do mĩm cười, thân thiện với anh chị em, đó chính là bộ mặt thật của một tâm hồn biết yêu mến thật vậy.

Đức Chúa Giê-su đã từng quở trách những người Pha-ri-siêu là “thứ giả hình”, là “cái mả tô vôi”, tức là những người sống vì thể diện và vì sỉ diện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info